We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 27
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chống Lại Nghị Định Thư
iểm rơi thời gian ngẫu nhiên tạo điều kiện các nhà khoa học phản đối kết thúc chiến tranh diệt cỏ mãi mãi. Các thành viên HAC và đồng nghiệp của mình thấy tổng thống Richard M. Nixon như một đồng minh vô tình của họ. Khi nỗ lực vận động phê chuẩn Nghị định thư Geneva 1925, ngài tổng thống muốn phô trương năng lực lãnh đạo toàn cầu của Mỹ để chấm dứt sự gia tăng của vũ khí sinh hóa học. Ngay sau khi trở về từ Việt Nam, các nhà khoa học của HAC và đồng nghiệp đã đảo lộn những chính sách của Nixon bằng cách chứng minh rằng chiến dịch Ranch Hand không khiến cho Mỹ trở thành một cường quốc dẫn đầu, mà là một kẻ “bị ruồng bỏ”. Câu hỏi được đặt ra là liệu chiến tranh diệt cỏ có phải cuộc chiến hóa học gây hại cho con người hay không, và do đó, có bị cấm theo Nghị định thư Geneva hay không.
Chính quyền Nixon chỉ lo chăm bẵm những mưu đồ chính trị to tát của Đại Cường Quốc mà khinh thường sự phản đối trong nước. Lúc đầu họ không để tâm đến vấn đề này bởi cho rằng các chính quyền tiền nhiệm đã coi chiến tranh diệt cỏ nằm ngoài phạm vi cấm của luật quốc tế, bao gồm cả nghị định thư. Nixon và các cố vấn ngạc nhiên khi các nhà khoa học chỉ trích cơ sở lập luận tách bạch vũ khí diệt thực vật và vũ khí gây hại cho con người của chính phủ. Arthur Galston và các đồng sự của mình thuyết phục SCFR đồng cảm với họ rằng chất hủy diệt sinh thái vi phạm cả ngữ nghĩa lẫn tinh thần của Nghị định thư Geneva. Để có được sự phê chuẩn từ Thượng nghị viện, Mỹ phải đưa ra chính sách từ bỏ sử dụng thuốc diệt cỏ trong chiến tranh.
Trong bản báo cáo chính sách đối ngoại đầu tiên trước Quốc hội vào năm 1970, tổng thống Nixon đã tuyên bố: “Thời kỳ hậu chiến trong quan hệ quốc tế đã kết thúc”. Sau đó ngài tổng thống tiếp tục đề ra kế hoạch để duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong giai đoạn thế giới bất ổn. Nixon tìm cách xét lại toàn bộ những giả thuyết định hướng chính sách chiến tranh lạnh của Mỹ kể từ chiến tranh Triều Tiên. Căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc lên cao, cùng với cuộc chiến ở Việt Nam và ảnh hưởng đang suy giảm ở liên minh Đại Tây Dương, khiến Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger tin rằng chiến tranh lạnh không còn là cuộc chiến giữa hai “khối đá tảng” trên phạm vi toàn thế giới. Đường lối quan hệ đối ngoại của Kissinger khá thực tế, và Nixon thì từ lâu đã được biết tới là một người chống Cộng cứng rắn. Hai điều này báo trước cơ hội để Mỹ thúc đẩy sự hợp tác và đối thoại chính trị với các đồng minh lẫn kẻ thù trong chiến tranh lạnh.
Trong một chiến lược mà Nixon gọi là “cấu trúc hòa bình”, nghĩa là tình trạng giảm căng thẳng mới nảy nở giữa Mỹ và khối xã hội chủ nghĩa có thể mở ra lối thoát khỏi chiến tranh tại Việt Nam bằng cách tăng sự linh hoạt trong ngoại giao và quân sự của Mỹ, từ đó giảm dần chiến tranh chống Cộng ở Việt Nam vốn là biểu tượng chính cho quyết tâm của Mỹ trong chiến tranh lạnh. Trọng tâm của chiến lược này là giải trừ quân bị, quá trình này được các nhà cầm quyền thực hiện ở hai cấp độ: (1) giảm lưu trữ các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học trên phạm vi thế giới; (2) rút một số lượng lớn binh lính từ Đông Dương về nước; thay thế bằng lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng hòa dưới sự bảo trợ của Mỹ và một vòng đàm phán mới với miền Bắc để chấm dứt chiến tranh.
Nhận ra rằng Liên Xô đã đạt được sự “cân bằng chiến lược”, hay nói cách khác là khả năng có thể giáng một đòn chí mạng xuống Mỹ và các nước đồng minh, ngài tổng thống bắt đầu một kế hoạch đầy tham vọng, hòng làm chậm cuộc đua vũ khí hạt nhân với Liên Xô bằng cách thu hẹp số lượng vũ khí hiện có và cam kết hạn chế phát triển các hệ thống vũ khí mới. Nixon cũng có ý định cắt giảm kho vũ khí sinh hóa học của Mỹ, bởi nó đã phát triển nhanh chóng từ những năm 1950, khi các chiến lược gia Lầu Năm Góc tìm cách gia tăng giá trị phòng thủ của vũ khí hạt nhân. Thời điểm ấy là gần cuối cuộc cạnh tranh siêu cường, và việc chủ động giải trừ quân bị của Nixon cho thấy khả năng hạn chế của Mỹ trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở nước ngoài; Mỹ đã chấp nhận một sự thật là thỏa hiệp sẽ an toàn hơn thách thức sức mạnh chiến lược và chính trị của Mátxcơva trên vũ đài quốc tế. Vì vậy cuộc chiến tranh lạnh sẽ vẫn tiếp diễn, nhưng sẽ không phải ở mức độ có thể gây ra chiến tranh hạt nhân.
Vào ngày 25 tháng Mười Một năm 1969, ngài tổng thống đưa ra một tuyên bố có ảnh hưởng sâu rộng về chính sách chiến tranh sinh hóa học của Mỹ, chủ yếu dựa vào phân tích của các cơ quan (lần đầu được thực hiện trong vòng 50 năm đó), bao gồm NSC, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, Cơ quan giải trừ quân bị và quản lý vũ khí (ACDA). Nixon tái khẳng định chính sách lâu dài rằng Mỹ sẽ không là quốc gia đầu tiên dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh, nhưng ông cũng cam kết sử dụng vũ khí hóa học để trả đũa (và do đó, cũng để ngăn chặn). Nhắc tới “hậu quả to lớn, khôn lường và có thể ra vượt ra ngoài sự kiểm soát” của vũ khí hóa học, ngài tổng thống từ bỏ tất cả các hình thức chiến tranh sinh học và chỉ đạo Bộ Quốc phòng chấm dứt chương trình tấn công bằng vi khuẩn. Cuối cùng, ông hứa sẽ trình Nghị định Geneva 1925 lên Thượng nghị viện xin phê chuẩn. Nhà Trắng coi Nghị định thư Geneva như một đỉnh cao chính trị và chiến lược để chủ động giải trừ quân bị, bởi đó là hiệp ước quốc tế hàng đầu cấm việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong chiến tranh. Với những thay đổi chính sách táo bạo trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân và sinh hóa học, chính quyền Nixon hy vọng có thể thiết lập một ban lãnh đạo có tư cách là cơ quan quyền lực duy nhất có thẩm quyền để giải thích Nghị định thư Geneva. Nixon tìm cách đưa việc phê chuẩn của cơ quan này thành một biểu tượng của sự lãnh đạo của Mỹ đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.
Nixon không ngờ rằng khi tái đệ trình nghị định này để phê duyệt, ông đã tạo ra một cuộc trưng cầu trong Quốc hội đối với chính sách của Mỹ về chiến tranh hóa chất và sinh học, bao gồm cả việc sử dụng hóa chất diệt cỏ cho mục đích quân sự ở Việt Nam. Những bức thư gửi tới Nhà Trắng ca ngợi sáng kiến này của Nixon, đồng thời thúc giục ông đưa thuốc diệt cỏ vào danh sách hóa chất cấm theo nghị định Geneva. Một số nhà quan sát cho rằng động thái này của Nixon sẽ tạo ra một phép màu, giúp chiến tranh diệt cỏ tại Việt Nam kết thúc nhanh chóng. Tác động của nó còn lớn hơn thế: bằng các mở ra cuộc tranh luận về vũ khí hóa sinh học, Nixon đã vô tình chuẩn bị cho một sự giao thoa giữa hai hình thái chính trị mà trong đó chiến tranh diệt cỏ nổi bật ở vị trí trung tâm. Chiến dịch Ranch Hand được tiến hành dưới thời Kennedy vào đầu thập kỷ ấy, như một sự quyết tâm của Mỹ nhằm ngăn chặn kẻ thù trong chiến tranh lạnh bằng mọi giá. Đối với phe phản đối, chiến dịch Ranch Hand biểu tượng cho sự thất bại trong việc ngăn chặn đối phương và tầm quan trọng của việc nhận thức các hình thức an ninh mới, vượt ra khỏi chia rẽ chiến tranh lạnh. Vào cuối những năm 60, việc sử dụng Chất độc da cam để tàn phá hệ sinh thái trên quy mô rộng ở Việt Nam đã sinh ra một cuộc vận động hiệu quả nhằm chấm dứt chiến tranh diệt cỏ vĩnh viễn. Dẫn đầu là các nhà khoa học của AAAS với hoạt động vận động Quốc hội, những người căm ghét chiến tranh và lo lắng vì những thông tin mà họ có được đầu tiên về hậu quả nghiêm trọng của thuốc diệt cỏ đối với con người và thiên nhiên Việt Nam.
Trong phiên điều trần trước SCFR, các nhà khoa học phản chiến lên án rằng việc hủy hoại môi trường rừng và đất trồng trọt của Việt Nam là một nỗ lực thiển cận và phản tác dụng. Thay vì ngăn chặn chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương, chiến dịch này chỉ làm hại và khiến Mỹ xa cách với những người mà Mỹ hy vọng có thể chiến thắng “con tim và khối óc” của họ. Họ cho rằng Mỹ phải nhận ra rằng việc cấm chiến tranh diệt cỏ sẽ giúp duy trì sự cân bằng tạm thời giữa sự gia tăng dân số thế giới và nguồn tài nguyên thiên nhiên cần để phục vụ nhu cầu của loài người.
Nếu như các nhà khoa học phản chiến đã cẩn thận giới hạn những cuộc vận động hành lang ở những phân tích phi quân sự, thì họ đã không dè dặt chút nào khi giải trình về luật quốc tế. Trước khi Matthew Meselson nhận lời giữ chức chủ tịch phái đoàn HAC (bảy tháng trước khi Nixon có tuyên bố về vũ khí sinh hóa học), vị giáo sư trường Harvard này đã chứng tỏ mình là một lãnh đạo giỏi về vấn đề vũ khí sinh hóa học tại Quốc hội. J. William Fulbright, chủ tịch của SCFR quyền lực và là người công khai phản đối chiến tranh Việt Nam, đã mời Meselson tới Washington vào tháng Tư năm 1969 để chia sẻ quan điểm về vấn đề này với ủy ban. Meselson quả quyết rằng những chất hóa học này không gây chết người nhưng có thể gây ra thảm họa, đơn giản vì chúng rẻ và dễ sản xuất. Ông cũng nói thêm rằng bước đầu tiên để có thể ngăn chặn sự phát triển của vũ khí sinh hóa học phải là sự tự giác. Việc Mỹ phê chuẩn Nghị định thư Geneva chỉ có giá trị giải trừ vũ khí nếu Mỹ ngưng chiến tranh hóa học ở Việt Nam và từ bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc chiến tranh tương lai. Maselson biết rằng thuốc diệt cỏ và các hóa chất khác đều có khả năng tàn phá cao; trong các cuộc chiến tương lai, dù có hay không có sự tham gia của Mỹ thì những loại thuốc này cũng có thể dẫn tới một cuộc hủy diệt thậm chí lớn hơn thảm họa hiện tại:
“Chừng nào mà chiến tranh còn xuất hiện những vũ khí gây nổ cực lớn hay bom Napan, thì việc hạn chế vũ khí sinh hóa học có nghĩa lý gì?… Chúng ta nhận ra rằng cần có các luật lệ đặc biệt áp đặt cho vũ khí hạt nhân. Sự khác biệt giữa vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân dù ở mức độ nào đi nữa cũng là có thật, rõ ràng là chúng ta rất cần phải duy trì sự phân biệt đó. Các loại vũ khí sinh hóa học giống vũ khí hạt nhân ở chỗ chúng có tiềm năng hủy diệt vô cùng lớn… Một khi đã được tạo ra, chúng sẽ vô cùng rẻ, khá dễ sản xuất và nhân rộng. Đặc biệt, chúng sẽ đe dọa cuộc sống của người dân thường”.
Trong phiên điều trần trước ủy ban Thượng viện, Meselson đã liên hệ sự nguy hiểm vốn có của việc phổ biến vũ khí hóa sinh học và “truyền thuyết” rằng loại vũ khí không hại người mà quân đội Mỹ dùng ở Việt Nam rất “nhân đạo”. Trước hết, theo quan điểm của ông, việc phát minh ra một loại hóa chất không có tính sát thương không liên quan gì đến tính “nhân đạo” - một người dù không chết cũng có thể phải sống khổ sở. Thứ hai, việc Mỹ cố “bới móc” từng câu chữ và diễn dịch chúng đã hạn chế khả năng thi hành Nghị định thư Geneva và các điều ước quốc tế khác để ngăn chặn sự phát triển của những loại vũ khí sinh hóa học “gây chết người”.
Kể từ thời còn làm việc ở ACDA, Meselson đã thấy mình mâu thuẫn với nhiều quan chức chính phủ và tướng lĩnh quân sự về chính sách vũ khí hóa sinh học. Năm 1964, chuẩn tướng về hưu J. H. Rothschild đã xuất bản cuốn sách Những vũ khí của ngày mai. Trong cuốn sách, vị tướng bày tỏ sự tán thành đối với vũ khí sinh hóa học, coi việc Mỹ sử dụng chúng thay cho vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường là vô cùng nhân đạo. Theo quan điểm của ông, vũ khí hóa sinh học nhân đạo bởi vì chúng có thể làm kẻ địch mất khả năng chiến đấu hoặc chỉ tiêu diệt một số người ít nhất có thể để đạt được lợi thế chiến thuật cao nhất. Những lời bình luận của Meselson về cuốn sách đã gạt bỏ cái logic “nhân đạo” đó bằng cách chứng minh rằng, ngay cả khi giành được chiến thắng trong chiến tranh nhờ sử dụng các vũ khí mới không gây sát thương, cũng không tàn phá thành phố, thì sự thành công của chiến thuật này cũng sẽ khiến cho nhiều đất nước nhỏ yếu hơn muốn có được loại vũ khí rẻ và dễ sử dụng này. Như Meselson đã nhận định, năm 1970, những điều Rothschild vẽ ra đã trở thành sự thật ở Việt Nam. J. W. Fulbright tán thành lập luận của Meselson. Vào tháng Hai năm 1970, ngài thường nghị sĩ đã viết thư gửi Nixon, thuyết phục tổng thống chấm dứt hoạt động của người tiền nhiệm, ngừng chiến tranh hóa học tại Việt Nam.
Những bước trước lại không có hiệu quả. Trong nỗ lực giảm thiểu và làm chệch hướng chú ý chính trị của phe đối lập về chiến tranh hóa học ở Việt Nam sau tuyên bố của Nixon, các nhà cầm quyền đã quả quyết rằng phạm vi cấm của Nghị định thư Geneva không bao gồm thuốc diệt cỏ và các chất kiểm soát bạo loạn (tên gọi khác của hơi cay, được Mỹ sử dụng rộng rãi trong chiến tranh tại Việt Nam). Nhà Trắng tìm cách tránh né các cuộc tranh luận với Liên Hiệp Quốc và ở Mỹ về mức độ tuân thủ các điều luật quốc tế của nước này. Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc đang cố gắng để có thể tiếp tục sử dụng hóa chất tàn phá cây cỏ và đánh bại đối phương, vì họ vẫn tin rằng thuốc diệt cỏ có giá trị chiến thuật rất lớn và khá vô hại ở Việt Nam cũng như các chiến trường trong tương lai. Chính sách của Nixon chỉ “bọc đường” của những quan điểm mà Meselson và các đồng nghiệp - trong khi Nhà Trắng khăng khăng bám lấy cách họ diễn dịch Nghị định thư Geneva, thì các nhà khoa học vẫn giữ quan điểm trái chiều. Trước khi HAC rời Mỹ tới Việt Nam, các thành viên của phái đoàn này đã báo với những người có uy thế ở Quốc hội về chuyến đi của họ và nói rằng những phát hiện sau này của họ sẽ rất hữu ích trong hành động phản đối Nhà Trắng. Các nhà khoa học hiểu rõ mình có thể tận dụng hiệu quả mối bất đồng giữa Nixon và Quốc hội kiểm soát bởi đảng Dân chủ. Một nhà sử học đã viết về mối quan hệ của ngài tổng thống với Quốc hội như sau: Nixon “đã tiến hành mọi việc như thể có một cuộc chiến tranh du kích trên sông Potomac (một sông lớn ở Mỹ), lẫn sông Mê Kông”.
Chiến lược của Nhà Trắng thể hiện một lối suy luận rất lạ, gần như lập tức tạo ra một hiệu ứng ngược với dự định ban đầu: Nixon tìm cách thúc ép Mỹ giải trừ quân bị để “làm gương” cho thế giới bằng cách ký một điều ước quốc tế với ý nghĩa rằng Mỹ không vi phạm nó. Vì vậy, quá trình phê chuẩn diễn ra sau đó dẫn đến một sự lựa chọn pháp lý rõ ràng trắng đen để định vị trí của Mỹ trên thế giới: liệu Mỹ có đứng ở giữa ranh giới của hòa bình và giải trừ quân bị trong chiến tranh lạnh hay không? Hay cuộc chiến tranh Việt Nam là dấu hiệu cho sự trở lại của chiến tranh hóa chất quy mô lớn chưa từng có kể từ thế chiến thứ I cùng với “chất hủy diệt sinh thái” chống lại con người, tàn phá đồng ruộng và các khu rừng ở Việt Nam?
Một báo cáo mật bị tiết lộ của CIA gửi cho tổng thống đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện về chiến lược của Nhà Trắng. Vào tháng Tám năm 1969, hai tháng trước khi các nhà cầm quyền có thông báo chính thức về chính sách vũ khí sinh hóa học, bản đánh giá của CIA đã chứng minh một giả thuyết vững chắc đang tồn tại, đó là các vấn đề chính trị liên quan tới vũ khí sinh hóa học vướng phải hoạt động chống chiến tranh có quy mô lớn hơn (và không hợp pháp): “Dư luận quốc tế gần đây tuy tranh cãi khá nhiều về vũ khí sinh hóa học, nhưng lại không đủ sức cho ra đời các thỏa thuận quốc tế mới. Những tranh cãi cơ bản về mâu thuẫn hiện tại không còn xoay quanh việc giải thích theo triết học về quy tắc “đau khổ không cần thiết” hay những luận chứng pháp lý chuyên ngành. “Thay vào đó, chúng trở thành những vấn đề chính trị trong bối cảnh giải trừ quân bị tổng thể và toàn diện.”
Theo như phát biểu này, mượn cách nói “thô” của Nixon, Nghị định thư Geneva là một công cụ mà những người phản đối chính sách của Mỹ ở Việt Nam ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới, “dúi vào tay” ngài tổng thống. Những lời tố cáo chiến tranh diệt cỏ từ các cơ quan truyền thông phe cộng sản, khiến dư luận càng nghi ngờ chính quyền Nixon hơn trong suốt những tranh cãi về Nghị định thư Geneva. Điều này lý giải sự khác nhau gần như hoàn toàn giữa mục tiêu của các nhà khoa học và của Nhà Trắng về việc Mỹ thông qua nghị định Geneva.
Các nhà khoa học khăng khăng cho rằng các cuộc tranh luận về vũ khí sinh hóa học cần phải bắt đầu từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng Nixon nhận ra cơ hội chính trị để giảm căng thẳng toàn cầu trong thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam; những gì đang diễn ra lúc đó tại Việt Nam không liên quan gì đến viễn cảnh đó. Các nhà khoa học coi nghị định thư là cơ hội hợp pháp để chấm dứt từng trạng phá hoại thiên nhiên Việt Nam và ngăn tình trạng này xảy ra với các nơi khác. Khi làn sóng phản chiến trong chính trị quốc tế và nghị viện ngày càng tăng, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của chính quyền Nixon, các nhà khoa học yêu cầu có một cuộc đối thoại chính trị về vũ khí sinh hóa học. Đối với vấn đề Việt Nam, các nhà khoa học coi Nghị định thư Geneva như một thỏa thuận buộc Mỹ phải ngừng chiến tranh và phá hủy môi trường. Họ nhấn mạnh rằng mục tiêu này cao hơn cả chính sách an ninh quốc gia trong chiến tranh lạnh.
Việc tổng thống Nixon tái đệ trình nghị định Geneva và những tranh cãi về chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam đã khơi lại một cuộc tranh luận ở Mỹ đã lắng xuống từ những năm 1920. Sau thế chiến thứ I, Mỹ đi đầu trong nỗ lực cấm sử dụng vũ khí sinh hóa học trong chiến tranh để xoa dịu nỗi lo sợ trên toàn thế giới về hậu quả đáng sợ của những khí độc được sử dụng bởi các nước tham chiến chính. Trong Hiệp ước Versailles năm 1919, phe Đồng minh chiến thắng tái khẳng định lệnh cấm khí độc, theo quy định tại Hội nghị Hòa bình tại Hague lần thứ nhất và lần thứ hai vào các năm 1899 và 1907; đồng thời cấm Đức sản xuất, nhập khẩu hóa chất hoặc các vật liệu khác để sản xuất vũ khí như vậy (Hình16). Mỹ triệu tập Hội nghị Giải trừ quân bị Hải quân Washington năm 1922, và tại đây người Mỹ đã đề xuất lệnh cấm việc sử dụng các loại khí độc. Thượng viện Mỹ nhất trí phê chuẩn hiệp ước, nhưng sự phản đối của Pháp đối với các quy định liên quan đến chiến tranh tàu ngầm đã ngăn cản thực thi thỏa thuận này.
H16
Tuy vậy, hội nghị vẫn thành công trong việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hóa học như một lý tưởng chung của các Siêu Cường quốc. Hội nghị cũng tạo nên tảng ngoại giao cho hội nghị Geneva 1925 về vấn đề Giám sát việc Buôn bán Vũ khí Quốc tế. Một lần nữa, Mỹ lại đề xuất cấm sử dụng khí độc trong chiến tranh, còn Ba Lan đề xuất cấm chiến tranh vi trùng. Dựa vào đó, hội nghị đã thảo Nghị định thư Geneva, ký vào ngày 17 tháng Sáu năm 1925, được phê chuẩn bởi tất cả các cường quốc ở châu Âu trước năm 1930. Mặc dù có sự hỗ trợ từ Ủy ban Thượng viện về Quan hệ Đối ngoại, chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ của Cục Chiến tranh Hóa học của quân đội và các công ty hóa chất đã ngăn cản Thượng viện tiến hành bỏ phiếu thông qua nghị định thư này. Gần hai thập kỷ sau, vào năm 1947, tổng thống Harry Truman chính thức rút nghị định thư khỏi Thượng viện.
Mặc dù cho tới năm 1970, Mỹ vẫn là cường quốc duy nhất không phải thành viên của Nghị định thư Geneva, các tuyên bố của quan chức Mỹ vẫn thể hiện Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những điều cấm trong luật định.
Tuy nhiên, năm 1966, Mỹ phải đối mặt với một thách thức quốc tế lớn khi khi Hungary buộc tội Mỹ vi phạm Nghị định thư Geneva với hành động sử dụng thuốc diệt cỏ và hơi cay ở Việt Nam. Đoàn đại biểu của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã bác bỏ lời buộc tội với lập luận rằng Nghị định thư Geneva chỉ cấm các loại vũ khí sát thương con người. Cuộc tranh luận đã dẫn tới Nghị quyết Đại hội đồng 2162 B (XXI), kêu gọi “tất cả các quốc gia tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc và mục tiêu” và lên án “tất cả các hành động đi ngược” các mục tiêu ấy, nhưng không đề cập tới các loại vũ khí cụ thể nằm trong danh sách cấm. Khi đó quân đội Mỹ đã tiến hành chiến tranh hóa học tại Việt Nam nên sự mập mờ này càng có lợi cho Mỹ. Nghị quyết thông qua với tỉ lệ 90 phiếu thuận - 1 phiếu chống, 1 phiếu trắng, nhưng quan trọng hơn là nó đã thể hiện sự ủng hộ rộng rãi đối với việc thực thi nghị định thư và đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đã buộc phải biện minh cho chính sách quân sự của mình tại Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc.
Tranh luận về vấn đề này ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vẫn kéo dài. Trong hai năm tiếp theo, Đại hội đồng đã thông qua một loạt các nghị quyết kêu gọi tất cả các nước phải tuân theo cách diễn giải Nghị định thư Geneva theo hướng mở rộng. Cuối cùng, Nghị quyết 2603 (XXIV) ngày 16 tháng 12 năm 1969 (được đại sứ Thụy Điển đưa ra bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc) đã nhắm vào chính sách của Mỹ tại Việt Nam ở hai cấp độ. Trước hết, nghị quyết khẳng định phải tuân thủ nghiêm chỉnh Nghị định thư Geneva “dù kỹ thuật có phát triển đến mức nào”, từ đó đưa nghị định thư trở thành một thỏa ước mở linh hoạt, có khả năng cấm một loạt các loại vũ khí sinh hóa học dù chúng chưa được phát minh vào thời điểm năm 1925. Thứ hai, nghị quyết bác bỏ cách diễn dịch của Mỹ khi cho rằng Nghị định thư Geneva chỉ áp dụng lệnh cấm đối với các loại vũ khí sát thương, trong khi nghị quyết định nghĩa chất hóa học trong chiến tranh là “chất hóa học - dù ở dạng khí, lỏng hay rắn - được sử dụng vì có tác động độc hại trực tiếp lên con người, động vật và thực vật”. Với số phiếu thuận áp đảo, nghị quyết là dấu hiệu rõ ràng cho thấy luật tập quán quốc tế không phân biệt máy móc chất độc có hại cho con người và chất độc có hại cho môi trường. Nghị định thư được thông qua với tỉ lệ 80 phiếu thuận - 3 phiếu chống, 36 quốc gia bỏ phiếu trắng bởi họ cho rằng Đại hội đồng không phải là diễn đàn thích hợp cho việc diễn giải luật công ước. Cùng với Mỹ, có hai quốc gia có lý do để phản đối nghị quyết này: Quân đội Úc cũng tham gia vào hoạt động diệt cỏ ở Việt Nam, còn Bồ Đào Nha thì dùng thuốc diệt cỏ để đàn áp cách mạng ở Angola.
Chiến lược chính của các nhà khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ tại miền Nam Việt Nam là liên kết mục tiêu bảo vệ thiên nhiên trong chiến tranh với mục tiêu bảo vệ dân thường không tham chiến như phiên tòa Nuremberg sau thế chiến thứ II đã quy định. Nếu như khái niệm “nạn diệt chủng” có một sức nặng đạo đức đủ để cấm tiêu diệt một dân tộc có chủ đích, thì có thể khái niệm “hủy diệt sinh thái” cũng có giá trị tương tự với những tổn thất ngoài con người trong chiến tranh. Học giả luật học Richard Falk khẳng định: “Chắc chắn không có gì là cường điệu khi coi các khu rừng và cây trồng bị tàn phá bởi chất độc da cam như là một trại tập trung Auschwitz đối với môi trường.” Vào đầu những năm 1970, các nhà khoa học phản chiến - giờ đã có trong tay các thông tin trực tiếp về hậu quả của chiến dịch Ranch Hand - đã có thể đưa ra quan điểm trước quốc hội, nơi càng ngày càng nhiều dân biểu mong muốn đẩy mạnh để kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt. Đối với các nhà khoa học, câu hỏi thuốc diệt cỏ có thuộc danh mục vũ khí cấm theo Nghị định thư Geneva hay không không chỉ phụ thuộc vào giá trị pháp lý của việc diễn giải các điều luật quốc tế. Chừng nào mà việc kết thúc chiến tranh Việt Nam vẫn là một mục tiêu xa vời, thì việc cấm (thông qua bất cứ phương tiện nào có sẵn) ít nhất một chiến thuật phá hủy môi trường cũng có thể kết thúc ít nhất một phương diện chiến tranh ngay từ đầu đã bị phản đối.
Vấn đề hủy diệt sinh thái như một chiến thuật chiến tranh vô nhân đạo không phân biệt dân - lính đã trở thành một chủ đề chung trong cuộc tranh luận của quốc hội. Thượng nghị sĩ Stephen Young của bang Ohio là một trong những người đưa ra mối liên hệ rõ ràng giữa chiến tranh môi trường và việc giết hại người vô tội một cách bừa bãi: “Ngoài những thống kê thương vong của Việt Cộng và người miền Bắc Việt Nam, hơn nửa triệu phụ nữ, trẻ em và người già bị giết hoặc chịu thương tật suốt đời do bom đạn, bom napalm và thuốc rụng lá của chúng ta”.
Ngày 26 tháng 12 năm 1970, AAAS phát hành “Nghị quyết về chất khai quang”, trong đó kêu gọi chính phủ “nhanh chóng chấm dứt việc sử dụng tất cả các chất diệt cỏ ở Việt Nam.” Cùng hôm đó, chính quyền Nixon thông báo kế hoạch “chấm dứt sử dụng thuốc diệt cỏ một cách quy củ nhưng nhanh chóng”. Việc kết thúc chiến dịch Ranch Hand coi như đã định từ tháng 10, nhưng các tranh luận sắp tới của Thượng viện về Nghị định thư Geneva vẫn đang chờ dấu hiệu xúc tiến từ phía Nhà Trắng.
AAAS là tổ chức đầu tiên tiến hành tìm hiểu về các ảnh hưởng tới sức khỏe của con người trước cuộc tấn công bằng hóa học vào quần thể thực vật ở Đông Dương. Chiến lược quân sự của Mỹ coi môi trường tự nhiên Việt Nam là trở ngại chiến thuật cần phải gạt bỏ. Quân đội Mỹ không muốn mất đi khả năng đàn áp quân du kích nhanh chóng và không muốn bị “bó chân bó tay” khi lập kế hoạch cho các cuộc chiến tranh đàn áp cộng sản trong tương lai. Một bản báo cáo bị rò rỉ của Công binh lục quân Mỹ năm 1971 cho thấy Lầu Năm Góc coi chiến tranh diệt cỏ là một phần không thể thiếu của kế hoạch cho các trận chiến sau này. Các kịch bản chiến tranh có tên mã là SPECTRUM (quang phổ) dự kiến dùng nhiều thuốc diệt cỏ trong các hoạt động đàn áp ở Cuba, Ethiopia, Venezuela, trong các hoạt động quân sự thông thường ở bán đảo Triều Tiên và để chống lại quân đội thuộc khối Warsaw ở Pháp cũng như các nước khối Benelux. Theo kịch bản SPECTRUM, mục tiêu chính trị của việc giảm căng thẳng không ảnh hưởng gì tới khía cạnh quân sự sau chiến tranh Việt Nam. Mặc dù Nixon từng có những lời mỹ miều về việc phát triển một “cấu trúc hòa bình” nhưng Lầu Năm Góc rõ ràng vẫn đang lập kế hoạch cho các trận chiến tương lai chẳng khác gì cuộc chiến ở Việt Nam.
Bản báo cáo lý giải vì sao Lầu Năm Góc không coi việc bảo vệ môi trường Việt Nam là mục tiêu cần coi trọng. Quan trọng hơn, bản báo cáo cũng giúp ta hiểu vì sao khi các quan chức quân sự điều trần trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Quốc hội không đếm xỉa gì đến việc những thế lực dân sự không phận sự lại bàn về việc ra quyết định chiến lược (trừ những nhà thầu quốc phòng theo hợp đồng như Tập đoàn RAND). Vì thế AAAS mặc nhiên gánh lấy trách nhiệm đứng đầu hoạt động điều tra về thuốc diệt cỏ, và nhanh chóng khẳng định mối lo ngại của các nhà khoa học yêu cầu nghiên cứu sinh thái ngay từ đầu là có thật. Thành tựu đáng kể của AAAS là đã đưa ra ánh sáng việc phá hủy môi trường thiên nhiên quy mô cực lớn ở Việt Nam bằng hóa chất như một tội ác chiến tranh không thể nào biện minh được trong bất cứ trường hợp nào. Dựa trên liên minh chặt chẽ với Quốc hội đang ngày càng đứng về phía phong trào môi trường và phản đối chiến tranh Việt Nam, AAAS khiến chính quyền Nixon không thể phê chuẩn nghị định Geneva theo cách diễn giải họ muốn.
Một loạt hoạt động nhằm yêu cầu đánh giá lại toàn diện vũ khí sinh hóa học, mà đỉnh điểm là thông báo đầy bất ngờ vào tháng 11 năm 1969 của Nixon khởi nguồn từ Bộ trưởng Bộ quốc phòng Melvin Laird trước đó bảy tháng. Vốn là một đại biểu quốc hội lâu năm và có sức ảnh hưởng lớn đến từ Wisconsin, Laird được Nixon đưa lên điều hành Lầu Năm Góc bởi ông nổi tiếng là một nhà chính trị gia và quan chức đại tài. Như dự đoán, Laird kêu gọi đánh giá lại vũ khí sinh hóa học với mục đích nhắm vào Quốc hội; ông dự đoán rằng một cuộc đánh giá lại tổng thể tiến hành bởi NSC sẽ chặn bớt tinh thần phản chiến đang lên cao và cho thấy rõ chính sách của Mỹ về vũ khí sinh hóa học tôn trọng các quy tắc quốc tế (hình 17).
H17
Henry Kissinger đồng ý chỉ huy cuộc nghiên cứu, kết quả của nó đặt nền tảng cho định hướng chính sách của Nixon ban hành ngày 25 tháng 11. Có thể nói NSC giải quyết hầu hết các vấn đề nổi cộm về vũ khí sinh hóa học. Việc này hữu ích cả về mặt chính trị lẫn chiến lược: việc Nixon đơn phương chấm dứt sử dụng độc tố (tức những chất hóa học có độc tính do cơ thể sống tiết ra) và các phương pháp chiến tranh bằng vũ khí sinh học giúp chính sách của Mỹ phù hợp với Ủy ban Giải trừ Quân bị Geneva. Cuộc đàm phán giữa hai bên được tiến thành từ tháng 7 năm 1969. Nghị quyết cuối cùng được ký bởi Anh, Mỹ và Liên Xô vào tháng Năm năm 1972. Giống như Nghị định thư Geneva, văn bản này ghi nhận và ngăn chặn kỷ nguyên kinh hoàng của vũ khí sinh học vốn có khả năng tự tái sinh ngoài tầm kiềm soát và tàn phá cả một vùng đất mênh mông. Lời khẳng định không chủ động sử dụng trước vũ khí hóa học của tổng thống đã thành toàn sáng kiến giải trừ quân bị của ông, và sớm nhận được sử ủng hộ vững chắc từ hai đảng. Tiêu biểu là ý kiến của đại biểu quốc hội Robert Kastenmeier, một đảng viên đảng Dân chủ đến từ Wisconsin: “Tuyên bố của tống thống ngày 25 tháng 11 về chính sách chiến tranh sinh hóa học trong tương lai được hoan nghênh trên cả nước và toàn thế giới. Tôi nghĩ đây là một bước quan trọng trong con đường giải trừ quân bị, và việc lựa chọn thời gian bắt đầu các cuộc đàm phán SALT là hoàn toàn hợp lý. Việc chúng ta chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chiến tranh sinh học thể hiện sự đảo ngược trong xu hướng đã tồn tại từ lâu, đó là sử dụng trình độ công nghệ để tạo ra những phương tiện hiệu quả để tiêu diệt chính mình”.
Nếu chỉ tập trung xét tới những gì đã hứa hẹn, chứ không phải những điều bỏ sót, thì sáng kiến của ông Nixon rất tốt. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lên tiếng rằng Nhà Trắng chỉ cấm sử dụng vũ khí sinh hóa học mà Mỹ tích trữ, chứ không hạn chế những loại vũ khí đã được quân đội sử dụng trên thực tế.
Những điểm cộng chính trị mà Nixon có được nhờ sáng kiến chấm dứt sử dụng vũ khí sinh hóa học lại mất ngay sau đó vào cuộc tranh luận về Nghị định thư Geneva. Vào cuối năm 1969, một năm trước khi chiến dịch Ranch Hand kết thúc, những nỗ lực của chính quyền trong việc ngăn chặn nỗi lo về ngày tận thế vì bệnh than tỏ ra bất lực trước mối quan tâm ngày càng lớn của dư luận đối với những gì đang thực sự diễn ra ở Việt Nam. Về cơ bản, ngài tổng thống đã đẩy mình vào một nhiệm vụ bất khả thi, đó là thảo ra các chính sách trong tương lai mà không lường hết mức độ quyết tâm của người dân và những người làm luật trong việc ngăn cản một cuộc chiến như ở Việt Nam có thể lặp lại. Lập trường không lay chuyển về thuốc diệt cỏ của chính quyền Nixon gửi đi thông điệp rõ ràng rằng họ sẵn sàng sử dụng chúng một lần nữa.
Chính quyền Nixon đã trì hoãn tới gần một năm trước khi gửi Nghị định thư Geneva tới thượng nghị viện bởi tranh cãi nội bộ kéo dài về cách vượt qua dư luận chính trị về vấn đề chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Tuy vậy, không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng họ nghiêm túc xét tới khả năng chấp nhận cách diễn giải mở rộng của nghị định, tức là đưa thuốc diệt cỏ và hơi cay vào danh sách bị cấm chính thức. Những cuộc thảo luận chính trị của giới cầm quyền không tập trung vào câu hỏi liệu những hóa chất sử dụng ở Việt Nam có vi phạm Nghị định thư Geneva hay không, mà là làm thế nào để tránh được vấn đề nhạy cảm này. Thực tế thì Mỹ không phải là nước tham gia Nghị định thư Geneva và do đó về mặt pháp luật, Mỹ không bị ràng buộc bởi các điều luật ấy. Tuy nhiên, điều này thật không thích hợp khi mà tổng thống đang xây dựng hình ảnh của nước Mỹ như một người đảm bảo luật quốc tế, hòa bình thế giới và giải trừ quân bị. Hơn nữa, việc Nhà Trắng công nhận tính hợp pháp của việc sử dụng hóa chất trong chiến tranh Việt Nam đã làm sụp đổ lời khẳng định từ trước đến nay của chính phủ rằng Mỹ luôn tôn trọng Nghị định thư Geneva. Ít nhất, một lời thừa nhận như vậy không khác gì một hành động đáng tiếc mà Mỹ vô tình mắc giữa cao trào cuộc chiến. Tồi tệ hơn, nó đặt chính quyền Nixon vào một câu hỏi khó: tại sao họ lại sử dụng chính những chiến lược chiến tranh mà họ xem là bất hợp pháp.
Cần hẳn một chiến lược rắc rối để tránh câu đố chính trị này. Chính phủ gắng tìm cách biến báo sao cho Thượng nghị viện phê chuẩn nghị định. Một bản thư báo gửi tới Nixon do Bộ ngoại giao và quốc phòng soạn thảo của ACDA đã đưa ra ba lựa chọn:
1. Gửi một văn bản công khai tới thượng nghị viện và những nước tham gia nghị định Geneva khẳng định rằng Mỹ không coi thuốc diệt cỏ và hơi cay là những chất cấm trong nghị định thư.
2. Mở cuộc đối thoại với thượng nghị viện và các đảng phái ủng hộ về theo nghị định thư để nói rõ cách diễn giải của Nhà Trắng nhưng tránh cách nói dẫn tới phương án một.
3. Giống như cách hai, nhưng chính quyền Nixon chỉ đối thoại với thượng nghị viện chứ không nói gì về cách giải thích nghị định thư của Mỹ với các đảng ủng hộ nghị định.
Bức thư báo đánh giá phe phản đối cách hiểu nghị định thư theo nghĩa hẹp của Mỹ đang áp đảo. Do đó, mục tiêu đặt ra là phải tái đệ trình Nghị định thư Geneva như thế nào để quan điểm của Nhà Trắng không bị bác bỏ hoàn toàn. Khả năng xảy ra điều này khá cao, trong Thượng viện lẫn các đảng phái đương thời. Thượng nghị viện chỉ cần tập trung phản đối lập trường của Nhà Trắng rằng nghị định thư không cấm thuốc diệt cỏ. Trên bình diện quốc tế, các nước theo nghị định này có thể từ chối tiếp nhận Mỹ tham gia nghị định thư và/hoặc đưa vụ việc ra tòa án quốc tế yêu cầu thi hành tập quán quốc tế.
Chính quyền Nixon muốn hưởng uy tín khi đề nghị tham gia Nghị định thư Geneva nhưng lại không muốn dính dáng gì đến những điểm gây tranh cãi liên quan tới vấn đề này lúc đầu. Vì vậy, lộ trình tham gia nghị định thư mang tính bề ngoài hơn là thực chất. Vì thật ra chiến dịch Ranch Hand đã bắt đầu kéo màn, nên những đối thoại và quá trình đệ trình nghị định thư tới lui của chính phủ trở nên chẳng liên quan gì tới thực tế sử dụng thuốc diệt cỏ tại Việt Nam.
Ngài tổng thống cho rằng, nếu chỉ giải trình chính thức Nghị định thư Geneva cho riêng Thượng viện thôi thì sẽ giảm thiểu tối đa trách nhiệm chính trị, thậm chí còn có cơ sử dụng thuốc diệt cỏ trước (chứ không chỉ trong trường hợp trả đũa) trong các cuộc chiến sau này. Giải trình này nói rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ với mục đích như vậy đều phải có sự phê chuẩn trực tiếp từ tổng thống cũng như tuân theo các tiêu chuẩn sử dụng thuốc diệt cỏ an toàn trong nước. Đây là một chiến lược nước đôi, được lập ra một tuần trước khi nghị quyết được tái đệ trình lên Thượng nghị viện, nhằm chứng tỏ quyết định dùng thuốc diệt cỏ sau này sẽ không giao cho các quan chức quân sự cấp thấp, và cũng không sử dụng bất cứ chất hóa học nào có hại đối với con người (ví dụ như Chất độc da cam) trong chiến tranh.
Vào ngày 19 tháng Tám năm 1970, Nixon đệ trình Nghị định thư Geneva lên thượng nghị viện kèm thông điệp nhắc lại đề xuất chính trị tháng Mười một của mình, cụ thể là đề xuất từ bỏ tất cả các vũ khí sinh học, và chỉ sử dụng vũ khí hóa học để đáp trả các hành động tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân nhằm vào Mỹ. Để đảm bảo nghị định thư được phê chuẩn, Nixon đã gặp các lãnh đạo của thượng nghị viện trước hôm đó. Trong một báo cáo kèm theo, bộ trưởng bộ ngoại giao William Rogers đã trình bày những tiêu chuẩn thực thi chính thức một cách tỉ mỉ, mà Pháp, Anh và Liên Xô cũng đồng thuận. Những tiêu chuẩn thực thi này sẽ cho phép (ví dụ như miễn cho một nước nào đó các nghĩa vụ chấp hành nghị định thư) các hành động trả đũa bằng hóa chất nếu Mỹ bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Rogers tái khẳng định tuyên bố của ngài tổng thống rằng “Mỹ luôn tuân thủ các quy tắc và mục tiêu của nghị định thư”. Ông ta cũng nhấn mạnh Mỹ cần phải tham gia “nghị định thư quốc tế nền tảng” cấm chiến tranh hóa học và sinh học. Về vấn đề chính quyền Mỹ chỉ diễn giải nghị định một cách hạn chế, Rogers giải thích: “Theo cách hiểu của Mỹ nghị định thư không cấm sử dụng thuốc diệt cỏ và hơi cay trong chiến tranh. Vũ khí tạo khói, lửa và bom Napan cũng không bị cấm theo nghị định thư”.
SCFR bắt đầu phiên điều trần về nghị định Geneva vào tháng Ba năm sau, không khí chung là phản đối lập trường của chính phủ. Ủy ban tập hợp một danh sách nhân chứng bao gồm các học giả pháp lý, các nhà khoa học và các chính trị gia chỉ trích cách diễn giải nghị định của Nhà Trắng. Bên cạnh đó, chiến dịch Ranch Hand và những tranh cãi xung quanh 2,4,5-T có khá nhiều tiếng xấu trên các kênh truyền thông. Tháng trước, nghị sĩ Gaylord Nelson bang Wisconsin - người lập ra Ngày Trái Đất vào năm 1970 và sau này trở thành người có tiếng nói chính trong các vấn đề môi trường ở Quốc hội - đề nghị rằng nếu thượng nghị viện phê chuẩn Nghị định Geneva thì tuyên bố cần có thêm phát biểu sau đây: “Khi Thượng viện đồng ý phê chuẩn nghị định này, thượng viện hiểu rằng nội dung Nghị định thư Geneva có cấm sử dụng thuốc diệt cỏ trong chiến tranh”.
Trong tuyên bố của mình, các quan chức cầm quyền đã nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của chiến lược giải trừ quân bị của Nixon nhằm đánh lạc hướng vấn đề chiến tranh Việt Nam. Thượng nghị sĩ J. William Fulbright đến từ Arkansas, chủ tịch của SCFR, đã cố gắng dồn trợ lý bộ trưởng bộ quốc phòng, G. Warren Nutter theo cách tương tự:
Chủ tịch: Nếu có quốc gia nào đó coi việc sử dụng những vũ khí này của chúng ta là một tội ác quốc tế, ngài nghĩ sao?
Ngài Nutter: Coi những vũ khí này là tội ác?
Chủ tịch: Phải, có ai khẳng định điều đó không?
Ngài Nutter: Không, thưa ngài. Tôi chưa nghe thấy nước nào xem việc sử dụng hơi cay và thuốc diệt cỏ là tội ác cả.
Chủ tịch: Tôi đã đọc nhiều bài báo thể hiện nỗi lo lớn về hậu quả của các loại vũ khí này, đặc biệt là thuốc diệt cỏ, và ngày càng có nhiều người trong chúng ta lo lắng về sự ô nhiễm đối với hành tinh này. Có rất nhiều người, bao gồm cả những người Mỹ, cho rằng việc phá hủy rừng và mùa màng là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Điều này là có thực phải không?
Các thượng nghị sĩ tại phiên điều trần tỏ ra vô cùng thiếu kiên nhẫn với những quan điểm pháp lý “giả tạo” của chính phủ cũng như những lời khẳng định về tính cần thiết về mặt chiến thuật của thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, những nhân chứng lại tỏ ra nhẹ nhàng hơn; đặc biệt là các nhà khoa học: Arthur Galston và hai thành viên của phái đoàn nghiên cứu của AAAS, Matthew Meselson và Arthur Westing. Tất cả đều thuyết phục phê chuẩn nghị định Geneva với cách diễn giải không hạn chế. Westing tự giới thiệu về chuyên môn khoa học của mình, với tư cách là một nhà lâm nghiệp học, thực vật học và có kinh nghiệm “tai nghe mắt thấy” về thuốc diệt cỏ, trong các cuộc nghiên cứu thực địa ở Việt Nam cũng như với tư cách là một chuyên gia thuốc diệt cỏ trong Cục kiểm lâm của Mỹ, nhằm bảo vệ cách lý giải của riêng mình về nghị định thư. Theo quan điểm của Westing, thuốc diệt cỏ “ít nhất cũng có độc đối với loài người và các động thực vật sống khác”, vì vậy phải bị cấm như các loại vũ khí sát thương theo Nghị định thư Geneva. Arthur Galston một lần nữa tuyên bố phải giải quyết nạn hủy diệt sinh thái ở Đông Dương như cách các phiên tòa Nuremberg đã xử nạn diệt chủng. Sau đó, ông nhắc lại lời của Rachel Carson về giới hạn công nghệ trong Mùa xuân im lặng, cũng như lời kêu cứu khẩn thiết trước ngày tận thế của Paul Ehrlich trong cuốn Bom dân số:
“Hãy để tôi nói cho bạn biết tại sao, là một nhà sinh học, tôi tin rằng cần phải cấm sử dụng thuốc diệt cỏ và chất khai quang trong chiến tranh. Ngày nay, con người có đầy đủ điều kiện để coi mình là bá chủ trong mọi lĩnh vực họ vươn tới. Năng lực của con người khi chạm tới đáy biển hay bề mặt của mặt trăng, hay bay ở tốc độ siêu âm, hay tách được các phân tử ra, cũng như việc chế tạo được những cỗ máy vi tính phức tạp khiến người ta tưởng rằng không có giới hạn nào về khoa học hay kỹ thuật nào mà họ không thể vượt qua… Thái độ của họ chính là một sai lầm nguy hiểm vì không thấy được “gót chân Asin” của chính mình.
Vì loài người không thể sống ngoài vòng tay thực vật. Họ thực sự phụ thuộc và không thể tìm được thứ gì khác thay thế lớp che phủ màu xanh tồn tại tạm thời trên phần đá bị phân rã mà chúng ta gọi là đất… Hiện tại dân số thế giới đã là 3,5 tỉ người và ước tính sẽ tăng gấp đôi trong vòng 30 năm nữa, chúng ta phải cày phá mọi nơi trên Trái Đất để lấy thức ăn nuôi con người, lấy sợi để dệt quần áo, lấy gỗ để xây nhà và sưởi ấm, cũng như vô vàn thứ khác không sao nói hết”.
Thượng nghị sĩ Fulbright nói với Galston rằng những lời phát biểu của ông “cần phải được người dân cả nước biết đến”.
Bên cạnh việc giúp cuộc điều trần trở nên sôi nổi hơn và không chỉ giới hạn trong cuộc tranh cãi mù mờ xoay quanh những lời đao to búa lớn của nghị định; quan điểm sinh thái đó đã đưa ra trước ủy ban Thượng viện lối lập luận ngược hẳn với cách diễn dịch bó hẹp nghị định thư mà chính phủ Nixon không thể phủ nhận. Arthur Galston và đồng nghiệp đã cho thấy tầm vóc ý nghĩa của chiến tranh diệt cỏ vượt xa khỏi chiến lược quân sự chống Cộng theo thiết kế ban đầu. Sự phản đối của các nhà khoa học đối với thuốc diệt cỏ trong chiến tranh biến nó thành một trong những cuộc tàn phá thiên nhiên và loài người tồi tệ nhất, và cái hại từ nó to lớn hơn nhiều so với giá trị chiến thuật của loại thuốc này, như mô tả khoa trương của những người ủng hộ chiến dịch Ranch Hand. Những tranh luận xoay quanh việc phê chuẩn nghị định Geneva hàm chứa những nhân tố làm nảy sinh cuộc tranh luận lớn trong thập kỷ tiếp theo: Liệu chúng ta có thể cân bằng giữa tiến bộ công nghệ, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được không? Dĩ nhiên, không thể có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề này. Tuy nhiên, xét ở góc độ lập pháp, Nghị định thư Geneva cho các thành viên ủy ban thấy rõ lựa chọn cần thiết.
Thay mặt cho SCFR, thượng nghị sĩ Fulbright đã viết thư cho tổng thống vào ngày 15 tháng Tư năm 1971, thuyết phục Nhà Trắng xem xét lại vấn đề diễn giải nghị định Geneva theo nghĩa hẹp để tránh bị bác bỏ hoặc sửa đổi toàn bộ khi đưa ra bỏ phiếu tại Thượng nghị viện. Mặc dù Fulbright có bày tỏ lòng ngưỡng mộ với Nixon sau những bước tiến mà ông đã tạo ra trong việc giải trừ vũ khí cũng như tái đệ trình nghị định thư, nhưng ông cũng chỉ rõ rằng chính quyền của ngài tổng thống đang bị cô lập: họ đang đi ngược lại xu thế dư luận quốc tế đại diện là Liên Hiệp Quốc, và việc làm của họ sẽ phủ nhận mục tiêu cơ bản của việc hạn chế sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Fulbright thừa nhận rằng cách hiểu Nghị định thư Geneva còn khá mập mờ. Tuy nhiên, ông cho rằng rõ ràng vũ khí diệt cỏ có tác hại vô cùng khủng khiếp đối với môi trường, do đó, nên bị cấm hoàn toàn và mãi mãi. Fulbright kết thúc bức thư với lời kêu gọi bản ngã và bản năng chính trị của Nixon: “Nếu chính phủ có tầm nhìn sâu rộng hơn về lợi ích của nước ta, tôi nghĩ sẽ không có sự phản đối lớn nào, dù trong hay ngoài nước Mỹ. Trái lại, cá nhân tôi tin rằng nếu các ngài chủ động làm vậy, hành động ấy sẽ được xem là biểu hiện của lòng can đảm và đạo đức thực sự.
Nhà Trắng không trả lời Fulbright ngay, cũng không phản hồi về nghị quyết của thượng nghị viện và nhiều lời kêu gọi từ những thành viên Quốc hội khác yêu cầu bỏ cách diễn dịch hạn hẹp nghị định để tiến hành phê chuẩn nghị định ngay. Lịch sử lại sắp lặp lại: sự bế tắc giữa Fulbright và Nixon báo hiệu rằng một lần nữa, Mỹ sẽ không thể tham gia nghị định Geneva. Thay vào đó, chính quyền chọn cách tạm tránh dư luận cho đến khi họ có trong tay kết quả nghiên cứu thực địa mới được tiến hành trong thời gian diễn ra các cuộc điều trần trước thượng nghị viện. Sau một thời gian im lặng, ngài tổng thống yêu cầu NSC đánh giá lại tất cả các chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam về mặt lợi ích quân sự, hậu quả đối với môi trường và những trách nhiệm chính trị đối với quốc tế và trong nước. NSC hoàn thành báo cáo vào tháng Chín năm 1971. Mặc dù Quốc hội đã cử NAS thực hiện một khảo sát độc lập về chiến tranh diệt cỏ vào tháng Mười năm 1970, nhưng Nhà Trắng vẫn muốn có một bản báo cáo nội bộ trước năm 1974, thời điểm NAS công bố kết quả của mình. Bản báo cáo của NSC một lần nữa nhấn mạnh lợi ích quân sự của thuốc diệt cỏ và hơi cay, đồng thời cũng nhắc tới những trách nhiệm chính trị của việc sử dụng hóa chất trong chiến tranh. Đó là bản báo cáo đầu tiên tìm hiểu nghiêm túc về mặt lợi và mặt hại của việc chấp thuận với những lời thuyết phục của Fulbright, mặc dù chính quyền giữ bí mật về việc tham vấn SCFR.
Văn bản về các phiên điều trần của quốc hội thường được in và sẵn sàng công bố ngay sau khi kết thúc. Nhưng Fulbright đã trì hoãn việc công khai đến dư luận tới tháng Tám sau đó, khi mà ông thấy không hề có dấu hiệu cho thấy chính quyền sẽ thay đổi quan điểm. Việc công bố bài tường thuật về phiên điều trần vì thế trở thành một hành động chính trị; Fulbright muốn làm cho cuộc tranh luận bùng nổ trở lại; đặc biệt vì Hội nghị Geneva về giải trừ quân bị vừa được thỏa thuận xong, và Nhà Trắng đã trình nghị định thư tới Thượng nghị viện để được phê chuẩn. Dù chính sách hủy kho vũ khí vi khuẩn theo sáng kiến của Nixon vào năm 1969 là phù hợp với nghị định, SCFR coi việc phê chuẩn đó mở ra hướng mới cho Nghị định thư Geneva đang rơi vào ngõ cụt. Sau đó, vào cuối năm 1972, toàn bộ chiến lược về vũ khí sinh hóa học của chính quyền Nixon dậm chân tại chỗ, cho tới khi ngài tổng thống từ chức vào tháng Tám năm 1974. Nghị định thư Geneva không còn là một vấn đề lớn đối với ủy ban khi Nixon mải tập trung vào việc rút những đợt lính cuối cùng từ Việt Nam về Mỹ và cố gắng che đậy vụ bê bối Watergate. Thay vì đóng vai trò làm cột mốc đánh dấu những chính sách giảm căng thẳng mới của Nixon, Nghị định thư Geneva lại trở thành một tín hiệu sớm cảnh báo một nhiệm kỳ tổng thống khủng hoảng.
Vào cuối năm 1974, tổng thống Gerard R. Ford tái khởi động nỗ lực tìm ra tiếng nói chung với SCFR về vấn đề nghị định, với mục đích chính là để đưa nước Mỹ thoát khỏi cái mà ông gọi là “cơn ác mộng dài của đất nước”. Đáng chú ý là, Henry Kissinger, với tư cách là ngoại trưởng, lại không được cử làm đại diện cho Nhà Trắng tới làm việc với SCFR: vì được coi là một biểu tượng cho sự tiếp diễn của “thời kỳ Nixon”, Kissinger không thích hợp để thực hiện một nhiệm vụ nhạy cảm như thế này. Thay vào đó, Ford cử Fred Ikle, giám đốc của ACDA, làm đại diện dàn xếp. Ikle đã trình bày về một hướng lựa chọn ban đầu do NSC đề xuất vào tháng Tư năm 1974, khi Nixon còn đương nhiệm. Vào ngày mùng 10 tháng Mười Hai, Ikle thông báo với SCFR rằng Nhà Trắng đã sẵn sàng thông báo chính sách quốc gia về việc không chủ động sử dụng thuốc diệt cỏ và hơi cay trước trong chiến tranh “như một vấn đề chính sách quốc gia”, nhưng thuốc diệt cỏ vẫn có thể được sử dụng để khai quang xung quanh các căn cứ quân sự của Mỹ.
“Dư địa” này cho thấy rằng Lầu Năm Góc vẫn bám lấy niềm tin lâu dài vào lợi ích chiến lược của những loại vũ khí kia, dù cho có phải trả giá chính trị như thế nào. Cụm từ “vấn đề chính sách quốc gia” tránh thừa nhận rõ ràng rằng Nghị định thư Geneva cấm chủ động sử dụng thuốc diệt cỏ và hơi cay. Chính quyền Ford chưa sẵn sàng để đưa ra một cách giải thích ngược hẳn trước đây cho nghị định Geneva, vì như thế chứng tỏ những chính sách của Mỹ trước đây đã vi phạm các điều luật cấm. Hơn nữa, các quan chức quân sự cũng ngụ ý rằng chương trình tổng thể về chiến tranh hóa học của Mỹ không bị ảnh hưởng gì.
Mặc dù đã đưa ra những lời lẽ hết sức thận trọng để tránh bị ràng buộc về mặt pháp lý, Fred Ikle vẫn cố thuyết phục các thành viên đang hoài nghi của SCFR rằng quan điểm của Nhà Trắng là “tuân thủ chặt chẽ với quá trình phê duyệt nghị định thư của Thượng nghị viện từ trước tới nay, với sự chấp thuận tùy thuộc vào tính tuân thủ nghị định của Nhà Trắng. Nếu sau này chính phủ thay đổi chính sách này mà không có sự đồng ý của thượng nghị viện, dù là thông qua hành động thực tế hay thay đổi chính sách chính thức, thì điều đó là mâu thuẫn với quá trình phê chuẩn từ trước tới nay, có thể gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Vì vậy hoàn toàn không có khả năng xảy ra.”
Ủy ban đồng ý với dự đoán chính trị này và bỏ phiếu nhất trị đưa nghị quyết về Nghị định thư Geneva cũng như Công ước về vũ khí sinh học ra trước Quốc hội, theo hướng liên kết hai hiệp ước của Fulbright. Vào ngày 16 tháng Mười Hai, Thượng nghị viện cũng nhất trí tán thành cả hai. Vào ngày 22 tháng Một năm 1975, Ford chính thức ký vào các văn kiện phê chuẩn Nghị định thư Geneva, gần 50 năm sau khi Mỹ lần đầu đề xuất. Hai năm sau, quân đội Mỹ chuyển phần Chất độc da cam còn thừa tới Johnston Atoll, một trong những hòn đảo hoang vắng nhất ở Thái Bình Dương và đốt cháy toàn bộ tại đây. Kể từ đó, thuốc diệt cỏ không còn là công cụ quan trọng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào nữa.
Giống như nhiều điều ước quốc tế khác, ngôn ngữ mơ hồ trong Nghị định thư Geneva khiến cho các quốc gia chấp nhận tuân thủ các điều khoản. Điều này giúp tăng cường an ninh quốc gia của các nước ký kết, dưới sự bảo trợ của nghị định thư. Trong khi đó, chính phủ tận dụng thời gian chậm tham gia nghị định để theo đuổi các mục tiêu quân sự. Do đó, theo thời gian, cái giá của việc càng ngày càng có nhiều quốc gia phê chuẩn là nghị định thư giảm bớt khả năng thiết lập các nguyên tắc chỉ đạo rõ ràng về những động thái quốc tế nào được chấp nhận và không được chấp nhận về vũ khí sinh hóa học. Lịch sử đàm phán của nghị định Geneva cho thấy rằng Mỹ không phải là nước duy nhất trải qua nhiều biến động trong quá trình phê duyệt: phần lớn các quốc gia tham gia hiệp ước đều đã từng cố gắng giảm phạm vi cấm tuyệt đối của nghị định, bao gồm “các khí gây ngạt, khí độc và các loại khác, cũng như tất cả các thiết bị, chất liệu hay chất lỏng có tính độc tương tự”.
Xét từ phương diện luật pháp, câu hỏi về phạm vi cấm của hơi cay và thuốc diệt cỏ trong chiến tranh thực sự là ngõ cụt. John Norton Moore, tác giả của những phân tích pháp lý đáng tin cậy của Nghị định thư Geneva (được viết đúng vào lúc đàm phán bế tắc về mặt luật pháp), đã kết luận:
“Tổng thống và Thượng nghị viện cần đạt tới một thỏa thuận về chính sách đối với hơi cay và thuốc diệt cỏ càng sớm càng tốt. Ngay từ đầu, cả hai có thể phải thẳng thắn thừa nhận rằng chưa có cách hiểu chính thức nào về việc liệu hơi cay và thuốc diệt cỏ có nằm trong danh sách cấm của nghị định không… Cả chính phủ và Thượng nghị viện có thể cùng đồng ý về về tính quan trọng của việc thúc đẩy sự đồng thuận của quốc tế về cách diễn giải nghị định, Mỹ sẽ hỗ trợ cộng đồng quốc tế xem xét các vấn đề đó có thể thông qua một hội nghị quốc tế, nhưng nếu không khả thi thì có thể thông qua Tòa án Công Lý quốc tế.
Moore cho rằng, những lập trường pháp lý gắn với các thỏa thuận quốc tế, như điều mà chính quyền Nixon đã đưa ra, thường có xu hướng tập trung chủ yếu (nhưng không phải không hợp pháp) vào các điều cấm nào đó liên quan tới bối cảnh chính trị mà thỏa thuận ấy được thực thi. Sự khác biệt này không có nghĩa lý gì đối với thượng nghị sĩ Fulbright và những đồng sự của mình tại SCFR. Quyết định ngăn chặn phê chuẩn của họ bắt nguồn từ sự thất vọng với cuộc chiến tranh tại Việt Nam và dấu hiệu về một thảm họa môi trường toàn cầu mà các nhà khoa học đã rút ra từ cuộc chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam.
Các bên đàm phán trong hội nghị Geneva 1925 đều nhận thấy cần có cơ chế quốc tế nhằm đặt ra giới hạn trong việc sản xuất vũ khí sinh hóa học và việc sử dụng chúng trong chiến tranh. Các nhà khoa học đầu tiên yêu cầu AAAS điều tra chiến dịch Ranch Hand cũng đi đến một kết luận tương tự. Đối với họ, dù việc sử dụng thuốc diệt cỏ có vi phạm Nghị định thư Geneva hay không cũng không làm thay đổi điều mà họ khẳng định về thuốc diệt cỏ, rằng như tất cả các vũ khí sinh hóa học khác, rằng đây là loại vũ khí đáng sợ, cần bị cấm bằng bất cứ giá nào. Sau những phán đoán chính trị sai lầm của Nhà Trắng, năm 1975 nghị định Geneva trở thành cơ chế chính thức đó, khẳng định chiến thắng của các nhà khoa học và đồng minh trong Quốc hội, những người coi khẩu hiệu “Đừng lặp lại chiến tranh Việt Nam” là lời kêu gọi bảo vệ sinh thái trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam