There is a great deal of difference between an eager man who wants to read a book and a tired man who wants a book to read.

G.K. Chesterton

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
10. May Mà Lúc Đó Tôi Ngủ Lơ Mơ Đi Chứ
ay mà lúc đó tôi ngủ lơ mơ đi chứ”
Aya Kazaguchi (23)
Cô Kazaguchi sinh ra ở Machiya, khu Arakawa Đông Bắc Tokyo và chưa bao giờ sống ở đâu khác. Cô thích Machiya và chưa hề nghĩ đến chuyện chuyển đi. Cô sống với bố mẹ và cô em gái kém mười bốn tuổi. Tuy đã lớn tự đi làm và đôi khi còn được khen giỏi giang, nhưng cô vẫn “ăn bám” bố mẹ.
Sau khi tốt nghiệp trung học, cô theo học trường đào tạo quản trị kinh doanh, chuyên ngành xử lý dữ liệu và kế toán, rồi kiếm được việc làm ở một hãng may mặc. Cô phụ trách một trong những nhãn hiệu của công ty. Đó là một dòng sản phẩm nhắm vào thị trường “dễ thương” và “diêm dúa” của những nàng mới vào đời hay các cô vợ trẻ trong các gia đình tử tế. Bố cô làm trong ngành may mặc, đó là lý do cô được giới thiệu với ông chủ hiện nay. Cô không có nhiều hứng thú với kinh doanh ngành may mặc, nhưng cô hài lòng khi được dùng đến kỹ năng máy tính và soạn thảo văn bản của mình.
Cô thích loại nhạc reggae tiết tấu mạnh và các môn thể thao như trượt tuyết bằng ván, trượt ván và lướt sóng. “Tôi thừa nhận là mình nông cạn,” cô đùa. Cô thích ra ngoài với bạn bè, nhiều người trong số đó cô quen từ hồi tiểu học. Phần lớn họ cũng sống tại Machiya.
Khỏe mạnh và quyết đoán, cô đang cố tận hưởng nhiều nhất những năm tháng tự-do-và-độc-thân của mình. Nhìn cô với mái tóc suôn, dài ngang vai, tôi tưởng tượng cô khá được các chàng trai hâm mộ. Và không hiểu điều này có ý nghĩ gì không: mẹ cô bằng tuổi tôi – nên cô chỉ đáng tuổi con gái tôi.
o O o
Đi từ nhà tôi tới công ty mất khoảng bốn mươi phút. Tôi lên tuyến Chiyoda từ ga Machiya đến ga Nijuhachi-mae, đi bộ đến ga Yurakucho rồi đổi sang tuyến Yurakucho đi ga Shintomicho. Thường tôi đến công ty vào khoảng 9 giờ 5 phút. Ngày làm việc bắt đầu sau 10 giờ. Nên tôi chưa bao giờ đến muộn. Ngày nào tôi cũng bắt các chuyến tàu như nhau.
Có thể nói là chúng siêu đông. Tuyến Chiyoda từ Machiya đến Otemachi đông không tưởng tượng được. Thậm chí ông còn không cựa nổi tay. Ông vừa lên là họ xô ầm ầm vào lưng ông và rồi muốn hay không thì tất cả cũng lèn vào nhau. Đôi khi còn gặp phải mấy cha “sờ soạng” nữa chứ. Chẳng vui thú gì đâu.
Otemachi là ga chuyển tiếp của nhiều chuyến tàu nên sau đó tàu có vẻ vãn đi một chút. Nhưng tôi xuống ngay ở ga kế tiếp, Nijubashi-mae, nên nói chung là hầu như cả quãng đường tôi phải chịu cảnh tàu đông. Từ Machiya đến Nishinippori, Sandagi, Nezu, Yushima, Shin-ochanomizu, Otemachi là hết cựa quậy… Cứ mắc kẹt ở đó thế thôi. Cứ hễ lên tàu rồi, tôi liền đứng bên cửa, dựa vào cái khối người chắc nịch kia, và ngủ, có lẽ thế. Vâng, đúng thế đấy. Tôi có thể đứng mà lơ mơ ngủ. Gần như ai cũng thế. Tôi cứ nhắm mắt lại, dễ chịu và yên tĩnh. Có muốn tôi cũng không xê xích nổi nên lơ mơ ngủ đứng như thế thoải mái hơn. Mặt người khác sát sạt vào mặt mình, vậy đấy, đúng không nhỉ?... Cho nên tôi nhắm mắt lại và mơ màng…
Ngày 20 tháng Ba là thứ Hai, phải không nhỉ? Vâng, quãng thời gian đó, lúc 8 rưỡi các ngày thứ Hai bộ phận chúng tôi thường họp đầu tuần. Cho nên hôm đó tôi phải đến công ty sớm hơn thường lệ, rời nhà khoảng 7 giờ 50. Lên chuyến khác ngày thường. Sớm hơn có nghĩa là vắng hơn một chút. Tôi cảm thấy thực sự mình có chút không gian. Vậy là tôi lên tàu, yên vị trong cái góc kẹp giữa ghế ngồi và cửa, đúng là được sắp xếp hoàn hảo cho một giấc ngủ ngắn ngon lành.
Tôi luôn lên toa đầu, cửa thứ hai tính từ trên xuống. Tôi đi đến góc này, giấu mình vào đó và không động đậy. Nhưng ở ga Nijubashi-mae, cửa mở ra ở phía đối diện so với Machiya, nên khi tới Otemachi tôi phải chuyển đến cửa khác cho tiện.
Vậy là hôm đó tôi đã cố làm việc này: sẵn sàng mở mắt ra. Mắt không mở thì làm sao đi được chứ? [cười to] Tôi chỉ thấy khó thở. Giống như ngực bị thắt lại, và càng cố hít thì càng không thở được… “Quái lạ,” tôi nghĩ, “chắc là vì mình dậy sớm quá rồi.” [cười to] Tôi nghĩ mình chỉ đang lơ mơ chưa tỉnh hẳn thôi. Đúng là tôi không mấy khi thức dậy mà tỉnh táo ngay được, nhưng như thế này thì quả có hơi ngộp thở quá.
Khi cửa mở và không khí trong lành ùa vào được thì ổn, nhưng khi cửa đóng lại ở Otemachi thì tình trạng ngột ngạt còn tệ hơn. Biết tả thế nào nhỉ? Cứ như thể chính bầu không khí đã tự đóng kín mít, cả thời gian cũng đóng kín mít… cũng không hẳn, cái này thì hơi cường điệu một tẹo.
“Kỳ cục,” tôi nghĩ. Đó là lúc những người đang đứng bám vào tay vịn bắt đầu ho. Toa tàu khá vắng vẻ, có lẽ chỉ có độ ba bốn người đang đứng trước dãy ghế thôi. Nhưng tôi vẫn thấy ngạt thở. Tôi chỉ muốn ra khỏi đây càng sớm càng tốt. Tôi chỉ còn nghĩ được mỗi một điều là “Cái tàu này không chạy nhanh hơn được chút nào ư?” Chỉ có chừng hai, ba phút ở giữa chặng từ Otemachi đến Nijubashi-mae nhưng suốt thời gian này tôi thèm không khí đến tuyệt vọng. Nếu ngã đập ngực xuống, đôi khi ông cũng không thở được như vậy đấy. Hít vào thì không sao nhưng ông không thể đẩy hơi ra được – đại khái như vậy.
Chính lúc đó tôi nhìn thấy, gần chỗ cánh cửa đối diện với mình, cái gì đó bọc trong giấy báo. Tôi đứng đối diện thẳng với nó mà không để ý. Cái gói to cỡ bằng hộp cơm trưa và tờ báo ngoài thì ướt đẫm, đang nhỏ giọt. Nước hay một thứ chất lỏng gì rỉ ra khắp xung quanh. Tôi ghé nhìn gần hơn thì thấy cái gói rung theo nhịp tàu.
Tôi sống ở khu buôn bán nên biết ở các hiệu cá người ta thường gói cá bằng báo. Tôi nghĩ có lẽ ai đó mua cá hay thứ gì đó rồi để quên. Nhưng ai lại mua cá rồi đi chuyến tàu đầu giờ sáng thế này? Hình như cũng thấy lạ, một ông trung niên tiến lại, nhìn chằm chằm. Ông ấy chừng ngoài bốn chục, một viên chức. Ông ấy không mó vào, chỉ nhìn săm soi như muốn hỏi: “Gì thế này?”
Tàu đến ga Nijubashi-mae, tôi đi xuống, những người xuống cùng tôi đều ho. Tôi cũng ho khan dữ dội. Khoảng một chục người xuống và ai cũng đang ho chứ không chỉ mình tôi cho nên tôi biết chắc là phải có cái gì đó. Tôi biết tôi phải rảo chân nếu muốn đến đúng giờ. Tim tôi đập mạnh, tôi chạy dọc ke, lên thẳng đường phố, rồi bỗng hụt hơi. Tôi bước chậm lại và cảm thấy có khá hơn nhưng lúc này nước mũi chảy như điên. Dù vậy tim tôi đã đập bình thường trở lại.
Tôi đến công ty và đang giữa giờ họp tôi bắt đầu cảm thấy thật sự khó chịu, giống như sắp nôn thốc. Rồi có tin thông báo chuyện gì đó xảy ra trên tàu điện ngầm và tôi nghĩ, “A ha, thế ra là nó!” Nghe xong tôi cảm thấy như mình lịm đi… Tôi đúng là một đứa nhát gan. Tôi đi thẳng đến Bệnh viện Thánh Luke.
Họ truyền dịch cho tôi suốt hai tiếng và làm xét nghiệm máu, rồi bảo tôi: “Ổn rồi, cô có thể về nhà bây giờ.” Xét nghiệm không cho thấy có gì khác thường. Đồng tử của tôi không có dấu hiệu co lại. Tôi chỉ thấy khó chịu. Tôi vẫn mặc bộ quần áo đi làm ấy. Tôi đã rất mỏi mệt nhưng dần dần cũng thấy khá hơn. May mà lúc đó tôi lại ngủ lơ mơ đi chứ. Một thanh tra bảo tôi như thế. Vì tôi nhắm mắt, và lại thở nhẹ hơn, nông hơn mà. [cười] Đúng là may, tôi nghĩ thế…
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm