Nhiều sự thất bại trên đời là do người ta không nhận ra người ta đang ở gần thành công đến mức nào khi họ từ bỏ.

Thomas Edison

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1203 / 5
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Đôi Bờ
ùa hè rực lửa năm 1954, tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giữa cánh đồng Mường Thanh từ trong căn hầm sắt hình vòng cung tướng Pháp De Castries đã phải ra lệnh cho quân lính buông súng đầu hàng vào ngày 7 tháng 5 đem lại thắng lợi cho Việt Minh sau 56 ngày đêm chiến đấu, kết thúc luôn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ròng rã bao năm trời.
Ngày 14-5-1954 trong cuộc phỏng vấn với Hãng Thông Tấn Nam Dương ông Hồ Chí Minh cho rằng:” Giới thống trị Mỹ đang cố phá hoại việc giải quyết vấn đề Đông Dương một cách hoà bình đang tích cực can thiệp vào chiến tranh Đông Dương và làm cho chiến tranh lan rộng để biến Đông Dương thành một thuộc địa Mỹ, để bắt nhân dân Đông Dương làm nô lệ và để phá hoại hoà bình ở Viễn Đông và Thế Giới” [ 1 ]
Đối với đa số nhân dân Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến dành độc lập. Thế nhưng trên bình diện quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ được cho là sự nối tiếp những căng thẳng của cuộc chiến ý thức hệ Nam-Bắc Triều Tiên vừa mới kết thúc tháng 7 năm 1953, bị kiềm toả ở vĩ tuyến 38 đang có nguy cơ biến dạng và chuyển hướng sang chiến trường Đông Dương.
Ngày 23 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Ngô Đình Diệm về nước. Việc thành lập Đạo Binh Đức Mẹ, Đạo Binh Xanh, Hiệp Hội chiến sĩ Đức Mẹ cũng đồng nghĩa với sự lớn mạnh của các phong trào di cư của giáo dân miền bắc đi vào miền nam tránh nạn cộng sản,bằng đủ các phương tiện máy bay tàu thuỷ hầu cứu lấy Đức Tin.
Hiệp Định Geneva là kết quả thương thuyết đa phương giữa Mỹ, Pháp, Xô Viết, Anh và các nước châu Á khác nhằm tìm kiếm sự ổn định cho vùng này đã đưa đến việc treo lơ lửng cuộc tuyển cử tái thống nhất đồng thời chia đôi Việt nam ở vĩ tuyến 17 thành hai chính thể khác nhau, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền bắc, và Nam Việt Nam mặc dù vẫn ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương.
Mùa thu năm 1955, Ngô Đình Diệm đã thắng cựu hoàng Bảo Đại trong một cuộc trưng cầu dân ý.
*
**
Mơ và hai con từ Sàigòn về đến Đàlạt thì trời đã tắt nắng. Những cơn gió lạnh núi đồi lùa qua rừng thông hun hút thôỉ vào làm cho hành khách vội vã rời ga trước khi trời tối. Mơ bế đứa con nhỏ ngủ vùi đứng giữa sân ga giờ đây đã vắng ngắt. Mơ vừa đi thăm mẹ và các em ở Xóm Mới về. Được tin gia đình theo đoàn người tản cư từ bắc vào nam, mặc dù Hưng không thể đi được vì bận công việc ở sở làm, Mơ quyết định đưa hai con xuống Sàigòn ngay lập tức tìm gia đình. Bây giờ đứng đây Mơ thắc mắc không biết Hưng có bận đến nỗi quên đón vợ con không? Thấy Hoan Bình cứ mải mê với con vịt con bà ngoại cho trước khi về Đàlạt, Mơ nhắc nhở con:
_Bình ơi! Con kéo mấy cái túi xách để vào góc khuất đi con!
Bình đáp:
_Má cứ để hành lý ở đó đi! Có ai đâu! Con dắt con vịt đi quanh đây thôi mà!
Mơ thấy con nói cũng có lý nên yên tâm lững thững đi dọc theo bờ rào sân ga nhìn cảnh vật cho đỡ sốt ruột. Hơn hai tuần ở trong xóm di cư toàn người bắc, sống chen chúc xô bồ chịu đựng thiếu thốn mọi thứ vật chất cốt để hưởng được một chút tình thân hơi ấm gia đình sau bao năm xa cách. Các em giờ đã lớn, cô em gái đã có gia đình, có đứa con trai tên Hoàn trạc tuổi Hoan Bình, cậu em sửa xe đạp cho một cửa hàng. Mẹ vẫn vậy. Chịu thương chịu khó chỉ gầy và bớt nhanh nhẹn hơn trước mà thôi!
Vừa bước vào trại tản cư với những dãy nhà tranh tre mái lá ở vùng ven Sàigòn Mơ nhận ra mẹ ngay. Ôm mẹ khóc sướt mướt. Mẹ cũng vừa khóc vừa mắng yêu:
_Cha mày! Đi đâu mà đi mất đất luôn! Nếu mẹ không vào nam thì chắc chưa gặp được con đâu nhỉ?
Rồi mẹ sụt sùi mếu máo:
_Con mà không nhận mẹ thì không biết mẹ có tìm được con không? Mẹ nhận được thư Hưng cách đây mấy tháng khi còn ở ngoài ấy nên vô đây mới báo được cho con đó chứ!
Nhìn thấy căn lều tồi tàn chật chội đơn sơ chắp vá giữa vùng đất khô cằn nứt nẻ Mơ cầm lòng không được cứ khóc mãi đến nỗi hai con còn nhỏ không hiểu gì cũng oà khóc theo. Buổi tối Mơ, hai con và mẹ nằm chung trên một chiếc giường tre. Ở dưới gầm giường là nơi mẹ để mấy lồng vịt. Thế là người và vịt sống chung một chỗ. Khi đi thăm gia đình Mơ cẩn thận mang theo ít lượng vàng Mơ dành dụm được khi còn bên Tân đảo đưa cho mẹ và hai em làm vốn sinh sống. Cậu em rú lên mừng rỡ khi Mơ nói cho tiền mua phụ tùng sửa xe đạp. Cô em cũng tròn xoe mắt ngạc nhiên khi Mơ đút vào tay một ít tiền để sang cái sập bán bún ngoài chợ. Chỉ có mẹ là không chịu lấy phải năn nỉ mẹ mãi mẹ mới chịu nhận cho. Bây giờ về đây đứng giữa khung cảnh tĩnh lặng nghe rõ tiếng lăn khô khốc của trái thông khẽ rơi trên mặt đường Mơ vừa cảm thấy nhẹ nhõm vì thoát khỏi cảnh xô bồ của một xóm nhỏ tản cư vừa cảm thấy tiếc những bữa cơm thanh đạm theo kiểu bắc kỳ canh rau đay nấu với cáy ngọt lừ ăn với cà pháo dòn tan…Tiếng đọc kinh đều đều trong đêm khuya cũng như sáng sớm! Chao ơi! Sao mà thương vô cùng!…
Đang suy nghĩ lan man bỗng nghe tiếng Hoan Bình reo lên:
_A má ơi! Ba đến đón mẹ con mình rồI!
Mơ nhìn quanh rồi hỏi:
_Đâu đâu?
Bình chỉ tay về phía xe thổ mộ đang tiến gần:
_Đó ba ngồi với chú Sáu xe ngựa đó!
Vừa nói nó vừa chạy về phía trước. Xe ngừng lại. Hưng nhảy vội xuống đỡ con lên nếu không nó trèo lên sẽ bị hụt chân té. Khi đã ngồi trong xe nghe tiếng chú Sáu và Hưng nói chuyện hỏi thăm rôm rả cùng với hơi ấm toả ra từ chiếc xe thổ mộ nhỏ bé Mơ thấy những lo âu vu vơ vụt tan biến. Xe chạy gập ghềnh lúc lắc. Hưng kéo sát Mơ về phía mình hỏi khẽ:
_Mẹ và các em có khoẻ không?
Mơ bắt đầu kể lể cuộc sống của những người bắc di cư vào nam vừa sụt sùi. Hưng chép miệng than:
_Tiếc quá không đi được. Hè này thế nào anh cũng thu xếp xuống Sàigòn thăm mẹ! Rôi Hưng an ủi vợ:
_Không sao đâu em!. Ai xa quê mà lúc đầu không gặp khó khăn. Sẩy nhà ra thất nghiệp. Nhưng Sàigòn là nơi dễ sống. Vợ chồng mình từ nay cố gắng tằn tiện dành dụm ít tiền giúp mẹ nhé em.
Mơ gật đầu: Em cũng nghĩ vậy đó! Rồi chợt nhớ ra điều gì Mơ hỏi Hưng:
_Em ở Sàigòn thứ bảy rảnh rang anh có ghé nhà anh Đạt không? Ảnh vô chưa vậy?
Hưng lắc đầu: Không thấy tăm hơi đâu!
Từ ấy Hưng cứ chờ, chờ mãi người bạn của mình.
*
**
Trong khi đó tại một nơi xa xôi tận miền bắc Xã Hội Chủ Nghĩa người ta đang tiến hành công cuộc Cải cách ruộng đất.
Trong một căn chòi nhỏ hẹp Đạt từ từ tỉnh giấc. Đầu óc vẫn còn mù mờ không hiểu mình đang ở đâu? Mùi đất ẩm bốc lên làm Đạt tỉnh hẳn, mở to mắt nhìn xung quanh. Khi mắt đã dần quen với bóng tối, Đạt nhận ra mình nằm trong nhà kho, cột tre mái lá, chẳng có gì trong phòng ngoài vài cái xẻng để trong góc. Có một sợi dây mây giăng ngang treo lủng lẳng những trái bắp già khô queo dùng để làm giống. Đạt lờ mờ nhớ ra mọi điều. Tối hôm qua người ta đẩy mình vào đây! Mình đã lịm đi thì phải… Toàn thân mệt nhừ ê ẩm. Anh không còn nhớ mình đã bị lôi đi qua bao nhiêu xã để đọc kiểm điểm. Đã viết gì? Đã đọc gì?
Quay cuồng vùi dập khủng hoảng gần một tháng nay, giờ đây anh như một cái xác không hồn. Đạt không hiểu nổi tại sao những thù hận lại đổ xuống gia đình một cách tàn nhẫn như vậy? Tại sao chắt bóp, ăn mắm mút giòi, làm việc cật lực để có tiền của ruộng vườn lại là điều không may mắn? Đạt không tìm ra lý do để có thể coi toàn bộ cơ ngơi gia sản của ông cha để lại là do bóc lột mà có.
Dòng sông Lam khi cuồn cuộn đỏ nặng phù sa, khi xanh biếc lững lờ đẹp đến lặng người kia không phải lúc nào cũng ưu đãi con người nơi đây! Những cơn gió lào khắc nghiệt đôi khi làm cho mùa gặt trở nên hối hả gấp gáp… Sự phồn vinh dư thừa? Những giây phút ấy thật hiếm hoi!
Đạt nhớ lại những năm được mùa, theo cha ra đồng, chạy lon ton trên những bờ ruộng, hai tay giang rộng, ôm lấy những bông lúa trĩu nặng cong rạp dưới ngọn gió. Nghe tiếng mình gọi cha lạc lõng chơi vơi trên biển lúa mênh mông gợn sóng vàng, rực nắng… Đạt cứ thế chạy trên cánh đồng, lẫn vào trong màn khói rạ cố vươn theo những sợi khói lam đang bay lên quyện vào nhau rồi tan loãng trong gió chiều.
Những giọt mồ hôi trên lưng cha, trên lưng những người thợ gặt. Mồ hôi rơi trên những bát cơm gạo mới trắng dẻo bốc khói sau những giờ làm việc cật lực. Mùa vui rồi cũng qua mau. Những bữa cơm độn lại bắt đầu đề phòng mùa sau thất thu. Tất cả phải dè sẻn phải chắt chiu. Người hy sinh trước hết phải chăng là mẹ? Khuôn mặt đẹp khắc khổ của mẹ nghiêng nghiêng thấp thoáng sau cái bếp khói um, lặng lẽ nhẫn nại lựa phần cơm trắng cho chồng con dành phần ngô khoai cho mình. Cả cuộc đời âm thầm chịu đựng ấy lẽ nào lại là sự bóc lột?
Đôi mắt trợn trừng của cha nhìn chăm chăm lên trần nhà trước khi tắt thở, phải vuốt mấy lần mới nhắm hẳn lại. Nơi ấy cất dấu một chiếc hộp nhỏ đựng cuốn gia phả và giấy tờ tiền bạc bảo đảm cho việc sở hữu phần hương hoả. Những gì quý giá, thơm thảo nhất cha dành cho những ngày giỗ kỵ. Những ngày ấy cũng trở thành những khoảnh khắc đáng yêu nhất trong trí óc thơ dại của Đạt. Mặc dù biết điều ấy là cấm kỵ phạm thượng, Đạt vẫn hay núp sau lưng cha hay tìm cách đứng gần bàn thờ lén lút hít hà cái mùi hấp dẫn đến kỳ lạ… Mùi ngon ngọt của trái cây, xôi nếp, chè, hương hoa hoà lẫn với hương nhang trầm tạo nên cái mùi đặc trưng không hề tìm thấy trong những ngày bình thường.
Hình ảnh cha khăn gấm lượt là tay cầm sớ quỳ trước bàn thờ… Giọng cha sang sảng trang nghiêm cất lên xen lẫn với tiếng nổ lách tách của ngọn nến đang cháy: “Thuỷ mộc hữu căn nguyên, lai sinh do Tiền Tiến, Thế Thượng Hồng tạo an khang, hỷ kỳ minh sắc lạc kiến…” Khung cảnh bàn thờ trong phút chốc như sinh động hẳn lên, khuôn mặt những người đã khuất lung linh gần gũi hơn, những câu đối đỏ sơn son thếp vàng bỗng lấp lánh rực rỡ dưới ánh nến lập loè. Đạt hoàn toàn chìm đắm trong ánh sáng kỳ bí cũng như mùi hương mê mẩn của phòng thờ.
Khuôn mặt của mẹ, đôi mắt của cha, tất cả đã trở thành những dấu ấn khắc sâu trong lòng Đạt. Không gì có thể xoá nhoà. Bây giờ ngồi trong phòng tối, Đạt đã hiểu được thân phận mình. Tính mạng như treo trên sợi chỉ mành. Có tiếng người lao xao bên ngoài. Bây giờ Đạt đã thấy rõ nơi mình ở hơn lúc nãy. Chắc trời đã sáng hẳn! Chẳng buồn quan sát làm gì! Không muốn nghe! Không muốn thấy gì nữa!
Đạt tiếc sao cụ Đậu không tâm sự với mình sớm hơn. Cách đây một tháng có người chạy đến báo cho biết cụ Đậu, quản gia nhà cụ Thiều muốn gặp Đạt gấp vì cụ bệnh nặng sắp ra đi. Từ khi về làng, lâu lâu Đạt vẫn ghé thăm cụ vì tình làng nghĩa xóm, vả lại cụ Đậu là hình bóng thân quen gợi nhớ về cụ Thiều, người bạn thân của cha, về những kỷ niệm lúc thiếu thời. Hơn thế nữa, cụ Đậu lâu lâu lại rụt rè hỏi thăm tin tức của Hưng. Đạt chỉ biết Hưng ở Tân Đảo và qua thư của người nhà, anh biết Hưng đã về nước.
Tối hôm ấy Đạt đến nhà cụ Đậu. Căn nhà tối tăm trống huơ trống hoác chẳng có gì ngoài chiếc bàn xiêu vẹo với đĩa dầu đã gần cạn đang cháy leo lét. Một bếp than hồng đỏ rực trong góc tối. Mùi thuốc nam từ siêu thuốc bay lên ngào ngạt. Người bệnh nằm trên chiếc chõng tre, bất động như cái xác chết. Phần thân dưới chìm hẳn trong bóng tối. Đạt tiến lại gần. Khuôn măt người bệnh trắng như sáp, hai hốc mắt sâu hoắm nhắm nghiền, gò má nhô cao. Ngọn đèn dầu lạc chập chờn, quằn quại ngả nghiêng vì gió lách qua khe ván hở, khiến cho khuôn mặt người bệnh trở nên méo mó, quái đản khi hắt bóng lên bức vách. Đạt luồn tay qua tấm mền rách, nắm lấy bàn tay gầy khô của cụ Đậu rồi cất giọng gọi khẽ:
_ Cụ ơi! Con đây! Đạt đây!
Người bệnh mấp máy môi rồi từ từ mở mắt. Cặp mắt lờ đờ, hơi ánh lên một chút rồi lại nhắm. Người bệnh hơi nhúc nhích cái đầu. Đạt hiểu ý ghé sát lỗ tai vào mặt người bệnh nói:
_ Cụ muốn gì cứ nói.
Giọng cụ lúc đầu nghe rất rõ, nhưng càng nghe Đạt càng phải ghé sát tai hơn mới hầu mong hiểu được nhiều hơn những gì cụ nói. Âm sắc buồn thảm như lời thì thầm vĩnh biệt. Lời trăn trối một lúc một yếu dần cũng là lúc bí mật uất ức dần hé lộ. Đạt đã hiểu vì sao cụ Thiều mất. Vì sao gia đình Hưng ly tán phương xa. Giọng nói bỗng mất hẳn sức sống, nhẹ như gió thoảng, xa dần… xa dần… Lạ lùng thay Đạt không còn nghĩ những lời ấy là lời của người bệnh. Âm thanh như từ cõi âm u xa xăm nào vọng lại. Có cảm giác như mình đang đứng trong một căn nhà mồ. Tim Đạt đập loạn nhịp, ngạc nhiên sững sờ... Khi làn môi không còn mấp máy nữa Đạt siết tay cụ nói nhỏ:
_ Cụ yên tâm con sẽ nói lại với Hưng.
Từ nhà cụ Đậu ra về, Đạt lao người đi trong đêm tối mà ngỡ mình lạc vào một đường hầm không có lối ra… Khi hiểu ra mọi điều cũng là lúc nhận ra số phận mình chắc sẽ không khác gì cụ Thiều. Cụ Đậu e dè gì mà không nói lúc còn tỉnh táo? Bây giờ thì đã quá trễ! Không ngờ số phận cụ Thiều bi thảm vậy! Chỉ có cụ Đậu và người anh cả biết việc này. Hôm cụ Thiều mất là hôm cụ Đậu đi ăn cưới làng bên. Về nhà thấy xác cụ Thiều trong vườn, nhớ lại những gì cụ Thiều tâm sự với mình mấy hôm trước về cuộc cãi vã với người cháu họ cụ Đậu hiểu ra mọi điều vội báo cho anh cả, khuyên không nên cho ai về làng. Anh cả mất đột ngột, không kịp trối và cụ Đậu muốn Hưng biết điều này.
Bây giờ ngồi đây không biết số phận mình sẽ đi về đâu? Chưa bao giờ Đạt ao ước gặp Hưng như lúc này. Có tiếng kẻng kêu leng keng cắt đứt dòng suy tưởng. Mọi người bên ngoài gọi nhau ơi ới. Chắc là giờ ăn trưa. Trong phút chốc tất cả trở lại yên lặng. Đạt nghe bụng mình kêu òng ọc… Đã mấy ngày nay không có gì trong bụng nhưng cũng không cảm thấy muốn ăn. Nhìn theo vệt nắng lọt qua một lỗ hổng to bằng trái cam, Đạt mệt mỏi lết người về phía ấy tựa lưng vào bức phên tre, nơi có nhiều ánh sáng. Có tiếng đập cánh phành phạch đâu đó, rồi tiếng gáy của con gà trống nhà ai cất lên. Tiếng của nó sao như những mũi tên thép nhọn, gợi nhớ xót xa quay quắt những buổi trưa êm ả, tiếng gà gáy cất lên tưng bừng, len lỏi trong khu rừng mận lung linh những cành hoa trắng… Một miền yêu dấu đã xa… Trời oi! Sao nhớ miền nam quá!
Ngồi thu lu trong căn phòng kín hai dầu gối co lại, Đạt thấy cổ họng khô đắng. Có môt cái gì đó quá chua xót, hụt hẫng, đau đớn đến cùng cực. Anh nghe hơi thở gấp đang bị kìm giữ của mình. Cố nén những uất ức đang dâng lên trong lòng, nhưng rồi không chịu đựng thêm được nữa, Đạt đành buông xuôi… Cùng lúc ấy có tiếng rên khẽ phát ra trong căn phòng vắng lặng. Không muốn tin đó là tiếng rên của mình. Nó giống như tiếng rên của con vật đang bị thương. Đạt gục đầu khóc lặng lẽ trong sự bất lực.
Một lát sau Đạt giật mình khi nghe tiếng lịch kịch sột soạt. Thấp thoáng sau bức phên thưa có bóng người đi lại. Đạt trườn người về phía có lỗ hổng ghé mắt nhìn ra ngoài. Một phụ nữ đang dáo dác xung quanh. Hành động giống như một người sắp làm điều sai trái. Thấy vẻ khả nghi anh lặng lẽ theo dõi. Chị ta trông rất lam lũ. Cái váy vá đụp nhiều chỗ đã ngả màu. Loại vải thô cứng nặng nề như được hồ thêm nhiều lớp bùn đất chất chồng qua những lần giặt vội chưa được rũ sạch. Mái tóc khô vàng vì nắng cháy búi hờ ra phía sau. Hai tay người phụ nữ giấu sau lưng. Hình như đang cầm cái gì thì phải?
Chị ta tiến lại gần căn chòi, vừa đi vừa liếc nhìn tứ phía. Có lẽ muốn lấy gì trong căn chòi này sợ bị bắt gặp nên dòm chừng? Khi thấy hai bàn chân chai sạn nứt nẻ lấm tấm bùn tươi tiến lai gần nơi có lỗ hổng, Đạt nép mình vào vách hồi hộp chờ đợi. Vệt sáng biến mất. Hai con mắt người phụ nữ đang dán vào lỗ hổng nhìn ngang dọc, tìm kiếm. Anh nghe chị ta gọi:
_ Ông ơi! Ông ơi!
Đạt không lên tiếng. Chị ta gọi tiếp:
_ Ông Đạt ơi!
Đạt ngạc nhiên quên cả e ngại chồm về phía chị ta hỏi:
_ Chị vừa kêu tên tôi đó à?
Khuôn mặt gầy đôi môi khô khốc của người phụ nữ dãn ra thành một nụ cười, hai mắt chớp chớp nói thật nhanh:
_ Ông đấy à? Tôi tìm mãi. Tôi sẽ giúp ông. Trưa vắng họ đi hết rồi, ông có khát không?
Đạt như người chết đuối vớ được phao kêu lên:
_ Cám ơn chị. Tôi không khát.
Người phụ nữ luồn cánh tay khẳng khiu qua lỗ hổng chìa một gói nhỏ bọc lá chuối:
_ Ông ăn đi kẻo đói. Muốn gì cứ nhắn với tôi.
Vừa nói chị vừa e dè dòm chừng. Có tiếng lao xao cười nói, tiếng chân người đi tới. Đạt đỡ lấy cái gói trên tay chị ta. Chị ta rụt tay lại hốt hoảng nói thật nhanh:
_ Tôi sẽ trở lại.
Rồi vùng chạy. Đạt nhìn theo… Người phụ nữ chạy rất lẹ. Bụi tung lên sau từng nhịp chạy. Chiếc váy phất phơ bay. Chị ta đang hướng về phía cầu ao. Khi bàn chân người phụ nữ vừa chạm cầu thì toàn thân nhún bật lên như cái lò xo, váy tung tròn trên không rồi trong tích tắc tất cả rơi tỏm xuống ao. Chị ta lội bì bõm về phía bên kia bờ. Đạt nhìn theo như bị thôi miên. Cái đầu người phụ nữ cứ trồi lên hụp xuống rồi đột ngột biến mất vì bụi chuối già tơi tả và cái lẫm lúa lù lù ở góc sân đã che mất tầm nhìn. Đạt cố nhớ xem mình đã gặp chị ta ở đâu chưa? Gương mặt xa lạ này có gợi lên điều gì không? Vẫn có cái gì quen quen dường như đã gặp ở đâu rồi? Có thể trong một phiên chợ quê? Một quán cốc ven đường? Hay trong một buổi sáng mà tiếng rao cứ lơ lửng trong màn sương khi ánh đèn đường chưa kịp tắt? Đạt lục lọi trong trí nhớ, những mớ hỗn tạp của quá khứ, những hình ảnh mờ nhạt chập choạng… Anh ngước nhìn lên những trái bắp treo lủng lẳng rồi dừng lại ở phên cửa, cố tập trung vào cái gì đó để thoát khỏi sự rối ren phức tạp của ý nghĩ. Thế nhưng chỉ một lát khuôn mặt người phụ nữ lại hiện rõ trong đầu anh. Nó đã trở thành nỗi ám ảnh. Chị ta có nét mặt của người dễ bị lẫn trong đám đông. Có phải chị ta là người hiện diện hụp lặn trong cái đám hỗn độn xô lấn thô bạo, chới với trong tiếng la ó mắng nhiếc tối qua khi Đạt đọc kiểm điểm trước sân đình, để rồi vươn lên phía trước? Ánh sáng khác thường toát ra từ đôi mắt ấy hướng về anh, chỉ một thoáng thôi! Đạt nhớ ra rồi!Lúc đó Đạt cầm tờ giấy kiểm điểm đọc như một cái máy không ý thức được gì về những điều mình bắt buộc đọc, lâu lâu phải cúi xuống bỏ dở phần đọc lấy tay che mặt vì một cái váy phụ nữ quất vào mặt cùng với tiếng rủa: “ chết đi! Cái đồ địa chủ bóc lột xương máu nhân dân!”, bơ vơ chới với khốn đốn đau đớn giữa những hoang tàn đổ nát của đình chùa, những liễn đối tróc sơn, có một gương mặt, có một đôi mắt cảm thông…đúng là chị ta rồi! Đúng rồi! Anh sung sướng bám lấy cái giây phút gợi nhớ ấy như một người chết khát. Có thể đây là ảo ảnh? Sự xuất hiện của người phụ nữ giống như mạch nước ngầm đột ngột vọt lên chảy trên sa mac khô cằn. Nó đã tiếp sức mạnh cho tâm hồn mòn mỏi yếu đuối đến tuyệt vọng của anh. Lần đầu tiên từ hơn một tuần nay Đạt thấy bụng đói cồn cào. Anh tháo dây lạt buộc quanh cái gói bọc lá chuối. Mùi khoai nướng bốc lên ngào ngạt. Anh bóc vỏ ăn ngon lành, lòng nghĩ thầm: “Mình sẽ sống!”
*
**
Thời gian cứ vô tình trôi đi.
Thế rồi có một buổi sáng thật đặc biệt, một sáng chủ chật không bao giờ quên, đã để lại dấu ấn trong lòng ông Hưng thật sâu đậm. Sự viếng thăm bất ngờ của một vị khách trẻ tuổi như một vết chém cay nghiệt chặt đứt cuộc đời ông ra làm hai mảnh rõ rệt. Quá khứ, với niềm tin, hy vọng, nhiệt tình, trong phút chốc biến mất chỉ còn hiện tại bẽ bàng chua chát… Ông ngồi đó câm lặng… Giọng của vị khách cứ thế rót vào tai ông thản nhiên đến tàn nhẫn. Anh ta càng nói thì nỗi đau không duyên cớ nhưng từ lâu vẫn âm ỉ bỗng trở nên rõ rệt hơn, sâu rộng hơn. Lưng tựa vào ghế bành, đầu óc bồng bềnh như trôi trên mây trên gió. Ông thấy người thanh niên tiến lại gần chào ông nhưng ông không thể đứng lên cũng không nhấc tay lên được. Anh ta nghiêng người ghé sát vào tai ông nói nhỏ:
_ Chú cứ ngồi yên đó! Không phải tiễn con đâu!
Anh ta mặc bộ đồ vét đen, đội mũ đen, đôi giày đen gõ trên sàn nhà tạo ra những âm thanh khô khốc. Người trẻ tuổi dừng lại sát bàn cúi xuống khẽ hôn lên những bông hoa lys, rồi quay lưng, từ từ biến mất sau cánh cửa.
Như một điềm báo trước, căn phòng khách nhà ông Hưng ngày hôm ấy như nhuốm một màu tang tóc. Rèm trắng, hoa trắng, khăn trải bàn cũng màu trắng. Ông ngồi đó ánh mắt như dại hẳn đi. Một vệt nắng xuyên qua khung cửa, lọt qua bức rèm khép hờ hắt vào khuôn mặt nhợt nhạt của ông. Cả căn phòng như chìm trong một thứ ánh sáng sắc lạnh. Lạ lùng thay, đó không phải thứ ánh sáng êm dịu trong trẻo quen thuộc ông thường thấy vào những sáng mùa xuân như thế này. Trong căn phòng im lặng, ông nghe rõ nhịp tim bất thường của mình, hai bàn tay run run xâm xấp mồ hôi. Bây giờ ông biết tại sao cha lại mất đột ngột? Cứ nghĩ đến xác cha phải cuốn chiếu mà chôn một cách vội vã, không có đứa con nào đưa tiễn, lòng ông tan nát như đứt từng khúc ruột. Ông gục xuống thành ghế rên lên: “Cha ơi!”
Ông ngoái đầu nhìn về phía có nhiều ánh sáng, nơi cánh cửa mở ra ngoài lan can. Ông nhìn ra khung cửa. Bầu trời xanh ngắt phẳng lặng, không một gợn mây. Có con diều mắc kẹt trên sợi dây điện, cái đầu ngắc ngoải, đuôi phe phẩy một cách yếu ớt. Thì ra bây giờ là buổi trưa.
Bà Mơ thong thả bước vào… Bà tiến lại, từ phía sau, choàng tay lên lưng ghế chạm nhẹ vào vai chồng. Cùng lúc bà hốt hoảng nhận ra thế ngồi kỳ quặc của ông. Giống như thân cây chuối bị đốn ngã. Bà vội xốc người ông lên, giúp ông sửa lại thế ngồi. Vẫn không thấy chồng lên tiếng bà lo lắng hỏi:
_ Anh mệt phải không? Cứ ngồi yên đó, có cần lấy thuốc không?
Ông Hưng lắc đầu. Bà Mơ nói:
_ Em đi chợ về nghe mấy đứa nhỏ nói nhà có khách, ai vậy anh?
Ông Hưng mệt mỏi ngước nhìn bà, một lúc sau ông mới lắp bắp:
_ Con anh Đạt từ ngoài xứ trốn vào đây.
Bà Mơ ngạc nhiên hỏi:
_ Chứ bố mẹ nó không vào à?
Ông Hưng nói như mếu:
_ Cha… bị… xử… tử… hình, mẹ… phát điên… nhảy… sông tự vẫn.
Bà Mơ kêu lên:
_ Giời ơi! Tội quá là tội! May mà thằng nhỏ còn vào được đây!
Hình như ông Hưng không nghe bà nói gì. Ông đang nhìn vào khoảng không trước mặt như nhìn vào một điều gì đó thật khủng khiếp. Bà Mơ không muốn mời chồng ra ăn trưa nữa. Bà lẳng lặng đi ra, khép cửa lại.
Chú thích
[ 1 ] ” Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí”, Nguyễn sông Lam, Nguyễn Lam Châu tuyển chọn trang 118 –Nhà Xuất Bản Thanh Niên,2005-
Mê Lộ Mê Lộ - Nguyễn Thị Phi Oanh