Số lần đọc/download: 2702 / 72
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:26 +0700
Chương 10: Võ Nói, Võ Cắn, Võ Cấu...
Đ
àn bà đúng là người trời sinh ra để “tri thiên mệnh”... Et dieu créa la femme! Nhà tôi đã biết trước rằng tôi sẽ sinh nhiều tật nếu tôi lăn xả vào con đường báo chí. “Hồi xưa Lương Khoán nó ngoan và hiền lắm, từ ngày làm báo Tháu Cáy, nó hư đốn”. Anh Vũ Lữ Bằng đã nhận xét thế. Mà tôi hư đốn thật. Tội nghiện thuốc lá, nghiện cà phê. Thỉnh thoảng, vui tình đồng nghiệp, tôi còn hít dài bi tô phe nữa! Để bào chữa, tôi thường gân cổ nói:
- Thuốc lá giúp tôi gây cảm hứng. Cà phê giúp trái tim tôi đập loạn cào cào: Tôi muốn thức suốt đêm mà viết lách chứ. Còn, năm thì bảy họa, theo anh em tới tiệm hút thuốc phiện cũng là để hiểu rõ những con người hít tô phe và nghệ thuật hít tô phe. Đấy, Tam Lang viết phóng sự “Tôi kéo xe” chẳng đã gò lưng tôm kéo xe tay đấy ư? Tôi là người viết báo chân chính, tôi không thể viết phóng sự... tưởng tượng được.
Nhà tôi hỏi:
- Tất cả những người viết báo đều xấu xa thế, hả?
Tôi anh dũng đáp:
- Tất cả. Và tất cả những thằng viết báo trên cõi đời này đều nói phét hết. Càng những thằng viết đả kích thiên hạ, chê bai mọi sự thối nát, bẩn thỉu của thiên hạ, càng là những thằng đê tiện nhất.
Nhà tôi bỏ nhỏ:
- Vậy mà anh đã đả kích thiên hạ.
Tôi lặng người, buông thõng đôi tay:
- Anh chỉ là một thằng người với đủ nỗi xấu xa của nó. Định mệnh đã đẩy anh vào làng báo. Chủ báo đã thuê anh viết bậy. Khi anh đặt bút viết bới móc thiên hạ, anh đã nguyền rủa anh trước rồi. Đôi bận, anh nhìn anh trước gương, anh tự hỏi anh có đủ tư cách phán xét thiên hạ không. Và anh đã xấu hổ. Nếu anh được làm lớn, anh cũng sẽ ăn cắp, mất dạy. Anh chỉ hơn thiên hạ là anh chữa được làm ở một nơi được ăn cắp, ăn hối lộ. Anh tưởng thế là anh sạch. Em biết đó, anh đã ngần ngại nhưng chủ báo nó khích anh, nó bốc anh như hiệp sĩ “thế thiên diệt bạo”, nó bảo đảm anh trong sạch nên anh lại hung hăng con bọ xít. Anh ví như con bồ câu trắng, bay ra khỏi chuồng, bị một vết bùn làm bẩn bộ lông rồi cũng đành dầm cả mình xuống bùn nhơ. Anh là kẻ bỏ đi rồi, là kẻ bất hạnh trong sự thành công sớm của mình.
Nhà tôi buồn rầu:
- Thì anh đừng làm báo nữa. Anh chỉ viết văn thôi. Anh hãy trở về nghề công chức cũ, ở đấy, anh có những người bạn tốt như anh Nguyễn Thế Xương, anh Phan Ngọc Cẩn, anh Nguyễn văn Quảng, anh Bùi Quý Chữ... Bạn làm báo của anh, em thấy nhiều người nham nhở, vô học quá. Trước mặt vợ bạn mình mà họ văng tục thô lỗ. Họ không biết kính trọng vợ bạn. Họ rủ rê anh cờ bạc. Chủ báo mà gạ ký giả về nhà mình đánh bạc để cho vay lương mà thua hết thì em sợ quá. Em không muốn anh giao du với những người đó.
Tôi thở dài:
- Để anh tính sau, em nhé!
Nhưng tôi đã không xét lại gì cả. Nhảy vào cái nghề viết báo như nhảy vào chiếu bạc. Dù nhảy vào ngồi chầu rìa, vẫn muốn ngồi ì cho tới khi rã đám. Nhiều anh có biết viết báo đâu, vưỡn khoái xin... thẻ nhà báo. Nhiều anh bảy năm mới gởi đăng một bài to bằng bàn tay, lạy lục chí chết để tòa soạn đăng giùm, vưỡn xưng mình là... ký giả! Tôi biết vài ông bác sĩ, kỹ sư, gọi ông ấy là bác sĩ, kỹ sư các ông ấy giận. Các ông ấy khoái coi như những... nhà báo lỗi lạc. Trong khi, tôi lại thèm làm bác sĩ, kỹ sư! Sự đời nó oái oăm vậy đó. Tôi cũng biết rất nhiều ông ký giả tập sự, chạy ra khỏi tòa báo mà gặp ai đụng chạm tới các ông ấy, các ông ấy dọa “viết bài”, sợ lắm. Ăn quỵt bị đòi tiền, dọa “viết bài” để nhà nước đóng cửa tiệm. Làng báo Việt Nam hơi đông những ký giả ly kỳ, quái gở. Tôi là một trong số ký giả ly kỳ, quái gở ấy. Sau này bỏ nghề báo, tôi phải viết cuốn “Hồi ký” mới xong. Và tôi tin rằng, đọc hết cuốn “Hồi ký” của tôi, khối nhà báo sẽ khóc thét lên.
Nhà tôi hiểu tôi hơn ai hết về “cái gọi là” sự thật mà bọn nhà báo thường hãnh diện phô trương. Chẳng hạn, đã có hồi tôi phụ trách, mục “Gỡ rối tơ lòng”. Ký bút hiệu con gái, một nữ độc giả hỏi:
- “Chồng em hay bợp tai, đá đít em quá chị ơi! Anh ưa nhậu nhẹt. Em khuyên ảnh bớt nhậu nhẹt đi ảnh hổng nghe và còn đánh đập em tối ngày. Chị khuyên em phải làm sao bây giờ”?
Tôi đã trả lời:
- “Chồng em là thằng vũ phu, côn đồ, thô bạo. Kìa loài vật bốn chân, em có thấy con đực cắn, húc con cái bao giờ đâu. Nếu chị là đàn ông chị sẽ nuông chiều vợ chị, chị sẽ đặt hãng bàn ghế Phan văn Nhị làm một cái ghế giống cái ghế của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị để vợ chị ngồi và chị quỳ lạy, tung hô vợ chị vạn tuế. Em ơi, gặp thằng chồng cu ly như chồng em, em hãy mua thuốc chuột trộn vào thức ăn cho nó chết trợn mắt. Em đừng vuốt mắt nó. Để Diêm Vương làm công việc đó. Hôn em nhé!”
Nhà tôi vớ được câu trả lời nữ độc giả nọ, cười rũ rượi. Nàng nói:
- Anh trình bày sự thật tuyệt quá. Trước hết, anh là thằng tồi, thằng bịp. Anh bịp các nữ độc giả. Anh mặc jupe, đeo xú cheng để... gỡ rối tơ lòng, để “hôn em” và “yêu em” trên giấy. Anh là sa đích văn nghệ.
Tôi cãi:
- Bao nhiêu đứa đã ký tên con gái chứ đâu chỉ riêng mình anh. Có thằng già đờ cốc xi cốc còn vỗ cái bụng nhăn nhó của nó mà khoe “Cô Huyền Diệu đây”, thì sao? Lại có thằng mặt mũi y hệt “cô sơ ma đờ đa quy la” phong cho mình cái tên con gái mỹ miều là Kiều Diễm Lệ thì sao?
Nhà tôi xua tay:
- Họ đều là lũ bịp. Họ nói dối chính họ thì họ nói thật với ai. Em biết một trăm thằng nhà văn, nhà báo thì chín mươi thằng cố giấu chuyện vợ con mình. Thí dụ anh. Anh đã trả lời ấm ớ “Ồ, đừng hỏi chuyện ấy” khi các cô hỏi anh có vợ chưa, được mấy con. Em để ý còn thấy anh trả lời lấp lửng. “Chưa, em ơi, em gái ơi, nước mình chiến tranh nặng quá, đợi anh đi quân dịch để thương nòi giống trước rồi anh trở về với vòng hoa chiến thắng, anh mới tính toán. Chờ anh em nhé, giết xong giặc anh về...”
Tôi nghiến răng:
- Thôi.
Nhà tôi bình tĩnh:
- Tại sao lại thôi? Anh, nhà báo các anh ưa vạch trần sự thật mà...
Tôi hét:
- Có những sự thật không tiện nói ra.
Nhà tôi lắc đầu:
- Phương châm của anh đấy. Điều tâm niệm của anh đấy, hả? Nếu anh can đảm, anh hãy nói cho nữ độc giả của anh biết rằng, Lương Khoán, nhà báo đang lên để sẽ rớt xuống vũng bùn tội lỗi, đã hành hạ vợ như những thằng vũ phu, côn đồ, thô bạo.
Tôi mím môi:
- Em xâm phạm vào tự do cá nhân của anh, hả? Chúa chỉ dạy người ta không nên nói dối chứ Chúa không cấm nói dối. Và Chúa không cấm nhà báo nói dối. Thời của Chúa, chưa có nghề viết báo.
Nhà tôi cười nhạt:
- Người ta khác loài vật, anh nhỉ?
Tôi đáp:
- Chính thế.
Nhà tôi bèn đi một đường... chứng minh hình học mà luân lý học gọi là tam đoạn luận:
- Nhà báo khác người ta.
Tôi đá phốc cái ghế trước mặt:
- Em ví anh giống loài vật à? Cô hạ nhục tôi ư?
Nhà tôi vẫn điềm nhiên:
- Em không dám ví anh. Em là vợ anh mà. Em lấy anh khi anh làm công chức lương khoán. Em không biẽt anh viết báo. Chồng em là Nguyễn văn Lương không bao giờ là Lương Khoán cả.
Nghe nhà tôi bình phẩm về sự gian dối của nhà báo, tôi chỉ còn cách gân cổ nói “Có nhưng sự thật không tiện nói ra” để khỏa lấp phần thua của mình. Và tôi đã khen thầm nhà tôi “Con mụ này nó biết nhiều quá xá!” Tôi dịu giọng:
- Nghề báo là nghề cao quý.
- Nghề nào chẳng cao quý. Nhưng những người làm báo thích khoe sự cao quý của nghề nghiệp mình.
- Anh đâu có khoe?
- Anh quên rồi, anh vẫn khoe. Anh lấy làm hãnh diện.
- Từ Chung không đáng hãnh diện sao?
- Đáng chứ. Chỉ tiếc anh đã không làm việc với những người như Từ Chung. Anh làm mọi cho thằng bất lương. Nó ngủ với người đàn bà bất hạnh rồi quên người ta. Và đủ can đảm viết truyện đăng báo. “Xi ních”! Em tởm hạng người đó.
- Nhờ em tí. Cả nước đã ái mộ nó, coi nó là hiện tượng lạ trong văn học hiện đại.
- Vậy thì cả nước mù!
- Mình em sáng?
Tôi không hiểu tại sao nhà tôi ghét chủ nhiệm Mùn Sẩu thế. Có lẽ, nàng đã được nghe nhiều người nói về quá khứ nham nhở của Mùn Sẩu. Đàn bà không thích chồng con mình giao du với những người thiếu tư cách. Mà tôi, vì nghề nghiệp tôi phải giao du với đủ hạng người trong xã hội. Nhiều người đàn bà mê lính không phải mê theo nghĩa thời thượng, mê cho hợp thời trang, cho ra vẻ ta đây sót thương người bảo vệ non sông. Mà mê đời sống có kỷ luật, có trật tự. Các bà sùng kính triết lý “cơm nhà quà vợ”. Triết lý này, được đa số các đức ông chồng công, tư chức, nhà binh tôn thờ. Tôi đã thấy các bà vợ say mê ngắm đoàn quân diễn hành. Các bà yêu những bộ đồng phục. Quả thật, bộ đồng phục nó hiện rõ tác phong đạo đức của những người mặc nó. Dĩ nhiên, chỉ tương đối. Ở đời có gì gọi là tuyệt đối đâu.
Tôi nín thinh. Nhà tôi bồi thêm một cú chót:
- Tháng này, anh có quyền tiêu hết số lương của anh. Mẹ con em không thèm sống bằng tiền viết báo.
Tôi ngạc nhiên:
- Em nói gì?
Nhà tôi lắc đầu:
- Em không nói gì cả. Con cái chúng ta, có thể, lớn khôn trong nỗi túng quẫn nhưng phải lương thiện và ngay thẳng. Chúng nó không thể hãnh diện nếu bố mẹ nó đã dối trá mọi người.
Tôi gắt um:
- Anh kiếm tiền bằng mồ hôi, chứ, đi lường gạt ai?
Nhà tôi ứa nước mắt:
- Anh viết báo vất vả, em biết, song anh chỉ... nói láo! Thôi em không nói nữa, sợ anh bảo lắm mồm, anh sinh sự. Em nhất định không nói nữa.
Tôi nghiến răng:
- Ừ, em cũng nên im đi. Đàn bà chẳng nên xía vô công việc làm ăn của đàn ông.
Đóng cửa rầm một cái, tôi cút. Nhà tôi bắt đầu khóc thành tiếng. Nhưng xe đã rồ máy, Lương Khoán sang số và nhấn ga. Chín giờ tối, “ký giả” Lương Khoán mới “trở về mái nhà xưa”. Cửa đã mở chốt sẵn. Chàng chỉ việc đẩy vào. Ba đứa con chàng ngủ rồi. Vợ chàng đang ngồi ở xa lông, đọc những bức thư cũ. Những bức thư xưa. Những bức thư tình rất xa như một dĩ vãng êm đềm. Những bức thư của chàng gởi về Cần Thơ cho nàng thuở chàng còn lê gót phong trần sau ngày rời Cần Thơ và sau ngày duyên bén. Nàng ngồi lặng yên. Đôi mắt tròn to, đen thăm thẳm. Quá-khứ-con-gái-ông-điền-chủ chưa biến mất thì hạnh phúc tình yêu đã trở thành quá khứ. Lúc đó, tôi không thương hại vợ tôi, mà chỉ bực mình. Tôi thấy nàng ngồi lù lù một đống. “Ký giả” Lương Khoán ném cái cặp xuống bàn:
- Em ăn cơm chưa?
- Chưa.
- Dọn cơm ăn đi chứ, còn đợi gì nữa?
- Còn đợi anh.
Tôi bước vô nhà. Cơm đã dọn xong từ lâu. Trên bàn chỉ có một cái bát, một đôi đũa. Ly nước đá đã tan thành nước nằm ngẩn ngơ cạnh chai “li-mô-nát” chưa khui.
- Em không ăn à?
- Không, em không đói.
- Vậy dẹp đi, anh cũng không đói.
Nhà tôi nói:
- Em hâm nóng thức ăn ba lần rồi.
Tôi gắt:
- Đã dặn cứ việc ăn trước nếu đói, không phải chờ đợi anh. Anh là một nghệ sĩ, cơm hàng cháo chợ, ngồi đầu hè ăn đĩa cơm cũng xong. Người nghệ sĩ không cần biết thời gian. Không thể bắt anh ngày hai bữa về ăn cơm nhà được.
Nhà tôi nhẹ nhàng:
- Em có bắt anh đâu.
Tôi càu nhàu:
-Tại sao em không ăn trước, cứ chờ anh để quá bữa đâm ra no?
Nhà tôi đáp giọng buồn rầu:
- Ăn cơm trước, không chờ chồng là một cái tội, chờ chồng về ăn cũng là một cái tội.
Và nước mắt lại ứa ra. Tôi giậm chân:
- Này, anh chán nghe em kể lể con cà con kê, chán nghe em khóc rồi, chán tất cả mọi sự trên cõi đời này.
Nhà tôi còn ấm ức:
- Em biết. Em biết anh chán mẹ con em rồi.
Tôi vừa bị mấy thằng ranh con trong tòa báo đánh đòn ngầm, chưa hết bực bội, về nhà thấy cảnh tượng u ám này, máu giận bốc lên ngùn ngụt. Tôi hét:
- Câm miệng đi!
Nhà tôi đưa cánh tay áo quẹt nước mắt:
- Em có dám nói đâu, tại anh hỏi đấy chứ.
- Lý sự hả?
- Chẳng lý sự gì hết.
- Thôi.
- Tôi cần phải dứt khoát với anh đêm nay. Rồi chúng ta sẽ xa nhau.
- À, bộ cô muốn bỏ tôi theo thằng khác hả?
Nhà tôi quắc mắt dễ sợ. Như một con gà mái yếu đuối sù lông cổ sửa soạn chiến đấu với diều hâu để bảo vệ lũ gà con. Như một con nhím dựng đứng bộ lông của nó khi gặp kẻ thù. Như một kiếm sĩ Tây phương thời trung cổ bị xúc phạm danh dự là tuốt gươm đòi... “đuy-en”. Nhà tôi nghiến răng:
- Anh nói năng thận trọng một chút. Tôi là con nhà có học, không phải gái... nghệ sĩ! Tôi không theo anh như thứ gái giang hồ theo dân tứ chiếng.
Tôi đạp tung cái bàn sa-lông:
- Cô ám chỉ tôi là đứa vô học, tứ cố vơ thân, dân móc ở thùng rác ra chứ gì? Thằng này thân lập thân, cóc nhờ vả ai hết. Bán cái sự vô học của tôi cũng nuôi được khối người.
Nhà tôi vừa khóc vừa lượm những bức thư tình tôi gởi cho nàng sáu năm trước. Tôi bỗng thấy ngượng ngùng, xấu hổ vì những bức thư. Tôi biết, tôi đã viết rất nhiều câu giả dối, rỗng tuếch và rẻ tiền. Những bức thư tình, phần đông, là những bức gò gẫm văn chương, do đó, nó chả thật thà chút xíu nào. Chàng nằm ngủ như chết nhưng vẫn viết thư nói phét anh thức trắng đêm để tưởng nhớ em. Và nếu chàng bị ảnh hưởng “Quốc văn giáo khoa thư” chàng dám vi vút như thế này: “Một đêm nằm mãi không ngủ được, anh lắng tai nghe tiếng động quanh nhà. Tiếng con mọt đục gỗ đầu giường. Tiếng con thạch thùng tặc lưỡi. Tiếng con muỗi vo ve. Tiếng chuột rúc rích. Những tiếng đó đã chết đi, chỉ còn tiếng thở của em trong hồn anh...” Hoặc bị âm nhạc cải cách quyến rũ thì chàng sẽ mở đầu bằng câu “Một đêm dài nhớ em” tuy đêm dài ấy chàng vẫn mê mãi với tây, đầm, bồi, xì! Những câu tỏ tình rẻ tiền, giả tạo, tưởng chỉ nhặt ra được từ những bản nhạc lãng mạn hôm nay, từ những cuốn tiểu thuyết trữ tình bày vỉa hè và dành riêng cho ma ri sến, không ngờ, còn nhặt ra được từ những bức thư tình. Dù của danh nhân. Dù của Napoléon gởi cho Joséphine. Rất nhiều lần, tôi viết cho Phượng, khi hai đứa còn yêu nhau, hứa rằng, nếu lấy nhau, tôi sẽ làm cho Phượng được sung sướng. Sung sướng trong sự nghèo khổ.
Và, bây giờ tôi bắt Phượng khổ. Phượng không mang những lời hứa năm xưa ra xỉ vả tôi. Nàng chỉ đọc. Đọc để quên thực tại phũ phàng, để được lạc về vùng sương màu huyền ảo của tình yêu. Nàng muốn sống lặng yên bằng kỷ niệm cũ. Tôi không ngờ Phượng hài tội tôi một cách tế nhị, thoang thoảng đau. Tôi xấu hổ. Và tôi đã, như con chó sói chồm mồi, vồ cả chồng thư còn nguyên phong bì và tem đóng dấu nhà bưu điện xé nát.
- Dẹp đi, dẹp đi! Hiện tại không phải là dĩ vãng. Cô đã lấy tôi, đã có ba mặt con, đừng bầy trò... lãng mạn.
Nhà tôi ôm lấy tôi:
- Em lạy anh, anh đừng xé những bức thư đó.
Tôi xé kỹ hơn:
- Tôi ngượng quá, tôi đã nói láo.
Nhà tôi khóc sướt mướt:
- Không, anh không nói láo, anh nói thật. Bao giờ anh cũng nói thật. Ngày xưa anh đã nói thật với em. Bọn mất dạy ấy dạy anh nói dối, dạy anh sống phóng túng và bạc đãi em.
Tôi cứ tiếp tục. Nhà tôi giận quá, nắm lấy tay tôi và xuất miếng... “cẩu quyền”. Đó là đòn cắn, đòn thông dụng của các bà vợ trên cõi đời này. Tôi giật tay ra và tát nhà tôi một cái nảy đóm đóm mắt.
- Cô toan ám toán tôi hả? Cô định giết “ký giả” Lương Khoán, một “nhân tài” của xứ sở hả?
Tôi đá Phượng một cú vào mông. Cái giầy mỏ vịt lỏng quá, tung lên trần nhà. Nàng xông vô tôi để chịu đòn:
- Anh giết tôi đi, anh cứ giết tôi đi cho tôi đỡ khổ. Đánh nữa đi, đồ vũ phu, thô lỗ!
- Mi bảo ta là vũ phu, hả?
- Ta bảo đấy, mi là đồ đứng bến, quân hèn hạ.
Phượng chụp cái gạt tàn thuốc lá bằng sành ném trúng đầu tôi. Điên tiết, tôi thoi nàng nhiều trái. Nói là điên tiết nhưng còn sáng suốt lắm. Tôi chỉ thoi những trái nửa ký thôi. Chứ, thoi những trái hai ký, chắc hôm nay tôi đã nằm trong khám lạnh và ngày về nhà, tôi trở thành kẻ mồ côi vợ.
Nhưng mà, ngay cả những trái đấm nửa ký hay non nửa ký cũng đã đủ làm cho địch thủ ngất ngư con tầu đi rồi. Khi chiến trường kết thúc, khi võ đài vắng hoe, địch quân thường đi... nằm nhà thương Saint Paul hay Duy Tân. Kẻ chiến thắng lại méo mặt xoay khoản tiền trả bệnh viện. Và lạy địch quân bằng thích để địch quân... tái chiếm vị trí. Song, giữa cái lúc hăng tiết vịt, địch quân không biết đau đớn. Địch can đảm lạ thường. Địch lăn xả vào cấu, cào, cắn. Và, đòn quyết liệt của địch gây nguy hại cho nòi giống, nói ra thấy kỳ thấy mồ đi ấy, là đòn “bóp”, ngón võ cổ truyền Việt Nam. Cấu, cào, cắn, đấm, dùng đủ khí giới vồ được mà đập chán chê và hụt đòn... “bóp”, địch quân la hoảng, Dân chúng vùng dậy khóc như ri. Dân chúng nghiêng cảm tình về phía địch. Cuộc đập phá bắt đầu như đã bắt đầu. Luôn luôn bắt đầu. Chỉ là sự bắt đầu. Mãi mãi bắt đầu.
- Tí, Ki, Đốm, đứa nào đi với mẹ?
- Con.
- Con.
- Con.
Tôi rít qua kẽ răng:
- Đi hết đi!
Nhà tôi rỉa rói:
- Đi hết cho bố các con xây dựng sự nghiệp. Sự nghiệp của bố các con sẽ lẫy lừng lắm. Dậy hết đi, các con!
Bọn nhỏ, đứa còn nhắm mắt, đứa đang ngáp dài, nhất tề theo lệnh mẹ. Tôi nói, giọng đã dịu đi vì sợ áp lực của tình thương:
- Để cho chúng nó ngủ. Muốn đi, mai hãy đi. Giới nghiêm rồi, đi đâu?
- Đi đâu kệ tôi. Đi cho đạn nó bắn bể óc ra.
- Cu Ti ở lại với bố.
Ý của tôi muốn bắt chước Lạc Long Quân. Tôi sẽ đem thằng con trai đầu lòng lên núi để Âu Cơ dẫn hai đứa nhỏ xuống bể. Nhưng ông nhô phản bố:
- Con thương mẹ.
- Thì mày cút đi, cút đi!
Nói vậy cho hách, cho tàn nhẫn. Thực ra, chùm chìa khóa tôi đã vất vào lu nước. Và, dùng xảo thuật, tôi lấy “tuốt nơ vít” cậy đứt miếng chì ở “công tơ”. Bọn lỏi hét loạn:
- Cúp điện rồi!
Nhà tôi đang hí hoáy thu dọn khăn gói quả mướp trong buồng, không hay tôi mở nắp đậy cầu chì ở “công tơ”. Nàng xua con lên giường. Lại khóc. Lũ nhỏ ngủ mất tiêu. Tôi nằm ngoài xa lông, mặc cho muỗi đốt. Đêm ấy là đêm không ngủ đầu tiên trong đời tôi. “The winner takes nothing”. Văn hào Ernest Hemingway đã viết cuốn tiểu thuyết nhan đề ấy. Kẻ chiến thắng không ăn cái giải gì. Thấm thía quá. Tôi nằm nghe muỗi vo ve, nghe tiếng ấm ức của nhà tôi và nghe những con mọt hối hận đục trái tim mình. Bất giác, tôi lại nhớ kỷ niệm cũ. Kỷ niệm ngày hai đứa mới yêu nhau.