Những người vĩ đại không những phải biết chớp lấy cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội.

C.C. Colton

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4033 / 188
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hông phải là Ba Trung nữa. Cũng không phải là phòng làm việc của Ba Trung. Tôi đang “đương đầu” với người công an chấp pháp khác. Y nói tiếng Nghệ Tĩnh nặng nề. Trên bàn của y không có cà phê, không có thuốc lá. Những ngày “trăng mật” của tôi và công an chấp pháp, hình như, chấm dứt. Tôi đã đụng độ 4 chấp pháp tại Sở Công An Thành Phố. Người thứ nhất, biểu tượng của miền Nam, chẳng bao giờ muốn bị nhuộm đỏ linh hồn, đã chỉ điểm cho tôi biết chỗ nào là bom, mìn, chông, bẫy trên tử đạo và triết lý sống đời tù cộng sản. Người thứ hai, biểu tượng của nằm vùng láu cá, muốn chứng tỏ mình cao thượng. Người thứ ba, biểu tượng của nền văn nghệ công an. Và người thứ tư. Để xem, y là biểu tượng cái gì.
- Anh làm tự khai.
- Tôi đã làm.
- Tôi bảo anh làm tự khai với tôi.
- Khai gì nữa? Tôi đang khai dang dở thì người ta ngừng lại mạn đàm. Tôi muốn coi bản tự khai dang dở để khai tiếp.
- Tôi là chấp pháp mới của anh, mọi việc bắt đầu lại.
- Nhưng khai gi?
- Quá trình, cuộc đời anh từ mười tuổi đến ngày bị bắt. Anh nhập bằng cái sơ yêu lý lịch của anh.
Y đem cho tôi 10 tờ giấy khổ giấy in roneo và cây Bic:
- Trang nào xóa bỏ, anh không được phép xé, phải nộp đủ mười tờ. Anh nhớ chưa?
- Tôi nhớ.
- Yêu cầu của tôi là mỗi ngày anh viết 20 trang: sáng 10, chiều 10.
- Tôi không phải là máy viết.
- Ngày xưa, một ngày anh viết cho mấy nhật báo? Anh tự hào viết nhanh nhất nước mà.
- Viết nhanh vì không cần suy nghĩ.
- Tự khai không cần suy nghĩ.
- Không suy nghĩ là thiếu thành khẩn.
Tôi hiểu ngay thủ đoạn của tên chấp pháp này. Y muốn tôi viết nhanh là y đã giăng bẫy. “Chúng ta có nhiều thời giờ”. Tôi nhớ Ba Trung. Và tôi không cần phí lời nữa. Tôi cầm bút, viết “phăng-tê-di” hai chữ Tự khai. Trong hàng chục chữ ghép sau chữ tự như tự do, tự hào, tự lực, tự lập, tự cường, tự chủ, tự vấn … tôi thấy có tự sát là bi đát nhất mà vẫn kém não nùng hơn tự thú, tự kiểm, tự khai. Tự khai – tự thú – tự kiểm. Nhà thơ Paul Éluard đã viết tự do trên lá, trên hoa, trên bảng đen, trong trái tim … Tôi viết tự khai trên cái gì, trong cái gì? Nhà văn chúng ta không bị công sản bắt về các tội hình sự; chúng ta không hề là công cụ của chế độ, của thế lực nào; chúng ta không đảng phải đối nghịch ý thức hệ, tư tưởng; chúng ta đã là những con người của lương tâm. Và thế, hơn cả mọi thứ … giai cấp tù, nhà văn là tù nhân của lương tâm (prisonnier de conscience). Cộng sản bỏ tù cả lương tâm. Họ không có lương tâm, chủ nghĩa của họ không có lương tâm. Họ đã giết chết thi sĩ của tình yêu, của lương tri con người là Vũ Hoàng Chương. Họ đã đầy thi sĩ làm thơ tả giọt nước mắt của người yêu là Thế Viên. Họ đã còng chân xích tay người viết cổ tích là Doãn Quốc Sĩ. Họ đã bắt cả lương tâm phải tự khai để truy nã niềm bí ẩn của lương tâm. Đó là cộng sản. Còn những kẻ không hề bị tự khai, nhưng luôn luôn tự nhận mình ấm áp lương tâm, cũng học đòi phán xét tù nhân của lương tâm. Trên cái gì, trong cái gì, tôi đã viết tự khai? Trên cay đắng phận người và trong cô đơn cõi đời. Trên cái gì, trong cái gì, tôi cần nói, sắp nói, sẽ nói với bọn học đòi phán xét tù nhân của lương tâm? Hãy để câu trả lời đó.
Như Tử Trường Tư Mã Thiên ôm nỗi đau dao hoạn hèn mọn. Ôi, 2000 năm cũ, lương tâm kẻ sĩ Tư Mã Thiên lên tiếng – Tiếng nói duy nhất của thời đại – vì nỗi oan khiên của Lý Lăng, của con người. Lương tâm vằng vặc trăng sao ấy đã chịu nhục hình. Bằng hữu Tử Trường đâu, chiến hữu Tử Trường đâu, tri kỷ Tử Trường đâu? Họ đứng trước mặt Tử Trường. Xanh mặt vì sợ bạo quyền, không dám bênh Tử Trường. Run rẩy vì sợ bổng lộc, không dám cứu Tử Trường. Trơ mắt ếch nhìn kẻ sĩ thọ hình nhục nhã. Rồi phán xét mỉa mai: Tại sao chẳng can đảm chết đi, tại sao cam đành bị thiến. Cũng may, Tư Mã Thiên không bị tù, không bị tập trung lao cải. Chứ không sẽ: Thằng Tư Mã Thiên làm ăng-ten, bán bè bạn, quỳ gối bò đi lãnh khẩu phần, xí gạt anh em nửa đêm dậy nấu nước pha cà phê rồi uống một mình, bị chọc thủng một mắt rồi! Vân vân và vân vân … Tư Mã Thiên cô độc, đem tâm sự nói với người xưa. Và cái tồn tại, cái để lại ở cuối đường hệ lụy, cái làm phục sinh sự chết là Sử Ký Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên vĩnh cửu, lúc nào cũng gần gủi con người. Bằng tác phẩm. Bọn phán quan đâu rồi nhỉ? Chúng nó chết rửa xác, chẳng còn ai thèm nhớ, thèm biết chúng nó sau khi chúng nó “phản tỉnh” và đã thực hiện những số báo tưởng niệm, tưởng mộ, đã quyên tiền bỏ túi và tuyên bố giúp vợ con kẻ sĩ tù nhân của lương tâm. 2000 ngàn năm cũ mà ngỡ gần nhau gang tấc. Tự tình khúc của Cao Ba Nhạ có làm xúc động lũ sâu bọ triều đình nhà Nguyễn đâu. Đã hiểu thế thì cũng chẳng cần Tân tự tình khúc mai này. Có lẽ, Ru khúc, Sầu khúc, Tình khúc đẹp hơn. Và, trong khi, ngậm trái đắng để làm gì hơn Sử Ký của Tư Mã Thiên, hãy ngâm thơ Nguyễn Bá Trác: "Chỉ ta ta biết, lòng ta ta hay”. Hoặc cùng bằng hữu ở Paris, đêm đêm, vật ngã vài chai hồng tửu, nghe Quỳnh Dao thở nhẹ:
Thôi, đành ru ta với ta
bằng xót xa< br />đêm già,
ngục đá
Rượu mềm môi nuối tiếc kiêu sa phôi pha
Ở dĩ vãng hiện về rét mướt phồn hoa…
Rồi đọc thơ Nguyễn Bính:
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Sau cái sơ yếu lý lịch, tôi ngừng lại. Tên chấp pháp – cứ như võ hiệp Kim Dung, chấp pháp, trưởng lão chấp pháp, mã đầu chấp pháp – ngồi hút thuốc, nhìn tôi viết. Y không mời tôi một điếu. Đúng là bản chất vắt chày ra nước của quê hương Hồ Chủ Tịch vĩ đại! Hay y cố tình thay đổi cung cách đối xử?
- Tôi nghĩ viết lâu rồi, không thể viết đúng yêu cầu của anh được.
- Phải khắc phục mọi khó khăn.
- Tôi không biết khắc phục.
- Thì tuân hành mệnh lệnh. Anh đọc nội quy chưa?
- Tôi đã đọc.
Nội quy trại giam, Điều 1: “Can phạm phải triệt để tuân hành chỉ thị và mệnh lệnh của chiến sĩ và cán bộ trong trại giam”.
- Vậy tuân hành đi.
Tôi tuân hành. Tôi cho chữ bò chậm chạp trên trang giấy. Tôi viết như học trò viết “Ecriture”. Tôi bỏ hàng thừa. Tôi để lề rộng. Đến giờ cơm trưa, chỉ mới được hai trang.
- Viết xong 10 trang thì anh về dùng cơm.
Y ngồi ì. Tôi ngồi ì. Không phải tôi không viết nổi mà là tôi chán viết. Chắc chắn, tôi tìm cách đổi chấp pháp. Với chúng tôi và với tất cả can phạm phản động hiện hành (những người chống cộng sau 30-4-1975), hễ chấp pháp làm việc không nổi hoặc không đủ khả năng làm việc với can phạm, Phòng Chấp Pháp thay thế công an chấp pháp khác. Can phạm có quyền nói thẳng với chấp pháp: “Tôi không thể làm việc với anh”. Chế độ Nguyễn Văn Thiệu cũng không hề đánh đập, tra tấn nhà văn, nhà báo khi họ bị bắt về bất cứ tội gì. Nhiều can phạm phản động hiện hành bị tra tấn bằng các kiểu còng, khóa ở đề lao Gia Định, bị đánh ở Cục Quân Báo (Tổng Nha Cảnh Sắt cũ) và trại Tô Hiến Thành. Những nhà văn bị bắt trong chiến dịch 2-4-1976 không hề bị đánh thẩm vấn ở Sở Công An, đề lao Gia Định, không hề bị chửi rủa tàn tệ. Đập bàn, quát tháo là căng nhất. Đưa vào cachot là biện pháp cuối cùng. Nắm được cái thế khỏi sợ ăn đòn, tôi bèn viết hoa lá cành về thời tiểu học. Ba Trung đã ra lệnh cho tôi: “Anh bỏ bớt râu ria thời thơ ấu”. Tôi quên Ba Trung, râu ria với tên chấp pháp Nghệ Tĩnh. Đoạn đời lớp ba ở huyện Phụ Dực, bị ỉa đùn trong lớp, tôi miêu tả kỹ lưỡng. Ông đói, mày cũng đói. Máy thèm ăn chứ ông không thèm ăn. Cơm tù hấp dẫn gì! Đúng năm trang chữ ruồi bò, y bảo tôi:
- Nghỉ, chiều viết tiếp.
- Chưa đủ 10 trang.
- Tôi bảo nghỉ!
- Tôi sợ buổi chiều không đủ 20 trang.
- Tôi bảo nghỉ. Đó là mệnh lệnh!
Bao tử của y chỉ thị y ban mệnh lệnh. Ăn cơm tập thể mà trễ bữa thì chỉ còn vét đĩa. Đã có ý đồ, tôi năn nỉ y:
- Tôi đang hăng say viết.
- Nghỉ!
Y dằng bút khỏi tay tôi. Rồi y kêu quản giáo dẫn tôi về phòng. Buổi chiều, y theo quản giáo đến tận phòng đón tôi ra làm việc. Cũng như buổi sáng, y ngồi hút thuốc, không thèm mời tôi. Tiếp tục quãng đời thơ ấu, tôi sang trang thứ sáu. Vẫn cung cách lề rộng, hàng thưa, chữ ruồi bò, tôi viết tự khai, viết những gì mà Ba Trung bắt tôi viết. Người chấp pháp miền Nam đã dặn dò tôi: “Anh sẽ phải làm tự khai nhiều lần. Vậy, khi viết phải sáng suốt mà nhớ những gì mình đã viết”. Tôi rất sáng suốt, lúc này, lúc mà tôi viết những gì tôi đã viết theo lệnh của Ba Trung. Được thêm hai trang, chấp pháp xứ Nghệ ra lệnh nghỉ. Y nhìn tôi, cười ruồi, gật gù:
- Anh thèm hút một điếu thuốc không?
Tôi có thói quen hễ viết là phải hút thuốc lá. Và hút liên miên. Ở nhà tù cộng sản, khi công an gọi ra làm việc, tù nhân không được phép mang theo thuốc lá và không được phép hút nếu công an không cho phép. Gã chấp pháp xứ Nghệ đã nghiên cứu kỹ lưỡng thói quen của tôi, y bắt tôi thèm hút để ban phát một ân huệ này, y sẽ đánh giá chúng tôi như những tên hèn mọn. Tôi chưa kịp trả lời, y nói tiếp:
- Anh Nguyễn Mạnh Côn rất chân thật. Anh ta thèm hút thuốc phiện, chúng tôi đem bàn đèn vào cho anh ta hút.
Tôi lặng thinh. Gã công an xứ Nghệ đã móc gói thuốc lá khỏi túi, đặt giữa bàn với hộp diêm Thống Nhất.
- Anh Côn viết tự khai thành khẩn lắm. Có đoạn anh ta chạy tội là đã không huấn luyện Hoàng Anh Tuấn, Nhã Ca và anh chống cộng sản. Các nhà văn trẻ của Sàigòn đã phản bội Nguyễn Mạnh Côn, phản thầy, chống cộng sản.
Tôi bắt đầu khó chịu.
- Anh Côn khai hết những điều không lấy gì làm đẹp đẽ về bản thân anh và nhiều người khác.
Tôi chợt nhớ thủ đoạn gây mâu thuẫn của công sản mà tôi đã đọc trong cuốn sách nào. Sự khó chịu sơ khởi dành cho anh Côn bỗng tiêu tan ngay. Người ta đã chọn anh Nguyễn Mạnh Côn là người quen tôi nhất để tạo niềm thù hận giữa tôi và anh Côn. Và tôi sẽ không ngần ngại trả đũa anh Côn. Và người ta sẽ nắm vững những gì anh Côn muốn dấu diếm. Đem bàn đèn vào nhà tù cho tù nhân hút thuốc phiện là điều không tưởng. Và nữa, chưa từng bao giờ anh Côn huấn luyện chúng tôi viết văn và chống cộng sản. Gã công an xứ Nghệ dừng ở đó. Y nhắc lại câu hỏi:
- Anh thèm hút một điếu thuốc không?
- Không. Tôi đáp.
- Hút đi, tôi chiêu đãi anh.
Y cầm gói thuốc lên:
- Tại sao anh khước từ?
Tôi mỉm cười:
- Vì tôi không thèm.
- Tại sao anh không thèm?
- Tôi đang được Đảng giáo dục. Thưa anh, bài học tập đầu tiên của tôi là khắc phuc mọi thèm muốn.
- Tốt.
Y bỏ gói thuốc vào túi.
- Chúng ta mạn đàm thân mật nhé?
Tôi nói:
- Tùy ý anh.
Y tỏ vẻ bực tức một cách rất … chân tình:
- Tại sao tùy ý tôi?
Tôi cũng tỏ ra rất chân tình:
- Anh Ba Trung khẳng định chúng tôi đang ở tù. Ở tù thì không được phép tùy ý mình.
Y cười:
- Anh ở tù với Đảng, với Cách Mạng, không ở tù vì tôi, với tôi. Đồng chí Ba Trung hơi lệch lạc tư tưởng. Bỏ cái hiện tại ở tù của anh đi, anh Duyên Anh. Ta nói chuyện khác.
Y chuyển đòn:
- Tôi đã đọc anh, đọc thật kỹ. Anh kiêu ngạo lắm. Viết phóng sự nguyền rủa cộng sản và bêu rếu lãnh tụ của chúng tôi, anh bảo anh viết bằng chân. Viết tiểu thuyết nham nhở, anh bảo anh viết bằng tay trái. Viết truyện trẻ con, anh bảo anh viết bằng tay phải. Viết tự khai, anh viết bằng gì?
Gã công an chấp pháp xứ Nghệ dồn tôi vào thế bí. Tôi trả lời thế nào? Nếu hôm nay, ngồi ở quán Đào Viên số 82 Rue Beaudricourt quận 13, Paris của người đẹp Lan Phương, bất cứ một thằng cộng sản nào hỏi câu tương tự, tôi sẽ đầy đủ can đảm và dũng cảm trả lời: “Tôi viết tự khai bằng củ cà-rốt của tôi”! Nhưng tháng 5 năm 1976, tôi nằm bẹp trong xà lim của Sở Công An Nội Chính, sự cao ngao của tôi mềm xìu. Tôi đã hèn mọn, tầm thường. Và tôi buồn bã nói:
- Anh hiểu tôi khó trả lời, hỏi mà chi?
- Hỏi để biết mà đánh giá tự khai của anh.
Gã chấp pháp xứ Nghệ xua tay:
- Thôi, anh đừng trả lời câu hỏi ấy nữa. Tôi trấn áp anh, tôi nhận khuyết điểm.
Nhìn tôi. Cái vẽ hãm tài trên khuôn mặt buổi sáng của y biến mất. Như thể, y đã lột mặt. Giọng nói của y, tuy trọ trẹ, mà đầy tình cảm:
- Anh Duyên Anh ạ, tôi vẫn còn ấm ức truyện dài mang tính cách tự thuật Trái chín rấm của anh.
Tôi chột dạ. Thằng này đọc tôi kỹ quá.
- Tôi cho sau Con sáo của em tôi, Cái diều, Nắng chiều quê nội, Đại dương trong lòng con ốc nhỏ là những kế tiếp xem TRÁI CHÍN RẤM có ngọt ngon bằng trái chín cây. Tại sao anh không viết thêm?
- Vì nó không thể chín.
- Nói thật đi, vì anh lấy vợ địa chủ và anh quên giai cấp của anh. Tôi biết, thằng Hữu sẽ đưa con Mai, em gái nó, vào đời khi bố mẹ nó chết. Anh em nó sẽ ê chề trong đời sống tư sản mà ông chú Nghiêm của nó là biểu tượng khốn kiếp. Cuối cùng, sẽ giống thằng Vọng, Hữu sẽ đi tìm cách mạng. Anh sẽ hơn mọi nhà văn cách mạng nếu dòng văn chương của anh không bị cắt đứt bởi giai cấp cố hữu của anh. Bản chất của anh là vô sản. Chưa muộn gì đối với anh. Anh có thể trở về sông Trà Lý. Xa dòng sông tình nghĩa ấy, anh phiêu lưu quá đà. Anh viết truyện Chiến tranh mèo chuột rồi đổi thành Rồi hết chiến tranh, anh phản bội giai cấp đích thực của anh, anh gọi giai cấp vô sản là chuột, mỉa mai cách mạng vô sản là thiếu chính nghĩa và tạo chính nghĩa cho bù nhìn mèo và thực dân phú ông. Anh nghĩ Đảng không quan tâm vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bắt cái bộ Dân Vận của ngụy quyền cấm anh viết phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt và ký Thương Sinh trên nhật báo Sống à? Anh bơ vơ, anh lạc lõng, anh tự nhận “Cộng sản không tha, quốc gia không dung”. Cộng sản nào không tha anh? Cộng sản dung anh. Anh về suy nghĩ đi …
Gã chấp pháp xứ Nghệ dẫn tôi về phòng. Y đã chơi tôi một đòn cân não, khiến tôi thao thức không ngủ suốt đêm. Y biết tôi nhiều mà tôi hoàn toàn không biết y. Cũng như những người đã chống cộng, đang chống cộng ầm ỹ chẳng hề biết tí ti gì về Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mãi mãi, người ta đánh giá cộng sản qua mấy chú bộ đội khờ khạo, nói ngọng. Con đường tù, con đường hệ lụy, xem chừng, còn hứa hẹn thật dài. Dương Nghiễm Mẫu đã dọn sẵn 12 năm. Tác giả Cũng đành không thích đếm những ngày tù, tháng tù. Tôi yêu Dương Nghiễm Mậu. Và tôi nói Dương Nghiễm Mẫu là nhà văn tôi yêu nhất. Cộng sản biết tôi nhiều hơn tôi biết tôi.
Ít độc giả thân mến nào của tôi nhắc tới truyện dài TRÁI CHÍN RẤM mà Con sáo của em tôi là chương nhất. Truyện dài này mang nhiều dáng dấp tự truyện. Tôi chỉ muốn diễn tả lòng hy sinh cao quý của người anh dành cho em gái. Hữu sẽ đưa em vào đời. Nó quên cả xuân đời của nó. Nó chịu đựng mọi đau đớn, moi nghịch cảnh. Khi tận mắt chứng kiến hạnh phúc của em, Hữu mới nghĩ đến mình. Thì nó đã héo hắt. Đã cuối thu. Sở dĩ tôi bỏ rơi TRÁI CHÍN RẤM vì không thể kéo dài một điệu buồn bã mấy trăm trang sách. Gã chấp pháp xứ Nghệ đã đổ vạ vợ tôi làm tôi quên giai cấp vô sản. Tôi đã chống đối sự quy định giai cấp cho con người. Nhưng tôi không hiểu tại sao cộng sản cứ muốn tôi xác nhận tôi thuộc gia cấp vô sản. Cộng sản bảo dung tôi và cộng sản bắt tôi, giam nhốt tôi nhục nhã. Và họ bảo tôi về suy nghĩ.
Không bao giờ tôi còn được gặp người chấp pháp xứ Nghệ nữa. Y lại bỏ rơi tôi. Cho đến một buổi chiều cuối tháng 6 năm 1976, cai ngục mở của với tờ danh sách can phạm đánh máy.
- Những người có tên sau đây…
Phòng B của tôi, lần lượt Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Hồng Dương, Đặng Hải Sơn và tôi, hành trang tù, rời khỏi phòng. Chúng tôi xếp hàng đôi với nhiều can phạm khác của các phòng. Ngồi xuống theo mệnh lệnh, chúng tôi chờ đợi. Chưa hiểu thân phận mình sẽ trôi dạt tới cái địa chỉ khốn kiếp nào của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, vừa mới thành công vĩ đại bầu cử quốc hội cả nước. Tôi, thật sự, mất hết từ đêm 8-4-1976. Tôi còn gì bây giờ nhỉ? Còn chứ, tôi an ủi tôi: Ta còn nhà tù!
- Mình đi đâu, Mậu?
- Có lẽ về đề lao Gia Định hoặc sang Chí Hòa. Đi đâu thì cũng là đi tù, ông ạ!
Bốn giờ, chúng tôi nghe cai ngục đọc danh sách lần chót. Rồi đứng dậy, hai người một cái còng nhãn hiệu USA, cộng sản còng tay chúng tôi, đẩy chúng tôi lên xe bít bùng. Tôi nhớ, năm 20 tuổi, xem một cuốn phim nhan đề “Ma vie commence en Malaisie”. Cuốn phim mô tả thân phận một phụ nữ Anh trong lửa đạn và sự chiếm đóng của Nhật ở Mã Lai. Người ta thường bắt đầu cuộc sống đích thực bằng nỗi khổ đích thực. Dường như, chỉ bằng nỗi khổ mà con người kinh quá, nó mới khám phá nổi những bí ẩn của đời sống và biết bắt đầu cuộc sống của mình tự đoạn nào. Một hôm, tôi gặp Bùi Duy Tâm ở ngã tư Phan Đình Phùng – Trương Minh Giảng, Sàigòn. Anh ta vừa từ trại cải tạo ra. Anh ta nói với tôi: “Bây giờ, chúng ta nhìn rõ cả trái đất. Song tới phút này thì cũng đáng kể là tới.” Định mệnh đưa tôi đi xa hơn cái tới đáng kể của bạn tôi. Tôi bị còng tay dẫn vào Sở Công An. Ngót hai tháng trời nằm đây, tôi đã tra vấn tôi không ngừng. Tôi được thảnh thơi nhìn lại 15 năm viết tiểu thuyết của tôi. Chữ nghĩa của tôi đã không làm tôi xấu hổ. Chỉ có niềm ân hận là tôi chưa xuất bản bộ truyện 1200 trang Vẻ buồn tỉnh lỵ. Cuốn cuối cùng của bộ truyện vẽ cảnh đời đau đớn, ngơ ngác 1954, y hệt cảnh đời bi đát, não nề 1975. Toàn bộ của nó là lịch sử 10 năm (1944 – 1954) dưới mắt và trong ý nghĩa tuổi thơ trôi nổi theo vận mệnh dân tộc. Cách mạng và chiến tranh. Hòa bình và thù hận. Mỗi đổ vỡ đều có thể xây dựng lại, trừ nỗi băng hoại tình người. Tôi rất tiếc đã mất cơ hội trở thành nhà văn tiên tri. “Nếu cần thì ta làm lại tất cả”. Từ tra vấn trong cô đơn, tôi chợt thấy tâm hồn tôi có một chuyển mùa kỳ lạ. Và tôi bỗng thèm sống, khao khát sống. Tôi muốn bắt đầu cuộc sống của tôi ở Một địa chỉ chung của chủ nghĩa. Cuộc phiêu lưu đi tìm ý nghĩa cho đời sống của tôi còn dài, vô hạn định. Nỗi thống khổ đầu tay của tôi là một thử thách nhẹ so với nỗi thống khổ của các văn hào thế giới. Nỗi thống khổ mà các nhà văn lừng lẫy của nhân loại đã trực diện, đã đương đầu, đã kiên nhẫn chịu đựng, đã phấn đấu im lặng ví như trái núi. Nỗi thống khổ tôi đang ngậm chỉ là cái móng tay. Cái móng tay chớ vội ồn ào khi trái núi nín thinh, bình thản liếm máu trên vết thương của mình mà cống hiến cho đời sống những ý nghĩa tuyệt với về tình yêu và hạnh phúc.
Trước đây, tuyệt nhiên tôi không có tham vọng văn chương. Hoặc nếu người ta bắt tôi phải công nhận tôi có tham vọng văn chương thì tham vọng văn chương ấy là thứ tham vọng giới hạn bằng vong đai biên giới quốc gia. Lúc này, lúc tay tôi đang đeo còng chế tạo tại USA, tham vọng văn chương của tôi cuồn cuộn, sóng gió, bão táp. Tôi thèm trả lời người cộng sản một câu nói đầy miệt thị “Thế giới đâu đã đọc sách của các anh”! Phải, thế giới chưa hề biết chúng tôi như những nhà văn rực rỡ nhân bản. Thế giới chỉ biết chúng tôi, chỉ nghĩ về chúng tôi như Nguyễn Ngọc Nghĩa ăn cắp tượng Chàm, như Phạm Văn Đổng mở sòng bạc, chứa thổ đổ hồ, như Hoàng Đức Nhã ngu si, nham nhở, như Nguyễn Văn Thiệu hèn mọn, như Đặng Văn Quang đốn mạt và bầy chồn cáo tham nhũng, lũ tướng lãnh đào ngũ trước lệnh đầu hàng, như bọn y sĩ ăn cắp… Thế giới, đáng lẽ, phải biết Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Hải Chí, Cung Tiến, Phạm Duy, Thanh Tâm Tuyền, Võ Hồng, Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Thiên Thư… Nhưng, với thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ say mê “Cô Gái Đồ Long”, với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu say mê “Căn nhà ngoại ô”, với Bộ trưởng Ngô Khắc Tỉnh mê hái hoa và vì mê gái chạy trốn không kịp, thế giới, hôm nay, vẫn tưởng miền Năm không có nhà văn lỗi lạc như miền Bắc. Miền Nam chỉ biết làm chiến tranh, làm giàu, không biết làm văn học nghệ thuật đúng nghĩa!
Tôi đã leo lên xe. Chúng tôi đã leo lên xe. Chuyến xe đời chập chùng hệ lụy. Tấm vải bố trùm kín mít. Xe nổ máy. Rồi lăn bánh. Giã từ Sở Công An, giã từ một địa chỉ chung của chủ nghĩa. Tôi đi tới một địa chỉ khác. Giã từ và cám ơn những cay đắng, nghẹn ngào vỡ lòng. Cám ơn nó đã cho tôi bắt đầu cuộc sống và tham vọng văn chương.
4-1985
Nhà Tù Nhà Tù - Duyên Anh Nhà Tù