Số lần đọc/download: 1624 / 14
Cập nhật: 2016-03-01 22:26:27 +0700
Chương 10 -
K
hoảng hai mươi giờ rưỡi, đội Cấn đi tìm cai Mánh. Có tiếng đàn bầu và tiếng hát sẩm ở cái sân nhỏ mãi cuối trại Bô-dông. Chắc "xếp tiêu sầu" có mặt ở đây. Quả nhiên có cai Mánh ngồi giữa đám lính. "Xếp tiêu sầu" đang đệm đàn bầu từng tưng cho bài sẩm do chính anh ta đặt ra: "Tây... thì... già; Tây... thì già! Ai ơi mà có sợ, có sợ cái ông, chứ Tây thì già!" Đám lính khố xanh ngồi vây quanh cai Mánh đế luôn: "Già thì ra làm sao"? Tiếng hát tiếp của cai Mánh: "Người ta ối a hễ già là chống gậy Chứ cái ông Tây già, càng già càng nổi máu dê". Tiếng đế của lính khố xanh: "Càng già càng nổi máu dê Càng già càng nổi máu dê". Tất cả cười phá lên. Bài hát này ít lâu nay là bài hát được phổ biến ở khắp tỉnh lỵ Thái Nguyên và cả ở các đồn khố xanh khác trong tỉnh. Đám trẻ con ở các trại con gái cứ ối a luôn mồm "cái thằng Tây già". Chúng nó hát cả những khi có mặt bọn sĩ quan Tây trưởng đồn làm cho bọn này tức điên lên. Những tên sĩ quan an ninh của các trại phóng bọn tay chân đi dò xem ai là người làm ra cái bài hát quái quỷ ấy. Nhưng cái thứ bài vè, bài sẩm ấy thì sao mà biết được ai là tác giả! Sau bài Tây già, đám lính khố xanh hát bài vè "Chú lính tập" theo điệu hát dặm Hà Tĩnh: "Các chú tập binh Chú ở An-nam sinh Chú ở An-nam trưởng Chú sung chú sướng Chú phả, chú phê Chú mãn hạn về Thuế sưu chú chết Họ hàng chú kiệt quệ Anh em chú xác xơ Ruộng một tấc chẳng có Chú nghĩ đã biết chưa? Tây ơn gì chú Tây thương gì chú Tây đưa chú sang Tây Lúc đi đủ chân đủ tay
Lúc về hai chân đi trước Chú lính tập binh Thân chú là thân chó". Đám lính hát hậm hực như muốn trút cả những nỗi niềm tủi cực chứa chất trong lòng. Bài hát tưởng như vui nhưng thực ra ý nghĩa của nó cứa ngọt vào ruột gan những anhlính tập. Đội Cấn lặng ngắm khuôn mặt thật thà của quyền Nhiêu. Cái anh dân quê bỏ làng đi lính này, so với bọn ông, đỡ bị đày đọa trong đời sống lính tráng rất nhiều. Anh ta vào lính là gặp ngay những người chỉ huy như ông, như cai Mánh, chẳng những không hành hạ anh mà còn che chở cho anh. Nhưng tại sao anh đi theo tổ chức khởi nghĩa một cách nhanh chóng và dứt khoát thế? Thì ra những con người như quyền Nhiêu
-đến bây giờ đội Cấn mới hiểu rõ
-đã mang sẵn trong lòng một kho thuốc súng, chỉ chờ dịp châm lửa là bùng nổ. Đó là điều đáng chú ý bởi vì có những người như đội Trường đến giờ phút quyết liệt rồi mới gắn được chuyện riêng với chuyện công. Quyền Nhiêu đăng lính được ít ngày, đội Cấn đã chú ý đến sự thành thực chất phát của anh và ngược lại Nhiêu rất quý tính đứng đắn rộng lượng của đội Cấn. Nhiêu dần dần thân thiết như người em ruột của đội Cấn vậy. Anh đã nhiều lần tâm sự với ông và đội Cấn càng hiểu càng thương quý anh ta. Quyền Nhiêu là một con người rất nghèo một làng ở ven sông Lô, loại người không có chút vai vế quen gọi là loại bạch đinh. Anh là con cả, mẹ mất sớm, chỉ có tình thương ở người cha già gần lẫn cẫn và cha con sinh sống bằng hai sào ruộng hương hỏa. Năm Nhiêu mười tám tuổi, một cô gái con một ông già đến ngụ cư ở làng anh, phải lòng anh. Quả thực Nhiêu cũng đáng yêu, anh có miệng cười rất hồn nhiên phô hàm răng nhuộm đen láng và vóc người vạm vỡ phương cường. Cô gái thì đẹp, có thể nói là vào hạng nhất nhì trong làng. Trai làng không ai nào không mê tít cô gái. Anh nào cũng muốn bắt nhân ngãi nhăng nhít với cô nhưng không có ý định cưới cái đứa con gái thằng ngụ cư làm vợ. Mà chẳng những trai làng, ngay các lý lịch, hương hội trong làng và thậm chí cả thầy chánh tổng đã ba vợ cũng có ý bờm xơm với cô gái. Nhưng cô gái ấy tuy nghèo mà tỏ ra nết na. Mối tình giữa cô và Nhiêu thật trong sạch. Hai ông già thì rất vừa lòng và muốn vun đắp cho hai con. Hai nhà đã định tết năm ấy cho các con ra ở riêng. Nào ngờ, một đêm, tây đoan ập vào nhà Nhiêu, trói cha con anh lại. Thầy chánh tổng đưa lính đoan ra ruộng nhà Nhiêu tìm thấy
-ô, kỳ lạ thay!
-có đầy đủ nồi, ống nấu rượu. Thế là cái tội nấu rượu lậu ấy, Nhiêu trả bằng sáu tháng tù, cha Nhiêu trả bằng cái chết ốm vì uất ức trong lao. Khi Nhiêu mãn tù về làng, cô gái đã về nhà thầy chánh làm làng hầu. Ngày cô ta đi làm đồng, đêm thì cô ta hầu hạ đấm bóp cho thầy chánh. Nghe đâu ba bà vợ thầy chánh ghét cô gái lắm, họ hùa nhau đánh cô ta luôn luôn, có lần họ còn giả vờ tuột tay hắt cả nồi canh cua lên đùi cô ta làm cho cô gái phải khiêng lên nhà thương chữa hàng tháng. Hai sào ruộng nhà Nhiêu bị lão chánh tổng cắm mất "cho nó vuông vức cánh đồng" nhà lão. Mất ruộng là mất điều bảo đảm nhỏ bé nhất cho sự tồn tại của loại dân quê nghèo như Nhiêu. Một đêm anh thề độc và Nhiêu đã giật đổ cái túp lều lụp xụp rồi bỏ làng ra đi. Anh ra đi chính là để tìm quyền làm người của mình tuy anh không hiểu đến mức tường tận như vậy. Đó là một con người chăm chỉ, đôn hậu, yêu ai thì chân thành, ghét ai như đào đất đổ đi và anh hồn nhiên hết sức. Đội Cấn còn nhớ khi quyền Nhiêu mới đăng lính. Anh ta làm mọi công việc cực nhọc trong đời lính tráng một cách chu đáo như lúc anh chăm vườn chăm ruộng nhà mình. Anh ta cần cù kỹ lưỡng (anh ta bảo có thế mới gia dụng) và đôi khi còn cười lên hơ hớ rất tự nhiên. Tháng đi lính thứ hai của quyền Nhiêu lại đặc sắc ở những buổi tối anh ta đi tập xe đạp. Hồi bấy giờ xe đạp hiếm lắm. Cả tỉnh chỉ có quan công sứ có một chiếc xe tư để đi chơi trong tỉnh lúc buổi chiều. Xe công có độ mươi chiếc của sở sen đầm dùng cho sen đầm đi "roỏn"1. Một chiếc nữa của lão phắc tơ đưa thư cho nhà Dây Thép. Hiếm như thế cho nên khi có một anh chàng từ Hà Nội lên, mở một cửa hàng sửa chữa xe đạp và cho thuê xe đạp thì lập tức cái cửa hàng của anh ta thành chốn ăn chơi, hẹn hò. Người ta rủ nhau đến đấy nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Tây bồi. Mấy ông phán tòa sứ mặc âu phục thắt cả cavát khi tập xe đạp. Mấy ông giáo trường Pháp
-Việt Nam
-Nữ tiểu học thì dắt hai vạt áo the vào cạp quần trước khi nhảy lên con ngựa sắt bất kham. Giới nữ thì trừ những cô ả đào liều mạng ra, còn chính mấy mụ me tây già cũng phải chịu cái "mốt" quá ư mới ấy. Quyền Nhiêu mở đầu cách chơi này trong đám khố xanh, khố đỏ Thái Nguyên. Bao nhiêu lương, Nhiêu ném tuốt vào cái cửa hàng xe đạp, và anh tập cưỡi con ngựa bất kham ấy với tất cả sự thích thú, hăng hái, vui vẻ, tươi trẻ của anh ta. Cả khu Ba toa còn truyền mãi cái chuyện chú lính hồn nhiên đánh vật với cái xe đạp, ôm cả xe nhảy xuống ao bèo và sau mỗi buổi tập quần áo tả tơi, trầy đầu gối, trầy khuỷu tay nhưng mặt mũi hỉ hả đắc thắng một cách hết sức hồn nhiên. Cũng chính ở phố Ba toa, quyền Nhiêu đoạn 1. Đi tuần quanh. tuyệt với cái thú chơi của anh ta sau khi đã đi xe đạp bỏ được hai tay không cầm vào ghi đông. Anh ta nói gọn lỏn: "Hơn đứt lão chánh tổng rồi!". Thế là thôi, quyền Nhiêu không thèm lai vãng đến trung tâm "ăn chơi" là cái cửa hàng xe đạp kia nữa. Kỳ thực dưới vẻ bề ngoài rất hồn nhiên ấy, quyền Nhiêu nung nấu mối thù nhà và anh có một lòng yêu nước rất đỗi chân thành. Lòng yêu nước ấy vun đắp từ tình yêu xóm làng, bờ tre, dậu mùng tơi, từ tiếng gà yên lành buổi sáng đến tiếng thoi đêm gieo lách cách. Những con người như quyền Nhiêu cần được huy động vào công cuộc giải phóng đất nước. Đội Cấn suy nghĩ và cảm thấy đây chính là một vấn đề quan trọng mà xưa nay ông chưa hề biết, chưa hề nghĩ tới. Cai Mánh nhìn thấy đội Cấn. "Xếp tiêu sầu" chuyển nhẹ cái đàn bầu cho người lính ngồi bên cạnh. Anh chờ một lúc rồi kín đáo rút ra khỏi đám người ồn ào và lại gần đội Cấn.
-Bộ chỉ huy đặt ở quán cụ Quát. Chú lấy một số anh em đến bảo vệ.
****
B ộ chỉ huy gồm bốn người: bác Vịnh thay mặt quốc sự phạm nhưng hiện vẫn còn ở đề lao, cụ Quát thay mặt dư binh Đề Thám, bác Khải thay mặt thợ mỏ Phấn Mễ, đội Cấn thay mặt lính khố xanh làm binh biến và là người chỉ huy cao nhất của cuộc khởi nghĩa đêm nay. Bộ chỉ huy có Lương Ngọc Quyến nữa nhưng ông cũng đang chỉ huy trực tiếp cánh quân bên đề lao. Ngoài ra còn mấy nghĩa binh có mặt để sẵn sàng làm nhiệm vụ truyền lệnh đi khắp nơi. Đúng hai mươi mốt giờ! Có tiếng kèn giới nghiêm ở cả hai trại Bô-dông và Xê- da-ri. Họ bày ra trên chiếu tiền nong bát đĩa làm như đang phát sạt nhau trong một canh sóc đĩa đầu kỳ lương. Đội Cấn duyệt lại tình hình:
-Đơn vị khố xanh của đội Nam, đội Giá và quốc sự phạm đã bí mật bố trí đánh chiếm gọn đề lao rồi sẵn sàng đánh chẹn không cho bọn lê dương ở trại Xê-da ri nống ra.
-Dư binh Đề Thám và thợ mỏ Phấn Mễ chiếm lĩnh cánh rừng bát ngát phía đông và nam tỉnh lỵ. Họ phải đảm nhận việc chẹn bắt những tên giặc sổng chạy về phía Hà Nội. Đồng thời họ cũng phải chẹn giữ không cho viện binh giặc kéo vào tỉnh lỵ.
-Trong trại Bô-dông, việc bố trí chiếm kho súng, diệt Nô-en và bọn tay chân đã xong. Ngoài tỉnh lỵ, những đơn vị đánh chiếm các công sở đã sẵn sàng chờ lệnh xuất phát.
-Việc cơm nước, may cờ, dán bố cáo giao cho Ngoan, Lý và những người đàn bà làng Vân Cốc. Cụ Quát giở lá cờ, lá cờ đỏ có năm ngôi sao trắng. ông cụ giũ tung nếp gấp, lá cờ tỏa rộng và mùi vải mới thơm thơm. Đội Cấn cảm động nâng lá cờ lên ngực. Khoảng hai mươi mốt giờ rưỡi, đội Trường cho người đến báo cáo:
-Trại Bô-dông hoàn toàn yên tĩnh. Con đầm lai đánh máy đã mò lên boong-ga-lô rồi. Đèn trên đó chỉ còn thắp ở một, hai phòng. Không thấy Nô-en và Đờ Mác-ti-ni đi đâu cả. Như thế là hai gã giám binh vẫn ở trên đó.
-Chánh quản Lạp đảo qua phòng chỉ huy lập lách rồi đi về nhà riêng ở chân đồi. Có tiếng anh ả cãi nhau to vì chuyện ghen tuông dính líu đến cuộc quần nhau tay ba ở boong-ga-lô hồi chiều.
-Đội Cầu không đi đâu cả. Gã nằm khoèo trong chiếc giường sắt nhỏ kê ngay trong phòng đội xơ-men. Gã ư ử ngâm bài thơ in trong tờ tạp chí Nam Phong số mới nhất mới gửi đến Thái Nguyên trong chuyến xe thư buổi chiều. Gã không còn biết ngoài trời mưa hay tạnh.
-Riêng đội Hạnh thì biến mặt. Lúc hai mươi giờ rưõi gã còn ngủ li bì trong y xá nhưng hai mươi mốt giờ thì giường đã trống không. Cái thằng này vốn có cái tính nát rượu kỳ dị như thế, gã say đột ngột và gã tỉnh cũng đột ngột. Đội Trường đã về phòng riêng của đội Hạnh tìm gã nhưng cửa phòng gã khóa trái. Gã cũng không có mặt ở phố Ba toa. Mấy nhà số chẵn có khách hát đều là mấy ông giáo trường Pháp
-Việt hàng tỉnh. Mấy nhà số lẻ thì khách là những tay phán sự trẻ tuổi của tòa sứ, của nhà Dây Thép và của phòng Thủy Lâm khao nhau sau khi đã cấp một giấy phép mở "cúp" khai thác gỗ rừng Vũ Nhai, Đình Cả.
-Mấy thằng tay chân gian ác của đội Cầu thì về ngủ cả rồi trừ một thằng thuộc "xếch xông" của đội Trường. Đội Trường đã cắt hai người lính có chân trong tổ chức binh biến bám gã rất sát. Hễ lúc khởi sự gã mà ho he là thịt nghiến. Đội Cấn vội ra lệnh cho đội Trường và đội Giá: Hai anh phải cử người tinh tường đi lùng cho được thằng đội Hạnh. ông nhấn mạnh phải cử người tinh tường. Hễ gặp thằng Hạnh thì tìm cách kéo gã đi chơi xa trại Bô-dông, nếu cơ hội tốt thì diệt luôn. Diệt xong phải báo cho bộ chỉ huy biết ngay. Khoảng hai mươi hai giờ, nghĩa binh cánh rừng Đồng Mỗ báo tín họ bắt được bốn thằng khố vàng và gã ấm Hỷ. Họ xin dành bọn này đến sáng sớm mai đem chém đầu làm lễ tế cờ. Đội Cấn không đồng ý, ông bảo cái thứ hủi chúng nó có đem tế cũng chỉ làm bẩn cờ. ông ra lệnh trói chặt mấy thằng khố vàng lại, còn thằng ấm Hỷ thì bắt nó dẫn về dinh bố chánh, chiếm lấy dinh này và dinh án sát cũng ở kế bên. Người chỉ huy cuộc đánh chiếm là cụ Quát. Đội Cấn ra lệnh cho ông già đi ngay. ông phong chức cho cụ già chủ quán là đô đốc cánh quân bên phải. Thế là cụ đô đốc mặc áo nâu ấy đeo súng lục ngang lưng ra đi. Trước khi đi, ông cụ còn chào theo kiểu nhà binh riêng của ông cụ là chắp tay vái lia vái lịa những người bạn trong bộ chỉ huy làm cho họ phì cười vui vẻ. Khoảng hai mươi hai giờ rưỡi, cái cửa thông xuống bếp bỗng nhiên động đậy. Bộ chỉ huy cùng ngoảnh cổ nhìn về phía đó. Cánh cửa từ từ mở hé ra để lộ cái mặt trắng xanh nhưng hết sức gian giảo và trai lơ của đội Hạnh. Gã nhăn răng cười, mắt đảo lia lịa nhìn cái quán với bàn sóc đĩa ba người. Gã cười, gã không bước vào hẳn trong gian quán mà cứ đứng ở cửa bếp. Gã hỏi:
-Các ông cũng sát phạt nhau thì lạ nhỉ? Đội Cấn định rút súng lục giấu trong túi quần nhưng ông ngừng tay vì ông nhìn thấy thằng Hạnh đã chìa cái tay phải vẫn giấu ở sau lưng gã ra trước mặt. Tay gã có khẩu súng lục "oóc-đon-năng". Gã hết say rồi, khẩu súng trong tay gã không thấy run rẩy.
-Thế nào chú Hạnh! Chú đi đánh bạc mà cũng đem cả súng đi à? Kiếm ở đâu đấy!
-ông quản giao cho tôi đấy. Mà bác cũng có súng kia đó thôi. Bác chả giấu nó trong túi quần là gì. Gã cười. Những người kia cũng cười.
Tất cả những cái cười ấy không thật và họ đều chưa biết nên hành động thế nào. Phe đội Cấn không dám ra tay trước vì ở thế bất lợi. Gã Hạnh thì cảm thấy sợ vì cô thế. Gã cười và những người kia cũng cười... Thực ra đội Hạnh chỉ bịp. Lúc gần tới hai mươi mốt giờ. Gã thấy khát nước và gã đã mò đi kiếm một hớp nước. Tìm nhiều nơi không có nước uống, gã liền đến phòng đội xơ-men. Trong trại Bô-dông thì chỉ ở phòng chỉ huy lập lách và phòng đội xơ-men là lúc nào cũng có nước uống. Đội Hạnh sực nhớ chuyện xô sát lúc chiều với đội Cầu, gã nhớ rằng đội Cầu định đánh gã mà lại định đánh trước mặt mấy ả vợ lính đến lĩnh lương. Gã chửi thầm một câu rồi định quay đi nhưng sau nghĩ đi nghĩ lại, gã rón rén trèo lên thêm ghé vào phòng. Đội Cầu đi đâu chưa về. Thật là dịp may hiếm có, đội Hạnh lẻn luôn xuống phòng đội xơ-men. Gã định thủ quyển sổ trực tuần đem vứt béng đi cho thằng kia chết. Nhưng trên bàn giấy của đội Cầu không thấy để quyển sổ đó. Đội Hạnh liều mạng rút ô kéo thứ nhất: chỉ thấy quyển tạp chí Nam Phong và chiếc ang đồng nhỏ xíu đựng trầu vỏ (đội Cầu nghiện nhai trầu, hàng ngày gã phải nhá năm, sáu miếng). Đội Hạnh chửi một câu rất tục, gã mở nắp ang nhổ luôn vào đấy mấy bãi nước bọt. Gã rút ô kéo thứ hai: thắt lưng và bao súng lục của đội Cầu để chặn lên một số giấy tờ. Hạnh liếc xem: góc tờ giấy trên cùng in những dòng chữ: Sở mật thám Bắc Kỳ
-Phòng điều tra. Đội Hạnh rút tờ giấy đọc. Thì ra đây là mệnh lệnh của sở mật thám ra lệnh cho đội Cầu điều tra gấp một vụ âm mưu "làm loạn" ở Thái Nguyên. Trong âm mưu này có lính khố xanh và tình nghi có cả các cấp cai, đội tham dự. Ngoài lề bản mệnh lệnh, đội Cầu nguệch ngoạch mấy chữ: Hạnh, Cấn, Trường. Và gã vẽ một cái dấu hỏi rất to bằng bút chì đỏ sau mỗi tên ấy.
-Đ... mẹ nó, nó lại định hại ông à!
Đội Hạnh rút luôn khẩu súng lục thủ vào bụng. Gã nhặt mấy cái chặn giấy trên mặt bàn nhét vào bao súng. Gã mở ô kéo thứ ba: quyển sổ trực tuần có trong đó. Đội Hạnh lấy quyển sổ. Gã lỉnh ra khỏi trại Bô-dông. Quyển sổ trực tuần bây giờ đã nằm im dưới đáy hào thành Thái Nguyên rồi. Khi gã đang lúi húi dưới hào thành thì nhìn thấy có bóng người đi qua. Nom dáng điệu người này, đội Hạnh nhận ra cụ Quát. Thế là gã nghĩ ngay đến cô con gái của ông cụ hiện chỉ ngủ một mình ở quán Đồng Mỗ mà gã lại đang có súng trong tay. Thật là dịp may hiếm có. Gã thèm thuồng liếm môi liếm mép và nhót ngay đến ngôi quán vắng. Gã không đi lối cửa trước. Gã vòng ra sau nhà, lỏn vào trong bếp. ở đây gã nghe thấy tiếng nhiều người đàn ông nói trong quán, trong đó có tiếng đội Cấn. Thế là gã sực nhớ đến mệnh lệnh mật của sở mật thám Bắc Kỳ. Gã đẩy cửa bước vào... và cũng không ngờ sẽ gặp cảnh khó xử ấy.
****
C ai Mánh được đội Giá giao cho nhiệm vụ lùng bắt thằng Hạnh. Mánh đáng lẽ phải có mặt ở xếch xông tăng cường khu đề lao nhưng vì anh là một yếu nhân trong âm mưu khởi nghĩa nên anh được ở lại trại Bô-dông. Đội Giá đã cho người đến báo cho Mánh biệt sự biến mất của thằng Hạnh và yêu cầu anh bắt bằng được nó. Cai Mánh, sau khi cử mười anh em đến quán cụ Quát để bảo vệ bộ chỉ huy, đã xuống ngay phố Ba toa tìm Hạnh. Nhưng xếp tiêu sầu không thấy Hạnh ở đấy. Cai Mánh ngẫm nghĩ: Hay nó mò đến Đồng Mỗ? Anh đi về phía Đồng Mỗ. Đến nửa đường anh gặp số anh em đi bảo vệ bộ chỉ huy bị bọn sen đầm ngăn lại giữa đường với lý do họ đi sau kèn giới nghiêm mà không biết khẩu lệnh đi đêm. Gã sen đầm Bơ-de lại nghi ngờ vì lính khố xanh vác cả súng theo. Có thể họ kéo đi đánh nhau với lính khố vàng vì cái chuyện trai gái hồi sáng chăng? Bơ-de ra lệnh bắt về sở sen đầm. Bọn sen đầm đi roỏn này lại có tới năm thằng. Nếu chống cự lại chúng ắt phải nổ súng mà đã nổ súng là lộ chuyện khiến các vị trí giặc trong tỉnh lỵ sẽ đề phòng canh gác kỹ hơn. Cai Mánh nghĩ rất nhanh.
Tốt nhất là kệ thằng Bơ-de dẫn số lính này về sở sen đầm xét hỏi rồi sẽ cứu anh em sau. Mánh không ra mặt, anh lẩn vào xó tối chờ bọn sen đầm dẫn những người lính đi. Anh trách thầm mình sơ suất không hỏi khẩu lệnh cho kỹ càng. Sau đó, anh đi rất nhanh về phía Đồng Mỗ. Cai Mánh nhìn thấy hút một bóng người vòng ra mé sau quán cụ Quát. Bóng người quen quen, đúng là thằng Hạnh! Mánh vừa mừng vừa sợ. Mừng vì tìm ra tung tích thằng gian. Sợ vì thằng ấy mò vào đúng chỗ bộ chỉ huy đóng. Có thể thằng Hạnh có vũ khí mà anh lại chỉ có một lưỡi dao lá liễu nhỏ xíu. Nhưng vì đã trải cuộc đời đầy dẫy những trận đánh nhau đấm chém chí tử nên cai Mánh rất tin mình trị được thằng gian ác này nếu anh khôn khéo một chút. Cai Mánh trụt giầy định vứt đi. Anh rút dao, nhẹ nhàng theo hút đội Hạnh. Khi gã ác ôn chìa súng ra, hỏi vặn đội Cấn là lúc cai Mánh cũng mò vào đến nơi. Xếp tiêu sầu hành động rất gọn. Anh giơ chân đá một cái băng súng đội Hạnh. Anh xòe tay trái chặt vào hầu đội Hạnh. Gã trợn mắt ú ớ kêu không thành tiếng. Cai Mánh thúc luôn một đấm vào ức đội Hạnh. Gã xỉu người, từ từ ngã vật xuống đất. Cai Mánh đưa luôn lưỡi dao vào cổ tên chó săn. Cai Mánh kéo áo gã trùm lên mũi dao để che tia máu. Khi cai Mánh đứng lên, bộ chỉ huy cũng chưa kịp nói một câu hoặc làm một hành động nào để giúp anh cả. Tất cả chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc cực ngắn và cai Mánh chẳng hé răng nói một tiếng nào. Cai Mánh từ từ đứng lên, kéo lại nếp áo cho phẳng. Tên Hạnh bây giờ chỉ còn là cái xác không hồn. Cái Mánh điềm tĩnh báo tin toán bảo vệ bộ chỉ huy đã bị sen đầm bắt giải đi. Đội Cấn quyết định cho nổ súng. ông phong chức đại tá cho cai Mánh và ra lệnh đại tá Mánh làm chỉ huy phó đơn vị đánh chiếm trại Bô-dông. Đại tá Mánh sẽ có nhiệm vụ giúp đỡ đô đốc Trường diệt bọn ác ôn ở trại, diệt tên việt gian Vũ Văn Lạp và diệt bọn giám binh. Đơn vị của Trường, Mánh sẽ là đơn vị chủ lực đánh vào trại Xê-da-ri. Sau đó đội Cấn quyết định đưa trụ sở bộ chỉ huy về trại Bô-dông, bởi vì đội canh gác đã bị sen đầm giữ lại, hơn nữa ông nhận thấy trong lúc nổ súng sự có mặt của ông ở trại Bô-dông là rất cần thiết. ông chỉ định hai người nghĩa quân lại quán cụ Quát làm liên lạc giữa cánh quân ở trại Bô-dông và cánh quân ở các nơi. ông trở về trại cùng lúc với cai Mánh.