We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ồ Đạc Gia Đình
Cô Alfrida. Cha tôi gọi cô là Freddie. Hai người là anh em họ, sống hai trang trại kề nhau và sau đó cùng nhà một thời gian dài. Một ngày nọ hai người ra đồng chơi đùa với con chó của cha tôi, tên là Mack. Hôm đó nắng rạng rỡ, nhưng không làm tan băng trên các luống cày. Họ giậm chân thình thịch lên băng và vui thú nghe tiếng kêu răng rắc dưới chân.
“Làm sao mà cô lại nhớ ra một chuyện như thế?” Cha tôi nói. “Cô bịa ra chuyện đó.”
“Em không bịa,” cô nói.
“Cô bịa.”
“Em không bịa.”
Bỗng nhiên họ nghe thấy tiếng chuông rung từng hồi, tiếng còi hú. Chuông tòa thị chính và chuông nhà thờ đang rung. Còi nhà máy đang hú trong thị trấn cách đó ba dặm. Cả thế gian như vỡ òa vì hân hoan, con Mack chạy ùa ra ngoài đường, vì nó chắc mẩm một đoàn diễu hành sắp đi qua. Thế chiến thứ nhất vừa kết thúc.
* * *
Cứ ba lần một tuần, chúng tôi lại thấy tên cô Alfrida trên báo. Chỉ tên gọi của cô thôi - Alfrida. Nó được in như kiểu viết tay, một chữ ký bay bổng bằng bút máy. Dạo quanh phố thị, với Alfrida. Phố thị được nói tới không phải thị trấn gần đó, mà là một thành phố về phía Nam nơi cô Alfrida sống, nơi gia đình tôi đến thăm cỡ hai hay ba năm một lần.
Các cô dâu tháng Sáu tương lai, giờ là lúc cho tất cả các bạn bắt đầu đăng ký lựa chọn của mình ở hiệu Tủ Ly, và tôi phải nói rằng nếu tôi mà là cô dâu tương lai - hỡi ơi, tôi lại không được như thế - thì tôi sẽ cưỡng lại mọi bộ đồ ăn in hoa văn, dù có thanh tú đến mấy, mà chọn bộ Rosenthal màu trắng ngọc trai siêu hiện đại…
Trị liệu làm đẹp có thể đến rồi đi, nhưng mặt nạ dưỡng da người ta bôi cho bạn ở salon Fantine thì đảm bảo - cho các cô dâu - làm da họ bừng sáng như những đóa hoa cam khoe sắc. Và còn làm mẹ cô dâu - cùng các cô dì và có lẽ cả bà của cô dâu - cảm thấy như vừa được tắm trong Suối nguồn Tươi trẻ…
Nhìn cách cô Alfrida nói chuyện, người ta không thể ngờ được cô lại viết với phong cách này.
Cô cũng là một trong những người viết với bút danh Flora Simpon, trấn trang Các bà nội trợ Flora Simpson. Phụ nữ khắp làng quê tin rằng họ đang viết thư cho một phụ nữ mũm mĩm tóc muối tiêu uốn quăn với nụ cười độ lượng, có ảnh ở đầu trang. Nhưng sự thật - mà tôi không được phép nói ra - là những đoạn trả lời xuất hiện ở dưới mỗi lá thư họ gửi là do cô Alfrida sáng tác, cùng với một ông mà cô gọi là Horse Henry, cái người, ngoài việc này, còn viết cả cáo phó. Các bà các cô đặt cho mình những cái tên như Sao Mai và Linh Lan và Ngón Tay Xanh và Annie Rooney Nhỏ Bé và Nữ Hoàng Giẻ Rửa Bát. Nhiều tên được ưa chuộng đến mức phải đánh số thêm vào - Cô Bé Tóc Vàng 1, Cô Bé Tóc Vàng 2, Cô Bé Tóc Vàng 3.
Sao Mai thân mến, cô Alfrida hay ông Horse Henry sẽ viết như sau: Eczema là một tai họa khủng khiếp, nhất là vào thời tiết nóng như lúc này, và tôi hy vọng bột nở làm dịu đi phần nào. Dĩ nhiên các cách chữa trị gia truyền cần được tôn trọng, nhưng chẳng hại gì mà không hỏi bác sĩ. Thật tuyệt khi nghe tin chồng chị đã hoạt động trở lại. Chẳng thể vui vẻ được khi cả hai cùng khó ở…
Trong mọi thị trấn nhỏ của vùng đó ở tỉnh Ontario, các bà nội trợ thành viên Câu lạc bộ Flora Simpson đều tổ chức một buổi picnic thường niên vào mùa hè. Flola Simpson luôn gửi lời thăm hỏi đặc biệt đến họ, nhưng phân bua rằng có quá nhiều sự kiện nên bà không thể tham dự hết được, mà bà lại không muốn phân biệt người này người kia. Cô Alfrida nói rằng người ta bàn đến chuyện cử Horse Henry cải trang đội tóc giả và nhét gối làm ngực giả, hay có thể chính cô sẽ liếc mắt như Phù thủy xứ Babylon[8] (đến cả cô cũng không thể trích dẫn Kinh Thánh chính xác mà nói từ “con điếm” bên bàn ăn của bố mẹ tôi) với một bi thuốc phì phèo trên lớp son môi. “Nhưng,” ôi, cô nói, “tòa báo sẽ giết bọn em mất. Với lại dù sao làm thế thì cũng quá xấu tính.”
Cô luôn gọi thuốc lá là bi. Một lần khi tôi chừng mười lăm mười sáu tuổi, cô nghiêng người qua bàn hỏi tôi, “Làm một bi chứ?” Bữa ăn đã xong, em trai và em gái tôi đã rời bàn ăn. Cha tôi lắc đầu. Trước đó ông đã bắt đầu cuốn thuốc cho mình.
Tôi cảm ơn và để cô Alfrida châm thuốc, rồi hút thuốc lần đầu tiên trước mặt cha mẹ mình. Họ giả bộ như đó là trò đùa tuyệt hảo.
“A, anh xem con gái anh kìa,” mẹ nói với cha. Bà đảo mắt, vỗ ngực và nói bằng giọng yếu ớt giả tạo. “Tôi đến ngất mất thôi.”
“Phải lôi cái roi vụt ngựa ra đây,” cha tôi nói, đoạn vờ nhỏm người dậy.
Khoảnh khắc đó thật đáng kinh ngạc, như thể cô Alfrida đã biến chúng tôi thành người khác. Bình thường mẹ tôi sẽ nói bà không thích nhìn phụ nữ hút thuốc. Bà không bảo như thế là không đoan trang, hay không có vẻ quý phái - mà chỉ nói bà không thích. Và khi bà nói rằng bà không thích cái gì bằng một kiểu tông giọng nào đó, thì dường như không phải bà đang thú nhận mình đang cư xử vô lý mà bà đang vận đến một nguồn hiểu biết riêng, vốn không thể công phá và gần như linh thiêng. Chính những lúc bà tiến tới tông giọng đó, kèm theo biểu hiện lắng nghe tiếng nói nội tâm, tôi đặc biệt ghét bà.
Còn về cha tôi, ông từng đánh tôi, trong chính phòng này, không phải bằng roi vụt ngựa mà bằng thắt lưng của ông, vì tội chống lại luật lệ của mẹ và làm tổn thương tình cảm của mẹ, và tội dám cãi lại. Thế mà lúc này đây những chuyện đánh con như thế dường như chỉ có thể xảy ra ở một vũ trụ khác.
Cha mẹ tôi bị cô Alfrida - và cả tôi nữa - dồn vào góc, nhưng họ đáp lại can trường và trang nhã đến độ thực cứ như là cả ba chúng tôi - mẹ, cha và chính tôi - được nâng lên một mức thanh thoát và đĩnh đạc mới. Và giây phút đó, tôi có thể thấy họ - nhất bà mẹ tôi - như có khả năng đạt được một kiểu thư thái hiếm thấy.
Tất cả là nhờ cô Alfrida.
Cô Alfrida luôn được nhắc đến như một phụ nữ đeo đuổi sự nghiệp. Điều này làm cô có vẻ trẻ hơn cha mẹ tôi, dù ai cũng biết cô xấp xỉ tuổi họ. Người ta cũng nói rằng cô là người thành phố. Và thành phố, khi được nói đến như thế, có nghĩa là thành phố nơi cô sống và làm việc. Nhưng nó cũng có cả nghĩa khác - không chỉ là hình dáng đặc trưng của các tòa nhà và vỉa hè rồi đường tàu điện, hay thậm chí các cá nhân túm tụm thành đám đông. Nó nhắm chỉ cái gì đó trừu tượng hơn và có thể đi lặp lại, một thứ giống như tổ ong, ào ạt như bão tố nhưng có tổ chức, không đích xác là vô tích sự hay hoang tưởng, nhưng phiền phức và đôi khi nguy hiểm. Người ta đến một nơi như thế khi phải đến và vui mừng khi đi khỏi. Tuy vậy, một vài người lại bị nơi đó cuốn hút - như cô Alfrida chắc đã từng thế, cách đây lâu rồi, và như tôi đang rít thuốc lá lúc này, cố giữ điếu thuốc với vẻ thờ ơ, cho dù giữa các ngón tay tôi, nó dường như đã phồng lên tới cỡ cây gậy bóng chày.
Gia đình tôi không có hoạt động giao lưu xã hội thường kỳ nào - người ta không đến nhà tôi ăn uống, tiệc tùng lại càng không. Có lẽ là do tầng lớp xã hội. Cha mẹ chàng trai mà tôi cưới, khoảng năm năm sau cái cảnh ở bàn ăn đó, mời cả khách không phải họ hàng đến ăn tối, và họ dự các bữa tiệc chiều mà họ hay thản nhiên gọi là tiệc cocktail. Đó là cuộc sống như tôi từng đọc trong các truyện ngắn trên tạp chí, và dường như đối với tôi cuộc sống ấy đặt gia đình chồng vào một thế giới được ưu đãi theo kiểu sách truyện.
Còn gia đình tôi thì chỉ đặt ba cái trò cờ quạt lên bàn phòng ăn mỗi năm hai hay ba lần, để bà tôi và các bác gái - tức là các chị gái của cha tôi - và chồng họ giải trí. Chúng tôi làm việc này vào lễ Giáng sinh hay lễ Tạ ơn, khi đến lượt gia đình tôi, và có thể là cả khi họ hàng từ vùng khác trong tỉnh đến thăm. Vị khách này luôn khá giống các bác gái và chồng họ, chứ không mảy may giống cô Alfrida chút nào.
Hai mẹ con tôi bắt đầu chuẩn bị cho các bữa ăn như thế từ vài ngày trước. Chúng tôi là ủi tấm khăn trải bàn đẹp, vốn nặng như cái ga trải giường, và rửa bát đĩa đẹp, vốn nằm tích bụi trong tủ ly, và lau chân ghế trong phòng ăn, cũng như làm món xa lát thạch, bánh nướng nhồi nhân và bánh ga tô, vốn nhất thiết đi kèm với món trung tâm là gà tây nướng hay giăm bông bỏ lò, cùng các bát rau củ. Có quá nhiều thức ăn và phần lớn hội thoại ở bàn ăn là liên quan đến đồ ăn, khách khứa thì khen thức ăn ngon ra sao, rồi bị thúc giục ăn nữa, rồi đáp là họ không thể, họ đã no căng rồi, rồi chồng các bác gái mủi lòng lấy thêm thức ăn, còn các bác gái thì lấy thêm một chút thôi và nói rằng họ không nên làm thế, họ đã no sắp vỡ bụng rồi. Và vẫn còn món tráng miệng tiếp theo.
Hiếm khi có ý tưởng đàm thoại về đề tài chung chung nào, và thật ra người ta có cảm giác rằng cuộc hội thoại nào vượt các giới hạn được hiểu ngầm đều có thể trở thành một sự chia rẽ, một kiểu phô trương. Chưa chắc mẹ tôi đã hiểu được các giới hạn đó, đôi khi bà không thể đợi đến lúc người khác ngừng nói, hay tôn trọng thái độ ác cảm với kiểu nói thêm thắt. Vì thế khi ai đó kể, “Vừa thấy Harley trên phố hôm qua,” nhiều khả năng bà sẽ phát biểu, có lẽ là, “Anh chị có nghĩ một người như Harley chắc sẽ ở vậy cả đời không? Hay chỉ là anh ta chưa gặp người hợp ý?”
Như thể, khi người ta kể gặp ai đó, là phải có điều gì để nói, điều gì đó thú vị.
Tiếp đến có thể là một khoảng im lặng, không phải vì mọi người ở bàn ăn có ý khiếm nhã mà vì họ bị bối rối. Cho đến khi cha tôi nói với vẻ ngượng nghịu và trách móc cạnh khóe, “Anh ta có vẻ ổn thỏa khi sống một mình.”
Nếu không có mặt họ hàng, nhiều khả năng ông sẽ nói “một mình”. Và mọi người lại tiếp tục cắt, xúc, nuốt, trong ánh hào nhoáng của khăn trải bàn mới giặt thơm tho, trong ánh sáng rạng rỡ rọi đến qua cửa sổ mới được lau rửa. Các bữa ăn này luôn diễn ra vào giữa ban ngày.
Những người ngồi quanh bàn ăn xúc ấy đều có khả năng tán chuyện đấy chứ. Khi lau rửa bát đĩa trong bếp, các bác gái có thể nói về ai đó đang có u, đau họng, bị mụn nhọt đầy người. Họ kể về hệ tiêu hóa, thận, hệ thần kinh của chính họ đang hoạt động thế nào. Dường như nhắc đến các vấn đề cơ thể thì không bao giờ là lạc đề, hay đáng ngờ vực, như nhắc đến điều gì đó đọc trên tạp chí, hay một mẩu tin tức - không hiểu sao có gì đó không phải lối khi quan tâm đến những chuyện không gần gũi thiết thân. Cùng lúc đó, khi nghỉ ngơi trên hiên, hay trong cuộc đi dạo chóng vánh ngắm hoa màu, các ông chồng có thể truyền nhau thông tin ai đó đang gặp khó khăn với nhà băng, hay vẫn nợ tiền mua máy móc đắt tiền nào đó, hay đầu tư vào một vụ ngớ ngẩn mà mới chỉ đang tiến hành cũng đã gây thất vọng rồi.
Có lẽ họ cảm thấy bị dồn nén bởi vẻ trang trọng của phòng khách, bởi sự có mặt của đĩa để ăn bánh mì phết bơ và thìa để ăn món tráng miệng, trong khi vào các dịp khác, họ có thói quen đặt một miếng bánh nướng ngay lên chính cái đĩa ăn vừa được chùi sạch bách bằng mẩu bánh mì. (Nhưng nếu không sắp đặt mọi thứ theo đúng quy cách như vậy thì lại bị coi là xúc phạm khách. Ở nhà của chính họ, vào những dịp tương tự, họ cũng bắt khách khứa chịu cái nhịp độ đó.) Có lẽ đơn giản vì ăn là một chuyện, còn đàm thoại lại và chuyện khác.
Khi cô Alfrida đến chơi, mọi chuyện lại khác hẳn. Bàn được trải khăn đẹp và bát đĩa đẹp được mang ra. Mẹ tôi sẽ rất vất vả chuẩn bị thức ăn và lo lắng về thành quả - bà có thể từ bỏ thực đơn gà tây, món nhồi và khoai tây nghiền quen thuộc mà làm món gì đó như xa lát gà bao quanh là các đống cơm đổ khuôn và ớt chuông cắt nhỏ, tiếp đó là món tráng miệng có thạch với lòng trắng trứng và kem đánh bông, mà thời gian để nó đông lại lâu đến phát cáu, bởi nhà tôi không có tủ lạnh và phải làm lạnh bánh dưới sàn tầng hầm. Nhưng sự gò bó, nhạt nhẽo ở bàn ăn thì hoàn toàn biến mất. Alfrida không những chấp thuận được tiếp thức ăn lần thứ hai, mà cô còn hỏi xin. Và cô làm thế một cách gần như lơ đãng, cũng như khi cô lơ đãng buông vài câu khen, như thể thức ăn và việc ăn uống chỉ là chuyện thứ yếu, dù dễ chịu, còn cô đến đây thực ra là để nói chuyện và làm người khác nói chuyện, và người ta muốn nói về bất kỳ chủ đề nào cũng được - gần như mọi chủ đề.
Cô luôn đến thăm vào mùa hè, cô hay mặc một kiểu váy mùa hè óng mượt có kẻ sọc, phần trên là áo yếm khoe lưng trần. Lưng cô không đẹp, rải rác nốt ruồi đậm màu, vai cô xương xẩu, còn ngực gần như phẳng. Cha tôi luôn bình luận về việc cô có thể ăn bao nhiêu mà vẫn gầy. Có khi ông lại nói ngược, kêu ca rằng cô luôn kén ăn nhưng vẫn không tránh khỏi bị tích mỡ. (Gia đình tôi không coi việc bàn tán về béo hay gầy hay xanh xao hay hồng hào hay hói đầu là không thích hợp.)
Mái tóc sẫm màu của cô được uốn lọn phía trên khuôn mặt và ở hai bên, theo mốt thời đó. Da cô trông nâu nâu, chằng chịt những vết nhăn mảnh, miệng cô rộng, môi dưới khá dày, gần như trễ xuống, tô son thắm khiến môi cô luôn để lại vết trên tách trà và cốc nước. Khi cô mở rộng miệng - mà gần như lúc nào cũng vậy, cả khi nói hay khi cười - người ta có thể thấy vài cái răng ở sâu phía trong đã bị nhổ. Chẳng ai nói cô xinh cả vả lại, tôi thấy phụ nữ cứ trên hai lăm tuổi là đã vượt xa cái ngưỡng còn khả năng xinh đẹp, và đã mất quyền được xinh, có lẽ thậm chí mất luôn cả ham muốn - nhưng cô vẫn nồng nhiệt và táo bạo. Cha tôi trầm tư phát biểu là cô đầy nhiệt huyết.
Cô Alfrida đàm đạo với cha tôi về tình hình thế giới, về chính trị. Cha tôi đọc báo, ông nghe đài, ông có ý kiến riêng về những chuyện đó nhưng hiếm khi có cơ hội bàn luận đến. Chồng các bác gái cũng có quan điểm riêng, nhưng ý kiến của họ ngắn gọn, bất biến và thể hiện một niềm bất tín vĩnh viễn vào các nhân vật công chúng và nhất là toàn bộ người nước ngoài, cho nên hầu như chỉ moi được họ những lời cằn nhằn qua loa cho xong. Bà tôi bị điếc - không ai có thể chắc được bà biết đến đâu và bà nghĩ gì về mọi chuyện, còn bản thân các bác gái thì lại khá tự hào về mức độ không biết gì hay không phải quan tâm gì của họ. Mẹ tôi từng là giáo viên, bà có thể lưu loát chỉ ra tất cả các nước châu Âu trên bản đồ, nhưng bà nhìn mọi thứ qua lớp sương mù của riêng bà, với Đế Chế Anh và gia đình hoàng gia to lù lù còn mọi thứ khác bị rút giản, bị nằm vào một đống lộn xộn mà bà dễ dàng không đếm xỉa tới.
Quan điểm của cô Alfrida không thực sự quá xa với quan điểm của các ông bác. Hay có vẻ vậy. Nhưng thay vì cằn nhằn cho qua, cô lại ré lên cười, và kể về các thủ tướng và tổng thống Mỹ, và John L. Lewis và thị trưởng Montreal - toàn chuyện xấu về họ. Cô kể về gia đình hoàng gia nữa, nhưng trong những chuyện này cô phân biệt người tốt như vua, hoàng hậu và nữ công tước xứ Kent xinh đẹp, với người xấu xa như gia đình Windsor và lão vua già Eddy, lão ấy - cô kể - bị một bệnh gì đó và còn cố bóp cổ vợ mình đến nỗi để lại vết trên cổ, thành thử bà ta luôn phải đeo vòng hạt trai. Cách phân biệt tốt xấu này khá trùng với cách của mẹ tôi dù bà hiếm khi nói ra, vì thế nên bà không phản đối - cho dù lời ám chỉ đến bệnh giang mai làm bà rúm người lại.
Thấy thế tôi chỉ mỉm cười đầy chủ tâm, với vẻ bình tĩnh bất cần.
Cô Alfrida gọi người Nga bằng những cái tên ngộ nghĩnh. Mikoyan-sky. Bác Joe-sky. Cô tin là họ đang che mắt thiên hạ, Liên Hiệp Quốc chỉ là một trò hề, không bao giờ làm được chuyện gì, còn Nhật Bản sẽ lại trỗi dậy và đáng ra đã phải bị tiêu diệt khi có cơ hội. Cô cũng không tin tưởng vào Quebéc. Hay vào giáo hoàng. Cô còn lấn cấn với thượng nghị sĩ McCarthy - cô muốn đứng về phe ông ta, nhưng chướng ngại vật nằm ở chỗ ông ta lại theo Công giáo. Cô gọi giáo hoàng là cáo hoàng. Cô thấy hứng thú khi nghĩ về mọi tên lừa bịp và du thủ du thực ta có thể tìm thấy trên thế gian.
Đôi khi cô như đang đóng kịch - tỏ vẻ, có lẽ để trêu chọc cha tôi. Để làm ông cáu, như cách nói của ông, làm ông điên lên. Nhưng không phải vì cô ghét ông hay thậm chí là muốn làm ông khó chịu. Ngược lại là đằng khác. Cô có thể giày vò ông như đám thiếu nữ vẫn giày vò bọn con trai ở trường, cãi cọ là niềm khoái cảm kỳ quái cho cả hai phía và xúc phạm được coi là tâng bốc. Cha tôi tranh luận với cô, luôn bằng giọng hòa nhã điểm tĩnh, ấy thế nhưng rõ ràng ông chủ ý kích cô tiếp tục. Đôi khi ông sẽ quay ngoắt thái độ mà nói rằng có thể cô đúng - rằng vì làm báo nên chắc cô có nguồn tin mà ông không thể có. Cô vừa chỉnh tôi một trận đấy, ông mai mỉa, lẽ ra tôi nên biết điều mà biết ơn cô mới phải. Còn cô thì đáp, đừng có vờ vịt với em.
“Hai anh em nhà này,” mẹ tôi nói, với vẻ tuyệt vọng giả bộ nhưng vẻ kiệt sức thì có lẽ là thật, thế là cô Alfrida bảo mẹ tôi nên đi ngả lưng một chút đi, bà đáng được tận hưởng việc đó sau bữa ăn tuyệt trần, cô cháu tôi sẽ lo chuyện bát đĩa. Mẹ tôi bị bệnh run cánh tay phải, ngón tay cứ cứng đờ ra, và bà tin mình bị như thế khi làm việc quá mệt.
Khi hai cô cháu dọn rửa trong bếp, cô Alfrida tán chuyện với tôi về những người nổi tiếng - các tài tử, thậm chí cả các ngôi sao màn bạc nhí đến trình diễn ở thành phố nơi cô sống. Bằng cái giọng nói nhỏ lại nhưng vẫn lạc đi bởi điệu cười bất kính man dại, cô kể cho tôi chuyện họ cư xử tồi tệ ra sao, tin đồn về các xì căng đan riêng tư chưa hề lên mặt báo. Cô nhắc đến người đồng tính, đến ngực giả, đến các chuyện tình tay ba trong nhà - đủ loại chuyện tôi từng loáng thoáng đọc được nhưng vẫn thấy choáng khi nghe kể về chúng ngoài đời thực, kể cả khi nghe qua người thứ ba hay thứ tư.
Răng của cô Alfrida luôn làm tôi chú ý, đến độ ngay cả trong những bận kể lễ tâm tình đó, đôi chỗ tôi để mất mạch chuyện. Ở hàng răng cửa bên trái, cái nào cũng có màu hơi khác, chẳng cái nào giống cái nào. Một vài chiếc răng đóng men khá dày ngả màu ngà thẫm, những chiếc khác trắng đục, gợn màu hoa đinh hương, sáng loáng như tấm phản quang dụ cá từ những đường viền răng bằng bạc, đôi khi lại lóe ánh vàng. Răng người thời đó hiếm khi trông vững chắc đẹp đẽ như ngày nay, trừ phi là răng giả. Nhưng hàm răng của cô Alfrida lại khác thường bởi tính cá biệt, độ dãn cách rõ rệt, và kích thước lớn. Khi cô Alfrida buông lời nhạo báng gây tổn thương đặc biệt và có chủ tâm, răng cô như nhảy chồm ra phía trước, giống lính gác lâu đài, hay các chiến binh mang giáo mác vui nhộn.
“Cô ta luôn có vấn đề về răng,” các bác gái nói. “Còn nhớ lần cô ta bị áp xe không, chất độc lan khắp cơ thể.”
Thật đúng kiểu của họ, tôi nghĩ, vứt xó trí tuệ và phong cách của cô Alfrida, và biến răng cô thành chuyện để thương xót.
“Sao cô ta không nhổ hết đi rồi làm lại nhỉ?” họ nói.
“Có vẻ con bé không đủ tiền làm việc đó,” bà tôi nói, làm ai cũng bất ngờ, thỉnh thoảng bà vẫn làm vậy, chứng tỏ rằng bà vẫn đang theo sát cuộc hội thoại từ đầu đến cuối.
Và bà còn làm tôi bất ngờ bởi làn ánh sáng mới mẻ thường nhật mà nhận xét của bà chiếu lên cuộc đời cô Alfrida. Tôi vốn chắc mẩm cô Alfrida giàu có - ít nhất là giàu so với mọi người khác trong gia đình. Cô sống trong một căn hộ - tôi chưa từng đến đó, nhưng với tôi việc này ít nhất truyền tải ý tưởng về một cuộc sống rất văn minh - và cô không mặc loại quần áo tự may, giày cô không phải loại Oxford như giày của hầu hết phụ nữ trưởng thành tôi biết - cô đi xăng đan kết bằng những dải nhựa chất liệu mới có màu rực rỡ. Khó mà biết được liệu có phải bà tôi chỉ đang sống trong quá khứ, cái thời mà làm răng giả là một khoản chi tiêu hệ trọng, tột bậc của cả đời người, hay thật ra bà biết nhiều chuyện về cuộc sống của cô Alfrida mà tôi không bao giờ đoán ra.
Không người bà con nào có mặt khi cô Alfrida ăn ở nhà tôi. Cô Alfrida có ghé chăm bà tôi, vốn là bác gái, tức là chị gái của mẹ cô. Bà tôi không còn sống ở nhà riêng của mình mà sống lần lượt với các bác gái, và cô Alfrida chỉ đến nhà nào bà tôi đang ở lúc đó thôi, chứ không đến thăm bác gái còn lại vốn cũng là anh chị họ của cô như cha tôi vậy. Và cô không bao giờ ăn cơm với bác gái nào cả. Thường thì cô đến nhà tôi trước và ở chơi một lúc, rồi lấy hết tinh thần, như thể miễn cưỡng, đi thăm nhà kia. Sau đó, khi cô quay về và chúng tôi ngồi ăn, không có lời xúc xiểm công khai nào chống lại các bác gái và chồng họ, và chắc chắn không có lời nào thiếu tôn trọng về bà tôi. Thực ra chính cách cô Alfrida nói đến bà - với một vẻ điềm đạm và nỗi quan tâm bất chợt trong giọng nói, thậm chí thoáng vẻ lo sợ (huyết áp của bà thế nào, gần đây bà có đi khám bác sĩ không, bác sĩ nói gì?) - mới làm tôi nhận ra sự khác biệt, sự lãnh đạm hay có khi còn dè dặt thiếu thân thiện nữa, trong cách cô hỏi thăm người khác. Tiếp đến là vẻ dè dặt tương tự trong lời đáp của mẹ tôi, và vẻ trầm trọng hơn thường lệ trong lời đáp của cha tôi - lối châm biếm sự trầm trọng, người ta có thể nói vậy - để chứng tỏ họ đều đồng ý về một chuyện không thể nói ra.
Vào hôm tôi hút thuốc, cô Alfrida quyết định đẩy chuyện này đi xa hơn chút, cô nghiêm trang hỏi, “Asa thế nào rồi? Anh ta vẫn là người hay bắt chuyện như trước chứ?”
Cha tôi buồn bã lắc đầu, như thể chỉ cần nghĩ về tính ba hoa của ông bác này là chúng tôi tại thấy chán nản vậy. “Vẫn,” ông nói. “Hắn vẫn vậy.”
Tức thì tôi chớp thời cơ.
“Như thể sán nhập và lợn,” Tôi nói. “Ờ.”
Ngoại trừ từ “ờ” ra, đó chính là câu ông bác tôi nói, và bác nói câu đó tại chính bàn ăn này, khi đột nhiên cảm thấy tràn trề nhu cầu phá vỡ yên lặng hay truyền đạt điều gì đó quan trọng vừa nảy ra trong đầu, vốn không giống tính cách bình thường của bác. Và tôi nói câu này bằng đúng giọng cằn nhằn oai nghiêm của bác, với vẻ long trọng ngây thơ của bác.
Cô Alfrida cười to hưởng ứng, nhe ra hàm răng vui nhộn. “Chính thế, con bé làm giống anh ta y chang?”
Cha tôi cúi người xuống đĩa ăn, như thể giấu việc ông cũng đang cười nhưng dĩ nhiên không giấu hẳn, còn mẹ tôi thì lắc đầu, cắn môi, mỉm cười. Tôi cảm thấy chiến thắng chói lòa. Không ai nói gì để đưa tôi về đúng chỗ của mình, không một lời quở trách cái đôi khi được gọi là tài mỉa mai của tôi, trò láu của tôi. Từ “láu” khi dùng cho tôi, trong gia đình này, có thể có nghĩa thông minh, và khi đó thì nó được dùng một cách khá bất đắc dĩ - “Ồ, xét ở mặt nào đó, con bé cũng khá láu” - hay là, có thể được dùng để chỉ thói hỗn xược, muốn thu hút sự chú ý, đáng ghét. Đừng có láu.
Đôi khi mẹ tôi buồn bã nói, “Miệng lưỡi con độc địa quá.”
Đôi khi và chuyện này nghiêm trọng hơn rất nhiều - cha tôi phán ớn vì tôi. “Cái gì làm con nghĩ mình có quyền chỉ trích những người tử tế vậy?”
Hôm đó không xảy ra chuyện gì như thế - tôi có vẻ được tự do như một vị khách ở bàn ăn, gần tự do bằng cô Alfrida, và bừng nở dưới ngọn cờ cá tính của chính mình.
Nhưng một khe nứt sắp toác ra, và có lẽ đó là lần cuối, thực sự là lần cuối cùng cô Alfrida ngồi ở bàn ăn nhà tôi. Thiếp mừng Giáng sinh vẫn tiếp tục gửi cho nhau, có thể còn cả thư - cho đến khi mẹ tôi còn cầm được bút - và chúng tôi vẫn thấy tên Alfrida trên báo, nhưng tôi không thể nhớ ra cuộc thăm viếng nào nữa, suốt mấy năm cuối tôi sống ở nhà.
Có lẽ là vì Alfrida đã hỏi cô có thể mang bạn mình về không, và bị trả lời và không. Nếu cô đã chung sống với ông ta thì đó có thể là một lý do, và nếu ông ta chính là người mà sau này cô có quan hệ, thì một lý do khác là ông ta đã có gia đình. Cha mẹ tôi hẳn sẽ nhất trí với nhau về vấn đề này. Mẹ tôi kinh hãi chuyện tình dục không đúng lễ giáo hay chuyện phô trương tình dục - hay mọi chuyện tình dục, người ta có thể nói thế, bởi cái thể loại giữa vợ chồng đúng nghĩa thì không hề được tính vào đó và trong giai đoạn cuộc đời này, cha tôi cũng nghiêm khắc phán xét những vấn đề đó. Có thể ông cũng có nỗi bất bình đặc biệt với người đàn ông nắm giữ được cô Alfrida.
Nếu hỏi đưa bạn về nhà, cô sẽ tự làm mình rẻ rúng trong mắt họ. Tôi có thể hình dung cha hoặc mẹ mình nói thế. Cô ấy đâu cần làm mình rẻ rúng như thế chứ.
Nhưng cũng có thể cô không hề hỏi han gì cả, có thể cô đã biết rõ là không nên. Trong những lần đến thăm vui vẻ trước đó, có lẽ cô không hề có người đàn ông nào trong đời, và rồi khi một người như thế xuất hiện, có lẽ mối quan tâm của cô đã dịch chuyển hoàn toàn. Có thể lúc đó cô đã trở thành một người khác, vì sau này đúng là cô đã trở thành một người khác.
Hay có thể cô cảnh giác với cái bầu không khí đặc biệt trong gia đình có người bệnh, đang tiếp tục bệnh nặng hơn và sẽ không bao giờ khỏi. Người đó là mẹ tôi, với các triệu chứng tập hợp lại rồi chuyển bước ngoặt trở thành toàn bộ định mệnh của bà, thay vì chỉ là một nỗi lo âu và phiền phức.
“Tội nghiệp quá,” các bác gái nói.
Và khi mẹ tôi biến từ một bà mẹ thành một sự hiện diện tàn phế vất vưởng quanh nhà, thì những người khác, trước vốn là những phụ nữ gò bó trong gia đình, giờ dường như lấy được đôi chút sức sống và gia tăng năng lực trong thế giới. Bà tôi trang bị cho mình một máy trợ thính - điều chẳng ai đề xuất với bà cả. Chồng một bác gái - không phải bác Asa, mà là một ông tên Irvine - qua đời, thế là bác đi học lái xe, tìm được việc sửa quần áo trong một cửa hiệu và không còn đeo lưới bao tóc nữa.
Họ đến thăm mẹ tôi, và lúc nào cũng thấy cùng một cảnh tượng - cái người từng xinh đẹp hơn họ, từng chưa bao giờ để họ quên rằng bà là giáo viên, thì giờ đây tháng qua tháng mỗi lúc lại trở nên chậm chạp và cứng đờ trong chuyển động chân tay và lè nhè nhũng nhiễu trong lời nói, và không gì giúp được bà cả.
Họ nhắn nhủ tôi chăm sóc mẹ kỹ càng.
“Cô ấy là mẹ cháu,” họ nhắc tôi. “Tội nghiệp quá.”
Cô Alfrida không có khả năng nói những lời đó, và có lẽ cô cũng không có khả năng nghĩ ra lời gì khác để thế chỗ chúng.
Tôi thấy cô không đến thăm chúng tôi cũng chẳng sao. Tôi không muốn người khác đến thăm. Tôi không có thời gian cho họ, tôi đã thành bà quản gia giận dữ - đánh bóng sàn nhà, là ủi mọi thứ thậm chí cả đống khăn lau bát, tôi làm mọi việc để xua đi một nỗi hổ thẹn nào đó (sự suy sụp của mẹ dường như là nỗi hổ thẹn độc nhất vô nhị đang đầu độc tất cả chúng tôi) ra thật xa. Tôi làm những việc đó để tỏ vẻ như tôi vẫn đang sống với cha mẹ, em trai và em gái, giữa một gia đình bình thường, trong một ngôi nhà bình thường, nhưng ngay khoảnh khắc ai đó bước qua thềm và nhìn thấy mẹ tôi, họ lập tức hiểu mọi chuyện thực ra không như thế và họ thương hại chúng tôi. Một điều tôi không thể nào chịu nổi.
Tôi kiếm được học bổng. Tôi không ở nhà chăm sóc mẹ, hay làm bất cứ việc gì khác. Tôi rời nhà đi học đại học. Trường đại học ở thành phố nơi cô Alfrida sống. Sau một vài tháng, cô mời tôi đến ăn tối, nhưng tôi không thể đến, vì tôi đi làm mọi tối trong tuần trừ Chủ nhật. Tôi làm việc ở thư viện thành phố trong khu trung tâm, và ở thư viện của trường, cả hai đều mở cửa đến chín giờ. Ít lâu sau, vào mùa đông, cô Alfrida lại mời tôi, và lần này là lời mời ăn tối vào Chủ nhật. Tôi nói với cô rằng tôi không thể đến vì tôi phải đi nghe hòa nhạc.
“Ồ… hẹn hò à?” Cô hỏi, và tôi nói vâng, nhưng tại thời điểm đó thì điều này không đúng sự thật. Tôi đi nghe hòa nhạc ngày Chủ nhật miễn phí ở thính phòng của trường đại học, với một cô bạn, hay với hai ba cô bạn khác, để có việc mà làm và còn vì niềm hy vọng mong manh gặp được vài chàng trai ở đó.
“Hừm, hôm nào đó cháu phải đưa cậu ta đến chơi đấy nhé,” cô Alfrida nói. “Cô nóng lòng muốn gặp cậu ta quá?”
Gần cuối năm, tôi đã có ai đó để đưa đến thật, và đúng là tôi gặp anh ở một buổi hòa nhạc. Đúng ra thì anh nhìn thấy tôi một buổi hòa nhạc rồi gọi điện cho tôi và hỏi tôi có muốn hẹn hò với anh không. Nhưng tôi sẽ không bao giờ đưa anh đi gặp cô Alfrida. Tôi sẽ không bao giờ mang bạn bè mới nào đi gặp cô. Bạn bè mới của tôi và kiểu người hỏi những câu như, “Cậu đã đọc Hãy nhìn về nhà bởi thiên thần chưa. Ôi, cậu phải đọc quyển đó đấy. Thế cậu đã đọc Gia Đình Buddenbrook chưa?” Họ là những người cùng tôi đi xem Trò chơi bị cấm và Những đứa trẻ của thiên đường khi Hội Điện ảnh đưa các phim đó vào chương trình. Chàng trai tôi hẹn hò và sau đó đính hôn đưa tôi đến Tòa nhà Âm nhạc, nơi người ta có thể nghe các đĩa nhạc vào giờ ăn trưa. Anh giới thiệu cho tôi về Gounod, và vì Gounod mà tôi yêu thích nhạc kịch, và vì nhạc kịch mà tôi yêu thích Mozart.
Khi cô Alfrida để lại tin nhắn nhà trọ nơi tôi sống, rằng muốn tôi gọi lại cho cô, tôi không hề gọi lại. Sau đó cô cũng không gọi lại.
Cô vẫn viết báo - thỉnh thoảng tôi lướt mắt qua trong những bài diễn văn cường điệu của cô về các bức tượng nhỏ của hãng Royal Doulton hay bánh quy gừng nhập khẩu hay áo ngủ cho tuần trăng mật. Nhiều khả năng là cô vẫn trả lời thư của các bà nội trợ Flora Simpon, và vẫn đang cười nhạo họ. Giờ đây khi đã sống ở thành phố này, tôi hiếm khi xem cái tờ báo mà trước đây với tôi dường như là tâm điểm cuộc sống thị thành - hay thậm chí, theo một nghĩa nào đó, là tâm điểm cuộc sống của chúng tôi ở quê nhà, cách đó gần một trăm cây. Giờ đây tôi chợt nhận ra những chuyện hài hước, lối giả dối ép buộc của những người như cô Alfrida và Horse Henry sao mà lòe loẹt và buồn tẻ.
Tôi không lo sẽ tình cờ gặp cô, thậm chí trong cái thành phố mà xét cho cùng cũng chẳng lớn lắm này. Tôi không bao giờ vào các cửa hiệu cô nhắc đến trong cột báo của mình. Tôi không có lý do gì để đi qua tòa soạn báo, và cô lại sống xa nhà trọ của tôi, ở đâu đó phía Nam thành phố.
Tôi cũng không nghĩ cô Alfrida là kiểu người đi thư viện. Chính cái từ này, “thư viện”, có lẽ sẽ khiến cô trễ miệng xuống trong điệu bộ nhàu nhại nỗi kinh hoàng, như cô vẫn diễn với các cuốn sách trên giá ở nhà tôi - những cuốn sách đó không được mua vào thời của tôi, vài cuốn là phần thưởng của nhà trường cho cha mẹ lúc thiếu thời (có tên thời con gái của mẹ, bằng nét chữ đẹp đẽ mà bà không còn viết được nữa), những cuốn sách mà đối với tôi không giống những thứ được mua ở cửa hàng mà như những linh hồn trong nhà, cũng hệt như cây cối ngoài cửa sổ không phải là thực vật mà và những linh hồn bắt rễ trong lòng đất vậy. Cối xay trên sông Floss, Tiếng gọi nơi hoang dã, Trái tim của Midlothian. “Nhiều tác phẩm nặng đô quá nhỉ,” cô Alfrida từng nói. “Em đoán anh không mở chúng ra xem thường xuyên lắm.” Và cha tôi đáp là đúng, ông không mở ra xem, hòa cùng cái giọng coi nhẹ hay thậm chí còn có vẻ khinh thường của cô, đến mức thành nói dối, bởi vì quả thật ông có đọc sách, thỉnh thoảng, khi ông có thời gian.
Đó là kiểu nói dối tôi mong không bao giờ phải lặp lại, sự khinh thường tôi mong không bao giờ phải thể hiện, đối với những thứ thực sự quan trọng với tôi. Và để không phải làm việc đó, tôi cần tránh xa bằng được những người tôi từng biết.
Cuối năm thứ hai, tôi rời trường đại học - tôi chỉ có học bổng cho hai năm đó. Không hề gì - đằng nào thì tôi cũng đang có kế hoạch làm nghề viết văn. Và tôi sắp lấy chồng. Cô Alfrida nghe được tin này, và cô liên lạc lại với tôi.
“Cô đoán cháu chắc rất bận nên đã không gọi điện cho cô, hay có lẽ không ai chuyển tin nhắn của cô cho cháu,” cô nói.
Tôi đáp có lẽ tôi bận, hay có lẽ họ đã không chuyển tin.
Lần này tôi đồng ý đến chơi. Một cuộc viếng thăm không buộc tôi cam kết điều gì, vì trong tương lai tôi sẽ không sống ở thành phố này nữa. Tôi chọn một ngày Chủ nhật, ngay lúc kỳ thi cuối năm vừa kết thúc, khi chồng chưa cưới của tôi sắp đi Ottawa để dự phỏng vấn xin việc. Hôm đó trời sáng sủa và nhiều nắng - khoảng đầu tháng Năm. Tôi quyết định đi bộ. Tôi gần như chưa bao giờ đến phía Nam phố Dundas hay phía Đông Adelaide, nên nhiều khu trong thành phố còn hoàn toàn xa lạ với tôi. Những cây bóng râm dọc các phố phía Bắc vừa trổ lá, rồi những cây tử đinh hương, những cây hải đường làm cảnh, những luồng uất kim hương đều đang nở hoa, các bãi cỏ như những tấm thảm tươi mát. Nhưng sau một lúc thì tôi thấy mình đang bước dọc các phố không có cây bóng râm, các phố nơi nhà cửa chỉ cách vỉa hè một sải tay, còn những cây tử đinh hương ở đó - tử đinh hương vốn mọc ở khắp nơi - trông nhợt nhạt như thể bị phai nắng, và không tỏa hương. Khu phố này, ngoài nhà riêng, còn có những tòa căn hộ nhỏ hẹp, chỉ cao hai ba tầng - vài tòa nhà trang trí kiểu tiện ích với một đường viền gạch quanh cửa ra vào, vài tòa khác có cửa sổ kéo lên và rèm rủ thả ra ngoài, phủ lên bậc cửa sổ.
Cô Alfrida sống trong một ngôi nhà riêng, chứ không phải trong một căn hộ. Cô ở toàn bộ tầng trên. Tầng dưới, đúng ra là mặt tiền của tầng dưới, thì biến thành một cửa hiệu, đang đóng cửa vì hôm đó là Chủ nhật. Đó là cửa hiệu đồ cũ - qua quầy kính trưng bày bẩn thỉu phía trước, tôi có thể thấy nhiều đồ nội thất không có gì đặc sắc, hàng chồng đĩa cũ và đồ gia dụng khắp nơi. Thứ duy nhất thu hút tôi là một cái xô đựng mật ong y chang cái xô mật ong có hình trời xanh và tổ ong vàng óng tôi dùng để đựng bữa trưa mang đi học hồi sáu hay bảy tuổi. Tôi vẫn còn nhớ mình đã đọc đi đọc lại những chữ viết trên thành xô: Tất cả mật ong nguyên chất đều sẽ kết thành hạt. Lúc đó tôi không hề biết “kết thành hạt” nghĩa là gì, nhưng tôi thích âm thanh của từ đó có vẻ hoa mỹ và ngon lành.
Tôi mất nhiều thời gian hơn dự tính để đến được đó và tôi thấy rất nóng. Tôi không ngờ rằng cô Alfrida, khi mời tôi đến ăn trưa, sẽ thết đãi tôi một bữa như các bữa ăn Chủ nhật quê hồi xưa, song khi trèo lên cầu thang ngoài trời tôi đã ngửi thấy mùi thịt thà rau củ đang nấu.
“Cô cứ tưởng cháu lạc rồi,” cô Alfrida nói vọng từ phía trên. “Suýt nữa thì cô lập một đội cứu hộ đấy.”
Thay vì váy mùa hè, cô mặc áo cánh màu hồng có nơ rủ ở cổ, giắt trong váy xếp nếp màu nâu. Tóc cô không còn uốn lọn óng mượt mà cắt ngắn và gợn sóng quanh mặt, màu tóc nâu sẫm giờ nhuốm đậm tông đỏ. Và khuôn mặt cô, theo tôi nhớ vốn gầy gò và rám nắng, giờ đây đầy đặn hơn và ít nhiều chảy nhão. Lớp trang điểm nổi bật trên da như nước sơn màu hồng cam trong nắng trưa.
Nhưng khác biệt lớn nhất là cô đã làm răng giả, màu đồng đều, hơi đầy tràn cả miệng và mang đến cho vẻ háo hức ẩu tả cố hữu của cô một nét lo âu.
“Hừm… cháu có vẻ tròn ra,” cô nói. “Trước đây cháu vốn gầy nhom.”
Điều này đúng, nhưng tôi không thích nghe. Cùng với các cô bạn ở nhà trọ, tôi ăn đồ rẻ tiền - những bữa hậu hĩ gồm mì nùi phô mai đóng gói hiệu Kraft và các gói bánh quy nhân mứt. Chồng chưa cưới của tôi, thiên vị mọi thứ ở tôi một cách mãnh liệt và theo kiểu chiếm hữu, nói rằng anh thích phụ nữ có thân hình đầy đặn và tôi làm anh nhớ đến Jane Russell. Tôi không thấy phiền khi anh nói vậy, dù bình thường tôi sẽ thấy mất thể diện khi ai đó nhận xét gì về ngoại hình của mình. Nhất là ai đó lại là người như cô Alfrida - một người không còn gì quan trọng trong đời tôi. Tôi tin là những người như thể không có quyền nhìn tôi, hay có ý kiến gì về tôi, chưa nói đến việc tuyên bố ý kiến ấy thành lời.
Ngôi nhà này hẹp ngang mặt tiền, nhưng dài từ trước ra sau. Có mặt phòng khách trần dốc bốn phía và cửa sổ nhìn ra phố, một phòng ăn trông như sảnh không có cửa sổ, vì các phòng ngủ bên hông mở sang phòng ăn lại có cửa sổ mái, một bếp, một nhà tắm cũng không có cửa sổ và đón ánh sáng ban ngày qua ô kính sần trên cửa ra vào, còn ngang mặt sau ngôi nhà là hiên hứng nắng bao kín bằng kính.
Trần nhà dốc nghiêng làm phòng ốc trông giống một nơi chốn tạm thời, như thể chúng tỏ vẻ là cái gì khác chứ không phải phòng ngủ. Tuy thế, trong nhà lại kê đầy nội thất nghiêm chỉnh - bàn ghế phòng ăn, bàn ghế phòng bếp, xô pha phòng khách và ghế thư giãn - tất cả đều là đồ dành cho các căn phòng rộng hơn, mang đúng nghĩa phòng hơn. Tấm lót bát đĩa trên bàn, những vuông vải trắng thêu để che lưng và tay ghế xô pha cùng ghế tựa, rèm mỏng treo ngang cửa sổ và màn dày in hoa ở hai bên - tôi không thể ngờ mọi thứ trông lại giống nhà các bác gái đến vậy. Và trên tường phòng ăn - không phải trong phòng tắm hay phòng ngủ mà trong phòng ăn - treo bức tranh hình bóng một cô gái mặc váy phồng, toàn bộ được làm từ ruy băng xa tanh hồng. Một dải vải sơn thô ráp được trải trên sàn phòng ăn, ở lối đi từ bếp đến phòng khách.
Cô Alfrida dường như đoán được phần nào suy nghĩ trong đầu tôi.
“Cô biết là mình tích nhiều đồ quá,” cô nói. “Nhưng toàn là đồ của cha mẹ cô. Đó là đồ đạc của gia đình, cô không bỏ đi được.”
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cô cũng có cha mẹ. Mẹ cô mất đã lâu, và cô được bà tôi và bác gái nuôi lớn.
“Của cha mẹ cô cả,” cô Alfrida nói. “Khi cha cô bỏ đi, bà cháu giữ lại đống đồ đạc vì bà nói chúng phải là của cô khi cô lớn, thế nên giờ chúng ở đây. Cô không thể vứt bỏ chúng đi được, khi mà bà cháu đã mất công đến thế.”
Giờ thì tôi nhớ ra rồi - cái phần đời của cô Alfrida mà tôi đã quên mất. Cha cô tái giá. Ông bỏ trang trại và tìm được việc trong ngành đường sắt. Ông có vài đứa con nữa, gia đình họ chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, và hồi xưa cô Alfrida đôi khi vẫn nhắc đến họ với giọng đùa cợt, chuyện họ có bao nhiêu con rồi, họ trở nên gần gũi thế nào, gia đình phải di chuyển nhiều ra sao.
“Đến gặp chú Bill nào,” cô Alfrida nói.
Chú Bill đang ở trên hiên hứng nắng. Chú ngồi, như đang đợi được gọi đến, trên một chiếc đi văng hay trường kỷ thấp phủ chăn sọc vuông màu nâu. Tấm chăn nhàu nhĩ - chắc chú vừa nằm trên đó - và tất cả mành cửa sổ đều bị kéo xuống đến bệ. Ánh sáng trong phòng - ánh nắng nóng bỏng chiếu qua lớp mành màu vàng có những vết mưa - và chiếc chăn thô nhàu, gối tựa phai màu cong lõm, thậm chí mùi chăn, mùi dép đi trong nhà của đàn ông, đôi dép cũ mòn đã không còn nhìn ra hình thù hoa văn gì cả, gợi tôi nhớ đến nhà các bác gái - cũng y như những tấm lót bát đĩa và đống đồ đạc nặng nề bóng loáng ở các phòng phía trong, và cả cô gái ruy băng trên tường. Ở nhà họ, người ta cũng có thể bắt gặp chỗ ẩn náu tồi tàn của cánh đàn ông với những thứ mùi ngấm ngầm nhưng dai dẳng, với cái vẻ bẽn lẽn nhưng ngang bướng trái ngược với lãnh địa của đàn bà.
Nhưng chú Bill lại đứng dậy bắt tay tôi, trong khi các ông bác sẽ không bao giờ làm thế với một cô gái lạ. Hay với bất kỳ cô gái nào. Không phải do tính khiếm nhã đặc thù nào đó kìm giữ họ, chỉ là họ sợ làm thế có vẻ kiểu cách quá mà thôi.
Chú cao, mái tóc muối tiêu óng mượt bồng bềnh, khuôn mặt mịn nhẵn nhưng trông không trẻ. Một người đàn ông điển trai, nhưng sức mạnh của vẻ đẹp không hiểu sao đã cạn kiệt - bởi sức khỏe xoàng xoàng, bởi vận rủi, hay bởi thiếu quả quyết. Nhưng ở chú vẫn toát lên một vẻ nhã nhặn đã hao mòn, một kiểu cúi mình trước phụ nữ, khiến ta có cảm giác buổi gặp mặt sẽ dễ chịu, cho người phụ nữ đó và cho bản thân chú nữa.
Cô Alfrida dẫn chúng tôi vào phòng ăn không cửa sổ, một nơi phải bật đèn giữa một ngày sáng sủa thế này. Tôi có ấn tượng là bữa ăn đã sẵn sàng trước đó một lúc rồi, và việc tôi đến muộn đã làm trễ giờ giấc bình thường của họ. Chú Bill tiếp món gà quay và nước xốt, cô Alfrida thì tiếp món rau. Cô Alfrida nói với chú Bill, “Anh yêu, thế anh nghĩ cái thứ ở cạnh đĩa của anh là gì vậy?” và rồi chú nhớ ra cần cầm khăn ăn của mình lên.
Chú không có gì nhiều để nói. Chú mời nước thịt, chú hỏi xem tôi muốn nước chấm mù tạt hay muối tiêu, chú theo dõi cuộc hội thoại bằng cách quay đầu về phía Alfrida hay phía tôi. Thỉnh thoảng chú huýt sáo nho nhỏ qua kẽ răng, một âm thanh run rẩy dường như tỏ ý thân ái và tán thưởng, mà ban đầu tôi cứ nghĩ có thể đó là khúc dạo đầu cho một nhận xét nào đó. Nhưng chẳng có nhận xét nào cả, còn cô Alfrida thì chẳng hề ngừng lại để cho chú nhận xét. Sau đó tôi có gặp những người đã cai rượu cũng cư xử như chú hôm đó - phụ họa theo một cách dễ chịu nhưng không có khả năng dẫn mọi thứ đi xa hơn, tâm trí vướng bận một cách bất lực. Tôi không bao giờ biết liệu điều này có đúng với Bill không, nhưng dường như chú mang theo mình một quá khứ bại trận, từng chịu nhiều khổ nhọc và thấm nhiều bài học. Chú cũng có dáng vẻ thích nghi hào hiệp với bất kỳ lựa chọn biến thành sai lầm nào, hay bất kỳ cơ hội không có kết quả nào.
“Đây là đậu Hà Lan và cà rốt đông lạnh,” cô Alfrida nói. “Rau đông lạnh lúc đó còn khá mới mẻ.”
“Loại này hơn hẳn loại đóng hộp,” cô nói. “Gần như ngon bằng rau tươi.”
Thế rồi chú Bill bỗng phát biểu một câu trọn vẹn. Chú nói loại lau này còn ngon hơn cả rau tươi. Màu sắc, mùi vị, mọi thứ đều hơn rau tươi. Chú nói, thật phi thường làm sao những gì hiện giờ người ta làm được và những gì có thể làm được trong tương lai bằng cách đông lạnh các thứ.
Cô Alfrida ngả người về phía trước, miệng mỉm cười. Cô có vẻ gần như nín thở, như thể chú là đứa con của cô đang đi những bước không ai nâng đỡ, hay đang đơn độc loạng choạng trên xe đạp lần đầu.
Người ta có cách tiêm chất gì đó vào gà, chú kể cho chúng tôi, có một phương pháp mới làm mới con gà thành như nhau hết, béo mẫm và ngon lành. Không còn nguy cơ mua phải con gà thấp kém hơn nữa.
“Chú Bill làm trong ngành hóa học,” cô Alfrida nói.
Khi tôi không có gì để đáp thì cô nói thêm, “Chú từng làm việc ở Gooderhams?”
Vẫn không có gì để đáp.
“Nhà máy rượu,” cô nói. “Whisky của Gooderhams ấy.”
Lý do tôi không nói gì không phải vì tôi khiếm nhã hay thấy chán ngấy (tôi không khiếm nhã hơn mức khiếm nhã tự nhiên của tôi hồi đó, cũng chẳng thấy chán ngấy hơn cái mức mà tôi đã dự đoán trước khi đến) mà vì tôi không hiểu là cần phải đặt câu hỏi - gần như bất kỳ câu hỏi gì cũng được, để kéo một người đàn ông rụt rè vào câu chuyện, để lắc chú tỉnh khỏi sự lơ đãng và dựng chú dậy thành một người đàn ông có uy quyền nào đó, tức và người đàn ông trong gia đình. Tôi không hiểu vì sao cô Alfrida lại nhìn chú với nụ cười cổ vũ mãnh liệt như thế. Toàn bộ kinh nghiệm của tôi về chuyện phụ nữ với đàn ông, chuyện một phụ nữ lắng nghe người đàn ông của mình nói, lòng tha thiết hy vọng rằng anh ta sẽ chứng tỏ mình là người cô ta có lý do để tự hào - toàn bộ kinh nghiệm đó chỉ tồn tại ở thời tương lai. Quan sát duy nhất về các cặp tôi có được lúc đó là qua các bác gái với chồng họ và cha mẹ tôi, và những ông chồng bà vợ đó dường như có mối liên kết được nghi thức hóa rất mơ hồ, và không hề có sự phụ thuộc qua lại rõ rệt nào.
Chú Bill tiếp tục ăn như thể chú không nghe thấy lời nhắc đến nghề nghiệp và nơi công tác của mình, còn cô Alfrida bắt đầu hỏi han tôi về các môn học. Cô vẫn mỉm cười, nhưng nụ cười của cô đã khác đi. Nó hơi rúm lại vẻ sốt ruột và khó chịu, như thể cô đang đợi tôi giải thích cho xong để cô được nói - và đúng là cô đã nói - “Có cho một triệu đô la cũng đừng hòng bắt cô đọc nổi mấy thứ đó.”
“Cuộc đời quá ngắn,” cô nói. “Cháu biết không, ở tòa báo đôi khi bọn cô cũng tuyển một người từng học hết mọi thứ đó. Bằng danh dự Văn chương. Bằng danh dự Triết học. Người ta không biết làm gì với họ. Họ không viết nổi cái gì đáng một xu. Em đã kể chuyện đó cho anh rồi phải không,” cô nói với chú Bill, còn chú Bill nhìn lên và nở với cô nụ cười của kẻ sẵn sàng làm bổn phận.
Cô để chuyện đó lắng xuống.
“Thế cháu làm gì để giải trí?” cô hỏi.
Lúc đó vở Chuyến tàu mang tên dục vọng đang diễn ở nhà hát Toronto, và tôi nói với cô rằng tôi đã đi tàu xuống Toronto với vài người bạn để xem.
Cô Alfrida để dao dĩa chạm vào đĩa kêu lách cách.
“Thứ rác rưởi đó,” cô la lên. Mặt cô tức thì đập vào mắt tôi, tạc khắc trong vẻ ghê tởm. Rồi cô nói tiếp giọng bình tĩnh hơn nhưng vẫn mang vẻ khó chịu độc địa. “Cháu đến tận Toronto để xem thứ rác rưởi đó?”
Chúng tôi đã ăn xong món tráng miệng, và chú Bill chọn đúng lúc ấy để hỏi xem chú có thể cáo lui được không. Chú xin phép cô Alfrida, rồi cúi người chú xin phép tôi. Chú quay về hiên hứng nắng và một chốc sau chúng tôi ngửi thấy mùi tẩu thuốc. Cô Alfrida dõi theo chú, dường như quên mất tôi và vở kịch. Mặt cô bỗng lộ vẻ dịu dàng tha thiết, đến nỗi khi cô đứng dậy tôi tưởng cô sẽ đi theo chú. Nhưng cô chỉ đi lấy thuốc lá.
Cô chìa thuốc ra cho tôi, và khi tôi lấy một điếu, cô nói, với nỗ lực chủ tâm tỏ ra vui vẻ, “Vậy và cháu vẫn giữ thói xấu cô xúi bẩy hả.” Có lẽ cô đã nhớ ra tôi không còn là trẻ con nữa, tôi không bắt buộc phải đến nhà cô và chẳng ích gì khi biến tôi thành kẻ thù. Và tôi sẽ không cãi lại - tôi chẳng thèm quan tâm cô Alfrida nghĩ gì về Tennessee Williams. Hay cô nghĩ gì về mọi thứ khác.
“Cô nghĩ đó là việc riêng của cháu,” cô Alfrida nói. “Cháu có thể đi đâu cháu muốn.” Và cô nói thêm, “Xét cho cùng… chẳng bao lâu nữa cháu sẽ thành một phụ nữ có chồng.”
Qua giọng cô, có thể câu ấy có ý “Cô phải thừa nhận cháu giờ đã lớn” hoặc là “Chẳng mấy chốc cháu cũng sẽ phải phục tùng mà thôi?”
Chúng tôi đứng dậy và bắt đầu thu dọn bát đĩa. Dọn dẹp ở cạnh nhau trong một không gian nhỏ, giữa bàn bếp, kệ bếp và tủ lạnh, chúng tôi nhanh chóng lẳng lặng triển khai một trình tự và nhịp độ hài hòa trong việc cạo, xếp, bỏ thức ăn thừa vào những hộp trữ thực phẩm nhỏ hơn, đổ đầy nước xà phòng nóng vào bồn rửa, túm lấy dao dĩa thìa chưa đụng đến thả vào ngăn kéo lót nỉ trong tủ búp phê phòng ăn. Chúng tôi mang gạt tàn vào bếp và thỉnh thoảng ngưng lại để rít một hơi thiết thực cho tỉnh người. Khi làm việc cùng nhau như thế này, sẽ có những chuyện mà phụ nữ có thể nhất trí hoặc bất đồng với nhau - chẳng hạn, có được hút thuốc không hay là tốt hơn hết không nên hút vì đám tàn thuốc lang thang có thể bay đến đậu lên một chiếc đĩa sạch, hay liệu có phải rửa tất cả những thứ trên bàn kể cả khi chưa dùng đến hay không - và hóa ra cô Alfrida và tôi lại đồng ý với nhau. Vả lại, cứ nghĩ đến việc rửa bát xong là mình có thể chuồn, tôi lại thấy mình thoải mái và rộng lượng hơn hẳn. Tôi đã nói là chiều hôm đó mình phải đi gặp một người bạn.
“Bát đĩa đẹp quá,” tôi nói. Bát đĩa màu kem, hơi vàng vàng, có viền hoa xanh da trời.
“Ờ… đây là bát đĩa đám cưới mẹ cô,” cô Alfrida nói. “Lại là một việc tốt nữa mà bà cháu làm cho cô đấy. Bà đóng gói tất cả bát đĩa của mẹ cô cất đi đợi đến lúc cô có thể dùng. Jeanie không hề biết đến đống bát đĩa này. Chúng không thể tồn tại lâu được với đám đó.”
Jeanie. Đám đó. Mẹ kế của cô và các em trai em gái cùng cha khác mẹ.
“Cháu biết chuyện đó, phải không?” cô Alfrida hỏi. “Cháu biết chuyện xảy ra với mẹ cô chứ?”
Dĩ nhiên tôi biết. Mẹ cô Alfrida chết vì đèn nổ trên tay - đúng hơn là bà chết vì bị bỏng do đèn nổ trên tay - các bác gái và mẹ tôi thường xuyên nói đến chuyện này. Không có chuyện gì về mẹ cô Alfrida hay về cha cô Alfrida, và rất ít chuyện về chính cô Alfrida lại được kể đến mà không lôi cái chết đó ra thêm thắt. Đó là lý do cha cô Alfrida bỏ trang trại ra đi (luôn được xem như một bước sa sút về đạo đức, nếu không muốn nói là sa sút cả về tài chính nữa). Người ta có lý khi thận trọng đến cùng cực với dầu than đá, và có lý khi thấy may mắn vì có điện, bất kể tốn kém đến đâu. Và chuyện xảy ra cũng thật khủng khiếp đối với một đứa trẻ ở tuổi cô Alfrida, dù thế nào chăng nữa. (Ý là… dù cô có làm gì với đời mình sau đó đi chăng nữa.)
Nếu không vì trận mưa dông đó thì bà đã không châm đèn vào giữa buổi chiều. Bà sống qua được đêm hôm đó, cả ngày hôm sau và đêm hôm sau nữa, giá như bà không phải sống thoi thóp như thế thì hẳn sẽ là điều tốt nhất trần đời đối với bà.
Thế rồi chỉ một năm sau đó, nhà máy điện Hydro bắt đầu hoạt động, và người ta không cần đến đèn dầu nữa. Các bác gái và mẹ tôi hiếm khi có cùng cảm nhận, nhưng họ chia sẻ cảm xúc về chuyện này. Cảm xúc đó ở trong giọng họ bất cứ khi nào nhắc đến tên mẹ cô Alfrida. Dường như với họ câu chuyện ấy là một báu vật kinh hoàng, một điều gia đình chúng tôi có thể nhận về mình mà không ai khác có thể, một sự khác biệt mà họ không bao giờ buông bỏ. Khi nghe họ nói, tôi luôn thấy như thực sự đồng lõa bẩn thỉu nào đó đang diễn ra, một sự mân mê thích thú bất cứ thứ gì rùng rợn hay thảm họa. Giọng họ như giun trườn quanh trong ruột tôi.
Đàn ông thì không như vậy, theo kinh nghiệm của tôi. Đàn ông quay đi khỏi những biến cố hãi hùng ngay khi có thể, và cư xử như thể một khi chuyện đã xong thì nhắc đến hay nghĩ đến cũng chẳng ích gì. Họ không muốn khuấy động bản thân, hay khuấy động người khác.
Vì thế nếu cô Alfrida sắp nói về chuyện đó, tôi nghĩ, chồng chưa cưới của tôi không đến lại là hay. Hay vì anh không phải nghe kể về mẹ của Alfrida, thêm vào đó là phát hiện ra chuyện của mẹ tôi cùng họ hàng thân thích nhà tôi, hay có lẽ cả về gia cảnh nghèo khó túng quẫn. Anh mê nhạc kịch và bộ phim Hamlet của Laurence Olivier, nhưng anh không có thời gian cho bi kịch - cho sự bi kịch dơ dáy - trong đời thường. Cha mẹ anh khỏe mạnh, đẹp đẽ và phát đạt (dù dĩ nhiên anh nói họ tẻ nhạt), và dường như anh chưa từng quen ai lại không sống trong hoàn cảnh tương đối sáng sủa. Nhưng thất bại trong đời - thiếu may mắn, thất bại về sức khỏe hay tài chính - anh có ấn tượng rằng tất thảy đều là những sự thay đổi, và thái độ nhất nhất chấp thuận tôi của anh không hề bao gồm việc chấp thuận cả xuất thân xoàng xĩnh của tôi.
“Họ không cho cô gặp mẹ, ở bệnh viện ấy,” cô Alfrida kể, và ít ra cô nói câu này bằng giọng điệu bình thường, không dọn đường bằng tấm lòng hiếu thảo đặc biệt, hay sự kích động thớ lợ nào. “Ờ, nếu ở tình cảnh của họ, có lẽ cô cũng sẽ không để cô vào đó. Cô chẳng biết trông bà thế nào. Có lẽ là bị bó kín như xác ướp. Nếu không phải như thế thì bà nên bị bó lại mới đúng. Cô không ở đó khi chuyện xảy ra, cô ở trường. Trời sập tối nên thầy giáo bật đèn lên - ở trường có đèn điện - và ai cũng phải ở lại đó chờ giông tan. Rồi bác Lily - ờ, bà cháu đó - đến đón cô đưa về nhà bác. Và cô không bao giờ được gặp lại mẹ nữa.”
Tôi tưởng cô chỉ kể có thế, nhưng một giây sau cô lại tiếp tục, bằng một giọng thực sự vui tươi hơn đôi chút, như là cô đang chuẩn bị cười.
“Cô gào thét đến khản cả cổ rằng cô muốn gặp mẹ. Cô cứ la hết rồi la hét, cuối cùng không thể làm cô nín, bà cháu nói với cô, ‘Cháu không gặp mẹ là hay hơn, cháu sẽ không muốn thấy mẹ đâu, nếu cháu biết giờ mẹ cháu trông như thế nào. Cháu sẽ không muốn nhớ về mẹ như thế đâu.’ Nhưng cháu biết cô nói gì không? Cô vẫn nhớ câu cô nói. Cô bảo, ‘Nhưng mẹ cháu muốn gặp cháu. Mẹ cháu muốn gặp cháu’.”
Rồi cô cười thật, hay cũng có thể là phát ra tiếng khụt khịt khinh khỉnh để lãng tránh.
“Chắc cô tưởng mình là một nhân vật quan trọng, nhỉ? Mẹ cháu muốn gặp cháu.”
Phần này của câu chuyện tôi chưa từng được nghe.
Và khi tôi nghe được chuyện ấy, một điều gì đó xảy ra. Như thể một cái bẫy vừa sập lại, giam giữ những lời nói đó trong đầu tôi. Tôi không hiểu chính xác tôi có ích gì cho chúng. Tôi chỉ biết chúng lắc bật tôi ra, giải thoát tôi, ngay tức thì, để hít thở một luồng khí khác, ở sẵn đó chỉ chờ cho mình tôi.
Mẹ cháu muốn gặp cháu. Trong truyện ngắn tôi viết có câu này, truyện được viết ra nhiều năm sau đó, khi câu hỏi ai đã găm vào đầu tôi ý tưởng ấy trở nên không còn quan trọng nữa.
Tôi cảm ơn cô Alfrida rồi nói tôi phải về. Cô Alfrida đi gọi chú Bill ra chào tôi, nhưng quay lại thông báo rằng chú đã ngủ rồi.
“Chú ấy sẽ đấm ngực tự trách mình khi tỉnh dậy mất thôi,” cô nói. “Chú ấy rất thích gặp cháu.”
Cô cởi tạp dề ra và đi cùng tôi xuống hết cầu thang ngoài trời. Ở chân cầu thang là lối đi rải sỏi vòng ra đến vỉa hè. Tiếng sỏi lạo xạo dưới chân và cô trượt chân trong đôi dép đế mỏng đi trong nhà.
Cô nói, “Ối! Chết tiệt,” và túm lấy vai tôi.
“Cha cháu thế nào?” cô hỏi.
“Ông vẫn ổn.”
“Cha cháu làm việc vất vả quá.”
Tôi đáp, “Thì ông buộc phải thế.”
“Ừ, cô biết. Thế mẹ cháu thì sao?”
“Mẹ cháu đại loại vẫn vậy.”
Cô quay người sang phía quầy trưng bày của cửa hiệu.
“Họ nghĩ ai sẽ mua mấy đồ đồng nát này đây? Nhìn cái xô mật ong kìa. Cha cháu và cô thường mang bữa trưa đựng trong xô đúng như thế đến trường.”
“Cháu cũng thế,” tôi nói.
“Cháu cũng thế à?” Cô ôm chặt tôi. “Cháu nói với cha mẹ là cô nhớ họ, cháu nhớ nói nhé.”
* * *
Cô Alfrida không đến dự lễ tang cha tôi. Tôi tự hỏi có phải vì cô không muốn gặp tôi. Theo tôi biết, cô chưa bao giờ công khai nói cô ác cảm gì với tôi; cũng chẳng ai khác biết gì về chuyện đó. Nhưng cha tôi thì biết. Khi tôi về nhà thăm ông và được biết cô Alfrida sống gần đó - thực ra là ngay trong nhà bà tôi mà cuối cùng cô lại được thừa kế - tôi đề xuất hai cha con đi thăm cô. Đó là giai đoạn xáo động giữa hai cuộc hôn nhân của tôi, lúc tôi đang trong tâm trạng cởi mở, vừa mới được giải thoát và có khả năng giao tiếp với bất kỳ ai tôi chọn.
Cha tôi nói, “Ờ, con biết đấy, cô Alfrida hơi bực bội.”
Bây giờ ông gọi cô là Alfrida. Từ khi nào vậy?
Ban đầu tôi thậm chí còn không thể nghĩ là cô Alfrida có thể bực bội chuyện gì. Cha phải nhắc tôi đến cái truyện tôi viết, được đăng cách đó vài năm, còn tôi thì ngạc nhiên, thậm chí sốt ruột và hơi giận dữ khi nghĩ rằng Alfrida phản đối một việc dường như giờ không còn mấy liên quan đến cô nữa.
“Hoàn toàn không phải cô Alfrida đâu,” tôi nói với cha tôi, “Con đã thay đổi câu chuyện, con thậm chí chẳng nghĩ đến cô ấy. Đó là một nhân vật thôi. Ai cũng thấy được điều đó.”
Nhưng thực tế là vẫn có chuyện đèn nổ, bà mẹ quấn vải chết chóc, đứa trẻ mồ côi kiên định.
“Hừm,” cha tôi nói. Nói chung ông khá hài lòng về việc tôi trở thành nhà văn, nhưng ông không tán thành cho lắm với cái được gọi là nhân vật của tôi. Cũng như với việc tôi bỏ chồng vì lý do cá nhân - nói đúng ra là lý do bừa bãi - và cách tôi bào chữa cho mình khắp nơi - hay có lẽ, theo cách nói của ông, tháo lui khỏi mọi chuyện. Dù ông không nói ra - đó không còn là việc của ông nữa.
Tôi hỏi làm sao ông lại biết cô Alfrida cảm nhận như thế.
Ông đáp, “Một lá thư.”
Một lá thư, dù họ sống không xa nhau. Tôi thấy buồn khi nghĩ đến việc ông đã phải chịu mũi dùi bởi cái điều có thể coi là sự khinh suất, hay thậm chí việc làm sai trái của tôi. Tôi cũng buồn vì dường như bây giờ ông và cô Alfrida chỉ giữ quan hệ khách khí. Tôi tự hỏi ông đang bỏ lỡ điều gì. Có phải ông đã cảm thấy ông buộc phải bảo vệ tôi trước cô Alfrida, cũng như ông phải bảo vệ những gì tôi viết trước người khác? Giờ ông cũng sẽ làm vậy, dù việc này không dễ với ông. Khi làm cái việc bảo vệ không mấy dễ chịu ấy, có lẽ ông đã nói gì đó gay gắt. Vì tôi, những khó khăn kỳ dị càng chồng chất lên ông.
Có một mối nguy hại xuất hiện mỗi khi tôi về quê. Đó là mối nguy hại của việc nhìn đời mình qua mắt người khác chứ không phải mắt chính tôi. Nhìn đời mình như một cuốn sách cứ kéo dài ra mãi, như cuộn dây thép gai rối rắm, gây hoang mang, gây khó chịu - bị đặt đối chọi với những sản phẩm phong phú, thức ăn, hoa hoét, quần áo đan dệt trong đời sống gia đình của các phụ nữ khác. Lúc ấy, thật khó mà nói rằng chuyện về quê này đáng để nhọc công. Có lẽ là đáng để tôi nhọc công thật, nhưng còn người khác thì sao?
Cha tôi kể cô Alfrida bây giờ sống một mình. Tôi hỏi chú Bill thì thế nào. Ông nói toàn bộ chuyện ấy nằm ngoài quyền phán xét của ông. Nhưng ông tin là đã có chút phi vụ giải thoát.
“Giải thoát chú Bill á? Sao lại thế? Ai giải thoát?”
“Ờ, bố tin là có một bà vợ.”
“Con gặp chú ấy ở nhà cô Alfrida một lần. Con thích chú ấy.”
“Người ta vẫn thích hắn. Phụ nữ ấy mà.”
Tôi phải coi như sự tuyệt giao đó có lẽ không liên quan gì đến tôi. Mẹ kế của tôi đã thúc giục cha tôi sống kiểu mới. Họ đi chơi bowling và đánh bi đá trên tuyết, và thường xuyên gặp gỡ các cặp khác để uống cà phê hay ăn bánh rán vòng ở hiệu Tim Horton. Bà sống đời góa bụa một thời gian dài trước khi lấy ông, thời đó bà có nhiều bạn bè và họ trở thành bạn mới của ông. Chuyện xảy ra giữa ông và cô Alfrida có lẽ đơn thuần chỉ là một trong những thay đổi đó, những mối gắn bó cũ cứ sờn mòn đi, một điều tôi hiểu rõ qua chính đời mình nhưng không tưởng tượng nổi lại có thể xảy đến với cuộc sống của những người lớn tuổi hơn - nhất là, như tôi hẳn sẽ nói, cuộc sống những người quê tôi.
Mẹ kế của tôi qua đời không lâu trước cha tôi. Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi hạnh phúc của họ, hai người được gửi đến hai nghĩa trang khác nhau để nằm cạnh người bạn đời đến sớm hơn nhưng rầy rà hơn. Trước khi hai người qua đời, cô Alfrida quay lại sống ở thành phố. Cô không bán nhà đi, cô chỉ bỏ đi và để nó đó. Cha tôi viết cho tôi, “Thật là một kiểu xử lý khôi hài.”
Đông người đến dự lễ tang cha tôi, nhiều người tôi không quen. Một phụ nữ bước qua bãi cỏ trong nghĩa trang đến nói với tôi ban đầu tôi nghĩ đó hẳn là bạn của mẹ kế. Rồi tôi nhận ra người này chỉ hơn tôi vài tuổi. Dáng bè bè chắc nịch, vòng tóc màu vàng tro uốn xoăn cùng áo vét in hoa khiến chị ta trông có vẻ già hơn.
“Tôi nhận ra chị qua ảnh,” chị ta nói. “Bà Alfrida từng luôn khoe khoang về chị.”
Tôi nói, “Cô Alfrida chưa chết sao?”
“Ồ, chưa,” người kia đáp, và kể tiếp cho tôi rằng cô Alfrida đang ở một nhà dưỡng lão tại một thị trấn ngay phía Bắc Toronto.
“Tôi chuyển bà xuống đó để tiện thăm nom.”
Giờ thì dễ dàng nhận ra - cả qua giọng nói - chị ta cùng thế hệ với tôi, và tôi chợt nghĩ chắc hẳn chị ta, người trong cái gia đình kia của cô Alfrida, em cùng cha khác mẹ với cô, ra đời khi cô Alfrida gần như đã lớn.
Chị ta xưng tên họ với tôi, và dĩ nhiên đó không phải và họ của cô Alfrida - hẳn chị ta đã lập gia đình. Mà tôi lại chẳng nhớ nổi có khi nào cô Alfrida nhắc đến các em cùng cha khác mẹ bằng tên hay không.
Tôi hỏi cô Alfrida dạo này thế nào, người phụ nữ nói thị lực của cô kém đến nỗi cô chính thức bị mù. Và cô có vấn đề nghiêm trọng về thận, có nghĩa là cô phải đi lọc thận hai lần một tuần.
“Còn ngoài chuyện đó ra ấy à…?” chị ta hỏi và cười lớn. Tôi nghĩ, ừ, một người em gái, bởi vì tôi nghe ra cái gì đó rất Alfrida trong giọng cười phá lên bạt mạng đó.
“Vì thế bà đi lại không được dễ lắm,” chị ta nói. “Nếu không tôi đã đưa bà đến. Bà vẫn nhận báo từ đây và thỉnh thoảng tôi đọc cho bà nghe. Chính qua đó mà tôi biết tin cha chị.”
Tôi bốc đồng tự hỏi lên thành lời, rằng liệu tôi có nên đi thăm cô ở nhà dưỡng lão không. Những nỗi xúc động ở lễ tang - mọi cảm xúc ấm áp, lắng dịu và hòa giải mở ra trong tôi sau cái chết ở một tuổi hợp lý của cha - đã gợi ra đề xuất này. Sẽ khó mà thực hiện được. Chồng tôi - người chồng thứ hai của tôi - và tôi chỉ có hai ngày ở đây, trước khi bay sang châu Âu cho kỳ nghỉ đã bị trì hoãn.
“Chẳng biết chị có thăm hỏi được gì nhiều không nữa,” người phụ nữ nói. “Có ngày thì bà bình thường. Rồi lại có ngày không bình thường. Ta chẳng bao giờ biết được. Đôi khi tôi nghĩ là bà đang giả vờ. Chẳng hạn như, bà sẽ ngồi đó cả ngày và bất kể người ta nói gì với bà, bà sẽ chỉ nói mãi một thứ. ‘Khỏe như vâm và sẵn sàng yêu đương’[9]. Cả ngày bà chỉ nói câu đó. Khỏe như vâm và sẵn sàng yêu đương. Bà sẽ làm chị phát điên lên mất. Rồi lại có hôm bà trả lời bình thường được.”
Một lần nữa, giọng nói và giọng cười - lần này nửa ẩn nửa hiện - làm tôi nhớ đến cô Alfrida, thế là tôi bèn nói, chị biết không, tôi chắc chắn đã gặp chị, tôi nhớ một lần mẹ kế của cô Alfrida và cha cô ấy đến chơi, hay có lẽ là khi cha cô ấy cùng vài đứa trẻ…”
“Ồ, tôi không phải người ấy,” người phụ nữ nói. “Chị nghĩ tôi là em gái Alfrida sao? Thật hết ý! Tôi chắc là trông đúng tuổi chứ nhỉ.”
Tôi bắt đầu nói rằng tôi không nhìn chị ta được rõ lắm, mà đúng là thế thật. Vào tháng mười, mặt trời buổi chiều đã xuống thấp và đang chiếu thẳng vào mắt tôi. Người phụ nữ đứng ngược sáng, nên khó mà nhìn ra đường nét và vẻ mặt chị ta.
Chị ta so vai vẻ bồn chồn và nghiêm trọng. Chị ta nói, “Alfrida là mẹ ruột của tôi.”
Ôi. Mẹ ơi.
Rồi chị ta kể cho tôi, không dài dòng lắm, câu chuyện mà chắc chị ta phải kể thường xuyên, vì đó là sự kiện quan trọng của đời chị, là cuộc phiêu lưu chị phải cô độc dấn thân vào. Chị ta được một gia đình ở miền Đông Ontario nhận làm con nuôi; họ là gia đình duy nhất chị từng biết đến (“và tôi yêu họ tha thiết”), chị ta đã lập gia đình và có con, con cái chị đã trưởng thành trước khi chị cảm thấy niềm thôi thúc muốn tìm ra mẹ ruột của mình. Việc này không dễ lắm, vì cách lưu giữ hồ sơ trước đây, và cả vì vụ giữ bí mật (“Việc bà sinh tôi đã được giữ bí mật trăm phần trăm”), nhưng cách đây vài năm chị ta đã lần ra cô Alfrida.
“Cũng đúng lúc nữa,” chị ta nói. “Ý tôi là đúng lúc ai đó phải đến chăm sóc bà. Tôi làm hết sức mình có thể.”
Tôi nói, “Tôi không hề biết gì.”
“Ừ. Ngày ấy tôi không cho là nhiều người biết. Khi mình bắt đầu tìm kiếm, người ta cảnh báo rằng mình mà xuất hiện thì có khi sẽ gây sốc. Người già mà, đó vẫn là một cú nặng đô đấy. Nhưng mà. Tôi không cho là bà thấy phiền lắm. Trước đó thì có lẽ bà sẽ thấy phiền?”
Ở chị ta toát ra một vẻ đắc thắng nào đó, cũng không khó hiểu. Nếu ta có một câu chuyện mà kể ra có thể làm người khác choáng váng, rồi ta nói ra, và đúng là người ta choáng thật, thì hẳn phải có một khoảnh khắc êm dịu của quyền lực. Trong trường hợp này, khoảnh khắc đó trọn vẹn đến độ chị ta cảm thấy phải xin lỗi.
“Xin lỗi chị, tôi cứ nói về bản thân mà chưa bày tỏ nỗi buồn thương cha chị.” Tôi cảm ơn chị ta.
“Chị biết không, bà Alfrida kể cho tôi rằng một hôm cha chị và bà đang đi học về, đó là khi họ học cấp ba. Họ không thể đi cùng nhau hết đường vì, chị biết đấy, thời đó, con trai và con gái, họ có thể bị trêu chọc chuyện gì đó kinh khủng. Vì thế nếu cha chị tan học trước ông sẽ đợi chỗ con đường về nhà rẽ khỏi đường chính, bên ngoài thị trấn, và nếu bà ra trước thì bà cũng làm như vậy, đợi ông. Và một hôm đang đi cùng nhau, họ nghe thấy chuông rung khắp nơi và chị biết chuyện gì không, Thế chiến Thứ nhất đã kết thúc.”
Tôi kể là tôi cũng đã được nghe chuyện đó.
“Chỉ có điều tôi cứ tưởng lúc đó họ còn bé.”
“Thế thì làm sao họ cùng nhau đi về từ trường cấp ba được, nếu họ còn bé?”
Tôi nói là tôi tưởng họ đang chơi ngoài đồng. “Họ mang chú chó của cha tôi đi theo. Nó tên là Mack.”
“Có lẽ đúng là họ có một con chó thật. Có lẽ nó chạy ra đón họ. Tôi không nghĩ bà lẫn lộn về chuyện bà kể cho tôi đâu. Bà rất giỏi nhớ bất kỳ chuyện gì về cha chị.”
Bây giờ thì tôi nhận ra hai điều. Thứ nhất, cha tôi sinh năm 1902, và cô Alfrida cũng trạc tuổi đó. Vì thế nhiều khả năng là họ đi học về từ trường cấp ba, hơn là họ đang chơi trên đồng, thật kỳ quặc là trước đây tôi chưa từng nghĩ đến chuyện đó. Có lẽ họ đã kể là họ ở trên cánh đồng, tức là, đang đi qua cánh đồng. Có lẽ họ chưa bao giờ nói từ “chơi”.
Đồng thời, cái cảm giác hối lỗi hay thân thiện, sự vô hại tôi nhận thấy ở người phụ nữ này một lúc trước đó, giờ đã không còn nữa.
Tôi nói, “Mọi thứ đều bị biến đổi”.
“Đúng vậy,” người phụ nữ nói. “Người ta biến đổi mọi thứ. Chị có muốn biết bà Alfrida nói gì về chị không?”
Đến rồi. Tôi biết chuyện này sẽ đến mà.
“Gì thế?”
“Bà nói chị láu, nhưng chị không láu đến mức như chị vẫn nghĩ về mình.”
Tôi buộc đôi mắt mình không được rời khuôn mặt sẫm tối ngược sáng ấy.
Láu, quá láu, không đủ láu.
Tôi nói, “Chỉ vậy thôi sao?”
“Bà nói chị là kiểu người máu lạnh. Đó là bà nói chứ không phải tôi nhé. Tôi chẳng có gì phản đối chị cả.”
* * *
Chủ nhật đó, sau bữa trưa ở nhà cô Alfrida, tôi bắt đầu đi bộ suốt đường về nhà trọ. Nếu đi cả hai chiều, tính ra tôi đi hết khoảng mười sáu cây, như thế chắc bù lại hiệu ứng của bữa vừa ăn. Tôi thấy no căng, không chỉ no thức ăn mà cả mọi thứ tôi nhìn thấy và cảm thấy trong căn hộ ấy. Những đồ nội thất cổ lỗ sĩ, chật ních. Những khoảnh khắc im lặng của chú Bill. Tình yêu của cô Alfrida, bướng bỉnh như bùn quánh, không thích hợp và tuyệt vọng - từ những gì tôi thấy - ngay chỉ về mặt tuổi tác.
Sau khi đi bộ một lúc, tôi không còn thấy nặng bụng nữa. Tôi thề không ăn gì nữa trong hai tư tiếng đồng hồ tới. Tôi đi theo hướng Bắc rồi hướng Tây, hướng Bắc rồi hướng Tây, trên các con phố của thành phố nhỏ bé khá là vuông vắn này. Vào một chiều Chủ nhật, hiếm khi có xe cộ, trừ trên các đường lớn. Đôi khi hành trình của tôi trùng với một tuyến xe buýt trong suốt vài đoạn phố. Một chiếc xe buýt đi ngang qua, có thể chỉ chở có hai ba hành khách thôi. Những người tôi không quen và những người không quen tôi. Thật là một ân phúc.
Tôi đã nói dối, tôi không đi gặp bạn bè nào cả. Các bạn tôi hầu hết đã về nhà mình, bất kể họ đang sống ở đâu. Chồng chưa cưới của tôi đi vắng đến ngày hôm sau - anh đang ghé thăm cha mẹ anh ở Cobourg, trên đường về nhà từ Ottawa. Không có ai trong nhà trọ khi tôi về tới đó - không có ai để tôi lo ngại phải nói chuyện hay phải nghe chuyện. Tôi không có việc gì phải làm cả.
Khi đã cuốc bộ hơn một tiếng, tôi thấy một hiệu dược phẩm[10] đang mở cửa. Tôi đi vào đó uống một tách cà phê. Cà phê được hâm lại, đen và đắng - có vị như thuốc, đúng như tôi đang cần. Tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm, và lúc này tôi còn bắt đầu thấy hạnh phúc. Hạnh phúc được cô độc. Để nhìn ánh nắng tràn vỉa hè trong buổi chiều muộn nóng nực, những cành cây vừa trổ lá, đổ xuống bóng râm hổng hụt. Để nghe những âm thanh, đến từ sau cửa hiệu, những âm thanh của trận bóng trên đài mà người đàn ông vừa phục vụ tôi đang nghe. Tôi không nghĩ đến cái truyện ngắn tôi sẽ viết về cô Alfrida - không nghĩ riêng về điều đó - mà về công việc tôi muốn làm, dường như giống với việc chộp lấy một thứ bất ngờ xuất hiện, hơn là dựng nên câu chuyện. Tiếng đám đông reo hò khi tới tai tôi nghe như tiếng tim đập mạnh, tràn ngập nỗi buồn. Những đợt sóng đẹp đẽ, nghe thật trang nghiêm, với những lời cổ vũ và than vãn xa xôi, gần như không phải của con người.
Đó là điều tôi muốn, đó là điều tôi nghĩ mình phải chú tâm đến, đó là cách mà tôi muốn sống.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới