Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Dave Barry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Big Trouble
Dịch giả: Việt An
Biên tập: Việt An
Upload bìa: Lin Hal
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2022-04-16 15:18:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ôi có các quyền của mình,” Dũng Sĩ Trừ Gian Jack Pendick tuyên bố, có lẽ là lần thứ bốn mươi kể từ lúc được các bạn dân rước về đồn.
“Hẳn rồi, ông Pendick,” Thám tử Harvey Baker ôn tồn nói. “Gì chứ quyền thì ông có cả sớ ấy chứ. Và tôi chắc ông sẽ được xài không thiếu cái nào đâu, khỏi lo. Nhưng trước tiên tôi cần ông đi theo các thầy chú này, họ sẽ dìu ông đến một căn phòng ấm cúng đặng ông có thể nghỉ lưng, và nghĩ xem có cách nào giảm độ cồn trong máu xuống dưới 300 phần trăm không, OK?”
“Tôi sẽ được trả lại súng chớ?” Pendick hỏi.
“Cố nhiên!” Baker đáp. “Ngay sau khi chúng tôi làm vài bài test, và một viên kẹo dẻo biết nói đắc cử tổng thống.”
“OK,” Pendick nói với vẻ hài lòng. “Bởi tôi có các quyền của mình mà.”
Sau khi Pendick được dẫn đi, Baker điện lên phòng trực tin, lần thứ ba tối hôm ấy, để hỏi xem Ramirez và Kramitz đã báo cáo gì về chưa. Chưa luôn. Baker đâm lo. Ông đã toan cử một xe cảnh sát khác đến chỗ họ để kiểm tra. Nhưng rồi, chính ông cũng chẳng biết tại sao, Baker quyết định sẽ tự mình lái xe đến nhà Herk.
Ngay khi chắc mẩm bọn người xấu đã đi khỏi, Nina liền bước ra khỏi phòng mình. Ban nãy khi nghe tiếng thét, cô đã hé cửa nhìn ra và tá hỏa khi thấy một thằng không biết yêu quái phương nào ở cuối hành lang, cạnh tiền sảnh. Nó đang trùm bít tất hay thứ gì tương tự kín bưng mặt, khiến nó trông thuôn đuột như một con rắn. Nó cầm một khẩu súng và đang nạt nộ ai đó. May thay nó không thấy cô. Cô rón rén đóng và chốt cửa lại. Ba hồi cô lại nghe ai đó rú lên và súng nổ đì đoàng, trời ơi sợ muốn chết. Cũng nghĩ tới chuyện gọi cảnh sát chớ, mà trong phòng có cái điện thoại nào đâu. Cô đành ngồi im ru trên giường, úp mặt vào hai bàn tay, thắc thỏm chờ đợi tới khi có tiếng cửa đóng dội vào, và cô không còn nghe tăm hơi bọn người xấu nữa.
Ra khỏi phòng, cô chạy huỳnh huỵch dọc theo hành lang, về hướng phát ra tiếng khóc của bà Anna. Vòng qua vách ngăn đến phòng khách, cô đứng sững như trời trồng và đưa tay lên che miệng. Coi, bà Anna đang nằm tênh hênh trên sàn, với đôi tay quặp bên dưới thân người. Chiếc blouse của bà mở ra hoang hoác và nịt ngực thì bị kéo lên; và đôi mắt bà nom hoang dã như mắt của một người điên. Phía sau bà là người nữ cảnh sát đã ở đây vào tối hôm nọ; cô ấy đang vật lộn với thứ gì đó ở sau lưng. Phía sau cô ấy là Matt, một người bạn của cô Jenny, máu me loang lổ từ mũi anh ta và anh ta cũng đang vùng vằng với thứ gì đó sau lưng. Rồi nữa, sát bên cái kệ audio mà Nina lau chùi tuần một lần, người cảnh sát vạm vỡ tối nọ đang vừa chửi đổng vừa hùng hục lay mạnh thứ gì đó. Ở đầu kia của kệ audio, ông Herk cũng đang làm in hệt vậy.
Nina lật đật chạy đến bên Anna. “Bà Anna!” cô nói, kéo nịt ngực của Anna xuống.
“Nina ơi, tụi nó bắt Jenny đi rồi,” Anna mếu máo. “Tụi nó bắt con bé rồi.”
“Nina,” Monica nói, xoay người sang và chìa đôi bàn tay bị trói của cô ra. “Cởi trói cho tôi. Desatame.”
Nina thoăn thoắt gỡ những nút thắt trên cổ tay của Monica rồi tháo lỏng nó. Tới phiên Nina cởi trói cho Anna, trong khi Monica giải thoát cho Matt.
“Tôi cần một chiếc xe,” Monica nói.
“Xe của ba em ngoài kia,” Matt nói, lục túi lấy ra xâu chìa khóa. “Con Kia.”
“Cảm ơn nghen,” Monica nói, vơ lấy chùm chìa khóa.
“Cô tính làm gì vậy, Monica?” Từ kệ audio, Walter cất tiếng hỏi.
“Rượt theo thằng biến thái đó trước khi nó đi quá xa,” Monica nói.
“Biết nó đi đâu mà rượt?” Walter hỏi.
“Nó nói cần bắt kịp chuyến bay,” Monica nói. “Tôi đồ nó đang ra sân bay Miami.”
“Tháo còng cho tôi đã rồi đi đâu đi,” Walter nói, giật giật cánh tay bị còng của hắn.
“Walter,” Monica nói, “Tôi không có chìa khóa còng, và cũng không rảnh để ngồi cưa cái kệ đó. Cố gắng tự giải thoát rồi phôn về sở, bảo họ điều quân đến sân bay liền nghen.”
“Cô không thể để tôi kẹt ở đây!” Walter giãy nảy. “Tự giải thoát cái con...”
“Walter,” Monica nói, hối hả bước về phía cửa, “Tôi phải đi ngay bây giờ.”
“CỨT,” Walter điên cuồng lắc cái kệ audio, khiến khung hình của Jenny và Anna chao đảo rồi rơi xuống sàn nhà. “CỨT!”
Anna bắt kịp Monica trong tiền sảnh. “Tôi sẽ đi với cô,” nàng nói.
“Thôi, chị cứ ở nhà đi mà,” Monica đặt tay lên nắm cửa.
Anna siết mạnh cánh tay Monica bằng cả hai bàn tay nàng. “Đó là con gái tôi,” giọng nàng đanh thép, “và tôi sẽ đi với cô.”
Monica thấy rõ nếu muốn bỏ người đàn bà này lại, cô chỉ có nước choảng nhau với bà ta.
“OK,” cô nói và đẩy cửa.
“Em đi nữa!” Matt lên tiếng khi vừa đặt chân vào tiền sảnh.
Monica ngoái cổ nhìn nó.
“Xe của ba em mà,” nó lý sự.
“Trời đất,” Monica vỗ trán đoạn bước qua cửa, Anna và Matt luýnh xuýnh theo sau.
TRÊN HÀNG HIÊN, con Roger đang cào cửa kính và sủa ăng ẳng. Thỉnh thoảng khi nó làm thế, có người sẽ ra mở cửa, dắt nó vào nhà và đem thức ăn cho nó. Duy lần này chẳng thấy ma nào ló mặt. Roger nghe có tiếng lao nhao trong nhà. Nó cào vào cửa kính vài lần nữa. Cũng không ăn thua. Roger thở dài, quay lại với công chuyện gầm gừ Cóc Thù Địch.
ELIOT CHÍNH LÀ người suýt bị chiếc xe cảnh sát lụi trúng, nếu không nhờ pha nhảy tránh trong đường tơ kẽ tóc, chậm chút xíu là rồi. Sau khi chửi đã, anh đứng gập người trên vỉa hè một chặp, tay chống lên đầu gối, cố lấy lại bình tĩnh. Điệu này không kiện sở cảnh sát cũng uổng. Thằng điên này phóng bạt mạng ra đường, đã vậy còn gài số de. Xô đổ mẹ nó cánh cổng!
Eliot hít vào thở ra vài cái, xốc lại tinh thần, đoạn bước qua cánh cổng đổ và lẹ làng rảo bước trên lối vào nhà. Eliot vừa sờ vào quả đấm thì cánh cửa trước đã tự động bật tung ra, và anh suýt bị nốc ao bởi một nữ cảnh sát, người mà anh nhận ra sau một giây hoàn hồn, chính là nữ cảnh sát anh đã gặp tối hôm nọ. Trông cô có vẻ rất kích động. Cô túm ngay cổ áo Eliot.
“Chúng đi ngõ nào rồi?” cô hỏi.
“Cảnh sát ấy hả?” Eliot ú ớ. “Bọn ngu ấy suýt thì...”
“Cảnh sát cái đách gì,” Monica xẵng giọng. “Chúng là cướp.”
“Hả?” Eliot ngơ ngác. Đoạn anh thấy Anna, trông còn kích động hơn cả Monica, và Matt, với máu me lấm lem trên mặt lẫn trên áo.
“Matt!” anh hỏi quính. “Con có sao không?”
“Chúng bắt Jenny rồi!” Matt nói. “Mình phải đuổi theo bạn ấy!”
“Bắt Jenny hả?” Eliot trố mắt. “Chúng làm cái...”
“CHÚNG ĐI NGÕ NÀO HẢ?” Monica quát, giật mạnh áo phông của Eliot.
“Ngõ kia,” Eliot nói, “thẳng xuống đường Garbanzo. Ta có thể đuổi theo chúng bằng...”
Song Monica, Matt, và Anna đã phóng đến con Kia rồi. Eliot đuổi theo vừa kịp để nhảy vào băng sau cùng Anna. Anh vừa đóng cửa thì có ai đó đã giật ra lại. Đó là Nina.
“Nina!” Anna nói. “Thôi em ơi...”
“Cô phải ở lại đây,” Monica nói và rồ máy. “Quedate!”
“Không,” Nina đáp xẵng, chui tót vào ngồi cạnh Eliot đoạn dập mạnh cửa. Không đời nào cô chịu ở lại trong cái nhà điên khùng này, nhất là với lão Herk.
“Ôi trời,” Monica chắt lưỡi than thở, đoạn rồ máy và phóng chiếc Kia ra khỏi tư gia.
“GIỜ SAO NỮA?” Snake hỏi Jenny. Chiếc xe tuần tiễu đang bon bon theo hướng bắc Le Jeune Road.
“Cứ đi thẳng,” giọng Jenny lạnh tanh.
“Giỏi lắm em bé,” Snake cợt nhả, bàn tay nó đang mơn trớn gáy Jenny. Cô vùng vằng đẩy nó ra. Nó kéo cô lại sát hơn. Mùi thối hoăng từ người nó xông ra nồng nặc con xe bít bùng.
Ở ghế trước, Eddie đang bám lấy vô lăng như kẻ sắp chết đuối bám lấy chiếc phao cứu sinh. Nó đang điều khiển con xe theo cách cực kì khó lường, song đó cũng chẳng phải chuyện lạ ở Miami, nơi mà bà con mạnh ai nấy chạy theo luật giao thông và tập quán ở quê mình. Huống hồ Eddie đang lái một chiếc xe cảnh sát, nên dẫu có vượt đèn đỏ – điều nó đã làm, hai lần – cũng không có dân nào bóp còi phản đối.
“Snake,” nó nói, “ở sân bay thiên hạ đông đen, có cớm nữa đó mày.”
“Thì sao?” Snake cười khẩy. Cớm mà ăn thua gì. Nó vừa xích một thằng cớm vào kệ audio đấy thôi.
“Thì,” Eddie cố để không gắt lên, “mình đang ở trong một chiếc xe cảnh sát, và trong trường hợp mày quên, mình hổng phải cảnh sát. Hay thôi cứ tấp đại vào đâu đó, bỏ lại chiếc xe, bỏ lại con nhỏ, bỏ lại thằng khứa trong cốp xe, lấy tiền rồi cút mẹ khỏi đây cho rồi.”
Snake thở dài. “Đó là luận điệu của bọn thua cuộc, Eddie à,” nó giở giọng kẻ cả. “Bộ mày không thấy mình vừa làm gì sao? Mình hạ tụi chó đẻ ở quán, mình hạ bọn cớm, mình hạ thằng trùm ma túy. Mình đang thắng như chẻ tre, Eddie à. Và mình sẽ còn thắng tiếp, thắng to.” Snake không thể tin nó đã phí hoài cả một quãng đời chỉ để ăn mày thiên hạ chút tiền còm. Cho từng đồng xu chết dẫm. Đã đến lúc rũ bùn đứng dậy. Mà đâu chỉ đứng dậy không thôi, nó đang tiến phăng phăng, đến một tương lai ngời sáng đang vẫy gọi qua tấm kính chắn gió, phía trên đôi tay cứng đờ của cái thằng nay mai chỉ còn là cựu thuộc hạ của nó.
WALTER RUN LÊN vì điên tiết, tuồng như muốn rứt đứt cánh tay mình ra khỏi ổ cắm. Cộng sự của hắn đang trong một cuộc đuổi bắt bằng ô tô. Can hệ đến bọn cướp có vũ trang. Đó là giấc mơ từ ngày vào ngành của Walter, và giờ coi, hắn đang bị còng vào một cái kệ audio. Bởi chính còng tay của hắn!
Vận hết mọi thành công lực có được qua bao ngày khổ luyện ở phòng gym, Walter giựt mạnh cái kệ audio, khiến nó chúi nhụi ra trước và kéo ghì Walter lẫn Arthur phủ phục xuống sàn nhà. Chiếc kệ kềnh càng đổ uỳnh, vỡ toang những giá đỡ bằng kính và lăn lông lốc quanh phòng các thành phần của dàn stereo. Song vẫn nguyên xi là bộ khung của nó; với những ống thép dày được hàn với nhau một cách kiên cố.
“Ông làm cái chó chết gì vậy?” Arthur sửng cồ.
“Cố đập bể nó chứ gì nữa,” Walter đáp. “Bộ ông không muốn ra khỏi đây sao? Không muốn giúp gia đình mình sao?”
Arthur nín thinh. Câu trả lời từ đáy lòng là: không.
“Cứt,” Walter lại giật cặp còng một cách vô nghĩa. Hắn nói với Arthur, “Ta cần gọi điện.”
“Tụi nó rứt mẹ hết dây nhợ rồi còn đâu,” Arthur nói.
“Ông có điện thoại trong phòng ngủ chứ?” Walter hỏi. “Cuối hàng lang đúng không?”
“Ờ,” Arthur nói, “nhưng mà làm thế nào...”
“Phụ tôi dựng cái này lên trước đã,” Walter nói, ra sức nhấc cái kệ đứng thẳng trở lại.
“Sức mấy mà kéo nó đi xa chừng đó?” Arthur làu bàu.
“Cứ thử xem,” Walter nói.
“Ông không thể ép tôi,” Arthur nói.
Walter xô mạnh cái kệ về phía Arthur; nó đập vào vai lão.
“Úi da!” Arthur ré lên.
“Mau phụ tôi dựng nó lên,” Walter đanh giọng, “lèm bèm nữa tôi ủi ông vô tường cho dẹp lép.”
Với những nỗ lực tột bực, phần lớn đến từ Walter, họ dựng cái kệ đứng thẳng trở lại rồi hì hục lớp kéo lớp đẩy nó ra hành lang, nơi Walter nhận ra nó quá cao so với trần nhà ở đó.
“Cứt!” hắn nói. “Phải ra ngoài thôi.”
“Hở?” Arthur há hốc.
“Phải ra ngoài, hô to để hàng xóm tới giúp,” Walter cắt nghĩa.
“Ra ngoài?” Arthur trợn mắt. “Với cái đồ thiên lôi này? Bộ ông hết chuyện chơi rồi hả?”
Song Walter đâu còn nghe gì nữa. Hắn lướt mắt về phía tiền sảnh; không cách gì cái kệ này có thể lọt qua cửa trước. Vậy hồi đầu họ đưa nó vào nhà bằng cách nào? Hắn nhìn sang phòng khách, câu trả lời đây rồi.
“Lối này,” dứt lời hắn hùng hổ kéo mạnh cái kệ audio, lần này thì có mục đích hẳn hoi.
“THẦY GÌ KHÔNG?” Leonard lên tiếng hỏi. Hắn với Henry đang ẩn mình trong vườn thực vật um tùm trổ ra từ hàng hiên nhà Herk.
“Không,” Henry nói. “Nhưng nghe thì có.”
“Ờ,” Leonard nói. “Nghe như chúng đang đập bàn đập ghế ở trỏng. Hoặc vậy, hoặc đang mở nhạc rap.”
“Sao cũng được,” Henry nói, “tao đã sẵn sàng để... Ê, coi kìa.”
“Trời đất quỷ thần ơi,” Leonard bàng hoàng thốt lên, khi hiện ra trước mắt hắn là bộ dáng nhăn nhó bái xái bài xai của Walter Kramitz, đang kéo lê cái kệ audio như một loại khổ hình dưới âm ty. “Cớm hả?”
“Sở cảnh sát Miami,” Henry nói. “Cái thằng đô con gớm. Mà nó làm quái gì ở đây nhỉ?”
“Hình như nó bị xích vào một cái... Chắc tao chết,” Leonard thảng thốt, khi dáng hình của Arthur hiện ra.
“Ông bạn mình kìa,” Henry nói. “Đời hắn sôi động gớm nhỉ?”
Cả hai cùng quan sát gã sĩ quan cảnh sát to lớn mặt mày đỏ gay, đang ra sức kéo lê một cái kệ còn to lớn hơn, theo sau là Arthur Herk mặt nhăn như khỉ ăn ớt, lặc lè tiến về phía cánh cửa kính mà Henry đã bắn thủng đêm hôm nọ. Cái lỗ đã được ai đó dán lại bằng băng keo.
Khi họ còn cách cánh cửa tầm một thước, Henry nói, “Tao có quyết định rồi.”
“Và đó là?” Leonard hỏi.
“Dứt điểm ông bạn mình.”
“Bây giờ luôn hả?” Leonard hỏi. “Với thằng cớm kè kè bên cạnh?”
“Ừa,” Henry nói. “Thằng cớm mà kể số gì nữa, bị xích vô của nợ đó rồi. Và tao muốn làm xong phứt vụ này rồi dông lẹ. Ở đây lâu chắc sanh bệnh quá.”
“Mày nói chí lí,” Leonard đồng tình. “Cứ như Thị Trấn Kinh Dị Mỹ.”
“Xong vụ này,” Henry vừa nói vừa nâng khẩu súng trường lên, “rồi mình điện ra sân bay đặt vé luôn.”
“Amen,” Leonard nói, phẩy tay vu vơ vào một con muỗi. “Nghe hai tiếng sân bay sao mà mát lòng mát dạ.”
ROGER PHÂN VÂN. Một bên, nó có Cóc Thù Địch để thị uy. Một bên, nó có hai người từ trong nhà đi ra, và họ có thể mang theo thức ăn. Đâu đã hết, lại còn hai con người khác nữa, những người vừa nãy nó đã chào đón ở cuối sân vườn, đang tiến lại gần hơn. Roger hồi tưởng, đâu đó trong những mạch não nguyên thủy của nó, những con người này có vị rất ngon. Có lẽ nó nên thử qua họ lần nữa! Nhưng còn con cóc thì sao? Rồi mấy người trong nhà? Nhiều lựa chọn quá cũng khổ!
WALTER CỐ MỞ cánh cửa sân hiên; nó đã bị khóa, kiểu khóa cần một cái chìa để mở.
“Chìa khóa đâu?” hắn hỏi Arthur.
“Không biết,” Arthur đáp cộc. Lão đang điên tiết. Máu đang ứa ra từ cổ tay lão, chỗ mà cái còng cọ vào.
“OK, vậy chơi kiểu này,” Walter nhích cái kệ audio cho nó song song với cánh cửa sân hiên. “Đếm tới ba, ta sẽ đập thứ này vào cửa.”
“Dẹp mẹ đi,” Arthur nói.
Walter bắt đầu, “Một.”
“CHÚNG ĐANG LÀM gì thế?” Leonard hỏi.
“Chúng đang tạo ra một mục tiêu tuyệt hảo,” Henry đáp, điều chỉnh thước ngắm.
“HAI,” Walter hô.
“Thủy tinh đó, đồ điên!” Arthur phát hoảng. “Đừng kéo tao chết chung chớ!”
“Ba,” Walter hô, vận hết sức bình sinh quật cái kệ về phía trước. Chính trong khoảnh khắc đó, có hai sự kiện diễn ra đồng thời. Một: Henry siết cò. Hai: Roger, quyết định xoay sở trong thời gian biểu chật kín của mình để chiếu cố những người bạn mới, đã sục mõm vào háng Henry. Kết quả là viên đạn, thay vì xuyên qua sọ Arthur, chỉ lướt qua nó trong gang tấc. Thật khó kết luận đó là phúc hay họa cho Arthur, chiếu trong ánh sáng của những gì xảy ra sau đó: Bị lôi đi dưới sức nặng của cái kệ thép, Arthur bổ nhào qua cánh cửa vỡ, mặt cắm ngập vào tô cơm của Roger, môi và mũi lão dính chặt vào đó, ngay trước mũi con Cóc Thù Địch.
Con cóc, không có ý định san sẻ phần cơm của Roger, cấp kỳ trút tuyến lệ đằng sau mắt nó, bắn phọt hai tia lớn trắng đục dồi dào bufotenine, chất gây ảo giác, vào mặt Arthur. Arthur hét toáng lên và lồng lộn giựt cái tô ra khỏi đầu. Con cóc lại tiếp tục bữa ăn của nó.
HENRY VÀ LEONARD tiến về phía bức tường, không chạy, nhưng đi thoăn thoắt trong bóng đêm.
“Mày bắn trúng chớ?” Leonard hỏi.
“Chắc vậy,” Henry nói. “Con chó nhảy sảng vô tao, nhưng tao thấy rõ ông bạn mình đã gục rồi.”
“Thằng cớm cũng gục,” Leonard tiếp lời.
“Ừ,” Henry nói. “Tao nghĩ nó thụp xuống khi nghe tiếng súng.”
“Mày nghĩ hai đứa nó đốc chứng gì mà lại kéo lê một cái kệ tổ bố quanh nhà kia chứ?” Leonard hỏi.
“Thua,” Henry lắc đầu.
“Thị Trấn Kinh Dị Mỹ,” Leonard chắt lưỡi.
“ĐƯỜNG GÌ TÊN Garbanzo trời?” Greer cười lạt. Y đang đọc bản đồ trong khi Seitz lái xe. “Nghe thử mấy tên đường ở đây nè. Loquat. Kumquat. Tin nổi không? Kumquat. Rẽ trái chỗ này. Anh nghĩ cái va-li ta cần tìm có đó không?”
“Dám lắm,” Seitz gật gù. “Ừ thì ta bị việt vị cũng nhiều rồi, nhưng tôi đang nghiêng về việc bạn già Ivan nói thật.”
“Tôi cũng vậy,” Greer nói. “Nó chắc không muốn chiếc giày còn lại cũng có lỗ thông gió. Tới rồi, 238 Garbanzo, trên... Ủa cái cổng bị sao vậy?”
“Coi bộ ai đó đã đùng đùng bỏ đi,” Seitz nói.
“Ai? Mà đi đâu?” Greer thắc mắc.
“Hi vọng người nhà có thể cho ta biết,” Seitz nói.
WALTER LOM KHOM giữa ngổn ngang thủy tinh vỡ, cố xoay sở để dỡ cái kệ lên. Không có trợ giúp nào từ Arthur, kẻ vẫn đang nằm sấp ở đầu kia, kêu la oai oái và chà lấy chà để mặt mình với bàn tay không bị còng.
“THÔI mà,” Walter vừa nói vừa lắc cái kệ. “ĐỨNG DẬY coi.”
“Mặt tôi!” Arthur nói. “Nó xịt lên mặt tôi!”
“Thây kệ nó đi,” Walter nói, “tìm y tế cho ông cái một à, nếu ta bỏ được cái...”
“XÊ RA!” Arthur bỗng hét sảng. “ÔI CHỜI ƠI, ĐỪNG LẠI ĐÂY!”
Arthur đang hét quáng vào Roger đang đứng cách lão chừng năm tấc, khịt khịt mấy mẩu thức ăn bắn ra khỏi tô lúc Arthur cắm mặt vào. Nghe tiếng hét Roger ngóc đầu lên và phất đuôi tíu tít, ý bảo Arthur chờ xíu nó qua liền à, sau khi hoàn tất công chuyện quan trọng này đã.
“Trời đất,” Walter nói. “Là con chó thôi mà. Mà chó của ông chớ ai.”
Arthur quay sang Walter, gương mặt lão móp méo bởi nỗi kinh hoàng. “Ông không thấy hả?” lão hỏi. “Ông không thấy bả hả?”
“Thấy cái gì?” Walter ngơ ngác. “Ông đang nói gì thế?”
“BÀ TA!” Arthur nói. “ĐÚNG BÀ TA RỒI!!”
“Ai cơ?” Walter hỏi.
“MỤ ĐÀN BÀ ĐÓ!” Arthur nói, chỉ vào con Roger vẫn đang vẫy đuôi lia. “Mụ đàn bà ở cùng lão ấy, ông biết mà... Bob Dole! Chính mụ vợ lão!”
Walter nhìn Arthur, rồi nhìn Roger, rồi lại nhìn Arthur. “Ông nghĩ nó là Elizabeth Dole?”
“PHẢI!” Arthur nói. “BẢ CHỚ AI NỮA!” Lão đang nhìn thẳng vào mụ ta, và mụ ta đích thị là Elizabeth Dole, người đàn bà luôn gây nên cho lão một nỗi khiếp sợ mơ hồ. Mụ đang ở ngay trước mặt lão, trên thềm nhà này. Nhưng cùng lúc đó mụ lại không phải Elizabeth Dole. Mụ có gương mặt của Elizabeth Dole với mái tóc chải chuốt kỳ khu, song ở vào chỗ đôi mắt mụ là hai quả cầu bỏng rực một màu đỏ tà ác, còn răng cộ của mụ thì to và nhọn hoắt như của loài dã thú. Và mụ đang chóp chép thức ăn cho chó mèo. Arthur biết – lão biết – rằng đó là Elizabeth Dole trong hình hài một con quỷ, và mụ đến đây để cướp lấy linh hồn lão.
“CÚT ĐI!” Arthur hét vào con quỷ Elizabeth Dole. Mụ ta trừng trừng nhìn lão, cặp mắt mụ lóe sáng, cái đuôi quỷ ngúc ngoắc liên hồi. Mụ há cái mồm với những chiếc nanh sắc nhọn và bắt chuyện với lão, gọi tên lão bằng một giọng nghe rợn tóc gáy.
“Herk!” Elizabeth Dole nói. “Herk! Herk!”
“KHÔNG!” Arthur hét, điên cuồng giãy giụa mặc cho bàn tay bị cùm, cố bò lui lại. “KHÔNG!”
“TỐP NGAY!” Walter quát. “Nó là một CON CHÓ, quỷ thần ơi!” Không có phản ứng nào từ Arthur, ánh mắt lão khóa chặt vào Roger và miệng lão lầm bầm rên rỉ. Tệ hơn, lão đang khởi sự sùi bọt mép. Walter biết không còn hi vọng gì được trợ giúp, nắm lấy cái kệ audio và ra sức dựng nó lên, với sinh vật mang tên Arthur ở đầu bên kia. Hắn hừ hự giở nó lên vỏn vẹn ba tấc, chỉ để buông ra ngay khi nghe một giọng nói vang lên sau lưng.
“Anh vẫn ổn chứ sĩ quan?”
Walter quay phắt lại và thấy hai gã vận com lê, một cao một thấp, đang đứng trong một cái lỗ toang hoác đã từng là tấm cửa kính.
“Các ông là ai?” hắn cất tiếng hỏi.
Người cao xòe cái ví đựng phù hiệu ra.
“FBI,” y nói. “Tôi là Đặc vụ Pat Greer. Còn đây là Alan Seitz.”
“Tạ ơn trời đất,” Walter thở phào. “Nghe này, tôi cần ông...”
“Bọn tôi đang tìm một người có tên Arthur Herk,” Greer nói.
“Ông ta đó,” Walter chỉ vào Arthur. “Nhưng nghe này, tôi cần ông...”
“Bây giờ không tiện,” Greer phẩy tay.
“Nhưng cộng sự của tôi đang...”
“Đã nói là bây giờ không tiện,” Greer nghiêm giọng.
Walter tức ứa ruột ứa gan, nhưng xét tình hình bản thân đang bị xích, và mấy cha này là FBI, hắn nghĩ nên tạm thời ngậm mồm thì hơn.
Greer xán lại chỗ Arthur, lão vẫn đang nhìn châm bẫm con Roger. Sau khi xơi tái những hạt hạ nguyên tử cuối cùng của chỗ thức ăn rơi vãi, nó đang liếm lên mặt đất nơi chúng từng hiện diện với một vẻ thành kính.
“Ông Herk,” Greer nói.
Arthur chầm chậm quay đầu về phía Greer. Đồng tử của lão giờ có kích cỡ của một đồng xu.
“Ông Herk này,” Greer nói, “Tôi ở bên FBI, và tôi cần ông cho biết cái va-li đang ở đâu.”
Arthur mở miệng, một suối dãi ngầu bọt tràn xuống cổ áo lão.
“Ông Herk,” Greer nói, “ông nghe tôi chứ? Chuyện này quan trọng lắm.”
Arthur chầm chậm khép miệng, rồi lại mở nó ra và nói, “Bả muốn linh hồn tôi. Đừng để bả cướp linh hồn tôi.”
“Đừng để ai cướp linh hồn ông?” Greer hỏi.
“Bà ta,” Arthur chỉ vào Roger. Roger phe phẩy đuôi đáp lại.
“Con chó hả?” Greer nhíu mày.
“Ổng nghĩ con chó là Elizabeth Dole,” Walter cắt nghĩa.
“Trời đất,” Greer xoa mặt. Y hỏi Seitz, “Anh nghĩ sao?”
Seitz nhìn vào cặp mắt hãi hùng của Herk. “Hắn bay rồi,” y nói, “và chắc cũng còn lâu mới về lại trái đất.”
Greer quay sang Walter, “Nghe này, chúng tôi có lí do để tin rằng ông Herk đã giữ một cái va-li, có thể bằng kim khí, khá nặng. Anh có thấy nó không?”
Walter nghĩ ngợi một chặp. “Có,” hắn nói, “bọn chúng có một cái va-li. Chúng đem nó đi rồi.”
“Chúng là ai?” Greer hỏi, dù y khá chắc mình đã biết qua lời kể của John.
“Một thằng cô hồn nào đó, gọi là “Snake,” Walter nói. “Nó và một thằng cô hồn khác đã ở đây từ trước khi chúng tôi đến, tôi và cộng sự của tôi ấy. Nó có súng, bởi vậy nên... Ý tôi là, chúng đã phủ đầu bọn tôi. Chúng bắt cô con gái của gã này” – hắn chỉ Arthur – “và một tên lùn râu ria. Tên lùn xách va-li. Chúng lấy xe của bọn tôi. Cộng sự của tôi đuổi theo chúng với bà vợ của gã này.”
“Chúng đi đâu biết không?” Greer hỏi.
“Sân bay,” Walter nói. “MIA. Thằng cô hồn nói nó phải bắt một chuyến bay.”
“Nó có nói đi đâu không?” Seitz hỏi.
“Không,” Walter nói. “Thú thực là Monica, cộng sự của tôi, chỉ đoán mò đó là MIA thôi.”
Greer và Seitz nhìn nhau.
“Anh nghĩ sao?” Greer nói.
“Tôi nghĩ ta nên đến MIA,” Seitz nói.
“Tôi cũng nghĩ thế,” Greer nói, đoạn vỗ vai Walter, “Trông chừng gã này dùm bọn tôi nghen.” Đoạn y quay gót bước đi.
“Ơ kìa!” Walter thốt lên. “Ông đâu thể để tôi ở đây như vầy!”
“Anh thông cảm cho,” Greer nói, “chúng tôi đang gấp lắm.”
“NHƯNG TÔI LÀ MỘT SĨ QUAN CẢNH SÁT,” Walter nói.
“Tôi biết chứ,” Greer dìu giọng. “Anh thậm chí còn là một cảnh sát kỳ tài nữa kia, bởi tôi không tìm thấy cách nào khác để cắt nghĩa chuyện anh đang bị xích vào một cái kệ audio, chung với một cha nội nhìn con chó thành Elizabeth Dole. Nhưng bọn tôi cần phải lên đường ngay lập tức, ở lại mạnh giỏi nghen.” Dứt lời, y và Seitz thoăn thoắt rảo bước vô nhà.
“QUAY LẠI ĐÂY COI! BÀ MẸ NÓ!” Walter hét với theo.
Arthur vẫn nhìn Roger chăm chăm, miệng lảm nhảm: “Bả sẽ đưa tôi đi, bả sẽ đưa tôi đi.” Thình lình, lão quay sang Walter. “Rồi bả sẽ đưa ông đi luôn.”
“Herk! Herk!” giọng Elizabeth Dole lanh lảnh.
“QUẸO TRÁI MAU!” Snake quát. “Bộ đéo thấy cái bảng hả mày?”
Chiếc xe nhà nước giặc lái đang tiến về hướng bắc Le Jeune Road, trên làn ngoài cùng bên trái. Eddie nội lo nhìn đường cũng đủ mụ người, sức mấy để ý đến tấm bảng Miami International Airport. Nó đánh lút vô-lăng sang phải, lao xẹt qua ba làn giao thông, tạt đầu một chiếc taxi phanh gấp khiến bánh xe của nó nghiến đường ren rét. Chiếc taxi lạng vào phần đường của một chiếc bán tải Ford 1963 cọc cạch đang chở theo một thùng gỗ lớn. Chiếc bán tải huých vào sườn chiếc taxi, liểng xiểng về phía trước vài mét trước khi tốp hẳn, khói bốc mù mịt. Cú va chạm khiến thùng gỗ lật khỏi khoang xe và đáp xuống Le Jeune Road, nơi nó bị một con Toyota Tercel quẹt qua làm bật nắp, phóng thích những tù binh bên trong: tám con dê. Phần số của bầy dê này đã được định đoạt để rao bán ở Hialeah, hầu để sử dụng trong các nghi lễ hiến tế của các tín đồ giáo phái Santeria, song giờ đây chúng đang là những con dê tự do, thảnh thơi dạo bước giữa dòng xe cộ tấp nập huyên náo.
Chẳng mảy may hay biết sự hỗn loạn chính mình châm ngòi ở phía sau, Eddie ngoặt xe vào đoạn đường dẫn vô sân bay, mắt nó hoa lên trước cả một đoàn diễu hành những bảng chỉ dẫn. Nào điểm đỗ xe, nào điểm trả xe thuê, nào nhà ga sân bay, và hà rầm những thứ mà Eddie chẳng có chút khái niệm nào.
“Đi đường nào tiếp hả mày?” nó hỏi.
Coi, thằng Snake cũng đi máy bay mấy đâu mà kêu nó bày. Nó căng mắt điều nghiên những bảng chỉ dẫn, hòng tìm ra thứ gì có dây mơ rễ má với Bahamas. Chẳng thấy gì.
“Thì cứ đi tiếp,” nó nói.
“OK,” Eddie nói, “có điều tới đây nó bắt mình phải chọn một trong hai, Cửa Đến hoặc Cửa Khởi Hành.”
Với Snake, đó chẳng khác nào một câu hỏi bẫy. Một mặt, nó nghĩ nên chọn Cửa Đến, bởi tụi nó đang đến sân bay còn gì. Một mặt, nó lại đang muốn khởi hành từ sân bay, nên chắc Khởi Hành mới đúng quá. Snake định hỏi con nhỏ, nhưng làm vậy khác nào tự nhận mình dốt, huống hồ nhìn con nhỏ hồn xiêu phách lạc tới nơi rồi. Sau cùng, nó bèn quyết định năm ăn năm thua.
“Khởi Hành,” nó nói.
“Khởi Hành bên này,” Eddie nói và xoay vô lăng.
KHI THÁM TỬ Harvey Baker đến địa chỉ nhà Herk, ông thấy cái cổng vào nằm vắt ngang vỉa hè, và không có bóng dáng chiếc xe cảnh sát nào. Ông đỗ xe trên đường cái rồi lẹ làng rảo bước về phía ngôi nhà. Cửa trước đã mở sẵn. Ông dừng trên bậc tam cấp một chặp và nghe ngóng; có tiếng bước chân hướng về phía ông từ trong nhà. Rút khẩu súng giắt ở vai ra, ông nép mình qua một bên cửa và chờ đợi. Hai người đàn ông phới ra từ căn nhà, bước đi gấp gáp.
“Đứng lại,” Baker nói. “Cảnh sát đây.”
Hai người đàn ông khựng lại và cùng quay về phía Baker. Người cao lêu ngêu thở dài.
“Bọn tôi là FBI,” y nói.
“Chứng minh được không?” Baker hỏi.
“Được chứ, nếu ông cho phép tôi lấy phù hiệu ra,” Greer nói.
“Từ từ thôi nghen,” Baker nói.
Greer rút cái ví đựng phù hiệu và xòe nó ra. Baker nhìn qua rồi tra súng vào bao.
“Tôi là Thám Tử Harvey Baker, Sở Cảnh Sát Miami,” ông nói.
“Tôi là Đặc vụ Greer,” Greer nói. “Đây là Đặc vụ Seitz. Thôi hẹn ông thám tử bữa nào rảnh nói chuyện chơi, giờ bọn tôi phải đi gấp.”
“Cho tôi biết chuyện gì đang diễn ra được không?” Baker hỏi.
“Thú thật là,” Greer chắt lưỡi, “không.”
Greer và Seitz khởi sự rảo bước. Baker rượt theo họ.
“Này, chờ chút đã,” ông gọi.
“Một chút cũng không có ông ơi,” Greer ngoái cổ nói.
Baker chụp tay Greer kéo lại.
“Không có thì làm cho có,” Baker trừng mắt.
“Thám tử ơi,” Greer nói. “bọn tôi đang xử lí một vấn đề cấp liên bang cực kì nghiêm trọng, rất tiếc nhưng bọn tôi không có thì giờ để giải thích cho ông.” Dứt lời y và Seitz quay ngoắt lại và hối hả bước tiếp.
“Dừng lại ngay,” Baker nói.
Greer và Baker ngoái đầu và ngừng bước, bởi Baker lại lôi súng ra khè nữa.
Greer lắc đầu, “Ông đang phạm sai lầm lớn đấy, Thám tử.”
“Nghe đây,” Baker nghiêm giọng. “Các ông tới đây làm gì tôi không biết. Nhưng tôi tới đây bởi đã cắt cử hai sĩ quan tới đây, và họ vẫn bặt vô âm tín. Và khi tôi đến nơi thì thấy gì? Cổng bị phá, cửa nẻo hoang hoác và hai ông xuất hiện. Tôi muốn biết rõ sự tình, ngay tức khắc. Thử thiên cơ bất khả lộ nữa coi, tôi câu lưu các ông liền, chừng ấy thì tha hồ mà móc cái vấn đề liên bang nghiêm trọng từ đít mấy ông ra mà ngửi.”
Greer liếc nhìn Seitz. Seitz nhún vai chiếu lệ.
“OK,” Greer nói. “Bọn tôi cho ông biết cũng được. Nhưng là trên đường ra sân bay. Ông có thể đi cùng bọn tôi.”
“Thuộc cấp của tôi đang ở sân bay ư?” Baker hỏi.
“Một người thôi,” Greer nói. “Người mà ông nên quan tâm ấy.”
CON KIA, VỚI Monica sau tay lái, đang phi về hướng bắc Le Jeune Road với vận tốc 128km/h, gần gấp đôi tốc độ qui định. Monica bấm còi như ma làm và sổ toẹt mọi thể loại tín hiệu giao thông. Matt ngồi cạnh cô với hai bàn chân như được đóng cứng trên sàn, cố làm mặt lạnh dù đang sợ chết khiếp. Dưới băng sau, Nina đang chắp tay cầu nguyện bằng tiếng Tây Ban Nha, trong khi Anna run rẩy trong từng tiếng nấc. Eliot đánh bạo choàng tay lên vai nàng, tự hỏi liệu có phải mình đang thừa nước đục thả câu không.
“Con bé sẽ ổn thôi mà,” anh cố trấn an nàng.
“Anh không biết đâu,” Anna rấm rứt nói. “Tại anh chưa thấy thằng đó đấy thôi, nó... nó...” Anna cạn lời, tưởng tượng thằng Snake đang đặt bàn tay của nó lên Jenny.
“Tụi nó không đi xa được đâu,” Eliot nói, cảm thấy áy náy khi một phần não bộ anh đang thừa nhận rằng thật thích khi được choàng vai nàng. “Mình ở thành phố kia mà,” anh nói tiếp, “cảnh sát có mặt khắp nơi.”
“Ảnh nói đúng,” Monica tiếp lời, ôm cua rộng để vượt mặt một chiếc buýt. “Cộng sự của tôi sẽ báo cáo, và tụi nó sẽ bị tóm gọn ngay cái lúc đặt chân đến sân bay.” Cũng mong là vậy, cô nói thêm với chính mình. Cô tự hỏi liệu mình có quá tự tin về việc Walter có thể tự giải thoát, hoặc đáng ra cô nên tự mình phôn về sở. Cô cũng tự hỏi liệu mình có đúng về vụ sân bay không.
“Có ai đem điện thoại di động không?” cô hỏi.
“Tôi có, nhưng không cầm theo,” Anna nói. “Chi vậy?”
“Thôi khỏi,” Monica nói. “Đằng nào cũng gần đến sân bay rồi. Mình có thể phôn từ... bà mẹ nó.”
Giao thông phía trước đang tắc nghẽn. Bà con nháo nhác ra khỏi xe, kiễng chân rướn cổ tìm hiểu nguyên nhân kẹt. Có khứa còn trèo lên mui xe để quan sát cho dễ. Ở trước nữa, giữa khoảng trống của những xe cộ, một hình thù thấp và đen sì thoắt ẩn thoắt hiện, và một người đàn ông đang hớt hải rượt theo nó.
Matt cất lời, “Đó là một con dê?”
CHIẾC XE TUẦN tiễu chậm rãi lăn bánh giữa dòng xe cộ trên lòng đường cạnh nhà ga Sân Bay Quốc Tế Miami. Snake cố đọc hiểu những biển thông báo với hàng loạt tên gọi hàng không bí hiểm – TAM, LTU, Iberia, KLM, BWIA, Lacsa – không gì trong số đó gợi lên chút manh mối nào, ít nhất là với Snake, về nơi mà bọn chúng sẽ đến.
Snake nhác thấy một đoạn lề đường trống trải ở phía trái, cạnh bên một gara đang thi công. Công trình này đáng lý phải được hoàn thành từ một năm trước, song le nhà thầu của nó lại là Pennultimate, Inc., nên chẳng lạ khi tiến độ thi công kéo dài mút chỉ và chi phí đội lên chót vót. Nguyên do là những mảng miếng của công trình – Pennultimate đổ lỗi cho các nhà thầu phụ tắc trách – cứ lụi đụi rớt miết. Lối vào gara bị phong tỏa bởi những ba-ri cũng do Pennultimate cung cấp nốt, với giá mỗi ba-ri cao gấp ba lần so với giá ngoài thị trường.
“Tấp vô kia,” Snake biểu Eddie, chỉ về phía lối vào gara.
Eddie tấp xe đến trước một ba-ri. Nó ngoái cổ nhìn Snake dò hỏi.
“Còn ngó cái gì nữa, dẹp cái đó rồi lái vô trong coi,” Snake nói.
Còn hơi sức nào tranh cãi với Snake, Eddie dời chỗ ba-ri, cho chiếc xe tuần tiễu vào trong cái ga-ra dang dở thiếu sáng, rồi nghĩ sao đó nó bỗng mở cửa chui ra khỏi xe. Trong một khoảnh khắc khi đứng đó, nó đã tính chạy luôn, ý nghĩ đó vụt biến khi nó bắt gặp ánh mắt Snake đang chĩa vào mình qua cửa sổ hậu. Nó ngán ngẩm trở vô xe.
“Đưa tao cái áo nỉ của mày coi,” Snake nói.
Eddie toan nói gì đó rồi lại thôi, quày quả cởi áo nỉ của nó ra. Chiếc áo xanh thưở nào nay tuyền một màu bụi than, dưới đó là cái áo thun một thời màu trắng, nay là màu gì không thể gọi tên. Nó đưa cái áo nỉ cho Snake, Snake phủ cái áo lên khẩu súng đang nắm trong bàn tay phải. Với bàn tay trái, nó ấn đầu Jenny xuống cho tới khi cặp mắt cô ngang hàng với họng súng.
“Em bé thấy khẩu súng này chứ?” nó hỏi.
Jenny gật đầu.
“Ra khỏi xe là nó sẽ thường trực chĩa vô bé. Bé làm gì ngu xuẩn, bất cứ gì, anh đục lỗ trên người bé liền. OK? Rõ chưa?” Nó bấm mạnh vào gáy cô.
Jenny nhăn nhó gật đầu.
“Giỏi lắm bé ngoan,” Snake hỉ hả.
Đại Rắc Rối Đại Rắc Rối - Dave Barry Đại Rắc Rối