Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Tác giả: Sara Gruen
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 948 / 17
Cập nhật: 2017-08-04 07:58:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ậy đi, ông Jankowski. Ông đang gặp ác mộng đấy.” Tôi mở bừng mắt. Tôi đang ở đâu đây?
Ôi, chết tiệt thật.
“Tôi đâu có mơ,” tôi cãi.
“Chà, ông đã nói trong khi ngủ, vậy là đủ rõ rồi,” cô y tá đáp. Lại là cô nàng da đen tốt bụng. Sao tôi không tài nào nhớ nổi tên cô ta? “Chuyện gì đó về việc cho lũ mèo ăn những ngôi sao. Giờ thì đừng băn khoăn về mấy con mèo đó nữa - tôi dám chắc chúng đã được cho ăn, dù là sau khi ông thức dậy đi nữa. Nào, tại sao họ lại đi bắt ông phải đeo mấy thứ này?” cô ta trầm ngâm, kéo cái khóa dán ở hai cổ tay tôi ra. “Không phải ông cố chạy trốn đấy chứ?”
“Không. Tôi dám cả gan than phiền về thứ bột trẻ em mà họ cho chúng tôi ăn”. Tôi liếc xéo cô nàng. “Và rồi đĩa của tôi có vẻ như đã trượt khỏi bàn.”
Cô y tá dừng lại và nhìn tôi. Rồi cô ta phá lên cười. “Ôi, ông là một người tràn đầy sinh lực đấy, được rồi,” cô ta nói, xoa hai cổ tay tôi giữa đôi bàn tay ấm áp của mình. “Ôi trời.”
Một cái tên lóe lên trong đầu tôi: Rosemary! Ha. Vậy là tôi không hề bị lẫn.
Rosemary. Rosemary. Rosemary.
Tôi phải nghĩ ra một cách để ghi nhớ, một vần điệu chẳng hạn. Sáng nay tôi có thể nhớ, nhưng điều đó không đảm bảo rằng ngày mai hay thậm chí đến cuối ngày hôm nay tôi sẽ vẫn nhớ.
Cô ta tới bên cửa sổ kéo mành lên.
“Cô không phiền chứ?” tôi hỏi.
“Tôi phiền cái gì cơ?” cô ta đáp.
“Hãy chỉnh tôi nếu tôi nói sai, nhưng đây chẳng phải phòng của tôi ư? Nếu tôi không muốn kéo mành lên thì sao? Tôi nói cho cô biết, tôi sắp phát ốm lên khi người ta cứ nghĩ họ biết tôi muốn cái gì hơn chính bản thân tôi.”
Rosemary nhìn tôi chằm chằm. Rồi cô ta thả mành xuống và rời khỏi phòng, cánh cửa đóng lại phía sau lưng. Tôi há hốc mồm ngạc nhiên.
Một lúc sau có ba tiếng gõ cửa nhẹ. Cửa hé mở.
“Chào buổi sáng, ông Jankowski, tôi vào được chứ?”
Cô ta đang chơi cái trò quái quỷ gì vậy?
“Tôi hỏi là, tôi vào được chứ?” cô ta nhắc lại.
“Đương nhiên rồi,” tôi ấp úng.
“Thành thật cảm ơn,” cô ta bước vào và đứng ở cuối giường tôi. “Bây giờ, ông muốn tôi kéo mành lên để ánh nắng của Chúa lòng lành rọi vào người, hay muốn ngồi cả ngày ở đây trong bóng tối dày đặc?”
“Ôi, cứ việc kéo lên đi. Và ngừng cái trò vô nghĩa đó lại.”
“Không vô nghĩa đâu, ông Jankowski,” cô ta nói, tới bên cửa sổ kéo mành lên. “Không một chút nào. Tôi chưa từng bao giờ nghĩ như thế, và cảm ơn đã làm tôi sáng mắt ra.”
Cô ta đang chế nhạo tôi sao? Tôi nheo mắt, dò xét khuôn mặt cô ta để tìm manh mối.
“Bây giờ, tôi có đúng không khi nghĩ ông muốn dùng bữa sáng trong phòng mình?”
Tôi không trả lời, vì tôi vẫn đang do dự không biết có nên nghi ngờ hay không. Bạn sẽ nghĩ rằng lẽ ra đến lúc này việc tôi thích dùng bữa ở đâu phải được họ ghi lên biểu đồ rồi chứ, nhưng sáng nào họ cũng cứ hỏi tôi cái câu khốn kiếp ấy. Đương nhiên là tôi muốn ăn sáng trong phòng ăn hơn. Dùng bữa trên giường khiến tôi thấy mình như một kẻ tàn phế vậy. Nhưng bữa sáng đến sau màn thay tã buổi sớm, và mùi phân nồng nặc trong hành lang khiến tôi phát ói. Phải mất đến một, hai tiếng sau khi tất cả những kẻ bất lực được rửa ráy, cho ăn, và đỗ xe lăn bên ngoài cửa phòng mình thì mới an toàn để thò đầu ra ngoài.
“Giờ thì, ông Jankowski - nếu ông mong người khác làm việc theo cách của mình, ông sẽ phải đưa ra một vài gợi ý xem cách đó là cách gì.”
“Vâng. Làm ơn. Tôi sẽ dùng bữa trong này,” tôi đáp.
“Được thôi. Ông muốn tắm trước hay sau khi ăn?”
“Điều gì khiến cô nghĩ tôi cần phải tắm chứ?” tôi hỏi, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, mặc dù tôi không hề chắc rằng mình không cần tắm.
“Vì hôm nay là ngày người nhà ông đến thăm,” cô ta đáp, lại nở nụ cười hết cỡ đó ra. “Và vì tôi nghĩ ông muốn được thơm tho sạch sẽ cho cuộc đi chơi chiều nay.”
Cuộc đi chơi? À, phải! Rạp xiếc. Tôi phải nói rằng, thức dậy hai ngày liền với triển vọng sắp được ghé thăm rạp xiếc quả thật là tuyệt vời.
“Tôi nghĩ tôi sẽ tắm trước khi ăn nếu cô không phiền,” tôi vui vẻ nói.
MỘT TRONG NHỮNG nỗi sỉ nhục khủng khiếp nhất đối với tuổi già là người ta cứ yêu cầu được giúp bạn những việc như tắm rửa hay đi vệ sinh.
Thực tế là tôi không yêu cầu giúp đỡ cả hai việc đó, nhưng tất cả bọn họ đều lo tôi sẽ trượt ngã và lại bị vỡ xương hông, đến nỗi tôi có hẳn một người đi kèm dù có muốn hay không. Tôi luôn yêu cầu được một mình đi vào nhà xí, nhưng lúc nào cũng có người ở đó, để đề phòng, và vì một lý do nào đấy, đó luôn là một phụ nữ. Dù là ai tôi cũng bắt quay đi trong khi tôi tụt quần đùi và ngồi xuống, rồi tôi đuổi cô ta ra ngoài cho tới khi xong xuôi.
Tắm táp thậm chí còn ngượng hơn, vì tôi phải lột trần như nhộng trước mặt một y tá. Chậc, có một vài thứ không bao giờ lụi tàn, nên dù đã ở tuổi chín mươi đôi khi sinh lực của tôi lại dâng lên. Tôi không kiềm chế được. Họ luôn giả bộ như không nhận ra. Họ đã được huấn luyện như vậy, tôi đoán thế, mặc dù vờ như không thấy còn tồi tệ hơn cả nhận thấy. Điều đó có nghĩa họ coi tôi không hơn gì một lão già vô hại đang trưng ra một cái dương vật già cỗi vô hại thỉnh thoảng vẫn dựng lên. Mặc dù nếu một trong số họ tỏ ra nghiêm túc và thử làm gì đó với nó thì cú sốc có thể sẽ khiến tôi chết mất.
Rosemary giúp tôi vào buồng tắm. “Đó, giờ thì ông hãy bám chặt vào cái then ở đằng kia…”
“Tôi biết, tôi biết. Trước đây tôi đã tắm vòi nhiều lần rồi mà,” tôi nói, túm lấy cái then và thận trọng hạ mình xuống ghế. Rosemary kéo đầu vòi hoa sen xuống để tôi có thể với được.
“Nhiệt độ thế nào, ông Jankowski?” cô ta hỏi, đung đưa tay qua lại dòng nước và kín đáo nhìn đi hướng khác.
“Rất vừa. Cứ cho tôi ít dầu gội đầu và ra ngoài, được chứ?”
“Tại sao chứ, ông Jankowski, hôm nay ông đang có hứng, phải không?” Cô ta mở nắp chai dầu gội và bóp vài giọt lên lòng bàn tay tôi. Tôi chỉ cần chừng đó. Tôi chỉ còn lại khoảng một tá sợi tóc trên đầu.
“Nếu cần gì thì ông cứ hét to lên nhé,” cô ta nói rồi kéo rèm lại. “Tôi sẽ ở ngay ngoài này.”
“Hừừm,” tôi đáp.
Khi cô ta đi rồi, tôi tắm khá thoải mái. Tôi lấy vòi hoa sen trên giá phun sát người, vòng qua vai xuống lưng rồi lên từng cẳng tay cẳng chân gầy nhom. Tôi thậm chí còn ngửa đầu ra sau, nhắm nghiền mắt lại và để những tia nước phun khắp mặt. Tôi vờ coi đó là một cơn mưa nhiệt đới, rũ đầu và đắm chìm trong nó. Tôi thậm chí còn thích thú với cảm giác nước chảy xuống dưới đó, trên con rắn hồng quắt queo đã sinh ra năm đứa trẻ cách đây rất lâu rồi.
Đôi lúc, khi đang nằm trên giường, tôi nhắm mắt lại và hồi tưởng hình ảnh - và đặc biệt là cảm giác - của một cơ thể phụ nữ khỏa thân. Thông thường đó là vợ tôi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tôi tuyệt đối chung thủy với bà ấy. Trong suốt hơn sáu mươi năm tôi chưa từng một lần ngoại tình, chỉ trừ trong tưởng tượng, và tôi có cảm giác rằng bà ấy sẽ chẳng để bụng chuyện đó. Bà là một người phụ nữ biết thông cảm lạ thường.
Chúa ơi, tôi nhớ người phụ nữ đó quá. Và không phải chỉ vì nếu bà ấy còn sống, tôi sẽ không ở đây, cho dù đó là chân lý của Chúa. Dù có trở nên già yếu đến đâu, chúng tôi vẫn sẽ chăm sóc lẫn nhau, như vẫn luôn thế. Nhưng sau khi bà ấy ra đi, tôi không còn khả năng chống chọi với lũ con. Ngay lần đầu tiên tôi bị ngã, chúng đã nắm quyền kiểm soát tuyệt đối nhanh như khi người ta nói từ Cracker Jack.
Nhưng bố ạ, chúng nói, bố đã bị gãy xương hông, cứ làm như tôi không nhận ra vậy. Tôi quyết không thỏa hiệp. Tôi dọa sẽ tước quyền thừa kế của chúng mà không cho một xu, mãi về sau tôi mới nhớ ra chúng đã kiểm soát tiền của tôi. Chúng không nhắc nhở tôi - chúng chỉ để mặc tôi chửi rủa như một lão già ngu xuẩn cho tới khi tôi tự nhớ ra, và việc đó thậm chí còn làm tôi tức giận hơn vì nếu có chút nào kính trọng tôi, ít nhất chúng phải đảm bảo rằng tôi đã nắm rõ tình hình. Tôi thấy mình chẳng khác nào một đứa bé sơ sinh được để mặc cho tha hồ tức tối.
Khi chợt nhận ra sự bất lực tồi tệ của mình, vị thế của tôi bắt đầu tuột dốc.
Các con nói đúng, tôi nhân nhượng. Bố nghĩ mình có thể nhận sự trợ giúp nào đó. Bố cho rằng ban ngày có người đến giúp cũng không phải ý kiến quá tồi, chỉ để phụ nấu nướng và dọn dẹp. Không ư? Chà, thế còn một người giúp việc sống cùng thì sao? Bố biết mình đã để mọi thứ trôi đi một chút kể từ khi mẹ các con mất… Nhưng bố nghĩ các con đã nói… Được rồi, vậy một trong số các con có thể chuyển về sống với bố… Nhưng bố không hiểu… Simon này, nhà của con rộng lắm mà. Hẳn là bố có thể…?
Nhưng mọi thứ không diễn ra như vậy.
Tôi vẫn còn nhớ lần cuối tôi rời khỏi ngôi nhà của mình, bị bó lại như một con mèo trên đường tới chỗ bác sĩ thú y. Khi chiếc xe phóng đi, đôi mắt tôi mờ đục vì nước mắt đến nỗi tôi không thể nhìn lại.
Đó không phải một nhà an dưỡng đâu, chúng nói. Nó chỉ trợ giúp sinh hoạt thôi - rất tân tiến, rồi bố sẽ thấy. Bố sẽ chỉ nhận được giúp đỡ khi cần, và rồi khi bố già hơn …
Đến đó chúng luôn ngừng lại, cứ làm như điều đó sẽ ngăn tôi không suy ra cái kết luận logic của câu nói đó.
Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy như bị phản bội, rằng không ai trong năm đứa con tôi tỏ ý muốn đón nhận tôi. Tôi không còn nghĩ như vậy nữa. Giờ đây khi có thời gian nghiền ngẫm lại, tôi thấy rằng chẳng cần thêm mình, chúng đã có đủ vấn đề phải lo rồi.
Simon giờ tầm bảy mươi và đã ít nhất một lần bị trụy tim. Ruth bị tiểu đường, còn Peter thì có vấn đề về tuyến tiền liệt. Vợ của Joseph đã chạy theo một thằng phục vụ riêng khi chúng đang ở Hy Lạp, và trong khi bệnh ung thư vú của Dinah dường như đã thuyên giảm - tạ ơn Chúa - giờ nó đang sống cùng cháu gái, cố gắng đưa con bé trở lại con đường đúng đắn sau khi có hai đứa con hoang và một lần bị bắt vì ăn cắp ở cửa hàng.
Đó chỉ là những chuyện tôi được biết. Còn hàng đống thứ khác chúng không nhắc đến vì không muốn tôi lo lắng. Tôi đã nghe phong thanh được vài chuyện, nhưng khi hỏi đến thì chúng đều nín thinh. Nhất định không được làm ông buồn, các bạn biết đấy.
Tại sao chứ? Đó là những thứ tôi muốn biết mà. Tôi ghét cái cách bao bọc quái đản này, vì thực tế là nó đã gạch tên tôi khỏi trang sử. Nếu không biết chuyện gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng, sao tôi có thể tham gia vào các cuộc nói chuyện được?
Tôi đã quyết định rằng đó hoàn toàn không phải vì tôi. Đó là một cơ chế bảo vệ cho chúng, một cách để làm giảm tác động của cái chết về sau này của tôi, giống như khi các thanh thiếu niên giữ khoảng cách với bố mẹ để chuẩn bị cho việc rời khỏi tổ ấm. Khi Simon lên mười sáu và trở nên hay chống đối, tôi đã nghĩ chỉ có nó mới vậy. Đến khi Dinah cũng thành ra như vậy, tôi biết rằng đó không phải lỗi của nó - điều ấy đã được lập trình sẵn trong người.
Nhưng gia đình tôi vẫn hoàn toàn trung thành với việc thăm nom, dù chúng ngày càng ít vui vẻ hơn khi làm việc ấy. Chủ nhật nào cũng có người đến, khó khăn mấy vẫn đến. Chúng nói, nói và nói, về chuyện thời tiết đẹp/xấu/thuận lợi thế nào, chúng đã làm gì trong kỳ nghỉ, chúng đã ăn gì trong bữa trưa, và rồi đúng năm giờ chúng sung sướng nhìn lên đồng hồ và ra về.
Đôi khi trên đường về, chúng cố đưa tôi xuống sảnh chơi bingo, giống như cái đợt hai tuần trước. Bố có muốn chơi không? chúng hỏi. Chúng con có thể đưa bố tới đó trên đường về. Nghe cũng thú vị đấy chứ?
Phải rồi, tôi đáp. Có thể nếu con là thứ đầu đất. Thế là chúng phá lên cười, làm tôi cũng thấy hài lòng dù tôi không hề nói đùa. Ở tuổi của tôi, người ta hưởng công trạng về bất cứ thứ gì họ làm được. Ít ra điều đó cũng chứng tỏ rằng chúng đang lắng nghe.
Những lời nói vô vị của tôi không thu hút được sự quan tâm của chúng, và tôi khó mà trách chúng được. Những câu chuyện thật sự của tôi đều đã lỗi thời rồi. Có ý nghĩa gì nếu tôi có thể nói mình đã mắt thấy tai nghe về bệnh cúm Tây Ban Nha, sự ra đời của ô tô, những cuộc chiến tranh thế giới, chiến tranh lạnh, chiến tranh du kích, và Sputnik - giờ đây tất cả đã thành cổ sử rồi. Nhưng tôi còn gì khác để kể đây? Chẳng có gì xảy ra với tôi nữa. Ấy là thực tế của tuổi già, và tôi nghĩ đó thật sự là điểm then chốt của vấn đề. Tôi chưa sẵn sàng để già đi.
Nhưng tôi không nên ca thán, hôm nay là ngày diễn xiếc và cả những chương trình khác nữa.
ROSEMARY QUAY LẠI VỚI khay đồ ăn sáng, và khi cô ta nhấc cái nắp bằng nhựa nâu lên, tôi thấy rằng cô đã thêm kem và đường nâu lên món cháo đặc của tôi.
“Giờ thì ông đừng đi kể lể với bác sĩ Rashid về phần kem này đấy,” cô ta nói.
“Tại sao lại không? Tôi không được phép ăn kem sao?”
“Không chỉ riêng ông đâu. Đó là một phần của chế độ ăn chuyên biệt. Vài người không thể tiêu hóa đồ ăn giàu dinh dưỡng như trước đây.”
“Bơ thì sao?” tôi cảm thấy bị xúc phạm. Ký ức của tôi nhảy cóc về những tuần, những tháng và những năm gần đây, cố gắng nhớ lại sự hiện diện cuối cùng của kem và bơ trong đời. Quỷ tha ma bắt, cô ta nói đúng. Tại sao tôi lại không nhận ra nhỉ? Hoặc có thể tôi đã nhận ra, và đó là lý do vì sao tôi ghét thức ăn ở đây đến thế. Chà, thảo nào. Tôi nghĩ chúng tôi cũng bị cắt giảm cả lượng muối nữa.
“Người ta cho rằng như thế sẽ giữ cho ông bà khỏe lâu hơn,” nói rồi cô ta lắc đầu. “Nhưng tại sao mấy người lại không được tận hưởng một chút bơ trong những năm tháng quý báu của mình chứ, tôi không thể hiểu nổi.” Cô ta đột ngột nhìn lên. “Túi mật của ông vẫn còn đấy chứ?”
“Còn.”
Khuôn mặt cô ta dịu lại. “Được rồi, nếu vậy ông sẽ thích món kem này thôi, ông Jankowski ạ. Ông có muốn xem tivi trong khi ăn không?”
“Không. Dù gì ngày nay cũng chỉ toàn chiếu mấy thứ rác rưởi,” tôi đáp.
“Hoàn toàn nhất trí,” cô ta vừa nói vừa gấp lại tấm chăn cuối giường. “Ông cần gì thì cứ gọi tôi nhé.”
Sau khi cô ta đi, tôi quyết tâm trở thành người dễ chịu hơn. Tôi phải nghĩ ra cách nhắc nhở bản thân mới được. Tôi nghĩ mình có thể quấn khăn ăn quanh ngón tay vì tôi chẳng có sợi dây nào cả. Khi tôi còn trẻ, người ta luôn làm thế trong phim. Quấn những sợi dây quanh ngón tay để nhớ việc, vậy đó.
Tôi với lấy tấm khăn ăn, và ngay lúc đó tôi nhìn thấy bàn tay mình. Chúng đầy cục u và cong queo, chỉ còn da bọc xương, và - cũng giống như khuôn mặt bị hủy hoại của tôi - phủ đầy những đốm đồi mồi.
Khuôn mặt tôi. Tôi đẩy bát cháo sang một bên và mở cái gương trang điểm của mình ra. Đến lúc này đáng ra tôi phải biết rõ, nhưng không hiểu sao tôi vẫn mong sẽ nhìn thấy chính mình. Thay vào đó, tôi chỉ thấy một con búp bê táo vùng Appalachia, khô quắt và lấm tấm đốm, cằm chảy xệ, mắt húp lên và đôi tai dài nhẽo. Vài sợi tóc bạc mọc ra một cách lố bịch từ cái sọ đầy đốm.
Tôi cố dùng tay chải cho bẹp tóc xuống rồi sững người khi nhìn thấy hình ảnh bàn tay già nua trên cái đầu già nua của mình. Tôi gí sát mặt vào tấm gương và mở mắt to hết cỡ, cố gắng nhìn xa hơn đống thịt đang võng xuống.
Chẳng ích gì. Ngay cả khi nhìn thẳng vào đôi mắt xanh mờ đục, tôi cũng không còn nhận ra chính mình nữa. Tôi đã không còn là mình từ bao giờ vậy?
Tôi thấy khó chịu quá chẳng ăn nổi nữa. Tôi đặt lại cái nắp màu nâu lên bát cháo và rồi, khó khăn lắm tôi mới xác định được vị trí miếng đệm điều khiển giường. Tôi ấn nút hạ đầu giường xuống, để cái bàn lơ lửng trên người như một con kền kền. Ồ đợi đã, ở đây cũng có nút hạ thấp giường xuống nữa. Tốt. Giờ tôi có thể trở mình mà không va phải cái bàn khốn nạn đó và làm đổ cháo. Không muốn việc ấy tái diễn nữa - họ có thể coi đó là một biểu hiện của sự tức giận và gọi bác sĩ Rashid đến.
Khi giường của tôi đã phẳng và thấp như mong muốn, tôi xoay người qua một bên và nhìn ngắm bầu trời xanh ở phía ngoài bức mành. Vài phút sau tôi chìm vào một giấc ngủ yên bình.
Bầu trời, bầu trời - vẫn như xưa.
Nước Cho Voi Nước Cho Voi - Sara Gruen Nước Cho Voi