Số lần đọc/download: 1728 / 25
Cập nhật: 2016-06-09 04:38:10 +0700
Chương 9
M
ột buổi chiều nọ, mặt trời đã xuống khuất rặng trâm bầu ngang láng điền ở bên kia con đường đá đỏ. Tiếng trống công phu của chùa Bửu Lâm đổ hồi sắp dứt, bác Năm vẫn chưa nghe tiếng con Ki cào vào cổng tre báo hiệu đã về. Ánh nắng tàn úa xuyên qua kẽ lá ngã màu xanh sẫm, cảnh nhá nhem tối giữa một miền quê mới tạo, nhà cửa hãy còn thưa thớt, làm tăng thêm nỗi hoang vu.
Bác Năm gái thổi lửa từ con cúi bện rơm vùi trong tro bếp, mồi sang cây rọi mù u quết với bông gòn quấn vào que tre như cây đèn dọi của người Trung Hoa. Ánh sáng bừng lên chói chang tỏa khắp căn nhà, chiếu đến nhà ngang nơi chiếc chõng tre có đặt khay trầu. Bác Năm trai ngừng đan giỏ, dẹp tất cả nan tre lên gác chái nhà trên. Như một chiếc bóng, bác lủi thủi bước vào nhà vấn điếu thuốc rê với một đọt non của lá trâm bầu, châm vào chiếc dọi mù u, hít một hơi dài, nhả khói lờ đờ tỏa ra trước mặt. Hơi thuốc làm bác tỉnh hơn sau ngày mệt nhọc.
Bác trở ra mở hoác cổng, bước qua chiếc cầu ván bắc ngang mương dọc theo lộ đá, đi rảo ra đường về phía Gò Tích. Sương xuống chập chờn như hơi khói phủ trắng lợp ngọn cây. Từng tốp đi làm lò gạch Bang Hoạch lũ lượt kéo thành hàng dài bóng đen lướt trên bờ ruộng. Mấy người con bác rẽ đám đông đi vào nhà. Bác lầm lũi bước trở vào buông thảm một câu chán nản: “Con Ki mất tích thật rồi!”
Cả nhà thấp thỏm, không biết nó đã gặp phải một tai nạn nào. Tuy không nói ra, ai cũng ngầm hiểu con vật không về nghĩa là nó chết, và dù có bị thương nặng nó cũng cố lết về nhà. Từ bao lâu nay, nhận cái nhiệm vụ mang thức ăn cho bà Cố, con Ki chưa hề đi lạc hay theo những con chó khác giống trong vùng. Mỗi chuyến đi về như vậy, nó đều theo những lối tắt ở trong rừng sâu, bụi rậm, tránh xa tất cả bóng dáng đồng loại cũng như bóng dáng con người.
Bà Cố của bác Năm gái dầu tuổi đã gần chín mươi nhưng còn mạnh khỏe, sống trơ trọi trong túp lều dựng sát bìa rừng, chăm sóc một khu vườn nhỏ đủ để tự túc, thỉnh thoảng nhờ có rể con tiếp tế và đến viếng thăm. Người đàn bà ấy, với túp lều ấy, là trạm liên lạc rất tốt đối với phong trào Cách mạng.
Bây giờ đã quá tối rồi, cả nhà xúm xít dùng bữa trên chiếc chõng tre. Mỗi ngày nó vẫn ngồi chờ dưới một góc chõng thức ăn đặt trong chiếc gáo dừa to được gọt bóng láng. Những chuyến liên lạc của nó thường được thực hiện vào khoảng giữa trưa đứng bóng. Trưa nay, bác gái đã gọi nó đến, đem một hũ cải bắc thảo có đầy thịt nạc kho rim treo vào cổ nó, rồi vỗ vào đầu dặn dò:
- Đem hũ thịt này vào cho bà Cố.
Rồi bác mở cổng, đưa nó ra đường, chờ nó lủi khuất vào lối đi riêng trong các bụi cây xa khuất bác mới trở về. Do những trường hợp lạ lùng của một hoàn cảnh đất nước, con Ki ngày nay cũng như cha nó ngày xưa phải mang thức ăn tiếp tế cho người, cho những con người đã chịu khốn khổ và sống khuất lấp chỉ vì một lòng vì nước, vì dân. Khác với ngày xưa, cha nó mang những thức ăn đi giữa phố phường tấp nập thì nó ngày nay mang những thức ăn đi che khuất bóng giữa những cây rừng. Nhưng niềm tận tụy và sự trung thành của nó thì vẫn y như cha nó ngày xưa. Khác chăng là sự gian khổ và sự chịu đựng nhiều hơn ngày trước.
Thường thì mỗi chuyến liên lạc trở về, con Ki vẫn mang trên mình thức ăn bà Cố gởi cho, hoặc khoai, hoặc mía, đôi khi là một quả dưa, năm ba quả trứng. Thỉnh thoảng, gặp hôm bà không có món quà nào gửi lại, nó mới thong thả phóng đi trên con đường cái để về nhanh hơn. Thế mà hôm nay, đã tối mịt rồi chẳng thấy nó về. Từ xưa đến nay con Ki không hề trễ nãi bao giờ.
Tàn bã trầu rồi, bác gái lặng lẽ đi nằm, bác trai vẫn còn tần ngần ngồi đó một mình, tưởng nhớ con Ki. Bác lo cho nó, lo cho phong trào... Nếu rủi ro gì, chuyến đi này không đáng ngại về mặt tổ chức vì đấy chỉ là chuyến đi thường lệ, nhằm lúc không tin tức gì cần phải mang theo. Nhưng đối với cả phong trào yêu nước, con Ki mất đi là một sự thiệt thòi lớn. Từ đây cho đến khi luyện tập được hay tìm được con vật khác thay nó phải mất bao nhiên thời gian, công khó, dễ gì tìm được một con vật khác khôn ngoan thạo việc như nó. Nếu quả nó không còn nữa thì bác phải gánh lấy nhiệm vụ này, bởi vì giờ đây, ngoài bác Năm ra không ai có thể thay thế kịp thời. Bác đã già rồi, quảy nôm bắt cá hay là gánh giỏ bỏ mối cho các tiệm buôn để làm liên lạc không khó khăn gì và ít khi bị xét hỏi, nhưng bác thấy sức yếu nhiều và còn phải gắng làm lụng để tìm sự sống hàng ngày.
Đêm đó, bác Năm không ngủ hết nằm lại ngồi, vấn điếu thuốc này tới điếu thuốc khác để mà chờ sáng. Đến khi chân trời chưa ửng, sương còn ướt lạnh cỏ cây, dù chưa nhìn rõ mặt người bác đã lên đường. Bác tìm tới nhà bà Cố vào lúc mặt trời lên khỏi ngọn cây.
Bà Cố cho biết con Ki đã mang hũ thịt kho rim vào hồi xế trưa. Nó uống nước xong, bèn nằm nghỉ mệt, và không ăn cơm mặc dầu bà đã dỗ dành. Sau đó, khi nó trở về bà gởi theo mấy cây mía chặt từng đoạn ngắn treo ở hai bên hông nó. Nó đã lủi theo đường cũ và bà cũng đã nhìn theo cho đến khi nó mất hút vào trong cây rừng.
Bác Năm uống một bát nước, từ giã bà Cố lần theo lối rừng mong tìm ra dấu vết nó. Nhưng giữa một vùng rừng rậm bao la, dễ gì tìm được dấu chân bé bỏng của nó. Tuy nhiên, bác không thối chí. Ngày này tiếp sang ngày khác, bác đã lần theo lũ trẻ chăn trâu, mô tả hình dáng con Ki, hỏi xem lũ trẻ có gặp con vật ở một nơi nào. Trong bọn cũng có đứa biết vì thỉnh thoảng chúng có thấy con chó như thế lủi trong cây rừng, nhưng chúng không hề để ý. Bỗng một đứa khác như chợt nhớ ra: vào một buổi chiều, cách đây không lâu, chúng có gặp thầy Hương Quản như đang tuần rỏn và rình rập ai ở trong rừng này. Rồi cả bọn cùng reo lên:
- Phải rồi! Thầy Hương Quản rình con Ki...
Bác Năm nghĩ bụng, hay là con Ki bị lộ tung tích nên họ nghi ngờ theo dõi từ lâu? Lọt vào tay thầy Hương Quản, con vật khó mà toàn mạng. Bác nhờ lũ trẻ hỏi thăm lũ con cháu nhà thầy Hương và được chúng cho biết rõ như sau: trên chuyến đường về hôm đó, con Ki bị thầy Hương Quản rình đánh. Vì bị mang hai bó mía ở hai bến hông nó không xoay trở cho nhanh nhẹn được nên thầy Hương Quản đã dùng chiếc roi làn can đánh gãy xương sống. Nó nằm giãy giụa thì bị thầy Hương Quản cột cổ lôi về. Đêm đó, nó bị giết chết. Thầy Hương không bắt được thư từ gì bí mật, chỉ lấy được hai bó mía và đem thân xác con vật cho bọn tuần đinh dưới quyền tổ chức ăn nhậu say sưa đến sáng.
Con Ki đã chết, nhưng lòng yêu thương và quý trọng nó vẫn lưu lại trong gia đình bác Năm và trong những người âm thầm hoạt động suốt một thời kỳ tối tăm gian khổ chuyển sang thế hệ chúng tôi. Đến khi đất nước vùng lên cởi bỏ xích xiềng nô lệ, con Ki vẫn thường được nhắc nhở đến trong câu chuyện của những người yêu nước. Và tên Hương Quản, sau đó, đã bị giết chết trong khu rừng ấy, Không biết người nào đã giết chết y, nhưng dù không rõ tánh danh, ai cũng đoán biết đó là một người yêu nước đã diệt trừ y để loại bỏ một phần tử ác ôn phá hoại phong trào.
Con Ki đã được trả thù. Tôi cũng không rõ trong suốt quãng đời của nó, con Ki cùng con Mực có lưu lại được dòng giống của mình hay không. E rằng mải mê trong phần việc mình chúng chưa có dịp nghĩ đến một sự truyền giống. Trung thành đối với những gì mình phải gắn bó cũng như gan dạ đối với kẻ thù, đó là truyền thống của người Việt Nam, và ngay loài chó Việt Nam cũng thừa hưởng được cái bản sắc ấy nơi kẻ đã nuôi dưỡng mình.