Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Ông Nội
ếu con người có mặt ở thế gian này đã năm vạn năm thì ông nội Thiêm thuộc đời thứ tám trăm của giống người. Ông nội tự xưng danh vậy. Khác người, hơn người, không chịu thua kém là cốt cách bẩm sinh quan trọng của ông.
Ông nói: Giống như cái giếng, nước ở dưới sâu lòng đất, khi ấy nó là vô ích. Nhờ sự chuyển dịch từ dưới lòng đất vượt lên mà nước trở thành nước giếng, nước có ích. Tất cả chúng ta đều phải như nước, tìm cách để trở nên có ích với nhân quần. Ông nội hàm súc, nồng hậu như một tứ thơ Đường. Là con trưởng của dòng họ Đinh sinh ra ở đất này từ cuối thế kỷ trước, để tồn tại và nẩy nở trong khắc nghiệt, ông nội phải cùng mọi người hình thành một thể chất đặc biệt cùng hệ thống quan niệm, thói quen, văn pháp ứng xử mà cốt lõi là coi trọng việc làm giầu bản ngã, gan góc bảo vệ mình, hài hoà với thiên ý và am tường nghệ thuật sống.
Gia phả đời thứ ba mươi dòng họ này ghi: “Trời vứt ta vào chốn rừng xanh núi đỏ, nhưng ta là phượng hoàng ở chốn cheo leo.” Vùng đất bán sơn địa này hoá ra là nơi phát tích thứ hai của dòng họ này. Tựa như được tiếp nhận năng lượng từ vũ trụ nhập qua các huyệt điểm mở trên thân mình, dòng họ này kế tiếp nhau sinh sôi các tài danh xuất chúng, tạo nên bao võ nghiệp huy hoàng từ khai mở đất hoang, diệt ma, trừ tà, yểm quỷ đến các võ công hiển hách đánh đuổi giặc xâm lăng bên ngoài, dẹp yên kẻ thù bên trong.
Ông nội Thiêm kể:
- Tổ phụ xa xưa của dòng họ ta vốn cháu nội đích tôn vua Hùng. Người là bậc tù trưởng hùng mạnh, giầu có, trên tường thiên văn, dưới tường địa lý, vừa có lòng nhân rộng rãi để thu nạp hiền tài bốn phương, lại vừa có tài sức phi thường lập nên công nghiệp: tay không đánh được hổ dữ, vật được trâu rừng, vác được đá tảng ngàn cân, cõng được thuyền lương nghìn hộc. Đến đời Thái Tông, người đứng đầu dòng họ, nhờ có công đánh tan giặc xâm lấn, khải hoàn được vua phong vương, cấp đất, giữ sổ sách bảy châu, gồm sáu mươi huyện, bốn chục trường, mười sáu giáp. Tiếp đó, người dùng uy đức thu nạp các rợ lâm ấp, thêm năm châu nữa, với hai mươi hai trại lớn, năm mươi sáu trại nhỏ.
Tiếc thay, ơn lớn không thể báo, làm ơn cho vật, vật đáp trả bằng ơn, làm ơn cho người, người trả oán. Cho nên đến đời Lê, người có công đầu bị sàm tấu, mắc vòng thị phi, chẳng những mất công lớn, lại còn phạm trọng tội, phải lưu đầy biệt xứ.
Nhưng, anh hùng lọ là hoàn cảnh! Dẫu rơi vào thế hãm địa, dòng họ này vẫn cứ kế tiếp hết anh tài lại các bậc trí dũng song toàn. Có người học sâu hiểu rộng kinh sử đến mức vua Tầu phải mời sang làm quan Tư tế hiệu uý. Lại có người sức lực siêu quần được sung vào đội Túc vệ, lên tới chức Vũ vệ tướng quân. Có người được phong tước hầu, đảm nhiệm chức vị Đô thống thượng tướng quân.
Lại có người tướng lạ, mặt hổ râu rồng, có tài xuống nước lên không, vào thần ra quỷ, đọc câu thần chú biến thành hổ báo, đời vua nọ điều khiển được cả âm binh đi đánh giặc phương Bắc. Có đại vương trẻ tuổi mà phong tư tài nghệ khác thường, phiên trấn một vùng biên cương châu Thuỷ Vĩ, nay là tỉnh Lao Cai, nhờ có uy vũ và ân đức mà hàng ngàn tên lục lâm thổ phỉ phải tự trói ra hàng, khiến bình yên mấy đời nối tiếp cho dân bản hạt.
Đời Trần có tướng quân ra trận anh dũng vô song, vào hiệp cuối, bị nhát dao chém lén của giặc, đầu sắp lìa thân, vội cởi thắt lưng quấn quanh cổ để giữ đầu, tiếp tục xông tới đánh tan đám giặc rồi mới phi ngựa về làng báo tiệp. Tới đầu làng bắt gặp một bô lão, bô lão nọ vội quỳ gối, chắp tay vái lạy rồi chỉ quả gò trước mặt, cung kính: “Gò đất kia là nơi ngàn năm hương lửa, người trung liệt nghĩa khí xin đừng bỏ qua!” Tướng quân nghe vậy liền thúc ngựa phi tới, thong thả rời yên bước xuống, đoạn thoải người nằm dài, đầu gối lên cánh tay gập, điềm nhiên nhắm mắt; lát sau đất đùn phủ kín thân người.
Gò ấy nay có tên gọi Gò Tướng quân.
Gò Tướng quân ở cạnh Đồi tế cờ, nơi nghĩa quân chống giặc Minh, giết dê, tế cờ, khởi nghiệp.
Trên đất đá ong lô xô bóng cọ, mỗi cây một công trình trau chuốt, bên các bờ xôi ruộng mật trong thung chen chúc đền miếu phụng thờ các đấng thần minh, các bậc hiền tài.
Vùng đất này có dáng lục long triều hội, tương truyền chính là nơi phát tích Đức Thái Nhất Thuỷ Tổ Lạc Long Quân. Bên đồi sim hoa nở tím ngát một trời chiều, có phiến đá lớn phẳng bằng thời chăn trâu đốt lửa Thiêm thường đến ngắm vọng được gọi là giường nằm của bà Âu Cơ. Bô lão trong làng từ đời Nguyễn do vậy mới tự bảo nhau xây dựng Quốc Tổ miếu nguy nga giữa làng.
Cuối làng có Đình Ngoại, thờ Đức Linh lang hoàng tử, người đứng ra chiêu mộ quân sĩ đi đánh giặc Tống. Cạnh đình còn nguyên các thùng đấu vuông thành sắc cạnh, tục gọi Đấu Đong Người, dùng trong thuật đánh lừa giặc, nghe nói có từ thời Mã Viên sang đô hộ nước ta.
Chùa Diên Khánh đẹp như một bài thơ cổ toạ lạc giữa một dải đất võng đào, cạnh Giếng Cà, dấu ấn tích chuyện Phù đổng thiên vương sau thắng giặc Ân khao quân giữa bữa hết cà, vội rảo bước về xin mẹ, khi trở lại sơ ý đánh rơi, tạo nên một vùng đất lõm. Bắc có chùa Bụt Mọc. Nam có khu di chỉ cổ vật, phát hiện từ hồi đào mương dẫn nước thu nhặt cả mấy ngàn mũi tên đồng.
Nơi nơi lịch sử toả hơi ấm nồng nàn. Người người, từ trẻ đến già, từ trước đến nay vừa coi trọng việc cấy hái trồng trọt, vừa chăm chỉ việc cúng thờ, tế tự. Cội nguồn vừa là mồ hôi, máu huyết, vừa là hương khói thiêng liêng; nuôi dưỡng và ngưỡng vọng, hai việc song song để hình thành mỗi trẻ nhỏ.
Ông nội sống nửa đời với công việc nông trang thổ mộc, nửa đời trong u linh man mác, vừa phàm trần gần gụi, vừa siêu thoát cao xa.
Thời gian là thánh nhân, là thánh vật kết tụ quanh ông bao chuyện lạ. Ông kể:
- Một hôm động rừng, ba ông hổ về làng. Ông đi cày về, nghe xôn xao chạy ra quả đồi nay gọi là Đồi ông ba mươi thì thấy ba ông đang nằm gối lên nhau, vằn vèo vàng đen như đống lửa cháy. Làm thế nào để ba ông về rừng, để bà con còn đi lại làm ăn bây giờ? Ông nghĩ cách; ông đóng một cái cũi gỗ đặt trên bốn bánh xe gỗ. Xong cũi, ông chui vào, gài then rồi vận hành cho xe cũi tiến tới. Đến sát ba ông, xe ông dừng lại. Ông hét thật lực: “Nhà của ba ông ở chốn rừng xanh. Mong các ông hãy trở lại đó như người trở về nhà mình!” Ba ông mở mắt, tỉnh dậy, mở miệng ngáp dài mấy cái, nhìn ông gật gật như nghe ra, rồi lững thững đi về rừng.
Ông nội ra khỏi cũi, đặt chân vào vết chân hổ, cười hề hề vang trời. Ông đi trong vết chân beo, một mình an nhiên, giữa kính phục của mọi người. Bậc thánh nhân luôn gây ảo giác cho người. Ông cũng vậy. Qua vóc ông nhìn thấy dáng núi non. Tay ông dài thượt, chân ông to trùng trục, ngủ thì choãng rộng hình cái chạc. Tướng mặt ông thuộc ngũ lộ. Mắt ông lồi. Trán ông nổi. Răng ông to. Mũi ông rộng. Tai ông lớn. Môi ông là môi trâu. Ngực ông là ngực rùa. Lưng ông là lưng cọp. Hình dạng ông phảng phất người viễn cổ, chưa hề bị dồn nén, chưa vong thân, viên mãn tràn đầy. Ông là trạng thái hồn hậu của trời đất, lại cũng là cái dồi dào của con người xác thực.
Ông kể chuyện Khổng Tử, Mạnh tử, chuyện Bao Dinh mổ trâu, phó mộc Khanh làm giá gỗ, rút từ văn sách cổ, kể lại tích cũ, dùng lại lời người xưa, mà tri thức của ông vẫn là tri thức tiên nghiệm, bẩm sinh. Có người mắc bệnh nhức đầu kinh niên, bao danh y đều bó tay, đến ông, ông bảo bỏ hết vòng, xuyến, nhẫn, hoa đeo ở trên mình, thay vào đó là các đồ trang sức bằng bạc. Người đó khỏi bệnh, nghĩ ông có phép tiên. Có người mắc bệnh đau lưng gần mãn đời chưa khỏi, nhờ ông niệm chú mà dứt hẳn. Ông để người phụ nữ bị tắc sữa đứng tựa lưng vào cây cột nhà, đóng một chiếc đinh đúng chỗ đầu người nọ chạm tới, lập tức sữa từ hai bầu vú người nọ tuôn chẩy ào ào. Ông có thuốc gia truyền chữa mọc tóc, chữa bỏng dạ, chữa lành con mắt mắc bệnh nhìn có ruồi bay, mưa rơi, khói toả.
Ông khai mở vùng hiểu biết về ái tình với đàn bà khi Thiêm mười lăm tuổi. Ông dậy: đầu, mặt đau là khu trung tâm hỗn loạn, phải lo chữa chạy ngay. Tay, chân đau chỉ là loạn nhỏ. Ông dặn phải dấu kỹ bàn tay cũng như không để ai hay ngày sinh tháng đẻ, đề phòng kẻ phản trắc gây hậu hoạ. Bị người hại là chuyện thường, nhưng cũng là chuyện vặt. Đường đi lắm dốc lắm đèo, vốn nó là vậy, chớ có than vãn mà hèn.
Ông làm thơ về Tổ quốc, về gia đình, về mỗi đứa con đứa cháu trong nhà. Ông có những phát hiện hóm hỉnh về tiếng nói của dân tộc. Ông bảo: từ nào có chữ a thường biểu hiện vật thể hay tinh thần to hơn. Ví dụ: nhà to hơn bếp, cha lớn hơn mẹ, anh ở trên em, bác ở trên chú. Ông bảo: con trong từ con cái, thêm một dấu huyền thành còn, con nghĩa là còn mãi. Ông nói lái: Cuộc đời chứ đừng đợi cuồng, gia đình là cái đinh già. Ông nói thành vần, ông ru Thiêm bằng thơ.
Cháu ơi Tổ quốc là gì?
Ông nghe cháu hỏi mà suy nghĩ nhiều.
Mười hai tuổi, Thiêm theo ông tập đục đá ong. Trưa hè nắng lửa, tiếng xà beng thúc đá cùng hơi thở phát ra từ lồng ngực hai ông cháu dội lên tới tận trời xanh. Mười lăm tuổi, Thiêm đã lực lưỡng như trai lực điền, việc gì cũng làm quen: từ dựng cây xẻ gỗ tới cấy cày gặt hái gánh gồng, nổi danh là học sinh giỏi toàn vùng. Mười sáu tuổi, Thiêm tự khâu được bộ quần áo đầu tiên của mình.
Đầu nhà treo cái kẻng là thanh tà vẹt ông vác về từ đường tầu hồi kháng chiến ta có chủ trương phá hoại, không cho giặc sử dụng. Một năm 365 ngày, 365 bình minh, không trừ lễ tết, cái kẻng rộn vang hoà khúc đồng quê cùng tiếng ông vang vọng: “Dậy! Dậy! Vĩ nghiệp đang chờ các ngươi.” Dậy là học, là làm. Dậy với ca khúc tốt lành một ngày mới lồng lộng bóng ông nêu gương sống.
Ông nội là hình, Thiêm là bóng. Thiêm cùng ông cấy cày thửa ruộng trồng cây phúc cho đời, cùng ông song hành hai việc lớn: học và làm, cùng ông hoà nhập đời sống thôn làng lúc nào cũng tấp nập cảnh dựng nhà dựng cửa cho con cháu sinh sôi, tấn tới. Cả vùng chung một kiểu nhà. Mặt hướng đông nam, cửa mở vào phía trong, dứt khoát cánh cửa khi mở phải kéo vào phía trong nhà, kiểu cấu trúc hàm chứa một nghĩa lý sâu xa: gặp bạn, thênh thênh đón mừng; phái thù, kiên quyết đẩy lui. Cùng ông sống đời tận tuỵ, chắt chiu, vừa thâm sâu ý tưởng vừa phong phú tình người.
Vườn ông rộng năm sào đất. Vây bọc quanh vườn là bồ kết và lớp mây gai. Ông cười, bảo: da cóc mà bọc trứng gà đấy. Quả nhiên, bên trong vườn là cam quýt, mít dừa, lê táo, đào mận, hồng, xoài, roi, ổi… quanh năm biến hoá dưới sự điều khiển tài tình của ông. Xoài ông trồng ra hoa lúc rét, kết quả khi trời vào xuân, quả nào quả nấy nây tròn, ngọt lự. Roi vườn ông ra quả quanh năm. Tháng giêng, mót táo trong vườn ông ăn cũng đủ no bụng. Cạnh quả là hoa, là bộ bách thảo cây thuốc quý, công phu sưu tầm từ mấy đời trước, đủ mặt từ cây uy linh tiên chữa áp huyết đến cây cóc mằn chữa viêm xoang vốn chỉ mọc ở vùng đồng bào Tày Cao Bằng.
Ông nội yêu hoa, yêu cây, yêu công việc.
Ba giờ sáng ông đã lọ mọ ở ngoài vườn. Ông chăm bón, tưới tắm cho cây. Ông bứt lá sâu, ông tỉa cành gầy. Ông trò chuyện với cây. Nhắc cây này ra hoa, ông khen cây kia ra quả đúng kỳ hạn. Ông dạy chúng sống đời dâng hiến. Vườn ông sạch đẹp như vườn ngự uyển. Không một sợi rơm vương. Không một mảnh lá rụng. Không một tơ lông gà, một đầu mẩu thuốc, một tàn diêm rơi. Nhưng, tháng ba ngày mười ngày giỗ tổ, con cháu từ các nơi trở về, ông mở cửa vườn, tháo khoán cho chúng tha hồ trèo leo, vặt quả, chén cho no nê, thoả thích. Chiều tà, ông đứng giữa vườn cây xác xơ vì con cháu, hả hê, đổ một tràng cười mãn ý, tuyên bố từ hôm nay khai mở một chu kỳ sinh hoá mới, ôi chuyện thổ mộc mà thấm nhiễm lẽ huyền nhiệm của đời sống siêu linh!
Đời sống siêu linh, ông đắm chìm trong nó, nhận ra nó có ở trong từ muôn mặt đời thường đến kinh phúc âm, thánh thư Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Ông nói, nếu không vậy, sao câu thơ thứ 1930 trong truyện thơ vĩ đại ấy lại diễn đạt đúng tâm thế cuộc đời: năm 1930, năm thành lập tổ chức chính trị tiên phong: “Ngày phô thủ tự, đêm nồi tâm hương.” Năm 1932, năm thực dân Pháp gây khủng bố trắng ứng đúng với câu thơ thứ 1932: “Lửa lòng tưới tắt các miền nhân duyên.” Còn câu thơ thứ 1942 đích thị là dự báo chiến công của du kích quân kháng Nhật tiền khởi nghĩa 1942: “Xăm xăm đến mé tường hoa với nàng.”
Mấy ông Uỷ ban xã gọi ông lên, đập bàn, quát: Đừng có xỏ xiên, đừng có tuyên truyền mê tín dị đoan. Ông cười nhạt: Các chú biết một mà không biết hai. Nhìn thấy cái hữu hình chứ không nhìn thấy cái vô hình! Cán bộ xã căm ông lắm. Họ bảo ông là lão già nặng căn, ngoan cố. Vào dịp Cải Cách ruộng đất, họ lập cớ ông có khu vườn rộng lại có nghề bốc thuốc chữa bệnh nên thuộc thành phần bóc lột và bắt ông giam ở trụ sở Uỷ ban. Thiêm đưa cơm cho ông. Thiêm khóc. Ông nghiêm mặt trách: “Trời hại thì chịu, chứ người hại thì đạp bằng nó mà qua chứ, sao khéo dư nước mắt thế, cháu!”
Vào tuổi bẩy mươi, đúng ngọ những ngày đầu thu trời trong sáng, ông gọi từng con cháu trong dòng họ đến để xem thọ tinh và hậu vận cho mỗi người. Ông bảo Thiêm: cháu có gương mặt phân miêng, sáng sủa và tiềm tàng. Cháu là người chân thực, có tài, có chí. Cháu sẽ thọ khảo, vinh thăng, vẽ được chân dung mình, dẫu nhiều lúc rơi vào hãm địa. Với bố Thiêm, ông lắc đầu, e ngại: “Ý chí không như Thái Sơn thì khó lòng ra khỏi hố lửa!”
Bố Thiêm vóc dáng hào hoa, phong tư lộng lẫy, ngũ đình phân minh, mắt sáng, môi hồng, lưng đầy, tiếng vang. Ông là chàng trai dĩnh ngộ, tuấn tú nhất thế hệ. Học một biết mười, thuở thiếu niên đã nức tiếng một quái kiệt về tài ghi nhớ và trí xét đoán. Ông tham gia cách mạng ở vị trí một tri thức trẻ, dấn thân ở địa hạt truyền bá văn hoá và tư tưởng. Toàn thức, toàn tài phát lộ ở tuổi hai mươi lăm khi ông đứng đầu một cơ quan văn hoá lớn mấy tỉnh trung du. Người đó, tiếc thay, chẳng thể vượt khỏi khuôn hình một khách tình si, dẫu khoác áo chiến sĩ vẫn không giấu nổi phong độ một tài tử văn nhân; con mắt dù khi nghiêm nghị cũng long lanh một ánh phong tình.
Vào tuổi ba mươi, đúng như ông nội tiên đoán, bố Thiêm rơi vào hố lửa thật. Ông mê mẩn một phụ nữ nhan sắc đã có chồng là một tên gián điệp địch cài vào nội bộ ta đang bị theo dõi. Cuộc tình lén lút của đôi nam nữ trai tài gái sắc gây tai tiếng, ô danh dến cả tổ chức và gia đình. Sử dụng cả đến sự hộ trì của đấng tối linh để hạ thấp thế dục vọng của con trai mà không xong, ông nội đã nổi sát khí, cầm thanh gươm báu của tổ phụ, đi tìm đôi gian phu dâm phụ những tưởng có thể dùng bạo lực để tiễu trừ độc hại, đập vỡ gương mù, lấy lại thanh danh. Nhưng, cái gì đến thì vẫn cứ đến. Mệnh trời như lưới, nào có ai ra khỏi. Cuối cùng, con trai ông, tức bố Thiêm và người tình đã kịp thời cao chạy xa bay, họ dắt díu nhau vào vùng địch tạm chiếm, tìm chốn bồng lai cho đôi lứa, thà chịu tội vô luân và phản bội dân tộc. Mẹ Thiêm không chịu nổi nỗi đau bại xuội tâm thể nọ, nửa năm sau, phát bạo bệnh, từ giã cõi đời.
Lên thượng lão, đạt đến sự huyền nhiệm của tuổi trời cho, xem tướng Thiêm một lần nữa, ông bảo: Thiêm giống cha ở nét đa tình đa cảm, nhưng ý chí kìm nén mạnh hơn và men say lý tưởng cao hơn nên dứt khoát có thành đạt. Thiêm mười tám tuổi, học hết bậc trung học, đứng trước cái ngưỡng con người từ đây phải tự chịu trách nhiệm về mình, trước cuộc sống, ông nội bảo:
- Sửa soạn đi xa đi, cháu đích tôn của ông. Công nghiệp cháu phải lập ở nơi xa mới thành. Đã tự mình là mặt trăng, là ngọn đèn soi tỏ cho mình thì gặp nguy biến cũng chỉ là sự thường. Người biết đọc sách thì sơn thuỷ cũng là sách. Đời tĩnh rồi động. Dựa vào mình là tính của các bậc thần. Tự vẽ lấy gương mặt mình nhé. Phải dám đi trong dấu chân beo, nếu đã vậy thì bị người hại đâu có phải là đáng sợ, cháu!
Hai mươi tuổi, sau hai năm theo đuổi một lớp sư phạm hoàn chỉnh, Thiêm như quả đã chín, đeo ba lô túi sách, tạm biệt ông, nhập vào đoàn giáo viên xung phong đem ngọn đuốc văn hoá lên chiếu sáng vùng cao Lào Cai.
Dẫu cách xa, Thiêm vẫn ngày đêm bện kết mối dây tâm đồng với ông nội. Ký ức Thiêm vằng vặc hình tượng ông được phóng chiếu với những kích cỡ phi thường, nơi hình thành nhân cách Thiêm.
Cuối năm thứ nhất xa Thiêm, ông nội biên thư gửi lên cho cháu, báo tin: Ông vừa họp các bô lão từ bẩy mươi trở lên trong toàn xã lập Hội và phát động một cuộc thi sống lâu và sống có ích. Mở đầu, các cụ thi ăn. Ông cao tuổi nhất nhưng giật giải quán quân. Một mình ông, bữa ấy, ăn hết ba cân mỡ sống kèm chục cái bánh đa nướng. Ăn xong, cũng một mình ông đào năm chục cái hố trồng bạch đàn liền trong hai ngày. Nhân sinh bách tuế vi kỳ. Ông sẽ sống đủ một trăm tuổi để rồi theo bước đi của cháu đó, Thiêm ơi!
Năm thứ mười ở La Pan Tẩn, Thiêm lập được kỳ tích đáng ghi vào gia phả dòng họ. Trong khi hai mươi tám xã toàn huyện Xin Ma Chải không nơi nào duy trì nổi một lớp vỡ lòng, La Pan Tẩn đã hoàn chỉnh một trường cấp một đủ bốn lớp, riêng lớp bốn có mười hai em học sinh người Mèo. Trường có tám mươi học sinh. Ký túc xá đủ chỗ cho bốn mươi em ăn nghỉ. Toàn bộ người ở độ tuổi đã biết đọc biết viết. Cán bộ xã, trừ những người quá u tối, đều đã có trình độ lớp ba bổ túc văn hoá. Cây trên đất cằn đã ra hoa. Nền móng của toà lâu đài văn hoá đã đặt được những viên đá tảng. Trong trường kỳ lịch sử dân tộc mình, chưa bao giờ La Pan Tẩn có được cảnh tượng nọ. Ông Trần Đổng trưởng phòng vẫn chưa lên thăm phong trào giáo dục La Pan Tẩn vì đang ruồng rẫy vợ và bẫn bíu chuyện tư tình với một cô ở cửa hàng lương thực. Nghe phong thanh thành tựu giáo dục La Pan Tẩn, ông lè nhè: “Mẹ nó chứ, nó có phép thần à!” Thiêm viết thư kể mọi chuyện cho ông nội biết, ông nội viết trả lời: “Thành người rồi đi dạy lại người, đó là lẽ sống đó, cháu!”
Năm thứ mười hai sống ở La Pan Tẩn, Thiêm viết thư cho ông: Ông ơi, cháu đã học được, viết được chữ Mèo. Bây giờ cùng với tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, cháu còn dạy cả chữ Mèo cho đồng bào. Sắp tới, cháu còn đưa ba em học sinh Mèo ở đây học hết lớp ba ra tỉnh học trường thiếu nhi dân tộc ông ạ. Người Mèo ở đây, theo hố pẩu gọi cháu là dở sấu, tức ông tiên, ông thánh. Ôi, ông tiên, ông thánh, chức danh cao cả thiêng liêng đó, cháu đâu dám nhận. Chỉ có ông, chỉ ông mới xứng là dở sấu thôi. Ông ơi, hơn chục năm nay rồi, giờ vẫn thế, cháu vẫn theo ông đánh kẻng mỗi sớm mai, thức dậy những cái tốt, cái đẹp của mọi người trên cõi đời này.
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn