Số lần đọc/download: 3698 / 54
Cập nhật: 2015-08-15 22:57:29 +0700
Sóng Gió Không Từ Biển -
T
ư Xồm thực sự khó chịu với con lợn. Khó chịu từ rất lâu rồi. Đối với Tư, chẳng có nàng An ta ra mê na nào cả. Nó chỉ là một con lợn bắng nhắng. Một con đười ươi đã hoá thành tinh, luôn quấy nhiễu, gây mất trật tự, làm lộn xộn cả đảo chìm. Muốn trở lại yên ổn, chỉ còn một cách là giết quách nó đi. Tư Xồm đã nhiều lần đề nghị chính trị viên Thuận cho anh em một bữa cải thiện. Hai ùm lại càu nhàu: "Đúng là thằng bần tiện! Việc gì mà phải thịt lợn! Không có con lợn thì còn biết lấy gì ra làm văn vẻ. Thằng cha xung khắc với lợn, vì nó cầm tinh con hùm! Hùm nào thấy lợn mà chẳng muốn vồ. Cu cậu thèm thịt lợn cũng phải! "Nói thế thì thật oan cho Tư. Tư đâu có phàm tục như vậy. ở đây khem khổ quen rồi. Tư cũng đã quen với sự thiếu thốn. Cậu ta sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho bất cứ ai. Đồ đạc, vật dụng tư trang của Tư, ai cần, cứ việc lấy dùng. Tư không hề tắt mắt, tư túi. Chính vì thế, cánh lính đảo mới tin Tư, mới bầu Tư làm quản lý, canh giữ cả một kho nước ngọt của đảo. Sáng nào Tư cũng phát nước ngọt cho lính. Mỗi người hai gáo sắt. Mỗi gáo là một lít. Tư đong nước ngọt thiện nghệ đến mức không hề rớt ra ngoài một giọt nhỏ. Thoạt đầu, phi nước ngọt để ngay trên mặt boong, chỉ đậy cái nắp sắt bình thường. Nhưng rồi có đận, chỉ sau một đêm, thùng nước ngọt tự dưng cạn đến trơ cả đáy. Kiểm tra, thấy thùng không rò rỉ. Vậy thì nước ngọt biến đâu? Tư ngờ lắm. Cậu bí mật kiểm tra thì thấy trong ba-lô thằng lính nào cũng có một cái ống nhựa. Nước ngọt bay qua đấy chứ còn đâu nữa. Đêm, đợi Tư ngủ say, cánh lính bò lên boong hút trộm. Như thế có khác gì rồng cuốn. Tư chốt béng nắp sắt bằng cả một cái khoá Việt-Tiệp to đùng. Thỉnh thoảng, cậu lại đáo qua, lấy tay vỗ vào phi nước, nghe tiếng vỗ, biết nước còn hay đã "bay hơi". Tư ghét con lợn là ghét cái thói đỏng đảnh rởm đời của nó. ở đây, lính còn phải tắm nước biển, uống nước biển, độn thêm nước biển để nấu cơm. Có chút muối, cơm cứ chuồi chuội còn nguyên cả lõi gạo. Bát cơm rời rông rổng. Chẳng hạt nào dính với hạt nào, ăn sậm sật, chát xít. Lính tráng còn phải sống như thế vậy mà con lợn cứ "đụng" chút nước mặn là đi ỉa tồ tồ. Rõ thật con nhà lính, tính nhà quan. Lại phải thửa một suất riêng cho lợn, quá bằng chăm người ốm . Đã vậy, mỗi ngày còn phải chi thêm cho nó bốn lít nước ngọt nguyên chất nữa để làm suất uống. Bốn lít nước bằng tiêu chuẩn của hai thằng lính biển chứ có ít đâu. Một ngày bốn lít. Mười ngày bốn mươi lít. Một tháng một trăm hai mươi lít. Một năm là tấn rưỡi nước ngọt. ối giời đất ơi! Như thế nó đâu phải là lợn. Nó là con giặc cái, là cái máy ngốn nước ngọt rồi!Phải tiêu diệt con lợn thôi. Không còn cách nào khác. Tư Xồm lại nài nỉ chính trị viên Thuận. Thuận cười điềm đạm:
- Mình hiểu thiện chí của cậu, là muốn tiết kiệm nước ngọt dành hết cho anh em. Nhưng nếu chỉ vì chuyện nước ngọt mà giết mất con lợn thì uổng quá. Hay là ta giải quyết thế này: Phần nước ngọt phải chi cho lợn, cậu cứ trừ luôn vào tiêu chuẩn của mình. Thế được không?
Tư Xồm ngồi nghệt ra. Lại đến cả thế nữa ! Đã loại trừ con lợn là để dành nước ngọt cho lính, bây giờ suất nước ngọt hư hao ấy lại dồn hết vào một người, mà người đó lại là bố Thuận, người đứng đầu cả hòn đảo? Ai dám làm thế cơ chứ. Rốt cuộc, chẳng có gì xảy ra. Con lợn vẫn lăng xăng, nhắng nhít. Mỗi ngày, bốn lít nước ngọt vẫn phải chi cho nó. Tư bực lắm mà chẳng có cách nào trừ khử được con ôn vật.
Thế rồi, thật bất ngờ, một vận may đã đến với Tư. Vâng! Phải nói đúng là một vận may, vì trước đó Tư đâu có nghĩ tới. ấy là khi con lợn đến kỳ động đực, xứ đảo chìm mới thật sự lộn xộn. Nếu lợn đực thì thật đơn giản. Chỉ nháy mắt là Huy thiến xong. Nhưng lợn cái thì chịu. Đêm xuống ngột ngạt. Buồng thủy thủ nóng hầm hập như cái lò nướng bánh mì. Cánh lính trẻ đành kéo nhau lên boong, nằm ngả ngớn hóng gió. Con lợn nhiều lúc như đã hoá điên, hoá dại. Rồi nó cuống cuồng nhảy bổ cả xuống biển. Thế là cả hòn đảo nháo nhác. Tàu rúc còi báo động. Bao nhiêu đèn pha trên tàu đều được huy động, rọi loà loà xuống mặt biển. Những gã bơi giỏi nhất của đảo đã được sung vào đội cứu nạn. Mãi đến nửa tiếng sau, Hai ùm mới lóp ngóp ôm con lợn leo lên mặt boong. Cả người và lợn đều run bần bật. Tảng sáng, Tư Xồm đã đập cửa buồng chính trị viên.
- Vào đây, có chuyện gì thế cậu?
Chính trị viên Thuận ôn tồn hỏi. Anh biết Tư đến vì việc gì rồi. Anh cười:
- Lại chuyện con lợn phải không? May mà còn tìm được. Đêm qua biển cũng lặng...
- Nhưng không thể nuôi được nó đâu, thủ trưởng ạ! Trước sau rồi cũng mất thôi.
- Mình nghĩ là qua kỳ động đực, con lợn sẽ trở lại trạng thái bình thường. Chẳng có gì phức tạp đâu.
- Tôi nói thực điều này, thủ trưởng đừng giận nhé. Tôi có cảm giác thủ trưởng không hề thương lính. Thậm chí thủ trưởng coi tính mạng lính chẳng còn ra cái gì, có khi không bằng cả một con lợn!
- Cậu nói gì lạ thế? Hả? Cậu vừa nói gì? - Thuận nóng bừng mặt.
- Thì đó, thủ trưởng ngẫm coi. Nếu đêm qua có cá mập thì anh em sẽ ra sao nào? Chả lẽ chỉ vì một con lợn nhép mà phải đổi đến mấy mạng lính ư?
Thuận bàng hoàng trước câu nói cứ tỉnh bơ của Tư Xồm. Biết chính trị viên đã núng thế, Tư dịu giọng :
- Tôi biết thủ trưởng quý con lợn, quyết giữ gìn con lợn cũng là vì anh em thôi. Quả thật ở hòn đảo này, có con lợn cũng vui. Nó như niềm giải trí. Nhưng lợi bất cập hại. Thủ trưởng đừng nghĩ tôi cáu bẳn với con lợn chỉ vì mấy ngụm nước ngọt. Ai đi so đo miếng ăn với con lợn làm gì. Nhưng tôi nghĩ là ta khó mà nuôi được nó. Đến kỳ động đực nguy hiểm lắm. Cứ nghĩ đến đêm qua là tôi thấy rùng mình. Vùng biển này đâu phải không có cá mập...
- Thôi, cậu đừng nói nữa. Đủ rồi! - Thuận cắt ngang lời Tư Xồm - Để cho mình cân nhắc thêm chút nữa đã. - Thuận khẽ thở dài. - ừ, mà không khéo đến phải thịt con lợn thật!
o O o
Thế là số phận của con lợn đã được định đoạt. Sự việc diễn ra nhanh quá. Nhanh đến nỗi ngay cả Tư Xồm, người chủ mưu bày đặt ra cái chuyện này, cũng còn thấy ngạc nhiên, không ngờ nó lại diễn ra đơn giản đến như vậy. Còn đám lính trẻ thì bàng hoàng, sửng sốt vì không thể tin bố Thuận lại có quyết định đột ngột như vậy. Hai ùm và Tư Xồm gườm gườm nhìn nhau như hai kẻ thù địch. Hai ùm biết sự việc bắt đầu từ đâu. "Chắc mày lại ton hót gì với bố Thuận, phải không? "Hai hỏi bộp Tư Xồm. Tư thủng thẳng: "Thì tốt nhất cậu cứ tìm bố Thuận mà hỏi!" Chính trị viên Thuận chỉ mủm mỉm cười. Nụ cười có gì như là gượng gạo: "Thôi, cũng đừng băn khoăn nữa, Hai ạ!. Tao thấy thằng Tư nó nói đúng đấy. Không thể nuôi được con lợn đâu. Tao cũng không muốn giết con lợn. Nhưng chẳng còn có cách nào! "Thế là toi rồi, An ta ra mê na ơi! Bây giờ thì không còn ai cứu được em nữa rồi! Hai bỗng ứa nước mắt. Chính cậu cũng không ngờ mình lại có lúc yếu đuối đến mức buồn cười và dớ dẩn như vậy. Không khí thật nặng nề. Hòn đảo như đang đứng trước một tai hoạ không thể tránh khỏi.
Nhưng rồi sự việc cũng chóng qua đi. Vì dẫu sao nó cũng chỉ là một con lợn như bao con lợn khác. Vậy thì có gì mà phải vân vi. Cánh lính trẻ lại háo hức trước niềm vui mới. ấy là bữa liên hoan sẽ tổ chức vào ngày mai. Kể cũng hay. Đã lâu lắm rồi, đảo chưa có được bữa ăn tươi. Suốt đêm, hầu như cánh lính trẻ không ngủ. Họ tíu tít bàn nhau nên ngả những món gì. Thịt lợn luộc chấm muối ớt thì dễ rồi. Nhưng chả lẽ tiệc lại chỉ có mỗi món như thế? Bày đặt thêm cũng khó. Vì ở đây, chẳng có gì khác ngoài muối và ớt khô. Giả cầy thì không có riềng. Tiết canh lại thiếu lạc. Hay quạt thêm tí chả nướng? ừ phải rồi! Có lẽ phải thêm món chả nướng nữa mới xôm trò. Đấy, cánh lính cứ thế mà âm i, mà ríu rít. Con lợn dường như cũng linh cảm thấy nỗi bi thảm đang đến mỗi lúc một gần, nó lậng cậng chạy hết xó này đến xó khác, cọ lưng vào chân người này, dũi mõm vào tay người kia. Hình như cô nàng đang cố tình xun xoe nịnh bợ để lấy lòng mọi người. Nhưng nịnh bợ xun xoe gì thì cũng cứ chết!Trên mặt boong, chảo nước làm lông đã sôi sùng sục. Huy đang quèn quẹt mài dao. Hai ùm nằm liệt trong lều bạt. Cậu ta định bụng không lên boong. Hay gì cái trò thịt lợn mà phải xem. Nhưng rồi không hiểu sao, cậu ta lại thấy bứt rứt, không thể nằm yên được. Chẳng biết sự thể sẽ ra sao? Hai ùm bật dậy, lao bóp xuống biển, bơi ra tàu. Trên mặt boong, cánh lính kéo đến đông nghịt. Con lợn đã bị lột hết quần áo, bị dằn ra sàn tàu.
- Này, phải tìm đúng tia máu hẵng chọc tiết. Chọc mà nó không chết là phải tội đấy!
- Thôi! Tao hoá kiếp cho mày, để mày làm kiếp khác sướng hơn nhé!
- Đưa cái giẻ ướt đây! Thế, được rồi!
Huy lấy cái giẻ, lau đi lau lại cổ lợn cho sạch để tiết đỡ bẩn. Rồi lấy mũi dao gạt lông lợn để chọn điểm thích hợp nhất kết liễu đời con vật. Nhưng khi mũi dao vừa chạm vào cổ lợn, thì con lợn lật mình nằm ngửa ra, rồi đưa cả bốn chân lên trời vẫy vẫy rối rít. Hai ùm kêu ầm lên:
- Này, nó chọc tiết mày đấy, tưởng đùa à mà còn làm trò?
Con lợn lại ngoẹo một bên cổ, nhếch mép như là cười, một nụ cười ngô nghê và bí hiểm mà Hai vẫn quen gọi là nụ cười La Giô-công. Rõ ràng là cô nàng vẫn tưởng cánh lính đùa cợt, nên lại tiếp tục diễn trò. Rồi cô nàng lại nhảy cỡn lên, quay nửa vòng, rồi vục mõm xuống, choãi hai chân về phía trước như động tác chào lạy. Huy ngẩn người nhìn con lợn. Đám lính cũng bàng hoàng nhìn nhau. Con lợn vẫn biểu diễn, vẫn tiếp tục làm trò. Xưa nay, nó vẫn quen như vậy. Và cho đến tận giây phút này, con lợn vẫn là niềm vui của cả hòn đảo. Vậy thì nó có tội tình gì mà người ta nỡ giết nó? Ngày nào, nó cũng phải chịu sóng gió như lính. Ăn cơm thừa canh cặn của lính. Có tốn chút nước ngọt thì đáng là bao? Vậy mà chỉ vì tí nước ấy, người ta nỡ giết nó ư? Huy vứt toạch con dao vào đống dây neo:
- Thôi, đứa nào chọc tiết lợn thì chọc nhé, còn tớ thì tớ chịu!
Cánh lính cứ đùn đẩy nhau. Chẳng ai cầm nổi con dao chọc vào cổ lợn, kể cả Tư Xồm. Buổi chiều, người ta lại thấy Hai ùm dắt con lợn bước lậng cậng trên mặt boong. Giọng Hai ùm sừng sộ:
- May mà bố Thuận đã ân xá. Chỉ tí tẹo nữa thì đời mày tàn rồi! Tàn là tàn thế nào? Là nó chọc tiết mày đấy. Chọc là chọc vào cái cổ này này. Rồi nó ăn thịt mày. Rồi mày sẽ thành cứt. Thành cứt mà đã yên được à? Mày sẽ trôi lềnh bềnh trên biển. Rõ chưa? Rồi mày lại nằm trong bụng cá. Mày đi lang thang khắp các gầm trời. Thế mà lại còn nhe răng ra cười à?
Hai ùm lại tung con lợn lên, quay một vòng. Rồi lại túm hai chân trước của con lợn, nhảy điệu nhảy quen thuộc với lời ca rất đỗi kỳ quái:
- Va- xi- lô
Cà ri cứ oà tồ tồ
Cha cha cha
ở đây có cha con ta
Này trời mây, này nước non đẹp thay
Chẳng ai biết được chúng ta đang ở đây
Va- xi- lô
Cà ri cứ oà tồ tồ
Cha cha cha
Chẳng ai hơn cha con ta...