The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10/27
gười bạn tên là Tùng kéo tôi tới góc sân trường. Anh ta phân vân một lát rồi hỏi tôi:
- Bạn có thể giúp tôi một việc không?
- Việc gì?
- Tôi có một tâm sự buồn bã, chỉ bạn mới giúp được tôi.
- Sẵn sàng.
- Tôi kể bạn nghe bạn giữ kín hộ.
- Tôi hứa.
- Ngót tháng nay, tôi đến lớp sớm nhất, tôi mê cô Phượng bạn ạ! Mỗi sáng tôi đều bỏ vào ngăn bàn Phượng một bức thư tình, tôi không dám ký tên tôi.
- Rồi sao?
- Tôi dặn Phượng có trả lời tôi xin cứ để thư ở ngăn bàn, tôi sẽ lấy.
- Cô Phượng đã trả lời bạn chưa?
- Chưa. Nhưng thư của tôi không còn ở ngăn bàn. Tôi nghĩ Phượng đã nhận và mang về làm kỷ niệm.
- Bạn chắc chứ?
- Nếu cô Phượng không mang về cô ấy đã xé nát và sẽ viết thư mắng mỏ tôi để lại ngăn bàn. Tan học, tôi tha thẩn ngoài phố, chờ lớp vắng học mới trở vào tìm thư. Không có gì cả. Tôi muốn khóc.
- Bạn muốn tôi giúp điều gì.
- Bạn lợi hơn tôi nhờ ngồi bàn nhì nên bạn quen thân với Phượng, bạn để ý giùm tôi xem sao.
Tình đã cầm dao đâm nhiều mũi vào trái tim tôi. Tôi đau nhói và mơ hồ thấy máu tươi tuôn ra. Tôi còn mơ hồ thấy trái tim tôi nhầu nát như một chiếc hoa gạo rơi từ trên cao xuống đất. Nhưng tôi nghiến răng chịu đau. Tôi nói, có chút hờn ghen pha trộn:
- Bạn muốn đổi chỗ ngồi không?
Tùng lắc đầu:
- Muộn rồi.
Tôi cười nhạt:
- Nếu tôi là bạn, tôi hỏi thẳng cô Phượng xem đã nhận được thư của tôi chưa, tại sao không trả lời.
Tùng chê tôi:
- Bạn Chương, bạn học rất giỏi nhưng về tình yêu bạn rất dốt. Những thằng học giỏi thường ngu dốt tình yêu. Tôi biết chắc chắn bạn không yêu Phượng nên bạn mới quen nàng một cách dễ dàng. Nếu bạn yêu nàng, bạn sẽ hành động giống tôi. Không ai biết rõ được tình yêu. Chỉ biết hình như là tình yêu thôi.
Tôi gật gù ngạo mạn:
- Hình như tình yêu của bạn mờ mịt đấy. Hình như bạn cũng chưa biết yêu. Hình như yêu một người ta không nên khoe khoang. Tuy thế, tôi sẽ giúp bạn.
Hình như Tùng nói đúng. Hình như tôi yêu Phượng và hình như Phượng không biết tôi yêu nàng. Buổi học hôm ấy tôi không thèm ngắm mái tóc Phượng. Tôi cứ thả mắt qua khung cửa sổ. Hình như một khoảng trời nhỏ của tôi đầy đặc mây đen. Gần hết giờ, tôi xin phép thầy về sớm. Tôi không thích về học sóng đôi với Phượng. Tại sao Phượng không chịu xé nát những bức thư của Tùng? Tại sao Phượng mang về cất đi làm kỷ niệm? Tôi lạc lõng vào hai câu hỏi quái ác đó. Tôi bị hai câu hỏi quái ác đó hành hạ. Tôi nghiến răng giận hờn và, có phút cay đắng, tôi đã buột miệng đọc hai câu thơ của Nguyễn Bính:
Một trăm con gái thời nay ấy
Ðừng nói ân tình với thủy chung
Tôi không thể là Tú Uyên. Tôi chỉ là Lục Vân Tiên bị mù, bị cha con Vũ Thái Loan "tham đó bỏ đăng" đánh lừa đem nhốt vào hang đá núi Xương Tòng "sâu thăm thẳm mịt mùng khó ra". Chiều xuống thê lương. Nắng vàng đã hết gây nhớ nhung. Nắng vàng lên mầu phản bội. Tôi cảm khái, khẽ ngâm:
Bích Câu đâu nữa bóng chàng Uyên
Sông núi phôi pha bặt tiếng huyền
Có lẽ hồn ta không đẹp nữa
Bút thần thôi vẽ nét thiên duyên
Có lẽ hồn tôi không đẹp nữa. Có lẽ phải trốn học đều đều, phải bắt chước người du tử tỉ tê trên những đoạn đường phiêu bạt "Chiều nay biết về nơi đâu, Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu"... Nhưng tôi chưa nên đi. Tôi cần làm Kỳ Phát. Tôi cần hút nhiều thuốc lá. Tôi cứ hút. Tôi không sợ ho lao. Tôi thích ho lao, thích nằm trên giường bệnh một nhà thương phước thiện như Ðặng Thế Phong nghe mưa thu tí tách ngoài hiên mà buồn mà ứa nước mắt mà viết bản Giọt mưa thu bất hủ rồi trào máu ra và chết. Trước khi ho lao, hãy làm Kỳ Phát điều tra vụ thư tình trong ngăn bàn học. Sáng hôm sau, tôi dậy lúc bốn giờ. Tôi đến trường vừa lúc ông tùy phái thức. Vợ ông đã thổi xong nồi bánh hấp. Tôi vào nhà ông tùy phái, mua bánh hấp ăn. Ăn xong, uống cà phê đen (không thèm cà phê sữa, tôi đang đen tình) và hút thuốc lá. Ông tùy phái lạ lùng lắm. Ông hỏi lăng nhăng. Tôi trả lời ấm ớ. Một bóng đen xuất hiện ở sân trường. Nó đi nhanh vào lớp tôi. Tùng đó. Nó trở ra vội vàng rồi biến mất. Tôi hành động liền. Tóm được ngay một bức thư tình.
Tôi bóp chặt bức thư. Nếu bức thư có cổ, chắc nó đã gẫy xương cổ. Nếu bức thư biết thở, chắc nó ngạt thở, chết toi rồi. Mày làm ông khổ sở, ông sẽ làm mày điêu đứng. Tôi vo tròn bức thư, nhét vô túi và lủi thủi trở về. Buổi học hôm đó, dĩ nhiên, tôi vào lớp muộn. Gần giờ ra chơi, tôi xin phép ra trước. Tan học, tôi về sớm mười lăm phút, đứng núp ở gốc cây ngoài phố. Phượng quay xuống hỏi tôi vài lần trong giờ học, tôi lặng thinh. Nàng ném thông điệp, tôi không đọc, không bỏ vào miệng nhai, nuốt đi nhưng tôi cất kỹ. Tôi chờ xem tình địch của tôi dở trò gì. Tùng dời cổng trường rất trễ. Khuôn mặt anh ta buồn thiu. Tôi mỉm cười khoái chí. Mi sẽ biết tay ta. Ai bảo mi dám yêu Phượng. Một tuần liền, tôi đóng vai thám tử Kỳ Phát, tịch thu của địch sáu bức thư tình. Tôi không dám đọc. Sợ đọc tôi sẽ phát điên. Phượng không hiểu tại sao tôi lạnh nhạt với nàng. Phượng gửi thông điệp, hỏi hàng ba chục lần:"Phượng có lỗi gì với anh mà anh giận Phượng lâu thế"? Tôi không trả lời. Sang tuần lễ thứ hai, Phượng gửi một thông điệp quan trọng: "Phượng sắp lên Hà Nội học, bỏ trường này, Phượng muốn nói chuyện với anh một lát". Ðọc thông điệp, tôi như ngây như dại. Tôi đành thua Phượng. Giờ ra chơi ngày thứ năm, tôi ở lại trong lớp. Phượng đổi thế ngồi để hai mái đầu có thể kề sát nhau.
Nàng hỏi:
- Anh giận Phượng, hở?
Tôi lắc đầu. Giọng tôi run run:
- Phượng sắp lên Hà Nội?
- Nếu anh giận Phượng.
- Tôi thề không giận Phượng. Tôi chỉ giận cái thằng tôi.
- Không giận Phượng tại sao đúng mười ngày, anh không thèm nói chuyện với Phượng?
- Tôi thấy ở ngăn bàn Phượng...
- Mỗi ngày một bức thư?
- Vâng.
- Và anh giận Phượng?
- Không.
Phượng nhìn tôi. Ðôi mắt ngập lụt thiết tha. Ðôi mắt ấy, mỗi lần tôi soi tôi vào nó là mỗi lần tôi thấy tôi khác lạ. Ðôi mắt Phượng như chiếc gương thần trong cổ tích. Khiến tôi không dám soi hồn tôi lâu. Tôi không sợ đôi mắt Phượng nuốt gọn linh hồn tôi. Mà sợ đôi mắt soi rõ mười ngày ghen hờn bóng gió. Ðôi mắt Phượng, đôi mắt huyền. Ðôi mắt huyền ơi! Hay chăng tôi yêu say sưa nồng nàn. Ðã mấy thu sang, cô em hững hờ tình tôi mong nhớ. Tùng sẽ hát câu đó chứ không phải tôi. Tôi hát: Nhớ đôi mắt dịu huyền, Ðôi mắt thầm mơ như nước hồ thu. Nhìn ai như muốn thu lấy tâm hồn... Càng nhìn càng xinh càng nhìn càng ưa như sao trên trời, càng nhìn càng mê càng nhìn càng thương càng nhìn càng yêu. Mắt huyền là hồn ai đó... Có lẽ tôi nên tập chơi lục huyền cầm Hạ uy di. Vì chỉ có tiếng đàn Hạ uy di tình tứ, nũng nịu mới diễn tả nổi chiều sâu thăm thẳm của đôi mắt mộng mơ. Tôi ngước nhìn qua khung cửa sổ. Khoảng trời xanh của tôi đã đủ sắc mây.
- Anh Chương!
- Dạ.
- Anh nói dối Phượng.
- Không.
- Thì thôi vậy. Nhưng Phượng mong anh đã nói dối Phượng. Anh đã đọc những bức thư bắt được trong ngăn bàn của Phượng chưa?
- Chưa.
- Anh đã xé nát chưa?
- Chưa.
- Anh hãy đọc đi, buồn cười lắm. Tác giả những bức thư này là một thiên tài. Ông ta gọi Phượng là cô nương, là ái khanh. Chúng mình ghét những ông vua, anh Chương còn nhớ chứ?
- Tại sao Phượng không chịu xé nát?
- Xé đi ông ta buồn ông ta không viết nữa thì Phượng lấy gì để cười. Phượng định gần cuối năm đóng lại thành một cuốn đặt giùm ông ta một cái tên, nhờ anh viết bài tựa rồi trả lại ông ta khuyên ông ta nên xuất bản.
Tôi cười thành tiếng. Cười như nắc nẻ. Cười chiến thắng. Phượng ngạc nhiên:
- Anh cười gì thế?
Tôi nói:
- Phượng nghịch ác quá.
- Phượng hỏi anh cười gì thế?
- Cười giả bữa.
- Như sau một trận ốm ăn giả bữa.
- Hình như thế...
- Tức là mấy hôm nay anh mếu máo, anh xuýt khóc, anh thèm cười mà không được cười?
- Sao Phượng biết?
- Vì anh giận Phượng.
Tôi nín thinh. Tôi sa vào cái bẫy êm ái. Tôi bỏ khoảng trời xanh đủ sắc mây của tôi. Ðể nhìn Phượng. Hai chúng tôi cùng cười.
- Rồi sao?
- Sao cái gì?
- Những bức thư gửi "cô nương" Hồng Phượng?
- Anh muốn Phượng xé nát?
- Không.
- Thế anh muốn Phượng làm chi đây? Gửi bán đấu giá nhé? Hay là đem triển lãm?
- Ðừng.
- Vậy Phượng tặng anh để anh học cách viết thư tình bỏ ngăn bàn một cô học trò nào đó, anh bằng lòng chứ?
Tôi ngượng ngùng quay sang chỗ khác:
- Sắp vào học rồi, Phượng ạ!
Tôi ra sân. Sân trường cơ hồ rợp hoa nở và rộn ràng chim hót. Thấy ở góc sân, Tùng ngồi hút thuốc lá. Không chừng sáng mai anh ta sẽ trốn học, sẽ lang thang trên bờ đê. Hỡi Tùng, anh đang khổ sở như tôi đã khổ sở, anh đang hút thuốc lá như tôi đã hút thuốc lá. Tôi thích người ta gọi thuốc lá là tương tư thảo. Cỏ tương tư. Người ta bầy đặt chuyện hút thuốc lá nhất định chẳng bao giờ để phổi vàng, phổi lao. Mà để giải buồn phiền cho những kẻ nặng lòng thương nhớ hay lận đận với tình yêu. Phượng thân ái, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp có một câu thơ thật dễ thương, thật học trò đời vua Hùng Vương, đời lấy Tình Yêu làm quốc sách nên mới có huyền sử Sơn Tinh và Thủy Tinh. Câu thơ ấy như thế này: Yêu nàng bao nhiêu người làm thơ. Phượng cho phép tôi sửa lại nhé! Yêu Phượng bao nhiêu người hút thuốc lá. Nhưng Phượng chỉ muốn tôi hút một giúm tương tư thảo khi nhớ đến một người trong một ngày. Hỡi Tùng, anh nói đúng, tôi lợi thế hơn anh vì ngồi ngay sau lưng Phượng. Anh đừng noi gương Thủy Tinh. Anh hãy hát bài Lời du tử.
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ