Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
a đến nhà bà cô ở làng Giềng chậm mất rồi. Suốt chiều cô thấp thỏm không yên. Rõ ràng là địch đánh hơi thấy có thêm một cán bộ mới được bổ sung vào Cam Đồng hiện nằm ở làng Giềng, nên tổ chức lùng sục liên tục, rất ráo riết. Bà cô Va cho biết, sáng nay Brusex đem một tiểu đội lính Âu Phi đến truy lùng, súng nổ đì đọp mấy tiếng liền ở cái xóm có mấy nhà làm nghề cá ở bờ sông. Vậy mà, Kim lại là người rất chủ quan. Chiều chiều nhiều hôm còn ra sông vừa bơi lặn vừa câu cá. Lại có lần giả dạng người đánh cá, giáp mặt lí Tăm còn lí láu tiếng Tày hỏi nó ông có mua cá không, ông thự pia bấu?
Chập tối, Va ra bờ sông. Gió từ mặt sông hắt lên se lạnh. Dòng sông chững lại như phân vân. Nỗi lo còn đang bồn ngộn, Va đã thấy trên mặt sông rộng nổi lên một chấm đen đang chuyển dịch chênh chếch về phía bờ bên này Cái chấm đen nhích sang ngang rất chậm. Va nép vào một bụi chè vè[70]. Cái chấm đen rõ dần, thấy được cả hai bàn tay đang chải sóng. Va chạy xuống mép nước, gió sông lộng lên ù ù, át cả tiếng Va:
- Phạ ơi! Anh Kim!
Kim, trai trẻ, tầm thước, mảnh dẻ, đang lội vào bờ. Trật[71] mũ bê rê, cởi áo bu dông dạ tím vắt nước, nhận ra Va, anh hất hàm, tỉnh không:
- Cô Va định sang cứu tôi, hả?
- Anh có việc gì không?
- Nước non gì. Cô yên trí đi! Tôi vẩy mấy phát Revolver[72], nhảy xuống khe rồi tuồn ra sông, ngâm nước suốt ngày hôm nay, rồi bây giờ tôi trở về chơi nhau với chúng nó đây. Thế nào cũng có thằng về chầu ông vải với tôi!
- Anh nói khẽ chứ? Giờ, anh đi theo em về nhà cơ sở của ta...
Kim rút khẩu “cối xay”[73], vẩy vẩy, gật gù:
- Yên trí! Yên trí! Đạn đồng, hà bá cũng không làm gì nổi thằng con trai Hà Thành này đâu. Chuyến này, thân tôi có phơi ngoài nội cỏ, tôi cũng phải cho chúng biết tay.
Nhún vai khuỳnh hai tay, Kim khệnh khạng bước theo Va.
Ăn rồi ngủ một mạch ở nhà Mòn, sáng hôm sau, Kim dậy, lấy súng ngắn ra lau. Mòn ở ngoài ruộng về, tò mò ghé lại:
- Súng gì đấy, anh Kim?
- “Cối xay”. Loại này bọn cao bồi Mĩ hay chơi lắm. Hôm qua thế nào cũng phải vài thằng Tây về với cụ tổ nhà nó rồi. Còn sáng nay, nhìn tháy lí Tăm mà tớ ngứa cả mắt.
Mòn hốt hoảng:
- Anh gặp lí Tăm ở đâu?
- Sáng nay, ở ngoài cổng chứ ở đâu.
- Ai bảo anh ra ngoài cổng?
- Việc cóc gì. Tớ mặc quần áo của cậu, giả vờ đi làm.
Mòn kêu tắc nghẹn:
- Anh liều thật. Cô Va đã phổ biến chủ trương của anh Tố, không được để lộ lực lượng và ngừng ngay việc thuyết phục lí Tăm rồi cơ mà.
Kim tra súng vào bao, quấy quá:
- Tớ nghe cô Va nói rồi. Yên trí đi! Cô Va đâu rồi?
- Vẫn ở đây, đang tìm gặp cậu Lẳng, cần khỏi nhà lí Tăm.
Mòn ra ruộng, sâm sẩm tối mới về nhà. Vừa bước vào buồng, anh kinh ngạc thấy Kim đang xoa nhọ nồi vào mặt, khăn chàm đội lệch nghiêng một bên đầu.
- Tớ mượn bộ quần áo của cậu đấy nhé. - Kim gài khẩu “cối xay” vào cạp quần, đoạn chỉ tay vào mặt mình, cười cười nhe hàm răng trắng bóng. - Thế nào, Mòn, cậu có còn nhận ra tớ, thằng Nguyễn Kim đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu của thủ đô Hà Nội không?
Đoán được ý định của Kim, Mòn vội giữ tay Kim:
- Anh Kim! Đoàn thể đã có ý kiến rồi.
- Yên trí! Yên trí! - Gỡ tay Mòn, Kim chúm môi, huýt một hơi sáo, bước ra ngoài nhà.
o O o
Lí trưởng Vi Văn Tăm là địa chủ lớn nhất ở xã Cam Đồng. Dòng họ Vi nhà lí Tăm làm quan đã lầu đời. Nhờ có công trong việc trấn áp các cuộc nổi dậy của các thổ hào miền biên cương, nên từ cuối thế kỉ mười chín đã được triều đình nhà Nguyễn ban thưởng vô cùng hậu hĩnh, cụ thể là được quyền sở hữu đất đai cả một tổng rộng lớn và cho hưởng chế độ cha truyền con nối, như một thổ ti ở miền thượng du. Đến thời Pháp đô hộ, vẫn tiếp tục truyền thống cúc cung tận tụy với quan trên nên sự nghiệp và gia sản của họ mỗi ngày vẫn một tấn tới.
Đến đời lí Tăm, dòng họ này còn lại hai anh em. Vi Vân Dẻn, em trai, theo Tây học, được phong tri châu Bảo Trang. Còn Vi Văn Tăm, hưởng lộc như ôm cọp ngủ, bị quy luật ác giả ác báo chi phối, nên của cải gia tư đồng điền đã phiêu tán đi nhiều, tuy vậy vẫn còn lớn lắm. Cứ trông tòa nhà lão ở khắc biết. Nghiêm ngặt, bề thế hơn nhà tổng đoàn Ngao nhiều. Một bức tường đất cao vượt đầu người vây chặt khu dương cơ là cả một quần thể ngang dọc nhà cửa san sát nhau, gây cảm giác vừa chen chúc vừa rộng rãi thênh thang, trong đó có nhà thờ, nhà ăn ở của lí Tăm, nhà các bà vợ, nhà kho, chuồng trại, cùng nơi ăn ở của những kẻ tôi tớ trong nhà. Cổng vào khu dương cơ là hai tấm gỗ lim dày hơn đốt ngón tay, với then ba cái, xích sắt, khóa hai cái. Từ cổng vào, con đường nhỏ rải sỏi dẫn thẳng tới căn nhà lợp ngói, mái cong, cột đỏ, cao nghều nghệu, đi lên phải leo bảy bậc đá, uy nghi như một ngôi đền. Ngôi nhà lớn chia làm ba gian, gian bên trái dành cho khách quý là các quan Tây. Lí Tăm và bà vợ cả buôn bán ở xa, thỉnh thoảng mới lai vãng về ở gian giữa. Còn hai bà vợ, một là người Hoa, một là người Tày, đều không chửa đẻ, con cái gì, nhưng cũng mỗi bà một căn buồng nhỏ ở gian bên phải.
Trong cái toà dương cơ ấy, sự phòng thủ xem ra cũng chu đáo lắm. Ngoài cái cổng, hàng tường vi ra, trong nhà kẻ ăn kẻ ở phải luân phiên làm đêm để vừa sinh lợi thêm vừa canh gác cho gia chủ. Đã thế, lởn vởn quanh nhà lúc nào cũng có hai con béc- giê cao lớn như hai con ngựa con và dữ tợn như sư tử.
Sẩm tối, sau khi cơm nước xong và hút gần chục điếu thuốc phiện, Tăm ra ngoài ngồi ở gian giữa uống trà. Năm mươi tuổi, gầy gò, cổ ngẳng, trán hớt, mép đen sì hai thẻo râu quằm quặp, nhìn Tăm nhiều người như ông binh thầu Phù chẳng hạn, vẫn cứ nghĩ: Ông Lí là người hiền lành, nhân đức, chứ không tợn bạo, hùng hổ như tổng đoàn Ngao. Quả thật lí Tăm là người từ tốn, ít nói và nói thì cũng ngọt ngào lắm. Chẳng hạn lúc này đây, khi anh Lẳng đầy tớ vừa treo xong cây đèn ba giây[74] ở giữa nhà thì Tăm gọi anh lại:
- Lẳng này, thế lúc nãy bà hai nói gì với anh?
Bé nhỏ, da đen sắt, Lẳng chắp hai tay, dè dặt:
- Dạ, bẩm bà hai nói: Mai bà phải lên tỉnh để đón chuyến máy bay có quan ba De Bernard từ Hà Nội lên ạ. Còn bà ba nói...
Lí Tăm lắc đầu:
- Tôi không hỏi anh chuyện ấy. Tôi hỏi chuyện bà hai nói với anh thế nào về chuyện anh đến lượt phải đăng lính cơ!
- Dạ... Ông thương con.
- Thì thế là thương anh chứ còn thế nào nữa. Anh này thật chẳng biết gì sất cả. Bây giờ lương lính tăng lên những bảy trăm đồng một tháng. Anh không thấy thằng Ngao, thằng Phù đấy à. Anh đi về rồi tôi vun quén cho, bề thế không hơn thằng Ngao tôi chớ kể.
Nghe cái giọng nhân nghĩa giả ấy, Lẳng thấy khó chịu lắm, nhưng anh cố nén, lại năn nỉ:
- Dạ, ông thương con, con còn đứa em dại. Con đi lính bây giờ thì...
- Trời ơi, nghĩ gì mà cạn thế! Đi lính gửi tiền về mà nuôi em chứ. Có phải em anh là con Phin không? Nó bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, nó mười hai ạ.
- Thì anh cứ để nó ở đây. Ở với tôi, có đứa nào chịu khổ chịu sở mà anh phải lo! Dào ôi, đi lính bây giờ sướng như tiên ấy chứ!
- Con xin ông, sức con yếu. Đi lính bây giờ cũng vất vả lắm. Vợ con chẳng may nó đã chết rồi...
Chẹp chẹp miệng một hồi, uống hết chén trà, Tăm chớp chớp mắt, vẩy tay gọi Lẳng lại gần, giọng dịu hẳn xuống một bậc:
- Thôi được, thế thì lại đây. Anh đã kể lể tình cảnh thế thì tôi cũng thương. Nhưng bây giờ anh phải làm cho tôi một việc.
- Dạ.
- Lại gần đây tí nữa nào.
Lẳng xích lại, nghiêng nghiêng tai. Nhưng Tăm vừa dứt lời, Lẳng đã giãy nảy:
- Con chịu thôi, con chịu thôi.
- Ô hay! Chỉ nhoáng cái là xong thôi mà.
- Con chịu thôi, phá cối của ông Ngao, ông ấy bắt được thì...
Mặt đỏ văng, Tăm gằn:
- Ai bảo mà mày to mồm la thế! Câm ngay! Mày mà bép xép với ai, mày chết với ông. Không làm thì cút! Cút! Bảo cho đường sung sướng không nghe lại muốn đi vào con đường chết hả! Đã thế thì cho chết luôn một mẻ để biết thân!
o O o
Ngoài trời đêm đã đen sẫm. Nghe xa xa phía bờ sông có tiếng chó sủa nhấm nhẳng. Chửi rủa Lẳng một hồi. Rồi cũng đã tống cổ Lẳng đi. Vậy mà cơn giận cơn uất vẫn chưa nguôi. Đứng dậy, ngó xuống nhà dưới, quát bảo gia nhân soát lại cổng xem đã khóa chưa, rồi quay vào bàn nước. Kéo cái điếu bát lại, rịt mồi thuốc, xoè diêm, ngậm đầu xe điếu[75] vào miệng, nghĩ thế nào Tăm lại quay mặt ra cửa. Que diêm tắt ngấm trên nõ điếu. Quái sao lúc này, cảm giác của Tăm nó cứ gờn gợn thế nào ấy nhỉ? Hay là do việc cái thằng Lẳng ương ương dở dở, bảo đằng nào cũng không chịu nghe, nên sinh ra bực mình, khó chịu? Vừa chợt nghĩ vậy, Tăm bỗng thót mình thất thanh, buột rơi chiếc xe điếu mới ngậm khỏi miệng:
- Ai đấy?
Một bóng người không hiểu từ đâu tới đã đứng khép nép ở ngay cánh cửa ra vào. Trạc hai mươi, dong dỏng, làn da ám khói, hốc mắt thâm quầng, trên vành mồi đen sì một vết râu con kiến, đội khăn, vận quần áo Tày, người nọ không muốn gây kinh động cho ông lí nên vừa nghe ông kêu đã vội bước tới, chắp hai tay khúm núm:
- Kính chào thầy chánh ạ!
Nhặt chiếc xe điếu lên, Tăm giật lui vào lòng cái tràng kỉ.
- Anh ở đâu đến?
Người nọ không lộ vẻ sợ hãi, dấn thêm một bước:
- Bẩm thầy chánh, con vốn là dân sơn tràng, vẫn đội ơn thầy chánh vì đã có hồi được thầy chánh giúp đỡ cho phép khai thác mấy cây gỗ hoàng đàn quý trên núi U Sung đấy ạ.
A! Khẽ thở một hơi nhẹ, lòng dạ Tăm đã thấy yên yên. Cái việc tri ân của bọn người này, dẫu có đột ngột đấy, nhưng cũng không lấy gì làm lạ lắm cả. Ấy thế, cho nên, thoắt cái, cái điếu đã nảy giòn tanh tách. Và thoắt cái, sau khi vươn cổ thở ra một đống khói làm mờ cả cái bóng đèn ba dây, Tăm quay lại nhìn người nọ:
- Này nhưng sao anh lại vào gặp tôi lúc này và đường đột thế? Ai dẫn anh vào?
- Dạ, bẩm thầy chánh thông cảm... Con nhờ anh Lẳng dẫn lối...
- Hừ, cái thằng Lẳng...
- Bẩm, con sợ đến ban ngày, ông tổng đoàn biết lại dựng chuyện con đến đút lót thầy chánh.
- Hừ! Rõ lắm chuyện! Thôi thế thì ngồi xuống, nói đi xem nào.
Nghe Tăm nói ân cần, người nọ ngồi vào ghế, móc túi đặt lên bàn một gói nhỏ vuông thành sắc cạnh, như sấp tiền mới, rồi cúi đầu, khe khẽ tiếp:
- Bẩm thầy chánh... Chẳng dám giấu thầy điều gì. Trước kia con cũng đã là một nhà thầu khoán ở ngoài tỉnh lị, và cũng đôi lần làm sơn tràng được quan chánh giúp đỡ, đến khi quân đội Pháp họ ở bên Tàu về, con có bỏ về xuôi ít lâu. Nay, thấy tình hình đã yên ổn, con tính lên nối nghiệp cũ. Sự làm ăn bây giờ lại vào kì thịnh vượng. Tỉnh lị đang mở mang. Dạ. Con còn có cả giấy phép của quan chánh cố vấn và ngài đại úy De Bernard đấy ạ.
Liếc nhìn gói nhỏ người nọ đặt trên mặt bàn, đưa tay sờ đôi râu quặp bên mép, Tăm gật gật:
- Thế anh mới ở Lào Cai vào à?
- Dạ vâng. Thưa... Là con cứ nấn ná mãi, định rồi lại thôi. Nhà con nó cứ bảo: Việt Minh bây giờ họ nổi lên khắp nơi rồi, anh quý đồng tiền hay quý mạng anh mà cứ dấn thân vào chốn nguy hiểm ấy? Thành ra con cứ hốt hốt là...
Tăm bật cười hề hề:
- Hốt cái gì! Rõ là thần hồn nát thần tính chưa!
- Bẩm... Hốt là hốt Việt Minh ạ.
- Hốt! Hốt cái đếch gì bọn nhãi nhép ấy!
- Bẩm... Con nghe nói họ ẩn hiện như ma.
- Ẩn hiện như ma cũng chẳng thoát khỏi tay tôi.
Nghe câu nói quả quyết ấy của ông lí, khuôn mặt người nọ liền dãn rộng, lộ vẻ vui mừng:
- Thế thì may cho con quá. Con cứ nghe họ đồn đại mà hốt mà sợ. Gớm, họ đồn ghê quá!
- Đồn thế nào?
- Họ đồn là Việt Minh về đóng cơ quan ở gần đâu đây, có anh gì trắng trẻo, đẹp giai tài giỏi lắm. Có lần nó chống mảng xáp mặt thầy chánh mà thầy chánh không biết.
Ngả người ra thành ghế, Tăm cười hậc một tiếng, khoái trá.
- Thằng ấy về chầu Diêm Vương rồi!
- Dạ, thật thế ạ?
- Chứ còn gì. Thằng ấy tên là Kim, nó không chết vì đạn đồng thì cũng nằm trong bụng cá rồi.
- Thật ạ?
- Chử dá! Xam răng mại. Phải rồi. Còn phải hỏi gì nữa!
Nhìn vẻ mặt ngô nghê của người nọ, Tăm lại muốn bật cười. Nhưng lần này Tăm chưa kịp há miệng thì người nọ đã đứng vụt dậy, xô ghế, rút khẩu súng sau lưng, chĩa thẳng vào mặt Tăm, cất giọng toang toang như đang diễn kịch vậy.
- Ha! Mỗ là “thằng ấy” đây. Mỗ là thằng Kim chống mảng xáp mặt thầy chánh đây. Thế nào? Để tao chùi nhọ nồi cho mày nhìn xem, có đúng mặt thằng Kim ấy không nhé!
Trời ơi! Còn hơn sét đánh trúng đầu, Tăm há hốc mồm, người co rúm, tụt xuống đất, chắp hai tay, vái lia lịa:
- Dạ... Dạ... Thưa ngài... Thưa ngài... Con lỡ lời xúc phạm tới ngài. Con xin ngài. Con xin ngài...
Lăm lăm khẩu súng trong tay, Kim rít khe khẽ:
- Mày mà kêu to, tao bấm cò con ‘chó lửa” Revolver này thì sọ dừa mày vỡ thành trăm mảnh ngay!
- Dạ... Thưa... Con không dám kêu to.
- Ferme ta gueule! Có biết tiếng Tây không?
- Dạ, em trai con học trường Tây mới biết nhiều. Con chỉ biết ít thôi ạ. Dạ, ông vừa nói là con phải im mồm ạ.
- Hứ! Ferme ta gueule là câm cái mõm chó mày lại, hiểu chưa!
Giật lùi ra cửa, gài chặt hai cánh cửa lại, Kim quay vào, chỉ đầu súng ra giữa nhà, hất hàm:
- Muốn sống ra quỳ ở chỗ kia.
- Dạ con xin quỳ ở chỗ kia ạ.
Gõ ngọn súng xuống bàn, Kim tiếp:
- Khoanh tay lại!
- Vâng, con khoanh tay ạ. Con lạy ông trăm lạy ngàn lạy...
Giờ mới là lúc vào cuộc chơi đây. Kim kéo một chiếc ghế đẩu ra đầu bàn, ngồi xuống, vắt chân nọ lên chân kia, lên giọng:
- Lí trưởng Vi Văn Tăm!
- Dạ... Con lạy ông.
- Câm! Tội mày đáng chết. Cách mạng phải giết mày cho hết cái giống chó săn đi!
- Ối giời ối... Con lạy ông. Xin ông tha chết cho con. Con cắn rơm cắn cỏ lạy ông.
- Câm!
- Vâng. Con xin câm. Ông tha cho con, ông muốn gì con cũng xin biếu. Tiền của, vàng bạc, thóc lúa...
- Câm! Mày tưởng chúng tao như bọn Quốc dân Đảng chuyên đi tống tiền, hả?
- Dạ, thưa ông không ạ. Con trót nhỡ lời.
Ha ha... Kim khoái quá! Đứng dậy, Kim đặt chân lên ghế, xoay khẩu súng trong tay, điệu nghệ như bọn cao bồi Mĩ trong phim ảnh.
- Tăm! Bây giờ mày hãy khai rành rọt tình hình trong xã.
- Bẩm ông, có gì con xin khai hết ạ.
- Khai đi!
- Bẩm, ông một, dạ con quên, Tây đồn bắt dân làng phải nộp gạo, nộp thịt, phải cắt người đi dõng.
- Việc ấy tao biết rồi.
- Dạ, thưa ông, gần đây con được biết Tây đồn sắp sửa mở cuộc càn quét các thôn làng để bắt cán bộ Việt Minh tên là Lê Văn Tố và...
- Càn quét những thôn làng nào?
- Dạ, làng Thác, làng Hẻo ạ.
Ngoài cửa hình như có tiếng chân người bước rón rén. Kim vội rời khỏi chiếc ghế, tiến đến sát Tăm, hạ giọng:
- Bây giờ đứng dậy, lấy giấy bút ở trong ngăn kéo ra.
- Con lạy ông... Ông tha cho con. Con xin vâng. Giấy bút đây rồi ạ.
Kim dằn tờ giấy lên mặt bàn:
- Viết! Viết theo tao đọc thì được sống.
- Con xin tuân lệnh ông ạ.
- Viết! “Tên con là Vi Văn Tăm, lí trưởng địa chủ xã Cam Đồng, châu Bảo Trang, đáng tội bị cách mạng xử tử...”
- Dạ, vâng ạ. “Tên con là Vi Văn Tăm...”
- “Nay cách mạng khoan hồng tha chết cho con.”
- Vâng ạ. "Nay cách mạng...”
- Viết tiếp: “Con xin đem tính mạng bảo đảm từ nay hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của cách mạng. Có tin gì con xin báo để các ông cán bộ biết. Con xin đảm bảo an toàn cho các ông cán bộ. Từ nay con không ôm chân thằng Tây nữa...” Viết!
- Dạ, con viết sắp xong rồi đây ạ.
- “Không ôm chân thằng Tây nữa ạ.”
- Vâng. “Không ôm chân...”
Giật tờ giấy từ tay Tăm, nhét vào túi áo, Kim gõ đầu súng vào trán Tăm, nghiêm giọng:
- Nói cho mày biết: Lực lượng chúng tao đông vô kể. Con mà ho he thì con toi đời đấy, con ạ. Nghe ông nói thêm câu nữa đây. Ông được Cụ Hồ cử về đây, ông mà có thế nào thì mày cũng tan xương. Nhớ chưa!
- Dạ thưa ông, con không dám đơn sai ạ.
- Nhớ lấy! Bây giờ đứng lên.
- Dạ, ông tha cho con.
- Đứng lên, đi vào buồng.
Đẩy lưng Tăm vào buồng, kéo cửa, bấm khóa, Kim nhanh nhẹn bước ra hiên. Một bóng người bé nhỏ đã đứng ở đó từ lúc nào vội choáng choàng bước xuống.
Kim với tay kéo người đó lại:
- Anh Lẳng! Cảm ơn anh nhé! Nhờ anh nói cho mọi người biết: Hẹn trong ba ngày, cấm không được ai mở cửa buồng lí Tăm! Không cho nó ăn uống gì hết! Lẳng, mon cher camarade! À vous de coeur! Đồng chí Lẳng thân mến. Chào thân ái nhé!
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao