Trong lúc vươn tới các vì sao, có thể bạn sẽ không thể chạm tay tới ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn một điều chân tay bạn cũng không phải lấm lem vì bùn.

Leo Burnett

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3270 / 57
Cập nhật: 2014-12-23 19:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 (chương Kết) - Ác Phụ Hoàn Cốt
ên chùa thì Càn cũng sửa soạn sẵn rồi hết, kinh của huynh thì gói riêng một gói, còn quần áo một gói riêng.
Bà chủ chùa cũng đã vô rồi, chực đưa huynh Huệ Minh hồi tục cho tròn hiếu đạo.
Xe qua tới chùa, bà Xã liền hỏi Càn có nhớ đem giấy tờ của bà giao bữa hổm đó về hay không, Càn nói có gói chung với gói kinh rồi. Bà yên lòng nên cám ơn ông Yết Ma với bà chủ chùa một lần nữa, rồi từ giã lên xe mà đi với cháu nội có tăng ni tiễn hành đủ hết.
Ông Ba Tào tuổi lớn ít ngủ, bởi vậy bữa nay cũng như thường lệ, gà gáy giữa canh năm thì ông thức dậy, nhóm lửa nấu nước uống cho ấm bụng, rồi lên võng nằm đưa cót két ở nhà sau, mắt ngó ngọn đèn dầu leo lét trên bộ ván, trí nghĩ gần xa, lòng không lo sợ.
Có gì đâu mà phải lo, không làm quấy thì khỏi sợ. Bà chủ nhà đi vắng mấy bữa rồi, ông ở nhà lui cui dọn sân đã sạch sẽ rồi. Hễ lúa ngoài ruộng bắt tay gặt thì ông trí sân, lúa bó đem về có sẵn chỗ mà chất cà lang, có trễ nãi gì mà lật đật.
Nghe tiếng gà gáy báo thức. Ba Tào bước lại mở cửa dòm ra ngoài.
Thấy trời đã hừng sáng, ông kêu thằng Cu thức dậy sớm, sửa soạn cởi trâu đi cho ăn. Ông đi vòng qua phía trước đứng ngắm cái sân ông dọn dẹp hổm nay, ông hài lòng lung lắm mà thấy quang cảnh trước nhà bây giờ có vẻ vui tươi, đất bằng thẳng khô khan, chớ không phải ướt át, bầy lầy như hôm tháng mưa nữa.
Lần lần trời sáng thiệt mặt, thằng Cu đương cầm roi lùa bốn con trâu đi cho ăn cỏ. Cô Thậm mở cửa bước ra đứng ngoài hàng ba. Không đợi kêu, ông Ba Tào bước vô phụ với chị bếp nấu ăn mà mở bét ba dàng cửa cho sáng trong nhà, rồi chị bếp quét gạch ở dưới, ông lo lau bụi ở trên, quét lau đến mặt trời ló lên thì trên dưới trong ngoài đều sạch hết.
Cô Thậm phát tiền chợ cho chị bếp, cô phát bằng hai hôm qua, dặn chị mua thịt cá khá khá, không biết chừng bữa nay có bà về.
Nãy giờ con Cát đi ra sau cho vịt ăn no, rồi mở chuồng thả ra, bầy vịt mừng chớp cánh, và chạy và la cạp cạp vang rân, kéo nhau ùm xuống vũng mà lội. Con Cát vô chuồng lượm trứng vịt đựng trong cái rổ nhỏ, rồi bưng lên nhà trên khoe với mẹ nó mà nói, nhờ chiều hôm qua nó cho vịt ăn đủ, nên đêm nay đẻ được 8 trứng. Cô Thậm cười rồi biểu con đem sắp trứng trong tủ đựng đồ ăn.
Cô Thậm kêu ông Ba Tào mà nói lúc nầy mới gặt một vài đám lúa sớm nên người ta còn ở không. Vậy ông đi trong xóm kiếm mướn vài người về họ bửa phứt cho hết đống củi đặng để dành chụm cho tới ra giêng khỏi lo nữa.
Ông Ba Tào đi rồi, cô biểu con đi lấy cái chổi lông đem cho cô, rồi cô quét dọn hết trên mấy bàn thờ, sắp đặt chưn đèn, lư đồng, độc bình, để coi cho ngay thẳng sạch sẽ.
Cô còn dọn dẹp thì ông Ba Tào dắt về tên Nhiễu với chú Sự, người trong xóm, rồi đi luôn vô phía sau.
Một lát nghe có tiếng bửa củi lộp độp.
Chị bếp đi chợ bưng rổ lơn tơn về. Chị khoe với cô Thậm con nước nầy chài lưới trúng nên tôm cá bán nhiều, dễ mua lắm. Cô Thậm nói bữa nay có hai người bửa củi nên phải nấu cơm cho nhiều cho họ ăn.
Ông Hương nghị Thiệt lên tới nữa. Cô Thậm nói cha lên sớm dữ vậy, và hối con nấu nước, chế một bình trà cho ông ngoại uống. Ông nói ở nhà nằm không thì buồn, bởi vậy sáng thức dậy ông biểu bà nấu cơm sớm cho ông ăn, đặng ông thả lên chơi coi bà Xã đi Saigon bà về rồi hay chưa, và nếu có mợ hai xuống nữa, ông xin mợ đừng có xúi con cháu ông nói tầm bậy mà mích lòng người lớn.
Cô Thậm vừa mới nói, tới bà chưa về, mà cũng không biết chắc bà về hay không, thì con Cát đưa tay chỉ ngoài sân mà nói:
- Ý! Có chiếc xe hơi của ai quanh vô bờ đất của mình kìa má.
Ông Hương Nghị với cô Thậm vội vã đi ra cửa đứng ngó. Thiệt quả có một chiếc xe hơi màu đen lừ, ngoài cổng lộ chậm chậm chạy vô. Chừng xe quanh vô sân thì con Cát la lên:
- Ý! Bà về má à... có ông Đốc ngồi phía trước đó... còn phía sau có hai người ngồi với bà...Ai vậy kìa? Lạ con không biết.
Ông Hương Nghị nói, phải bà đã về, thì xe vô tới ngừng dưới thềm.
Ông Đốc Thắng bước xuống trước. Càn ngồi phía sau mở cửa mà ra tiếp, rồi vịn cửa cho bà với mẹ ra.
Mẹ con cô Thậm xuống thềm, tính ra xe mà tiếp bà Xã Cầm, lại thấy thầy chùa trai trẻ, mặc áo đen quần trắng, đi chưn không, thì đứng khựng lại mà ngó.
Bà Xã vói vô xe, một tay xách cái giỏ, một tay ôm hai ổ bánh mì dài. Cô Thậm bước lại dành xách cái giỏ cho bà. Bà đưa luôn hai ổ bánh mì cho con Cát biểu đem vô nhà.
Mẹ con cô Thậm trở lại thềm. Càn hai tay ôm hai gói, còn cô Hưởng xách cái va-ly đứng ngó. Bà Xã biểu mẹ con cô Hưởng vô nhà, bà đi theo sau, để cho ông Đốc Thắng trả tiền xe.
Bà vô tới hàng ba, bà thấy Hương nghị Thiệt chào, bà hỏi ông lên bao giờ. Ông nói ông lên nãy giờ, nhơn rảnh đi chơi ông qua thăm bà. Bà Xã nói:
- Vô đây ông Hương nghị. Vô ngồi chơi. Tôi mới hay có đứa cháu trai, nên hổm nay tôi lên Saigon, kiếm rước mẹ con nó về đó.
Ông Hương Nghị đi theo mà nói:
- Vậy thì bà có phước quá.
Ông Đốc Thắng trả tiền xe rồi, ông cầm cái gói đồ đi vô sau hết. Xe hơi rồ máy chạy trở ra.
Ông Ba Tào với chị bếp ra mừng bà chủ nhà. Thấy ông Ba Tào, bà Xã liền hỏi:
- Ông đương làm việc chi đó?
- Thưa, tôi đương bửa củi. Tôi có kêu thằng Nhiễu với chú Sự lại phụ bửa với tôi, bửa phứt đống củi cho rồi.
- Thôi, nghỉ bửa củi đi. Để mai mốt sẽ bửa, không gấp gì. Ông bận áo đi lại đằng xóm, kêu đàn ông, đàn bà, ai có rảnh thì lại đây phụ giúp dùm tôi một bữa. Vì tôi có lời, vái với đất nước ông bà, giúp tôi tìm được cháu nội thì tôi cúng một con heo. Nay tìm được rước về, thì tôi trả lễ cho rồi, không nên để mắc nợ. Ông đi kêu bà con trong xóm lại, phụ bắt con heo lớn làm thịt đặng trưa nầy cúng, rồi chiều đãi bà con. Ông đi liền đi nghe hôn. Còn thằng Nhiễu với Chú Sự thì biểu cũng ở đó mà phụ với người ta, chớ đừng về.
Bà biểu chị bếp nấu nước đặng chế trà cho ông Đốc uống. Bà mời ông Đốc với ông Hương Nghị ngồi. Bà muốn hai ông ở chơi tới chiều rồi sẽ về. Bà nói lát nữa có ai lại, bà sẽ sai qua mời bà Đốc qua chơi nữa. Bà nói lăng xăng không dứt.
Bà day lại thấy mẹ con cô Hưởng và cô Thậm để đồ trên ván đứng ngơ ngáo, bà mới chỉ mẹ con cô Thậm mà nói với mẹ con cô Hưởng :
- Đây là Thậm, con của ông Hương Nghị kia, còn con nhỏ đây là con Cát, con của Thậm. Đường nói chuyện mẹ con nó trong tờ di ngôn đó. Má đem về má nuôi ba năm nay. Má thấy con Cát giống cha, má đem về má nuôi, chớ thiệt hồi đó má chưa biết chuyện chi hết. Nhờ lời di ngôn, má mới hay mà thôi. Nội nói cho Càn biết, con Cát đây là em của con. Con phải thương nó nhiều nghe không.
Bà xây qua nói với cô Thậm :
- Cậu đây là cháu trai của bà với má nó đó. Để chiều có làng xóm, bà nói huỵch tẹt ra cho người ta biết, rồi bà sẽ sắp đặt việc nhà lại. Con Cát phải nhìn Càn đây là anh. Phải kính, phải thương anh, vì thuở nay anh vất vả, tội nghiệp lắm. Thôi, Thậm, con đem đồ đạc của mẹ con Càn mà để trong buồng của bà. Con kính mẹ của Càn là chị của con, và dắt vô phòng của bà, quét giường chiếu sạch sẽ rồi chị em ngồi nói chuyện với nhau chơi.
Cô Thậm bước lại xách va-ly của cô Hưởng, cô Hưởng không cho, cô nói để cô xách. Cô Thậm mới lấy hai cái gói đồ của Càn mà ôm rồi cô đi trước, cô Hưởng theo sau, hai chị em đi vô phòng của bà Xã.
Ông Đốc Thắng thấy Càn bợ ngợ bước ra cửa, ông ra nắm tay kéo trở vô, ép ngồi chung một bàn, uống nước nói chuyện chơi với ông và ông Hương Nghị Thiệt.
Bà Xã kêu Cát biểu soạn đồ trong giỏ bà ra, lấy gói áo của bà đem cất trong tủ, còn bánh trái với bánh mì của cô Hưởng mua hồi sớm mơi, thì đem vô trong lấy dĩa bàn mà sắp để trưa cúng. Bà ngồi lại bàn uống nước với khách và nói chuyện với Càn cho Càn vui.
Lối xóm người ta nhờ có ông Ba Tào đi kêu nói, nên họ hay, họ rải rác tới mừng cho bà Xã. Bà cảm ơn mỗi người, đàn ông cũng như đàn bà. Bà chỉ Càn mà nói, bà mới tìm được cháu nội, con của Đường, mà rước mẹ con nó về đó.
Vì có lời khấn vái với ông bà, nên bà phải vật một con heo mà cúng trả lễ. Vậy bà con chòm xóm vui lòng xúm lại giúp bà, ai thạo nghề nào thì làm nghề đó, người thọc huyết cạo heo, kẻ ra đáy mua tôm, người ra chợ mua rượu, mua rau sống, mua mắm nêm, mua đồ nấu, kẻ phụ trong bếp mà nấu nướng đặng trưa xế cho bà cúng rồi ăn uống chơi với bà một bữa.
Bà Xã kêu cô Thậm đương dắt cô Hưởng đi viếng bàn thờ của Đường. Thậm với Hưởng trở lại, bà móc túi lấy gói bạc ra đưa cho Thậm mà nói:
- Con cất gói bạc đây đặng ai lãnh đi chợ mua đồ thì phát cho người ta đi, đưa ít chục cho người ta qua xóm chài lưới và đáy góp mua tôm cá, nước đã ròng sát, chắc có cá tôm rồi. Con mượn một người qua mời bà Đốc qua chơi, nói bà với ông Đốc đã về tới rồi. Con biểu con bếp lo nấu cơm cho bà với bà con ăn sơ buổi sáng mơi nầy, chớ đợi cúng rồi mới ăn thì đói chịu sao nổi.
Thậm lãnh gói bạc rồi mời cô Hưởng với bà con trong xóm đi xuống nhà sau mà phân phát công việc.
Ông Ba Tào già mà nhậm lẹ, ông rảo đi kêu bà con trong xóm, sẵn trớn ông tuốt qua chợ mét cho bà Đốc Thắng hay, ông Đốc với bà Xã mướn xe hơi rước cô dâu và cháu nội của bà bà Xã về tới bên nhà rồi. Bây giờ chòm xóm đương tụ lại mừng và vật heo làm thịt mà cúng đặng ăn mừng ở bển.
Bà Đốc Thắng hay tin ấy, bà mừng quá nên dặn con ở nấu cơm, coi nhà, bà đội khăn đi liền qua mừng bà Xã, và thăm cô Hưởng đã đi khỏi Cần Giuộc mười mấy năm rồi, bà không gặp mặt.
Bà Xã đương ngồi uống trà với ông Đốc và ông Hương Nghị mà nhắc chuyện Đường buồn rầu mà sanh bịnh lại cho Càn nghe, bỗng thấy bà Đốc đi vô sân, bà mừng nên vội vã ra cửa tiếp rước. Hai bà hỏi đáp lăng xăng và dắt nhau vô nhà.
Bà Xã chỉ Càn cho bà Đốc biết. Càn đứng dậy chấp tay xá bà. Bà Đốc ngó trân trân rồi nói, Càn giống cha như đúc.
Hai bà dắt nhau lại ván ngồi ăn trầu. Bà Xã thấy con Cát bưng trầu đem ra, bà biểu nó vô mời cô Hưởng ra cho bà Đốc mừng.
Hưởng với Thậm ở nhà sau đi ra chào bà Đốc. Bà Đốc với cô Hưởng mừng nhau nói lăng xăng. Bà Xã biểu Hưởng ngồi mà nói chuyện. Hưởng bèn ngồi lại góc ván phía cửa sổ, còn Thậm thì đi lo trầu nước.
Trong nhà chủ khách đương nói chuyện vui vẻ với nhau, thình lình bà Xã ngó ra cửa, bà thấy cô Oanh uốn tóc quăn, tay cầm bóp, xăng xớm bước lên thềm. Bà chau mày, xụ mặt mất vui.
Cô Oanh vô, cô cúi đầu chào ông Đốc Thắng rồi xâm xâm đi lại đứng ngay trước mặt bà Xã mà hỏi:
- Thưa má, má mạnh giỏi hả má?
Bà Xã không thèm ngó, bà cúi mặt têm trầu và hỏi lại:
- Cô là ai mà cô kêu tôi bằng má?
Cô Oanh cười mơn mà nói:
- Có lẽ má giận con hay sao nên má hỏi như vậy? Con là Oanh, vợ của anh Đường, vợ có hôn thú hẳn hoi, dâu chánh thức của má, có thể nào má quên được.
- Ạ! té ra cô là vợ của thằng Đường. Vợ nó giết nó đặng đi lấy chồng khác, bây giờ còn tới đây làm chi?
- Má không thương, má va tiếng ác cho con chi vậy má? Con giết anh Đường hồi nào? Con giết ảnh sao má lặng thinh, má không tố cáo cho nhà chức trách bắt con mà bỏ tù? Còn con lấy chồng khác, mà lấy ai đâu? Má biết hay không? Má chỉ thử coi. Chớ con là vợ của anh Đường hẳn hoi có giấy tờ, đủ lễ, có hôn thú bậc nhứt, cái đó ai cũng biết.
Con tới đây là vì nhà nầy là nhà chồng của con. Chồng của con mất rồi, mà còn má nên má ở. Chừng má trăm tuổi già rồi, con sẽ về con ở đặng con thờ chồng, và cúng ông bà cha mẹ ông bà. Tuy con đi làm ăn, con không ở, song rảnh con cũng về đây trước thăm má, sau thăm nhà của con. Sao má lại hỏi con về làm chi?
- Cô nói nghe có hiếu dữ!
- Con không dám khoe con có hiếu hay có nghĩa. Nhưng nhà nầy má ở thì được, chớ con không bằng lòng má rước người nào khác về đây mà ở.
Cô Oanh kéo ghế mà ngồi. Bà Xã giận lắm, nhưng nói không lại miệng cô Oanh, bà tức nên bà nói:
- Nhà của tôi thì tôi muốn cho ai ở tự ý tôi, hoặc tôi muốn cho đứt ai cũng được. Nhà của cô cất hay sao nên tới đây mà tranh dành?
- Không phải nhà con cất. Nhưng nhà của chồng con nên con phải tranh.
- Cô quyền gì mà tranh. Ở với chồng không có con, chồng chết bỏ đi lấy chồng khác rồi cô trở lại tranh gia tài. Nói chuyện nghe trái tai quá.
- Phải lắm. Chớ có trái đâu má. Má nghĩ lại mà coi, con là vợ của anh Đường có hôn thú rành rẽ, mà bây giờ má không thèm nhìn, má lại nhìn đồ bá vơ ở đâu mà đem về mà gọi là dâu, là cháu nội, dâu không có bằng chứng, cháu nội cũng không có giấy tờ. Má làm như vậy phải hay là trái?
- Ai có tình có nghĩa với con tôi thì tôi nhìn là dâu. Ai là máu thịt của con tôi thì tôi nhìn là cháu nội. Ai thất giáo, vô đạo ở với con tôi không có tình nghĩa, ở với tôi không có hiếu kính, thì tôi xem như rơm như rác.
Tôi hiền lành nhã nhặn, nhưng tôi cũng biết giận biết hờn. Tôi cho cô biết tôi không phải khờ dại. Nếu tôi không thèm kể ai là dâu, ấy là tại người ấy lỗi đạo làm dâu. Còn nếu tôi nhận ai là dâu, ai là cháu nội, thì tôi có giấy tờ minh chứng rành rẽ, chớ không phải nhìn bậy. Tôi không cho phép cô tới nhà tôi mà dạy khôn tôi. Nếu cô khiêu khích sỉ mạ tôi hay người trong thân của tôi, thì tôi biểu bạn bè tống cổ cô ra ngoài đường, hoặc tôi thưa cho Hương chức trong làng bắt cô mà trị tội hỗn hào ngang ngược.
Cô Oanh thấy bà Xã chống cự mạnh mẽ thì cô nghĩ phải đổi chiến lược mới thắng được, nên cô cười mà nói:
- Thưa má, vì má nói phải trái, nên con mới dám phân trần phải trái cho má nghe, chớ con đâu dám hỗn hào ngang ngược với má. Con thưa thiệt với má, năm trước má đem con gái của ông Hương nghị, với đứa con của cô về nhà má nuôi, thì con hiểu ý má, thấy chồng con chết rồi má muốn đuổi con, bởi vậy con xét phận con không có con, nên con nhượng bộ trở về cha mẹ con mà nương dựa, nghĩ vì vợ chồng con có hôn thú, chừng má trăm tuổi già, gia tài sự nghiệp về con hưởng huê lợi, không mất phần của con đâu mà con sợ.
Mấy bữa rày, con lại hay má tính nhìn con trai của cô giáo Hưởng là cháu nội của má, và má kiếm rước về mà giao hết gia tài cho mẹ con cô Hưởng ăn, đặng phụng tự ông bà. Nghe như vậy nên con mới về đây hỏi lại coi có thiệt hay không. Thưa má, có phải cô ngồi gần cửa sổ kia là cô giáo Hưởng, còn thầy chùa ngồi bên bàn đây là con của cô hay không?
- Phải. Tôi rước mẹ con nó về đặng mẹ con nó nuôi tôi trong lúc tôi già yếu. Chừng nào tôi qua đời thì mẹ con nó quản xuất sự nghiệp của tôi mà phụng tự ông bà.
- Má làm như vậy mất công bình, lại không hợp pháp. Con là vợ chánh của anh Đường có hôn thú bậc nhứt mà má bỏ rơi, má giao gia tài cho người bá vơ như vậy hưởng thì không được. Con tranh cản ngay.
- Sao dám gọi là người bá vơ? Tôi nhìn dâu hiền, nhìn cháu nội, do ý trong tờ di ngôn của con tôi. Cháu nội tôi có khai sanh, có bổn sao án Tòa đủ phép, ai tranh cản được.
Cô Oanh bất ngờ việc ấy nên ngơ ngẩn…
Bà Xã kêu Càn mà nói:
- Càn, con vô lấy hết giấy tờ của cha con để lại đem ra đây mà đọc cho bà con trong xóm nghe chơi con.
Càn đứng dậy chấp tay mà nói:
- Thưa nội, cha con để khai sanh của con lại cho nội, cha con có ý muốn bày tỏ nỗi lòng đau khổ cho nội biết mà thôi, cha con có kể tới người khác đâu, mà cần cho cho người ta biết. Con xin phép nội cho con nói chuyện với cô đây một chút tưởng cũng đủ.
Càn ngó cô Oanh mà nói tiếp:
- Nãy giờ tôi ngồi, lóng tai nghe cô khinh rẻ người nầy, châm chích người nọ, cô nói dông dài, mà kỳ trung cô nghe nội tôi đem mẹ con tôi về đây, nên cô đến kiếm chuyện mà tranh gia tài, chớ cô không có ý thăm viếng ai hết, cô cứ nói hoài đến nỗi nội tôi không nhìn cô, lại còn xô đuổi cô, mà cô cũng không chịu đi. Cô mê gia tài quá.
Vậy để tôi nói chuyện gia tài cho cô nghe. Má tôi cũng như tôi, mẹ con tôi từ chối mấy ngày không muốn về đây, chớ không phải mê gia tài như cô đâu. Vì nội tôi nói quá, nên má tôi vì nghĩa, còn tôi vì đời, vì đạo, mà cũng vì hiếu, bởi vậy mẹ con tôi phải theo nội mà xuống đây.
Mẹ con tôi chưa nghe nói đến gia tài bao nhiêu nên chưa biết mà ham. Mà dầu có vàng bạc mấy xe, có ruộng vườn mấy ngàn mẫu, cũng không bằng một bầu đạo đức, một túi nghĩa nhơn đâu cô.
Tiền bạc ruộng vườn có đó, mà nó cũng có thể mất đó, mất mau lắm. Có lẽ cô cũng thường thấy, sự có rồi mất đó chớ, nhứt là thứ gia tài gây trên xương máu của người khác, với gia tài mình âm mưu mà cướp đoạt, không tốn công dãi nắng dầm sương thì không bao giờ được hưởng lâu được.
Duy có nhơn nghĩa với đạo đức mới bền vững, thứ gia tài đó mới thiệt là quý, vì nó cho mình hưởng hoài, hưởng tới đời con đời cháu cũng không hết. Vì vậy, nên mẹ con tôi không biết ham gia tài. Mẹ con tôi về đây là vì thấy bà nội già rồi mà trợ trọi một mình, nên mẹ con tôi muốn giúp cho nội tôi vui vẻ trong tuổi già nầy mà thôi,chớ không có ý chi hết.
Nào dè vừa mới vô tới nhà, lại có người ngăn cản muốn tranh gia tài. Thiệt từ khi tôi mới được tám chín tuổi, thì tôi đã đặt bước mà đi một mình trên đường đời, tôi hằng ngày phải vật lộn với nhơn tình thế thái mà sống. Nhưng tôi không có gặp gia tài mà tranh, tôi lại mê từ bi mà tập. Nay, tôi nhờ cô mà gặp cảnh tranh gia tài. Tôi nói thiệt với cô, dầu muốn dầu không tôi phải tranh với cô, chớ không không được phép bỏ xuôi. Tôi phải tranh để cho nội tôi an hưởng công lao cực nhọc xây dựng gia tài. Chừng nội tôi trăm tuổi già, nội tôi định giao gia tài cho ai tự ý, tôi không đòi hỏi chi hết.
Ví dầu, nội tôi có giao cho tôi gìn giữ để phụng tự ông bà đi nữa, thì tôi hứa chắc với cô, tôi sẽ làm trọn nhiệm vụ của nội tôi ký thác. Mà hưởng gia tài ấy, tôi chỉ dùng huê lợi để cúng quảy ông bà mà thôi, chớ không phải của tôi làm ra mà tôi được phép ăn xài riêng. Nếu cúng quảy mà có dư thì tôi sẽ phân phát cho thiên hạ. Tôi sẽ chia mà giúp cho mấy người trong xóm, trong làng quanh năm cực khổ hết sức mà không đủ cơm gạo cho vợ con no ấm, chớ không thể chia cho người vì ham loè loẹt, xa hoa mà trụy lạc vất vả; phải để hạng người ấy cực khổ lang thang, đặng họ ăn năn, mà bỏ thói tham lam, gian dối trở về với đạo nghĩa. Tôi quyết ở lại đây làm nghĩa vụ đó, dầu ai đuổi tôi cũng không đi.
Càn nói dứt lời thì ngồi lại, sắc mặc bình tĩnh ôn hòa như thường.
Ông Đốc Thắng day qua ngó cô Hưởng mà cười.
Cô Oanh không dè, thầy chùa trai trẻ, mà đầu khôn ngoan lanh lợi như vậy, nên cô bối rối. Lại nghe nói có giấy tờ, có khai sanh, có di chúc, thì cô sợ, cô xuống nước nhỏ nhẹ mà nói với bà Xã :
- Gia tài thời thuộc của má làm chủ, nên con tranh là tranh cho má hưởng mãn đời, chớ không phải dành cho con ăn hết. Thầy chùa nầy không có quyền gì về gia tài của má, nên con không cần phải trả lời. Việc nhà của má thì má phải suy nghĩ mà phân xử cho công bình. Nếu má muốn cho cả thảy đều hòa thuận, êm ấm, thì má chia gia tài của má ra làm ba phần, chớ không giao cho một người.
Bà Xã nói:
- Chia cho ai mà ba phần?
Cô Oanh nói:
- Thưa, má nhìn con của cô Hưởng là cháu nội, nó là con trai, nên má đem về đặng phụng tự ông bà, thì má chia cho nó một phần mà thôi. Cô Thậm là con của ông Hương nghị, cô cũng có con. Tuy nó là con gái, song ai nấy đều nói nó giống anh Đường, nên má chắc nó là con của anh Đường, má mới đem về má nuôi mấy năm nay. Má phải chia cho con nhỏ ấy một phần mới công bình. Còn con đây là vợ chánh thức của anh Đường, con không có con, mà có hôn thú, má phải chia cho con một phần, con mới chịu chớ.
Chưa ai kịp nói gì hết, ông Hương nghị ngồi bên bàn, ông vùng đứng dậy mà nói:
- Thưa bà chủ điền, vì mợ Hai muốn kẹp mẹ con con Thậm vào vụ nầy, nên tôi xin bà cho tôi nói ít tiếng.
Thiệt con Cát là con của cậu Đường. Mợ hai đã nói ra thì tôi không nên giấu nữa.
Từ ngày cậu Đường mất, bà đem mẹ con con Cát về bà nuôi, bà không nhìn nó là cháu nội, cháu ngoại gì hết. Vợ chồng tôi thấy vậy nên làm thinh. Nhờ bà chiếu cố nên mẹ con con Cát no ấm sung sướng. Được bà thương thì đủ rồi, bởi vậy vợ chồng tôi cũng như con Thậm cũng không có nghĩ tới bà nhìn cháu nội làm chi, mà cũng không tính chia gia tài của bà. Chiều hôm qua có dịp đi chợ, tôi đi thẳng qua đây thăm bà. Không có bà ở nhà. Mà con Thậm lại nói hồi sớm mơi có mợ hai xuống, nói bà đi Saigon rước cháu nội trai về mà giao gia tài. Mợ xúi nó hiệp với mợ, mà chống cự dành gia tài đặng chia nhau mà hưởng. Tôi nghe như vậy, tôi liền dặn con tôi đừng có nghe lời mợ hai, rồi nói bậy bạ mích lòng bà.
Bữa nay tôi trở lên đây nữa, là vì tôi có ý chờ bà về, đặng tỏ lòng thành thiệt của cha con tôi cho bà hiểu. Mợ hai muốn tranh gia tài hay làm sao mợ làm. Việc đó cha con tôi không biết tới, không đòi hỏi, mà cũng không tranh dành với ai hết.
Cô Oanh hứ nguýt mà nói:
- Ông Hương nghị không thèm thì chia làm hai vì phần của người ta nhiều hơn chớ hại gì.
Bà Xã nói :
- Ngộ quá! Sự nghiệp của tôi gây dựng ra lớn. Mà bây giờ người ta đến biểu tôi phải giao hết, nói không được rồi buộc phải chia làm ba, làm hai. Bà con nghĩ coi có phải kỳ cục hay không. Tiền bạc ruộng đất của tôi, tôi muốn để cho ai ăn tôi để. Không ai được phép tới đây bỉ xử tôi... Đi ra... nhà tôi có khách, để cho tôi tiếp khách.
Bị đuổi rõ ràng. Cô Oanh giận tái mặt. Cô đứng dậy bỏ đi ra, không thèm cáo từ ai hết. Cô vừa đi ngoe ngoẩy vừa nói:
- Muốn nghịch thì tôi kiện tán gia bại sản cho mà coi.
Nãy giờ ông Đốc Thắng ngồi im lìm, mà nghe lời qua tiếng lại. Ông cứ chúm chím cười chớ không nói chi hết. Bây giờ thấy cô Oanh đi gần tới trước mặt ông lại nghe hăm kiện, thì ông đứng dậy chận cô mà nói:
- Xin cô Hai đứng lại cho tôi nói việc riêng với cô một chút.
Cô hâm cô kiện chị Xã. Có tôi ngồi đây, tôi lớn tuổi hơn cô, không đáng chú thì cũng đáng anh của cô. Tôi khuyên giải, không nỡ để cho cô đi lạc đường. Tôi xin cô đừng có nghe lời của bợm gian hùng bày kiện cáo chị Xã mà tốn tiền vô ích. Nên để tiền mà nuôi con. Chớ chi cậu Đường chết rồi, cô ở luôn trong nhà nầy mà thủ tiết thờ chồng, thì chừng chị Xã qua đời, cô thay thế. Dầu cậu Đường có lập khai sanh mà nhìn con dòng khác, thì cô cũng là đích mẫu, cô hưởng gia tài. Thiệt cô không thể bán ruộng đất, mà cô có quyền thâu huê lợi để phụng tự ông bà. Cô hưởng mãn đời cô rồi, còn dòng thứ mới được hưởng. Cô không nghĩ xa, cô bỏ đi lấy chồng khác mà sanh con rồi cô trở về tranh gia tài làm sao được.
Cô Oanh giận hỏi:
- Ai nói với ông Đốc tôi lấy chồng khác? Lấy ở đâu?
- Cô khéo giả bộ thì thôi. Cô ở với ông Thông trong căn phố sau chợ Tân Định. Cô ngồi xe hơi đi hàng ngày với ổng. Cô có một đứa con gái biết đi lẩm đẩm. Cô có giấu ai đâu mà không biết.
- Dầu tôi có ăn ở với ai đi nữa, không có hôn thú thì có bằng cớ gì mà nói tôi cải giá?
- Khai sanh của đứa con cô.
- Con tôi xin tôi nuôi mà.
- Đã muộn rồi, cô nói như vậy sao được. Dầu cô có chồng khác không làm hôn thú, sanh con thì đứa nhỏ theo họ mẹ, khai sanh không có tên cha, nhưng tên họ mẹ có sẵn sàng, cô chối mà nói con nuôi sao được. Không có chồng thì làm sao mà sanh con. Không lẽ cậu Đường ở dưới âm phủ, ban đêm cậu được phép về ngủ với cô.
Con nhỏ sanh đã hơn hai năm rồi. Bộ sanh lập hai bổn cuối năm gởi cho Tòa hộ duyệt phê rồi giữ một bổn, còn một bổn gởi lại trả cho Tòa Thị Sảnh giữ. Bây giờ cô muốn sửa tên họ mẹ, cô sửa không phải dễ, làm bậy bị đày chớ phải chơi đâu. Mà cô hăm kiện thì chắc ngày mai chị Xã sẽ cậy người lên Tòa xin sao lục khai sanh của đứa con cô, mà nắm trong tay. Cô bày cạo sửa tôi e chỉ sợ mang họa.
- Tôi sẽ mướn trạng sư kiện.
- Đừng, đừng cô. Tốn tiền vô ích, nếu cô kiện thì tôi hưu trí rảnh rang, chắc chị Xã sẽ nhờ tôi thay mặt đi hầu. Tôi không từ chối được. Mà đi tòa thì tôi phải nạp tờ di ngôn của cậu Đường, với bổn sao án Tòa cậu nhìn nhận Nguyễn Văn Càn đây là con của cậu. Tôi nạp luôn bản sao lục khai sanh của đứa con gái cô nữa, thì ngọc hoàng hiện xuống, tôi sợ cũng không binh cô được.
- Thuở nay ông làm thầy giáo, ông có biết luật pháp đâu mà nói.
- Tôi lấy chánh lý mà nói dùm cho cô. Nghe hay không nghe tự ý cô. Tôi chào cô.
Ông Đốc ngồi lại. Cô Oanh mang kiếng mát đi ra cửa.
Ba Thẹo, người đánh xe ngựa cách 18 năm trước, đã có chạm với cô Oanh trước nhà thầy giáo Hiển bên chợ Cần Giuộc, bữa cô dắt hai người đàn bà dữ tợn đến mắng chưởi khiêu khích cô Hưởng.
Mấy năm nay anh thôi đi xe, qua hỏi ruộng bà Xã mà làm và cất nhà về ở trong đất bà. Bữa nay, anh cũng như mấy người tá điền ở trong xóm lại giúp làm thịt heo cho bà Xã cúng. Anh nghe nói có cô Oanh ở trên Saigon xuống tranh gia tài với cô Hưởng, thì anh mon men ra đứng ngoài cửa sổ lóng tai mà nghe. Chừng thấy cô Oanh giận bỏ ra về thì anh chạy theo vừa kêu vừa nói:
- Mợ hai, mợ Hai, mợ xuất binh sao không lựa ngày tốt, để gặp xui xẻo lui binh hoài vậy? Mợ nhớ tôi hôn? Tôi là Ba Thẹo ở bên chợ Cần Giuộc, đánh xe ngựa. Bữa mợ đem binh đến nhà thầy giáo Hiển mà khiêu khích với cô giáo Hưởng có tôi đó. Tôi xúi mợ tiến, mợ không dám tiến mợ lại rút lui. Hôm nay mới dàn binh, chưa có gì hết, sao mợ cũng rút lui nữa vậy?
Cô Oanh nói:
- Trưa rồi nên tôi về.
Cô nói vậy cho đỡ mắc cỡ rồi đi tuốt.
Bà Đốc Thắng trong nhà dòm ra thấy Ba Thẹo theo nói chuyện gì với cô Oanh bà không hiểu, nhưng cô Oanh lầm lũi đi mau, còn Ba Thẹo trở lại đi vòng theo chái nhà mà vô phía sau, miệng cười ngỏn ngoẻn thì bà cười ngất.
Bà Xã hỏi bà Đốc cười về việc chi, bà Đốc thuật chuyện năm xưa cô Oanh bị Ba Thẹo phá đám nên quê mặt.
Bây giờ cô Oanh cũng bị Ba Thẹo nữa, thế thì cô Oanh với Ba Thẹo có duyên tiền khiên gì với nhau hay sao, nên gặp nhau hoài. Bà Xã với ông Đốc và mẹ con cô Hưởng nhớ chuyện của Đường viết trong tờ di ngôn, cả bốn người cũng đều tức cười hết.
Bà Xã biểu cô Thậm hối người nhà dọn cơm cho ông Đốc bà Đốc ăn sơ sịa ba hột dằn bụng, đợi xế cúng rồi sẽ ăn tiệc. Mấy ông bà ở trong xóm, xúm lại mừng cho bà Xã, ai cũng đã ăn cơm nhà hết rồi, bởi vậy bữa cơm nầy chỉ có bà Xã ăn với vợ chồng ông Đốc, ông Hương Nghị, mẹ con cô Hưởng và mẹ con cô Thậm mà thôi.
Tuy nói ăn sơ sịa, song cũng có cá thịt canh rau đủ thứ, mà ai cũng đói, lại cũng vui, nên chủ khách đều ăn no.
Lúc ngồi ăn bà Đốc khen cô Hưởng giỏi ẩn nhẫn, cô Oanh kiếm chuyện khiêu khích mà cô Hưởng không nói gì. Cô Hưởng nói bà Xã trả lời nặng quá rồi, cô còn chen vô làm chi nữa, ông Đốc cười mà nói cậu Càn tu hành mà cậu nói chuyện nghe được quá. Càn cười mà nói:
- Tuy con mặc áo thầy chùa, song hồi nhỏ trót 5 năm trường con lăn lóc theo đám mồ côi hoang đàng, mà người ta thường gọi là lũ tiểu quỷ Saigon, dầu con biết hiền lành, ham nhơn nghĩa, nhưng nếu ai muốn hơn thua thì con cũng biết hơn thua đủ với họ vậy chớ, để thiếu họ sao được.
Ông Đốc nói:
- Cháu mới về tới đây mà hồi nãy xóm riềng nghe cháu giảng dạy cô Oanh, tôi coi bộ ai cũng chịu hết, cháu ở đây mà tu chắc sẽ có tín đồ nhiều. Còn ông Hương nghị, ông chơn chất thiệt thà, mà ông cũng cho cô Oanh một bài học thâm thúy quá.
Ông Hương nghị nói:
- Thưa, tôi có dám nói động tới mợ hai. Vì chiều hôm qua tôi hay mợ xuống xúi con tôi theo mợ mà làm việc quấy. Tôi không chịu, nên sáng nầy tôi trở lên coi như có bà chủ điền về, tôi thưa cho bà hay. Tôi chưa kịp nói mà mợ khởi đầu sanh chuyện, mợ lại kèm con Thậm tôi vô, tôi phải bày tỏ lòng dạ của cha con tôi cho bà biết vậy thôi, chớ mợ tranh dành tự ý mợ, tôi đâu dám ngăn cản. Hồi nãy mợ về coi mợ giận. Tôi sợ mợ kiện.
Ông Đốc cười mà nói:
- Có giỏi thì kiện đi. Tôi sẽ xin thay mặt chị Xã tôi hầu hết. Để mai mốt tôi trở lên Saigon, tôi vô Tòa xin sao lục một tờ khai sanh của đứa con gái cô sanh đó, tôi giao cho chị Xã giữ sẵn. Nếu cô đi kiện thì tôi đem hết giấy tờ tôi trình cho Tòa xem, tự nhiên Tòa bát đơn cô liền.
Bà xã nói:
- Cậu Đốc chịu khó giúp dùm cho tôi. Tôi không dám quên ơn nghĩa đâu. Bữa nay sẵn có ông Hương nghị lên, có cậu Đốc mợ Đốc, lại có bà con trong xóm tựu đủ mặt. Vậy tôi nói rõ cho bà con cùng anh chị em biết tôi không nhìn nhận con Oanh là dâu của tôi nữa. Dâu lớn của tôi là Hưởng, còn dâu nhỏ của tôi là Thậm. Càn với Cát đều là cháu nội của tôi, mặc dầu Đường không có khai sanh cho con Cát. Vậy từ rày sắp lên Thậm phải kêu bà bằng má, còn Cát phải kêu bà bằng bà nội cũng như mẹ con con Hưởng vậy. Hưởng với Thậm phải yêu nhau như chị em ruột, coi hai đứa nhỏ là con chung. Còn Càn với Cát do một gốc mà ra, ruột thịt với nhau, anh lớn phải thương em, em nhỏ phải kính anh, đặng một nhà hòa thuận an vui và tu tập đạo tâm, dồi mài tiết nghĩa.
Càn nói:
- Con sẽ chăm nom làm cho nội an hưởng ngày già, hết buồn lo điều chi nữa. Em của con là gái, con sẽ dạy nó lo lắng về miếng ăn giấc ngủ cho nội. Tuy cha con không có đứng khai sanh cho em, mà nội đã nhìn rồi, thì nó là em của con chính thức.
Cô Hưởng tiếp tục nói:
- Con thưa thiệt với má, ngày con đau khổ, con tính bỏ xứ mà đi, thì bà Sáu Hẩu một nhà triệu phú ở Saigon, bà thương phận con, nên bà biểu con hợp tác với bà, đặng ra vùng Kontum mà trồng trà trồng cà phê. Con theo bà ra đó quy tụ người bổn xứ mà làm việc mười mấy năm, mới thành sở vườn rộng lớn cả ngàn mẫu.
Hiện giờ sở bán trà với cà phê mỗi tháng thâu huê lợi đến mấy trăm ngàn, mà số tiền xuất phát cho nhơn công cũng lớn lắm. Nhưng mỗi tháng còn lời cũng được năm ba muôn. Nhà bà Sáu Hẩu có vốn lớn, lại con là cánh tay mặt của bà, con giúp bà tận tâm, nên mới thành công như vậy.
Năm ngoái bà về thăm nhà mấy tháng thì con coi sở cho bà. Năm nay con nói với bà con về kiếm Càn đem lên đó mà ở với con, nên bà mới để cho con đi. Và Càn đã kiếm được, nó phải về với má. Vậy thì con ở chơi với má chừng một tháng cho má vui, rồi con xin má cho con trở lên đó, chớ con không thể bỏ bà Sáu Hẩu được.
Bây giờ có Càn về ở với má, trong nhà lại có mẹ con Cát chăm nom săn sóc má. Lâu lâu, con về thăm má và chơi vài tháng vậy thôi. Năm nay đường giao thông đã thuận tiện, có xe đò chạy hai ba ngày một chuyến rồi, nên con lên xuống dễ dàng.
Bà Xã nói:
- Công chuyện của con lớn lao bề bộn như vậy con bỏ sao được. Nhưng má xin con ráng ở chơi với má vài tháng rồi sẽ đi, và lên trên đó con đừng quên má. Má già rồi con!
Cô Hưởng nghe lời âu yếm như vậy thì cô ứa nước mắt. Bà Đốc không muốn không khí đương vui vẻ hoá ra buồn tẻ lạnh lùng, bởi vậy bà nói:
- Chị Xã chưa già đâu. Chị còn cứng lắm mà. Chị còn sống tới hai ba mươi năm nữa như chơi. Có dâu, có cháu nội, chị vui sống dai lắm.
Chủ khách thân yêu, một nhà vui vẻ, câu chuyện sum vầy hạnh phúc kéo dài đến xế, mấy chị đàn bà trong bếp nấu nướng xong, rồi trai dọn mới sắp đặt bưng lên để trên mấy bàn thờ cúng. Có người đi về lấy một cái áo dài đen cho Càn bận đỡ mà ra mắt cha với ông bà.
Bà Xã đứng vái ông bà rồi lạy trước, Hưởng với Thậm một cặp lạy sau. Càn tiếp lạy nữa, rồi Cát lạy chót. Lạy bàn thờ của Đường, bà Xã cũng rót rượu vái con, cho hai dâu lạy chồng và hai cháu nội lạy cha.
Cúng xong rồi bà Xã mới biểu dọn hết trên mấy bàn, mấy bộ ván. Bà mời hết khách xa cũng như người trong xóm, đàn ông cũng như đàn bà, trẻ già lớn nhỏ đều phải ngồi ăn uống với bà một bữa cho vui.
Giữa lúc cả nhà đương nói cười hỷ lạc, một ông kỳ lão tay nâng ly rượu mà nói:
- Thuở nay thím Xã ăn ở hiền lành, ai thiếu hụt hay có việc gì nói với thím thì thím giúp liền. thím có một người con nó cũng giống tâm chí thím, biết thương nhà nghèo, ở rộng với tá điền, tá thổ. Không biết hạnh phúc ở lối nào mà mấy năm nay nó trốn mất, bỏ cho nhà thím buồn bực, ai nhớ tới cũng than phiền.
Ông Đốc Thắng chụp nói:
- Bữa nay hạnh phúc trở về với chị Xã rồi, nên ai cũng vui hết. Không vui sao được. Chị mất một người con trai, mà chị gom về hai cháu nội, một trai hiền lành đạo đức, một gái tánh hạnh thiệt thà. Chị mất một cô dâu dữ, mà chị tìm được hai cô dâu hiền. Đó là hạnh phúc chớ gì. Chị lời chớ đâu có lỗ. Phải vậy hay không chị Xã?
Bà Xã Cầm cười lớn, cái giọng cười nầy mấy năm nay nó đi mất, bây giờ nó mới trở về đây.
Phú Nhuận 15-2-57
HẾT
Hạnh Phúc Lối Nào Hạnh Phúc Lối Nào - Hồ Biểu Chánh Hạnh Phúc Lối Nào