Cơ hội luôn đến vào lúc bạn không ngờ nhất.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7802 / 99
Cập nhật: 2016-04-17 22:23:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9: Gia Giáo
rong khi ông Tham đi mời Đốc tờ, thì ông Phủ ngồi trầm ngâm trên ghế. Bỗng ông hỏi bà Phủ:
- Quái, nhà ta, các cụ ăn ở phúc đức, sao tự nhiên con nó lại mắc phải cái bệnh kỳ quặc này!
Bà Phủ thở dài:
- Bệnh điên khó chữa đấy, ông ạ.
- Thím Tham đã nói cho bà nghe cái tiếng Chi mà con nó nói luôn mồm, là thế nào chưa?
Bà Phủ gật đầu. Ông Phủ bảo:
- Việc gì tôi đoán cũng không sai một mảy may. Tôi đã không cho nó giao thiệp với bọn con trai, vậy mà tôi chắc chú Tham cho nó, nên mới đến nỗi này. Văn minh đấy!
- Ông chớ vội oán chú Tham. Việc này tôi biết rõ, để tôi nói ông nghe.
Rồi bà xích ghế lại gần:
- Con Nga nhà này ấy, ông ạ, một hôm đi chơi ở phố phủ, suýt bị con chó cắn. Thằng Chi, con con mẹ đồ Sơn quật cái bát hay cái liễn gì đấy để đuổi con chó, rồi con Nga cho đồng bạc, chắc ông nhớ việc ấy rồi chứ gì?
Ông Phủ gật.
- Phải.
Bà Phủ tiếp:
- Cái hôm khai trường độ Tết, thằng Chi gặp con Nga trên xe lửa, nó mới lân la chuyện trò.
Ông Phủ tròn xoe hai mắt:
- Thế à? Thôi chết!
- Rồi một hôm thằng ấy đến đây, giữa cái bận ông với tôi ở cái nhà này, nó cử chỉ nhâng nháo, ăn nói cấc lấc, và tôi đã gọi mẹ nó vào phủ, mắng cho một trận, ông cũng dặn chú Tham cấm cửa thằng ấy, ông còn nhớ không?
- Phải. À, ra con Nga này gian dối, mà thằng kia cũng Sở Khanh thật. Thì ra mình chỉ ngồi nghe chúng nó nói dối.
- Ngay độ ấy, ông ạ, con Nga nhà này đã bị nó quyến rũ, cho ăn bùa mê bả dột gì rồi đấy.
Ông Phủ lặng người rồi cau mặt:
- Sao chú Tham thím Tham không biết? Hay là biết mà ngơ đi?
- Khổ, nào chú thím ấy có biết! Mãi tận hôm nọ, tôi cứ thấy nó gọi "Chi ơi!". Tôi mới sực nhớ ra, hỏi chuyện thím Tham. Rồi nhân có người bạn nó ở trường ra thăm nó, thím Tham mới dò la, thì câu chuyện mới vỡ lở.
Ông Phủ ngồi ngay người lại, thở dài:
- Xấu hổ! Nhục!
- Thím Tham hỏi dò, thì bạn nó nói, rằng từ Tết ra, có một lần Nga nói hở với bạn là muốn giúp đáp một người học trò nghèo ở trường Bưởi, và nhiều lúc hình như nó vơ vẩn, chán nản sự học. Bạn bè hỏi vì sao buồn, thì nó nói nó thương cảnh ngộ người học trò ấy, mà uất về một chuyện trong gia đình.
Ông Phủ cau mặt:
- Uất cái gì?
- Không rõ. Mình có làm gì cho con khổ đâu? Rồi lâu lâu, con Nga có ý đắn đo hỏi bạn rằng: Con quan với con nhà dân, có thể kết hôn với nhau được không?
Ông Phủ giậm chân, gắt:
- Trời ơi! Tôi không ngờ. Nó đốn quá! Vô phúc!
- Chúng bạn nó bảo: cái đó tùy bố mẹ. Rồi con Nga than thở rằng ông với tôi quá nghiêm khắc, không đời nào cho phép nó làm điều trái ngược ấy.
Ông Phủ nói:
- Chứ lại gì! Đời nào!
Lúc ấy trong buồng Nga có tiếng quát tháo rầm rầm:
- Tao không ăn. Tao không ăn, bước đi!
Bà Phủ lật đật chạy vào ngó qua mặt kính, thì ra Nga nói một mình.
Nga thấy bà Phủ, bèn gọi:
- Này cô kia, tôi hỏi, Chi đâu?
Bà Phủ xám ngoẹt mặt vừa lui, thì Nga đã chạy xô ra, phăm phăm nắm tay đấm vào mặt kính đánh choang và chửi rầm rĩ.
Bà Phủ run như cầy sấy, chạy ra xa, thì Nga thò cổ, nhăn răng cười. Răng kính nhọn, làm sây sát cả má. Nhưng hình như nàng không biết đau đớn.
Trông Nga lúc bấy giờ ai cũng phải thương.
Đầu tóc thì rũ rượi. Mà mặt mũi thì bê bết những cơm và nước thịt, Nga bôi vào, và nói là phấn và nước hoa. Quần áo Nga đã rách cả, nên chỉ che thân có bằng một cái khố tải; vậy mà Nga cũng đã xé gần tan nát rồi.
Bà Phủ chạy lên nhà trên, vừa trống ngực vừa thở. Ông Phủ cũng sợ hãi quá; rồi hai người ôm mặt khóc.
Bà Phủ nói:
- Tôi không ngờ con ta lại đến nỗi này.
Ông Phủ hỏi:
- Thế nào nữa, bà nói nốt, kẻo chú Tham thím Tham về bây giờ.
- Như vậy, thì con Nga quyết là thất vọng vì tình. Tôi đoán là thằng Chi cho bùa mê, mà con này ăn phải nhiều quá, nên mới phát điên.
- Ừ, phải đó.
- Nhưng mà, ông ạ. Bạn nó đoán từ trước đến sau, chúng nó chỉ gặp nhau có một bận mà thôi. Nhưng thằng Chi chịu thân con nhà hèn mọn, cho nên sợ. Vì vậy, con Nga càng thất vọng. Mấy lần sau, hình như con Nga viết thư, mà thằng Chi không trả lời.
Ông Phủ nghĩ ngợi một lúc, hỏi:
- Sao ban nãy bà bảo chúng nó mê nhau?
- Thì phải nói thế chứ! Thực ra, thì con mình mê nó.
Ông Phủ thở dài:
- Nghĩa là nguyên nhân chỉ vì con Nga thì mê thằng kia mà thằng kia không dám mê. Vả con Nga biết rằng con nhà trâm anh, không thể lấy thằng kia được, nên thất vọng mà phát điên chứ gì?
- Phải.
Tiếng Nga lại nheo nhéo trong nhà, và tiếng cửa thình thình như bị phá. Ông Phủ nấp sau cánh cửa nhà trên, ngó xuống, thấy Nga vẫn đương thò đầu ra ngoài, ông bèn sai người lấy miếng ván gỗ, đóng thay vào chỗ kính vỡ.
Một chốc, chiếc ô tô đỗ cửa. Ông Phủ vớ cái khăn chạy ra đón.
Ông Đốc tờ vui vẻ giơ tay ra bắt, ông Phủ khúm núm đưa cả hai tay cúi rạp lưng xuống. Nhìn ông Tham, ông Phủ khẽ bảo:
- Chú mời quan lớn vào chơi.
Ông Đốc tờ hỏi bằng tiếng Pháp, ông Tham thông ngôn rằng:
- Ngài hỏi từ lúc nãy, cháu ra sao?
Ông Phủ đương ngồi, đứng dậy chắp hai tay, đáp:
- Dạ, cảm ơn quan lớn, cháu vẫn điên.
Ông Tham hỏi:
- Không, cháu có đập phá gì nữa không?
Ông Phủ lễ phép nhìn ông Tham, đáp:
- Bẩm quan lớn, cháu vừa đập vỡ chiếc mặt kính.
Bà Phủ len lét đứng sau chồng nhắc khẽ:
- Đấy, nó đang nói gì đấy, chú có nghe thấy không?
Ông Phủ cau mặt nói:
- Xà! Đàn bà biết gì, để yên tôi bẩm với quan lớn cũng được.
Nga lanh lảnh hát một bài hát Tây. Rồi lại bắt đầu chửi.
Bác sĩ phì cười, rồi ngồi một lúc, ông vào thăm Nga.
Cửa mở ra, Nga thấy người lạ, thì len lét đứng nấp vào một xó, hai mắt len lét nhìn ông thầy thuốc.
Ông Đốc tờ đứng ngắm, lắc đầu nói:
- Lúc nào mắt cô ấy cũng đỏ ngầu thế này à?
- Vâng.
- Thế thì nặng quá mất rồi.
Nga mím môi, nghiến răng, rồi xổ tóc ra, để vấn lại. Độ mười lăm phút, Nga ngoan ngoãn để yên cho bác sĩ mó mấy vào người, rồi bỗng đánh đùng, nàng cau mặt, xỉa xói vào khách, chửi rủa tàn nhẫn.
Ông bà Phủ vội vàng xin lỗi:
- Cháu nói lỡ lời, xin quan lớn đừng để tâm.
Bác sĩ cười, tuy vẫn không hiểu Nga nói gì.
Rồi Nga đâm xổ vào ông Phủ, quát:
- À, nó đây rồi!
Từ lúc ấy Nga lại lảm nhảm nói một mình, và chửi tất cả những người đứng quanh đó. Chửi chán, Nga lại réo tên những danh nhân các nước mà nàng nhớ trong các nhật trình mọi khi nàng đọc.
Thầy thuốc hỏi:
- Mọi khi cô ấy cũng hay nói thế?
- Vâng.
- Cô ấy thường nói câu gì nhiều nhất?
Ông Tham ngượng nghịu đáp:
- Đến tên người học trò ấy.
- Tức là Chi đấy.
Ông Đôc-tờ cắn môi nghĩ. Một lát ông lên buồng khách, ông Tham nói:
- Hình như cháu tôi vẫn thấy nóng ruột lắm. Nó chạy khắp mọi nơi trong buồng và nói lăng nhăng cùng chửi rủa. Nó coi ai cũng là thù hằn.
Thầy thuốc cười:
- Với người điên, ai cũng như ai.
- Thì ra nó mê man quá, mà sao nó không biết mệt. Nó chửi rủa, hát, cười, khóc, nhảy nhót, đập, phá, trong hàng ba bốn giờ đồng hồ. Nó khỏe hơn lúc bình thường.
- Phải, tôi đã thấy có người vác nổi tấm ghế ngựa lim để phá cửa. Người điên, trông thấy cái gì cũng muốn phá. Cái nhà mà không chắc chắn, cũng có khi đổ với họ được.
- Vâng, nhưng lúc nó mệt, thì nó lăn ra ngủ như con vật.
- Trước ông cho cô ấy uống thuốc An Nam?
Ông Tham cười:
- Không bao giờ nó chịu uống. Đầu tiên, nó uống một ngụm, nhưng rồi nhổ đi ngay. Rồi nó quật cái bát, suýt vào mặt người cho uống thuốc. Sau này, chúng tôi phải dằn nó ra, gang mồm để đổ thuốc vào. Nhưng nó cứ phun ra phì phì, rồi chửi theo đến hàng giờ.
Ông Đốc tờ cười:
- Chữa người điên và coi người điên, là việc rất khó. Cần phải người kiên tâm. Nó là bệnh về tâm lý.
Ông Phủ bàn:
- Bẩm quan lớn, chúng tôi thiết nghĩ nếu bệnh tâm lý thì có thể giảng giải cho nó nghe lẽ phải được.
Bác sĩ lắc đẩu:
- Với người điên, không có gì là lẽ phải nữa. Có khi ông rồi cũng bị cô ấy chửi đó.
Ông Phủ gật đầu, chịu:
- Dạ, thường cháu vẫn chửi tôi và bà nó nhà tôi luôn. Mới đầu chúng tôi thấy con nhà gia giáo lại làm những cái trái ngược với luân lý như thế, chúng tôi giận lắm, nhưng rồi chúng tôi cũng quen đi và sẵn lòng tha thứ.
- Phải, ông nên thế. Tôi khuyên ông câu này: Bệnh con ông hiện nay còn đáng sợ nữa, vì đương độ trời nóng bức quá. Ông phải chiều ý cô ấy. Chữa bệnh đã là khó, mà chiều người có bệnh, lại càng khó. Cho nên tôi muốn nói thực với ông bà một điều.
Ông Tham thông ngôn, ông Phủ vừa nghe, vừa gật:
- Dạ.
- Theo như lời em ông nói lại, thì con ông nguyên có bệnh đau tim lại uất lên, vì thất vọng về tình. Chẳng may khí trời oi ả, càng dễ làm cho bệnh điên phát ra, mà phát ra một cách kịch liệt. Chữa bệnh không gì bằng chiều người có bệnh, vậy ông bà nên chiều ý muốn của cô ấy.
- Dạ, quan lớn dạy, chúng tôi xin vâng lời.
- Nghĩa là ông bà nên làm cho cô ấy vừa lòng. Ông bà nên cho phép người yêu cô ấy đến thăm cô ấy. Như thế bệnh sẽ giảm dần và rồi khỏi hẳn.
- Dạ, xin vâng.
- Tôi biết rằng như thế, thì ông bà coi như trái ngược với luân lý, vì em ông đã nói chuyện rõ cái gia thế nhà ông, và cái tính nghiêm khắc của người thế gia vọng tộc.
- Dạ, quan lớn đã dạy, thế nào chúng tôi cũng xin theo.
- Tốt lắm. Nếu ông đã hiểu, thì rất hay cho tôi. Tôi đoán chữa khỏi. Tôi thấy người An Nam hay cố chấp, chứ người Tây, thì con nhà quyền quý, dù có lấy người hèn mọn cũng không sao. Cốt đôi trẻ yêu nhau là được.
- Dạ.
- Rồi ông cứ cho người yêu của con gái ông đi lại thăm nom; và nếu khi khỏi, cô ấy có xin ông điều gì, ông chớ nên trái ý. Vì tôi e cô ấy lại uất lên, và phát lại. Mà phát lại thì nguy hiểm lắm.
- Dạ, xin vâng.
Chuyện trò một lúc nữa, bác sĩ vui vẻ cáo từ lui ra. Ông Phủ tiễn đến tận bờ đường, giơ hai tay, cúi rạp lưng xuống để chào một cách rất kính cẩn.
Ô tô vừa mở máy chạy, ông Phủ đã hầm hầm đi trước, rồi gọi cả bà Phủ và ông bà Tham vào mà rằng:
- Lão ấy nó nói vậy, chứ việc gì mà cho thằng ấy đến đây thăm nom.
Mọi người ngơ ngác nhìn, ông Phủ lại bảo:
- Tôi thấy lão ấy dùng chữ người yêu, mà giận đầy khúc ruột.
Ông Tham thất vọng:
- Bẩm anh...
Ông Phủ gắt:
- Lại còn chú nữa. Việc gì mà mách rõ với thằng Đốc tờ như thế để nó nói láo!
Ông Tham sợ, đáp:
- Bẩm, để họ biết rõ thì chữa mới chóng.
- Chóng! Làm Đốc tờ thì phải biết cả, chứ còn hỏi thì giỏi gì. Thôi, để tôi cho nó về phủ.
Ông Tham nằn nì xin cho Nga ở Hà Nội, mãi ông Phủ mới nghe, nhưng giao hẹn:
- Nhưng chú không được nghe lão Đốc tờ nó xui dại.
- Bẩm anh, em tưởng bệnh về tâm lý, thì nên chữa bằng tâm lý.
- Ồ tâm lý cái gì! Còn luân lý của ông cha, chú vứt đi đâu?
- Dạ, bẩm anh, em thiết tưởng luân lý chỉ hợp với từng thời, vì nó là những điều của người từng thời đại đặt ra mà thôi. Vậy thì luân lý phải hợp thời mới được. Vả chăng luân lý chỉ là những điều của người thừa ăn thừa tiêu; đặt ra để hạng tầm thường không theo nổi vì nó phiền phức, mục đích là để phân biệt cách sinh hoạt hạng trên với hạng dưới. Cho nên, có khi luân lý của ta không hợp với luân lý của Tây mà luân lý đời trước làm hại đời này...
Ông Phủ mặt đỏ bừng bừng, đập bàn:
- Chú đừng ngụy biện! Con Nga chết thì thôi chứ không thể nhố nhăng được!
Cả nhà im lặng. Ai nấy run như cầy sấy.
Trong nhà nheo nhéo đưa ra tiếng Nga réo tên ông nội, bà nội, cha, mẹ, chú, bác, thím cậu cô, dì và cả Chi nữa, chửi lia lịa.
Lá Ngọc Cành Vàng Lá Ngọc Cành Vàng - Nguyễn Công Hoan