Những lần thất bại chính là hạt giống gieo mầm cho thành công sau này. Bạn có thể buồn nhưng đừng tuyệt vọng.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Tác giả: Louisa M. Alcott
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2325 / 42
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Nhật Kí Của Jo
ew York, tháng mười một
Mẹ và Beth thân yêu!
Con sẽ viết cả một quyển sách, vì con có bao nhiêu thứ để kể cho mẹ và em nghe, mặc dù con không phải là một cô nương trẻ trung thanh lịch đang đi du lịch xuyên lục địa.
Khi không còn được nhìn thấy gương mặt dịu hiền quen thuộc của bố nữa, con cảm thấy rất buồn và có lẽ đã nhỏ một hai giọt nước mắt nếu như không có một bà người Ái Nhĩ Lan, đi cùng bốn đứa trẻ hay khóc nhè, đến làm cho con khuây khỏa. Con tiêu sầu bằng cách thả rơi những mẩu bánh gừng lên ghế mỗi khi mấy đứa trẻ mở mồm ra gào.
Rồi mặt trời xuất hiện, và xem đó như là một điềm lành, con bình tĩnh lại và tận hưởng chuyến đi của mình.
Bà Kirke tiếp đón con nồng hậu khiến con cảm thấy thoải mái ngay lập tức trong ngôi nhà rộng lớn toàn những người xa lạ này. Bà ấy dành cho con một phòng nhỏ rất ngộ. Ở đó có một lò sưởi và một chiếc bàn nhỏ xinh xinh đặt trước cửa sổ tràn ngập ánh nắng: con có thể ngồi đó và viết lách khi nào con thích. Phòng bọn trẻ, nơi con phải dạy học và may vá, là một gian phòng dễ chịu, sát với phòng khách riêng của bà Kirke. Hai bé gái là những đứa trẻ xinh xắn, có lẽ hơi được nuông chiều quá, nhưng chúng chấp nhận con ngay khi con kể cho chúng nghe chuyện Bảy chú lợn con hư đốn. Và con tin rằng con sẽ là một gia sư gương mẫu.
Con có thể ăn cùng mấy đứa trẻ, có lẽ con thích như thế hơn là ăn tại bàn lớn, vì hoàn cảnh hiện tại của con và vì con hơi rụt rè, mặc dù không ai tin điều đó cả.
“Nào, con gái, cứ tự nhiên như ở nhà nhé.” Bà Kirke âu yếm nói. “Ta bận rộn từ sáng đến tối, như con thấy đó, với một gia đình như thế này; nhưng ta sẽ không lo lắng nữa nếu như biết rằng mấy đứa trẻ được an toàn bên cạnh con. Các phòng nhà ta luôn rộng mở cho con, và ta sẽ làm cho phòng của con thoải mái hết mức. Nhà này có nhiều người rất dễ tính nếu như con cởi mở. Các buổi tối con được tự do. Hãy đến gặp ta nếu có gì đó không ổn và hãy thật thoải mái. Chuông báo giờ uống trà rồi đấy, ta phải chạy đi thay mũ.” Và thế là bà đi, để con ở lại một mình sắp xếp cái tổ mới của con.
Một lát sau đó, khi con xuống dưới nhà, con thấy một thứ mà con rất thích. Cầu thang trong ngôi nhà mênh mông này rất dài. Một lần con đứng trên chiếu nghỉ tầng hai để chờ một chị giúp việc đi lên, con thấy một ông tiến lại phía sau chị và cầm lấy xô than nặng trĩu từ tay chị ấy, xách một mạch lên trên, đặt xuống trước một cánh cửa gần đó, và bỏ đi, miệng nói, với một cái gật đầu thật dễ thương và chất giọng ngoại quốc:
“Như thế này tốt hơn. Lưng cô bé còn quá yếu ớt không thể chịu được sức nặng như thế này.”
Thật là tốt bụng, có phải không? Con thích những việc như thế vì, như bố nói, những việc nhỏ nhặt thể hiện rõ tính cách. Khi con kể cho bà Kirke nghe thì bà đã bật cười và nói:
“Có lẽ đó là giáo sư Bhaer, ông ấy luôn làm những việc như vậy.”
Bà Kirke còn nói với con ông ấy từ Berlin tới. Ông học rất rộng và rất tốt bụng, nhưng nghèo kiết xác. Ông dạy thêm để sinh sống và nuôi hai đứa trẻ mồ côi, con của một người chị lấy chồng Mĩ. Không phải là một câu chuyện lãng mạn lắm, nhưng con thích và con rất vui khi nghe nói bà Kirke cho ông mượn phòng khách để ông dạy học. Chỉ có một cánh cửa kính ngăn phòng bọn trẻ với phòng khách, vì vậy sắp tới đây con sẽ nhìn thấy ông ấy và sẽ kể cho mẹ và em biết ông ấy trông như thế nào. Ông ấy đã gần bốn mươi, vì vậy mẹ đừng lo, mẹ yêu.
Sau khi uống trà và cho mấy đứa nhỏ đi ngủ, con giải quyết giỏ đồ khâu cao chất ngất. Con trải qua một buổi tối thanh bình và chuyện trò với người bạn mới của con. Con sẽ viết thư nhật kí và sẽ gửi về nhà hằng tuần. Chúc ngủ ngon và hẹn gặp lại ngày mai.
Tối thứ ba
Con đã có những giây phút thật sôi động sáng nay trong giờ học vì lũ học trò của con rất hiếu động. Đã có lúc, con thật sự nghĩ là mình sẽ mất bình tĩnh. Nhưng con nảy ra sáng kiến cho học trò tập thể dục và thế là bọn trẻ vui vẻ ngồi yên và giữ trật tự. Sau bữa trưa, cô giúp việc đưa chúng đi dạo và con ngồi khâu. Con cám ơn thần thánh vì con đã học thùa những cái khuyết thật đẹp. Rồi cửa phòng khách bật mở và khép lại, và có ai đó khe khẽ hát “Kennst du das land” như tiếng con ong bầu vo ve. Thật là không phải, nhưng con đã vén màn lên nhìn. Giáo sư Bhaer đang ở đấy, và trong khi ông sắp xếp sách vở, con đã quan sát ông thật lâu. Đó đúng là một người Đức, khá to cao, tóc nâu rối bù, bộ râu rậm, mũi đẹp, đôi mắt đẹp nhất trần đời và một giọng hát khỏe khoắn, tuyệt hay so với giọng của người Mĩ chúng ta. Quần áo của ông đã sờn. Bàn tay to và mặt ông không điển trai cho lắm, trừ hàm răng. Tuy nhiên, con thích ông ấy vì ông có cái đầu cao quý, các nét ưa nhìn, và trông ông có vẻ là một người lịch sự, mặc dù áo khoác của ông thiếu mất hai cái cúc, và một chiếc giày có vết bẩn. Trông ông rất điềm tĩnh mặc dù đang ư ử hát, rồi ông đến cạnh cửa sổ để xoay mấy chậu dạ lan hướng về phía mặt trời, và vuốt ve con mèo, nó chào đón ông như một người bạn cũ. Rồi ông mỉm cười; khi có tiếng gõ cửa, ông dõng dạc nói vọng ra:
“Mời vào!”
Con định rút lui thì trông thấy một đứa nhỏ mang đến một quyển sách to, nên con nán lại để xem chuyện gì xảy ra.
“Cháu muốn gặp ông Bhaer của cháu”, cô bé nói, bỏ quyển sách xuống và chạy về phía ông.
“Cháu có thể gặp ông Bhaer. Hãy đến đây và để ta ôm vào lòng, Tina của ta.” Giáo sư nói, nhấc bổng cô bé lên, cười vang. Ông ấy nhấc cô bé cao lên khỏi đầu khiến cô bé phải cúi xuống để hôn ông.
“Giờ thì cháu phải học bài đây.” Cô bé nói tiếp. Thế là ông đặt cô bé ngồi vào bàn, mở quyển từ điển to tướng ra rồi đưa cho cô giấy và bút chì. Cô bắt đầu viết nguệch ngoạc, thỉnh thoảng lật trang và dùng ngón tay bé nhỏ mũm mĩm của mình dò từ đầu xuống cuối trang để tìm một chữ nào đó, đạo mạo đến mức khiến con suýt nữa phì cười. Trong khi đó, ông Bhaer đứng đấy và vuốt mái tóc đẹp của bé, với cái nhìn của một người cha, khiến con nghĩ chắc đó chính là con của ông, mặc dù cô bé trông giống người Pháp hơn là Đức.
Có tiếng gõ cửa rồi hai cô gái lớn đến nên con trở lại với công việc của con mặc cho tất cả những tiếng ồn và tiếng đọc bài phía bên kia cánh cửa. Một trong hai cô gái liên tục cười một cách điệu đà và nói “Giờ, thưa giáo sư,” bằng giọng làm dáng, còn cô kia thì phát âm tiếng Đức bằng cái giọng khó có thể khiến ông ấy giữ điềm tĩnh được.
Hai cô có vẻ thử thách lòng kiên nhẫn của ông giáo sư. Vì đã hơn một lần con nghe thấy ông dằn giọng: “Không, không, không phải như thế, cô không chịu theo đúng những gì tôi đã nói”, và có một lần con nghe thấy tiếng đập mạnh, như thể ông ném quyển sách xuống bàn, tiếp theo là một câu than thở tuyệt vọng: “Trời ơi, hôm nay mọi thứ thật tồi tệ!”
Người đàn ông đáng thương. Con thương ông ấy. Và khi các cô gái ra về rồi con lén nhìn một lần nữa xem ông ấy có còn sống nổi sau thử thách vừa rồi không. Có vẻ như ông đã thả người lên ghế, nghỉ ngơi, và ngồi đó với đôi mắt nhắm chặt cho đến khi đồng hồ gõ hai tiếng, ông đứng vội lên, cho sách vào túi, như thể đã sẵn sàng cho một giờ học mới, và bế Tina đã ngủ gục trên ghế sô pha, ông nhẹ nhàng đưa cô bé đi. Con e rằng người đàn ông tốt bụng ấy có cuộc sống khá chật vật.
Bà Kirke đã hỏi con có muốn xuống dưới nhà để cùng ăn tối lúc năm giờ không. Và vì con thấy hơi nhớ nhà nên con quyết định xuống xem những người sống cùng dưới một mái nhà với con như thế nào. Thế là con ăn mặc nghiêm chỉnh và núp phía sau bà Kirke. Nhưng vì người bà thì thấp còn con thì cao ngỏng, nên những cố gắng của con không đem lại kết quả mấy. Bà xếp con ngồi cạnh bà. Con thu hết can đảm nhìn quanh. Chiếc bàn dài đầy những người và ai cũng bận rộn với chuyện ăn uống, nhất là cánh đàn ông, họ ăn ngấu nghiến rồi lập tức biến mất khi ăn xong. Giống như ở mọi nơi, đám thanh niên túm tụm với nhau. Phụ nữ đã có chồng thì bận với con cái. Còn các ông lớn tuổi thì chỉ quan tâm đến chính trị. Con nghĩ là con không có gì chung với bất kì ai trong số họ, ngoại trừ một cô gái có gương mặt dịu hiền nhìn có gì đó rất đáng quan tâm.
Giáo sư Bhaer ngồi ở đầu bàn, vừa luôn mồm hét lên để trả lời một ông cụ lãng tai có vẻ rất hiếu kì ngồi kế một bên, vừa nói chuyện triết học với một người Pháp ngồi mé bên kia. Nếu Amy có mặt ở đây thì chắc em sẽ vĩnh viễn xoay lưng lại phía ông ấy, vì thật buồn khi phải kể rằng ông ăn rất ngon miệng, phải gọi là xúc thức ăn vào miệng theo một cách có thể khiến “phong cách lịch lãm” của em phát khiếp. Con thì không hề quan tâm đến việc ấy, vì con thích nhìn “thiên hạ ăn uống một cách hào hứng”, như vú Hannah nói, và người đàn ông đáng thương kia cần phải ăn nhiều sau cả ngày dạy dỗ những kẻ ngu ngốc.
Khi con trở lên gác sau bữa ăn thì thấy hai chàng trai đang đội mũ trước gương ngoài hành lang và con nghe thấy một người nói:
“Cô gái mới đến đó là ai vậy?”
“Một cô dạy trẻ hay là đại loại thế.”
“Vậy sao cô ta lại ăn ở bàn mình?”
“Đó là một người bạn của bà cụ.”
“Mặt trông được, nhưng hơi nhà quê.”
“Quá quê. Cho tôi xin lửa và đi thôi.”
Ban đầu con tức giận, nhưng sau đó con chẳng bận tâm vì một cô gia sư đâu thua kém gì một thư kí, và con nghĩ, nếu như con quê mùa thì cũng còn hơn một số kẻ chỉ biết đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, mồm miệng ba hoa và hút thuốc như đốt lò. Con ghét những kẻ tầm thường đó!
Thứ năm
Hôm qua là một ngày yên tĩnh, con dạy học, may vá và viết lách trong căn phòng nhỏ của con, khá ấm cúng với đèn và lò sưởi. Con đã thu thập được một vài thông tin nhỏ và con được giới thiệu với ông giáo sư. Tina là con gái của người phụ nữ Pháp làm công việc là quần áo trong nhà. Búp bê bé nhỏ đó rất yêu ông Bhaer và bám riết lấy ông như một chú cún con. Ông giáo sư rất yêu trẻ con, mặc dù ông còn độc thân. Kitty và Minnie Kirke cũng rất quý ông và kể đủ thứ chuyện về các trò chơi ông nghĩ ra, các món quà ông mang đến, và những câu chuyện tuyệt vời ông kể. Đám thanh niên thì trêu ghẹo ông, có vẻ như thế, gọi ông là cụ Khốt, Rượu nhạt, và nghĩ ra đủ thứ trò đùa với cái tên của ông. Nhưng ông ấy lại tỏ ra thích thú với việc đó cứ như trẻ con vậy, bà Kirke bảo thế, và nhận lấy tất cả một cách thản nhiên khiến ai cũng mến ông, mặc dù ông là người ngoại quốc.
Cô gái có gương mặt dịu hiền là chị Norton – giàu có, có học và tử tế. Chị đã nói chuyện với con vào lúc ăn tối hôm nay (vì con lại ăn chung một lần nữa, quan sát mọi người rất thú vị) và chị đã mời con đến phòng chị. Chị có nhiều sách hay và tranh đẹp, chị quen biết rất nhiều người thú vị và có vẻ khá thân thiện với con. Vậy thì con sẽ cố gắng tỏ ra lịch thiệp vì con muốn giao du với những người tốt, nhưng không phải loại như Amy thích.
Tối hôm qua con ngồi trong phòng khách thì ông Bhaer bước vào, đem mấy tờ báo cho bà Kirke. Bà không có mặt ở đấy, nhưng Minnie, một cô bé hay chuyện, đã giới thiệu con một cách nhã nhặn:
– Đây là cô March, một người bạn của mẹ cháu.
– Phải, cô rất vui tính và chúng cháu rất yêu cô. – Kitty, cô bé nghịch ngợm, nói thêm.
Thế là chúng con cúi chào nhau và phì cười vì phần đầu lời giới thiệu rất lịch sự lại hoàn toàn đối lập với phần hai, không trang trọng cho lắm.
– Ồ phải rồi, tôi có nghe mấy cô gái nghịch như quỷ sứ này làm cho cô bực mình, cô March à. Nếu chuyện xảy ra một lần nữa thì hãy gọi tôi và tôi sẽ đến. – Ông ấy nói, với một cái cau mày đe dọa khiến hai cô bé cười khúc khích.
Con hứa sẽ làm như thế, và ông ấy đi. Nhưng dường như số của con là phải tiếp xúc nhiều với ông ấy hay sao đó, vì hôm nay, lúc con đi qua cửa phòng ông ấy để ra ngoài, con sơ ý chạm ô vào cửa. Cánh cửa mở ra, ông ấy đứng đấy, mặc áo khoác ngoài, tay cầm một chiếc tất xanh to tướng, tay kia cầm một cây kim để mạng, ông chẳng có vẻ gì là xấu hổ cả, vì khi con giải thích sự cố và quay đi thật nhanh, ông khoát tay, vẫn cầm chiếc tất, vui vẻ nói to:
– Hôm nay quả là đẹp trời để đi dạo. Chúc vui vẻ, thưa cô.
Con cười suốt trên đường đi xuống dưới nhà; nhưng cũng thật tội nghiệp, khi nghĩ là người đàn ông đáng thương phải tự vá áo quần của mình. Các ông người Đức đều biết thêu, con biết rõ; nhưng mạng quần áo là một việc khác, và không lấy gì làm hãnh diện cho lắm.
Thứ bảy
Không có gì đáng cho con kể lại, ngoại trừ cuộc viếng thăm chị Norton. Phòng của chị toàn những thứ xinh xắn, và chị ấy thật dễ thương. Chị đã cho con xem các vật quý của chị và đề nghị con thỉnh thoảng đi cùng chị, nghe thuyết trình hoặc hòa nhạc, nếu như con thích. Lời đề nghị này như là một đặc ân đối với con, nhưng con tin chắc là bà Kirke đã kể cho chị nghe về chúng ta, và chị ấy làm điều đó vì tốt với con. Con hãnh diện như Lucifer, nhưng những đặc ân như thế từ những người như chị ấy không hề là một gánh nặng đối với con, và con nhận lời đầy biết ơn.
Khi con trở lại phòng bọn trẻ, trong phòng khách có tiếng ồn ào khiến con phải nhìn vào. Ông Bhaer đang bò trên sàn, cõng Tina trên lưng, Kitty dắt ông bằng một sợi dây còn Minnie thì cho hai cậu bé ăn bánh quy và hai cậu này la hét và nhảy chồm chồm trong một cái chuồng quây bằng mấy cái ghế xếp lại.
– Bọn cháu đang chơi trò sở thú. – Kitty giải thích.
– Đây là con voi của cháu! – Tina nói thêm, túm chặt lấy tóc ông giáo sư.
– Mẹ cho phép chúng cháu muốn làm gì thì làm vào chiều thứ bảy, khi em Franz và Emil đến, ông Bhaer nhỉ?
– Tôi xin nói một cách danh dự rằng đúng như thế. Nếu như chúng tôi quá ồn ào thì cô cứ nói “Xuỵt!” và chúng tôi sẽ khẽ khàng hơn. – Ông Bhaer đang làm con voi xác nhận.
Con hứa sẽ làm theo, nhưng cứ để cánh cửa mở và thích thú với trò chơi không thua gì họ – một cuộc vui thú vị con chưa từng được chứng kiến. Họ chơi trò đuổi bắt và quân lính, nhảy múa, hát hò, và khi trời sẩm tối, lũ trẻ ngồi đè lên ông giáo sư trên ghế sô pha, trong khi ông ấy kể cho chúng nghe những chuyện cổ tích thật hay về các chị cò trên nóc ống khói, các chú lùn cưỡi trên những cụm tuyết rơi. Con ước sao người Mĩ cũng tự nhiên và đơn giản như người Đức. Mẹ và em có đồng ý với con không?
Con rất thích viết thư về nhà, con sẽ còn viết nữa nếu như các động cơ kinh tế không giữ con lại. Vì mặc dù con dùng loại giấy mỏng, và viết thật nhỏ, nhưng con hơi lo khi nghĩ đến tiền mua tem cho bức thư dài này.
Những chuyện của con có lẽ nhạt nhẽo lắm so với những huy hoàng mà Amy kể, nhưng con tin chắc là cả nhà rất thích.
Teddy làm việc nhiều lắm hay sao mà cậu ấy không có thời giờ để viết thư cho bạn bè? Beth, em hãy chăm lo cho anh ấy thật tốt. Hãy kể cho chị nghe tất cả những gì liên quan đến mấy đứa cháu nhé. Và hãy chuyển tình thương của chị đến mọi người.
Thân yêu
TB: Khi đọc lại thư con thấy con chỉ toàn kể về ông Bhaer. Nhưng con luôn luôn quan tâm đến những người kì quặc, và thật tình con không có gì khác để viết. Cầu Chúa phù hộ cho cả nhà!
Tháng mười hai
Beth yêu quý của chị,
Mấy dòng chữ nguệch ngoạc này dành riêng cho em. Chị hi vọng chúng sẽ làm cho em vui và giúp em hình dung ra cuộc sống mới của chị. Mặc dù rất bình lặng, nhưng cuộc sống dễ chịu và thú vị. Theo cái mà Amy sẽ gọi là những chiến công của Hercule, trong việc trau dồi trí tuệ và đạo đức, thì các ý tưởng mới của chị bắt đầu đâm chồi và đám học trò nhỏ của chị bắt đầu phải tuân theo lời chị. Chúng thật ra không khiến chị quan tâm nhiều như Tina và mấy cậu bé, nhưng chị làm công việc của chị là nhờ chúng và chúng rất mến chị. Franz và Emil là hai chú nhóc xinh xắn, đúng như chị mong muốn. Vì ở chúng, sự pha trộn giữa tinh thần Đức và Mĩ đã tạo ra một trạng thái sôi nổi bất tận.
Buổi chiều thứ bảy nào cũng thật sôi động cho dù bọn chị ở nhà hay đi ra ngoài. Vì vào những ngày trời đẹp, tất cả đi dạo, như là một nhóm học sinh nội trú, có ông giáo sư và chị giữ trật tự. Bọn chị vui đùa thỏa thích!
Bây giờ giáo sư và chị là hai người bạn thân và chị bắt đầu học. Mọi chuyện diễn ra rất khôi hài nên chị sẽ kể cho em nghe. Xin kể từ đầu, một hôm bà Kirke gọi chị khi chị đi ngang qua phòng ông Bhaer vì bà đang dọn dẹp trong đó.
– Con đã bao giờ nhìn thấy một ổ chuột như thế này chưa? – Bà hỏi chị. – Đến đây giúp ta dọn lại đống sách vở, vì ta đã lôi tất cả ra để tìm sáu chiếc khăn tay mới mà ta tặng ông ấy cách đây không lâu.
Chị bước vào và trong lúc làm việc, chị để ý xung quanh. Thật sự đây đúng là một ổ chuột, chắc chắn. Khắp nơi đầy sách vở và giấy má. Một cái tẩu thuốc vỡ, một cây sáo cũ trên mặt lò sưởi, một con chim xơ xác, không còn tí đuôi nào, kêu chíp chíp trên bệ cửa sổ, một chiếc hộp nuôi chuột bạch trang trí cho bệ cửa sổ nữa, những chiếc thuyền chưa làm xong và những mẩu dây nằm lẫn giữa các bản thảo, mấy đôi ủng bẩn thỉu đặt hong trước lò sưởi, và có thể nhìn thấy dấu vết của các cậu bé yêu quý mà vì chúng, ông giáo sư đã biến mình thành nô lệ, ở khắp nơi trong phòng.
Sau khi tìm kĩ, chị và bà Kirke tìm thấy ba chiếc. Một chiếc phủ trên lồng chim, chiếc kia thì dính đầy mực còn chiếc thứ ba bị cháy xém.
– Đàn ông với chả đàn ang! – Bà Kirke tốt bụng cười, khi bà cho mấy chiếc khăn vào bao đựng giẻ rách. – Ta nghĩ là mấy chiếc kia đã biến thành buồm cho mấy cái thuyền, thành băng ngón tay bị đứt hoặc thành đuôi diều rồi. Thật là khủng khiếp, nhưng ta không thể mắng ông ấy được. Ông ấy rất đãng trí và tốt bụng, ông ấy để cho mấy thằng ranh điều khiển! Ta đã nhận giặt đồ và khâu vá cho ông ấy, nhưng ông ấy quên không đưa quần áo cho ta, còn ta thì không nhớ. Cho nên nhiều lúc trông ông ấy thật thảm hại.
– Bác hãy để cháu khâu vá cho ông ấy. – Chị bảo. – Cháu không thấy có gì phiền cả và ông ấy không cần biết điều đó. Cháu thích làm việc đó. Ông ấy rất tử tế với cháu vì đã mang thư đi gửi giúp cháu và cho cháu mượn sách.
Thế là chị đã dọn dẹp đồ đạc của ông giáo sư và móc lại hai cái gót bít tất vì các chỗ mạng trông chẳng ra sao cả. Không ai nói gì, và chị hi vọng là ông ấy sẽ không phát hiện ra. Nhưng một hôm, tuần vừa rồi, ông bắt gặp chị đang làm công việc đó. Chị rất thích các bài giảng của ông nên cũng muốn học. Và vì Tina cứ liên tục chạy ra chạy vào, cửa thì để mở, nên chị có thể nghe thấy tất cả. Thế là chị ngồi cạnh cánh cửa, móc nốt cái gót còn lại và cố gắng hiểu những gì ông ấy nói với cô học trò mới cũng ngốc không thua gì chị. Cô học trò ra về, và chị cứ tưởng ông đã đi ra, vì thấy im phăng phắc. Chị vừa bắt đầu đọc to cách chia một động từ tiếng Đức thì bỗng có tiếng động khẽ khiến chị ngẩng lên, thấy ông Bhaer đứng đấy nhìn và lặng lẽ cười, tay ra hiệu cho Tina đừng làm cho ông bị lộ.
– Vậy đấy. – Ông ấy nói khi thấy chị ngưng bặt và nghệt mặt nhìn ông ấy. – Cô theo dõi tôi và tôi theo dõi cô. Không có gì xấu cả. Nhưng này, tôi không đùa đâu khi hỏi cô, cô có thích học tiếng Đức không?
– Thưa có, nhưng ông bận quá làm sao có thể dạy cho tôi, còn tôi thì rất dốt chắc không học nổi. – Chị nói ấp úng, mặt đỏ như mào gà.
– Ôi! Ta luôn có cách thu xếp. Buổi tối tôi có thể dạy cho cô một lúc. Vì, thưa cô March, cô thấy không, tôi có một món nợ phải trả. – Ông ấy nói và chỉ thứ chị đang móc. “Phải”, mấy người phụ nữ tốt bụng này bảo nhau: “Ông ấy là một lão già ngu ngốc. Ông ấy sẽ không nhìn thấy những gì ta làm đâu; ông ấy sẽ không bao giờ nhận ra là các gót tất của ông ấy không còn bị thủng nữa, ông ấy sẽ nghĩ là mấy cái cúc áo tự mọc ra sau khi đứt.” Ồ! Nhưng mà tôi có mắt chứ, và tôi có thể thấy nhiều điều. Tôi có một trái tim, và tôi cảm thấy biết ơn về việc đó. Nào, mạnh dạn lên, thỉnh thoảng chúng ta sẽ tổ chức một tiết học nhanh được chứ? Nếu không thì không còn những công việc của nàng tiên tốt bụng dành cho tôi nữa.
Dĩ nhiên là chị không thể từ chối vì đây là một cơ hội tuyệt vời. Chị đồng ý với cuộc thương lượng và việc học bắt đầu. Bốn buổi học đầu tiên trôi qua tốt đẹp, sau đó thì chị chết tắc với phần ngữ pháp. Ông giáo sư rất kiên nhẫn với chị, nhưng chị làm cho ông ấy rất vất vả. Đôi khi ông nhìn chị một cách tuyệt vọng khiến chị không biết nên cười hay nên mếu. Chị thử cả hai cách. Và khi tình hình trở thành một cuộc tra tấn thật sự thì ông ấy ném quyển ngữ pháp xuống đất và bỏ ra khỏi phòng. Chị cảm thấy xấu hổ, thu nhặt sách vở, định sẽ chạy ngay về phòng và tự trách mình, thì ông bước vào, tươi cười rạng rỡ như thể chị đã đem lại vinh quang cho ông ấy vậy.
– Giờ thì chúng ta sẽ thử một phương pháp mới. – Ông ấy đề nghị với chị. – Chúng ta sẽ cùng đọc các truyện cổ tích thú vị này. Còn cái ngữ pháp khô khan kia thì chúng ta để nó vào góc phòng để phạt nó vì đã gây rắc rối cho chúng ta!
Ông ấy nói thật dễ nghe và mở quyển truyện cổ Hans Andersen ra trước mắt chị với vẻ mời mọc khiến chị xấu hổ hơn bao giờ hết. Chị bắt đầu học thật hăng say, khiến cho ông ấy vô cùng phấn chấn. Chị quên đi sự rụt rè và kiên trì học (không có từ nào đúng hơn) với tất cả khả năng của mình, ngắc ngứ vì mấy từ dài, phát âm tuỳ theo cảm hứng, và cố hết sức. Khi chị đọc xong trang đầu tiên, và ngừng lại để thở, ông ấy vỗ tay rồi nói to một cách hùng hồn: “Tốt! Giờ thì chúng ta tiếp tục! Đến lượt tôi. Tôi sẽ đọc nó bằng tiếng Đức. Hãy nghe cho rõ nhé!” Thế là ông ấy bắt đầu đọc, phát âm các từ với giọng khỏe khoắn đầy sức cuốn hút. Rất may đó là truyện “Chú lính chì dũng cảm” mà chị đã biết rất rõ, nên chị có thể cười mặc dù chị gần như không hiểu những gì ông ấy đọc. Không cười sao được, khi mà ông ấy quá nghiêm túc, còn chị thì quá phấn khích. Toàn bộ vụ này thật hài hước.
Sau đó bọn chị tiếp tục tốt hơn và giờ thì chị có thể đọc bài khá tốt; vì cách làm việc mới này thích hợp với chị hơn. Ngữ pháp len lỏi vào các câu chuyện và bài thơ, giống như là thuốc được trộn lẫn trong mứt quả vậy. Chị rất thích kiểu học này, và ông ấy có vẻ cũng chưa chán. Ông ấy quả là tốt bụng, em có nghĩ thế không? Chị có ý định tặng ông ấy một món quà vào dịp Giáng sinh, vì chị không dám đề nghị trả tiền cho ông ấy. Mẹ hãy gợi ý cho con đi!
Con rất mừng là Laurie có vẻ hạnh phúc và bận rộn nên đã thôi không hút thuốc nữa và để cho tóc mọc lại. Mẹ có thấy là em Beth chăm sóc cậu ấy tốt hơn con không? Chị không ghen tị với em đâu, em yêu. Em hãy cố gắng hết mình nhưng đừng biến anh ấy thành một vị thánh! Chị nghĩ, chị không thể thích anh ấy nếu như anh ấy đánh mất vẻ ranh mãnh. Hãy đọc cho anh ấy những đoạn thư của chị. Chị không có thời gian để viết nhiều cho anh ấy và đọc cho anh ấy nghe như vậy cũng tốt. Chúng ta cám ơn Chúa vì Beth tiếp tục khỏe mạnh.
Tháng giêng
Chúc mừng năm mới cả gia đình thương yêu của con, trong đó bao gồm cả ông Laurence và một chàng trai tên là Teddy.
Con không thể nói được con đã vui mừng như thế nào khi nhận được gói quà Giáng sinh của gia đình: Mãi đến tối muộn con mới nhận được nó, sau khi đã hết hi vọng được nhìn thấy nó bay đến. Thư nhà đã đến tay con từ sáng nhưng trong thư, chẳng ai nói đến chuyện đó vì muốn làm cho con ngạc nhiên. Con đã rất thất vọng, nhưng con vẫn có cảm giác gia đình không hề quên con. Tối hôm đó, con hơi buồn khi trở về phòng mình sau khi uống trà, và khi người ta mang đến cho con gói quà to tướng buộc nơ, con đã ôm nó vào lòng, nhảy chân sáo sung sướng. Thật là ấm lòng, con đã ngồi ngay trên sàn, đọc, xem, ăn, cười và khóc, đúng như tính khí thất thường của con. Toàn những thứ con cần, và thích nhất là mọi thứ đều làm ở nhà chứ không phải mua ngoài chợ. Tạp dề của Beth tặng là tuyệt nhất. Hộp bánh gừng giòn của vú Hannah quả là một kho báu. Con sẽ mặc áo dạ mẹ gửi cho con, mẹ à, và sẽ đọc kĩ các quyển sách mà bố đã đánh dấu. Cám ơn mọi người cả triệu lần.
Nói đến sách con mới nhớ ra là khoản này con đã phát tài rồi, vì ngày mùng một, ông Bhaer đã tặng con một quyển Shakespeare tuyệt đẹp. Đó là quyển sách mà ông rất thích. Con vẫn thường ngắm nó, nó được đặt ở một vị trí trang trọng cùng với quyển Kinh Thánh tiếng Đức của ông ấy, rồi các tác phẩm của Plato, Homer và Milton. Vậy thì mọi người có thể tưởng tượng là con cảm thấy thế nào khi ông ấy mang cho con quyển sách và chỉ cho con thấy tên con được ghi ở trên đó không, “Của người bạn Friedrich Bhaer tặng”.
– Cô thường bảo cô muốn có một thư viện sách. Đây, xin tặng cô một quyển, vì bên trong là nhiều quyển gộp lại. Hãy đọc nó cho kĩ. Nó sẽ giúp cô rất nhiều. Vì khi nghiên cứu các nhân vật trong quyển sách này sẽ giúp cô đọc được các nhân vật ở ngoài đời và tả lại bằng ngòi bút của cô.
Con đã hết lời cám ơn ông ấy. Và giờ thì có thể nói về “thư viện của con” như thể con sở hữu hàng trăm quyển sách vậy. Trước đây, con chưa biết những gì chứa đựng trong tác phẩm của Shakespeare. Hơn nữa con chưa từng có một ông Bhaer giảng giải cho con. Xin cả nhà đừng cười vì cái tên khủng khiếp của ông ấy. Tên không đọc thành Bear hoặc Beer, như người ta vẫn tưởng, mà là một âm pha lẫn giữa hai âm đó, mà chỉ người Đức mới có thể phát âm được. Con rất vui vì mẹ và em thích những gì con kể về ông ấy, và con hi vọng ngày nào đó mọi người sẽ làm quen với ông ấy. Mẹ sẽ phục lòng tốt của ông ấy, còn bố thì nể cái đầu thông thái của ông ấy. Còn con lại ngưỡng mộ cả hai và cảm thấy giàu có với người bạn mới Friedrich Bhaer của con.
Vì không có nhiều tiền và không biết cái gì có thể làm cho ông ấy vui, nên con đã mua nhiều món quà nho nhỏ và đặt rải rác trong phòng của ông ấy để ông ấy ngẫu nhiên tìm thấy chúng. Những món đồ có ích, xinh xinh hoặc thật nhộn: một cái giá để lọ mực đặt trên bàn, một lọ hoa nhỏ – ông ấy luôn có một bông hoa hoặc một cành cây xanh cắm trong một chiếc cốc, để ông ấy cảm thấy tươi mát, như lời ông ấy nói, và một cán cầm ống bễ để ông ấy không làm cháy khăn tay nữa. Con đã chế tạo một thứ mà Beth nghĩ ra: một con bướm to với cái mình béo núc, cánh đen và vàng, râu bằng sợi len se, và mắt bằng hạt cườm. Ông ấy rất thích và đặt nó lên bệ lò sưởi như là một món đồ mĩ nghệ. Nhưng nói cho cùng, tác phẩm đó là một thất bại thì đúng hơn. Ông ấy nghèo, nhưng ông không quên một người giúp việc và một đứa trẻ nào trong nhà. Và không một ai ở đây, từ người phụ nữ chuyên giặt giũ đến chị Norton, quên ông ấy. Con vui về chuyện này.
Họ đã tổ chức một buổi khiêu vũ hóa trang vào đêm Giao thừa. Con không định xuống tham dự, vì không có quần áo. Nhưng đến giờ chót, bà Kirke nhớ ra là có một ít vải gấm cũ và chị Norton cho con mượn ren và lông chim; thế là con hóa trang làm bà Malaprop, và đến tham gia cùng với một cái mặt nạ. Không ai nhận ra con, vì con nói giọng khác đi, và không ai nghĩ là cô March ít nói, kiêu kì (vì họ nghĩ là con rất cứng nhắc và lạnh lùng; nhưng con là một con bé bắng nhắng mới đúng) lại có thể nhảy và mặc lễ phục, và thốt ra “thứ văn bia lộn xộn, như là một câu chuyện ngụ ngôn bên bờ sông Nile”. Con rất thích buổi khiêu vũ đó. Và khi tất cả bỏ mặt nạ ra, thật buồn cười khi thấy tất cả nhìn con chằm chằm. Con nghe thấy một anh chàng nói với bạn anh ta là anh ta biết con đã từng đóng kịch. Chắc anh ta nghĩ rằng đã từng xem con diễn một lần ở một sân khấu nhỏ nào đó. Chị Meg sẽ thấy thú vị với vụ này: Ông Bhaer giả làm Nick Bottom[8], còn Tina là Titania[9], một cô tiên bé nhỏ hoàn hảo trên tay ông. Nhìn họ khiêu vũ “đúng là một thắng cảnh” nói theo cách của Teddy.
Con đã trải qua một cái Tết thật hạnh phúc. Khi về phòng, nghĩ lại, con có cảm tưởng mình đã tiến bộ một chút cho dù vẫn còn nhiều tật xấu: Bởi vì giờ đây con luôn vui vẻ, con làm việc hăng say và quan tâm đến người khác hơn ngày trước.
Cầu Chúa ban phước lành cho tất cả mọi người.
Những Người Vợ Tốt Những Người Vợ Tốt - Louisa M. Alcott Những Người Vợ Tốt