Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 10
Mặc dầu hơi rượu thơm nóng, đầy sức quyến rũ, nhưng các vị khách tự cho mình là người văn chương nho nhã, nên dẫu đang thèm vẫn phải nhâm nhi mà không dám nốc một hơn cạn chén.
Những kỷ niệm trong cuộc đời viết lách lại được nhắc đến. Tin tức về những bạn bè của họ chạy được ra nước ngoài cũng chiếm một phần câu chuyện. Hoàng Hải than phiền Việt Định Phương đem tái bản sách của anh ở Mỹ không thèm xin phép anh mà không trả tiền bản quyền cho tác giả. Nhà văn Đoàn Quốc cũng đồng tình, nhưng lập luận tác phẩm là tài sản chung, nó đến được với người đọc là tốt là niềm vui đối với tác giả, còn chuyện tiền nong là chuyện thứ yếu.
Khuất Duy niềm nở chuốc rượu cho khách. Anh ta lắng nghe mọi chuyện, khiêm tốn tự xác nhận mình là người "học trò" trong làng văn, hết lời ca ngợi sự nghiệp văn chương của các vị khách. Thật ra nhiều vị khách đang ngồi trong buổi tiệc không những biết hắn là Trung úy Tâm lý chiến quân đội Sàigòn cũ mà còn biết hắn qua đài VOA với mấy bản nhạc mà hắn mới sáng tác trong mấy năm gần đây.
Đến khi nghe Hoàng Hải và Đoàn Quốc bàn đến việc tái bản sách của họ ở nước ngoài, hắn mới chen vào:
- Bác Đoàn Quốc là nhà văn chân chính nên nói vậy. Còn tôi là người đọc, tôi nghĩ rằng Việt Định Phương làm như vậy không khác gì chiếm đoạt công lao của người khác, nhất là đối với những nhà văn như quý vị đây đang sống trong cảnh vô cùng khó khăn, lý ra những đồng nghiệp ở nước ngoài phải hết lòng giúp đỡ.
Dương Hùng hưởng ứng ngay:
- Đúng vậy! Anh Duy nói chí lý. Tôi còn lạ gì thằng ấy. Hồi còn ở đây nó cũng lưu manh còn hơn bọn đá cá lăn dưa ở chợ Cầu Muối. Dương Hùng định chửi thề, nhưng kịp hãm lại vì thấy không thể văng tục trước bà chủ nhà.
Khuất Duy nói tiếp:
- Tôi may mắn được biết một số tình hình của anh em văn nghệ sĩ ở nước ngoài. Theo chỗ tôi được biết, không phải ai cũng làm ăn bất chính, bán đứng bạn bè như Việt Định Phương đâu. Chắc quý vị đã biết "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại". Nếu tôi không lầm thì nhiều vị đã nhận được thư của Hội, có phải vậy không bác Hoàng Hải?
Hoàng Hải chột dạ. Hắn chợt nhớ ra Khuất Duy không chỉ là ca sĩ mà còn là Luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon. Cái nghề thầy kiện, theo hắn còn là trùm đá cá lăn dưa. Hẳn là Duy Khuất muốn moi móc việc cách đây không lâu, Hoàng Hải nhận được thư của Trần Tam Tiệp, Tổng Thư Ký "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" và Hoàng Hải có viết thư yêu cầu Tiệp can thiệp hộ vụ tái bản sách. Chưa rõ kết quả thế nào, nhưng Trần Tam Tiệp đã hai lần gửi cho Hoàng Hải nhiều món quà có giá trị gần cả một ngàn đô la. Sở dĩ anh ta biết chính xác số tiền ấy vì Trần Tam Tiệp có gửi kèm bảng chiết tính từng món hàng, bảo rằng sau này sẽ khấu trừ vào khoản tiền tái bản sách của Hoàng Hải. Hoàng Hải đã giấu biệt chuyện đó không dám cho bạn bè biết, một phần sợ bị vay mượn, sợ phải đãi đằng, phần khác sợ lộ ra nhiều người biết không tiện. Thế mà Khuất Duy dường như biết tỏng vụ này.
Khuất Duy nhìn Hoàng Hải mỉm cười cảm thông và nói tiếp:
- Như quý vị đều biết, Tổng Thư Ký Hội là ông Trần Tam Tiệp, sở dĩ tôi biết như vậy là vì ông Tiệp có viết thư cho tôi. Không những ông Tiệp nhờ tôi mà còn nhờ anh Dương Hùng nữa tổ chức cuộc họp này. Anh Tiệp đặc biệt tỏ lòng trân trọng cụ Đoàn Quốc, một trong những nhà văn lớn còn có mặt trong nước để làm nhân chứng lịch sử trong tám năm qua. Việc cụ Quốc nhận lời mời đến với chúng ta hôm nay là điều rất quý giá.
Mọi người hết nhìn về phía Đoàn Quốc lại nhìn Dương Hùng, ngầm ý trách hỏi:
- Thế mà các người cứ giả bộ không biết ai tổ chức cuộc họp mặt này.
Khuất Duy lại rót rượu, trịnh trọng:
- Xin mời quý vị nâng cốc lần nữa để chúng tôi được thưa chuyện. Xin mời…
Khuất Duy chạm cốc với từng người và uống cạn chén. Hơi men đã làm hứng chí các vị khách. Ngay cả Đoàn Quốc cũng trút vẻ đạo mạo, uống một hơi cạn nửa ly Camus vàng sánh và lên tiếng:
- Tuy ông Tiệp trước đây chưa cùng chúng tôi tham gia làng văn và cả làng báo nữa, nhưng bậc trí giả bao giờ cũng biết xuất hiện đúng lúc cần thiết để "cầm chính đạo để tịch tà, cự bí". Chúng tôi đều đã nghe tiếng và dành sự kính trọng đối với ông Tiệp.
Một vài người dự họp biết rõ về Đoàn Quốc nên thấy hơi lạ về thái độ của ông ta. Trước đây, ông ta rất khinh thường "lũ nhãi nhép" tập tễnh làm văn, viết báo. Thế mà nay ông ta lại đi ca tụng một con người không biết gì về văn học nghệ thuật. Phải chăng vì con người ấy đang là Tổng thư ký "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" mà ông định tìm chỗ dựa?
Dương Hùng phụ họa:
- Vâng, cụ Đoàn Quốc nói chí lý: Thời nào anh hùng nấy mà lị!
Khuất Duy bắt đầu hùng biện:
- Thưa quý vị, như tôi đã trình bày, anh Tiệp… là bạn cũ của tôi. Anh ấy cùng với "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" đang hết sức quan tâm đến tự do sáng tác của quý vị trong nước. Nhưng vì hoàn cảnh chưa cho phép trực tiếp gặp quý vị, nên anh ấy yêu cầu chúng tôi thay mặt hầu chuyện với quý vị.
Nói đến đây, hắn móc trong túi quần Jean ra một tờ giấy mầu xanh và tiếp:
- Đây là lá thư anh Tiệp gửi chung cho quý vị, tôi xin phép được đọc nguyên văn:
"Thưa các văn hữu,
"Hôm nay, được sự chấp thuận của Hội, chúng tôi hân hạnh mời quý văn hữu khả kính đến cùng nhấp chén rượu mừng xuân. Do hoàn cảnh chưa cho phép chúng ta đoàn tụ đông đủ với nhau, chúng tôi phải nhờ anh bạn thân bên nhà thay chúng tôi hầu chuyện cùng quý vị. Xin quý vị nâng cốc, coi như chúng tôi đang có mặt cùng chung vui.
"Như quý vị đều biết, tuy xa xôi cách trở, nhưng anh em bên này vẫn thường hướng về quê hương, luôn luôn tìm mọi cách để chia xẻ những nỗi cay đắng cùng quý vị đem cả tấm lòng và sức lực đấu tranh cho một nền văn nghệ chân chính, cho sự nghiệp tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ chúng ta. Nhân dịp này, thay mặt Hội, chúng tôi xin gửi lời chia buồn với các anh chị em đang bị nhà cầm quyền giam giữ và gia đình họ. Chúng tôi hứa vận động để họ sớm được tự do và rời khỏi đất nước, nếu họ muốn.
"Chúng tôi hy vọng rằng, từ đất nước thân yêu bất hạnh, quý vị sẽ gửi cho chúng tôi những tác phẩm mới nhất, có giá trị nhất để cộng đồng người Việt hải ngoại và dư luận thế giới biết rằng những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam yêu tự do trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không ngừng sáng tạo nghệ thuật.
Anh bạn của chúng tôi sẽ lo việc gửi bài vở thay quý vị.
"Để đền đáp lại, chúng tôi sẽ có thù lao xứng đáng. Hơn nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng những tác phẩm của quý vị sẽ làm dư luận thế giới quan tâm, trở thành sự bảo đảm tốt nhất cho quý vị đối với nhà cầm quyền.
"Trân trọng kính chào.
Paris, ngày…
Trần Tam Tiệp, Tổng Thư ký Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại
Khuất Duy đọc xong thư, đảo mắt quan sát từng người. Hoàng Hải trầm tư rít từng hơi thuốc. Đoàn Quốc ngả người trên ghế sa-lông, lơ đễnh nhìn mấy con thằn lằn đuổi bắt mồi bên ngọn đèn nê-ông trên trần nhà. Những người khác thì chờ đợi thái độ của hai bậc đàn anh. Im lặng kéo dài.
Dương Hùng lên tiếng trước:
- Kể như bạn bè bên ngoài còn nhớ tới anh em như vậy là tốt lắm rồi. Không biết các anh khác thế nào, còn tôi từ lâu đã gác bút, chắc là không làm được trò trống gì nữa.
Nhiều tiếng xì xào. Một tay ngồi cạnh nói nhỏ với Dương Hùng:
- Tớ thấy vụ này phiền lắm đấy. Tớ rút lui thôi. Thà bán thuốc lá lẻ cho vợ mà yên tuổi già.
- Chúng ta ở đây toàn là chỗ anh em cả, có thể yên tâm.
Dương Hùng trấn an mọi người và hướng về phía Khuất Duy, nói lớn:
- Chuyện này để..."hạ hồi phân giải". Giờ ta tiếp tục "cuộc chiến", đánh ngã chai rượu này đi các ông ạ.
Anh ta nâng cốc uống một hơi không chờ ai.
Khuất Duy hiểu ý, cố làm ra vẻ tự nhiên:
- Thưa quý vị, anh em ta ở hải ngoại, không hiểu hết hoàn cảnh của chúng ta. Tôi đề nghị hãy gác chuyện này lại, để quý vị suy nghĩ thêm. Hôm nay, chúng ta có dịp gặp lại nhau là quý lắm rồi. Xin mời quý vị tiếp tục nâng cốc. Xin mời.
Họ tiếp tục uống. Chai Camus được tiếp nối bằng chai rượu Cây Lý của Dương Hùng. Không còn ai nhắc đến chuyện văn chương cũng như lá thư của Trần Tam Tiệp nữa. Đến lượt chai Cây Lý cũng bị đánh ngã.
° ° °
Thấy khách ngồi im, bà chủ nhà gợi chuyện:
- Mời ông xơi nước. Lâu nay ông có sáng tác gì không ạ?
Hoàng Hải nhấp ngụm trà nóng, lắc đầu:
- Thú thật với bà, tôi đã treo bút. Viết cái gì bây giờ? Hơn nữa, viết để làm gì? Chẳng lẽ mình lại là độc giả duy nhất của chính mình.
- Tiếc thật, không riêng gì ông, nhiều người khác cũng thế. Thật phí những tài năng….
Trên đây là một đoạn trích trong quyển "Những tên biệt kích cầm bút". Nhưng không có chuyện nhân vật bị gọi là Biệt kích Văn nghệ Hoàng Hải được hân hạnh nói chuyện với bà chủ vi-la Kiều Trang ở cư xá Lữ Gia, Saigon. Đoạn này hoàn toàn do hai anh Đại tá cớm cộng dựng đứng lên trong tưởng tượng của hai ảnh. Nhưng cứ giả vờ như đó là chuyện xảy ra có thật đi, ta thấy gì?
Trước hết bà chủ vi la Kiều Trang, hay bà chị nữ minh tinh Kiều Trang cũng rứa, là đàn bà lương thiện. Bà không dính dấp gì đến những cái gọi là dzăng nghệ, dzăng gừng, dzăng bút, dzăng mực tùm lum trên cõi đời này. Chắc chắn bà phải sống cùng nhà với cô em từ trước tháng Tư 1975, bà có tên trong sổ gia đình, nên bà mới giữ được cái vi la bạc tỷ tiền Hồ này. Theo đúng lời Thánh Tổ Lênin dậy bọn con cháu cộng sản khi nắm được chính quyền là "việc đầu tiên tịch thu tất cả tài sản của bọn bỏ trốn ra nước ngoài". Nếu tui nhớ không lầm thì giữa mùa Thanh Minh trong tiết tháng Ba, lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh năm ấy - năm 1975 - nữ minh tinh Kiều Trang đang là khách mời của Air Vietnam đi khai trương một văn phòng ở Singapore hay đâu đó. Số nàng là số đẻ bọc điều, nên nàng đang ở nước ngoài, Saigon thất thủ, nàng dzọt luôn.
Ngày xưa xa lắm tui còn trẻ, còn ngây thơ, tui nghe người ta bảo nhau: "Đẻ con gái đừng đặt tên cho nó là Kiều… Con gái tên Kiều là chém chết cũng có cuộc đời tình ái vất vả như em Kiều Thúy: chồng con chẳng ra gì, tài sắc đổ nước, nghiêng thùng, thơ phú, đàn địch, nhẩy đầm như máy vậy mà phải đem thân đi hầu hạ người ta, bị người ta khinh khi, đánh đập, phải vào nhà chứa rồi nhà chùa v.v.."
Ngày xưa ấy như đã nói xa lắm rồi trong cái gọi là dĩ vãng man mác thời gian tím ngắt, tui thơ dại nên tin lời thiên hạ nói về những nàng Kiều trên cõi đời này như thế là đúng.