Những lần thất bại chính là hạt giống gieo mầm cho thành công sau này. Bạn có thể buồn nhưng đừng tuyệt vọng.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: nguyen vong
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7494 / 96
Cập nhật: 2015-03-06 10:33:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Quyển I - Phần 2 - Nghề Phá Sản
ừ bữa Quí về nhà từ biệt cha mẹ, chị em, đặng sáng ngày sau đi theo quan Kinh Lý La-Co lên Sài Gòn, tiếp ở bồi với ông, thì Bồi bái Tồn xúc động cực điểm. Con ra đi, ông đứng ngoài ngó theo, nước mắt chảy ròng ròng, chớ không dặn dò con được một tiếng.
Quí ra lộ bị vướng rào che khuất dạng, ông Bồi lau nước mắt rồi đi thẳng vào trong buồng, nằm thiêm thiếp mà tưởng nhớ tới con. Đến ngày nay, ông mới nhận thấy tội lỗi của ông, lỗi đạo làm chồng, lỗi đạo làm cha, lỗi với người chết, lỗi với kẻ sống. Nhưng biết lỗi thì đã trễ, mọi việc đều hư hỏng, thì có khóc mà chịu, chớ làm sao mà sửa chữa bây giờ.
Đến chiều, cơm dọn ra rồi, thằng Sen vô dở mùng kêu cha ra ăn cơm. Ông Tồn nói không đói, ông biểu nó ra ăn với má nó đi. Bà Mùi phải vào mời một lần nữa, cực chẳng đã ông phải ráng ra ăn nửa chén, rồi buông đũa đi uống nước.
Ông bước ra lộ đứng ngó mông, ngó cái gò mã trong sở đất hương hỏa nằm ngang nhà, trong gò ấy có mồ của cha mẹ, và mồ của vợ trước, là má của con Mỹ với thằng Quí nữa.
Từ hồi chiều, ông buồn rầu, đau đớn, bây giờ thấy mồ mã vợ, ông thêm hổ thẹn vô cùng.
Ông ngồi trên lề đường gục mặt nghiêng tai, ông tư tưởng người xưa, rồi dường như ông nghe hỏi:
- Tôi chịu cực nhọc, tôi ráng cần kiệm mua thêm ruộng đất để cho mình có đủ huê lợi mà nuôi con ăn học, sao lại đến nỗi nó phải đi ở đợ mà nuôi sống?
Ông Tồn khóc thầm. Ông muốn chết phứt cho xong, chết đặng dứt phiền não, chết đặng xuống cửu tuyền tìm cha mẹ và tìm vợ hiền mà chịu lỗi.
Ông khóc một hồi, rồi tính kiếm người quen với vợ trước mà đàm đạo, trút bầu cay đắng cho nhẹ bớt nỗi lòng. Ông nhớ Ba Thới là chị em thân thiết với vợ ông hồi trước. Từ năm trước chồng chị ta chết có lẽ cũng buồn như ông bây giờ vậy, đi vô thăm chị ta, đặng than thở việc nhà cho đỡ đôi chút.
Trời tối đã lâu rồi. Nhưng nhờ mặt trăng đã lên cao nên dọi xuống đường sáng lòa. Ông Tồn chậm rãi đi vô ngã ba Suối Cạn. Thấy trong quán dì Ba Thới cửa chưa đóng, đèn còn sáng trưng, ông mới ghé vào.
Con Hường đương nằm trên quán nói chuyện chơi với mẹ, nó nghe động đất, thì ngóc đầu ngó ra, nó thấy ông Bồi bái Tồn thì lật đật kêu mà nói:
- Má, có ông Bồi bái vô kìa má.
Dì Ba Thới lồm cồm ngồi dậy hỏi:
- Có việc gì hay không mà anh vô tối dữ vậy?
Ông Bồi bái nói:
- Tôi thấy trăng sáng nên thả đi chơi một chút, chớ có việc chi đâu.
Dì Ba Thới mời ông ngồi, biểu con đi nấu nước, đặng chế trà uống. Ông Bồi bước lại cái võng mà nằm. Dì ba nói:
- Hồi chiều, cháu Quí có vô từ giã mẹ con tôi, đặng sớm mai nó lên Sài Gòn với quan Kinh Lý. Tôi cầm ở lại ăn cơm, chơi đến gần tối nó mới về. Con Hường tính khuya nó ra cho sớm, đặng đón mà đưa cháu Quí lên xe.
Ông Bồi nằm êm không nói chi hết.
Dì Ba nói tiếp:
- Tội nghiệp quá. Nó đi, nó gượng làm vui, chớ tôi dòm sắc mặt nó, biết nó buồn. Mới 16, 17 tuổi mà phải bỏ nhà, bỏ cha bỏ chị, đi lập thân. Mà lập thân lại ở bồi cho Tây, chớ không phải làm nghề gì sang trọng, thì vui làm sao được.
Ông Bồi cũng vẫn lặng thinh.
Dì Ba nói nữa:
- Tôi có hỏi nó, vậy chớ đi theo quan Kinh Lý như vậy, nó tính chừng nào về hay không. Nó nói, nó đã kiên quyết bước chưn vào đường đời, đặng lội lặn mà lập thân; trời khiến nó đi bao lâu, đi tới đâu tùy ý trời định, nó không biết trước được. Nó nói như vậy, sợ nó không trở về đây. Nó có nói với anh chừng nào nó về hay không?
Ông Bồi đáp cụt ngủn:
- Không.
Dì Ba biết ông đương buồn về gia đạo nên dì không dám nói chuyện Quí nữa.
Hường bưng ra một cái tách với bình trà để trên bàn. Dì Ba bước lại tráng tách, rót trà rồi, mời ông Bồi dậy uống một chút trà nóng ấm bụng.
Bây giờ, ông Bồi mới chịu ngồi dậy, rồi mạnh mẽ đi lại cái bàn, bưng tách trà nóng rót uống một hơi. Hường ngồi trên ghế để dựa tủ kiếng đựng bánh mà bán, có ý lóng nghe hai người nói chuyện về Quí đi Sài Gòn. Té ra dì Ba trở mái hỏi:
- Mùa nầy lúa miệt Càng Long mình đây nghe nói trúng dữ lắm phải hôn anh?
- Trúng.
- Lúa trúng còn vái cho cao giá, đặng đỡ khổ cho con nhà làm ruộng, nhứt là mấy ông điền chủ nhỏ.
- Đỡ cho ai, chớ mấy người thiếu hụt đã lấy tiền trước của chành hồi tháng 7, tháng 8, bây giờ phải đong lúa chành theo giá rẻ mạt, bởi vậy có hưởng được giá cao đâu.
- Tại mình lấy tiền trước thì phải chịu, chớ biết làm sao. Năm nay anh có lấy tiền trước của chành hay không?
- Làm sao mà khỏi được. Tôi lấy của Duy Xương 200 tạ, của Kỳ Tường 200 tạ nữa, tới mùa phải cân cho 2 chành hết một ngàn 200 thùng rồi.
- Ruộng của anh cho mướn bao nhiêu lúa?
- Một ngàn 600 thùng.
- Vậy thì còn 400 thùng, làm sao mà đủ trong năm tới.
- Xài mới khỉ họ! Còn mấy mối nợ khác nữa, 400 thùng lúa đó bán không đủ tiền lời, có dư đâu mà tính xài.
- Trời ơi! Vậy rồi làm sao?
- Tới đâu hay tới đó chớ biết làm sao.
- Nguy quá, vậy mà anh không lo, cứ thả đi chơi hoài.
- Nằm nhà nhớ nợ nần không chịu nổi, nên tôi phải đi cho khuây lãng, chớ có phải tôi mê sa bài bạc đâu dì.
- Anh đi thét càng đổ nợ thêm nữa chớ.
- Tôi nghĩ lại, nguy đây là lỗi tại mẹ thằng Quí hết thảy.
- Chỉ mất đã 13, 14 năm rồi, chỉ có làm hư hại đâu mà anh đổ thừa cho chỉ!
- Thì tại nó chết nó bỏ tôi, nó làm tôi buồn rầu, đi chơi ta bà bậy bạ, nên gia đạo mới rối, nghiệp mới hư đây.
- Thiệt đang làm ăn xẩn xẩn, mua ruộng đất, ra làm làng, ai cũng đoán vợ chồng anh sẽ làm giàu lớn. Thình lình chỉ bỏ anh mà đi theo ông bà, nên mới hư hại. Chớ nếu chỉ sống cho tới bây giờ tôi chắc ruộng đất của anh đã lên tới cả trăm mẫu, con Mỹ đã gã lấy chồng, thằng Quí được học thêm nữa, có đâu phải ra thân ở đợ cho Tây đặng nhờ mảnh áo chén cơm.
- Thôi đừng có nhắc tới thằng Quí nữa, dì ơi! Ừ hồi chiều tới giờ tôi muốn chết phứt cho rồi.
- Anh chết gia đạo của anh càng nguy thêm nữa. Anh phải sống mà lo sắp đặt lại cho yên ổn, cho thảnh thơi chớ.
- Sắp đặt cách nào đâu dì nói cho tôi nghe thử coi?
- Tém dẹp cho gọn ghẽ, trả dứt nợ nần còn lại bao nhiêu thì liệu cơm gắp mắm, mỗi năm cứ ngó số thâu mà định xuất, gói ghém cho chặt chịa, làm như vậy thì được chớ gì. Anh mới 50 tuổi, chưa già gì lắm, anh còn đủ ngày giờ mà sắp đặt việc nhà lại, đặng hưởng thảnh thơi, sung sướng với người ta.
Kìa ông cả Đồng, ổng có một mẫu ruộng với một mẫu trên dồng, mà ổng khéo lo, nên ruộng đủ lúa ăn, dồng có huê lợi, đủ đi chợ, quanh năm ổng thong thả vô cùng. Anh có tới hai ba mẫu dồng, lại thêm gần 50 mẫu ruộng lẻ, thì anh phải dư dả, phải ra mặt, "người có cơm tiền”, tại sao mà anh phải thiếu hụt đến mang nợ mang nần? Anh phải suy xét lại tại duyên cớ nào, mà làm cho việc nhà anh phải suy sụp. Hễ tìm ra mối hại anh phải dẹp phứt nó đi, thì tự nhiên anh hưng vượng lại, có gì đâu.
Ông Bồi Tồn bỏ đi lại võng nằm nữa, nằm nín khe. Dì Ba Thới nói chuyện thì ông ừ hử vần chừng, ông không muốn nói ông cũng không muốn nghe. Cả một hồi, ông đứng dậy từ giã mẹ con dì Ba Thới mà về.
Mẹ con Ba Mùi đã ngủ rồi, duy con Mỹ còn ngồi vá áo để cửa mở coi, cha có về thì vô.
Ông Bồi về nhà, không dám ngó con; ông đóng cửa lại, rồi xâm xâm đi lại cái giường của thằng Quí ngủ hồi trưa mà nằm.
Con Mỹ vá áo rồi, thấy cha nằm im lìm, trông cha đã an giấc, nên nó dẹp đèn đi ngủ.
Ông Bồi Tồn có ngủ được đâu. Ông nằm lim dim, trong trí cứ nhớ hình dáng Quí hồi chiều, bên tai cứ nghe những lời của dì Ba Thới nói hồi nãy.
Thình lình giữa đêm khuya vắng vẻ, có một chiếc thuyền đi dưới rạch phía sau vườn, chèo bỏ mái nghe rột rạt, rồi lại có người lại cất tiếng lên mà hát:
Mẹ còn gót đỏ như son.
Từ khi mẹ mất, gót con đẫm bùn.
Câu hát ác liệt quá! Ông Bồi đương buồn tủi, nó còn gợi mạch sầu, làm cho nước mắt ông tuôn ra dầm dề.
Đến khuya, ông thấy con Mỹ thức dậy sớm, rửa mặt thay đồ, rồi trời hừng sáng, nó mở cửa nhè nhẹ mà đi.
Ông thường nhớ bữa mặt trời mọc một lát, rồi Mỹ mới đi chợ. Bữa nay nó đi sớm, chắc là nó ra chợ, đặng đưa em nó lên xe. Ông Bồi muốn đi, ông đã ngồi dậy, mà rồi ông nghĩ, gặp con nữa ông phải nói chuyện gì; thấy mặt con ông càng thêm tủi nhục, càng thêm thẹn thùa, chớ không có ích chi hết. Nghĩ như vậy rồi ông nằm lại, gác tay qua trán, nước mắt vẫn chảy hoài.
Chừng Mỹ đi chợ về, mẹ con Ba Mùi mới thức dậy. Bây giờ ông Bồi mới đi rửa mặt, rồi đi luôn ra sau vườn, coi chú Tiền làm cỏ. Ngồi lại ăn cơm, Ba Mùi thấy ông sắc mặt dàu dàu, không muốn nói chuyện, không ngó vợ con, chị ta biết chồng buồn vì sự Quí đi, nên chị ta không dám nhắc tới. Ăn cơm xong rồi, ông Bồi kiếm chỗ mà nằm nữa, không tính đạp xe đi chơi như thường bữa. Ba Mùi thấy vậy chị ta cũng không dám đi.
Mấy bữa sau, ông Bồi cũng lục đục ở nhà hoài, không muốn đi đâu hết. Nhịn bài tới năm sáu bữa, Ba Mùi chịu không nổi nữa, nên ăn cơm rồi, chị ta làm gan lấy dù mà đi. Ông Bồi ngó thấy, nhưng ông không nói gì hết.
Bữa sau, lối nửa buổi sớm mai, có ông Hương sư Bền, ở Mỹ Trường ghé nhà thăm ông Bồi bái Tồn. Hai ông nói chuyện mùa màng, hỏi thăm ấm lạnh, rồi Hương sư Bền mới hỏi qua việc nhà của Bồi bái Tồn. Ông hỏi ông Bồi được mấy người con, người nào được bao nhiêu tuổi. Ông Bồi tỏ thiệt người vợ trước đã mất có để lại cho ông con Mỹ là gái đầu lòng năm nay được 19 tuổi, với đứa con trai mới 17 tuổi. Ông chấp nối với người sau đó sanh thêm một trai đã được 9 tuổi.
Ông Hương sư Nhiều mới nói ngay ra rằng thầy giáo Lễ, dạy tại trừong Dồng Ké, cậy ông đến muốn tỏ ý cầu thân hỏi thăm tuổi của Mỹ và xin định ngày cho xuống coi mắt.
Ông Bồi suy nghĩ rồi khiêm nhượng nói Mỹ còn khờ khạo, phần thì mồ côi mẹ sớm quá, nên thiếu bề dạy dỗ, bởi vậy sợ lấy chồng sợ làm dâu không kham.
Ông Hương sư nói Giáo Đỗ mới 22 tuổi, vốn là con út của thầy Bang biện Sung, ở trên Vũng Liêm. Cha đã mất mấy năm nay rồi, bây giờ còn mẹ già ở giữ nhà thờ, bà là một người hiền đức nên làm dâu không khó gì. Huống chi giáo Lễ đi dạy học, hễ cưới vợ thì dắt vợ theo đặng lo cơm nước, có để vợ ở nhà đâu, mà sợ vợ làm dâu.
Hai ông bàn cãi một hồi, rồi thỏa thuận bữa sớm mơi chúa nhật sắp tới đây, ông Hương sư sẽ đem mẹ con thầy giáo Lễ xuống coi con Mỹ, xuống coi một chút rồi về, khỏi đãi cơm nước chi hết.
Ông Hường sư Bền về rồi, chừng vợ chồng ông Bồi ngồi ăn cơm với hai con. Ba Mùi mới hỏi khách Mỹ Trường đến tính việc chi, mà nói lâu dữ vậy. Ông Bồi cho hay Giáo Lễ dạy trường dồng Ké, cậy ông Hường sư Bền làm mai xin cưới con Mỹ, hẹn chúa nhựt này dắt mẹ con giáo Lễ xuống coi mắt con Mỹ. Ông dặn vợ phải sắp đặt, đặng bữa đó tiếp khách cho đàng hoàng, và dặn con phải bận áo quần sạch sẽ, đặng ra chào khách.
Ba Mùi nghe nói chồng coi con Mỹ thì than:
- Cha chả ông gã con Mỹ thì cụt tay, còn ai lo cơm nước, ai coi sóc trong nhà nữa?
Ông Bồi Bái nổi giận nên trợn mắt nói lớn:
- Tính bắt nó làm mọi mãn đời hay sao? Con gái hễ tới tuổi người ta muốn cưới, nếu mình coi phải chỗ thì gả cho nó có đôi bạn mà làm ăn. Nếu mình tham công tiếc việc không chịu gả, để nó lỡ thời rồi vác bán chi ai được?
Vợ chồng ở với nhau hơn 10 năm, ông Bồi mới nồ nạt lần thứ nhứt. Nhưng mà Ba Mùi không nao núng, chị ta xụ mặt mà đáp liền:
- Tôi nói chuyện mà nghe chớ con ông, muốn gả chừng nào, gả cho ai ông gả. Tôi đâu dám cản trở.
Ông Bồi nghe ba tiếng “con của ông”, thì ông chau mày, trong lòng phiền lắm, nhưng nếu nói ra thì có chuyện sẽ rắc rối, mà không có chỗ hay, bởi vậy ông liếc mắc ngó con Mỹ, rồi ăn riết cho mau hết chén cơm, đặng đứng dậy mà đi cho khuây lãng.
Tuy Ba Mùi cự nự, song gần tới chúa nhựt chị ta cũng biểu chú Tiền dọn dẹp, lau chùi trong nhà, quét hốt ngoài sân, đâu đó đều sạch sẽ. Chị ta cũng lo sắp đặt trầu nước, coi sửa soạn cho Mỹ, nên bữa Hương sư Bền dắt mẹ con thầy giáo Lễ đến nhà, thì Mỹ bưng trầu, bưng nước ra mời khách đàng hoàng, không lầm lỗi chỗ nào cho người ta có thể chê được.
Chừng khách về, ông Bồi đưa ra tới cửa ngõ thì ông Hương sư đứng lại nói nhõ với ông Bồi:
- Để thầy giáo về tính lại với bà Bang coi sao rồi tôi sẽ trả lời.
Ông Bồi gật đầu. Ba người khách lên xe ngựa mà về.
Ông Bồi đi chậm rãi về nhà, ông thầm nghĩ thầy giáo Lễ tướng mạo nhu mì, con bà Bang biện, nói chuyện hòa nhã; nếu người ta xin cho bước tới, thì mình gã cũng được. Ngặt hễ chịu gả, thì phải sắm đồ đạc cho con, phải lo làm đám cưới, tốn hao đến một hai ngàn coi mới được. Tiền ở đâu?
Mẹ Ghẻ, Con Ghẻ Mẹ Ghẻ, Con Ghẻ - Hồ Biểu Chánh Mẹ Ghẻ, Con Ghẻ