Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 54
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Xem Xét Trong Động - Đồ Đạc Và Dụng Cụ - Bola Và Lazo - Cái Đồng Hồ - Cuốn Sổ Đã Mờ - Tấm Bản Đồ Của Nạn Nhân - Đang Ở Nơi Nào? - Trở Lại Du Thuyền - Bờ Phải Con Lạch - Vũng Lội - Tín Hiệu Của Gordon
riant, Doniphan, Wilcox và Service đứng lặng. Người chết ở nơi này là thế nào? Có phải là nạn nhân đắm tàu mà đến giây phút cuối đời vẫn không được giúp đỡ gì hay chăng? Ông ta tới đây lúc bao nhiêu tuổi? Khi chết đã già chưa? Ông ta làm thế nào để đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu? Nếu bị đắm tàu thì những người cùng đi có ai sống sót nữa không? Phải chăng ông ta chỉ còn trơ trọi một mình sau khi các bạn đã qua đời cả? Những đồ vật đã thấy trong động vốn là của con tàu hay ông ta làm lấy? Biết bao câu hỏi có lẽ chẳng bao giờ giải đáp được. Và trong những câu hỏi đó, có một câu quan trọng vào bậc nhất! Nếu đây là một châu lục thì tại sao ông ta không tìm đến một thành phố nội địa hoặc một hải cảng ở bờ biển? Chẳng lẽ ông ta không thể khắc phục khó khăn trở ngại để về quê hương hay sao? Phải chăng khoảng cách quá xa đến nỗi phải xem như không thể vượt qua được ư? Chỉ biết chắc chắn một điều là ông ta đã ngã xuống đây, rồi quá yếu đuối vì bệnh tật hay vì tuổi tác, không trở về động được, đành chết ở gốc cây này! Và nếu ông ta thiếu phương tiện để lên bắc hay sang đông tìm sự cứu giúp thì các nạn nhân của tàu Sloughi có đủ những phương tiện ấy hay không?
Dù thế nào thì cũng phải xem xét thật kĩ cái động. Biết đâu lại chẳng tìm được tài liệu gì đó về con người này, gốc gác ông ta, thời điểm ông ta tới đây… Mặt khác, cũng cần khảo sát xem có thể trú tại đây qua mùa đông sau khi rời du thuyền hay không.
- Nào, ta đi! - Briant nói.
Cả bọn, có Phann theo sau, lại vào động dưới ánh lửa của một cành thông nhựa thứ hai. Vật đầu tiên họ thấy trên một tấm ván gắn vào vách động là một bó nến thô kệch làm bằng mỡ, bấc là xơ gai. Service châm ngay một cây gắn vào giá gỗ và mọi người bắt đầu xem xét. Trước hết là khảo sát cấu trúc của động vì chắc chắn đây là nơi có thể ở được. Đó là một hốc đá được tạo nên từ thời kì hình thành hệ địa chất, không hề có dấu vết ẩm ướt, mặc dầu chỉ thông hơi bằng một cửa trông ra bờ lạch. Vách động đều khô ráo chẳng khác vách đá hoa cương, không có dấu vết thẩm thấu kết tinh nào, tức là những chuỗi giọt nước làm hình thành nhũ đá như ở các hang động khoáng pofia hay badan. Ngoài ra hướng cửa động lại tránh được gió từ biển thổi vào. Thật ra ánh sáng rất yếu, nhưng nếu mở thêm hai cửa thì có thể khắc phục được và làm trong động thông thoáng hơn, thỏa mãn nhu cầu của mười lăm con người. Còn về kích thước của động, chiều rộng hai mươi bộ, chiều dài ba mươi bộ thì rõ ràng không đủ chỗ cho cả phòng ngủ, phòng ăn, kho tổng hợp và bếp. Dẫu sao họ cũng chỉ tạm trú ở đây năm, sáu tháng qua mùa đông là đã lên đường theo hướng đông bắc tìm đến một thành phố nào đó của Bolivia hoặc Cộng hòa Argentina rồi. Còn khi buộc phải định cư hẳn ở đây, muốn cho thoải mái hơn thì hiển nhiên là phải mở rộng không gian, được cái vách đá vôi ở đây khá mềm, không khó đào. Trước mắt hãy tạm bằng lòng với cái động như thế này đã, đến mùa hè sẽ hay.
Nghĩ thế nên Briant kiểm kê tỉ mỉ các vật dụng trong động. Thật ra cũng chẳng có bao nhiêu. Con người khốn khổ này tới đây hầu như chỉ có hai bàn tay trắng. Từ con tàu đắm ông ta chỉ lấy được mấy mảnh vỡ chẳng ra hình thù gì, những thanh gỗ gãy, mấy mảnh vỏ tàu để đóng cái giường tồi tàn này, cái bàn, cái hòm, cái ghế dài, hai cái ghế đẩu này - toàn bộ đồ đạc của chỗ ở thảm hại này chỉ có vậy. Ông ta không được ưu đãi như các nạn nhân của tàu Sloughi nên thiếu những dụng cụ cần thiết mà chỉ có vài thứ! Một cái cuốc, một cái rìu, vài ba dụng cụ nấu ăn, một thùng nhỏ trước đây chắc đựng rượu, một cái búa, hai cái đục nguội, một cái cưa - đầu tiên chỉ thấy có thế. Các đồ vật đó hẳn là cứu được từ tàu đưa sang xuồng, chiếc xuồng mà giờ đây chỉ còn là những mảnh vụn nát gần lối đi qua lạch nước. Briant nghĩ thế và nói lại với các bạn những suy luận ấy. Thế là sau cảm giác kinh hãi khi nhìn thấy bộ xương mà liên tưởng đến số phận mình liệu rồi đây có phải chết trong quên lãng như vậy không, thì giờ đây các cậu đã tự tin trở lại khi nghĩ rằng mình có đủ mọi thứ mà người bất hạnh kia không có.
Vậy đây là người như thế nào, gốc gác ra sao? Tai nạn xảy ra hồi nào? Chắc chắn là ông ta đã ngã xuống từ nhiều năm rồi, tình trạng bộ xương ở gốc cây thừa đủ để xác nhận điều đó. Ngoài ra, mức độ gỉ sét của cái vòng và lưỡi cuốc chẳng chứng tỏ rằng ông ta đã chết từ lâu hay sao?
Tiếp theo liệu còn dấu vết gì nữa cho phép chuyển giả định thành kết luận hay không? Tiếp tục tìm tòi, các cậu lại phát hiện thêm mấy thứ nữa: một con dao đã gãy nhiều lưỡi, một compa, một ấm đun nước, một cọc thuyền bằng sắt, một mũi tách tao*, một loại dụng cụ của thủy thủ. Nhưng không có một dụng cụ đi biển nào, không có kính viễn vọng, không có la bàn, cả súng để săn bắn, để chống thú dữ hay thổ dân cũng không có. Như thế thì để sống được, chắc người ấy phải làm bẫy để bắt thú vật. Cuối cùng điều này cũng sáng tỏ khi Wilcox kêu:
Nguyên văn: “épissoir” - một dụng cụ dùng để bện thừng chão dùng trong hàng hải ngày trước.
- Cái gì thế này?
- Cái này ấy à? - Service hỏi lại.
- Chắc là bóng để chơi bi sắt. - Wilcox trả lời.
- Bóng để chơi bi sắt à? - Briant không khỏi ngạc nhiên, nhưng rồi cậu nhận ra ngay hai viên đá tròn mà Wilcox vừa nhặt lên dùng để làm gì. Đó là một dụng cụ săn bắt của người da đỏ Nam Mỹ gồm hai viên đá tròn nối với nhau bằng một sợi dây gọi là “bola”. Được một bàn tay thành thạo quăng ra, nó sẽ quấn vào chân khiến con vật không chạy được và dễ dàng làm mồi cho thợ săn. Chắc chắn là người từng ở động này đã làm ra nó cũng như một dụng cụ nữa gọi là “lazo”, một dây da dài, điều khiển như bola nhưng ở khoảng cách ngắn hơn. Bản kê các đồ vật tìm được trong động chỉ có thế. Xem ra thì về khoản này, Briant và các bạn giàu có hơn biết bao! Nhưng các cậu chỉ là trẻ con, còn đây là một người lớn. Vậy người ấy là một thủy thủ bình thường hay là một viên chỉ huy có kiến thức qua học tập? Nếu không phát hiện được dấu hiệu gì rõ ràng hơn thì rất khó xác định điều ấy.
Ở đầu giường, dưới một góc cái chăn mà Briant đã lật lên, Wilcox tìm thấy một cái đồng hồ treo ở một cái đanh đóng trên vách. Đó không phải là loại đồng hồ thường thấy của thủy thủ. Được chế tạo khá tinh tế, nó có vỏ kép bằng bạc có khóa treo mắc vào một sợi dây cũng bằng bạc.
- Giờ! Xem xem mấy giờ! - Service bảo.
- Giờ chẳng nói được điều gì cả, - Briant đáp. - Rất có thể cái đồng hồ này đã bị han gỉ và thấy kim chỉ 3 giờ 27 phút.
- Nhưng, - Doniphan lưu ý - đồng hồ này có khắc tên… Từ đó có thể xác định…
- Có lí lắm! - Briant trả lời.
Và sau khi nhìn kĩ mặt vỏ bên trong, cậu đọc được những chữ khắc sau đây:
“Delpeuch - Saint Malo” - tên và địa chỉ nhà sản xuất.
- Đó là một người Pháp, đồng bào của mình! - Briant cảm động thốt lên.
Không còn nghi ngờ gì nữa, một người Pháp đã từng sống trong động này cho đến khi cái chết chấm dứt mọi nỗi thống khổ của ông ta.
Tiếp đó lại có một chứng tích khác, không kém dứt khoát, bổ sung thêm. Khi chuyển dịch cái giường, Doniphan nhặt được một quyển sổ viết bằng bút chì, không may là hầu hết các dòng chữ đều không đọc được nữa. Trong những chữ luận ra được có mấy chữ François Baudoin, hai chữ tên người bắt đầu đúng bằng hai chữ cái mà nạn nhân đã khắc trên cây! Cuốn sổ này chính là nhật kí cuộc sống hằng ngày của ông ta từ khi gặp nạn trên đất này! Rồi trong những mẩu câu chưa bị thời gian xóa nhòa hoàn toàn, Briant còn đọc được mấy chữ: “Duguay Trouin”, hẳn là tên con tàu bị đắm ở vùng biển này của Thái Bình Dương. Ở đầu sổ cũng có bốn con số, trùng với những số khắc dưới hai chữ cái đầu tên chắc là năm con tàu bị đắm. Như vậy là François Baudoin đã đổ bộ lên đất này từ năm mươi ba năm trước. Suốt thời gian trú ngụ tại đây, ông không nhận được sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Vậy nếu François Baudoin không tới được nơi nào khác trên châu lục này thì phải chăng có những trở ngại mà ông không thể vượt qua? Hơn bao giờ hết, các cậu bé thấy rõ hoàn cảnh nghiêm trọng của mình. Làm sao các cậu có thể làm được việc mà một người lớn, một thủy thủ quen với vất vả, dày dạn với gian nan còn không làm được?
Thế rồi một phát hiện cuối cùng khiến các cậu hiểu ra rằng mọi toan tính rời khỏi mảnh đất này đều là vô ích.
Khi lật các trang giấy, Doniphan thấy một tờ giấy gấp bên trong. Đó là một bản đồ được vẽ bằng một thứ mực, có lẽ là làm bằng muội khói pha nước. Cậu kêu lên:
- Một cái bản đồ!
- Mà François Baudoin đã vẽ! - Briant nối theo.
- Nếu thế thì ông ấy không phải là thủy thủ bình thường mà là một người chỉ huy của tàu Duguay Trouin, - Wilcox nhận xét - vì ông ta dựng được bản đồ kia mà!
- Để xem đây là bản đồ gì? - Doniphan nói.
Đúng, đó là bản đồ vùng này! Thoạt nhìn đã có thể nhận ngay ra vũng Sloughi, dải đá ngầm, bãi cát đang hạ trại, cái hồ mà Briant và các bạn vừa đi men theo bờ phía tây, ba đảo nhỏ ngoài khơi, vách đá chạy vòng đến tận con lạch, vùng trung tâm toàn rừng rậm. Ngoài bờ hồ phía bên kia lại là rừng mọc đến một bờ biển khác và… suốt chu vi cái bờ ấy là biển.
Thế là tan biến mọi dự kiến đi về phía đông để tìm kiếm sự cứu giúp! Thế là Briant thắng Doniphan! Thế là mảnh đất được cho là lục địa này có biển bao bọc hoàn toàn. Đó là một hòn đảo và vì thế mà François Baudoin không thoát đi được!
Có thể dễ dàng thấy rằng bản đồ vẽ khá chính xác đường nét tổng thể của đảo. Chiều dài chắc là chỉ ước lượng bằng thời gian đi từ nơi này đến nơi kia chứ không phải bằng phép đạc tam giác. Nhưng căn cứ vào những điều Briant và Doniphan đã biết về khu vực giữa vũng Sloughi và cái hồ thì sai số không nhiều. Thêm nữa, bản đồ chứng tỏ nạn nhân đã đi khắp đảo vì ông đã ghi lại những đặc điểm địa lí chủ yếu và chắc chắn cái lều và đường qua suối là công trình của ông.
Dưới đây là phân bố địa hình của đảo mà François Baudoin đã vẽ trong bản đồ. Đảo hình thuôn dài, giống một con bướm khổng lồ dang cánh. Đảo thắt lại ở giữa, một phía là vũng Sloughi, phía đông là một vũng biển khác. Một vũng thứ ba rộng hơn ở phía nam. Lọt giữa những khu rừng rộng, hồ dài khoảng mười tám dặm, chiều ngang khoảng năm dặm, kích thước khá lớn khiến Briant, Doniphan, Wilcox và Service khi tới ven hồ phía tây không thấy được bờ các phía đông, nam, bắc nên ban đầu cứ ngỡ là biển. Hồ có nhiều lạch chảy ra, đáng kể là con lạch chạy trước cửa hang và đổ ra vũng Sloughi cạnh chỗ cắm trại.
Địa hình cao đáng kể duy nhất dường như là vách đá chạy xéo từ mũi đất phía bắc vũng Sloughi đến bờ phải con lạch. Trên bản đồ, phía nam đảo là một vùng khô cằn toàn cát, còn bên kia con lạch là đầm lầy mênh mông tận cùng là một mũi đất nhọn ở phía nam. Hướng đông bắc và đông nam là những tuyến gò đống dài nối tiếp, hình thái khác hẳn phía vũng Sloughi. Cuối cùng, căn cứ vào tỉ lệ ghi ở phía dưới bản đồ thì chỗ dài nhất của đảo tính từ bắc thẳng xuống nam là vào khoảng năm mươi dặm, từ đông sang tây khoảng hai mươi nhăm dặm. Chu vi đảo tính cả chỗ vòng vèo vào ra là khoảng một trăm năm mươi dặm. Còn như vị trí của đảo có nằm trong nhóm quần đảo Polynésie hay lẻ loi trên Thái Bình Dương thì không có thông tin nào trên bản đồ cả.
Dù sao những nạn nhân của tàu Sloughi cũng phải tính tới chuyện định cư lâu dài chứ không lưu trú tạm thời được. Mà hang động này lại hiến cho họ một chỗ ở tốt. Vì thế nên chuyển hết tài sản vật dụng tới đây trước khi những trận cuồng phong đầu tiên của mùa đông phá hủy hoàn toàn du thuyền.
Điều cần nhất bây giờ là trở lại trại không chậm trễ. Gordon chắc là lo lắng lắm - Briant và các bạn ra đi đã ba ngày - sợ xảy ra điều gì không may chăng?
Theo lời bàn của Briant, họ trở về ngay hôm đó, vào 11 giờ sáng. Không cần vượt qua vách đá nữa vì bản đồ cho biết là đi theo bờ lạch từ đông sang tây là gần nhất, nhiều lắm chỉ bảy dặm là tới vũng Sloughi, chỉ mất mấy giờ thôi. Nhưng trước đó, các cậu muốn thực hiện nghĩa vụ cuối cùng với nạn nhân người Pháp. Họ dùng cuốc đào huyệt ngay dưới gốc cây mà François Baudoin đã khắc chữ rồi làm một cây thập tự đánh dấu ngôi mộ. Lễ nghi xong, cả bốn cậu quay lại bít kín cửa động để không con vật nào vào được. Sau khi thanh toán hết chỗ thức ăn còn lại họ trở xuống bờ phải con lạch chạy dài dưới chân vách đá. Khoảng một giờ sau, tới chỗ vách đá tách khỏi con lạch chạy xéo về hướng tây bắc thì họ đi theo bờ lạch vì thông thoáng, ít bị cây cối ngăn trở hơn. Dự kiến dùng con lạch làm đường giao thông giữa vũng Sloughi và hồ, vừa đi Briant vừa không ngừng chú ý quan sát. Cậu thấy rằng ít ra thì ở thượng lưu cũng có thể dễ dàng dùng thuyền bè kéo dây hay dùng sào đẩy để chở đồ đạc, nhưng phải tận dụng được thủy triều có tác động đến tận hồ. Điều quan trọng là dòng chảy không có ghềnh hoặc quá nông, quá hẹp khiến thuyền bè không qua lại được. Trong khoảng ba dặm đầu tiên của con lạch, kể từ hồ, chưa có chỗ nào như vậy, điều kiện vận tải đường thủy rất tốt. Tuy vậy đến quãng 4 giờ chiều thì không đi theo lạch được nữa. Tới đây có một vũng lội, đất yếu, đi vào đó rất nguy hiểm. Tốt hơn hết là phải cắt rừng mà đi. La bàn cầm tay, Briant dẫn các bạn đi theo hướng tây bắc mong tới vũng Sloughi theo khoảng cách ngắn nhất. Từ đó các cậu đi rất chậm vì dưới chân là cỏ cao rậm rạp không lách qua được, trên đầu thì tán những cây bạch dương, cây thông, cây sồi che ánh mặt trời sắp lặn khiến mặt đất tối om. Đi khoảng hai dặm trong những điều kiện đó vô cùng vất vả. Sau khi vòng qua được vũng lội, tốt nhất là tìm trở lại bờ lạch vì bản đồ đã cho biết lạch đổ ra vũng Sloughi. Nhưng thế thì phải đi quá xa nên Briant và Doniphan sợ mất thời gian, cứ tiếp tục cắt rừng mà đi. Đến 7 giờ thì họ nghĩ là đã bị lạc. Liệu có phải qua một đêm nữa trong rừng không? Giá còn cái gì để ăn thì chỉ khổ một phần, đằng này lại đang đói cồn cào! Briant nói:
- Chúng mình vẫn phải đi thôi. Cứ theo hướng tây, nhất định là phải về được trại.
- Miễn là cái bản đồ ấy không sai và con lạch đúng là chảy ra vũng. - Doniphan đáp.
- Tại sao cái bản đồ ấy lại sai, Doniphan?
- Và tại sao nó lại không sai, Briant?
Rõ ràng Doniphan chưa tiêu hóa được nỗi thất vọng của mình, khăng khăng chẳng mấy tin cậy vào tấm bản đồ của nạn nhân người Pháp. Cậu vô lí vì chí ít thì ở những nơi chính cậu đã khảo sát, không thể không công nhận là công trình của François Baudoin thật sự chính xác.
Briant biết rằng tranh cãi là vô ích và mọi người vẫn tiếp tục đi.
Đến 8 giờ thì tối quá, chẳng còn nhìn thấy gì nữa mà vẫn chưa ra đến bìa của cánh rừng bất tận này.
Bỗng ở một chỗ trống không có cây, một luồng sáng vút lên trong không gian.
- Cái gì thế nhỉ? - Service kêu lên.
- Mình cho là sao băng. - Wilcox trả lời.
- Không, đó là pháo hiệu… - Briant nói, từ tàu Sloughi.
- Tín hiệu của Gordon! - Doniphan kêu lên và trả lời bằng một phát súng.
Chọn một ngôi sao làm chuẩn, họ đi về hướng phát pháo hiệu thứ hai vọt lên trong đêm tối và bốn mươi lăm phút sau về tới nơi hạ trại.
Thật vậy, đúng là Gordon, vì sợ các bạn đi lạc đã nghĩ ra cách bắn pháo hiệu để họ nhận được vị trí của du thuyền. Ý tưởng tuyệt vời. Nếu không đêm đó làm sao Briant, Doniphan, Wilcox và Service được nằm nghỉ trong khoang ngủ của du thuyền.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo