Nguyên tác: Hard Choices
Số lần đọc/download: 3044 / 90
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:57 +0700
Chương 9: Pakistan: Danh Dự Quốc Gia
H
ệ thống theo dõi an ninh bằng hình ảnh của phòng hội thảo ở tầng hầm ở West Wing đột nhiên im lặng. Cạnh tôi, Bộ trưởng Bob Gates hai tay khoanh lại, mắt dán vào màn hình. Hình ảnh mập mờ, lem nhem không nhìn thấy rõ. Một trong hai chiếc trực thăng Black Hawk đã va vào phía trên cùng của bức tường rào bao quanh khu nhà, rồi đâm xầm xuống mặt đất. Sự lo ngại tồi tệ nhất của chúng tôi lại trở thành sự thật.
Tổng thống Obama kiên nhẫn ngồi theo dõi màn hình, tất cả chúng tôi đều nghĩ giống nhau: Năm 1980 tại Iran, cuộc giải cứu con tin kết thúc khi chiếc trực thăng bị tai nạn bốc cháy giữa sa mạc, làm chết tám binh sĩ Mỹ, một tổn thất lớn cho đất nước và quân đội. Giờ đây thảm họa xảy ra cũng kết cục như thế chăng? Bob từng là quan chức cao cấp của CIA. Chuyện cũ trong ký ức đang đè nặng trong lòng ông, ngồi đối diện bên kia bàn là Tổng thống Obama. Ông là người đưa ra quyết định cuối cùng, trực tiếp đặt cược cuộc sống của nhóm Đặc nhiệm Hải quân SEAL và các phi công trong Chiến dịch Đặc biệt và cũng có thể cả uy tính nhiệm kỳ tổng thống của ông vào sự thành bại trong chiến dịch này. Giờ đây tất cả chúng tôi đang theo dõi hình ảnh đang truyền tải về từ xa.
Đó là ngày 1-5-2011. Phía bên ngoài Nhà Trắng, thành phố Washington xinh đẹp, rực rỡ trong dáng xuân của buổi chiều Chủ nhật. Bên trong Nhà Trắng sự căng thẳng đang tăng dần khi những chiếc trực thăng cất cánh từ một căn cứ phía đông Afghanistan khoảng hơn một giờ trước. Mục tiêu là khu nhà tổng hợp ở Abbottabad, Pakistan, CIA tin rằng đó là nơi Osama bin Laden ẩn náu, người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới cần phải tóm gọn. Sau nhiều năm tận tụy làm việc của cộng đồng tình báo, tiếp đến những cuộc tranh luận hàng tháng trời của các quan chức cao cấp trong chính quyền Obama mới đưa ra quyết định ngày hôm nay. Giờ đây tất cả niềm tin và hy vọng đặt các phi công trực thăng và đội đặc nhiệm SEAL thực hiện sứ mệnh được giao phó.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vượt qua biên giới Pakistan. Những chiếc trực thăng Black Hawk được trang bị công nghệ tiên tiến nhất cho phép hoạt động không bị hệ thống rada phát hiện, nhưng không biết thực sự có như vậy không? Mối quan hệ giữa chúng ta và Pakistan, đồng minh danh nghĩa của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố đang lâm vào tình trạng khó khăn. Quân đội Pakistan luôn luôn ở trong tình trạng báo động, e ngại tấn công bất ngờ từ Ấn Độ, bây giờ nếu họ phát hiện trực thăng của chúng ta bí mật xâm phạm vùng trời của họ, có thể họ sẽ đáp trả bằng vũ lực.
Chúng tôi cân nhắc xem có nên thông báo Pakisatn về cuộc đột kích trước để tránh kịch bản này và có thể sẽ kèm theo mối quan hệ giữa chúng ta với Pakistan bị xóa bỏ hoàn toàn. Nhưng Bob Gates nhắc chúng tôi, Pakistan vẫn cần hỗ trợ hợp tác ủng hộ quân đội chúng ta ở Afghanistan để tiếp tục truy đuổi bọn khủng bố khác trong khu vực biên giới. Tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian và hoạt động đáng kể xây dựng mối quan hệ với Paskitan trong nhiều năm qua, nếu chúng ta không chia sẻ thông tin, như thế họ sẽ coi như bị xúc phạm nghiêm trọng. Nhưng tôi cũng biết, một số phần tử chủ chốt trong cục tình báo Pakistan (ISI) vẫn giữ mối quan hệ với Taliban và al Qaeda. Kế hoạch của chúng ta từng bị lộ vì chuyện đó. Chuyện rủi ro bị tiết lộ sẽ tiêu huỷ hoàn toàn chiến dịch này quả là thiệt hại quá lớn.
Một điểm mà quan chức cao cấp trong chính quyền hỏi tôi, liệu chúng ta có sợ không thể hàn gắn mối quan hệ nếu danh dự quốc gia của Pakistan bị tổn thương không? Có lẽ đây là sự thất vọng bị dồn nén quá lâu từ việc phải đối phó lối ăn nói nước đôi và sự lừa dối chính từ phiá Pakistan, những vết đau đớn còn nóng bỏng của vụ khói nổ mịt mù ở Lower Manhattan, vì thế không đời nào tôi để cho Hoa Kỳ bỏ lỡ cơ hội duy nhất loại bỏ Osama bin Laden kể từ khi bắt hụt hắn ở Tora Bora, Afghanistan vào năm 2001. Tôi giận dữ hỏi lại: “Thế danh dự quốc gia của chúng ta thì sao? Thế sự tổn thất của chúng ta thì sao? Còn kẻ đã từng giết hại ba ngàn người dân vô tội thì sao?”
Con đường đến Abbottabad trải qua từ các vùng núi non hiểm trở của Afghanistan xuyên qua tòa đại sứ của chúng ta bị đốt phá phía Đông châu Phi, những mảnh thân tầu vỡ nát USS Cole, thông qua sự tàn phá ngày 11 tháng 9-2001, cộng thêm sự quyết tâm, kiên nhẫn của nhân viên tình báo Hoa Kỳ chẳng bao giờ từ bỏ cuộc săn lùng. Các hoạt động của bin Laden chẳng bao giờ chấm dứt mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, nếu như chúng ta không đánh bại ý thức hệ hận thù của chúng với những gì mà khả năng chúng ta có trong tay. Vì thế cuộc chiến phải tiến hành. Nhưng đó cũng là tín hiệu cho thấy cuộc chiến của Mỹ chống bọn al Qaeda còn lâu dài và khó khăn.
Ngày 11-9-2001, cái ngày hằn sâu trong tâm trí tôi cũng nhự tất cả mọi người dân Mỹ. Thật kinh hoàng những gì tôi chứng kiến hôm ấy, là một Thượng nghị sĩ của New York, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm lớn sát cánh cùng người dân thành phố đau thương. Sau một đêm mất ngủ kéo dài ở Washington, tôi cùng Chuck Schumer, đối tác ở Thượng nghị viện, trên chuyến bay đặc biệt của Cơ quan Quản trị Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp đóng cửa, máy bay của chúng tôi duy nhất trên bầu trời ngày hôm đó, ngoại trừ các máy bay chiến đấu của Không lực tuần tra. Từ sân bay La Guardia chúng tôi lên trực thăng bay thẳng về hướng Lower Manhattan.
Khói vẫn nghi ngút bay lên từ đống tro tàn đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới. Trong lúc máy bay lượn trên vùng Ground Zero, tôi nhìn rõ những chiếc dầm sắt bị xoắn và gẫy nát cùng những bóng người công nhân xây dựng lờ mờ đang cố gắng tìm những người sống sót trong tuyệt vọng. Những hình ảnh đưa tin trên truyền hình hôm qua tôi xem không đầy đủ như những cảnh tượng kinh hoàng hôm nay tận mắt thấy. Nó giống như một cảnh kinh dị trong phim Địa Ngục của Dante.
Trực thăng của chúng tôi hạ cánh bên bờ Tây gần sông Hudson. Chuck và tôi gặp Thống đốc George Pataki và thị trưởng New York Rudy Giuliani cùng các quan chức khác, đi về hướng Ground Zero. Không khí ngột ngạt, cay sè, khói vẫn dầy đặc gây khó thở và khó nhìn. Tôi đeo chiếc khẩu trang y tế, nhưng mùi khói vẫn làm cổ họng rát bỏng, khó thở và chẩy nước mắt. Thỉnh thoảng lính cứu hỏa đột ngột xuất hiện trong khói bụi, mờ ảo nặng nhọc, mệt mỏi, kiệt sức lê bước, tay kéo theo chiếc rìu phủ đầy bụi đi về phía chúng tôi. Một trong số họ đã làm việc liên tục từ khi những chiếc máy bay lao vào tòa Tháp Đôi, họ đã mất tất cả bạn bè và đồng nghiệp. Hàng trăm chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh đang làm nhiệm vụ cố gắng cứu giúp người khác, những người may mắn sống sót sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật đau đớn kéo dài trong nhiếu năm tới. Tôi muốn được ôm, cám ơn và nói với họ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Nhưng tôi cũng không dám chắc điều đó thành hiện thực hay không.
Trong trung tâm chỉ huy tạm thời đặt tại Học viện Cảnh sát ở Twentieth Street, Chuck và tôi nghe báo cáo tóm tắt sự thiệt hại, đổ vỡ hoàn toàn. Người dân New York đang rất cần sự giúp đỡ để khắc phục, đây chính là công việc của chúng tôi mà mọi người đều nhận ra. Đêm ấy tôi bắt chuyến tầu hoả cuối cùng trước khi nhà ga Penn đóng cửa. Sáng hôm sau ở Washington, việc đầu tiên tôi đến gặp Thượng nghị sĩ Robert Byrd bang West Vìrginia, vị chủ tịch nổi danh của Ủy ban Phân bổ Ngân sách, đề nghị cấp kinh phí cứu trợ khẩn cấp. Ông lắng nghe tôi trình bày, nói: “Cứ yên tâm, hãy cứ coi tôi là Thượng nghĩ sĩ thứ ba của New York.” Những ngày tiếp theo, những việc làm hỗ trợ của ông thật tốt như lời ông hứa.
Chiều hôm đó tôi và Chuck đến Nhà Trắng, tại Phòng Bầu Dục, chúng tôi đề xuất với Tổng thống Bush, bang New York cần 20 tỷ đô la để khắc phục hậu quả. Tổng thống tán thành ngay. Tổng thống sát cánh với chúng tôi, thông qua mọi cách vận động chính trị để đạt được yêu cầu viện trợ khẩn cấp.
Trở về văn phòng làm việc, chuông điện thoại réo thường xuyên, rất nhiều người gọi đến yêu cầu tìm kiếm thân nhân của họ bị mất tích hoặc xin giúp đỡ. Chánh văn phòng đặc nhiệm, Tamera Luzzatto và nhóm Thượng viện ở Washington và New York làm việc ngày đêm, nhiều nghị sĩ cơ sở khác cử trợ lý đến giúp.
Ngày hôm sau, Chuck và tôi đi cùng Tổng thống Bush trên chiếc Air Force One trở lại New York, chúng tôi lắng nghe Tổng thống, ông đứng trên đống đổ nát nói với đám đông nhân viên cứu hỏa: “Tôi đang lắng nghe tiếng gọi của các vị. Cả thế giới cũng đang lắng nghe tiếng nói của các vị! Những kẻ gây sụp đổ những toà nhà này chúng sẽ nhận được sự đáp trả thích đáng của tất cả chúng ta.”
Những ngày tiếp theo, Bill, Chelsea và tôi đến thăm một trung tâm tìm kiếm người mất tích đặt tạm ở Trung đoàn 69 Armory và một trung tâm giúp đỡ các gia đình nạn nhân ở 94 Pier. Chúng tôi gặp những gia đình đang nâng niu những bức hình của người thân bị mất tích, cầu nguyện và hy vọng họ vẫn còn sống sót. Tôi viếng thăm những người sống sót bị thương nặng tại Bệnh viện St. Vincent và trung tâm phục hồi chức năng ở Westchester County, nơi một số nạn nhân bị bỏng nặng nằm điều trị. Tôi đã gặp người phụ nữ tên Lauren Manning, mặc dù bị bỏng khủng khiếp trên 82% cơ thể, cơ hội sống sót chỉ còn 20%, nhưng chị đang cố gắng với nỗ lực phi thường giành giật lại sự sống để trở về với gia đình. Lauren và người chồng thân yêu của chị, Greg, đang phải chăm sóc hai đứa con trai, đây là tiếng nói đại diện cho biết bao gia đình nạn nhân khác của cuộc khủng bố 11-9-2001. Một người sống sót thật kỳ diệu, đó là Debbie Mardenfeld, được chuyển đến Bệnh viện Đại học New York Downtown, trong khi chưa xác định rõ danh tính, người ta gọi chị là Jane Doe, bị mảnh vỡ của chiếc máy bay thứ hai rơi xuống nghiền nát chân chị, vết thương rất nặng. Tôi viếng thăm chị đôi lần, gặp người chồng sắp cưới, anh Gregory St. John. Debbie nói với tôi, mơ ước của chị làm sao có thể khiêu vũ được trong buổi lễ thành hôn của mình, nhưng bác sĩ điều trị tin rằng cô có thể sống sót, nhưng tự mình đi lại đã thật khó khăn, việc khiêu vũ hầu như không thể. Sau gần 30 cuộc phẫu thuật và sau 15 tháng điều trị, những tiên lượng bệnh về Debbie thật đáng xấu hổ. Chị đã sống, đi lại thậm chí còn khiêu vũ được trong ngày lễ thành hôn, Debbie mong muốn tôi phát biểu đôi lời trong lễ thành hôn, tôi không bao giờ quên được nét mặt vui tươi, rạng rỡ của chị khi bước xuống, đi dọc hai hàng ghế quan viên hai họ và bạn bè.
Với mọi biện pháp, lòng quyết tâm và sự nỗ lực, nhiều năm qua tôi đã tranh đấu tại Thượng viện tìm nguồn tài trợ chăm sóc y tế cho những người bị ảnh hưởng sức khoẻ trong thời gian họ sống gần khu Ground Zero. Tôi xây dựng Quỹ Bồi thường Nạn nhân 11 tháng 9 và Ủy ban Ngày 11 tháng 9 để hỗ trợ việc thực hiện các khuyến nghị của họ. Tôi cũng đã làm hết sức mình để tìm kiếm Osama bin Laden và al Qaeda, cải thìện các nỗ lực của chúng ta chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Trong thời gian chiến dịch tranh cử cả tôi lẫn Thượng nghị sĩ Obama chỉ trích chính quyền Bush đã không lưu ý đúng mức Afghanistan, thiếu tập trung theo dõi săn lùng Osama bin Laden. Sau cuộc tổng bầu cử, chúng tôi đồng ý ra sức truy lùng al Qaeda, coi đó là điều quan trọng cho an ninh quốc gia và phải tăng cường hơn nữa, đồng thời bắt bằng được bin Laden đưa ra trước công lý.
Theo tôi, chúng ta cần có chiến lược về Afghanistan, Pakistan với cách tiếp cận mới chống quân khủng bố trên toàn thế giới, trong đó phải sử dụng toàn bộ sức mạnh Mỹ tấn công về tài chính mạng lưới khủng bố, mạng lưới tuyển dụng, kể cả nơi trú ẩn an toàn cũng như các thủ lĩnh của chúng. Điều đó thể hiện phải hành động về quân sự, tin tức tình báo phải được chọn lọc cẩn thận đầy đủ, thực thi mệnh lệnh nghiêm túc, phương cách ngoại giao tinh tế, tất cả phải hoạt động đồng bộ - nói một cách ngắn gọn-, quyền lực thông minh.
Tất cả những kỷ niệm của tôi giờ đây là hình ảnh khi nhóm SEAL tiếp cận khu tổng hợp ở Abbottabd. Tôi lại nhớ đến những gia đình mà tôi từng biết và cùng làm việc đã bị mất thân nhân trong cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 gần một thập niên trước. Một thập niên chưa giành lại công lý cho họ. Giờ đây, công lý đang trong tầm tay.
Nhóm an ninh quốc gia bắt đầu vật lộn với những tìn huống khẩn cấp, các mối đe dọa khủng bố cấp thiết hơn, khi Tổng thống Obama mới bước chân vào Phòng Bầu Dục lần đầu tiên.
Ngày 19-1-2009, một ngày trước lễ nhận chức, tôi cùng các quan chức an ninh quốc gia cấp cao chính quyền mãn nhiệm của Tổng thống Bush gặp chính quyền kế nhiệm của Tổng thống Obama tại Phòng Tình Huống của Nhà Trắng bàn thảo về tình huống bất trắc xảy ra: Nếu có quả bom phát nổ ngay tại National Mall trong khi Tổng thống tuyên thệ nhậm chức thì giải quyết ra sao? Nhân viên mật vụ sẽ hối hả bảo vệ đưa Tổng thống nhanh chóng rời lễ đài trong khi dân chúng toàn thế giới đang chăm chú theo dõi trên màn truyền hình trực tiếp? Tôi thấy nhóm an ninh của Bush không đưa ra được những kế hoạch khả quan, đáng tin cậy để xử lý. Trong hai giờ đồng hồ chúng tôi thảo luận làm thế nào để có phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời với mối khủng bố đe dọa ngày lễ nhậm chức. Cộng đồng tình báo quốc tế cho rằng những kẻ cực đoan Somali có liên hệ với Al Shabab, một chi nhánh của al Qaeda, sẽ tìm mọi cách vượt qua biên giới Canada với kế hoạch ám sát tân Tổng thống.
Chúng ta có nên chuyển buổi lễ nhậm chức vào trong hội trường? Hay huỷ bỏ lễ nhậm chức? Cả hai cách đều không khả thi. Lễ nhậm chức bắt buộc phải tiến hành theo kế hoạch, lễ chuyển giao quyền lực theo phong cách hoà bình, êm thấm là biểu tượng vô cùng to lớn của nền dân chủ Hoa Kỳ. Như vậy điều đó có nghĩa là mọi người phải ra sức nỗ lực hơn nữa ngăn chặn cuộc tấn công và phải đảm bảo an toàn cho Tổng thống.
Lễ nhậm chức kết thúc, mọi chuyện tốt lành, không xảy ra sự cố gì, mối đe dọa của bọn Somali chỉ là báo động giả, không chính xác. Nhưng dù sao sự đề phòng đó cũng là lời nhắc nhở vấn đề khác, ngay trong khi chúng ta cố gắng lật lại những trang sử có nhiều vấn đề của chính quyền Bush, bóng ma của chủ nghĩa khủng bố được xác định trong nhiều năm tới cần phải luôn luôn thận trọng.
Bản báo cáo của tình báo đưa ra một bức tranh rất đáng lo ngại. Cuộc xâm lăng Afghanistan do Mỹ dẫn đầu năm 2001 lật đổ chế độ Taliban ở Kabul, giáng một đòn mạnh mẽ vào liên minh al Qaeda của chúng. Nhưng Taliban đã tái tổ chức, các cuộc tấn công của phiến quân nhằm vào vào lực lượng Mỹ và Afghanistan từ nơi trú ẩn an toàn bên kia biên giới Pakistan, khu vực của các bộ tộc vô chính phủ. Khả năng thủ lĩnh al Qaeda cũng trú ẩn ở đó. Vùng đất biên giới đã trở thành trung tâm của tổ chức khủng bố toàn cầu. Những khu ẩn náu an toàn vẫn còn đó, quân đội chúng ta ở Afghanistan còn phải chiến đấu lâu dài, gian khổ và al Qaeda vẫn có những cơ hội lên kế hoạch khủng bố quốc tế mới. Đây là lý luận mang tính lô-gíc mà tôi đã bổ nhiệm Richard Holbrooke làm Đặc sứ cho cả Afghanistan lẫn Pakistan. Những vùng đất trú ẩn an toàn cũng gây gia tăng sự bất ổn chính trong nhà nước Pakistan. Một chi nhánh Taliban ở Pakistan đã tiến hành cuộc tấn công đẫm máu của phiên quân chống lại nên dân chủ yếu ớt ở Islambad. Bọn cực đoan chiếm được nơi đây chính là cơn ác mộng đối với khu vực và thế giới.
Tháng 9-2009, FBI đã bắt một thanh niên 24 tuổi người Afghanistan nhập cư, tên gọi Najibullah Zazi, kẻ được al Qaeda ở Pakistan huấn luyện, đã lên kế hoạch một cuộc tấn công khủng bố ở thành phố New York. Đây chính là vấn đề mà chúng ta lo ngại cái gì đã và đang xảy ra ở Pakistan.
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt buồn của Asif Ali Zardari, Tổng thống Pakistan, sau đó tôi nhìn một tấm hình cũ mà ông đưa cho tôi. Đó là bức ảnh chụp 14 năm về trước, nhưng ký ức trở lại rõ nét như sự việc vừa xảy ra năm 1995. Đây là người vợ thân thương của ông, Benazir Bhutto, một phụ nữ sắc sảo, tao nhã, cựu Thủ tướng Pakistan, rực rỡ trong bộ đồ màu đỏ tươi, chiếc khăn voan trắng trùm đầu, hai tay cầm tay hai đứa con nhỏ. Đứng kế bên là con gái tôi ở tuổi lên mười, Chelsea, nét mặt phấn khởi, vui sướng vì được gặp một người phụ nữ đáng mến khi đến thăm đất nước của bà. Lần đầu tiên tôi viếng thăm đất nước này một mình với cương vị Đệ nhất phu nhân, không có mặt Bill Clinton. Trong ảnh, tôi thật trẻ trung với kiểu tóc mới và trong vai trò khác nhưng tôi thật tự hào được thay mặt cho đất nước đến viếng thăm một miền đất đầy khó khăn ở bên kia quả đất.
Từ những năm 1995, rất nhiều sự kiện đã xảy ra, Pakistan đã phải hứng chịu những cuộc đảo chính, chế độ độc tài quân sự, những cuộc nổi dậy cực kỳ tàn bạo và nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn leo thang hàng ngày. Nhưng bao trùm lên tất cả là sự đau đớn tột cùng khi Benazir Bhutto bị ám sát trong cuộc vận động chiến dịch tranh cử để khôi phục lại nền dân chủ cho Pakistan vào năm 2007. Giờ đây, mùa thu 2009, Zardari là vị Tổng thống dân sự đầu tiên sau một thập niên, ông muốn xem xét tăng cường mối quan hệ bằng hữu giữa hai quốc gia hơn nữa. Tôi cũng mong muốn như thế. Đó là lý do vì sao tôi viếng thăm Pakistan với cương vị Ngoại trưởng ở thời điểm phong trào chống Mỹ đang dâng cao ở Pakistan.
Zardari và tôi chuẩn bị bữa dạ tiệc chiêu đãi cấp nhà nước cùng các vị quan khách nổi tiếng Pakistan. Nhớ lại, năm 1995 Bộ Ngoại giao yêu cầu tôi đến Ấn Độ và Pakistan để bày tỏ nơi đây nằm trong phần chiến lược và sự biến động ảnh hưởng quan trọng đối với Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực nhằm tăng cường nền dân chủ, mở rộng thị trường tự do, lòng vị tha, quyền con người trong đó có cả quyền của người phụ nữ. Pakistan được tách ra từ Ấn Độ, một vùng đầy hỗn loạn từ năm 1947, năm mà tôi chào đời, cũng là một thời gian dài đồng minh thời kỳ Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ, nhưng quan hệ giữa hai quốc gia ít khi nồng ấm. Ba tuần trước khi tôi viếng thăm năm 1995, những kẻ cực đoan đã giết hại hai nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Karachi. Ramzi Yousel, một trong những tên chủ mưu trong vụ đánh bom Trung tân Thương Mại Thế giới năm 1993, y đã bị bắt tại Islamabad và dẫn độ sang Hoa Kỳ. Vì vậy cơ quan mật vụ rất hiểu và lo lắng về sự bảo đảm an toàn khi tôi rời khu nhà tổng hợp của toà nhà chính phủ đến thăm viếng trường học, nhà thờ Hồi giáo, các cơ sở y tế. Nhưng Bộ Ngoại giao đồng ý với tôi, viếng thăm các cơ sở ấy rất cần thiết và đầy giá trị, thể hiện sự gần gũi, thân thiết và bày tỏ niềm tin với nhân dân Pakistan.
Tôi mong được gặp bà Benazir Bhutto, người được bầu làm Thủ tướng năm 1988. Phụ thân bà, ngài Zulfikar Ali Bhutto, từng giữ chức Thủ tướng những năm 1970s, sau đó bị lật đổ và bị treo cổ trong cuộc đảo chính quân sự. Sau nhiều năm bị quản thúc tại gia, bà đứng ra tổ chức và lãnh đạo đảng chính trị vào những năm 1980. Trong cuốn hồi ký “Người Con Gái của Định mệnh” (Daughter of Destiny), một câu chuyện đầy hấp dẫn về sự quyết tâm, tận tụy, một chính khách thông minh có đủ khả năng vươn lên nắm quyền lực trong xã hội mà đa số người phụ nữ sống trong sự cô lập nghiêm khắc qua chiếc mạng che mặt được gọi là “purdah”. Họ không được phép tiếp xúc với người đàn ông lạ mặt, chỉ được rời nhà khi mặc bộ đồ cánh giơi với chiếc mạng che kín mặt dù bất cứ đi đâu. Tôi đã từng gọi điện trực tiếp thăm hỏi và nói chuyện với bà Begum Nasreen Leghari, phu nhân của Tổng thống Farooq Ahmad Khan Leghari, một người phụ nữ vẫn giữ nguyên truyền thống Pakistan.
Benazir Bhutto là người danh tiếng nhất tôi từng biết và ủng hộ. Trong kỳ nghỉ hè tại London năm 1987, Chelsea và tôi đã trông thấy đám đông tụ tập trước khách sạn Ritz, hỏi ra được biết, bà Benazir Bhutto, Thủ tướng Pakistan sắp đến khách sạn này. Tò mò, mẹ con tôi đứng cùng đám đông chờ đoàn xe hộ tống bà đến. Bà bước ra từ chiếc xe limousine, sang trọng, thanh lịch, một chiếc khăn voan màu vàng quấn từ đầu buông tới chân, nhẹ bước vào sảnh, thật duyên dáng, thanh lịch, vui vẻ.
Tám năm sau, 1995, tôi trở thành Đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ và bà là Thủ tướng chính phủ Pakistan. Hoá ra chúng tôi biết nhau từ khi còn học ở trường Oxford và Harvard. Người ta bảo bà ấy rất sắc sảo: đôi mắt sáng, miệng luôn nở nụ cười, tính tình vui vẻ cùng với một trí tuệ thật sắc bén. Tất cả đều đúng sự thật. Bà nói chuyện cởi mở, thẳng thắn về những thách thức chính trị, nam nữ bình quyền mà bà phải đối mặt, cam kết sẽ giúp các bé gái được học hành, có cơ hội làm việc, tuy nhiên giờ đây vấn đề ấy còn hạn chế chỉ có trong các tầng lớp trên giàu có. Benazie Bhutto mặc bộ quần áo dân tộc truyền thống shalwar kameez áo dài phủ qua quần rộng rất hợp thời trang, hấp dẫn, chiếc khăn choàng che mái tóc trông thật đáng yêu. Chelsea và tôi rất ấn tượng với phong cách thời trang này trong buổi dạ tiệc ở Lahore chúng tôi vinh dự được đón tiếp. Tôi mặc bộ đồ lụa hồng, Chelsea chọn màu ngọc bích. Trong bàn tiệc tôi ngồi giữa Bhutto và Zardari. Người ta đã viết và truyền khẩu về mối tình và cuộc hôn nhân huyền thoại giữa hai người, nhưng giờ đây tôi được tai nghe mắt thấy tình cảm và hạnh phúc như thế nào khi Zardari thể hiện với Bhutto đêm ấy.
Các năm tiếp theo đánh dấu sự tổn thất và đụng độ. Năm 1999 Tướng Pervez Musharraf làm cuộc binh biến, đảo chính quân sự nắm quyền lên làm Tổng thống, buộc Bhutto sống lưu vong và Zardari bị tống giam. Tôi và Bhutto vẫn tiếp tục liên lạc, bà yêu cầu tôi trợ giúp, tìm mọi cách giúp chồng bà được tự do. Họ không tìm ra cách để truy tố ông, cuối cùng năm 2004 họ đành phải thả. Sau ngày 11-9, dưới áp lực mạnh mẽ của chính quyền Bush, Musharraf đã liên minh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến với Afghanistan. Tuy nhiên, ông nắm được các phần tử chủ chốt tình báo và an ninh của Pakistan vẫn có mối duy trì quan hệ mật thiết với Taliban và bọn cực đoan Afghanistan và Pakistan trong cuộc chiến chống lại Liên Xô từ năm 1980. Nhiều lần tôi đã trao đối với nguời đồng nhiệm Pakistan rằng, đây đúng là “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”, không những thế nó còn như con rắn độc cắn hàng xóm. Sự bất ổn xảy ra là chắc chắn, bạo lực tăng lên, kinh tế sẽ suy sụp. Một số người bạn Pakistan tôi gặp năm 1980, nói: “Bà không thể tưởng tượng nổi những gì xảy ra bây giờ đâu. Tất cả đã khác trước ghê gớm lắm. Đến chúng tôi còn không dám trở về thăm viếng những nơi danh lam thắng cảnh của quê hương nữa là.”
Tháng 12-2007, sau tám năm sống lưu vong, Benazir Bhutto trở về và bị ám sát trong cuộc vận động bầu cử tại Rawalpindi, cách trụ sở bộ chỉ huy quân sự Pakistan không xa. Sau khi bà bị ám sát, cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng nhân dân buộc Musharraf phải từ chức, Zardari được đưa lên làm Tổng thống trong làn sóng đau thương của quốc gia. Nhưng chính phủ dân sự đối mặt thách thức an ninh và kinh tế yếu kém đang trở lên trầm trọng, đồng thời bọn Taliban của Pakistan bắt đầu mở rộng tầm hoạt động từ các vùng miền núi hẻo lánh xa xôi xâm nhập vào những vùng đông dân cư ở Away Valley, chỉ cách thủ đô Islamabad khoảng 100 dặm. Hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa khi quân đội Pakisatan đến đây chống lại bọn cực đoan. Một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa chính phủ của Tổng thống Zardari với Taliban vào tháng 2-2009, nhưng chỉ sau vài tháng thỏa thuận này mất tác dụng.
Sự khủng hoảng Pakistan ngày càng trở nên tồi tệ, rất nhiều người Pakisatan nổi giận đổi lỗi do chính Hoa Kỳ gây nên, không những thế các phương tiện truyền thông tung tin những không chuẩn xác, thất thiệt như đổ thêm dầu vào ngọn lửa nổi giận. Họ đổi lỗi vì chúng ta khuấy động sự rắc rối với Taliban, lợi dụng Pakistan để thực hiện chiến lược, đồng thời thể hiện sự thiên vị với cựu thù của họ, Ấn Độ. Họ cho đó là lý do chính gây ra những khó khăn của Pakistan. Trong một số cuộc thăm dò ý kiến, tỷ lệ ủng hộ Hoa Kỳ giảm xuống chỉ còn dưới 10%, trong khi gói viện trợ hàng tỷ đô la mà chúng ta đóng góp trong mấy năm qua họ vẫn nhận đều đều. Thực tế, một gói viện trợ mới được Quốc hội thông qua không ngờ trở thành một cột thu lôi những lời chỉ trích từ phiá Pakistan, họ cho rằng gói viện trợ này có quá nhiều điều ràng buộc. Thật là điên khùng. Tất cả sự mổi giận của công chúng làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho chính phủ Pakistan hợp tác với chúng tôi trong vấn đề chống khủng bố bằng không kích, đồng thời giúp bọn cực đoan dễ dàng tìm nơi trú ẩn và mở rộng thành viên mới. Nhưng Zardari chứng minh ông là một chính khách tài năng vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Zardari đã soạn thảo công ước với quân đội, ông là vị Tổng thống dân sự đầu tiên của chính phủ dân chủ trúng cử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ trong lịch sử Pakistan.
Mùa thu năm 2009, tôi quyết định công du Pakistan cùng với những suy nghĩ về việc Pakistan chống Mỹ. Tôi trao đổi với phụ tá của tôi chuẩn bị chuyến công du đầy khó khăn ở hội trường các tỉnh thành, với các phương tiện truyền thông và các cuộc gặp gỡ công chúng. Phía Pakistan cảnh báo tôi: “cẩn thận, không khéo bà sẽ tứ bề thọ địch đấy.” Tôi mỉm cười, nói: “Vâng, tôi biết và đã sẵn sàng.”
Tôi từng chịu đựng những dư luận thù địch trong nhiều năm qua, đã rút ra được những bài học bổ ích trong những vấn đề khó tránh, cũng như chuẩn bị cách trả lời vui vẻ, hoà nhã. Những vấn đề bất đồng lớn thường xuyên xảy ra giữa các dân tộc và các quốc gia, chúng ta không nên ngạc nhiên về điều đó. Hãy chuẩn bị tinh thần trực tiếp lắng nghe tiếng nói của người dân, đối thoại quan điểm một cách tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên cũng không kỳ vọng có những thay đổi cách nhìn lớn lao, nhưng đó là cách duy nhất để tiến tới đối thoại với tinh thần xây dựng. Trong thế giới ngày nay, khả năng siêu liên kết của chúng ta để giao tiếp với công chúng cũng như với nhiều chính phủ là một phần của chiến lược an ninh quốc gia của chúng ta.
Những năm tham gia chính trường đã giúp tôi có được những trang bị trong trường hợp như thế này. Tôi thường tự hỏi, làm thế nào để trả lời những câu hỏi mang tính chỉ trích theo cách riêng của chính mình. Tôi có ba cách trả lời: Trước tiên, nếu ta lựa chọn cuộc đời toàn tâm phục vụ công chúng, phải nhớ lời khuyên của Eleanor Roosevelt, phải biết lỳ lợm, mặt phải chai sạn. Điều thứ hai, học cách phê phán chỉ trích nhưng không đả kích cá nhân. Người phê phán, chỉ trích ta có thể giúp ta rút ra những bài học quý giá, nhưng người khác thì không hoặc không thể có được. Tôi thường tìm hiểu mục đích, động lực nào thúc đẩy việc chỉ trích mang tính đảng phái hay ý thức hệ, thương mại, giới tính sau đó phân tích để rút ra những bài học hoặc bỏ qua. Thứ ba, một tiêu chuẩn kép bao giờ cũng được áp dụng đối với chính trị gia là phụ nữ, phải lưu ý đến trang phục, dáng dấp, tất nhiên cả cách trang điểm và kiểu để tóc, đừng để những điều đó làm ta mất điểm trước con mắt của công chúng. Thường xuyên phải niềm nờ, nụ cười sẵn trên môi. Đó là những bài học lớn, lời khuyên quý giá sau nhiều năm hoạt động, từng xảy ra thiếu sót, sai lầm quá lớn, nhưng điều đó đã giúp tôi những chuyến công du vòng quanh thế giới cũng như cách cư xử trong nước.
Giúp chúng tôi viết những bài về nước Mỹ, tôi đưa theo một bình luận gia tài năng, sáng giá một trong ban giám đốc điều hành truyền thông nổi tiếng nhất, Judith McHale, chuyến công du còn có Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Công chúng ngoại giao và Công chúng vụ. Bà là người sáng lập, điều hành MTV và Discovery Channel, con gái của nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Bằng tài năng, bà sẽ giúp chúng tôi giải thích các chính sách của Hoa Kỳ với những người hoài nghi trên thế giới, đẩy lùi những lời tuyên truyền cực đoan, lôi kéo, hợp nhất hoá chiến lược truyền thông toàn cầu cùng các vấn đề sức mạnh thông minh trong chương trình nghị sự. Bà cũng là người đại diện của tôi trong Hội đổng Quản trị Phát thanh Truyền hình của chính phủ, giám sát đài Tiếng nói Hoa Kỳ và các phương tiện truyền thông trên thế giới do Hoa Kỳ tài trợ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây là bộ phận quan trọng tiếp cận, đưa những tin tức cho cộng đồng dân chúng sống sau Bức màn sắt, nơi mà chế độ kiểm duyệt khắt khe các tin tức và những thông tin trên thế giới. Tuy thế, chúng tôi chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng và mới mẻ trong kỹ thuật khoa học cũng như sự thay đổi cảnh quan trên thế giới. Judith và tôi thống nhất bổ xung, nâng cấp thế hệ kỹ thuật mới, nhưng xem ra không dễ gì thuyết phục được Quốc hội cũng như Nhà Trắng để thực hiện như một ưu tiên hàng đầu.
Công việc của tôi phải thúc đẩy hơn nữa để Pakistan cam kết, hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, giúp chính phủ nước này tăng cường dân chủ hơn nữa, cải cách kinh tế, xã hội phục vụ dân sinh thay thế chủ nghĩa cực đoan. Tuy phải gây áp lực và phê phán nhưng không được để mất Pakistan về ủng hộ và giúp đỡ trong cuộc đấu tranh, điều này rất quan trọng cho cà hai bên trong tương lai.
Cuối tháng 10-2009, ngay sau khi tôi vừa đặt chân lên Islamabad, một vụ đánh bom ngay tại khu chợ đông dân cư ở Peshawas, thành phố phiá bắc cách nơi chúng tôi đến chừng 90 dặm. Hơn một trăm người thiệt mạng trong đó có rất nhiều phụ nữa và trẻ em. Bọn cực đoan khu vực ra lệnh cấm phụ nữ đi chợ mua sắm, vụ đánh bom này nhằm mục đích giằn mặt những ai dám từ chối lệnh ban hành. Hình ảnh những nạn nhân bị cháy xém được đưa lên truyền hình toàn quốc Pakistan. Có phải đây là biến cố xảy ra ngẫu nhiên hay là bọn cực đoan gửi thông điệp? Dù là cách gì đi nữa, sự kiện bạo lực có thể xảy ra đã được chúng tôi tính toán tỉ mỉ cẩn thận ngay từ trước khi khởi hành chuyến công du.
Nơi tôi đến đầu tiên trong chuyến công du gặp Ngoại trưởng Pakistan, ngài Shah Mahmood Qureshi, từ tòa Đại sứ Hoa Kỳ cách không xa khu vực ngoại giao đoàn ờ Islamabad. Thủ đô Islamabad, một thành phố mới xây dựng với những đại lộ rộng lớn, bao quanh là những quả đồi xanh mướt, xây dựng vào thập niên 1960, các cơ quan chính phủ được chuyển từ thủ phủ cũ, một trung tâm thương mại sầm uất ở Karachi, liền kề với tổng hành dinh quân đội ở Rawalpundi. Ngay cả chính phủ dân sự nắm chính quyền, vai trò ảnh hưởng của quân đội chi phối vẫn rất lớn. Trong chuyến đi, một ký giả trong đoàn báo chí hỏi trong khi phi cơ đang bay, có phải tôi tin lực lượng quân sự và cục tình báo Pakistan đã cắt đứt mối quan hệ với bọn khủng bố phải không? Tôi bảo, không, tôi không tin điều đó.
Nhiều năm qua, hầu hết nhân dân Pakistan coi sự bất ổn ở biên giới phiá bắc là chuyện xa xôi. Khu vực ấy chưa bao giờ yên bình dưới sự kiểm soát của chính phủ, điều mà họ quan tâm lớn nhất là tình trạng thực tế đang xảy ra như thiếu điện năng, nạn thất nghiệp tăng cao. Nhưng giờ đây bạo lực đang gia tăng, lan rộng và thái độ của dân chúng cũng bắt đầu thay đổi.
Sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ là thông báo báo chí, Qureshi rất đau khổ vì cuộc đánh bom, ông nói thẳng với những kẻ cực đoan: “Chúng tôi không lùi bước. Chúng tôi tiếp tục chống lại các người.” Ông nói tiếp: “Các người tưởng giết hại những người dân vô tội, cướp đi cuộc đời của họ sẽ lay chuyển được quyết tâm của chúng tôi? Không? Thưa các vị, các vị đã lầm.” Tôi tham gia cùng ông, lên án vụ đánh bom mạnh mẽ, nói: “Tôi xin khảng định để mọi người rõ, cuộc chiến này không phải chỉ một mình Pakistan chiến đấu đơn độc.” Tôi công bố dự án hỗ trợ mới để giải quyết sự thiếu hụt năng lượng quá lâu làm điêu đứng nền kinh tế Pakistan.
Khuya hôm ấy, tôi tiếp tục thảo luận với nhóm phóng viên truyền hình Pakistan. Trong những giây phút đầu tiên, các câu hỏi của họ mang tính nghi ngờ và thù địch. Giống như hầu hết những người tôi đã gặp trong tuần lễ đó, họ ép tôi phải trả lời những điều kiện gì về gói viện trợ lớn lao kia mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Họ có thể đã suy nghĩ, sự hào phóng trong gói viện trợ dễ dàng kia, đặc biệt trong thời điểm kinh tế chúng tôi cũng đang gặp khó khăn không ít, phải chăng chỉ là bản tuyên bố suông gây tiếng vang mà thôi. Thay vào đó, tôi nhận được sự bất bình, giận dữ nghi ngờ lý do hỗ trợ tiền bạc có đi kèm theo “sự giàng buộc nào” không. Dự luật tăng gấp ba lần gói dự kiến của chúng tôi, nhưng nhiều người Pakistan đặt vấn đề có phải gói viện trợ quân sự gắn liền với sự ép buộc nước này tấn công Taliban. Đó là câu hỏi họ thường đặt ra, nhưng quân đội Pakistan phản ứng tiêu cực, họ tuyên bố không làm điều này để đổi lấy gói viện trợ kinh tế của chúng ta. Điều kiện này hầu hết người dân Pakistan coi như bị xúc phạm đến chủ quyền và niềm tự hào của họ. Tôi thật ngạc nhiên về những lời nói cay độc và sự hiểu nhầm tai hại, bao nhiêu người dường như mổ xẻ kỹ lưỡng từng lời nói xem có vi phạm pháp luật hay không. Ngay chính dân chúng Mỹ có mấy ai đọc hết luật pháp của nước Mỹ một các kỷ lưỡng. Một trong số ký giả nói: “Tôi nghĩ mối quan hệ công chúng và cách trả lời của bà rất thuyết phục, sự giải thích quan điểm của bà là đúng đắn.” Nhưng “tôi tin đằng sau dự án có nhiều điều bí mật.” Tôi cố gắng kiên nhẫn và giữ bình tĩnh. Gói viện trợ thực ra chỉ để giúp đỡ chứ không có mục đích nào khác. Tôi trả lời: “Thật đáng tiếc quý vị đã nghĩ như vậy, đó không phải là mục đích của chúng tôi. Cho tôi được nói thẳng, nói thật và rõ ràng, quý vị sẽ chẳng nhận được số tiền này và quý vị đừng nghĩ sẽ nhận được gói viện trợ.”
Rõ ràng cách tiếp cận của chúng ta hỗ trợ sự phát triển ở Pakistan không thành công. Có thể vì lý do có sự độc hại về chính trị trong mối quan hệ của chúng ta đã tác hại đến sự viện trợ, hoặc có thể sự trợ giúp không phân phối đúng và cách sử dụng không gây được ấn tượng tốt đến nhân dân Pakistan hay do cả hai nguyên nhân trên.
Khi tôi trở thành Ngoại trưởng, Hoa Kỳ đã tài trợ hơn một trăm dự án cho Pakistan, nhưng hầu hết là những dự án nhỏ và có mục đích. Một số do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trực tiếp tiến hành, nhưng đa phần do các nhà thầu thực hiện kiếm lời, kể cả các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ (NGO), các tổ chức từ thiện và các viện nghiên cứu. Các nhà thầu được thanh toán hay không thanh toán trong các chương trình kéo dài có thể thẩm định các kết quả, hay vì đẩy mạnh lợi ích và giá trị của nước ta. Có quá nhiều các dự án tài trợ của Hoa Kỳ mà tòa đại sứ của chúng ta không thể xác định được con số chính xác. Nhưng không có một người Pakistan nào nói cho tôi biết họ không thấy áp lực của Mỹ gây ra chuyện đụng độ.
Trước và sau chuyến công du, tôi đều bàn bạc chiến lược với Richard Holbrooke về các giải quyết những vấn đề quan trọng. Chúng tôi nhất trí mọi nỗ lực phải được sắp xếp hợp lý. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cần phải hoàn thiện các chương trình, các dự án phải có chữ ký ủng hộ của người Pakistan, các tác động có thể đo lường cho cả cả hai nước. Từ khi chúng ta đã bỏ số tiền gấp hơn 10 lần vào Paksiatn so với bất cứ quốc gia nào khác cộng lại, điều đó tưởng như mục tiêu dễ dàng đạt được.
Chẳng có tiến trình nào phát triển theo đúng tiến độ tôi mong đợi, nhưng tháng 4-2012, USAID công bố, họ đã phát triển kế hoạch tập trung hơn, mang tính chiến lược ở Pakistan, bằng cách giảm số lượng từ 140 năm 2009 còn 35 chương trình tháng 9-2012, tập trung chủ yếu vào năng lượng, phát triển kinh tế, an ninh quốc gia, y tế và giáo dục. Đây ít nhất cũng là bước đi đúng hướng.
Xuyên suốt chuyến công du tháng 10-2009 của tôi, Pakistan chủ yếu tập trung chi phí nhân lực, tài chính trong cuộc chiến chống khủng bố mà nhiều người cho rằng cuộc chiến tranh của Mỹ mà bắt họ phải cáng đáng là thiếu công bằng. Đó có phải cái giá đáng phải trả mạng sống của hơn 30 ngàn nạn nhân dân sự và quân sự của họ? Họ có thể đơn phương giải quyết vấn đề hoà bình với những phần tử cực đoan và sống trong hoà bình? Một người phụ nữ ở Lahore nói với tôi: “Nước Mỹ có một ngày 11-9 thảm họa thì Pakistan ngày nào cũng có thảm hoạ giống như ngày 11-9 của bà.” Tôi hiểu cảm xúc của họ, vì vậy bất cứ nơi nào viếng thăm, tôi đều chia sẻ, vinh danh những người Pakistan đã hy sinh. Đồng thời tôi cố gắng giải thích lý do tại sao cuộc chiến tranh này quan trọng đối với tương lai của Pakistan cũng như của chúng ta, đặc biệt khi các phần tử cực đoan đã và đang mở rộng tầm kiểm soát vượt ra ngoài khu vực biên giới. Tôi nói với các sinh viên: “Tôi không biết có quốc gia nào lại đứng im nhìn các lực lượng khủng bố đe dọa người dân và chiếm cứ những phần lãnh thổ của họ.” Tôi hỏi đám sinh viên, hãy tưởng tượng Hoa Kỳ sẽ phải hành động như thế nào, nếu bọn khủng bố vượt qua biên giới Canada nắm quyền kiểm soát Montana. Chúng tôi có thể chấp nhận điều này không, hay chỉ vì Montana là một vùng hẻo lánh, dân cư thưa thớt? Tất nhiên là không rồi. Chúng ta chẳng bao giờ cho phép môt kịch bản như thế xảy ra ở Hoa Kỳ cũng như ở Pakistan.
Tôi cũng nghe rất nhiều câu hỏi về máy bay không người lái. Việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa đã nhanh chóng trở thành một trong những yếu tố có hiệu quả nhất và gây tranh cãi trong chiến lược của chính quyền Obama chống al Qaeda cũng như các phần tử khủng bố khác trong khu vực khó tiếp cận. Tổng thống Obama đã đưa ra danh mục cụ thể về chương trình, giải thích chính sách của ông với thế giới, nhưng từ năm 2009, tôi thường phát biểu xin “miễn bình luận”, khi vấn đề này được nhắc đến. Nhưng dù sao mọi người đều biết, rất nhiều phần tử khủng bố quan trọng đã bị loại khỏi cuộc chiến. Đồng thời chúng tôi cũng hiểu bản thân bin Laden rất lo lắng về những tổn thất nặng nề do máy bay không người lái gây ra.
Về chính quyền, chúng tôi đã thảo luận kỹ về mặt pháp lý, đạo đức và chiến lược ngừng hay không ngừng sử dụng máy bay không người lái không kích, cuộc bàn thảo rất kỹ để đưa phương án cụ thể, giám sát và đầy trách nhiệm trong chiến lược tìm và diệt. Về cơ sở pháp lý, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất có quyền quyết định những vấn đề chiến dịch chống khủng bố, quyền quyết định sử dụng vũ lực quân dự chống bọn al Qaeda sau sự kiện 11-9, chúng ta có cơ sở phát lý quốc tế theo luật định chiến tranh và tự vệ. Chính quyền bắt đầu trình bày tóm tắt các cuộc không kích xảy ra bên ngoài Irag và Afghanistan cho các tiểu ban Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, các phần đặc biệt vẫn được giữ như: thẩm vấn, truy tố phần tử khủng bố tùy theo mức độ các khung đã có sẵn. Nhưng nếu không thể bắt sống những tên khủng bố đe dọa trực tiếp đến nhân dân Mỹ, vậy có thể dùng máy bay không người lái thay thế truy tìm và tiêu diệt được không?
Tôi đồng ý với Tổng thống khi ông nói: “Kỹ nghệ tiên tiến được đặt ra những câu hỏi: Về mục tiêu nhằm vào kẻ nào và tại sao; Về những tổn thất xảy ra với thường dân, những nguy cơ tạo thêm những kẻ thù mới; Về tính hợp pháp của cuộc không khích của Hoa Kỳ với luật pháp quốc tế; Về vấn đề trách nhiệm và đạo đức.” Tôi dành nhiều thời gian nói về sự khó khăn đầy phức tạp vấn đề này với Harold Koh, cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Luật Yale, một chuyên viên nổi tiếng về luật pháp quốc tế. Harold cho rằng, với bất kỳ thứ vũ khí mới nào, chúng tôi cần phải đưa ra những quy chế rõ ràng, minh bạch, các tiêu chuẩn quản lý, sử dụng phù hợp với luật pháp trong nước, luật quốc tế và các lợi ích của an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Mỹ là quốc gia có luật pháp rất minh bạch, đó chính là thế mạnh của chúng ta, Tòa án tối cao đã công khai rõ ràng, cuộc chiến chống khủng bố không thể đẻ ra một “lỗ đen pháp lý.”
Mỗi quyết định thực hiện cuộc không kích đều được xem xét, rà soát về mặt pháp lý và chính sách rất nghiêm ngặt. Khi tôi ủng hộ những cuộc tấn công đặc biệt vì tin điều đó rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đảm bảo tiêu chí của Tổng thống đề ra. Cũng đôi khi tôi không tán thành. Có lần tôi và người bạn thân, Leon Panetta, Giám đốc Cơ quan Tình báo (CIA) đã có cuộc đấu khẩu to tiếng về một cuộc không kích. Nhưng trong mọi trường hợp, tôi đều cho rằng nó rất quan trọng, các cuộc không kích chính là nằm trong một phần chiến lược to lớn tìm-diệt chống khủng bố, trong đó bao gồm cả công tác ngoại giao, thực thi pháp luật, trừng phạt và các phương pháp khác.
Chính quyền tìm mọi cách cố gắng không để thường dân bị chết hoặc thương tích khi không kích. Bất chấp tất cả những nỗ lực đó, các báo cáo về thường dân bị thương vong và chết do máy bay không người lái không kích vẫn xảy ra, nhưng không phải thường xuyên, không đúng sự thật như thông tin, điều này như đổ thêm dầu vào lửa, vào tinh thần chống Mỹ của Pakistan. Vì kế hoạch vẫn giữ nguyên theo cách tính toán phân loại, tôi không thể xác nhận hay phủ nhận các báo cáo này. Thực tình khó bày tỏ sự đồng cảm của Mỹ về những tổn thất mất mát bất kỳ mạng sống nào của người dân vô tội, cũng không thể giải thích những hành động của chúng ta mang lại thiệt hại tối thiểu nhất đến người dân, đặc biệt so sánh các cuộc tấn công quân sự bằng những vũ khí thường dùng như tên lửa, ném bom khu vực bọn khủng bố.
Một câu hỏi thường thấy ở Pakistan, sẽ là thế nào sau khi một thời gian quá dài ủng hộ Musharraf, Mỹ có hy vọng thúc đẩy Pakistan thực hiện nghiêm túc sự phát triển nền dân chủ. Một phóng viên truyền hình đánh giá thái độ của chúng tôi là: “trải thảm đỏ cho nhà độc tài.” Ông ta và tôi cùng trở lại một quãng thời gian từ thời Tổng thống Bush, Musharraf, xem ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Cuối cùng, tôi nói: “Hãy nhìn xem, chúng ta không thể tranh luận về quá khứ - đó có thể là điều không thú vị gì khi xem xét lại, nhưng không thể thay đổi được- hoặc chúng ta có thể định hình theo một tương lai khác. Giờ đây tôi ủng hộ cách định hình mới trong tương lai.” Tôi không chắc thuyết phục được ông ta hay không, nhưng cuối cùng sau buổi tọa đàm ít ra mọi người cũng bớt căng thẳng, có thể chỉ một chút xíu.
Sau khi gặp gỡ trao đổi với các phóng viên, đến giờ gặp và dự dạ tiệc với Tổng thống Zardari. Trước khi vào phòng dự tiệc chiêu đãi của chính phủ tại Phủ Tổng thống, Tổng thống đưa tôi xem lại những bức ảnh chụp cách đây 14 năm, tôi, Chelsea chụp với Bhutto và đàn con của ông bà, đây là những giây phút yên tĩnh nhất.
Hôm sau tôi bay đến Lahore, một thành phố cổ kính theo kiến trúc Mogul thật tuyệt vời. Hàng ngàn cảnh sát đứng thành hai hàng bên đường khi xe chúng tôi lao nhanh vào trung tâm thành phố. Tôi nhìn thấy nhiều băng rôn căng bên đường phố chào đón đoàn chúng tôi, khi đi qua đám đông nam thanh niên cầm khẩu hiệu với hàng chữ: “Hillary cút đi! Cút đi!” và “Oanh kích bằng máy bay không người lái là khủng bố!”
Trong một cuộc gặp gỡ với các sinh viên đại học, nhiều câu hỏi đặt ra cho tôi: Tại sao Mỹ luôn luôn ủng hộ Ấn Độ thay vì Pakistan? Mỹ có thể làm gì để giúp đỡ sự thiếu hụt năng lượng và nền giáo dục nghèo nàn ở Pakistan? Tại sao, lại tại sao lần nữa, các gói hỗ trợ lại phải kèm theo với rất nhiều ràng buộc? Tại sao các sinh viên Pakistan trao đổi sang Mỹ lại bị rà soát như những kẻ khủng bố. Làm sao chúng tôi có thể tin tưởng Mỹ khi quý vị đã nhiều lần làm chúng tôi thất vọng? Tôi cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi với sự tôn trọng. Tôi vạch ra: “Thật khó có thể cùng nhau tiến về phiá trước khi chúng ta chỉ nhìn sau chiếc gương soi.” Bầu không khí trong phòng họp căng thẳng, chán nản, khó chịu, hầu như không có dấu hiệu gì tốt lành như những lần tôi gặp gỡ sinh viên các trường đại học trên thế giới.
Một thiếu nữ đứng dậy. Cô ta là sinh viên y khoa, thành viên của Những Hạt giống Hoà bình, một tổ chức mà từ lâu tôi đã hỗ trợ tìm mọi cách thúc đẩy tầng lớp thanh niên sát cánh bên nhau, bỏ qua mặc cảm khác biệt về văn hoá và sự xung đột. Cô bé cảm ơn tôi vì đã đóng góp giúp đỡ động viên các nữ thanh niên trên toàn thế giới. Sau đó cô hỏi một câu thật sắc bén, nhạy cảm về việc sử dụng máy bay không người lái oanh kích. Cô đưa ra những bằng chứng thiệt hại mà người dân Pakistan phải hứng chịu và đặt ra câu hỏi tại sao. Nếu cuộc không kích thật quan trọng như vậy, Hoa Kỳ sao không chia sẻ công nghệ tiên tiến cần thiết và cả vấn đề tình báo để Pakistan có thể tư giải quyết. Tôi khá ngạc nhiên về sự thay đổi thái độ. Tôi nhìn thẳng vào cô gái, tự nhiên tôi nhớ lại cái thời tôi còn là sinh viên cũng thường đặt ra những câu hỏi vội vàng với quan chức chính phủ. Tầng lớp tuổi trẻ thường nói hết những suy nghĩ mà không hề sợ hãi, nhưng lại quá thận trọng không dám to tiếng khi phát biểu. Nếu như tôi sinh ra ở Pakistan, ai mà đoán được, biết đâu tôi cũng như cô gái kia đứng lên đặt những câu hỏi chất vấn.
“Vâng, cho phép tôi không nói những điều đặc biệt này.” Tôi trả lời, nghĩ đến đến những điều giới hạn có thể trả lời một cách hợp pháp ở thời điểm đó về vấn đề máy bay không người lái. “Nói một cách tổng quát, chiến tranh đang xảy ra. May mắn thay, một sự hỗ trợ đầy nỗ lực quân sự rất chuyên nghiệp, đạt được một số kết quả cũng là do có quân đội Pakistan đóng góp. Tôi hy vọng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cùng với sự dũng cảm của binh sĩ Pakistan sẽ mang lại những hiệu quả để kết thúc cuộc chiến này. Giờ đây, thực là thiếu may mắn, thường xuyên những kẻ khủng bố đang ra sức hoạt động, nhưng nếu toàn thể xã hội đột nhiên quay lưng chống lại chúng thì chúng có thể bị loại bỏ và sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi nghĩ cuộc chiến mà chính phủ và quân đội các bạn đang tiến hành rất quan trọng đối với tương lai Pakistan, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ chính phủ và quân đội nước bạn để thành công trong cuộc chiến đó.”
Tôi nghĩ cô ta hài lòng. Vâng, điều đó đúng thật, nhưng tôi cũng chưa nói hết được những gì tôi suy nghĩ: Phải, người dân Pakistan bất kể thường dân hay binh sĩ, đã phải chịu một cái giá khủng khiếp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan này. Những sự hy sinh cao cả đó không bao giờ được lãng quên. Thật may mắn, quân đội Pakistan đã chiếm được vùng lãnh thổ tranh chấp ở khu vực Swar Valley. Tuy thế, rất nhiều quan chức quân đội và tình báo Pakistan bị ám ảnh về sự ảnh hưởng của Ấn Độ nên đã nhắm mắt làm ngơ để phiến quân Taliban và các nhóm khủng bố khác, không những thế còn giúp đỡ và tiếp tay cho chúng. Al Qaeda hoạt động từ vùng đất của Pakistan mà không bị trừng phạt. Vì vậy, người dân Pakistan có một số lựa chọn khó khăn để thực hiện về quốc gia nào sẽ là bạn và sẵn sàng đảm bảo an ninh.
Tôi trả lời tất cả các câu hỏi có thể được. Ngay cả những câu trả lời mà họ không thích, tôi chỉ muốn nói với họ hiểu, Hoa Kỳ đã và đang lắng nghe ý kiến và đáp ứng mối quan tâm của họ.
Tiếp theo tôi lại tiếp các phóng viên báo địa phương, lần này nữa tôi lại vào vai “bao tập đấm” của võ sĩ. Tôi lại được nghe những câu hỏi tương tự về sự thiếu tôn trọng chủ quyền Pakistan của chính phủ Mỹ, tôi trả lời một cách trung thực, tôn trọng. Như các báo chí từng mô tả, tôi “không giống một nhà ngoại giao mà giống như bà mối, một thuyết khách”. Tôi nhắc nhở những người đặt câu hỏi, rằng sự thật và tôn trọng là đường hai chiều của cuộc sống. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các tài liệu, hồ sơ của Hoa Kỳ trong khu vực để có cái nhìn trung thực, tìm ra trách nhiệm về những hậu quả do các hành động của chúng ta. Thí dụ, Hoa Kỳ đã quá vội vã rời bỏ Afghanistan sau khi Liên Xô rút lui năm 1989. Vấn đề này, Pakistan cũng phải chịu trách nhiệm và cũng phải đặt vấn đề yêu cầu những nhà lãnh đạo Pakistan xem xét lại cũng như đã yêu cầu chúng tôi. Tôi trả lời: “Tôi không tin chúng ta cứ luẩn quẩn trong vấn đề khó khăn hiện nay, bởi vì tôi không tin lợi ích chỉ dành cho một bên nào đó.”
Sau khi trả lời câu hỏi tại sao chúng ta buộc Pakistan tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ trong khi giúp đỡ thiếu đầy đủ, tôi nhìn quanh các nhà báo, một số ngay lập tức phản ứng, đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra khó khăn cho họ. Tôi nói: “Để tôi nói với quý vị, al Qaeda ẩn náu an toàn trên đất Pakistan từ năm 2002, khó mà tin chính phủ của qúy vị không biết chuyện này, nếu họ thực sự muốn tìm kiếm, chắc chắn chúng sẽ không thoát. Thế giới rất quan tâm đến việc bắt chúng, những kẻ đầu sỏ chủ mưu giết hại nhân dân, nhưng theo tôi được biết, bọn chúng vẫn nhởn nhơ trên đất Pakistan.”
Một bầu không khí im lặng bao trùm trong phòng. Tôi vừa nói những điều mà các quan chức Hoa Kỳ tin là đúng sự thật nhưng chưa dám nói thẳng ra. Bin Laden và các phụ tá nòng cốt của y, có khả năng đều ẩn náu ở Pakistan. Có ai đó biết chắc chúng ở đâu. Tối hôm ấy tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên đài truyền hình Pakistan, lập tức quan chức chính phủ ở Islamabad vội vàng lên tiếng phủ nhận, họ không biết gì cả. Tại Washington, Robert Gibbs, người phát ngôn Nhà Trắng bị chất vấn: “Liệu Nhà Trắng có cho rằng những tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton thẳng tuột, rằng chính phủ Pakistan không sẵn lòng giúp đỡ tìm kiếm bọn khủng bố ở vùng biên giới của họ có phù hợp hay không?” Gibbs trả lời: “Điều đó hoàn toàn phù hợp.”
Hôm sau, lại một lần nữa các phóng viên Pakistan lại vây xung quanh tôi chất vấn, tôi vẫn thẳng thắn trả lời: “Có ai đó, ở đâu đó tại Pakistan, họ chắc chắn biết bọn khủng bố đang ở đâu đấy.”
Vài tháng sau khi tôi trở về từ Pakistan, Leon Panetta mời tôi đến thăm tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia. Tôi quen biết Leon và phu nhân, Sylvia, hàng chục năm qua. Là Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách dưới chính quyền Bill Clinton, Leon đóng vai trò trụ cột trong việc đề ra phương pháp quản lý và thông qua kế hoạch kinh tế thành công của Bill Clinton. Sau đó ông giữ chức Tổng tham mưu trưởng giúp lèo lái Nhà Trắng của Clinton vượt qua gia đoạn khó khăn trong thời kỳ Đảng Cộng hoà tiếp quản Quốc hội vào năm 1994 và tái đắc cử của Bill Clinton nằm 1996. Là người Mỹ gốc Ý đầy tự trọng, Leon sắc sảo, trực tính, một nhà điều hành tuyệt vời, phán đoán tài năng của Washington. Tôi rất vui khi Tổng thống Obama yêu cầu ông trở lại nghị trường tham gia nội chính giữ chức Giám đốc CIA, sau đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Giờ đây Leon đang vạch ra chiến lược về cuộc chiến chống al Qaeda. Quân sự, ngoại giao và hệ thống tình báo của chính phủ phối hợp chống mạng lưới khủng bố đã cho thấy có những kết quả, nhưng cả ông lẫn tôi đều cho rằng, cần phải tập trung giải quyết tốt hơn trong việc chống kế hoạch tuyên truyền của bọn cực đoan, cắt nguồn cung cấp tài chính cho bọn al Qaeda, sự tuyển dụng và nơi chúng ẩn náu an toàn.
Xe đưa tôi đến Langley vào đầu tháng 2-2010. Các tầng hành lang của các trụ sở, tái tạo theo những phim trinh thám gián điệp hấp dẫn, có đài tưởng niệm hoành tráng. Gần một trăm ngôi sao nhỏ được khắc vào đá cẩm thạch ghi danh tưởng niệm những nhân viên sĩ quan CIA đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có nhiều người danh tính chưa được xác định. Tôi nghĩ về lần đầu tiên đến Langley, thay mặt cho Bill chồng tôi, dự lễ truy điệu đầu năm 1993 hai nhân viên CIA bị bắn và thiệt mạng tại đèn giao thông ngay cuối phố. Kẻ giết người là người nhập cư Pakistan, Mir Aimal Kansi, đào tẩu khỏi Mỹ, nhưng bị bắt tại Pakistan, dẫn độ sang Mỹ và kết án tử hình. Lúc ấy tôi vừa mới ở cương vị Đệ nhất phu nhân được vài tuần, buổi lễ tại Langley đã để lại ấn tượng sâu lắng về sự cống hiến của những sĩ quan, nhân viên phục vụ trong CIA.
Giờ đây, sau 17 năm, CIA lại gặp chuyện đau lòng lần nữa. Ngày 30-12-2009, bẩy sĩ quan CIA đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát tại căn cứ miền đông Afghanistan. Nhân viên an ninh và tình báo tại khu tổ hợp đã bị kẻ bí mật báo tin cho al Qaeda, một người đàn ông đã đánh bom tự sát. Cuộc tấn công thật khủng khiếp, cơ quan đặc vụ thắt chặt an ninh và bảo vệ Leon khi ông tới dự lễ truy điệu, phủ cờ lên liệt sĩ tại căn cứ Không quân Dover ở Delaware.
Leon đăng bài “dư luận” (op-ed –Opinion Editorial) trên tờ Washington Post, bảo vệ nhân viên của ông chống lại những chỉ trích thiếu cơ sở về “sự kém cỏi trong dịch vụ tình báo”, giải thích: “Các cán bộ nhân viên của chúng tôi đã tham gia những nhiệm vụ quan trọng, một trong những công việc nguy hiểm hàng đầu trên thế giới. Họ được giao nhiệm vụ sau khi được đào tạo đầy đủ, bài bản các kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro. Đó là những thành công mà những gì chúng tôi đã làm. Nhưng trong chiến tranh, đôi khi chúng ta phải trả cái giá rất đắt.” Leon đã đúng khi ông nói cả về hai vấn đề này, tầm quan trọng trong nhiệm vụ bảo tổ quốc ở những nơi nguy hiểm và thực tế rủ ro gặp phải. Hầu hết người dân Mỹ đều hiểu quân đội chúng ta thường xuyên gặp những nguy hiểm, cũng như những sĩ quan nhân viên tình báo, ngoại giao, các chuyên gia phát triển như tôi đã từng nói đến những thảm kịch những năm tôi giữ chức Ngoại trưởng.
Khi tôi đến Langley dự họp, Leon đưa tôi lên văn phòng của ông ở tầng bẩy, ở đây có thể nhìn thấy cánh rừng trải dài và cả khu ngoại ô rộng lớn Virginia và Potomac.
Lát sau chúng tôi cùng các nhà phân tích báo cáo tóm tắt chiến lược của Cơ quan Trung ương Chống và Diệt khủng bố về cuộc chiến chống al Qaeda. Chúng tôi còn thảo luận làm thế nào để Bộ Ngoại giao có thể kết hợp chặt chẽ hơn với các cộng đồng tình báo chống lại bạo lực của bọn cực đoan ở Afghanistan và Pakistan. Theo các nhóm CIA rất phấn khởi vì sự giúp đỡ của chúng tôi về các thông tin chiến tranh trong trực tuyến cũng như trên các đài phát sóng. Tôi tán thành. Nhưng trong tai tôi vẫn còn văng vẳng những lời khiếu nại nổi giận của người dân Pakistan. Những lời ấy làm tôi bực mình, giống như Richard Holbrooke đã từng nói, chúng ta đã thua trong cuộc chiến thông tin để cho bọn cực đoan vẫn nhởn nhơ trong các hang động. Vấn đề quan trọng nhất, chúng ta phải tìm mọi cách ngăn chặn làn sóng cực đoan lan rộng, cũng như ngăn cản bọn khủng bố mọc lên thay thế những kẻ chúng tôi loại bỏ trên chiến trường. Đồng thời, chúng ta cũng cần kêu gọi các nước tham gia cuộc chiến chống al Qaeda, nhất là các quốc gia đa số là người Hồi giáo, họ có thể dễ dàng truy cập các trang mạng tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan và tuyển mộ phiến quân. Leon và tôi trực tiếp chỉ đạo các nhóm, tổ đội làm việc cùng nhau vạch ra những kế hoạch cụ thể để trình lên Tổng thống. Trong vài tháng tới, nhờ sự chỉ đạo của cố vấn chống, tìm và diệt khủng bố của tôi, ông Danny Benjamin, chúng tôi đã phát triển được chiến lược bốn phương hướng.
Việc thứ nhất, phải làm tốt hơn nữa chiến tranh mạng, bao gồm cả các báo chí mạng, những cuộc trao đổi trực tiếp trên mạng khu vực mà al Qaeda và các chi nhánh của nó mở rộng tuyên truyền, thu hút và tuyển mộ các thành viên mới, chúng tôi phải thiết lập Trung tâm Chiến lược Chống khủng bố Truyền thông (CSCC – Centre Strategic Counterterrorism Communications) đặt tại Bộ Ngoại giao, nhưng các chuyên viên sẽ được tuyển từ các cơ quan của chính phủ. Trung tâm mạng ở Washington sẽ được nối liền với các nhóm quân sự, dân sự trên toàn thế giới, phục vụ như là một lực lượng được gia tăng cấp số nhân cho hệ thống truyền thông của các toà đại sứ để chặn trước sự tuyên truyền láu lỉnh, bôi nhọ của bọn cực đoan. Chúng ta phải mở rộng “các nhóm tiếp cận hệ thống kỹ thuật số” thành một tiểu đoàn các chuyên viên truyền thông thông thạo tiếng Urdu, Arabic, Somali và những ngôn ngữ khác, những dân tộc có thể tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan trên hệ thống mạng và trả lời những thông tin sai lạc chống Mỹ.
Việc thứ hai, Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm dẫn đầu cuộc tấn công bằng hợp tác ngoại giao để đạt hiệu quả tốt hơn với các đối tác và đồng minh trên toàn thế giới, chia sẻ sự quan tâm của chúng ta trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Đáng chú ý, gần một thập niên sau vụ khủng bố 11-9 vẫn chưa thành lập một tòa án quốc tế, hoạch định chính sách chống khủng bố với những kẻ chủ mưu. Vì vậy chúng tôi muốn tổ chức Diễn đàn Toàn cầu Chống khủng bố có thể tập hợp được hàng chục các quốc gia tham gia, trong đó có nhiều nước trong thế giới Hồi giáo, chia sẻ kinh nghiệm và cách giải quyết những thách thức chung, chẳng hạn như làm thế nào để tăng cường vùng biên giới khó quản lý, phản ứng như thế nào về những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc.
Vấn đề thứ ba, chúng ta cần phải đẩy mạnh đào tạo thực thi các lực lượng chống khủng bố theo luật nước ngoài. Hàng năm Bộ Ngoại giao đã từng gặp gỡ, làm việc với gần bẩy ngàn quan chức của hơn sáu mươi quốc gia, chúng ta có đủ kinh nghiệm xây dựng lực lượng chống khủng bố ở Yemen, Pakistan và nhiều quốc gia trên chiến tuyến. Giờ đây chúng tôi muốn đẩy mạnh và tăng cường công việc này hơn nữa.
Vấn đề thứ tư, chúng tôi muốn sử dụng chương trình phát triển quan hệ đối tác có mục tiêu với xã hội dân sự địa phương, cố gắng xóa bỏ lợi thế của chủ nghĩa khủng bố nhất là những điểm nóng mà bọn khủng bố đang chiêu mộ người tham gia. Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện những tân binh tham gia khủng bố thường đi theo từng nhóm, chịu ảnh hưởng của gia đình và hoàn cảnh xã hội. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề nghèo đói hay đem lại nền dân chủ cho tất cả các nước trên thế giới, nhưng có thể tập trung giải quyết cụ thể từng khu vực nhỏ như làng xã, nhà tù, trường học, đồng thời có thể phá bỏ vòng xoáy quá khích, ngăn chặn việc chiêu mộ lính mới.
Theo tôi, bốn sáng kiến đưa ra, cùng với hỗ trợ tích cực của Bộ Ngân Khố để phá vỡ các tài trợ cho mạng khủng bố, cộng thêm việc kết hợp quyền lực thông minh một cách chặt chẽ chống khủng bố, điều ấy sẽ bổ xung những gì mà cộng đồng tình báo cũng như quân đội đang làm. Tôi yêu cầu Danny Benjamin hãy báo cáo tóm tắt cho quan chức bên Nhà Trắng về kế hoạch của chúng tôi, xin chờ thêm một thời gian nữa chúng tôi sẽ trình bày chiến lược tới Tổng Thống và Hội đồng An ninh Quốc gia.
Một số phụ tá an ninh quốc gia của Nhà Trắng ủng hộ kế hoạch của chúng tôi, nhưng một số tỏ ra e ngại. Họ muốn mọi vấn đề phải rõ ràng, chắc chắn chứ không phải bên Ngoại giao chiếm lĩnh vai trò của Nhà Trắng với tư cách điều phối viên hoạt động trên các cơ quan khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin liên lạc. Danny hết sức kiên nhẫn giải thích, điều này chỉ coi là một sáng kiến nhằm mục tiêu cao hơn việc chống sự truyên truyền của bọn cực đoan. Để làm rõ ràng hơn, như đã từng nhiều lần giải quyết, tôi quyết định trình bày trực tiếp với Tổng thống.
Đầu tháng Bẩy, tại cuộc họp thường lệ theo lịch trình với Tổng thống Obama và đầy đủ quan chức trong ban an ninh quốc gia và chống khủng bố, tôi trình bày tóm tắt chiến lược. Danny thuyết trình chi tiết về PowerPoint mô tả 4 sáng kiến, những nguồn thu nhận thông tin và những vấn đề chính quyền cần xử lý và thực hiện. Panetta lập tức ủng hộ ý kiến, nói với Tổng thống vấn đề này rất chính xác những gì cần phải làm. Bộ trường Gates cũng tán thành. Tổng Chưởng lý Eric Holder và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Janet Napolitano cũng ủng hộ. Sau đó chúng tôi chuyển tới Tổng thống. Tôi nhận thấy Tổng thống chưa thật hài lòng, hơi khó chịu. “Tôi không biết phải làm những gì ở đây để mọi người lắng nghe ý kiến tôi.” Ông nói với giọng bực tức, đúng là chuyện không hay ngay từ khởi đầu rồi. “Vấn đề này tôi đặt ra đã hơn một năm!” Như vậy ông đã bật đèn xanh. “Đây là tất cả những gì mà chúng ta cần phải có.” Sau đó tôi nói với Danny: “Chúng ta bắt tay làm ngay đi.”
“Chúng ta đang dẫn đầu trong cuộc chiến”
Đó là vào đầu tháng 3-2011, Leon và tôi dùng bữa trưa trong phòng ăn kín đáo ở tầng 8 của Bộ Ngoại giao.
Không lâu trước đó, sau khi buổi họp ở Phòng Tình Huống xong, ông kéo tôi ra một chỗ, bảo, có một số vấn đề quan trọng cần trao đổi, nhưng không được đưa phụ tá đi theo và cũng không được ghi chép. Lần trước, tôi được ông mời đến văn phòng của ông ở Langley, lần này ông nhất định đến Bộ Ngoại giao để đáp lễ. Vì thế chúng tôi mới có bữa trưa ở phòng riêng. Tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của ông.
Leon hơi cúi đầu, nói nhỏ, trong nhiều năm qua CIA đã tìm ra nơi ẩn náu của Osama bin Laden. Các đặc vụ đã âm thầm theo dõi một thời gian dài. Sau đó Leon bắt đầu tiết lộ với các quan chức cao cấp ở Nhà Trắng. Tháng 12, ông đến Lầu Năm Góc gặp Bob Gates. Tháng Hai, ông đưa Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Bill McRaven, Tổng chỉ huy Lực lượng Chiến dịch Đặc biệt, đơn vị có thể huy động dẫn đầu cuộc đột kích nếu thông tin tình báo chính xác. Bây giờ ông trao đổi với tôi, vì ông muốn tôi tham gia một nhóm nhỏ tại Nhà Trắng để thảo luận kế hoạch thực hiện.
Tôi được biết Tổng thống Obama ngay sau khi nhậm chức đã yêu cầu CIA phải tập trung mọi nỗ lực vào al Qaeda và tìm tung tích bin Laden. Các đặc vụ và các nhà phân tích từng đến Langley 3 lần thảo luận vấn đề này, giờ đây những cố gắng ấy dường như đã đem lại kết quả. Đã gần một thập niên kể từ khi tôi đứng trên đống tro tàn đổ nát tại Ground Zero, người dân Mỹ vẫn đang đòi hỏi công lý. Tôi hiểu, công tác tình báo là công việc thật khó khăn không dễ gì thành công, trước đây cũng đã nhiều lần bị thất bại không giải quyết được.
Tôi không dám nói với bất cứ ai trong Bộ Ngoại giao hay bất cứ nơi đâu về vấn đề này, những gì đã xảy ra có thể gây hoang mang, lúng túng khó xử cho các cán bộ nhân viên của tôi. Đã hơn hai mươi năm, tôi làm bất cứ điều gì mà không có ít nhất hàng chục người để ý, nhưng chỉ cần lạc hướng một chút là tôi dừng ngay.
Trong tháng Ba và tháng Tư nhóm của chúng tôi gặp nhau ở Nhà Trắng nhiều lần, Leon và nhóm của ông trình bày trường hợp này, đưa đến mọi người tình nghi “mục tiêu quan trọng”, có thể chính là bin Laden, đang sống trong khu nhà liên hợp ở thành phố Abbottabad của Pakistan, cách không xa trung tâm huấn luyện quân sự, gần giống như West Point. Một số cán bộ phân tích tình báo rất tự tin, người đàn ông đó chính là bin Laden. Một số chưa hoàn toàn tin tưởng, nhất là những người đã từng nếm mùi thất bại khi kết luận Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Chúng tôi đã sàng lọc kỹ các báo cáo tin tức, lắng nghe những ý kiến của các chuyên viên, cân nhắc tính xác xuất, tính khả thi của cả hai bên.
Chúng tôi cũng thảo luận những lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất, chia sẻ thông tin tình báo với Pakistan, yêu cầu cùng tham gia cuộc đột kích, nhưng bản thân tôi và nhiều người khác không thể đặt niềm tin vào Pakistan. Ngay lập tức Tổng thống loại bỏ lựa chọn này. Một lựa chọn khác, oanh kích khu nhà liên hợp bằng các phi vụ. Điều này ít rủi ro cho nhân viên Hoa Kỳ, nhưng có khả năng gây thiệt hại lớn về tài sản và sinh mạng thường dân trong khu dân cư đông đúc xung quanh, đồng thời không có cách nào xác định chính xác bin Laden có mặt trong khu đó hay không. Bắn tên lửa từ máy bay không người lái từ xa vào mục tiêu giả định có thể hạn chế thiệt hại nhưng không có cách nào xác định chính xác, cũng như tin tình báo thu được, liệu trong số những tên khủng bố chết có bin Laden hay không. Có thể tệ hơn là bắn sai mục tiêu hoặc bị cú lừa ngoạn mục. Cách duy nhất để biết chắc chắn y ở đó chỉ có bằng cách bắt sống hoặc tiêu diệt tại chỗ, như vậy phải đưa Lực lượng Chiến tranh Đặc biệt vào sâu đất Pakistan tận khu nhà tổng hợp. Đơn vị đặc nhiệm của Đô đốc McRaven rất nhiều kinh nghiệm và tài giỏi, rõ ràng lựa chọn này có thể đưa đến những nguy cơ lớn nhất, đặc biệt người của chúng ta có thể đụng độ với lực lượng an ninh Pakistan, nơi ẩn náu nằm sâu hàng trăm dặm trong đất Pakistan.
Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống không nhất trí trong những lựa chọn khôn ngoan của cuộc đột kích. Leon và Tom Donilon, lúc đó là Cố vấn An ninh Quốc gia, cuối cùng ông đồng ý triển khai các hoạt động. Bob Gates, người đã từng phục trách công tác phân tích dữ liệu CIA hàng thập niên, chưa nhất trí. Ông cho rằng tin tức tình báo mới chỉ là suy đoán, đồng thời e ngại có thể xảy ra những biến cố lớn với Pakistan, gây nguy hại cho những nỗ lực cuộc chiến ở Afghanistan. Bob vẫn còn ám ảnh về Chiến dịch Móng vuốt Đại Bàng, cuộc giải cứu các con tin bất thành ở Iran vào năm 1980, khiến tám nhân viên Hoa Kỳ thiệt mạng khi chiếc trực thăng va chạm với máy bay vận tải. Đó là cơn ác mộng mà không ai muốn thấy lần nữa. Theo ông, rủi ro trong cuộc đột kích là rất cao, ông muốn có những trận không tập, nhưng cuối cùng cũng phải thay đổi ý kiến. Nhưng Phó Tổng thống Biden vẫn còn hoài nghi.
Đây là cuộc thảo luận căng thẳng với nhiều cung bậc cảm xúc. Không giống như hầu hết các vấn đề tôi từng giải quyết với cuơng vị Ngoại trưởng, vì đây là trường hợp cực kỳ bí mật, kể cả các cố vấn hay chuyên viên, tôi cũng không đủ độ tin tưởng để bàn bạc hay gọi điện trao đổi.
Tôi coi đây là vấn đề rất hệ trọng, sau khi Tổng thống biết cuộc tập kích đã hoàn thành, trước khi tuyên bố trên truyền hình, ông đã mời bốn cựu Tổng thống tới thông báo sự việc. Khi Tổng thống gọi điện cho Bill Clinton, chồng tôi, ông nói: “Tôi biết Hillary đã nói với ông…” nhưng Bill chẳng hiểu Obama nói chuyện gì. Bởi vì tất cả đã thống nhất không nói cho bất cứ ai, cho nên tôi cũng chẳng nói với ai, kể cả Bill, chồng tôi. Sau đó Bill nói đùa với tôi: “Không ai có thể ngờ, mình giữ được bí mật tuyệt đối đến như vậy!”
Tôi tôn trọng Bob và Joe lo ngại những rủ ro đầy nguy hiểm của đợt tập kích, nhưng các thông tin tình báo đã thuyết phục, những rủ ro bị giảm đi bởi những lợi ích to lớn nếu thành công. Chúng tôi chỉ cần đảm bảo cuộc đột kích thành công.
Đây là phần việc của Đô đốc McRaven. Ông xuất thân từ hải quân, trưởng thành qua từng thời gian trong quân ngũ, từng lãnh đạo nhóm phá huỷ thuộc Nhóm Triển khai Đặc biệt Hải quân Hoa Kỳ (SEAL). Càng hiểu ông và quan sát kế hoạch ông đề ra, tôi càng đặt niềm tin vào ông. Khi tôi nêu ra những rủ ro nguy hiểm khi đột kích vào khu nhà liên hợp, Đô đốc Mcraven khẳng định với tôi, Lực lượng Triển khai Đặc biệt của ông đã từng tiến hành hàng trăm vụ như thế ở Irag và Afghanistan, đôi khi một đêm đột kích hai ba lần. Lực lượng Triển khai Vuốt Đại bàng có gặp thất bại, nhưng lực lượng Triển khai Đặc biệt cũng đã rút ra được bài học từ thất bại đó. Điều phức tạp nhất làm sao khi trực thăng đến Abbottabad mà hệ thống rada của Pakistan không phát hiện được và phản ứng từ lực lượng an ninh đóng quân gần đó. Chỉ cần Lực lượng Biệt đội Hải chiến của ông đặt chân lên đất Pakistan là mọi chuyện nhanh chóng hoàn thành.
Lực lượng của SEAL và Night Stalkers, -Trung đoàn 160 Không lực Hoạt động Đặc biệt, được đào tạo cho các nhiệm vụ đặc biệt, đã được diễn tập 2 lần theo đúng kịch bản tập kích khu nhà tổng hợp ở hai địa điểm khác nhau ở Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có giống chó Malinois của Bỉ, tên là Cairo, được huấn luyện đặc biệt cùng đi với lực lượng SEAL.
Ngày 28-4-2011, Tổng thống Obama đã triệu tập nhóm chúng tôi họp mặt cuối cùng tại Phòng Tình Huống. Ông đi xung quanh bàn, hỏi từng người về đề nghị cuối cùng. Tổng thống và tôi đều xuất thân từ giới luật sư, tôi đã học được trong thời gian qua cách làm thế nào để ông có thể thu hút tâm trí phân tích của mọi người. Vì vậy, tôi đưa ra phương pháp cho trường hợp này, bao gồm cả khả năng thiệt hại đến mối quan hệ với Pakistan và những rủi ro trong chiến dịch nếu bị vỡ lở. Nhưng theo tôi, việc bắt hay diệt được bin Laden rất giá trị. Tôi đã từng có những kinh nghiệm thực tế, mối quan hệ ngoại giao giữa chúng ta với Pakistan chỉ chung chung, dựa trên lợi ích cơ bản, không dựa vào niềm tin. Điều này có thể thoát khỏi sự đổ vỡ, tôi nghĩ, chúng ta cần phải tiến hành.
Ngoài ra còn có những câu hỏi đặt ra về thời gian và vấn đề hậu cần. Bởi vì, cuộc tập kích được che giấu bằng bóng đêm dầy đặc, Đô đốc McRaven đề nghị tập kích vào đêm không trăng sớm nhất, đó là ngày 30-4-2011 (tức ngày 28-3 âm lịch, không có trăng - ND), chỉ còn 2 ngày nữa. Một số quan chức đưa một số lo ngại bất ngờ. Trong buổi dạ tiệc hàng năm chiêu đãi các phóng viên của Nhà Trắng, đây là sự kiện quan trọng rất nổi tiếng với những người cổ thắt nơ đen, sơ mi trắng tới dự, trong lúc Tổng thống thường kể những câu chuyện hài hước, vui vẻ nói đùa trước đông đủ các phóng viên và những người nổi tiếng, được dự kiến tổ chức tối thứ bẩy. Các quan chức lo ngại, nét mặt Tổng thống sẽ như thế nào trước tất cả mọi người trong bữa tiệc trong khi ông đang rất lo lắng những điều cần phải biết khi chiến dịch đang tiến hành. Nhưng nếu ông hủy hoặc bỏ về sớm buổi dạ tiệc mọi người có thể nghi ngờ, cũng có thể lộ bí mật chiến dịch và gây nhiều nguy hiểm. Đô đốc McRaven đúng là sĩ quan tài năng, đã vui vẻ hứa sẽ tiến hành vào Chủ nhật nếu như Tổng thống ra mệnh lệnh, mặc dù nếu như còn chậm trễ hơn, chuyện gì xảy ra là chuyện khó lường.
Tôi đã từng nghe những cuộc trò chuyện phi lý, nhưng lại quá nhiều lần. Chúng tôi thường nói với nhau, chuyện quan trọng nhất đối với Tổng thống là an ninh quốc gia. Nhiệm vụ này cũng rất phức tạp và nguy hiểm. Nếu tư lệnh của Chiến dịch Triển khai Đặc biệt muốn hành động vào ngày thứ Bẩy, thế chúng tôi phải làm sao đây. Tôi cũng không nhớ rõ đã nói những gì, nhưng có ký giả đã đã trích dẫn câu nói của tôi gồm 4 từ về việc huỷ bỏ “Dạ tiệc của Phóng viên” mà tôi quan tâm. Tôi không tin tôi nói điều này.
Tổng thống tán thành. Ông bảo, nếu công việc tồi tệ, ông đành phải cáo lỗi ra về giữa bữa tiệc, lấy lý do bị đau dạ dày. Cuối cùng, theo dự đoán của của khí tượng sương mù dày đặc sẽ bao phủ Abbottabad đêm thứ Bẩy, vì thế chiến dịch tạm hoãn chuyển sang đêm Chủ nhật. May quá ít ra cũng không phải lý do vì buổi dạ tiệc ở Washington.
Sau khi buổi họp kết thúc, Tổng thống muốn dành thời gian để suy nghĩ thêm. Các nhóm vẫn còn chưa thật sự nhất trí. Mọi vấn đề chỉ còn chờ lệnh quyết định. Khi Tổng thống ra lệnh, chiến dịch bắt đầu tiến hành, mang bí danh Chiến dịch Neptune Spear.
Tối thứ Bẩy tôi dự đám cưới bạn thân của con gái tôi. Cô dâu, một chiến lược gia sáng giá thành thạo tiếng Bắc kinh, chuyên nghiên cứu về quân sự Trung Quốc, tất cả bạn bè của cô đều là những thanh niên thông minh, đầy khuyến rũ. Đó là một đêm xuân mát mẻ, tại quầy lễ tân trên hành lang cao nhất, nhìn ra sông Potomac. Tôi đứng bên hành lang, nhìn dòng sông, miên man suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Khách mời vẫn tiếp tục tới dự, một vài người đến nói chuyện với tôi, chỉ một thoáng cả đám đông đã vây quanh. Một vị khách hỏi: “Thưa Ngoại trưởng Clinton, bà có tin chúng ta sẽ tóm cổ được bin Laden không?” Tôi thật sự ngỡ ngàng về câu hỏi đáng ngờ này, giật mình vì câu hỏi của ông ta đúng vào đêm nay chứ không phải vào những đêm khác. Tôi trả lời: “Vâng, tôi hy vọng chắc chắn là như vậy.”
Lúc 12.30 chiều hôm sau, Chủ nhật 1-5, tôi phải mất 15 phút từ nhà lái xe đến Nhà Trắng cùng các quan chức cao cấp nhóm an ninh quốc gia họp ở Phòng Tình Huống. Nhân viên Nhà Trắng đã chuẩn bị thực phẩm từ một nhà hàng nổi tiếng trong khu vực, tất cả mọi người quần áo chỉnh tề. Hai trong số sĩ quan CIA, người đã tìm kiếm, theo dõi bin Laden hơn thập niên cũng có mặt, thật khó tin họ có thể săn đuổi nhanh hơn được nữa. Chúng tôi được nghe lại những chi tiết của chíến dịch, bao gồm cả những cuộc gọi mà chúng tôi phải làm sau đó.
Lúc 2.30 sáng, theo giờ Washington, hai trực thăng Black Hawk chở Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân rời căn cứ Jalalabad, đông Afghanistan, đến 11.00 p.m, khi bay vào địa phận Pakistan, ba chiếc trực thăng vận tải cỡ lớn Chinook, chở đội quân tăng viện sẵn sàng triển khai nếu cần thiết.
Tiếng cánh quạt trực thăng Black Hawk phá tan bầu không khí im lặng trong đêm khoảng 2 phút trước khi đến khu nhà tổng hợp. Tất cả hoạt động của họ thấy rõ, lúc nhanh lúc chậm hiện trên màn hình ở phòng nhỏ từ trong Phòng Tình Huống rộng lớn. Sau đó, trong khi còn lơ lửng trên không, đội SEAL nhanh chóng theo những cột dây tụt xuống mặt đất, theo đúng kế hoạch tác chiến, một trong chiếc Black Hawk bắt đầu đột nhiên không cất cánh được. Người phi công “bắt buộc phải hạ cánh” đuôi trực thăng quệt vào bức tường khu nhà tổng hợp. (Sau này, bên quân sự đã xác định được sự cố xảy ra: mô hình thực hành được dàn dựng đúng như thực tế, nhưng hệ thống tường bao xung quanh lại thay thế bằng hàng rào mắt cáo, chính sự thay đổi ấy khi luồng không khí của cánh quạt đã không đủ chỗ để thoả mãn hoạt động của Black Hawk). Trong khi sự kiện này chưa gây nổi báo động, chiếc Black Hawk thứ hai đang trợ giúp thả SEAL trên nóc nhà khu tổng hợp, sau đó bay thẳng, hạ cánh xuống mặt đất bên ngoài khu nhà.
Tôi nhớ, đây là những giây phút căng thẳng nhất. Nó như chuyện ma quái, không chỉ là vụ tai nạn thảm khốc như ở Iran mà Bob đã từng lo ngại ngay từ đầu kế hoạch đặt ra, cũng như chuyện mang tiếng xấu trong vụ “Black Hawk Down” ở Somali năm 1993, trong đó có mười tám binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng tại Mogadishu. Có phải chúng tôi đang chứng kiến một thảm họa mới đối với Hoa Kỳ hay không? Tôi nghĩ đến những chàng trai đang mạo hiểm đời mình giữa đêm khuya thanh vắng ở phiá bên kia địa cầu, nghĩ tới làm tôi nghẹt thở. Có những tấm ảnh nổi tiếng về hôm đó, hai tay tôi đưa lên bịt miệng khi dán mắt vào màn hình theo dõi tiến trình sự kiện. Tôi không rõ bức ảnh ấy chụp lúc nào, nhưng người chụp đã ghi đúng tâm trạng tôi lúc đó.
Cuối cùng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm, chiếc Black Hawk bị hư hỏng cũng hạ được cánh, các Biệt kích Hải quân đã nhảy ra khỏi trực thăng, sẵn sàng cuộc đột kích. Rất nhiều hình ảnh quả cảm, anh hùng của Biệt đội Hải quân đang diễn ra. Đô đốc Mcraven đã đúng: những người dưới quyền ông đều biết cách xử lý những biến cố xảy ra trong quá trình thực hiện. Chiến địch đang tiến hành từng bước.
Chúng tôi chăm chú theo dõi diễn biến trên màn hình do nguồn cung cấp dữ liệu trực tuyến, cách ứng biến của Biệt kích Hải quân vượt qua phía trước khu nhà, tiến vào bên trong tìm bin Laden. Trái với một số tin tức, cũng như trên phim ảnh, chúng tôi không được theo dõi tiếp những gì xảy ra bên trong khu nhà. Tất cả chúng tôi lúc đó chỉ còn biết chờ đợi báo cáo cập nhật của nhóm phía ngoài. Tôi liếc nhìn Tổng thống. Nét mặt ông thật bình tĩnh. Rất ít khi tôi cùng ông và nhóm của ông như đêm ấy, tôi cảm thấy thật tự hào.
Thời gian chờ đợi tưởng như dài vô tận, nhưng thực chỉ diễn ra vẻn vẹn mười lăm phút, McRaven báo cáo các thành viên SEAl đã phát hiện Bin Laden và “Kẻ thù đã thiệt mạng trong hành động” (E.K.I.A). Osama bin Laden đã dhết.
Một chiếc trực thăng đến hỗ trợ để di chuyển SEAL đến nơi an toàn cùng thi thể Osama bin Laden cũng như toàn bộ tài liệu tình báo quý giá thu được. Nhưng đầu tiên phải huỷ chiếc trực thăng hỏng, vô hiệu hoá không cho bất cứ kẻ nào, dù với công nghệ tiên tiến đến đâu có thể phục hồi và nghiên cứu Black Hawk. Một số muốn sử dụng thuốc nổ phá huỷ, nhưng có người cho biết rất nhiều đàn bà và trẻ em sống trong khu nhà tổng hợp, trong đó có cả gia quyến của bin Laden và nhiều người khác. Để tránh tổn thất không đáng có, binh sĩ SEAL đưa họ nấp sau những bức tường để họ được an toàn trong khi phá huỷ. Ngay trong tình huống rất nguy nan, những cử chỉ nhân đạo này của binh sĩ thể hiện và mang đầy đủ giá trị Mỹ.
Khi ông biết SEAL đã trở về Afghanistan cùng thi thể được xác định chính là Osama bin Laden, bây giờ là thời điểm Tổng thống đọc tuyên bố với toàn thể nhân dân trong và ngoài nước. Tôi đi cùng ông, Phó Tổng thống Binden, Panetta, Donilon, Mike Mullen và Jim Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia vào Phòng Đông (East Room), nơi tôi đã nhiều lần chứng kiến thông báo, dự những buổi ca nhạc, tiệc chiêu đãi cấp quốc gia. Giờ đây tôi cũng chỉ là một khán giả bình thường lắng nghe Tổng thống tuyên bố quan trọng của lịch sử. Tôi đã từng trải qua những giờ phút căng thẳng, lo lắng đêm qua, ấy là chưa kể đến những tuần, tháng khi chuẩn bị kế hoạch cho sự kiện này. Lắng nghe Tổng thống mô tả sự thành công trong quá trình chiến dịch, tôi thấy thật tự hào với lòng biết ơn. Khi chúng tôi ra về, qua hàng hiên tiếp giáp với Vườn Hồng, đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng động ầm ầm sau cánh cổng. Tôi trông thấy đám đông thanh niên, phần đông là các sinh viên các trường đại học gần kề đã ùa tới tụ tập bên ngoài Nhà Trắng, một cuộc mét tinh bất ngờ ăn mừng thắng lợi, vẫy cờ và hô to khẩu hiệu “USA! USA!”. Họ hầu hết là con em nạn nhân của đợt tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ ngày 11-9-2001. Các em đã trưởng thành trong bóng đêm của cuộc chiến tranh khủng bố; đây chính là những ký ức không thể nào quên của họ. Giờ đây, họ bộc lộ tất cả cảm xúc mà đất nước bấy lâu nay còn kìm nén khi công lý đã được đáp trả.
Tôi đứng lặng người, lắng nghe tiếng hò la, vui sướng, cổ vũ lướt qua. Tôi tưởng tượng đến những gia đình ở New York, những người vẫn còn mang nặng nỗi đau về những người thân yêu của họ đã vĩnh viễn ra đi vào cái ngày kinh hoàng đó. Đêm nay họ cảm thấy nỗi đau của mình được an ủi phần nào chăng? Những người sống sót như Lauren Manning, Debbie Mardenfield mà trên cơ thể vẫn mang những vết thương nặng, phải đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn thì đêm nay liệu họ có vui mùng và lạc quan không? Không những thế, tôi còn nghĩ đến rất nhiều nhân viên CIA không quản ngày đêm săn lùng, bất kể những đêm giá lạnh và những binh sĩ SEAL cùng với những phi công quả cảm, đã thực hiện chiến công vượt quá sự mong đợi của Đô dốc McRaven hứa hẹn. Tất cả binh sĩ đã trở về an toàn.
Tôi thật sự không mong muốn có các cuộc đối thoại đầy khó khăn với Pakistan. Đúng như dự đoán, khi tin tức lan truyền, cả nước Pakistan náo động. Quân đội bị khinh miệt, dân chúng phẫn nộ vì họ coi đây là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Pakistan. Nhưng khi tôi trao đổi với Tổng thống Zardari, ông lại có thái độ bình thường chứ không thù địch. Ông bảo: “Mọi người nghĩ tôi quá nhu nhược, nhưng tôi không nhu nhược. Tôi hiểu đất nước tôi và tôi biết mình phải làm gì. Tôi không thể phủ nhận sự thật kẻ tội đồ nguy hiểm nhất hành tinh đang ẩn náu trên đất nước tôi. Mọi người nghĩ nhầm cho rằng chúng tôi không biết.” Ông nhấn mạnh, Pakistan từng là bạn của Hoa Kỳ hơn sáu thập niên qua, đồng thời ông nói tới cuộc chiến chống khủng bố trong các điều khoản ông đã ký kết. Ông nói tiếp: “Tôi chiến đấu cho cuộc đời tôi, tương lai con cái tôi và tôi chiến đấu chống lại những kẻ đã giết người mẹ của đàn con tôi.”
Tôi thật ái ngại, thương sót Zardari, tôi thông báo với ông, một số quan chức cao cấp Hoa Kỳ đang trên đường đến gặp riêng ông. Tôi cũng muốn tự mình đến khi thời điểm thuận lợi. Nhưng tôi cũng xác nhận với ông: “Thưa ngài Tổng thống, tôi đặt niềm tin mạnh mẽ trong tương lai sẽ đáp ứng được lợi ích của cả hai nước. Chúng ta sẽ bỏ qua những điều tồi tệ của chiến dịch xảy ra gần đây và đã kết thúc. Nhưng tôi cũng xin nói rõ, chúng ta như những người bạn thân, nhất là ngài, người có chức vị cao quý nhất, việc tìm kiếm giải pháp tùy thuộc vào sự lựa chọn của ngài và đất nước ngài. Còn chúng tôi mong muốn sự hợp tác được nâng cao hơn nữa.”
Tôi sẽ làm hết sức mình trong những tháng tới để hàn gắn mối quan hệ đang rạn vỡ, cũng như Đại sứ Cameron Munter của chúng ta ở Islamabad và nhân viên ông đã và đang làm. Chúng ta cũng đã nhiều lần gặp hoàn cảnh tưởng như sẽ đổ vỡ mối quan hệ giữa hai bên, nhưng vì lợi ích cơ bản chung mà tôi đã đưa ra với các cộng sự trong các cuộc thảo luận tại Nhà Trắng, mối quan hệ giữa hai nước trước sau sẽ được hàn gắn. Ngay cả khi bin Laden đã chết, bọn khủng bố vẫn là mối đe dọa mà các quốc gia không thể bỏ qua. Pakisatn vẫn phải đối mặt với những cuộc tấn công chết người của phiến quân Taliban, cũng như khó khăn về kinh tế và an ninh xã hội.
Tháng 11-2011, sáu tháng sau vụ đột kích Abbottabad, hai mươi tư binh sĩ Pakistan thiệt mạng do lực lượng quân đội Hoa Kỳ trong một tai nạn bi thảm dọc theo biên giới Afghanistan. Chính phủ Hoa Kỳ lập tức gửi lời chia buồn, nhưng sự tức giận của Pakistan lại dâng cao. Chính phủ Pakistan ngay lập tức đóng cửa các đường vận chuyển của NATO vào Afghanistan, đồng thời Quốc hội yêu cầu xem xét lại mối quan hệ với Hoa Kỳ. Pakistan muốn Hoa Kỳ phải lên tiếng xin lỗi trực tiếp về sự kiện trên, nhưng Nhà Trắng khước từ. Những thùng hàng thiết bị quân sự nằm kẹt hàng tháng trời, gây ra những thách thức mới về hậu cần đầy khó khăn cho quân đội chúng ta, cộng thêm chi phí tài chính -100 triệu đô mỗi tháng – Pakistan bị thất thu.
Không có một sự tiến triển nào để tái mở con đường vận chuyển trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh NATO họp ở Chicago vào tháng 5-2012, tôi đề nghị với Tổng thống Obama tìm cách tiếp cận khác giải quyết bế tắc. Ông tán thành, cả hai Hội đồng An ninh và Quốc phòng đều phản đối, tôi đành phải thử xem ra sao. Một số cố vấn Nhà Trắng còn đang bận rộn chiến dịch tái tranh cử, nhưng rất ác cảm với các ý tưởng xin lỗi dù theo bất cứ cách nào, đặc biệt phải xin lỗi đất nước ấy đã chứa chấp, nuôi dưỡng bin Laden. Nhưng để hỗ trợ cho liên quân, chúng ta cần tìm cách giải quyết. Tôi nói với Tổng thống, tôi sẵn sàng đón nhận bất cứ sự chỉ trích chính trị nào. Tôi gặp Tổng thống Zardari tại Chicago, nói với ông, rất cần sự hỗ trợ của ông tái mở đường vận chuyển, đồng thời chính phủ của ông sẽ nhận được tiền thanh toán khi cho phép đoàn vận chuyển qua vùng đất Pakistan. Tôi cử Thứ trưởng Ngoại giao Tom Nides, một nhà đàm phán dày dạn kinh nghiệm, gặp gỡ bí mật Bộ trưởng Tài chính Pakistan. Đây một sự kiện mà có người gọi là sẵn sàng nhận lỗi, nhưng đây không phải là sự đớn hèn nhưng mà là sự thỏa hiệp mang tính thực dụng. Vì thế tôi đưa ý kiến chỉ đạo rõ ràng: Thận trọng, Hợp lý, Cố gắng đạt được thỏa thuận.
Những cuộc thượng lượng bên hành lang đã làm dịu sự tức giận của Pakistan. Khi tôi gặp Ngoại trưởng Hina Rabbani Khar, người kế nhiệm Qureshi, vào tháng Sáu tại Islamabad, tôi có thể khảng định, chúng tôi đã hầu như giải quyết xong mọi chuyện. Đến tháng Bẩy, chúng tôi ký kết thỏa thuận. Tôi thừa nhận sự sai sót đã dẫn đến sự tổn thất sinh mạng binh sĩ Pakistan, đồng thời một lần nữa tôi gửi lời chia buồn chân thành tới thân nhân binh sĩ thiệt mạng. Cả hai bên đều có lỗi vì những tổn thất trong cuộc chiến chống khủng bố. Pakistan tái mở cửa biên giới, cho phép chúng ta tiếp tục vận chuyển theo kế hoạch của lực lượng liên minh với chi phí thấp hơn nếu đi theo con đường khác. Tom và Bộ trưởng tài chính tiếp tục đối thoại, thậm chí công khai tuyên bố về dự luận phá bỏ rào cản cả về những lĩnh vực có thể hợp tác, đặc biệt phát triển kinh tế.
Các cuộc đàm phán và thỏa thuận đã xong về đường vận chuyển cho chúng ta bài học làm thế nào giữa Hoa Kỳ và Pakistan có thể hợp tác trong tương lai vì cùng mục tiên theo đuổi lợi ích chung. Nhưng khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan, mối quan hệ đương nhiên sẽ thay đổi. Nhưng cả hai nước vẫn có nhiều lợi ích chung, điều này tuỳ thuộc vào cả hai phía. Vì thế, chúng ta cần phải tìm cách làm sao cả hai bên đều có trách nhiệm củng cố. Sự bất đồng trong tương lai và những chuyện khó chịu chắc chắn khó tránh khỏi, nhưng nếu muốn có kết quả khả quan, chúng tôi không có lực chọn nào khác ngoài việc phải tập trung và điều kiện thực tế.
Trong khi đó al Qaeda đã bị giáng những đón chí mạng, tuy chưa hoàn toàn thất bại. Bởi vì chiến dịch Abbattabad, SEAL khi trở về đã thu thập được những tài liệu tin tức tình báo mới đặc biệt về hoạt động bên trong của al Qaeda. Tin tức này bổ xung những gì chúng ta đã biết về sự phát triển rộng khắp các tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp: tổ chức al Shabaab Somali, al Qaeda Bắc Phi Islamic Maghreb và al Qaeda ở bán đảo Ả-Rập, mối đe dọa của các tổ chức này ngày càng nguy kiểm hơn. Cái chết của bin Laden và những tổn thất nhiều phụ tá hàng đầu của chúng chắc chắn sẽ làm suy giảm năng lực chính của al Qaeda ở Afghanistan và Pakistan để mở những cuộc tấn công mới chống phương Tây. Tuy nhiên, vấn đề này cũng làm thay đổi ảnh hưởng, động lực của các thành viên trong liên minh, có thể tạo mối đe dọa lan rộng hơn và phức tạp hơn.
Đối mặt với những thách thức đang nảy sinh này, tôi cảm thấy thậm chí cần phải thúc đẩy, theo đuổi cách tiếp cận quyền lực thông minh để chống khủng bố mà tôi đã trình Tổng thống năm 2010. Tại Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã âm thầm tiến hành tìm mọi phương sách, khả năng cần có, bao gồm cả việc mở rộng văn phòng chống khủng bố dưới sự kiểm soát của tổng hành dinh dưới sự điều hành của Trợ lý Ngoại trưởng. Nhưng nếu hoạt động với những bộ phận khác của chính quyền sẽ gây nhiều phiền toả và sử lý chậm. Chúng tôi cần phải tìm kiến từng xu tiền tài trợ, dù Tổng thống đã đưa ra những điểm chính trong tháng Bẩy năm 2010, ấy thế phải mất hơn một năm mới được Nhà Trắng công bố sắc lệnh thành lập Trung tâm Chiến lược Chống khủng bố Truyền thông. Cuối cùng chúng tôi tiếp nhận cơ quan này vào tháng 9-2011, cũng chính ngày hôm ấy tôi đến thăm trường Đại học John Jay College of Criminal Justice ở New York, tôi phát biểu và giải thích những điểm chính và quan trọng về phiá dân sự trong cuộc chiến chống khủng bố.
Mười hai ngày sau, trên hàng ghế tham dự hội nghi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tôi đã khai mạc Diễn đàn Toàn cầu Chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ đồng chủ tịch và gần 30 quốc gia khác đã tham gia, bao gồm cả các nước Trung Đông và những quốc gia Hồi giáo đông dân nhất. Kết quả sau hai năm thật đáng khích lệ. Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE-The United Arab Emirates-) đã đồng ý tổ chức một trung tâm quốc tế tập trung vào việc chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và một trung tâm về công lý và pháp luật được thiết lập tại Malta. Những tổ chức này sẽ đào tạo cảnh sát, các nhà giáo dục, các lãnh tụ tinh thần, lãnh đạo cộng đồng và hoạch định chính sách. Họ sẽ tụ hội những chuyên gia truyền thông, những người am hiểu làm thế nào để phá được những lời tuyên truyền của bọn cực đoan, tăng cường nhân viên thực thi pháp luật, những người có thể giúp các chính phủ và cộng đồng học cách tự bảo vệ mình khỏi sự lôi kéo của bọn khủng bố. Đồng thời họ có thể kết hợp hoạt động với các nhà giáo dục đưa ra những chương trình không hận thù, những phương tiện bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị bọn cực đoan dụ dỗ, tuyển dụng.
Điểm chính của Diễn đàn Toàn cầu Chống khủng bố tập chung vào chủ đề bắt cóc đòi tiền chuộc con tin, đây là vấn đề hàng đầu nổi bật của thủ đoạn gây quỹ của các chi nhánh al Qeada tại Bắc Phi và trên thế giới, đặc biệt các con đường cung cấp tài chính của chúng bị xóa xổ. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hoa Kỳ, cuộc hội thảo đã đưa ra quy tắc ứng xử ngăn chặn những quốc gia đồng ý trả tiền chuộc, hành động ấy chỉ khuyến khích các vụ bắt cóc con tin tăng hơn. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn quy tắc ứng xử, đồng thời thành lập Liên minh Châu Phi để hỗ trợ, giúp đỡ, đào tạo lực lượng an ninh trong khu vực phát triển những chiến thuật thích ứng.
Chúng tôi cũng đã đạt được một số thành quả trong mặt trận truyền thông. Ví dụ như mùa Xuân Ả-rập đã quét qua vùng Trung Đông, Trung tâm Chiến lược Chống khủng bố Truyền thông mới của chúng ta đã hoạt động tích cực, vạch mặt mọi hoạt động của al Qaeda là đi ngược với lịch sử thời đại. Những đoạn video ngắn được đưa lên mạng truyền thông cùng băng ghi âm của thủ lĩnh mới của al Qaeda, Ayman al-Zawahiri, y tuyên bố hành động hòa bình không bao giờ thay đổi tình trạng ở Trung Đông, tiếp theo là cảnh các cuộc biểu tình hoà bình ở Ai-Cập và buổi lễ ăn mừng sau sự sụp đổ của Mubarak. Băng hình đã gây hàng loạt những phản ứng khác nhau trong khu vực. “Zawahiri không có liên quan gì đến công việc của Ai Cập, chúng tôi có cách giải quyết vấn đề của chúng tôi.” một bình luận viên đã viết trên Website trên Diễn đàn Ai cập.
Đây thuộc ý thức hệ chiến tranh, tuy phát triển chậm nhưng có tầm quan trọng, bởi vì bọn al Qaeda và các chi nhánh khủng bố của chúng không thể tồn tại nếu không có nguồn cung cấp tân binh thay thế những tên khủng bố bị tiêu diệt hoặc bị bắt giữ vì tuyên truyền, gây bất ổn, xúi giục các cuộc tấn công. Chúng ta đã thấy vấn đề này vào tháng 9-2012, khi những kẻ cực đoan dấy lên sự phẫn nộ của thế giới Hồi giáo bị lăng mạ trong một video tối nghĩa về nhà tiên tri Mohammad. Kết quả là các toà đại sứ và Lãnh sự quán Hoa Kỳ trên nhiều nước trở thành mục tiêu tấn công.
Nếu nhìn lại với nhãn quan rộng lớn hơn, chúng ta sẽ hiểu, chủ nghĩa cực đoan bạo lực gắn chặt với rất nhiều vấn đề trên toàn cầu hiện nay. Nó sẽ cắm rễ sâu trong các khu vực khủng hoảng và nghèo đói, phát triển mạnh những nơi thực thi pháp luật không đủ sức răn đe hay luật pháp không được tôn trọng, châm ngòi cho sự hận thù giữa các cộng đồng từng sống liền kề qua bao nhiều thế hệ, đồng thời khai thác những mâu thuẫn nội bộ giữa các quốc gia. Đó cũng chính là một lập luận cho Mỹ được quyền tham gia vào những nơi khó khăn nhất với những thách thức lớn nhất trên thế giới.