Nguyên tác: The Last Oracle
Số lần đọc/download: 2571 / 53
Cập nhật: 2015-09-14 05:29:44 +0700
Chương 7: Ngày 6 Tháng 9, 4:55 Am, Giờ Est Thủ Đô Washington D.C
C
ô bé như một món hàng nhỏ vẫn còn cất giấu bí ẩn.
Painter quan sát qua ô cửa sổ. Cuối cùng cô bé đã chìm vào giấc ngủ. Kat Bryant ngồi bên cạnh trông nom cô bé, một tái bản truyện ngắn Những quả trứng xanh và thịt nguội của Tiến sĩ Seuss (bút danh của nhà văn Theodor Geisel (ND) vẫn còn để ngỏ trên đùi bà. Bà đọc truyện ru ngủ cô bé cho đến khi thuốc an thần phát huy tác dụng.
Đứa trẻ không nói một lời nào kể từ khi họ đến nơi lúc nửa đêm. Đôi mắt cô bé vẫn tìm kiếm, rõ ràng là đang ghi nhận những gì xảy ra xung quanh mình. Nhưng không có phản hồi nào đáp lại dù là nhỏ nhoi, cô bé cứ lắc lư hầu như mọi lúc, cứng đơ người khi bị chạm vào. Họ đã động viên cô bé uống hết một hộp nước trái cây và ăn hai cái bánh nhân sôcôla. Vài xét nghiệm ban đầu cũng được tiến hành: sinh thiết máu, sức khỏe tổng quát, thậm chí là chụp cộng hưởng từ toàn bộ cơ thể. Cô bé vẫn sốt nhẹ nhưng không còn đáng lo như lúc trước.
Trong quá trình kiểm tra tổng quát, họ cũng tìm thấy một máy thu phát siêu nhỏ gắn sâu dưới bắp tay cô bé, sẽ cần đến phẫu thuật để tách rời con chíp, vì vậy họ quyết định giữ nguyên. Hơn nữa, tín hiệu cũng đã bị cách ly, bị chặn hoàn toàn ở nơi đây. Không có cách nào lần theo.
Kat vặn mình đứng dậy. Bà mặc thường phục, mái tóc nâu vàng nổi bật trên nền áo tráng, chiếc sơ mi thụng bằng vải bông trễ xuống chiếc quần màu nâu nhạt. Bà được gọi đến trung tâm chỉ huy từ điện thoại nhà riêng với yêu cầu giám sát hiện trường. Trong khi Gray cùng đồng đội đã yên vị trên máy bay, bà cảm thấy mình hữu ích hơn bao giờ hết. Có một cô con gái nhỏ nên Kat đã mang theo quyển truyện của Tiến sĩ Seuss. Mặc dù đứa trẻ vẫn tỏ ra lãnh đạm, cô bé khiến Kat ấm lòng, chuyển động lắc lư của cô bé chậm dần.
Painter thấy vui khi thấy Kat Bryant trở lại làm việc. Sau cái chết của người chồng, Monk, bà đã trầm cảm nhiều tuần liền. Giờ đây có vẻ tinh thần đã hồi phục, bà lại tiếp tục hướng về cuộc sống phía trước.
Rời khỏi căn phòng, Kat nhẹ nhàng đóng cửa, bước vào khu theo dõi Painter đang đứng. Những chiếc ghế tựa xếp quanh chiếc bàn họp.
"Cô bé ngủ rồi." Kat ngồi thụp xuống ghế, thở dài.
"Bà cũng nên nghỉ ngơi. Vài giờ nữa máy bay của Gray mới đáp xuống Ấn Độ."
Bà gật đầu. "Tôi sẽ dặn dò bảo mẫu săn sóc cho Penelope rồi nghỉ vài tiếng."
Cánh cửa bên ngoài tiền sảnh bật mở. Cả hai nhìn thấy Lisa Cummings và bác sĩ Malcolm Jennings, nhà nghiên cứu bệnh học của trung tâm, đang tiến vào phòng, cả hai khoác trên người áo blu phòng thí nghiệm và trang phục khử trùng màu xanh, thảo luận rất sôi nổi nhưng khá nhỏ nhẹ. Tay Lisa nhét vào túi áo khoác trùm kín vai, một biểu hiện đang tập trung cao độ. Mái tóc vàng óng được bà búi cao kiểu Pháp, cả hai đã dành cả tiếng đồng hồ trong phòng MRI để lấy kết quả.
Sau một hồi huyên thuyên rất hăng say - toàn những thuật ngữ y khoa đến Painter cũng không thể hiểu nổi - họ đưa ra vài kết luận mặc dù chưa nhất trí đến cùng.
"Điều biến thần kinh ở phạm vi ấy mà lại không có hỗ trợ của tế bào thần kinh đệm sao?" Lisa vừa nói vừa lắc đầu. "Đương nhiên là việc kích thích tĩnh mạch nền não bộ trung tâm thì có cơ sở."
"Nó là?" Painter bất ngờ lôi kéo sự chú ý của cả hai.
Lisa cuối cùng đã nhận ra sự có mặt của Painter và Kat. Hai vai giãn ra, bà buông tay khỏi túi áo. Bà nở một nụ cười dịu dàng đặc trưng cho khuôn mặt khi ánh mắt chạm vào ông. Bà bước đến ôm lấy vai Painter rồi ngồi xuống.
Malcolm ngồi ở chiếc ghế trống còn lại. "Đứa trẻ thế nào rồi?"
"Hiện đang ngủ," Kat trả lời.
"Vậy chúng ta đã khám phá ra điều gì?" Painter hỏi ngay vào vấn đề.
"Ta đang chiêm ngưỡng một khung cảnh cả mới lẫn cũ," Malcolm đáp một cách khó hiểu. Ông đeo vội kính lên mắt, màu xanh nhẹ giúp ông nhìn vào màn hình máy tính mà không bị mỏi. Khi mắt kính đã cân, ông mở chiếc máy tính xách tay mang theo, "chúng tôi đã tổng hợp những hình ảnh MRI (viết tắt của Magnetic Resonance Imaging): máy chụp cộng hưởng từ, được dùng để kiểm tra hầu hết các cơ quan trong cơ thể (ND) của đứa trẻ và phân tích của tôi về cái hộp sọ, cả hai đều như nhau, mặc dù não bộ của đứa trẻ phức tạp hơn."
"Khác nhau thế nào?" Kat lên tiếng.
"Hầu hết các bộ phận là thiết bị phát TMS" Malcolm đáp.(TMS (viết tắt của Transcranial Magnetic Stimulators): tác nhân kích thích từ xuyên qua hộp sọ (ND).
"Tác nhân kích thích từ xuyên hộp sọ," Lisa bổ sung mặc dù khó lòng mà hiểu được.
Painter cũng như Kat đều tỏ ra khúc mắc. "Sao ông không giải thích lại từ đầu?" ông yêu cầu. "Dùng từ ngữ dễ hiểu thôi."
Malcolm gõ bút lên đầu. "Vậy thì ta bắt đầu từ đây. Não bộ của loài người. Bao gồm ba mươi tỷ tế bào thần kinh. Mỗi tế bào liên kết với nhau thông qua nhiều khớp thần kinh. Tạo ra khoảng một triệu tỷ những liên kết thần kinh khớp nối. Những liên kết này lại lần lượt tạo ra hàng loạt những mạch thần kinh. Thật khổng lồ, ý tôi là theo thứ tự tăng dần đến 10 cộng thêm một tỷ số 0 đứng đằng sau."
"Một tỷ số 0 sao?" Painter ngạc nhiên.
Malcolm nhìn Painter qua gọng kính. "Đấy là đưa ra cho ông hiểu quy mô. Tổng số nguyên tử trong toàn vũ trụ chỉ là con số 10 theo sau bởi tám mươi con số 0."
Trước phản ứng bất ngờ của Painter, Malcolm gật đầu xác nhận. "Vì thế còn rất nhiều năng lượng tinh vi tiềm ẩn trong hộp sọ con người mà chúng ta hãy còn trong giai đoạn đầu nắm bắt. Mới chỉ đang khám phá bề mặt." Ông chỉ về phía cửa sổ. "Ai đó bên ngoài kia đã nhảy vào đào sâu nghiên cứu hơn ta."
"Ý ông là gì?" Kat tỏ ra quan tâm lo lắng cho đứa trẻ.
"Với công nghệ hiện thời, ta đang dự kiến những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực mới này. Cũng giống như gửi tàu thăm dò vào không gian, ta đang tiến hành đưa điện cực vào não bộ. Mọi tín hiệu truyền vào não bộ đều qua xung điện. Ta không nhìn thấy bằng mắt thường. Bộ não chúng ta thấy được. Đó là lý do tại sao các mô cấy ốc tai điện tử giúp người điếc nghe được. Mô cấy sẽ biến âm thanh thành xung điện rồi truyền đến não thông qua một vi điện cực được chèn vào dây thần kinh thính giác. Theo thời gian, vỏ não học cách diễn giải tín hiệu mới, cũng giống như khi tiếp thu một ngôn ngữ mới, người điếc bắt đầu nghe được."
Malcolm đưa tay về phía máy tính. "Não bộ loài người - vừa mang cảm ứng điện vừa dễ điều chỉnh các tín hiệu mới - có khả năng thiên bẩm để kết nối với máy móc. Theo ý nghĩa nào đó, điều này khiến chúng ta trở thành những người máy tự nhiên hoàn hảo."
Painter chau mày. "ông đã nghiên cứu đến đâu những vấn đề này?"
Lisa đặt tay lên người ông. "Ta đang ở bên trong vấn đề. Việc tách bạch giữa con người với máy móc đã lu mờ. Giờ đây ta có cả những vi điện cực có thể gắn vào các tế bào thần kinh riêng lẻ. Tại Đại học Brown năm 2006, họ đã cài một vi mạch vào não một người đàn ông bị liệt, liên kết theo đó là hàng trăm các vi điện cực kiểu này. Trong vòng bốn ngày thử nghiệm, người đàn ông này - chỉ bằng ý nghĩ - có thể di chuyển con trỏ chuột trên màn hình máy tính, mở thư điện tử, điều khiển ti vi và khiến cánh tay rô-bốt chuyển động. Ta đã vượt qua giới hạn đến mức đó."
Paitner thoáng nhìn ra cửa sổ. "Nhưng vẫn còn có người đi xa hơn nữa?"
Lisa và Malcolm cùng gật đầu.
"Còn cái thiết bị?" Painter tiếp tục.
"Cao hơn một bậc so với những gì ta từng thấy. Thiết bị chứa những điện cực nano bằng sợi đốt cực nhỏ, khó lòng mà nói được nó bắt đầu và kết thúc ở đâu trong não bộ đứa trẻ. Nhưng có thể hiểu rõ các chức năng cơ bản. Thông qua những nghiên cứu được hoàn thành trên chuột thí nghiệm tại Đại học Harvard, ta biết được rằng các thiết bị TMS kích thích các tế bào thần kinh phát triển - mặc dù khá kỳ lạ, chỉ xảy ra ở những khu vực liên quan đến học tập và ghi nhớ. chúng tôi cũng chưa hiểu tại sao. Nhưng điều chúng tôi biết là kích thích từ cũng có thể bật tắt các tế bào thần kinh này như một cái công tắc. Trẻ em đặc biệt dễ áp dụng phương thức này."
"Vậy nếu tôi hiểu đúng việc này thì tức là có ai đó đã gắn thiết bị ấy vào đứa trẻ, kích thích não bộ khuếch trương ở một vị trí nhất định và bây giờ chỉ việc điều khiển hoạt động của nó như một công tắc."
"Phải, nói chung là như vậy," Malcolm thừa nhận. "Họ đã tác động sâu vào mạng lưới thần kinh rộng lớn như tôi đã miêu tả, chỉ bằng kích thích từ đối với các tế bào thần kinh mới hình thành, họ đã lan rộng mạng lưới, thậm chí còn xa hơn thế. Nếu như tôi đúng, cần phải nói rằng họ đã tập trung mở rộng ở một vị trí rất hẹp."
"Ông căn cứ vào đâu?"
"Có một định luật trong thần kinh học. Định luật Hebb. Về cơ bản nó nói rằng: Những tế bào thần kinh đốt cháy lẫn nhau sẽ lại gần nhau. Bằng cách kích thích một bên não bộ, họ gia cố nó thêm chắc chắn."
"Nhưng cho mục đích gì?" Painterthắc mắc.
Malcolm cùng Lisa chia sẻ ánh mắt lo lắng về phía nhau, ông muốn bà giải thích.
Bà thở dài. "Tôi đã nói chuyện với nhà tâm lý học Zach Larson, người kiểm tra cho cô bé lúc vừa vào đây. Zach khẳng định là cô bé bị tự kỷ vì biểu hiện không phản ứng, hành vi lặp lại và nhạy cảm với những kích thích, căn cứ vào hành vi ông mô tả ở nhà lánh nạn, có khả năng là chứng tự kỷ bác học."
Painter cũng đã đọc báo cáo của Larson. Báo cáo được lập khá nhanh nhưng chi tiết, ông tiến hành một chuỗi những kiểm tra tâm lý, kể cả nghiên cứu di truyền liên quan đến vài dấu hiệu điển hình của chứng tự kỷ. Kiểm nghiệm cuối cùng đang chờ kết quả.
Ông cũng đính kèm một bản tường thuật liên quan đến vấn đề tự kỷ bác học, những cá nhân hiếm hoi - mặc dù bị tổn thương vì rối loạn - nhưng lại có được những năng khiếu đáng kinh ngạc. Một kĩ năng ẩn sâu và gói gọn. Painter nhớ lại nhân vật do diễn viên Dustin Hoffman đóng trong bộ phim Rainman. Anh ta có khả năng tính toán nhanh như chớp. Nhưng đây chỉ là một trong số những năng khiếu bác học có trong danh sách của Larson. Còn lại là khả năng tính toán lịch, kĩ năng ghi nhớ, năng khiếu âm nhạc, kĩ năng về cơ khí và không gian, khả năng phân biệt nhạy bén về khứu giác, vị giác, thính giác cũng như nghệ thuật.
Painter hình dung lại bức vẽ ngôi đền Taj Mahal. Mất chỉ có vài phút phác họa, vẽ theo một tỷ lệ rất đẹp cùng phối cảnh cân đối hoàn hảo. Cô bé rõ ràng là tài năng.
Nhưng còn điều gì hơn thế?
Tham khảo cuối cùng trong danh sách của Larson là một báo cáo gây tranh luận khá hiếm hoi về những bác học tự kỷ có giác quan phi thường.
Painter không thể phủ nhận rằng những bức tranh của cô bé đã dẫn những người Gypsy đến ngôi nhà lánh nạn một cách chính xác. Ông nhớ lại lần trò chuyện trước đây với Elizabeth, về nghiên cứu của cha cô đối với khả năng trực giác và năng khiếu, về mối liên hệ của ông với dự án tối mật của chính phủ liên quan đến vấn đề trực giác từ xa.
Lisa tiếp tục, "chúng tôi nghĩ thiết bị được dùng để kích thích phần não bộ mà năng khiếu bác học chiếm vị trí. Ai cũng biết là hầu hết năng khiếu bác học xuất phát từ bán cầu não phải, thiết bị cũng được gắn ở đó, cả trên chiếc hộp sọ và đầu cô bé. Cho dù sử dụng công nghệ hiện thời, cũng không mất nhiều công sức để xác định vị trí năng khiếu. Khi đã tìm thấy, thì kích thích từ sẽ có khả năng khuếch đại và kiểm soát nó."
Painter cảm thấy rùng mình vì sự thật đang dần hé mở. Nếu đánh giá của Lisa và Malcolm là đúng, có ai đó đã khai thác khả năng của đứa trẻ. Ông tiến đến khung cửa sổ.
Ai đã làm điều này với đứa trẻ?
Kat theo sau Painter rồi chỉ qua cửa sổ. "Cô bé tỉnh rồi."
Lại tiếp tục vẽ.
Cô bé tìm thấy một quyển sổ và bút dạ đen trên chiếc bàn cạnh giường. Không vồ vập như trước, cô bé với tay lấy mọi thứ, nhưng người vẫn gập xuống nhìn xoáy vào trang giấy.
Kat chuyển hướng đến cửa ra vào. Painter nối gót bà.
Cô bé không nhận ra họ nhưng khi cả hai bước đến gần,giấy bút trên tay cô bé rơi xuống tấm nệm. Thân mình cô bé lại đung đưa.
Kat chăm chú nhìn xuống bức vẽ rồi bỗng giật mình hoảng hốt lùi về đằng sau. Painter hiểu được phản ứng của bà. Hình ảnh vẽ bằng bút mực là một bức chân dung, không thể nhầm lẫn.
Đó là Monk, chồng bà.
11:04 sáng Phía Nam dãy Ural,
Liên bang Nga
Monk giúp Pyotr băng qua một khúc gỗ chắn ngang dòng suối sâu, nổi phía trên những gờ đá lởm chởm. Rong rêu bám đầy trên thớ gỗ, vài ba cây nấm tráng múp míp mọc ở giữa. Một mùi ẩm thấp lan cả khu vực.
Kiska đã đến bờ bên kia, tay nắm tay Marta. Monk muốn vượt qua ngọn đồi kế tiếp để vào thung lũng. Nhảy qua khỏi khúc gỗ, ông xoay người nhìn về phía sau. Họ vừa băng qua một cánh rừng dày đặc cây cáng lò, một loài cây vỏ tráng trông như bộ xương khô. Tán lá xanh đã bị cháy từng mảng.
Monk nhặt lên một chiếc lá màu đỏ, lấy ngón tay cọ cọ, vẫn còn mềm, chưa bị khô. Mùa thu đến sớm. Những chiếc lá đổi màu hứa hẹn một đêm dài lạnh lẽo giữa những rặng núi thoai thoải nơi đây. Nhưng ít ra cũng chưa có tuyết rơi. Ông vứt chiếc lá giập nát trên tay.
Làm thế nào ông biết được tất cả những điều này?
Ông lắc đầu. Câu trả lời vẫn được chờ đợi. Nhưng ông vẫn băn khoăn rằng tại sao ông lại nhanh chóng làm quen được với sự tách bạch giữa ký ức và kiến thức về thế giới xung quanh. Rồi tại sao họ lại bị săn đuổi. Họ phải âm thầm di chuyển bởi âm thanh trên núi vang đi rất xa. Họ trao đổi qua những lời thầm thì và ra hiệu bằng tay.
Monk quan sát địa hình bên kia con suối. Họ đã chạy được ba giờ đồng hồ. Một tốc độ đáng kinh ngạc, một nỗ lực gia tăng khoảng cách giữa họ và cái nơi họ đã thoát ra từ thế giới ngầm, ông không biết phải mất bao lâu thì những kẻ rượt đuổi mới nhận ra là họ đã rời xa hang động mà tiếp tục lần theo ở bên ngoài. Monk đứng đợi bên bờ suối.
Konstantin đâu mất rồi?
Lý trí bỗng nhắc nhở ông phải để ý đến cậu bé cao lêu khêu đang nhảy xuống đoạn dốc phía xa, uyển chuyển và vững chắc như một chú hươu đực còn non, mặc dù gương mặt cậu bé vẫn còn chất đầy sợ hãi lúc bước qua khúc gỗ trơn trượt với hai cánh tay buông thõng.
"Làm xong rồi!" cậu bé mừng rỡ. Trong tiếng thở khò khè nặng nề, cậu bé nhảy lại gần Monk. "Cháu đã lấy cái áo ngủ của bác, bỏ lại ở dòng suối dưới thung lũng phía bên kia."
"Cháu vứt nó xuống nước chứ?"
"Phía xa cái đập hải ly. Như bác dặn."
Monk gật đầu. Cái áo ngủ bệnh viện có dính máu và mồhôi. Đứa trẻ nào đó đã lấy từ phòng bệnh sau khi ông thay đồ. Đúng là thông minh. Nếu ông bỏ chiếc áo ở lại bệnh viện, những kẻ săn lùng sẽ biết là ông mặc bộ đồ mới, sẵn tiện nó cũng để lại dấu vết đánh lạc hướng. Ông còn vấy bẩn lên chiếc áo bằng mô hôi chùi dưới cánh tay và trên trắn, ông cũng làm như thế với lũ trẻ và bà mẹ tinh tinh, vỏ bọc càng kĩ càng đánh lạc hướng tốt hơn, một dấu vết giả tạo. Hy vọng mùi hương từ áo sẽ khiến những kẻ săn đuổi tìm kiếm theo hướng khác.
"Giúp bác cái này," Monk nhờ Kostantin rồi cúi xuống khúc gỗ họ vừa vượt qua.
Cả hai lay lay khúc gỗ nhưng vẫn chưa lật được nó. Monk chợt cảm thấy nóng bừng ở má. Ông xoay sang và thấy Marta vác khúc gỗ lên vai. Chỉ bằng một cú nhấc, bà mẹ tinh tinh đã đẩy khúc gỗ xuống lòng suối. Marta quả thật rất khỏe. Khúc gỗ rơi xuống làm nước bắn tung tóe, rồi bập bềnh nhấp nhô dưới dòng nước. Monk nhìn nó trôi đi. Xóa dấu vết nhiều bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu.
Monk quay đầu bước đi vẻ hài lòng.
Không có gì trở ngại với Konstantin nhưng ông gặp một chút khó khăn với Kiska và Pyotr. Đường đi khá dốc. Monk và Marta giúp những đứa bé hơn, bế chúng qua những đoạn đường gồ ghề. Cuối cùng họ cũng leo lên đỉnh đồi. Phía trước, đồi núi trải dài trập trùng khắp các hướng, cây cối rậm rạp xung quanh mấy đồng cỏ hoang vắng. Không xa phía bên trái là một cái hồ rộng như tấm phủ dát bạc.
Monk đi theo hướng đó. Nhiều khả năng ai đó sẽ giúp được họ, thường có người sinh sống xung quanh khu vực hồ.
Konstantin kéo khuỷu tay ông. "Ta không thể đi đường này. Con đường chết chóc." Tay kia của cậu bé siết chặt tấm phù hiệu gắn trên thắt lưng, một máy dò phóng xạ.
Nhìn cảnh quan xanh tốt xung quanh, Monk quên mất hiểm nguy rình rập. Ông lật tấm huy hiệu của mình lên. Bề mặt có màu tráng, nhưng khi lượng phóng xạ tăng lên nó sẽ chuyển sang màu hồng, rồi sau đó là đỏ, đỏ thẫm và đen. Khá giống với que thử thai.
Một hình ảnh lóe lên trong trí nhớ khiến tầm nhìn của ông như ngưng đọng.
"một ánh mắt màu xanh đang cười vang, những móng tay bé xíu"
Mọi thứ lại biến mất.
Đầu ông rung lên. Ngón tay ông chạm vào đường chỉ khâu mỏng manh bên dưới chiếc mũ len. Konstantin nhìn ông bằng ánh mắt cẩn trọng, quan tâm.
Kiska, cô em gái của Konstantin vòng cánh tay ôm lấy bụng, "cháu đói," cô bé thỏ thẻ như sợ người khác nghe thấy hoặc sợ yếu đuối bị lộ ra.
Konstantin nhíu mày về phía cô bé nhưng Monk biết rõ họ nên ăn chút gì để giữ sức. Sau chuyến đi đầy gian nan, họ cần thời gian tập hợp lại, bàn bạc kế hoạch chạy trốn xa hơn. Monk không rời mắt khỏi chiếc hồ trong khi mân mê tấm huy hiệu.
Con đường chết chóc.
Ông cần hiểu rõ hơn tình hình lúc này.
"Ta sẽ tìm một nơi trú ẩn rồi ăn thật nhanh," Monk đề nghị.
Ông đi xuống thung lũng phía trước. Một loạt những vũng nhỏ nối tiếp nhau trên một dải đá ngầm nhô cao như bậc thang, cả một vùng tráng xóa lấp lánh bởi những thác nước lớn nhỏ đổ xuống. Không khí bốc lên mùi ẩm thấp đầy mùn. Đi được nửa đường, một vách đá rải rác dương xỉ đã bị bào mòn thành hốc chợt nhô ra ngoài, ông dẫn lũ trẻ vào trong đó.
Cả nhóm ổn định chỗ ngồi và mở ba lô. Những khẩu phần thức ăn khô và nước đóng chai được phân phát.
Monk lục tìm trong túi của ông. Không có vũ khí nhưng có một bản đồ địa hình, ông trải tấm bản đồ dưới đất. Tiêu đề viết bằng chữ Cyrill. Konstantin vừa cùng ông quan sát vừa nhai một mẩu thức ăn có vị bơ đậu phộng. Monk để ý thấy khu vực đồi núi được đánh dấu bằng rất nhiều dấu X nhỏ xíu.
"Hầm mỏ," Konstantin lên tiếng. "Những khu mỏ Uranium" cậu bé chỉ vào tiêu đề bằng chữ Cyrill rồi dùng cả cánh tay giới hạn lại khu vực. "Phía Nam dãy Ural. Vùng chelyabinsk. Trung tâm của các nhà máy sản xuất vũ khí xưa kia. Rất nguy hiểm."
Cậu bé chạm vào các ký hiệu đặc trưng cho nguy hiểm phóng xạ trên từng khu vực quanh bản đồ. "Có nhiều khu mỏ lộ thiên, những nhà máy plutonium và hóa chất phóng xạ cũ. Các cơ sở rác thải hạt nhân. Đã đóng cửa ngoại trừ một hay hai cơ sở còn tồn tại." Cậu bé phẩy tay ngụ ý chúng ở rất xa nơi đây.
Monk lẩm bẩm điều gì kèm theo cái lắc đầu, chăm chú nhìn xuống những ký hiệu đánh dấu nguy hiểm. "Bác muốn biết chúng ta đã ở đâu."
"Rất nguy hiểm," Konstantin lên tiếng cảnh báo. Cậu bé chỉ tay về hướng mặt hồ lớn đã khuất tầm mắt. "Hồ Karachay. Hố chôn nước thải từ nhà máy nguyên tử Mayak. Bác đứng bên hồ một tiếng đồng hồ thôi, bác sẽ chết sau đó một tuần. Ta phải đi đường vòng."
Konstantin cúi sát bản đồ và đặt tay lên vùng trung tâm nơi các khu mỏ và nhà máy phóng xạ co cụm lại. "Ta đến từ đây, căn cứ Warren. Một thành phố ngầm thời xưa - chelyabinsk 88 - nơi hàng ngàn tù nhân bị giam cầm để làm việc cho các khu mỏ. Một trong số rất nhiều nơi như vậy."
Monk hình dung lại những tòa nhà kiểu công nghiệp ông nhìn thấy trong hang động. Rõ ràng là ai đó đã cho nó một công dụng mới thay thế tình trạng hoang phế.
Konstantin tiếp tục, "Ta phải đi vòng quanh hồ Karachay - nhưng không gần lắm đâu." Cậu bé ngẩng đầu nhìn Monk để chắc chắn ông hiểu ra ngẩng đầu nhìn Monk để chắc chắn ông hiểu ra vấn đề. "Có nghĩa là ta sẽ phải vượt qua đầm lầy Asanov để tới đây."
Cậu bé nhấc tay chỉ vào một khu mỏ khác cách xa hồ nước.
Monk vẫn chưa hiểu, chẳng phải họ đang tìm đường thoát, gặp ai đó có thể giúp họ?
"Ở đó có gì?" Monk chỉ vào biểu tượng khu mỏ, thắc mắc.
"Ta phải ngăn chặn họ." Konstantin liếc nhìn Pyotr, cậu bé đang rúc vào Marta trên một mảng rêu.
"Chặn ai cơ?" Monk nhớ lại lời nói của Pyotr lúc trước.
Cứu chúng cháu.
Konstantin lại quay sang Monk. "Đó là lý do tại sao chúng cháu đưa bác đến đây."
11h30 A.M
General-MajorSavina Martov trừng mắt nhìn nhóm trẻ. Họ đang ở trong khán phòng chính của trường. Một bức ảnh người Mỹ sáng lên từ một màn hình LCD lớn phía sau bà.
"Có ai nhìn thấy người đàn ông này lẩn trốn ở đâu sáng sớm hôm nay không? Có thể ông ta mặc áo khoác bệnh viện."
Lũ trẻ nhìn chăm chăm vô định từ những dãy ghế bằng gỗ khin khít nhau. Chúng đã bị dựng dậy từ rất sớm lúc còn ở khu nhà tập thể. Hơn sáu mươi đứa trẻ xếp thành từng hàng, quy định bởi màu sắc áo sơ mi. Áo tráng ngồi phía sau cùng, đó là những đứa trẻ có dấu hiệu di truyền nhưng bộc lộ ít năng khiếu. Áo xám ngồi ở giữa, tài năng độ trung bình nhưng không đáng kể.
Khác biệt với mười đứa trẻ ngồi ở hàng ghế đầu.
Những học sinh mặc đồng phục áo sơ mi đen. Lớp học Omega. Đây là những nhân vật hiếm hoi bộc lộ tài năng kiệt xuất. Mười hai đứa trẻ giỏi nhất được lựa chọn để phục vụ cho mục đích của con trai Savina trong những giai đoạn khó khăn sắp tới. Chúng sẽ trở thành hội đồng nội các của Nicolas mà Savina làm chủ tịch.
Nicolas là một nỗi đau, nỗi thất vọng đối với Savina. Ông được sinh ra với màu áo sơ mi tráng. Một mất mắt của canh bạc có tên "di truyền". Savina mang thai bằng con đường thụ tinh nhân tạo, với tinh trùng của một trong những thế hệ đầu tiên. Bà đã quá hấp tấp và phải trả giá đắt cho điều đó. Họ hành động trước khi thấu hiểu hết vấn đề di truyền học. Có những biến chứng xảy ra trong quá trình sinh nở. Bà không thể có thêm đứa con nào khác. Thế nhưng bà đã hoạch định một mục đích mới cho Nicolas, mục đích có thể mang lại đổi thay thật sự và lâu dài. Bà gánh thêm một nhiệm vụ cho cả cuộc đời mình kể từ khi Nicolas sinh ra.
Thời cơ đã gần kề.
Bà nhìn vào hàng ghế có những hạt giống khoác trên mình chiếc áo sơ mi đen.
Còn lại hai chỗ trống của lớp học Omega.
Một đứa trẻ đã biến mất đêm qua. Pyotr.
Chị gái cậu bé cũng đã biến mất cùng thời điểm tại một vườn thú ở Mỹ. Savina vẫn chưa được cập nhật thông tin gì từ Yuri về tình hình của đứa trẻ. Ông đã biến mất một cách âm thầm khó hiểu, thậm chí không trả lời tín hiệu khẩn cấp.
Có gì đó đang xảy ra.
Bà cần câu trả lời. Giọng bà trở nên đanh thép hơn. "Không ai nhìn thấy Konstantin, Kiska hay Pyotr rời khỏi phòng ký túc xá sao? Không một ai?"
Vẫn là những cái nhìn trống rỗng.
Chuyển động ở cuối phòng khiến bà chú ý. Một người đàn ông vóc dáng bè bè bước vào, nhìn bà gật đầu. Trung úy Borsakov, chỉ huy phó. Ông mặc bộ quân phục xám như thường lệ, thêm chiếc mũ vành cứng màu đen. Ông đã phát hiện ra điều gì đó.
Vào phút cuối cùng.
Bà quay sang phía ba người giáo viên đứng bên hồng. "Giữ chúng trong ký túc xá. Giám sát thật chặt. Cho đến khi mọi chuyện được giải quyết."
Bà bước lên cầu thang, ra khỏi hội trường, theo sau là Borsakov. Khuôn mặt lạnh lùng đầy sẹo, ông chỉ đứng ngang vai bà, nhưng lại khiến bà ưa thích. Bà thích những người đàn ông thấp hơn mình. Tuy thế, ông trông khá đồ sộ, cơ bắp cuồn cuộn, đôi khi bà bắt gặp ánh nhìn thèm khát ông dành cho bà. Bà cũng thích cả điều này.
Ông bám gót bà, băng ngang qua khu trường đến tận lối ra. Ở bên ngoài còn có hai cận vệ hộ tống. Một người dắt theo bên cạnh con sói Nga bị cột xích. Nó gầm gừ rồi sủa vang, nhe mấy chiếc răng sắc nhọn phía sau vành môi đen đang cong lên. Người cận vệ giật mạnh dây xích, quát lên cảnh cáo nó.
Savina tránh xa con chó. Một giống lai giữa chó săn Nga và chó sói Siberian, thân hình chắc khỏe của nó cao đến ngực Borsakov. Con quái vật ấy đến từ khoa nghiên cứu động vật - có biệt danh là Bầy thú. Đó là nơi họ thí nghiệm những gia cố mới, kiểm tra những ứng dụng mới bằng tất cả các loại hình động vật bậc cao: chó, mèo, heo, cừu, tinh tinh. Nó cũng được mệnh danh là vườn thú khủng khiếp của ngôi làng. Qua nhiều lần nghiên cứu, họ nhận ra trẻ em có khả năng liên lạc với động vật và mối liên hệ ấy giúp chúng ổn định về mặt tâm lý. Có thề mối liên hệ không chỉ hoàn toàn đơn thuần là giữa con người với động vật, mà còn là sự củng cố dẫn đến bổ sung lẫn nhau, một sự chia sẻ giữa những tương đồng.
Ngay cả con sói cũng được phẫu thuật gắn thiết bị bằng thép.
Thiết bị gia cố đã bịt đáy hộp sọ, được gắn cố định bằng những đinh ốc titan. Chỉ cần nhấn nút trên máy phát vô tuyến, chúng có thể cảm thấy đau đớn hay vui vẻ, kích động hay ngoan ngoãn, uể oải hay hào hứng.
"Ông tìm thấy gì vậy, Trung úy?" Bà cất tiếng hỏi.
"Lũ trẻ không còn ở trong căn cứ," ông đáp lời.
Bà ngừng bước, xoay người lại.
"Chúng tôi đã tìm kiếm khắp khu làng, ngay cả khu phức hợp căn hộ bỏ hoang, nhưng khi vây ráp trên phạm vi rộng hơn mới phát hiện ra một con đường mòn dọc theo bức tường đen phía sau vườn động vật. Nó dẫn đến cửa hầm tiện ích, lối ra khỏi căn cứ."
"Chúng đã thoát ra ngoài sao?"
"Chúng tôi tin là có tên người Mỹ ở bệnh viện theo cùng. Dấu vết của lũ trẻ có ở bệnh viện."
Ít nhất một câu trả lời đã hé mở. Tên người Mỹ không thể trốn thoát rồi mới bắt cóc lũ trẻ. Xem ra là điều ngược lại. Lũ trẻ đã giúp ông ta trốn thoát.
Nhưng lý do tại sao?
Người đàn ông ấy có gì quan trọng?
Câu hỏi đã khiến Savina day dứt kể từ khi ông ta mới đến. Cách đây hai tháng, tình báo Nga đã được cảnh báo về một con tàu mang theo dịch bệnh đã bị cướp ở vùng biển Indonesia. Các cơ quan dịch vụ tình báo trên khắp thế giới đang tìm kiếm con tàu. Bà được giao nhiệm vụ dùng các đối tượng của mình lần ra nó. Một thử nghiệm mang lại thành công cho bà. Mười hai nhân vật Omega đã định vị xuất sắc hòn đảo nơi con tàu bị giam giữ. Một tàu lặn Nga đã được cử đi điều tra, đến một vũng ven biển nơi con tàu bị chìm.
Sự kiện đó đủ làm nên chiến thắng - cho tới khi Sasha bắt đầu hăng say vẽ nguệch ngoạc khiến cho thiết bị gia cố muốn bốc cháy. Hàng chục bức vẽ cùng hàng chục hình ảnh, về một người đàn ông chìm dưới biển sâu, mắc vào lưới đánh cá. Tin là điều này có ý nghĩa quan trọng - cộng thêm tính tò mò - Savina đã báo động cho những thủy thủ tàu ngầm của Nga. Họ cử thợ lặn xuống biển.
Một người đàn ông nửa tỉnh nửa mê được phát hiện. Họ nhanh chóng lao đi bằng ván lặn, đặt bình ôxi vào miệng ông và đưa ông trở lại tàu ngầm.
Savina ra lệnh mang ông ta tới đây vì tin rằng ông ta phải gắn với một ý nghĩa nào đó. Nhưng tại Chelyabinsk 88, ông được xác định là một kĩ sư điện trên tàu tuần tra. Trong quá trình thẩm vấn, ông không tạo được ấn tượng gì đặc biệt sáng sủa trong mắt bà ngoài khuôn mặt đầy sẹo, cách ăn nói lỗ mãng và một bàn tay bị mất. Sasha không có biểu hiện gì là quan tâm đến ông. Kể cả những đối tượng Omega khác cũng thế.
Chẳng khác nào một sự vô nghĩa, người đàn ông ấy rõ ràng gây ra phiền toái, một ngày nọ bỗng vướng lại giữa biển, có tín hiệu phát ra từ bàn tay giả. Họ không biết ông ta đang làm gì hay phát tín hiệu gì nhưng rốt cuộc chẳng có lấy một phản hồi. Vì mục đích an toàn, họ dùng kĩ thuật tháo rời bàn tay giả.
Mấy tuần liền Savina tin rằng cảm xúc mãnh liệt của cô bé chỉ là một nỗi sợ hãi trẻ con đối với sự sống của một người đang chết đuối. Không còn gì để khai thác, bà chuyển người đàn ông Mỹ đến nhóm thí nghiệm tại nơi ở của Bầy thú. Họ đang nghiên cứu về bộ nhớ, vì thế không nên lãng phí một đối tượng thí nghiệm sống như con người.
Savina đã ngồi xem buổi phẫu thuật. Những gì họ làm với ông ta... vẫn khiến bà rùng mình.
Giờ đây ông ta đã mất tích - biến mất cùng em trai của Sasha. Lũ trẻ này đang phiêu lưu với trò chơi gì?
Bà không rõ, không còn thời gian đề khám phá, và sự chậm trễ ấy nằm trong kế hoạch của bà.
"Lệnh của bà, thưa Thiếu tướng?"
"Kiểm tra mặt đất."
"Tôi sẽ mang tất cả chó theo cùng."
Bà ngắt lời, "Không chỉ mình lũ chó."
Borsakov nhìn bà, lông mày nhướn lên đầy nghi hoặc. Nhưng ông biết bà muốn kết thúc điều gì. "Thiếu tướng? Còn lũ trẻ thì sao?"
Bà tảng lờ. Giờ không phải là thời điểm cho những hành động nhạy cảm. Bà vẫn còn mười đứa trẻ. Như thế là đủ.
Bà nhắc lại mệnh lệnh. "Thả cả lũ mèo ra."
11:45 sáng
Pyotr ngồi trong lòng Marta. Cánh tay rắn chắc và ấm áp của Marta ôm lấy cậu bé. Cậu bé vốn không thích đụng chạm nhưng bà mẹ tinh tinh là một ngoại lệ. Mùi đất dễ chịu từ bộ lông ẩm ướt phảng phất quanh cậu bé. Cậu nghe được tiếng hít hà từ hơi thở, cảm nhận được nhịp đập của trái tim bao la tình mẹ dưới sống lưng. Cậu bé biết Marta từ khi còn rất nhỏ. Đã quen với vòng tay ấy. Sau ca phẫu thuật đầu tiên lúc Pyotr tròn năm tuổi, Marta được đem đến phòng cậu bé.
Cậu bé nhớ lại bàn tay khổng lồ. Nó khiến cậu hoảng sợ, nhưng con tinh tinh vẫn ở đó cả ngày, đầu dựa vào cạnh giường ngắm nghía quan tâm. Cuối cùng, hai bàn tay cũng chạm vào nhau. Mấy ngón tay cậu bé cứ tò mò mân mê những nếp nhăn gồ lên từ móng tay Marta. Marta không rời cặp mắt nâu khỏi cậu bé với ánh nhìn tròn to, ướt át và đầy hiểu biết. Những ngón tay dài ôm khít cả bàn tay nhỏ.
Cậu biết ý nghĩa của nó.
Một lời hứa.
Những đứa trẻ khác cũng vui đùa bên Marta, khóc trong vòng tay Marta, thậm chí ngồi bên người bạn già suốt cả đêm dài... nhưng Pyotr biết được một sự thật vào buổi sáng hôm đó. Marta có những bí mật mà chỉ mình cậu biết. Bí mật của cậu cũng chỉ có Marta hiểu được.
Từ vòng tay ấy, cậu bé nhìn chòng chọc về phía cánh rừng lạ lẫm. Đôi khi chúng cũng được dắt đến đây, lang thang trong rừng với một giáo viên và ngồi rất yên lặng. Nhưng vẫn khiến Pyotr hoảng sợ. Một cơn gió khẽ rít qua khu rừng, va vào những tán cây, hất tung lá thành từng luồng chao đảo. Cậu bé quan sát và nhận ra có gì đó đang đến gần.
Cậu không như người chị gái.
Nhưng cậu biết rõ vài điều. Cậu nép chặt người vào Marta, né tránh. Nhịp tim bỗng dồn dập hơn, thế giới mờ ảo dần, chỉ trừ những chiếc lá. vẫn đung đưa, chao đảo, nhảy múa... đến đáng sợ...
Marta rúc lên một tiếng rất nhẹ nhàng bên tai cậu bé. Chuyện gì xảy ra?
Cậu run rẩy vì chấn động. Nhịp tim dồn về cổ họng, nổi lên như một âm thanh cảnh báo trong khi lá mỗi lúc một rụng nhiều. Cậu tìm kiếm trong từng khoảng trống. Konstantin từng kể với cậu về khả năng nhân nhẩm diễn ra trong đầu nhanh thế nào.
Mỗi con số có một hình dạng... ngay cả con số lớn nhất, dài nhất cũng có hình dạng. Nên khi em tính, em nhìn vào khoảng trống giữa hai con số đó. Khoảng trống này cũng có hình dạng, tạo ra bởi những đường biên của hai con số khác. Cái hình rỗng ấy chính là một con số. Con số đó thì luôn là đáp án.
Pyotr không hiểu rõ lắm. Cậu bé không làm toán như Konstantin, cũng không thể giải đố như Kiska hay có tầm nhìn xa như chị gái. Nhưng Pyotr biết rằng không ai có thể nắm được khả năng của cậu.
Cậu bé hiểu được những trái tim... tất cả những trái tim.
Cả to lớn lẫn nhỏ bé.
Có thứ gì đó đang đến gần, mang trong mình trái tim đen đói khát.
Pyotr kiếm tìm giữa đám lá rụng, trái tim yếu ớt của cậu vẫn đập thình thịch. Cứ mỗi lúc cậu lại lấp dần từng khoảng trống.
Mô hôi rịn từng giọt trên vầng trắn cậu. Thế giới chỉ còn lại lá rụng và những mảnh tối vây quanh, xoay vòng và khuấy đảo, hiển hiện trước mắt cậu. Từ đằng xa, cậu nghe tiếng Konstantin gọi tên.
Cánh tay Marta siết chặt - không phải để bảo vệ cậu khỏi những người khác, chỉ để khiến cậu an toàn. Nó cũng hiểu được trái tim cậu.
Cậu phải nhìn.
Phải biết chắc chắn.
Thứ gì đang tiến đến gần.
Cậu lấp đầy những khoảng không bằng mực và bóng đen, bằng một hàm răng và cả tiếng gầm, tiếng bước chân trên nền đất cứng. Cậu nhìn thấy một sinh vật.