Số lần đọc/download: 2209 / 11
Cập nhật: 2016-03-11 16:39:22 +0700
Thiên Thu
“T
rải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
- Nguyễn Du -
I
Lê Long Đĩnh nâng chén rượu nồng còn đượm ánh trăng trong soi tỏ, ngóng chờ hoa nở, dốc cạn cả tấm lòng. Hơi rượu nóng xộc lên, đánh thẳng vào lục phủ ngũ tạng, đến mức mong người chảy nước mắt. Ánh trăng kia, ngàn năm trước mày có bi lương thế này chăng? Lê Long Đĩnh nở nụ cười rầu rầu, bao năm nay vẫn nụ cười ấy, thiên hạ ai người hiểu cho? Không rõ ngàn năm có lẻ, ai khóc cho vương?
Cạn bình rượu cúc, người vẫn chưa say. Phải làm sao mới có thể say đây? Đôi khi tỉnh cũng là bi kịch của kiếp người. Từ khóe mắt Đĩnh, trào ra đôi dòng huyết lệ, máu đỏ sẫm rỏ xuống mặt đất, máu nóng tưới thẫm cả đóa hoa mới lìa đời, máu đẹp làm người mê mẩn. Vết thương tai ác trên lưng ngài bắt đầu dở chứng, giống như loài quỷ hút máu không ngừng táp từng miếng vào thịt da.
Đĩnh bỗng nhiên thèm cái cảm giác rong ruổi sa trường, dốc bầu rượu lớn, tay cầm kiếm báu chém vạn quân thù. Đĩnh bỗng nhiên nhớ đến bến sông Vũ Lung. Dòng sông ấy nghe đâu có ma quỷ, Đĩnh không tin vào ma quỷ, chỉ gờm chợn lòng người. Dòng sông ấy nghe đâu chính là ngọn nguồn của thời gian, chảy mải miết không thôi.
Đĩnh bỗng nhiên nhớ tới Lý Công Uẩn.
Uẩn là một kẻ kiệm lời, đôi mắt ti hí năng liếc ngang liếc dọc. Uẩn học Phật, theo Phật, nhưng không tin Phật. Với những người như vậy, Phật chỉ là công cụ mà thôi. Đáng sợ biết bao khi ngay cả thần linh hóa thành đồ chơi trong tay những kẻ làm chính trị. Và những gì mà Uẩn muốn, Đĩnh rất rõ. Hai người ngồi nói chuyện mà trong lòng đã ngấm ngầm chuẩn bị một trận đấu đẫm máu. Là tri kỷ, là kẻ thù. Nỗi đau của người đời chẳng phải xuất phát từ đó mà ra hay sao?
“Tôn giáo có thể giúp chúng ta xây dựng cơ đồ, thiên đô về Đại La nhưng tuyệt đối chẳng thế dùng lâu được. Tin tưởng người khác đã là điều đại kỵ, tin tưởng vào đám tăng lữ lại càng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.”
Đâu đây vang lên tiếng đàn ma mị, dưới ánh trăng, bước chân yểu điệu cùng ngón ngọc của nàng Hương đã tạc lại điệu múa của xứ Chiêm gió cát mịt mù. Một khúc nhạc tấu lên, hoa đồng loạt hé nở. Ai đã từng nói giai nhân dám sánh cùng hoa? Bóng hoa chiếu khuôn trăng đầy đặn, phải thẹn mà náu mình.
Đĩnh bỗng gằn giọng:
- Cho trẫm năm năm, chỉ cần năm năm thôi là bọn Vạn Hạnh sẽ bị quét sạch khỏi triều. Chúng muốn đạo Phật độc tôn? Nực cười. Trẫm chinh nam dẹp bắc, đánh khắp các châu các động, mong giang sơn quy về một mối để cho phương Bắc biết điều mà không dám nhòm ngó, ấy vậy mà đám tăng lữ đầu trọc kia lại can gián hết lần này đến lần khác. Thời gian, ta cần thời gian thôi, Trời xanh sao nỡ không toại ý người?
Nàng không hiểu tiếng nước Nam, chỉ biết đứng lại bần thần lo lắng. Đĩnh nhíu mày, lại dốc cạn chén rượu mới rót, hai mắt lim dim. Chỉ cần chữ nghĩa thánh hiền được ban phát rộng khắp, Nho sinh cứng cáp thì ít nhất dẹp được phần nào niềm mê tín trong dân. Càng ít kiến thức, càng tin quỷ thần; càng tin quỷ thần, càng dễ bị lung lạc. Đĩnh biết Uẩn đã chuẩn bị hết thảy, Đĩnh cũng biết sự bất bình của Uẩn với Vạn Hạnh. Nhưng Đĩnh hiểu rõ thời gian của bản thân đã tận. Sổ Nam Tào đã khuyên một vòng vào tên mình. Sao cứ phải hành hạ nhau thế hả Hóa Nhi?
- Rồi Lý Công Uẩn sẽ tạo phản, y và đám sư tăng của Hoa Nghiêm Tông sẽ thiết lập trên dải đất này một hệ thống đền chùa miếu mạo, mê hoặc người đời và hậu thế.
Đĩnh cúi người ho khan, nước mắt lại chảy ra, bỏng rẫy.
II
Em bảo Anh rằng:
“Lê Long Đĩnh không được khóc.”
Anh hỏi: “Vì sao?”
Em trả lời: “Quân vương không được rơi lệ, Đĩnh lại càng không.”
Anh cười: “Con người ai chẳng đáng thương như ai, kìm nén không bật khóc trước mặt thiên hạ đã là dũng cảm lắm rồi.”
Em lắc đầu nguầy nguậy: “Không, Lê Long Đĩnh thì không, cái thằng Tào Tháo ấy thì không!”
Anh sợ hai người cãi nhau, đành xoay sang chủ đề về những đóa hoa mà Em yêu thích, hoa quỳnh nở muộn chóng tàn. Em từng nói mình ghét hoa sen, Em không tìm thấy sự thanh cao ở nó, tại sao lại như thế, tại sao con người cứ phải đi tìm sự thanh cao trong khi cõi trần đã nhơ đục lắm rồi? Tâm linh đã nhơ bẩn thì có dùng phương tiện nào gột rửa cũng không thể trở lại như thuở nguyên sơ. Nguyên sơ… Em bỗng nhiên nhớ về ngày xanh, Em nhớ về ánh ban mai trong khiết, Em nhớ về lời mẹ ru trưa hè, Em nhớ ông lão Thái Bình tha hương tới chết không được trở lại quê cũ…
Anh thấy Em buồn, bèn kể cho Em nghe câu chuyện về một con khỉ học đòi làm giáo sư, con khỉ kệch cỡm ấy không đủ làm nụ cười Em trở lại. Càng kể, nước mắt em càng chực rơi.
Chao ôi cái mảnh đất này, mảnh đất sinh ra để hứng chịu bão táp và cả những tiếng thở dài. Người xưa người nay gặp nhau chỉ vì nỗi khắc khoải ấy.
III
Mảnh đất này là của những con quái vật ăn thịt người, và cả ăn thịt lẫn nhau nữa. Ngàn năm bị cưỡng bức bởi nền văn minh vừa vĩ đại, vừa đê tiện của Hoa Hạ, nước Nam phải cố gắng dung hòa cả hai dòng máu Hán – Việt. Mỗi một con người sinh ra đã mang một tâm thế bi kịch, gồng mình trước sự hành hạ của chính dòng máu nóng vẫn chảy rần rật trong cơ thể, đôi khi họ đứng lên, và đôi khi họ thấy mình như một đám quái thai. Đĩnh biết điều đó, và ngài cũng hiểu sự tự ti của chính dân tộc mình, của những người mà mình đang cai trị.
Chỉ có tri thức, chữ nghĩa mới thức tỉnh được một quốc gia, ấy là nguyên khí, hun đúc nên rường cột nước nhà.
Hương đã dừng điệu múa, đến ngồi nép cạnh quân vương, nàng châm thêm rượu vào chén. Đôi mắt Đĩnh vẫn nhìn xa xăm, ngài đang nghĩ gì? Nàng bất giác ngẩn ngơ.
“Lòng trung thành của vi thần dám sánh cùng nhật nguyệt.”
Đĩnh biết ngày nào mình còn sống thì Uẩn vẫn là tôi trung. Hắn ẩn mình giữa triều đình và tràng hạt, ẩn mình giữa huyền thoại về thân phận lúc nhỏ, ẩn mình trong lời sấm truyền do chính Vạn Hạnh giở trò. Không phải Đĩnh không thừa nhận tài năng của Uẩn, nhưng những kẻ cao ngạo thường không chấp nhận ai đó sánh ngang với mình. Nhắc tới hắn, Đĩnh chỉ thấy hèn. Nhưng ngài cũng ghen tị, bởi ngày tháng của Uẩn còn dài mà của mình thì đã đến hồi kết thúc. Hăm tư, cái tuổi xanh tráng trí sục sôi…
Đĩnh chợt nhớ đến khoảng sân rộng sau phủ đệ Khai Minh Vương, nhớ đến cơn gió dịu mát vấn vít trước làn tóc mai thuở thiếu niên còn đầy mơ ước. Giờ đây, gió vẫn còn đó, nhưng lại lạnh lẽo thấu xương. Thềm cao điện rộng xa hoa mà trống trải, trong đám quan lại quý tộc quỳ dưới chân cả ngày tung hô vạn tuế có mấy ai thật lòng không? Bao nhiêu kẻ đang lăm le trước ngôi báu? Chúng không thể hiểu bi kịch của các bậc đế vương, cho đến khi hiểu rồi thì chẳng bao giờ quay đầu lại được nữa.
Đĩnh chợt nhớ đến tuổi thơ như sương mai. Ngày ấy, Trung Tông[1] từng hỏi: “Em có thích ngai vị kia không?” Đĩnh nở một nụ cười, gật đầu rồi lại lắc đầu. Ngài không ngờ rằng vì lẽ đó mà tình thân đã vĩnh viễn tan biến. Giá như thời gian có thể trở lại, giá như ngôi hoàng đế không khiến Trung Tông hoài nghi. Giá như… Không có giá như…
Đĩnh muốn ngủ, ngài mệt rồi.
Chén rượu trong tay Lê Long Đĩnh rơi xuống, lăn lóc dưới chân. Đôi mắt ngài đã vĩnh viễn khép lại với cả thế gian và hậu thế. Phong kín biết bao bí ẩn về một thời đại đầy bão táp.
Từ phía sau, Vạn Hạnh thiền sư và Lý Công Uẩn cùng bước ra. Tràng hạt bồ đề vẫn lần trên tay, mùi hương nhang còn quấn quanh đây vậy mà Hương đã lờ mờ nhận ra kết cục của cả đất nước này. Thương thời, giai nhân đổ lệ, dầm dầm tựa châu sa. Nàng vuốt nhẹ mí mắt quân vương, múa một vũ khúc cổ xưa, điệu múa từ thuở nguyên sơ, khi mà con người chưa hề biết đến cái ác.
- Lịch sử về sau sẽ do Uẩn này viết lại, mong bệ hạ hãy an tâm lên đường.
Tiếng cười man rợ lan đi hòa lẫn Phạn âm niệm kinh siêu thoát. Ngọc đã vỡ nát, cái đẹp không để cho tục nhân trêu đùa, nàng Hương cũng tuẫn tiết theo vương.
IV
Em bảo:
- Đời người không ai sống quá trăm năm, vậy mà lúc nào cũng canh cánh mối lo ngàn đời. Sao cứ phải tự đày đọa mình mãi?
Anh cười:
- Bởi vậy nên mới gây ra biết bao nhiêu tang thương. Chi bằng sinh ra làm cây thông giữa trời, sống ngay thẳng, trong vô tình có hữu tình. An phận tùy duyên.
- Liệu Đĩnh có luân hồi không? – Em lại hỏi.
Anh trả lời:
- Đĩnh không cần luân hồi, bởi ngài đã hóa thân vào non nước phương Nam rồi. Em hãy nhìn xem, ánh mắt của ngài vẫn sâu thẳm như xưa, chưa hề thay đổi.
***
Chú thích:
[1] Trung Tông tức Lê Long Việt, vị vua thứ hai của triều Tiền Lê.