Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Tác giả: Judith Krantz
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Tô Tưởng & Cao Nhị
Biên tập: Gió
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2253 / 30
Cập nhật: 2015-01-23 12:51:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
hông, không thể chấp nhận được! Ngoài vấn đề! - Paula thốt lên.
Là một người coi như đã nhìn thấy mọi thứ trên đời, ả có vẻ hết sức công phẫn.
- Nhưng tại sao? - Maggy rên rỉ.
- Vì hai lẽ rõ ràng: váy áo của cô và giày dép của cô. Ôi, Maggy. Hãy nhìn những cái này mà xem, - Paula vừa nói vừa chỉ đống quần áo lót ả lôi trong tủ ra và bày trên giường. Ẳ lấy ra ba cái váy trong ngăn và vung lên trước mặt với vẻ buộc tội:
- Cái này thì rách, cái kia thì đường viền tơi tả, còn cái thứ ba thì mất hẳn một nửa số dải. Váy áo cô trong tình trạng thảm bại. Thế những đồ nịt bụng, nịt vú của cô đâu?
- Tất cả những thứ tôi thấy ở đây đều là tất dài thủng, tất ngắn mạng lại, quần lót mua ở Tours và những chiếc váy trông gớm ghiếc kia. Chúng được cái sạch chỉ có thế nói về chúng như thế.
- Ôi! Chị làm như em là bà hoàng không bằng! - Maggy vừa cãi vừa hất một món tóc rơi xuống trước mắt - Tại sao em phải quan tâm đến những cái đó. Em không cần chúng để đi làm việc. Cũng chẳng cần để đi nhảy. Trái lại! Còn những chiếc váy trong của em, thì bà Poulard chỉ sửa lại một loáng là xong.
Paula ngồi xuống giường với vẻ kiên quyết.
- Cô điên rồi, Maggy ạ. Làm sao mà cô có thể hy vọng được kính trọng khi đến một cửa hiệu Patou hay Molyneux với những đồ rách rưới này? Cô Chanel sẽ nghĩ như thế nào? Cô ta sẽ cho cô là một kẻ vô gia cư. Dù tiêu bao nhiêu tiền để may mặc chăng nữa, mà cô không mặc những đồ lót kha khá, những đôi giày nghiêm chỉnh và một cái mũ tử tế thì chẳng một hiệu may hay một người bán hàng nào coi cô ra gì.
- Tốt, thế là cái nghề "gái bao" phi thường của em đã vỡ ngay từ trong trứng. Em không có những đồ lót tử tế để có thể đi may những cái khác, như vậy là em không thể đến ngồi ở hiệu Lotti chứ gì?
Maggy ngồi xuống sàn, hai chân trần bắt chéo và cúi về đằng trước với vẻ rầu rĩ, nói tiếp:
- Mọi cái đều giản đơn như thế, sáng nay... Nhưng chị đã làm rắc rối mọi sự đến nỗi em chẳng còn muốn nghe nói thêm nữa. Năm ngoái, chị đã dạy em cởi quần lót sao cho thật nhanh và bây giờ chị lại muốn em mang những cái nịt bụng và có mà trời hiểu những gì gì nữa! Em sẽ bảo Perry là em phải ở đây thôi... Mặc kệ cô hầu phòng và công việc của anh ấy. Em thế nào thì anh ấy phải yêu em thế ấy. Và quẳng đi những đồ nịt bụng!
- Em nghe này, vấn đề đâu có phải nan giải, - Paula nói. - Hãy bình tĩnh, con chim bồ câu của chị. Việc đó chỉ cần một chút suy nghĩ, như tất cả những việc quan trọng khác trong đời. Về những đồ lót của em, thật rất giản dị, phải thay tất cả. Có một cửa hiệu ở gần ngay phố Saint Honore, do ba người đàn bà Nga có phẩm tước làm chủ. Họ kín đáo, sáng ý, có hiệu quả và lành nghề trong những trường hợp như của em.
- À, như vậy bây giờ em là một trường hợp? - Maggy thốt kêu bất bình.
- Về cái loại việc này, thì đúng là thế, - Paula đáp lại, điềm tĩnh. - nếu chiều nay ta đến họ và giải thích cho họ về tính chất gấp gáp của yêu cầu thì họ sẽ hoàn thành cho em bộ đồ lót ra trò ngay trong tuần... Còn về giày thì chị quen một tay thợ tuyệt vời người Ý ở cách cửa hàng của các bà kia chỉ vài mươi bước, phố Saint Florentin. Chị khuyên em nên đến đấy hôm nay.
- Sao không thể đến hiệu Raoul trước xem?
- Raoul? Với những đôi giày tám mươi phrăng để nó làm hỏng cả chân em ấy ư?
- Mới hôm qua, chị chưa hề quan tâm đến tình trạng chân em. Em đi giày của Raoul đã một năm nay rồi.
- Thế em còn muốn Perry tự hào về em không?
- Anh ấy đã tự hào rồi.
Chợt hình ảnh của Kate Browing, như cô ta đã hiện ra lần đầu tiên trong xưởng vẽ của Mercuès thoáng đến trong trí óc Maggy. Kate Browing, tự tin về mình đến thế, mặc đồ trắng, với những đôi găng tay trắng muốt, thanh tao đến nỗi tưởng như vừa mới lọt từ bụng mẹ ra với đôi giày hoàn hảo và một chiếc mũ, từ cửa hiệu của Rose Descat.
Bị kích thích, Maggy đứng vụt dậy khiến Paula ngạc nhiên.
- Thế còn găng tay? - Nàng vừa hỏi vừa túm lấy vai Paula và lắc - Bà chị khốn khổ, chỉ vì suốt ngày ở trong bếp, nên bà không còn biết một người đàn bà không găng tay sẽ chẳng còn đáng giá gì! Bà chỉ nghĩ đến chiếc nịt bụng thôi. Nhưng những đôi găng tay lại là chủ yếu. Làm thế nào em có thể bắt đầu cuộc sống mới của em mà không có ít nhất mười hai đôi găng tay được, vì em không thể mang mỗi đôi quá một ngày. Một ngày, chị nghe em nói chứ?
Nàng buông Paula ra và xoay mình ở trong phòng cầm ở đây một đôi tất, chỗ kia một đôi khác, kiểm tra tình trạng của chúng và cuối cùng tìm được một đôi nguyên vẹn. Nàng ném tất cả những chiếc khác và trong sọt giấy. "Mười hai tá tất lụa trước bữa ăn trưa". Rồi chạy đến nhà các họa sĩ. Của ta các thứ lụa, xatanh, đăngten và kếp Trung Quốc! Ta muốn những dải đeo, những nịt vú để tôn giá trị đôi vú của ta, những quần lót bằng xatanh màu lục nhạt, màu oải hương hay cà phê môka, những chiếc áo ngủ đỏ, gì nữa nhỉ? Những bộ pigiama Trung Quốc! Nhưng không phải là những cái nịt bụng!
Maggy đứng trước gương. Nàng chăm chú nhìn mình trong đó, rồi làm bồng tóc lên. Nàng kéo chúng về phía sau, quấn chúng thành búi trên đỉnh đầu, rồi buông chúng xuống, vẻ không tán thành.
- Em cần cắt tóc. - Nàng thốt lên.
- Tất nhiên. Cô định đội mũ ra sao với mớ tóc ấy? Mà không đội mũ...
- Em biết, - Maggy ngắt lời. - Không mũ, thì không một người bán hàng nào xứng với cái tên gọi ấy coi trọng em cả. Bây giờ, Paula, chị bảo em... Em phải cắt tóc trước khi đến Antoine hay ông ta sẽ nhận sửa cho em tình trạng hiện nay?
Paula giương to mắt. Antoine là tay thợ cừ nhất ở Paris. Hai mươi năm trước đây, ông ta đã sáng tạo ra kiểu tóc Jeanne d'Arc. Chính bằng bộ tóc của nữ diễn viên nổi tiếng Eva Lavallire mà ông ta đã tập luyện. Kinh nghiệm đã làm ông ta lo lắng đến nỗi phải bỏ ra sáu năm để đổi mới kiểu đó. Bây giờ ông ta là vua, cửa hiệu của ông ta ở phố Didier, được khai trương bằng một tối khiêu vũ bốn trăm người, trong đó tất cả phụ nữ đều mặc đồ trắng.
Mỗi con người thuộc về giống cái đều mơ làm tóc ở cửa hiệu của Antoine.
- Antoine à? - Paula hỏi, đầy lòng ngưỡng mộ.
- Tất nhiên là thế. Chỉ liếc mắt qua, ông ta cũng sẽ thấy là em xứng đáng với chiếc kéo của ông ấy.
- Em sẽ hẹn với ông ấy thế nào?
- Em sẽ đến gặp ông ấy. Ông ấy sẽ không cưỡng nổi ý muốn được chăm chút bộ tóc tuyệt vời này đâu.
Maggy ngồi trước gương. Với nhiều người phụ giúp, Antoine hoạt động chung quanh nàng. Trong một góc, Paula rầu rầu ngồi nhìn cảnh ấy.
- Lạy chúa tôi, cái bộ tóc này! - Ông ta thốt lên bằng cái giọng Ba Lan của mình.
- Sao, bộ tóc của tôi làm sao? - Maggy hỏi, sẵn sàng tìm bất cứ lý do nhỏ nào để tháo lui. A, mà nàng có thể rút đi lúc này, trước khi ông ta bắt đầu! Nàng nhìn quanh, vẻ hoảng sợ. Những bức tường, những chiếc bàn, những chiếc ghế tựa và cả cầu thanh nữa. Người ta còn đã khẳng định rằng cái ông Ba Lan to lớn và xanh xao ấy đã ngủ trong một chiếc quan tài bằng kính che chở cho ông khỏi những tia điện phóng xạ truyền trong không khí ban đêm.
- Sao bà giấu kín nó lâu đến thế? - Ông ta hỏi với vẻ trách móc. - Vẻ lịch sự duyên dáng bắt đầu từ bộ tóc, thưa bà, và bộ tóc của bà đẹp, - ông ta nói và lướt ngón tay trên đường nét của nó - Phải tôn giá trị của nó lên.
- Vậy thì ông làm đi - Maggy nói khẽ.
Nàng thấy ông ta cầm lấy chiếc kéo, và nàng nhắm mắt lại.
Tháo lui bây giờ thì quá muộn rồi và nàng cố gắng can đảm mỉm cười. Đó là cổ nàng, cái cổ trắng và dài đấy ư? Tai nàng, hai cái mảnh vỏ sò nho nhỏ hồng hồng ở hai bên gương mặt nàng đấy ư? Antoine làm ướt tóc nàng và kết thúc bằng dao cạo. Nàng cắt tóc kiểu con trai, với một đường ngôi lệch. Ở mỗi bên gương mặt, những món tóc nhẵn chìa ra, nhọn, ở hai bên má, ngang tầm dái tai. Gáy nàng ngắn. Đôi mắt màu xanh lục của Maggy hiện ra mênh mông và đôi lưỡng quyền cao của nàng nhô ra trên khuôn mặt lúc này lồ lộ.
Nàng bỏ áo khoác và đứng lên để nhìn mình rõ hơn. Nàng quay đầu về mọi phía để nghiên cứu gương mặt mới của nàng trong gương. Antoine và những người phụ giúp của ông im lặng.
Đầu nàng như tách khỏi đôi vai nàng một cách kỳ quặc. Người đàn bà mà nàng trông thấy trong gương như mạnh bạo hơn, nhiều tuổi hơn Maggy, tràn đầy tự tin. Nàng ta cũng hết sức lịch sự mặc dầu vẫn mặc bộ y phục của Maggy và đi đôi giày thảm hại. Tóc nàng màu hung bóng nhẫy tưởng như tô sơn, làm cho người trong phòng đều chú ý đến.
Paula như ngừng thở. Từ từ, Maggy ghé sát như chạm vào gương. Nàng đứng như thế một giây, làm mờ cả gương rồi đột nhiên nàng áo đôi môi xinh vào đấy và hôn hình ảnh của nàng.
Antoine buông một tiếng thở dài khoan khoái. "Bà hài lòng chứ ạ?" Ông ta hỏi, vẻ hơi chút tự phụ.
- Bà rất vui sướng! - Maggy quay về phía người Ba Lan đang ngạc nhiên và hôn đánh chụt một cái lên tai ông ta - Nhưng phải gọi là ông chứ không phải là bà nữa, từ nay trở đi - Nàng rút bông cẩm chướng gài ở ngực áo và gài lên tai Antoine - Của ông này tặng ông kia - nàng nói - Tôi mê ông lắm.
Perry Kilkullen không có một ý niệm gì về cách làm thế nào để nhốt một người đàn bà vào lồng.
Càng cảm thấy mình là người Mỹ chứ không phải là người Paris, hơi lúng túng nhưng hoàn toàn kiên quyết, ông tìm đến một người làm dịch vụ thuê nhà.
- Ngài muốn ở khu phố nào ạ? Ngài cần bao nhiêu phòng khách và buồng? Ngài sẽ dùng một hay nhiều người hầu? Ngài muốn một căn hộ hay một ngôi nhà riêng?
- Tôi chưa định như thế. Ông hãy cho xem những nơi mà ông cho là tốt nhất rồi tôi sẽ liệu.
Ông đã đi thăm một tá những ngôi nhà riêng và căn hộ trong những khu nhà ở bên bờ sông Seine nhưng không chỗ nào vừa lòng để có thể mua. Ông không yêu cầu Maggy đi cùng trong công việc ấy vì ông muốn dành sự ngạc nhiên cho nàng. Cuối cùng ông tìm được một căn hộ rộng rãi, đại lộ Velasquez, ở tầng hai của một ngôi nhà trông ra công viên Monceau. Ông thích ngay nó.
Ông dẫn Maggy đến xem trong buổi tối. Nàng đi theo ông hết phòng nọ ssang phòng kia, lặng lẽ
- Em không thích à? - Cuối cùng Perry hỏi, lo lắng.
- Anh đã đếm số phòng chưa?
- Không... nhưng anh cho là được.
- Có mười một phòng và ít nhất là hai tá buồng phụ. Chẳng biết có bao nhiêu buồng tắm nữa, chưa kể cái bếp to tướng, một phòng giặt và những buồng cho người hầu ở tầng bảy.
- Em thấy là lớn quá à? - Ông hỏi, thất vọng.
- Rốt cuộc, Perry, đấy là một sự điên rồ. Hai phòng và một buồng tắm là thừa đủ cho em rồi.
- Nhưng em đã nói với anh là em muốn bao một cách vua chúa như những người Đàn-Bà-Thời-Hoàng-Kim.
- Ôi, Perry - nàng nói và nấp trong đôi cánh tay ông - Em sợ lắm. Em đã nói thế thật, nhưng đấy chỉ là những ảo ảnh. Thực tế là như thế này. Em muốn trở về bên bờ trái, tìm một căn buồng trong ngôi nhà nhỏ, chui vào giường của em và kéo chăn lên trùm kín đầu.
Perry ôm sát nàng vào mình và nhẹ nhàng vuốt ve nàng như người ta xoa dịu một con vật hoảng sợ. Ông chợt nhớ ra rằng ông luôn luôn sống, chung quanh có những người đàn bà New York giàu có, người nào cũng hy vọng một ngày nào đó được sống trong một căn hộ mênh mông như thế này. Những người đàn bà đã có thói quen là đi hết phòng này sang phòng kia trong ngôi nhà lớn với một vẻ quyền uy thầm lặng. Nhưng Maggy, cô gái đáng tôn thờ này, tình yêu thứ nhất và thực sự của ông, đã không quen với sự sang trọng đó. Nàng hoảng sợ nghĩ đến sẽ ở một căn hộ mười một phòng khiến ông mủi lòng và càng yêu quý nàng hơn.
- Em ạ - ông thì thầm vào tai nàng như nói với một đứa bé - nếu em thích, chúng mình sẽ ở khách sạn, nhưng tại sao lại không thử ở đây? Dù sao, em yêu quí ạ, chúng mình còn phải sửa chữa, mua sắm đồ đạc. Khi nào xong, nếu em vẫn không thích thì lúc ấy anh sẽ bán lại, em nghĩ thế nào?
Thật ra ông không muốn ở khách sạn chút nào. Ông muốn thu xếp cho Maggy có một căn nhà thực sự, một nơi dành riêng cho hai người.
Tiếng nói của Maggy từ ngực áo ông lên:
- Mất mấy tháng hả anh? - Nàng hỏi, nghi ngờ.
- Ồ, lâu đấy - Perry trả lời - Rất lâu.
Trong sáu tháng tiếp theo, đối với Maggy, hình như mỗi ngày là nàng biết thêm không biết bao nhiêu điều. Và, để bắt đầu, nàng quyết định học tiếng Anh. Vì hai lý do: Trước tiên, vì Perry không bao giờ diễn đạt bằng chính tiếng nói của mình, là một cái thiệt cho ông. Hai là, bất cứ họ đi đâu, ở tiệm nhảy Tabarin, hiệu Maxim's hay Fréderik, nàng đều nghe nói đùa bằng tiếng Anh mà chẳng hiểu gì.
Giá đồng đô la cao đến nỗi Paris đầy chật những người Mỹ. Mười lăm đô la một tuần là họ đủ sống. Với tính vô lo vui vẻ ầm ĩ và cách họ đổ xô đến Paris, làm như đây là một cái sân chơi rộng lớn, làm cho Maggy phải suy nghĩ. Chỉ có những người Mỹ đến chơi quần vợt ở trong hộp đêm của Joséphine Baker với những chiếc vợt bằng các tông hay ngồi với những nhạc công của nhóm Bricktop và chơi nhạc jazz hoang dã. Không nói tiếng Anh ở Paris năm 1926 là không dự được một phần lớn vào ngày hội.
Mỗi buổi sáng, sau bữa điểm tâm, Maggy học tiếng Anh ở một người phụ nữ Boston, vợ một nhà văn Mỹ hình như đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình.
Perry đã thuê Jean Michel Frank, người trang trí nội thất nổi tiếng để chọn đồ đạc cho căn hộ và trong khi ông làm việc ở phòng giấy thì Maggy làm các việc nhà.
- Chị có thể tưởng tượng được không, chị Paula, về những bó buộc mà một người đàn bà được bao phải chịu đựng? - Nàng than thở một hôm với ả - Thật đáng sợ. Không được ra khỏi nhà, buổi sáng, nếu không mặc một chiếc áo của nhà O'Rosen hay nhà Chanel và hãy coi chừng nếu đến dự một buổi cốc tai mà trước đó không kịp thay quần áo.
- Chị hy vọng em chẳng cần phải than thở - Paula trả lời, nghiêm khắc - Mỗi nghề có những phiền toái của nó.
- Vâng, nhưng khi người ta được bao, người ta chỉ có một phần trăm thì giờ để nằm trên giường, còn chín mươi chín phần trăm là để ăn mặc - Maggy nói, mơ màng - Có cái nghề nào mà người ta chỉ phải mặc bộ áo quần suốt từ sáng đến tối không nhỉ? Và những cái mũ nữa, chị Paula! Em phải có cái mũ phù hợp với mỗi bộ váy áo.
- Đáng nhẽ chị đã nói với em điều ấy từ trước - Paula đáp với vẻ thông cảm - nhưng chị sợ là em sẽ ỉu ngay đi như bánh đa gặp nước.
- Dù sao thì bấy giờ cũng đã quá muộn - Maggy nói, và lấy lại dược cái vui vẻ thường ngày.
- Chúng mình phải tìm một người đầu bếp à? - Maggy hỏi, vẻ không tin.
- Chúng mình có thể đến ở căn hộ từ tháng sau - Perry trả lời - Phải thuê người hầu, và trước tiên là một người đầu bếp.
- Nhưng em phải hỏi người ta những gì? - Maggy thốt lên, phẫn nộ - Em chẳng biết bày biện cả đĩa chén bạc, đặt một bữa trưa hay bảo quản xì gà ra sao. Nếu anh thích có đầu bếp, thì anh thuê lấy. Cả những người hầu khác nữa. Vả lại em không chắc là sẽ đến ở cái cửa hiệu lớn ấy.
- Em chưa cả đến xem người ta bày biện trang trí ra sao. Em chẳng tò mò muốn biết một tý nào à?
- Đúng thế - Maggy nói dối. Thật ra nàng vẫn luôn tự hỏi: Không biết cái ông Frank ấy làm những gì cho căn hộ ấy nhưng nàng đã không muốn xen vào. Nếu nàng đưa ra một nhận xét hay một ý muốn, Perry sẽ nghĩ ngay là ông đã thắng thế và nàng đã đồng ý đến ở căn hộ đó. Việc chưa hẳn là như thế. Cuộc sống ở khách sạn, dẫu là khách sạn hạng sang như Lotti, có cái khía cạnh phóng khoáng của nó mà nàng yêu thích. Các buồng thang máy đầy những đôi tình nhân rõ ràng là chưa cưới hỏi, khu đại sảnh đầy tiếng nhạc và tiếng cười, và những người phụ nữ làm buồng luôn sẵn sàng nói chuyện với khách.
- Đồng ý, anh sẽ lo việc ấy - Perry nói, nhẫn nhục.
- Hay chúng mình nhờ Paula. Đó là loại việc mà chị ấy thông thạo. Chị ấy sẽ thấy ngay là đang nói chuyện với một người như thế nào. Chị ấy rất tâm lý.
Tình yêu của họ giản dị, không có gì bí hiểm, đầy sự dịu dàng. Nàng có cảm tưởng là Perry sẽ che chở cho nàng khỏi mọi tai ương có thể ập đến làm nàng đau khổ. Với ông, nàng cảm thấy được yên ổn và điều ấy bây giờ, nàng biết là vô cùng quý giá.
Đôi khi kỷ niệm của Julien đã làm nàng bối rối. Nàng vẫn còn cảm thấy đường nét khắc khổ của đôi môi chàng êm dịu đi trên đôi môi nàng. Nhưng nàng kiên quyết xua đuổi cái hình ảnh ấy và nghĩ đến niềm hạnh phúc hiện tại của mình. Và nữa, việc gì đã xảy ra nếu nàng cứ tiếp tục sống nhiều năm với Mercuès? Một ngày nào đó, nàng sẽ chán cái con người ích kỷ, chỉ nghĩ đến những bức tranh của anh ta. May cho nàng biết bao khi dứt khoát được một cách tốt đẹp như thế! Mấy tháng sống với chàng họa sĩ, đã để lại cho nàng một vết thương trong trái tim, nhưng nàng biết là phần chủ yếu ở nàng nguyên vẹn. Nàng cúi đầu về phía trước và dịu dàng cọ má nàng lên bàn tay Perry.
- Anh định thế nào về người đầu bếp ấy? - Nàng thì thầm.
- Anh sẽ đích thân lo việc ấy.
- Em đã biết là anh sẽ làm mà!
- Em hãy nhắm mắt lại và hứa với anh là không mở ra. Anh sẽ dẫn em vào phòng khách. Anh muốn em xem phòng ấy trước tiên - Perry bảo Maggy.
Đang là tháng Tư năm 1927 và cả hai người đang đứng trước cửa vào ngôi nhà trông ra công viên Monceau.
- Nhưng thật buồn cười! Ôi, sau hết, đã đến lúc này! - Maggy nhắm mắt lại và nắm lấy cánh tay Perry. Nàng tưởng như họ đã bước đi rất lâu trước khi Perry bảo: "Bây giờ em có thể mở mắt ra được rồi đấy"
Nàng đang ở giữa một trong những căn phòng hiện đại đầu tiên của thế kỷ hai mươi và có cảm tưởng như một làn gió mát mẻ vừa mới đẩy nàng vào một thế giới mới, một thế giới màu be, vàng rực, trắng và ngà ngà, trong đó cái sang trọng được diễn tả bằng sự trong sáng của các hình khối và sự giản dị của các màu sắc. Chẳng giống một tí nào với quang cảnh mà nàng đã nhìn thấy lần đầu đến thăm. Căn hộ được sửa sang lại hoàn toàn. Những bức tường sâu thẳm ốp gỗ tối tăm nay lộ ra từ sàn lên đến trần và bọc một lớp nhung ô vuông giấy da, ô nọ hơi khác màu với ô kia. Không một bức tranh nào chia cắt chúng, chúng hợp lại giống như một tác phẩm nghệ thuật màu vàng nhạt ánh lên trong ánh sáng của những ngọn đèn bằng nhựa trắng mang những hình rất táo bạo.
Căn phòng không còn vẻ khổng lồ đối với nàng nữa. bước trên những tấm thảm trắng, nàng hiểu rằng nàng đang ở trong một không gian mà có lẽ không bao giờ nàng tưởng tượng là con người có thể được sống, một không gian mát mẻ, rộng rãi khác hẳn những nội thất bề bộn, cầu kỳ và lỗi thời. Maggy lướt ngón tay trên lưng những chiếc ghế bành căng lụa màu ngà và vuốt nhẹ lên mặt những chiếc bàn thấp sơn vàng. Nàng để rơi mình xuống chiếc ghế dài bọc sa và lim dim mắt ngắm nhìn căn phòng.
- Em nghĩ thế nào? Em không thấy là tuyệt vời à? - Perry hỏi, lo lắng - Các đèn là do Giacômetty vẽ, các mặt bàn đều sơn ít nhất là bốn mươi lớp, những chiếc thảm là dệt thủ công ở Gasse...
- Tất cả những chi tiết ấy thì có quan trọng gì, anh yêu quí. Anh hãy đến đây nằm dài cạnh em. Người em như đang bềnh bồng...
Ba ngày sau họ đến ở.
Đêm đầu tiên, Maggy đã không ngủ được, nàng ra khỏi giường, mặc chiếc áo ngủ và dạo khắp căn hộ. Nàng có cảm tưởng khó chịu như thiếu một cái gì. Thế mà ông Frank đã không quên một chi tiết nào.
Chưa bao giờ, Maggy nghĩ, mình dám tưởng tượng một ngày nào đó sống giữa sự thừa thãi những đồ đạc như thế này. Phải nhiều tuần lễ mình mới biết hết chúng. Không cái gì làm cho cuộc sống hết sức tiện nghi lại thiếu ở đây và tất cả đều sạch sẽ khác thường, một sự sạch sẽ đến nỗi những đồ đạc sang trọng ở khách sạn Lotti cũng có vẻ kém tươi tắn, nhẵn mịn.
Maggy đến gần cửa sổ trông ra công viên Monceau. Từ ban công, nàng bao quát một phần lớn khu công viên đẹp nhất Paris với những hàng cột cổ điển và cái bể nước hình bầu dục. Công viên giờ ấy đóng cửa, trống rỗng. Nhưng hôm sau, nó sẽ vang lên những tiếng trẻ con do các bà vú dẫn đến. Băn khoăn, nàng đi hết phòng nọ sang phòng kia với cái cảm giác ngày càng lớn là thiếu một cái chủ yếu trong căn hộ, nhưng không tìm ra là cái gì. Cuối cùng nàng trở về giường và thiếp đi trong một giấc ngủ bị khuấy động bởi những cơn mơ.
Hôm sau, vào lúc chập tối, nàng bước vào căn hộ lần đầu tiên với chiếc chìa khóa của mình. Má hồng lên vì cái lạnh của chiều tối tháng Tư, nàng không kịp cả cởi áo khoác và chạy gần hết chiều dài dãy hành lang cho tới phòng ăn. Nàng ôm trong tay một gói lớn bọc trong giấy báo.
Nàng đã đi cả ngày lục lọi trong các cửa hiệu ở phố "Cây hồng" và cuối cùng đã mua được một món đồ mà nàng cảm thấy thiếu trong căn hộ này. Trên mặt tủ buýp phê đã đặt hai cây đèn nến nặng bằng bạc và đá da trời do nhà kim hoàn Jean Puyforcat vẽ kiểu riêng cho căn phòng. Chúng hợp kiểu với chiếc bình bằng bạc và đá da trời ngự ở trên bàn. Maggy chuyển hai cây đèn nến, đặt chúng hai bên chiếc bình. Rồi, thận trọng, nàng mở bọc giấy lấy ra một cây đèn nến bằng đồng có bảy nhánh.
"Thế, như thế này tốt hơn", nàng vừa nói nhỏ vừa đặt cây đèn lên mặt tủ buýp phê"
Người Đàn Bà Vùng Gió Người Đàn Bà Vùng Gió - Judith Krantz Người Đàn Bà Vùng Gió