Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Chương 9: Sở Chỉ Huy Sơn La, Tiểu Đoàn Thái Số 3
T
ướng Alessandri, chỉ huy trưởng toàn xứ Bắc Kỳ, hình như cũng có cùng những suy nghĩ như vậy. Ông triệu tập đại tá Lajoix về Hà Nội bàn về việc tổ chức lại trên tổng thể. Khi trở về Sơn La, Lajoix cho tôi biết:
- Bigeard này, anh sẽ xây dựng tiểu đoàn Thái số 3, anh sẽ nhận được các cán bộ khung tình nguyện đến từ vùng đồng bằng. Sở chỉ huy của anh sẽ đặt ở Sơn La và hoạt động của anh sẽ mở rộng trên toàn bộ xứ Thái đen!
- Thế còn ông, thưa đại tá, ông sẽ ra sao?
- Tiếc thay, Bigeard này, tôi phải rời khỏi Sơn La trở về Hà Nội để chỉ huy từ xa binh đoàn Tây Bắc, có nghĩa là cả Lai Châu và Sơn La. Như vậy là anh vẫn ở dưới quyền chỉ huy của tôi...
- Tôi rất sung sướng vì việc đó, thưa đại tá.
Xét theo chuyên môn, việc xây dựng một tiểu đoàn từ con số không, đối mặt với kẻ địch không phải là việc tôi không thích thú và còn nữa, tôi yêu xứ sở này, nơi tôi cảm thấy như ở nhà mình giữa những người Thái dễ mến đến như vậy. Sau những buổi chia tay xúc động, đại đội yêu quý của tôi, đơn trị đã cống hiến hết mình trong sáu tháng trời, rời khỏi Nà Sản bằng máy bay để trở về Hà Nội, ở đó mọi người sẽ có thể nghỉ ngơi thư giãn trước khi gánh lấy những nỗi khổ cực khác dưới quyền chỉ huy của một đại úy mới.
Lúc đó, tôi không biết rằng việc bổ nhiệm bất ngờ này sẽ tránh cho tôi không phải nhẩy dù ở Thất Khê, trong cuộc rút lui khỏi Cao Bằng, mà nó đã được mô tả rất rõ trong cuốn sách của Paul Bonnecarrère nhan đề “Bằng dòng máu đổ”. Trong trận đó, đại úy Cazeaux, các trung úy Emptoz, Chevret cùng hầu như toàn bộ đại đội của tôi và tiểu đoàn sẽ biến mất.
Trong nhiệm kỳ thứ nhất, tôi sẵn sàng rời bỏ đại đội của mình, để nó ở lại trong khung cảnh hòa bình tạm thời của Hải Phòng. Lần này, tôi để cho những con người mà tôi đã đào tạo đi theo số mệnh của họ. Chắc chắn, tôi sẽ hành động theo lệnh của bộ chỉ huy nhưng chủ yếu là trong ý định lúc nào cũng bám chặt lấy tôi, tiếp tục một trận đánh dở dang trên cái vùng thượng du.
Tôi không có thời gian soát xét lại lương tâm của mình để xem liệu có nhất thiết phải chấp nhận cái nhiệm vụ chỉ huy mới này hay không, bởi lẽ các sĩ quan và hạ sĩ quan từ vùng đồng bằng đã tới. Sở chỉ huy của tôi giờ đây ở trong khu thành Sơn La. Gaby ở ngôi biệt thự nhỏ, thừa hưởng từ đại tá Lajoix. Cô ấy sung sướng. Cuối cùng được sum họp trong buổi tập đi bộ buổi sáng và trong các bữa ăn chung với bộ tham mưu nhỏ bé của tôi... Thật tuyệt vời, không thể tin nổi, chiến tranh và tình yêu, thật là quá đẹp!
Tiểu đoàn sắp được hình thành nhanh chóng. Tôi được hoàn toàn tự do hành động, tôi tổ chức công việc bằng cách nhìn đơn giản nhanh chóng, có hiệu quả. Vây quanh tôi là những cán bộ trẻ, không bận bịu, sẵn sàng tuân theo các chỉ lệnh của tôi.
Trong bản mệnh lệnh số 1, tôi tuyên bố:
“Tiểu đoàn Thái số 3 ra đời ngày 1 tháng mười năm 1949 trong hoàn cảnh đặc biệt”.
“Đối mặt với quân Việt, hăng hái và nguy hiểm, tiểu đoàn với số hạt nhân hạn hẹp người Âu, phải huấn luyện các tân binh, xây dựng các đồn bốt bình định và làm cho kẻ địch khiếp sợ”
“Vùng thượng du xứ Bắc Kỳ là vùng đất ác liệt, thường hay thay đổi, cần phải chế ngự nó, dùng cận chiến đối với nó. Chỉ có những con người thép, ưa thích mạo hiểm và có ý thức trách nhiệm cao mới có thể thành công. Dù cho nguồn gốc của chúng ta là gì, lính thuỷ đánh bộ lính dù, người của đại quốc, dân binh, chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau đánh thắng và áp đặt ý chí của chúng ta”.
Nhiệm vụ của tiểu đoàn sẽ là giữ vững hai phân khu Sơn La và Mộc Châu, được xác định bởi các chỉ giới sau đây: ở phía bắc, dòng sông Đà; ở phía nam, con sông Mã; phía tây Thuận Châu; phía đông Mộc Châu, tức là một diện tích khoảng mười nghìn kilômét vuông. Quân số của tôi có năm đại đội chiến đấu được tăng cường bởi chín đại đội dân binh, tổng cộng hai ngàn năm trăm ba mươi người.... một khối lượng “tương đối” để chỉ huy, đối vối một đại úy trẻ. Anh ta cụ thể hóa như sau:
“Đối với một tiểu đoàn mới được xây dựng từ tháng mười, với những tân binh trẻ và các cán bộ phần lớn đến từ nước Pháp, đối mặt với quân Việt có tổ chức ghê gớm, một nhiệm vụ to lớn đang chờ đợi chúng ta”
“Chúng ta phải thấm nhuần nhiệm vụ ở mọi cấp độ, các chiến binh cũng như các cán bộ quản lí, chúng ta không có quyền để lãng phí một giây phút nào. Các chỉ huy trưởng đại đội phải đặc biệt chú ý đến vấn đề xạ kích, việc làm quen với hỏa lực, các bài tập đánh phục kích và phản phục kích. Rất nhanh chóng, chúng ta phải làm quen với việc đi tìm quân Việt ở tận hang ổ của họ”.
“Khối nhân viên phục vụ phải phản ứng chống lại “chủ nghĩa công chức”, ở đây không có các ngày chủ nhật và các ngày nghỉ lễ tết. Ở mọi cấp độ, mỗi người cần phải tin chắc rằng để mất một nửa ngày huấn luyện có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng sau đó vài tuần lễ...”
Mệnh lệnh đã ban ra, các trung úy trẻ tuổi của tôi, tổng cộng hai mươi nhăm người tỏ ra xuất sắc, cùng với quân số của mình, họ tản ra khắp núi rừng, thôn bản, xây dựng các đồn bốt thực hành huấn luyện, đi tìm kiếm quân Việt. Họ đơn độc đối mặt với trách nhiệm của họ ở nơi cách rất xa sở chỉ huy của tôi ở Sơn La. Tôi cho họ chơi cùng một trò chơi như tôi trong nhiệm kỳ lần trước: sống vì quân sĩ của họ, mọi việc đều phải có chủ định, luôn luôn hoạt động. Chắc chắn, họ biết là tôi theo sát họ hàng ngày qua máy vô tuyến, sẵn sàng ghé vai cùng họ với lực lượng tăng viện cần thiết.
Trung úy Caullery, một người con của nước Pháp, khuôn mặt niềm nở, bình thản chỉ huy đồn Phú Yên ở phía bắc Văn Yên, những bước khởi đầu khó khăn đối với chàng sĩ quan trẻ ở vị trí tiền tiêu của tiểu đoàn. Trong một lần đến kiểm tra, tôi đã nhắc nhở cậu ấy phải chấn chỉnh lại đồn bốt, yêu cầu đơn vị tăng cường kỷ luật và đảm bảo với cậu ấy là trong trường hợp quân Việt có cuộc tấn công quyết liệt, tôi sẽ đến tăng viện trong thời hạn ba mươi tiếng đồng hồ cùng với khoảng bốn trăm người.
Ở Mộc Châu, trung úy Faure cao lớn, gầy gò, được đào tạo ở đơn vị biệt kích, đã thành công hoàn hảo. Hệ thống phòng thủ của cậu ấy được bố trí tốt. Cậu ấy diễn tập nhiều lần xuất quân và có một tổ chức tình báo khá tốt. Tôi cũng báo cho cậu ấy biết là tôi có thể tăng viện cho cậu ấy trong trường hợp xẩy ra tấn công. Chỉ huy khu đồn Chiềng Đông - Yên Châu là trung úy Guilleminot, người quen cũ từ nhiệm kỳ trước của tôi, người đã từng bị quân Việt bắt giữ trong mấy phút, vừa tình nguyện tái ngũ sang Đông Dương một lần nữa. Chúng tôi vui mừng gặp nhau, với cậu ấy không có vấn đề gì, một cỗ máy đã được rà quá trơn tru. Godard, một sĩ quan dù cao to, xương xẩu, khôn khéo, chỉ huy ở Nà Sản. Là sĩ quan có kiến thức rộng, cậu ấy nhanh chóng thích nghi và duy trì được mối quan hệ rất tốt với người Thái. Với cậu ấy không có gì đáng lo ngại, cậu ta sẽ làm điều gì cần phải làm.
Trên con sông Mã, ở phía nam tại Mường Hung, tôi có may mắn tiếp nhận trung úy Valette d’Osia, con trai một vị tướng, vững chắc như một tảng đá, lúc nào cũng sẵn sàng đánh nhau... Cần hãm bớt hơn là khuyến khích.
Ở sở chỉ huy của tôi tại Sơn La:
Cấp phó của tôi, trung úy Porcher, sĩ quan dù cũ của tiểu đoàn Ayrolles được xây dựng ở Saint Brieuc mập mạp, dễ đến chín chục cân nhưng bề mặt tri thức, lại rất tinh tế, nhẹ nhàng... Trong tương lai tôi lại có cậu ấy ở dưới quyền một lần nữa, vào nhiệm kỳ thứ ba của tôi trong những hoàn cảnh bi kịch. Bôle du Chaumont, sĩ quan con nhà nòi, tài năng, bản chất thích tìm tòi, sẽ trở thành chủ nhiệm trinh sát của tôi.
Tất cả các buổi tối, qua máy vô tuyến, tôi móc nối liên lạc với những đồng sự tuyệt vời ấy để nắm tình hình trong ngày, xác định cụ thể những hoạt động của ngày hôm sau. Tất cả vì một người, một người vì tất cả! Chúng tôi không ngừng làm náo động khu vực mười nghìn kilômét vuông ấy. Những trận phục kích, đột kích và tác chiến mở rộng tiếp nối nhau. Quân Việt bị đẩy lùi, mất chỗ đứng chân, xứ Thái đen trong vòng vài tháng đã thoát khỏi sự khống chế của quân Việt.
Bất chấp nắm xôi nhỏ, miếng thịt trâu phơi khô, đàn muỗi, bầy vắt, những chuyến di chuyển thương binh dài ngày và nhọc nhằn, đội quân có một tinh thần chiến đấu cực kỳ cao. Các sĩ quan trẻ, các hạ sĩ quan, binh sĩ tự hào về những thành quả thu được. Tổn thất của chúng tôi tương đối nhẹ: 43 chết và bị thương trong số người Âu và đám dân binh. Đường liên lạc giữa Sơn La và Yên Châu không có vấn đề gì, hàng ngày xe cộ đi lại trên trục đường đó. Quân Việt, do vì các hoạt động không ngưng nghỉ của chúng tôi, do vì công tác tình báo có tổ chức và có hiệu quả, đã có vẻ mất sức và lúc này hình như hoạt động chủ yếu ở bên Lào.
Tôi đôi lần có dịp về bộ tham mưu ở Hà Nội để báo cáo tình hình và xin bổ sung phương tiện vũ khí và quân trang. Tôi trở lại Sơn La trên một chiếc Dakota và nhẩy dù ngay trên đầu sở chỉ huy của tôi, với Gaby - được coi như uỷ ban đón tiếp.
Tôi sẽ không nói nhiều đến những đêm hành quân, những thiếu thốn, chi tiết của các trận đánh. Đã từng trải qua nhiệm kỳ đầu tiên, có vốn hiểu biết đầy đủ về xứ sở này và về kẻ địch, cuộc chiến đấu hoàn toàn nằm trong tay tôi và tôi đã trở thành một ông hoàng, một thủ lĩnh kiểu như thủ lĩnh trong cuốn phim “Vĩnh biệt nhà vua” của Schoendoerffer.
Các nhà chức trách dân sự người Pháp, đứng chân một cách đàng hoàng trên cái vùng thượng du này đã lợi dụng sự che chở đó. Vả lại tôi không hề có một cố gắng nào để phải chịu ơn của họ. Thậm chí tôi còn làm một báo cáo về hành vi của một số người tổ chức đường dây buôn lậu thuốc phiện và đồng bạc trắng Đông Dương. Việc trừng phạt chống lại họ sẽ do Paris quyết định nhưng Ramadier, lúc đó là thủ tướng chính phủ, đã yêu cầu cách chức cái tay đại úy điên rồ tự cho phép mình có quyền lộng hành như vậy.
Tôi đón tiếp cuộc viếng thăm của tướng Alessandri, chỉ huy trưởng xứ Bắc Kỳ, một con người giản dị, tinh tế, quan tâm đến người khác, chuyên gia về Đông Dương, và đặc biệt là xứ Bắc Kỳ và vùng thượng du. Ông ngạc nhiên trước công tác tổ chức của chúng tôi, các kết quả hoạt động, nhịp điệu sôi nổi của đơn vị. Ông dự bữa ăn trưa ở nhà ăn cùng với cơ quan tham mưu của tôi. Chúng tôi có một buổi tối thú vị. Ngày hôm sau, trước khi lên máy bay ở Nà Sản, ông triệu tôi đến để nói rằng:
- Tôi rất buồn, nhưng tôi buộc phải nói với anh là anh bị cách chức. Tối hôm qua, tôi không đủ can đảm để thông báo với anh việc đó.
Thật là thảm họa! Tôi nằm gục trong buồng, khóc. Không! Không thể nào như thế được. Mọi việc trôi chẩy một cách hoàn hảo, vương quốc của tôi, lý do tồn tại của tôi thế là sụp đổ. Tôi đau đớn xé gan xé ruột và không thể đưa tiễn tướng quân ra máy bay. Tất cả các sĩ quan hiện diện đều tới động viên tôi, số anh em khác ở các đồn bốt độc lập gửi điện cho tôi. Đồng lòng họ viết lá thư tập thể sau đây gửi vị tướng quân.
Sơn La, ngày 18 tháng ba 1950.
Thưa tướng quân.
Hết sức xúc động bởi việc cách chức vô lý chỉ huy trưởng của chúng tôi, đại úy Bigeard, chúng tôi tự thấy có trách nhiệm phải nêu lên với tướng quân trạng thái tinh thần hiện nay của các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ người Âu và người Đông Dương thuộc tiểu đoàn Thái số 3.
Cái đơn vị tốt đẹp mà chúng tôi tự hào là những thành viên, là tác phẩm của duy nhất đại úy Bigeard. Đại úy đào luyện đơn vị bằng tình yêu và trí thông minh. Chỉ cần nghe thấy tên đại úy Bigeard là Việt Minh đã cảm thấy tình hình trong phân khu Sơn La - Mộc Chân sắp thay đổi. Dân chúng, đứng sau lưng các thân hào của họ, đã lấy lại niềm hi vọng, đám “dân quê” đã kéo tới Sơn La đăng ký tòng quân nhiều đến nỗi chúng tôi buộc phải từ chối. Tay Triệu Bàn Khâm của người Thái đen, vốn quen biết đại úy Bigeard từ nhiều năm nay, đã nhân danh cá nhân gửi gắm nhiều thành viên trong gia đình mình cho đại úy che chở.
Trước tất cả những niềm hi vọng được gửi gắm cho mình, đại úy Bigeard đã không phụ lòng mọi người. Dưới sự bảo trợ tích cực từ các đồn bốt của chúng tôi, khung cảnh bình yên lại ngự trị trong phân khu Sơn La - Mộc Châu.
Việc ra đi của đại úy, trên mọi cấp độ, gây ra một khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng và tiểu đoàn sẽ rất khó khăn mới có thể chế ngự được. Đám phiến quân, với những cái mũi vô cùng thính vây quanh chúng tôi chắc chắn sẽ lợi dụng tình thế này và chúng ta cần phải chuẩn bị đối phó với làn sóng mới gia tăng mạnh mẽ các hoạt động khủng bố trên toàn vùng, nhất là nếu như các phân đội của chúng tôi được gọi ra khỏi các đường ranh giới của tỉnh, chúng tôi bắt buộc phải rút bỏ một phân khu trong tiểu khu.
Dân chúng trong tỉnh Sơn La nhất trí với tất cả các đơn vị thành viên của tiểu đoàn Thái số 3 để đề nghị với tướng quân giữ lại đại úy Bigeard, người duy nhất mà chúng tôi tin tưởng ở cương vị chỉ huy trưởng tiểu khu Sơn La - Mộc Châu.
Ý thức được lỗi lầm mà chúng tôi phạm phải khi chống lại kỷ luật quân sự nghiêm ngặt, chúng tôi xin sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của việc làm đó, nhưng chúng tôi không thể nào im lặng trước nỗi nhục nhã công khai và bất công áp đặt cho tiểu đoàn trưởng của chúng tôi.
Ký tên.
Trung úy Porcher, tiểu đoàn phó.
Trung úy Du Chaumont, chủ nhiệm trinh sát.
Trung úy Burignat, chỉ huy đại đội dự bị của tiểu đoàn.
Trung úy Faure, chỉ huy đại đội số 9.
Trung úy Godard, chỉ huy đại đội số 10.
Trung úy Valette d’Osia, chỉ huy đại đội số 11.
Trung úy Guilleminot, chỉ huy đại đội số 12 (đang tác chiến).
Trung úy - Bác sĩ Tomari, thầy thuốc của tiểu đoàn Thái số 3.
Người kế nhiệm tôi sẽ tới trong vài ngày nữa. Đây là một đại úy tốt, vừa mới đổ bộ. Anh ấy tên là Dupont, tại sao không là Durand nhỉ? Vậy là anh ta sắp thừa kế cái công cụ mà tôi tưởng là tài sản của riêng tôi này. Các sĩ quan trong đơn vị đã đi hơi quá trong việc biểu lộ tình cảm của họ bằng việc cho treo cờ rủ ở tất cả các đồn bốt. Thật đáng thương cho Dupont! Về sau, tôi được biết là anh ấy không bao giờ lội được ngược dòng và chỉ ở lại vùng thượng du trong thời gian ngắn.
Tôi soạn thảo bản mệnh lệnh số 3 của tiểu khu:
… Không bao giờ chỉ có hai mà không phải là ba...
Thứ nhất, tôi yêu cầu các bạn, dù cho là xuất thân từ đâu: lính thuỷ đánh bộ, lính dù, người của chính quốc phải họp thành một êkíp chiến thắng và áp đặt ý chí của mình ở mọi nơi.
Thứ hai, tôi khen ngợi các bạn về công việc rất tốt đã được hoàn thành một cách vô tư. Mệnh lệnh này không còn là gửi cho các cấp dưới của tôi nữa, mà là cho các cộng sự của tôi. Trong một hiệp đấu không cân sức lúc khởi đầu, các bạn đã dám chấp nhận và các bạn đã thắng.
Bị đo ván bị một đòn đánh bất ngờ, tôi bị đặt vào tình thế phải chia tay với êkíp đông đảo của tôi là tiểu đoàn Thái số 3. Ở bên các bạn, tôi đã sống những giờ phút đẹp đẽ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình... Tôi đã có quá nhiều may mắn...
Tôi sẽ thường xuyên nghĩ tới những tử sĩ của chúng ta nằm rải rác trên con đường thuộc địa số 41, giữa Mộc Châu và Thuận Châu. Xin gửi tới tất cả, những người Pháp, những chiến sĩ biệt kích, những dân binh của cái vùng thượng du khắc nghiệt này, những lời chúc mừng mắn... Lính thủy đánh bộ cũng thế và không được nao núng!
Ký tên: Bigeard
Nà Sản, cuộc chia tay xúc động lòng người. Trung úy Godard chỉ huy trưởng khu đồn ở đây đã làm tốt mọi việc. Bữa ăn thịnh soạn, có mặt tất cả số cán bộ của tôi, các nhà chức trách dân sự người Thái, kíp lái máy bay Dakota sẽ đưa chúng tôi về Hà Nội. Bài phát biểu của người lâu năm nhất, nói rằng họ nhọc lòng biết bao khi thấy tôi ra đi, quà tặng, bó hoa mua từ Hà Nội lên tặng cho Gaby, lúc này cảm động đến phát khóc... Tôi sắp phải rời khỏi cái thị tứ Nà Sản mà tôi đã giành lại từ tay quân Việt, cách đây mấy năm. Quả là bất công, tôi có cảm tưởng đang tham dự một đám tang.
Lúc này, tôi không biết rằng về sau tôi còn trở lại nơi đây, tìm cách bám chân một lần nữa vào cái xứ sở này và được biết rằng những ai trước đó đã yêu cầu chuyển tôi đi, khi mà quân Việt tấn công đã phải thốt lên “A! Giá như Bigeard có mặt ở đây!”
Trên máy bay, Gaby vốn hiểu rõ nỗi thất vọng của tôi nên giữ im lặng. Chúng tôi sẽ ra sao đây? Viên phi công lái chiếc Dakota, một anh bạn cũ, cho máy bay lượn sát trên đầu các đồn bốt của đơn vị tôi. Tôi nhìn thấy thấp thoáng các binh sĩ, sĩ quan của tôi, lọt thỏm trên các mỏm núi giữa khu rừng già này giơ tay lên vẫy và vẫy mùi soa tạm biệt tôi... Tôi thấy đau lòng... Con tim tôi thắt lại. Tôi đã quá say mê cái xứ sở tuyệt đẹp này cùng với đám cư dân của nó... Gaby ngồi đây, đó là tất cả những gì còn lại cho tôi.