Nguyên tác: Ten Things I Wish I'd Known Before I Went Out Into The Real World
Số lần đọc/download: 977 / 29
Cập nhật: 2016-05-21 23:21:39 +0700
Bài Học: Con Cái Làm Thay Đổi Sự Nghiệp Của Bạn
N
hưng chúng còn mở ra những con đường mà bạn chưa bao giờ hình dung tới. Con cái dạy cho bạn những điều về bản thân mà bạn không thể tự học được. Những bài học về tính kiên trì, lòng vị tha, tình yêu thương và cách bỏ qua mọi chuyện. Tôi đã học cách kiểm soát mọi thứ trên đời. Nhưng con cái đã dạy tôi để mọi cái trôi đi sau lưng mình, trở nên linh hoạt hơn, chấp nhận chúng ngay cả khi chúng không suy nghĩ/hành động/cảm giác giống y như tôi. Tôi không thể kiểm soát chúng, nhưng tôi có thể chỉ đường và dẫn dắt chúng, tôn trọng và thừa nhận chúng. Và tin tooiddi, chúng thú vị hơn Boris Yeltsin nhiều. Hôn nhân là hàng lô công việc vất vả không chịu nổi.
Ôi chúa ơi! Đó là sự thật. Mà tôi thì không hề có tí khái niệm gì về điều này khi rời ghế nhà trường. Nếu không, tôi đã chẳng hao tốn những năm tuổi hai mươi của mình để lo không lấy được chồng. Thật ra, nếu có ai trong số các bạn nghĩ rằng có thể không gặp được ai đó, đàn ông hoặc đàn bà, thích hợp với mình, thì cũng đừng có vội lo. Cứ thư giãn, tận hưởng tự do của mình, vì một khi đã kết hôn, bạn sẽ không còn thứ tự do đó nữa. Sau khi quýnh lên đi tìm bạn đời, có không biết bao nhiêu người phàn nàn về cái người mà họ đã kết hôn. Đúng là điên.
Ấy, đừng hiểu lầm tôi. Tôi hạnh phúc với cuộc hôn nhân của mình, chúng tôi yêu nhau hơn hai mươi năm nay. Tôi cưới một người đàn ông thừa nhận rằng, đầu tiên và trước nhất, tôi là một cá thể, rằng đối với tôi, cuộc sống tách rời anh ấy cũng quan trọng như cuộc sống chung của chúng tôi. Bây giờ tôi biết, nếu tôi lấy phải người không muốn tôi theo đuổi sự nghiệp, không chấp nhận những gia đình Thiên chúa giáo Ailen đông đúc, không yêu con cái như điên, thì tôi đang phải nói với các bạn về chuyện ly hôn là hàng lô công việc vất vả không chịu nổi, chứ không phải hôn nhân. Nhưng như thế không có nghĩa là cuộc hôn nhân của tôi dễ dàng gì.
Khi tốt nghiệp đại học, tôi mơ tưởng không chỉ về một sự nghiệp hoang đường, mà còn về một hôn lễ như trong tiểu thuyết. Ta cứ gọi nó là ảo tưởng đám cưới đi. Giống như nhiều thiếu nữ khác, tôi chỉ cho là, nếu tôi chọn được người đàn ông thích hợp, có trang phục lộng lẫy, có chiếc nhẫn đẹp chết ngất đi được, và có bữa tiệc cưới xa hoa, thì, ái chà! Tấm vé một chiều tới hạnh phúc vĩnh hằng đấy. Tóm lại, chỉ vì bạn biết cách lấy được chồng không có nghĩa là bạn biết cách sống với chồng.
Diễn viên hài kịch Jay Leno có lần nói, ai mà nói hôn nhân của mình là công việc khó khăn thì gần như chắc chắn là người ấy không có cuộc sống gia đình tốt đẹp. Quả thật, cái từ ‘công việc” nghe như lao dịch và những việc vặt trong nhà vậy, giống như ta sẽ không làm trừ khi ta được trả công, mà phải có cả lương hưu nữa. Nhưng loại “công việc” đó không phải là thứ tôi muốn nói đến trong chương này. Không, ý tôi hôn nhân không đơn giản là tình trạng tồn tại. Nó đòi hỏi thời gian, suy nghĩ và cả sự quan tâm. Nó là hàng triệu hành động riêng biệt được thực hiện để sống, chia sẻ cuộc đời, cộng tác, tán thưởng, cổ vũ, nuôi dưỡng tình yêu với một người, những hành động được thực hiện một cách bền bỉ suốt cả quãng đường dài. Điều có thể giết chết một cuộc hôn nhân ngay sau tuần trăng mật là ảo tưởng về Hoàng tử (công chúa) quyến rũ. (Tôi có cần cử nhạc hiệu ở đây không nhỉ?). Đó là chờ bạn đời của ta làm tất cả mọi điều cho ta: khiến ta hạnh phúc, sắp đặt mọi chuyện cho ta, đáp ứng mong muốn của ta, trọn vẹn với ta, hiểu rõ ta, sống thay cho ta, khiến cuộc đời đầy ý nghĩa hộ ta. Sai lầm khủng khiếp. Tôi may mắn học được điều đó trước khi kết hôn. Sau khi gắn bó với nhau không lâu, đức ông chồng tương lai của tôi nói: đừng có mong hay trông cậy rằng anh sẽ làm em hạnh phúc. Chà, tôi nghĩ, chắc là do anh không nắm vững tiếng Anh đáng tôn sùng đấy thôi. Anh không hiểu rõ điều mình đang nói. Còn ai có nhiệm vụ phải làm tôi hạnh phúc nữa, nếu không phải là anh? Nhưng anh vẫn cứng rắn: Em nhất thiết phải vui sướng với bản thân em trước tiên. Hãy hạnh phúc với cuộc đời em, tách khỏi những thứ mà người khác mang đến cho em. Điều này thì nghiêm túc. Anh bảo, anh có thể là lớp kem trên bánh ngọt, nhưng tôi không nên trông chờ anh là nguyên cả món tráng miệng. Ừ thì, đó dứt khoát không phải là bài thơ trữ tình cho một bản tình ca lãng mạn rồi, nhưng tôi biết anh nói đúng.
Những bài học xương máu về tình yêu là: hỡi PHỤ NỮ, đừng trông chờ có người đàn ông tạo nên cuộc sống của ta và khẳng định ta. Ta phải tự tạo ra cuộc đời và cá tính của riêng mình. Nếu không, tôi cam đoan bạn sẽ có một người đàn ông lạnh nhạt, thờ ơ và đầy bực bội trong tay, và bạn sẽ giận dữ vì anh ấy không đáp ứng được những mong đợi của bạn. Nhưng vấn đề không nằm ở ông chồng bạn. Vấn đề nằm ở những mong đợi phi thực tế của bạn. Ở đây tôi cũng nói luôn cả với ĐÀN ÔNG (nên nhớ, tôi có đến bốn ông anh trai đấy nhé), đừng trông chờ có người phụ nữ quản lý, thu xếp toàn bộ những lĩnh vực khác trong cuộc sống ngoài sự nghiệp thay cho bạn, cứ như thể công việc là trách nhiệm duy nhất của bạn trong cuộc sống gia đình vậy. Bạn không thể quyết định không tham gia vào tất cả những lĩnh vực khác trong đời sống riêng của bạn. Nếu bạn nghĩ như thế là quá nhiều, và bạn không thể nào giúp lo bất cứ chuyện gì ngoài công việc, thì hãy nghĩ lại. Vì nếu không, tôi cam đoan bạn sẽ có một người phụ nữ quá sức căng thẳng, lạnh nhạt và đầy bực bội trong tay, và bạn sẽ giận dữ, vì cô ấy không đáp ứng được những mong đợi của bạn. Nhưng vấn đề không nằm ở cô vợ, vấn đề nằm ở những mong đợi phi thực tế của bạn.
Hỡi đàn ông và đàn bà: không có cách nào giết chết tình yêu nhanh hơn cách đổ lỗi cho bạn đời không làm được điều mà bạn phải tự làm cho mình. Đúng thế đấy, bạn có thể vui vẻ hạnh phúc với một người, nhưng không thể bắt anh ấy hay cô ấy chịu trách nhiệm tạo ra và giữ mãi cho bạn hạnh phúc. Thế là không công bằng, mà cũng không thể thực hiện được. Nếu bạn biến bạn đời của mình thành người có khả năng ban phép lạ cho mình, thì kết cục, bạn sẽ thất vọng khủng khiếp và nghĩ đó là lỗi của họ nếu họ không làm được thế. Thôi, bỏ đi.
Tiến thẳng tới hạnh phúc vĩnh hằng. Đoán xem là gì nào? Không. Đó là một ảo tưởng khác, tạo ra những dự tính điên rồ. Cuộc hôn nhân của tôi thực sự bền vững, mà tôi vẫn không phải là một cô vợ bé bỏng hạnh phúc hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Chồng tôi làm những chuyện khiến tôi điên ruột, và có Chúa chứng giám, tôi cũng đối với anh ấy y như vậy. Có những căng thẳng và áp lực từ bên ngoài, từng phút từng giây đẩy ta tách xa nhau hoặc kéo ta lại với nhau. Ngay cả khi chẳng có gì to tát xảy ra, thì vẫn có những bất đồng, cãi vã, những lúc đó bạn chỉ muốn bỏ đi quách cho rồi. Cuộc sống lên rồi xuống, và trong quan hệ thì nước triều cũng lên xuống như vậy. Bạn không có nghĩa vụ phải tỏ ra âu yếm dễ thương suốt ngày.
Điều gì xảy ra nếu ta không đối mặt với những tình huống và những tình cảm tiêu cực không thể tránh khỏi này? Ừ thì, ta có thể làm mình chết lặng bằng ảo tưởng hạnh phúc vĩnh hằng:” Mọi chuyện đều thật tuyệt! Bọn trẻ thật tuyệt! Anh ấy thật tuyệt! Mình thật tuyệt!” và chôn vùi mọi cảm giác tồi tệ xuống đất. Vấn đề là làm như thế không có tác dụng gì đâu. Rốt cuộc, khi ta chịu thừa nhận rằng, những cái đó không hoàn toàn ngọt ngào và tươi sáng, ta sẽ nghĩ có những sai lầm không thể sửa chữa được trong cuộc hôn nhân của ta. Và điều thực sự đáng buồn là, đáng lẽ ta đã có thể đối mặt với từng cảm giác và tình huống tiêu cực đã qua, không để cho những chuyện nhỏ nhặt nhức nhối lâu ngày thành ra chuyện lớn.
Vâng, có thể bạn chẳng ảo tưởng gì về hôn nhân. Có thể cha mẹ bạn li dị khi bạn còn nhỏ nên bạn đã biết rằng, hạnh phúc vĩnh hằng chỉ tồn tại trong phim ảnh và trong truyện cổ tích thôi. Nhưng nhiều bạn bè của tôi, những người có cha mẹ li dị bảo, họ vẫn giữ mãi niềm mong ước sẽ cư xử khác cha mẹ. Họ vẫn muốn và vẫn mong một câu chuyện cổ tích có hậu.
Trong gia đình tôi, cha mẹ tôi chỉ cố làm cho mọi chuyện có vẻ dễ dàng. Nếu ông bà lục đục với nhau, mà tôi biết là có, ông bà sẽ làm chuyện đó sau lưng tôi. Nếu ông bà bất đồng ý kiến về cách nuôi dạy con cái, ông bà làm cho ra lẽ một cách kín đáo, và chúng tôi không bao giờ được biết về điều đó. Ông bà đan xen những việc riêng tư với trách nhiệm của một cặp vợ chồng một cách trôi chảy, liền mạch, và tất cả chúng tôi có trách nhiệm với nhau vì là một gia đình. Nhưng vì ông bà không bao giờ nói chuyện với nhau về những việc mà một cuộc hôn nhân thường đòi hỏi, nên tôi đã mong cuộc sống gia đình riêng của tôi cũng sẽ đâm chồi nảy lộc y như thế, một cách tự nhiên, tế nhị, êm ả, hạnh phúc.
Cho nên đây là lời khuyên của tôi: Nếu bạn sống với cha mẹ, tôn trọng ý kiến của ông bà, thì hãy hỏi về những cái hay và cái dở trong cuộc hôn nhân của ông bà. Hỏi xem con cái ảnh hưởng tới quan hệ của ông bà tới mức nào. Ông bà quản lý tiền nong thế nào, chuyện đó có ảnh hưởng tới sự cân bằng quyền lực giữa hai người hay không, bởi vì có thể như thế lắm. Hỏi ông bà về tín ngưỡng, về tất cả mọi điều. Hãy làm cho ông bà hồi tưởng lại và tiếp thu lấy kinh nghiệm của ông bà. Nếu cha mẹ bạn giống cha mẹ tôi, ông bà sẽ không thích nói gì về những nhọc nhằn trên đường đời. Sẽ cố che đậy mọi khó khăn đã gặp, có lẽ vì sợ bạn ít nghĩ đến ông bà hơn. Hãy nói với cha mẹ rằng, bạn cần ông bà thẳng thắn, cởi mở, và bạn sẽ không phán xét họ, rằng bạn muốn học những điều mà ông bà ước giá được biết trước, những điều mà ông bà có thể đã làm khác đi, những bài học ông bà đã rút ra. Nếu cuộc hôn nhân của cha mẹ bạn không tồn tại được, hãy hỏi xem tại sao. Nếu ông bà mắc sai lầm, bạn có thể học hỏi từ những sai lầm đó.
Ngày nay, mỗi khi gặp một cặp đã cưới nhau được lâu, tôi hay hỏi họ xem họ làm thế nào mà được như vậy. (Chồng tôi bảo lúc nào tôi cũng tiến hành phỏng vấn). Bất kể là ai, họ cũng có điều gì đó để tôi học tập. Điều tôi được nghe đi nghe lại từ những cặp đã sống với nhau hạnh phúc là, ta phải tôn trọng nghệ thuật tha thứ. Cô bạn thân của tôi có một gia đình sống vui vẻ, hạnh phúc. Tôi hỏi cô ấy làm thế nào. Cô ấy bảo, hai vợ chồng cô rèn luyện cái mà họ gọi là tự động tha thứ. “Nếu một trong hai chúng tôi làm tổn thương tình cảm của người kia hoặc làm gì đó khiến người kia giận điên lên, mà chuyện đó xảy ra rất thường xuyên, vì chúng tôi là những người rất nhạy cảm, thì cứ việc nổi điên lên, cứ để cho người kia nhận ra, lục đục ít nhiều, rồi cho qua để tiếp tục sống vui vẻ”. Đó là tha thứ. Không giữ mãi, không nuôi dưỡng cảm giác bị đối xử bất công, rồi diễu đi vòng vòng như một kẻ tử vì đạo bị hành hạ.
Tha thứ không có nghĩa là phải duy trì cái đúng. Bạn thực sự có thể sống đúng, cứ thể hiện rõ như thế, nhưng đừng bắt bạn đời của mình phải theo mình. Hãy cho qua và sống tiếp. Bạn tôi nói: Mình luôn cố nhắc bản thân rằng, mình yêu người đàn ông này, và cho qua cơn giận, trở lại với tình yêu đó càng sớm càng tốt. Hãy sống với tình yêu. Cô ấy nói: đó là cách duy trì sự say mê chứ không duy trì sự khốn khổ. Một lời khuyên khôn ngoan có thể dùng được, có hiệu quả đấy. Vậy hãy rèn luyện cho thạo việc tha thứ trước khi nói: con đồng ý.
B ạn cũng phải làm sao để có một giai đoạn tuyệt vời cho riêng mình trước khi kết hôn. Bạn sẽ có một giai đoạn tuyệt vời sau khi kết hôn, nhưng đó lại là một kiểu tuyệt vời khác, nếu bạn nắm được ý tôi. Hãy tận hưởng tự do của mình. Hãy tận dụng thật nhiều thời gian có thể có để tìm hiểu bản thân và tìm hiểu cái mà bạn muốn, cái mà bạn cần. Và rồi hãy mở to mắt ra mà chờ tình yêu vĩ đại xuất hiện, chờ cái người yêu bạn vì bản thân bạn.
Mà nhân thể cũng xin nhắc, hãy chắc chắn rằng bạn cũng yêu người đó vì chính bản thân anh /cô ta. Cơ hội làm cho bạn đời của mình thay đổi được rất nhỏ nhoi (nghĩa là một trên hàng tỷ tỷ). Họ sẽ không thay đổi đâu. Chắc chắn, những cái mà bạn thấy khó chịu và chướng tai gai mắt nhất sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Cái sẽ thay đổi dần theo thời gian chính là thiện chí chấp nhận những chuyện như thế của bạn. Hãy kể cho bạn đời nghe những ước mơ của mình về bản thân cũng như về cuộc sống lứa đôi của hai người. Hãy đảm bảo rằng các bạn có cùng tần số về con cái, tiền bạc, tín ngưỡng và cách sống mà bạn muốn.
Nhưng, làm ơn, đừng mong bạn đời tương lai là quan trọng nhất, có tất cả mọi sở thích giống bạn, muốn nói về tất cả mọi điều giống hệt bạn. Không ai có thể làm được điều đó. Có bao giờ bạn để ý tại sao mình có đủ loại bạn bè không? Bạn bè là những người phản ánh các khía cạnh và sở thích khác nhau trong cuộc sống của bạn. Tôi thì tôi có các bà người mẹ khác, các cộng sự, bạn cùng ăn kiêng, bạn tán gẫu, chị em kết nghĩa. Đó là một mạng lưới hỗ trợ hoàn toàn thích hợp do tôi tự chọn cho mình, nó đặc biệt quan trọng, vì tôi không có chị em gái ruột. Họ giúp tôi trông nom con cái, bảo tôi không cần phải làm Nữ Siêu Nhân, và quát tôi rằng, không việc gì phải gầy thêm năm pao nữa. Bạn gái là người lấp đầy những thiếu sót và lên dây cót cho bạn bằng mối quan hệ thân tình. Bạn bè sinh ra để làm điều đó.
Cuộc sống riêng đã dạy tôi rằng, cho dù có làm tất cả những việc ấy trước khi kết hôn, cũng vẫn cần một chút may mắn, và phải sẵn lòng hy sinh 100 phần trăm. Mặc dù thế, hôn nhân của bạn vẫn có thể không đi đến đâu. Nếu như vậy, cũng làm ơn đừng tự hành hạ về nó trong suốt quãng đời còn lại. Hãy nhanh chóng nhờ giúp đỡ để trở lại bình thường. Có một cô bạn cùng làm việc với tôi đã làm như vậy. Cô và chồng thực sự chân thành đặt quyền lợi của các con lên trên hết. Họ giúp đỡ nhau và bây giờ thành những người bạn lớn của nhau, cùng chia sẻ việc nuôi dạy con, niềm vui, nỗi buồn. Họ chỉ không cùng chia sẻ cái giường thôi.
Nhìn lại cuộc sống của mình, tôi biết ơn Chúa đã không để tôi lấy chồng trước tuổi ba mươi. Tôi gặp chồng tương lai của mình khi mới hai mươi mốt tuổi, hai tháng sau khi tốt nghiệp, thật đấy. Tôi yêu anh ngay lập tức. (Tôi sẽ nói thêm về chuyện này sau). Nhưng tôi vẫn không dám chắc mình đang làm gì và sẽ làm gì. Tôi vẫn sợ hãi, thấy bấp bênh, thấy vẫn chưa đủ sức xoay sở với những gì cái anh chàng này sắp mang đến cho tôi.
Tiến dần lên trong sự nghiệp, tôi hiểu nhiều hơn về bản thân, thấy tự tin hơn. Và trong khi đó thì anh cũng thế. Qua sáu bảy năm, anh đã thực sự tôn trọng những điều tôi coi là quan trọng. Anh thấy rằng, giống như anh, tôi có cực kỳ nhiều tham vọng, rằng đối với tôi gia đình là tất cả, rằng tôn giáo là một phần lớn trong cuộc sống của tôi. Anh biết tôi thích trò chuyện, tôi hiếu kỳ, khỏe mạnh, nóng nảy, và quen đi con đường riêng của mình. Nói cách khác, anh nhận thức được tôi sẽ là một người vợ khó chịu (Và tôi cũng phải điếc mù ngu không tin nổi mới không thấy rằng, anh còn hơn cả khó chịu).
Và anh quyết lấy tôi cho bằng được. May cho tôi, anh không bắt tôi thay đổi. Dĩ nhiên, anh bóng gió rằng tôi nên hạ nhiệt bớt, rằng tôi nói quá nhiều, đặt quá nhiều câu hỏi, và là người thích chỉ huy. Nhưng anh không bao giờ yêu cầu tôi đừng là tôi. Và tôi đã đáp lại bằng thiện chí.
Tôi rèn luyện nghệ thuật tha thứ, cả anh cũng vậy. Chúng tôi cùng phải rèn luyện. Có một chuyện lớn chúng tôi không phù hợp với nhau, nhưng đừng bắt tôi nói về nó nhé. Chắc chắn mọi cái sẽ dễ dàng hơn nếu tôi lấy anh chàng hàng xóm hoặc lấy một anh chàng nào đó người Mỹ. Nhưng tôi không lấy. Tôi phải lòng cái anh chàng người Áo không thể nào khác với những gì mà tôi hình dung hơn được nữa, nhưng tôi đã yêu. Yêu bằng bản năng của mình, và cho đến giờ mọi việc vẫn tốt đẹp.
Bài học: Qua những năm làm việc ở các phòng tin tức, bao nhiêu đồng nghiệp của tôi đã li dị, mà nói thật với các bạn, điều đó làm tôi sợ. Một sự nghiệp chiếm hết thời gian thường không chừa chỗ trống cho một cặp vợ chồng. Hiện giờ thì tôi dành phần lớn thời gian cho cuộc sống gia đình. Tôi chăm sóc nó, tôi coi giao tiếp với chồng là ưu tiên hàng đầu và nuôi dưỡng mối quan hệ đó. Làm ơn hãy tập trung vào cuộc sống gia đình bạn. Đừng coi đó là điều hiển nhiên. Hãy dành thời gian ở bên nhau khi có thể, cả trong những ngày bạn không muốn. Cuộc sống của cúng ta thật bận rộn, chúng ta không thể để cho quá nhiều cơ hội ở bên nhau trôi qua mất. Đó là một phần của “công việc”, hãy đưa nó vào chương trình.