The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ởi vì lời hứa của đại diện Tổng Ðốc đến thăm các học sinh bị thương không thi hành, hai ngày sau học sinh của toàn thể mọi trường kêu gọi bãi khoá. Nhưng thực ra đây chỉ là một phản ứng tượng trưng, vì phân lớn trường học đã đóng cửa cho kỳ nghỉ mùa đông.
Ngày xuống đường lần thứ hai, vì sự đòi hỏi của Trường Ngoại Ngữ, Liên hội Học sinh chính thức công bố một thông cáo về việc bãi khóa, trong đó có một vài nhận xét thiếu kính trọng đối với Tổng Ðốc. Vài ngày kinh hoàng tiếp theo, và có những cuộc đụng độ giữa học sinh và binh sĩ; quần chúng rất lo sợ rằng binh sĩ sẽ lợi dụng cơ hội để trở thành bọn cướp vô kỷ luật. Học sinh không dám ra đường một mình, chỉ đi từng đoàn năm hay sáu người. Một học sinh bị lính đánh tàn tệ vào lúc chập tối gần Nam Môn của thành phố, trong khi một cảnh sát đứng nhìn từ bên đường, sợ không dám can thiệp.
Khắp nơi là sự hỗn loạn, nhưng chính quyền nhắm mắt làm ngơ. Viên Tổng Ðốc dường như quên hẳn vụ phản kháng của học sinh, có lẽ vì ông ta bận tổ chức ăn mừng sinh nhật cho bà mẹ. Binh sĩ ngày một kiêu căng, đặc biệt là những binh sĩ bị thương và bị giải ngũ. Chúng tự động ra đường, không tuân theo pháp luật gì, và hoành hành ngoài đường phố theo ý muốn. Không ai dám can thiệp.
Nhưng học sinh không dễ gì bị bắt nạt. Họ tung ra một chương trình "Tự Bảo Vệ Sự Kính Trọng Ðối Với Học Sinh," họ phân phát truyền đơn và đọc diễn văn. Liên Hội Học Sinh nhập cuộc với các điện tín gửi cho những tổ chức hàng đầu khắp nước để yêu cầu sự hỗ trợ cho cuộc tranh đấu của học sinh Thành Ðô. Họ gửi đại diện tới các thành phố khác để giải thích vị trí của học sinh; quan trọng hơn hết, họ còn có được sự hợp tác của những tổ chức học sinh khác. Chiến dịch này bành trướng tới một kích thước đáng kể. Nhưng vẫn không có dấu hiệu hành động nào của Tổng Ðốc.
Giác Tuệ hoạt động hăng say hơn Giác Dân trong vụ này, vì Giác Dân còn mê mải giúp Ngọc Cầm ôn lại môn Anh văn, và không còn chú ý đến bất cứ chuyện gì khác.
Một buổi chiều, khi trở về từ một cuộc họp của Liên hội Học sinh, Giác Tuệ được gọi vào phòng của ông nội.
Ông già ngoài sáu mươi tuổi nằm trên một cái ghế dựa. Cơ thể ông trông rất dài đối với Giác Tuệ. Vài cọng râu bạc nhô ra từ cái hàm của bộ mặt dài và đen tối, và có những mảng tóc hoa râm quanh cái đầu hói bóng loáng của ông. Nằm nhắm mắt, Cao Ðại lão gia đáng kính ngủ gà ngủ gật và khẽ ngáy.
Giác Tuệ ngại ngùng đứng trước ông nội, sợ không dám gọi và cũng không dám bỏ đi. Thoạt đầu Giác Tuệ rất là khó chịu, bầu không khí của căn phòng này đè nén chàng. Chàng đứng im lặng, hy vọng ông nội sẽ thức giấc để chàng có thể mau lẹ ra về. Nhưng dần dần nỗi sợ của chàng giảm đi, và chàng chú ý nhìn bộ mặt đen tối và cái đầu hói của ông già.
Giác Tuệ lúc nào cũng nhớ cái hình ảnh nghiêm khắc của ông nội trong tâm trí. Một ông già cứng rắn khó tính mà mọi người phải sợ hãi và kính trọng. Giác Tuệ ít khi nào nói quá vài lời với ông nội. Ngoại trừ hai lần trong một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều, chàng phải ghé thăm ông nội để tỏ lòng kính trọng, Giác Tuệ ít có cơ hội gặp và nói chuyện với ông nội. Giác Tuệ hết sức tránh né ông già khó tính này, bởi vì chàng bao giờ cũng cảm thấy vụng về lúng túng trước mặt ông già. Ðối với chàng, ông già này dường như đã mất hết mọi tình thương.
Vào lúc này, ông nội chàng nằm yếu đuối trên một chiếc ghế nghiêng nghiêng trông có vẻ mất hết sinh khí. Giác Tuệ nghĩ ông nội không phải lúc nào cũng khó chịu. Chàng nhớ lại ông nội trước kia cũng từng có cái thú tao nhã làm thơ và vẽ tranh, tuy nhiên phần lớn thơ của ông làm là để tặng một số đông ca kỹ. Giác Tuệ mỉm cười, cố hình dung ông nội thế nào lúc còn trẻ. Lúc ấy ông nội chàng có lẽ là một người phong lưu lắm; mãi sau này khi ông già rồi mới lấy được bề ngoài đạo hạnh... Dĩ nhiên đó là chuyện ba mươi năm trước. Khi già đi, ông nội chàng bỗng trở thành một nhà luân lý Khổng Mạnh.
Tuy vậy ngay bây giờ, ông nội chàng vẫn liên lạc chơi đùa với một diễn viên chuyên đóng giả gái trong các vở tuồng. Một lần ông nội chàng mời một diễn viên ấy đến nhà chơi, bắt người ấy phải mặc trang phục đàn bà, bôi son phấn đội một mớ tóc đàn bà giả và chụp hình với ông ta. Dĩ nhiên không ai ngạc nhiên trước cái thú ấy tại Thành Ðô.
Ông nội chàng có một người hầu thiếp - Trần Di Thái, một người đàn bà chát bự phấn, luôn luôn xức nước hoa và cười điệu khi bà ta nói chuyện. Bà ta không hấp dẫn chút nào, nhưng ông nội chàng mua bà ta lúc vợ chết và dường như thích bà ta lắm. Hai người sống với nhau gần mười năm rồi. Bà ta cũng sinh được một đứa con, nhưng đứa bé chết lúc được năm tuổi.
Khi so sánh cái phong vị "tao nhã" của ông nội về thơ phú và hội họa với sự yêu thích người đàn bà thô tục này, Giác Tuệ không thể nín được cười. Chàng nghĩ con người nhất định là không phải trước sau như nhất. Càng băn khoăn về chuyện này, chàng càng ít hiểu ông nội hơn. Ðối với chàng ông nội là một sự bí mật không đáy.
Bỗng nhiên ông già mở mắt. Ông ngạc nhiên nhìn Giác Tuệ chăm chú, như thể ông không nhận ra chàng, và vung tay ra hiệu cho chàng đi ra ngoài. Thực là kỳ lạ! Ông nội cho gọi chàng, và để chàng đứng chờ lâu như thế chỉ để bảo chàng đi ra mà không nói một lời. Nhưng khi chàng bước ra tới cửa thì ông nội gọi chàng lại:
"Trở lại đây. Ta có một điều muốn nói với bay."
Giác Tuệ quay lại và bước lại gần.
"Mấy lúc này bay ở đâu? Người nhà phải đi tìm bay khắp nơi." Giọng ông già khô khan và nghiêm khắc. Bây giờ ông ta đã ngồi lên rồi.
Giác Tuệ ngạc nhiên trước câu hỏi. Chàng biết không thể nói chàng đi dự cuộc họp của Liên hội Học sinh được, nhưng lúc này sự nhanh trí của chàng biến mất và chàng không thể nghĩ được câu trả lời. Ðôi mắt nghiêm nghị của ông nội đang dò xét chàng, và Giác Tuệ cảm thấy mặt đỏ bừng. Cuối cùng sau một vài do dự, chàng cố gắng trả lời, "Con đi thâm một người bạn học."
Ông già lạnh lùng cười. Ông nhìn vào mắt Giác Tuệ và quát, "Ðừng nói láo. Ta biết hết về bay rồi. Người ta bảo cho ta biết học sinh và binh sĩ xung đột với nhau ngoài đường phố trong mấy ngày qua, và bay cũng dính líu tới vụ này. Trường học đóng cửa rồi, nhưng ngày nào bay cũng đi dự các buổi họp của các hội học sinh. Trần Di Thái vừa mới cho ta hay bà ấy nghe mấy người phu khiêng kiệu kể lại họ trong thấy bay đi phát truyền đơn ngoài đường phố...
"Học sinh tụi bay đã hành động quá đáng - đi kiểm soát các cửa tiệm để tìm hàng hoá Nhật bản, bắt giữ thương gia và điệu họ đi ngoài đường - hoàn toàn vô luật pháp! Binh sĩ đánh tụi bay là đúng lắm. Tại sao tụi bay khiêu khích binh sĩ một cách vô lý như thế? Ta nghe chính quyền dự định dùng biện pháp mạnh đối phó với học sinh. Nếu tụi bay cứ tiếp tục biểu tình như thế này, tụi bay sẽ hủy hoại cuộc đời trẻ trung ngu ngốc của tụi bay đi!"
Sau vài lời như thế, ông già dừng lại để ho. Nhưng bất cứ khi nào Giác Tuệ cố gắng trả lời, ông già lại tiếp tục bài giảng để lấn át chàng. Rồi ông chấm dứt bài giảng với một cơn ho dữ dội. Trần Di Thái vội bước vào từ phòng bên cạnh và khẽ đấm lưng cho ông.
Cơn ho của ông hạ dần. Nhưng cơn giận của ông già lại gia tăng khi ông thấy Giác Tuệ vẫn còn đứng trước mặt ông.
"Học snh tụi bay không chịu học hành, chỉ muốn gây rối thôi. Trường học đang ở vào tình trạng tệ hại. Trường học không sản xuất được gì, ngoài những tên làm loạn. Chính ta lúc đầu không muốn tụi bay đi học tại nhà trường. Trường học làm tụi bay thành xấu. Hãy nhìn chú Khắc Ðịnh của bay. Nó không bao giờ đi học, chỉ học ở nhà với ông thày đồ. Nhưng nó đọc sách cổ điển rất giỏi, và viết chữ đẹp hơn bất cứ người nào trong tụi bay."
Giác Tuệ trả lời bằng một giọng đều đều, để cố nén cơn tức giạn. "Không phải là chúng con muốn gây rắc rối. Chúng con đã tập trung vào việc học. Chúng con chỉ phát động phong trào nầy để tự vệ thôi. Binh sĩ tấn công tụi con trước mà không có lý do gì. Dĩ nhiên, chúng con không thể bỏ qua cho họ được."
"Tại sao bay dám cãi lại? Khi ta nói bay phải nghe! Từ nay trở đi ta cấm bay không được đi ra ngoài nữa. Trần Di Thái, hãy gọi anh nó tới đây ngay." Giọng ông già run rẩy và lại ho nữa. Thở hổn hển, ông thở những hơi thỏ dài rùng mình.
"Tam thiếu gia, hãy nhìn tình trạng ông nội mà xem! Xin đừng cãi lại ông nội nữa để cho ông nghỉ ngơi đôi chút," Trần Di Thái gay gắt nói, mặt tím bầm lại. Cái nhíu mày của bà làm khuôn mặt bà dài hơn.
Mặc dù rất bực mình vì cái hàm ý bất công trong lời nói của Trần Di Thái, nhưng trước mặt ông nội, Giác Tuệ chỉ còn biết nén lại lời cãi và bậm môi cúi đầu im lặng.
"Trần Di Thái, hãy gọi anh nó lại đây." Ông già nói bằng một giọng bình tĩnh hơn. Ông cũng đã hết ho rồi.
Trần Di Thái vâng lời đi ra, để Giác Tuệ đứng lại một mình với ông già. Ông già không nói nữa. Cặp mắt lờ đờ của ông lơ đãng nhìn quanh căn phòng. Rồi ông nhắm mắt lại.
Giác Tuệ nhìn ông nội một cách bướng bỉnh. Chàng quan sát cái thân hình gầy và dài của ông già. Một ý tường kỳ lạ đến với chàng. Ðối với chàng, dường như cái người nằm trong ghế tựa bằng mây trước mặt chàng không phải là ông nội chàng, nhưng là đại diện cho tất cả thế hệ của ông. Chàng biết rằng ông già và chàng - người đại diện cho thế hệ hàng cháu - sẽ không bao giờ có thể nhìn vào mắt nhau đưọc. Chàng tự hỏi cái gì đã được dung dưỡng trong cái cơ thể dài và gầy kia, đã làm cho sự đối thoại giữa hai người dường như trở thành giữa hai kẻ thù, hơn là cuộc nói chuyện giữa hai ông cháu. U sầu chán nản, Giác Tuệ lắc người một cách thách đố.
Cuối cùng Trần Di Thái trở về, nở một nụ cười đắc thắng trên khuôn mặt chát bự phấn. Giác Tuệ trông thấy hai gò má cao, đôi môi mỏng, và hàng lông mày bôi đậm bút chì của bà ta. Rồi Giác Tân bước vào, và hai anh em trao đổi những cái liếc nhìn đau khổ. Giác Tân hiểu ngay rằng Giác Tuệ đang gặp rắc rối, nhưng chàng bình tĩnh bước lại gần ông nội.
Nghe tiếng bước chân, ông già mở mắt. Ông hỏi Trần Di Thái, "Tam lão gia đâu?"
Bà ta trả lời, "Tam lão gia đi ra văn phòng rồi."
Ông già mỉa mai, "Quan tâm đến những vụ kiện của người khác hơn là việc gia đình." Ông quay sang Giác Tân. "Ta giao Tam thiếu gia cho con. Hãy coi sóc nó cẩn thận. Nó không được phép ra khỏi nhà. Con sẽ chịu trách nhiệm." Mặc dầu giọng của ông già vẫn còn nghiêm khắc, nhưng cũng đã dịu dàng hơn vài phút trước đó.
Giác Tân bày tỏ sự kính cẩn vâng lời, và liếc nhìn Giác Tuệ, chủ ý muốn nói chàng không được cãi lại. Bộ mặt của người em không một nét xúc cảm.
"Ðược rồi, đem nó ra ngoài. Nó đã cho ta đủ nhức đầu rồi," Ông già nói một cách lơ đãng, sau một lúc dừng lại. Rồi ông nhắm mắt lại.
Giác Tân một lần nữa lẩm bẩm sự vâng lời. Ra hiệu cho Giác Tuệ, hai anh em lặng lẽ lui ra khỏi phòng.
Sau khi đi ngang qua phòng khách, hai anh em bước vào hoa viên. Giác Tuệ thở dài và nói một cách mỉa mai, "Bây giờ em cảm thấy em lại là chủ của em rôi." Giác Tân nhìn em trách móc, nhưng Giác Tuệ không thấy. Bỗng nhiên Giác Tuệ hỏi một cách nghiêm trọng, "Hừ, đại ca, chuyền này sẽ như thế nào?"
Giác Tân bất lực chìa hai bàn tay ra. "Chúng ta có thể làm gì khác? Chúng ta phải thi hành lệnh của ông nội thôi. Em chỉ cần không đi ra ngoài vài ngày."
"Nhưng phong trào học sinh đang lúc lên cao nhất. Làm thế nào em có thể im lặng ở nhà vào lúc này?" Giác Tuệ thất vọng kêu lên. Chàng bắt đầu nhận thức việc này thực nghiêm trọng.
"Ðó là điều ông nội muốn. Chúng ta có thể làm gì được?" Giác Tân bình tĩnh trả lời. Gần đây chàng quyết tâm không bực mình về bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ.
Giác Tuệ nóng nảy trả lời, "Lại cái chính sách bất bạo động của anh. Tại sao anh không trở thành một người Thiên Chúa giáo tử tế hiền lành? Khi có người vả vào má trái anh, anh có thể đưa má phải cho họ vả tiếp." Chàng tuôn vào Giác Tân tất cả sư uất ức về sự đàn áp của ông nội mà chàng tích lũy trong người.
Giác Tân dịu dàng trả lời, "Em lại khích động rồi. Tại sao tức giận anh? Có lợi gì không?"
Giác Tuệ giận dữ dậm chân. "Em nhất quyết đi ra ngoài! Em sẽ đi ngay bây giờ! Ðể xem ông nội sẽ làm gì em!"
Giác Tân nói bằng một giọng buồn bã, "Những gì xẩy ra là anh sẽ bị mắng mỏ giảng dậy vài lần nữa." Giống như em, chàng dường như nói với chính mình, hơn là nói cho người khác nghe.
Giác Tuệ im lặng nhìn anh.
Giác Tân khuyến khích em, nhưng bằng giọng bình thường. "Nói một cách thành thực. Anh hy vọng em sẽ ở nhà vài ngày và không làm cho ông nội giận. Em vẫn còn trẻ và nóng nẩy. Khi ông nội nói với em, em phải lắng nghe. Cứ để ông nội nói. Sau khi ông nói xong và bình tĩnh đôi chút, lúc đó em sẽ nói "vâng ạ" vài lần rồi bước ra. Như thế mọi chuyện sẽ chấm dứt. Cách đó dễ dàng hơn. Lý luận với ông nội không đưa em đến đâu cả."
Giác Tuệ không trả lời. Chàng ngẩng đầu và nhìn bầu trời xanh thẳm. Tuy chàng không đồng ý với anh, nhưng chàng không muốn cãi lý nữa. Và trong lời nói của Giác Tân cũng có vài điều đúng. Không có ích gì khi phí phạm năng lực vào một cái gì không đưa tới kết quả tốt lành. Nhưng cái trí óc trẻ trung của chàng không bao giờ cân nhắc đến sự mất mát cá nhân. Ðại ca không hiểu chàng.
Trái tim chàng đau nhói khi trông thấy mây bay ngang qua. Chàng bị sâu xé bởi những ý muốn đối nghịch nhau. Nhưng cuối cùng chàng đã làm một quyết định. Chàng nói với anh, "Em sẽ không đi ra ngoài vài ngày. Không phải là em muốn vâng lời ông nội, nhưng là để tránh rắc rối cho anh."
Giác Tân mỉm một nụ cười nhẹ nhõm. "Cám ơn em. Dĩ nhiên nếu em muốn đi ra ngoài, anh cũng không thể ngăn chặn em được. Thường thì anh ở văn phòng suốt ngày. Hôm nay anh tình cờ về nhà sớm, và gặp phải chuyện của em. Nói một cách công bằng, ông nội muốn em ở nhà vì quyền lợi của em."
Giác Tuệ trả lời máy móc, "Em biết thế." Chàng đứng lại trong hoa viên và nhìn theo Giác Tân bước đi, rồi lơ đãng ngắm những khóm hoa bên lối đi. Trên những cành mai vẫn còn những bông hoa; hương thơm của hoa phảng phất vào mũi chàng. Bẻ một cành nhỏ, chàng ngắt ra từng nhánh, rồi ngắt những bông hoa và vò nát trong lòng bàn tay. Hai tay chàng có màu vàng của nhựa hoa và hương thơm của hoa.
Hành động phá họai này thoả mãn chàng đôi chút. Một ngày nào đó khi bàn tay chàng to hơn, thật là tuyệt vời nếu chàng muốn bóp nát cái trật tự giữa chàng và giới cổ.
Rồi thái độ chàng thay đổi, và trở nên buồn bã. Chàng không được dự phần vào phong trào học sinh. Chàng lẩm bẩm, "Mâu thuẫn, mâu thuẫn." Chàng biết có mâu thuẫn giữa chàng và ông nội, và có thể giữa chàng và người anh. Ngay bên trong chàng cũng có mâu thuẫn nữa.
Dòng Thác Cuốn Dòng Thác Cuốn - Nguyễn Vạn Lý Dòng Thác Cuốn