Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 7: Biện Chứng Của Tháng Tám
Đ
ã 62 năm trôi qua kể từ ngày nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử.
Hai giá trị rất to lớn mà tháng Tám đã mang lại cho dân tộc ta là độc lập và tự do. Mặc dù để bảo vệ thành công hai giá trị này, nhân dân ta đã phải tiếp tục chiến đấu và hy sinh thêm 30 năm nữa.
Độc lập là một giá trị vĩnh hằng, nhưng không phải là một giá trị bất biến. Nó luôn luôn phát triển cùng với sự phát triển của dân tộc. Đất nước Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ của hội nhập và toàn cầu hóa. Trong thời kỳ này, độc lập vừa là sự tự chủ, cũng vừa là sự hợp tác với bên ngoài. Độc lập vừa là tinh thần tự lực, tự cường, cũng vừa là sự tiếp thu thành tựu của thế giới, sự tận dụng các nguồn lực của thế giới để vươn lên. Nếu chúng ta không vươn lên để đuổi kịp các nước đi trước, chúng ta khó bảo đảm được một cách đầy đủ quyền độc lập của mình. Mối quan hệ giữa tính độc lập và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc trong thế giới hôm nay là biện chứng. Đó là quy luật đấu tranh và tồn tại thống nhất của hai mặt đối lập. Chúng đấu tranh với nhau, nhưng chúng tồn tại bên nhau. Không có cái này thì không có cái kia và ngược lại.
Trong thời Pháp thuộc, chúng ta không có quyền tự quyết, thực dân Pháp đã áp đặt rất nhiều thứ cho dân tộc ta, kể cả hệ thống pháp luật và chế độ chính trị. Ngày nay, chúng ta đã giành được toàn quyền tự quyết. Tuy nhiên, tự quyết không có nghĩa là muốn quyết thế nào cũng được. Càng hội nhập sâu hơn, chúng ta càng phải quyết phù hợp hơn với luật chơi chung. Cân đối giữa bản sắc dân tộc và chuẩn mực quốc tế là một sự cân nhắc khó khăn. Ngoài trí tuệ, sự nhạy cảm và bản lĩnh của chính mình, chúng ta không thể trông chờ vào sự mách bảo của bất kỳ ai.
Giá trị to lớn thứ hai mà Cách mạng tháng Tám mang lại là tự do. Tự do cũng là một giá trị vĩnh hằng, nhưng cũng không phải là một giá trị bất biến. Tự do đóng vai trò quyết định đối với sự giàu có và thịnh vượng của đất nước. Bởi vì tự do là động lực, đồng thời là công cụ để phân bổ tối ưu mọi nguồn lực. Không có tự do, một cá nhân không thể phát huy hết tiềm năng và sức mạnh sáng tạo của mình. Không có tự do, nguồn nhân lực và tài lực của đất nước không thể được phân bổ hợp lý tối đa. Tuy nhiên, tự do không đương nhiên mang lại cho chúng ta công bằng. (Mà công bằng là một trong những giá trị mà dân tộc ta đã theo đuổi trong gần suốt thế kỷ XX). Ngược lại, tự do và cơ chế thị trường có thể làm cho sự phân cách giàu nghèo có thể ngày càng mở rộng.
Cân đối giữa tự do và công bằng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn. Thiếu việc mở rộng dân chủ và bảo đảm quyền tham gia quyết định của người dân khó có thể thực hiện được nhiệm vụ nói trên.