Số lần đọc/download: 256 / 23
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 3
C
on ngựa hồng non tuổi, chân rất bấy, Pao thả nó ở chân dốc, rồi đi bộ về làng.
Vàng vàng mặt trời, Pao đã sắp tới cổng làng. Cách cổng làng hơn chục bước chân, có một tấm ván gỗ và những túm chân hương, dấu vết lễ tủa cheo của người nào đó có con ốm cầu cúng người qua đường đỡ đầu linh hồn cho đứa trẻ.
Ở cổng làng, chính giữa đường, ai đã đặt một cây cung, xung quanh cắm mấy lá cờ giấy trắng nhỏ bằng bàn tay một. Pao leo lên một cái gò đá. Đỉnh gò có ba nóc nhà. Bùn đen nhẫy khoảng sân rộng, ở đó lù lù hai ngôi mộ mới xếp đá. Một đám trẻ từ sau một ngôi mộ chạy ra. Pao kinh ngạc. Đứa nào cũng trần truồng, da thịt trát đặc bùn đen. Chúng trát bùng để dọa ma. Ma gì? Hay để chữa bệnh? Nhìn chúng Pao bỗng thấy buồn xỉu.
Làng buồn quá! Mười chín năm nay, từ lúc bằng quả bí đao tới giờ biết ngẩn ngơ khi nghe chim mi hót, biết khiến ngựa dữ, sao bỗng thấy làng quen thuộc mà buồn thế! Sau cái cột đá ông tổ dựng năm Bính Thìn khi chuyển cơ ngơi tới đây, là sáu chục nóc nhà xúm xít, xam xám một màu cỏ chết.
Chợt có tiếng hát trẻ con. Pao nhìn sang bên trái. Dưới bóng một cây trám lớn, hơn chục đứa trẻ cũng trần trụi như ong non, mình trát đất, đang đùa nghịch trên bãi cỏ. Bãi cỏ đầy lá chuối, lá dong, cơm rơi vãi. Ba đứa bé đang ngồi trước cái bàn thờ ở gốc cây, hát vang vang: "Thủ ti pu khai khẩu, lao hủ pu giao câu”*.
Một đứa khác đang kéo một con trâu trắng ở khu rừng cấm ra, miệng nghêu ngao:
— Cu dung là cào cu hờ cào... tao tốt với mày, tao cho mày ăn tốt, ăn no...
Pao gọi:
— Pùa! Pùa!
Thằng bé dắt trâu ngẩng lên, toét miệng cười.
— Về đi!
Pao nhắc. Thằng bé lắc đầu:
— Anh về đi! Nhà chỉ có bà thôi. Chị Pàng đi lấy nước. Sao anh không về sớm ăn hội nào sồng?
Hội nào sồng là hội ăn ước mở vào dịp cuối năm để cúng thổ thần và bàn bạc việc làm ăn mới. Vậy là cái tết H'Mông sắp tới rồi! Gọi Pùa một lần nữa, Pao đi theo đường tắt, qua một chòm ba nhà nữa ở mỏm núi, thì gặp đoàn người đi địu nước ở sông Chẩy đang leo dốc lên. Hun hút dưới sâu kia là dòng sông. Dòng sông hút hết cả nước trên núi. Nước uống. Nước rửa. Nước cho con ngựa uống. Trông vào vai người cả.
Người dòng dòng một vệt ậm ạch nhích từng bậc đá lên. Những ống nước dài đè lên vai. Cái lù cở đựng thùng gỗ nặng chỉ chực ật ngửa. Hơi thở người à à. Mặt người đang nhòa nhòa. Chiều xuống nhanh. Từ dưới chân núi, vệt người lấy nước vẫn lừ lừ bò lên, dài ra, mờ dần.
Pao tụt từng bậc đá. Người đang ùn ùn lên, hơi thở ra cả tai bùng nhùng ù ù. Pao bỗng gọi, tiếng vang giữa trời:
— Chị Pàng!
Một người đàn bà vừa bước lên một bậc đá. Cái ống nước dài như cây cột nhà lắc lư, bập bềnh. Pao ghé vai đỡ ống nước.
— Chị Pàng! Để em.
— Pao...
Người đàn bà thở phào phào, đứng lại, giũ cái yếm buộc ngoài váy, thít lại khăn rồi đuổi theo Pao. “Chú Pao để tôi...". Chị gọi, tay bám vai Pao: “Pao ơi! Việc của chị...” Mặc, Pao cứ bước. Tiếng chị không thật hơi, không thành tiếng người. Chân Pao còn sức. Ngực Pao còn căng hơi.
Hết dốc, Pao dừng chân. Vai đã ê ê. Anh nghĩ. Nặng thế này sao chị Pàng ta vác được? Đời làm dâu khổ thế!
— Pao, cho tôi thay...
— Em vác, chị dâu nghỉ một tý đi!
Pao nhấc ống nước. Người đàn bà theo sau. Chị đã đỡ mệt. Hơi thở không thào thào hắt ra nữa. Tiếng nói đã ra tiếng người:
— Pao, mấy hôm nay chú đi đâu?
— Em xuống châu.
— Đi thổ thuê à?
Pao đáp:
— Vâng.
Người đàn bà bước lên cạnh Pao, giọng rầu rầu, muốn tâm sự:
— Ở nhà, ông mong chú về quá!
— Anh Lử em về chưa, chị?
— Pao ơi! — Người đàn bà bỗng kêu to, lui lại.
Pao quay ống nước: “Sao mặt chị dâu bỗng thất sắc thế?”.
— Đi chị đâu! Có chuyện gì thế?
Người đàn bà không nói, lủi thủi bước sau Pao. Căn nhà đã hiện ra trước mắt, lòe loe ánh lửa lò.
Bếp lò nhà Pao đã ăn lửa. Lửa thốc ra một luồng đỏ hực như cái đuôi. Lòng nhà năm gian sáng bừng: Pao dựng ống nước ở cạnh bếp, quay ra. Cha Pao, hố pẩu của dòng họ Giàng, đi đâu? Quanh cái bếp khách ở gian thứ hai, người ngồi chật, cười nói ầm ĩ. Đó là mấy người đi làm cỏ thuốc phiện về, rẽ vào chơi, gặp lão Sếnh, liền ngồi xuống hầu chuyện. Lão Sếnh nghiện, búi tóc tròn bằng nắm tay sau gáy, nổi tiếng bẻo lẻo, mồm miệng trơn như bôi mỡ. Pao đứng cạnh một cây cột.
Lửa ở bếp khách nhao lên những lưỡi dài vàng khè. Mắt lão Sếnh nghiện chập chờn. Bà cụ Xóa ngồi trên thân cây chuối bóc nõn đang thái xoèn xoẹt, bỗng dừng tay. Giọng lão Sếnh lè nhè:
— Đời tao thấy người hóa hổ nhiều lần rồi nhé! Một năm còn trẻ, đi săn bị lạc đường ở dưới bờ sông Chẩy, thấy hai người đang giặt quần áo. Xuống tới nơi hỏi đường thì hóa ra hai con hổ đang giặt bộ da.
— Húi!
— Một lần đi chôn người chết được ba ngày ra mả cúng, tao thấy một cái lỗ ở đầu mả. Tao ngó xuống thì, húi, một con hổ nhảy vọt ra!
— Dà! Có việc gì không?
— Nó chạy vào rừng.
— Sau có gặp không?
— Khoan, một hôm trời sáng trăng, tao hứng chí, lấy khèn ra thổi. Đang mồm thổi, chân nhảy, bỗng ngửi thấy mùi hôi hôi. Ngửng lên, thấy một cô gái đang múa gậy tiền sập sành, sập sành. Rõ con gái H'Mông: váy hoa, khăn hoa, vòng bạc. Tao thích quá! Khèn càng nổi. Bỗng một cơn gió. Tao ngẩng lên. Úi, đứa con gái tụt cái váy. Lòi ra cái đuôi hổ.
— Úi giời!
Đám người quanh lửa lao xao. Lão Sếnh lại kể. Chuyện bố hóa hổ, nhớ con, về làng tìm con. Chuyện chồng hóa hổ, nhớ vợ, đi tìm vợ.
Bà Xóa nghển dậy, nhìn Pao, khẽ khàng:
— Pao à, mày ăn cơm đi!
Pao đi lại cạnh bếp lò. Chiều nay chưa ăn mà bụng Pao lưng lửng. Cổ nghèn nghẹn, không muốn ăn, Pao ngồi lặng. Tiếng lão Sếnh nổi chìm trong ánh lửa.
Bóng tối từ ngoài núi lan vào hiên. Ngoài hiên nhấp nhô một bóng người đàn bà. Chị Pàng từ lúc vác nước về, vẫn ở ngoài hiên. Chị xay ngô. Cái cối đá nặng quá, quay lờ đờ, kêu rù rù...
Nhà cũ, nhà nào cũng dột. Người nghèo ai cũng có nỗi khổ. Khổ nhất là đàn bà H'Mông. Đi nương xa, đi chợ xa, chân bước, tay nối lanh. Giã gạo, chân dận, tay nối lanh. Ống nước đè nặng ê vai cả một đời con gái. Nắng mưa, chài chãi làm cỏ ngoài nương. Chiều, hơi sức đã hết, lại một địu củi cao vượt đầu, còng lưng thồ về. Con ngựa còn được nghỉ, đàn bà H'Mông không được nghỉ: Vác nước, xay ngô, giã gạo rồi là vải. Khuya, gà gáy hai lần rồi, vẫn ngồi ở bếp tước lanh, se lanh. Chim én còn không vội bằng đàn bà H'Mông. Không vội, không có váy cho mình, áo cho chồng. Đàn bà H'Mông không biết ngủ. Chỉ được nghỉ cùng với cái cối ngoài hiên. Chỉ nằm xuống cái giường hẹp chợp đi một canh lại choàng dậy. Cái chõ đồ máo của ngồi chờ trên trạn kia rồi. Đời đàn bà H'Mông làm dâu, khổ mãi rồi, không còn biết khổ nữa.
Pao ngồi xuống, cạnh bà Xóa:
— Bà ơi, bà nghỉ đi. Bà hơn một trăm tuổi rồi!
Bà Xóa ngẩng dậy. Mặt nhăn nhúm, cái miệng móm hõm cười:
— Mày ăn cơm đi!
— Chị Pàng ăn chưa, bà?
— Mặc nó thôi. Nó là đàn bà, nó là con dâu...
Pao đứng dậy. Pao đi ra hiên, thì thào: “Chị Pàng ơi!". Tiếng cái cối xay nghiến nát tiếng Pao. Người đàn bà nhoai trên càng cối, rồi ngửa ật người, giật cái giằng cối về.
Pao ứa nước mắt. "Chị Pàng ơi, sao đời chị khổ quá! " Đời đàn bà, con gái H'Mông khổ một. Đời chỉ Pàng khổ hai. Có ai khổ như chị không? Người chồng thứ nhất kéo chị về làm vợ, y coi chị như con chó. Y đánh chị không tiếc tay. Cho đến trận cuối cùng, y quấn tóc chị lên xà nhà mà đánh, thì chị bỏ chạy. Chị có tội gì đâu. Chị chỉ xinh đẹp. Chị chạy vào rừng, ngã rập dưới bụi cây. Đàn quạ bay đến. Chị phải đánh nhau với đàn quạ và gượng dậy chạy tiếp. Chị chạy về nhà ông Giàng Ly Trang làm con gái gầu phàng. Cho tới khi anh cả Pao đến cướp chị về. Ôi chao, tránh vực lại rơi xuống khe.
Anh cả Pao y hệt Lử, hung bạo, tàn ác, ngu muội. Chị càng xinh đẹp, lửa ghen của hắn càng nồng. Nhưng hắn đã chết rồi. Chết tháng trước. Tay hắn nhiều lông. Lão Sếnh nói: "Mày sắp hóa hổ rồi". Hắn cởi quần áo nhảy xuống hố phân lợn, định tắm phân lợn đúng mười ba ngày như lời lão Sếnh khuyên để rụng lông, tụt đuôi trở thành người. Nhưng được hai ngày, cái vết vấp chảy máu ở chân sưng tấy, hắn sốt rồi chết, chết thật bất ngờ. Đời chị Pàng lại khốn khổ. Chị khóc, lại lo cho cái bước đường sắp tới còn rất dài của mình. Chị mới hai mươi tám tuổi đầu.
Pao ngồi xuống cạnh bà. Bà vẫn còng lưng thái chuối. Đám say chuyện lão Sếnh bỗng ào ào đứng dậy.
Bà Xóa ngẩng lên:
— Pao à, mày sang nhà Giàng Ly Trang họp hội đi!
— Bố con đi rồi?
— Mày phải đi. Đi đi, cháu lớn rồi, cháu à!
Pao cầm cái đèn dầu thông phong thủng đi. Ánh đèn nhập nhoạng, tối mù dưới chân.
Pao bỗng dừng lại:
— Ai đấy?
Cái thông phong rơi xuống đất, vỡ tan.
Có một bóng đàn ông đứng ở hiên, sau chị Pàng. Nó đứng sát chị, như vừa ôm hông chị. Nó quay lại, tay lúng túng vắn lại cạp quần, hơi thở hừng hực nóng mặt Pao.
— Anh Lử!
— Hừm...
— Anh về lúc nào?
Lử không đáp. Hai con mắt y đỏ như lửa. Pao nhìn sâu vào vùng hiên tối đen. Đầu chị Pàng vừa gục trên cái giằng cối đá. Cạnh cái cối nằm dài thượt một cỗ quan tài gỗ.
Pao đi qua hiên, bỗng thấy như có con bọ chó bò ở trong người.
Căn nhà Giàng Ly Trang, người năm nay đến phiên làm hủi thầu* dài bảy gian, tường đất trình, lòng rộng. Cửa chính ở giữa. Cửa sau ở gian bếp. Mái cỏ mới lợp dày hai gang tay.
Người đến họp đã ngồi chật cả gian giữa, gian bên. Hầu hết là đàn ông; khói thuốc sục lên mù mịt quẩn đặc. Mấy bà sà vào cạnh bếp lò tước lanh cùng các cô con gái nhà ông Giàng Ly Trang. Thằng Pùa mười tuổi, em Pao cũng ngồi ở đó với thằng Vảng, con út Giàng Ly Trang, vo vo sợi lanh làm thuốc lào hút nghịch.
Ngồi ở cái bàn trước bàn thờ là hố pẩu Giàng Lầu, cha Pao, Giàng Ly Trang tức lý trưởng Giàng Súng và lão Sếnh nghiện, năm ngoái làm hủi thầu.
Hai người đàn ông cầm hai thanh gỗ pơ-mu mỏng như lưỡi kiếm cháy đùng đùng từ bếp bước ra. Căn nhà vàng rợi. Tóc người bắt sáng óng ánh như phết sáp ong. Không khí có vẻ trang trọng vì đó là buổi họp cuối cùng của hội nào sồng, hội ăn ước của làng, mỗi năm tổ chức một lần để cúng thổ thần và bàn bạc công việc làm ăn năm mới.
Pao đưa mắt tìm bạn rồi lách theo ven vách, len lén lom khom bước tới gian bên.
— Ái dà, Thằng Pao!
— Pao, Pao mày đi đâu giờ mới về?
Pao ngồi lọt giữa đám bạn bè đang ồn ào câu chuyện, khe khẽ đáp:
— Tôi xuống châu về!
— Ở dưới châu có nhiều chuyện lạ lắm, người đi chợ về nói có lá cờ đỏ to. Có thấy không, Pao?
Pao nghênh nghênh tai. Hơi thở bạn bè sặc sụa mùi rượu bắp nặng. Mặt bạn bè Pao đỏ dậng. Lửa hai cây đuốc pơ-mu ở gian giữa lấp lánh trong hai con mắt mỗi người.
— Ăn cơm đi, Pao! Trong bếp còn đấy! — Có tiếng ai thì thầm sau lưng Pao.
Pao lắc đầu. Chiều nay làng đã làm lễ cúng thổ thần ở khu rừng cấm đầu làng. Thổ thần thiêng lắm. Năm nào cũng phải làm cúng, mổ một con lợn to. Cúng xong cả làng ăn một bữa chung ở đó. Giờ mới là lúc họp hội bàn bạc.
— Pao xuống bếp uống rượu với tao đi!
Nghe tiếng quen quen, Pao quay lại. Mặt Lử nhờn nhờn ở ngay cạnh Pao. Lử mới vào họp, còn chưa kịp ngồi. Pao lắc đầu:
— Không muốn ăn.
— Thế thì đi với tao đi. Mỗi hộ chỉ cần một người biết ăn biết nói ở đây thôi!
Hơi rượu nồng trạt vào mặt Pao, Pao nhịn thở. Lại nhớ cái buổi rượu ở chợ hôm nọ. Anh muốn nôn, định quay đi thì tay đã bị kéo mạnh.
Vừa lúc ấy, lão Sếnh đã đứng dậy, cạnh cái bàn. Lửa đuốc phụt một lưỡi dài. Đám tóc vẫn búi sau gáy của lão Sếnh buột, thả một dòng dài thượt, ngọn tóc chấm tận khoeo chân. Pao thấy rờn rợn, bỗng nhớ câu chuyện lão Sếnh kể có cô gái múa gậy tiền, váy tụt, thòi ra cái đuôi hổ.
— Bắt đầu bàn thôi! — Lão Sếnh cất tiếng, giọng lè nhè, đẫm hơi rượu — Năm rồi tôi làm hủi thầu theo phiên cắt cử. Vận hạn nhiều quá. Trời phản đất loạn. Hổ về nhiều lần...
Pao đứng tựa vào khung cửa, chưa muốn theo Lử, da thịt lại tê tê, ram ráp. Năm qua, hổ về nhiều lần. Một lần về bảy con, vồ năm người mang đi mất tích. Năm qua, ông trời độc địa, làm mưa đá, bắn đạn trắng xuống, thuốc phiện đang ra hoa chết rập cả. Năm qua, bọn cướp biên giới nửa đêm ập vào làng, bật hồng, nổ súng trận. May mà hội chống cướp của làng, sáu mươi tay súng dưới sự chỉ huy của Lử, kịp thời ứng phó, đánh bật chúng ra khỏi làng. Cả làng chỉ mất có một cái nồi đồng ba mươi của ông lý trưởng Giàng Súng. Cái nồi quý ấy sau cũng tìm lại được. Pao đi chợ biên giới nhận được mặt cái nồi, lấy được về. Năm qua, năm qua có nhiều biến động. Chỉ một năm mà đã đổi thay bao sắc cờ: Cờ tam tài, cờ mặt trời, cờ sao trắng mười hai cánh, cờ sao trắng năm cánh. Quân Chí Thắng. Cướp Voòng Sắt. Thổ phỉ Man di khai sáng. Giặc cờ vàng... Năm qua, nhiều lời đồn đại còn đang vẩn vơ...
Ông hủi thầu Sếnh vẫn kể. Cái giọng khe khé của người nghiện thuốc phiện cứ rền rĩ, lê thê. Ông hủi thầu nghiện hút thuốc bốn mươi năm rồi, bao nhiêu trâu lợn của cải chui vào cái dọc tẩu cả, nghèo xác xơ, ông chỉ giàu chuyện hổ báo, ma mãnh, những chuyện quanh cái bàn đèn, u u ám ám như phủ khói thuốc phiện.
Lý trưởng Giàng Súng ngồi cạnh bàn. Mặt dài như mặt ngựa. Cầm lưỡi mác. Mắt lồi như mắt cá vàng. Con mắt dữ, có cái nhìn chong chóc, móc máy người ta. Vừa nghe dứt lời kể của lão Sếnh, ông liền đập tay xuống bàn, giọng sùng sục:
— Năm qua, người Thổ nó bóp cổ ta. Muối không có mà ăn. Thổ ty Chao là con lợn độc.
— Người Xã có bằng cứt không? Nó đi buôn vải vào làng bán, thả bệnh cho ta.
— Người Kinh ở phố còn thối hơn cứt! Bán phở nó chan nước lã cho ta ăn. Coi ta bằng nhau với con lợn, con trâu.
— Ôi trời, chửi được thì chửi cả ông trời! Sao ông trời ăn ở không đều, làm sập núi, rơi đá chết người dòng họ ta?
Xì xào lầm rầm. Người ta than. Người ta kể. Chuyện như nước đổ vào chỗ trũng. Xoáy tròn to nhất là chuyện về thổ ty Chao. Rồi tới chuyện Quốc dân Đảng. Lơ thơ mấy câu về Việt Minh.
Hố pẩu ngồi tay tì trên bàn. Chòm râu lưa thưa. Cặp mắt sâu hấp háy. Vầng trán rộng có nhiều nét nhăn chết. Hai vành tai to, hơi cụp. Nét nào cũng là nét nghĩ ngợi. Lòng hố pầu ngổn ngang nỗi lo. Quanh hố pầu, tiếng người vẫn rì rào rồi cuộn sục lên. Người ta bắt đầu cãi nhau.
— Loạn to rồi đấy! Theo ai bây giờ? — Một ông già đầu hói bỗng nghển cổ thét.
Chợt im lặng.
— Thổ ty Chao có hơn một trăm tay súng.
— Không theo nó! — Lý trưởng Giàng Súng lại đập tay xuống bàn, hét — Nó là người Thổ!
— Nó có quyền to!
— Kê mông, kê lý. Đường người H'Mông, đường lý. Cứ thế mà đi!
— Theo ông Đờ bên Pha Linh!
— Nông Vĩnh Yêng nhiều súng lắm!
— Ấy dà, ui i tu tông nhao đua đuố. Làm cây đứng giữa đèo, gió nào mạnh, ngả theo.
— Pê H'Mông* khổ quá! Có muối nữa là không theo ai cả!
Hủi thầu Sếnh đang ngồi lại đứng dậy, hai tay đập bồm bộp rồi quay lại nhìn hố pẩu, mời:
— Mỗi quả núi một vị thần. Mỗi làng một người già. Hố pẩu nói đi!
Hố pẩu ngước mắt. Nói gì bây giờ? Một lời bay ra, một vết dao chặt. Phải chín lần ngắm. Chưa nói được! Chưa nói được! Đuôi con mắt hố pẩu như một vết khía khim khíp khép.
Có tiếng ngáp rất to. Mọi người cười ồ. Hủi thầu Sếnh ngúc ngắc cái đầu, đuôi dòng tóc quét qua hai khoeo chân:
— Thôi, bàn nhé! Thời buổi trời thảm đất sầu này, trộm cướp tất lắm. Mọi người trong làng cần đồng lòng. Thế này được không: mỗi nóc nhà có một trai tráng, cử một, có hai trai tráng, cử hai. Nhưng phải có súng cầm tay!
— Phải đấy! Có súng cướp nó mới sợ!
Hủi thầu Sếnh gật đầu:
— Mỗi nóc nhà phải sẵn ba bó đuốc to, chẻ nhỏ, để trên gác bếp. Cần lúc nào đốt ngay lúc đó được. Mỗi nóc nhà để sẵn một cái tù và.
— Nghe tù và báo cướp, trai làng phải mau chân tụ họp.
— Phải đấy!
— Ai làm chỉ huy?
— Lử! Giàng Lử?
“Lử! Giàng Lử!” — Lọt đọt tiếng mấy người trai. Lử năm ngoái đã làm chỉ huy. Lại là người tợn, việc gì cũng dám làm.
Hủi thầu Sếnh ngó nghé khắp gian giữa sang gian bên. Người họp đang quây lại từng nhóm, lầm rầm bàn bạc.Hủi thầu Sếnh quay lại nhìn hố pẩu. Hố pẩu cắn cắn môi, rồi thở phào:
— Cử Giàng Chín!
— Giàng Chín! Giàng Chín!
Pao thấy dám trai ở trước mình xô đẩy nhau, reo hò. Một người đội cái mũ vải lưỡi trai, tay vòng ôm gối, làu bàu: "Thôi, thôi”. Tiếng reo hò lại tràn lên chen lẫn tiếng cười. Ồn ào, ồn ào mãi.
Bấy giờ hủi thầu Sếnh đã chuyển sang chuyện làm ăn. Cánh trai tráng không ham chuyện ấy. Người già cứ bàn đi. Trâu, ngựa không được thả rông, phải thả vào rừng có hàng rào khi vụ gieo trồng mùa xuân bắt đầu. Gà, vịt, ngan, ngỗng cũng thế. Nhốt lại. Gà mẹ nuôi con không thả không được thì phải buộc dây vào chân gà mẹ để nó không bới được...
— Đi mày, Pao!
Lử từ đâu đã dịch lại gần, bỗng dưng lại kéo tay Pao. Pao co tay níu lại.
Hủi thầu Sếnh tươi cười:
— Hôm nay làng ta ăn nào sồng. Việc chung bàn thật kỹ đến từng đốt ngón tay. Ai cũng bằng lòng mọi điều. Giặc đến phải cùng đánh. Thù của một người là của mọi người. Đã đuổi cướp là đuổi tới tận nhà nó ở. Còn đối với người làng, không được làm mất lòng nhau. Không được ăn cướp của nhau. Kẻ nào ăn cắp, bắt được cho nó lót quan tài người chết. Hôm nay, ngày ăn ước của làng. Người trên, người dưới, quan to, quan nhỏ, có mặt cả ở đây. Lắng nghe tôi nói những điều mọi người đã bàn bạc. Ở với nhau phải tốt với nhau. Trâu ngựa từ rằm tháng mười mới được thả. Quả dưa trong vườn người nào người khác không được lấy. Lấy của ai cái gì là khinh cha mẹ mình. Cha mẹ mình ăn bữa ngon bữa ngọt, bữa cay, bữa đắng...
Giọng hủi thầu trầm bổng như không phải giọng lão Sếnh. Như hát mà trang nghiêm. Căn nhà im phăng phắc. Pao đứng lặng. Cái buồn, cái lo ám ảnh thoáng tan. Niềm tin ấm áp dâng tỏa lòng Pao.
— Đi Pao!
— Khoan đã!
Pao giật lại cánh tay bị kéo. Hủi thầu Sếnh đổi giọng đứng thẳng người, chắp tay thành kính:
— Năm rồi, tôi làm hủi thầu, việc tốt lành chỉ một, việc hung việc dữ những ba. Năm nay, nhờ tiên tổ, việc tốt lành chắc sẽ nhiều hơn. Từ nay, việc năm tới, theo phiên cắt cử, tới lượt ông Giàng Súng. Vậy xin giao lại!
Vừa nói câu cuối cùng, hủi thầu Sếnh vừa quan lại phía sau. Thủ tục bàn giao chức hủi thầu được thực hiện ngay. Một người đã đứng ở đó từ lúc nào, tay nâng hai cái chân giò cắt từ lúc mổ lợn hồi trưa. Hủi thầu Sếnh cầm hai cái chân giò đưa về phía lý trưởng Giàng Súng. Ông Súng đưa hai tay đón nhận, mặt thưỡi dài hớn hở.
Hai anh em Pao ra ngoài đám nào sồng khi ông Giàng Súng, hủi thầu năm mới nói những lời chúc mừng sự thịnh vượng cho dân làng trong "nhiệm kỳ" mới của ông.
Trời đêm lạnh đẫm. Sa mù phủ trắng xóa. Trong ánh trăng muộn mằn nhờ nhạt, bóng con dơi chao qua chao lại dưới những cành xoan gầy như những tay khăn vẫy.
Hai anh em Pao đi ngược lối về nhà. Người Pao nóng hâm hấp. Cái cảm giác ấm áp của tình xóm thôn, dòng họ, của mối gắn bó keo sơn những người gần gụi nhập vào Pao từ cuộc họp vẫn dào dạt trong Pao.
Nhưng Pao chợt tách ra khỏi tay Lử, dừng lại. Mái hiên căn nhà Pao kẻ một vệt đen mờ dưới đất. Ở đó, có tiếng người khóc thút thít. Pao bước thêm một bước. Mái hiên đen thẫm. Mờ mờ cái giằng cối thẳng vút một đoạn. Tiếng người khóc bỗng nấc lên. Hình như người đó đang vật vã trên mặt cái quan tài gỗ.
"Chị Pàng!" — Pao khẽ gọi. Nhưng Lử đã quay lại, nắm cổ tay Pao, gắt khẽ:
— Thằng này lạ nhỉ? Đi với tao, có chuyện này hay lắm!
Hơi thở sặc mùi rượu từ mồm Lử lại táp vào mặt Pao. Pao đi, lòng thắc thỏm.
Con đường mờ mờ bóng trăng. Đá nhấp nhô đen như ám khói, Lử khoác tay Pao, Pao nhìn cánh tay áo Lử. Ống tay áo Lử xoạc một đường rách ở gần vai. “Anh Lử dẫn mình đi đâu thế này?" — Pao nghĩ:
— Pao, mày thích có một khẩu súng không? — Lử bỗng dừng lại, quay mặt ghé sát Pao.
Pao dè dặt:
— Có!
— Đi với tao. Hè hè... Lử cười nhạt, chợt im bặt rồi quay ngoắt — Pao này, mày thấy con Pàng thế nào?
Pao giật thót:
— Chị Pàng?
— Ừ thì... Chị Pàng của mày! Vẫn là chị Pàng của mày cơ mà!
Lử cười khí khí và lần này hắn quay lại nhìn thẳng mặt Pao. Pao thấy hai con mắt hắn trắng nhởn tóe lên tia sáng ranh mãnh đến lạ.
— Tao vừa chơi nó xong! Ở trên cái quan tài ấy. Đ.mẹ! Nó khỏe quá. Cào tao rách cả áo!
Pao giật tay ra khỏi tay Lử. Lử đưa tay nắm chỗ tay áo bị rách, nham nhở:
— Tao sẽ lấy nó làm vợ. Nó xinh, nhưng chẳng bằng con Seo Ly của mày đâu. Pao, mày làm sao thế?
Mặt Pao tối sầm. Ngực Pao bỗng như rỗng không. Da thịt Pao lạnh toát.
— Đi, đi với tao, Pao! Mày thích có một khẩu súng không? Đi, đi với tao, Pao! Đi với tao tha hồ tiền tiêu nhé! Thằng Seo Cấu ở bên Phéc Bủng, mày có biết không? Nó nhận đi đánh thuê, cướp thuê. Nó nhận đi với bọn buôn lậu thuốc phiện. Mày khỏe, mày đi với bọn tao thì tốt quá...
Lử liến thoắng, kéo tay Pao. Có cái gì vừa tan nát trong lòng Pao. Pao buồn xỉu. Không còn ngửi thấy mùi rượu ở hơi thở của Lử. Người Pao ngất ngư không hồn vía. Đi cạnh Pao, Lử chỉ cao đến vai Pao. Lử là con thứ hai của hố pẩu. Hố pẩu có bốn con trai, rặt con trai. Lử đứng cạnh Pao, không ai bảo là hai anh em. Bốn anh em như chia thành hai dòng khác hẳn nhau, từ vóc dáng đến tính nết. Pao và thằng Pùa, em út, vóc to, đẹp dáng, hồn hậu, thật thà, thương người. Lử và anh Cả đã chết thì choắt người, khôn ngoan, hung tợn, chai lỳ, tự ái và cố chấp. Hai mươi nhăm tuổi, nhưng Lử đã trải đời. Hắn cũng có tài, tháo vát. Hắn cưỡi ngựa thạo, bắn súng giỏi, đối đáp khéo. Bọn trai làng đứa nào muốn kéo cô nào về làm vợ đều nhờ tay hắn. Hắn nổi bật trong đám trai làng. Gần đây hắn chơi bời với đám bạn bè ở các xã lân cận và ngoài phố. Tuy khác tính, nhưng Lử vẫn thích Pao. Hai người vốn gắn bó với nhau từ nhỏ, từ trước tới nay chưa có vết rạn nứt nào trong quan hệ anh em.
Hai người dừng lại. Đã xa Can Chư Sủ. Nhìn lại làng, chỉ thấy lẻ loi các chấm sáng trong màn sương đục.
— Về thôi, anh Lử!
Pao như sực tỉnh, rút tay ra khỏi tay Lử. "Chị Pàng!" Nỗi thắc thỏm cứ ẩn hiện trong lòng Pao.
— Ơ cái thằng này! Đến nơi lấy súng rồi! Mày sao thế. Mày nhắc tên con Pàng, mày thương nó à? Tao có hiếp nó đâu. Tao chơi nó vì trước sau tao cũng lấy nó cơ mà! Hây dà, tục lệ thế rồi, có gì lạ đâu mà...
Lử cau trán. Hắn ôm ngang lưng Pao, đẩy Pao đi.
Chui vào cửa hang, Pao mới biết trong hang có thắp nến. Chừng mười người đã có mặt trong hang, ngồi như măng mọc trên một phiến đá bằng. Một cái bàn nhỏ kê ở sát vách hang, trên bàn đặt một bát hương bên cạnh có ba ngọn nến đang cháy đỏ. Trước bát hương nằm một khẩu súng lục và một thanh gươm tuốt trần. Vách hang sau cái bàn căng một lá cờ giữa có ngôi sao trắng trên nền tròn xanh. Hai bên bàn, dựa vào vách mỗi bên ba khẩu súng trường.
Mới vào, chưa quen với ánh sáng, Pao chỉ nhìn rõ một người mặc áo ka — ki vàng, đeo kính trắng, đứng ở bên trái lòng hang, cạnh cái hốc cắm một cây nến đỏ, tay trái cầm cuốn sổ nhỏ, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn đám người H'Mông rồi lại cúi xuống, hí hoáy vẽ. Đứng ở cạnh bàn, một người thoáng thấy đã ngờ ngợ, tóc thưa, mặt quắt, răng cửa to. Người này thấy hai anh em Pao bước vào thì đi ra, đon đả:
— Chào hai anh! Mời hai anh vào. Buổi khai hội mới bắt đầu thôi.
Pao ngồi xuống sau đám người ngồi trên phiến đá. Anh đã nhận ra một người quen khi người này vừa quay xuống. Giàng Seo Cấu, tên đổi ngựa, thằng cướp đường, người bên Phéc Bủng! Thì vừa lúc phía trước, người ra đón hai anh em Pao, đã cất tiếng nói:
— Tôi xin nói tiếp về chương trình của Quốc dân Đảng. Chính thể chúng tôi xây dựng là tinh hoa của tam dân chủ nghĩa. Về kinh tế, chúng tôi...
"Quái, hình như mình gặp người này ở đâu? Cái giọng của nó..." — Óc Pao nhưng nhức. Một lúc, chợt lóe sáng. Pao nhìn lên. Đúng nó rồi! Pao gặp nó ở dốc Trung Đô, nó cướp của Pao một lạng thuốc phiện. Người Pao như dính lông con sâu róm.
Trí nhớ của Pao không lầm. Triệu Đại Lộc, chính hắn là Triệu Đại Lộc. Lộc đang thuyết trình về tổ chức đảng của hắn. Lộc giới thiệu “Anh dũng phái" nguy hiểm kể chi, hy sinh hết thảy, chỉ được vào không được ra, nguyên tắc độc tài: một người chỉ huy, phái hiệu là cái sọ đầu lâu. Lộc nói về điều kiện để làm một người đảng viên, nhấn mạnh không được huỷ diệt thân thể bằng rượu chè, trai gái. Chà, chà, Lộc nói đến đây thì cái hang bắt đầu xôn xao. Tới lúc Lộc nói: mỗi đảng viên phải đóng nguyện liễm ba đồng thì nhiều người cùng kêu: “Ối” rồi lác đác có người đứng dậy, xin về.
Mặc, Lộc cứ nói, Lộc nói như thèm được nói. Vì đã bao nhiêu ngày Lộc phải câm miệng rồi. Cùng Trọng, Lộc đã vào Pa Kha sau khi được Khanh chỉ cho con đường thoát cuối cùng này, nếu không muốn chết vì một chén thuốc độc bức tử. Nhưng vào đây Lộc chỉ trốn chui trốn lủi. Hoàng Văn Chao sai lính lùng bọn hắn khắp nơi. May nhờ quen đường đất, lại có ít bạn bè cũ, hắn tìm được cái hang ở gần thôn Phéc Bủng này. Bực tức, có lúc Trọng đã chửi hắn. Chửi hắn thậm tệ, nhất là về chuyện cô Dung. Nhưng cũng có lúc Trọng lại vỗ về hắn, gọi hắn là nhiếp chính quan Mác — quýt bảo vệ được điện Ca-pi-tôn, nhưng kết cục lại bị xử tử. Gọi hắn là Ha-ni-ban anh hùng thành Cát-ta-giơ, nhưng rốt cuộc lại bị lưu đầy khốn khổ. Trọng cười cợt hắn, Trọng coi hắn như thằng hề. Vì thực lòng, Trọng chỉ quan tâm đến công việc của mình thôi. Trọng chỉ chuyên tâm vào các bức ký họa, đến chất liệu cho các tác phẩm lớn sau này thôi.
Từ lúc vào hang tới giờ. Lử chỉ nhìn chằm chằm mấy khẩu súng. Nghe thấy tiếng vỗ tay lộp độp, quay lại, hắn mới nhận ra Trọng đã đứng trước bàn và Cấu, thằng bạn mới quen của Lử vừa bước tới, đang đứng trước mặt Trọng.
— Chúng ta hãy cử hành lễ tuyên thệ! — Trọng nói, giọng trang nghiêm, mắt nhìn Cấu — Anh Giàng Seo Cấu, anh đã hiểu rõ thế nào là nhiệm vụ người đảng viên Quốc dân Đảng. Vậy bây giờ, đứng trước bàn thờ biểu hiện linh hồn Tổ Quốc, khí giới này là biểu hiện kỷ luật sắt thép của đảng, vị đại diện này — Trọng chỉ Lộc — là đại diện đảng trưởng, anh hãy tuyên thệ đi!
Cấu đứng đực. Hắn nhớ có một lần hắn cũng đã vào đảng. Dạo đó Nhật mới chiếm phố, đảng Đại Việt kếp nạp hắn. Buổi ấy cũng có một cái bàn thờ hương khói như thế này, nhưng lời lẽ của Đại Việt hùng hồn hơn nhiều. Đại Việt xây dựng quốc gia bành trướng, lập chế độ độc tài kia. Độc tài mới khoái chứ! Tam dân, nghe yếu quá!
“Thôi được. Ông vào, ông sẽ trả thù thằng Tường. Mẹ nó chứ, nó định thuê ông hành hung mấy thằng Việt Minh, mà rồi bố nó sợ vãi đái lại gạt đi”. — Cấu nghĩ.
— Anh Cấu! Anh hãy tuyên thệ đi!
“Ơ kìa! Sao nó không phát súng cho mình? Mất cho nó mười con gà rồi đấy!” — Cấu cau trán, cái sẹo bên má hắn giật giật. Mắt hắn nhăm nhăm khẩu súng lục ở trên bàn.
— Anh Cấu! Anh hãy thề đi!
“Chắc thề rồi sẽ phát súng! Không lẽ súng để không thế kia. Cứ thề đã! Có phải là thề nào sồng, thề tăng tù* thề độc chết người đâu mà sợ?”. Cấu mắm môi, bước lên một bước.
Nghe thấy Lộc thở phào, Cấu giơ cao tay trái:
— Nếu tôi làm phản thì súng này bắn, gươm kia đâm!
Cấu dứt lời, Trọng bước tới cạnh hắn.
Thấy Trọng nhấc bàn tay mình lên, Cấu cười hở lợi, chắc mẩm sắp được nhận súng. Nhưng Trọng đã rút cây kim ở ve áo, đâm rất gọn vào chân móng tay trỏ hắn và bóp ngón tay hắn cho máu phòi ra đúng ba giọt để rơi xuống bát rượu.
Hơi rượu bốc lên say say. Cấu chép miệng, ngửa cổ: “Ngon quá!”. Hắn đưa ống tay áo chùi mép. Và chắp tay lại hắn vái bàn thờ một cái thật mạnh.
Bấy giờ, mấy người ngồi ở sau Cấu đã được dặn dò từ trước, đồng thanh hét to:
— Bây giờ theo Quốc dân Đảng rồi!
Cấu ngẩng lên, chờ đợi. Nhưng hắn đã bị Trọng đẩy mạnh một cái lui về phía sau. Ngồi ịch xuống phiến đá, hắn ngơ ngác, như chẳng hiểu điều gì vừa xảy ra.
“Chúng nó làm cái gì buồn cười thế?” — Pao nghĩ. Giật ống tay áo Lử, Pao lom khom bước ra ngoài hang.
— Pao! Pao! Mày về à?
Đuổi kịp Pao ở ngoài cửa hang, giữ được tay Pao, Lử băn khoăn, nhăn nhở.
— Ở lại đi. Nếu nó không phát súng đêm nay, tao sẽ...
“Thằng ăn cướp rủ thằng ăn cướp vào bọn với nhau. Lũ quạ đen cả!” — Pao nghĩ, không đáp quay đi, bước nhanh như sợ Lử đuổi theo giữ lại.
Trăng nhợt như cái vẩy sáp dính trên mỏm núi chè. Pao về tới nhà thì đêm đã khuya. Ngoài hiên, cái cối đã không còn quay, ắng lặng một khối đen đặc. Bà cụ Xóa vẫn còn ngồi tước lanh, lưng còng gập. Bếp gian bên củi cháy héo hắt.
— Mày đi đâu về đấy, Pao?
Pao đi tới bên bà:
— Bà chưa đi ngủ à? Chị Pàng đâu, bà?
— Nó vừa ngồi trong bếp với cái đèn đấy mà. Trai côi sưởi nắng, gái côi sưởi đèn. Khổ thế!
Pao đi vào trong bếp. Bếp lò than đã vạc. Trên bếp có một ngọn đèn tù mù. Cái liềm nằm chỏng chơ ở bãi tro trước lò. Ai vứt ở đây thế? Pao cầm cái liềm, cán còn nong nóng, gài vào vách bếp, rồi đi ra, tự nhiên thấy bồn chồn quá.
— Bà ơi, bố con đâu?
— Bố mày về rồi lại đi. Nghe nói sang nhà ông Pâu. Này Pao, ông Pâu bị ông thổ ty Hoàng Văn Chao thắt cổ suýt chết, có phải không? Dà, ông thổ ty ác hơn con hổ đấy! Năm tao còn khỏe, có một lần đi làm cho ông ấy. Buổi sáng đi lấy nhựa thuốc phiện, có một người ăn cắp một hạt đậu thuốc phiện, bị trói đánh hộc cả máu miệng. Dà! Khổ quá! Trời ơi! Mẹ mua về một quả trứng. Quả trứng nở thành con gà mái. Con gà mái đẻ được mười con. Con bị chuột bắt. Con bị cáo vồ. Con bị mèo tha...
Pao ra cửa. Bà vẫn nói, nói như hát thầm một mình. Chao ôi! Những nỗi khổ của hơn một trăm năm qua trong đời bà hễ cứ khơi lên là lại thành câu hát, câu nọ nối câu kia. Đói, rét, bệnh tật, chết chóc, bị đánh, bị chửi. Sao đời người khổ thế?.
Pao không muốn ngủ. Pao phải sang nhà ông lão Pâu tìm bố, hỏi bố: "Sao em chồng lại lấy được chị dâu?".
Nhà ông Pâu ở cạnh rừng cấm. Bà Pâu mới chết năm ngoái. Con cái không có. Ông lão sống một mình bơ vơ như kẻ mồ côi. Nhà ông Pâu tối quá, nhìn mãi mới thấy lừ lừ một khối than đỏ bằng cái mũ ở tít tịt gian cuối.
Pao bước rón rén, dừng lại ở cái vách ngăn xuống bếp, vì vừa nhận ra cái giọng khàn đặc rất khó nghe của ông lão Pâu.
— Hố pẩu à! Cái số tôi là cái số chưa về với bà lão được. Tôi nằm mê gặp bà ấy, tôi bảo: "Mình ơi, ta về với mình đây, đôi ta cưỡi ngựa vàng ngựa đỏ đi thăm nương kiệu, nương lanh, đôi ta làm nhà lưng đồi gian ngoài dán giấy bạc, gian trong dán giấy vàng, chuồng lợn ta dán giấy đỏ, ta nuôi đàn lợn đông như ong khoái". Thế mà bà lão nhà tôi trẻ như hồi mới cưới, hố pẩu à, lại lắc đầu! Hây dà! Sống không có bà lão, buồn quá. Cứ ra trông thấy cái chuồng lợn, lợn rít đòi ăn lại muốn khóc, như thấy bà lão còn như con gái xách cái ống bắng cám ra: “Sùy! Sùy! Con Dín, mày lui ra cho con Mùa nó ăn chứ!". Hố pầu ơi, thế nào mà tôi ngu ngơ quên mất, cả lứa lợn trước, để lọt lại một con đực, không thiến, không thịt không bán.
Ông lão ngừng. Than nổ bép một tiếng, tàn lửa bùng lên như sao trời, Pao nhìn thấy ông lão đang ghé miệng vào bát rượu.
— Hố pẩu uống đi? Còn sống thì cứ uống! Rượu là bạn ta mà! Đó, cái số tôi không chết, hố pẩu ạ? Hai đứa mặc áo đen đã quàng dây vào cổ tôi rồi, chúng nó sắp kéo. Tôi nghĩ: “Ừ, chết đi, sắp lè lưỡi ra đây này!”. Ừ tao có tội, tao dám nuôi lợn đực, tao phải chết. Chết về với bà lão. Nghĩ thế mà tự nhiên cái chân lại chạy. Chạy ra tới sân thì ngã vào đống thóc. Ngã vào đống thóc là điềm gì đây? Điềm lạ thật! Hôm ấy nghe nói trong nhà ông Chao có khách là Việt Minh hố pẩu ạ!
— Ai đấy? — Ông lão Pâu chợt ngẩng lên, nhìn ra gian ngoài.
— Cháu! Pao đây ạ! Cháu đi tìm bố cháu!
Ông lão Pâu đứng dậy, Pao bước tới cạnh cái bếp than. Than hất ánh hồng nhợt. Pao giật mình. Trông ông lão như một bộ xương. Chỗ còn thịt chỉ là cục bìu cổ. Miệng là một cái hốc đen ngòm. Hai chiếc răng cửa còn sót lại vẹo vọ, sắp tụt nốt. Cái mũ vải như lá cao dán sát đầu, chỏm nhòn nhọn.
— Cháu ngồi đây! Cháu ngồi đây Pao à, cháu lớn rồi. Ngồi đây uống qua chiu * với lão. Thôi chuyện với bố về nhà hãy nói. Giờ ta qua chiu với nhau.
Pao ngồi xuống. Ông lão đã ấn một bát rượu to vào ngực anh. Qua chiu! Rượu chay! Phải, rượu chay uống lúc đêm khuya, giữa những người đang có tâm sự đau buồn, muốn trò chuyện với nhau.
Qua Chiu! Rượu chay! Bát vơi lại đầy. Như câu chuyện không bao giờ hết. Rượu cay rượu nồng. Như đời người nghèo chỉ những cay cùng đắng.
— Tôi khổ lắm, hố pẩu ơi, cháu Pao ơi! Chuyện khổ nhiều như sao trên trời. Lúc nhỏ mồ côi cha, khi già góa vợ. Không có tiền bạc, đi làm thuê cho người Lô Lô. Không có ruộng nương, đi làm thuê cho người Hán. Ấy thế! Tôi cày cho người Hán, cày cho người Lô Lô. Người ta muốn quỵt công. Người ta bỏ thuốc độc vào cơm. Tôi không hay. Ăn xong đau nhức chín buồng gan, chín buồng tim. Người yêu tôi nghe tin xót xa. Nàng đi tìm cây thuốc lá chi chít...
Thì ra ông lão Pâu từ nói đã chuyển sang bài hát. Hố pẩu chớp chớp mắt:
— Trời chẳng tối mãi đâu, ông Pâu! Ông Pâu, uống đi! Điều lành còn lại. Điều xấu bay đi nhé!
Ông lão Pâu gật đầu:
— Tôi uống được. Nhưng ăn không được. Răng còn có hai cái. Vì ngã núi một lần. Vì cưỡi ngựa một lần. Hai lần ấy đều là hồi còn chăn ngựa cho ông Giàng Ly Trang. Hây dà! Sao không chết hồi ấy? Hồi chưa lấy vợ ấy! Chết rồi thì không bị phạt nữa. Chó cắn seo phải, ngựa vào ruộng binh thầu. Vay tiền làm ma cho bố không kịp trả... Hê hê... lần nào cũng phạt thuốc phiện và hai ba đồng. Nhiều lắm. Tôi mới tức. Người ta bảo: mua được chức đấy. Tôi đi mua. Giàng Ly Trang bảo: đưa năm mươi đồng đây, tôi mua hộ chức seo phải cho. Hề hế... nhưng mà hóa ra mất,mất sạch!...
Rượu đốt nóng người Pao. Chưa lúc nào Pao uống nhiều như lúc này. Lạ cái, uống càng nhiều, người càng tỉnh. Còn ông lão Pâu thì đã bắt đầu lẫn, chuyện nọ xọ chuyện kia, lúc cười lúc khóc, lại tranh nói một mình. Tránh cái bát không ông lão ấn vào miệng mình, Pao định đứng dậy thì ông lão đã bước tới, đè vai anh xuống.
Ông lão Pâu đi lại cái trạn bát. Một lúc sau, ông bê hai cái bát xi điêu thịt lợn đến đặt dưới đất, nhét đũa vào tay Pao, vào tay hố pẩu:
— Không đúng là qua chiu rồi. Ăn đi hố pẩu, cháu Pao! Mày tốt với tôi, mày phải ăn hết! — Ông lão gắp một miếng thịt nạc bỏ vào miệng nhai chậm chạp — Thịt con lợn đực đấy. Tôi chỉ còn mỗi con này. Phải giết nó đi để bán thịt lấy tiền trả phạt. Ăn đi, hố pẩu! Con lợn này thịt ngọt như thịt lợn rừng nhỉ? Ối, ngon... ngon...
Ông lão ngẩng lên, giọng bỗng lệch nghiêng. Cái miệng chỉ còn hai chiếc răng trệu trạo. Và từ hai hốc mắt, nước đang tràn ra. Ông lão vừa ăn vừa khóc.
Pao ghếch đũa cạnh bát, cổ họng nghẹn ắng, hai cánh mũi ê nhức.
— Có tiếng ai gọi thế nhỉ. Thôi, chào ông Pâu nhé.
Hố pẩu đặt bát rượu bỗng ngẩng lên. Pao đứng dậy, theo cha đi ra cửa. Có cái gì bồn chồn trong dạ Pao.
Đêm như con quạ đen xòa cánh. Trăng đã lặn. Trên cái bậc đá lên nhà ông lão Pâu có một ánh lửa pơ-mu ràn rạt cháy. Pao hốt hoảng gọi: “Bà! Bà!”.
Lưng còng gập, đứng ở bậc đá, bà nội Pao đang nhấc thanh đóm cháy lên quá đầu, mắt đưa đi đẩy lại, giọng tắc nghẹn:
— Bố con thằng Pao đâu? Con Pàng... con Pàng nó ăn lá ngón...
Trời! Có một tảng đá nào lăn từ núi cao choang đúng đầu Pao. Pao loạng choạng. Pao chạy. Chân không thật. Như chạy trong chiêm bao.
Không phải chiêm bao. Thật đây rồi! Giữa nhà, bà nội đã đốt đống lửa to. Thằng Pùa ngồi đó, hai mắt thao láo nhìn. Chị Pàng nằm ruỗi tay, ruỗi chân ở trên đất, cạnh mấy chiếc ghế mây đổ lổng chổng.
Pao chạy bổ tới:
— Chị Pàng ơi!
Rồi ôm đầu ngửa mặt lên trời, nấc một tiếng dài:
— Chết rồi, cái liềm nung lửa... Trời ơi, sao tôi không nghĩ tới... Không cứu được nữa rồi!
Chị Pàng co người, đạp mạnh một cái. Rồi, lật nghiêng, tay nắm chặt, chân giãy và mặt cứ nguội dần, nguội dần. Lá ngón độc đang cắt ruột chị.
— Chị Pàng ơi! — Pao mếu máo giật tay chị Pàng.
— Bế tôi... bế tôi... Pao... Tiếng chị Pàng thều thào nghe xa lắc, Pao cúi xuống, như vô tri vô giác, nâng người đàn bà khốn khổ dậy. Người đàn bà khim khíp mắt. Tóc tuột ngoài khăn xõa dài.
— Pao... Tôi chết đây... Cho tôi cắn Pao một cái nhé! Xoay đầu lại, ghé miệng vào bắp tay Pao, vừa chạm răng vào bàn tay Pao, chị đã khép chặt mắt, đầu giật mạnh ra sau.
Pao đứng sững, hai tay ghì chặt xác chị Pàng, hét một tiếng thất thanh:
— Chị dâu ơi!
Người đàn bà khốn một đời đã chết. Chết trong đau đớn. Chị rướn cong người. Cái cổ hằn cháy đỏ một vệt cháy. Đôi môi rất xinh xám đen. Và làn da nhiễm độc chỉ một lát đã thâm sì.
Bà cụ Xóa hai tay ôm mặt, ngồi ở cạnh đống lửa. Hố pẩu đứng trân trân nhìn xác người con dâu. Tóc khăn chị Pàng rũ rượi. Hai hàng nước mắt Pao ròng ròng chảy.
— Ối trời! — Pao hộc một tiếng đứt ruột, đặt chị Pàng xuống cái giát nứa dưới đất.