Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 10
H
ữu tỉnh lại trời đã sáng bạch. Cái hang đá rộng thông thênh lại có nhiều ngóc ngách, ánh trời rọi vào làm nổi lên thành đá những hình hài quái dị. Hữu không hình dung ra được đây là đâu. Hữu chống tay ngồi dậy, bỗng thấy khắp người đau ê ẩm. Hữu đảo mắt nhìn thì thấy mình còn đang cởi trần và trên người đầy bông băng chằng ngang dọc. Bây giờ Hữu mới biết mình bị thương và đang nằm ở trạm phẫu. Không hiểu đơn vị anh em có sao không? Tự nhiên Hữu giật mình khi nhớ ra cái ba lô, ở trong ấy có vật báu là quyển sổ nhật kí, chả biết cậu liên lạc có giữ được không hay là bom pháo cũng vùi lấp cả hoặc nhỡ vào tay bọn tâm lí chiến nó cứ réo ô ố suốt ngày trên trực thăng thì quả là nguy hại vì những điều viết trong ấy tuy là bông phèng, cá nhân nhưng nó có sự dự đoán về sau này. Dù sao cũng không có lợi lộc gì vì tất cả anh em đang đứng trước chiến tuyến. Hữu lò dò đứng dậy vịn tay vào thành hang đá lần ra ngoài, được vài bước thì từ ngoài của hang cô y tá tất tưởi bước vào. Thấy Hữu đang vịn thành hang dò đi, giọng cô y tá ngọt ngào:
- Anh để em dắt, thương tích trong người anh tương đối nhiều đấy!
Nói rồi cô y tá vội đưa tay cho Hữu bấu vào. Khi lòng tay Hữu chạm vào cổ tay cô y tá, tự nhiên Hữu kêu lên:
- Trời! Hoa à?
Hữu nắm chặt cái cổ tay tròn lẳn kéo Hoa lại gần, không hiểu vì lí do gì cả hai người cùng òa khóc. Hữu khẽ vỗ vỗ bàn tay lên bả vai Hoa như dỗ dành:
- Nín đi Hoa, anh bị thương từ bao giờ nhỉ? Đây là trạm phẫu tiền phương à? Hoa cũng vào sâu tận trong mặt trận từ bao giờ? Hoa và anh quả là có duyên nợ, toàn gặp nhau vào những lúc thật hoàn cảnh nhưng mà vẫn may vì có Hoa quen biết chắc là vết thương chóng lành hơn. Anh thật rất sốt ruột khi phải nằm đây vì đơn vị đang triển khai vào chiến dịch lớn...
- Sốt ruột thì anh cũng còn phải điều trị vì thương tích khắp người. Suốt đêm qua y sĩ mới gắp được những mảnh đạn găm ở phần mềm, còn mấy mảnh nữa nhưng nó nằm sát chỗ thanh quản, y sĩ không dám làm phải chờ bác sĩ phẫu thuật về thì mới xử lí được. Em còn sợ phương tiện không đầy đủ có khi còn phải chuyển anh ra tuyến sau nữa đấy.
- Sau với trước gì. Hoa cứ gọi mấy bố y sĩ đến, banh cái miệng vết thương thật rộng, gắp mảnh ra như ta nhể gai thôi chứ có khó khăn gì...
- Làm vậy để anh thành người câm à!
- Câm thì vẫn bắn súng được chứ sao, miễn là anh phải được về đơn vị vì chiến dịch này rất lớn. Anh không thể vắng mặt.
- Anh mà câm mất thì ai là người triết lí về chiến tranh cho em nghe? Còn lâu anh mới được về đơn vị. Đận này tóm được anh ở đây em cũng phải bắt anh như đận ở bãi bom tọa độ anh bắt em. Em đang trong cơn mất hồn mà phải cùng anh liệm bó bốn người đồng đội ấy. Việc đó đã qua mấy mùa khô mà em vẫn chưa hết ám ảnh, nhất là những câu chuyện đầy triết lí anh đã nói về chiến tranh vẫn còn day dứt mãi trong đầu em. Bây giờ gặp lại anh, em phải bắt anh nói cho có ngọn có ngành rồi em mới tha cho anh về đơn vị - Cái Hoa tủm tỉm cười.
Hữu bảo:
- Hoa chỉ được cái nhớ dai, quả thật bây giờ trong đầu anh Hữu quên ráo cả rồi.
- Anh quên thì Hoa nhắc lại. Anh bảo chiến tranh là tàn khốc, chiến tranh chỉ gây cảnh tang tóc đau thương, cứ vào sâu trong mặt trận Hoa sẽ hiểu...
- Thì chả vậy à? Bây giờ Hoa lại đang chứng kiến những vết thương trên người anh thôi. Chiến tranh, cái chết không từ ai cả. Hôm xưa là người này, mai là người kia, là anh rồi cả em nữa. Bom đạn có chừa ai đâu. Nhưng khi chúng ta đã là người lính đứng trên chiến tuyến thì phải biết chấp nhận sự thật đó để vượt qua chết chóc lâm nguy, góp phần mau chóng kết thúc cuộc chiến tranh. Khi ấy anh nói vậy vì biết Hoa là người mới vào chiến trường, anh Hữu muốn em phải tự biết thực tế của chiến tranh, không mơ hồ ảo tưởng như những bài ca ta thường học và hát ở nhà trường. Tóm lại là anh Hữu muốn Hoa tự cứng rắn và tự hiểu thực chất của chiến tranh nhất là ở chiến trường, giữa sống và chết, giữa thua và được... Tất nhiên những điều anh Hữu nói ngày ấy bây giờ lạc hậu và cũ kỹ lắm rồi. Tính từ ngày ấy đến giờ Hoa cũng có vài năm đầu đội trời ở Trường Sơn, cơm vắt ngủ hầm, nếm mùi bom đạn... Hoa đã nhận thức được thực chất hy sinh của toàn dân tộc đã đổ công, đổ của, đổ xương máu vào cuộc chiến tranh này nhất là dân thường của chung ta!... Hoa còn vặn vẹo anh Hữu cái nỗi gì nữa, anh Hữu chỉ là người lính, người lính tự nguyện đứng vào chiến tuyến chiến đấu vì nền độc lập của toàn dân tộc chứ anh Hữu có phải là nhà chính trị, nhà sử học nghiên cứu về chiến tranh đâu...
- Vâng, anh Hữu nói vậy thì Hoa không đòi hỏi, không chất vấn nữa nhưng bây giờ anh Hữu phải làm theo chỉ dẫn của Hoa, nếu không Hoa sẽ "bắn"-
Nói rồi Hoa dắt tay anh Hữu trở lại chỗ cái đệm bằng lá rừng trải trên nền hang đá. Giọng Hoa ngọt ngào:
- Anh Hữu nằm xuống đây nghỉ để Hoa tiêm và cho uống thuốc.
Vừa nói Hoa vừa mở túi thuốc lấy bông băng rửa từng vết thương rồi tiêm thuốc cho Hữu. Việc xong Hoa tươi cười bảo:
- Anh cứ nằm nghỉ, đừng cử động nhiều cái mảnh đạn ở chỗ cổ nó cứa vào thanh quản là nguy đấy. Anh gắng chịu đựng, khả năng trưa nay bác sĩ phẫu thuật mới về đến nơi. Anh yên tâm, nghe trạm trưởng Hùng bảo chị này tay nghề cao lắm, mổ xẻ nhanh như người ta mổ gà ấy!...
- Hoa nói thế làm anh Hữu hết hồn.
- Thôi anh nằm nghỉ, Hoa còn phải đi thăm bệnh nhân đây. Đi khắp cái hang này cũng hết nửa ngày đấy anh à!
Nói rồi Hoa đeo túi thuốc luồn đi. Nhìn theo Hoa, Trong lòng Hữu tự nhiên cứ cộm lên những nỗi niềm khó tả. Có nhiều điều chính bản thân Hữu cũng không cắt nghĩa được những con người trong chiến trận, gian khổ thế mà dường như không biết mình đang gian khổ. Những con người ấy chính là Hoa, cả Hữu với bao nhiêu người đồng đội nữa. Nguồn lực gì để ta sống được? Hữu lại nhớ ngày gặp Hoa chỗ bãi bom tọa độ, bấy giờ nó còn là con bé nhút nhát, có lẽ lần đâu tiên được chứng kiến cảnh chết chóc. Nếu lúc ấy Hữu không kéo roạt băng AK có lẽ nó đã ba chân bốn cẳng mất hút vào rừng sâu. Thế mà bây giờ nó hồn nhiên, laị lạc quan đến lạ lùng! Chiến tranh ác liệt nhưng chính nó lại sinh ra những vẻ đẹp hồn nhiên đến thơ dại là vậy. Có thể trong cuộc chiến nay mai cô bé Hoa cũng là kẻ xấu số, giả nó cũng trúng đạn bom mà ngã xuống bất cứ cánh rừng nào, Hữu sẽ không còn gặp lại nó nữa nhưng những cử chỉ hồn nhiên và giọng nói ngọt ngào của nó thì mãi mãi ngưng đọng và vang âm giữa cuộc đời. Và sau cuộc chiến nếu nó là kẻ còn sống sót nó chính là một con người đời thường nhất vì nó là đứa hồn nhiên không biết tính toán, không biết riêng tư. Cầu trời phù hộ cho nó là đứa sống sót trong cuộc chiến tranh này. Nghĩ vậy Hữu thấy những vết thương trên người dịu đi và anh thiu thiu ngủ.
Khi ánh trời lấp ló ngoài cửa cái hang đá, Hữu lại nghe tiếng bàn chân và giọng nói quen thuộc ấy.
- Hoa mang cháo đến cho anh Hữu đây, cháo gạo nếp nấu với củ mài đào được ở ngoài rừng đấy! Anh Hữu ăn đi, bác sĩ phẫu thuật về rồi, chiều nay chị ấy sẽ moi mảnh đạn ở cổ ra cho anh. Mà anh Hữu này - Cái Hoa ghé sát vào tai Hữu- Chị này mà phẫu thuật chắc là không đau đâu, em thấy chị ấy có đôi bàn tay mềm mại và ánh mắt dịu hiền đến thánh thiện. Em là con gái nhưng nhìn thấy chị ấy đầu óc cứ như bị chị ấy hút hồn. Rồi đây em sẽ là phụ tá cho chị ấy đấy anh Hữu ạ! Anh muốn nhanh lành bệnh cũng phải lụy con bé Hoa này đấy nhá!- Cái Hoa cười toe toét nhưng rồi tự nhiên giọng nó bùi ngùi - Khổ thân chị ấy, nom mảnh mai thư sinh thế mà cũng phải rúc ráy vào tận đây.
- Chả vào thì ai moi những viên đạn ra cho bọn anh!...
- Vâng! Nhưng mà nhỡ đâu...
Cái Hoa thở dài lặng nhìn Hữu không nói gì thêm nữa, lẳng lặng đứng dậy xách cái túi lẫn vào các ngách hang đá. Hình như Hữu bắt gặp những suy nghĩ của nó giống như những điều Hữu từng thổ lộ với bạn bè hoặc ghi trong quyển sổ nhật kí về số phận của con người nói chung trong cuộc chiến tranh này. Nước mắt Hữu tự nhiên ứa ra nhưng Hữu cũng không rõ Hữu đang khóc vì lẽ gì. Trong đầu Hữu lại lập lòe hình ảnh những con đom đón ở vườn Hồn chỗ mộ bố bầm Hữu và vóc dáng lão Bành gánh mỗi bên ba sọt đất lên mặt đê ở chỗ đội chuyên canh, hình ảnh bà cụ Vuông lọ mọ cơm nước cho bọn Hữu ăn học với mong muốn để mỗi đứa thành người biết làm ra của cải để bà mát mặt... Lại những phen đi trinh sát bị địch phục lạc vào nhà một bà má ở ven thành cổ. Bà là mẹ của một tay lính ngụy đã tử trận nhưng bà vẫn giấu bọn Hữu trong buồng. Khi bọn địch sục đến bà chỉ nói một câu bình thản:
- Con bả chết rồi, còn cái thân già đây, bọn mày cứ việc bắt...
- Bắt bả để làm gì, mấy thằng Việt cộng vừa vượt qua đây, bà có thấy không?
- Bà giấu nó trong bọc bà đây, bọn mày bắt mang đi mà lấy công!... Nghe bà biểu này: Là người tóc xanh da vàng với nhau cả, chúng mày nghe ông Thiệu, nghe ông Mỹ nó xui dại đánh nhau liên miên mãi được ích gì. Như thằng Hai của bà đây mất xác rồi, nó còn biết đâu má nó đau buồn. Mẹ nào cũng vậy thôi, ở trong nầy, ngoài ấy cũng rứa. Lòng vả khác gì lòng sung. Chúng mày biết nghĩ đến các bà mẹ thì đừng hùng hổ bắn giết lẫn nhau nữa! Đau ruột mẹ nhiều.
Mấy thằng Ngụy nhìn bà cười sằng sặc rồi cùng văng tục:
- Đ. cha, bả nói có lí nhưng sặc mùi cộng sản. Đi thôi chúng mày!
Đám lính Ngụyỵ ra khỏi nhà, bà má mở cửa lấy đồ ăn thức uống cho Hữu và chỉ con đường tắt cho Hữu rút về cứ. Câu chuyện vô tình ấy, sự nhìn nhận chung chung ấy của bà má ở ven thành cổ để Hữu nhận ra một điều rất giản đơn: Chiến tranh chỉ có dân thường là chịu nhiều thua thiệt. Mà dân thường ở đâu họ cũng chỉ cần yên ổn, họ đều thù oán chiến tranh. Hữu cùng con bé Hoa và những người đồng đội từ ngoài Bắc vào đây là người của phía bên này, còn đám Mỹ Ngụy là ở phía bên kia! Hữu tự hình dung và mơ hồ nhớ lại những cuộc chiến giũa hai miền đã diễn ra trong sử sách mà Hữu cùng đám học trò đã lơ mơ hiểu biết. Trong đầu Hữu cứ giằng xé những điều vừa cũ kỹ, cổ hủ với sự tự nguyện ra trận trong trái tim tuổi trẻ của Hữu và những người cùng thế hệ cứ nhập nhòe cùng sáng lên trong đầu tựa hồ như một vật gì rất đồ sộ nhưng lại chả rõ hình hài gì. Hữu vò đầu, dứt tóc. Sự ê ẩm từ những vết thương lại tấy lên và xa xa tiếng gầm rú của bom đạn từ phía mặt trận dội về xóa nhòa những giằng xé mơ hồ trong đầu Hữu, đưa Hữu trở lại thực tại người lính. Hữu mong cái Hoa và cô bỏc sĩ phẫu thuật mau có mặt để phẫu thuật cái mảnh đạn quái vật còn găm trong cổ để Hữu thoát khỏi nơi này trở về với đông đảo đồng đội đang ngày đêm gấp rút chuyển bị cho chiến dịch lịch sử này.
Cái gì đến tự dưng rồi nó cũng sẽ đến. Trong đầu óc Hữu vẫn đang còn giằng xé những điều từ thực tại của cuộc chiến tranh thì con bé Hoa lại từ của hang bước vào, giọng nó vẫn tíu tít như chim hót:
- Anh Hữu có ăn được hết bát cháo không?
- Cũng sụp soạp được già một nửa, chắc là viên đạn nó cựa anh Hữu thấy đau nhiều...
- Nhưng ăn được một nửa là ổn rồi. Bây giờ anh theo em đến phòng phẫu thuật nghe. Các bác sĩ đang chờ đó- Vừa nói Hoa vừa nắm tay Hữu men theo thành cái hang đá.
Gọi là phòng phẫu thuật nhưng nó cũng chỉ lầ cái nền hang đá được đệm bằng nhiều lượt lá rừng có phủ lên một tấm vải màu trắng sạch sẽ và một số y cụ gọn nhẹ phù hợp với thời chiến. Có ba người mặc áo blouse xanh đã thường trực sẵn. Hữu bước vào, tự nhiên khắp người run lên bần bật. Cái Hoa hốt hoảng vội vòng tay đỡ lấy lưng anh. Mọi người ngơ ngác lo lắng thì cô bác sĩ mảnh mai xòa đôi bàn tay mềm mại ôm choàng lấy Hữu. Cái ngách hang đá như có trăng ùa vào và người ta như nghe được cả tiếng rì rầm của gió trời, tiếng rào rạt của sông nước tràn qua. Hai người vẫn lặng xiết chặt vòng tay nhau. Bây giờ mọi người mới ớ ra. Bác sĩ Hùng trạm trưởng trạm phẫu nói trong vui mừng:
- Thế này thì cần gì phải phẫu thuật nữa!...
Tiếng cười cũng rúc rích chui vào các kẽ hang đá tràn ra khoảng rừng chiều tím thẫm.
- Đây chính là người lính em vẫn thường kể với mọi người suốt dọc đường vào đây- Giọng bác sĩ Dần nghẹn nghẹn làm những giọt vui buồn cứ ánh ra hai khóe mắt lấp lánh.
- Rồi đây phòng phẫu thuật ở cái hang đá này sẽ trở thành nhà "sử học" ghi lại giây phút thiên đường của một thiên tình ái như Ngưu Lang Chức Nữ yêu nhau!... Thiêng liêng nhiều đấy, thế là lộ rồi anh Hữu tham vừa vừa thôi nhé. Từ rày cứ lơ tơ mơ là cái Hoa mách... mách chị Dần ngay.
- Mày chỉ thấy người sang vơ vào, có lúc nào anh Hữu này không coi mày như con nít!...
- Con nít mới hay mắc bẫy, đám đàn ông các anh còn ai lạ gì - Cái Hoa bĩu môi rồi cười khúc khích.
Mọi người cũng cười ran. Bác sĩ Hùng bảo:
- Thế này chắc bác sĩ Dần phải bó tay ca phẫu thuật này rồi. Có lẽ tôi là người phải vào trận đây.
- Anh khỏi lo. Chúng em xúc động vì thời gian xa nhau dài quá. Em không nghĩ là Hữu còn sống chứ đâu dám tính đến cuộc gặp bất ngờ này! Có lẽ giời đất đã trao cho em bổn phận! Ca phẫu thuật này càng có ân tình ấy. Thôi nào, ta vào việc đi.
Cái Hoa nhẹ nhàng dắt anh Hữu nằm vào cái đệm trắng.
Sau khi giải phẫu xong, Dần luôn ở bên cạnh chăm sóc Hữu, một tuần sau thì bình phục hẳn. Một buổi sáng, đột nhiên cả trạm từ bác sĩ trưởng trạm, các y tá, đến các thương binh đều mang hoa đến tặng hai người. Trước vẻ mặt ngơ ngác của cả hai, mọi người cười ầm lên: “Coi kìa, coi cái mặt của cô dâu chú rể kìa, sung sướng đến phát dại hay sao? ". Thế là lăng xăng lao xao, nào bánh, nào kẹo, nào hoa, nào những câu đùa tếu táo. “Tình yêu chúng mày như huyền thọai, thì cũng phải có cái đám cưới như huyền thọai chứ! Thằng Mỹ muốn hủy diệt chúng mình, thì mình phải đẻ ra hàng lô hàng lốc con người chứ. Hôm nay con cháu của bà Âu Cơ phải đẻ ra một trăm đứa con như bà mới được". Hiểu ra chuyện gì đang xảy ra, Dần xấu hổ đấm thùm thụp vào lưng từng người, nhưng ánh mắt lấp lánh của cô không giấu được niềm hạnh phúc tột cùng của người con gái. Cô ngoan ngõan ngồi yên cho Hoa chải tóc, cài bên vành tai cô một đóa hoa sim màu tím. Trên đầu Dần cũng được cài một vòng hoa sim. Màu tím sáng bừng như vương miện của một nàng công chúa. Mọi người từng người đến chúc mừng cô dâu chú rể rồi ồn ào ra khỏi hang. Hoa ở lại sau cùng. Mắt cô bé long lanh, thầm thì gì đó vào tai Dần khiến mặt Dần đỏ ửng lên như người say rượu.
Khi hang đá chỉ còn hai người, chẳng hiểu sao cả Hữu và Dần đều ngượng nghịu. Hữu lầm bầm: “Cái bọn này, khỉ thật!" Tuy mắng vậy, nhưng lòng anh thật sự không diễn tả nổi niềm sung sướng trong phút giây này. Anh khẽ níu Dần lại gần. Dần tựa vào Hữu cứ mân mê từng vết thương trên cơ thể Hữu, lại thấy những vết sẹo roi cật nứa hồi lão Bành say rượu hằn lên. Nước mắt Dần ràn rụa. Dần gục vào Hữu giọng âu yếm:
- Chữa cho anh khỏe, chúng mình sẽ sinh con với nhau nhá! Chả biết từ bao giờ Dần đã tự nguyện làm vợ của Hữu rồi. Hữu có biết những ngày tháng Dần phải vò võ một mình mà sự vò võ ấy lại của một người con gái còn tự do. Nhiều kẻ đến với Dần rồi trở thành kẻ thù của Dần cũng vì sự lạnh lùng ấy, trong đó có cả tay bác sĩ bệnh viện trưởng. Chính vì những lẽ đó Dần đã từ bỏ hậu phương để đi vào đây ngoài mục đích nghề nghiệp để được phục vụ đông đảo người thường, để đến đích thực với cái tên bác sĩ Trịnh Nhân Dân Hữu đã đặt cho Dần dưới gốc cây bồ kết bên con suối Cù Thìa đêm trăng chúng mình chia tay nhau còn có việc tìm Hữu đấy! Bây giờ gặp Hữu rồi, Hữu phải là của Dần. Dần sẽ dâng hiến!...
Đôi mắt Dần mở to nhìn Hữu. Hữu giật mình như có quả bom bất thần rơi cạnh chỗ mình ngồi. Hữu xòa vòng tay ôm Dần áp sát xuống nền đất. Hữu dịu dàng hôn lên trán Dần, lên mắt, lên môi. Rồi môi anh lướt nhanh xuống ngực Dần. Vồng ngực đã bị ép nén dằng dặc năm, sáu năm trời nay của Dần phập phồng căng lên, những cái khuy áo bật ra. Hữu gục mặt vào đấy như một đứa trẻ đang cơn khát, dường như tinh khiết từ đôi bầu vú ấy đã tỏa tràn khắp tâm trí, nó hiệu quả như một liều thuốc kỳ thánh làm cho những vết thương trên cơ thể Hữu không còn nhức nhối nữa. Họ nằm lặng với nhau, cái hang đá như có tiếng rì rầm của sông suối cùng gió trăng tràn vào nâng bổng họ lên cao rồi bồng bềnh đổ ra biển cả. Cứ thế dắt họ vào tiên động. Đến khi tiếng thằng OV10 như con ong vo ve dọc các viền rừng họ với bừng tỉnh và trở lại với thực tại. Cái Dần bảo:
- Bây giờ cả hai đứa cùng chết, Dần cũng không ân hận nữa. Dần đã được trọn vẹn hạnh phúc với Hữu. Chỉ tiếc trước giây phút thiêng liêng ấy chúng mình không làm được nghi lễ với hai bên bố bầm và họ hàng cùng bà cụ Vuông, nhưng từ rày Dần coi mình là chồng rồi đấy!...
Nước mắt Dần tự nhiên lại ứa ra. Hữu vỗ về:
- Rồi đây hết chiến tranh chúng mình sẽ báo cáo các cụ sau!...
- Nhưng bà cụ Vuông mất rồi!... - Dần lại nấc lên- Mình đi được mấy năm thì bà cụ mất. Dần đã trồng lên mộ bà cây hoa hoàng hậu mình gửi hạt ra với tâm nguyện tình yêu của chúng mình sẽ luôn phủ bóng mát và tỏa hương thơm trên mộ bà cho lòng dạ bà luôn mát mẻ, thanh thản.
- Mình thật tuyệt vời! Hữu chỉ sợ chúng mình không trọn vẹn bên nhau. Chiến tranh, mũi tên hòn đạn có chừa ai đâu!
Hữu chặc lưỡi và hình ảnh những người đồng đội đã ngã xuống lại bày ra trước mặt. Niềm hạnh phúc thiêng liêng Dần vừa dâng trọn cho Hữu mơ hồ thành nỗi lo. Hữu không sợ chết, chỉ lo hai người phải đơn lẻ và nếu sự đơn lẻ ấy lại đổ lên đầu Dần mà sau cái phút dâng hiến tột cùng ấy lại nảy lên trong Dần một mầm sống thì hạnh phúc lại trở nên tội lỗi. Nước mắt Hữu tự nhiên ứa ra. Dần thổn thức:
- Sao mình khóc?
- Thương mình nên ứa nước mắt chứ có khóc đâu!
- Dần hiểu rồi! Mình sợ gì? Nếu giời cho Dần một đứa con, Dần sẽ nuôi dù chiến tranh có thể cướp mất mình! Chiến tranh tiêu diệt cuộc sống, tiêu diệt con người thì chúng mình sinh ra cuộc sống, sinh ra con người. Chúng ta đang thách thức chiến tranh đấy, thách thức sự hung hăng tàn bạo của loài người. Con người muốn tiêu diệt nhau thì chúng ta đem tình yêu ra nghênh chiến với chúng. Thù hận có thắng được tình yêu không? Cái chết có đẩy lùi sự sống không? Con chúng ta sẽ mang thông điệp đó. Đứa con này nếu có, không phải là gánh nặng cho Dần đâu, mà Dần nghĩ đây là điều trời phù hộ ta. Mình đừng lo ngại!
- Nhưng cuộc sống đâu phải giản đơn thế. Giữa binh lửa chiến trường này son trẻ còn gian nan nói gì đến việc con bồng con bế, vả lại sau chiến tranh cuộc sống cũng không như điều ta mong ước đâu, bởi vì con người ta sống là phải ăn, mà việc chia nhau ăn của con người bao giờ cũng khó. Hữu nghĩ sau chiến tranh những người còn sống sót chắc gì được no đầy vì sức lực họ đã đổ cả vào cuộc chiến tranh rồi. Nếu khi ấy mà vắng Hữu, mình không những tiếp tục phải bươn trải một mình mà còn phải gánh chịu những điều tai ương nữa, Hữu sợ lắm!...
- Mình chỉ được cái nghĩ xa. Mình không hiểu hy sinh, cam chịu của đàn bà rồi. Cái Dần này đã gắn bó chia xẻ với mình từ bé. Nỗi khổ của mình cũng là nỗi khổ của Dần. Dần cam chịu và chia đều cùng mình từ tình bạn đến tình yêu và bây giờ cao hơn là tình vợ chồng. Giời mà cho có cái mầm sống trong bọc, giá nào Dần cũng vượt qua. Dần sẽ ôm ấp, nuôi dưỡng cái mầm sống ấy lành lặn, xanh tươi cả thể chất lẫn tâm hồn. Mình có tin Dần không?
- Tin nhưng lo mình phải vượt nhiều cảnh ngộ.
- Ngày xưa trong bọc mẹ, chưa nghề ngỗng gì ta còn dìu nhau học hành tấn tới huống hồ nay đã là bác sĩ. Không sống được trong cơ chế thì ta mở bệnh xá tư, chữa bệnh cho dân thường, dân thường sẽ cưu mang, sợ cái gì. Mình là bác sĩ chứ có là quan chức đâu mà sợ sự tranh giật, đấu đá. Mình còn nhớ chuyện bà lang ở Đồng Mụng không? Nay mai hết chiến tranh nếu chúng mình còn sống sót cả vợ chồng mình sẽ hợp sức với bà ấy mở cái bệnh xá đông tây y kết hợp. Mình đi học tiếp hoặc về làm trang trại, chúng ta vẫn cứ giàu lên, vẫn cứ đủ đầy chứ kém gì ai.
- Nhưng mà làm như vậy lại quay về với địa chủ, tư bản à?
- Ai bảo mình đấy là địa chủ, tư bản?
- Thì từ lúc đi học mình vẫn...
- Đấy là lí thuyết, còn thực tế sẽ chuyến biến khác, rất khác sau cuộc chiến tranh này. Mấy năm làm bác sĩ ở miền Bắc, Dần chán cái cảnh chữa bệnh cho người mà lại có cái việc phân chia người có sổ y bạ, người không có sổ y bạ. Nhiều lần Dần đã làm trái lệnh của ông bệnh viện trưởng, của trưởng khoa nên luôn luôn bị họ tìm cách vùi dập thậm chí còn nghi Dần mất lập trường quan điểm, thế là Dần tình nguyện đi B để chứng minh cho họ Dần là con người như thế nào. Hôm tiễn Dần, ông bệnh viện trưởng trong lòng thì như mở cờ vì đã nhổ được cái gai trước mắt nhưng vẫn làm bộ ngậm ngùi và còn nói những lời rất có cánh: “Toàn bệnh viện chúng ta phải noi gương tinh thần của bác sĩ Dần. Tin rằng thực tế chiến trường sẽ rèn luyện để đồng chí Dần trở thành một bác sĩ tài hoa sau này trở về sẽ là cốt cán của bệnh viện ta... " Dần nghe nổi hết da gà mà vẫn phải mỉm cười bắt tay từ biệt lão ta. Vào đây, chứng kiến những gian khổ của chiến trường, những hy sinh của dân chúng, của các anh Dần càng thấy cái việc ưu tiên chữa bệnh cho những người có sổ y bạ, bán đường sữa cho những người có tem phiếu là vô lí, là bất công bằng. Cả dân tộc ta đang đổ công, đổ của, đổ sức người để đánh đuổi thằng Mỹ cớ sao chỉ ưu tiên cho một số người. Mà số người ấy đâu phải tất cả như thầy giáo Thuyên ngày đêm lặn lội với học trò, như bố Bành cùng những người ở đội chuyên canh làng ta quần quật gánh đất lên mặt đê để giữ cho cánh đồng khỏi ngập lụt lấy ngô lúa gửi ra mặt trận. Dần nghĩ sau cuộc chiến này vẫn tồn tại cơ chế ấy thì những người đang trong trận hôm nay cũng chả có gì may mắn hơn đâu và lúc ấy nếu còn sống trở về mà được làm cốt cán của cái bệnh viện ấy Dần cũng vái...
- Mình cực đoan và còn hơi ảo vọng đấy. Như điều Hữu vừa nói thôi: Quyền lực sau cuộc chiến đâu dễ gì người ta trao cho những người sống sót!
- Vâng, điều này Dần thấu hơn mình chứ vì ở hậu phương còn rất nhiều kẻ đang núp dưới bóng cây nọ, cây kia để phục thời vinh thân. Chính cái đám ấy là những thằng hèn, là một lũ bỉ ổi, cơ hội, ấy thế mà hàng ngày nó vẫn ra rả những lời vì nước vì non, ngán chúng Dần mới đi B.
- Đi B để khỏi phải đối mặt với họ?
- Đúng một phần nhưng điều quan trọng hơn là để hiểu thực tế của cuộc chiến tranh, để kiểm nghiệm một con đường mình đã chọn...
- Nhưng chiến tranh ác liệt, mình là người ngã xuống thì còn gì mà kiểm nghiệm?
- Thì cũng còn được gặp mình, ít nhất chúng mình cũng có được những phút sống thật trong tình yêu mặc dù giây phút ấy rất ngắn ngủi. Khi con người có hạnh phúc thật sự dù chỉ là trong tích tắc họ vẫn cảm thấy đủ đầy. Dần gặp mình thế là một sự toại nguyện. Nếu giời cho ta cái mầm sống trong bọc thì ta càng phải sống. Ta không sợ bom đạn và lại càng không sợ tai tiếng. Dần nghĩ thế thôi, lí sự mãi lại lẩn thẩn đấy.
Bàn tay Dần lại vuốt ve những vết thương của Hữu. Những ngón tay như tự nói với Hữu rằng: "Sao ông giời sinh ra mình mà cứ bắt mình phải khổ thế mình ơi! Cái thân thể này máu đã rỉ ra từ vết những bó roi cật nứa của lão Bành những ngày thơ ấu, giờ lại đổ máu vì bom đạn của quân thù!... Mình sống hiền lành tốt bụng suốt đời chỉ vì người khác, tại sao kẻ thù lại cứ nhằm vào mình nhỉ! Ngày bé Dần mến Hữu và thương Hữu nhưng bây giờ thì Dần yêu Hữu, tình yêu này được xây đắp bằng sự gắn bó cảm thông của hai đứa mình và từ lòng trân trọng tôn kính của Dần đối với Hữu. Sự dâng hiến của Dần cho Hữu là có đầy đủ ý nghĩa đó. Dần mong cái mầm xanh của chúng mình được hình thành trong Dần ngay trong những ngày ác liệt này để ngày mai Hữu vào tuyến Dần vẫn có Hữu. Dần sẽ giữ và nuôi cái mầm xanh của chúng ta trọn vẹn dù bất cứ trong hoàn cảnh nào trừ khi Dần là kẻ xấu số phải ngã xuống trong cuộc chiến này!... "
Hữu như đọc được những lời ân ái tỏa ra từ năm đầu ngón tay của Dần đang lần trên từng vết thương của Hữu. Hữu cảm ơn trời đất đã mang đến cho Hữu một vật báu. Hữu khẽ lách những ngón tay thô nháp vào các kẽ bàn tay của Dần. Trái tim họ lại đồng nhịp rung lên những âm thanh kỳ diệu như kéo về cả bầu trời cao rộng đầy trăng sao và gió mát làm nhòa dịu đi những điều họ vừa day dứt và cả những tiếng ì ầm của bom pháo từ phía mặt trận dội về.
***
Những vết thương trên người Hữu mới bắt đầu liền dấu thì tình hình mặt trận cũng bắt đầu nóng bỏng dần. Không quân của địch tăng cường oanh tạc dữ dội các mục tiêu mà chúng nghi vấn. Những vệt xanh bên kia bờ sông Thạch Hãn cách trạm phẫu không xa lắm cũng bị bom pháo băm nát, đất như bị bừa lên một vùng trắng nham nhở. Các đơn vị của ta tiếp cận chiến dịch tiêu diệt thành cổ trong điều kiện hoàn cảnh ấy. Hữu nhớ từng cái tên đồng đội và anh quyết định xin ra viện. Giằng co mãi rồi cuối cùng đồng chí trạm trưởng cũng phải chiều theo. Dần và Hoa được phân công đưa Hữu về tuyến. Họ chia tay vào lúc nhoạng chiều ở bên này bờ sông, sau này Dần cũng mới tỏ đấy là dòng sông Thạch Hãn. Hữu về đến đơn vị, anh em đang gấp rút chuyển đạn dược lên tuyến. Đại đội phó Đức và chính trị viên trưởng Thăng kéo anh vào căn hầm thước thợ lõng bõng nước. Hữu tần ngần một phần nhớ và lo cho đoạn đường trở lại trạm phẫu của cô y tá Hoa và Dần, một phần nghĩ đến cái ba lô trong ấy có quyển nhật kí. Đọc được tâm trạng của Hữu, chính trị viên Thăng bảo đại phó Đức mở xà cột trao lại vật báu đó cho Hữu và bảo:
- Những dòng trong ấy tôi và Đức đã nhòm trộm và còn thuộc được nhiều đoạn. Nhưng anh cũng đừng ngại. Sau chiến dịch này mà cả ba cùng sống sót sẽ có một cuộc tranh luận cho ra ngô ra khoai thì mới chịu...
- Cảm ơn các anh - Hữu thở phào rồi nói tiếp - Tạm gác chuyện ấy sang bên đã. Bây giờ chúng ta phải tập chung sức lực sống mái với đối phương trận này. Trận này ta thử lật mặt đối phương xem cái mắt thần của nó to nhỏ, tinh tường như thế nào...
- Lật được mặt nó lên cũng tái mào đấy!...
- Thế mới phải tìm mọi cách. Ngày xưa đánh thằng Pháp anh hùng Núp cũng phải thử một phát nỏ vào ức thằng Pháp mới rút ra được chân lí cho người Tây Nguyên biết bắn Pháp chảy máu... Để xem cái mắt thần của ông Mắcnamara này nó có con ngươi không. Thôi ai vào việc ấy đi.
Hữu giục và họ lầm lì đứng dậy. Ra đến cửa hầm, như chợt nghĩ ra điều gì Hữu vỗ vai chính trị viên Thăng thì thào:
- Tôi gửi chính trị viên quyển sổ này, anh giữ giùm nhỡ đâu trận này tôi lại là kẻ xấu số!
- Anh tin tôi thế kia à? Nhưng trước giờ đánh lớn đừng gở mồm.
- Lính chiến bao nhiêu trận rồi có gì mà sợ việc gở, vào chiến dịch này tôi có linh tính thế. Anh cứ cầm giúp, biết đâu nó lại giúp anh cái việc thành nhà văn như anh vừa nói. Nhân vật ở trong ấy có đủ rồi, cái người tôi bảo phải thành bác sĩ cửa nhân dân ấy hoàn toàn là mẫu người thật, họ cũng đang ở cách ta không xa. Sau này nếu hết chiến tranh anh không làm chính trị viên nữa, anh đi làm nhà văn, nếu tôi không còn có mặt trên trần thế, anh cứ tìm bác sĩ ấy, tên tuổi, quê quán tôi ghi đủ trong sổ rồi. Gặp cô ấy, anh chỉ cần ghi qua lời kể của cô ấy về tôi và những điều cô ấy gánh chịu sau cuộc chiến cũng thành quyển sách hay và cái danh hiệu là nhà văn của đại đội chắc là xứng đáng. Lúc ấy sách mà ra, tôi tin những người lính đang cùng chiến hào với tôi và anh hôm nay, thằng nào còn sót nó cũng tìm anh mà tung hô...
Hữu cười và dúi quyển sổ nhật kí vào tay chính trị viên Thăng. Cả hai không nói gì thêm nữa, họ lầm lì lẫn vào đội ngũ tiếp cận dần đến vùng đất trắng mà phía trước là hàng rào điện tử có mắt thần Mắcnamara...
Chiến dịch Quảng Trị mở màn rồi cũng kết thúc, ta thắng, địch thua cũng phơi bày giữa cả một vùng đất trắng. Những người ngã xuống trong trận đánh này đã là một nhẽ, còn những người sống sót có lẽ suốt cuộc đời họ sẽ không sao xóa được sự ám ảnh, kinh hoàng bởi máu người nhuốm đỏ và những bãi xác lềnh bềnh trôi dạt dọc dòng sông Thạch Hãn. Với tầng tầng xương cốt của những người lính cùng vùi lộn dưới Thành Cổ, chiến tranh đã đến đỉnh điểm của đổ nát và hủy diệt. Cái vạch phân chia thắng bại của cuộc chiến hằn rõ dần lên. Những chiến hạm của Mỹ phải lùi dần ra biển sau khi cả hệ thống mắt thần Mắcnamara bị chọc thủng phơi trần đống sắt rỉ giữa một vùng đất trắng đau thương. Kẻ gây ra cuộc chiến phải cuốn gói. Cả hai miền ứa nước mắt khi chiếc xe tăng dừng lại trước cửa Dinh Độc Lập trưa ngày ba mươi tháng tư.
Giữa trời đất đỏ rực cờ hoa Thăng mới nhận ra mình còn là kẻ sống sót nhưng nước mắt Thăng cứ nhòa chảy vì ngoảnh trước không thấy Đức, nhìn sau không có Hữu, ngó ngang, quay ngửa không thấy cậu Huy liên lạc và bao nhiêu cái tên thân thuộc cùng chia mẩu lương khô, hít cùng mẩu thuốc suốt dọc con đường về đến đây! Giây lát bâng khuâng ấy nó giống như que diêm nhòe lên trong đầu Thăng rồi tắt ngấm. Thăng lẫn vào cờ hoa như người trong mộng nhưng giấc mộng tuyệt vời ấy nó cũng giống như que diêm nhòe lên rồi tắt vụt, kéo Thăng về với thanh thiên bạch nhật. Bây giờ Thăng mới nhận ra mình giữa bao nhiêu đồng đội đang lục đục trước các sân ga, các bến ô tô với hành lí trên lưng là chiếc ba lô căng phồng cùng chiếc đài bán dẫn đeo chéo ngang vai, một cái khung xe đạp, con búp bê lên tàu xe về quê Bắc, về với cuộc đời có thật. Điều giản dị ấy thế mà dân tộc và những người lính phải trải hơn hai mươi năm hy sinh xương máu mới có được. Trên những toa tàu, những chuyến xe đầy ắp những vui buồn trong dòng người còn sót lại, Thăng đang bồng bềnh trong những suy tư ấy thì một bàn tay vỗ bụp vào vai. Thăng giật mình mở bừng mắt. Thằng Huy liên lạc cứ bo lấy cổ Thăng mồm miệng tranh nhau nói:
- May quá, may quá. Em cứ tưởng thủ trưởng còn nằm trong thành cổ! Thủ trưởng được về nghỉ mấy tháng?
- Mình về phục viên...
- Chu cha, thế thì thủ trưởng suớng nhất trần gian rồi. Còn em chỉ được nghỉ có 15 ngày rồi phải về học thành sĩ quan. Em muốn ra ngoài thi vào một trường đại học nào đó cho nó thay đổi không khí. Em muốn học ngành nông nghiệp, thành kỹ sư chăn nuôi. Hồi ở với đại trưởng Hữu, đại trưởng cũng thích nghề này. Em bị lây từ tình cảm của đại trưởng Hữu đấy. Đại trưởng bảo làm nghề nông nghiệp nhất là nghề chăn nuôi thời thế có xoay vần thế nào mình vẫn có niềm vui vì kỹ sư chăn nuôi đối tượng mình tiếp cận chỉ có trâu bò, lợn gà.... Mà đất nước, quê hương mình cứ có nhiều lúa gạo, nhiều trâu bò lợn gà rồi sẽ có đủ các thứ khác.... Em chả muốn ở lại quân đội lâu dài đâu nhưng xin mãi mấy ông quân lực cứ một mực: "Cậu còn trẻ lại có thành tích, có thực tế trong nhiều năm ở chiến trường, trình độ văn hóa cao, phải gánh vác trọng trách của quân đội chứ. Nhiều người mơ cũn chả được đấy. Phải cố gắng lên. Giấy nghỉ phép đây, về xả hơi vài bữa rồi tiếp tục đi học... " Vừa nói mấy bố quân lực vừa dúi vào tay em cái quyết định về trường sĩ quan. Em toát mồ hôi hột nhưng vẫn phải toét miệng cười. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy thủ trưởng ạ!
Thăng tròn mắt trước những lời giãi bày rất thật của Huy. Thăng kéo Huy ngồi cạnh, lòng tay Thăng cứ xoay tròn trên cổ tay Huy và tự nhiên những dòng nhật kí trong quyển sổ Hữu trao cho anh ở Quảng Trị mà Thăng bảo là những cái mống bão lại dựng đứng trước mặt. Giọng Thăng bùi ngùi:
- Huy đi viện được hai ngày thì đại trưởng Hữu hy sinh. Chuyện dài và cảm động lắm, khi nào rảnh sẽ kể. Bây giờ Huy phải đi học là đúng. Mình là người may mắn còn sống sót phải sống và làm việc cho cả phần những người đã chết đấy Huy ạ! Huy phải cố gắng! Ở lại quân đội hay ra ngoài cũng đều là nhiệm vụ, là công việc cả. Người lính sau cuộc chiến còn bao nhiêu điều phải bắt đầu. Huy đi học sĩ quan cũng là sự bắt đầu, cũn anh về phục viên cũng thế. Phải bắt đầu từ những công việc bình thường nhất. Bọn anh văn hóa thấp, ngày nhập ngũ mới đang học lớp 7, vào bộ đội đi học mấy lớp tuyên huấn rồi làm chính trị viên. Các cậu chả tếu "mồm cá chép, mép chính trị viên... " vậy nên bây giờ hết giặc rồi cũng phải học lấy một cái nghề, cho dù đi cày cũng là một cái nghề, mà đã là một cái nghề là phải thạo, phải giỏi thì mới sống được...
- Thế thủ trưởng định về làm nghề gì?
- Mình về quê làm nhà, lấy vợ và đi cày. Mình cũng quyết phải làm thật giỏi cái nghề của anh thợ cày. Cậu cứ tốt nghiệp sĩ quan đi, anh Thăng này sẽ đón về hưởng lạc những sản phẩm của anh thợ cày làm ra.
Thăng cười ha hả. Tiếng cười của Thăng làm nhòa đi những băn khoăn đang còn bề bộn trong lòng Huy. Họ chia tay nhau lúc nhoạng chiều ở ga Tân Kiêng. Huy xuống đây rồi về làng Hải Lựu. Anh Thăng còn đi tiếp vài ga nữa rồi sáng mai mới bắt ô tô ngược Tuyên. Khi bóng Huy lẫn vào những rặng tre ven đường, đoàn tàu cũng hú còi chuyển bánh. Dường như lúc này tâm trạng của họ đều hòa điệu với tiếng còi trong niềm hồi hộp vui sướng gặp lại gia đình, quê hương sau nhiều năm xa cách. Nỗi khao khát, háo hức ấy làm cho cả hai người cùng quên sự chia xa và họ cũng không nghĩ được đấy cũng là một cuộc chia tay lâu dài vì cả hai đều không ngờ được trận tuyến thời bình dẫu không có mũi tên hòn đạn nhưng bát cơm manh áo nó lại là bức rào ngăn cách nhau dằng dặc hơn!...