Số lần đọc/download: 1282 / 9
Cập nhật: 2017-05-20 08:35:40 +0700
Nữ Giới Việt Nam
N
ói về hôn lễ, Toan Ánh cho rằng hôn lễ người Việt theo qui thức của Trung Quốc với đôi sự thay đổi những lễ nghi do Nhâm Diên, thái thú quận Cửu Châu truyền sang Việt Nam đầu tiên. (Phong Tục Việt Nam Từ Bản Thân Đến Gia Đình; Toan Ánh; 1969; tr. 336). Có lẽ vì ảnh hưởng của Trung Quốc nên câu Ca Dao về Cù Lao Chín Chữ (Cửu Tự Cù Lao) bao gồm chín chữ Hán chỉ về công đức của cha mẹ:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù Lao chín chữ ghi lòng con ơi.
Cù Lao Chín Chữ gồm có: "Sinh (sanh, đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú mớm), trưởng (nuôi cho lớn), dục (nuôi dạy, giáo dục), cố (trông nom), phục (xem tính mà dạy bảo), phúc (gìn giữ);" (Việt Nam Tự Điển, Quyển Thượng; Lê Văn Đức; Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn; 1970; Phần II Phụ Lục Tục Ngữ, Thành Ngữ, Điển Tích. Tr. 82.)
Xét theo công ơn của cha mẹ đối với con cái và bổn phận của con cái đối với cha mẹ thì con nào cũng như con nào. Con nào cũng cần lấy sự báo hiếu, đền ơn công đức cha mẹ làm đầu, vì con nào cũng được cha mẹ nuôi nấng dưỡng dục đầy đủ với Cù Lao Chín Chữ. Tuy nhiên, điều khác biệt từ quan niệm của con người làm nảy sinh lắm ý hơn kém. Ngày xưa các cụ nhà ta không chấp nhận quan đàn bà nên có lẽ vì thế mà thân phận nữ giới Việt Nam không được coi trọng chăng. Phận nữ nhi được xác định: "Con gái ngoại tộc, đánh tốc đuổi đi." Con gái ngày xưa không được cho đi học bởi đã có ý nghĩ sai lầm cho rằng con gái biết chữ chỉ để viết thư cho trai. Nói như thế cũng chỉ là đại khái vì ngày xưa đâu thiếu gì đàn bà biết chữ Nôm chẳng hạn Thị Lộ bán chiếu sau làm vợ Nguyễn Trãi; Đoàn thị Điểm soạn Truyền Kỳ Tân Phả và dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn ra chữ nôm.
Nhìn vào cuộc đời nữ giới Việt Nam từ nhỏ tới trưởng thành, lập gia đình... đến tuổi già qua Tục Ngữ, Ca Dao, thân phận họ bồng bềnh với hy sinh và thua thiệt. Nữ giới bị coi là phụ thuộc: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử." Theo quan niệm ngày xưa, phụ nữ may ra có được chút uy quyền vào thời làm mẹ chồng thì lại trái ngược hẳn với thân phận đã bị lệ thuộc của mình trước đây mà trở nên khắt khe tới độ độc ác với nàng dâu. Có lẽ chính vì quan niệm nam tôn nữ ti đã tạo nên những bà mẹ chồng khắc nghiệt bởi mình đã không được đối xử xứng đáng với quyền làm một con người do luôn luôn bị lệ thuộc nên khi có cơ hội, tiềm thức khao khát bày tỏ uy quyền đã bị lạm dụng đến độ tàn ác với con dâu hoặc do kinh nghiệm mình đã bị đàn áp khốn khổ nên cũng muốn kẻ khác chịu đày ải như mình. Nói như thế không phải chỉ các bà mẹ chồng mới có những người tàn ác với con dâu; có nhiều bố chồng còn quá cả mẹ chồng bởi quan niệm "Con dâu đích thực mẹ cha mua về." Đối với cuộc sống cả đời không bước ra khỏi cổng làng thì chữ "mua" đã trở thành án nặng nề cho thân phận phụ nữ, nhất là vô phúc gặp trường hợp đôi bên cha mẹ có điều gì kình chống nhau hay tham vọng hốt của hồi môn không thành.
Ngay từ khi mới lọt lòng, nữ giới đã bị coi "Nữ sanh ngoại tộc." Câu nói thoạt nghe đơn giản nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời một người. Bởi đã bị coi là "ngoại" thì sao cho có được sự đối đãi đồng đều như những thành viên khác trong gia đình mà vì "Con gái là con người ta" nên người xưa còn không dạy nghề cho con gái đối với những nghề nghiệp cần nhiều kinh nghiệm lưu truyền.
Nhìn phiếm diện bên ngoài, nữ giới từ thuở còn nhỏ đã mang vẻ yểu điệu ngược hẳn với nam giới. Con gái nhẹ nhàng, đầy vẻ yếu kém hơn con trai; ngay những trò chơi hồi nhỏ, chơi làm bếp, ru em, bế em, bán hàng v.v... cũng ngược hẳn với những trò chơi đầy sinh động ồn ào của trẻ khác phái... Lớn dần thì lại được dạy dỗ theo nề nếp tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh và rồi ảnh hưởng khuôn mẫu quan niệm Tam Tòng.
Tứ đức đối với người đàn bà cũng khác với tứ đức của người đàn ông. Đối với nam giới, hiếu, đễ, trung, tín: hết lòng thờ cha kính mẹ; yêu mến và binh vực anh chị em; hết lòng với vua với nước; giữ lời hứa. Đàng khác, công, dung, ngôn, hạnh của nữ giới nếu nhìn theo khía cạnh xã hội, phần nào đó bị gò bó trong một khuôn mẫu nhỏ hẹp. "Việc nhà phải khéo léo, mặt mày nghiêm chỉnh, ăn nói khôn ngoan lễ phép, nết na đằm thắm" (Việt Nam Tự Điển; Lê văn Đức; Quyển Hậu; tr. 1475); "Phận gái tứ đức vẹn tuyền, công, dung, ngôn, hạnh giữ gìn chớ sai" nhiều khi ảnh hưởng khiến con người không dám sống thật thà, chân thành và cởi mở. Phỏng rằng khi cơn giận vì lý do nào đó bùng lên mà cố gắng giữ cho được đằm thắm thì phải là bậc đại thánh hoặc người không dám sống thật. Tuy nhiên, nếu không nhìn về khía cạnh gò bó nơi tứ đức của nữ giới mà chỉ xét theo tầm mức ảnh hưởng tốt lành thì công đức của tứ đức không phải là nhỏ; ngược lại chính sự ảnh hưởng này đã ngăn cản phụ nữ Việt Nam thi thố tài năng để chung tay kiến tạo xã hội thăng tiến hơn trong tinh thần bình đẳng. Con người, dù bất cứ là ai, phải được coi trọng hơn mọi sự phụ thuộc.
Đồng thời quan niệm Tam Tòng cũng chắn tầm hướng vươn lên nơi nữ giới. "Tại gia tòng phụ" để rồi công việc làm ăn, khuôn mẫu gia đình, con cái, đặc biệt con gái chỉ biết cắm đầu cắm cổ làm theo cho dù nhận ra những điều không nên hoặc có thêm sáng kiến cũng không có cơ hội hay không được chấp nhận đóng góp vào để cải tiến nếp sống gia đình... "Xuất giá tòng phu" nhiều khi làm hư hại người chồng. Chữ tòng không chỉ có nghĩa chồng đi đâu vợ theo đó; mà dù mang nghĩa vợ đi theo chồng cũng chỉ có tính cách một chiều. Chữ tòng, theo Lê văn Đức, có nghĩa "nương theo chồng" (Việt Nam Tự Điển Quyển Hạ; tr. 1429). Quan niệm nương theo chồng, lệ thuộc vào chồng làm người vợ phần nào ỷ lại, ít dụng suy tính bởi đã có người lo lắng hết mọi sự. Chẳng may những chuyện bất thường xảy đến cần sự tính toán, quyết định, một người vì không quen tính toán chỉ giải quyết sự việc theo toan tính nhỏ mọn nhất thời mà thiếu hẳn nhận xét sâu rộng có thể ảnh hưởng trong tương lai do quyết định giải quyết sự việc theo nhu cầu hiện tại. Chẳng những thế, chữ tòng một phần nào còn làm hạ giá nữ giới. Toan Ánh viết: "Nền luân lý cổ truyền Á Đông trọng nam khinh nữ và bắt đàn bà phải tùy thuộc đàn ông... Lại nữa, đàn ông có quyền bỏ vợ, đàn bà không có quyền bỏ chồng. Luật lệ đặt ra thất xuất để bó buộc người đàn bà, nghĩa là đặt ra bảy tội theo đó chồng có thể bỏ được vợ..." (Phong Tục Việt Nam; tr. 286).
Phan Kế Bính cũng nói lên điều tương tự trong cuốn Việt Nam Phong Tục: "Chỉ người đàn ông được tự do, nghĩa là muốn chơi bời gì thì chơi, muốn đi lại đâu thì đi lại, người vợ không có quyền ngăn cấm được, mà vợ hơi có điều gì trái gia pháp thì chồng có thể chửi được. Chồng có thể lấy năm, bảy vợ, mà vợ chỉ được phép lấy một chồng" (Sống Mới; 1983 tr. 75). Thật khó thể hiểu tại sao có được quan niệm "tòng phu" như thế; có thể rằng nó được sinh ra bởi thiếu sự hợp tác, nói lên tiếng nói của phụ nữ từ bao lâu nay. Hơn nữa, một trong tam tòng là "Phu tử tòng tử" càng nói lên thân phận một đời lệ thuộc của nữ giới, "Tam tòng tứ đức hãy còn ghi, bé nương cha mẹ, già thì theo con." Đa số những câu Ca Dao nói về nữ giới đều khuyên dạy phận gái giữ tam tòng tứ đức; phỏng rằng Ca Dao được đặt ra cũng do nam giới? "Thông kinh sử ấy phần nam tử, giữ nết na là phận nữ nhi, sống sao trọn chữ xướng tùy, sau này em khỏi lỗi nghì với mẹ cha." Có lẽ không nên quá khắt khe với quan niệm độc quyền của nam giới khi truyền tụng lại những quan niệm gò bó trói buộc làm hại đến muôn ngàn cuộc đời của nữ giới trong điều kiện quan niệm lệ thuộc đã ăn sâu tận tâm khảm bởi nữ giới không chịu lên tiếng nói và không dám tranh đấu cho quyền làm người của mình; vả lại có thể tại phần nào ỷ y, tránh trách nhiệm vì cứ nhắm mắt sống theo thì may ra sẽ có cuộc đời êm ả không sóng gió, tránh được những gánh nặng chia bổn phận tương đồng nơi gia đình và xã hội.
Phụ nữ thường được cho là chân yếu tay mềm và lắm khi lại cố gắng tỏ ra vẻ yểu điệu thục nữ càng tạo cơ hội cho quan niệm lệ thuộc ảnh hưởng thêm. Bởi thế, người con gái nên lo tập luyện tính tình khi chẳng may trời bắt tội không có nhan sắc mặn mà bằng những người cùng lứa đương thời để được: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người." Người con gái lại còn được dạy dỗ, chuẩn bị để làm vợ, tòng phu: "Con ơi mẹ bảo đây nầy, học buôn học bán cho tày người ta; con đừng học thói chua ngoa, họ hàng ghét bỏ người ta chê cười; dù no dù đói cho tươi, khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan; phòng khi đóng góp việc làng, đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng; trước là đắc nghĩa cùng chồng, sau là họ mạc cũng không chê cười. Con ơi nhớ bấy nhiêu lời." Nữ giới được chuẩn bị như thế nhưng nào đâu đã đủ, nào còn tiết nghĩa, nào còn phu xướng, phụ tùy: "Chữ rằng phu xướng phụ tòng, làm thân con gái có chồng phải theo;" theo một cách tối mặt thế mà có lên tiếng nói đã bị chê trách: "Đàn bà chân yếu tay mềm, làm ăn chẳng được lại hay nỏ mồm." Có phải phụ nữ "làm ăn chẳng được" hay tại không dám làm?
Ngày xưa dân Việt có tục tảo hôn, con gái mới mười mấy tuổi đầu đã được cha mẹ gả bán. Không hiểu chữ "bán" đi theo chữ "gả" từ đâu ra, có lẽ từ lối nói quen dùng. Theo Lê văn Đức, "gả bán" mang nghĩa gả chồng cho con mà đòi lễ cưới nhiều: "Tiếc thay da trắng tóc dài, bác mẹ gả bán cho người đần ngu" (Việt Nam Tự Điển; tr. 514). Thiển nghĩ nên dùng tiếng "dựng vợ gả chồng" hợp lý hơn theo quan niệm thời xưa. Nếu chỉ nhắm về sắc thì nữ giới chỉ có một thời và qua thời đó tất nhiên "Xuân bất tái lai." Thực ra, cha mẹ nào sinh con ra mà không muốn cho con mau thành gia thất có cháu nội cháu ngoại thêm vui cửa vui nhà, "Trồng rau cũng muốn rau xanh, có con cũng muốn mau thành thất gia."
Đối với nữ giới, tuổi cập kê mang nhiều sắc thái mơ mộng, thương thương nhớ nhớ kèm theo bản năng tự nhiên ước muốn cuộc sống đôi bạn có lẽ bởi tính chất thiên bẩm của họ được sinh ra để làm vợ và làm mẹ. Ca Dao diễn tả tâm lý thiếu nữ qua cái nhìn thực tế thấy sao nói lên vậy hoặc dùng hình ảnh thiên nhiên để ví von. Khi mới lớn, ai không muốn người khác biết đến mình để khoe sắc khoe hương, khoe tài, khoe nết, khoe sự giỏi giang hoặc để thỏa phần nào lòng mông lung mơ ước lứa đôi. Muốn thế, chốn đô hội là nơi có nhiều người cho các nàng đua chen trình diễn: "Gái chưa chồng trông mong đi chợ." Dĩ nhiên, với tâm trạng "Con gái ngoại tộc," khi mơ ước một chốn dung thân, nàng nào lại không mang tâm trạng "Tròng trành như nón không quai, như thuyền không lái như ai không chồng." Dù nhan sắc chim sa cá lặn hay chẳng may Trời bắt tội phần nào thua sút chị em, bị sống nơi bối cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó hoặc giữa nền luân lý răn dạy nữ giới chỉ nên ở trong thế thụ động, phận gái đều cảm thấy: "Thân em như thể trái chanh, lắt lẻo trên cành nhiều kẻ ước mơ." Mộng cao bao nhiêu, con người lại sợ nghịch cảnh bấy nhiêu; hơn nữa, sống dưới quan niệm tòng phu, lỡ gặp người chồng chẳng ra gì cả là một đời ngoi ngóp: "Thân em như hạt mưa sa, hạt sa bãi cát hạt sa vũng lầy;" ấy là đương thời xuân sắc. Muộn hơn chút nữa một đôi năm, khi mà các bạn đồng trang lứa đã tay bế tay bồng mà mình chưa gặp người xứng đôi vừa lứa hay bởi có mộng cao hơn mà chưa gặp người vừa ý, cám cảnh tương lai với thân phận mơ hồ, giới má hồng sao thoát ưu tư: "Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai." Bởi đời con gái chỉ một thời thế nên tâm trạng nữ giới phần nào bị thúc đẩy muốn có đôi bạn sớm vì e "Gái ba mươi tuổi đã toan về già" nên: "Thân em như chiếc đò đưa, khách qua phải đón kẻo trưa lỡ làng." Hoặc: "Liệu cơm mà gắp mắm ra, liệu cửa liệu nhà mà lấy chồng đi; kẻo mai kia mốt lỡ thì, cao thì không tới thấp thì không thông."
Quan niệm "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" đã bao nhiêu đời ảnh hưởng nữ giới Việt Nam. Con gái lớn lên đến tuổi dựng vợ gả chồng, cha mẹ là người chọn và quyết định nơi chốn cho con. Sở dĩ cha mẹ lo chọn vì ảnh hưởng tư tưởng luân lý "nam nữ hữu biệt," nên trai gái không có cơ hội gặp gỡ tìm hiểu nhau. Hơn nữa, một phần nào cũng vì quan niệm môn đăng hộ đối và lòng lo lắng cho con cái, nghĩ rằng điều gì có thể tốt theo suy luận của mình cũng tốt cho con nên dùng quyền riêng mà xếp đặt do đó phận nữ nhi tùy nơi cha mẹ: "Phụ mẫu sở sinh để cho phụ mẫu sở định; công việc vợ chồng phải chờ lịnh mẹ cha." Và nếu có nhiều người nhòm ngó khó cân phân, cha mẹ cũng là người chọn lựa tối hậu: "Kiếm nơi nước vận cặm sào, chừng cha với mẹ định nơi nào em sẽ hay." Bởi thế, chẳng may cha mẹ quyết định gả cho người mình không thương thì "Lỡ rồi ăn miếng trầu anh, đêm ngày lo sợ mặt xanh như chàm."
Tâm lý chung, chị em gái muốn có người chồng để nương tựa; không ai muốn lấy chồng về làm con ở hoặc gánh nặng. Chính vì thân phận người nữ lệ thuộc vào cuộc đời người chồng do đó họ muốn có người chồng khôn. Thực tế, không phải cứ kiếm mà được người chồng khôn; có chăng chỉ như may rủi; nói cách khác, âu cũng là phận số: "Chữ rằng họa phúc vô môn, tìm giàu thì dễ tìm khôn khó tìm." Giàu ở đây có lẽ là sự giàu có của gia đình người thanh niên vì "Cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con không;" do đó dù gia đình chàng giàu, chưa chắc lấy chàng mình về sau đã giàu... Thế nên, không có chồng cũng phiền mà chọn chồng cả là vấn đề khúc mắc do kinh nghiệm thực tế cho thấy con người thì thay đổi đâu ai biết sau sẽ ra sao. Hơn nữa "Lấy chồng xem giống" chưa chắc đã là một quy luật bảo đảm vì đã biết bao nhiêu con ông cháu cha có những cuộc đời chẳng ra gì về sau, phỏng làm sao có được sự chắc chắn hoàn toàn theo ý mình muốn; hơn nữa, con người thì luôn luôn thay đổi.
Người con gái khi còn thời, còn lắm kẻ nhòm người ngó, còn có quyền chọn lựa dẫu hôn nhân do quyết định của mẹ cha. Chẳng may thời đã qua, thật là điều ngậm ngùi cho tình cảnh cô đơn bóng chiếc: "Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình." Tình cảnh lỡ thì của phận gái đối với tâm tư người phụ nữ ngày xưa khác hẳn với ngày nay. Thời bây giờ, quan niệm con người về cuộc sống độc thân cởi mở hơn vì độc thân cũng là một lối sống do cá nhân chọn lựa và khi đã chọn lối sống độc thân, cảnh gia đình đầm ấm của những người chung quanh ít ảnh hưởng đến tâm tư hơn là người lỡ thì. Chẳng những nỗi lo lắng muộn màng đã làm khổ ải người lỡ thì mà ngay đến miệng đời cũng không buông tha lại còn chọc chạch nói cạnh nói khóe đôi khi đến độ sỗ sàng: "Thối tai hôi nách rình rình, không ai hỏi đến cậy mình chính chuyên." Nào ai dám khua môi múa mỏ mà nói cậy nọ cậy kia bởi phận số của con người đâu phải cứ muốn gì là được vậy, "Em đẹp cha mẹ em lo, đêm nằm lắm kẻ rình mò ước ao; em xấu như tổ ong bào, đêm nằm mở cửa chẳng ai vào làm chi." Có ai lỡ sinh nhằm ngôi sao xấu thủ vị mới hiểu nỗi lòng cho kẻ chẳng may không có nhan sắc hoặc số phận lận đận hẩm hiu: "Thôi thôi tắt đuốc đi thầm, còn duyên đâu nữa buôn tầm bán hương." Dù có muốn "Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng" thì đâu có ai hỏi mà vơ; nói chi đến cảnh kén những trai tơ. Bao nhiêu lần mơ ước mà nào đâu có được, biết bao phen háo hức lòng mà vẫn bơ vơ: "Buồn chẳng muốn nói, gọi chẳng muốn thưa, tính chuyện lấy chồng tỉnh như con sáo." Hơn nữa, "Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta o" những nơi nào; còn phận mình suốt đời "Tròng trành như nón không quai." Tủi thay cũng thân phận má hồng...! Với quan niệm xa xưa, ai ai cũng nên có vợ có chồng nhất là sống trong một xã hội mà gia đình chính là nơi đùm bọc và bảo vệ con người khi đến tuổi già. Có gia đình, sinh con cái, sau này về già có người giúp đỡ. Không có gia đình, khi tuổi trời đã cao lấy nơi đâu nương tựa. Đã nhìn thấy những hoàn cảnh ấy nơi xã hội, người lỡ thì đêm ngày bị nỗi lo lắng cho tương lai; nhìn gia đình người khác đầm ấm mà xót xa cho thân phận, ngay đến những cảnh thường tình cũng ảnh hưởng nỗi âu sầu riêng tư: "Gà kia sao mày vội gáy dòn, làm tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con."
Dần về sau, cuộc đời thay đổi khiến cho lối sống thay đổi; do sự ảnh hưởng đó, tâm tình và quan niệm con người cũng đổi thay theo. Hơn nữa, vào những thời kỳ chiến tranh, trai thiếu gái thừa, quan niệm môn đăng hộ đối về hôn nhân cũng dần dần nhạt phai chuyển mình thành xứng đôi vừa lứa, "Đời xưa kén những con giòng, đời nay ấm cật no lòng thì thôi." Chị em nữ giới ai may mắn, cuộc đời thay đổi chóng vánh: "Đàn ông quan tắt thì chày; đàn bàn quan tắt một ngày nên quan." Quan niệm "Nam nữ thọ thọ bất thân" không còn được coi là giáo điều mà giới trẻ do ảnh hưởng Tây Phương đem đến đã có cơ hội tìm hiểu nhau trước khi quyết định ăn đời ở kiếp chứ không như ngày xưa "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy." Tuy nhiên, dẫu cho ảnh hưởng Tây Phương đến mấy thì phận gái, "Chữ trinh đáng giá ngàn vàng" vẫn là điều được coi trọng. Thế nên, chẳng may chị em nào lỡ "Khôn ba năm dại một giờ" bởi "Nghe quân tử nói òn, mà rồi có lúc ẵm con một mình" thì cả là một sự tai tiếng lớn cho gia đình; chẳng những thế mà nhiều khi còn lây tới cả họ hàng, láng giềng: "Con sâu làm rầu nồi canh, một người làm đĩ xấu danh cả nhà." Mặc dầu "Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi" nhưng tiếng đời bao giờ mà chẳng quá sự thật: "Ở đây có đứa lấy trai, cho nên Trời hạn nắng hoài không mưa." Nào ai dám lấy chồng người khác mà phải nói lấy trai! Tình cảnh của những chị em đi trật đàng lễ giáo đều bị mọi người đàm tiếu.
Tục Ngữ có câu: "Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu." Ngày xưa, làm thân con gái cho dù có thương thầm ai cách mấy cũng không bao giờ dám tỏ tình và chỉ có gia đình người trai mới có quyền ngấp nghé. Phận gái phải đợi đàng nhà trai tới dạm hỏi thế nên "trong nhờ, đục chịu;" may mắn có nhiều người ngấp nghé thì có chút quyền chọn lựa; chẳng may không ai ngó nhòm tới chỉ còn cách "Đứng cửa hóng gió nồm nam" vì "Trâu tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu." Theo quan niệm thủ tiết, phụ nữ chỉ lập gia đình một lần và dù cho chồng chẳng may bị mất sớm, người vợ ở vậy nuôi con, thờ chồng, "Chuông treo trước cửa nhà chùa, làm thân con gái bán mua một lần." Vì chỉ có một lần, do đó, đối với người nữ, sống chết cũng gắn bó với hôn nhân. Sự ràng buộc không thể dứt khỏi của nữ giới với hôn nhân đã được coi như phận số cả đời. Được người chồng tử tế, gia đình là hạnh phúc cho người phụ nữ; chẳng may gặp kẻ không ra gì, gia đình trở thành muôn đời tù tội đối với thân phận đàn bà.
Phụ nữ Việt Nam khi đã có chồng, mọi liên hệ, giao tế ngày trước đều được coi như bị cắt đứt. Từ đây, nàng thuộc về một gia tộc mới; đối với cha mẹ đẻ, nàng kể như không còn bổn phận mà mang trách nhiệm hiếu đễ về phần họ hàng cha mẹ nhà chồng đến độ có thể nói thay cho chồng, "Làm gái giữ đạo tam cang, có chồng phải gánh giang san nhà chồng." Sự liên hệ với gia đình ruột thịt của mình đã như không được đếm xỉa tới phương chi thân bằng quyến thuộc hoặc những mảnh vụn tình xưa nếu có: "Con thỏ núp bóng trăng sơn băng thủy kiệt, em có chồng rồi ngãi biệt tình ly." Bởi người đàn bà có chồng lệ thuộc vào chồng nên cần sống sao cho đẹp lòng chồng dù cách ăn nói hay may mặc, hình dáng... tất cả nên vì chồng: "Gái thì giữ việc trong nhà, khi vào canh cửi khi ra thêu thùa; với người ăn nói dạ thưa, với chồng cư xử sớm trưa dịu hiền." Nếu được chồng thương, nàng được tất cả: "Chồng thương tóc những mau dài, cái duyên vẫn đẹp cái tài vẫn nên." Nhìn theo khía cạnh khác, câu này mang thêm ý nghĩa căn dặn người vợ nên như thế nào để được chồng thương.
Đứng về khía cạnh sống và giá trị làm người, cuộc đời người đàn bà khi đã có chồng tùy thuộc vào người chồng, nhưng không phải vì thế mà mọi người vợ là tôi tớ hoặc nô lệ của chồng. Vị thế người đàn bà ảnh hưởng không những người chồng mà toàn bộ cả gia đình con cái, nhiều khi tới đại gia đình: "Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng." Sự ảnh hưởng của người vợ đối với người chồng dầu ít khi được nói lên hoặc để ý đến nhưng không phải là không có mà đôi khi còn lớn lao hơn điều mọi người có thể nghĩ tới trong cách đối xử, liên hệ vì "Giàu về bạn, sang về vợ." Bạn bè, họ hàng thân quen nể phục người chồng thế nào tùy thuộc cung cách của người vợ. Có thể vì quan niệm "Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về" khiến mọi người có ý nghĩ rằng người vợ hiền ngoan, tử tế là do ảnh hưởng của người chồng chăng nên có câu "Chồng sang vì bởi vợ ngoan." Kinh nghiệm sống cho thấy: "Vợ ngoan làm quan cho chồng." Ai có được người vợ hiền ngoan, tử tế, chính cách cư xử của người vợ mà bạn bè, họ hàng thân thuộc trọng nể gia đình mình. Xét thêm về sự ảnh hưởng của người vợ trong vai trò làm mẹ đối với con cái trong hệ thống gia đình Việt Nam, không ai chối cãi được sự ảnh hưởng này khuôn mẫu hóa và kiến tạo nề nếp cũng như tâm tính những người con sau này. Chẳng hạn, không nói chi đến những vấn đề to tát, ngay giọng nói, kiểu nói và cung cách sống, con cái rập khuôn lối nói năng, cá tính của người mẹ. Tuy nhiên, trong những gia đình nào mà chồng chúa vợ tôi, con cái cũng một phần nào bị ảnh hưởng mặc cảm nô lệ thiếu tự tin vào khả năng hay trí phán đoán của mình không những khi còn nhỏ sống nơi gia đình mà còn về sau bởi tất cả mệnh lệnh được ban ra từ người cha, người chồng trong khi người mẹ và các con chỉ có bổn phận rập theo thi hành thay vì cần suy xét cân nhắc... lâu ngày thành quen và tạo nên cá tính.
Dẫu có câu nói "Khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy rằng vụng dại cũng là đàn ông," nhưng theo kinh nghiệm thực tế không lấy gì có thể minh chứng là đúng vì ai không biết "Mũi dại thì lái chịu đòn." Đâu thiếu gì gia đình một tay người vợ làm nên và chồng chỉ như ông hoàng an hưởng. Nếu để ý, có những thực trạng gia đình chồng thì cờ bạc, rượu chè trong khi người vợ phải lo lắng làm lụng, bóp chắt đầu tắt mặt tối chẳng những nuôi con mà còn lo trả nợ cho sự hoang đàng của chồng. Không thế làm sao có câu: "Chồng con là cái nợ nần, thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm," hoặc "Bán trầu ăn những chủm cau, chồng con có biết cơ màu này chăng!"
Bình thường, "Gái có chồng như rồng có vây." Vợ chồng, người việc này, kẻ việc kia chung tay góp sức xây dựng gia đình thì đó là cơ hội cho người đàn bà phát triển khả năng cũng như tài khéo đến độ cao nhất có thể. Đàn bà với bản tính tỉ mỉ, hy sinh, lại thích hy sinh cho người mình thương như một bản tính đặc biệt của người vợ và người mẹ, đã là nguồn yêu thương cho chồng con. Một tay người vợ lo lắng cho con cái, châm chế chi tiêu trong gia đình, hiếu thuận với bố mẹ chồng cũng như hòa nhã với anh em họ hàng để người chồng an tâm lo lắng làm ăn kiếm sự sinh sống cho gia đình. Thực ra, nói như thế chỉ mới đúng được một khía cạnh của vai trò người vợ và người mẹ nơi phụ nữ Việt Nam bởi sự làm ăn của người chồng cần rất nhiều sự bàn hỏi nơi người vợ đồng thời cũng cần được phụ giúp trong sự tính toán chi dụng để dành vốn liếng. Đàn ông đa số bản tính phóng khoáng đôi khi đến độ "Bóc ngắn cắn dài" không để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nếu không có sự hỗ trợ chăm sóc tỉ mỉ của vợ về công việc làm ăn hoặc chi dụng, chẳng mấy hồi "Của trong nhà thành của ngoài đồng." Bởi đó, chẳng lạ gì "Của chồng công vợ."
Tuy nhiên, bình thường, "Thế gian được vợ mất chồng" hoặc ngược lại, và hơn nữa, cứ "Ghét của nào Trời trao của ấy." Kinh nghiệm sống cho thấy, "Đố ai bắt kiến nhổ lông, ra mưa không ướt thì ở vừa lòng nhau." Sống với nhau càng lâu, người này càng nhận ra nhiều lỗi lầm của người kia. Những lỗi lầm dù bình thường hay vô ý nhưng sự ảnh đối với người thân thiết nhất như vợ chồng thì lại trở thành lớn lao. Hơn nữa, tâm lý chung, người này cứ cho rằng người kia vì sống chung với mình lâu dài như thế có thể hiểu hết mình nghĩ thế nào, ưa gì hoặc không thích gì. Bởi vậy khi những chuyện bình thường vô tình làm mất lòng xảy ra sẽ được nghĩ là cố ý do đó càng làm đau lòng nhau hơn. Có thể đó cũng là nguyên nhân sinh ra câu nói: "Thương nhau lắm, cắn nhau đau." Đâu có tình nghĩa nào gắn bó và tha thiết hơn tình nghĩa vợ chồng; vả lại, là con người, những điều tốt lành người khác thực hiện cho mình thì dễ quên mà những gì làm phiền lòng thường lại cứ hằn sâu mỗi ngày một chồng chất. Nhìn theo khía cạnh tâm lý, người Việt qua cuộc đời khổ cực, vất vả trong việc mưu sinh làm ăn lâu ngày thành quen, tự tạo cho mình khả năng và tính chất chịu đựng dai dẳng. Hầu hết người Việt là người tình cảm nên thường chịu đựng và nhịn nhục thay vì những gì không vừa lòng là nói thẳng ra như người Tây phương. Vì thế, trong cuộc sống hôn nhân, sự nín nhịn, chịu đựng những điều vô ý bình thường của người bạn đời chồng chất từ năm tháng này qua năm tháng khác mà không được nói ra hoặc không được để ý, lâu dần trở thành mối nguy hại không những cho tâm tính con người mà còn khiến cho tình nghĩa vợ chồng phần nào bị giảm bớt.
Bởi cá tính đàn ông phóng khoáng nên dễ quên trong khi đàn bà tỉ mỉ, người vợ lại càng ghi nhớ những điều phiền hà để rồi sự chịu đựng càng ngày càng gia tăng. Thế nên, người chồng thường bị các bà nhìn thấy nhiều điều chẳng ra gì hơn những việc tốt lành các ông đã thực hiện. Thử hỏi, được bao nhiêu người vợ không than: "Gái khôn lấy phải anh chồng dại, cũng như hoa lài cặm bãi cứt trâu?" hoặc "Gái có chồng như gông mang cổ" không phải chỉ nói về sự bó buộc, cực khổ của thân phận phụ nữ trong đấng bậc gia đình mà có thể phần nào biểu hiệu cảnh huống tâm tư phải chịu đựng những điều phiền hà ray rứt.
Có được người chồng biết thương vợ, thương con, lo lắng cho gia đình thì đó cả là một thiên đàng hạ giới đối với người vợ. Chẳng may trong huống cảnh ông không ghê bà cũng chẳng gớm để sinh ra những chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì đó lại càng phiền não, đau lòng cho người phụ nữ. Dĩ nhiên, cuộc đời có người nọ, kẻ kia; gặp những đức ông chồng ù lì không biết lo lắng, người vợ đành phải gồng mình gánh chịu đối chọi với cuộc đời cho sự sinh sống gia đình; Thế nên, "Tưởng rằng củi mục dễ đun, ai ngờ củi mục khói um cả nhà." Nếu có hỏi nữ giới ưa thích những gì nơi nam giới, chị em bạn gái ai không muốn có những anh bồ hào hoa phong nhã, nhưng đụng đến chuyện lập gia đình, chị em bạn gái ai lại không muốn có người chồng chân chỉ hạt bột. Ước mơ và sự tính toán có lẽ thường đối nghịch lẫn nhau nơi nữ giới. Qua kinh nghiệm về đường chồng con, các bà đều biết niềm khổ ải: "Thứ nhất chồng cờ bạc trong nhà, thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn." Gặp phải đức ông chồng "rựa cùn," người phụ nữ mang thêm tâm trạng thua kém bạn bè: "Một là em lấy chồng quan, hai là chồng lính ba là chồng dân; nhưng em không chịu lấy chồng đần, về cha mẹ mắng ra đàng chúng bạn khinh."
Được nuôi dưỡng trong khuôn mẫu xã hội với châm ngôn luân lý tam tòng, tứ đức, người phụ nữ Việt Nam dù muốn dù không đã bị trói buộc cả đời với người chồng và được coi như định mệnh đã an bài dù cho có thế nào chăng nữa. Tuy nhiên, quan niệm "Trai năm thê bảy thiếp" một phần nào ảnh hưởng và khơi nguồn cho đàn ông "Giàu đổi bạn, sang đổi vợ." Chính vì quan niệm "Gái chính chuyên một chồng," người vợ, ai không thế, cố gắng giữ chồng của mình không muốn để lọt vào tay kẻ khác do đó sinh ra ghen: "Ớt chi là ớt chẳng cay, gái chi là gái chẳng hay ghen chồng; ớt chi là ớt chẳng nồng, gái chi là gái có chồng không ghen." Tuy nhiên, khi người chồng chung chạ với người đàn bà khác, người vợ, như một đặc tính chung của phụ nữ, chồng mình không đả động đến mà tất cả nỗi ghen tức đổ dồn vào tình địch thay vì cắn xé chồng: "Mồ cha con đĩ bên sông, cơm trắng rượu nồng mày rủ chồng tao. Chồng tao tao quí tao cưng, mày hun mày hít chẳng còn chút hơi." Đã biết người ta cơm trắng rượu nồng mà mình không cố gắng cho hơn lại còn đem ra phân bì! Âu đó cũng có thể là chuyện thường tình của con người bởi "Thương nhau trái ấu cũng tròn, bồ hòn cũng ngọt;" vì đã chắc gì "con đĩ bên sông" rủ chồng mình mà có thể chồng mình lăn xả vào nó, đem tiền bạc, mồ hôi nước mắt của mình dâng cho nó!
Lập gia đình đối với nữ giới Việt ngày xưa đâu phải chỉ hai vợ chồng sống sao cho thuận hòa, lo làm ăn gầy dựng tổ ấm mà lấy chồng là lấy cả họ và nhiều khi còn làm dâu cả họ đặc biệt là bố mẹ chồng. Chẳng những thế, lối sống và thái độ của con dâu, một khía cạnh nào đó được coi như phần nào đại diện cho thân thế gia tộc nhà mình đối với họ hàng nhà chồng. Hoàn cảnh phận gái làm dâu có thể nói giống như tâm điểm cho mọi mũi tên nhắm tới. Thử xét một người đang sống quen theo lề lối riêng tư phải hội nhập vào một gia đình hoàn toàn khác biệt từ kiểu cách ăn nói, đi đứng, tâm tính cũng như sinh hoạt thường ngày... sao có thể một sớm một chiều có được những thói quen mới cho phù hợp hoàn cảnh khác lạ. Hơn nữa, những gánh nặng nàng dâu phải chịu, những cảnh vì thương chồng hoặc vì lấy chồng nàng dâu đã chấp nhận đối diện và lãnh nhận bao nhiêu khó khăn khổ ải do quan niệm xưa dưới sự đàn áp ép buộc của cha mẹ chồng, lời ong tiếng ve nhức nhối từ mấy cô em chồng hoặc họ hàng nhà chồng... phỏng đó có phải là sự trả nợ cho quan niệm "mua về." Mua con dâu về làm việc thay vì thuê con ở hoặc còn những cảnh "Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng!"
Mặc dầu "Mua heo chọn nái, mua gái chọn giòng;" tuy nhiên, tâm tính con người đâu có thể nhận ra được một cách đúng đắn theo hình dáng phiếm diện bên ngoài. Khi còn con gái, nhất là ở lứa tuổi cập kê, nàng nào chẳng đẹp, chẳng thơm; nàng nào không cố gắng tỏ ra thùy mị dễ thương, dễ mến. Hơn nữa, ai thoát được cảnh đánh giá trị con người theo vẻ bề ngoài... thế nên, xét về mặt trang điểm và diễn xuất, các nàng có lẽ có tính chất kịch sĩ khá cao. Về phương diện "Mua gái chọn giòng," quan điểm này chưa chắc đã là nguyên tắc luôn luôn đúng vì "Cha mẹ sinh người, Trời sinh tính." Tâm tính con người không phải chỉ được khuôn mẫu hóa từ gia đình mà còn bị ảnh hưởng từ xã hội và môi trường sống cũng như điều kiện cơ thể v.v... Xưa nay, có ai sống rập khuôn với mẫu mực gia đình mình đã lớn lên từ tấm bé? Hơn nữa, lối sống của một người cũng tùy thuộc hoàn cảnh. Một người dầu được sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, gia giáo, nhưng sau này phải đối diện với thực tại đảo điên, tư cách và lối sống tất nhiên sẽ chuyển đổi sao cho phù hợp để bảo vệ chính mình. Người con gái về làm dâu một gia đình có kiểu cách sống khác lạ với lối sống cũ tất nhiên gặp lắm cảnh ngỡ ngàng, khó xử. "Nhập gia tùy tục," ai không biết thế; tuy nhiên, có những tục mới nơi gia đình chồng chẳng may trái ngược hẳn với quan niệm sống sẵn có nơi nàng dâu, phỏng bao lâu mới có thể tùy? Thêm vào đó nào ai biết được ý cha mẹ chồng ngấm ngầm muốn gì mà chiều theo. Thật ra, dù có biết hết cha mẹ chồng muốn gì chưa chắc con dâu đã có thể làm cho họ hài lòng vì tham vọng con người thì vô bờ bến. Chẳng những thế, thường thì những gì mình không thể thực hiện được lại muốn người khác phải hoàn thành! Như vậy, cho đến muôn đời với quan niệm ngày xưa, nàng dâu sẽ chẳng bao giờ có thể làm hài lòng dù một phần nhỏ của cái tham vọng vô bờ, con đẻ của quan niệm mua con dâu nơi bố mẹ chồng.
Đứng về phương diện khác, thân phận con dâu chẳng khác chi một người mới tới xứ lạ, "Đến đây đất nước lạ lùng, con chim kêu phải sợ con cá lùng phải kiêng." Một người bình thường tới xứ lạ, sống được thì ở, không sống được thì đi; ưng thì tham gia, hội nhập, chẳng ưng sống tách biệt không ai dám đụng đến mà "Con chim kêu phải sợ, con cá lùng phải kiêng" thì nàng con dâu phải chịu những cảnh khó xử đến như thế nào? Mang tiếng rằng lấy chồng nhưng thường lại trở thành người ở để "Bưng trầu hầu nước" có khi còn bị đối xử tệ bạc gấp mấy lần con ăn đầy tớ. Thử hỏi bao nhiêu nàng con dâu được bố mẹ chồng may sắm như ý mình muốn? hay giỏi lắm được hai bộ để lấy tiếng may sắm... Thế mà "Chó béo đẹp mặt chủ nhà, con dâu rách rưới bà gia thẹn thuồng."
Ai sống trên đời mà có thể làm đẹp lòng hết mọi người? Nàng dâu nào có thể làm vừa lòng bố mẹ chồng luôn kiếm chuyện bới móc, vạch lá tìm sâu. Trên đời này được mấy bố mẹ chồng nói lên được những điểm của con dâu hay hơn con gái mình! Do đó cũng chẳng lạ gì những cảnh: "Thương chồng phải khóc mụ gia, nghĩ tôi với mụ có bà con chi." Có thể câu ca dao này là điều nhắc nhở cho các bà mẹ chồng tương lai. Bố mẹ chồng nào đã hết, còn những "bà cô bên chồng;" tệ hại hơn nhất là chẳng may nàng dâu gặp phải những bà cô trời bắt tội không được mặn mà cho lắm...!
Phụ nữ Việt Nam ngày xưa, có thể nói, phần đông là mẹ chồng cay nghiệt bao nhiêu, là nàng dâu oan ức, khổ ải bao nhiêu, là người vợ chân tình, tha thiết và phục tòng chồng bao nhiêu thì lại cũng là người mẹ cao vời bấy nhiêu. Cuộc đời một người phụ nữ Việt Nam chan chứa đầy đủ đắng cay ngọt bùi, hà khắc, dễ thương, dịu ngọt, âu yếm... Họ có thể ví như biển hồ lai láng, "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào" đối với con cái, nhưng cũng vùng biển đó khi nổi sóng đã nhận chìm biết bao tàu bè. Với nguồn nước chan chứa êm đềm phẳng lặng ngày nao cũng đã có lần tràn vô những mảnh đất hiền hoà cuốn trôi nhà cửa súc vật và ngay cả con người... trong cương vị mẹ chồng... Trái ngược với vai trò mẹ chồng hà khắc cay nghiệt với nàng dâu, tâm tình bao la của vai trò người mẹ không ngôn ngữ nào có thể diễn tả, chia sẻ cho thấu. Những tính chất độc ác được tạo nên do quan niệm sai lầm nơi xã hội và lối nhìn cổ xưa nơi một bà mẹ chồng còn có thể kể, nhưng lòng của bà mẹ Việt Nam chẳng ai có thể đo. Với lối nhìn này, hình như người phụ nữ Việt Nam là nơi trộn lẫn của các thái cực nơi những vai trò: làm dâu, làm vợ, làm mẹ, và làm mẹ chồng.
Thử tưởng tượng hình ảnh một nàng dâu bụng cao vượt mặt, nói cách khác "bụng mang dạ chửa" lại gặp hoàn cảnh bố mẹ chồng ác nghiệt, sau khi nấu nướng, mồ hôi cái mồ hôi con đổ ra bởi thời tiết nóng nực cộng thêm sức nóng cũng như khói bụi mịt mù do đun bếp bằng rơm rạ mà đến bữa cơm còn phải lo quạt cho bố mẹ chồng ăn trước... Thử tưởng tượng lồng trong hoàn cảnh đó, nàng dâu phải thức đêm bóp chân tay cho bố mẹ chồng rồi sáng sáng, dẫu đã bị mệt mỏi vì thai nghén mà vẫn còn phải bưng nước nóng cho các ngài rửa mặt v.v... trong khi người chồng, vì quan niệm hiếu dễ ngày ấy đành chấp nhận cho qua không dám hé răng bởi có nói thế nào chăng nữa cũng bị luân lý kết án bất hiếu... hoặc ngu si đến độ sợ những điều không đáng sợ hay không biết nhận định lẽ phải trái thế nào. Ở chung với bố mẹ chồng "để làm dâu," mọi sự chi chế nơi mẹ chồng... Nàng dâu phải chịu cảnh thua thiệt... Ngay cả đến con mình đôi khi không được coi là thuộc về mình mà thuộc về gia đình nhà chồng bởi nàng dâu chỉ là thứ máy đẻ, "mang nặng đẻ đau" cháu ông bà. Tới thời khai hoa nở nhụy, nếu mẹ tròn con vuông mà lại là con trai thì ông bà hí ha hí hửng; nàng dâu được đối xử dễ thở hơn chút bởi nhờ lộc của con trai. Chẳng may con sinh ra bị èo uột do ảnh hưởng bởi nếp sống làm dâu thì trăm tội cũng về nàng vì "Phúc đức tại mẫu" mặc dầu đàng khác nàng chỉ được coi như công cụ để sinh con... Có lẽ ngày xưa, trong cuộc đời làm vợ, ngày hạnh phúc nhất của người phụ nữ Việt Nam là ngày đôi vợ chồng được chấp thuận cho "ra riêng."
Nơi xã hội nông nghiệp sơ khai nghèo khổ, các bà mẹ thường "chân lấm tay bùn," "mò cua bắt ốc" hoặc may mắn cũng phải buôn bán tảo tần phụ giúp chồng nuôi sống gia đình. Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh nghèo, các bà mẹ thường phải "Thắt lưng buộc bụng" xoay xở chiều nọ cách kia mới mong đủ chi chế qua ngày. Rồi con càng đông, mức chi dụng càng tăng, người mẹ càng phải tảo tần... Tuy nhiên, dù cùng làm lụng với chồng nơi nương ngô, rẫy khoai, hay ruộng lúa mà sự quán xuyến nhà cửa vẫn luôn phải sao cho ngăn nắp, gọn gàng, nào lo cơm nước cho gia đình, nào tã lót, giặt giũ cho chồng cho con v.v... tất cả đều một tay người mẹ. Người chồng lo làm những công việc nặng; ngược lại, nếu so sánh những công việc nặng và những công việc được mệnh danh là nhẹ, thời gian và sự làm việc của người vợ nhiều hơn người chồng. Sự làm lụng đã thế, về đường con cái, đụng một chút là "con dại cái mang" hoặc "con hư tại mẹ"...
Nơi gia đình con cái hòa thuận êm ấm thì không sao, chẳng may gặp phải đứa con hư không biết nghe theo sự chỉ bảo của cha mẹ thì trăm tội cũng đổ đầu người mẹ mượn cớ "Cây lành sanh trái ngọt." Chẳng những thế, Ca Dao không hiểu sao đã có câu: "Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là oan báo." Ngược lại, những công lao của người vợ được đem ra kể chẳng bao nhiêu, lời than tiếng trách nhiều khi chỉ làm nản lòng, nhụt đức hy sinh: "Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột thứ ba nợ đòi." Có được những lời khen tặng biết ơn vợ thì cũng phải mãi sau này trong văn chương; chẳng hạn: "Quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng," (Trần Tế Xương).
Qua bao thế hệ, phụ nữ Việt Nam vẫn âm thầm chấp nhận làm gương nhẫn nhục để gầy dựng cho con cháu có được ngày nay. Cho dù có những "Con sâu làm rầu nồi canh" thì vẫn có thể nói mỗi người phụ nữ Việt đã mang sẵn nơi mình dòng máu anh hùng của nữ giới.