Tài năng thường bộc lộ trong những hoàn cảnh khó khăn và ngủ yên trong hoàn cảnh thuận lợi.

Horace

 
 
 
 
 
Tác giả: Hữu Mai
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
uổi trưa, trời nắng to. Một thứ ánh nắng màu đồng vàng chóe nung đỏ thêm quả đồi Ai đã bầm tím vì máu và lửa đạn. Gió Lào từng cơn đổ về nóng hầm hập như hơi tuôn ra từ một lò than. Không gian rung rinh vì tiếng máy bay. Trong khoảng không như có những vòng tròn đang xô đuổi nhau lan rộng mãi ra, giống khi ta ném một hòn đá trên mặt hồ.
Tàu bay hai thân của địch lượn khá thấp. Đoán là chúng thả dù tiếp viện quân, anh chiến sĩ điện thanh cho máy chạy báo cáo tình hình với đại đoàn. Anh nhận được lệnh chuẩn bị cho anh em đánh địch nhảy dù tiếp viện. Lệnh đến với anh trong khi góc đồn này chỉ còn lại anh với đồng chí phụ máy và những chiến hào đầy thương binh tử sĩ. Chính trị viên tiểu đoàn ra ngoài đồn từ đêm hôm trước để tổ chức tiếp tế cơm nước cho bộ đội. Sáng hôm qua, tiểu đoàn trưởng bị thương cũng ra khỏi đồn. Anh và người phụ máy ở lại làm việc với ban chỉ huy đại đội. Một toán địch rất đông xung phong vào chiến hào. Những người còn lại nếu không bị đánh bật về phía sau, thì đã hy sinh rồi. Riêng hai người đã chọn một căn hầm sập nửa, đặt máy làm việc nên địch không biết. Khi chúng tràn qua, hai người vội vàng thu máy và bình pin đi theo đường hào bên tay trái vào phía trong để tránh bị bọn địch nhận thấy khi chúng quay trở lại. Và họ đã dừng lại ở góc đồn này tiếp tục liên lạc với đại đoàn.
Lúc họ mới tới đây, ngoài số thương binh còn ba đồng chí không bị thương. Họ tự động chia nhau bố trí các ngả phòng địch đánh tới. Một giờ sau, họ nhìn thấy hướng Mường Thanh, địch tiếp viện lên rất đông quân. Biết địch sắp phản công lớn, mấy người bàn nhau nên rút lui ra phía cửa mở tìm cán bộ bắt liên lạc với đơn vị. Họ đã khoác súng đạn lên người, bỗng anh chiến sĩ điện thanh có ý kiến:
- Các đồng chí hãy chờ tôi báo cáo đại đoàn...
Anh mở máy, nói với ban thông tin đại đoàn tình hình và ý định rút lui. Một lát sau đồng chí giữ máy ở đại đoàn bảo anh chú ý nhận lệnh trực tiếp của đại đoàn trưởng. Mặt người chiến sĩ tái đi, tay cầm ống nghe run run. Ống nghe bỗng vang ra một thứ tiếng thật lại dõng dạc và rền như tiếng chuông: "Lệnh của Đại tướng không được ai rút lui lúc khó khăn này. Còn một người cũng chiến đấu, động viên nhau chiến đấu đến cùng bảo vệ trận địa, bảo vệ thương binh... Nhận đủ trả lời!". Anh vội vàng đáp ngay: "Báo cáo nhận đủ ạ" Từ trước tới nay, anh chỉ làm công việc truyền lại những mệnh lệnh của trên qua miệng những anh em cùng là đài viên với nhau, có trực tiếp với cán bộ thì cũng chỉ tới cấp chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn là cùng. Lần này, lại chính đại đoàn trưởng trực tiếp ra lệnh cho anh, trực tiếp chỉ huy anh. Không những thế, đại đoàn trưởng còn truyền đạt cho anh mệnh lệnh của Đại tướng. Vậy ra ông Đại tướng đang chỉ huy trận đánh này. Cái đồi A1 chắc rất quan trọng. Đại tướng ở xa lắm, đâu mãi Thái Nguyên, mà cũng phải chỉ huy lên tận đây từng giờ, hỏi nó quan trọng đến thế nào?...
Anh không ngờ cuộc đời cổ cày vai bừa ngày trước, dắt cái xe đạp cho cậu chủ cũng không biết dắt bị chửi, ra bộ đội ít lâu đã sử dụng được cả chiếc máy kỳ lạ, và trong trận đánh này lại được Đại tướng ra lệnh, được cấp đại đoàn trực tiếp chỉ huy. Người chiến sĩ cuống quýt nói:
- Các đồng chí ơi! Không ai đi đâu nữa! Tôi xin nói để các đồng chí biết: Đại đoàn trưởng vừa nói với chúng ta, theo lệnh của Đại tướng còn một người cũng không rút lui, phải ở lại trận địa, động viên nhau chiến đấu đến cùng, bảo vệ đồi, bảo vệ thương binh.
Những bộ mặt các chiến sĩ mất máu vì đói khát, thức đêm và khói đạn, bừng sáng lên như ngày đông xám chợt có ánh mặt trời. Thương binh nằm ở giao thông hào nhổm cả dậy bảo nhau:
- Có lệnh trên rồi, các cậu ở cả đây thôi, không đi đâu nữa!
Các chiến sĩ trở về vị trí chiến đấu cũ. Anh giữ máy điện thanh trèo lên miệng hào quan sát một lúc rồi quay xuống. Anh nói:
- Tôi có ý kiến thế này... Chúng ta bầu ra một người để nhận lệnh trên và chỉ huy chung, các đồng chí xem có nên không?
Một chiến sĩ mặt rỗ hoa, tay áo trấn thủ trái bị đạn xuyên thủng, nói:
- Bầu đồng chí đấy!
Mấy chiến sĩ kia và các thương binh nằm ở hào cũng nhao nhau tán thành. Người giữ máy điện thanh ngẫm nghĩ rồi nói:
- Các đồng chí đã trao trách nhiệm, tôi xin phân công: Tôi và đồng chí phụ máy sẽ vừa coi máy nhận lệnh trên, vừa theo dõi địch. Hai đồng chí ra ụ súng ngoài kia chặn tây từ Mường Thanh lên, chắc thế nào chúng nó cũng lên theo hướng đó, phía ấy đường rộng, ít dốc. Một đồng chí ra chặn phía C2, hướng này dốc thành vại, tây bò lên khó, nhưng ta cũng phải phòng. Nếu địch ở xa tôi sẽ gọi pháo diệt chúng nó. Thằng nào đến gần năm, mười thước các đồng chí hãy dùng lựu đạn, dùng tiểu liên mà quạt. Chúng tôi ở đây khi thấy phía nào gay go sẽ đến giúp sức các đồng chí.
Một đám quân cơ động địch, quần áo rằn ri nhuốm đất vàng khè bắt đầu vượt sông Nậm Rốm. Người chiến sĩ điện thanh lập tức gọi trận địa pháo 105.
- “Khách hàng đi ngang đường vải trắng, yêu cầu nhà phát hành gửi dưa hấu, gửi dưa hấu đường vải trắng thật nhiều...".
Đáp lời anh, từ dãy núi phía bắc, tiếng pháo nổ đầu nòng vọng lại rền rền. Khói dại bác phụt lên ngay trên quãng suối địch đang qua làm chúng chạy tán loạn. Anh reo lên:
- Pháo ta tài quá các đồng chí ơi! Tây lên chết khối rồi!
Anh em thương binh cũng cố nhịn đau, nghển cổ lên khỏi chiến hào xem pháo ta bắn vào quân địch. Người chiến sĩ lần lượt gọi các “cửa hàng bầu, bí ngô, củ ấu...", chỉ điểm mục tiêu để các loại pháo 105 ly, cối 120 ly, sơn pháo 75, cối 82 ty bắn tiêu diệt địch. Vài giờ sau, mình anh đã sử dụng đến năm trận địa pháo. Anh nghiễm nhiên đã thành một người chỉ huy ở góc đồi này.
Pháo địch cũng bắn vào nơi họ ở rất dữ dội. Cần "ăng ten" cao hai thước tư, đại bác địch tiện dần tiện mòn chỉ còn dài hơn một gang tay, người chiến sĩ phải thay nó bằng dây mềm, ném trên nóc hầm. Đã bốn năm lần, một số tên địch mon men đi gần trận địa, nhưng chưa lần nào chúng vượt được qua các ụ súng của hai bộ phận cảnh giới. Sau mỗi lần bị đánh lui, địch lại dùng pháo bắn vào những nơi có tiếng súng và lựu đạn của ta ném ra. Những đường hào khi họ tới sớm hôm qua cao một đầu một với, đến trưa nay nhiều quãng bị lấp bằng, nhiều quãng vỡ toang hoác. Đất đồi A1 rắn như đá non, mỗi khi đào công sự phải dùng cuốc chim, lúc này đã mềm ra như cám. Sau mỗi loạt đại bác, khói đen tan rồi, bụi vẫn còn lầm lên rất lâu. Đất đỏ trên đồi trộn với thuốc súng thành một màu nâu sẫm, có những mảnh li ti nhấp nhánh dưới ánh nắng mặt trời. Hơi thuốc súng làm miệng đắng, cổ họng khô rát. Những xác chết bắt đầu bốc hơi, mùi tanh lợm của những vết thương, mùi khét lẹt của thuốc đạn... họp lại thành một thứ hơi ngột ngạt, nén chặt lấy ngực mọi người. Ruồi nhặng vo vo từng đàn, nhiều lúc đâm sầm vào mắt như có ai ném trấu...
Từ sáng nay, trên trận địa góc đồn này chỉ còn lại người chiến sĩ điện thanh và anh phụ máy. Đồng chí mặt rỗ huê đã hy sinh, hai đồng chí kia cũng bị thương nặng không chiến đấu được nữa. Mấy ụ súng không còn người cảnh giới. Mỗi lần địch tấn công lên, người chiến sĩ chỉ còn cách bình tĩnh sử dụng chiếc điện đài của mình. Anh đợi chúng đi tới những khu vực đã khoanh sẵn trên bản đồ, lại bắt đầu những tiếng lóng lạ tai:
- "Khách hàng đã lên đường vải xanh, yêu cầu nhà phát hành gửi?"
- “Khách hàng đang ở đường vải đỏ, yêu cầu quản lý thanh toán tài chính...".
- "Khách hàng có hai con bò húc đổ quán cà phê yêu cầu chủ hàng gửi gấp bí ngô, bầu, dưa hấu, củ ấu...".
Sau những tiếng lóng đó, các cỡ pháo của ta đổ đạn ầm ầm xuống những đám đen bộ binh địch, những chiếc xe tăng đang gầm gừ định leo lên đồn. Tan khói, những đám đen địch quang hẳn đi. Pháo càng bắn càng chính xác hơn. Thêm một đợt tấn công bị cản lại...
Lúc này, trong những ụ súng còn lại chưa bị trúng đại bác, hàng chục thương binh nằm đan vào nhau như vết rạm trên miếng phên liếp bị hở. Nhận lệnh chuẩn bị đánh quân nhảy dù của đại đoàn rồi, người chiến sĩ không biết nên làm thế nào. Những tiếng kêu rên của thương binh làm ruột anh xót như xát muối.
- Ngạt quá!...
- Khát quá!... Sao mà nắng thế này?...
Anh đến bên một đồng chí kêu nhiều, khẽ nói:
- Đừng kêu nữa, kêu lắm rát cổ càng khát đồng chí ơi!
Giọng nói của anh gần như khóc. Anh phụ máy đi đâu về, ở ngoài ngó đầu vào. Cậu ta khoác trên người một miếng vải dù trắng toát, tay xách một chiếc túi dết.
- Các đồng chí coi như đang nằm ở điều trị 8 nhé!
Anh phụ máy sà xuống bên một đồng chí thương binh, nói giả tiếng phụ nữ ỏn ẻn:
- Em là nữ cứu thương đến băng cho các anh. Anh đau ở chỗ nào.. anh!
Vừa băng cho một đồng chí, anh vừa nói:
- Mẹ cái hĩm ở nhà chắc tưởng bố nó lúc này đang chuẩn bị liên hoan với nhân dân đây...
Những người đang kêu la nhiều nghe anh ta nói cũng ngừng kêu, ngoái đầu lại nhìn. Mái tóc móng lừa và nước da đen bóng của anh làm họ khó hình dung ra anh là một nữ cứu thương. Nhưng với cặp mặt rất sáng, hàm răng trắng lóa và cái áo "lui" giả này, anh ta có dáng của một cán bộ quân y trẻ trai thông minh.
Anh chiến sĩ điện thanh gọi người phụ máy ra ngoài nói nhỏ:
- Có lẽ địch nhảy dù... Lệnh của đại đoàn, hai đứa chúng mình chuẩn bị đánh quân nhảy dù tiếp viện.
- Được, có giỏi cứ đầu ông mà nhảy?
Anh phụ máy ngước đôi mắt to, nghịch ngợm nhìn lên bầu trời xanh thẳm điểm đôi đám mây trắng như bông, một tay cậu ta vò vào đầu, một tay nắm lấy chuôi con dao giắt bên sườn. Con dao này là chiến lợi phẩm của chiến dịch trước, phòng hậu cần phát về cho đại đội thông tin. Tiểu đội giao cho cậu ta giữ để làm lán. Cứ nơi nào trú quân có suối là mọi người lại gặp anh ta mài dao. Anh rất quý con dao, ngoài việc làm lán, không cho ai mượn, thường ngày ở nhà, anh hay nói, có người bảo anh là ba hoa. Nhưng được cái chăm làm kéo lại, nên anh không bị ai ghét.
Người chiến sĩ điện thanh nhăn nhó bảo bạn:
- Đừng đùa nữa! Bây giờ bàn đi... Đánh nhảy dù thế nào?
- Quét! Nó xuống cứ vớ tiểu liên mà quét.
Rồi anh lại nói thêm:
- Quét không hết thì đồng chí lại gọi pháo giọt.
Cậu này vẫn suy tính trẻ con, gọi pháo giọt nó thì mình còn à, anh chiến sĩ điện thanh nghĩ thầm.
Anh bảo bạn:
- Cậu tìm tiểu liên lau đi. Kiếm cho mình một khẩu với. Đi kiếm thật nhiều đạn về đây.
Cả hai người đều mới vào bộ đội trên dưới một năm. Ở bộ binh một thời gian ngắn, họ chuyển sang công tác chuyên môn mới mẻ này. Lúc đầu, mới cầm đến máy, họ không hiểu tại sao chẳng có dây dợ gì thế này, lại có thể nói cho nhau nghe được. Ngay đó, có người còn nói với bạn: "Trước kia tôi ở với thằng địa chủ nó có cái máy hát, nhiều người nói để lâu trong nhà rồi nó thành tinh, không hiểu cái máy này thế nào? Họ lúng túng với những danh từ chuyên môn xạ lạ: “Phôn", "Tung", "Mích"... lủng củng như ngậm đá cuội trong mồm. Rồi lại những tần số, làn sóng, cao tần, âm tần... gần như không thể hiểu nổi đối với họ. Bây giờ họ đã sử dụng được máy nhưng vẫn không hiểu những mạng nhện rắc rối, những đèn đóm nho nhỏ kia, làm thế nào có thể truyền tiếng nói của họ đi hàng chục cây số... Cuộc chiến đấu mấy ngày hôm nay đã đặt họ trước những tình huống thật mới mẻ, phức tạp.
Máy gọi làm việc. Lần này, người chiến sĩ điện thanh nhận ra tiếng trung đội trưởng. Trung đội trưởng là tổ trưởng Đảng và cũng là người cách đây hai tháng đã giới thiệu anh vào Đảng. Anh không chuyển lệnh mới, chỉ hỏi:
- Đồng chí còn thắc mắc gì không?
Anh ngẩn người, không hiểu điều trung đội trưởng định hỏi mình. Trung đội trưởng lại nói:
- Đồng chí có gì muốn nhắc lại gia đình không?... Có gì cần chuyển cho gia đình không?
Anh đã hiểu ý của trung đội trưởng. Cả mấy ngày đêm liền ở trận địa, phút này anh mới chợt nghĩ đến gia đình. Anh ngập ngừng:
- Gia đình tôi còn hai ông bà già... Có sao... nhờ đồng chí báo tin...
Ngừng một chút, anh nói tiếp một hơi:
- Tôi không thắc mắc gì đâu. Thế nào tôi cũng về với các đồng chí mà. Tôi sẽ bảo đảm được cả máy nữa.
Quê hương anh có rừng lại có cả đồng bằng. Trước làng là con ngòi thiên nhiên nhiều cá gáy, và bãi cỏ rộng chăn trâu bò rất tốt. Sau làng có núi Nghiên, núi Cần đẹp như tranh. Tháng này hoa cam trắng sắp bắt đầu kết quả. Cam làng anh rất sai quả, được tiếng là ngon. Người làng đã có câu ca: "Chẳng chua cũng thể là chanh - Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây". Gái làng anh hay trùm khăn mỏ quạ, giữ cho nắng khỏi rám má hồng, những cô gái thật là dịu dàng. Có một cô gái đang chờ đợi anh ở đó. Nhà anh rỏ giọt gianh sang nhà cô ta, hai nhà có cửa mạch ăn thông. Biết nhau từ lúc còn đánh xẻ sành. Nhưng đến ngày anh đi bộ đội hai người vẫn chưa ngỏ tình ý gì với nhau. Dạo Tết vừa rồi, anh gặp một người trong họ đi dân công. Bác ta kể lại, sau ngày anh đi bộ đội, cô ta vẫn sang nhà giúp thầy mẹ anh đủ thứ, lấy rau lợn, nấu cơm, phơi rơm rác... Mỗi lần sang nhà, trước khi làm một việc gì, cô ta ra ngõ gài cổng thật kỹ, hễ thấy có người tới chơi là chạy vội về nhà mình. Người anh họ kể xong rồi nói: "Cô ấy đang chờ chú, sau chiến dịch chú về phép vài ngày là xong...". Mỗi lần nhớ tới câu chuyện của người anh họ, anh lại thấy mát rời rợi trong lòng...
- Nó nhảy dù rồi!
Anh phụ máy ngó đầu vào cửa hầm nói to, rồi vội vã xách tiểu liên chạy đi. Người chiến sĩ điện thanh buông máy, nhảy bổ ra ngoài. Dù địch như nấm đầy trên đầu. Anh phụ máy bắn lên trời hết băng tiểu liên này đến băng tiểu liên khác. Anh cũng lấy tiểu liên bắn.
Những chiếc dù xanh, đỏ, trắng, vàng vô tri giác đó vẫn không lảng tránh mũi súng của hai người và mấy phút sau chúng úp chụp lên trận địa của họ. Anh phụ máy bỏ súng, rút con dao dài, bám tay nhảy lên miệng hào. Nhưng một lúc sau anh lại rút xuống hào, vì nhận ra cái dù vừa chụp lên trận địa của họ, chỉ là một chiếc dù tiếp tế.
Anh phụ máy bàn lấy chiếc cần “ăng ten” dự bị, chống dù lên, khoét một lỗ để quan sát. Anh vừa rạch thủng cái dù nhìn ra, thấy ngay quân địch đang ào ào xô lại.
- Vào gọi đại bác ngay đi! Gọi đại bác ngay đi?
Anh vừa thét vừa đẩy vào vai bạn rất mạnh. Không còn thời giờ nghĩ ngợi, người chiến sĩ điện thanh lao vào hầm, gọi khẩn cấp:
- Nhà phát hành! Nhà phát hành! Khách hàng đến đông? Yêu cầu gửi hàng ngay chỗ chúng tôi, gửi hàng ngay chỗ chúng tôi....
Có tiếng người vọng vào máy, thứ tiếng ồm ồm vừa như lạ vừa như quen: "Hỏi xem công sự thế nào?”. Không để đài viên phải dịch lại, anh nói luôn:
- Công sự rất bảo đảm.
Chỉ một thoáng sau, pháo của chúng ta lao ầm ầm xuống đầu họ.
Hết trận đại bác, anh cũng không hiểu tại sao mình còn sống. Nắp hầm đã sập. Mấy chiếc rầm đổ đè lên hai đồng chí. Anh nhích người lại sờ tay vào hai người, thấy ngực lạnh toát, tim không còn đập nữa. Anh tìm một chỗ hở chui ra ngoài. Nắng vàng chói chang. Cái dù chụp trên hầm đã biến đâu mất. Không còn bóng một tên địch nào trên mặt đồi. Giao thông hào vỡ thêm nhiều chỗ, nhiều xác tử sĩ đặt ở đó lúc nào cũng không thấy nữa. Nhiều thương binh đà hy sinh tay vẫn nắm chặt lựu đạn. Anh chợt nhận ra con dao của đồng chí phụ máy, lưỡi đã gãy một nửa. Đi một quãng, anh nhìn thấy xác bạn nằm đè trên xác một thằng tây to lớn, miệng cắn chặt vào cổ nó. Những sợi tóc mềm xõa trên cái mặt dài ngoẵng đầy râu, lồi ra hai con mắt chỉ toàn lòng trắng. Anh ngồi xuống bên bạn.
- Đường ơi! Chết rồi à!
Giọng anh rên rỉ như khóc, nhưng anh thấy mắt mình ráo hoảnh. Mảnh dù trắng khoác trên người Đường đã đổi sang màu đỏ và lỗ chỗ vết đạn. Chắc trong lúc Đường đang vật nhau với thằng này thì một tên khác đến lia tiểu liên chết cả hai.
- Đồng chí ơi! Chúng nó chết cả rồi à?
Anh nhìn quanh, thấy mấy đồng chí thương binh còn sống đang ngóc đầu nhìn cả về phía mình. Anh chợt nhớ đến máy, không biết còn hay hỏng rồi?.. Anh vội đứng dậy quay về chui vào hầm. Má vẫn kêu o o. Đồng chí đội trưởng đang gọi anh: "Chư đâu! Chư đâu! Nghe thấy trả lời... Chư đâu! Chư đâu!...". Chắc đồng chí đó gọi như thế này đã từ lâu lắm. Anh vội vàng cầm lấy máy:
- "Tôi đây rồi! Chư đây? Đồng chí Đường "lãi" rồi. Khách hàng “lãi” nhiều đi “bán hàng nơi khác rồi...”.
Chư báo cáo tình hình với ban thông tin đại đoàn và xin chỉ thị. Anh nghe thấy giọng nói không bình thường của đồng chí tổ trưởng Đảng:
- Căn cứ vào tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng chí, chi ủy đã quyết định rút ngắn thời kỳ dự bị cho đồng chí, từ giờ phút này đồng chí là đảng viên chính thức của Đảng Lao động Việt Nam...
Sau đó người trung đội trưởng truyền cho Chư một lệnh mới của đại đoàn “trung đoàn trưởng Trang đã vào đồn từ trưa hôm qua anh không cần ở đây nữa, hãy quay ra ngay cửa đột phá tìm trung đoàn trưởng để làm nhiệm vụ liên lạc với các nơi”.
Thấy Chư lôi máy ra ngoài cửa hầm chuẩn bị đi, thương binh nhao nhao:
- Đồng chí định bỏ chúng tôi cho địch à?
- Không đi được!
- Cậu nào còn tay lại ôm lấy máy, không cho cậu ấy đi!...
Mặt Chư chảy dài ra. Anh bỗng rơm rớm nước mắt.
- Tôi mà định bỏ các đồng chí thì đi khỏi cửa hầm này thằng địch bắn chết tôi ngay. Vừa rồi đại đoàn ra lệnh cho tôi phải đi tìm trung đoàn trưởng ở trong đồn để liên lạc nhận lệnh mới. Nếu các đồng chí không cho tôi đi thì hỏng việc của trên. Tôi gặp được trung đoàn trưởng, sẽ báo cáo rõ các đồng chí còn nằm ở đây. Tôi còn thì các đồng chí cũng còn. Chúng ta là người cùng một giai cấp, không thể lúc khó khăn này lại bỏ nhau... Tôi là một đảng viên... Tôi xin thề là không đánh lừa các đồng chí...
Những lời nói này nếu từ miệng một người khác chưa chắc đã làm cho anh em thương binh đủ tin, Chư nói xong, mấy đồng chí đang nắm lấy anh, đều buông tay ra.
Chư ngồi xuống khoác dây vào vai nhấc máy lên. Lạ thay, chiếc máy lúc này như một khối thép chôn chặt xuống đất. Chư bàng hoàng cả người. Một lúc, anh nhớ ra, đã bốn ngày nay, anh không được một hột cơm, một giọt nước, cũng không chợp mắt lấy một phút. Chả nhẽ bỏ máy đây sao? Lại còn bình pin? Bình pin này mọi khi Đường vẫn mang. Đêm qua Đường đã kiếm được một bình pin mới ở trong đồn. Nhờ có nó mà dây trời căng không cao, anh vẫn nhận được rõ ràng những làn sóng của các đài xa, gần. Thừ người một lúc, Chư đi ra một ngách hào tháo chiếc xa sau lưng, đái đầy vào đó. Uống ngụm đầu, thứ nước vừa mặn vừa chát này như bào ruột anh. Anh nằm thẳng cẳng, mắt đờ, mồ hôi vã ra. Một lát, thấy người dễ chịu, anh lại cố uống thêm. Uống hết ca nước giải, người anh tỉnh hẳn lại.
Lần này, anh không ngờ mình nhấc được chiếc máy lên vai và xách được cả bình pin trong tay. Các đồng chí thương binh, người quay mặt vào vách hào, người chằm chằm nhìn theo đến khi Chư đi khuất.
Giao thông hào nhiều chỗ đất lấp chỉ còn nông tỏi đầu gối. Chư phải bò len giữa những xác chết. Đạn thẳng của địch bay thun thút trên lưng anh. Anh vượt được an toàn qua năm chục thước giao thôn hào. Và bắt đầu phải dừng lại trước một hố bom lớn.
Hố bom này đã khoét một vầng đất khá sâu, tạo nên một tử giác tốt, nhưng đồng thời cũng be lên quanh miệng hố một chiếc bờ tròn khá cao. Nhiều xác người nằm gục trên gờ hố bom. Từ hôm qua đến giờ có nhiều chiến sĩ rút ra lối này và hy sinh ở đây. Hỏa lực địch chắc phải kiểm soát nơi này rất chặt chẽ. Người không vượt nhanh qua cũng khó. Huống hồ anh lại còn cả một khối máy to xù gần ba chục cân trên lưng. Anh không tính đến chuyện bỏ máy chạy lấy người. Trước khi đi làm nhiệm vụ, mỗi người chiến sĩ điện thanh đều đã tự bảo mình: "Người còn thì máy còn". Và riêng trong hoàn cảnh này, anh thấy chiếc máy còn quý hơn cả tính mệnh của mình. Một cái dù đang lững lờ hạ xuống mặt đồn. Thời cơ đây rồi! Anh dùng hết sức băng mình qua gờ hố bom, lao xuống lòng hố. Ngẩng đầu nhìn lên miệng hố bom, bụi đất đang bắn tung. Thằng địch đã nhận ra anh rồi! Chắc chắn từ một lỗ châu mai nào gần đó, một khẩu súng máy đang chiếu nòng súng chờ đón anh trên bờ bên kia. Anh đã khó khăn mới vào được hố bom này, nhưng thoát ra khỏi nó cho được an toàn còn khó khăn gấp mười. Bất giác anh ngoái tay lại sau vì cảm thấy như có ai vừa đè thêm lên lưng mình. Vẫn chỉ là chiếc máy. Cái gờ hố bom vừa rồi đã tiêu pha quá nhiều sức lực của anh. Với sức lực còn lại, lòng hố bom chặt, đất lại lở lún như cát, anh tin chắc mình không thể thoát khỏi những miệng súng địch đã chờ sẵn trên miệng hố.
Chợt nghe thấy một tiếng rú ghê rợn trên đầu. Ngẩng lên, một bóng đen vừa vụt ngang khoảng không, hai quả bom đen chùi chũi đang réo, lao chênh chếch về phía đầu anh. Chư nghĩ ngay, thời cơ tốt nhất đây rồi! Anh đứng dậy vượt ra khỏi hố bom, và bắt gặp lại đường hào đã bị nó cắt quãng. Lần này anh quả không còn nhanh nhẹn bằng lần trước. Nhưng không một viên đạn nào bắn đuổi theo anh. Bọn địch thả bom để sát thương bộ đội ta ở chung quanh đồn, nhưng pháo cao xạ của ta đã làm cho chúng thả nhiều lần không chính xác. Thằng địch đang chĩa nòng súng đợi anh chắc đã phải nhắm mắt, gục đầu trước sự đe dọa của chính những quả bom chúng thả xuống.
Cao Điểm Cuối Cùng Cao Điểm Cuối Cùng - Hữu Mai Cao Điểm Cuối Cùng