Số lần đọc/download: 9891 / 54
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 10 -
T
rên bãi biển một hạt cát chạm phải hạt cát khác.
- Mong rằng chúng ta sẽ kết hợp nhau.
- Không thể được, nòi cát chúng ta không bao giờ kết hợp nhau được.
- Anh sẽ tự mài nát chính anh ra thành những hạt bụi nhỏ để ôm chầm lấy lấy em.
Thế là, anh chàng cát lăn minh trên đá sỏi, tự mài nát mình ra thành bụi. Công việc đã hoàn thành. Nhưng một luồng sóng to chồm vào bờ, cuốn đi bao nhiêu bụi cát trên bãi biển ra khơi. Tình yêu của cát đã tan rã, không bao giờ ấp ủ được người mình thương yêu.
Tâm Hồng xếp sách, đặt sang bên. Câu tiểu dẫn của quyển sách mà nàng đọc đã trăm lần bây giờ dù có nhắm mắt lại nàng cũng có thể đọc vanh vách từng chữ một, nhưng mỗi lần cầm sách lên là Hồng không cưỡng được phải đọc lại một lần, và mỗi lần đọc như thế tim nàng lại có dịp đau nhói thêm.
Những hạt bụi nhỏ bị sóng biển đánh giạt ra khơi thì làm sao trùng phùng được người yêu dấu? Vì dầu có được sóng đưa về điểm cũ thì hạt còn lại biết có còn chờ đợi hay đã xa giạt phương nào? Hồng thở dài, lười biếng đứng dậy đến bên song. Bên ngoài mưa bụi làm mờ thiên nhiên. Đám cây thông run rẫy trong gió. Đứng yên lặng một lúc, Hồng lại tủ áo lấy một chiếc áo lông và khăn choàng, và bước ra cửa. Nàng hát nho nhỏ một bản nhạc, xuống lầu cha mẹ đang ngồi trong phòng khách. Mẹ đang đan áo, cha bóc dở một phong thư. Nghe tiếng động, người ngước mắt nhìn lên. Hồng nhìn cha mẹ cười:
- Trời lạnh quá phải không cha? Sao không nhóm lò sưởi lên đi.
Bà Linh Phương đưa mắt nhìn chiếc áo lông trên tay Hồng, hỏi dò:
- Trời lạnh thế này con định đi đâu đấy?
Hồng khoác áo lên người, quấn khăn cổ.
- Trời mưa bụi thế này đi dạo mới tuyệt chớ. Ông Phục bảo mưa làm bầu trời trở nên thi vị vì thế trong văn thơ lúc nào cùng phải có hình ảnh của mưa.
- Thế con định đến nông trại à? Bà Phương hỏi.
- Vâng bé Nhụy bị cảm hai ngày nay, con dến xem nó khỏi chưa? Con bé yêu con lắm. Nếu con không đến sợ nó buồn. Hồng đáp, nàng lấy làm ngạc nhiên không hiểu hôm nay tại sao mình lại giải thích vòng vo như vậy. Bước đến cái tủ kê liền vách, nàng lấy chiếc áo mưa;
- Thế con về nhà dùng cơm hay ăn luôn ở nông trại?
- Cũng không nhất định. Hồng vừa cài nút mưa vừa đáp - Nếu tới giờ cơm thấy con chưa về, cha mẹ đừng đợi nhé.
- Thế con có cần bà Cao đến rước không? Ông Châu lên tiếng, đôi mắt dò xét của ông nhìn thẳng vào Hồng.
- Thôi khỏi, con nhờ ông Phục đưa về cũng được Hồng đáp, nàng mở cửa, gió lạnh bên ngoài lùa vào làm nàng co ro. Quay đầu lại, Hồng vẫy tay chào ba mẹ - Thôi con đi nhé! Rồi nắm chặt mép áo, nàng biến mất trong sa mù.
Bà Linh Phương nhìn theo một lúc, mới đóng cửa lại. Quay sang nhìn chồng bà hỏi:
- Ông có thấy gần đây Hồng nó hay đến nông trại hay không?
- Ừ, hình như sức khỏe của nó cũng thấy khá hơn trước. Con bé con ông Phục đã giúp cho Hồng gần trở lại sự bình thường.
- Thôi đừng giả vờ ngây thơ, ông tin là con bé đó giúp Hồng lành bệnh à? Tôi sợ nó không đủ sức lôi cuốn Hồng được đâu ông ạ. Bà Linh Phương cười xòa:
- Em định ám chỉ cái gì? Ông Châu nhìn vợ ngạc nhiên
- Anh Châu, em biết anh biết mà.
- Phục lớn hơn nó nhiều quá làm sao có chuyện đó xảy ra... Ngoài ra bé Nhụy còn gọi Hồng bằng chị, Phục lại là bạn của tôi thì con Hồng chỉ thuộc hàng con cháu. Ông Châu nhún vai lòng thấy bất an.
- Lý lẽ của anh không vững chút nào, thật tình mà nói, một bên là con gái mới lớn sống nhiều bằng ảo tưởng, một bên là nhà văn cô độc, anh làm sao có thể dám nói là mình hiểu được hoàn toàn trái tim người khác? Nếu để một chuyện như... vậy xảy ra thì... Bà Linh Phương thở dài - Anh Châu, bản tính Hồng yếu đuối, tôi sợ... tôi ngại có chuyện không lành...
- Sao em lại dễ bâng quơ như vậy? Anh nghĩ, Phục không đến nỗi như vậy đâu. Dù sao anh ấy cũng...
- Nói vậy anh cũng không ngại trường hợp Hồng nó yêu đơn phương sao?
- Sao có chuyện đó được, em làm như con Hồng gặp bất cứ người đàn ông nào cũng yêu hết vậy. Ông Châu lặng người.
Bà Linh Phương khó chịu:
- Anh bất công quá, đàn ông các anh bao giờ cũng chỉ là loại động vậy vừa ngu vừa tàn bạo.
- Sao vậy? Sao em lại muốn gây sự với anh? Ông Châu ngẩn ngơ.
- Anh nghĩ xem, Hồng lúc ở đại học, biết bao nhiêu sinh viên đeo đuổi mà nó có thèm lưu ý tới ai đâu. Sao anh lại bảo nó gặp ai cũng yêu? Còn với thằng Phi, anh phải nhận là nó có nhiều nét quyến rũ. Bây giờ Phục cũng đâu có thua gì? Tôi lưu ý anh là con Hồng nó đã quên Phi, nó bây giờ giống như một đứa con gái mới lớn chưa biết yêu là gì, nếu nó yêu ông Phục thì cũng chỉ là chuyện tự nhiên.
Ông Châu đốt một điếu thuốc, ngồi suy nghĩ:
- Lời em vừa nói cũng có lý lắm.
Bà Linh Phương lại tiếp:
- Anh cho em hỏi, nếu Hồng yêu ông Phục anh có cho phép không?
- Nhất định là không
- Tại sao?
- Vì không xứng. Phục đã lớn tuổi, đã một con, ly dị vợ. Ngoài ra vụ ly dị đó đã làm chấn động dư luận một thời. Hắn tốc kê, lúc đeo đuổi người ta như ngây dại. Chừng kết hôn không bao lâu lại để vợ theo người khác mà không lời phản kháng. Với hạng người viết văn, hôn nhân sẽ khó đưa đến hạnh phúc, nếu Hồng lấy hắn thì thật bất hạnh. Đó là chưa nói còn phải làm mẹ ghẻ của đứa con gái sáu tuổi. Tôi không thể tán thành chuyện này được
Giọng nói bà Linh Phương có vẻ nặng nề:
- Vậy thì trước khi trời mưa ông hãy dự phòng. Theo em nghĩ việc cho ông Phục dọn vào nông trại ở lúc này không hợp tình lắm.
- Tôi đâu có ngờ... Con Hồng hình như lúc nào cũng tạo rắc rối, bắt đầu khi nó chào đời đến giờ...
- Anh Châu, đừng nói vậy không phải. Bà Linh Phương chau mày gạt nhanh.
Thôi được kể như câu vừa rồi của anh là nói bậy.. em không giận chứ? Ông Châu vội nói, bước đến cạnh vợ nắm tay bà:
- Tại sao anh lại thù hằn con mình chứ? Đôi mắt bà Linh Phương nhòa lê.
- Đâu có? Lúc nào đâu? Ông Châu nói nhanh - Nhưng tại sao em lúc nào cũng có vẻ như bứt rức tội lỗi với con thế?
- Anh Châu, chúng ta ai cũng có lỗi. Anh không thấy nó thường nằm mơ luôn mồm gọi mẹ đấy sao? Tiếng kêu của nó làm cho tim em nhức nhối. Đôi khi em có cảm tưởng chính em là thủ phạm đã giết chết...
Bà Linh Phương nghẹn lời, ông Châu ôm vợ ngăn lại:
- Đừng, đừng nói nữa em. Chuyện đã qua rồi nhắc lại chi. Vả lại nó còn nhỏ biết gì...
- Nhưng em biết, cái gì nó cũng biết hết.
- Phương, đừng nói nữa em... nói nữa em càng đau xót chớ có ích gì?
Bà Châu im giọng. Có tiếng chuông reo ngoài cửa, bà đứng lên lau vội dòng nước mắt bước ra ngoài.
- Tâm Hà về rồi.!
Thật vậy, cửa vừa mở, Tâm Hà ôm chồng sách to bước vào mang theo luồng gió mạnh. Mặt trắng xanh, chóp mũi đỏ, run rẩy trong chiếc áo khoác màu đỏ đầy hạt mưa bụi lóng lánh dưới đèn. Hà co ro, dụi mạnh chân như muốn tống đi cái giá lạnh.
- Xem kìa, đi học chẳng bao giờ mang theo áo mưa, để đến cóng lạnh như thế. Mau lấy khăn lau khô đầu đi.
- Con không thích mặc áo mưa! Hà đáp, nàng ngồi xuống, cởi bao tay và giày ra.
Ông Châu nhìn con hỏi:
- Thấy có khỏe không con? Ông lạ lùng không hiểu tại sao vừa bước vào cửa là Hà kêu đói và bước tới ôm chầm mẹ, cử chỉ thật lạ so với thường ngày.
- Không sao cả cha ạ, lúc nãy có thấy chị Hồng.
- Ở đâu đấy?
- Ở trên đồi, chị ấy đến nông trại phải không cha?
- Con đến đó làm gỉ? Bà Linh Phương ngạc nhiên.
Hà lúng túng:
- A mà... dạ không có chi, con định giúp người bạn học môn nghệ thuật làm vườn sưu khảo một số thực vật.
- Nhưng mẹ không thấy con mang một cây cỏ nào về cả thế?
- Dạ tại lạnh quá. Gió trên đồi lạnh như dao cắt. Mẹ phải biết, vả lại con cũng không biết phải sưu khảo loại nào, nên bỏ về. Tâm Hà đáp xong vội vã đứng dậy, ôm chồng sách trên bàn lên - Lạnh phát run, trời hôm nay không hiểu sao lạnh quá, con phải đi tắm nước nóng mới được
Vừa định trốn lên lầu, một vật gì bỗng rơi ra, Hà vội nhặt lên đưa mắt thăm dò cha mẹ Bà Linh Phương đã nhìn thấy bức thơ, nhưng vờ như chưa hay, Hà vội vã phóng ngay lên lâu. Ông Châu nhìn vợ:
- Em có thấy hôm nay con Hà có vẻ lạ không?
Bà Linh Phương buồn rầu.
- Chuyện này chưa hết lại đến chuyện kia, em thấy có lẽ mình chưa khỏe được. Cúi xuống, bà tiếp tục yên lặng đan áo. Bức thư gửi cho Hà, tại sao trên bao thơ không ghi lấy giòng chữ nào cả. Vậy là thư trao tận tay. Phải chăng là bạn đồng học? Nhưng tại sao lại trao thư trên đồi?? Những câu hỏi cứ lẩn quẩn trong trí, bà Linh Phương chợt ngước lên nhìn cửa sổ, cảnh vật ảm đạm huyền hoặc.
Đến phòng, Tâm Hà không vội vào phòng tắm ngay, nàng bước vào phòng cài chặt cửa. Đặt chồng sách lên bàn và mở thư. Đứng lặng đưa mắt nhìn một lúc, Hà như sợ hãi một điều gì. Rồi bước tới trước gương, khuôn măt vô tư, trong sáng hằng ngày nay lại đầy vẻ lo lắng.
- Hà này, mày đã lầm lẫn, đúng ra không nên nhận thư, bây giờ giải pháp tốt nhất là mày nên xuống lầu, đem tất cả sự việc trình lại cho cha mẹ rõ... Hà nói thầm nhưng... nhưng... truớc mắt nàng, một gương mặt đẹp trai, cương quyết nhưng đau khổ với mái tóc đẫm mưa đứng dưới hàng cây phong u tối lại hiện ra trước mắt Hà.
- Hãy theo tôi! Câu nói đơn giản như một mệnh lệnh, Hà như bị lôi cuốn theo lên đỉnh đồi. Đứng giữa cảnh hoang vu yên lặng, giữa đám núi đá trùng trùng với rừng mưa bụi. Đôi mắt đó, đôi mắt đầy lửa, nhiệt tình đầy đau khổ chua xót... Và trong khi Hà còn đang bị mê hoặc thì hắn bước tới ôm chầm lấy nàng với nụ hôn gắn chặt lên môi. Hà chợt tỉnh, vùng vẫy nhưng đôi tay rắn chắc xiết chặt, chiếc mũi nóng bỏng đã đặt lên người, sự tàn bạo đầy nam tính kia đã khiến nàng buông lơi, không chống cự, chỉ còn biết mở to mắt nhìn, cho mãi đến lúc hắn buông nàng ra, dúi bức thư vào sách nàng, rồi lặng lẽ quay đầu đi, khuất dần trong sương khói.
Bây giờ cầm phong thơ trên tay Hà vẫn thấy lòng mình rung động, tay chân bải hoãi như không còn hơi sức, đưa tay lên sờ môi, nụ hôn như còn gắn chặt. Sau cùng Hà quyết định nàng cúi xuống mở phòng bì ra.
Hà mến,
Tôi gửi bức thư này đến Hà là vì tôi không tin rằng mình có đủ can đảm giữ vẻ trầm tĩnh trước mặt Hà. Vì vậy, nếu Hà thấy rằng mình không nên đọc thì trước khi xem tiếp, Hà cứ xé nát thư đi.
Bốn năm trước, thuở đầu tiên gặp Hà, Hà chỉ là một cô bé mười lăm. Tôi đã gắng chờ gắng đợi đến ngày Hà khôn lớn, nhưng ai có ngờ đâu khi vừa trưởng thành thì cuộc đời đã biến đổi cay nghiệt, gia đình tôi và Hà trở thành thù nghịch, nhất là với Hà. Tôi nhất là... có làm Hà ngạc nhiên không? Tôi biết Hà, tôi hiểu Hà, vì vậy Hà ơi tôi đã đau buồn biết bao, hỡi con mèo nhỏ nghịch ngợm ngày nào!
Có lẽ tôi lầm lẫn, mong rằng thế? Tôi đã nghĩ đến việc giết em, xé nát em ra từng mãnh, chỉ tại vì tôi lúc nào cũng không thể quên em được, em có tin lời tôi không? Nhiều lần đứng bên ngoài nhìn dáng em đến trường mà tôi ngẩn ngở? Tôi thấy giận mình và giận Hà vô cùng. Có phải chăng định mệnh đã an bài để cho anh em tôi đều phải chết dưới tay của chị em Hà? Thế thì cũng được, tôi đã sẵn sàng, hỡi loài quỷ dữ.
Ngày mai lúc tám giờ, tôi sẽ đứng trên đỉnh sa mù đợi Hà, nơi hòn đá hình chữ Sơn. Tuy nhiên, tôi cảnh cáo em, em đừng nên đến, vì em đến tôi có thể giết em. Hãy đem thư này cho cha mẹ em xem, để họ đủ thời giờ tim biện pháp ứng phó với tôi. Còn em, em đừng đến, đừng bao giờ đến. Có lẽ anh sẽ đứng đấy, cho đến lúc sáng trời, em cứ để tôi đợi đừng đến, vì em đến thì cuộc đời của chúng ta sẽ không còn, chúng ta sẽ bị rơi vào địa ngục, rơi vào vực thẳm khổ đau!
Hãy nghĩ kỷ nghe em, rồi hãy quyết định. Đêm khuya trên đỉnh đồi trời lạnh lắm, nhưng tôi vẫn ngồi đấy để nghe lời sao độc thoại.
Đừng bao giờ đến Hà ạ!
Vân Dương
Hà xem xong thơ, nàng ngồi bất động một lúc lâu trước mảnh giấy vô tình. Đám mây mù che phủ đôi mắt, nỗi đau khổ chua xót vây quanh. Đưa lá thư lên môi, nàng hôn nhẹ hai chữ Vân Dương. Hà nói thầm:
- Anh Dương, anh phải biết, em sẽ đến. Hãy để cho chúng ta cũng rơi vào địa ngục.