Số lần đọc/download: 1740 / 32
Cập nhật: 2017-01-29 18:11:05 +0700
Chương 10
Không biết bắt đầu từ khi nào
Nhưng, không giả
Dài rộng hơn bất kỳ phương thức nào
Anh thân yêu ơi
Dù hiện tại có gian nan tới mấy,
Cuối cùng cũng là ký ức và quá khứ
Em sẽ luôn đợi chờ
Vì anh
Điếu thuốc thứ mười, cũng là điếu thuốc cuối cùng trong hộp.
Dùng ngón trỏ tay phải thọc vào trong bao thuốc, đích thực là điếu cuối cùng.
Nhìn đồng hồ, từ khi lên chuyến tàu này tới giờ, vừa đúng bốn tiếng bốn mươi bốn phút.
Một con số rất thú vị.
Tôi chỉ dám nói “thú vị”, không dám nói “không may ”. Bởi vì tôi thực sự rất cần vận may.
Hành trình còn lại, chỉ còn khoảng 20 phút mà thôi.
Sắp về tới Đài Nam rồi.
Tôi, Bách Sâm, anh Tử Nghiêu, chị Tú Chi, Tôn Anh và Minh Thanh sáu người, đều đã từng học hành hoặc lập nghiệp ở Đài Nam nhiều năm, sau đó cũng lần lượt rời khỏi Đài Nam.
Tôi là người rời khỏi Đài Nam muộn nhất, nhưng lại trở về sớm nhất.
Năm người còn lại, có lẽ sẽ trở về Đài Nam, có lẽ không, đời người rất khó nói.
Còn Thuyên, vốn không thuộc về Đài Nam, nhưng lại dọn tới Đài Nam.
Một tháng sau khi anh Tử Nghiêu rời khỏi Đài Nam, Thuyên quyết định dọn tới Đài Nam.
“Tại sao lại chuyển tới Đài Nam?” Tôi hỏi Thuyên.
“Em chỉ muốn ở gần anh hơn.”
“Nhưng em đã ở Cao Hùng lâu như vậy.”
“Ở đâu với em cũng đều như nhau.”
“Như thế có tốt không?”
“Không sao đâu. Sau này nếu anh muốn gặp em, em sẽ có thể nhanh chóng để cho anh gặp được.”
“Từ Cao Hùng tới Đài Nam, chỉ mất một giờ ngồi xe. Có khác nhau mấy đâu.”
“Em biết cảm giác chờ đợi, vì thế em không muốn để anh phải đợi nhiều, dù chỉ là một tiếng.”
Khóe miệng Thuyên cong lên, đôi môi giống hệt vầng trăng thượng huyền.
“Vậy em vẫn ở một mình sao?”
“Vâng.”
“Không cô đơn sao?”
“Một mình em không cô đơn. Khi nhớ anh, mới cô đơn.”
“Em…” Tôi rất muốn nói gì đó, nhưng nhất thời không thể tìm được từ ngữ nào phù hợp.
“Nếu anh cũng không muốn để em phải đợi…” Thuyên ngập ngừng rồi nói tiếp, “Khi anh đi thám hiểm sao Hỏa, hãy dùng dây thừng buộc chúng ta lại với nhau.”
Ánh mắt màu nâu trà của Thuyên sáng lấp lánh, tôi vô thức đưa tay chạm lên nhịp tim mình, không nói lên lời.
Ba ngày sau khi Thuyên dọn tới Đài Nam, trường học của Minh Thanh tổ chức kỷ niệm thành lập, cô ấy mời tôi tới chơi.
“Quá Nhi, ngày mai trường mình kỷ niệm thành lập, có cả hội chợ nữa. Đến chơi nhé.”
“Cô Cô, mình sợ mấy cô học sinh cưng của bạn lắm nhé.”
“Ủa? Sao bạn nói chuyện kiểu gì lạ vậy? Sao lại dùng từ “nhé”?
“Mình…” Bắt gặp ánh mắt của Minh Thanh, tôi vô thức nắm lấy vai phải.
“Đàn ông đàn ang sao lại sợ mấy cô bé cấp ba chứ?” Hình như Minh Thanh không phát hiện ra động tác của tôi.
“Nhưng mà…”
“Quá Nhi, tới chơi đi. Đừng nghĩ linh tinh.”
Tôi nhìn ánh mắt của Minh Thanh, chậm rãi gật đầu.
Tôi không sợ sự nghịch ngợm của học sinh Minh Thanh, thứ tôi sợ, là sự ngây thơ của họ.
Điệu bộ hồn nhiên của họ, luôn khiến tôi liên tưởng tới, tôi không phải là Dương Quá, mà là Trần Thế Mỹ.
Sáng hôm sau, tôi tới trường Minh Thanh.
Ngôi trường nữ vốn không cho nam giới bước chân vào sân trường, hôm nay đặc biệt ân chuẩn cho khách nam tham quan.
Trường nữ thực ra không có nơi nào đặc thù, chỉ có điều rất khó tìm thấy nhà vệ sinh nam mà thôi.
Nhưng nhà vệ sinh nam ở trường nữ hết sức sạch sẽ, thỉnh thoảng còn có thể nhìn thấy nhện giăng tơ nơi góc tường.
Tôi đứng từ xa nhìn sạp hàng của Minh Thanh, còn chưa bước tới gần đã nghe thấy có người hét toáng lên:
“Cô Tiểu Long Nữ ơi, tên đồ đệ Dương Quá chẳng ra gì của cô tới rồi nè!”
Đó là cô bé có mái tóc rất ngắn kia.
Hình như Minh Thanh đang bận, ngẩng đầu lên, dáo dác ngó nghiêng, phát hiện ra tôi thì cười cười, vẫy tay với tôi.
Tôi bước vào sạp hàng của họ, mấy cô bé mời tôi ngồi xuống.
“Anh Dương, mời ngồi.” Một cô bé trông rất lanh lợi mỉm cười bảo tôi.
“Anh ấy không phải họ Dương, anh ấy bị gọi là Dương Quá chỉ là một sự bi ai đầy mỉa mai mà thôi.”
Cô bé tóc ngắn lại lên tiếng.
“Sự bi ai đầy mỉa mai?” Cô bé lanh lợi tỏ vẻ hiếu kỳ.
“Gọi anh ấy là Dương Quá, lẽ nào không mỉa mai? Bi ai ở chỗ, lại là do cô giáo Lâm xinh đẹp gọi nữa.”
Cái cô bé tóc ngắn này, hình như có thù với tôi thì phải.
“Đừng nói linh tinh.” Minh Thanh cười cười quở trách, rồi bê hai ly nước tới ngồi cạnh tôi.
Chúng tôi ngồi trò chuyện giữa những ánh mắt soi mói và tiếng rì rầm bàn bạc của học sinh Minh Thanh.
“A flower inserts in the bull shit” (Một đóa hoa nhài cắm bãi phân trâu)
Chậc, tai tôi đúng là rất thính, lại nghe thấy một câu không nên nghe rồi.
Nhìn theo hướng phát ra tiếng nói, cô bé tóc ngắn đang giơ ngón tay hình chữ V với tôi.
“Cô Cô,” tôi lén chỉ về phía cô bé tóc ngắn, “Bạn đánh trượt môn Quốc văn của nó được không?”
“Ha ha. Đừng có so đo với trẻ con. Hồi trước bạn cũng giống nó, mồm mép xấu xa.”
“Hồi xưa mồm mép mình xấu xa lắm à?”
“Ừ.” Minh Thanh cười cười.
“Thế còn bây giờ?”
“Bây giờ thì không. Dù sao cũng đã sáu năm rồi.”
“Sáu năm?”
“Quá Nhi, Quá Nhi, ngươi ở đâu?” Hai tay Minh Thanh khum lại quanh miệng, khẽ nói:
“Cô Cô tìm ngươi cực khổ quá.”
Đó là cảnh tượng lần đầu tiên tôi và Minh Thanh gặp nhau, cô ấy cầm tấm thẻ Tiểu Long Nữ, đi tìm Dương Quá.
Tôi bỗng bàng hoàng phát hiện ra, ngày hôm nay của sáu năm về trước, chính là ngày tôi gặp Minh Thanh lần đầu tiên.
Tôi còn nhớ khi đó Minh Thanh mặc áo len màu vàng cam, tóc cài băng đô, mang theo ánh nắng ngày đông đi về phía tôi.
Đã sáu năm rồi, sao giống như chỉ mới ngày hôm qua vậy nhỉ?
Hôm qua Minh Thanh vẫn còn là cô bé sinh viên trẻ trung hoạt bát, hôm nay đã cầm cây thước trên tay, trở thành giáo viên.
Năm tháng thật sự vô tình như vậy sao?
“Quá Nhi, thời gian trôi nhanh thật đấy. Phải không?”
“Ừ.”
“Bạn cũng trưởng thành rồi.” Minh Thanh bỗng bùi ngùi.
“Sao lại nói những lời kỳ lạ như vậy? Cứ như mình là trẻ con ấy.” Tôi cười nói.
“Bạn vốn chính là một đứa trẻ con mà.” Minh Thanh cũng cười.
“Bây giờ không phải nữa rồi chứ?”
“Bạn vẫn luôn là trẻ con.” Lông mày bên phải của Minh Thanh, lại khẽ chau lại.
“Quá Nhi, đi thôi. Mình đưa bạn đi tham quan.” Minh Thanh đứng dậy.
“Cô ơi, hai người nắm tay đi, không thì ôm một cái cũng được. Cho bọn em mở mang tầm mắt tí.”
Cô bé tóc ngắn lại bắt đầu bày trò đầu têu.
“Thành tích môn Quốc văn của em,” Minh Thanh chỉ vào cô bé, “E là sẽ rất nguy hiểm đấy.”
Tôi rất khoái chí, tới lượt tôi giơ ngón tay chữ V lên với cô bé tóc ngắn.
“Nhưng mà Cô Cô ơi,” Tôi chỉ vào cô bé tóc ngắn, “Cô bé này nói, cũng không phải là không có lý.”
“Quá Nhi!” Minh Thanh cốc đầu tôi một cái.
“Thưa cô…” Cô bé tóc ngắn có vẻ rất lo cho thành tích môn Quốc văn của mình.
“Chỉ mỗi mình em biết nói đùa thôi chắc?” Minh Thanh cười cười, “Cô cũng biết vậy.”
Minh Thanh đưa tôi đi một vòng quanh trường. Sau đó bèn ra khỏi trường, đi dạo bên ngoài.
Trên đường đi, tôi không ngừng nghĩ tới cảnh tượng trước đây khi đi chơi đêm, leo núi với Minh Thanh.
Lần đầu tiên mở miệng hẹn Minh Thanh đi xem phim, chúng tôi cũng đi như thế này.
Tôi bỗng có cảm giác, không phải tôi đang đi ra khỏi trường học, mà là đang đi về quá khứ.
“Quá Nhi, sao bạn cứ luôn đi về phía trái mình thế?” Minh Thanh quay sang hỏi tôi.
“Bởi vì lúc bạn đi đường, thường không tập trung.”
“Thế thì đã sao? Đi đường vốn phải nên thả lỏng mà.”
“Nhưng bên trái ở gần đường, nếu bạn không cẩn thận đi sát vào đường xe chạy, sẽ gặp nguy hiểm.”
Minh Thanh dừng bước, kéo tôi lại gần mình, cười nói:
“Quá Nhi, bạn biết không? Bạn đúng là một người rất lương thiện.”
“Vậy sao? Cũng thường thôi.”
“Mặc dù phần lớn mọi người đều lương thiện, nhưng bạn còn lương thiện hơn cả họ.” Minh Thanh mỉm cười.
Ánh nắng ấm áp ngày đông, vẫn chiếu từ sau lưng cô ấy, rọi qua mái tóc, hắt vào mắt tôi.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy Minh Thanh nói tôi lương thiện.
Nhưng khi nghe thấy từ “lương thiện” và nhìn vào ánh mắt của Minh Thanh, trong tôi bỗng nhói lên một cảm giác tội lỗi.
“Lát nữa mình phải quay lại trường, buổi trưa không đi với bạn được. Tối nay chúng ta cùng ăn tối nhé.”
“Được.”
“Hôm nay là một ngày quan trọng, phải chọn nơi nào đáng để kỷ niệm đấy.”
“Ừ.”
“Vậy bạn nói xem, tối nay chúng ta đi đâu ăn đây?”
Đương nhiên tôi biết Minh Thanh muốn tới nhà hàng mà chúng tôi đã tới ăn hai lần trong một ngày.
Bữa tối, Minh Thanh mặc một chiếc váy dài.
Là kiểu váy mà cô ấy mặc vào thì vừa vặn, còn Tôn Anh mặc vào lại gần quét đất.
Tôi ngắm thật kỹ, không sai, đó là chiếc váy cô ấy đã mặc, khi chúng tôi đi xem phim lần đầu tiên.
Chuyện xưa càng ôn càng nồng, mặc cảm tội lỗi của tôi, lại càng nặng nề.
Chiếc vòng tay màu bạc trên tay phải Minh Thanh, theo những cử động tay của cô ấy, vẫn giống như một tia chớp màu bạc, dậy sấm, đổ mưa trong lòng tôi.
Khiến tôi tối hôm đó, mất ngủ.
Năm 2000 của thiên niên kỷ mới tới, Bách Sâm tìm được một người thuê phòng mới, thay vào chỗ trống mà anh Tử Nghiêu để lại.
Sau khi chị Tú Chi biết chuyện, cứ lầm bà lầm bầm mãi, mấy ngày liền không nói chuyện với Bách Sâm.
Tôi nghĩ, dường như chị Tú Chi vẫn đang ôm một tia hy vọng, đợi anh Tử Nghiêu quay trở về.
Lần đầu tiên nhìn thấy người bạn cùng nhà mới, cô ấy đang quét dọn trong phòng anh Tử Nghiêu.
Tôi bước vào chào hỏi, cô ấy đặt chổi xuống, vén tóc:
“Em học dưới anh ba khóa, có thể gọi anh là sư huynh được không ạ?”
“Dĩ nhiên là được rồi.”
Giọng cô ấy cứ the thé, tóc thì giống hệt như Mộc Thôn Thác Tai trong phim Kỳ nghỉ dài ngày.
“Em gái à, anh ở tầng trên. Chào mừng em dọn tới đây.”
Hình như cô ấy thoáng kinh ngạc, nhưng lại cười ngay.
Tôi dẫn cô ấy đi tham quan nhà, rồi nói qua về nguyên tắc chia tiền điện nước gas.
“Em hiểu chưa?”
“Dạ.”
“Nếu vẫn chưa rõ, lúc nào cũng có thể tới gặp anh. Không cần khách sáo, em gái nhé.”
“Sư huynh, em muốn hỏi anh một chuyện, nghe nói anh bị cận rất nặng?”
“Đúng vậy.” Tôi cười cười, “Sao em biết?”
“Vì em là em trai, không phải em gái.”
Tôi há hốc mồm, rất lâu không ngậm lại được.
“Xin… xin lỗi.”
“Anh à, anh đừng để bụng. Cũng hay có người nhầm lắm.” Cậu ta bật cười.
“Ngại quá đi mất.” Tôi gãi đầu.
“Nhưng nhầm hoành tráng như anh đây, thì lần đầu em gặp phải đấy.”
“Để tỏ lòng xin lỗi, tối nay anh mời cậu ăn cơm nhé, cậu em.”
“Được thôi. Em cung kính không bằng tuân mệnh.”
Cậu em này kém tôi ba tuổi, có hai cô bạn gái, biệt hiệu lần lượt là “Bình gas” và “Pizza”.
“Sao lại gọi thế?” Tôi hỏi cậu ta.
“Khi anh gọi điện gọi gas hay pizza, có phải trong vòng 20 phút họ sẽ đến ngay hay không?”
“Đúng thế.”
“Em chỉ cần gọi một cú, họ sẽ lập tức chạy tới. Cho nên đó chính là biệt danh của họ.”
Nói xong, cậu ta cười khoái chí.
“Này thằng em, cậu như thế có hơi…” Tôi không biết phải dùng từ gì để miêu tả lỗi lầm này.
“Anh à, lúc ăn cơm anh chỉ ăn rau không ăn thịt à? Dù là ăn chay, cũng không thể chỉ ăn một loại rau thôi chứ.”
Cậu ta lại cười, duỗi hai tay ra:
“Hơn nữa tại sao chúng ta lại có hai cánh tay? Đó là để nhắc nhở chúng ta nên trái ôm phải ấp.”
Tôi không khỏi thoáng bùi ngùi.
Tôi từng này tuổi, thường bị người lớn tuổi hơn một chút coi là thế hệ mới, quan điểm tình yêu vừa mì ăn liền vừa cởi mở.
Nhưng tôi vẫn kiên trì nguyên tắc cơ bản một-một trong thế giới tình yêu, không dám vượt rào.
Nếu đi sát vạch phạm quy, đối với tôi mà nó, cũng tựa như phạm tội.
Nhưng với cậu em kia mà nói, nguyên tắc một-một này dường như không tồn tại.
Nếu tôi ra đời muộn một chút, liệu tôi có nhẹ nhõm và vui vẻ hơn không?
Tôi nghĩ, có lẽ tôi vẫn thuộc loại người tuân thủ nguyên tắc, nếu không tôi sẽ không thể nào an lòng.
Để an lòng, chúng tôi cần có tính đạo đức.
Nhưng thường là sau khi có cảm giác đạo đức rồi, chúng ta càng không thể nào an lòng.
Tôi lâm vào cảm giác mâu thuẫn.
Lẽ ra tôi cần thích Minh Thanh, bởi vì tôi gặp Minh Thanh trước, Minh Thanh gần như là một người con gái hoàn mỹ, Minh Thanh không làm sai điều gì, quen với Minh Thanh đã hơn sáu năm, Minh Thanh tốt với tôi một cách lạ thường.
Vì thế, thích Minh Thanh mới “đúng”.
Song, người con gái mà tôi thích, lại là Thuyên.
Thích Thuyên, hình như là “sai”.
Có lẽ, trong mắt người khác, tôi và cậu em kia chẳng khác gì nhau.
Chỉ khác ở chỗ, cậu em tận hưởng lạc thú trái ôm phải ấp; còn tôi lại không ngừng giằng co trong vòng xoáy “đúng” và “sai”.
Bình gas và Pizza, có thể đồng thời tồn tại, nhưng đúng và sai, lại chỉ có thể chọn một mà thôi.
Câu hỏi lựa chọn của cuộc đời, tôi vẫn luôn không giỏi trả lời.
Không phải là không biết nên chọn gì, mà là không biết nên từ bỏ điều gì.
Trong mâu thuẫn của lựa chọn và từ bỏ, lượng công việc của tôi nhiều lên trông thấy, cuối tuần cũng phải làm việc cả ngày.
Tuy Thuyên đã chuyển tới Đài Nam, nhưng tần suất chúng tôi gặp nhau, chẳng hề nhiều hơn trước.
Dường như em luôn cảm thấy tôi thuộc về một trạng thái cực kỳ bận rộn, vì thế không dám mở miệng đòi gặp mặt.
Trên thực tế, mỗi lần em gọi điện tới, thường đúng lúc tôi rất bận rộn.
Nhưng Thuyên luôn có cách, khiến cho tôi có sức lực để mỉm cười, vào những khi tôi bận rộn nhất.
“Nếu tất cả đều là đang nằm mơ, anh hy vọng khi tỉnh lại sẽ là lúc nào?”
Có lần trong lúc làm việc, Thuyên gọi điện cho tôi, hỏi như vậy.
“Ừm… anh chưa từng nghĩ về vấn đề này. Còn em? Em hy vọng là lúc nào?”
“Em hỏi anh trước mà.”
“Em vẫn có thể trả lời trước mà, anh không để ý đâu.”
“Không được gian xảo như vậy.”
“Thôi được. Anh hy vọng khi tỉnh lại sẽ là ngày hôm nay của ba năm về trước.”
“Thì ra anh… anh vẫn còn nhớ.”
“Dĩ nhiên là anh nhớ. Ngày hôm nay của ba năm trước, lần đầu tiên anh gặp em.”
Tôi cười cười, “Em vòng vèo như thế, chính là để hỏi anh có nhớ chuyện này không chứ gì.”
“Ừm.” Thuyên khẽ đáp.
Làm sao tôi có thể quên được lần đầu tiên gặp Thuyên?
Dẫu đã ba năm rồi, tôi vẫn không thể nào tiêu hóa nổi nỗi chấn động ban đầu.
Nhưng có lúc tôi sẽ nghĩ, nếu tôi không gặp Thuyên, tháng ngày liệu có trôi qua vui vẻ hơn một chút?
Chí ít thì khi đối diện với Thuyên, tôi không cần phải áy náy với Minh Thanh.
Khi đối diện với Minh Thanh, cũng không cần cảm thấy có lỗi với Thuyên.
Khi đối diện với lương tâm của chính mình, cũng không cần cảm thấy tội lỗi.
Nhưng tôi vẫn thà lựa chọn sự giày vò khi có Thuyên, chứ không muốn chọn lựa niềm vui vẻ khi không có Thuyên.
“Thế… tối nay có thể gặp nhau không?”
“Được chứ.”
“Nếu anh bận thì không cần phải miễn cưỡng.”
“Anh không bận đến mức đó đâu, chúng ta lúc nào cũng có thể gặp nhau.”
“Thật không?”
“Ừ.”
“Vậy chúng ta tới nhà hàng nơi chúng ta gặp nhau lần đầu tiên để ăn tối nhé, được không?”
“Được.” Tuy trong lòng thầm thở dài, nhưng tôi vẫn cố gắng thể hiện sự hào hứng trong giọng nói.
“Dạo này em ổn chứ?” Lúc ăn cơm, tôi hỏi Thuyên.
“Em vẫn luôn rất ổn mà, sẽ không thay đổi đâu.”
“Bài vở thuận lợi không?”
“Rất thuận lợi. Lúc nào không viết được, thì em chơi piano.”
“Đánh đàn có tác dụng à?”
“Tiếng đàn không biết lừa dối, em có thể mượn tiếng đàn để bày tỏ nỗi lòng.”
“Ừ. Nếu có cơ hội, anh muốn được nghe em chơi đàn.”
“Vậy lát nữa em chơi cho anh nghe.” Nói xong, Thuyên nhìn tôi, thở dài.
“Ừ… được. Nhưng sao em lại thở dài?”
Thuyên không đáp, ngón trỏ tay phải đặt ngang môi, chăm chú nhìn tôi.
Chỗ ở của Thuyên ở Đài Nam, là một tòa chung cư tám tầng có thang máy.
Khéo sao, cũng là gác lửng. Diện tích hơi nhỏ hơn căn phòng ở Cao Hùng một chút, nhưng bài trí cũng tương tự.
“Anh hãy tưởng tượng lỗ tai anh mọc ở giữa hai hàng lông mày,” Thuyên chỉ vào giữa trán tôi:
“Sau đó thả lỏng, lắng nghe.”
“Được.”
Thuyên đàn một khúc nhạc có giai điệu rất chậm rãi, tôi không biết đó là khúc nhạc gì, cũng không chăm chú lắng nghe, bởi vì tôi bị thần thái của Thuyên thu hút, đó là một vẻ mặt vô cùng chăm chú.
“Hay quá.” Khi Thuyên đàn xong, tôi vỗ tay.
“Anh có biết đánh đàn không?” Thuyên hỏi.
“Đã 27 năm anh không sờ đến cái đàn rồi.”
“Sao anh cứ như vậy hoài nhỉ? Chưa bao giờ đánh đàn thì cứ nói là chưa bao giờ đánh đi.”
“Em…” Phản ứng của Thuyên hơi kỳ lạ, tôi rất ngỡ ngàng.
“Tại sao anh cứ nhất định phải kìm nén bản thân? Anh có biết, màu sắc của anh càng lúc càng đậm hay không.”
“Xin lỗi.” Dường như Thuyên rất kích động, tôi đành xin lỗi.
“Anh lại đây.” Thuyên vẫy tay bảo tôi đi tới bên trái em.
Rồi Thuyên lấy ngón cái tay trái ấn vào giữa trán tôi, tay phải gõ lên mấy phím đàn, sau đó dừng lại, lắc đầu.
“Em không thể… đàn bằng một tay. Làm thế nào bây giờ? Màu giữa hai hàng lông mày của anh đậm quá.”
Nói xong, Thuyên buông tay trái ra, khẽ cong ngón trỏ lại, gõ nhẹ vào trán, bảy cái.
“Em đang nghĩ gì thế?”
“Em đang nghĩ, làm thế nào mới có thể làm màu của anh nhạt đi.” Trong lúc nói, em lại gõ thêm hai cái vào trán.
“Đừng lo, không sao đâu.”
“Tại sao anh lại bảo em đừng lo? Mỗi sáng nhớ tới anh, tim cứ luôn đau nhói. Anh lại vẫn cố chấp như vậy, cứ thích đè nén bản thân. Biết kìm nén chính mình thì ghê gớm lắm sao?”
Thuyên đứng dậy đối diện với tôi, hai tay túm lấy gấu váy.
“Xin hỏi, em đang giận đấy à?”
“Ừ.” Thuyên gật đầu thật mạnh.
“Anh không ghê gớm, em mới ghê gớm. Lúc giận mà em vẫn có thể đáng yêu như thế này.”
“Em không đáng yêu.”
“Nói thật nhé, nếu biết sớm lúc em giận lại đáng yêu như thế này, lẽ ra anh phải chọc em giận thường xuyên hơn.”
“Không được nói linh tinh. Tức giận luôn là không đúng.”
“Cuối cùng em cũng biết tức giận là không đúng rồi.” Tôi cười.
“Em đâu có cố tình nổi giận.” Thuyên đỏ mặt, “Em chỉ… chỉ rất lo lắng cho anh.”
“Nghe em đánh đàn rất dễ chịu, lông mày sẽ dễ dàng giãn ra. Lông mày mà giãn ra, thì màu sẽ nhạt đi thôi.”
“Thật không?’
“Ừ. Bây giờ anh cảm thấy giữa hai lông mày rất nhẹ nhõm, lông mày anh hình như sắp rụng mất tiêu rồi.”
“Anh lại nói đùa rồi.” Thuyên ngồi xuống, “Em đánh đàn tiếp đây, anh phải lắng nghe cho kỹ nhé.”
Tôi gật đầu, Thuyên lại chăm chú đánh liền sáu khúc nhạc.
Đánh xong mỗi khúc, Thuyên sẽ quay sang cười với tôi, rồi lại quay lại, tiếp tục đàn.
“Vậy là đủ rồi. Còn đàn nữa em sẽ mệt đấy.”
“Không sao. Chỉ cần anh thích nghe, em sẽ cứ đàn tiếp. Em sẽ cố gắng.”
“Cố gắng gì cơ?”
“Nụ cười của anh, em luôn luôn cố gắng.”
“Chẳng phải anh rất hay cười sao?” Nói xong, tôi cố tình cười thêm một cái thật nghiêm túc.
“Tuy anh hay cười, nhưng rất nhiều lúc, không phải là cười một cách vui vẻ.”
“Cười một cách vui vẻ?”
“Ừ. Nụ cười vốn chỉ là một phương thức để thể hiện tình cảm, nhưng đối với rất nhiều người, chỉ là một loại động tác, không liên quan tới việc vui vẻ hay không. Chỉ có điều nụ cười động tác, và nụ cười thể hiện tình cảm, tiếng cười hoàn toàn khác nhau. Giống như…”
Thuyên quay lại lần lượt ấn lên hai phím đàn, phát ra hai âm thanh cao thấp khác nhau.
“Cùng là nốt Đô, nhưng vẫn có tông cao thấp khác nhau.”
“Ừ.”
“Có phải em khiến anh không vui không?”
“Đừng nói linh tinh. Sao em lại nghĩ vậy?”
“Lần đầu tiên nhìn thấy anh, tiếng cười của anh giống như vang vọng từ trên núi cao xuống, mang theo không khí trong lành.
Sau này… tiếng cười của anh lại giống như vọng từ một hang động rất sâu rất sâu ra, em như có thể nghe thấy được một âm thanh âm u lạnh lẽo”
“Sao em có thể phân biệt được?”
“Có thể là vì… vì…thi…thích.”
“Có phải em nói thiếu một chữ anh không?”
Thuyên không phủ nhận, chỉ cúi đầu, ngón tay mân mê gấu váy.
“Sao em, lại thích anh?”
“Anh…” Dường như câu hỏi này làm Thuyên giật mình, em bỗng đứng bật dậy, dựa lưng vào chiếc đàn.
Ngón tay vô tình đụng vào phím đàn, phát ra những âm thanh chói lói.
“Tại sao?” Tôi hỏi lại một lần nữa.
“Em không biết.” Thuyên bình tĩnh trở lại, đỏ mặt, lắc đầu:
“Thực ra không biết, ngược lại lại tốt hơn.”
“Hả?.”
“Bởi vì em không biết tại sao lại thích anh, nên em sẽ không có lý do để rời xa anh.”
“Vậy liệu có một ngày nào đó em tỉnh lại, sẽ đột nhiên phát hiện ra không thích anh nữa?”
“Không đâu.”
“Tại sao?”
“Giống như tuy em không biết tại sao Mặt Trời lại mọc từ phía Đông, nhưng em tin rằng, mỗi ngày khi em tỉnh lại, Mặt Trời sẽ không mọc lên từ phía Tây.”
“Mặt Trời mọc từ đằng Đông, là vì Trái Đất tự quay ngược chiều kim đồng hồ từ Tây sang Đông.”
“Ừm.”
“Bây giờ em đã biết nguyên nhân Mặt Trời mọc ở phía Đông, vậy em có còn thích anh nữa không?”
“Dù Trái Đất không chuyển động nữa, em vẫn cứ thích anh.”
“Thế còn anh?” Thuyên hỏi bằng giọng rất khẽ, “Anh… sao anh lại thích em?”
“Anh cũng không biết.”
“Không phải đâu. Anh thông minh như vậy, chắc chắn là anh biết.”
“Chính bởi vì anh thông minh, nên đương nhiên anh biết cần phải tránh trả lời những câu hỏi nan giải này.”
“Anh…” Thuyên có phần bực bội, “Không công bằng, em đã nói với anh rồi mà.”
“Em đừng kích động.” Tôi cười, “Anh thật sự cũng không biết tại sao anh lại thích em.”
“Vậy… anh thật sự thích em sao?”
“Vũ trụ siêu cấp sấm sét vô địch thật.”
“Nhưng em ngốc lắm.”
“Anh thích em.”
“Nhưng em không biết cách ăn nói, sẽ khiến anh giận.”
“Anh thích em.”
“Nhưng em rất vô tâm, không biết cách quan tâm đến anh.”
“Anh thích em.”
“Nhưng em đi đường hay bị ngã.”
“Anh thích… khoan đã, đi đường bị ngã thì liên quan gì đến việc anh có nên thích em hay không?”
“Dáng em ngã khó coi lắm, anh sẽ không thích đâu.”
“Không đâu.” Tôi cười, “Dù em có bị ngã, anh vẫn cứ thích em.”
“Ừm.” Thuyên cúi đầu, khẽ gật nhẹ một cái.
“Xin anh, đừng khiến em phải lo lắng thêm nữa.”
“Ừ. Thực ra anh cũng rất lo cho em.”
“Nếu chúng ta đều trở thành đối tượng để quan tâm lẫn nhau, vậy thì mỗi người hãy tự chăm sóc mình thật tốt, như thế có phải cũng giống như chia sẻ gánh nặng với người kia không?”
“Ừ. Anh hứa với em. Còn em?”
“Em cũng hứa với anh.”
“Không còn sớm nữa, anh phải về thôi.”
“Anh định bỏ mặc em lẻ loi một mình nơi ban công này sao?”
“Anh…” Tôi không biết phải nói thế nào, đầu óc tăng tốc tìm kiếm câu chữ thích hợp.
“Hi hi.” Thuyên phì cười, “Hồi trước anh diễn Romeo, chắc chắn là không diễn hết.”
“Sao em biết?”
“Bởi vì anh không đáp được câu tiếp theo. Lẽ ra anh phải nói: Hãy để ta bị họ bắt được và giết chết. Ta hận không thể ở mãi nơi này, vĩnh viễn không cần phải rời xa. Cái chết ơi, hãy đến đi, ta chào đón ngươi.”
“Thì ra không phải là “Chết đi Juliet!” à”
“Gì cơ?” Thuyên không hiểu.
“Không có gì.” Tôi cười, “Anh về đây. Em cũng đừng viết bài khuya quá nhé.”
Tôi bắt đầu hối hận vì hồi trước đã bị đuổi ra khỏi câu lạc bộ kịch nói.
Ba tuần sau, là sinh nhật lần thứ 27 của Bách Sâm.
Buổi sáng trước khi ra khỏi nhà đi làm, chị Tú Chi dặn tôi nhất định phải lôi Bách Sâm về nhà ăn tối.
Buổi tối đi làm về, nhìn thấy một bàn đầy đồ ăn, và cả một cái bánh kem chưa gỡ ra khỏi hộp.
“Chúc mừng sinh nhật!” Chị Tú Chi và Minh Thanh đồng thanh chúc mừng Bách Sâm.
“Cảm ơn.” Bách Sâm nở một nụ cười có phần gượng gạo.
Chị Tú Chi và Minh Thanh không phát hiện ra sự khác thường của Bách Sâm, vẫn tươi cười sắp bát đũa ra bàn.
Tuy thiếu anh Tử Nghiêu và Tôn Anh, nhưng bốn người chúng tôi cùng nhau ăn cơm, cũng khá náo nhiệt.
“Quá Nhi, cơm hôm nay cũng được chứ?” Minh Thanh hỏi tôi.
“Ngon lắm.” Tôi gật đầu.
“Tiếc là thiếu một món.” Bách Sâm chợt nói.
“Món gì?” Chị Tú Chi hỏi.
“Mực rán.”
“Em muốn ăn mực rán à?” Chị Tú Chi lại hỏi.
“Chị, em và Sâu Rau, hôm nay… hôm nay bị sa thải rồi.” Bách Sâm chợt có chút kích động, “Nhưng… tại sao lại vào đúng ngày sinh nhật của em chứ?”
Minh Thanh giật mình, cái bát trong tay rơi xuống bàn. Canh trong bát trào ra lênh láng.
“Cũng không thể nói là bị sa thải được, kinh tế khó khăn, công ty cắt giảm nhân viên, chẳng may dính trúng bọn mình.”
Nói xong, tôi cố nuốt chỗ thức ăn trong mồm, nhưng cứ nghẹn lại ở cổ.
“Quá Nhi…” Minh Thanh không đếm xỉa gì đến chỗ canh trên bàn, cứ nhìn tôi đăm đăm.
“Không sao đâu.” Tôi bắt chước Bách Sâm, nặn ra một nụ cười.
Chị Tú Chi không nói gì, lẳng lặng vào bếp lấy giẻ lau ra lau bàn.
Ăn xong, chẳng kịp ăn bánh kem, Bách Sâm liền trốn về phòng.
Tôi không muốn trốn vào trong phòng, sợ sẽ khiến chị Tú Chi và Minh Thanh lo lắng. Đành phải ngồi ở phòng khách xem ti vi.
Cảm thấy hơi mệt mỏi, muốn ra ban công cho thoáng, vừa đứng dậy, Minh Thanh liền lập tức đứng dậy theo.
Tôi nhìn Minh Thanh, dường như cô ấy rất căng thẳng, tôi mỉm cười với cô ấy.
Ra đến ban công, đưa mắt nhìn ra xung quanh, bỗng bắt gặp quả bóng rổ nơi góc tường.
Tôi cúi xuống định nhặt, Minh Thanh bỗng quỳ xuống, dùng thân người ôm lấy quả bóng.
“Cô Cô, bạn đang làm gì vậy?”
“Giờ đã muộn lắm rồi, bạn đừng chạy đến sân bóng rổ ngồi ngơ ngẩn nữa.”
Thì ra Minh Thanh tưởng tôi sẽ giống như buổi tối thi trượt, một mình lặng lẽ chuồn đến sân bóng rổ.
“Mình không làm thế đâu. Bạn đừng căng thẳng.”
“Thật không?”
“Ừ.” Tôi gật đầu. Lúc này Minh Thanh mới từ từ đứng dậy.
Tôi im lặng rất lâu, Minh Thanh cũng không nói gì, chỉ đứng cạnh tôi.
“Ôi trời ơi! Cái cuộc đời bi thảm này! Chi bằng…” Tôi nhấc chân phải lên, gác lên lan can ban công.
“Quá Nhi! Không được!” Minh Thanh hét lên, tôi giật bắn mình.
“Cô Cô, mình đùa thôi.” Tôi cười ngặt nghẽo, “Bạn tưởng mình định nhảy lầu thật đấy à?”
Tiếng cười của tôi nhanh chóng tắt lịm.
Bởi vì tôi nhìn thấy nước mắt của Minh Thanh, như hồ chứa nước xả lũ, đầm đìa.
“Cô Cô, sao thế?”
Minh Thanh chỉ lẳng lặng đứng đó, mặc cho nước mắt rơi.
“Quá Nhi, bạn đừng như vậy… mình rất lo cho bạn.”
“Cô Cô, xin lỗi.”
“Quá Nhi, tại sao bạn lại xấu xa như vậy? Giờ phút này mà bạn vẫn còn đùa với mình như thế…”
Minh Thanh lấy phần tay áo sát phía vai lau nước mắt, động tác rất mạnh.
Tôi bước vào phòng khách, lấy vài tờ giấy ăn, đưa cho cô ấy.
“Công việc tìm là sẽ có mà, đâu có phải ngày tận thế đâu.” Minh Thanh nghẹn ngào nói hết câu này.
“Cô Cô, mình biết. Bạn đừng lo lắng.”
“Vừa rồi bạn làm mình hết cả hồn, bạn có biết không?” Minh Thanh cầm giấy ăn lau khóe mắt.
“Là mình không đúng, mình xin lỗi.”
“Bạn thật sự rất xấu…” Minh Thanh giơ tay lên, vẻ như định đánh vào đầu tôi, nhưng cánh tay lại cứng đờ trong không trung.
“Sao thế?” Tôi đợi rất lâu, mà không thấy tay Minh Thanh hạ xuống.
“Quá Nhi… Quá Nhi…” Minh Thanh kéo áo tôi, cúi đầu, lại khóc.
Lưu lượng nước mắt của Minh Thanh rất cao, nhưng tốc độ chảy lại không nhanh.
Còn nước mắt của Thuyên, tốc độ chảy rất nhanh, nhưng lưu lượng lại không lớn.
Minh Thanh khóc, có tiếng khóc.
Còn Thuyên khóc, không có tiếng khóc, chỉ có chóp mũi ửng đỏ.
“Cô Cô, đừng khóc nữa. Bạn mà khóc nữa, thì không đủ giấy ăn để dùng đâu.”
“Mình thích khóc đấy, bạn mặc kệ mình…” Minh Thanh đổi một tờ giấy ăn khác, lau nước mắt.
“Cô Cô, bạn yên tâm. Mình sẽ cố gắng tìm việc làm, sẽ không bỏ cuộc đâu.”
“Ừ. Bạn biết thế thì tốt.” Cô ấy khụt khịt mũi mấy cái.
“Mình cứ luôn làm bạn lo lắng, thật sự rất ngại.”
“Đã lo cho bạn hơn sáu năm rồi, quen rồi.”
“Mình thật sự… dễ khiến người khác phải lo lắng lắm sao?”
“Ừ.” Minh Thanh vẫn đang nghẹn ngào bỗng bật cười, “Bạn có bản chất khiến người khác phải lo lắng.”
“Vậy sao?” Tôi ngẩng đầu nhìn trời đêm, thở dài, “Mình thật sự như vậy sao?”
“Có lẽ là tại mình thôi. Ngay cả khi bạn yên ổn, mình vẫn sẽ lo lắng cho bạn.”
“Tại sao?”
“Đâu có tại sao, lo là lo thôi, có gì đáng để hỏi đâu.”
“Mình… có đáng không?”
“Đáng cái gì?” Minh Thanh quay sang nhìn tôi, khóe mắt vẫn còn vương nước mắt.
“Đáng để bạn lo lắng cho mình.”
“Bạn nói gì thế?” Hình như Minh Thanh nổi giận. Cô ấy vo chặt tờ giấy ăn trong tay, cất cao giọng:
“Mình thích lo, mình đồng ý lo, mình quen lo, mình cần phải lo, không được sao?”
Cô ấy mở to mắt, giọng nói đầy kích động.
“Nhưng.. tại sao chứ?”
“Tại sao? Tại sao? Tại sao?...” Minh Thanh giậm chân phải xuống đất, rồi nói: “Tại sao bạn cứ thích hỏi tại sao thế?”
“Xin lỗi.” Lần đầu tiên thấy Minh Thanh giận đến thế, tôi thoáng bối rối.
“Thôi.” Minh Thanh nói chậm lại, khẽ vén những sợi tóc rủ trên trán, gượng gạo mỉm cười:
“Hôm nay nhất định tâm trạng của bạn rất khó chịu, mình không nên tức giận.”
“Cô Cô…” Tôi ngập ngừng.
“Thực ra lẽ ra bạn phải biết từ lâu rồi, cần gì phải hỏi nữa?”
Minh Thanh thở dài, hơi thở lần này thật dài thật dài.
Rồi cô ấy tựa vào lan can, ngắm nhìn bầu trời. Tiếc là tối nay không có sao, cũng chẳng có trăng.
“Quá Nhi, mình muốn nói với bạn một chuyện.”
“Nói đi.” Tôi cũng dựa vào lan can, nhưng mắt lại nhìn vào trong nhà.
“Mình thích bạn. Bạn có biết không?”
“Mình biết.”
“Vậy sau này đừng hỏi mình tại sao nữa.”
“Ừ.”
“Chuyện công việc, đừng buồn phiền. Cứ từ từ.”
“Ừ.”
“Mình phải đi thôi. Quả bóng này mình mang theo, ngày mai trả lại cho bạn.”
“Được.”
Nói xong, Minh Thanh vào phòng khách lấy túi xách, chúc tôi ngủ ngon, rồi ra về.
Tôi cứ đứng ở ban công, tận tới khi trời sáng.
Nhưng dù trời đã sáng, tôi vẫn không thể nào tỉnh lại, từ những lời Minh Thanh đã nói.
Trong vòng một tháng tiếp theo, tôi và Bách Sâm lại bắt đầu tìm việc mới.
Chỉ tiếc là hồ sơ xin việc của tôi và Bách Sâm, nếu không phải là quá nhẹ, thì lại là quá nặng.
Hồ sơ xin việc nhẹ tựa như sương khói, tan giữa không trung; hồ sơ xin việc nặng lại như đá chìm đáy biển.
Bách Sâm ít nói hẳn đi, thường tự nhốt mình trong phòng.
Cậu ấy còn về nhà ở Đài Bắc hai chuyến, như đang chuẩn bị kế hoạch gì.
Để tránh bị cắt cơm, tôi nhận dạy gia sư ba nơi, dù sao cả ngày ru rú ở nhà cũng chẳng phải là cách hay.
Trong thời gian này, Minh Thanh thường tới tìm tôi.
Cô ấy rất muốn biết tôi đã tìm được việc chưa, nhưng lại không dám hỏi.
Còn tôi vì mãi vẫn chưa tìm được việc, nên cũng không dám chủ động đề cập tới.
Đối thoại giữa chúng tôi thường là “Trời càng ngày càng nóng”, “Cây dưới nhà càng ngày càng đẹp”, “Đôi vợ chồng tầng năm bên cạnh càng cãi nhau càng hăng”, “Học sinh của cô ấy càng ngày càng nghịch ngợm” vân vân và vân vân.
Lâu dần, nụ cười của Minh Thanh càng ngày càng nhạt nhòa, tiếng cười càng lúc càng ít ỏi.
Tôi không muốn Thuyên biết mình bị thất nghiệp, đành phải tiên hạ thủ vi cường, bảo với em tôi được điều ra công trường.
Mà ở công trường không có điện thoại.
Chỉ có điều, tôi luôn không giấu được Thuyên.
“Hình như anh rất buồn.”
“Thế à?”
“Vâng. Lúc anh buồn, lông mày bên phải sẽ dễ nhăn lại hơn.”
“Vậy còn lông mày bên trái?”
“Em không biết. Bởi vì lông mày bên trái của anh, rất ít khi hoạt động đơn lẻ.”
“Hoạt động đơn lẻ?” Tôi bật cười, sự hình dung của Thuyên, thường rất đặc biệt.
“Phải. Có thể nghĩ nhiều hơn tới những chuyện vui vẻ được không?”
“Anh không biết chuyện như thế nào thì nghĩ tới sẽ vui vẻ hơn.”
“Vậy thì…” Thuyên cúi đầu khẽ nói, “Lúc nhớ em có vui không?”
“Ừ. Nhưng bây giờ em đang ở bên anh, anh không cần phải nhớ tới em.” Tôi cười nói.
“Anh có biết không? Ngay cả khi anh ở bên em, em vẫn cứ nhớ anh”
“Tại sao khi anh ở bên em, em lại vẫn nhớ anh?”
“Em không biết.” Thuyên lắc đầu, “Em thường nhớ anh, nhớ tới phát khờ luôn.”
“Xin lỗi.” Tôi cười cười.
“Xin anh hãy nhớ, dù em ở nơi đâu, cũng đều chỉ cách anh một cái quay người.”
Thuyên cười cười,
“Chỉ cần anh quay người lại, là có thể nhìn thấy em.”
“Gần như vậy sao?”
“Ừ. Em luôn ở nơi rất gần anh.”
“Đó là nơi nào.”
“Em ở trong tim anh. Cũng giống như anh ở trong tim em.”
Thuyên cười rạng ngời, rất ít khi nhìn thấy em cười như vậy.
Nửa tháng sau khi tôi và Bách Sâm bị đuổi việc, chị Tú Chi quyết định về dạy học tại trường trung học ở Tân Trúc.
“Nhà chị ở Tân Trúc, cũng nên về quê làm việc thôi. Hơn nữa…”
Chị Tú Chi đưa mắt nhìn căn phòng của anh Tử Nghiêu trước đây, chậm rãi nói:
“Đã hơn nửa năm rồi, anh ấy còn chưa trở lại. Chị đợi anh ấy nửa năm, có lẽ cũng đủ rồi.”
Tuy không đành lòng, nhưng tôi vẫn lặng lẽ giúp chị Tú Chi đóng gói hành lý.
“Sâu Rau, nghỉ một lát đi. Chị gọt ít hoa quả cho cậu ăn.”
“Cảm ơn chị.” Tôi thở dốc, lau mồ hôi.
Chị Tú Chi cắt một đĩa hoa quả, một nửa là lê trắng, một nửa là táo màu vàng nhạt.
Tôi cầm nĩa lên, xiên một miếng lê, cho vào mồm.
“Sâu Rau, cậu có biết không? Táo này 100 tệ nửa cân, còn lê chỉ có 60 tệ nửa cân thôi.”
“Dạ.” Tôi lại xiên tiếp miếng lê thứ hai.
“Chị nói lại một lần nữa. Táo 100 tệ nửa cân, lê 60 tệ nửa cân. Táo đắt hơn.”
“Dạ, em biết. Nhưng em lại thích ăn lê hơn.”
“Sâu Rau…” Chị Tú Chi nhìn tôi, thở hắt ra một hơi, “Chị có thể yên tâm rồi.”
“Yên tâm?” Miếng lê thứ ba vừa chui tọt vào mồm, tôi ngừng nhai, đầy hoài nghi.
“Chị vốn không có tư cách để nói, bởi vì chị là đàn chị của Minh Thanh. Nhưng nếu đứng từ góc độ là bạn cùng nhà với em bao năm nay, chị cũng nên lên tiếng một chút.”
“Chị…” Chị Tú Chi lại biết chuyện của mình, tôi vô cùng ngượng ngùng, tai đỏ bừng lên.
“Không cần phải ngại. Chị để ý em lâu rồi, đã biết từ lâu.”
“Chị, xin lỗi. Em…”
“Đừng tự trách mình. Chuyện tình cảm vốn không nên miễn cưỡng. Chị vốn lo lắng em vì không biết được mình thích ai, nên mới do dự. Nay thì chị yên tâm rồi, chị nghĩ nhất định em biết, em thích ai.”
Chị Tú Chi đi tới trước chiếc chậu mà anh Tử Nghiêu tặng, cẩn thận phủi bụi trên đó.
“Sâu Rau, vậy em có biết, ai là táo? Ai là lê không?”
“Em biết.”
“Dù táo có đắt mấy đi chăng nữa, em vẫn thích ăn lê hơn, đúng không?”
“Dạ.”
“Khẩu vị của một người, không hề có đúng và sai. Em hiểu không?”
“Dạ.”
“Chị không còn câu hỏi nào khác nữa. Em ăn lê tiếp đi.”
“Vậy… táo phải làm thế nào?”
“Những người thích ăn táo, có rất nhiều. Em đừng ăn lê rồi, nhưng lại giữ mãi táo không buông.”
“Dạ.” Tôi gật đầu.
“Ngày mai chị mới đi. Tối nay chị em mình với Lý Bách Sâm và Minh Thanh cùng ăn một bữa ra trò nhé.”
Chị Tú Chi gói chiếc chậu lại cẩn thận, mỉm cười với tôi.
Thuyên là lê, Minh Thanh là táo.
Dù Minh Thanh có tốt đến đâu, tôi vẫn thích Thuyên hơn.
Chị Tú Chi nói không sai, thích loại quả gì, chỉ là vấn đề khẩu vị cá nhân.
Không hề có “đúng” và “sai”.
Nhưng, tại sao tôi lại thích lê? Mà không phải là táo?
Dù sao táo cũng đắt hơn mà.
Tôi đối với Thuyên, là có “cảm giác”.
Còn Minh Thanh đối với tôi, lại khiến tôi “cảm động”.
Chỉ tiếc là điều quyết định sự nảy sinh tình cảm, là “cảm giác”, chứ không phải “cảm động”.
Là nguyên do như vậy sao?
Sau khi anh Tử Nghiêu đi rồi, chị Tú Chi không còn gầm gừ nữa, tôi vẫn luôn không quen với sự yên lặng này.
Nay chị Tú Chi cũng ra đi, chị ấy hẳn sẽ mang đi tất cả mọi âm thanh của nơi này.
Tôi sờ lên khung cửa sổ sát đất của phòng khách, lần đầu tiên gặp chị Tú Chi, chị ấy đã từng dỡ nó xuống.
Nghĩ tới cảnh sợ hãi chị Tú Chi lúc đó, không khỏi bật cười.
“Em đừng ăn lê rồi, lại giữ mãi táo không buông.” Tôi sẽ nhớ rõ lời dặn dò của chị Tú Chi.
Vậy là chị Tú Chi trở thành cây chủ thứ ba rời khỏi tôi.
Cây chủ của tôi, chỉ còn lại Bách Sâm và Minh Thanh.
Sau khi tiễn chị Tú Chi đi, Bách Sâm càng trở nên lặng lẽ.
Có tối, Bách Sâm bỗng nổi cơn, mua liền mấy chai bia, rủ tôi cùng đi đến ký túc hồi trước.
Chúng tôi gõ cửa phòng 1013, nói rõ ý định, các cậu em bên trong mặt mày ngơ ngác.
Sờ soạng thành giường và bàn học hồi trước xong, chúng tôi lên sân thượng.
Trèo lên tháp nước cao nhất của ký túc, nằm vật xuống, giống như cảnh tượng trước đây khi tập nhảy dân vũ.
“Tiếc là đêm nay không có sao.” Bách Sâm nói.
“Cậu uống bia vào thì sẽ thấy rất nhiều sao.” Tôi cười nói.
“Sâu Rau, tớ quyết định sang Mỹ học tiến sĩ.” Bách Sâm nhìn trời, bỗng dưng lên tiếng.
“Ừm…” Tôi thoáng ngẫm nghĩ, “ Tớ chúc phúc cho cậu.”
“Cảm ơn.” Bách Sâm cười cười, lật người nhìn sang phía tôi.
“Sâu Rau, cậu còn nhớ buổi tối hôm giành được chức quán quân bóng bầu dục, tớ hỏi cậu, tớ có phải là nhân vật anh hùng trời sinh không?”
“Dĩ nhiên là nhớ chứ. Thực ra cậu hỏi rất nhiều lần rồi.”
“Khi đó cậu trả lời: cậu có phải anh hùng hay không tớ không biết, nhưng sau này cậu tuyệt đối sẽ là nhân vật số một.”
Bách Sâm thở dài, “Sâu Rau, thật sự cảm ơn cậu.”
“Chuyện từ đời nào rồi, còn cảm ơn cái nỗi gì.”
“Do chịu ảnh hưởng từ bố, tớ luôn muốn vượt trội hơn người.” Bách Sâm lại quay ra nhìn trời:
“Từ nhỏ tới lớn, dù làm chuyện gì, tớ đều yêu cầu bản thân phải mạnh hơn người khác.”
Bách Sâm lại nhấn mạnh:
“Tớ nhất định, nhất định phải vượt trội hơn người.”
Tôi không đáp, chỉ cùng Bách Sâm ngắm trời đêm, chăm chú lắng nghe.
Bách Sâm muốn khác với người khác, tôi lại muốn giống với mọi người, chúng tôi có những gút mắc khác nhau.
Nhờ quen biết Minh Thanh, vì thế tôi may mắn hơn, có thể gỡ được sự mắc míu này.
Còn Bách Sâm không may mắn như vậy, chỉ có thể không ngừng không ngừng tiến lên phía trước.
Đột nhiên ngã từ trên cao xuống, trong lòng cậu ấy, chắc chắn là rất khó chịu.
“Bách Sâm, ra ngoài tung cánh đi. Cậu chắc chắn sẽ bay cao hơn người khác.” Tôi thở dài nói.
“Hừm…” Một lúc lâu sau, Bách Sâm thở hắt ra một hơi dài, mỉm cười, “Tâm trạng khá hơn nhiều rồi.”
“Vậy thì tốt.” Tôi cũng yên tâm rồi.
“Sâu Rau, có thể cho tớ biết, người cậu thích là ai được không?”
“Phương Thuyên.”
“Tại sao không phải là Lâm Minh Thanh?”
“Tớ cũng không biết. Có thể là tớ mất lý trí, điên mất rồi.”
“Sao cậu lại bảo mình điên?”
“Bởi vì tớ không thể chứng minh được tại sao mình lại thích Phương Thuyên.”
“Sâu Rau à, học khoa học bao năm nay, những thứ chúng ta từng chứng minh, chẳng lẽ vẫn còn chưa đủ? Đến cả tình yêu cậu cũng muốn chứng minh sao? Chẳng lẽ cậu đã quên cuộc thi hùng biện trước kia?”
“Hả?”
“Trước đây chúng ta chẳng phải đã từng tranh luận, “Tình yêu liệu có làm cho một người mất đi lý trí”?”
“Đúng thế.”
“Lúc cậu hùng biện, chẳng phải đã nói: Nếu giữa đen và trắng, mọi người đều chọn trắng, chỉ có một người chọn đen. Chỉ có thể nói anh ta không bình thường, không thể nói là không lý trí. Bình thường hay không bình thường là khác nhau về nhiều hay ít, không có đúng hay sai, càng không liên quan gì đến lý trí hay không lý trí.”
Đúng vậy, tại sao tôi cứ luôn muốn chứng minh rằng tôi thích Thuyên, chứ không phải là Minh Thanh?
Trong lòng tôi biết, tôi thích Thuyên, là đủ.
Có rất nhiều thứ cần phải chứng minh, không phải là vì để được tin, mà là vì bị hoài nghi.
Đối với việc thích Thuyên, từ trước tới nay tôi chưa từng hoài nghi, hà cớ gì phải chứng minh rằng nó đúng đắn?
Cũng giống như trong thâm tâm tôi luôn tin rằng Mặt Trời mọc từ đằng Đông, nhưng đâu có cần sáng nào cũng phải dậy từ năm giờ để chứng minh.
Cuối cùng tôi cũng đã tỉnh ngộ.
Tôi quyết định không do dự nữa.
Chỉ có điều đối với tôi, nói với một người yêu mình rằng mình không yêu người đó, còn khó hơn nhiều so với việc nói với một người không yêu mình rằng mình yêu họ.
Vì thế tôi vẫn cần đến một chút dũng khí cuối cùng.
Ngày Bách Sâm rời khỏi Đài Loan, tôi cùng cậu ấy ra sân bay, làm xong thủ tục, cậu ấy chợt hỏi tôi:
“Sâu Rau, xin hãy cho tớ hay. Tối hôm cậu thi trượt lớp kỹ sư, khi chúng ta cùng ăn lẩu, cậu nói: Chính khách Đài Loan cần phải học tập miếng thịt trong nồi lẩu. Rốt cuộc câu đó có ý nghĩa gì?”
Vẻ mặt Bách Sâm rất nghiêm túc, như thể vấn đề này đã quấy nhiễu cậu ấy rất nhiều năm rồi.
“Trong nồi lẩu cái gì cũng có, tượng trưng cho tiền tài danh lợi và địa vị. Chính khách nên giống như miếng thịt trong nồi lẩu, tuyệt đối không thể ở trong nồi quá lâu, phải biết rút lui khi đang trên đỉnh vinh quang, già néo đứt dây.”
“Sâu Rau, cậu quả là cao thủ. Thành tích bài văn lần đó, cậu chịu thiệt thòi rồi.”
Bách Sâm bừng tỉnh ngộ, bật cười.
“Bách Sâm, cậu cũng là cao thủ.”
Tôi cũng cười, dù sao cũng là chuyện từ đời nào rồi.
Nếu không có gì thay đổi, bài văn lần đó, là bài văn cuối cùng tôi viết, vì thi đấu hay thành tích.
“Cùng bị đuổi việc một ngày, gặp nhau lọ chi cùng khen ngợi.”
Bách Sâm bỗng cười ha hả.
Thuyên nói không sai, tiếng nói sẽ lừa dối.
Dù giọng nói của Bách Sâm vui vẻ, nhưng tôi vẫn có thể nhìn ra được sự bi thương và buồn bã của cậu ấy.
“Bách Sâm, cậu còn quên thứ gì không?”
“Có. Tớ đã để lại thứ quan trọng nhất ở Đài Loan.”
“Hả? Gì thế?” Tôi cuống hết cả lên.
Bách Sâm đặt chiếc túi du lịch đang xách trên tay phải xuống, đăm đăm nhìn tôi, không đáp.
Sau đó chầm chậm đưa tay phải ra, nghẹn ngào nói:
“Tớ để người bạn tốt nhất trên đời này của tớ ở lại Đài Loan.”
Giống như viên đạn vụt bay ra khỏi nòng, tay phải của tôi lập tức nắm chặt lấy tay của Bách Sâm.
Chúng tôi cùng nắm tay phải, vì dùng sức quá mạnh mà run lên.
Quen với Bách Sâm lâu như vậy, tôi mới chỉ bắt tay với cậu ấy có hai lần, lần đầu gặp mặt và bây giờ ly biệt.
Đều là một bàn tay dày và ấm.
Những ngông cuồng của thời đại học, những ngày tháng chong đèn thâu đêm suốt sáng thời nghiên cứu sinh, những thất bại chán chường khi đi làm, suốt chín năm nay, tôi và Bách Sâm đều nâng đỡ nhau trưởng thành.
Những ngày tháng sau này, có lẽ chúng tôi rất khó có thể gặp lại nhau.
Còn người quan trọng nhất trong cuộc sống của nhau, có lẽ sẽ từ bạn bè thay đổi thành vợ con.
Nghĩ tới đây, tôi bỗng cảm thấy một nỗi bi thương khó tả, vì thế kích động ôm chặt lấy Bách Sâm.
Nước mắt chết tiệt cứ thế chảy, như nước suối trào lên từ lòng đất, lũ lượt trào dâng.
Tôi 27 tuổi, lại đường đường một đấng nam nhi, không thể yếu mềm như vậy được.
Nhưng tôi luôn cảm thấy ở rất nhiều phương diện, tôi vẫn giống như một đứa trẻ con, cần có Bách Sâm không ngừng che chở.
Bách Sâm ơi, tớ chỉ là một cây tầm gửi, rời xa cậu rồi, tớ phải tồn tại như thế nào đây?
“Sâu Rau, tớ viết cho cậu câu này.”
Bách Sâm đưa tay áo bên phải dụi mạnh mắt mấy cái, khom người xuống, lấy giấy bút trong túi hành lý ra.
“Nào, cho tớ mượn cái lưng.”
Tôi quay người ra, Bách Sâm đặt giấy lên lưng tôi, viết sột soạt.
“Xong rồi.” Bách Sâm gấp tờ giấy làm đôi, nhét vào túi áo sơ mi của tôi.
“Tớ đi đây, cậu bảo trọng nhé.”
Mắt tôi cứ đỏ hoe, mãi không nói nổi lời nào.
Bách Sâm đi rồi, tôi mở tờ giấy ra xem, trên đó viết:
“Tình yêu là một đóa hoa mọc bên bờ vực, muốn hái, nhất định phải cần có dũng khí.”
- Shakespear.
Cây chủ thứ tư rời khỏi tôi – Bách Sâm, đã cho tôi chút dưỡng chất cuối cùng – dũng khí.
Ca sĩ đang nổi Lương Tịnh Như hát cấm có sai, “Chúng ta đều cần có dũng khí, để tin rằng sẽ ở bên nhau.”
Quản lý công ty tôi trước đây cũng không sai, “Chúng ta đều cần có dũng khí, để đối diện với rượu bia.”
Thì ra có những lời tôi bắt buộc phải thu hết can đảm để nói.
Tôi đã biết rồi.
Tiễn Bách Sâm đi rồi, tôi bắt xe từ Đào Viên, một mình trở về Đài Nam.
Cậu em có mái tóc giống hệt Mộc Thôn Thác Tai kia có ở nhà hay không, chẳng có ý nghĩa gì với tôi.
Tôi chỉ cảm thấy trống rỗng.
Tôi giống như đang trôi bồng bềnh trong phòng, không thể nào chạm đất.
Khi tôi đang thử cố định cơ thể, không muốn tiếp tục bập bềnh trong không trung nữa, chuông cửa bỗng reo lên, Minh Thanh tới.
“Ăn cơm chưa?” Minh Thanh hỏi tôi.
“Chưa.” Tôi lắc đầu.
“Bạn ngồi xem ti vi đi, mình nấu cho bạn một bát mì.”
“Cô Cô, mình…”
“Đừng nói gì cả, ăn xong rồi nói, có được không?” Minh Thanh cười.
Minh Thanh nhanh nhẹn vặn vòi nước trong bếp, rửa nồi, đổ nước ngập già nửa.
Bật bếp điện, đun nước, nước sôi, cho mì vào.
Lấy bát đũa ra, rửa bát, rửa cả bên trong lẫn bên ngoài.
Rửa đũa, dùng hai tay chà sát hai chiếc đũa, phát ra tiếng kêu lách cách.
Vẩy nước đọng trên tay, lấy khăn khô, lau khô bát đũa trước, rồi mới lau tới hai tay.
Mì chín, Minh Thanh vớt một cọng mì lên nếm thử, hình như bị bỏng tay, khẽ thốt lên một tiếng.
Đưa ngón trỏ tay phải lên miệng thổi, rồi lại dùng ngón trỏ và ngón cái tay phải nắm lấy thùy tai phải.
Bắt gặp ánh mắt của tôi, Minh Thanh cười cười, le lưỡi.
Minh Thanh lấy một tờ báo dưới ti vi ra, gấp lại làm ba, lót lên trên bàn.
Chạy vào bếp, vớt mì trong nồi ra cho vào bát.
Lấy muôi múc canh trong nồi, một muỗng… hai muỗng… ba muỗng… bốn muỗng, rưới đều vào trong bát.
Đặt đũa ngang miệng bát, lấy khăn bọc lấy cái bụng tròn tròn của chiếc bát, bê bằng hai tay.
“Coi chừng, nóng lắm đấy.”
Minh Thanh cẩn thận đặt bát mì lên tờ báo.
“A, quên thìa rồi.”
Lại chạy vào trong bếp, chọn một chiếc thìa, rửa sạch sẽ, lau khô.
Minh Thanh đặt chiếc thìa vào trong bát, mỉm cười:
“Ăn đi cho nóng.”
“Còn bạn?”
“Mình không đói, lát nữa ăn sau.”
Cô ấy xắn tay áo lên, lấy một tờ giấy ăn ra lau mồ hôi.
“Mình vụng lắm.” Cô ấy cười ngượng nghịu.
Minh Thanh, bạn không vụng về, quen bạn đã sáu năm rưỡi, bây giờ là đẹp nhất.
Minh Thanh ngồi cạnh tôi, nhìn tôi ăn mì.
Tôi nhớ mãi hương vị bát mì đó, nhưng tôi không thể tìm được câu chữ nào để miêu tả hương vị ấy.
Trong lúc ăn mì, tôi thầm nghĩ, sau này tôi phải đọc sách nhiều hơn, dụng tâm nhiều hơn, nếu có cơ hội, nhất định tôi sẽ dùng câu chữ để miêu tả lại hương vị của bát mì này.
“Có ngon không?” Minh Thanh hỏi tôi.
“Ngon lắm.” Tôi gật đầu.
Minh Thanh lại cười.
“Quá Nhi, vừa rồi bạn định nói gì?” Tôi ăn xong, cô ấy hỏi tôi.
“Mình…” Biết thế, tôi đã ăn chậm lại.
“Lý Bách Sâm đi rồi, nhất định bạn rất cô đơn.” Minh Thanh thở dài.
“Cô Cô…”
“Quá Nhi, bạn yên tâm. Cô Cô sẽ không đi đâu, Cô Cô sẽ mãi ở bên bạn.”
“Cô Cô, mình chỉ còn lại một cây chủ là bạn mà thôi.”
“Ngốc ạ.” Minh Thanh mỉm cười, “Đừng suốt ngày ví bản thân như cây tầm gửi thế.”
Minh Thanh đưa mắt nhìn xung quanh, chợt bùi ngùi:
“Lúc đầu sáu người chúng ta ở bên nhau, náo nhiệt biết bao. Bây giờ, chỉ còn lại có hai chúng ta.”
“Sao bạn lại…”
“Không có gì. Chỉ cảm thấy thời gian trôi thật nhanh, chớp mắt đã ở Đài Nam chín năm rồi.”
“Ừ.”
“Những ngày tháng rực rỡ huy hoàng nhất trong cuộc đời chúng ta, đều ở nơi này.”
“Ừ.”
Minh Thanh quay sang nhìn tôi, khẽ ngâm nga:
“Ba sáu chia hai trái phải đều, kim ô ngọc thố rẽ đông tây, cỏ thơm cớ sao tàn sớm vậy, tình nhân vô tâm gặp sao đây.”
Tôi quay sang nhìn Minh Thanh ngồi bên trái tôi, ánh nắng ấm áp của tôi suốt cuộc đời này.
Hồi đó ở trên xe đi tới nông trường Thanh Cảnh, Minh Thanh cũng ngồi bên tay trái tôi.
Tôi như có lại cảm giác ngồi trên xe, chỉ có điều đích đến lần này, là quá khứ.
“Bố mình qua đời từ rất sớm, trong nhà chỉ còn mẹ và một đứa em gái. Trung học mình học trường nữ, lên đại học mới bắt đầu tiếp xúc với con trai.” Minh Thanh cười.
“Vì thế đối với đám con trai, mình luôn có cảm giác bất an và xa lạ.”
Minh Thanh rút một tờ giấy ăn ra đưa cho tôi, để tôi lau miệng.
“Mình rất thích văn học, vì thế mình chọn khoa Trung văn. Hồi cấp ba, mình đã viết bài thơ này, khi đó mình nghĩ, sau này nếu có người đoán trúng, rất có thể đó sẽ là một nửa trong định mệnh của mình.”
Minh Thanh lại le lưỡi:
“Đây có lẽ là hậu quả của việc đọc quá nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp đó.”
“Bạn nghĩ như vậy rất nguy hiểm, bởi vì bài thơ này không hề khó đoán chút nào.”
“Ừ. May mà bạn là người đầu tiên đoán trúng.”
“May… sao?”
“Quá Nhi, duyên phận là một thứ rất kỳ lạ. Sau khi quen với bạn, mình liền cảm thấy mình nên chăm sóc bạn, nên quan tâm bạn, dần dà, sẽ trở thành một chuyện tự nhiên tới mức không thể tự nhiên hơn.”
Minh Thanh vén tóc, để lộ ra hàng lông mày bên phải khẽ cau, tôi nhắm mắt lại, không đành lòng nhìn.
“Tôn Anh và chị Tú Chi thường nói, bụng dạ bạn rất tốt, chỉ tiếc là tính cách hơi nhu nhược, không hề giống với Dương Quá dám yêu dám hận. Nhưng như thế thì đã sao? Mình cũng đâu có giống Tiểu Long Nữ thanh tú thoát tục đâu.”
“Cô Cô, bạn rất đẹp.”
“Cảm ơn. Có lẽ Dương Quá và Tiểu Long Nữ tới cuối thế kỷ 20, cũng sẽ giống như chúng ta.”
Minh Thanh bật cười, ánh mắt cực kỳ xinh đẹp. Vai phải của tôi, hoàn toàn mất đi cảm giác.
“Mình dọn dẹp đã nhé.” Minh Thanh bê bát lên, đi được hai bước thì ngoảnh lại hỏi:
“Quá Nhi, còn bạn? Bạn có cảm giác gì với mình?”
“Cô Cô, bạn luôn là một vùng đất màu mỡ nhất trong tâm khảm mình, nhờ có dưỡng chất của bạn, mình mới có thể không ngừng nở hoa kết trái. Mình chưa từng dám tưởng tượng trong quá trình trưởng thành của mình, nếu không có bạn thì sẽ thế nào.”
“Rồi sao?”
“Mỗi khi mình gặp thất bại, bạn luôn đem tới cho mình dũng khí và sức mạnh để đối diện với thực tế.”
“Ừ. Cho nên?”
“Cho nên mình quen với sự tồn tại của bạn, thích sự tồn tại của bạn.”
“Quá Nhi, vậy bạn có thích mình không?”
Tôi lại nhớ tới sự đấu tranh của lần đầu tiên mở miệng hẹn Minh Thanh đi xem phim.
Khi đó cảm thấy độ khó ấy, giống như phải nhảy từ tầng năm xuống.
Độ khó bây giờ, có lẽ giống như nhảy từ máy bay xuống, và không mang theo dù.
“Em phải hạ quyết tâm.” Anh Tử Nghiêu nói.
“Em đừng ăn lê rồi, lại ôm mãi táo không buông.” Chị Tú Chi nói.
“Tình yêu giống như đóa hoa mọc bên bờ vực, muốn hái, cần phải có dũng khí.”
Bách Sâm cũng nói như vậy, mượn lời Shakespear.
Minh Thanh vẫn bê bát đũa cần rửa, đứng yên tại chỗ, mỉm cười nhìn tôi chăm chú.
Tôi nhắm mắt lại, cắn răng:
“Cô Cô. Quá Nhi, có thích. Nhưng mà, không yêu.”
Tôi đã nhảy từ máy bay xuống.
Nhưng tôi chẳng hề nghe thấy tiếng gió rít gào bên tai, thứ tôi nghe thấy, là tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng.
Tôi từ từ mở mắt ra.
Minh Thanh đang cầm chổi quét dọn, hót những mảnh vỡ vào xẻng rác, đổ vào thùng rác.
Rồi lại lặp lại những động tác này một lần nữa.
Lấy một miếng giẻ, thấm nước, quỳ xuống sàn, trước sau trái phải lau đi lau lại năm lần.
Ngừng tất cả các động tác lại, cất tiếng nói:
“Quá Nhi, đề nghị bạn nói một cách hoàn chỉnh và rõ ràng, ý nghĩa của câu nói này. Được không?”
“Cô Cô, mình vẫn luôn rất thích bạn. Cái thích đó, mình không thể nào miêu tả được.”
Tôi bóp chặt vai phải đang bắt đầu nhức nhối, thở dốc, rồi nói tiếp:
“Nhưng nếu để nói yêu, thì người mình yêu, là một người con gái khác.”
Tôi nói xong, Minh Thanh đặt giẻ xuống, tay trái chống xuống đất, chậm rãi đứng lên.
Minh Thanh quay sang nhìn tôi, nước mắt ràn rụa, nhưng không hề có bất kỳ tiếng khóc nào.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy Minh Thanh khóc mà không có tiếng khóc, cũng là lần cuối cùng.
“Kim ô ngọc thố rẽ đông tây… Quá Nhi, bạn đã từng nói, bạn là Mặt Trăng, còn mình là Mặt Trời. Mặt Trăng và Mặt Trời dường như vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp nhau.”
“Tình nhân vô tâm gặp sao đây… Tình nhân nếu vô tâm, sao có thể gặp nhau đây?”
“Cỏ thơm cớ sao tàn sớm vậy… Quá Nhi, bạn thật sự… thật giống một cây tầm gửi. Nếu mình cũng là cây chủ của bạn, mình bây giờ, đã… đã hoàn toàn cằn khô.”
Tay phải Minh Thanh ghì chặt lấy phần áo trước ngực, đầu cúi gằm:
“Tại sao… tại sao mình lại viết bài thơ này chứ?”
“Cô Cô…” Tôi rất muốn nói gì đó, nhưng vai phải đau nhói khiến tôi không thể nào nói thành lời.
“Quá Nhi đáng thương…” Minh Thanh bước tới bên tôi, xoa vai phải của tôi:
“Bạn luôn là một người cô đơn.”
“Lòng dạ bạn rất thiện lương, luôn không muốn làm tổn thương người khác, đến cuối cùng lại làm khổ chính mình.”
“Dù mình biết bạn hay nghĩ ngợi vẩn vơ, nhưng trong lòng bạn nghĩ gì, mình lại đoán không ra, nhìn không thấu.
Mình chỉ có thể giống như chơi ghép hình, cố gắng ghép những suy nghĩ của bạn lại với nhau. Nhưng, luôn thiếu mất một mảnh.”
“Bạn luôn sợ bị người khác coi là người kỳ lạ, nhưng bạn không hề kỳ lạ, chỉ có điều tâm tư hơi nhạy cảm. Quá Nhi, sau này bạn phải nhớ, ông Trời để bạn trở thành như thế này, nhất định là có lý do của ông ấy. Đừng nên che giấu bản thân, cũng đừng nên né tránh bản thân, càng không nên sợ hãi bản thân.”
“Bạn còn phải nhớ, bạn là một người thông minh. Nhưng thông minh là con dao hai lưỡi, tuy nó có thể khiến bạn xử lý mọi việc dễ dàng hơn một chút, nhưng sẽ lại khiến bạn phải đón nhận những tai vạ không đáng.”
“Cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, bạn tuyệt đối phải nhớ kỹ, sau này nhất định phải… nhất định phải…”
Cuối cùng cũng không kìm nén nổi, Minh Thanh bật khóc thành tiếng:
“Nhất định phải vui vẻ hơn.”
Vì cố kìm tiếng khóc, nên người cô ấy co rút dữ dội.
“Tạm biệt, Quá Nhi.”
Trước lúc đóng cửa, hình như Minh Thanh nói câu này, lại hình như không nói, tôi đã không còn xác định được nữa.
Minh Thanh đi rồi.
Cây chủ cuối cùng, cũng là cây chủ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, cuối cũng đã rời xa tôi.
Minh Thanh từng nói với tôi, trong thần thoại Bắc Âu, thần hòa bình Balder đã bị một mũi tên làm từ cành cây tầm gửi bắn chết.
Khi Minh Thanh nói tôi rất giống cây tầm gửi, tay phải của cô ấy vẫn túm chặt lấy vạt áo trước ngực.
Tôi nghĩ, có lẽ tôi chính là mũi tên bằng cành tầm gửi đã bắn trúng ngực thần Balder.
Hai ngày sau, tôi nhận được đồ của Minh Thanh gửi tới, đó là quyển tiểu thuyết ba vạn chữ của cô ấy, Nỗi nhớ.
Đọc được một nửa, tôi biết đó là cuốn tiểu thuyết Minh Thanh viết vì tôi, cũng vì tôi mà hoàn thành.
“Những dòng chữ này, xin tặng Quá Nhi của tôi.” Ở cuối truyện, Minh Thanh viết như thế.
Tôi không có cảm giác gì đặc biệt, dù sao người đã bị chém tám mươi nhát đao, cũng không bận tâm tới việc nhận thêm một cái tát.
Những bậc thang ngoằn nghèo uốn lượn của con đường lên núi ở nông trường Thanh Cảnh, Minh Thanh nói nó rất giống hình dáng của nỗi nhớ.
Nhưng Minh Thanh ơi, mình đã không thể quay lại bậc thang đó được rồi.
Dù mình có quay trở lại, mình cũng không thể trèo lên.
Bởi vì nỗi nhớ của mình, không hướng lên trời cao, mà hướng về Thuyên.
Mấy ngày liền, chỉ cần nghĩ tới tiếng khóc của Minh Thanh, não tôi liền giống như bị tắt nút nguồn, mất đi mọi nguồn sáng.
Tôi như nhìn thấy được màu sắc của chính mình, đó là màu đen.
Nhớ lại ngày đầu tiên quen Thuyên, em đã từng nói:
“Anh sẽ trở thành một màu tím rất rất đậm, trông giống như màu đen, nhưng về bản chất vẫn là màu tím.”
“Tới khi đó… khi đó anh sẽ không còn cần phải kìm nén nữa. Bởi vì anh đã sụp đổ.”
Tôi bây giờ, cuối cùng đã không cần phải kìm nén nữa.
Không biết là ngày thứ bao nhiêu kể từ khi Minh Thanh ra đi, chợt nhớ tới một câu cô ấy đã từng nói ở trên sân thượng:
“Khi cây chủ khô cằn, cây tầm gửi cũng sẽ chết khô theo.”
“Quả của cây tầm gửi có thể tỏa hương thơm, thu hút các loài chim tới ăn, hạt cây tầm gửi có chất dính, sẽ dính trên mỏ chim. Khi chim di chuyển, làm rơi những hạt này trên các cây khác, cây tầm gửi sẽ tìm được cây chủ mới.”
Hỡi chú chim số phận, hãy ra sức ăn ta đi.
Ta đã rời bỏ tất cả cây chủ, chẳng bao lâu nữa sẽ trở nên khô cằn, vì thế mi không cần khách khí.
Nhưng, rốt cuộc mi sẽ đưa ta tới đâu?
Chú chim số phận vỗ cánh, bay từ nam sang bắc.
Tôi nhắm mắt lại, chỉ nghe thấy tiếng gió ù ù bên tai.
Đột nhiên, một đợt rung lắc, tôi rời khỏi mỏ chim.
Cúi đầu nhìn xuống, đã tới Đài Bắc.
Thuyên luôn cảm thấy, tôi sẽ đột nhiên biến mất.
Nhưng Thuyên ơi, anh đã không còn là cây tầm gửi ký sinh trên thân cây nữa, anh khô cằn, không thể nào đem lại tình yêu cho em.
Dáng vẻ cằn khô của Minh Thanh, đã khiến anh sụp đổ;
Anh không thể nào chịu đựng thêm được một em khô cằn.
Nếu tình yêu thật sự giống như nhặt đá ven sông, anh giờ đây, lưng đã gãy, đã không còn có thể cúi xuống nhặt đá nữa.
Bách Sâm từng nói tôi không phải là người ích kỷ, nhưng tình yêu lại là thứ cần sự ích kỷ tuyệt đối.
Tôi nghĩ, ở một thành phố xa lạ và chen chúc như Đài Bắc, tôi có lẽ sẽ học được cách ích kỷ.
Tôi thuê đại một căn phòng ở Đài Bắc, coi như yên ổn.
Ngoài quần áo và sách vở ra, đồ đạc của tôi chẳng có là bao.
Căn phòng này rất đơn giản, một cái giường, một cái bàn, một chiếc ghế.
Tôi cất cành tầm gửi Minh Thanh tặng tôi vào trong ngăn kéo, không treo trên đèn bàn nữa.
Bởi vì đối với tôi, nó đã không còn là cành cây khô màu vàng mang lại may mắn và tình yêu nữa.
Mà là mũi tên màu đỏ, đầm đìa máu, cắm vào ngực Minh Thanh.
Ấn tượng đầu tiên khi tới Đài Bắc, là mũ bảo hiểm là một thứ rất đáng tiền.
Hồi trước ở Đài Nam, mũ bảo hiểm cứ tiện tay đặt lên yên xe máy.
Ở Đài Bắc, thói quen này khiến tôi bị mất hai cái mũ bảo hiểm.
Không hổ là thành phố lớn nhất của Đài Nam, mọi người rất biết trân trọng đồ vật của người khác.
Thực ra tôi rất vui, bởi vì tôi càng lúc càng gần với sự ích kỷ rồi.
Ở Đài Bắc tôi không có bạn, cũng không có chỗ nào để đi, thường nửa đêm một mình phóng xe máy lang thang khắp nơi.
Thỉnh thoảng không đội mũ bảo hiểm, gặp cảnh sát thì phải nộp tiền phạt.
Hồi trước tôi và Bách Sâm với anh Tử Nghiêu thường kẹp ba phóng xe máy đi qua ga Đài Nam, bị cảnh sát tuýt lại.
Đồng chí cảnh sát đó nói thực ra chúng tôi rất ngầu, nhưng vì nhiệm vụ, anh ta phải phạt chúng tôi.
Vì thế trước cửa nhà ga, ba người bọn tôi, mỗi người hít đất 50 cái.
Ở Đài Bắc, tình huống kiểu này có lẽ rất khó xảy ra.
Tôi lại bắt đầu gửi hồ sơ xin việc, công việc phù hợp ở Đài Bắc tương đối nhiều, có lẽ sẽ dễ tìm được việc thôi.
Nhưng tôi tìm gần một tháng, mà vẫn chưa tìm được việc.
“Tại sao anh lại bỏ công việc trước?” Lúc phỏng vấn, tôi thường gặp câu hỏi này.
“Bởi vì tôi bị sa thải.” Tôi luôn trả lời như vậy.
Thuyên nghe thấy có lẽ sẽ rất vui, bởi vì tôi nói năng không còn kìm nén nữa, trả lời vừa thẳng thắn lại vừa rành mạch.
Nhưng nếu Minh Thanh biết được, nhất định sẽ lo lắng cho tôi.
Sau cuộc phỏng vấn xin việc có lẽ là thứ chín, ra khỏi cửa công ty đó, trời đổ mưa to.
Tránh mưa tránh mưa, tránh vào trong một nhà hàng mới mở.
Gọi đại một món, lại ăn phải một miếng thịt không biết là cá hay là gà.
Nhớ lại cảnh sáu người quây quần ăn cơm trước đây ở Đài Nam, lại nhớ tới thứ Minh Thanh nấu, nước mắt cứ lã chã từng giọt, rơi vào trong bát.
Đó là lần đầu tiên ở Đài Bắc, tôi cảm nhận được nỗi đau ở vai.
Vì thế tôi đổi cầm đũa bằng tay trái, nhưng lại nghĩ tới cảnh Minh Thanh đút cơm cho tôi ăn.
Thì ra tuy tôi có thể trốn khỏi Đài Nam, nhưng lại không trốn được những ký ức dày đặc.
“Thưa anh, món ăn này thật sự rất khó ăn sao?” Cô chủ trẻ tuổi của cửa hàng bước tới hỏi tôi:
“Nếu không, sao anh lại khóc?”
“Cô Cô, bởi vì mình bị món ăn này làm cho cảm động.”
“Hả? Gì cơ ạ?” Cô chủ trẻ trợn tròn mắt.
Tôi vội vàng thanh toán tiền, rời khỏi nhà hàng đó, trước khi đi, vẫn còn lưu luyến nhìn nhà hàng đó thêm một lần.
“Thưa anh, sau này hãy thường xuyên tới đây, đừng không đành lòng như vậy.” Cô chủ cười nói.
Khùng, tại sao tôi phải lại lưu luyến không rời chứ? Đó là vì sau này nhất định tôi sẽ không tới nữa.
Trong thời gian tìm việc, tôi thường nhớ tới Thuyên và Minh Thanh.
Khi nhớ tới Minh Thanh, tôi luôn có cảm giác ăn năn tự trách áy náy tội lỗi vân vân.
Nhớ tới Thuyên, tôi sẽ đau tim.
Cảm giác đau tim này là trừu tượng, khác với cơn đau tim của Thuyên, cơn đau tim của Thuyên là cụ thể.
May mà cửa sổ trong phòng tôi quay về phía Bắc, tôi không cần phải nhìn về phía Nam.
Và tôi cũng luôn tránh cho tầm mắt mình, nhìn về phương Nam.
Lần phỏng vấn thứ 13, tôi gặp đàn anh lần trước dạy chúng tôi chơi bóng bầu dục.
“Ủa? Cậu em, tới Đài Bắc từ bao giờ thế?”
“Hơn một tháng rồi ạ.”
“Còn chơi bóng bầu dục không?”
“Sau cúp sinh viên mới thì không chơi nữa.”
“Tiếc thật.” Anh ấy bỗng cười lớn, “Thằng nhóc này cứ lấm la lấm lét, rất khó chắn bóng.”
“Anh… hôm nay em đến để xin việc.”
“Còn xin việc cái nỗi gì! Hôm nay là ngày đi làm đầu tiên của cậu.”
“Anh…” Tôi có phần kích động, nói không nên lời.
“Cậu em à,” Anh ấy vỗ vai tôi, “Anh đưa cậu đi tham quan công ty nhé.”
Khi đi ngang qua bàn làm việc của anh ấy, anh ấy lấy từ dưới gầm bàn ra một quả bóng bầu dục.
“Cậu em, có còn nhớ anh đã từng từng nói quả bóng bầu dục hình elip này cũng giống như đời người không?”
“Dạ.” Tôi gật đầu.
Anh ấy cầm quả bóng bầu dục trên tay, rồi buông ra, quan sát hướng chuyển động của quả bóng.
Lặp đi lặp lại mấy lần, mỗi lần hướng chuyển động của quả bóng đều không giống nhau.
“Hướng chuyển động của quả bóng bầu dục đều không tuân theo quy tắc, cuộc đời chẳng phải cũng thế sao?”
Anh ấy vỗ vai tôi:
“Khi chúng ta bắt được quả bóng bầu dục, phải ôm cho thật chặt, xông về phía trước. Cuộc đời cũng vậy.”
“Anh…”
“Vì thế phải tập bóng cho thật tốt.” Anh ấy cười cười, “Cậu em, cố lên nhé.”
Tôi bắt đầu bước vào cuộc sống có quy luật.
Hàng sáng đi xe buýt tới trạm tàu điện, rồi lại ngồi tàu điện tới công ty.
Trên những chiếc xe buýt của thành phố Đài Bắc, thường viết một loại khẩu hiệu, “Đi xe buýt thật đáng tự hào.”
Vì thế mỗi lần xuống xe buýt, tôi sẽ ưỡn ngực ngẩng đầu, mặt mày vênh váo. Nhưng chẳng ai thèm đoái hoài đến tôi.
Tôi thường tình nguyện ở lại công ty làm thêm giờ, không có tiền làm thêm cũng cam lòng.
Bởi vì tôi rất sợ sau khi trở về, đầu óc hễ trống rỗng, Thuyên và Minh Thanh sẽ ùa tới.
Tôi không uống cà phê nữa, vì không mang máy pha cà phê tới Đài Bắc.
Thực ra có rất nhiều thứ, tôi đều để lại cho cậu em Mộc Thôn Thác Tai.
Tôi cũng không hút thuốc nữa, bởi vì lý do hút thuốc đã không còn.
Cho nên nói một cách khắt khe, không phải là tôi “cai thuốc”, mà là “không còn cần tới thuốc”.
Nhưng chiếc thìa Thuyên mua cho tôi, tôi vẫn luôn mang theo người.
Buổi sáng bước vào công ty, tôi sẽ đổ đầy nước sôi vào tách trà, rồi cho chiếc thìa đó vào.
Cho tới một hôm, đồng nghiệp bảo tôi:
“Tiểu Thái, cậu rót nước sôi, còn dùng thìa khuấy làm gì?”
Họ đều gọi tôi là Tiểu Thái, biệt hiệu Sâu Rau không ai biết tới, người gọi tôi là Quá Nhi cũng đã rời xa tôi.
Sau này cẩn thận quan sát lại động tác của mình, tôi mới phát hiện, những động tác mà tôi làm hàng sáng là:
Cầm thìa… cho vào tách trà… khuấy năm vòng… theo chiều kim đồng hồ… dừng lại… nhìn xoáy nước lắng lại… lấy thìa ra…
Đặt bên trái tách trà… thân ngón tay trỏ gác lên miệng tách… ba ngón tay còn lại ôm lấy thân tách… đăm đăm nhìn chiếc thìa…
Nâng tách lên… đặt xuống… theo chiều kim đồng hồ… hai vòng… nâng tách lên… đưa lên miệng… chạm vào miệng tách…
Sau đó tôi lưỡng lự.
Bởi vì tôi không biết, có nên uống nước hay không?
Tôi hiện giờ, đã mất đi khả năng thể hiện tình cảm bằng âm thanh và câu chữ.
Vì thế tôi vẫn lặp đi lặp lại mỗi ngày, những động tác mà Thuyên gọi là, “nhớ nhung” và “bi thương”.
Vì thế có mấy lần, tôi muốn quay về Đài Nam tìm Thuyên.
Nhưng tôi sẽ cùng lúc nhớ tới tiếng khóc khi Minh Thanh rời đi, sau đó…
Sau đó không có sau đó.
Dù nỗi nhớ nhung Thuyên của tôi có nóng bỏng tới đâu, thì nước mắt của Minh Thanh luôn nhanh chóng hạ nhiệt nỗi nhớ đó.
Sau đó tôi thậm chí còn cảm thấy, nhớ tới Thuyên là một hành vi đê hèn.
Dù gì một kẻ phạm nhân giết người bị nhốt trong lao ngục, cũng nên cảm thấy áy náy với gia đình người bị hại, chịu đựng sự giày vò vì mặc cảm tội lỗi trong ngục, mới là điều đúng đắn.
Bốn tháng sau khi tới Đài Bắc, tôi nhận được email của Bách Sâm.
Thư viết:
Dear Sâu Rau,
Giờ là ba giờ sáng giờ Seatle, cơn mưa chết tiệt vẫn rơi lộp bộp như đầu người chết.
Bây giờ cậu đang làm gì thế?
Cuối cùng tớ đã tìm thấy tình yêu của tớ ở Seatle, vì thế tớ đã kết hôn, ở đây.
Cô ấy là người gốc Ý, nếu viết tên ra, sẽ khiến cậu tự ti về trình độ tiếng Anh của mình.
Còn cậu? Mọi việc vẫn ổn chứ?
Tớ rất bận, vì công việc và thẻ xanh.
Có lẽ cậu cũng bận, rảnh rỗi thì viết thư nhé.
Ps. Cậu đã hái được đóa hoa bên bờ vực kia chưa?
Nhận được thư, tôi lập tức hồi âm cho Bách Sâm, chúc mừng cậu ấy.
Bách Sâm quả là một người thẳng thắn, thích rồi, thì sẽ yêu. Yêu rồi, thì phải liền tay.
Dù biết Tôn Anh thích mình, cậu ấy vẫn xử lý rất ổn thỏa.
Không miễn cưỡng chính mình, cũng không làm tổn thương bất kỳ ai.
Không giống tôi, vì không muốn làm tổn thương ai, nên làm tổn thương tất cả mọi người.
Giáng sinh năm 2000, phố phường nhộn nhịp.
Gần như tất cả mọi người đều tưng bừng ăn chơi nhảy múa thả cửa, không ai biết cần phải đứng dưới nhành cây tầm gửi, nguyện cầu hạnh phúc.
Tôi sực nhớ ra, tôi là cây tầm gửi mà, tôi nên đem tình yêu và vận may tới cho mọi người.
Đây là mục đích tồn tại của tôi, cũng là lý do để tôi chuộc tội.
Vì thế tôi chạy lên cầu vượt ở đường Trung Hiếu Đông, trước khi dựa vào lan can màu trắng, tôi ngẩng đầu, giơ cao hai tay lên, bắt chước hình dáng chạc ba đặc thù của cây tầm gửi.
Phù hô cho tất cả những người ngồi trong xe đi bên dưới người tôi, có thể vĩnh viễn bình an vui vẻ.
“Chúc người bạn yêu nhất, cũng sẽ yêu bạn nhất.”
“Chúc người bạn xác định yêu, cũng xác định yêu bạn.”
“Chúc bạn trân trọng người yêu bạn, cũng chúc tình yêu của các bạn, đáng để bạn trân trọng.”
“Chúc người thương yêu nhất trong cuộc sống của mỗi người, sẽ xuất hiện sớm nhất.”
“Chúc người xuất hiện sớm nhất trong cuộc đời mỗi người, sẽ là người bạn yêu thương nhất.”
“Chúc cho tình yêu của các bạn, chỉ có niềm vui và hạnh phúc, không có bi thương và hối hận.”
Trong lòng tôi, không ngừng kêu gào.
Tối hôm đó còn mưa lắc rắc, tất cả những người đi ngang qua tôi, đều cho rằng tôi bị điên.
Tôi đứng suốt cả một đêm, tận tới khi trời sáng.
Về nhà, ốm hai ngày, vẫn đi làm như thường.
Tôi còn thầm nghĩ, năm sau nên tới cầu vượt ở đường nào?
Năm 2001 cuối cùng đã tới, trên báo nói ngày đầu tiên của thế kỷ 21, Mặt Trời vẫn mọc từ phía Đông.
“Mặt Trời mọc từ phía Đông” quả là một chân lý không dễ dàng khiêu chiến.
Có một số chuyện sẽ không thay đổi, ví như sự áy náy của tôi với Minh Thanh.
Và nỗi nhớ của tôi dành Thuyên.
Tết âm lịch năm nay đến rất sớm, ngày 23 tháng 1 là giao thừa.
Tôi không về nhà ăn Tết, còn tình nguyện đến công ty trực trong thời gian nghỉ Tết.
“Tiểu Thái, cậu đúng là một người kỳ cục.” Có đồng nghiệp bảo thế.
Xem ra, tôi lại quay về với những ngày tháng bị người khác cho là kỳ cục.
Không sao, chỉ cần Thuyên và Minh Thanh không cho rằng tôi kỳ cục, là đủ rồi.
Sau đó trong ngày hôm nay, cũng là mùng Hai tết, tôi nhìn thấy những dòng chữ Thuyên viết trên điếu thuốc.
Tôi mới biết, tôi nhớ Thuyên tới chừng nào.
Vì thế tôi làm một chuyện, mà tôi cảm thấy là điên rồ.
Từ trong chiếc lồng dựng nên bởi nước mắt của Minh Thanh, tôi vượt ngục.
Tôi vốn tưởng rằng, tôi phải ở trong chiếc lồng này, cả một đời.
Nhưng tôi chỉ ở tù có hơn nửa năm.
Minh Thanh, mình biết mình có lỗi với bạn.
Dù có bắt bản thân mình lưu đày tới Đài Bắc, cố ý bắt bản thân ở trong trạng thái chịu trừng phạt, mình vẫn có lỗi với bạn.
Nhưng, Minh Thanh, xin hãy tha thứ cho mình.
Mình yêu Thuyên.
Bởi vì thích có thể có rất nhiều loại, cũng có thể có mức độ cao thấp khác nhau.
Bạn có thể thích một người, thích nhiều như dãy Himalaya.
Cũng có thể nhiều tới mức vũ trụ siêu cấp sấm sét vô địch.
Nhưng yêu chỉ có một, cũng không có cao thấp.
Tôi yêu Thuyên.
Thuyên đã viết những dòng chữ này trên điếu thuốc, trong tâm trạng thế nào?
Đây có lẽ là một động tác nhớ nhung mãnh liệt, nhưng tại sao nét chữ lại rõ rệt như vậy?
Chữ của Minh Thanh, tuy đẹp, nhưng với con gái mà nói, hơi có phần cương nghị.
Nếu để Minh Thanh viết chữ trên điếu thuốc, có lẽ điếu thuốc sẽ gãy chăng?
Còn chữ của Thuyên, những nét chấm, hất, mác, móc, luôn nhọn, không hề tròn trịa.
Như khắc tạc.
Cũng chỉ có động tác từ tốn của Thuyên, mới có thể khắc nên những câu chữ rõ rệt này, trên điếu thuốc.
Thuyên đã khắc những dòng chữ này, vào lúc nào?
Có lẽ là chẳng mấy ngày sau khi Minh Thanh ra đi.
Khi đó Thuyên tới tìm tôi, tôi chỉ nhớ hai bàn tay xách túi của em, đột nhiên buông lỏng.
Túi xách rơi xuống đất, không phát ra tiếng động.
Nước mắt em không ngừng rơi, sau đó em dùng ngón trỏ tay phải, chấm nước mắt, day giữa hai lông mày tôi.
Chắc em đang cố làm nhạt đi màu sắc của tôi.
Tiếc là màu sắc của tôi không giống màu nước, pha thêm nước vào là sẽ bị loãng ra.
“Tim em… đau quá… đau quá!” Thuyên lần thứ hai dùng đến dấu cảm thán.
Thuyên, tim anh cũng đau lắm, em có biết không?
Tôi ngước lên, mở cửa toa tàu, cảnh vật bên ngoài thật quen thuộc.
Trong xe vang lên tiếng loa phát thanh, sắp tới Đài Nam rồi.
Tôi lại nhìn thêm một lần nữa, dòng chữ trên điếu thuốc thứ mười.
“Dù hiện tại có gian khó đến bao nhiêu, cuối cùng cũng là ký ức và quá khứ.” Câu này thật không sai.
Dù trước đây tôi làm đúng hay làm sai chuyện gì, cũng đều đã qua.
Tôi bây giờ, sắp về tới Đài Nam rồi.
Tôi muốn gặp Thuyên.
Thuyên, em giờ đây, ở Đài Nam? Cao Hùng? Hay đã về nhà ở Đài Trung?
Tôi rút chín điếu thuốc đã đọc từ trong túi áo ra, cùng với điều thuốc thứ mười.
Cẩn thận nâng trên tay, cho từng điếu vào trong bao thuốc.
Quay ngược bao thuốc lại, cạnh dòng chữ “Bộ Y Tế cảnh báo: hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” in phía sau mặt bao, Thuyên lại viết thêm mấy dòng:
Những gì cần nói, đều đã nói xong.
Nói không xong, vẫn là nỗi nhớ.
Nếu bảo anh cai thuốc, cũng giống như bảo em cai đi nỗi nhớ nhung anh,
Vậy thì, anh hãy hút đi.
Thuyên yêu dấu ơi, anh đã không còn hút thuốc từ lâu rồi.
Tuy trên điếu thuốc đầu tiên em viết, “Khi những dòng chữ này đã hóa thành tro bụi, em đã ở trong lồng ngực anh.”
Nhưng những dòng chữ này vĩnh viễn sẽ không hóa thành tro bụi, còn em, cũng sẽ vĩnh viễn nằm trong lồng ngực anh.
Bởi vì không phải em khắc trên điếu thuốc, mà là khắc thẳng vào trái tim anh.
Tôi nhớ hơi thở gấp của Thuyên.
Tôi nhớ những động tác tỉ mỉ của Thuyên.
Tôi nhớ đôi mắt màu nâu trà của Thuyên.
Tôi nhớ giai điệu trong giọng nói của Thuyên.
Tôi nhớ chóp mũi đỏ ửng vì khóc của Thuyên.
Tôi nhớ vầng trăng thượng huyền khi Thuyên nhoẻn miệng.
Tôi nhớ sự chờ đợi dưới ánh hoàng hôn vịnh Tây Tử của Thuyên.
Tôi chỉ là không ngừng buông thả vô duyên vô cớ ra sức nhớ tới Thuyên.
“Thuyên, anh sắp về rồi. Có thể đợi anh thêm một lúc được không?”