Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Chương 7
L
úc ấy sư Vô Trần đã biến thành một con người hoàn toàn khác hẳn. Trần đã trút bỏ hết quần áo thầy tu. Nói thế thôi, chứ thực ra anh chỉ phải cởi bỏ cái áo rất đặc trưng của nhà chùa thôi. Đó là cái áo dài nâu, lửng đến đầu gối và cài khuy nách. Còn cái quần nâu thì vẫn dùng được. Cái áo dài nhà chùa được thay bằng chiếc áo cánh. Riêng cái đầu trọc lốc thì hơi khó xử một chút. Một tháng trời nuôi tóc cũng chỉ đủ cho nó mọc thêm không dài quá một phân. Trần đành phải che giấu nó đi bằng chiếc khăn vuông đen của cô Nấm. Hôm rời chùa, Vô Trần thắp hương ở chính điện, rồi về nhà tổ, quỳ lạy trước bàn thờ:
- Kính lạy chư tổ, thầy ơi! Con muôn vàn có lỗi với chư tổ, với thầy. Con là đứa bạc bẽo, làm uổng công dạy dỗ của thầy. Con đã phạm giới... Tội lỗi nặng nề. Chắc nghiệp trần gian con chưa trả hết. Đúng là con mê muội, nhưng không sao cưỡng lại nổi... Một lạy này con xin ghi nhớ ơn thầy đã dạy dỗ con từ lúc ấu thơ... Một lạy này, con xin hứa dù trở lại thế gian, cũng sẽ không bao giờ quên những điều thầy dạy.
Vô Trần đi xuống nhà bếp, lấy bát cơm, rồi gọi con chó vàng, cho ăn. Anh ngồi xuống đất, vuốt ve con vật:
- Mày hãy ăn cho no. Tao vẫn còn để dành trong nồi. Ngày mai, hãy vung ra mà ăn. Ngày kia là rằm, các vãi trong làng ra lễ Phật. Tức khắc họ sẽ biết tao đi. Rồi họ sẽ lo cho mày. Đừng giận tao nhé. Tao chỉ có mày là bạn. Xa mày, tao nhớ lắm chứ... Cũng thương lắm chứ...
Có tiếng cú rúc ở cái giếng ngoài vườn chùa. Rúc đúng năm lần. Đó là tiếng gọi của Nấm. Trần vội vào lấy tay nải, đội sụp chiếc nón lên đầu, rồi mở cánh cửa nách, ra vườn. Nấm thì thào:
- Sao mà lâu thế. Làm người ta chờ mãi. Cứ tưởng còn luyến tiếc chùa, không nỡ rời chân.
Nấm vừa nói vừa khúc khích. Cô giơ bàn tay trắng ngà ấm áp ra nắm lấy tay Trần và kéo đi.
Họ không ra lối cổng chính. Hai người cúi xuống bò qua cái lỗ chó chui. Con vàng cứ bám theo Trần. Anh phải ngồi xuống, áp má vào má nó, để cho con vàng thè cái lưỡi ram ráp nóng hổi ra liếm. Trần vỗ vào đầu con vật, bắt nó nằm ép xuống, lấy tay vuốt lên lưng nó. Con vàng ngoáy tít đuôi và rên gừ gừ trong cổ họng. Trần bảo:
- Thôi về đi! về đi! Chóng rồi hôm nào tao về thăm. - Trần bước đi đầu cứ ngoái lại. Con chó đứng mãi bên bờ tre thỉnh thoảng lại sủa một tiếng. Sủa cho đến lúc hai bóng người lẫn hẳn vào sương đêm.
Họ đã bàn với nhau, dứt khoát phải bỏ hẳn làng ra đi. Họ biết rằng ở làng hay ở quanh vùng thì sẽ không sống nổi. Họ định đi thật xa. Họ sẽ ra Hà Nội, ở đấy người đông, ở đấy có nhiều xóm nghèo, nơi ở của những người hai tay trắng và lam lũ như họ. Thực ra cũng không phải hai bàn tay trắng. Bà dì chết còn để cho Nấm năm đồng bạc. Vả lại, Trần là dân Hà Nội. Bà Cả Hàng Chiếu, mẹ Trần, đã chết. Ông cụ vẫn còn sống, tuy nhiên Trần cũng chẳng có mặt mũi nào mà về vói cha. Nấm hỏi:
- Về Hà Nội ở chỗ nào?
- Về ô Cầu Dền, ngày nhỏ, tôi bắt đầu tu ở đấy.
- Ngộ nhỡ gặp người quen thì sao?
- Tôi xa Hà Nội lâu rồi. Vả lại lúc đó còn bé, bây giờ tôi đã thành người lớn. Làm sao mà nhận ra được.
- Ừ nhỉ!
- Mấy lại Hà Nội đông lắm. Người như kiến. Không giống như nhà quê mình đâu.
- Em hiểu rồi. Có phải Hà Nội như một cái làng, một cái làng rõ to... Cái làng không có vườn... chỉ toàn nhà và chỉ thấy những người... có đúng thế không?
Trần cười và tủm tỉm:
- Gần gần như vậy.
Họ đến ô Cầu Dền, đi trên con đê. Đó là vùng đất tăm tối nhất của Hà Nội. Thời xửa thời xưa, con đê Đại La này là vùng bảo vệ phía ngoài của kinh đô Thăng Long. Từ ô cầu Dền một phía con đê dẫn về cầu Giấy, phía kia con đê dẫn về phía Thanh Trì gặp đê Sông Hồng. Trần dẫn Nấm đi về phía ấy. Cũng tự ngày xửa ngày xưa, dưới chân con đê là một hào nước. Nghe nói thuở trước người ta vẫn bơi thuyền trên con hào đó. Ngày nay, con hào trong vắt ấy đã biến đổi hoàn toàn. Nó đã bị thu hẹp lại và đã cho nước cống thành phố đổ ra đấy. Dân ở đây gọi nó là sông Tô Lịch, bởi vì thật sự nó đã chảy vào sông Tô Lịch trước khi sông này đổ vào dòng sông Nhuệ. Cũng nhiều người hiện thực hơn, nên không tô vẽ cho nó bằng cái tên nên thơ, mà gọi thẳng nó là dòng cống Thối. Đúng là thối thật. Thối hoăng, thối inh trời đất. Nhất là những đêm hè oi bức. Cái nóng cô đặc quánh dòng nước. Xú khí bốc cao ngất trời Không chỉ cái thối đơn thuần của cứt đái thành thị. Ở đây có cả cái khăn khẳn của mùi cóc chết, cái thum thủm ngai ngái lên men của bã rượu, cả mùi nước đái quỷ làm các tiểu thư mới thoáng gặp đã hắt xì hơi, cái chua chua hăng hăng của loại axít không xác định...
Thế mà bên dòng sông đen sông thối ấy có tới bốn cái xóm. Ngày nay người ta gọi là những xóm liều, còn ngày xưa chỉ đơn giản gọi là những xóm nghèo thôi. Người nhà quê nghèo khổ ra đây, mang theo cả những cách gọi rất quê mùa của mình. Bốn cái tên xóm ấy là:
Xóm Cầu Tre, xóm Cây Găng, xóm Ngõ Bò và xóm cầu Gỗ.
Trần đến xóm cầu Gỗ. Ngày xưa, đã có lần anh theo thầy đến đây làm Phật sự. Một bà vãi rất nghèo nhưng là một Phật tử thuần thành qua đời, thầy đã đến nhà tụng kinh cho cụ. Xóm Cầu Gỗ có tới năm, sáu chục nóc nhà. Toàn là nhà tranh vách đất. Lắm nhà chỉ là những cái lều xiêu vẹo. Không có nhà gạch. Chỉ có vài ba nhà làm bằng gỗ xoan theo kiểu nhà ba gian nông thôn; đó là những nhà khá nhất của vài ông cai thợ mộc, thợ nề hoặc thợ nguội, thợ rèn làm ở Nhà Đèn, Nhà Rượu. Còn ra những nhà khác đều là cột tre cột bương tam bợ, đó là nhà mấy ông kéo xe tay, mấy ả thổi cơm nhà máy rượu, mấy cô bán rau, mấy ông đồ tể lò lợn, mấy ông phu khuân vác Phà Đen, mấy chú bé bán báo, trèo me trèo sấu... Có thể nói xóm Cầu Gỗ như một ốc đảo, một cái gò đất nổi lên giữa một vùng nước đen sì thối rinh mà những người giàu có chẳng bao giờ đặt chân tới.
Họ đi qua cái cầu bắc bằng ba cây xoan to trên trải những tấm ván thôi. Có được những tấm ván thôi này là nhờ mấy ông phu đào huyệt ở trong xóm. Họ làm việc ở nghĩa trang Hợp Thiện. Phải là người làm việc lầu năm ở đó mới được ông chủ nghĩa trang bán rẻ cho.
Cô Nấm hỏi bà bán hàng vặt ở ngay đầu xóm:
- Cụ ơi! Vợ chồng cháu ở quê ra, muốn thuê nhà.
- Muốn chỗ tươm tất có buồng riêng, hay là thuê giường ở chung, hay là chỗ chỉ cần cái ổ cái chiếu là xong.
Nấm tươi tắn cười:
- Nhà cháu chỉ thích chỗ nào re rẻ thôi.
Bà cụ ngắm nhìn hai người rất cẩn thận rồi bảo:
- Trông anh chị cũng hiền lành tử tế nên tôi mách cho chỗ này. Bà cụ là bạn tôi. Nhà chỉ có hai vợ chồng già. Ông cụ ốm đã lâu ngày không đi làm được. Người ta già ốm, ở nhà ngưòi ta thỉnh thoảng cũng nên nhón tay nhón chân giúp đỡ. Nếu bằng lòng thì tôi mách cho.
- Cháu bằng lòng. Không biết cụ ấy lấy chừng bao nhiêu tiền cụ nhỉ.
- Không đắt đâu. Một tháng chưa đến đồng bạc. Tôi nghĩ chỗ này tốt đấy. Cái anh chồng chị có tướng phúc hậu tôi mới mách cho.
Từ lúc gặp Trần không nói một lời. Bà cụ lại nhìn vào mặt Nấmn mà bảo:
- Còn chị thì tháo vát lắm. Đáo để nhưng mà biềt điều. Anh thì nhờ chị về đường tài lộc. Chị thì nhờ anh về đường phúc đức.
Bà cụ thật lắm nhời, vừa mách giúp vừa xem tướng, tuy nhiên cụ rất tốt bụng. Chính cụ đã dẫn họ tới nhà ông Tập.
Cụ cho thuê nhà tên là cụ Tập ở tận cuối xóm cầu Gỗ. Căn nhà ba gian, cột tre, vách những, lợp lá gồi vững chãi nhưng có chỗ đã dột. Có hai cái phản kê ở hai góc nhà. Ở giữa là bàn thờ làm kiểu gác lửng lát ván gỗ. Nhà nhìn ra cái ao rau muống. Ngoài ao nhà còn rất nhiều ao khác phần lớn thả rau muống, rau rút, một số ít là ao sen, ruộng niễng, chỉ có vài ao thả cá. Ở cuối xóm nên không khí ở đấy không nồng nặc như phía ngoài gần dòng cống thối.
Họ đến đúng lúc ông cụ Tập định ra ngoài. Ông già trạc sáu mươi tuổi, mặc quần nâu áo cánh nâu, đội cái mũ cát màu cứt ngựa. Đặc biệt ông đi đôi guốc mộc cao. Trần nghĩ cụ già này có vẻ kỹ tính, từ đầu tới chân chỗ nào cũng tinh tươm sạch sẽ. Ở cái xóm lầy lội này mà lúc nào cũng đi guốc. Chẳng giống người quê mình. Còn Nấm thì liếc nhìn ông cụ mấy lần có chiều suy nghĩ. Biết họ đến thuê nhà, ông cụ dừng chân một luc lâu, ngắm nghía hai vợ chồng trẻ kỹ lưỡng, rồi gọi vợ từ ao rau muống về. Bà cụ Tập nhỏ bé lom thom, lưng còng, miệng nhai trầu, nói với Trần:
- Ông cụ nhà tôi ốm đau song kỹ tính lắm. Có mấy người đến hỏi thuê, túng, nhưng cụ ấy không bằng lòng. Cứ dặn bà cụ Thư bán hàng vặt rằng nếu gặp người tử tế thì mới mách cho đến.
Ra vậy. Lúc này Trần mới hiểu tại sao bà cụ hàng vặt lại như xem tướng Trần và Nấm. Bà cụ Tập mời họ ngồi xuống phản, hỏi han đủ điều về quê hương nghề nghiệp. Nấm cũng bẻo lẻo lắm. Cô nói tránh ra, bảo quê mình dưới Phủ Lý, chiêm khê mùa thối, lại ít ruộng, nên vợ chồng kéo nhau ra đây kiếm miếng ăn. Rồi cô hỏi:
- Thưa cụ, cụ ông con kỹ thế không biết đã bằng lòng cho vợ chồng con đến ở chưa?
- Đã bằng lòng thì ông cụ mới gọi tôi ngoài ao về chứ. Song cũng phải nói thật với hai bác rằng ở với ông cụ nhà tôi thì phải tinh tươm sạch sẽ. Tinh tươm cả nết ăn nết ở, tinh tươm cả lời ăn tiếng nói. Tôi ra giá thế này nhé, tiền thuê tôi lấy bảy hào một tháng, ở thử một tháng đầu. Đến tháng thứ hai ông cụ nhà tôi nếu không bằng lòng thì tôi cũng đành chịu.
Bà cụ Tập là người thật thà dễ tính. Cụ giúp đỡ bảo ban Nấm đến nơi đến chốn:
- Cháu hay cười. Cũng là cái nết tươi tắn tốt bụng. Song ông nhà tôi không thích đàn bà con gái hay cười đâu. Cụ bảo: “Vô duyên chưa nói đã cười”. Cụ thích đàn bà phải tươi tắn, nhưng không được lộ ra bằng tiếng cười. Ấy tính ông nghiêm thế song phải chiều cụ thôi.
Cụ bà còn bày cho Nấm cách kiếm sống.
- Chồng con là đàn ông, hơi khó kiếm việc đấy. Phải chờ lâu lâu một chút. Con là đàn bà, ở đây dễ kiếm sống thôi. Sáng sớm giúp tôi hái rau muống. Ngày trước hái rau xong, tôi đi chợ bán rong đến trưa mới về. Bây giờ không đi được nữa. Cứ môt gánh rau tòn ten trên vai. Mùa hè thì bán thêm quả sấu, quả chanh, quả ớt. Mùa đông thì bán thêm dăm quả cà chua. Đi rong các phố. Nhớ là mỏi chân cũng không được ngồi. Ngồi là cu lít họ bắt ngay. Một ngày bỏ rẻ cũng được vài hào bạc.
Nấm mừng lắm. Tối đến, cô đem tất cả những điều bà cụ nói ra khoe với chồng, rồi nói thêm:
- Bà cụ nói cũng là người quê như chúng mình, chẳng may nấu rượu lậu bị Tây đoan bắt. Thế là mất hết cơ nghiệp phải tha phương cầu thực... Mà... lạ thật!...
- Sao lại lạ?
- Em cứ ngờ ngợ... Trông họ quen quá... Chẳng biết có đúng không?...
Nấm rất nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới. Cô chít khăn mỏ quạ, mặc áo dài tứ thân đổi vai, hai vạt trước buộc với nhau thả xuống. Trông cô nền nã duyên dáng. Trông cô khỏe mạnh, sạch sẽ, tươi tắn. Rau của cô lúc nào cũng nõn nà, tươi ngon. Cô lại khỏe chân nhanh nhẹn, cho nên hàng cô bán rất chạy. Chẳng mấy chốc, cô đã có rất nhiều khách quen; đến trước cửa nhà người ta chỉ việc giật chuông giao hàng, lấy tiền. Không phải mà cả từng đồng Bảo Đại.
Hết tháng đầu tiên, vợ chồng cụ Tập bằng lòng cho vợ chồng Nấm thuê lâu dài. Nấm khéo ăn ở. Cô thường mua thuốc lào, chè mạn đưa cho chồng biếu cụ Tập. Cụ già mắc bệnh run tay. Cầm cái đóm, cái đóm rung bần bật. Không hút được thuốc lào. Sáng, trưa, tối nào, Trần cũng phải nạp thuốc lào vào điếu cày rồi châm đóm cho cụ Tập hút. Sự khăng khít giữa hai vợ chồng già và hai vợ chồng trẻ cứ thế càng ngày càng tăng.
Trần cũng chịu khó không kém gì vợ. Mới đầu đi theo ông cai thợ nề trong xóm đi làm phu hồ. Công việc vất vả lại không đều đặn. Chỉ làm được ba tháng đã chơi dài. Trần lại xin đi làm cho hàng cơm. Việc này, Trần chỉ làm được ba ngày. Ngày thứ tư người ta làm thịt chó. Con chó vện bị buộc mõm treo ngược lên cành ổi, hai chân trước bị trói quặt sau lưng. Nó rên ư ử sùi bọt mép, đôi mắt trắng dã thất thần vì sợ hãi. Trong khi ông chủ liếc dao, đột nhiên Trần nôn thốc nôn tháo. Ngay lập tức anh chạy về nhà, bỏ việc, bỏ cả ba ngày công. Vậy nên trong khi chờ đợi, Trần đành theo anh cu Sếu bên hàng xóm đi câu cá. Câu ở những hồ sen, hồ hoang. Câu cá diếc, cá rô, quăng cần cá quả. Gọi là theo đóm ăn tàn, đi cho vui chứ Trần đâu có tài cán gì trong nghề kiếm cá. Hết kiếm cá thì đi bắt chuột. Chuột cống thành phố bẩn lắm, chúng đào hang ngay bên bờ dòng cống thối. Nào tra hom, nào hun khói, nào đổ nước. Có hôm bắt được chục con. Thịt chuột trắng hếu. Sếu bảo ngon lắm, nạc như thịt gà. Sếu mời uống rượu thịt chuột, Trần xin kiếu. Thịt chuột bán trong xóm Ngõ Bò cũng đắt hàng lắm. Chẳng cần rao bán. Người ta đến tận nhà hỏi mua. Đắt hàng vì rất rẻ, chỉ một chinh hai con. Chỉ một chinh cả nhà được ăn thịt, lại có chút mồi để đưa cay. Anh Sếu có tài lần mò ở những nơi chẳng ai ngờ tới.
Có hôm anh Sếu rủ anh Trần chui vào cống lớn thành phố. Cửa cống thành phố đổ ra con sông Tô Lịch, con sông thối. Đó là hai cái cống hình vòm cung, người đi trong cống không đụng đầu. Người ta bảo rằng nó được xây giống như cống của thành phố Paris. Anh cu Sếu mang nơm và vợt. Trần mang nứa đập giập buộc sau lưng. Vào đến trong cống, càng đi càng tối mịt mù, Trần bật lửa châm vào đuốc nứa. Nước cống không sâu chỉ đến bụng chân, Sếu lấy nơm úp, có lúc lấy vợt xúc vào những hõm cống. Không ngờ trong cống lại nhiều cá đến vậy. Mỗi lần úp nơm không được cá rô thì được cá trê. Chẳng mấy chốc đã lưng giỏ cá. Sếu hỏi:
- Còn nhiều đuốc không?
- Bảy đuốc đã dùng bốn, còn ba. - Trần trả lời.
- Thế thì phải quay về.
Hai anh trở về rất vui vẻ. Sếu đã nghĩ tới bữa rượu tối nay. Còn Trần nghĩ tới nồi cá kho. “Phải rồi! Chỉ cần xin Sếu ba con trê cụ là đủ một nồi rồi”. Có một hôm nào đó, Nấm bảo món ăn trên đời cô thích nhất cá trê kho khô với riềng, vừa ngọt, vừa thơm, vừa nạc. Còn đang mơ tưởng, bỗng Sếu kêu váng lên:
- Bỏ mẹ rồi! Sao nước lên nhanh thế này?
- Ừ! Sao thế nhỉ?
- Sao với giăng cái gì. Chạy nhanh không chết cả nút bây giờ.
- Sao lại chạy?
- Mưa rồi. Ở ngoài chắc mưa rất to. Chạy thật mau. Cho đến chỗ có cái bệ. Nước cống sắp đổ về như lũ đấy.
May mắn họ đến chỗ cái bậc ximăng thì nước chảy về ngập đến ngực. Lúc này, đuốc tắt nhưng cây nứa sau lưng cũng ướt, bao diêm cũng thế. Trong bóng tối đen, Trần thấy sợ hãi. Sếu dặn dò:
- Hai đứa phải bám lấy nhau. Cứ ở yên tại chỗ. Mùa này chắc mưa to không lâu.
Sếu đoán cũng sai. Trận mưa ấy kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Phải đêm mới thấy cống rút xuống thấp. Sở dĩ họ đoán là đêm vì không nghe thấy những tiếng động phía trên đầu họ. Phía trên ấy là đường đi và cống lớn thành phố bao giờ cũng nằm ở giữa, phía dưới những đại lộ. Bụng đói meo, lại không có đuốc. Họ mò mẫm đi xuôi dòng cống lớn. Cũng may, không có trận mưa tiếp theo.
Họ ra khỏi cửa cống lúc quá nửa đêm. Ướt như chuột lột. về đến nhà lúc ba giờ sáng. Nấm ngồi ở bậc cửa khóc từ tối đến giờ. Cả xóm Cầu Gỗ đều lắc đầu bảo: “Hai thằng đã chết là cái chắc”. Nấm không tin điều ấy. Vợ chồng cụ Tập bảo thế nào cô cũng không đi ngủ. Nấm thắp cái đèn hoa kỳ ngồi một mình ở bậu cửa rấm rứt khóc. Khi thấy chồng, cô nhảy tới ôm lấy anh khóc òa lên. Đang khóc, cô chợt rú to:
- Trời ơi! Mình nóng như hòn than thế này.
Sau trận gặp mưa mắc kẹt trong cống, Trần sốt luôn ba ngày. Hai vợ chồng Nấm Trần ở nhà cụ Tập cũng đã bốn tháng. Bốn tháng chắc cũng đủ để ông già kỹ tính hiểu đôi vợ chồng trẻ. Khi Trần đã khỏe, một hôm sau khi uống trà sớm, ông già Tập gọi Trần lại bảo đưa tay cho xem. Ông cụ bảo:
- Tới đây, anh đã nghĩ tới tìm việc gì mà làm chưa.
- Thưa cụ, việc làm bây giờ thật khó kiếm. Mà con lại không biết nghề ngỗng gì.
Ông cụ không xem những đường nét trên tay, mà chỉ sờ nắn bàn tay rồi cười:
- Tôi thích bàn tay anh, những ngón tay dài, lúc nào cũng như son lúc nào cũng ấm áp. Mà lại đầy đặn. Tôi sợ nhất bàn tay lạnh lẽo, mà lại nheo nhẽo, dâm dấp mồ hôi... Nhưng, bàn tay thế này thì khó làm việc nặng. Mà này, anh có biết chữ không nhỉ.
- Con biết chữ quốc ngữ.
- Còn chữ nho?
- Con cũng biết đôi chút.
- Thế à? Viết thử tôi xem.
Ông cụ vạch chiếu rút ra một tờ giấy, rồi đứng lên giường lấy một gói nhỏ gài trên mái lá. Mở ra, trong đó có chiếc bút lông và thỏi mực tàu. Trần ra chận lấy cái đĩa mài mực rồi viết trên tờ giấy câu thơ cổ: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”. (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết). Ông già giương kính lên gật gù:
- Chữ rắn rỏi và đẹp. Ta đoán không sai. Có thế chứ. Bây giờ thì ta tin vợ chồng anh... Nhưng mà này khẩu khí câu thơ có hơi hướng nhà chùa hay của một đạo sĩ.
- Dạ thưa, đó là của một thiền sư đời Lý.
- Ra thế đấy.
Bây giờ cụ Tập đã hoàn toàn tin cậy Trần. Anh cũng không ngờ chỉ bằng mấy chữ nho ấy anh đã thuyết phục được ông già. Chắc thời trẻ ông cụ đã có lúc miệt mài với chữ thánh hiền. Ông già đi đôi guốc mộc lộc cộc đến mở chiếc bàn gỗ ở dưới bàn thờ, rồi lôi ra một chiếc hòm gỗ con. Mở chiếc hòm ay nào dao, nào kéo, nào lược, nào tông đơ... Lúc đó Trần biết xưa kia cụ Tập làm nghề thợ cạo. Cụ nói:
- Ta mắc bệnh run tay, không làm nghề này được nữa. Còn anh, ta đã xem tay, đã xem chữ, ta biết anh làm nghề này hợp. Ta có thằng con trai. Cứ định để dành cái hòm nhỏ này cho nó. Nhưng thằng bé đi làm ăn xa. Quanh năm suốt tháng cứ biền biệt. Chắc nó không thích nghề này. Nghề mọn chả làm giàu được, nhưng đủ ăn thì chắc chắn.
Hốt nhiên, Trần trở thành đệ tử của cụ Tập. Lại còn như người tri kỷ của cụ nữa chứ. Cái chữ thánh hiền ghê thật. Ở nông thôn ngày xưa đầy người biết chữ nho nhưng càng về sau này càng ít người biết. Còn ở đô thị, nơi ảnh hưởng của người Pháp rất mạnh, thì lại càng hiếm hoi. Đã hơn chục năm ra Hà Nội ẩn cư tại xóm cầu Gỗ, hầu như cụ Tập quên béng tất cả. Nay gặp Trần, với những con chữ thánh hiền kỳ diệu, đột nhiên bao nhiêu chuyện quá khứ bỗng xuất hiện ồ ạt trong tâm trí ông già. Mấy tháng nay cùng sống với anh chàng nho nhã ấy, ông cụ cứ ngờ ngợ. Người đâu mà dáng đi dáng đứng lúc nào cũng khoan thai đĩnh đạc, mà câu nói lúc nào cũng điềm tĩnh chắc nịch. Chả thấy một cử chỉ vũ phu, thậm chí mạnh cũng không. Chả thấy một lời nói tục tằn, thậm chí quát to cũng không. Bà cụ Thư bán mặt quà đầu xóm có bận còn nói vào tai bà lão Tập: “Cậu ta có tướng thật phúc đức. Hai cái tai to dài như tai Phật”. Nghe vậy ông lão cứ cười, nhưng cụ không bao giờ tin điều gì nếu không tận mắt kiểm chứng. Đến hôm nay thì mọi nghi ngờ của cụ đều tan biến hết. Mà sao cụ lại kỹ tính thế chứ. Điều này cụ chẳng nói cho ai hay. Cũng là tại anh con trai đi làm ăn xa. Anh tên là Trí. Cũng không hiếu sao lúc anh lên Thái Nguyên kiếm ăn, cứ dặn đi dặn lại bố:
- Tốt nhất bố đừng cho ai thuê nhà mình. Còn bất đắc dĩ phải cho thuê thì phải chọn người tử tế hiền lành.
Buổi sáng hôm ấy, cụ Tập như bỗng nhiên phát hiện ra một con người khác rất thân trong con người của Trần. Con người ấy ẩn giấu nay bỗng dưng đột hiện. Ông lão vui lắm, kể cả chuyện quê ông chính ở làng Sọ, cái làng quê xinh đẹp mà từ xa nhìn về đã thấy ngay cái tam quan chùa sừng sững duyên dáng. Nói đến đấy ông cũng sững lại và Trần cũng ngớ ra. Ông già khéo léo dẫn anh ra bên chum nước, dạy anh mài dao, mài kéo. Cũng thật hay! Bỗng dưng Trần học được nghề thợ cạo.
Tối hôm ấy, Trần kể chuyện với vợ. Bây giờ, Nấm đã hiểu tại sao trông thấy hai vợ chồng già này cô cứ thấy ngờ ngợ quen quen. Ông lão bỏ làng ra đi lúc Nấm còn nhỏ. Ông ta chính là ông lý Tập, con người nổi tiếng của làng Sọ.
Câu chuyện nổi tiếng nhất của ông Tập là: “Một hào mua chức lý trưởng”. Gia đình ông Tập vào loại thường thường bậc trung ờ làng Sọ. Bù vào chỗ không giàu có, gia đình nhà này lại thông minh, sắc sảo, có học. Ông đồ Bùi Văn Huân sinh ra hai con là Học và Tập. Học làm lý trưởng, Tập làm phó lý. Hai anh em Học, Tập quản lý làng Sọ rất quy củ, chính trực. Họ chẳng kiêng nể gì cánh giàu có trong làng. Vì vậy nên gia đình họ Nguyễn gồm chánh Long, bá Phượng tức tối lắm, quyết hạ bệ họ Bùi cho bằng được. Bùi văn Tập học chữ nho từ bé. Nguyễn văn Phượng học chữ nho cùng Tập nhưng dốt đặc, liền xoay ra học chữ quốc ngữ. Đọc chữ còn phải đánh vần, nhưng đại loại là cũng biết chữ.
Khi lý trưởng Bùi văn Học bị cảm đột ngột chết, liền xảy ra việc tranh chức lý trưởng giữa bá Phượng và phó lý Tập. Tập có thế mạnh ở chỗ đã quen việc quan. Phượng có thế mạnh ở chỗ giàu có, hơn nữa chánh Long lại quen hết cả các quan trong huyện, tỉnh. Hội đồng kỳ mục chẳng biết phân xử ra sao, liền đưa việc ấy lên quan Tuần phủ trên tỉnh xem xét. Chánh Long chạy chọt, đút lót khắp mặt quan trên. Lẽ dĩ nhiên họ Nguyễn không quên quan Tuần phủ. Cả làng Sọ bàn tán. Họ đoán phen này Bùi văn Tập thua là cái chắc.
Quan Tuần phủ triệu tập Phượng và Tập lên tỉnh vào sáng thứ bảy. Bá Phượng trống giong cờ mở lên tỉnh rất oai vệ. Hắn đi ngựa hồng có nhạc đồng treo cổ kêu rung reng khắp đường làng, theo sau là hai tên gia nhân bưng tráp. Sở dĩ hắn ra oai như vậy vì quan huyện là chỗ quen thân với chánh Long đã mật báo rằng công việc đã xong xuôi. Còn phó lý Tập lên tỉnh thật thảm hại. Ông dậy từ lúc gà gáy sớm, ăn cơm nắm, rồi cuốc bộ hơn chục cây số, trong túi vẻn vẹn chỉ có một hào tiền xu.
Quan Tuần phủ hôm ấy bận quá. Mãi đến mười giờ, hai người mới được vào hầu. Lúc vào sân phủ đường, Tập đã trông thấy chiếc xe hơi màu đen bóng lộn đậu ở giữa sân. Lân la hỏi người lái xe mới biết tan giờ thăng đường là quan ông quan bà về Hà Nội ngay. Chả là ngày chủ nhật này sẽ tổ chức ăn hỏi cô con gái rượu của quan.
Đúng là quan hôm nay có vẻ sốt ruột và cáu kỉnh. Lão Tập và Phượng hai tay chắp trước ngực đứng hai bên. Quan ngồi ở giữa. Quan cúi xuống đọc hai tờ đơn một hồi lâu rồi ra oai vỗ tay xuống bàn:
- Thật hoang đường! Có một chuyện cỏn con thế này mà hai thầy mang nhau lên đây làm ta mất bao thời gian. Hai thầy tố cáo lẫn nhau. Thầy Tập thì tố cáo thầy Phượng cậy có tiền bạc ức hiếp dân lành, không xứng đáng là người “nhất lý chi trưởng”. Thầy Phượng thì tố cáo thầy Tập là dốt nát không biết chữ... Này, tôi hỏi thật thầy Tập có phải đúng là thầy không biết chữ? Tôi nói cho mà biết. Cái thời xưa nó đã xa rồi. Nước Pháp khai hóa văn minh cho dân Nam. Cái việc học hành mở mang dân trí là hệ trọng. Tới đây, các quan huyện phải là người có bằng cử nhân luật. Còn các xã quan ít ra cũng phải có bằng yếu lược, thậm chí phải nói được cả tiếng Tây. Ấy thế mà thầy lại không biết chữ. Tôi đã nghe tiếng thầy. Người ta bảo thầy làm phó lý rất sắc sảo. Tôi cũng biết quý trọng người làm được việc, nhưng nếu thầy Phượng nói đúng thì không được.
- Dạ chúng con nói hoàn toàn sự thật - Bá Phượng hởi lòng hởi dạ vì quan trên đã phủ đầu cho phó lý Tập một trận nên thân. Ông Tập nghe xong lập tức quỳ xuống, đầu sát đất.
- Oan cho con quá. Oan ức quá. Tên Phượng hoàn toàn vu cáo.
- Sao lại vu cáo? Tôi cũng nể tình thầy phó. Được, oan ức thế nào thì cứ nói ra.
Phó Tập ghê gớm lắm. Biết là quan đang nhấp nhổm muốn xong việc, ông ta liền kéo dài câu chuyện. Quan đã cho nói thì ông nói cho thật thỏa thích. Ông tố cáo chuyện bá Phượng ép Khán Hựu phải bán ruộng cho mình ra sao. Ông tố cáo Phượng cho vay nặng lãi khiến cho mấy gia đình cầm cố ruộng phải bán đoạn cho ông. Ông tố cáo việc bá Phượng lấy bà vợ thứ tư bằng cách chôn rượu lậu vào nhà cô ta rồi đi báo Tây đoan v.v...
Phó Tập nói dai nói dài đến nỗi Tuần phủ phải vỗ bàn:
- Được rồi, được rồi. Chuyện ấy bằng chứng chưa đủ ta sẽ tra xét sau. Bây giờ thầy chỉ cần nói thẳng với ta một điều: Thầy có biết chữ không?
Lúc bấy giờ Tập mới nói năng gọn gàng rất có tình có lý:
- Thời giờ của quan trên là vàng là bạc. Hôm nay là ngày thứ bảy. Quan làm việc suốt cả tuần đã mệt nhọc lắm rồi. Ngày mai là ngày chủ nhật, quan còn bận tâm với những công việc gia đình. Con đã nói là con oan ức. Con đã nói là bá Phượng vu cáo. Con có lời thế này. Để chứng tỏ nỗi oan của con, con xin quan mở một cuộc thi. Thi ngay giữa công đường. Con và ông Phượng xin thi viết chữ. Quan sẽ làm chủ khảo. Để chuẩn bị cho cuộc thi được công bằng, xin quan ấn định ngày thi là sáng thứ hai.
Tuần phủ gật gù:
- Thầy Tập nói thế ta nghe cũng phải. Đúng, sáng thứ hai ta sẽ mở cuộc thi ngay tại đây. Thế nào, thầy Phượng có dám thi không?
Lẽ dĩ nhiên thầy Phượng dám thi, và thầy tin chắc rằng mình thắng cuộc. Thầy bá Phượng lại nhong nhong cưỡi con ngựa hồng trở về làng. Tiếng nhạc ngựa rung lên thật vui tai.
Thầy phó Tập không trở về làng. Ở làng họ Bùi xôn xao hẳn lên. Họ nghĩ phen này họ sẽ thua to. Quan Tuần phủ thật cao tay. Sau cuộc thi này ông vừa được ăn, vừa làm hài lòng cả đôi bên, lại vừa đươc nổi danh trong tỉnh mà là người công minh chính trực.
Phó Tập cũng nát óc trong chuyện này. Song việc đầu tiên của ông là ra quán dùng một xu vừa ăn vừa uống rượu. Cơm thường giá chỉ một chinh. Cơm rượu thì giá hai chinh tức một xu. Quán rượu này là quán quen. Ông biết thằng con ông chủ quán học lớp ê-lê-măng-te, tức lớp Ba. Ông bảo nó:
- Tao cho mày hẳn một chinh để mày ăn quà. Còn một chinh nữa mày đi mua cho tao một quyển vở và một cái bút.
Đứa bé đi mua về. Ông lại bảo chủ quán:
- Tôi đưa cho ông hai xu, tức là bốn chinh. Một chinh là tiền ngủ trọ. Một chinh cho bữa ăn sáng mai. Còn một xu cho bữa tối. Tôi sẽ học suốt đêm nay và ngày mai. Tối mai học xong tôi cần cơm rượu.
Thằng bé con chủ quán chi dạy cho phó Tập mấy chữ như sau: “Le lý trưởng Bùi văn Tập ký tên”. Phó Tập đã học chữ nho năm năm, việc cầm bút đối với ông không khó. Ông lại là người viết chữ nho đẹp. Vả lại, ông là người chăm học. Cho nên qua một đêm một ngày, ông viết dòng chữ trên còn đẹp hơn cả thầy tức cậu học trò lớp Ba.
Sáng thứ hai, phó Tập đến công đường sớm hơn tất cả mọi ngưòi. Ông biết viên thư lại là người đi làm sớm nhất. Hai người gặp nhau, ông móc túi đưa cho viên thư ký năm xu.
- Tiền gì đây?
- Tôi không dám mong bác làm điều không phải. Chỉ mong bác đưa cho tôi tờ giấy tốt, cây bút tốt trong cuộc thi sáng nay.
Đúng tám giờ quan đến. Người lính khố xanh đánh hồi trống. Mọi người tề tựu đầy đủ. Quan phán:
- Ta lấy làm hài lòng vì cuộc thi này. Giấy trắng mực đen trước mặt mọi người thật là công bằng. Hai thầy nên cố gắng. Không cần viết nhiều, mỗi người viết một câu là đủ.
Lẽ dĩ nhiên phó Tập viết: “Le lý trưởng Bùi văn Tập ký tên” Còn bá Phượng thì viết dài dòng hơn. “Quan phụ mẫu là bậc đèn trời soi xét. Con xin vô cùng hậu tạ”. Viên thư lại thu bài thi. Khi nhận tờ giấy của bá Phượng, lão láu cá cười mủm mỉm. Tuần phủ liếc mắt xem hơi cau mày lại. “Xin vô cùng hậu tạ”, không hiểu thằng này viết nhầm cảm tạ ra hậu tạ, hay là nó định nhắc khéo mình cái khoản đút lót và ra điều hứa hẹn. Nó là thằng ngu, giữa bao nhiêu con mắt thế này... mà dám bóng gió. Quan Tuần phủ lặng im, rồi trả tờ giấy lại cho viên thư lại rồi hất hàm:
- Thấy thế nào?
Thầy thơ lại biết ý quan. Ông ta muốn tỏ ra vô tư. Ông ta đã ăn tiền của Phượng và muốn mượn mồm mình, nhưng quan cau mày lại khi đọc tờ giấy của bá Phượng, xem chừng quan không hài lòng với cái ý nhắc khéo xấc xược của hắn. Vậy nên ông ta nói rất khéo.
- Dạ thưa quan, cả hai thầy đều biết chữ quốc ngữ cả. Một chín một mười ạ. Chỉ có điều thầy Tập thì chữ đều tăm tắp, còn thầy Phượng thì chữ to chữ nhỏ.
- Chữ to chữ nhỏ à? - Quan Tuần phủ muốn thư lại đưa ra một phán quyết. Còn thư lại thì nói nước đôi, đẩy sự định trở lại vào tay quan. Vì vậy Tuần phủ vẫn ra chiều suy nghĩ. Chính đến lúc này phó Tập mới ra tay. Một sư ra tay không ai ngờ tới:
- Dạ bẩm quan lớn. Thời buối này, chữ quốc ngữ mới ra đời. Trăm người dân mới có một người biết. Nhất là ở thôn xóm, người dân quê mùa chúng con, viết giấy tậu trâu, bán ruộng người ta vẫn dùng chữ nho. Họa chăng một hai chục năm nữa mới khác đi được. Vậy người cầm đầu làng xã vẫn cần đến thứ chữ ấy.
- Thầy nói chí phải. - Quan vê râu cằm đắc ý. Cái thằng cha phó lý này thế mà lanh lợi. Nó gỡ bí cho ta đây. Quan liền phán - Thầy Tập nói đúng. Hiện nay cả hai thứ chữ đều cần. Vậy tiện thể giấy còn thừa, các thầy viết cho ta một số chữ nho vào đây.
Thế là, đang từ bị động bỗng chuyển sang chủ động, đang từ thế yếu bỗng chuyển sang thế mạnh. Chỉ biết rằng, khi quan Tuần phủ cầm tờ giấy với những nét chữ như rồng bay phượng múa của Tập, quan gật gù sái cổ. Đáng lẽ ra quan phải trị tội Phượng về cái tội vu khống, nhưng quan không nỡ. Ông chỉ nói bằng những câu rất nhẹ nhàng:
- Thôi bây giờ chuyện đã rõ ràng. Ta chắc chỉ là chuyện xích mích hiểu lầm chi đây. Các thầy đều là các bậc tai mắt trong làng xã. cần phải hòa thuận cho dân họ trông vào. Còn riêng thầy Phượng, chớ có buồn, không có keo này thì sẽ còn keo khác.
Nghe thế bá Phượng hiểu ý. Quan thầy nói bóng đấy. Lần này quan không thể xử khác được, thực ra quan không ưa loại người như Tập. Quan nhắc khéo Phượng là phải chờ cơ hội. Và cơ hội ấy đã đến khi Tập nấu rượu lậu. Bá Phượng và quan huyện đã phục binh về bắt quả tang. Để chạy chọt khỏi bị tù tội, lý Tập đã bán cả sản nghiệp ông cha và đem vợ con ra thành phố, trở thành ông thợ cạo ở cái xóm nghèo hèn.
Thực ra, lý Tập làm nghề tướng số hay viết sớ ở các đền chùa cũng được, nhưng ông không nỡ mang chữ thánh hiền ra bán nên ông đã chọn nghề thợ cạo. Ông vốn khéo tay chi cần lân la với các phó cạo ít lâu đã học được nghề. Ông bảo với vợ con: “Người có chữ, nhìn cái gì cứ cách vật trí tri là sẽ làm được tất”. Vả lại các nghề tướng số, viết sớ chỉ có mùa vụ, còn nghề thợ cạo có việc quanh năm. Ông đã thề rằng, nếu không mở mày mở mặt, ông quyết không bao giờ trở về làng cũ. Ông có độc nhất người con tên là Trí; ông đã thất bại nên đã dồn hết hy vọng vào con. Ông hiểu ý nghĩa của cái chữ nên dù khó khăn, ông cũng cho Trí đi học. Ở cái xóm bùn lầy nước đọng của thành phố, nhưng không lúc nào ông tắt giấc mơ cho con trở thành người có chữ. Trí học hết tiểu học, được vào trường Bưởi, ông lý Tập vui mừng khôn xiết. Nhưng khi Trí học đến năm thứ ba thành chung thì giấc mơ của lý Tập tan tành. Bùi văn Trí tham gia phong trào yêu nước nên bị đuổi học. Sau đó anh ta phiêu bạt nhiều nơi, bảo rằng để tìm kế sinh nhai, nhưng ông Tập suy sụp, lâm bệnh. Mới ngoài năm mươi ông đã già ngoẽo, và sau khi khỏi bệnh, tay ông run không làm nghề thợ cạo được nữa. Ông buồn hẳn đi, chỉ ở nhà chăn lợn gà hoặc thỉnh thoảng đến nhà mấy ông già trong xóm đánh cờ. Ông còn mắc cái bệnh thích sạch sẽ, tinh tươm. Cứ ra khỏi nhà là đội cái mũ cát màu cứt ngựa và lúc nào cũng lập cập đi đôi guốc mộc.
Có lẽ cái cuộc thi chữ ở công đường quan Tuần phủ khi xưa đã tạo cho ông một ấn tượng rất mạnh, cho nên khi Trần, Nấm đến thuê nhà, ông đã theo dõi anh chồng kỹ lưỡng và kết thúc bằng việc khảo sát bắt Trần phải viết chữ cho xem. Chữ thế nào người thế ấy mà. Khi đã thấy bàn tay Trần đầy đặn ấm áp và đỏ như son, khi đã tận mắt trông thấy Trần viết câu thơ cổ “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”, nét chữ như rồng bay phượng múa, lập tức ông cụ Tập tin ngay tư cách của Trần, thu nhận anh làm đồ đệ để truyền nghề thợ cạo.
Ông cụ Tập dắt Trần đến mấy ông bạn nghề người làng Kim Liên. Các ông thợ cạo già rất bí mật không truyền nghề, nhưng được cái Trần rất tinh ý quan sát. Khi Trần kể chuyện cho ông Tập nghe về thái độ giấu nghề của mấy ông già, cụ Tập cười:
- Nghề thợ cạo chỉ là nghề vặt. Đã học chữ thánh hiền rồi, ai giấu ta điều gì cũng không nổi đâu. Hiểu câu “cách vật trí tri” rồi chứ. Học câu “Tri hành hợp nhất” chưa? Phải rồi! Anh đi xem làm mười hôm, bây giờ đã tri chưa? Tri xong bắt đầu hành.
Cụ Tập gọi trẻ con trong xóm lại. Mỗi hôm bắt Trần cắt năm cái tóc không lấy tiền. Rồi lại dạy mài dao cạo, dạy đánh tay kéo sao cho ròn tan, dạy đưa tông đơ sao cho dứt khoát. Rồi đưa đến hiệu quen chuyên quay mài tông đơ. Thêm một nửa tháng cắt thật trên đầu trẻ con, Trần lúc này đã có thể thợ cạo thực thụ. Đến lúc ấy, cụ Tập mới truyền bí quyết. Cụ lấy ra một cái hộp nhỏ giống như hộp bút, mở ra giảng giải.
- Nghề thợ cạo nước ta có một trò rất quyến rũ, đó là thuật lấy ráy tai. Ráy tai hàng tháng vẫn sinh ra sâu trong tai. Cắt tóc xong, được lấy ráy tai là một điều thích thú không thể tả được. Có người bảo lấy ráy tai sướng như tứ khoái.
- Đến thế kia ư, hả thầy?
- Chứ sao? Người thợ cạo giỏi lấy ráy tai sẽ có khách quen thường xuyên. Người ta nghiện cái trò này đến nỗi mỗi tháng đến kỳ, không lấy là bứt rứt không yên. Ta lấy ráy tai cũng thuộc loại khá, tiếc rằng tay ta run mất rồi. Này, có người chỉ riêng lấy ráy tai đã trả tiền gấp đôi, gấp ba cắt tóc.
Rồi ông già mơ màng mô tả:
- Người lấy ráy tai phải là người tinh vi. Không được hùng hục, không được sỗ sàng. Này lão xin lỗi nhé... Nó giống như ta giao hoan với người đàn bà ấy...
- Lại thế kia ư, hả thầy? - Sự ngạc nhiên của Trần lên đến tột độ. Anh hớp từng lời của ông thầy.
- Đây là cái móc để nạo. Dùng cái này ít thôi. Người giỏi có khi không dùng. Hoặc là chỉ dùng khi gần xong. Nghĩa là khi cái tinh vi, cái mơn man đã xong. Phút cuối cùng để làm cho khách thật đã. Chủ yếu dùng cái nậy. Đây này, nó thẳng đơ, mỏng tang, mỏng hơn lá lúa. Dùng để nậy những thứ ráy mỏng như giấy. Ráy này hình như mọc ra từ da trong tai. Lấy cái nậy đồng nậy khẽ cho nó bong ra. Đừng nậy một chỗ mà đau người ta, nậy ở hai, ba chỗ khác nhau. Nghe đánh roạt khe khẽ tức là nó bong ra rồi. Lúc đó, lấy cái panh cặp nhẹ nhàng, từ từ châm chạp bóc ra. Vừa bóc ra vừa nghe ngóng. Thấy khách nhăn mặt quá, tức là khách đau thì ngưng lại. Lúc đó lai nậy. Càng chậm càng lâu, khách càng thích. Đau quá thì khách sợ, hết thích. Khi gặp miếng ráy như tờ giấy mỏng trắng đặt lên bàn tay ông khách ngửa ra, khách trông miếng ráy mắt sẽ sáng lên. Lúc đó dùng cái tăm cuốn bông hay cái tăm bông làm bằng lông tơ con ngan trắng, xoáy tít tho lò trong tai khách thì khách tít mắt lại, chẳng khác nào lên tiên. Hà hà...
Ông già gật gù:
- Muốn làm được như vậy ư. Phải có đôi mắt rất sáng. Phải có bàn tay vàng. Những ngón tay tinh vi như biết nghe, biết tiến, biết thoái, biết cái sung sướng của người ta đến đâu, biết dừng lại để cái đau thành cái khoan khoái. Cái tay của người thợ cũng biết mê đắm cùng cái mê ly trên mặt khách hàng.
Thế là anh Trần thành người thợ cạo. Dần dần nổi tiếng. Nổi tiếng trong giới người nghiện lấy ráy tai. Người nọ mách người kia, cuối cùng anh có cả một số khách quen định kỳ. Thậm chí, có những quý khách hàng tháng phải phục vụ tại nhà. Lại giống ông thầy, anh Trần cũng đi đôi guốc mộc, cũng mậc bộ quần áo nâu sạch sẽ, cũng đội cái mũ cát nâu cứt ngựa, cũng tay xách cái hòm nghề nho nhỏ, vai khoác chiếc ghế khung gỗ mặt ngồi là những dải da nhẹ tênh, đi khắp các thôn xóm phía nam Hà Nội. Hôm nào mệt mỏi anh lại ra ngồi bên cái hàng rào sắt của nhà giải phẫu nhìn ra vườn hoa Pasteur hống khách. Vợ chồng anh Trần là người có tình có nghĩa, rất biết ơn vợ chồng cụ Tập đã cưu mang gây dựng cho mình, cho nên cuối cùng họ như đã trở thành con cháu trong nhà. Hai ông bà già đau ốm luôn; anh Trí người con trai độc nhất thì đi biền biệt; hai vợ chồng Trần đến ở đã được một năm vẫn chưa bao giờ gặp mặt Trí. Vợ chồng Trần phải quán xuyến mọi việc, lo nuôi nấng, lại chăm sóc thuốc men cho họ.
Cho tới một đêm. Thường dễ đã tới hai giờ sáng. Nấm chợt nghe thấy tiếng đập cửa bếp và tiếng gọi thì thào.
- Thầy, thầy ơi! U, u ơi!
Nấm định ngồi dậy, thì bà cụ đã ra mở cửa sau. Rồi ngọn đèn nhỏ như hạt đậu lóe lên. Cả nhà thức dậy. Một người đàn ông trạc gần ba mươi, râu ria lởm chởm, ăn mặc như phu phen, cứ chằm chằm nhìn vợ chồng Trần. Ông cụ Tập giới thiệu vắn tắt:
- Mày cứ biền biệt, bố mẹ ốm đau cũng chẳng thấy mặt. Đây là vợ chồng anh Trần, cũng người làng Sọ ta. Anh chị ấy ở đây đã một năm. Người tử tế. Không có anh chị ấy, thì có khi mày về chả còn nhìn thấy mặt tao đâu.
Thế là đôi mắt sáng quắc ngờ vực của con người râu ria lởm chởm ấy chợt dịu ngay. Cho đến cái đêm ấy, Trần mới biết người con trai của ông cụ không phải đi làm ăn xa mà là người đi làm hội kín. Hóa ra nhà cụ Tập là gia đình được ghi trong sổ đen của Sở Mật thám Tây. Phải nói cụ Tập rất kén chọn người thuê nhà; đã có mấy đám đến ở nhà cụ, nhưng chỉ độ một tháng sau là lập tức họ dọn đi ngay. Chỉ riêng vợ chồng anh Trần là người ở được tới một năm.
Anh Trí ở nhà chỉ có một ngày. Không ló mặt ra ngoài. Cả xóm chẳng ai biết, suốt ngày ở trong cái buồng xép dưới bếp. Cái buồng tối tăm chứa đồ vặt quang gánh, thúng mủng, cây giang bó lạ... cửa che là chiếc thuyền thúng hái rau đã nát. Buổi chiều hôm sau Trí nói chuyện với Trần.
- Vợ chồng anh ở với các cụ đã một năm, chăm sóc các cụ, tôi thật đội ơn nhiều lắm.
-Chẳng có gì đâu. Bây giờ tôi mới rõ là anh bận việc nước. Anh cứ yên tâm. Các cụ cũng thương chúng tôi như con đẻ.
Trí nắm tay Trần:
- Cũng có cái may. Bọn Tây chẳng để ý gì đến vợ chồng anh. Tôi nghe cụ nói anh là người biết chữ nghĩa.
- Vâng, tôi biết chút ít chữ nho.
- Còn chữ quốc ngữ.
- Vâng, tôi cũng biết.
Nghe thế, mắt Trí như sáng lên, vui vẻ. Tối hôm ấy Trí lại ra đi. Bẵng đi đến vài tháng Trí mới lại xuất hiện. Lần này, anh gặp Trần ở vườn hoa Pasteur. Anh sắm vai người đi cắt tóc. Anh hỏi Trần rất nhiều chuyện. Cứ gặp như thế vài lần, sau khi đã thật thân quen, chắc là đã dò xét kỹ lưỡng, Trí mới rủ Trần tham gia hoạt động. Trí bảo:
- Anh làm người cắt tóc, đi chỗ này chỗ nọ là chuyện thường tình. Chẳng ai nghi ngờ. Dùng cái lợi thế đi mà giúp dân giúp nước là việc rất tốt.
Trần đã trở thành người cách mạng một cách thật ngẫu nhiên như thế. Anh đã làm liên lạc cho tổ chức cách mạng một cách rất tự nhiên giản dị. Trí huấn luyện cho anh qua công việc, qua đọc tài liệu. Dần dần, anh trở thành người hoạt động rất đầy táo bạo gan dạ. Tuy nhiên, Trần vẫn không xao nhãng việc mình là người thợ cắt tóc. Nghề lấy ráy tai của anh lại càng tuyệt vời hơn. Qua sự góp ý, giúp đỡ của khách hàng, bây giờ anh có hẳn một bộ đồ nghề ráy tai thật tình xảo, sáng loáng sạch sẽ rất hợp vệ sinh. Đến lúc ấy, Trần có cả những khách sang trọng. Trước khi hành nghề, họ bắt anh làm sạch tay bằng cồn. Có người còn bắt anh phải khử trùng đốt cồn lên hơ kỹ đồ nghề rồi mới cho làm việc.
Nghề lấy ráy tai cũng lắm chuyện kỳ cục không thể tưởng tượng. Có một bà me Tây, vợ một viên đại úy người Pháp cũng rất nghiện lấy ráy tai. Một hôm, anh Trần đến nhà ông Bếp nấu ăn cho viên quan ba. Nhà ông Bếp là ngôi nhà nhỏ nằm sau tòa biệt thự ở cái ngõ rộng, sạch sẽ thuộc khu phố tây. Căn nhà tĩnh mịch có vườn cây bao quanh. Hôm ấy Trần cắt tóc xong cho ông Bếp, nhân rộng rãi thời giờ, bèn lấy ráy tai cho ông ta. Ông Bếp lừ đừ nhắm đôi con mắt, mồm méo đi vì khoan khoái. Còn anh Trần tay trái, kéo dài cái tai người khách hàng cho cái lỗ tai thẳng ra để ngó nhìn vào chỗ sâu thẳm trong đầu ông Bếp. “Đây rồi!”, Trần khẽ reo như bắt được mỏ vàng, anh nín thở, tay phải lấy cái nậy bằng đồng mỏng tang khẽ khàng mơn man, cào cào như vờn để cho ông khách nghe thấy tiếng lạo xạo trong đầu để cho ông ta có một cảm giác buồn buồn thú vị đến mức ông ta cũng nín thở theo, rồi rùng mình khi cảm thấy một luồng khoái cảm chạy xuống tận gan bàn chân... Rồi Trần gợi gợi, nậy nậy, bóc bóc, để cuối cùng gắp ra cái cục trăng trắng hanh vàng, cái thứ dư thừa vô tích sự trong tai. Ông Bếp kêu lên. “Ôi chao! Mày sinh ra để làm ta khoan khoái thế này ư?”. Cũng lúc ấy, có tiếng cười thanh thanh giòn tan. Cả Trần và anh bếp đều ngẩng nhìn. Một bà to béo mặc quần lụa đen, cái áo cánh trắng, tóc vấn trần đang vỗ tay miệng kêu:
- Giỏi! Giỏi! Cậu thợ cạo này quá giỏi! Xin mời lên nhà. Thật là cầu được ước thấy. Bao nhiêu năm nay tôi cứ đi tìm một người tuyệt vời như cậu. Tìm thì chẳng ra. Không tìm thì lại thấy. Thú thật với cậu, tôi cũng mê lấy ráy tai. Ngày kia tôi lên hầu thánh trên Đồng Mỏ. Phải dọn mình cho sạch sẽ đấy. Quần áo tóc tai đều phải tinh tươm. Cái tóc thì dễ. Còn cái tai cho sạch sẽ mới là khó.
Thế là cậu Trần phải phục vụ bà Capiten (Capitaine). Bà giao hẹn:
- Cậu không được làm nhanh. Chầm chậm thôi. Làm cho ông Bếp như vậy là nhanh. Phải từ nửa tiếng trở lên. Không được làm đau. Không được làm sót. Ngóc ngách nào trong tai cũng phải như li như lau. Không lo gì hết. Làm tốt tôi trả đồng bạc... Cậu đã hiểu chưa... Nào, tôi ngồi trên ghế sa lông... Tôi dựa đầu vào cái tựa... Còn cậu đứng gần lại đây. Chỗ này đủ sáng chưa... Xin lỗi nhé, tôi phải ôm lấy cậu... Tôi có máu buồn mà... Còn cậu thì cứ tự nhiên... Ghé mắt lại gần mà nhìn cho rõ.
Trần hành nghề. Bà ta rên lên hừ hừ... Bà ta rú lên, rồi run bần bật. “Sao lại ngừng, nữa đi nữa đi”. Bà ta hổn hển như người đàn bà trong cơn hứng dại.
Nói chung, bà Capiten, trong lúc chồng đi biên giới Lào Cai đã làm cho anh thợ cạo Trần sợ hết hồn. Lần thứ hai, bà ta làm cho Trần sợ hơn. Khi lấy ráy tai xong, bà ta ôm chặt lấy cậu, hôn chùn chụt vào má cậu và bảo:
- Cậu lấy ráy tai khéo lắm. Cậu cũng xinh lắm. Đi lên buồng chị đi. Đừng sợ. Lão Capiten lúc này đang ở tận Hà Giang. Chóng ngoan, chị yêu, chị thưởng...
Thừa lúc bà lên cầu thang, Trần vội vồ lấy chiếc hòm và chạy như ma đuổi, không lấy cả đồng bạc mà bà ta trả công.
Nếu bình thường chắc Trần không bao giờ quay trở lại ngôi nhà ấy nữa. Nhưng, trớ trêu thay, ông Bếp lại là cơ sở cách mạng. Nghĩa là Trần vẫn phải liên lạc với nhà ấy. Vậy nên mỗi khi đến nhà ông Capiten, Trần cứ phải len lén nhìn lên nhà trên, không thấy bóng bà Capiten, Trần mới vội vàng chui tụt vào nhà ông Bếp. Một hôm, Trần có nhiệm vụ phải đến nhà ông Bếp. Vừa đẩy cánh cổng khép hờ vào đến sân, Trần bỗng giật mình. Trên cái dây phơi ở hàng hiên nhà ông Bếp, thấy chiếc yếm đào của bà vợ ông treo lủng lẳng. Đó là mật hiệu cảnh báo cơ sở đã bị lộ. Chẳng lẽ lại quay ra ư? Chắc chắn ở đâu đây, đang có những cặp mắt chăm chú theo dõi. Tim Trần đập thình thịch. May thay, nhìn vào phòng khách nhà trên. Trần thấy cái bóng to béo của bà Capiten. Anh liền thản nhiên đi tới phòng khách, gõ cửa. Bà Capiten nhìn thấy Trần, liền cười tươi, mở cửa, đon đả:
- Này, lần trước chị giận đấy. Vội vã đến thế nào mà quên cả lấy tiền, quên cả chị... Nhưng chị biết thế nào cậu cũng quay lại mà. Nào vào đây... vào đây đi... Mà có lẽ chị em mình lên gác... Trên ấy cửa sổ rộng nên sáng hơn mà cũng tĩnh hơn... Capiten chợt hạ giọng xuống cầm tay Trần và nói nhỏ - Này sao run thế - Đừng có sợ... Lão Capiten bận này lên Lạng Sơn nửa tháng.
Trần chẳng biết làm sao. Anh chỉ định lấy ráy tai cho bà một lát rồi chuồn ngay. Nào ngờ, hôm ấy anh bị tấm thân đồ sộ của bẹp gí. Ôi! Thật là số phận trớ trêu của anh chàng thợ ráy tay. Tuy nhiên anh nhờ thế đã thoát hiểm.
Sau bận ấy, tổ chức sợ anh bị lộ đã điều Trần về hoạt động ở khu vực quanh làng Sọ.
Chuyện ông sư Vô Trần phá giới trở thành nhà cách mạng thật thú vị. Cũng có thể người dân làng Sọ đã thêm dấm thêm ớt vào cho câu chuyện đã biến thành một huyền thoại. Chính ông là người lãnh đạo cách mạng ở huyện sở tại. Ông đã phá kho thóc chia cho dân nghèo. Ông đã vũ trang tuyên truyền, hùng hồn diễn thuyết giữa chợ Sọ. Ông đã đường hoàng đến từng nhà bọn chánh tổng lý trưởng, uy hiếp, bắt chúng nộp triện đồng giao trả chính quyền cho nhân dân.
Cách mạng thành công. Thiền sư Vô Chấp lúc đó đã hơn chín mươi tuổi. Nghe tin vị thiền sư già đang ốm, Vô Trần vội vã về thăm chùa cũ. Vị sư già ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây. Mắt trưởng lão đã mờ, nhìn người chỉ còn thấy như những chiếc bóng cử động, nhưng chỉ nghe thấy bước chân, cụ cũng nhận được ra học trò yêu:
- Con đã về đấy à?
Vô Trân sụp xuống đất.
- Học trò tội lỗi đã làm uổng bao công thầy dạy dỗ.
Đầu óc vị sư già vẫn còn minh mẫn tuy mắt mờ và hầu như không đi được nữa. Ông giơ bàn tay chỉ còn xương và da đặt lên đầu người học trò yêu.
- Ta mong con về quá. Ta biết là con sẽ trở về trước khi ta ra đi. Con chưa đủ duyên lành để hoàn toàn rũ bỏ trần ai. Cũng chẳng sao đâu. Xưa kia, đức Tuệ Trung thượng sĩ thầy dạy của đức vua Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ Trúc Lâm, cũng chỉ là môt cư sĩ... Chỉ có điều, dù là tăng hay tục, con cũng không bao giờ được quên lời đức Thế Tôn đã dạy.
Vô Trần nức nở, chẳng nói được lời nào. Thiền sư Vô Chấp bảo:
- Ta cần nhờ con giúp ta một việc cuối. Hãy đi tìm sư huynh Vô Úy của con về cho ta. Nhớ là mau lên kẻo không kịp. Giờ của ta sắp đến rồi.
Lúc bấy giờ ở vùng làng Sọ chiến sự chưa lan đến, nhưng đó là thời gian đầu cuộc kháng chiến, giặc Pháp đang tích cực mở rộng vùng chiếm đóng. Vô Trần phải xin nghỉ việc hai tháng trời, lặn lội đi tìm người sư huynh về cho thầy. Trưởng lão Vô Chấp nói rằng đang là thời loạn lạc, chỉ có sư Vô úy mới đủ đức độ để trụ trì, gánh vác Phật sự và làm sáng tỏ ngọn tổ đăng.