Số lần đọc/download: 1271 / 37
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Bất Tử
T
rưởng ban biên tập gọi tên tôi từ đầu kia của phòng biên tập và vẫy tay ra hiệu cho tôi. Khi tôi vào phòng, ông ta đang đứng sau bàn. Một ông già và một bà già cũng đang ở đó; ông già thì đứng bồn chồn còn bà già ngồi trong ghế, khuôn mặt giơ xương và cau có, cả hai tay nắm chặt vào quai túi xách. Áo vét của bà ta có màu xám nhạt giống với màu tóc. Bà ta có cái vẻ của một quân nhân. Ông già thì thấp, ục ịch, tròn. Hai nếp nhăn quanh miệng khiến bộ mặt ông ta trông vui vẻ, cho đến lúc ông ta mỉm cười.
“Tôi không định làm to chuyện”, ông ta nói. “Chúng tôi chỉ nghĩ là các anh nên biết”. Ông ta nhìn vợ.
“Chắc chắn là tôi nên biết rồi”, trưởng ban biên tập nói. “Đây là ông Givens”, ông ta nói với tôi. “Ông Ronald Givens. Cậu có nhớ cái tên này không?”
“Hơi hơi thôi ạ”.
“Tôi sẽ cho cậu một gợi ý này. Ông ấy không chết”.
“Rồi”, tôi nói. “Tôi hiểu rồi”.
“Một gợi ý khác này”, ông trưởng ban biên tập nói. Rồi ông ta đọc to từ tờ báo buổi sáng hôm đó lời cáo phó mà tôi đã viết về cái chết của ông Givens. Hôm qua, tôi phải viết cả một đống cáo phó, khoảng hơn 20 mẩu, và tôi không nhớ lắm về trường hợp này, nhưng tôi có nhớ cái chi tiết ông ta đã làm việc cho Cục thuế liên bang hơn 30 năm. Gần đây, tôi gặp rắc rối với sở thuế, cho nên chi tiết này mắc lại.
Trong lúc nghe mẩu cáo phó, ông Givens lần lượt nhìn từng người. Ông ta không thấp như tôi nghĩ lúc đầu. Đấy là ấn tượng mà ông ta gây ra do việc ông ta so hai vai và rụt cổ lại như một con rùa. Ánh mắt ông ta nhẹ, bồn chồn. Ông ta dùng ánh mắt của mình như một người nông dân – ông ta liếc nhanh và cẩn trọng trong lúc mặt quay về hướng khác.
Ông ta cười lớn khi trưởng ban biên tập đọc xong cáo phó. “Chà, viết chính xác đấy”, ông ta nói. “Chuyện đấy thì tôi phải công nhận”.
“Trừ một chi tiết”, bà già vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào tôi.
“Tôi nợ ông bà một lời xin lỗi”, tôi nói với hai người. “Chắc là có ai chơi khăm tôi rồi”.
“Tôi chấp nhận lời xin lỗi của anh”, ông Givens nói. Ông ta xoa hai tay vào nhau như thể chúng tôi vừa mới ký kết cái gì đó. “Bà phải hài hước lên, Dolly. Mark Twain nói thế nào nhỉ? Thông cáo về cái chết của tôi…”
“Thế rút cục chuyện gì đã xảy ra?”, trưởng ban biên tập hỏi tôi.
“Giá mà tôi biết”, tôi nói.
“Nói thế mà nghe được à?” bà già nói.
“Dolly tương đối phiền lòng về chuyện này”, ông Givens nói.
“Bà ấy có quyền phiền lòng”, trưởng ban biên tập nói. “Ai đã gọi điện báo tin cáo phó?” ông ta hỏi tôi.
“Nói thật là tôi không nhớ. Tôi đoán là người ở bên nhà tang lễ”.
“Cậu có gọi lại cho họ không?”
“Không”.
“Có kiểm tra với gia đình người quá cố không?”
“Chắc chắn là không rồi”, bà Givens nói.
“Không”, tôi nói.
Trưởng ban biên tập hỏi: “Chúng ta phải làm gì khi chúng ta đăng cáo phó?”
“Kiểm tra với nhà tang lễ và gia đình”.
“Nhưng cậu đã không làm”.
“Không, thưa ông. Tôi đã không làm”.
“Tại sao lại không?”
Tôi giơ hai tay với vẻ tuyệt vọng và cố tỏ ra hối tiếc một cách thích đáng nhưng tôi không nghĩ ra câu trả lời nào. Sự thật là tôi không bao giờ tuân theo các quy định này. Lúc nào chả có bao nhiêu người chết. Tôi không thấy cần phải hỏi lại gia đình xem có đúng là người nhà họ đã chết không, hoặc gọi điện cho nhà tang lễ để kiểm tra có đúng nhân viên lễ tang đã gọi điện đăng tin cáo phó không. Tất cả những thứ thủ tục này chỉ tốn thời gian; chả có ai thích giở trò gọi điện bịa đặt tin cáo phó và giả vờ làm người báo tin cáo phó. Giờ thì tôi thấy chính tôi mới ngớ ngẩn và rõ ràng đã đánh giá sai về sự đa dạng trong những thú vui của loài người.
Mà không chỉ có thế. Bởi vì tôi vẫn còn đang ở chỗ vét đĩa nhất của phòng tin địa phương, tôi phải viết rất nhiều cáo phó. Thỉnh thoảng, họ cho tôi chọn viết cáo phó hoặc viết tin đám cưới, nhưng thường thì tôi chuyên viết cáo phó, hết mẩu này đến mẩu khác, từ sáng tới tối. Sau bốn tháng làm việc này, trong tôi tràn ngập ý thức về cái chết. Nó làm tôi trở nên chua chát. Nó làm tôi trương phình với sự khệnh khạng bệnh hoạn – cái ảo tưởng rằng tôi biết một bí mật mà không ai mảy may nghi ngờ. Nó làm cho tôi thích triết lý suông về giá trị của đức tin, của lòng nhiệt tình và lao động vào cái thời điểm mà cuộc sống của tôi đòi hỏi tất cả những thứ này. Nó làm tôi phát mệt.
Lẽ ra tôi nên bỏ việc, nhưng tôi không muốn quay lại những công việc mà tôi đã làm trước khi bố của bạn tôi giới thiệu cho tôi việc này – chủ yếu là hầu bàn, làm bảo vệ tòa nhà, tức là bất cứ thứ gì mà tôi được rỗi rãi vào ban ngày để viết. Tôi đã sống như thế trong ba năm, và tôi đã viết được gì? Một vài truyện ngắn trong các tạp chí văn học mà chẳng ai đọc, kể cả tôi. Tôi bắt đầu phát điên. Tôi đã hy sinh quá nhiều để viết, mà nó chẳng mang lại cho tôi điều gì – danh tiếng không, tiền bạc không, tình yêu cũng không. Thế nên khi được giới thiệu việc này, tôi đã nhận. Tôi ghét nó và làm việc rất tệ, nhưng tôi muốn giữ việc này. Một ngày nào đó, tôi sẽ được chuyển sang đưa tin pháp luật. Mọi việc sẽ tốt lên.
Tôi đã hy vọng ông trưởng ban biên tập sẽ gánh trách nhiệm vụ này và để tôi thoát, nhưng ông ta cứ chất vấn tôi với đủ loại câu hỏi, chắc để phô trương với vợ chồng ông bà Givens, để họ thấy một nhà báo thực sự là như thế nào. Cuối cùng, ông ta buộc tôi thừa nhận rằng tôi đã không hề gọi điện kiểm tra bất cứ tin cáo phó nào trong ngày hôm đó, và thực ra là đã không làm thế từ lâu nay.
Bây giờ, sau khi đã có câu trả lời, ông trưởng ban biên tập có vẻ không biết phải làm gì với nó. Có vẻ, ông ta đã đạt được nhiều hơn những gì ông ta mong muốn. Đầu tiên, ông ta ngồi thừ người ta. Sau đó, ông ta nói: “Hãy nói lại tôi nghe. Tờ báo này đã chạy các tin cáo phó không có xác nhận từ bao lâu rồi?”
“Khoảng ba tháng”, tôi nói. Và khi tôi thừa nhận điều này, tôi cảm thấy một nụ cười ở trên môi mình; nó ở đó trước khi tôi kịp ngăn nó hoặc tẩu tán nó. Nụ cười ấy là sự nhếch mép của nỗi sợ hãi, nó là nụ cười mà tôi đáp lại mẹ tôi khi bà nói rằng cha tôi đã chết. Dĩ nhiên, ông trưởng ban biên tập không biết điều này.
Ông trưởng ban biên tập ngả người về trước và lắc đầu nhè nhẹ như một con ngựa, rồi nói: “Dọn dẹp bàn làm việc của cậu đi!”. Tôi nghĩ ông ta không định sa thải tôi; trông ông ta cũng kinh ngạc với những lời mình thốt ra. Nhưng ông ta không rút chúng lại.
Ông bà Givens nhìn nhau. “Nào, khoan đã”, ông Givens nói. “Không cần phải làm to chuyện thế. Đây chỉ là một trường hợp sai và sửa sai thôi mà. Không cần phải đuổi việc ai cả”.
“Cậu ta đã chẳng bị đuổi việc nếu cậu ta làm đúng”, bà Givens nói.
Dĩ nhiên là bà ấy nói hoàn toàn chính xác.
Tôi dọn dẹp bàn làm việc. Khi tôi rời tòa nhà, tôi thấy ông Givens đứng cạnh quầy bán báo và đang theo dõi cửa ra vào. Không thấy bà vợ ông ấy. ông Givens bước đến chỗ tôi, giơ tay ra. “Biết nói gì nhỉ? Tôi không biết phải nói gì với cậu”.
“Không sao đâu”, tôi nói với ông ta.
“Tôi không định làm cậu bị đuổi việc. Tôi thậm chí cũng chả định đến phàn nàn, thật đấy”.
“Không sao đâu. Lỗi tại tôi”, tôi đang bê một cái hộp đầy sổ sách giấy tờ. Cái hộp nặng. Tôi chuyển nó qua tay kia.
“Nghe này”, ông Givens nói. “để tôi mời cậu đi ăn trưa nhé. Cậu nói sao? Ít nhất tôi cũng có thể làm điều đó”.
Tôi nhìn hai bên phố.
“Dolly về nhà rồi”. – ông Givens nói. “Thế nào?”
Tôi thực sự không muốn ăn trưa với ông Givens nhưng có vẻ điều đó rất quan trọng với ông ta và tôi cũng chưa muốn về nhà vội. Tôi biết làm gì ở nhà? Được rồi, tôi nói, ăn trưa cũng được. Ông Givens hỏi tôi có biết quán ăn tử tế nào gần đây không. Có một tiệm ăn Tàu ở cách đó mấy cái cửa nhưng chỗ đó lúc nào cũng đầy phóng viên. Tôi không muốn họ giả bộ thông cảm với tình cảnh của tôi rồi lại cười hô hố ngay khi tôi đi khỏi – dĩ nhiên cũng chả trách họ được. Tôi gợi ý quán Tad’s Steakhouse ở gần trạm đỗ xe điện. Một miếng bít-tết ba lạng, sa-lát và khoai tây bỏ lò ở đó chỉ có một đô hăm chín xu. Đây là năm 1974.
“Tôi không nghèo đến thế đâu”, ông Givens nói nhưng ông ấy cũng không phản đối và chúng tôi đi tới quán đó.
Ông Givens chỉ khều khều mấy miếng rồi đẩy đĩa thức ăn sang bên. Khi tôi hỏi miếng bít-tết của ông ấy có ổn không, ông ấy nói nó ổn, ông ấy chỉ không muốn ăn.
“Ông nghĩ là ai đã gọi điện đăng cáo phó?” tôi hỏi.
Ông ta cúi đầu và ngước nhìn tôi qua đôi lông mày.
“Chịu. Tôi cũng chả biết”.
“Chắc là ông phải có manh mối gì chứ”.
“Không. Tôi chịu chết”.
“Có thể là một ai đó từng làm việc với ông?”
“Không đâu”, ông ta lắc một cái tăm ra khỏi hộp tăm. Tay ông ta tái và gân guốc.
“Có thể là ông đã cãi nhau với ai, đại loại thế. Một ai đó tức ông”.
Ông ta lấy một tay che miệng trong lúc xỉa răng. “Cậu nghĩ thế à? Tôi cứ nghĩ đấy là một trò đùa thôi”.
“Chà, đùa thế thì cũng ác nhỉ, gọi điện cáo phó người ta. Sợ thật. Nếu là tôi thì tôi sẽ thấy sợ”.
Ông Givens săm soi cái tăm, rồi thả nó vào thùng rác. “Tôi đã không nghĩ đến điều đó”, ông ta nói. “Có lẽ cậu nói đúng”.
Trong một giây, tôi đã nghĩ là ông ta không tin điều đó – ông ta thực sự đã không biết ai làm chuyện này. Người ta đã tuyên bố về cái chết của ông ta và từ giờ, cuộc đời ông ta sẽ phải điều chỉnh theo những lời ấy, bằng cách cự tuyệt một cách vô vọng trước chúng, cho đến khi chúng thắng ông và trở thành sự thật. Hoặc ít nhất là tôi nghĩ thế.
“Ồng có chắc là không phải một người bạn của ông không?” tôi nói. “Có thể chỉ từ một chuyện nhỏ. Các ông chơi bài, ông có bài ngon, ông ăn trước khi bạn ông kịp trở tay”.
“Tôi không chơi bài”.
“Vợ ông thì sao? Có vấn đề gì từ phía bà ấy không?”
“Không”.
“Mọi chuyện đều êm như nhung cả sao?”
Ông Givens nhún vai. “Mọi việc vẫn thế”.
“Sao ông lại gọi bà ấy là Dolly? Trong cáo phó, tên bà ấy khác mà”.
“Chả có lí do gì cả. Tôi đã luôn gọi bà ấy như thế. Mọi người cũng gọi thế’
“Tôi thấy bà ấy chả hợp với tên Dolly” tôi nói.
Ông Givens không nói gì. Ông ta đang quan sát tôi.
“Nhỡ đâu bà Dolly giận ông, rất giận ông… Bà ấy muốn cảnh cáo ông không theo cách thông thường”.
“Không đâu”, ông Givens nói thản nhiên. Ông ấy không cố gắng thuyết phục tôi, thế nên tôi nghĩ chắc là ông ấy đúng.
“Ông có một con gái, phải không? Tên là gì nhỉ?”
“Tina”, ông Givens nói nhẹ nhàng.
“Đúng rồi, Tina. Tina thì sao?”
“Chúng tôi không hợp nhau lắm nhưng tôi cam đoan với cậu không phải nó”.
“Quỷ tha ma bắt”, tôi nói. “Chắc chắn phải có ai đó làm chuyện này”.
Tôi ăn xong miếng bít-tết trong lúc quan sát bên ngoài cửa sổ: những bọn nát rượu, cha đạo, tâm thần, gái điếm, bọn hippy rởm đang bán đủ thứ cho những khách du lịch đi giày thể thao trắng. Đúng là tấn trò đời; bắt đầu từ cái mùi bỏng ngô ngập ngụa của cửa hàng Woolworth. Richard Brautigan thường tới cửa hàng này. Cao và khoằm, ông thường vục đầu vào đĩa thức ăn và ăn chậm, nghiền ngẫm từng miếng trong lúc quan sát đường phố bên ngoài. Đủ mọi trò hề diễn ra. Brautigan thẩm thấu tất cả mà vẫn không ngừng nhai.
Tôi nói với ông Givens rằng chúng tôi đang ngồi ở cái bàn mà Richard Brautigan thỉnh thoảng ngồi.
“Ai cơ?”
“Richard Brautigan, nhà văn”.
Ông Givens lắc đầu.
Tôi đã sẵn sàng về nhà. “Được rồi”, tôi nói. “Ông nói cho tôi biết xem ai là người muốn ông chết?”
“Không ai muốn tôi chết cả”.
“Phải có ai đó đã tưởng tượng ông chết. Ông nghĩ mà xem. Ý tưởng là mẹ đẻ của hành động”.
“Không có ai muốn tôi chết cả. Vấn đề của cậu là cậu cứ nghĩ cái gì cũng phải có một ý nghĩa nào đó”.
“Đấy đúng là một trong các vấn đề của tôi”. Tôi không thể phủ nhận.
“Cho tôi tò mò một chút”, ông Givens nói. “thế cậu đã nghĩ gì?”
“Nghĩ gì về cái gì?”
“Cáo phó của tôi”. Ông ta ngả người về phía trước và bắt đầu nghịch lọ muối và hạt tiêu; ông ta đập chúng vào nhau rồi đẩy chúng trượt vòng quanh như một đôi bạn nhảy. “Ý tôi là, cậu có hình dung được tôi là người thế nào không? Là kiểu người thế nào ấy”.
Tôi lắc đầu.
“Không có gì nổi bật à?”
Tôi nói không.
“Tôi hiểu rồi. Thế thì cậu có thể làm ơn nói cho tôi biết, cần phải làm thế nào để có thể nhớ được một ai đó?”
“Ông Givens,”, tôi nói. “tôi viết cáo phó suốt ngày, nói chung là cái nào cũng như cái nào cả”.
“Dĩ nhiên, nhưng cậu phải nhớ một vài cái chứ”.
“Dĩ nhiên là tôi có nhớ một vài cái”.
“Cái nào?”
“Những nhà văn tôi thích. Các cầu thủ bóng chày nổi tiếng. Các ngôi sao điện ảnh mà tôi từng mê”.
“Tức là những người nổi tiếng?”
“Một vài, đúng thế. Cũng không phải tất cả”.
“Người ta có thể sống một cuộc sống tử tế mà không cần là người nổi tiếng”, ông Givens nói. “Những người có những cái tên lớn chưa chắc đã là những người lớn”.
“Tất nhiên”, tôi nói. “Nhưng có vẻ đây chỉ là ý kiến của những người không nổi tiếng”.
“Thế hả? Thế còn ý cậu thì thế nào?
Tôi không trả lời.
“Nếu cái duy nhất gây ấn tượng với cậu là sự nổi tiếng thì cậu hẳn phải là một kẻ bình thường. Ít nhất là tôi thấy thế”. Ông Givens nhìn tôi nghiêm khắc và nắm chặt lọ muối với hạt tiêu như thể chúng là những cỗ súng máy chuẩn bị nhả đạn.
“Đấy không phải thứ duy nhất gây ấn tượng với tôi”.
“Thật vậy sao? Thế còn gì nữa?”
Tôi nghĩ kỹ. “Những người có đạo đức cao cả”. – tôi nói.
Ông Givens nhắc lại lời tôi nói. Nghe chúng thật lố bịch.
“Ông biết ý tôi định nói gì”, tôi nói.
“Cậu cứ nhắc tôi nếu tôi nói sai nhé, nhưng tôi có cảm giác như cao cả không phải là đặc tính của cậu nhỉ”.
Tôi không cãi lại.
“Và cậu rõ ràng không phải là người nổi tiếng”.
“Dĩ nhiên”.
“Thế thì ta kết luận thế nào về cậu nhỉ?”
Khi tôi không trả lời, ông Givens nói: “Cậu nghĩ là người ta có nhớ cáo phó của cậu không?”
“Chắc là không”.
“Không có chuyện chắc là. Cậu chắc chắn sẽ chẳng thèm đếm xỉa đến nó”.
“Rồi, chắc chắn là không”.
“Cậu chắc chắc sẽ không thèm đếm xỉa đến nó. Và cậu sẽ sai. Bởi vì cậu có thể có những phẩm chất nổi bật khác mà cậu có thể nhận thấy nếu như cậu để ý kỹ. Những phẩm chất tốt. Ai cũng có cái gì đó tử tế. Cậu tự hào về điều gì ở bản thân?”
“Tôi không dễ đầu hàng”, tôi nói. Nhưng tôi không nghĩ cái tuyên bố này có mấy trọng lượng trong một mẩu cáo phó.
Ông Givens nói. “Với tôi thì đó là sự trung thành. Sự trung thành là đặc điểm rất rõ trong đời tôi. Cậu hẳn đã nhận ra điều đó nếu cậu chịu mở mắt ra. Khi cậu đọc thấy một người đàn ông đã phục vụ tổ quốc của ông ta trong thời chiến tranh, rồi lại vẫn trung thành với một người phụ nữ suốt 42 năm, rồi đã làm chỉ một công việc, thì vì Chúa, những điều đó phải nói cho cậu điều gì chứ. Cậu phải có một hình dung gì chứ”.
Ông ta ngừng lời để tự gật gù. “Mà không phải lúc nào những chuyện ấy cũng dễ đâu”, ông Givens nói.
Tôi buộc phải phá ra cười, chủ yếu là cười bản thân tôi đã thật ngốc. “Chính là ông”, tôi nói. “Chính ông làm điều đó”.
“Làm gì?”
“Gửi cáo phó”.
“Tôi làm thế làm gì?”
“Ông biết rồi còn gì”.
“Nói thế cũng giống như bảo tôi làm”, ông Givens không ngăn được một nụ cười mỉm, ông ta tự hào về việc mình đã ranh mãnh thế nào.
Tôi nói, “Ông đúng là điên rồi”, nhưng tôi không có ý như thế.
Thực sự là tôi hoàn toàn có thể cắt nghĩa những gì ông Givens đã làm; thậm chí còn ngưỡng mộ chúng. Ông ta đã nghĩ ra một cách để được tới dự đám ma của chính ông ta. Nói cách khác, ông ta đã cố gắng thử cái vai cuối cùng đó. Và điều hay nhất là ông ta đã tái sinh sau đám ma. Đấy là sự thật, ngay cả nếu ông ta nghĩ ông ta làm điều đó để dọa Dolly hoặc để phô bày những phẩm chất của ông ta. Tái sinh là mục đích của tất cả câu chuyện này, và ông già này đã được nếm điều đó. Thật là tuyệt cú mèo.
“Phải cảnh giác với ông mới được, ông Givens. Phải hết sức cảnh giác với ông”.
“Tôi không đến đây để nghe cậu lăng mạ”.
“Bình tĩnh nào”, tôi nói. “Tôi không giận ông”.
Ông Givens đẩy ghế lại rồi đứng dậy. “Tôi còn nhiều việc tốt hơn để làm, thay vì ngồi đây nghe những lời buộc tội”.
Tôi theo ông ta ra ngoài. Tôi chưa sẵn sàng để ông ta đi. Ông ta phải trả lại tôi cái gì đó đã. “Ông nhận đi”, tôi nói. Ông ta quay đi và bước dọc phố Powell.
“Ông nhận đi”, tôi nói. “Tôi sẽ không buộc tội ông”.
Ông ta tiếp tục đi; đầu rụt lại giống như một con rùa lách trong đám đông. Ông ta nhanh và khéo léo. Cuối cùng, tôi túm tay ông ta và kéo ông ta vào một khuôn cửa. Cơ bắp của ông ta gồng lên dưới những ngón tay tôi. Ông ta suýt thoát khỏi tay tôi nhưng tôi bóp mạnh hơn và chúng tôi đứng đó, cả hai đều bất động trong cuộc chiến.
“Ông nhận đi”
Ông ta lắc đầu.
“Tôi sẽ bẻ gãy cổ ông nếu cần”, tôi nói.
“Bỏ ra”, ông ta nói.
“Nếu có chuyện gì xảy ra với ông bây giờ thì cái cáo phó của ông sẽ thành sự thật. Và tôi sẽ lấy lại việc của tôi”.
Ông ta cố gắng thoát ra nhưng tôi giữ chặt.
“Hẳn sẽ là một câu chuyện giật gân”, tôi nói.
Tay ông ta lỏng ra. Rồi ông ta nói, gần như không thể nghe được. “Phải”. Chỉ có một từ đó.
Đây là toàn bộ những gì tôi có thể bắt ông ta khai. Thế cũng đủ rồi. Khi tôi buông tay, ông ta quay người, cúi đầu và hoà vào dòng người đang đi nhanh. Tôi quay trở lại quán Tad để lấy hộp giấy tờ. Phía trước tôi, một anh hề đường phố đang cố bắt chước một gã trai trẻ bảnh bao mặc com-lê – anh ta cố bắt lấy cái điệu bộ tự tin của gã trai trẻ – cái cằm vênh lên một cách khinh mạn. Một cô gái cười rộ. Gã trai bảnh bao quay đầu nhìn và anh hề đông cứng người. Anh ta vẫn đang giữ tư thế đông cứng đó khi tôi đi ngang qua; tôi thả cho anh ta mấy xu, hy vọng anh ta sẽ tha không lấy tôi làm mẫu.