Số lần đọc/download: 1701 / 49
Cập nhật: 2016-01-26 07:37:56 +0700
Chương 10
T
ừ đó, thằng Út xách đồ theo thầy Tám học nghề. Nó ăn ở luôn trong nhà thầy. Khi nào không có nơi kêu thầy đi bơm tinh hay chữa bệnh cho bò, nó ở nhà làm từ đầu sớm tới tối khuya đủ thứ việc cực nhọc và không tên trong nhà do vợ thầy sai bảo. Bà vợ thầy căm ghét nó chỉ bởi nhà đông con, lớn có, bé có, thầy không chọn đứa nào theo phụ lại gọi thằng khùng con cái nhà trời ơi, việc không biết giúp được bao nhiêu nhưng nuôi cơm nó quanh năm ngày tháng là tốn đã. Hơn nữa, nó chính là đứa tặng cho chồng bà nhát chém để đời trên mặt. Vừa bất bình với chồng, vừa tiếc cơm, tiếc của, bà quyết vắt cho nó kiệt sức và lúc nào mắng chửi được thì rủa xả thật cay nghiệt cho bõ tức. Nhưng những ngày có nơi mời, được theo thầy, Út lại sướng như vua. Thầy Tám như vị cứu tinh của dân nuôi bò khắp vùng. Cả Long An, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa... đều biết tiếng thầy. Đi tới đâu là ăn ngon ngủ ấm. Không nơi nào kêu thầy đến không có nhậu. Tùy mức độ công việc và sự rộng hẹp của gia chủ mà cuộc nhậu lớn hay nhỏ. Út không thuộc hàng được ngồi nhậu cùng thầy nhưng chỉ khoản ăn theo cũng ngon lành hơn chục lần ở nhà. Nó lớn phổng trông thấy. Càng lớn càng đẹp trai, to xương, vạm vỡ. Nhưng vẫn là... thằng khùng. Thầy Tám không cần nó khôn. Thầy vẫn hay nói: cái vẻ khùng khùng dại dại của mày rất hợp với loài bò. Út tin thầy nói thật. Càng đi nhiều, tiếp thu nhiều kinh nghiệm của thầy, nó càng thấy nó với loài bò nói riêng và loài vật nói chung, bất kể quen hay lạ, đều luôn dễ thân thiện và có mối đồng cảm như thể nói chuyện được với nhau. Nhiều trường hợp bò bệnh, thầy chưa kịp quan tâm, Út chỉ đến sờ sịt, lẩm bẩm đôi câu, hoặc chỉ cho uống nước trắng, cho nhai mấy trái ổi xanh là bò khỏi bệnh, cứ như chính con bò đã nói với nó mình bệnh vì thiếu mấy thứ vớ vẩn này nọ. Còn vụ bơm tinh bò, mười lần Út được thầy Tám cho phép thực hiện thì cả mười lần bò mẹ sinh nở mẹ tròn con vuông và đặc biệt, đều trúng bê cái, con nào con nấy đều tốt giống, cho nhiều sữa. Thoạt đầu, thấy Tám cho đó là chuyện ngẫu nhiên, không quan tâm, suy diễn và gắn liền các sự kiện lại. Nhưng các gia chủ lại chú ý. Người nọ truyền miệng người kia. Người nói thằng Út mát tay, người nói nó chính là thầy bùa. Chuyện đến tai, thầy Tám mới để tâm quan sát và thừa nhận những cảm năng đặc biệt với loài vật của Út có giá trị thực hành hiệu quả vượt ra ngoài phương pháp chữa bệnh bằng kiến thức và kinh nghiệm thầy đang có. Song đó lại là điều không thể giải thích cho thiên hạ, không ít người vẫn tin chắc Út là thằng khùng, còn số người khác lại bán tín bán nghi nó là con của thánh. Tiếng đồn càng lan rộng, thầy Tám không những không đính chính mà còn tô vẽ phụ họa, thậm chí còn may cho nó bộ đồ đồng bóng để tăng thêm vẻ "thánh". Thầy và thằng Út thành cặp bài trùng âm dương, càng huyền bí lại càng đắt khách.
Theo thầy Tám được hơn bốn năm, khi Út bước sang tuổi mười bảy cũng là lúc miền Nam được giải phóng. Đàn bò khắp mấy vùng Gò Vấp, Long An, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai đang đông đúc bỗng sụt xuống, mười phần còn chưa tới một. Có gia chủ đi di tản, có gia chủ hoang mang bỏ nghề vì chính sách không phù hợp, vì các cơ sở thức ăn gia súc tan rã; có gia chủ bán bớt bò, chỉ giữ lại đôi con nghe ngóng tình hình, hai thầy trò gần như thất nghiệp. Thầy Tám khuyên thằng Út về nhà nhưng nó nhất định không chịu. Những ngày bị hắt hủi, bị ruồng rẫy giữa những người ruột thịt là vết đau quá đậm suốt thời thơ ấu, giờ đây chỉ nghĩ đến nó vẫn còn sợ.
Mười bảy năm sống trên cõi đời là cả mười bảy năm không quanh quẩn quanh chuồng bò nhà mình cũng quanh quẩn chuồng bò nhà người khác, đã tạo cho thằng Út thói quen không để tâm gì đến người, việc và đời sống bên ngoài chuồng bò. Chiến tranh hay hòa bình, quốc gia hay cộng sản, rồi chuyện miền Nam giải phóng hay đổi chính quyền, đất nước thống nhất... chẳng gây xao động nào trong nó. Thầy trò nó đang làm, không hết việc bỗng nhiên nghỉ chơi dài không ai gọi đi bơm tinh hoặc chữa bệnh cho bò, thầy nó bỗng nhiên bỏ thói quen cứ ra khỏi nhà là mặc bộ đồ ka ki vàng, kiểu sĩ quan quân đội Pháp, là hai sự kiện lớn nhất đối với nó. Kinh tế nhà thầy nó không có nguồn thu từ nghề của thầy, suy sụp thấy rõ. Ba đứa con lớn của thầy đi di tản không có tin tức gì. Vợ thầy và những đứa con nhỏ hoàn toàn xuôi tay trước thời thế. Bà không còn cay nghiệt với nó như trước. Thời gian đã khiến bà hiểu nó và hối hận về thái độ không phải của mình. Giờ đây, vẻ khùng khùng điên điên của nó lại được việc và là nguồn năng lực duy nhất nhặt nhạnh từng đồng từng cắc về đưa bà đi chợ mua gạo và thức ăn. Nó cứ đi lang thang ra những chợ trời mua bán đồ, không ai nhờ, cũng cứ lăn vào bốc vác, ai cho bao nhiêu cũng cầm. Nó khùng nên cũng không ai nỡ xử xấu.
Nhưng thời quá độ ấy chỉ kéo dài vài tháng. Vào buổi sáng cuối tháng bảy, một chiếc xe jeep biển số đỏ cắm cờ Giải phóng đậu xịch trước cửa nhà thầy Tám. Từ trên xe nhảy xuống là Bảy Thiện, mặt mày hớn hở. Cùng theo Bảy là người đàn ông, vai ngang, gầy ốm vận bộ đồ bộ đội, bên hông kè kè khẩu súng lục, cỡ tuổi ngót năm mươi, mặt giống ông Hai Rỡ như tạc. Lúc ấy, ngoài nhà chỉ có thằng Út và thầy Tám đang bận khiêng cái tủ thờ ra cửa để chờ mối đến mua.
Bảy Thiện dẫn người đàn ông xộc thẳng vào nhà.
- Khùng. Anh Hai về. - Thấy Út ngẩn ngơ chưa hiểu, Bảy cười hề hề nói như hét với thằng điếc. - Anh Hai đi cách mạng đã về. Ẳnh đến đón mày.
Người đàn ông được giới thiệu là anh Hai xởi lởi ôm chặt Út, nước mắt đầm đìa đôi hốc mắt gian nan:
- Em giống má nhiều hơn. - Gã bùi ngùi đẩy Út xa một khoảng để ngắm nghía. - Không thể tưởng tượng nổi sự quái gở của chủ nghĩa thực dân mới. Nhà có đàn bò mấy chục con mà để con trai đi ở đợ. Nhưng từ nay đổi đời rồi. Anh đánh xe tới đây để rước em về đấy Út.
Thầy Tám chưa kịp hoàn hồn, lập cập chìa tay về phía vị khách:
- Rất hân hạnh được làm quen với quý anh.
Vị khách nghiêm mặt, không đón nhận cái bắt tay làm thầy Tám sượng sùng cười như mếu.
- Anh là Tám thú y, kẻ gây ra cái chết của con Tư em tôi hả? - Vị khách chỉ mặt thầy Tám. - Rồi tôi sẽ nói chuyện riêng với anh sau.
Thầy Tám tái ngắt như gà cắt tiết, luống cuống lùi lại, nhủn chân gieo phịch xuống chiếc đi-văng mút bọc len.
- Không... không phải tôi... Quý anh hiểu nhầm...
- Được rồi. Sẽ có chỗ để anh trình bày. - Vị khách quay qua giục Út. - Mặc quần áo rồi soạn đồ về với anh.
Út không mừng rỡ chút nào. Lời đe dọa của anh Hai nó như đòn búa bổ giữa đầu thầy Tám đã khiến niềm vui suýt có trong nó không sao lóe lên được. Nó xót thương cho thầy. Người được Bảy nói là anh Hai hoàn toàn xa lạ với nó. Khi nó và cả Bảy Thiện ra đời, trong nhà đã không có anh Hai. Rồi suốt những năm tháng tiếp theo, nó không nghe bất kì ai trong nhà nói đến anh Hai, không một dấu tích, không một tấm hình nào trong nhà ghi nhận sự có mặt của anh Hai. Tuy nhiên, khi được ngồi với người anh quyền thế trên chiếc xe jeep oai phong, cờ bay phấp phới, chạy vù vù trên đường phố quen thuộc, trong nó cũng nhen nhúm niềm hy vọng. Ngọn lửa hy vọng bật nhảy rất nhanh từ những khao khát bấy lâu vẫn nén ngầm trong nó. Biết đâu, nhờ anh Hai về, từ đây nó sẽ không còn bị ai gọi là thằng khùng.
Hai Vương ngồi ở ghế trước, cạnh lái xe, ngoảnh mặt xuống, thân mật đặt bàn tay lên gối Út:
- Thằng Năm đã báo cáo rất kỹ với anh về hoàn cảnh của em. Từ nay, sẽ không ai được gọi em là thằng khùng, và khinh miệt em nữa. Bệnh của em là bệnh xã hội, một sản phẩm bế tắc của chủ nghĩa thực dân mới. Anh sẽ đưa em đến bệnh viện tâm thần để điều trị. Có hòa bình là có tất cả. Chủ nghĩa xã hội có nhiều bác sỹ giỏi chữa bệnh không lấy tiền. Anh sẽ nói thằng Năm lo cho em đi chữa bệnh.
Bảy Thiện ngồi với Út ở băng ghế sau, thật thà nói:
- Anh chớ có tin anh Năm. Ở nhà này ai mạnh là ảnh theo à.
Hai Vương lườm Bảy.
- Mày nói không có lập trường gì hết trọi. Chưa bao giờ cách mạng bằng hôm nay, có chân lý sáng ngời như hôm nay, vậy nó theo cách mạng là sai hả? Thằng Năm có ý thức giác ngộ sớm nhất nhà này, anh tin nó là có tính quy luật. Chỉ riêng việc nó trốn lính, sống chui sống lủi khắp hang cùng ngỏ hẻm còn hơn làm bia đỡ đạn cho Mỹ, cầm súng bắn lại đồng bào, đủ để anh đánh giá cao nó và tin cậy nó nhất nhà.
- Ẳnh thua bạc bị truy nợ nên phải chạy trốn... Bảy giãi bày...
- Tao biết chuyện đó. - Hai Vương nóng nảy cắt lời. - Đó chỉ là dư luận do bạn xấu tung ra nhằm bôi nhọ những ai trốn quân dịch...
Hai Vương hăng hái nói tiếp với Út:
- Anh về, cả nhà phải thay đổi tận gốc rễ, nếu không sẽ lạc hậu với lịch sử hàng thế kỷ. Ở ngoài Bắc, anh tin chắc nhà mình ít nhất cũng phải có hai thằng tham gia hàng ngũ quân giải phóng. Ai ngờ, tất cả chỉ cắm đầu vào làm giàu, học đòi làm tư sản. Thằng Ba còn có thời đi lính ngụy, chống phá cách mạng. Nếu giải phóng chậm hai năm thì chúng mày hỏng hết.
Út cứ u u minh minh.Trước những lời lẽ hùng hồn với phân nửa số từ xa lạ, dù cố gắng hết sức để nghe, nó cũng không hiểu nổi những ý vàng cao thâm từ miệng anh Hai nó. Tuy nhiên, riêng việc anh Hai bác lời khuyên của Bảy Thiện, xác định lòng tin với Năm Thiêm, nó hiểu trọn. Nó không bao giờ quên lần nó với Tư Tiên bị cha nhốt, bỏ đói trong nhà kho, Năm đã cấm Bảy không được tiếp tề đồ ăn. Nó cũng không bao giờ quên khi cha bị thất thế, Năm quay ra bám Ba Bá, chính hắn đã chỉ chỗ Tư lẩn trốn cho Ba Bá! Chính gã đi trói lôi Tư từ nhà dì Bảy về để Bá ép Tư làm bé thầy Tám... gây nên vụ Tư tự sát...
Nó lặng lẽ ngắm chiếc nón tai bèo mới tinh, bộ quần áo quân giải phóng màu xanh mới tinh, đôi giày da đen mới tinh và bao súng cũng mới tinh của Hai Vương. Nỗi lo lắng mơ hồ bỗng bao phủ lên niềm hy vọng. Nó đâu có bệnh mà Hai nói sẽ đưa nó đi bác sĩ? Chắc cũng lại Năm Thiên xúc xiểm.
Chiếc xe jeep lao thẳng vào trong sân, đậu ngay trước cửa ngôi nhà gỗ. Út bỡ ngỡ nhảy xuống. Nhà nó đông đúc khác thường. Cha nó hơn hớn trong chiếc áo sơ mi trắng, quần sơ-vi-ốt may từ đời nào đời nào, chỉ khi nhà có chuyện quan trọng mới giở ra mặc. Ba Bá thì tươi tắn với bộ đồ ký giả màu ghi mới may. Năm Thiên mặc bộ đồ quân giải phóng, nón tai bèo sụp tận trán, chân mang đôi dép râu, chạy lăng xăng. Sáu Là, vợ Ba Bá cũng mặc áo dài, tấm áo màu cà phê sữa may từ hồi cưới, rộng thùng thình bởi thân hình nàng giờ đây khô đét. Nét mặt rầu rĩ của Sáu đang phải cố gắng tươi bởi đó là ý chồng. Đông đảo nhất là các bác, các chú, các dì dòng bên nội từ Hóc Môn, Thủ Dầu Một kéo về tụ họp. Ai cũng xúm xít bên Hai Vương thăm hỏi, tay bắt mặt mừng. Mọi con mắt đều hướng về Vương tự hào ngưỡng mộ. Thấy không ai chú ý đến mình, Út mắt trước mắt sau lùi ngay xuống khu chuồng bò. Bốn năm theo thầy Tám, nó chỉ về nhà vào những dịp cực chẳng đã, như ngày giỗ mẹ, ngày Tết, ngoài ra, khi nào bò nhà có bệnh hoặc có nhu cầu bơm tinh, nó mới theo thầy Tám về, rồi lại đi. Khoảng gần năm nay, do thời cuộc biến động, cả Tết nó cũng không về. Bởi vậy, nó rất nhớ đàn bò. Bốn năm, kể từ khi nó đi, đàn bò từ hơn chục con, đã lên tới hơn bốn chục. Chuồng trại xây gạch, lợp tôn, nền láng xi măng, có đèn điện, có bơm nước. Nhà của Ba Bá cũng đúc lầu khang trang. Ba Bá làm ăn giỏi hơn cha. Nhìn những con bò trong chuồng đều thuộc giống tốt, con nào con nấy đẫy đà, lông mượt óng ả, những ánh mắt chứa đựng sự bình thản và yên tâm, Út biết chúng luôn được chăm sóc đến nơi đến chốn. Nhưng hôm nay, dường như chúng đang bị bỏ quên. Đó cũng là điều dễ hiểu thôi. Các chủ nhân đang mải xoắn xít đón mừng người từ xa về. Út lẳng lặng đi xách nước đổ vào các thùng cho bò uống rồi rải cám mới vào các máng.
- Từ nay, tao lại về với tụi mày. Nó nói với lũ bò: Chúng mày còn nhớ hay quên mà mắt cứ trợn lên như thế hả?
- Ê! Khùng... Làm gì trong chuồng thế? Có qua nhà ngay không?
Út ngoảnh ra thấy Năm Thiên đang đứng ngoài sân gắt gỏng.
- Xuống họp lẹ lên, cha nội.
Út ngơ ngác bởi tiếng "họp" lạ hoắc nhưng nó cũng lững thững đi ra.
- Thằng Bảy không nói gì với mày à? Năm nói lớn, cố ý cho nhiều người biết được cái oai mới và sự tận tình của gã trong ngày đại sự: Hôm nay họp cả họ để nghe anh Hai chỉ thị. Mày có hiểu chỉ thị là gì không hả? Vô lẹ đi.
Út lầm lũi theo Năm. Bấy giờ nó mới biết mọi người đang vào cả trong nhà gỗ. Một số không đủ chỗ, ngồi đứng tràn ra lề thềm. Bước vào nhà, đập vào mắt Út, ở khoảng tường phía trên bàn thờ là tấm băng-rôn đỏ chói dán dòng chữ in vàng chạy dài suốt ba gian nhà: "KÍNH CHÀO ANH LỚN HAI VƯƠNG CHIẾN THẮNG TRỞ VỀ". Út vừa ghé đít ngồi xuống bậu cửa cạnh mấy đứa con dì Bảy, Hai Vương từ bên trong vội vẫy tay:
- Út, em vô đây ngồi. Vương đang ngồi ở ghế danh dự sau chiếc bàn phủ tấm vải đỏ đặt trên bình bông cúc vạn thọ, nhổm hẳn lên tươi cười: Vô, vô đây ngồi cạnh anh. Một nhân chứng xã hội hùng hồn sao lại ngồi ngoài.
Thằng Năm lúc đầu bỏ mặc Út ngồi đâu thì ngồi, thấy vậy liền xun xoe lách ra khoác lưng Út:
- Nào! Ưu tiên nhất mày hôm nay đó, Khùng.
Út được Vương kéo thêm ghế cho ngồi ngay cạnh.
Nó ngơ ngơ nhìn quanh. Những người trong gia đình và họ hàng ngồi chật kín. Người có ghế ngồi ghế. Không có ghế, thì ngồi giường, hoặc xệp luôn xuống nền xi măng. Khói thuốc lá tuôn mờ mịt. Mùi khói thơm là lạ, Út chưa từng ngửi thấy bao giờ. Đứng ở đầu phản, đối diện chỗ Hai Vương ngồi là Tư Em, trạc tuổi với Ba Bá, là anh con nhà bác, đang nói tiếp điều dang dở:
-... Niềm vinh hạnh nhất cho họ nhà ta là có một người con ưu tú, một cán bộ cách mạng cao cấp, người duy nhất trong họ hàng đứng trong hàng ngũ cách mạng.
- Thì mày cũng cách mạng mà, Tư Em. Ông già Ba Lanh hóm hỉnh, anh họ ông Hai Rỡ, cười hề hề nói leo: Mày "cách" cái "mạng" mày ở quán nhậu tối ngày.
- Thằng Năm Thiên không cách mạng à? Dì Mười Đây vừa nhai trầu tóm tém vừa nói giỡn: Thằng Năm cách mạng không súng à!
Mọi người cười ồ.
Tư Em liếc Hai Vương đọc thái độ rồi cũng toét miệng cười:
Con cũng cách mạng nhưng là cách mạng thông tin văn hóa quận, còn thằng Năm là cách mạng phó trưởng khóm...hì hì...cách mạng ba mươi tháng tư... Tư Em đánh tảng lờ: Bà con cô bác uống nước chè và hút thuốc đi. Đây đều là chè và thuốc cách mạng, anh Hai mang từ miền Bắc về làm quà trong buổi họp mặt. Chè là chè Bắc Bắc Việt...
Hai Vương vội chữa:
- Bắc Thái.
Mọi người lại ồ lên cười. Có người ho sặc sụa.
- Bộ mày Ngụy hay sao mà nói Bắc Việt, Tư Em?
- Đù mẹ. Hôm qua hát nhạc chiêu hồi, hôm nay hát nhạc cách mạng ngọt sớt.
Tư Em nhuế nhóa như không nghe tiếng, giơ cao tay hét với điệu bộ phường tuồng:
- Bây giờ xin hân hạnh giới thiệu với bà con cô bác, anh lớn Hai Vương có đôi lời giáo huấn với bà con. Đây! Gã nhấn rõ và rời từng tiếng: Anh-lớn-Hai-Vương...ương.
Hai chậm rãi đứng dậy, cười khủng khỉnh, nhìn khắp lượt mọi người, dụi điếu thuốc đang hút dở vào cạnh bàn. Khi mọi người vừa im lặng, gã khoan thai rút khẩu K.54 từ bao súng đeo bên hông, lẩy cò chĩa lên mái nhà bắn đoàng đoàng ba phát liền. Những viên ngói tàu trên nóc vỡ tung tóe, mảnh vụn và bụi rơi đầy xuống đầu mọi người. Ánh nắng từ bên ngoài tràn thành ba luồng sang qua ba lỗ vỡ. Cả người già, người trẻ, con nít, người lớn đều tái xanh tái xám. Mấy cụ bậc bô lão chân tay run lẩy bẩy. Hai Vương cười nhạt, đưa nòng súng lên miệng thổi tan khói rồi ung dung nhét khẩu súng vào bao.
- Mấy viên ngói bể không hề gì. Gã nghiêm mặt: Tôi bắn để xác định với mọi người, tôi, Hai Vương, đã chiến thắng trở về. Tôi bắn để mấy người vừa chọc quê Năm Thiên và Tư Em hiểu cách mạng không phải chuyện đùa. Cách mạng là chuyên chính. Thật đau lòng khi suốt hai chục năm chiến tranh, hàng triệu bà con, hàng vạn gia đình ở miền Nam quê hương đau thương, anh dũng đều có con em đi theo cách mạng, một lòng một dạ đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, không gia đình nào không có người đổ xương đổ máu cho chiến thắng vĩ đại hôm nay, thì trong họ nhà mình trừ tôi đi từ hồi chống Pháp, không có một ai theo cách mạng. Đã vậy, còn ngược lại, hầu hết các nhà đều dính dáng đến chế độ cũ, không đi lính trực tiếp bắn giết đồng bào, cũng làm việc trong chính quyền của bọn Thiệu Kỳ bán nước.
Ông Hai Rỡ sợ mất lòng mọi người, vội rên lên:
- Hai ơi! Thời thế cả thôi con...
Hai Vương nhìn xuống người cha đang ngồi xệp dưới đất lẫn trong đám người già ngay trước bàn:
- Đời ba là một đời sai lầm. Vì ba giấu tụi nhỏ về tôi, ba nói tôi đã chết... Nếu ba kể cho chúng nó biết anh chúng là chiến sĩ cách mạng thì thằng Bá sẽ không đi lính Ngụy, thằng Năm không phải chui lủi như con chuột trong cảnh trốn lính. Hai đứa và thằng Bảy sẽ rủ nhau lên vùng giải phóng theo chân tôi, có phải bây giờ nhà ta thành đại gia đình cách mạng nòi không?
Nghe nói tới đó, Út đưa mắt lên bàn thờ và phát hiện sự đổi khác. Ngoài tấm hình má nó từ cũ, có thêm tấm hình người đàn ông lạ, mặc áo lính, và hai khung kính lớn lồng bên trong hai tấm bằng huân chương kháng chiến hạng hai và hạng ba, đều ghi tên anh Hai nó: Huỳnh Bửu Vương.
- Nhưng thôi... Thấy cử tọa im thin thít, Hai Vương hạ giọng: Chuyện cũ bỏ qua. Bây giờ, theo như Bác Hồ nói, hòa bình thống nhất là lúc toàn dân tộc kề vai sát cánh dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp mười ngày xưa. Chủ nghĩa thực dân mới thâm độc của đế quốc Mỹ hai mươi năm qua đã cho cả miền Nam nói chung và bà con ta nói riêng, nếm mùi phồn hoa giả dối. Chúng dựng nên một nền kinh tế nô lệ quái gở, hễ thiếu một đồng đô-la của nước ngoài là lập tức ngắc ngoải, kiệt quệ. Chúng cũng tạo dựng nên một xã hội mà người giàu có, kẻ bóc lột, bọn tham qua ô lại, bọn lưu manh lừa đảo dân thì nứt đố đổ vách, tiền xài như nước, còn người nghèo, người lương thiện, làm ăn chân chính thì đời này qua đời khác mạt rệp trong những khu ổ chuột. Tội ác, buôn lậu, tham nhũng hoành hành khắp nơi. Lưu manh, gái điếm, xì ke, ma túy, ăn xin lan tràn khắp nông thôn, thành thị. Một chế độ xã hội như thế tan rã là đúng, thất bại là đúng. Khi lòng dân chán ghét thì không cần đánh cũng tự tan rã. Út bỗng thất thần khi nghe từ phía chuồng bò tiếng rống nghẹt họng của một con bò bị đánh hạ lẫn trong tiếng người hò reo, thúc giục xốn xáo. Nó bủn rủn hết tay chân. Chỉ nghe vậy, nó đã hình dung đủ từng diễn biến tuần tự đến với con bò bị giết. Gã đồ tể đưa đến một mớ cỏ ngon thả xuống đất. Con bò ngay thật ngước ánh mắt hàm ơn, rồi cúi xuống ăn lộ ra cái ót đúng tầm giáng của búa tạ. Hấp. Gã đồ tể giương cao búa, nín hơi vút mạnh. Một tiếng rống đau đớn không kịp bật ra khỏi lòng ngực, con bò nặng nề khuỵu chân đổ vật, mắt lộn tròng trợn ngược, bốn chân duỗi cứng giật giật, những biểu hiện cuối cùng nuối tiếc cuộc đời trộn trong niềm hối hận của sự cả tin. Út nhấp nhổm định chuồn ra. Ngày còn xách đồ theo thầy Tám chữa bệnh cho bò, đến đâu nó cũng nghe người ta nói: Cộng sản về chỉ có nhà nước, hợp tác xã mới được nuôi bò, heo, vịt, gà... còn đâu của dân, bao nhiêu cũng bị giết hết. Nó sôi sục nghĩ tới việc cứu bò. Phải chém chết những đứa giết bò. Nó chưa kịp lẻn đi thì Năm Thiên rạng rỡ từ ngoài len vào, đến bên Hai Vương ghé tai thì thào đầy vẻ quan trọng:
- Chắc khách của anh Hai về bao nhiêu?
Hai Vương khó chịu vì cảm hứng diễn thuyết bị đột ngột cắt ngang:
- Nhưng làm sao?
Năm hào hứng thẽ thọt:
- Thưa, nhà hàng họ nói nếu chỉ hơn sáu chục người ở đây, cộng thêm hai chục khách nữa, đi một con bò là đủ ạ.
Vương nhăn mặt:
- Ai nói cho chú con số hai chục? Cả trên thành phố, trên quận và cơ quan tôi về tất cả ngoài năm chục. Nhưng vấn đề không phải chỗ đó. Vương cố ý to tiếng cho mọi người cùng nghe: Vấn đề quan trọng ở chỗ mừng chiến thắng là bữa tiệc một đời không có hai lần, không lý do gì phải thắt lưng buộc bụng. Hơn nữa, khách của tôi, có người Bắc, người Trung, tôi muốn cho các đồng chí ấy biết thế nào là lòng hiếu khách và chịu chơi, đã làm là làm hết sức, đã chơi là chơi hết mình, của dân Nam Bộ. Cứ hạ hai con, nếu cần ba con, thừa còn hơn thiếu. Vương cúi xuống nhìn cha và Ba Bá đang bì mặt, ù tai, tối mắt như chính họ vừa bị tuyên án từ hình: Cha với chú Ba chớ có tiếc. Đầu óc tư hữu là cội nguồn bảo thủ của người nông dân, cứ cái gì của mình sở hữu là ôm khư khư, coi quý hơn cả sinh mệnh. Đó là cản trở lớn nhất của người nông dân trên con đường tập thể hóa. Mừng chiến thắng là vô giá. Vài ba con bò bị hy sinh không là gì. Đi vào cuộc cách mạng cải tạo xã hội chủ nghĩa, chỉ trong năm nay, trễ lắm là sang năm, đàn bò này sẽ vô hợp tác xã hoặc nhà nước hết. Ở miền Bắc, hồi cải cách ruộng đất, nhà có ba, bốn con bò trở lên đã bị quy là địa chủ, tư sản, chỉ có nông trường nhà nước mới nuôi bò hàng đàn. Nói thế để cha, chú Ba và bà con biết trong hai chục năm qua những ai cắm đầu làm giàu là đi vào con đường cực kỳ sai lầm. Gã quay sang Năm Thiên: Chú đi được rồi. Nhớ nói với nhà hàng, cách mạng là phải đúng giờ. Làm sao đúng mười hai giờ, khách đến, mọi thứ phải xong hết.
Năm khúm núm dạ lớn, rút ra cửa. Hai Vương lại trở về với cử tọa.
- Tôi xin nói tiếp với bà con về chuyện xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Thằng Út ngồi lặng. Hóa ra họ giết bò để ăn mừng chiến thắng, xum họp và đãi khách. Sự bồn chồn vẫn nguyên. Dù với lý do gì, nó cũng không bao giờ đồng tình với việc giết bò. Nó bỗng thương cả cha lẫn Ba Bá. Người nuôi bò sữa, với con bò không sinh lợi, thà cho hoặc bán để người khác thịt chứ không bao giờ thịt trong nhà, càng không bao giờ ăn thịt bò nhà. Út hiểu được nỗi đau của cha và Ba Bá, những người gắn bó với từng con bò hơn cả mạng sống. Tuy nhiên, nó cũng tự an ủi: vụ tàn sát bò tập thể mà nó suýt vùng lên chống lại đã không xảy ra. Tội nghiệp cho hai con không may bị làm vật tế thần.
- Chủ nghĩa xã hội là gì? Hai Vương giơ cao nắm đấm, lớn tiếng quả quyết: Chủ nghĩa xã hội là bình đẳng, công bằng, không có người bóc lột, chèn ép người, không có người nghèo khổ, không có bọn phạm pháp, bọn phản động, bọn lưu manh, không có đĩ điếm, toàn dân đều no đủ, ăn ngon mặc đẹp, nhà cửa đàng hoàng, đâu đâu cũng có lời ca tiếng hát, người già và con nít phải là những người sung sướng hạnh phúc nhất. Nếu không quán triệt tinh thần đó, nếu cứ đi theo sự phồn hoa giả tạo của chủ nghĩa tư bản thì ngay một gia đình cũng tan nát đảo lộn chứ không nói xã hội. Không phải nói đâu xa. Ngay trong nhà tôi đây thôi. Khắp vùng này và các vùng lân cận, ai nuôi bò mà không biết cha tôi: ông Hai Rỡ, và em tôi: Ba Bá, là một trong vài gia đình giàu nhất, đứng đầu về đàn bò sữa. Nói đúng như quy định chính sách, tức là nhà tư sản chính gốc.
Út thấy cha đang lắng nghe chợt cúi gằm, còn Ba Bá nửa mếu nửa cười, nhăn nhúm khổ sở.
- Ấy vậy, trong nhà thì sao? Hai Vương đảo mắt khắp bà con. Đây là thiên đường hay địa ngục? Thưa, đây chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội thực dân tư bản mà thực chất, như tôi đã nói bốn chữ: phồn-hoa-giả-tạo. Có thể cha tôi sẽ nói: Khi mày đi cách mạng khu nhà này là ngôi nhà cũ nát, vách liếp mái lá, đèn dầu. Còn bây giờ, nhà đúc, chuồng xây với hơn bốn chục bò sữa, giả ở chỗ nào? Tất cả đều thật chứ? Tôi xin nói: Giả ở chỗ, con Tư, em gái tôi phải chết tức tưởi vì chính đàn bò này. Giả ở chỗ, thằng Út đây bị bệnh tâm thần lẽ ra phải chạy chữa lại tống nó đi ở đợ để khuất mắt, trong khi một con bò bệnh, kém sữa, giá nào cũng tung tiền ra chữa cho khỏi. Giả tạo ở chỗ, thằng chủ nhà máy sữa nó cuốn gói đi di tản thế là cả vùng hàng chục ngàn con bò, sữa vắt ra không biết bán cho ai. Tôi nói như thế có đúng không? Đúng quá đi chứ. Quá trình làm giàu không dựa trên nền tảng tư duy xã hội chủ nghĩa khoa học, mà theo mô hình đồng đô-la Mỹ, không thể có những thành quả chân chính, vững bền. Tôi nói có đúng không? Hai Vương chỉ mặt Ba Bá: Tôi hỏi thật, nếu không có những năm hỗn quân hỗn quan bởi chiến tranh, chú có làm giàu nổi không? Không. Đúng không nào?
Ba Bá đã chịu đựng đến giới hạn tột cùng của sự yếm thế sợ hãi, đột ngột chuyển sang tự ái, lừ lừ ngước mắt, nói nhỏ:
- Thưa anh Hai. Về chủ nghĩa này nọ, em không dám bàn nhưng riêng chuyện nhà, em nghĩ anh Hai đi xa lâu ngày mới về nên chưa hiểu đúng sự việc...
- Cái gì? Hai Vương đỏ mặt: Nghĩa là chú quy kết tôi nói sai? Người cách mạng có câu: Biết địch biết ta, trăm trận đánh, trăm trận thắng. Tôi là ai, đang đứng trên tư thế nào, chú biết rồi, tôi đang thắng, tức là tôi không thể sai, rõ chưa? Tôi nói cho chú biết, trước khi phát biểu cái gì, tôi đã điều nghiên rất kỹ. Tôi còn biết chú có tám năm tuổi quân ở sư đoàn biệt động Trâu Điên, hàm thượng sĩ, đúng không? Lính Trâu Điên làm gì với đồng bào suốt một dải từ Bến Tre, Bình Long ra đến Đà Nẵng, Quảng Trị, đường Chín Nam Lào, cả nước ai cũng biết. Một người như chú, lẽ ra bây giờ hoặc theo Thiệu, Kỳ qua Mỹ, hoặc ở một chỗ khác. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy chú còn ở đây đấy.
Ông Hai Rỡ vội lắp bắp:
- Thằng Ba giải ngũ lâu rồi. Nó bị thương...
Vương vẫn giận dữ:
- Trước khi bị một viên đạn của quân giải phóng tiện mất ngón tay, nó đã bắn hạ bao nhiêu Việt cộng? Cha ạ. Chính sách cao cả và nhân đạo của Đảng và Nhà nước cách mạng là không chủ trương trả thù những người lầm đường lạc lối phía bên kia chiến tuyến, thậm chí, còn mở rộng đường để họ có cơ hội phục thiện, đóng góp sức mình xây dựng đất nước, xóa dần quá khứ. Nhưng ngược lại, những kẻ lầm lỗi cũng chớ vội tin rằng mình như mọi người quá sớm. Chú Ba... Hai Vương nhìn Ba Bá khi đó đã gục đầu buồn bã: Tôi thành thật khuyên chú từ ngày mai nên giao đàn bò cũng như quyền điều hành trong nhà cho thằng Năm. Về cả tư cách lẫn phẩm chất chính trị, nó xứng đáng hơn chú. Người làm ra đồng tiền mà không có phẩm chất tốt thì đồng tiền cũng dơ bẩn.
Ba Bá bất thần đứng dậy buông xuôi tay, mắt ánh những tia chua chát. Giọng gã lạnh và lì:
- Anh nói đúng. Rất đúng. Không chờ đến ngày mai mà ngay từ hôm nay, mọi chuyện trong nhà, thằng Năm sẽ làm hết. Xin phép anh Hai, tôi mệt.
Dứt lời, Bá lầm lũi lách giữa đám bà con họ hàng đang ngồi chật dưới đất, đi thẳng ra sân.
Vương bị hẫng. Hơi trầm đi một lát, gã hạ giọng:
- Thuốc đắng giã tật... Bây giờ, có thể căm tức nhưng sau này chú ấy sẽ phải cảm ơn tôi. Một cuộc cải tạo trong gia đình dù sao cũng dễ chịu hơn trăm lần cuộc cải tạo của xã hội sẽ dành cho chú ấy. Tư sản cộng với quá khứ cầm súng chống lại cách mạng, con đường tất yếu đối với chú ấy là... là...
Thấy nét mặt ai nấy vẫn rầu rầu, e sợ Hai Vương bỗng chột dạ và hối về sự lỡ đà quá đáng của mình. Gã lập tức điều chỉnh bằng điệu cười ha ha ha chệch dòng, sống sượng:
- Hôm nay, tôi mời các chú, bác, cô cậu, dì, tất cả bà con trong họ đến ăn mừng đoàn tụ. Phần tôi, tôi nói rồi. Bây giờ, đến lượt mọi người, ai muốn phát biểu hay thắc mắc gì, xin cứ nói thật thoải mái, dân chủ, tôi sẽ xin giải đáp.
Vương đưa ánh mắt hứng đón về những người già cả, nhưng ai cũng tránh cái nhìn của gã. Sự xởi lởi muộn mằn của gã chẳng khác gì hòn sỏi ném tũm xuống ao bèo tấm, không kích nổi gợn sóng lan truyền nào trong đám bà con. Không khí tẻ nhạt, ngán ngại bao trùm và kéo dài đến nỗi ông Hai Rỡ phải bứt rứt lên tiếng:
- Thằng Hai nói vậy, có khi không phải vậy. Ông nói bằng giọng khàn khàn yếm thế: Hôm nay tôi mời bà con đến chung ly rượu với tôi, với nó, cha con xa cách hai mươi năm mới có ngày gặp mặt, cứ mừng cái đã. Còn ba cái vụ làm giàu hay làm nghèo, phận ai người đó tính.
Đám bà con vẫn nín thinh như thể bị thôi miên. Trong họ không nhà nào không có con em đi lính cho chế độ cũ, không nhà nào không có người, trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu tới chính quyền cũ. Và đám thanh niên có mặt trong nhà, đến hơn phân nửa vừa cởi sắc áo lính Ngụy sau khi chiến tranh kết thúc. Họ đến với Vương từ niềm tự hào và vui mừng tự nhiên song cũng muốn qua Vương để tìm hiểu và hy vọng. Giờ, trời có lên dây cót, họ cũng không ai vui nổi. Song cũng không ai dám bỏ về.
Thời gian nặng nề trôi.
Cuối cùng, Vương gượng gạo xuề xòa làm hòa:
- Không ngờ... À, thôi... Để thay đổi không khí, tôi xin kể với bà con cô bác một chuyện vui đánh Mỹ Ngụy...
Từ ngoài con hẻm có nhiều tiếng xe hơi, tiếng còi, kèm theo tiếng hò reo của lũ trẻ hiếu kỳ.
Năm Thiên đâm bổ từ sân vào nhà reo:
- Anh Hai. Quan khách đã tới. Gã xuýt xoa: Toàn xe Mỹ láng coóng thứ... tướng tá quan quyền ngày xưa xài không à.
Mặt Hai Vương tươi rói như có được cứu cánh. Gã dang hai tay nói với bà con:
- Cuộc họp mặt tâm sự đến đây là hết, mời tất cả nghỉ giải lao để chút nữa vào tiệc. Rời bàn được mấy bước, gã quay lại rút luôn những bông cúc vạn thọ trong bình hoa, cười nói với mọi người: Trong số các quan khách tới dự có rất nhiều anh lớn ở Trung ương và thành phố... phải tặng mỗi người một bông vạn thọ vườn nhà... hê hê hê...
Hai Vương ra khỏi cửa một lúc, đám bà con họ hàng mới uể oải giải tán. Không ai nói với ai một lời.
Út lững thững ra cuối cùng. Nó dừng lại bên thềm nhìn những xe hơi Mỹ, Nhật sang trọng và bóng lộn chở mấy ông, mấy bà ăn mặc giống như Hai Vương lẫn theo mấy bà, mấy cô vận đồ bà ba, nối đuôi nhau lượn vào khoảng sân rộng. Còi xe bóp inh ỏi khoa trương, thị uy. Hai Vương và Năm Thiên lăng xăng chạy đến hết cửa xe này đến cửa xe khác, xe xua xúng xính...
Út lủi thủi xa lánh đám đông và sự ồn ào. Nó cũng chẳng muốn qua chuồng bò để nhìn những dấu vết còn lại của hai con bò bị giết. Nó bỗng nhớ gia đình thầy Tám. Không có nó giơ vai bươn chải, chắc chắn cả nhà thầy sẽ cực khổ, khó có miếng mà ăn. Nó vòng ra sau nhà. Nó nghĩ tới kho chứa đồ hồi còn ở nhà hay trốn vào đó mỗi khi cần lẩn tránh mọi người. Không hiểu sao, nó không thấy ở Hai Vương một đường dây nào liên quan tới nó, dù Vương giống cha và Ba Bá như đúc.
Út men theo rặng rào ó rậm rì luồn qua hàng những cây vú sữa bóng tỏa um tùm hướng về phía nhà kho. Ngôi nhà nhỏ vẫn thưng vách bằng gỗ đã được sửa sang bớt đi vẻ mục cũ, mái được lợp bằng tôn thay lá dừa. Nó đâm băn khoăn. Nó sợ trại bò nay ngay cả chỗ ẩn núp quen thuộc cũng không có cho nó nữa.
Lòng nó bỗng lặng đi khi nhận ra cha nó đang ngồi bên gốc dừa, cách chỗ nó đứng chừng hai chục bước chân, mặt hướng về nấm mộ mẹ nó, thẫn thờ già xọm, mắt đau đáu bất động nhìn thấu vào hư vô, giọt lệ cay đắng còn đọng trên gò má nhăn nheo đen xạm. Cách mộ mẹ nó khoảng ba mét là mộ Tư Tiên và Sáu Nghĩa nằm cạnh nhau. Trên mỗi ngôi mộ, bên bát nhang lưa thưa những cọng nhang, sát tấm bia đá, ai đó mới đặt lên hòn đất khô và cành ó tươi. Nó đoán, cha nó vừa làm việc ấy. Cha nó có thói quen mỗi khi viếng mộ người thân, thay vì cắm nến nhang, ông đặt lên hòn đất và nhánh lá mọc gần mộ. Ông giải thích với mọi người, đó là nghĩa cử hết lòng của kẻ từng sống đời giang hồ với người chí cốt. Cha nó vẫn thèm nhớ quá khứ ngang dọc ấy. Biết cha đang rất đau đời mà không ai chia sẻ, nó rụt rè lại gần. Nghe tiếng động, cha nó ngoảnh lại. Thấy nó, ông không nói gì, lại quay về với hướng nhìn cũ. Nó lẳng lặng ngồi sát cạnh cha. Cùng nhìn vào mộ mẹ. Hai cha con ngồi bên nhau gần nửa giờ. Cả hai dường như không nghe tiếng ồn ào cười nói từ phía sân và vườn trước nhà vọng qua.
Thằng Út muốn an ủi cha, nhưng không sao cất nổi nên lời. Nó đã quen câm lặng đến độ càng xúc động, càng khao khát giãi bày, khả năng giao tiếp của nó càng tê liệt, miệng lưỡi nó càng líu cứng. Nó biết cha nó chịu để nó ở bên tức là ông đã bắt đầu thương nó.
Từ phía đầu hồi bỗng có tiếng giật giọng của Năm Thiên:
- Ba à! Ai biết ông già tôi đâu không?
Út nghe rõ, nhưng không biết cha nó có nghe thấy không. Nó đưa mắt cho cha như nhắc nhở. Cha nó bỗng cầm bàn tay nó. Bàn tay ông thô nháp và khô. Nhưng nó cảm thấy sung sướng.
- Đời ba đến đây là hết rồi con. Ông ngậm ngùi, cố nuốt xuôi cơn nghẹn ngào. Một lúc, ông nói tiếp: Thằng Hai đã quyết đón con về, nên có thể từ nay con sẽ sướng. Thôi, mất cái nọ lại được cái kia. Con sướng, ba cũng đỡ áy náy. Ông thở dài: Chứ đời ba đến đây là hết rồi.
Út từ từ nắm chặt bàn tay cha. Bồi hồi. Thiêng liêng.
- Kìa ba. Trời đất! Hôm nay là ngày vui sao ba ra đây ngồi? Cả thằng Khùng này nữa... Năm băm bổ đi lại: Bao nhiêu người hỏi... Tôi tưởng ba đi đâu... tìm hoài. Nhìn mấy ngôi mộ, thằng Năm chợt hiểu: Tưởng gì. Để lát nữa tôi nói anh Hai mời các quan khách ra mặc niệm thắp nhang nhưng ba nhớ nói với mọi người, má, chị Tư và thằng Sáu chết là do Mỹ Ngụy giết hại bởi không ai chịu khai nhà có anh Hai đi cách mạng đấy. Thấy cha nhướng mắt khó chịu, Năm khoát tay: Ba khỏi thắc mắc. Sau này nhà có quyền lợi, ba sẽ rõ hết à.
Ông Hai Rỡ mệt mỏi đứng dậy trong khi Út vẫn ngồi lì. Năm Thiên tặng luôn cho nó một cú đá thẳng thừng vào đít:
- Mày điếc hả Khùng? Ra ngay. Lát nữa, anh Hai sẽ giới thiệu với quan khách mày là nạn nhân của chất độc màu da cam... Rất có thể mày sẽ được đưa đi quốc tế để làm nhân chứng tố cáo tội ác đế quốc Mỹ và sau đó sẽ được chữa khỏi khùng. Sướng nhất mày rồi đó.
Út cum cúp lẽo đẽo theo sau Năm. Nó xót xa cho vẻ ngoan ngoãn của cha. Nhìn mái tóc bạc phơ, dáng đi khập khiễng, nhẫn nhục của ông trong bộ đồ "đại lễ" như một sự trớ trêu tội nghiệp, nó không sao tin nổi chính ông đã có một thời dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Và chính ông vào lúc nổi giận đã đánh nó một cú trời giáng, sau đó biến nó thành thằng Khùng, chỉ bởi nó trót biết về một điều không được biết. Đi đến góc đầu hồi, thấy Năm Thiên vừa khuất phía trước, Út lẳng lặng lùi lại, chạy biến dọc hàng mộ chí về phía nhà kho. May quá, cửa kho không khóa. Nó lách nhanh vào. Trong kho tối mờ mờ, đầy mùi mốc và mùi cám. So với hồi nó ở nhà, gian kho có thêm giàn gác xép bằng gỗ ván. Không nếp tẻ, nó bám với thanh xà ngang, co người chui tút lên. Một giấc ngủ đến với nó không khó khăn gì. Nó đã quen với việc rũ sạch những ưu tư đau đớn đơn giản như người ta rũ bụi trên quần áo. Những con chuột nhắt đã sống thành ổ trên gác xép thấy Út tranh chỗ hoảng loạn nhao nháo kêu chít chít, chạy chồm cả lên người nó. Rồi tất cả đều trở lại bình thường. Bọn chuột sớm nhận ra người mới đến là gã vô hại, sau một lúc xáo trộn, chúng an tâm chấp nhận Út như một công dân mới.
Lúc Út thức giấc, trời đã tối. Ánh sáng điện từ chuồng bò hắt qua những khe ván vách kho giúp nó nhận biết mọi vật xung quanh, nhớ ra mình đang ở đâu và nhớ lại mọi chuyện. Quanh nó yên ắng lạ thường. Nó ngạc nhiên rồi chuyển sang lo ngại. Ít nhất cũng phải có động tĩnh từ chuồng bò chứ? Hay lũ bò đã bị giết hết trong lúc nó ngủ? Tiếng cóc bất đồ đá lưỡi chậc chậc, tiếng lũ dơi trong tổ trên những hốc lá dừa chèn nhau kêu chin chít khiến hắn bồn chồn, rờn rợn. Hắn thấy đói và khát. Nghe nghóng một lúc, hắn đu nhẹ từ gác xép xuống đất. Sàn gỗ bị chấn động dội lên những tiếng cọt kẹt khá lớn trong đêm. Hắn lách người qua cửa kho. Lũ bò thấy hơi lạ lười biếng ngước nhìn hắn như oán trách rồi lờ đờ ngoảnh đi chỗ khác. Trong chuồng đầy tiếng muỗi vo ve. Các máng ăn hết sạch cám và cỏ. Hắn hiểu vì sao chuồng yên ắng. Lũ bò đang đói và buồn. Người ta đã giết đồng loại của chúng ngay trước mặt chúng. Út quay vào kho vác ra bao cám, mở miệng, trút vào cái xô lớn.
Tội nghiệp chúng mày. Hắn lầm rầm với lũ bò: Người ta mải nhậu nhẹt rồi quên không cho chúng mày ăn.
Hắn đi dọc dãy chuồng, xúc cám vào từng máng. Lũ bò ngửi thấy mùi thức ăn, chộn rộn hẳn. Con thì "ò" lên mấy tiếng vui mừng. Con cọ sừng vào thang chuồng sột soạt. Con khua móng xuống nền mừng rỡ. Tiếng nhai bắt đầu nhộn nhạo...
Những tiếng động từ chuồng bò khiến con Vàng ngủ ở đầu hiên nhà thức giấc gừ gừ lên mấy tiếng cảnh giác, rảo chân chạy qua. Thấy thằng Út, nó vẫy đuôi cuống quýt phóng ngay lại khợp đùa, hít hà vào ống chân trần đen nhẻm của chủ biểu lộ sự đồng cảm. Vàng mập đẫy nhưng chậm, đã bước sang tuổi già. Hai con mắt hùm hụp của nó nhìn thằng Út như ghen với lũ bò.
- Lúc tao về, mày đâu thèm nhận tao. Thằng Út vừa xúc cám vào máng vừa trách đùa Vàng: Tao biết thừa lòng dạ mày rồi.
Vàng khịt khịt vài tiếng thanh minh: Tôi đâu quên anh. Anh quên tôi thì có. Thấy anh về, tôi kêu mấy tiếng chào anh, nhưng anh mải ngồi trên xe hơi, đâu có thèm nhìn tôi.
Út nháy mắt ngồi xuống ôm Vàng:
- Giỡn chút mà đã giận. Cho bọn bò ăn xong, tao sẽ xuống bếp kiếm cái gì đó, tao với mày cùng ăn. Tao cũng đói lắm rồi.
Út đứng lên cho bò ăn tiếp. Con Vàng cũng chồm dậy gừ gừ mấy tiếng rồi phóng ra cửa chuồng.
Út hướng theo và nhận ra cha. Ông Hai Rỡ hốc hác, mệt mỏi từ ngoài sân tập tễnh bước vào. Nhận ra Út, ông lầm lầm dừng lại. Út ngạc nhiên vì cha nó nhàu nát, thất thần như người bệnh. Có lẽ những động tĩnh từ chuồng bò đã đánh thức ổng dậy.
- Mày trốn đâu suốt ngày vậy? Ông hỏi Út, miệng nồng nặc hơi rượu.
Út chỉ nhìn cha. Nó đã quen không đáp những câu hỏi mà thiếu câu trả lời, người hỏi cũng chẳng hề bực tức.
- Chúng mày sao không trốn hết đi... Mặt Hai Rỡ lừ đừ bởi men rượu: Mày thương lũ bò nên mày quay lại hả? Thế sao thằng Ba không về? Nó không thương bò hả?
Út buột miệng hỏi:
- Anh Ba đâu?
- Thế mày không cùng đi với nó à? Hai Rỡ chộp ngực áo thằng Út gầm gừ: Nó... nó đã vượt biên rồi... Nó đi mất rồi... Đù mẹ... đời. Tao được thằng này lại mất thằng khác.
Hai Rỡ đang quá say. Đó là chuyện chưa bao giờ thấy, vì ông là người uống không bao giờ biết say là gì. Hàng ngày, mỗi bữa cơm, ông đều uống hai xị. Rượu như cơm, không thể nào không có. Còn khi vui quá hay buồn quá, nếu có bạn uống, thì liều lượng vô kể, có khi vài lít, nhưng không bao giờ say xỉn và nói lảm nhảm.
- Tao đau đời mà Út... Từ nay, tao gọi mày là Út chứ không phải Khùng... Mày đáng được gọi một cái tên người nhất thì tao gọi mày là Khùng, là Bò, là Chó... Còn chúng nó là chó hết, tao lại gọi chúng nó là người. Bởi vì tao cũng chó. Hai Rỡ bỗng khóc hu hu: Cha có tội... nhưng cha sợ... cha sợ bị đời khinh rẻ... nên... cha đã hại con... Út ơi... tha thứ cho cha... hu hu hu...
Út vội đỡ cha, dìu lại chiếc ghế bố ở cửa kho.
- Tao không say đâu. Hai Rỡ cố vùng ra, nhưng cơn say khiến ông không làm chủ được động tác, hai tay cứ quờ quạng, chân nam đã chân xiêu, miệng lảm nhảm:
- Chúng nó giết của tao hai con bò đẹp nhất... Bò... Con Mai Hoa và con Huyền Vũ. Bò! Tao đã phải trả bao nhiêu giá đắt... để cho chúng mày sống. Đầu tiên là tao... là cái chết của tao... cái chết của thằng Út... rồi đến cái chết của Tư Tiên... Thế mà cuối cùng chúng mày cũng không sống nổi... Hôm nay, chúng nó giết chúng mày. Mai Hoa, Huyền Vũ. Chúng nó nhậu suốt ngày. Chỉ ăn mừng..., chỉ đãi bạn bè chiến hữu mà chúng nó giết hai con bò của tao. Chúng nó giết thêm thằng con trai của tao... Hu hu... Thằng Năm... trời ơi... thằng Năm Thiên... Tao không ngờ thằng Năm... Tao phải giết nó... Nó, chính nó dắt người về giết hết bò chứ không phải ai khác... Tao có tội khi đã đẻ ra nó. Tao đặt tên mày là Trời để mày phá tao... Hu hu... Út...mày có tha thứ cho cha không?
Út cố giữ cha ngồi im nhưng ông vẫn vùng vẫy. Cuối cùng, nhân lúc Út lỏng tay, ông thoát được ra, xô Út té ngồi xuống đất, chuệnh choạng chạy khỏi chuồng bò, vừa chạy vừa đấm ngực bình bịch và gào thét:
- Tôi có tội...Trời ơi! Tôi có tội... Ông chạy ra giữa sân, phanh ngực áo, ngửa mặt lên bầu trời tối đen không một vì sao: Tôi có tội... Hu hu hu... Trời đã bắt chính lũ con tôi trừng phạt tôi... Chúng nó giết hết bò... Thà giết chết tôi còn hơn... hỡi trời... Hãy giết tôi đi còn hơn...
Con Vàng thấy chủ vậy sợ hãi, tru cuồng lên, khiến lũ chó hàng xóm hốt hoảng thi nhau sủa ầm ĩ lan truyền cả vùng. Những con gà trong chuồng cũng quang quác như gặp cáo. Bảy Thiện đang ngủ mê mệt, thức giấc trần trùng trục bật giường lao ra sân. Từ ngôi nhà đúc cuối vườn, Sáu Là cũng bật cửa chạy qua. Thấy bố chồng quỳ giữa sân làm mình làm mẩy gào thét, nàng đứng sững rồi từ từ lùi vào khoảng tối của bóng cây si, ôm mặt khóc nức.
Bảy lắc đầu nói với Út:
- Ông uống suốt ngày, hết cả can rượu mười lít... Gã ngồi xuống cạnh cha: Cha... Cha... Ngoài này sương lạnh, con đưa cha vô nhà nghen... Cha uống nhiều quá vô ngủ một giấc là hết thôi cha...
Hai Rỡ túm ngay ngực thằng Bảy, trợn mắt:
- Mày là ai? Mày là thằng Bảy hả? Mày. Mày chính là thằng khốn... Thấy chúng nó giết bò sao mày không chém chúng nó?
- Trời! Bảy thật thà cãi: Cha không cản làm sao tôi dám cản.
Hai Rỡ bắt ngờ vung tay đấm thẳng một quả như trời giáng giữa mặt Bảy khiến gã bật ngửa, ôm mặt bất mãn:
- Sao cha lại đánh tôi?
- Vì mày nói láo. Tao không cản là đúng vì tao là thằng chết rồi... Tao... tao chết lâu rồi.. Còn mày đang sống... mày phải cản... phải chém những thằng giết bò.
- Thì anh Hai, anh Năm chớ ai. Bảy Thiện làu bàu.
- Cũng chém... chém hết... Trời đất quỷ thần... Hai Rỡ lại khóc rống: tôi uống phải bùa mê thuốc lú gì mà lúc ấy để chúng nó giết bò. Con Mai Hoa và con Huyền Vũ... Hu hu hu... Ông loạng choạng chạy vào nhà: Con dao đâu... mã tấu đâu...
Bảy lao theo ôm ghì lấy cha.
- Mày bỏ ngay tao ra. Tao muốn chết trước trời đất ngay đêm nay... Bỏ ra.
Bảy đang ở tuổi mười chín, khỏe như trâu, thừa sức ghìm giữ cha, một ông già hơn sáu chục. Ông Hai Rỡ vùng vẫy gào thét một lúc rồi cũng mệt và lả đi, miệng lảm nhảm những lời không đầu không cuối.
Út xán lại gần giúp Bảy đỡ cha vào nhà.
Sáu Là nen nét bước theo. Lúc vào đến vùng sáng ánh điện từ trong nhà hắt ra, Út mới nhận thấy hai mắt Sáu Là mọng đỏ. Từ khi biết chuyện dan díu của Sáu Là, nó luôn coi trong gia đình không có người đàn bà tội lỗi này. Nhưng giờ đây nó thấy thương nàng. Rõ ràng nàng đã biết chuyện chồng vượt biên.
- Có cần tôi giúp gì không? Vào trong nhà, Sáu Là tránh nhìn cha chồng, lí nhí hỏi.
Bảy ngoảnh lại:
- Chị về lấy đồ cạo gió. Ông cảm nặng rồi.
Mắt Sáu Là hơi nhíu lại có vẻ ngần ngại. Nhưng rồi nàng cũng quay ngay đi. Út hiểu được lòng nàng. Nó nhìn Bảy nghi ngờ: Ẳnh không biết chuyện "đó" hay ảnh bỏ qua? Có lẽ ảnh không biết. Út thở dài. Có khi không biết như Bảy lại tốt hơn là biết như nó.
Nó ngồi xuống cạnh giường, chăm chăm nhìn kỹ gương mặt cha. Ông đang thiêm thiếp trong cơn say. Những nét nhăn nhúm trên mặt ông thư giãn trong khoảnh khắc. Bất ngờ cẳng chân ông, chính cẳng chân năm xưa, giật giật lên vài cái. Út vội kéo tấm mền nồng mùi mồ hôi bò đắp lên người cha.
- Trúng gió rồi. Thằng Bảy nói: Da tím ngắt à.
Hai Rỡ bỗng mở mắt nhìn quanh. Ông dừng lại rất lâu ở mặt thằng Út, rồi hỏi:
- Thằng Ba về chưa?
Bảy nói:
- Sắp về rồi.
- Thằng Hai? Hãi Rỡ lại hỏi.
- Ẳnh về sở, mai lại lên đây.
- Thằng Năm?
- Ẳnh trực ở Ủy ban, sáng mai cũng về. Ba ngủ đi.
Im một lúc, cố nhớ ra điều gì mà không nhớ nổi, vầng trán thấp của Hai Rỡ gợn nếp bạc nhược, giọng ông thều thào:
- Hình như lúc say, ba nói lung tung?
Bảy lắc đầu:
- Ba đâu nói gì. Ba không ngủ à...
Hai Rỡ chăm chăm nhìn những hàng ngói tàu trên mái nhà rồi khẽ cựa:
- Không phải ba đã đuổi hết chúng nó đi chứ? Ánh mắt ông bơ vơ hướng về thằng Bảy rồi lại nhìn thằng Út, miệng mấp máy: Sao nhà vắng thế? Không phải ba đuổi thiệt chớ?
Út cầm bàn tay cha, khẽ nói:
- Thiệt.
Nó bỗng rùng mình khi gặp được nhịp đập từ mạch máu cha nó những tín hiệu tình thương yếu ớt. Nó phải nhắm mắt lại để nghe rõ hơn. Lòng nó rưng rưng.