Số lần đọc/download: 0 / 26
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Chương 10
Bọn Lê Tắc, Nguyễn Lĩnh ở lại Tư Minh nghe đại quân của Thoát-hoan đã qua cửa ải Nội Bàng vào chiếm Vạn Kiếp, Hưng Đạo cùng quân Trần không cự nổi phải trốn tránh vào rừng. Lê Tắc nóng lòng muốn về nước để tham dự việc tái lập triều đình do Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đã được Hốt-tất-liệt thiên tử nhà đại Nguyên phong làm An Nam quốc vương.
Đội quân sau rốt vào Đại Việt tập hợp các quân ốm yếu mới khỏi, quân bị lạc gồm năm ngàn tên do Hầu đô sự, Đạt vạn hộ, Tiêu vạn hộ và Thiêm sự Lê Yến cầm đầu. Lê Yến còn được Chiêu Quốc vương ủy thác con nhỏ là Trần Dục mới chín tuổi, tước Đại Thúc hầu về nước.
Đám quân vét này được trang bị đầy đủ khí giới, lại thêm hai trăm quân kỵ hộ tống và vài chục ngựa thồ đi theo lũ lượt qua biên ải như đi vào chỗ không người nên chúng càng dương dương tự đắc. Lê Tắc rất tin vào sự toàn thắng của đại quân thiên triều. Vì rằng Tắc đã tận mắt thấy đất nước Trung Hoa bao la, của nả vô số kể mà người tài đâu có thiếu. Nhưng nhà đại Tống cuối cùng bị người Mông Cổ thống trị. Lại như ngày còn ở Thăng Long, tức là trước khi có cuộc xâm lăng của Trấn Nam vương Thoát-hoan năm Ất Dậu, Lê Tắc từng giao du với Tăng Uyên Tử, Chu Khởi là những cựu thần của nhà vong Tống sang Đại Việt tá túc, họ đều khâm phục sức mạnh của người Mông Cổ, kíp khi quân Nguyên sang đánh Đại Việt, họ đều ra hàng người Nguyên và xin được hồi quốc. Lại như Đại Việt sau khi đã gồng mình chống trả đại quân trong trận chiến năm Ất Dậu, xem ra đã kiệt sức. Cho nên lần này sự nghiệp chinh phục của Trấn Nam vương chắc sẽ sớm viên thành mà ngôi nước đưa về cho Chiêu Quốc vương đã được thiên triều an bài như là một thiên mệnh. Vả lại nếu việc lập quốc sớm thành tựu sao ta chẳng có một chân trong triều chính, vì rằng ta cũng là người có công cùng với Trần Kiện đem cả vạn quân binh ra đầu hàng nguyên soái Toa-đô khiến thế cuộc của vua Trần và Hưng Đạo trở nên chung chiêng nghiêng đảo. Và sau Trần Kiện là Trần Ích Tắc ra hàng kéo theo không biết bao nhiêu người trong hoàng gia, hoàng tộc như Trần Tú Hoãn, Trần Lộng và cả mấy vạn quân và nhiều người khác cùng theo nhau ra hàng.
Vừa đi đường Lê Tắc vừa nghĩ đến một ngày mai tươi đẹp cùng hưởng phú quý với Chiêu Quốc vương. Nhưng cái hận mất vợ mất con trên đường sang chầu thượng quốc thời không bao giờ có thể nguôi quên. Mai đây khi mọi việc đã yên ổn, ta phải tra xét cái trận tháng tư năm Ất Dậu kẻ nào đã cầm quân phục đánh Minh-lý Tích-ban trên ải Chi Lăng, ngăn cản những người có chí ra hàng và đang trên đường sang Bắc quốc để vào Đại đô chầu thiên tử. Trận ấy Trần Kiện đã bị bắn chết trên mình ngựa, ta phải ôm xác ông ta chạy mấy chục dặm về tới Khâu Ôn mới dừng lại mai táng.
Đoàn quân năm ngàn người qua ải Nam Quan vào Lạng Châu, lại qua ải Chi Lăng mọi sự đều yên ổn, không một bóng quân Nam nào lởn vởn kháng cự, Lê Tắc và cả bọn Thiêm sự Lê Yến cùng Tiêu vạn hộ, Đạt vạn hộ cứ ung dung ngày đi đêm nghỉ tựa như một cuộc viễn hành du ngoạn. Trên đường đi họ đàm đạo đủ thứ từ văn chương, lịch sử đến phong cảnh và cả sản vật nữa.
Khi nghe Lê Tắc nói về phong cảnh nước Nam hùng vĩ, sản vật trân quý như trầm hương, đồi mồi rồi mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng… không thiếu một thứ gì và nhiều vô kể, bọn Vạn hộ vô cùng thích thú và trong tâm can chúng lòng tham đã khởi.
Đêm ấy, cái đêm hai mươi tám tháng chạp, năm hết tết đến, ai nấy đều chộn rộn ở trong lòng mong sớm đến đại bản doanh của Trấn Nam vương ở Vạn Kiếp vừa ra mắt ngài vừa chúc một năm mới đại thắng. Và nhận bát rượu lộc đầu xuân do ngài ban tặng.
Sớm dậy trà nước xong, ăn sáng rồi cả đoàn quân thung dung tiến vào ải Nội Bàng.
Hầu đô sự và một trăm quân kỵ dẫn đầu cùng với hai ngàn quân bộ. Đạt vạn hộ, Tiêu vạn hộ coi ba ngàn quân đoạn hậu cùng với một trăm quân kỵ. Thiêm sự Lê Yến cho cậu bé Trần Dục con của Trần Ích Tắc ngồi sau lưng ngựa có Lê Tắc đi cùng, mấy ngựa này đi vào giữa đoàn quân vừa bảo vệ cho Dục vừa gần Lê Tắc để còn hỏi han đường sá và các việc khi cần.
Nội Bàng là ải quan trọng, nó là tiền đồn của Vạn Kiếp, nay đại quân đã chiếm đóng Vạn Kiếp, Nội Bàng coi như bỏ ngỏ. Vì vậy Hầu đô sự cứ cho quân đi nhẩn nha để giữ sức quân. Các kỵ binh đi nước kiệu, quân cung thủ thì tên bó lại nhét chặt vào giỏ đi cho đỡ xóc. Dọc đường quân lính còn nghênh ngang nhìn cảnh vật, nghe tiếng chim “bắt cô trói cột” hót lạ tai. Lạ nữa là mùa đông giá rét mà cây cối vẫn tươi xanh, bốn bề có tiếng nước chảy từ trong các khe lạch dồn về suối lớn. Thỉnh thoảng quân lại phải cởi giày lội suối. Nước suối trong vắt, chỗ sâu nhất chỉ tới đầu gối nhưng nước lạnh buốt hơn băng, quân lính thẩy đều rùng mình. Qua bên kia bờ suối có đứa nhìn xuống hai ống chân khiếp sợ kêu lên: “Rụng hết lông chân rồi!”. Cả bọn đều cúi nhìn xuống đôi chân và hết thẩy mặt chúng đều tái mét vì sợ hãi. Từ đó không còn nghe thấy tiếng cười nói nữa chỉ nghe thấy những hơi thở bên tai và bước chân rậm rịch.
Đám quân kỵ vẫn ung dung thả nước kiệu đi mở đường. Quân kỵ vừa đi vừa phải đợi quân bộ theo sau. Lại một con suối nữa chắn đường đi, lũ ngựa vừa lội qua suối còn đang đứng ngổn ngang trên bãi đá ven rừng. Hầu đô sự ra roi dấn lên vài bước ngựa để ngó đường, bỗng nhiên một tiếng nổ xé trời như tiếng sét đánh và hàng loạt tên từ mọi phía đổ dồn vào đám kỵ binh. Tướng Hầu đô sự là kẻ ngã ngựa đầu tiên. Và đám quân kỵ cả người lẫn ngựa cứ theo nhau đổ lăn trên bãi đá, những đứa còn sống hốt hoảng quay đầu ngựa chạy trở lại đâm bổ vào lũ quân bộ, nhiều đứa bị ngựa giẫm què kêu khóc thảm thiết.
Rắn đã mất đầu, đám quân đi sau tháo chạy hỗn loạn, nhưng tất cả các nẻo đường đều đã bị quân ta bịt kín.
Quân giặc vừa bị chặn đầu vừa bị khóa đuôi nên không có lối thoát.
Đạt vạn hộ, Tiêu vạn hộ và Thiêm sự Lê Yến cùng hỏi Lê Tắc:
- Nguy tai! Nguy tai! Tính sao đây tiên sinh?
Lê Tắc lắc đầu đáp:
- Vô kế khả thi. Bất ngờ! Quá bất ngờ bởi không ai tính đến nước cờ này. Hưng Đạo quả là bậc tướng lão luyện kỳ tài.
- Quân Giao Chỉ thật lợi hại khó lường. - Đạt vạn hộ nói.
- Đúng là bọn Giao Chỉ quỷ quyệt. - Tiêu vạn hộ nói. Nhưng phải làm cách nào thoát ra khỏi vòng vây chứ ở đây chờ chúng nó tới bắt trói làm tù binh sao?
Cậu bé Trần Dục mặt tái mét ôm chặt lấy Lê Yến miệng lắp bắp: “Thúc thúc, cháu sợ lắm. Cha cháu ở đâu?”.
Thiêm sự Lê Yến ngoái tay lại phía sau vỗ vỗ vào vai đứa bé nói:
- Không sợ! Không sợ, đã có các chú với cả năm ngàn quân che chắn cho cháu. Cha cháu hiện đang ở đại bản doanh của Trấn Nam vương cách đây năm, sáu chục dặm thôi. Nay mai vào Thăng Long cha cháu lên ngôi, cháu ở cung hoàng tử có quân cấm vệ canh phòng không kẻ nào dám đụng đến cháu.
- Quân Việt đánh rát quá, làm thế nào thoát khỏi trùng vây? Chẳng lẽ tiên sinh quê quán ở đây mà không thuộc đường sao? - Lê Yến gặng hỏi.
Lê Tắc ghé sát Thiêm sự Lê Yến nói nhỏ vào tai:
- Có đường hẻm có thể thoát ra, nhưng phải chờ đêm xuống, và cũng chỉ có thể đem theo được vài chục người thôi, nếu tham mà dắt díu nhau thì không một ai thoát được đâu. Tôi biết quân Đại Việt thường tránh mạnh đánh yếu, đánh vào chỗ không ai ngờ tới.
- Tôi sẽ mật bàn với Đạt vạn hộ, Tiêu vạn hộ để rỉ tai một số người thôi. - Lê Yến đáp.
- Nhưng phải kháng cự được tới lúc trời nhập nhoạng, trước khi quân Đại Việt xộc vào đây.
Lê Yến gật đầu nói khẽ:
- Chắc được, bây giờ đã cuối giờ thân rồi. Nói xong Yến bấm ngựa đến chỗ Tiêu vạn hộ, Đạt vạn hộ.
Trời vừa nhá nhem, Lê Tắc lấy la bàn ra định phương hướng chờ đêm xuống. Lúc này quân Đại Việt lại im ắng, không nổi kèn trống, không đốt đuốc truy đuổi, chắc họ phục tại những nơi quân Nguyên có thể mở đường máu thoát ra.
Quân Nguyên phải kháng cự suốt một ngày vừa mệt mỏi, đói khát, tới lúc này đã chết tới quá nửa, tinh thần binh lính rệu rã. Trong khi đó các tướng đã chọn ra khoảng gần một trăm quân kỵ khỏe mạnh, cung tên, đao, kiếm sẵn sàng, nói là để mở đường máu gọi viện binh đến cứu.
Khi đã lừa được hàng ngàn quân ở lại, Lê Tắc dẫn các tướng cùng đoàn quân chạy trốn luồn rừng đi về hướng đông bắc.
Cắt ngang cánh rừng để tìm đường sống tức là phải len lách giữa những cây đại thụ chen chúc với cây gai, dây cuốn chằng chịt, người, ngựa xiết bao cực nhọc. Nhiều chỗ phải dắt ngựa lấy sức nó mà mở đường cho người luồn chui theo sau. Gần nửa đêm ra khỏi rừng được vài chục dặm đã có quân đuổi theo, tiếng hô “Sát Thát!” vang khắp núi rừng cứ vọng mãi vào vách núi, thành hang rồi dội lại, cái âm thanh ấy cũng như góp phần vào sự truy đuổi, khiến kẻ chạy trốn thêm bàng hoàng, khiếp nhược.
Lê Tắc dẫn lũ giặc trốn chạy không dám ngoái đầu lại, khi hoàn hồn không thấy đồng bọn. Tắc hốt hoảng quay lại tìm thì thấy một đám người, ngựa xơ xác quần áo rách bươm, không một đứa nào trên đầu còn mũ và mặt thì gai cào xây xước vết máu còn tụ bầm tím dọc ngang như lũ tội đồ bị rạch mặt.
Thiêm sự phán phủ Lê Yến lê lết trên con ngựa gầy lại kèm thêm cậu bé chín tuổi tước Đại Thúc hầu, con của Trần Ích Tắc ký thác cho Yến đem về nước. Thằng bé sợ hãi bạc cả mặt. Kiểm lại, đoàn người chạy trốn đã bị quân Đại Việt cắt đuôi tiêu diệt mất quá một phần ba, số còn lại chưa quá sáu chục tên.
Nhìn Lê Yến cưỡi con ngựa gầy cứ tụt lại phía sau, Tắc động lòng trắc ẩn nói với giọng xúc động:
- Thiêm sự để tôi chở giùm Đại Thúc hầu kẻo ngựa của ngài yếu quá, sợ lại gặp giặc đón đường nữa thì khó cho ngài.
Lê Yến vái Lê Tắc một vái rồi nói với giọng xúc động:
- Đa tạ hảo ý của tiên sinh, nhưng tôi không thể rời công tử được, bởi đức ông Chiêu Quốc vương đã có nhời ủy thác.
Lê Tắc tự nghĩ: Con người này quả là nghĩa hiệp, trọng tín, gian nguy cũng không đổi dạ, thật đáng trọng.
Nghĩ vậy Lê Tắc bèn xuống ngựa vái Thiêm sự Lê Yến một vái và nói:
- Nếu ngài muốn thật lòng bảo vệ công tử xin ngài vui lòng đổi ngựa cho tôi. Nói xong Lê Tắc trao dây cương con ngựa khỏe mình đang cưỡi đặt vào tay Lê Yến.
Lê Yến vội xuống ngựa sụp lạy hai lạy rồi ẵm cậu bé sang yên cương con ngựa mà Lê Tắc vừa trao.
Mọi việc diễn ra trong chớp mắt. Vừa lên ngựa ra roi xông lên trước hàng quân, Lê Tắc giục:
- Các vị mau theo tôi. Tình thế chưa an đâu, phải qua biên ải mới coi là thoát nạn. Rồi Tắc quất roi vào vai con ngựa gầy vút đi.
Đoàn quân thất trận nối đuôi nhau chạy trốn nom tiều tụy như một lũ ăn mày, lê những bước chân mỏi mệt đến gần biên thùy, gặp ngay quân phục của Đại Việt đã chờ sẵn. Đâu đó vang lên tiếng quát:
- Quân giặc muốn sống xuống ngựa nộp khí giới đầu hàng!
Lê Tắc vội ngoắt ngựa chạy qua nẻo đường tắt luồn rừng về được bên kia biên ải, nhưng những kẻ ở cuối đoàn quân đều phải nộp mạng.
Tính ra bọn Lê Tắc đến ải Nội Bàng vào ngày hai mươi tám tháng chạp, chúng bị quân Đại Việt đánh cho tơi tả, hơn năm ngàn quân khi về tới Tư Minh là chiều tối mùng hai tết còn được hơn năm chục đứa. Chúng nhìn nhau ngơ ngác như mới từ cõi chết trở về, tất cả lũ chúng đều sụp lạy Lê Tắc và nói:
- Ơn cứu tử không biết lấy chi đền đáp, xin ông nhận ở chúng tôi mỗi người ba lạy.
Lê Tắc cảm động rưng rưng nước mắt lạy lại một lạy đáp lễ:
- Suốt mấy trăm dặm đường trường chỉ cắm đầu chạy chưa một lần dám ngoái đầu lại, cũng không hiểu tại sao trong lúc muôn chết tôi lại chạy vào sinh địa, lúc ấy là cứ chạy thôi chứ đâu có nhận biết được đường sinh đường tử, âu cũng do mệnh Trời cả; do Trời điều hành cả chứ mình sao tính được.
- Đúng thế! Đạt vạn hộ nói.
- Có trời nhưng cũng phải có ông dẫn lối đưa đường chứ cứ như lũ chúng tôi sao mà thoát hiểm được. – Tiêu vạn hộ nói thêm.
Sớm mồng ba tết năm Mậu Tý (1288) lũ Tiêu vạn hộ, Đạt vạn hộ và Thiêm sự phán phủ Lê Yến nhờ viên quan biên trấn Triệu Tu làm giúp một mâm cơm thịnh soạn khoản đãi Lê Tắc.
Trước khi vào tiệc, cả hai viên vạn hộ đều nói:
- Nhờ có ông sáng suốt dẫn chúng tôi chạy ra cửa ải may còn được sống đến hôm nay, coi như chúng tôi được sinh ra một lần nữa, công của ông lớn lắm, chúng tôi nguyện khắc cốt ghi tâm. Nếu gọi là trả ơn chẳng hóa chúng tôi vô ơn, gọi là một chút lễ mọn, mong ông thâu nhận. Nói xong, họ đem ra mấy tấm gấm và lụa quý. Lê Tắc đều từ chối không nhận.
Lê Tắc băn khoăn giây lát rồi nói:
- Dù tôi đã quy thuận thiên triều, và thiên tử đã mông ân, nhưng gốc tôi vẫn là người Đại Việt. Người Đại Việt bẩm tính nhu hòa, hiếu thiện và rất tự tôn, lại thủy chung như nhất, nên gặp gian nguy không bao giờ bỏ bạn. Các ông chẳng thấy năm Ất Dậu tướng Minh-lý Tích-ban dẫn chúng tôi vào chầu thiên tử, khi qua ải Chi Lăng bị quân Việt đuổi đánh, số người tòng vong chết đến quá nửa, chủ tôi là Hoài vương Trần Kiện bị bắn chết trên mình ngựa, tôi đã vác xác ông về tới Tư Minh mới dừng lại an táng. Việc gặp nguy khốn năm nay với năm trước, tôi hành xử như lẽ thường hằng, mong các ông đừng quá bận tâm về việc nhỏ đó làm gì, điều hệ trọng nhất là chúng ta còn được sống và hãy sống tốt với nhau.
- Quả thực ông là một người cao thượng, chúng tôi không theo kịp. Cả hai vị vạn hộ đều nói.
Quan Thiêm sự phán phủ Lê Yến sửa lại áo mũ chỉnh tề dẫn Đại Thúc hầu Trần Dục tay cầm ngọc tỉ, đầu đội mũ tế đằng[60] có khảm ngọc đến tạ ơn, Lê Tắc đều khước từ.
Lê Yến bèn quỳ xuống nói:
- Nếu không vì tấm lòng nghĩa hiệp mà ông đổi ngựa cho thì tôi với vị hoàng tử này sao còn có hôm nay. Đúng là ông đã sinh ra tôi lần thứ hai, tôi tuy hơn ông bảy tuổi nhưng cho phép tôi được nhận ông là cha và xin dâng ông một hạt hoàng nê thạch này và hai tấm vải của xứ Cao Ly gọi là một vật nhỏ trong lễ tạ ơn.
- Việc xưng hô là tùy tâm ông, tôi không dám nhận cũng không dám từ, còn như các vật kia ông nên giữ lấy. Bình sinh tôi ham sống nên không dám giữ vật quý bên mình, mong ông hiểu giùm cho. Lê Tắc cố từ, không nhận của ai một vật gì.
Lũ người bại trận này không dám tiếp tục vào Đại Việt, cũng không dám trở lại Yên Kinh mà cứ nằm lại Tư Minh chờ chiến cuộc. Nếu Thoát-hoan chiến thắng thì việc vào Đại Việt chẳng có khó khăn gì, nếu Thoát-hoan bại ắt phải chạy về nước theo con đường này, lúc ấy đều là quân bại trận cả, chẳng còn ai xét đến tội lỗi nữa mà phải lo.
Lúc này đại bản doanh của Thoát-hoan đã trụ vững cả một vùng rộng lớn mà Vạn Kiếp là trung tâm. Đóng quân tại Vạn Kiếp, Thoát-hoan kiểm soát con đường thủy huyết mạch của Đại Việt. Nó đảm bảo việc nối liền với chính quốc bằng sông Bạch Đằng ra cửa An Bang[61] hoặc cửa Đại Bàng để ra biển. Đây là con đường tiến, thoái vừa thuận tiện vừa lợi hại vào bậc nhất. Ngược lên sông Bình Giang có thể lấy viện binh từ trong nước qua ải Nội Bàng xuôi về Vạn Kiếp. Còn như lấy sông Thiên Đức có thể kéo một mạch về tới Thăng Long, lại từ Thăng Long xuôi Long Hưng, Thiên Trường[62] mà ra cửa Hải Thị. Lại từ cửa Hải Thị mà ra biển rồi vòng về Tháp Sơn, Vân Đồn qua sông Bạch Đằng ngược về Vạn Kiếp.
Thoát-hoan tỏ vẻ hài lòng vì lần này y quyết giữ Vạn Kiếp làm căn cứ huyết mạch, hơn nữa việc chiếm Vạn Kiếp lần này hao tổn máu xương binh sĩ không đáng kể. Đúng là Giao Chỉ đã kiệt sức qua cuộc chiến năm Ất Dậu vì thế Hưng Đạo phải bỏ địa bàn trọng yếu này mà chạy. Kiểm lại, các tướng đã về hội dưới trướng khá đầy đủ. Viên phó tướng Áo-lỗ-xích hùm sói được Thoát-hoan luôn giữ bên mình. Còn các tướng khác dẫn quân vào các đường khác nhau như tả thừa Mang-khu-đai và các chư vương A-ruc, A-tai từ Vân Nam tiến về Bạch Hạc cũng khá chật vật, tổn thất không nhỏ. Lại như Bôn-kha-đa, Trịnh Bằng Phi đi nẻo Vĩnh Bình, Chi Lăng bị quân Giao Chỉ cản phá quyết liệt, đánh nhau tới gần hai chục trận mới cướp được đường về Vạn Kiếp. Bên cạnh Thoát-hoan còn có Lưu Thế Anh bị Hưng Đạo đánh bật ra khỏi căn cứ A Lỗ năm trước cùng nhiều tướng tâm phúc khác.
Thoát-hoan hơi ngạc nhiên, lần này y cầm quân vào Giao Chỉ vẫn đi theo đường cũ mà gần như không gặp một trở ngại nào đáng kể. Quả là Hưng Đạo kiệt sức nên không dám đối đầu với ta nữa. Thoát-hoan đang nóng lòng chờ đội quân thủy hùng mạnh của tham tri chính sự Ô-mã-nhi bạt-đô và tham tri chính sự Phàn Tiếp về hội là sẽ tung quân đi chiếm Thăng Long, Thiên Trường. Tuy nhiên, Thoát-hoan không thể không trông ngóng Trương Văn Hổ, bởi quân hùng tướng mạnh mà không có lương thực cũng trở nên vô dụng.
Lại nói về Ô-mã-nhi sau khi nhận mệnh lệnh của Thoát-hoan bèn lên đường tới Khâm Châu. Điểm quân xong, Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp dẫn đầu, các tướng Ô Vy, Trương Ngọc, Lưu Khuê lĩnh hơn hai vạn quân đoạn hậu. Đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đi giữa. Hơn sáu trăm chiến thuyền với gần một trăm thuyền chở lương to vào hàng bố đại cồng kềnh. Thuyền nào thuyền ấy đều kéo cả buồm mũi buồm lái, và thuyền nào cũng treo lá cờ Đại Nguyên trên đỉnh cột buồm gió đánh phần phật.
Buồm giăng, cờ xí, quân reo, trống thúc khí thế ngút trời. Đoàn hải binh rời bến vào một ngày đẹp trời khoảng trung tuần tháng một (tháng 11) năm Đinh Hợi (tháng 12-1287) nhằm vào hướng Đại Việt. Cuối năm gió mùa đông bắc thổi mạnh, buồm nào cũng no gió căng phồng kéo thuyền đi băng băng.
Sau ba ngày lênh đênh trên biển, toán đi đầu đã vào tới đầu châu Vạn Ninh. Ô-mã-nhi rất sốt ruột vừa đi vừa phải chờ đoàn quân tải lương. Các tướng Lưu Khuê, Trương Ngọc đi đoạn hậu cũng lấy làm sốt ruột.
Khi chiến thuyền của Ô-mã-nhi hùng hổ kéo qua mũi Ngọc Sơn, quân ta do tướng Trần Đa đã phục quân đánh rất quyết liệt. Giặc cậy số đông quây thuyền lại đánh. Bên ta dùng nỏ liên châu, máy bắn đá gây cho giặc tổn thương không đáng kể. Trời đã sâm sẩm chiều, giặc cướp được đường đi và chúng lái thuyền xa mép nước ngoài tầm bắn của cung nỏ.
Nhân Đức hầu Trần Đa đã được thượng tướng Trần Khánh Dư giao phó nhiệm vụ và căn dặn rất kỹ:
- Tướng quân phải đánh như thế nào cho giặc thấy quân ta tuy gan góc chống cự, nhưng rất yếu không đủ lực cản giặc. Phải nuôi cho tính kiêu căng của giặc phát triển đến cao độ, khiến đi tới đâu giặc cũng coi thường quân ta. Và chỉ được đánh một trận đầu rồi thả cho giặc đi. Nhiệm vụ của tướng quân chỉ có thế, tôi nghiêm cấm không được chặn đánh giặc dọc đường chúng dẫn quân và lương từ Vạn Ninh về đến Vân Đồn. Sau trận đánh, tướng quân dồn quân về nơi đã quy ước.
Thừa thắng Ô-mã-nhi cho quân thẳng tiến. Dọc đường đi không gặp một cản ngại nào do quân Đại Việt gây ra. Gió lộng, buồm căng, đoàn chiến thuyền tựa như đoàn kỵ mã đang sải vó trên sa mạc. Đứng trên mũi thuyền, Ô-mã-nhi cười sằng sặc rồi quay nói với viên phó tướng:
- Phàn tướng quân, ta nhớ trận Chương Dương mấy năm trước quân Giao Chỉ đã dồn ta vào cửa tử, may ta cướp được chiếc thuyền nhỏ chạy ra biển mới thoát. Lần này vào Giao Chỉ, ta cảm như vào chỗ không người, ông có biết vì sao không?
Phàn Tiếp ngửa mặt nhìn bầu trời xanh cao vút, mặt biển mênh mông, đoàn chiến thuyền băng băng rẽ nước tưởng không một sức mạnh nào cản nổi, lòng đầy tự hào, viên tham tri chính sự đáp:
- Tôi chắc cuộc chinh phạt của đại quân thiên triều năm Ất Dậu mới đây, Giao Chỉ đem toàn lực ra chống đỡ khiến nước nó kiệt quệ, binh nó rệu rã. Cứ xem trận vừa rồi nó phục đánh quân ta ở mũi Ngọc Sơn, có khác nào đám con nít chơi trò đánh trận tại một góc sân hẹp.
- Chính thế! Ô-mã-nhi đáp, vì vậy lần này ta quyết bắt bằng được Hưng Đạo về dâng thiên tử. Thiên tử từng nói ngài muốn biết gan của Hưng Đạo to như thế nào mà dám kháng mệnh thiên triều.
- Phải, chỉ có bắt được Hưng Đạo mới diệt được mầm phản loạn tại Giao Chỉ. Như sực nhớ ra việc gì hệ trọng, Phàn Tiếp liền hỏi:
- Bẩm chủ tướng, quân ta đi quá xa đoàn thuyền tải lương, nếu quân Giao Chỉ tập kích thì nguy lắm.
Nghe Phàn Tiếp hỏi, Ô-mã-nhi cười rung cả hàng ria mép, đoạn ông ta nói với vẻ đầy kiêu hãnh:
- Quân Giao Chỉ coi như đã chết, chẳng việc gì phải bận tâm, biển Nam Hải khác chi ao nhà của ta, tướng quân còn phải lo gì nữa. Còn thuyền lương ư? Với năm ngàn quân tinh nhuệ đi theo, Trương Văn Hổ thừa sức tự bảo vệ mình. Vả chăng, ông có biết, cha con Trương Văn Hổ vốn là kẻ đàn anh trong nghề cướp biển, thiên tử dụ mãi y mới chịu về hàng, thế thì nó tha cướp của người khác chứ còn ai cướp được của nó. Hơn nữa còn có bọn Lưu Khuê, Trương Ngọc, Ô Vy với hơn hai vạn quân đoạn hậu lo gì.
Lại nói bọn Lưu Khuê, Trương Ngọc dẫn quân đi sau đoàn thuyền tải lương chậm rì rì mà phía trước đoàn chiến thuyền của Ô-mã-nhi đã khuất dạng từ lâu. Các tướng đều nóng lòng đến hội quân tại Vạn Kiếp như nhời Trấn Nam vương căn dặn. Lo đến trễ sẽ lỡ việc lớn mà mang tội, Lưu Khuê liền bàn với hai tướng Ô Vy, Trương Ngọc:
- Mấy hôm nay ta đi đều thuận gió, thuận thì tiết mà yên tĩnh như đi trong ao làng vậy. Ta chắc quân Giao Chỉ sợ hãi đi trốn cả rồi, vậy mà chúng ta cứ phải núp bóng Trương Văn Hổ thử hỏi đến bao giờ mới kịp ra mắt Trấn Nam vương, sao còn cơ hội cho chúng ta lập công nữa, ý các ông thế nào?
Trương Ngọc liền đáp:
- Đại nhân nói rất phải, ta theo Trấn Nam vương đánh Giao Chỉ là để lập công, tại sao lại cứ phải quẩn quanh với Trương Văn Hổ và đám thuyền lương của nó. Nó đã xin thiên tử năm ngàn quân tinh nhuệ để tự bảo vệ kia mà.
Ô Vy cũng nói vào:
- Lúc ra đi chủ tướng Ô-mã-nhi nói chúng ta đi đoạn hậu, là đoạn hậu của đoàn thủy binh chứ có ai trao cho ta trọng trách áp tải thuyền lương.
- Đã vậy thời phải hỏi lại Trương Văn Hổ xem y có tự đảm đương được công việc không, - Lưu Khuê nói. Và khi họ tách thuyền ra khỏi hàng băng băng vượt lên chẳng mấy chốc đã đuổi kịp thuyền Trương Văn Hổ đi ở đầu đoàn thuyền tải lương. Ngay trên cột buồm treo lá cờ súy thật to màu đen, giống như cờ của bọn hải tặc, trên nền đen, có hàng chữ màu đỏ tươi: “Giao Chỉ hải thuyền Vạn hộ Trương tướng quân”.
Khi thuyền của các tướng Lưu Khuê, Ô Vy, Trương Ngọc đi song hành và ra hiệu muốn nói chuyện, Trương Văn Hổ khéo nới dây lèo cho hai thuyền gần áp sát, đoạn trao dây lèo vào tay cho viên tướng đang trợ giúp, y lấy đà tung người bay sang thuyền của tướng Lưu Khuê. Thoắt y đã đứng giữa ba vị tướng kia, lên tiếng cười khanh khách:
- Các đại huynh gọi đệ sang, chẳng hay có chuyện gì dạy bảo đây?
Các tướng đều tỏ lòng khen ngợi, Lưu Khuê nói:
- Tướng quân quả là danh bất hư truyền. Miệng khen mà trong lòng Lưu Khuê lại nghĩ: - Chẳng trách người ta đồn cha con tên này là cướp biển khét tiếng một thời quả không sai.
Khi các tướng bày tỏ muốn bứt khỏi đoàn thuyền lương, Trương Văn Hổ cười khà khà:
- Vẫn tưởng các đại huynh muốn rong chơi trên biển cả, chứ bảo vệ thuyền lương là việc của Hổ này rồi. Nói thật với các huynh, Hổ tha cướp của bọn chúng là phúc cho chúng lắm rồi chứ kẻ nào còn dám cướp của Hổ này nữa. Nói xong y vẫy tên lái thuyền của y ra hiệu:
- Vát! Vát.
Thuyền vừa vát buồm, hai mạn còn cách nhau vài bước nhảy, y nhún chân lấy đà thoắt đã trở về thuyền của mình, miệng nhoẻn cười vẫy chào bọn Lưu Khuê phô cả hai hàm răng cải mả.
Thấy Trương Văn Hổ tự tin, vả lại y cũng có năm ngàn quân hộ vệ, hơn nữa mấy ngày nay các chiến thuyền đi trong không khí yên bình, chắc quân Giao Chỉ sợ oai đại quân thiên triều đã đi trốn hết rồi. Nghĩ vậy, các tướng bảo nhau phải mượn sức gió, mau đến hội quân kẻo Trấn Nam vương trông đợi. Vì thế đoàn chiến thuyền lao đi vun vút suốt ngày đêm. Tuy vậy bọn Lưu Khuê, Trương Ngọc không thể bắt kịp với các chiến thuyền của Ô-mã-nhi đã băng lên từ trước.
Khi giặc vừa áp sát biên thùy thì tại đại bản doanh Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương nhận được tin ngoại gián cấp báo về: “Sau mấy trăm chiến thuyền của Ô-mã-nhi là cả trăm thuyền lớn tải lương thực. Giặc có thể qua Vân Đồn hoặc qua cửa An Bang mà vào Bạch Đằng”.
Một nguồn tin vô cùng quý giá, nhưng đến lúc này có nhẽ hơi muộn vì giặc đã tới biên thùy, ông không thể điều kịp quân để phối cùng Trần Khánh Dư. Nếu cướp được hoặc đánh chìm được đoàn thuyền tải lương này, cầm chắc giặc sẽ thua trong sớm tối mà máu xương quân ta cũng đỡ hao tổn khá nhiều. Hưng Đạo suy nghĩ lung lắm, điều quan yếu nhất trong lúc này là phải thông được tin tức tới Nhân Huệ vương. Nghĩ vậy, ông bèn thảo tờ quân lệnh sai Yết Kiêu ngày đêm ra gấp Vân Đồn.
Nhận tờ mật thư, Nhân Huệ vương mở đọc, gương mặt ông tươi hẳn lên, mỉm cười, vương nói:
- Tướng quân về tâu với Quốc công, ta sẽ y kế của Quốc công, nhất định không sai một li.
Trên đường về, Yết Kiêu ghé thăm phu nhân của Đức ông, tức công chúa Thiên Thành đang di tán tại vùng Giáp Sơn. Phu nhân và gia nhân di tán trong một thung lũng khá kín đáo, xung quanh bao bọc bởi những ngọn núi đá vôi được bao phủ bởi rừng rậm um tùm, quanh năm có sương mù phủ trên các tàng cây khiến trời đất cả khu vực này trở nên mông lung huyền ảo. Trong thung lũng người ta dựng lên những chiếc lán ở tạm. Nơi đây gió không lọt vào được nhưng trời rét căm căm suốt ngày đêm phải đốt củi để xua khí lạnh.
Thấy Yết Kiêu đến, phu nhân mừng rỡ:
- Ôi Yết Kiêu ngươi đã về đấy ư? Ta mong con quá. Đức ông thế nào, người có được bình thường không? Giặc đã vào cõi chưa? Dạo này trời lạnh lắm, ta đã gói thêm vài chiếc áo ấm chờ con về để đem cho Đức ông.
- Bẩm phu nhân, Quốc công vẫn bình an mạnh khỏe, chỉ có điều người đang dốc tâm lực vào việc kháng giặc. Lúc này giặc đang áp sát biên thùy, Đức ông nhắn phu nhân cứ yên tâm, chiến trường có thể quyết liệt, nhưng vùng đất này lại là vùng giặc bất khả xâm nhập, xin phu nhân giữ gìn sức khỏe, bởi ở đây lam sơn chướng khí.
Phu nhân chỉ tay vào gói áo ấm nhắc Yết Kiêu:
- Trong này có chiếc áo bông chẽn ta may kỹ đấy, trời rét nhắc Đức ông mặc sát mình rồi hãy mặc áo ngoài cho ấm kẻo đêm hôm sương lạnh, Đức ông tuổi cũng đã cao, sức lực không còn được sung mãn. Ngươi chớ nói ở trong này có khó khăn thiếu thốn gì nhé. Không ai có thể khổ bằng người lính chiến đấu ngoài sa trường. Vậy chớ con có thể nán lại ăn một bữa cơm để ta sai sửa soạn. Phải đi ngay à. Việc quân ta không dám giữ, con và Dã Tượng là chân tay của Đức ông, ta cậy các con kín đáo săn sóc người, và ta chỉ nhắc Đức ông phải bảo trọng tấm thân muôn quý để dùng cho nước. Ta ở nhà chờ ngày Đức ông khải hoàn.
Yết Kiêu nhận lấy gói áo ấm, chắp tay bái biệt phu nhân rồi lên ngựa.
Phu nhân đứng nhìn theo bóng ngựa Yết Kiêu lòng rưng rưng cảm động. Bà nghĩ về hai người gia nô có tấm lòng trung nghĩa và cao thượng hơn nhiều kẻ tự cho mình là chính nhân quân tử, thoắt một cái đã đi hàng giặc.
Lại nói về phó tướng Trần Khánh Dư được Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương tin tưởng trao phó cho toàn quyền trông coi miền đông hải, ông biết phận sự phải làm gì khi giặc vào cõi. Chính vì vậy ông đã sai đô tướng Nhân Đức hầu Trần Đa phục quân ở mũi Ngọc Sơn, nhưng phải đánh thế nào để giặc tăng phần kiêu ngạo, coi thường quân ta. Cho nên khi nhận thêm quân lệnh của Quốc công phải đón đánh đoàn thuyền tải lương của giặc thì việc ông sai Nhân Đức hầu đánh trận Ngọc Sơn coi như phù hợp với kế này.
Lập tức Nhân Huệ vương sai triệu tướng Nguyễn Khoái và tướng Nguyễn Chế Nghĩa vào dinh, bởi Nguyễn Khoái cũng vừa được phái về dưới trướng.
Trần Khánh Dư nói rõ mục tiêu của trận đánh này là nhằm củng cố lòng kiêu ngạo của giặc vốn cho rằng Giao Chỉ đã kiệt sức, việc chống đỡ chỉ là thoi thóp.
Bàn bạc xong, phó tướng ra lệnh:
- Mỗi tướng lĩnh năm trăm quân, chọn quân tinh khỏe, dũng lược, bơi lặn giỏi cùng với hai mươi chiến thuyền nhỏ, phục kích trên đường vào cửa An Bang. Mỗi tướng phục một nơi, nhưng phải cách nhau khoảng vài mươi dặm[63]. Trong năm ngày tới thế nào giặc cũng qua đây. Vì ta quân ít, thuyền nhỏ nên chỉ đánh quấy rối giặc vào ban đêm. Các ông chỉ nên đem một ít tên thường, không cần nỏ liên châu. Và ban đầu tập trung tên bùi nhùi bất chợt bắn vào thuyền giặc, nếu gây thành đám cháy, chắc giặc sẽ rối loạn. Khi biết quân ta thiểu lực, giặc sẽ quây bắt, các ông cho quân bỏ thuyền, lặn xuống nước rồi bơi về các điểm hẹn đón. Trên thuyền đem sẵn ít giáo búp đa cùn nhụt, han rỉ và ít cung tên thường cùng ít cuộn dây thừng, ít mo cơm nắm ăn dở, vài ba chiếc điếu cày, mấy chiếc khố… tất cả đều bỏ lại trên thuyền để cho giặc chiếm. Trận này các ông buộc phải nhường thế thượng phong cho giặc, tức là các ông phải thua. Nếu ham đánh, để quân bị giặc giết, giặc bắt khiến hỏng kế lớn của ta các ông phải chịu tội nặng đấy.
Các tướng vui vẻ nhận mệnh, hứa thực thi nghiêm chỉnh rồi ai nấy ra về thu xếp công việc.
Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa là hai tướng trẻ, nhất là Nguyễn Khoái trong cuộc chiến năm Ất Dậu tỏ ra một tướng dũng lược, lập công cao, lại mới đây chiến đấu dưới cờ Chiêu Văn vương ở Bạch Hạc cũng lập công lớn. Nguyễn Khoái tuy là tướng trẻ nhưng có nhiều sáng kiến đánh giặc, và chàng lại có duyên lập công nên bề trên thường điều động đến các mặt trận mới mở. Nguyễn Chế Nghĩa ít tuổi hơn nhưng cũng là một tướng quả cảm. Vì vậy trao việc hệ trọng này cho họ, Nhân Huệ vương rất yên tâm. Ông đang hoạch định kế sách tiêu diệt đoàn thuyền tải lương của giặc. Đây là một việc làm cực khó, tướng giặc thuần những kẻ chinh chiến từng trải, đưa quân đi xa thì lương thực là việc quan yếu bậc nhất, sao giặc có thể sơ hở được. Nguồn tin chài lưới đưa về có gần bảy trăm chiến thuyền do tham tri chính sự Ô-mã-nhi làm nguyên soái hải binh đô tổng quản, tham tri chính sự Phàn Tiếp làm nguyên soái phó đô tổng quản dẫn đầu. Đoạn hậu có các tướng Lưu Khuê, Trương Ngọc, Ô Vy cùng hơn hai vạn quân tinh nhuệ, gần một trăm thuyền lương của Trương Văn Hổ đi giữa. Tổng số quân của giặc trên mười vạn với hơn bảy trăm chiến thuyền. Nếu ta đánh chặn đầu thời đụng với Ô-mã-nhi và lực lượng mạnh nhất của nó, khó có thể tiếp cận được với đoàn thuyền lương; nếu đánh đoạn cuối thì chẳng khác nào xua cho đoàn thuyền lương đi nhanh hơn và giặc càng thận trọng bảo vệ. Còn như xông vào đánh thuyền lương thì đầu cuối giặc sẽ vây chặt lấy quân ta, sao còn có cơ hội diệt lương của nó.
Còn đang loay hoay với kế phá lương của giặc, may thay Nhân Đức hầu Trần Đa đã đánh một trận quyết liệt nhưng đủ cho giặc thấy lực lượng của ta chẳng có gì để chúng phải bận tâm. Và Ô-mã-nhi cứ yên tâm thẳng tiến để mặc cho đoàn thuyền lương đi sau với hơn hai vạn quân đoạn hậu của các tướng Lưu Khuê, Trương Ngọc đảm trách. Và chỉ nay mai đại binh thuyền của Ô-mã-nhi sẽ tiến vào cửa An Bang lấy sông Bạch Đằng, ngược lên hội quân với Thoát-hoan tại Vạn Kiếp.
Nhân Huệ vương cấp kỳ điều gấp một số quân men theo đường bờ biển từ Vân Đồn đi ngược lên phía bắc phối hợp với số quân đã ém sẵn ở cửa sông Tiên Yên. Những trạm canh ở trên núi cao hoặc trên các ngọn cây cao trên đỉnh núi, tức là những vọng hải đài đặt dọc bờ biển và rải khắp trong khu quân cảng, thương cảng Vân Đồn ngày đêm dõi theo động tĩnh.
Từ bữa Trần Đa cho chạy ngựa lưu tinh về báo tới nay đã ba ngày vẫn chưa thấy bóng dáng thuyền quân của Ô-mã-nhi.
Chừng giờ tỵ ngày thứ tư thì từ trạm quan sát Tiên Yên cho chạy ngựa về phi báo: “Ngay lúc này Phó tướng lên đài quan sát có thể nhìn thấy binh thuyền giặc bằng mắt thường”. Nhân Huệ vương lập tức leo lên núi và trèo lên đài quan sát bắc bằng mấy gióng tre lát nứa làm sạp trên đỉnh ngọn mấy cây sến cao vút. Định thần một lúc quả có thấy hình ảnh di động lờ mờ từ rất xa. Và chừng một khắc canh giờ, mặt trời lên cao, bầu trời quang đãng thì hình ảnh đoàn thuyền kéo dài dằng dặc nom như một đàn chim sẻ. Chừng một canh giờ sau thì hình ảnh đó đã to dần bằng hình đầu người. Ông liền sai hai đứa thư nhi và khẩu dụ: “Ngươi đến ngay doanh của tướng Nguyễn Khoái và tướng Nguyễn Chế Nghĩa nói rằng binh thuyền của giặc khoảng chiều tối hoặc đêm mai sẽ tới vùng An Bang. Cũng có thể chúng đến sớm hơn hoặc muộn hơn là phụ thuộc vào sức gió”.
Sau đó ông giao nhiệm vụ cho các trạm quan sát phải đếm từng chiếc thuyền một cho chính xác.
Ngay lập tức ông bày thế trận xung quanh vùng căn cứ, nếu giặc vào sẽ dụ chúng tới gần sát bờ để đánh hỏa công. Nếu giặc đi thẳng về An Bang thì chúng coi như quân ta đã sợ hãi bỏ trốn hết. Và như vậy giặc sẽ càng thêm kiêu ngạo mà nảy sinh sơ hở.
Chừng cuối giờ dậu chiến thuyền đầu tiên của giặc lướt qua khu vực có luồng dẫn vào vùng căn cứ Cửa Vạn mà phó tướng Nhân Huệ vương đã bày trận. Thượng tướng căng mắt nhìn thấy cả chục chiến thuyền nối đuôi nhau lướt qua và không có một dấu hiệu nhỏ nào chứng tỏ giặc muốn dừng lại, Trần Khánh Dư yên tâm rằng ông đã lừa được giặc. Nước triều đang lên, gió đông bắc thổi mạnh, xuôi gió thuyền giặc càng lao nhanh như ngựa chạy. Mặt trời đã chìm xuống đáy biển từ lâu để lại một không gian tĩnh lặng và tối om. Trần Khánh Dư đang băn khoăn tự hỏi: - Không biết giặc có tải lương bằng đường biển hay là chúng phao tin nghi binh mà ta đếm có tới cả trăm chiến thuyền, không thấy một thuyền nào có dấu hiệu tải lương, vì rằng thuyền nào cũng nhẹ, phần nổi của thân thuyền khá cao; nếu là thuyền lương thì nó phải chở tới khẳm mạn và đi chậm như rùa bò. Khoảng quá nửa đêm thì toàn bộ chiến thuyền giặc đã đi khuất. Các trạm quan sát lần lượt cho người về tâu báo số lượng thuyền đã đếm được. Trạm đầu tiên ở phía trên Tiên Yên quan sát lúc trời còn đủ sáng đếm được cả thẩy bốn trăm bảy mươi hai chiến thuyền. Trạm Tiên Yên đếm tới khi kết thúc đã vào đêm, tổng số có bốn trăm bốn chín chiếc; trạm cuối lại chỉ đếm được bốn trăm hai mươi chiếc.
Nhân Huệ vương vui vẻ nói:
- Ta chắc trạm đầu đếm chính xác nhất, bởi lúc ấy ánh ngày còn soi tỏ. Ông hỏi rất kỹ các người về tâu báo có ai nhìn thấy thuyền nào chở nặng đi lẫn vào với các chiến thuyền, hoặc các chiến thuyền có lai, dắt thêm thuyền khác không.
Các đô tướng đều nói chỉ thấy các chiến thuyền đều chở nhẹ và thuyền nào cũng đi nhanh như gió.
Trần Khánh Dư bụng đã mừng thầm: - Thuyền lương chúng nó đi sau thật rồi, vì thuyền lương chở nặng nên đi chậm.
Chiều hôm sau tự nhiên trời tắt gió nên đoàn thuyền chiến của Ô-mã-nhi tiến lên khá chật vật, quân lính thay nhau căng sức ra mà chèo thuyền vẫn cứ ì ạch như rùa bò.
Mấy toán quân phục của Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Khoái cứ thấp thỏm lên núi xuống núi quan sát xem đã thấy thuyền giặc ở đâu để mà sẵn sàng quyết chiến. Tới quá nửa chiều khi thấy gió đông bắc lại bắt đầu thổi mạnh, nhóm quan sát từ xa bắt đầu nhìn thấy một cánh buồm đỏ, rồi dần dần nó hiện lên như một đàn bươm bướm. Nghĩa là đã xác định đó là những cánh buồm nối nhau dài như là vô tận từ chỗ nó chỉ là những chấm mờ nhỏ bé như con chim sẻ nay đã to dần bằng cả bàn tay. Như vậy là tốc độ thuyền di chuyển khá nhanh. Trưởng trạm sai quân truyền tín hiệu cho các trạm sau. Trong chốc lát các tướng Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa được tin vội leo lên đỉnh núi quan sát về phía biển xa, nhưng các ông không thể nhìn thấy, bởi núi non trong vịnh càng chuyển dịch về phía cửa An Bang càng thấp dần, nhưng các ông tin những gì cấp dưới tâu báo. Vì vậy các ông cho quân ăn uống và chuẩn bị ra trận địa mai phục, lại sai nắm cơm để ăn bữa khuya, nếu không đêm phải đánh giặc, quân sẽ đói. Mặt trời vừa gác núi, các ông đã rải quân đón lõng và cho phép quân thay nhau ngủ để lấy sức. Gần cuối giờ hợi vẫn chưa thấy thuyền giặc qua, các tướng cho đánh thức quân dậy, ăn uống xong mọi người vào tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Khoảng đầu giờ tí, nghe tiếng vọng ào ào như xé nước biết thuyền giặc đã gần tới. Độ một khắc canh nữa thì thấy các đốm sáng lấp lóa chạy thành một đường dài hun hút trên mặt biển tựa như dải ngân hà vừa từ trên trời cao sà xuống.
Tướng Nguyễn Khoái hừm một tiếng:
- Đúng là giặc ngạo mạn, cứ như là chúng đưa nhau đi dạo chơi chứ không phải đi chinh chiến. Quả là chúng coi thường ta, chúng coi biển của ta như ao nhà của chúng. Và như vậy thì vận số chúng bay sẽ ngắn đấy! Nguyễn Khoái thầm nghĩ vậy và ông len lỏi tới từng chiến thuyền để vỗ về binh sĩ.
Cữ giữa giờ tí làn sóng do chiến thuyền giặc xé nước tạo thành những âm thanh ràn rạt và mặt nước biển cứ dồi lên cứ phập phồng khiến các chiến thuyền nhỏ của quân ta cũng dập dềnh và các chiến binh lòng cứ rạo rực và miệng lẩm bẩm hai tiếng “Sát Thát!”.
Thuyền giặc đã đi vào khu vực quân ta phục kích, Nguyễn Khoái bỏ qua bốn chiếc đi đầu vì nó nhỏ hơn và ít ánh đèn hơn chiếc đi sau. Vậy là ông chọn chiếc thứ năm. Một phát pháo thăng thiên vút lên giữa nền trời tối đặc và một mũi tên sáng như lân tinh lao về phía chiếc thuyền lớn. Lập tức năm trăm cây nỏ cứng cùng bắn chụm về một điểm. Chiếc thuyền bốc cháy trên mặt sạp. Nó lập tức quay ngang, nhưng các thuyền đi sau tránh được vì mặt biển rộng. Đám cháy không lớn, tên rơi tản mạn vì gió to. Quân ta khua chiêng, gõ trống và đồng thanh hô: “Sát Thát!”. Lúc đầu có gây cho giặc hốt hoảng, nhưng lực lượng của ta quá ít, giặc vừa dập lửa cứu thuyền vừa quây lại đánh quân ta. Hàng trăm thuyền lớn của giặc quây thành một vòng tròn rộng và chúng cứ khép hẹp dần. Bỗng một tiếng nổ lớn bùng lên một đám cháy và một cột khói trắng bốc lên cao, chắc là quân ta đốt thùng thuốc pháo nhồi chặt. Đang giữa lúc giặc còn hoảng hốt, còn ngơ ngác chưa biết điều gì vừa xảy ra thì nhất loạt quân ta bỏ thuyền lặn vào chân các hòn núi rồi bơi về những điểm đã có thuyền chờ đón.
Giặc hí hửng khép chặt vòng vây rồi xả cung nỏ bắn như mưa vào hơn hai chục chiếc thuyền đã bỏ không của quân ta. Không thấy quân Việt đánh trả, các thuyền cứ trôi dập dềnh như không có người điều khiển. Giặc đốt đuốc sáng rực cả mặt biển và lần dò sang thuyền ta. Chúng biết đã mắc mưu, thu lấy toàn bộ các chiến lợi phẩm buộc sau thuyền của chúng kéo đi. Từ đây giặc yên tâm: “Quân Giao Chỉ kiệt sức rồi, chúng chỉ có thể làm được mỗi một việc là quấy rối đại quân thiên triều”.
Giặc chết và bị thương dăm chục tên, cháy mấy mảng ván thuyền, thiệt hại không đáng kể, bù lại chúng thu được hơn hai chục chiến thuyền và một ít vũ khí cùn nhụt của đối phương.
Sắp xếp đội ngũ lại cho tiếp tục hành trình, Ô-mã-nhi nhìn Phàn Tiếp rồi phá lên cười giọng đầy sảng khoái, y nói:
- Cứ xem thuyền bè, vũ khí của quân Giao Chỉ đủ biết khả năng chống đỡ của chúng đến đâu. Ta nóng lòng muốn đến Vạn Kiếp sớm để kịp vào Thăng Long cùng với Trấn Nam vương bắt cha con Nhật Huyên và Hưng Đạo. Nhớ bữa ở Đại Đô, thiên tử ngỏ ý muốn xem gan của Hưng Đạo. Trận này ta quyết bắt bằng được Hưng Đạo đem về Đại Đô dâng thiên tử để người xem gan viên tướng man này.
Phàn Tiếp đỡ lời:
- Thật ra chỉ cần bắt được Hưng Đạo coi như đã bình xong Giao Chỉ.
- Ông nói đúng, - Ô-mã-nhi phụ họa. Và y nói thêm - Viên tướng này lợi hại lắm. Ta nhớ cuộc chiến năm Ất Dậu, Trấn Nam vương suýt bắt sống cha con Nhật Huyên và cả Hưng Đạo, nước nó tưởng như sắp phải quỳ gối đầu hàng, thì thân vương, quý tộc và cả binh lính đã chẳng ra đầu Trấn Nam vương tới mấy vạn người, thế mà rồi Hưng Đạo lại chuyển xoay được tình thế khiến quân ta phải bỏ cuộc. Trên đường rút về, hữu thừa Lý Hằng bị chúng dùng tên độc giết chết, Lý Quán cũng mất mạng, ngay Trấn Nam vương cũng phải nằm trong rọ, ngoài bọc đồng lá mới tránh được tên độc của quân Giao Chỉ. Nhưng thôi, lần này giặc đã kiệt sức rồi, ta cứ thong thả vừa đánh vừa nghỉ ngơi chơi bời cũng thắng.
Hai viên chánh phó tướng đều muốn nói chuyện cho rút ngắn đường dài, bỗng Phàn Tiếp nhìn trời nói:
- Nếu gió cứ thổi như thế này mà không đổi hướng, chắc chỉ đêm mai ta tới chầu Trấn Nam vương được.
- Ta cũng chỉ mong có vậy.
Thuyền vẫn chạy băng băng trong đêm tối. Cả Ô-mã-nhi và Phàn Tiếp đều không mảy may nghĩ tới việc quân Giao Chỉ dám mạo phạm một lần nữa. Cả đoàn binh thuyền bỗng đi chậm lại bởi sắp vào một vùng nước hai bên có hai dãy núi đá cao che chắn, chỗ thì nhô ra chỗ thì lõm vào khiến luồng đi vừa thu hẹp vừa uốn lượn như một dòng sông. Chính tại cái khúc uốn lượn này tạo ra một góc khuất che hết tầm nhìn của người lái tàu thuyền mà Nguyễn Chế Nghĩa lập trận địa. Ông sai quân lấy đá xếp cho các thuyền có sức nặng, lại sai giằng néo các thuyền lại với nhau như một chiếc bè chắn ngang luồng nước, hai đầu dây cột chặt với hai mỏm đá.
Đoạn thuyền giặc bị quân Nguyễn Khoái chặn đánh cách đoạn Nguyễn Chế Nghĩa phục quân chỉ hơn chục dặm nên giặc cũng ít phòng bị. Vả lại, qua hai trận từ mũi Ngọc Sơn tới trận vừa xảy ra khiến tướng giặc coi quân thủy của Giao Chỉ chẳng khác gì mấy đứa trẻ nít chơi trò đánh trận giả. Ví dù có gặp các trận phục kích như vậy thì đại quân của thiên triều cũng nhanh chóng quét sạch.
Mấy chiếc thuyền tiên phong thấy sắp phải qua chỗ nguy hiểm nên đánh tín hiệu xin lệnh thuyền của nguyên soái ở phía sau. Ô-mã-nhi trợn mắt quát:
- Ra lệnh cho chúng nó thẳng tiến! Ta đang nóng lòng về Vạn Kiếp vào chiều mai đây, kẻ nào dám cản đường ta, kẻ ấy ắt phải chết.
Nhận được tín hiệu đi tiếp, mấy chiến thuyền tiên phong không còn gì phải do dự nữa, chúng lại giong buồm đi tiếp như đi vào chỗ không người. Thuyền lựa chiều đi vào một khúc quanh khuất lấp, viên lái thuyền thấy vẻ rờn rợn, linh tính mách bảo cho y về sự hiểm nguy đang rình rập từ phía trước, y vội giật dây lèo cho thuyền đi chậm lại nhưng không kịp. Mũi thuyền của y đâm phải vật cản cực rắn gãy răng rắc, nước tràn vào, theo đà những chiếc sau cứ dồn đâm những chiếc đi trước trở thành một cuộc va đập liên hoàn. Mấy chiếc thuyền trong đội tiên phong đã chìm nghỉm. Quân chết bao nhiêu chưa biết, nhưng quân bị thương chắc nhiều vì tiếng la ó, tiếng kêu thét, tiếng khóc, tiếng rên rỉ vang vọng khắp mặt biển tối đen. Lúc này thuyền giặc đậu ken kín mặt nước, nhiều chiếc gần như áp mạn với vách núi dựng đứng.
Bỗng từ một chỏm núi nào đó vang lên một tiếng nổ và một vệt sáng lóe lên như một lằn chớp. Lập tức đá từ trên đỉnh núi ở hai bên luồng nước cứ đuổi nhau rơi xuống mặt nước, những tảng đá to như chiếc thúng xô vào nhau nhảy lộc cộc và nhiều tảng đá nhảy vào trúng thuyền. Nhiều tên giặc bị đá đè bẹp tan xác tựa như con trâu đè lên con nhái. Nhiều tảng đá lớn rơi lọt xuống đáy thuyền xuyên thủng ván, lập tức nước ùa vào đầy khoang, thuyền đắm.
Khác với Nguyễn Khoái cho quân chen vào đánh vỗ mặt giặc rồi tự nhiên biến mất không để lại dấu vết, Nguyễn Chế Nghĩa chọn địa hình cản giặc, dùng sức quân lên núi làm bẫy đá và chỉ ém lại đó vài ba chục người khi nghe có tiếng nổ thì cắt dây bẫy cho đá lăn rồi bò về phía bên kia chân núi đã có thuyền đón. Trận đánh tưởng như nhẹ nhàng, nhưng nghĩ ra được cái kỳ mưu ấy thực không dễ. Và việc đục núi lấy đá bẫy giặc là cả một kỳ công, gian nan, cực nhọc.
Trận đánh không mất một người lính, không mất một mũi tên mà cản đường giặc ngay giữa biển khơi.
Khi đá không còn lăn nữa, không còn gì đe dọa nữa nhưng giặc vẫn loay hoay không gỡ ra được vì một số thuyền va đập vào nhau, mắc vướng vào nhau phải xem cho rõ chiếc nào có thể dắt đi theo để sửa chữa, chiếc nào đành phải bỏ lại. Lúng túng với nhau trời sáng lúc nào không hay biết.
Khi nhìn rõ mọi vật, thấy trận địa mà quân mình vấp phải nó đơn giản như một trò chơi con trẻ, Ô-mã-nhi giận điên lên, y quát:
- Đi giữa ban ngày, một tên lính tốt của ta nó cũng phá được thế trận này. Có phải đây là thần mưu của Hưng Đạo? Chỉ bực vì lũ giặc này lại dám cản đường ta.
Trận này giặc vừa chết vừa bị thương nhiều hơn trận giặc vừa mới bị đánh lúc nửa đêm, thuyền đắm mất vài chiếc, thuyền bị thủng, vỡ phải sửa chữa cũng năm sáu chiếc. Một đạo quân lớn mà thiệt hại như vậy chưa có thể làm cho giặc phải quan tâm còn nói chi đến việc kinh động đến nó.
Quá nửa đêm hôm ấy tiền quân của giặc đã về tới Vạn Kiếp.
Đang ngủ say, quân vào bẩm: “Ô-mã-nhi đã đem quân đến, xin được gặp Trấn Nam vương”.
Nghe Ô-mã-nhi đã đem cả chục vạn quân thủy tới Vạn Kiếp, Thoát-hoan vùng ngay dậy.
Ô-mã-nhi chưa kịp cúi chào, Thoát-hoan đã lên tiếng:
- Ôi tướng quân, ta mong ông quá. Đường đi có thuận không? Sức khỏe vẫn tốt chứ? Trong quân có đứa nào bị say sóng không?
Ô-mã-nhi lúng túng và cảm động bởi sự quan tâm của chủ tướng.
Sau giây lát, Ô-mã-nhi lên tiếng:
- Tạ ân Trấn Nam vương có lời thăm hỏi. Chúng tướng và binh sĩ thẩy đều bình an. Lác đác trong quân cũng có kẻ ốm đau. Chừng vài ba ngàn đứa quân bị say sóng, ấy là binh thuyền đã lựa đi đường ven biển, sóng gió không đáng kể. Bẩm, dọc đường quân Giao Chỉ có vài ba lần quấy rối, nhưng chúng bị dẹp tan ngay tức khắc, quân ta có thu được vài ba chục chiến thuyền đem về ra mắt Trấn Nam vương.
Thoát-hoan mừng rỡ khen ngợi:
- Bạt-đô tướng quân quả là danh bất hư truyền. Chờ Trương Ngọc, Lưu Khuê về hội đủ cùng với Trương Văn Hổ nữa ta sẽ cho quân tiến về Thăng Long vây bắt cha con Nhật Huyên và Hưng Đạo luôn thể.
Ba ngày sau khi Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp đưa quân về Vạn Kiếp thì các tướng Ô Vy, Trương Ngọc, Lưu Khuê cũng đưa nốt hơn hai vạn quân thủy về ra mắt Trấn Nam vương.
Trước đó thì tướng A-ruc các vương A-tai, Mang-khu-đai cũng đã có mặt tại khu vực Vạn Kiếp.
Cả vùng Vạn Kiếp, Lục Đầu giang sông nước, núi non, đồng bằng rộng mênh mông lúc này quân Nguyên đã lập các trại thủy bộ dày như bát úp.
Từ ngày vượt qua biên ải, đánh chiếm Nội Bàng rồi xuôi về chiếm Vạn Kiếp tới nay, không thấy một bóng quân Trần nào xuất hiện, cũng không thấy bị quấy rối hay phục kích, biệt kích gì. Thoát-hoan tự nghĩ: - Việc đánh dẹp Giao Chỉ lần này ta cầm chắc có thể kết thúc trước mùa hè.
Thoát-hoan cho gom các thuyền chiến mà quân Nguyên thu được của quân Đại Việt từ ngã ba Bạch Hạc và từ mũi Ngọc Sơn đến cửa An Bang. Tính cả thuyền lành, thuyền bẹp được hơn bảy chục chiếc. Thoát-hoan lại ngầm sai lấy cả những chiến thuyền của quân Nguyên bị quân Việt đánh cho bẹp dúm dó, đục bỏ chữ và phiên hiệu cùng những chỉ dấu có thể nhận ra đó là thuyền của người Nguyên, xong đâu đó gộp cả vào với đám thuyền cùng khí giới thu được của quân Việt để số chiến lợi phẩm có thể nhiều lên đáng kể. Sau đó đem ra trưng bày để cổ vũ khí thế cho đoàn quân viễn chinh. Ngón đòn tâm lý của Thoát-hoan quả có làm cho khí thế của đoàn quân viễn chinh thêm chộn rộn. Và dưới con mắt họ từ tướng đến quân đều coi thủy binh Đại Việt là đội quân xoàng xĩnh không như họ nghe nói trước khi vào đất Việt.
Thoát-hoan lại cho phao tin: - Đại quân thiên triều sắp tiến vào Thăng Long, nếu nhà Trần không quy hàng thì sẽ làm cỏ vương đình. Và nữa đang truy bắt Trần Khánh Dư. Tiếp đó Thoát-hoan lại đưa thư dụ hàng triều đình nhà Trần.
Tất cả những tin tức ấy bay về Thăng Long cùng một lúc.
Lập tức tin loang đi khắp nơi: - Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thua trận liên tiếp, làm mất cả Vân Đồn và miền biển Đông Bắc, quân tan tác, lực lượng chẳng còn gì.
Đùng một cái triều đình lại có chiếu bắt Khánh Dư và sai trung sứ xiềng lại đem về Thăng Long trị tội. Thăng Long rục rịch di tán. Tiếng loa nói suốt ngày đêm thúc giục người già, trẻ nhỏ và đàn bà phải rời khỏi kinh thành ngay. Phố phường vắng vẻ, ban đêm lạnh tanh không một ánh đèn. Khắp nơi chỗ nào cũng thấy hai chữ “thanh dã” thật to. Và trên những bức tường bao quanh các lâu đài, dinh thự, hoặc nơi quán xá, đình đền, chùa tháp đều thấy các dòng chữ viết nét mực còn tươi nguyên, cũng có những bảng chữ chắc viết từ cuộc chiến năm Ất Dậu có chữ đã bị mưa xói làm cho mờ nhòe vừa tô lại. Dù cũ, dù mới đều cùng một nội dung: “Tất cả các quận huyện trong nước nếu có giặc ngoài đến phải liều chết mà đánh. Nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”.
Đang đêm Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương lên ngựa vào cung Thánh Từ.
Vừa thấy Quốc công, thượng hoàng Thánh tông đã ra tận bậc thềm chào hỏi:
- Có việc gì mà Quốc công phải tới vào giờ này.
Quốc Tuấn toan quỳ, thượng hoàng Thánh tông vội đỡ ông dậy và nói:
- Anh Quốc Tuấn, giặc sắp vào đến vương thành mà sao anh vẫn cứ thủ lễ vậy?
- Tâu, thượng hoàng có thương thần mà miễn lễ, thần cũng không dám bỏ. Chiến tranh, nhiều việc hệ trọng, thượng hoàng cho phép thần vào cung tâu báo bất kể khi nào có việc cần kíp.
- Cái đó thì đã hẳn rồi, Thánh tông đáp. Nhưng quan gia đã trao cho Quốc công toàn quyền thống chế việc quân sao anh không cứ tự tiện mà quyết, đi lại nhiều vừa mất sức đôi khi lại chậm việc.
Lúc này nhà vua mới kịp nhìn lại Quốc Tuấn ông ăn vận quê mùa như một lão binh phu. Đầu quấn chiếc khăn vành dây màu nâu trùm lên và ép chặt búi tóc phía sau gáy, mình khoác chiếc áo dài bông chần hình quả trám, vải màu thanh cát, dưới là chiếc quần dài nâu, phía ống chân quấn xà cạp nâu, chân đi giày vải. Râu tóc đều bạc. Chòm râu dưới cằm dài tới ngang ngực. Da mặt ông hồng hào. Mắt sáng, vẻ tinh anh quắc thước hiện lên từ cặp mắt. Cứ nom cách ăn vận, không ai nhận ra ông là một vị tướng, nhưng cũng không ai dám bảo ông là một thường dân.
Thấy Quốc công tuổi cao mà vẫn phải xông pha trận mạc, nhà vua có vẻ mủi lòng.
Nghe Thánh tông nói, Hưng Đạo vội đáp:
- Điều thượng hoàng gia ân đó thần sẽ thực hiện khi ở chiến trường, còn như lúc nào có thể tâu báo được, thần vẫn xin được tâu báo để thượng hoàng và nhà vua yên tâm mà thần cũng yên tâm. Lúc này thần đến xin bệ hạ một việc rất hệ trọng.
Quốc công chưa nói được điều định nói thì vua Nhân tông vào.
Thấy phụ hoàng (cha đẻ) và nhạc phụ (cha vợ) đang trò chuyện, vua Nhân tông vội cúi chào.
Hưng Đạo toan đứng dậy vái chào cho đúng lễ vua tôi. Thượng hoàng Thánh tông vội kéo tay ông ngồi xuống:
- Quan gia chẳng là con anh, con tôi sao anh còn phải giữ lễ. Thượng hoàng lại hỏi vua Nhân tông:
- Khuya, sao con không đi nghỉ còn vào đây làm gì?
- Con vừa đi thăm đội quân của chú Chiêu Văn về nên đến vấn an phụ hoàng hơi muộn. Nhưng sao bá phụ giờ này vẫn còn ở đây? Xin bá phụ bảo trọng vì cuộc chiến mới chỉ bắt đầu.
- Thần đến đây vì một việc cần kíp, xin quan gia cùng nghe với thượng hoàng. Việc cũng có liên quan đến Chiêu Văn đấy. Hưng Đạo nhìn về mọi phía trong cung điện rồi nói với vua Nhân tông:
- Có nhẽ quan gia sai trà nô pha trà xong cho chúng về trà thất để thần tâu báo việc cơ mật.
Một thoáng đám trà nô đã làm xong việc hầu trà và chúng đều đã lui về trà thất.
Chợt thượng hoàng Thánh tông lại hỏi:
- Quốc công bàn việc cơ mật, sao quan gia không cho thỉnh chú Chiêu Minh nghe bàn luôn thể.
Hưng Đạo liền tâu:
- Bẩm thượng hoàng, hiện thượng tướng Quang Khải đang ngầm đem quân ra Vân Đồn tăng viện cho Nhân Huệ vương. Nhân đây thần xin tâu báo rõ ràng mọi việc. Tức là nhờ ngoại gián tốt mà ta biết được mưu giặc từ đầu. Vì vậy, các cánh tiến quân của giặc khi chúng tràn vào quốc thổ ta chỉ chống đỡ cầm chừng, đủ cho giặc thấy thực lực quân ta không có gì có thể gây trở ngại lớn cho công cuộc nam chinh của Thoát-hoan lần này. Sắp tới giặc có thể tiến chiếm Thăng Long, xin thượng hoàng và bệ hạ tạm nhường Thăng Long cho giặc. Chúng sẽ truy đuổi mưu bắt hai vua và cả thần nữa. Vì vậy thượng hoàng và quan gia nên về trước các vùng căn cứ của ta để giữ mệnh nước. Khi giặc vào Thăng Long, tất chúng sẽ cho quân truy đuổi. Vì vậy ta cứ đóng giả xa giá để cho giặc lao theo. Và như thế càng dễ lừa giặc rằng lực lượng ta chẳng có gì cho đến khi nào Nhân Huệ vương diệt xong đám quân lương của giặc thời ta mới ra mặt phản công.
- Liệu có thể lừa nổi giặc không anh Quốc Tuấn, thượng hoàng Thánh tông hỏi. - Tướng giặc như Áo-lỗ-xích, Trịnh Bằng Phi, Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp, A-ba-tri… đều là những tay gian hùng lão luyện, ngay cả Thoát-hoan đâu phải tay vừa.
Hưng Đạo chưa kịp đáp, vua Nhân tông đã vội thưa:
- Bẩm phụ hoàng, cho tới lúc này giặc vẫn đang mắc mưu ta. Vả lại thói kiêu ngạo của kẻ xâm lược bao giờ cũng đánh giá rất thấp và luôn coi thường đối phương. Không bao giờ chúng thừa nhận đối phương là đối thủ cả. Cho nên kế nhún, tự nhận mình là kẻ yếu của bá phụ, con thấy rất chi là diệu dụng. Nhìn về phía Hưng Đạo, vua Nhân tông nói tiếp: - Xin bá phụ cho nghe nốt diệu kế.
Hưng Đạo ve vuốt chòm râu và chậm rãi:
- Tâu, xin thượng hoàng cùng quan gia gia ân thả hết những tên giặc mà thượng tướng Chiêu Văn bắt được chúng trong trận đối đầu ở ngã ba Tam Đái (Bạch Hạc). Dạ đây chỉ có vài tên tiểu đô tướng còn thuần quân Giang Nam, ta đã khai thác, tin tức chúng biết được không có mấy giá trị. Trước khi thả cho về với Thoát-hoan ở Vạn Kiếp nên cho chúng đi qua các phố xá vắng hoe không một bóng người. Lại cho chúng qua các bến đò để chúng thấy cảnh người già, trẻ nhỏ đang di tán về các miền quê, cốt sao cho chúng thấy được một Thăng Long không có sức kháng cự để chúng thuật lại các điều mắt thấy, tai nghe nhằm làm tăng lòng tự phụ của tướng giặc. Tâu, chỉ cần che mắt giặc cho tới khi Nhân Huệ vương tiêu diệt gọn đoàn thuyền lương của chúng. Tới khi đó, ta chỉ còn một việc là chặn các đường tháo chạy của giặc mà tiêu diệt. Nếu trong cuộc kháng giặc lần này, ta tiêu diệt đáng kể các tên tướng giặc gian ác và phần lớn số quân của nó, thời có thể đánh bại được mưu đồ thôn tính nước ta của con rắn độc Hốt-tất-liệt.
Dạ, còn chiếu bệ hạ sai xiềng Trần Khánh Dư đem về triều đình trị tội, thần đã làm thành cáo trạng lên án Trần Khánh Dư để quân thua liên tiếp, khiến cả một vùng biển, đảo mênh mông rơi vào tay giặc làm cho thế nước chao đảo. Tin này đã loang khắp nơi, chắc đã đến tai giặc. Nay mai ta lại thả tù binh nữa hẳn giặc càng tin thế và lực của ta đều rệu rã.