With compassion you can die for other people, like the mother who can die for her child. You have the courage to say it because you are not afraid of losing anything, because you know that understanding and love is the foundation of happiness. But if you have fear of losing your status, your position, you will not have the courage to do it.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ó đến mấy năm sau.
Đương cữ cuối xuân chớm vào mùa hạ. Quanh hồ Thiền Cuông, những cây găng tây hoa như đào phai, những hoa lim vàng khè, những chùm phượng nở sớm và hoa vông đỏ tươi chen lẫn từng vòm lá xanh mướt. Chim chào mào đội mũ nhung đen lệch, đi ăn đôi, bay từ những chùm hoa ra, làm cho cánh hoa các màu rơi lả tả như rắc xuống mặt nước.
Buổi tối ấy, công viên Thống Nhất có liên hoan ca múa nhạc. Khu đoàn tiễn đội công nhân đi Thanh niên xung phong.
(Vào quãng đầu những năm 1960, người tiễn và người đi đều giữ bí mật, thanh niên trong thành phố đến lúc sắp hàng ở cửa Nhà hát Nhân dân, nhận đội ngũ và ba lô, mũ, áo cũng chỉ biết là sắp đi xa.
Ai cũng đoán các hướng: đi miền tây, phía Điện Biên Phủ hay xuống phía nam, vào giới tuyến. Mỗi đêm, trong vòng cung lòng đường trước Nhà hát đông nghịt những đoàn thanh niên đợi đi).
Lâm đến công viên. Lâm đến sớm. Lâm ngồi ghế đá, trông ra hồ.
Gió mơn man mặt nước, như đưa những chiếc thuyền thể thao hai mái chèo, vút qua dưới lòng cầu.
Tất cả đã khác hết. Chỉ còn mặt nước đám cỏ và bụi tre thì vẫn nguyên. Lâm nhận xét như thế, có lẽ bởi những cái gì ven hồ với Lâm, ngày ấy đã thân thiết như sự sinh sống.
Năm trước, cả vùng này cỏ hoang. Bên kia hồ nhấp nhô những gò rác và ở trong bãi rác quanh co những ngõ ngách, những túp lều, mẹ con Lâm đã ở chui rúc trong ấy.
Người ở bãi rác tha thẩn tỏa ra đi kiếm ăn ngày ngày. Bọn trẻ con thuộc thời tiết đã sang mùa thu hay còn oi bức, theo mọi thứ kiếm ăn được. Chúng vác móc sắt đi giựt củi cành khô. Khi mùa đông tới, gió thổi quả núc nác đập lách cách vào cành cây, cả vỏ cây cũng khô cong, kêu răng rắc. Cái móc giựt cho rơi xuống, đem về đun, bó lại đem ra phố ngoài bán.
Ít ai để ý Hà Nội cũng là một rừng cây, đủ thứ cây. Cây sấu, cây xà cừ rụng lá khác mùa nhau, nhưng vừa rụng lá già, vừa trổ lá xanh đầu mùa hè, mùa thu. Lặng lẽ không đỏ hắt như lá bàng hay vàng hoe như lá sữa, cũng không giống cây vông sang xuân nhú xanh.
Vào mùa hạ, cây ven hồ đương xanh thì lá sấu lổ đổ vàng, rụng ào ào như mưa. Một lúc, đã vơ lèn chặt một tải đầy. Lúc ấy, cành sấu mơn mởn lá non và chỉ mấy hôm, hoa sữa đã rụng chấm li ti như gạo nếp rắc trên mặt đất. Mỗi thứ cây một khác. Cỏ thì mùa nhiều mùa ít, nhưng cỏ cắt được quanh năm.
Khi nào không mò ra cái ăn, đám trẻ ở bãi rác đi cắt cỏ. Trẻ con ở đâu đâu những phố nào cũng đổ đến cắt cỏ. Có đứa cắt cỏ bán tháng cho những nhà có xe bò kéo. Có những gánh cỏ quảy lên Cột Đồng Hồ.
Ở Cột Đồng Hồ gần bờ sông có cái chợ cỏ. Chợ cỏ chỉ có người đến từ trưa trở ra. Dễ hiểu, buổi sáng người bán còn phải đi cắt. Gánh cỏ mấy phía tới, ô Yên Phụ xuống, dưới bờ sông lên, đỗ rải rác quanh gốc si trước cửa cái miếu con, lố nhố cả trên đê.
Người trong phố mua cỏ, mua gánh mua mớ, đủ cả. Cỏ nuôi chuột bạch, nuôi thỏ. Cỏ cho bò kéo xe.
Nhớ lại, còn biết bao việc nghịch tinh, việc kiếm ăn lạ lùng của những đứa trẻ khốn khó. Nhưng Lâm nhớ nhiều nhất những gánh cỏ. Những gánh cỏ bán được, đem về đưa cho mẹ tiền. Có hôm mẹ ứa nước mắt.
Và những khi đi quấy phá lêu lổng... Không bao giờ Lâm quên lần ấy, cậu Trử cõng Lâm về cơ quan.
Chiều hôm trước, có đứa rủ Lâm lên chơi vườn hoa Pát–tơ. Ở đấy, có ông lính Ấn Độ trong Ủy ban Quốc tế hay ra bán thuốc lá ngoại. Lâm theo đi xem. Có đứa ra rình, giựt thuốc lá. Chúng ném cát vào mặt người ta, rồi cướp, chạy. Vừa chạy vừa reo như chạy chơi, biến bong mất hút xuống chân đê.
Còn ngơ ngác lại mấy đứa không biết đầu đuôi ra sao cả, công an đến hỏi từng đứa, rồi đem về tận nhà.
Mẹ sợ quá, xích Lâm mấy ngày. Cổ chân đã có chỗ xước loét ra. Cậu Trử cõng Lâm về cơ quan. Đêm nào Lâm cũng nhớ mẹ.
Những buổi tối, tiếng hát tràn qua cửa sổ mọi nhà, Lâm ở với cậu Trử, chỉ vài hôm, đã học lỏm được vô khối bài... Những lúc cậu đi làm, Lâm nằm ghếch chân lên cửa sổ... Qua miền Tây Bắc... Nhị Lang Sơn...
Trử bảo:
– Tối nay, Lâm đi tập hát nhé.
Không biết đi tập hát thế nào. Bao nhiêu người đến xem mặt đấy. Lâm nghĩ ngay, theo một phản ứng tự nhiên: Bắt hát a? Đừng hòng!
Rồi Lâm hầm hầm ngồi. Nhưng rồi nghĩ lại thấy cậu Trử cũng hay hay, cũng thích. Cậu Trử chẳng biết Lâm thế nào đâu. Chỉ biết cậu quý Lâm, cậu nói chuyện tử tế, không quát chửi. Cậu cứ dặn: đừng ra phố mà lạc. Cậu ngỡ mình lên ba lên bốn cũng nên. Lâm lạ gì, chỗ này góc đường bờ sông. Một quãng, đã đến chợ cỏ Cột Đồng Hồ. Lâm quảy cỏ đi bán đã nhẵn chân. Quãng nữa đến chợ Bắc Qua, lên Đầu Cầu vòng xuống chợ Đồng Xuân. Xuống đấy, a lê hấp một cái, đã vắt vẻo bám đít tàu điện, keng keng ngang thành phố về chợ Giời thôi mà. Thế mà cậu ấy cứ sợ mình không biết đường.
Ngồi nghĩ vẩn vơ, đã nhạt đi cái khó chịu lúc cậu Trử bảo đi tập hát. Thật thì chỉ ngại ra chỗ đông người đấy thôi.
Một lúc, cậu Trử trở lại. Mấy nhóc nữa đến theo, nom lạ hoét. Nhưng, trẻ con mới gặp nhau, chỉ hay thấy ghét, không thấy sợ. Những đứa trẻ ấy dường không để ý mắt Lâm nhìn gườm gườm, cứ rối rít: “Chào bạn! Chào bạn ạ!” Lâm lúng túng, ấp úng. Cậu Trử giơ tay giới thiệu: “Các bạn này đến rủ Lâm đi tập hát. Bây giờ hai cậu cháu mình và các bạn lên phòng họp cơ quan, ta cùng nhau tập hát”.
Những cái sân khấu nền đất, kê trên ghế ở đầu phố đã mấy năm nay không còn. Nhưng lứa tuổi đương lớn lên khi Hà Nội mới giải phóng cứ nhớ mãi những cái sân khấu đắp đất, bắc ván, người xúm quanh, có phông vải dù lốm đốm xanh đen mượn được của bộ đội và lúc nào biểu diễn xong, cả người diễn người xem lại cùng nhau khuân gạch cởi dây buộc cánh gà, xếp thành một đám cẩn thận rồi mới dỡ đến cái bạt che trên đầu.
Lâm nhớ đêm vui những năm ấy. Những vui buồn cuộc sống in hằn kỷ niệm. Bây giờ Lâm đã thành nghề công nhân máy nổ, nhà máy cơ khí. Nhưng Lâm còn nhớ bãi rác ngày ấy. Những bãi rác, những bãi cỏ, những đứa trẻ nhấp nhô. Hồi ấy, Lâm chưa hiểu tình hình thế nào, nhưng có một điều mà bây giờ nghĩ lại càng thấm thía hình ảnh ảm đạm của câu trả lời: nếu cứ còn lêu lổng lang thang, những đứa trẻ mà chính chúng nó cũng tự nhận tên là nhặng, tên là giòi, lúc nào cũng như đi trong mưa, đi trong đêm, rồi thì ra sao. Nghĩ thế, Lâm ngậm ngùi.
Các bạn đã đến đông. Lâm đứng dậy, bước ra khỏi ghế đá. Tất cả vào trong vườn. Trời đêm trong. Những ngôi sao lóng lánh như những bóng đèn điện nhỏ li ti mắc vào cành nhãn và những tàu lá dừa bờ hồ.
Buổi liên hoan đêm tiễn Thanh niên Xung phong ở vườn hoa Thống Nhất đông lắm.
Rạp dựng giữa vườn cây, rèm và phông xanh thẫm.
Lâm hát giọng trung cao trong bè hát, suốt khi hát, Lâm cứ ngỡ mình đương trong tình cảm hát bài Qua miền Tây Bắc.
Tình cờ đêm biểu diễn khi sắp xa Hà Nội lại ở vườn hoa Thống Nhất. Không ai biết trong những người thanh niên đi xa có người trước kia đã ở đây.
Người ta kể lại thời kỳ lao động xây dựng công viên Thống Nhất, nói ngày trước đấy là bãi lầy, lội bùn đến đầu gối. Những cái cầu trượt bắc ván suốt mặt bùn sang bên kia. Xe ba gác sa bánh xuống, phải đứng ròng thừng từ trên bờ mới kéo lên được. Xung quanh toàn bùn là bùn, quanh các bãi rác.
Những ai nhớ - cùng không mấy ai biết, trong đám bùn rác đã có những ngõ phố nhiều người lặn lội trong ấy.
Nhưng những người đã chui rúc ở đấy thì không bao giờ quên.
o O o
Người con gái ấy từ phía ga Hàng Cỏ đi tới.
Thoạt trông, ai cũng đoán là người về qua thành phố. Chị đội cái mũ cát bỏ quai xuống cằm. Áo sơ mi ka–ki xám nhạt, tay dài, khuy cẩn thận. Bây giờ thanh niên xung phong ăn mặc gọn gàng thế, về Hà Nội, qua Hà Nội, từ Hà Nội đi, ngày nào cũng đông nghịt bến tàu, bến ô tô. Người có tuổi bảo bây giờ sao người ta đi đâu mà đi nhiều thế.
Người con gái đeo chiếc ba lô cao lù trên lưng. Một con gà mào đỏ chót nằm kẹp trong cái rọ mới đan bằng mấy thanh trúc tươi buộc bên dưới một bên quai ba lô. Đôi dép lốp đế dày đến một đốt ngón tay. Trông nét mặt tươi tỉnh, rám đỏ nắng - biết người ở xa, nhưng lại thấy đi tất tả, thành thạo, như đã thuộc phố xá.
Chị ấy đi chéo qua hồ Thiền Cuông ra chợ Hôm. Các hiệu quốc doanh cơm tám Tân Việt, hàng kem Hồng Điệp, đèn nê-ông mát mắt. Người ra vào đông ùn lên. Hai bên hàng phố, những cửa hàng treo biển hợp tác, tổ sản xuất giày da, cắt tóc, hiệu may...
Xuống đến gần Chùa Vua, chị tạt vào một ngõ hẻm.
Năm trước, đầu ngõ ấy, mặt tường loang lổ, trơ gạch. Một cây đề con con mọc bám trên khe, thòng rễ dài xuống chằng vào những vết hõm ẩm ướt rêu xanh đen, có chỗ toang hoác ra. Nhưng rồi người ta cẩn thận gỡ cây đề trên tường xuống trồng ở khoảnh đất ngay trước mặt.
Cây đề hạ thổ đã phổng phao, lá xanh mỡ, gió thổi vào những chiếc lá tròn tròn cứ lắc lắc như đèn treo. Mặt tường quét vôi trắng, vôi đã ăn trơn tru cả rêu. Dòng chữ viết hắc ín bên nền vôi mới trắng xóa, như khẩu hiệu, như báo một niềm vui cho tất cả mọi người đi đường phải biết đến Ngõ tối tổ 98 đã xóa xong nạn mù chữ, thi đua 100/100 đi học bổ túc.
Cuối ngõ, nhô lên một ống khói con con. Khói bốc nghi ngút - như bễ lò rèn.
Chị ấy dừng lại, lưỡng lự. Những khác lạ xung quanh, chị nghĩ: biết có còn ai quen ở đây. Chị nảy ý nghĩ ấy từ lúc đi qua hồ Thiền Cuông, nhìn về phía vườn Thống Nhất, thấy một cánh bãi những nhãn, bưởi và những hàng dừa đã trổ đuôi lợn phất phơ lủa tủa. Mới năm nào, chỗ ấy, những bụi lau lan ra đến mặt bùn. Tối mùa hè, có con cuốc về kêu trong gốc lau. Bên kia, thành phố đổ rác ra đấy, từng gò rác cao cao...
Một anh bộ đội, quần áo xanh mới, tay dắt xe đạp, từ trong ngõ ra.
Anh bộ đội nhìn chị rồi kêu lên:
– Ơ kìa cô My Lan.
My Lan chịu không nhớ ra ai. Nhìn kỹ, anh bộ đội trẻ măng. Thanh niên mười tám đôi mươi, lớn như thổi, năm trước năm sau nom đã khác. Nghe gác trong có tiếng hỏi xuống, giọng khàn khàn: “Ai thế, hả con?” My Lan nhận ngay ra tiếng ông Ba Tê.
My Lan mỉm cười, hỏi vọng lên:
– Phải ông Ba Tê đấy ạ?
– Ai mà réo tên húy tôi ra thế!
Ông Ba Tê chạy xuống.
– Gớm chưa này, tưởng cô quên hàng phố chúng tôi rồi.
My Lan nói:
– Hồi này ông béo khỏe quá, thanh niên không ăn đứt đâu.
– Mời cô hãy vào trong này.
Ông Ba Tê ríu rít, coi bộ hể hả, chỉ lên chỗ bàn thờ có chiếc đèn năm oát đỏ lấp lánh trên miếng trang kim sao vàng. Ở mặt tường cạnh đấy, cái khung lồng kính bằng “Gia đình vẻ vang” của những nhà có con em đi bộ đội.
Ông nói:
– Khác rồi, khác rồi cô ạ. Cô trông một chỗ ấy cũng thấy được chúng tôi khác xưa rồi.
– Bà nhà ta đi chơi đâu ạ?
Ông Ba Tê nói:
– Nhà tôi đi họp phụ nữ.
Rồi lại dòng dài kể:
– Cái thằng em lúc nãy cô gặp đây, hồi ấy cứ mất mặt suốt ngày với tụi du côn du kề, tôi lo tái người. Trên hô hào buôn bán hợp tác. Tôi càng lo dấn. Miệng thì nói hay hay, nhưng hãy hượm, hãy hượm, còn đi nghe ngóng để liệu bề đánh tháo khỏi phải vào. Học chính sách, thắc mắc tha hồ nói, bao giờ hết tiệt thắc mắc hãy vào, không ai ấn đầu vào đâu mà sợ. Thế rồi tôi vào. Tôi vào bán hợp tác cơm phở bánh cuốn. Nhà tôi đi guồng sợi. Em nó xin được việc làm phụ thợ lò nhà máy. Thì ra không phải thằng bé thích trèo me trèo sấu, không phải nó hư. Mà chỉ vì mình không biết đưa nó vào đường thẳng nên mới sinh đốn thế. Được đi nghĩa vụ. Cô trông em nó, thế nào, có chững không? Mới được về phép đấy. Cô mừng cho chúng tôi.
Ông vẫn kể:
– Hồi cô hay đến chơi đây với nhà chị Thư, tôi chẳng biết chữ nào. Còn kể gì nữa, cô biết đấy, cái khi ở bãi rác cũng vì sợ học, vì xấu hổ mà chuồn lên ngõ này. Sau vào hợp tác, cả hợp tác cùng đi học, cái đòn bẩy mình lên, không lên không được.
Một em bé gái đi qua, tay xách cái phích vỏ nan tre. Thấy khách lạ, em chào:
– Cháu chào cô ạ.
My Lan ngạc nhiên đến phải thốt lên:
– Ngoan quá.
Ông Ba Tê hể hả:
– Thiếu nhi quàng khăn đỏ mà. Ngõ này em nào cũng biết lễ phép, không chửi nhau, đánh nhau, biết làm vệ sinh, giúp người già, nhà neo... Còn nữa, nhiều lắm.
Thấy cô bé đi vào cuối ngõ, chỗ có cái ống khói, My Lan hỏi:
– Cái lò gì thế hả ông?
– Bếp đun nước tổ phục vụ.
Ông Ba Tê thở dài khượt một cái rồi tủm tỉm:
– Ối giời ôi. Lúc nào cũng sẵn nước sôi. Mang phích ra mua, xu một lít - mùa rét mua nước nóng về tắm. Cơm nồi, nước sôi là thế. Thổi cơm đủ cách, được cả.
Có tiếng người léo nhéo ngoài đường. Ông Ba Tê bảo có lẽ nhà tôi đi mít tinh hay đi họp phụ nữ về. My Lan ngồi yên, có ý thử xem bà Ba Tê có nhận ra mình không.
Bước chân vào, tay bà cởi tràng khuy áo dài, bà Ba Tê kêu lên: “Cô My Lan phải không? Ăn mặc bộ đội lạ quá thế kia, đi bộ đội bao giờ thế?” Ai mặc áo ka ki, bà đều bảo là bộ đội. My Lan cười cười chào bà.
Bà Ba Tê luống cuống, cứ cái áo cởi cúc dở, vạt tất tả, bước đến rót nước mời khách.
My Lan hỏi bà Ba Tê:
– Hỏi thăm bà, chị Thư có còn ở ngõ ta không?
Bà cười to:
– Cô Thư à, cô Thư bây giờ làm trên trạm y tế. Đáng lẽ tối nay xuống phổ biến kế hoạch tuần sau diệt chuột toàn thành. Nhưng vì trạm phải đi phục vụ ngày lễ nên hoãn lại. Cô ở chơi đây, mai thế nào cô Thư cũng xuống. Mà giá có lên trạm bây giờ cũng không gặp. Đằng nào cũng phải mai. Công việc y tá đường phố, ai cũng bảo là nhàn, tôi xem ra bận như con mọn đấy.
Cả ngõ phố đã kéo đến nhà ông Ba Tê, cười nói, chuyện um cả nhà. Hệt như ở trong làng, nhà có người ở bộ đội về chơi. Ồ, cô ở tận Điện Biên Phủ? Có còn thấy xương Tây không? Từ Điện Biên lên chỗ cô công tác còn hai ngày đường nữa cơ à? Ồ, làm đường nối nước ta với nước Lào. Ghê nhỉ. Có nhớ Hà Nội không? My Lan cười. Ở đơn vị tôi cũng nhiều người Hà Nội. Ồ thế à...
My Lan ăn cơm nhà ông bà Ba Tê chiều hôm ấy.
Cô My Lan định đem thịt con gà trống mua ở Tuần Giáo trên đường về. Nhưng ông Ba Tê không nghe. Ông nói không phải tôi bảo chị đừng giết gà, tôi chỉ bảo hãy hượm, mai hãy cho nó vào nồi, mai cô Thư xuống, liên hoan thì vừa.
Bà Ba Tê chạy ù lên chợ Đức Viên. Một lát, xách về một xóc cua, mấy bánh đậu và mớ rau diếp, rau mùi - "Cái này ở tập thể ít được ăn..." My Lan kêu lên: “Ối giời ôi, canh cua với rau diếp. Có đến mấy năm em mới lại thấy mặt con cua đồng”.
Bà Ba Tê cứ gắp đậu rán từng miếng vào bát My Lan. My Lan phải nói: để em tự nhiên mà.
Cơm xong, My Lan tranh lấy mâm bát, bưng ra sân rửa.
My Lan hỏi thăm ông Ba Tê những bà con ngày trước ở bãi rác. Mới biết mỗi người mỗi nơi. Vợ chồng Bốn xế lô về quê, cô đã biết. À đẻ con gái đầu, thế mới trúng số độc đắc chứ. Bố con bác cả Chù từ khi về Phát Diệm, không thấy tin. Bà lang thuốc ê cũng về quê rồi. Ông Ba Gác thì lên phố bên kia. Vẫn cái xe ba gác vào tổ hợp tác ngành vận tải thô sơ, công tác phó ban bảo vệ, tổ trưởng dân phố. Đến đây chơi, có một chén vào, vẫn hát nghêu ngao.
Cứ nghĩ ngợi, My Lan không chợp mắt được. Đôi chốc, phía nhà ai trong ngõ, tiếng đồng hồ báo thức ré lên. Người đi làm ca, người ra ga, ra bến. Đôi chốc, ràn rạt tiếng ô tô về phía chợ Mơ, như cơn gió ập vào tận cuối ngõ. Phía ấy, xe đi đường số 1 vào Nam. Trong Nam, chưa yên, Hà Nội đêm thao thức, cũng không ngủ yên.
Ông Ba Tê dậy theo đồng hồ báo thức, trước cả đài phát nhạc tập thể dục. Ông đi làm ca sớm, chuẩn bị cửa hàng cho kịp khách ăn điểm tâm. Ông chuyên nấu nước dùng phở, chan phở. Mỗi sáng, chan hàng ngót nghìn bát phở - chan cho vừa, cho ngon, cho nhanh, không phải dễ đâu nhé.
Hơn bảy giờ, không thấy chị Thư đến, My Lan lên trạm y tế.
Qua hai dãy phố, trạm y tế đầu đường bên kia. Tòa nhà hai tầng, trước sân có cây bàng. Lá bàng xếp thành tán lợp kín cái sân có ghế đá cho người ngồi đợi. Ngày trước, nhà này là nhà hộ sinh tư hay nhà ở, My Lan không thể biết. My Lan không bận gì đến những thứ dinh cơ có tường hoa bao bọc và hai cánh cửa sắt. Ra vào, cởi xích chòng lọng hai cánh cửa, kêu loảng xoảng.
Người ngồi chờ khám bệnh, hỏi bệnh trên dãy ghế đá ghép mát trơn. Trẻ con đông hơn, ngồi hai dãy. Ống tay áo đã cởi sẵn, im lặng. Trong phòng có rèm xanh, các bác sĩ, y tá, hộ lý áo trắng toát. Nơi khám bệnh thoáng mát như vườn trẻ.
My Lan trông ngay thấy chị Thư ngồi bàn ngoài cùng. Chị đương tiêm cho một em bé gái độ bốn năm tuổi. Cánh tay nó trắng bụ. Tay chị Thư - mu bàn tay nắng gió suốt đời, sạm đỏ in trên mặt da em bé.
My Lan lạ, lạ quá. Không phải lạ vì tấm áo lui trắng và cái mũ vải trắng chị Thư đội. Người tiêm và cho thuốc, các phòng y tế, chỗ nào chả có. Đến nơi đèo heo hút gió công trường Tây Trang trên biên giới Việt Lào, cũng có phòng khám vách dán giấy trắng lẫn tranh ảnh cắt ở họa báo, cô y tá áo trắng, anh y sĩ đi bốt lửng cao su... Điều mà My Lan ngỡ ngàng là xưa nay chỉ thấy chị Thư gồng gánh, đeo địu tất tả mà bây giờ chị Thư mặc áo, mũ trắng in chữ thập đỏ, tay giơ ống tiêm lên nhìn, búng một cái, thành thạo. Ngày chị em mình ở bãi rác, có khi nào em đoán được rồi ra có ngày như bây giờ. Có phải không, chị Thư, chị Thư chạy hàng chợ giời, chị Thư mò ốc hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu, chị Thư đi cất chè tươi chợ Trúc... Bây giờ chị Thư y tá thành phố. Thành phố mỗi hôm một khác.
Thư ngừng tay tiêm, nhìn ra. My Lan kéo quai, ngả cái mũ cát, bước vào.
– Kìa cô My Lan!
– Chị Thư!
Thư nói:
– Em chờ chị một tý. Hôm nay tiêm tứ liên[1]. Xong đợt này là hết, ngồi đợi chị ngoài sân cho mát.
My Lan ra ngồi ghé vào đầu ghế đá cạnh gốc cây bàng, chăm chú nhìn các em. Những em bé, cánh tay trần, đứng dậy, sắp hàng vào phòng tiêm. Một cô thanh niên đeo băng đỏ đưa vào, cô đứng tận cuối hàng. Các em nhìn bạn đứng trước giơ cánh tay. Tiêm máy bấm tách - chưa kịp hãi đã xong.
Tối hôm ấy, cơm nước rồi, hai chị em đi chơi phố. Hai người ra chơi vườn hoa Thống Nhất. Cả khu vực phía nam thành phố bây giờ, vườn Thống Nhất có cây có nước thoáng đãng hơn cả. Chị Thư nói: “Năm trước cô có đi lao động làm vườn hoa này không? Vườn hoa bây giờ có các cầu sang giữa hồ đẹp lắm”. My Lan toan nói: “Ngày ấy chúng mình ở trong bãi rác bây giờ là giữa vườn Thống Nhất đấy”, song lại im.
My Lan im lặng nhìn về phía tay trái chỗ lùm cây nhãn đằng kia, dãy nhà “viện trợ Mỹ” ở Vân Hồ. Những ngõ bãi rác ngoắt ngoéo năm trước. Ngày tháng qua đi, người làm ăn không có thói quen và không thích nhìn trở lại. My Lan cũng thế. Thỉnh thoảng, chợt nhớ mà thôi.
Vòm trời lồng lộng trên vườn hoa dát sao li ti trong làn gió mát tháng bảy lướt nhẹ, như nước chảy qua làn sáng long lanh. Tiếng còi tàu Nam rít từ bờ nước phía cuối hồ Ba Mẫu kéo dài lên ngang qua thành phố. Tiếng còi tàu bao giờ cũng gợi nhớ cảm tưởng man mác, đi xa.
Thư nói:
– Chóng quá, cô ạ.
My Lan khẽ khẽ:
– Lần này, em về nhờ chị một việc.
– Việc gì, cô cứ nói.
– Chị với em không cùng bố mẹ đẻ ra, nhưng chị thương em ruột thịt không bằng.
Thư im lặng.
– Em định tháng sau thì xây dựng. Chúng em cùng công tác ở công trường. Em về báo tin chị mừng cho. Em mời chị lên chơi. Chị lên chứng kiến việc vui mừng cho em gái chị.
Thư cười.
– Chị là họ nhà gái chứ gì.
Vầng trăng non đã nhô trên ngọn những cây bạch đàn lao xao, lấp lánh cao nhất. Bên kia hồ chi chít, nhấp nhô giàn giáo công trường trường Đại học Bách khoa. Trong ánh trăng mơ màng, như bên ấy cũng có một vườn hoa khác nối với vườn hoa bên này.
My Lan kể chuyện vào tháng này, Tây Bắc đã lạnh, về khuya vùng núi cao thì rét rồi.
Nhưng Thư không đáp chuyện. Thư đương vẩn vơ nhớ lại ngày trước. Có lúc mình lẩn thẩn, đã trốn lủi như con cuốc, lại còn tức tối không yên. Thấy My Lan quen Trử, Thư hốt hoảng lên. Nghĩ lại, thật thương mà giận.
My Lan bỗng hỏi:
– Lâu nay chị Thư có nhận thư anh Trử không?
– Hồi trong năm có, thấy bảo ở xa lắm, nhưng vẫn khỏe.
My Lan thở dài, nói nhỏ:
– Giá anh Trử có nhà thì vui.
Thư cũng khẽ nói:
– Ừ, giá cậu ấy có nhà...
Hai người thong thả đi về.
– Cô cứ yên tâm. Thế nào chị cũng thu xếp lên mừng cô chú.
o O o
“Nói đến lại nhớ. Những đồi hoang cheo leo, buổi chiều vàng rực nắng. Khi bóng núi ngả xuống, xanh im lạ lùng. Những lúc ấy, mọi suy nghĩ công việc hôm nay và những kỷ niệm thường pha trộn với nhau. Có phải My Lan xuống lấy nước ngay dưới chân đồi? Chân đồi hay có giếng nước trong.
Trong kháng chiến, tôi đã ở những vùng tận cùng miền Tây. Hôm nay, lại đương ở một nơi xa, xa hơn tất cả các chuyến công tác trong đời. Mà sao trong kỷ niệm vẫn tưởng nơi miền tây ấy là nơi xa xôi nhất. Nhớ theo tình cảm ban đầu. Tôi viết những hàng này cho tôi đọc.
“Tôi nhớ những năm mới trở về Thủ đô. Những người tôi gặp, những người đã cho tôi thấy được thật Hà Nội là thế nào.
“Từ nghìn xưa, người thợ thủ công, người nông dân ngoại ô đã làm nên 36 phố phường Hà Nội, tạo ra lịch sử Hà Nội. Cứ xem lý lịch từng chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, thì rõ sự thực ấy. Ngày nay, đến thế hệ những người lao động của Hà Nội, giữ Hà Nội, xây dựng Hà Nội. Người Hà Nội có mặt khắp đất nước cũng để xây dựng Hà Nội, làm nên Hà Nội.
“My Lan đi Tây Bắc. Đi xa, chúng ta hiểu Hà Nội hơn.
“Ờ, đấy là cung đường Thèn Sin lên Phong Thổ, là cung Lấn Xì, cung Thâm Phạ lên Đồng Văn hay cung Thanh Thủy, cung Tây Trang ra biên giới. Những con đường như chim bồ câu bay đàn đường vòng, trăm vẻ, biết bao gian khổ mới nên. Trên đường vạn dặm của đất nước, chúng ta đã chia nhau, làm nên từng cung, từng trạm, những con đường.
“Nơi tôi công tác hôm nay, cũng tương tự nơi My Lan. Chỉ khác nhau ở hai đầu đất nước. Mỗi đêm, trên bóng nước bên kia con sông nhỏ, thấy trời hửng ở đầu rừng. Đấy là hỏa châu, sáng bom hay cái sáng vàng nhòe của vùng tạm bị chiếm.
“Nhưng chúng tôi tin đấy là ánh sáng thành phố. Tôi bồn chồn nghĩ tới có một ngày vào giải phóng Sài Gòn. Tôi đã được vào Hà Nội giải phóng. Tôi đã đi đến tận các ngõ phố heo hút bao nhiêu rộn rã và những công tác.
Trong thế kỷ hai mươi, được dự vào những biến đổi thời đại như ở đất nước ta trong đó cả những con người”.
[1] Thuốc phòng bốn thứ bệnh: Tả, bạch cầu, thương hàn, uốn ván.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố