Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Oscar Wilde
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Picture Of Dorian Gray
Biên tập: Trung Nguyễn
Upload bìa: Trung Nguyễn
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 50
Cập nhật: 2022-04-16 15:25:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Chín
ua nhiều năm, Dorian Gray không thể nào gạt bỏ những tư tưởng trong đầu về cuốn sách ấy. Có lẽ chính xác hơn là anh chàng đã chẳng bao giờ có thiện chí từ bỏ nó. Anh bắt đầu đi tìm ở Paris đủ năm tập của pho sách và đóng thành nhiều màu khác nhau để anh có thể chọn ra cuốn sách anh đọc tùy theo tâm trạng cảm xúc của mình. Anh hay đọc chúng những lúc trí tưởng tượng của anh vuột ra khỏi vòng kiểm soát của ý thức. Nhân vật chính trong truyện là một người đàn ông Pháp còn trẻ, người có tính khí lãng mạn pha trộn với tư tưởng khoa học một cách thật độc đáo lạ lùng. Dorian có cảm giác là cuốn sách đang kể về cuộc đời của chính anh, một cuốn sách để viết riêng về cuộc đời Dorian trước khi anh thực sự hiện diện trên cõi đời này.
Có lúc Dorian cảm thấy mình may mắn hơn nhân vật trong tiểu thuyết. Anh không hề biết – Không bao giờ anh có những lý do để phân biệt về sự khác biệt giữa những tấm kiếng phản chiếu những điều nhơ nhớp. Hóa ra những tấm kiếng phản chiếu băng hoại tưởng như bằng kim loại lấp lánh sáng lại chính là một mặt nước tĩnh lặng của những lần ăn năn hối lỗi một mình.
Chàng trai trẻ trong tiểu thuyết kia đã trải qua một cuộc đời êm ả với tuổi thơ đầy vẻ đẹp. Rồi những va vấp của sự héo rữa đánh vật với thời gian kéo đến. Những nét đẹp khỏa thân của thời trẻ ập đến, quá rõ ràng, quá trong suốt để chàng trai có thể nhìn thấu những đổi thay trơ trẽn bỉ ổi nhất của thời gian. Dorian đọc cuốn sách này với một cảm giác hạnh phúc gần như bệnh hoạn. Bệnh hoạn đến độ tàn nhẫn, giống hệt như những cảm giác sung sướng cực khoái khác mà Dorian luôn tìm thấy ở phần cuối của cuốn sách. Những thảm kịch thực sự, có vẻ hơi cường điệu, luôn nhắm thẳng vào những nỗi đau cắn rứt, những tuyệt vọng khi nhân vật trong truyện đánh mất sự hiện diện của mình giữa những người khác, giữa một thế giới mà anh ta luôn tin rằng có rất nhiều giá trị tinh hoa tốt đẹp; thực ra chỉ là sự pha trộn hỗn tạp giữa nhục thể và biện hộ.
Dù sao thì Dorian vẫn không tìm ra bất cứ một lý do để sợ hãi một cuộc đời tội lỗi. Vẻ đẹp của anh đã khiến cho Basil Hallward phải mê mẩn xao động, rồi cả những người khác nữa, tất cả bọn họ hình như không thể bứt ra được mỗi khi họ ngồi cạnh Dorian. Kể cả những người đã nghe kẻ khác nói xấu về Dorian (ở London thì chuyện bôi nhọ nhau tại những câu lạc bộ là chuyện rất bình thường). Nhưng khi họ gặp anh, tất cả đều dẹp bỏ những thành kiến một chiều họ có trước đó về Dorian.
Chẳng ai có thể đối xử khiếm nhã với Dorian được. Họ bảo nhau trên khuôn mặt Dorian chẳng bao giờ vương vấn bất cứ một tì vết nào. Cánh đàn ông đang ba hoa ồn ào với những câu nói tục tĩu thô lỗ sẽ nói nhỏ hơn khi Dorian xuất hiện. Hình như vẻ đẹp thơ ngây của Dorian đã khiến họ phải xấu hổ. Chính khuôn mặt hiền lành đến độ thánh thiện của Dorian đã gợi cho họ nhớ về một tuổi thơ tươi đẹp mà họ đã đánh mất. Họ bảo nhau không hiểu vì sao Dorian cứ trẻ mãi, hình như không bao giờ bị thời gian ảnh hưởng. Tại sao Dorian không già đi như bao nhiêu người khác.
Dorian trở về nhà từ những lần đi nghỉ mát dài ngày đã nghe các bạn nói rằng anh chẳng bao giờ thay đổi hay già đi thêm một chút nào. Không thể chịu đựng được sự giày vò của hiếu kỳ, Dorian liền đi vào căn phòng anh đã khoá để nhìn lại bức tranh. Chiếc chìa khoá của căn phòng ấy không bao giờ rời xa Dorian. Giờ thì anh đang đứng trước bức chân dung Basil Hallward đã vẽ. Dorian nhìn vào bức tranh như thể anh đang soi gương. Khuôn mặt của người đàn ông trong tranh bây giờ trở nên hết sức xấu xí, hằn học, già nua, rệu rã trên nền vải canvas.
Dorian khằng khặc cười, chế giễu người đàn ông trong bức tranh. Anh trực diện với người đàn ông ấy như thể anh đang nhìn chính mình qua một tấm kiếng trong suốt. Sự khác biệt quá lớn giữa bức tranh già nua và sự trẻ trung của thực tế bên ngoài của mình đem lại cho Dorian một cảm giác đê mê khoan khoái rất lạ lùng. Sau đó Dorian hoàn toàn thích thú với cảm xúc khoan khoái dễ chịu ấy. Dorian càng lúc càng hứng thú hơn với vẻ đẹp của mình trong tấm gương nhỏ mà anh đang soi. Thì ra anh đang rạo rực. Dorian thích thú nhận ra rằng nếu tâm hồn của mình càng băng hoại xấu xa bao nhiêu sẽ khiến Dorian càng đẹp trai ở thực tế bên ngoài nhiều hơn bấy nhiêu.
Chàng muốn nhìn thật kỹ hơn bức tranh. Thường đi kèm với mỗi lần xem tranh là một cảm giác ma quái nhưng hạnh phúc đến độ kỳ quặc. Dorian gồng người lên khi anh nhìn thấy những nếp nhăn ô hợp, hỗn loạn, xiêu vẹo đang hằn trên trán, quanh vùng da cổ và trên khoé miệng của bức chân dung. Một cảm giác hạnh phúc bệnh hoạn xâm chiếm lấy tâm hồn anh.
Một cảm giác nhờn nhợn về tội lỗi đớn hèn cũng như những dấu vết của sự già nua bỉ ổi chạy dọc theo cột sống lưng anh. Dorian đưa bàn tay của mình lên so sánh với bàn tay bên trong bức tranh. Bàn tay trong bức tranh khô khốc sần sùi. Anh mỉm cười, cảm giác thoả mãn nhận ra mình đang cười nhạo vóc dáng tiều tuỵ co quắp của người đàn ông xấu xí trong bức tranh.
Có lúc nằm trên giường vào những đêm khó ngủ trong căn phòng đầy mùi thơm của mình, một căn phòng lặng lẽ đóng khung như một hang động lạnh lẽo, Dorian thường suy nghĩ về những hành vi xấu xa đã bôi bẩn lên tâm hồn của anh. Anh nhận ra mình đang thật sự mủi lòng vì sự ích kỉ của xác thịt. Nhưng những cảm giác này thường ít khi xảy ra. Trái lại, cảm giác hiếu kỳ muốn khám phá mọi ngóc ngách của lạc thú nhục thể mà Henry đã giới thiệu vào tâm trí non nớt của anh khi hai người họ nói chuyện tại khu vườn nhà Basil càng lúc càng thôi thúc réo rắt hơn.
Càng khám phá, Dorian càng bị cuốn sâu hơn vào những cám dỗ của nhục thể. Dorian càng nuôi dưỡng, càng đi tìm, càng cho ăn, càng vùi mình vào dâm tục… Tâm thức đói khát của anh càng trở nên buông tuồng, táo tợn hơn. Càng ăn càng thấy đói. Càng uống càng thấy khát.
Tất nhiên là Dorian không lăn xả vào những mối quan hệ xã hội bừa bãi. Một tháng vài lần anh thường tổ chức những buổi tiệc tại ngôi nhà sang trọng của mình. Dorian cho mời những nghệ sĩ biểu diễn nhạc lừng danh đến để giúp vui các quan khách vào những đêm thứ Tư trong tuần. Địa điểm các bữa ăn tối mà Henry tìm ra cho hai người là những nơi thường rất đông khách. Đấy là những nhà hàng sang trọng, bàn ghế kiểu cọ, hoa thơm cỏ lạ trưng bày la liệt. Vải màn và khăn trải bàn đều toàn là những loại vải đắt tiền, thêu thùa rất tinh xảo, các mâm đĩa đều là loại men sứ hảo hạng và làm bằng bạc ròng sạch sẽ.
Nhiều người cảm thấy Dorian chính là mẫu người hào hoa lịch lãm mà bọn họ thường mơ ước trong thời kỳ của Eton hay Oxford đang nổi tiếng. Dorian trở thành một biểu tượng sống động của sự kết hợp hài hoà giữa trí thức và vẻ đẹp văn minh lịch sự của con người. Với họ thì Dorian đúng như đã được Dante mô tả rằng: Biết cách làm cho mình hoàn hảo hơn khi biết khai thác thế mạnh của vẻ đẹp phong độ của chính bản thân. Hay giống như Gautier một lần đã nói: Đấy là tinh hoa của thế giới được trở thành hiện thực.
Với Dorian lúc này thì cuộc sống bản thân nó chính là nghệ thuật, một nghệ thuật quan trọng và vĩ đại nhất. Tất nhiên theo anh thì các loại hình nghệ thuật khác chỉ là những sự chuẩn bị để con người có thể nhận ra vẻ đẹp thật sự của cuộc sống. Trang phục chính là cách con người biểu diễn phong cách và nhân cách của mình. Những kỹ năng ứng xử hào hoa là nét đặc trưng mà con người hiện đại cố gắng sử dụng như một kênh diễn đạt thiên về mỹ học. Tất nhiên những điều này luôn khiến cho Dorian quan tâm một cách đặc biệt. Cách ăn mặc của Dorian trở thành một thứ thời trang mà mọi người trẻ đều hứng thú tại những buổi dạ tiệc tại Mayfair hay những câu lạc bộ nổi tiếng như Pall Mall. Người ta ăn mặc giống hệt như Dorian và cố tình bắt chước lối nói chuyện duyên dáng của Dorian mặc dù trong nhiều lúc Dorian nói chuyện rất hời hợt, nửa đùa nửa thật.
Cuối cùng Dorian nghiễm nhiên chấp nhận vị trí đặc biệt mọi người giành cho anh. Vào thời hoàng kim của mình, Dorian được coi như một nhân vật độc đáo có ảnh hưởng lớn đến những trào lưu thời thượng như nhân vật Neronian Rome, tác giả của cuốn Satyricon. Tự trong sâu thẳm, Dorian không muốn mình là một người chỉ vẽ bày cách cho thiên hạ cách chọn đồ trang sức, chọn một cái thắt cà-vạt hợp mốt, hay mua một cái gậy baton kiểu dáng sang trọng. Anh muốn tạo hẳn ra một triết lý sống có lô-gíc, một thứ chủ nghĩa tinh thần ở đỉnh điểm cao nhất của vật chất.
Sự tôn sùng cảm giác, công tâm mà nói, thường hay bị bôi nhọ. Con người ít khi thừa nhận rằng họ cảm thấy những bản năng tự nhiên réo rắt trong cơ thể luôn chi phối những đam mê nhục thể. Họ e ngại, không dám công nhận, không dám trân quý những bản năng tự nhiên của mình. Thực ra bản năng vốn mạnh mẽ hơn khả năng chế ngự của con người rất nhiều.
Tất nhiên chúng ta đôi lúc thường ý thức về những chia sẻ chung của thân phận con người. Tuy không nhiều lắm, nhưng chúng ta vẫn có những thói quen coi thân phận con người như một hình thức hiện diện có tổ chức trong một thế giới đầy ắp những kích tố.
Dorian cho rằng chẳng ai có thể hiểu về cảm xúc nhục thể sâu sắc như anh. Con người luôn đánh giá thấp cảm xúc này. Nhục thể vì thế luôn bị coi là mông muội và hèn hạ, đầy thú tính, đơn giản chỉ vì thế giới chẳng bao giờ thoả mãn đói khát cảm xúc nhục thể, họ cố tình dồn nén, ức chế, vùi dập những khát khao của chính mình thay vì nhận ra ý nghĩa giá trị tinh thần của nhục thể. Đấy là một đặc tính quan trọng của cảm xúc, vốn rất cần thiết để vẻ đẹp nhục dục có thể thoát xác và nhập cuộc.
Khi Dorian nhìn lại hành trình phát triển lịch sử con người, anh nhận ra tại sao nhân loại đã lãng phí nhiều năng lượng quá. Tại sao con người dễ thoả hiệp một cách gượng ép đến độ đầu hàng. Tại sao chúng ta lấy dao cắt đứt cuống nhau của mình với nhục thể chứ?
Tại sao nhục thể không được coi là mục đích của đời sống. Tại sao người ta cố tình hò hét, gào thét để chống lại tất cả những giá trị nhân văn rất thực của nhục thể. Tại sao con người cứ phải đậy điệm, gạt gẫm, tự hành hạ, tự khinh ghét chính mình, tự xỉ vả và tự tố khổ, tự chối bỏ những ý nghĩ lành mạnh của nhục thể. Tất cả chỉ vì họ sợ sệt, vì sự trốn tránh, vì thờ ơ giả tạo, vì lo lắng ngộ nhận, vì đạo đức bề ngoài. Tại sao nhục thể bị coi là những băng hoại của thịt da?
Con người vì thế đã nhốn nháo chạy trốn khỏi cảm xúc nhục thể của chính mình. Cảm xúc nhục thể tự nhiên lẽ ra phải là một vẻ đẹp hoành tráng. Nhưng nực cười thay, nhục thể đã thúc đẩy những nhà khổ tu thoát ra khỏi một đàn súc vật để rồi chạy sâu vào sa mạc còi cọc của chính mình, trốn tránh trong vỏ ốc, sợ hãi những con người chung quanh như thể họ chính là những con thú vật nguy hiểm nhất.
Đúng như Henry đã tiên đoán, một thế hệ mới sẽ biết đánh giá cao giá trị của cảm xúc nhục thể như là một động lực cần thiết để tạo dựng cuộc sống. Rồi người ta sẽ nghiên cứu cảm xúc nhục thể và giải phóng chúng, trả lại cho chúng vẻ đẹp hoang sơ buổi ban đầu, trong hoàn cảnh hiện tại, hình như một sự chống đối gây ra nhiều tranh cãi nhất.
Đáng lẽ ra thì cảm xúc nhục thể phải phục vụ trí tuệ, chắc chắn như thế đấy. Nhưng cuộc sống xã hội chưa đủ trưởng thành để chấp nhận những học thuyết mang tính hệ thống liên hệ đến những hy sinh thần thánh của những kinh nghiệm thịt da, vốn hiện diện nồng nàn một cách rất thực. Chủ đích của cuộc sống ư? Tự thân chúng sẽ nhắm đến những kinh nghiệm của riêng chúng, bất kể đấy là những kinh nghiệm nào. Giống như hoa quả trên cành, đắng chát hay ngọt lịm? Tự thân cuộc sống có câu trả lời thoả đáng nhất.
Rồi những khổ ải đầy đoạ đến độ vô lý đã giết chết những cảm xúc của con người, họ coi những phỉ báng bẩn thỉu nhất. Vì thế họ dễ bị tê liệt trong xúc cảm, cuối cùng là đánh mất cơ hội tìm kiếm. Con người tự mình biển thủ những cơ hội được nhìn thấy chân lý đáng lẽ luôn hiện diện một cách hết sức trần trụi. Dorian nhận ra cảm xúc của con người luôn luôn là tâm điểm triết lý sống của riêng họ, một khoảnh khắc ngắn ngủi cần được khám phá khai thác, một khoảnh khắc thiêng liêng nhất của cuộc đời. Một khoảnh khắc vĩnh hằng không nên bị trói ghì trong câu nệ đạo đức.
Vài người trong chúng ta thỉnh thoảng thức giấc trước khi bình minh ló dạng. Rất nhiều người ngủ vùi, lăn lóc trong mộng mị, đôi lúc ngủ say như chết, rồi cả những đêm hân hoan trong thác loạn đến độ kinh hoàng, khi từng tế bào não co rúm vì hoảng hốt nhiều hơn vì phải đối diện với thực tế trần trụi. Cứ thế, những mạch đập của bản năng quét sạch những điều bí hiểm của đời sống thực tế; biến chúng trở thành những điều nhơ nhớp, tạo ra những nền nghệ thuật Gothic có thể trường tồn, vốn chỉ là sản phẩm của những tư tưởng man dại, cố vùi mình vào những lần phụng thờ vô đạo thức. Rồi những ngón tay ngà lần lượt vén lên bức màn lụa xung động của bản năng, tất cả những bí ẩn cuộc sống sẽ trần truồng run rẩy hiện ra. Rồi bóng tối của những ảo tưởng màu đen sẽ trườn vào những ngõ ngách của tâm thức. Chúng không nằm im ở đó. Chúng xô cỡi, thác loạn, dập vùi, gào thét đến độ kiệt sức.
Bên ngoài có thể là những tiếng chim líu lo ríu rít trên cành, hoặc tiếng bước chân người rộn rã đi đến sở làm. Hoặc những cơn gió thổi trên những cánh đồng, tràn vào khu phố. Những cơn gió không nỡ đánh thức những con người vẫn còn đang ngái ngủ. Rồi lần lượt từng bức màn số phận được vén lên, cuộc đời sẽ hiện ra nguyên hình những đường nét và sắc màu của nó. Nhưng khi ánh bình minh chiếu sáng lên thì mọi vật chỉ còn là những phế tích cổ xưa. Cuối cùng thì ánh sáng ban ngày chỉ còn là một tấm gương phản chiếu những sinh hoạt bắt chước, bình thường, đều đặn, máy móc đến độ tẻ nhạt.
Những ngọn lửa sẽ đuối dần khi chúng ta bỏ rơi chúng. Bên cạnh đó là cuốn sách cuộc đời mà chúng ta chỉ mới đọc được chừng một nửa. Những bông hoa nhựa chúng ta cắm vào một cái bình thuỷ tinh, những lá thư chúng ta sợ không dám đọc và cả những lá thư chúng ta bao giờ cũng mong ngóng, đọc đi đọc lại mãi không bao giờ chán của một người nào đó đã viết cho chúng ta. Chẳng có điều gì thay đổi cả. Rồi bóng đen của những đêm thức trắng triền miên hé ra một chút chân dung phũ phàng của thực tế; đủ để ta cảm nhận được sự loã thể của cuộc đời mà chúng vốn đã quá quen thuộc nhưng chưa bao giờ ý thức nhận ra.
Chúng ta cứ vay mượn hoặc cố tình lảng tránh thực tế bằng sự giả dối êm ái. Chúng ta không bao giờ có đủ can đảm để giải quyết dứt khoát. Chúng ta bằng lòng với những năng lượng vẩn đục ẩn nấp trong thứ cảm giác mệt mỏi, trượt qua những thói quen nặng nề thành kiến, một cảm giác khát khao tuyệt vọng, mí mắt mở ra vào ban ngày, ngỡ là cuộc đời đã lật qua một chương khác nhưng thật ra đấy vẫn là những dằn vặt mệt mỏi lây lan tồn đọng của đêm hôm trước.
Một thế giới tưởng như tươi tắn với những hình dáng và màu sắc mới. Chúng ta bị đánh lừa rằng cuộc sống có thể đã thay đổi, hoặc ít nhất là những bí ẩn vênh váo khác bất chợt cương cứng vì kích tố. Chúng ta tin rằng mình đang sống trong một thế giới không có nhiều chỗ đứng cho quá khứ. Để tồn tại, chúng ta không cần đến những hình thức trách nhiệm của lương tâm hay cảm giác hối hận. Đấy chỉ là những sao chép của hạnh phúc giả dối ướp đẫm hương vị cay đắng vì có quá nhiều nọc độc ký ức. Thật đáng buồn, vì chúng ta phải chấp nhận, phải vay mượn những niềm vui ký ức có xương cột sống là những nỗi đau trầy sướt.
Với Dorian thì chúng ta đang sống trong một thế giới với những khái niệm nhục thể rất thực, hoặc những khái niệm nhục thể này theo Dorian cần phải được khám phá ngay khi chúng còn tươi tắn, vì đây là những chất liệu cần thiết cho tình yêu lãng mạn.
Dorian không ngần ngại ăn ngủ với những cảm xúc xa lạ không thuộc về bản tính của riêng anh. Anh phó mặc số phận cho những ảnh hưởng ngọt ngào của cảm xúc. Cứ thế, anh nhìn thấy màu sắc của thoả mãn sơn phết lên những khám phá thuần tuý hiếu kỳ. Sự trơ lòng và truỵ lạc thay phiên nhau hãm hiếp. Anh hăng hái làm tình với những cảm xúc lạ. Dorian không bao giờ dửng dưng thờ ơ với những cảm xúc mới. Anh ân ái với mọi điều anh chưa bao giờ biết qua. Đây là một điều kiện cân bằng tâm sinh lý mà anh tin nhiều nhà tâm lý hiện đại cần biết đến.
Dorian nhớ lần anh rước lễ lần đầu tiên khi anh là một tín đồ đạo Công giáo, hẳn nhiên là tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo của hội thánh La Mã luôn hấp dẫn anh. Những hy sinh chịu khó hàng ngày bây giờ trở nên khó chịu hơn những hy sinh vì một thế giới cũ kỹ. Mặc cảm tội lỗi luôn khuấy động tư tưởng của anh; như thể đấy là những khước từ bằng mặt bề ngoài trơ trẽn nhất. Một thứ bằng chứng của xúc cảm qua những hình thức hiếp dâm tinh thần đơn giản nguyên khởi. Tại sao tôn giáo cổ xúy sự chối bỏ những bộ phận cảm xúc vĩnh hằng, dẫn đến những bi kịch mặc cảm đau khổ cho con người. Tại sao hãm mình ép xác, bẻ quặt khao khát tự nhiên bao giờ cũng được khuyến khích như một biểu tượng đạo đức cao cả nhất?
Dorian rất thích quỳ gối trên nền đá lạnh trong bộ quần áo giúp lễ bó cứng của mình, tay đưa lên thật chậm để vén màn gian cung thánh, nâng lên một chén thánh bằng đồng đựng những chiếc bánh thánh nhỏ xíu trong đó. Dorian tin tưởng một cách tuyệt đối đấy là bánh do thiên thần đem lại hoặc chúng rơi xuống từ áo choàng của Chúa Jesus, đổ vào chén thánh. Quả tim của Chúa Jesus bị xé toạc ra, đổ máu, tất cả chỉ vì tội lỗi của Dorian.
Mùi trầm đốt cháy thơm lừng toả ra từ mấy cái lư hương treo khi những cậu bé giúp lễ rung lư gieo vào không gian như mùi thơm của những đoá hoa mới hái khiến Dorian rất thích thú. Khi có thể, Dorian hay nấp vào một xó tối của tòa giải tội, ngồi thật im trong bóng tối, tai dỏng lên nghe những lời xưng tội của những người đàn ông và những đàn bà kể về những điều thầm kín nhất của cuộc đời họ.
Dorian không bao giờ để cho những giáo điều ảnh hưởng đến khả năng trí thông minh của mình. Anh cũng không để cho những lề thói sinh hoạt trong gia đình tác động lên những suy nghĩ của anh. Căn nhà dù sao cũng chỉ để ở và quán trọ chỉ giúp người ta trải qua một đêm lữ hành. Trăng và sao với với người lữ hành xa nhà hình như không có nhiều ý nghĩa lắm.
Sức mạnh của huyền thoại kỳ bí đã biến những điều tầm thường trở thành những điều xa lạ mê hoặc chúng ta. Những câu chuyện thổi phồng luôn đi kèm với chúng, lay động Dorian trong một thoáng chốc bằng một vài lý do thuyết phục. Anh nhận ra học thuyết tiến hoá của Darwin đã tạo ra những thay đổi lớn tại nước Đức. Anh luôn cố gắng tìm ra những ý tưởng tạo ra nguồn gốc của đam mê. Anh tin rằng đam mê luôn kết tinh như ngọc trai bên trong bộ não con người, những sợi dây thần kinh sau đó sẽ đi đến khắp các vùng cơ thể.
Dorian bất chợt cảm thấy mình thật sự hạnh phúc bởi những kết tinh giữa tinh thần và những điều kiện sinh lý, dù đấy là những tư tưởng bệnh tật hay khoẻ mạnh, bình thường hay dị dạng. Cuối cùng Dorian đã đi đến một kết luận, không có bất cứ học thuyết nào quan trọng đối với anh bằng chính bản thân cuộc sống. Anh ý thức sâu sắc rằng cuộc đời này sẽ chỉ là một sự thật trần truồng nếu như chúng ta tách rời giữa hành động và kinh nghiệm tư tưởng. Anh biết rằng cảm giác nhục thể của con người không hề thua kém tâm hồn. Anh tin rằng nhục thể cũng có những giá trị huyền bí cần được tìm kiếm và giải thoát.
Anh bắt đầu đi tìm những kiến thức về nước hoa. Những bí mật của các nhà chế tạo, có lẽ họ phải tinh cất những tinh dầu đầy mùi thơm, những loại nhựa cây đem về từ phương đông. Anh nhận thấy tất cả những tâm trạng của tinh thần đều có liên hệ đối với cảm xúc của nhục thể qua mùi xạ. Từ đó Dorian quyết định đi tìm sự liên hệ giữa hai thế giới này. Anh muốn biết vì sao mộc dược và long diên hương có thể khiến cho đam mê của con người bỗng trỗi lên đầy sức sống. Anh muốn biết vì sao xạ hương có thể đánh thức cảm xúc lãng mạn đã bị chết ngạt và khiến cho bộ não phải quay cuồng, hoặc mùi champak có thể biến đổi màu sắc của trí tưởng tượng. Dorian muốn tìm ra sự liên hệ tâm lý giữa mùi thơm và những hành vi của con người. Anh muốn tìm hiểu xem những đoá hoa đầy phấn và hương thơm, những thứ tinh dầu chiết ra từ cây cỏ, những vỏ thân cây cỗi già, những mùi hôi có thể khiến người ta lợm giọng. Khi hoà trộn lại, chúng sẽ có một quyền lực tối cao. Những mùi thơm khiến con người thích thú, những đôi nhân tình thèm khát được gần nhau. Phải chăng chính mùi thơm đã đánh thức âm nhạc sóng sánh từ trong tâm hồn của họ tràn ra ngoài.
Có lúc Dorian đã đam mê nghiên cứu âm nhạc trong một căn phòng. Giữa căn phòng dát vàng và trần nhà màu sơn đỏ, bốn bức tường sơn màu quả oliu xanh thẳm, anh thường có những buổi hoà nhạc với những nghệ sĩ du ca người Ai Cập, những âm thanh man dại xé toạc không gian từ những nhạc cụ lạ lùng. Có lúc âm thanh nỉ non vàng vọt tạo ra những cảm giác ma quái. Có lúc là những bài hát đem đến từ Ấn Độ, người nghệ sĩ lăn lộn trên những bức thảm dệt đầy những hoa văn lạ lẫm, trước mặt những ống sáo là vài con rắn hổ mang đang thè ra những cái lưỡi. Những người da đen vỗ mạnh hai bàn tay trên những mặt trống đồng boong boong.
Có lúc anh nghiên cứu nhạc cổ điển một cách nghiêm túc như nhạc của Schubert đầy quyến rũ hay nhạc của Chopin với những nét đẹp lãng mạn khá buồn. Có lúc anh đam mê thật sự với vẻ đẹp hoành tráng trong nhạc của Beethoven, hầu như anh đã lịm đi trong cảm giác đam mê thần thánh từ âm nhạc của Beethoven. Dorian bắt đầu tạo ra cho mình một bộ sưu tập về tất cả những nhạc cụ trên thế giới này. Có thể đấy là một nhạc cụ được đem về từ một ngôi mộ cổ được khai quật tại một bộ lạc hoang sơ. Anh muốn được sở hữu và sử dụng chúng. Anh đặc biệt thích những cây đàn juruparis kỳ diệu của bộ tộc Rio Nergo đem về từ Ấn độ mà đàn bà không được phép nhìn và trẻ con phải chờ trải qua những nghi thức đặc biệt mới được nhìn thấy. Hoặc anh rất thích những nhạc cụ bằng vại đất nung của người Peruvians có thể tạo ra những âm thanh réo rắt như tiếng chim. Có khi đấy là một ống sáo làm bằng xương người của bộ tộc Alfonso de Ovalle từ Chi-lê. Hoặc những viên đá màu xanh tìm thấy gần Cuzco có thể tạo ra những độc âm nghe rất ngọt. Anh có những quả bầu khô đựng đầy sỏi cuội, khi lắc lên sẽ nghe rất vui tai. Anh có cả những cây kèn của người Mehicô phải hít hơi vào chứ không phải thổi ra để tạo thành âm nhạc. Những nhạc cụ đặc biệt của vùng lưỡng hà Amazon có thể được nghe thấy cách xa ba hải lý. Rồi các nhạc cụ đến từ Cortes trong những đền thờ của người bản xứ Mêhicô. Nói chung là mỗi loại nhạc cụ đều có những nét riêng hấp dẫn độc đáo. Dorian cảm thấy thích thú với những nhạc cụ này, chúng là kênh nối giữa nghệ thuật và thiên nhiên, chúng có những linh hồn thật quỷ quái, những hình dạng thú vật, và cả những âm thanh hết sức dung tục, xấu xí.
Rồi thì những đam mê ấy cũng nhạt dần. Dorian nhận ra mình thích được ngồi nghe nhạc thính phòng với Henry nhiều hơn, được lắng nghe “Tannhauser” như một thú tao nhã. Cuối cùng Dorian bắt đầu có thể mường tượng ra anh nhìn thấy linh hồn của mình qua âm nhạc.
Có lúc Dorian đã nghiên cứu về đồ trang sức. Anh được mời đến những nơi nổi tiếng như bữa tiệc của Anna de Joyeuse, vợ một đô đốc hải quân của Pháp. Bà này đã mặc một chiếc áo dạ vũ gắn năm trăm sáu mươi viên ngọc trai. Có lúc Dorian đã ngồi cả ngày bên hộp nữ trang của mình, tay sắp xếp chán rồi lại thay đổi vị trí của chúng. Những viên đá chrysoberyl màu xanh quả ôliu sẽ chuyển sang màu đỏ dưới ánh đèn, những viên cymophane có những vân chạy dọc nhìn như những sợi bạc, những viên đá peridot nhìn như vỏ hạt dẻ sữa, những viên đá topazes màu hồng và màu vàng của rượu vang. Nói chung là đủ những loại đá quý đầy màu sắc và hoa văn độc đáo, lấp lánh như ánh sao, cháy rực như màu vỏ quế, đầy những vân màu cam và màu tím. Những viên đá nhiều lớp màu quyến rũ như đá sapphire và đá hồng ngọc. Những viên đá màu đỏ, hừng hực một ánh sáng vàng của mặt trời. Có lúc đấy là những viên đá lạnh lẽo như màu của một vầng trăng, bạc như ngọc trai. Có lúc là những viên opal có màu sữa pha trộn giữa những gam màu của bảy sắc cầu vồng. Anh đã đến tận Amsterdam để mua chúng về. Anh có ba viên ngọc bích với kích thước thật lớn và màu rất đẹp. Anh tậu một viên lam ngọc de la vieille roche đã khiến cho nhiều người sành sỏi trong giới nữ trang phải thầm ghen tị.
Dorian khám phá ra nhiều câu chuyện liên quan đến nữ trang. Nào là chuyện một con trăn có hai con mắt là ngọc jacinth thật trong tác phẩm Clericalis Disciplina của Alphonso. Hoặc chuyện kể về Đại đế Alexander đã tìm thấy những con rắn ở vùng Jordan trên lưng bám đầy hồng ngọc. Rồi chuyện Philostratus kể trong một lá thư nói về một con rồng trong bụng nó là một viên đá quý; người ta phải phù phép để nó ngủ say rồi mới giết con rồng để lấy viên ngọc ra được. Theo lời nhà thuật giả kim lừng danh Pierre de Boniface thì kim cương có thể khiến cho mắt người ta được sáng, và mã não Ấn Độ có thể làm cho người khác có khả năng nói chuyện khá lưu loát. Đá Cornelian có thể khiến người khác nóng tính nhưng đá hyacinth có thể khiến người ta buồn ngủ. Đá amethyst sẽ làm cho khói thuốc và mùi rượu vang bay đi. Đá garnet có thể xua đuổi tà ám, đá hydropicus có thể biến đổi ánh sáng mặt trăng khi đi xuyên qua nó. Đá selenite cũng thay đổi màu sắc khi trăng tròn hay trăng khuyết, đá meleceus có thể giúp phân biệt được ai là kẻ đang nói dối. Dorian biết Leonardus Camillus đã kể lại ông ta nhìn thấy một viên đá trắng trong não của một con cóc có thể là thuốc giải chất độc. Đá bezoar tìm thấy trong quả tim của một loại nai sống tại Ả rập có thể đeo vào cổ để ngăn ngừa những căn bệnh dịch. Theo Democritus thì trong những tổ chim của một loài chim sống ở Ả rập có những viên đá có thể ngăn ngừa được hỏa hoạn.
Dorian biết về ông vua của xứ Ceilan đã dạo phố, trên tay đeo một viên hồng ngọc thật lớn trong nghi lễ tấn phong của mình. Những vòm cổng lâu đài hoàng cung của vua John the Priest được làm bằng đá sardius, trang trí xen kẽ với sừng rắn để báo trước không cho bất cứ ai đem chất độc vào bên trong hoàng cung. Trong một lữ quán có tên A Margarite of America, chủ nhân có viên đá margarite có thể nhìn thấy những cô gái nào còn trinh hay đã mất. Còn Marco Polo thì kể chuyện tận mắt mình nhìn thấy cư dân xứ Zipangu đặt một viên ngọc trai màu hồng vào miệng người đã chết. Một con quái vật biển thích viên ngọc trai của một người thợ lặn dâng vua Perozes đã giết chết bọn trộm viên ngọc này. Nhà vua đã khóc ròng đúng bảy tháng trời vì tiếc viên ngọc trai ấy. Câu chuyện xảy ra khi bọn cướp dụ dỗ ông vua đi vào một động vắng, ông đã vung tay ném viên ngọc đi và chẳng ai đã tìm thấy nó nữa. Tác giả Propopius kể lại rằng Hoàng đế Anastasius đã hứa tặng năm trăm thỏi vàng cho ai tìm thấy viên ngọc trai ấy. Hoặc chuyện vua xứ Malabar đã có một cỗ tràng hạt đếm được một trăm lẻ bốn viên ngọc trai, mỗi một viên là một vị thần mà ông ta đang thờ lạy.
Khi công tước xứ Valentinois, con trai của Vua Alexander VI đến thăm vua Louis XII của Pháp, con ngựa của vị công tước này được dát đầy vàng lá. Theo lời kể của Brantome thì chiếc nón của vị công tước này dát hai lớp hồng ngọc khiến cho ánh sáng phản chiếu chói cả mắt nhìn. Một công tước của xứ Anh đã gắn lên bàn đạp cưỡi ngựa của mình lủng lẳng ba trăm hai mươi viên kim cương. Vua Richard II có một chiếc áo khoác trị giá ba vạn marks được dát bằng ngọc balas. Tác giả Hall mô tả Vua Henry VIII đã lên tháp cao ngày đăng quang với một chiếc áo khoác bằng vàng dát kim cương và rất nhiều ngọc quý.
Vua James I bao giờ cũng đeo hoa tai bằng ngọc bích nạm vàng. Vua Edward II tặng cho Piers Gaveston một chiếc áo khoác bằng vàng ròng gắn đầy đá jacinth và một vòng cổ cũng bằng vàng ròng gắn đầy lam ngọc. Vua Henry II đeo một bao tay bằng nữ trang kéo sát lên tận cùi chỏ và một cặp găng tay khác có gắn mười hai viên hồng ngọc và năm mươi hai viên ngọc trai. Chiếc mũ của Công tước Rash, vị công tước cuối cùng của xứ Burgendy dát đầy đá sapphire và đeo một viên ngọc trai lủng lẳng hình quả lê.
Thật tuyệt vời đời sống xa hoa của con người. Thật lộng lẫy những vật trang sức. Ngay cả khi chỉ đọc về sự xa hoa quyền quý của người chết cũng khiến Dorian cảm thấy thú vị.
Sau đó Dorian chuyển hứng thú của mình qua nghiên cứu tranh thêu và tranh dệt được trưng bày trong những căn phòng lạnh lẽo của những nước thuộc miền Bắc Châu Âu. Mỗi khi bắt tay vào một cuộc nghiên cứu theo sở thích, Dorian luôn tỏ ra hứng thú rất nhanh, hoàn toàn chìm đắm vào những đam mê mới lạ. Có lúc Dorian cảm thấy nuối tiếc về sự chà đạp của thời gian, về sự ruồng bỏ của con người đối với những tác phẩm đầy giá trị của những thế hệ tổ tiên trước đó. Nhưng sau đó Dorian bắt đầu quen dần đi. Hết mùa hè này sang mùa hè khác, hoa jonquil nở vàng rộm và rồi chúng sẽ tàn lụi hàng loạt, nhưng khi đêm về những giấc mộng kinh hoàng lại quay về với Dorian.
Chẳng hiểu sao Dorian gần như đã miễn nhiễm với những ảnh hưởng của thời gian. Anh hoàn toàn không thay đổi. Chẳng có mùa đông nào có thể phá hủy nét đẹp tươi trẻ mùa xuân của Dorian. Tại sao những giá trị vật chất hôm nay thật khác trước nhiều quá? Chúng đã đi đâu cả rồi? Những chiếc áo choàng sặc sỡ mô tả các vị thần đánh đuổi những con quái vật khổng lồ được chế tạo tại Athena hiện giờ ở đâu? Đâu rồi chiếc áo choàng của thành phố Rome? Đâu rồi những chiến bào thêu hình ngôi sao mà Apollo đang cưỡi trên những chiến xa được kéo bởi những con ngựa chiến khỏe mạnh nhất. Dorian muốn tìm hiểu về những chiếc khăn trải bàn ăn được thiết kế riêng cho Elagabalus và chỉ được trưng bày mỗi dịp yến tiệc linh đình. Hay là tấm vải khăn liệm của Vua Chilperic với ba trăm con ong bằng vàng. Hay là chiếc áo choàng của Đức giám mục thành Pontus đầy hình ảnh thú vật như sư tử, báo, gấu, chó, rừng, cây, đất đá, người thợ săn… Nhìn chung đây là chiếc áo thêu lại những gì được nhìn thấy từ thiên nhiên. Hay như chiếc áo choàng của Huân tước xứ Orleans một lần đã mặc, trên cánh tay có thêu một vần thơ bắt đầu bằng câu Madame, je suis tout joyeux (Nàng ơi, tôi hoàn toàn hạnh phúc). Đấy là lời bài hát được thêu bằng chỉ vàng và các nốt nhạc được kết bằng bốn viên ngọc trai. Hay như căn phòng của Nữ hoàng Joan xứ Burgundy có đến một ngàn ba trăm hai mươi con chim sáo thêu và năm trăm sáu mươi con bươm bướm được làm bằng vàng.
Catherine de Medicis có một giường ngủ làm bằng nhung đen phủ đầy hoa và tia ánh mặt trời thêu bằng gấm. Viền của tấm trải giường này được dệt nổi những hoa văn mô tả hoa lá và cành cây, những trái chín trên nền vàng và bạc, những tua rèm được dát bằng ngọc trai. Chiếc giường ngủ được đặt ngay giữa căn phòng, chung quanh toàn là những vật dụng đắt tiền khác được bày biện trên những mặt bàn trải nhung đen sang trọng.
Vua Louis XIV có một bức tranh thêu bằng vàng cao mười lăm tấc trong căn phòng của mình. Giường ngủ của Sobeiski, Vua của Balan được làm bằng kim tuyến vàng từ Smyrna, dát chung với lam ngọc và thêu những đoạn Kinh thánh Koran. Tất cả đều được trang hoàng trên nền bạc, nhìn rất đẹp, gắn đầy những vật trang trí nho nhỏ được lấy về từ những cuộc chinh phạt Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ông vua này tiến đến Vienna. Những đoạn trong kinh Kora là những tiêu chuẩn sống mà Tiên tri Mohammed đã từng tin tưởng.
Cả một năm ròng Dorian đi tìm những mẫu vải thêu độc đáo anh có thể tìm thấy trong các tác phẩm dệt của người Hồi giáo được thêu nổi cầu kỳ bằng những sợi chỉ vàng rất đẹp. Hoặc những tấm vải đính các bộ cánh của nhiều con bọ hung lấp lánh những gam màu hổ phách. Anh đi tìm những bức tranh thêu của phương đông như các bức Nước chảy, Không gian dệt mộng, Sương đêm của Java, hoặc những bức rèm màu vàng của Trung Hoa, các bìa sách bằng lụa xanh, thêu hoa lá, chim cò và nhiều hình ảnh đẹp khác. Anh tìm ra cả những bức tranh thêu của Hungary, những bức tranh thêu của xứ Sicilian, những tấm màn nhung của Tây Ban Nha, những tác phẩm của xứ Georgian được thêu liền với những đồng xu của xứ xở này. Những bức phù điêu Foukousas của Nhật Bản rất lạ mắt với những gam màu sáng và những bộ lông chim rất đẹp.
Dorian thích thú cả những vật dụng có liên hệ đến tôn giáo và nhà thờ. Trong căn nhà của Dorian có khá nhiều những hình ảnh và vật lưu niệm dính dáng đến Chúa Jesus và Hội thánh đựng trong một cái tủ gỗ. Anh có cả bức tranh vẽ cảnh phong tước thánh cho Đức mẹ đồng trinh do một họa sĩ người Ý vẽ vào thế kỷ mười lăm. Anh có những bức họa về các thánh, trong đó có cả bức tranh vẽ Thánh Sebastian và bức Chúa Jesus chịu đóng đinh.
Với tất cả những sở thích này, tất cả mọi thứ Dorian sưu tập chính là cách anh tránh né cuộc sống. Đây là cách để anh lẩn trốn một nỗi sợ hãi dường như quá lớn đối với anh. Trên bức tường trong căn phòng anh đã trải qua rất nhiều ký ức thời thơ ấu của mình, đấy là căn phòng cao nhất của ngôi nhà. Chính anh đã tự tay treo lên bức chân dung của linh hồn mình. Bức chân dung càng ngày càng tróc lở, xấu xa như cuộc sống sa đọa băng hoại của Dorian mà duy nhất chỉ có một mình anh là người biết đến. Chính tay anh đã phủ lên bức tranh tấm khăn choàng phủ quan tài màu tím. Có khi cả nhiều tuần lễ liền Dorian không dám đi vào căn phòng ấy. Anh cố tình quên đi bức tranh ấy, muốn được quay trở lại với tháng ngày hồn nhiên trong sáng, những khát khao bình dị đời thường. Có lúc Dorian nửa đêm lẻn ra khỏi nhà và tìm đến những nơi trụy lạc dâm ô như khu Blue Gate Field. Anh ở đó hết ngày này sang ngày khác cho đến khi người ta phải tống cổ anh ra ngoài. Khi trở về, anh lại ngồi thừ ra nhìn bức tranh, cảm thấy rất giận chính mình và giận cả bức tranh. Nhưng có lúc anh cảm thấy tự hào vì mình đã sống một đời sống thác loạn, hoàn toàn tự do, không câu nệ một cách giả dối. Có lúc Dorian cảm thấy mình bất hạnh vì chính anh đang vác trên vai một thập giá nặng nề cay nghiệt của số phận chính mình.
Sau vài năm, Dorian không thể đi xa London được. Cuối cùng Dorian phải bỏ căn biệt thự mà anh đã sống chung với Henry tại Trouville. Anh bỏ luôn căn nhà nhỏ màu trắng tại Algiers nơi Dorian đã nghỉ vài mùa đông. Dorian bắt đầu căm ghét cảm giác khi phải ở xa bức chân dung đang ôm giữ một phần quan trọng của đời mình. Dorian lo lắng là khi anh vắng nhà, sẽ có kẻ nào đó đột nhập vào căn nhà rồi lấy trộm bức tranh, mặc dù Dorian đã khóa cửa rất cẩn thận.
Dorian nhận ra rằng có thể bức tranh sẽ chẳng nói lên điều gì. Dĩ nhiên những đường nét trên khuôn mặt vẫn là của anh, rồi cả những nét xấu xa trên khuôn mặt ấy, tất cả đều là của anh, nhưng như thế thì đã sao nào? Làm sao kẻ trộm sẽ biết được chuyện gì đã xảy ra. Anh sẽ cười nhạo bất cứ ai làm khó anh. Dorian có vẽ bức tranh ấy bao giờ đâu? Có lẽ chỉ với thái độ của anh người ta mới biết anh khổ tâm và khó chịu. Còn nếu như anh không nói gì với họ, nhất định họ cũng chẳng biết được anh đang có những suy nghĩ như thế nào
Dù sao thì anh cũng sợ hãi thật sự. Có lúc Dorian bỏ đến ngôi nhà lớn ở Nottinghamshire để chiêu đãi những chàng trai trẻ tuổi nhỏ hơn Dorian. Tất nhiên bọn họ bao giờ cũng mê muội chạy theo những xa hoa phù phiếm mà Dorian đã hào phóng ưu đãi bọn họ. Có lúc Dorian bỏ ngang tất cả khách khứa để chạy về xem coi căn phòng anh đang cất bức tranh có còn được khóa an toàn cẩn thận hay không. Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta lấy mất bức tranh? Chỉ với suy nghĩ này thôi đã khiến cho Dorian cảm thấy toát mồ hôi hột. Nhất định cả thế giới này sẽ biết bí ẩn cuộc đời anh. Có lẽ bây giờ họ đã đang bắt đầu nghi ngờ anh rồi thì phải.
Mặc dù rất nhiều người thích Dorian, không hiếm kẻ chẳng ưa gì anh. Anh chỉ là một lá phiếu đơn độc tại câu lạc bộ West End. Chỉ vì xuất thân và vị trí xã hội của Dorian đã khiến anh nghiễm nhiên trở thành một nhà quý tộc. Có lần Dorian rủ một công tước đi vào phòng hút thuốc tại Carlton, ngay lúc đó công tước Berwick và một người đàn ông khác bật đứng dậy, khuôn mặt hằn học khinh miệt lộ ra trông thấy rõ. Rồi những câu chuyện đàm tiếu nói lén sau lưng về những cuộc tình thác loạn của Dorian bắt đầu rộ lên sau khi anh được hai mươi lăm tuổi. Người ta nói đã tận mắt nhìn thấy Dorian gây sự đánh nhau với những thủy thủ nước ngoài trong một quán rượu tầm thường thuộc khu phố Whitechapel rất xa nhà anh. Họ nói Dorian đàn đúm chơi bời với bọn trộm cắp và bọn làm tiền giả. Dorian còn biết rõ chuyện bọn này sinh hoạt bê tha như thế nào. Có lúc Dorian biến mất khỏi những quan hệ xã hội của giới thượng lưu một cách đột ngột. Rồi anh xuất hiện trở lại. Bao giờ cũng khiến cho người ta bàn tán bình phẩm.
Những người đàn ông xì xào thầm thì trong những góc vắng vẻ về những gì họ tin, họ nghe, và họ nghĩ về Dorian. Nhiều người đi ngang qua Dorian và ném một cái nhìn khinh miệt. Có người nhìn thật kỹ vào khuôn mặt của anh, rõ ràng là đang dò xét xăm xoi. Tất cả hình như đều muốn tìm hiểu về bí ẩn của chàng trai Dorian.
Những thái độ ấy khiến cho Dorian cảm thấy khó chịu, dĩ nhiên là Dorian không thể không chú ý đến những nhận xét khá lộ liễu của bọn họ về những biểu hiện khá rõ rệt của khuôn mặt anh. Tại sao nét đẹp trẻ trung và nụ cười quyến rũ của Dorian hình như không bao giờ biến mất. Điều này càng khiến cho những khuôn mặt nhâng nháo của dư luận trở nên tò mò muốn biết. Ban đầu thì là những lời khen nhưng sau đó kể cả những người đã từng chơi thân với Dorian cũng bắt đầu xa lánh dè chừng anh. Duy nhất chỉ có Henry Wolton là vẫn trung thành với Dorian. Cánh đàn bà phụ nữ càng yêu thích Dorian một cách đặc biệt, tỏ ra bất chấp những nguyên tắc cư xử chừng mực, họ ba hoa đủ thứ về chàng trai trẻ hào hoa phong nhã này. Khi nhìn thấy anh bước vào, họ không thể không nhìn sững anh, bất chấp mọi phép tắc lịch sự tối thiểu khác.
Những câu chuyện rỉ tai không tốt đẹp ấy càng khiến cho Dorian trở nên càng quyến rũ và hấp dẫn hơn. Có thể tài sản của Dorian là một yếu tố. Xã hội hiện đại, nhất là xã hội văn minh bao giờ cũng chuẩn bị sẵn sàng để tin rằng những kẻ vừa giàu vừa điển trai như Dorian sẽ chẳng bao giờ thất bại. Người ta chú ý đến nhân cách bề ngoài nhiều hơn là tư cách đạo đức bên trong. Những tôn trọng cao nhất giành cho một cá nhân thường không có nhiều liên hệ với giá trị tư cách đạo đức mà họ không nhìn thấy. Thay vào đó, người ta sẽ đánh giá một người giàu có qua việc nếu họ có một tay đầu bếp nổi tiếng nấu những bữa ăn cho mình hay không. Thật chẳng ra gì khi những tiếng đồn kể lại một nhà quý tộc đãi khách bằng những món ăn quá dở và rượu vang thì quá kém.
Những thứ vụn vặt như thế xem ra rất quan trọng đối với Dorian. Ngay cả những người có đức tính nghiêm túc nhất cũng không thể không ồn ào về một món ăn khai vị không đủ ấm – như Henry một lần đã nói như thế. Vì những điều xem ra tưởng chỉ là những tiểu tiết trong đời sống lại được coi như là những nét tinh tế trong nghệ thuật hình thức của giới thượng lưu. Vì thế hình thức nhất định phải là điều đáng được chú ý. Hình thức cần được đánh giá một cách trân trọng như những nghi thức. Giả dối ư? Nếu cần thiết, dù không thực tế lắm, hình thức cần phải được kết cấu với giả dối hoặc vay mượn lãng mạn, những thông tin vụn vặt để tạo ra những cuộc vui hấp dẫn. Chả lẽ giả dối lại xấu xa đến như thế hay sao? Dorian không nghĩ như thế. Giả dối chỉ khiến cho chúng ta có nhiều hơn nữa những nhân cách phong phú mà thôi.
Dù sao đấy là những suy nghĩ riêng của Dorian. Anh hay tự hỏi tại sao tâm lý học có thể nghèo nàn như thế, nhất là những nhà tâm lý đã luôn cố gắng xác định nhân cách cái tôi của con người trở thành phạm trù đơn giản như một công thức toán học, vĩnh viễn bất biến. Nhất là họ cố tình tạo ra những nhân cách có thể tin cậy được. Hoặc họ sẽ coi nhân cách và cái tôi là một nhân tố chủ yếu quan trọng nào đó. Dorian nghĩ rằng con người có nhiều nét riêng phản ánh qua nhiều đời sống không thể đếm hết được. Có quá nhiều cảm xúc để chúng ta có thể kiểm soát chúng toàn bộ. Con người là một sinh thể rất phức tạp chứa đựng trong hệ tâm thức của mình rất nhiều giai đoạn tư tưởng và những đam mê. Thân xác ngay từ buổi đầu vừa mới sinh ra đã mang theo những mầm bệnh đam mê ma quái cho đến ngày chúng ta chính thức tắt thở lìa xa cõi đời.
Dorian thích đi dạo qua những bức tường trưng bày những tấm ảnh chân dung mốc thếch trong ngôi nhà nghỉ của riêng anh ở vùng quê. Dorian có cảm giác như máu vẫn đang chảy rần rật trong tĩnh mạch nơi cổ họng của những bức chân dung. Đây là Philip Herbert được Francis Osborne diễn tả trong tác phẩm Ký ức vương triều của Nữ hoàng Elizabeth. Còn kia là Vua James, bây giờ trông vẫn rất đẹp trai. Dorian tự nhủ không biết ngày xưa khi Herbert còn trẻ có sống một cuộc đời thác loạn như anh hay không?
Không biết từ đâu mà Basil Hallward có được cảm giác để vẽ nên Dorian và lời cầu nguyện vu vơ hôm đó ở nhà Basil lại bỗng nhiên ứng nghiệm vào bức tranh của Dorian. Thật bất ngờ, hoàn toàn không có bất cứ một nguyên do nào cả. Chả lẽ lời cầu nguyện xuẩn ngốc ấy đã thay đổi đời sống của Dorian hay sao?
Đây là bức tranh của Ngài Anthony Sherard, người mặc một chiếc áo khoác rộng vai màu đỏ có thêu chỉ vàng, hai cổ tay có những đường viền xòe ra, dưới chân là những vũ khí bằng bạc. Cuộc đời của nhân vật này đã để lại những kỳ tích như thế nào nhỉ? Có phải chỉ vì là người tình của Nữ hoàng Giovanna xứ Naples đã khiến ông ta trở thành một người giàu sụ, đi kèm với những tai tiếng tội lỗi và những điều xấu xa trác táng vô liêm sỉ.
Còn đây là phu nhân Elizabeth Devereux trong tấm khăn choàng đội trên đầu, cái yếm thêu đầy ngọc trai, hai tay áo màu hồng lòe loẹt. Một cành hoa nằm trong bàn tay phải của bà. Cổ áo màu đỏ thêu nổi những hoa hồng màu trắng. Bên cạnh là một cái bàn trên đó có một cây đàn mandolin và một quả táo. Trên mũi đôi giày nhọn của bà, hai đóa hoa hồng màu xanh được gắn lên trông to quá khổ. Dorian biết rõ về cuộc đời của người đàn bà này cũng như cuộc đời của những người tình của bà. Không biết Dorian và người đàn bà này có giống nhau khi cả hai người họ thay đổi người tình như thay áo. Dorian chỉ biết đôi mắt nặng mí của bà ta hình như đang nhìn anh bằng một nụ cười bí ẩn.
George Willoughby có mái tóc nhuộm trông chẳng khác nào những bệt hồ. Ông ta xấu xí và độc ác quá. Khuôn mặt chứa đầy vẻ trầm ngâm lì lợm và đen đúa, đôi môi dày, chứa đầy dục vọng hình như đang nhếch lên bằng một nụ cười dâm dật. Những rèm viền cổ áo đổ tràn trên hai bàn tay vàng vọt của người đàn ông với một chiếc nhẫn to đùng. Người đàn ông này đã từng là người được nhiều người mến mộ vào thế kỷ mười tám và là bạn của nhà quý tộc Ferrars.
Còn Ngài Sherard II nữa, ông là bạn của hoàng tử Regent. Vào những ngày ngông cuồng nhất của mình, ông đã liên hệ đến một cuộc hôn nhân kín đáo lén lút với quả phụ Fitzherbert. Ồ. Ông ta mới hào hoa điển trai làm sao, một dáng đứng thẳng, chắc như gỗ hồ đào. Thật là một nét hấp dẫn rất hiếm người có được. Cả thế giới này nhìn ông ta như biểu tượng của một người nổi tiếng nhất. Chính ông ta đã trở thành trung tâm của cả dòng họ Carlton. Ngôi sao huân chương Garter gắn trên ngực áo của ông sáng rực lên. Phía sau lưng là bức chân dung của người vợ, một người đàn bà mặt lạnh, đôi môi mỏng dính, đang mặc áo choàng đen. Hình như máu trong cơ thể người đàn bà ấy đang chạy rần rật trong cơ thể Dorian. Thật là khó diễn tả. Quá bí hiểm để Dorian có thể giải thích được.
Thật ra trong chúng ta ai cũng có những giai thoại về tổ tiên của mình, gần như giống chúng ta về tính nết. Không ít trong số họ đã có những ảnh hưởng rất lớn lên cá tính thế hệ con cháu. Có lúc Dorian nghĩ rằng tất cả những giai thoại của lịch sử dòng họ thể hiện một cách cô đọng bên trong cơ thể anh. Có vẻ như là anh đã sống cuộc đời của họ. Không chỉ có thế, đây là một thứ cảm xúc rất thực tuôn chảy từ những suối tưởng tượng. Hình như chính bộ não của Dorian đang tất bật với những cảm xúc thật nồng nàn. Anh có cảm giác như anh biết tất cả bọn họ, những con người đã sống trước anh rất lâu, những tội lỗi họ đã phạm khiến cho danh tiếng của họ nổi lên như cồn. Không hiểu sao Dorian tin rằng tất cả bọn họ giờ đây đang sống bên trong con người của anh.
Chàng trai người Pháp – nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mà Henry đã đưa cho Dorian đọc cứ thế luôn có những cám dỗ rất khác lạ đối với Dorian. Trong một chương sách, Dorian nhận ra chàng trai được trao tặng những vòng nguyệt quế, sấm sét trên trời muốn đánh chàng trai nhưng không đánh được, anh chàng đang ngồi im như Tiberius trong khu vườn Capri. Anh ta đang ngồi đọc cuốn sách gợi dục của Elephantic trong khi chim trĩ và chim công lững thững đi bộ chung quanh. Không gian ướp đẫm tiếng sáo du dương; con ngựa Caligula đang say sưa ăn cỏ trong máng. Con vật này không giống như con chó Domitian, bao giờ cũng lững thững, nhìn khắp nơi với con mắt nặng nề, có vẻ chán chường những ngày tháng già nua hiện tại của mình.
Cứ thế Dorian đọc hết từ chương sách này qua chương sách khác khi nhân vật trong truyện kể về cuộc đời của riêng anh ta một cách hấp dẫn như thể sợi chỉ sự kiện cuộc đời của anh được nhà thiết kế Gustave Moreau tạo ra một thứ hoa văn rất khác thường. Nơi đó tội lỗi, máu, và sự mệt mỏi rã rời trở thành đáng yêu và đáng sống. Này nhé, Filippo, Công tước xứ Milan đã giết vợ mình rồi vẽ lên đôi môi mịn mềm của cô ấy bằng thuốc độc. Hay là Pietro Barbi, một nhân vật thuộc thời kỳ Venetian còn được biết đến qua cái tên Paul II cả đời cứ đi tìm những điều phù phiếm và sau cùng được biết đến như một biểu tượng nổi tiếng của dân Formosus. Nhất là sự kiện ông đã mua chiếc mũ đáng giá hai mươi vạn đồng florin, một giá đắt kinh khủng nhất từ xưa đến nay. Hay như Gian Maria Visconti, người đã sử dụng chó săn để đuổi người, sau đó đã giết người vô tội vạ, cuối cùng phủ lên xác người chết những cành hoa hồng do chính tay một cô gái điếm là người tình của ông ta đặt lên. Hay nhân vật Borgia luôn cỡi trên lưng con ngựa trắng là kẻ đã giết chết người em ruột của mình. Bờm ngựa vẫn còn vấy máu của Perotto. Hay như Pietro Riatio, một vị Hồng y trẻ của Florence, con trai của Vua Xitrus IV, người có một nét đẹp trai y hệt như tính cách dâm đãng trác táng của mình. Ông ta đã ân ái với nàng trinh nữ Leonora xứ Aragon trong một lều vải bằng lụa vẽ hình những nàng tiên và những con quái vật nửa người nửa ngựa. Vị hồng y này như một đứa trẻ ham vui đã phục tùng người con gái này liên miên tại những bữa tiệc bất kể là ở Ganymede hay ở Hylas.
Rồi cả Ezzelin với nỗi buồn chỉ có thể điều trị bằng cái chết. Người đàn ông này khát khao nhìn thấy máu người như đàn ông nhìn thấy rượu vang đỏ. Ezzelin là con trai của Fiend, hai cha con họ đã gian lận trong một ván bài khi cả hai người đem linh hồn của mình ra cá cược. Hay như Giambattista Cibo người đã cười nhạo sự ngây thơ của người khác. Chính ông ta cuối cùng đã mượn tay một bác sỹ Do Thái trẻ bơm chất độc vào mạch máu của ba chàng trai trẻ. Hay như Sigismondo Malatesta Công tước xứ Rimini, người tình của nàng Isotta, người sau này đã bị Tòa thánh La Mã đốt bức tượng của ông ta như là biểu tượng kẻ thù của Thượng đế, chính vị công tước này đã thắt cổ Polyssena bằng một chiếc khăn lụa và đưa thuốc độc cho Ginevra d’Este trong một cái chén bằng ngọc vì ông cố ý chống lại thánh lễ của người Kitô giành cho những kẻ ngoại giáo. Rồi cả Vua Charles VI là người đã mê mẩn cô em dâu của mình đến độ một người cùi đã khuyên răn ông ta rằng ông ta sẽ bị điên. Sau này ông ta điên thật và chỉ có thể giảm nhẹ cảm giác ấy bằng những xoa dịu từ những tấm bưu thiếp của Saracen có vẽ hình Thần tình yêu, hay Thần chết, và hình vị Thần điên. Hoặc như Grifonetto Baglioni, người đã giết chết Astorre và người vợ mới cưới của anh ta. Hay như Simonetto trong khi còn sống người ta rất ghét nhưng khi chết tất cả mọi người đều khóc vì thương tiếc. Hay như Atalanta, người cả đời lảm nhảm nguyền rủa số phận của mình nhưng rồi sau đó lại tự chúc phúc cho mình vào giờ phút chót.
Tất cả những câu chuyện của bọn họ thật hấp dẫn đối với Dorian. Những nhân vật này theo Dorian đi vào giấc mơ của anh vào ban đêm và ray rứt lôi kéo trí tưởng tượng của Dorian vào ban ngày. Ôi. Thời phục hưng quả đúng là một thời điểm con người biết đến nhiều cách hạ độc để giết nhau quá. Hạ độc chỉ cần đến một cái mũ và một ngọn đuốc, bằng một cái bao tay thêu hay một cái quạt dát cườm, bằng một lọ sáp thơm hay những bình nhựa thông tưởng chừng như hoàn toàn vô hại.
Dorian bị đầu độc y như thế bởi một cuốn sách. Có những giây phút anh thật sự muốn tìm đến sự độc ác tội lỗi như thể đấy là cách duy nhất để anh có thể nhận ra sự tồn tại vẻ đẹp hào hoa phong nhã của chính mình.
Chân Dung Của Dorian Gray Chân Dung Của Dorian Gray - Oscar Wilde Chân Dung Của Dorian Gray