Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Rohinton Mistry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1946 / 89
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
VIII: Cải Tạo Mĩ Quan
HỈ SAU CHỪNG MỘT TUẦN, MA THUẬT của thời gian đã biến con phố đêm ồn ã bên ngoài hiệu thuốc thành chốn yên bình của hai người thợ may. Giấc ngủ của họ không còn bị ác mộng đầu độc nữa. Những bóng đen cùng những mối phiền toái – bọn con bạc gào thét số cược lúc nửa đêm, những kẻ thắng cuộc rú rít sung sướng, tiếng chó tru, bọn ma men giãy giụa trong cuộc chiến chết chóc với những bóng ma ám ảnh chúng, tiếng két đựng sữa chai va nhau lạch cạch, tiếng sập cửa thùng xe chở bánh mì – tất thảy, với Ishvar và Om, đã trở thành tiếng chuông điểm giờ của một chiếc đồng hồ đáng tin cậy.
“Tôi đã bảo rồi mà, phố xá có gì đáng sợ đâu,” ông bảo vệ nói.
“Đúng thật,” Ishvar gật gù. “Âm thanh cũng như con người ấy. Một khi quen rồi là thấy dễ gần hẳn.”
Quầng thâm quanh mắt họ mờ dần đi, chất lượng công việc cải thiện, và giấc ngủ càng lúc càng êm ái hơn. Ishvar mơ thấy một đám cưới ở quê; cô dâu của Om xinh như tiên. Còn Om mơ thấy khu ổ chuột bỏ hoang. Shanti và cậu, tay trong tay, hứng nước từ vòi, rồi đuổi nhau chạy quanh bãi phế liệu, nay đã biến thành một khu vườn bạt ngàn hoa thơm, rộn rã bướm vờn. Họ hát, nhảy múa giữa các rặng cây, làm tình với nhau khi đang bay trên tấm thảm mây thần kì, giương súng máy bắn chết hạ sĩ Kesar cùng bè lũ cảnh sát xấu xa của hắn và cả bộ sậu Ban quản lý ổ chuột, và trả dân cư xóm lều lán trở về đúng chỗ thuộc về họ.
Hiệu thuốc trở thành điểm trung tâm trong lịch sinh hoạt mới của hai người thợ may. Họ lấy quần áo để thay trong rương khi rời khỏi căn hộ của Dina vào cuối ngày. Xà phòng và bàn chải luôn mang theo người. Sau bữa tối ở Vishram, họ giặt quần áo trong khu nhà vệ sinh ở ga tàu hỏa và phơi phóng ngay trước lối ra vào hiệu thuốc. Những sợi dây điện đã mất mối neo treo toòng teng làm thành sào phơi cho mớ quần áo vừa giặt. Quần dài, áo sơ mi bay phất phơ như những tên lính canh cụt chân tay trong khi họ say giấc. Trong những đêm lộng gió, chúng nhảy múa trên dây, hệt những bóng ma diễn trò xiếc thân thiện.
Rồi cũng đến một đêm xuất hiện những âm thanh lạ trên đường phố. Xe jeep của cảnh sát cùng một chiếc xe tải gầm rú và đỗ lại ở lề đường đối diện tiệm thuốc. Hạ sĩ Kesar sủa vài câu lệnh gọn, sắc với đám thuộc hạ; dùi cui của đội cảnh sát gõ lịch kịch lên đống hộp các tông đang làm nơi trú thân cho dân ngủ vạ dọc vỉa hè; những bước chân nặng nề của bốt nhà binh nện cồm cộp trên lối đi.
Tiếng ồn, như những kẻ phá rối tai quái, sầm sập chen vào giấc nồng của hai người thợ. Ishvar và Om choàng tỉnh, người ngợm run lẩy bẩy như vừa gặp ác mộng, và co rúm lại sợ hãi sau lưng ông bảo vệ. “Có chuyện gì vậy? Anh có nhìn thấy gì không?” Họ hỏi.
Ông ta đưa mắt nhìn xung quanh. “Hình như bọn nó đang khua hết dân ăn mày dậy. Chúng đánh họ, lùa họ lên xe tải.”
Hai bác cháu tỉnh hẳn ngủ và tự mình nhòm ra. “Đích là Hạ sĩ Kesar,” Om vừa nói vừa dụi mắt. “Cháu cứ tưởng lại nằm mơ thấy xóm lều lán nhà mình.”
“Cả cái thằng kia kìa, đứng cạnh lão Kesar ấy, trông quen lắm,” Ishvar tiếp lời.
Gã đàn ông nhỏ thó, nom trí thức đang ton tón nhảy theo như một con thỏ, mũi dãi lòng thòng vì cảm lạnh. Chốc chốc y lại khịt nước mũi vào và nuốt xuống. Om mon men ló ra nhìn cho kỹ. “Chính là gã đòi bán cho bác cháu ta cái phiếu thực phẩm với giá hai trăm rupi đấy, tay Điều phối viên ấy.”
“Đúng rồi. Mà hắn vẫn còn ho hắng khụt khịt ghê chưa. Quay lại đây, tốt hơn hết ta cứ trốn cho kĩ, thế an toàn hơn.”
Gã Điều phối viên đang ghi ghi chép chép lên một cái cặp giấy, đếm số đầu người trong khi xe tải gom “hàng”. “Khoan đã, Hạ sĩ,” gã phản đối. “Trông mụ kia kìa – tã quá. Bỏ đi, không.”
“Cậu lo việc của cậu đi,” Hạ sĩ Kesar nói. “Tôi sẽ làm việc của tôi. Nếu cậu thừa thời gian, đi mà chăm chút cho cặp kính của mình ấy.”
“Cảm ơn ông,” gã Điều phối viên nói, bàn tay phóng lên để kịp chặn đà trượt của cặp kính. Trên đường trở xuống, mấy ngón tay quệt luôn giọt ngọc đang lủng lẳng nơi mũi. Hai cử chỉ phối hợp mượt hết chỗ chê. “Nhưng xin ngài nghe tôi, không,” gã sụt sịt. “Trông bộ dạng thế thì mụ ăn mày này hết đát rồi.”
“Nói thật nhá, chuyện đấy tôi đếch quan tâm. Tôi còn phải tuân lệnh cấp trên.” Tối nay, Hạ sĩ Kesar đã quyết sẽ không tha cho tên nào, công việc của lão càng lúc càng nhọc nhằn hơn. Gom người cho các buổi mít tinh chính trị không tệ. Vây bắt đối tượng tình nghi MISA cũng tạm được. Nhưng mấy trò xóa khu lều lán, bắt bớ hàng rong, san bằng khu ổ chuột đang xáo động trạng thái tĩnh tại của tâm hồn lão. Và trong thời gian cấp trên chưa kịp soạn thảo một chiến lược mới tiến bộ hòng giải quyết triệt để vấn nạn ăn mày, lão phải xúc hết dân cư vạ vật ở vỉa hè rồi đổ ra những khu đất hoang ở ngoại ô thành phố. Sau nhiều lần làm nhiệm vụ như thế, lão trở về nhà với tâm trạng u ám, lão nốc say mèm, hiếp vợ, đánh con. Trong lúc này, khi lương tri của lão đang dần hồi phục, lão sẽ không để thằng dở hơi thò lò mũi xanh kia làm việc rối thêm.
“Nhưng mụ kia phỏng còn ích gì cho tôi nữa?” Tay Điều phối viên cự nự. “Què cụt thế thì còn làm được việc gì?”
“Lúc nào cậu chả kêu thế,” Hạ sĩ Kesar nói, đoạn xọc hai ngón cái vào vòng thắt lưng bằng da đen đang uốn mình theo đường cong phong nhiêu bên dưới bụng lão. Lão là fan của phim cao bồi và Clint Eastwood. “Đừng quên là cả bọn chúng nó đều làm việc miễn phí đấy nhá.”
“Không dám miễn phí đâu, thưa Hạ sĩ. Ngài chả thu bao nhiêu trên mỗi đầu người rồi còn gì.”
“Cậu mà không muốn, đã có người khác nhận. Nói thật nhá, tôi phát ốm phát ngấy vì đêm nào cũng phải nghe cậu rên rỉ rồi. Tôi không thể chỉ nhặt những đứa khỏe mạnh cho cậu dùng – đây đếch phải chợ gia súc nhá. Cậu có lấy không thì bảo?”
“Vâng, thôi được. Nhưng chí ít ngài cũng nhắc các anh em đánh cho kheo khéo hộ tôi, đừng để ai chảy máu. Kẻo tôi sẽ khó tìm chỗ giấm giúi lắm.”
“Khoản đấy thì tôi nhất trí,” Hạ sĩ Kesar nói. “Nhưng cậu khỏi lo, quân của tôi được dạy kĩ lắm. Họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc chỉ gây ra các vết thương kín lắm chứ.”
Cuộc càn quét tiếp diễn, đám cảnh sát thực thi nhiệm vụ hết sức hiệu quả, đấm, chọc, đá. Không một chướng ngại vật nào có thể làm chậm bước tiến của họ, dù là tiếng rú hay rên hay những tràng đe dọa khôi hài của đám sâu rượu và bọn thần kinh.
Phong cách làm việc “chí công vô tư” của toán cảnh sát khiến Ishvar liên tưởng đến người lao công quét phố vẫn đi dọn rác vào năm giờ hàng sáng. “Ôi không,” ông rùng mình, khi nhóm nhân viên công lực tiến tới góc phố. “Chúng đang đuổi theo ông lão khốn khổ đi bệ lăn kìa.”
Người ăn mày cụt chân cố chạy trốn. Chống lòng bàn tay xuống đất, lão đẩy cái bệ lao về phía trước. Đám cảnh sát thú lắm, thi nhau hò reo cổ vũ lão, muốn xem cái bệ lăn chạy nhanh đến đâu. Nỗ lực đào tẩu cạn kiệt năng lượng khi đến cửa tiệm thuốc. Hai gã cảnh sát bê lão quẳng lên xe tải, cả người lẫn bệ.
“Trông lão này này!” Gã Điều phối viên đỏ mặt tía tai hét lên. “Không ngón tay, không bàn chân, không cẳng chân – hạng này được việc phải biết!”
“Anh muốn làm gì với lão thì tùy,” một gã cảnh sát nói.
“Nếu không cần, cứ vứt lão ngoài ngoại ô thành phố,” một gã khác đế thêm. Chỉ với một cú đẩy nhẹ, chiếc bệ lăn êm đến tận đầu kia thùng xe tải.
“Các anh nói gì vậy, tôi làm thế sao được? Tôi phải chi cho tất cả bọn chúng,” gã Điều phối viên nói. Rồi sực nhớ ra tối hậu thư của Hạ sĩ Kesar, y lấm lét nhòm ra sau lưng – không biết mấy câu ấy có lọt tai lão không? Để xí xóa, y nói vống lên mấy câu bằng lòng để thay đổi không khí. “Mấy đứa mù kia thì được. Mù cũng chả hề gì, chúng vẫn còn tay có thể làm khối việc. Trẻ con cũng tốt, có rất nhiều việc lặt vặt cho chúng.”
Toán cảnh sát lờ tịt y và tiếp tục đuổi theo con mồi. Khi cơn hoảng loạn ban đầu đã tạm lắng, đám người ăn mày trở nên ngoan ngoãn hẳn. Đa phần bọn họ đều đã từng trải qua những trận vây bắt bên ngoài các khu buôn bán hay dân cư, nơi gia chủ phải cậy nhờ đến cảnh sát, kèm ít “lễ vật”, mong nhổ mấy cái gai trong mắt. Cũng có khi cảnh sát tự tay lùa dân ăn mày đến đấy, rồi háo hức chờ đợi những đề nghị càn quét béo bở.
Xếp hàng trước xe tải, các cư dân vỉa hè được đếm đầu người và hỏi tên, thông tin này được gã Điều phối viên ghi vào cặp giấy, cùng giới tính, tuổi, và tình trạng sức khỏe. Một ông lão vẫn im như thóc, tên lão đã bị khóa kĩ trong đầu, còn chìa rơi đâu mất rồi. Một gã cảnh sát bèn dang tay tát lão và hỏi lại. Cái đầu bù xù lệch từ bên nọ sang bên kia theo mỗi cú đánh.
Cánh cùng cảnh với ông lão cố giúp bằng cách kể ra một đống tên họ vẫn dùng gọi lão. “Burfi! Bevda! Bốn trăm hai!” Gã Điều phối viên chọn tên Burfi, và ghi vào bảng. Trên cột tuổi, y ước chừng một con số dựa vào diện mạo.
Mấy gã say và bọn hâm hâm lại khó hốt hơn, bọn này nhất quyết không chịu xê dịch một ly, mồm lại còn bai bải kêu làng kêu nước, đa phần toàn những câu không đầu không cuối, khiến toán cảnh sát cười hô hố. Bỗng một gã say vung nắm đấm tán loạn. “Bọn chó dại!” Gã gào lên. “Con lũ điếm bệnh!” Đám cảnh sát lập tức tắt cười và xúm lại vung gậy tẩn gã kia; khi gã ngã lăn ra đất, chúng chuyển sang lấy chân mà đạp.
“Đừng, dừng lại đi!” Tay Điều phối viên van vỉ. “Nhỡ các anh làm gãy xương hắn, rồi hắn còn làm việc thế nào được nữa?”
“Chú em khỏi lo, mấy thằng này rắn lắm. Chỉ có gậy của bọn tớ gãy chứ chúng nó chả gãy được đâu.” Gã say đã bất tỉnh nhân sự được quẳng lên xe tải. Trên vỉa hè, mọi cuộc tranh luận đều bị đình chỉ bằng những nhát dùi cui nện vào bụng và với những ca đặc biệt lắm lời, một nhát toác sọ.
“Đấy có phải vết thương kín quái gì đâu!” Gã Điều phối viên gào lên với Hạ sĩ Kesar. “Máu me be bét thế kia kìa!”
“Nhiều khi đấy là việc cần làm,” Hạ sĩ Kesar nói, nhưng lão cũng vẫn nhắc thuộc hạ kiềm chế bớt nhiệt huyết, kẻo ca làm đêm sẽ bị bôi ra thêm nếu phải dính tới bác sĩ, băng gạc và báo cáo y tế.
Vẫn giấu mình ở mé trong cửa ra vào của tiệm thuốc, hai người thợ tự hỏi không biết tình hình hiện ra sao. “Chúng bỏ đi chưa? Xong chưa?”
“Nghe chừng xong rồi,” ông bảo vệ đáp, và tiếng xe nổ máy cũng xác nhận điều đó. “Tốt rồi, hai người có thể ngủ lại rồi đấy.”
Hạ sĩ Kesar và gã Điều phối viên kiểm tra bảng. “Chín mươi tư,” gã kia nói. “Cần thêm hai đứa nữa mới đủ định mức.”
“Nói thật nhá, lúc nói tám tá, tôi chỉ ước chừng thế thôi. Đủ một xe tải. Cậu không hiểu à? Làm sao tôi đoán được chính xác số người chúng tôi sẽ bắt?”
“Nhưng tôi đã báo với người mua là tám tá rồi. Ông ta sẽ nghĩ tôi lừa ông ấy, không ạ. Ngài không tìm giúp được hai đứa nữa sao?”
“Thôi được,” Hạ sĩ Kesar đáp giọng chán nản, “thì tìm hai đứa nữa vậy.” Lão sẽ không bao giờ làm ăn với thằng này nữa. Lúc nào cũng phàn nàn rên rỉ không biết mỏi mồm, cứ như con chó phải đòn. Nếu không kẹt tiền trả cho lớp học đàn xi-ta của đứa con gái, lão sẽ bỏ phắt mấy nhiệm vụ ngoài giờ này ngay tức khắc mà không cần lăn tăn một giây. Không những lão phải làm việc với mấy thằng khốn như gã Điều phối viên này; những đêm đi càn quét khuya còn khiến lão không tài nào trở dậy trước bình minh để dành một tiếng tập yoga như trước đấy. Chẳng trách dạo này mình đâm bẳn tính thế, lão ngẫm nghĩ. Mà còn phải chịu thêm chứng đau dạ dày nữa. Nhưng biết làm thế nào được? Cải thiện triển vọng hôn nhân cho đàn con là nghĩa vụ của lão mà.
Hai người thợ may cùng ông bảo vệ nghe thấy tiếng bước chân và gậy nện lịch kịch tiến lại gần. Hai hình người không rõ mặt mũi, y như bóng đen của chúng, nhòm hẳn vào bên trong lối ra vào. “Ai ở trong đấy thế?”
“Không có gì đâu, xin đừng lo, tôi là bảo vệ đêm và…”
“Câm mồm và bước ra đây mau! Tất cả chúng bay!” Sự kiên nhẫn của Hạ sĩ Kesar đã tiêu ma vì gã Điều phối viên nọ. Ông bảo vệ đứng lên khỏi chiếc ghế, bụng nghĩ cứ bỏ cây gậy canh đêm lại là khôn ngoan hơn cả, và bước lên vỉa hè. “Xin đừng lo,” ông ta ra hiệu cho hai người thợ may tiến lên phía trước. “Tôi sẽ giải thích với họ.”
“Nói thật nhá, ngủ trên phố là phạm luật. Thu dọn đồ đạc rồi lên xe mau.”
“Nhưng thưa ngài cảnh sát, chúng tôi phải ngủ đây chỉ vì người của ngài đã đem máy móc đến san bằng khu lều lán của chúng tôi.”
“Gì? Các người ngụ ở một khu lều lán ấy hả? Hai việc sai không làm thành một việc đúng nhá. Các người có thể bị phạt vì hai tội đấy.”
“Nhưng thưa ngài cảnh sát,” ông bảo vệ xen vào, “ngài không thể bắt bọn họ được, họ đâu có ngủ ngoài phố, họ đang ở trong…”
“Mày có hiểu câm mồm là thế nào không?” Hạ sĩ Kesar nạt. “Hay mày muốn biết thế nào là ngồi khám? Ngủ ở bất kì chỗ nào không dành cho ngủ là phạm pháp. Đây là lối ra vào, không phải chỗ ngủ. Mà ai nói là chúng nó bị bắt? Chính phủ không điên mà đi gom ăn mày khắp nơi để tống vào tù nhá.” Lão ngưng bặt, tự trách tại sao mình phải diễn giải dài dòng như thế trong khi lũ gậy gộc của bọn tay chân có thể giúp đạt mục đích nhanh hơn.
“Nhưng chúng tôi đâu phải ăn mày!” Om kêu lên. “Chúng tôi là thợ may, nhìn xem, mấy cái móng tay dài này là để gấp đường chỉ cho thẳng, và chúng tôi làm việc ở…”
“Nếu các người là thợ may thì làm ơn khâu cái miệng lại! Đủ rồi, lên xe!”
“Anh ta biết chúng tôi,” Ishvar chỉ vào tay Điều phối viên. “Anh ta nói có thể bán cho chúng tôi một phiếu thực phẩm với giá hai trăm rupi, trả góp và…”
“Vụ phiếu thực phẩm này là sao?” Hạ sĩ Kesar quay lại hỏi.
Gã Điều phối viên lắc đầu. “Chắc họ nhầm tôi với gã con phe lừa đảo nào đấy, người giống người ấy mà.”
“Chính là anh!” Om nói. “Lúc đấy anh cũng ho và hắt xì liên tục, nước mũi chảy lòng thòng hệt như bây giờ!”
Hạ sĩ Kesar ra hiệu cho một tay cảnh sát. Gậy nện liền xuống bắp chân Om. Cậu rú lên.
“Đừng, xin đừng đánh,” ông bảo vệ van vỉ. “Không sao đâu, họ sẽ nghe lời ngài.” Ông ta vỗ vai hai người thợ may. “Đừng lo, chắc chắn chỉ là nhầm lẫn thôi, cứ trình bày với người phụ trách, họ sẽ thả cho hai người về.”
Gã cảnh sát lại giơ gậy lên, nhưng Ishvar và Om đã bắt đầu dọn dẹp chăn chiếu. Ông bảo vệ ôm lấy họ trước khi hai bác cháu bị giải đi. “Quay lại sớm nhé, tôi sẽ giữ chỗ cho hai người.”
Ishvar cố vớt vát một lần chót. “Chúng tôi có công ăn việc làm thật mà, chúng tôi không xin…”
“Câm ngay.” Hạ sĩ Kesar đang dở con tính thu hoạch của lão sau trận bắt bớ đêm nay, mà số học lại không phải điểm mạnh của lão. Mối gián đoạn buộc lão phải tính lại từ đầu.
Hai người thợ may trèo lên thùng xe tải, rồi cửa đuôi xe đóng sập lại, chốt gài được đóng đâu vào đó. Những người được giao nhiệm vụ áp tải chuyến hàng ngồi lên xe jeep của cảnh sát. Gã Điều phối viên chốt lại con số cuối cùng với Hạ sĩ Kesar rồi ngồi vào ghế bên cạnh người tài xế xe tải.
Chiếc xe tải, mới đó được dùng chở vật liệu xây dựng, vẫn còn hàng đống đất bám bên trong thùng. Dưới chân, những viên sỏi còn rớt lại đâm vào kiện hàng người. Những người còn đang đứng ngã dúi dụi thành một đống khi tay tài xế cài số lùi để quay xe và trở về theo con đường ông ta vừa đi. Xe jeep của cảnh sát bám sát phía sau.
Họ đi xuyên qua buổi đêm còn rơi rớt, những ổ gà ổ voi khiến thân hình họ va đập vào nhau không ngớt. Người ăn mày ngồi trên cái bệ gỗ là khốn khổ hơn cả, bị hất ngược trở ra mỗi lần lão lăn vào ai đó. Lão sốt sắng tươi cười với hai người thợ may. “Tôi vẫn gặp hai chú luôn ở chỗ vỉa hè lão hay ngồi. Hai chú cho tôi bao nhiêu là xu.”
Ishvar giơ tay lên ra hiệu có-gì-to-tát-đâu. “Sao bác không bỏ bệ mà ngồi hẳn xuống?” Ông gợi ý, và cùng Om giúp ông lão bỏ cái bệ dưới mông ra. Những người đứng quanh đó thở phào nhẹ nhõm. Trơ lì như một bao xi măng, ông lão ôm chặt cái bệ gỗ vào ngực bằng đôi tay đã mất sạch ngón, rồi tì nó lên phần lòng cụt lủn, ngồi run rẩy giữa buổi đêm ấm áp.
“Chúng đưa ta đi đâu đây?” Lão cố gào lên để át tiếng động cơ. “Tôi sợ quá! Sẽ có chuyện gì đây?”
“Đừng lo, ta sẽ sớm biết thôi,” Ishvar đáp. “Ông kiếm đâu được cái bệ đẹp thế?”
“Ông trùm ăn mày cho tôi. Quà đấy. Ông ấy tốt bụng lắm.” Nỗi lo sợ khiến giọng nói the thé của lão càng thêm chói tai. “Làm sao tôi tìm lại được Ông trùm bây giờ? Ngày mai đến thu tiền mà không thấy tôi, thế nào ông ấy cũng nghĩ tôi đã bỏ trốn.”
“Nếu ông ta hỏi quanh, sẽ có người kể cho ông ta biết vụ mấy tay cảnh sát thôi.”
“Tôi không hiểu chính vụ ấy đấy. Sao bọn cảnh sát còn bắt tôi? Tuần nào Ông trùm chẳng đấm mõm chúng nó. Tất cả ăn mày của ông ấy đều được tự do làm việc, khỏi lo bị quấy rầy.”
“Toán cảnh sát này là mới,” Ishvar nói. “Cảnh sát cải tạo mĩ quan. Có một điều luật mới nhằm cải tạo mĩ quan cho thành phố. Có lẽ chúng không biết Ông trùm ăn mày nhà bác.” Nghe câu giải thích khơi khơi, ông lão lắc đầu. “Ối chà, ai chẳng biết Ông trùm nhà tôi.” Ông ta bắt đầu nghịch nghịch cái bánh xe, tìm trò tiêu khiển bằng việc xoay xoay chúng. “Cái bệ này này, đấy là cái mới, ông ấy vừa cho tôi. Cái cũ hỏng rồi.”
“Sao mà hỏng?” Om hỏi.
“Tai nạn. Gặp chỗ dốc, tôi bị bắn khỏi vỉa hè. Suýt làm hỏng xe của người ta.” Nhớ lại sự cố nọ, ông ta cười khùng khục. “Cái mới này tốt hơn nhiều.” Ông ta mời Om kiểm tra thử bánh xe.
“Êm lắm,” Om nói, sau khi giơ ngón cái ra miết thử. “Chân tay bác sao lại thành thế này?”
“Chả nhớ nữa. Từ xưa đã thế. Nhưng tôi cũng chả phàn nàn gì, lão vẫn đủ ăn, lại có hẳn một chỗ riêng trên vỉa hè. Ông trùm lo liệu hết mọi việc.” Lão kiểm tra miếng băng quấn hai bàn tay và ghé miệng cởi chúng ra, và vì thế phải ngừng nói mất mấy phút. Đó là một quá trình lâu dài, vất vả, đòi hỏi rất nhiều cử động cổ và hàm.
Bàn tay lộ ra, lão gãi ngứa cho chúng bằng cách chà vào bọc chăn chiếu của hai người thợ. Bề mặt nham nhám dễ chịu của vải gai giúp cơn ngứa dịu bớt. Sau đó lão quấn miếng băng lại như cũ, lại một công cuộc gian nan của cổ và hàm, nhưng theo chiều ngược lại. Om nghiêng đầu ngoẹo cổ đầy cảm thông – lên, rồi xuống, quay vòng, cẩn thận, phải rồi, lại quay vòng lần nữa – rồi tự dưng, nhận thấy mình hơi ngớ ngẩn, cậu vội dừng lại.
“Miếng băng này để bảo vệ da tôi đấy. Tôi phải chống tay xuống để đẩy bệ đi. Không có băng che, tay tôi sẽ tứa máu vì xát xuống đất mất.”
Sự thật được hé lộ một cách tỉnh bơ khiến Om cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng lão ăn mày vẫn nói bô bô, cố xoa dịu nỗi sợ hãi và lo lắng của riêng mình. “Chả phải lúc nào tôi cũng có bệ lăn mà dùng đâu. Hồi tôi còn bé, cái đận bé quá không tự đi ăn xin một mình được ấy, người ta phải tha tôi đi khắp nơi. Ông trùm từng cho thuê tôi theo ngày. Ông ấy là ông cụ đẻ ra cái ông đang chăm nom cho tôi bây giờ ấy. Người ta chuộng tôi ghê lắm. Ông trùm bảo tôi kiếm cho ông ấy nhiều tiền hơn cả.”
Nỗi hoảng hốt trong giọng nói của ông lão lắng dần theo dòng hồi tưởng về những ngày hạnh phúc. Ông kể mình luôn được những người thuê chăm chút và cho ăn cho uống rất cẩn thận, vì chỉ cần họ lơ là, Ông trùm sẽ tẩn họ nên thân và không bao giờ làm ăn với họ nữa. Cũng may, nhờ khổ người nhỏ gọn, nên đến tận mười hai tuổi, nom lão vẫn bé tí như đứa trẻ con ẵm ngửa. “Một đứa trẻ con tàn tật, miệng vẫn còn ngậm ti, xin được của thiên hạ vô khối tiền. Suốt những năm ấy, tôi được bú sữa từ không biết bao nhiêu bầu vú mà kể.”
Lão nở nụ cười ranh mãnh. “Giá mà giờ tôi vẫn được các bà các cô bế ẵm, mồm ngậm cái núm vú thơm ngọt của họ. Như thế thích hơn nhiều so với việc lộc cộc lăn đi lăn lại cả ngày đến dập cà, ê mông.”
Ishvar và Om ngớ ra, rồi bật cười nhẹ nhõm. Bước qua mặt ông lão trên vỉa hè với một cái vẫy tay hay một đồng xu là một chuyện; ngồi bên cạnh lão, mắt phải nhìn mãi những chỗ què cụt của lão lại là chuyện khác, nặng nề lắm. Họ mừng là lão cũng biết tếu táo như ai.
“Rốt cuộc khuôn mặt và vóc dáng trẻ con cũng bỏ tôi mà đi. Tôi nặng lên, không ai bế nổi nữa. Đấy là lúc Ông trùm bắt tôi tự đi ăn xin. Tôi phải lê xác khắp nơi. Bằng lưng ấy.”
Lão muốn biểu diễn, nhưng trong thùng xe chật ních chả còn chỗ nào hở ra. Lão tả Ông trùm đã dạy lão các mẹo mực như thế nào, hệt như lão đã huấn luyện những ăn mày khác. Tùy từng người, ông ta lại dạy một phong cách khác nhau, mỗi trường hợp nên làm thế nào thì ăn nhất. “Ông trùm hay đùa, là giá chúng tôi có chỗ treo, ông đã phát bằng cho từng người rồi đấy.”
Hai người thợ may lại cười phá lên, còn lão ăn mày hớn hở sung sướng ra mặt. Lão vừa khám phá ra ở bản thân một tài năng mới. “Thế là tôi học cách trườn ngửa, dùng đầu và khuỷu tay để lê. Đi chậm lắm. Đầu tiên tôi đẩy cái ống bơ lên trước, rồi trườn theo sau. Hiệu quả lắm đấy. Ai nhìn thấy cũng vừa thương hại vừa tò mò. Lắm đứa trẻ con tưởng đấy là trò chơi, cũng cố bắt chước tôi. Có hai thằng con bạc ngày nào cũng cá với nhau xem tôi mất bao lâu thì trườn đến cuối vỉa hè. Tôi giả vờ không biết chúng nó đang làm gì. Thằng thắng cược bao giờ cũng vứt mấy xu vào ống bơ của tôi.”
“Nhưng để đến được những điểm ăn xin khác nhau mà Ông trùm giữ riêng cho mình, tôi phải đi lâu lắm. Sáng, trưa, tối – nào người đi làm, người đi ăn trưa, người đi chợ búa. Thế là ông ấy quyết định kiếm cho tôi một cái bệ lăn. Người đâu mà tử tế thế chứ lị, khen bao nhiêu cũng chả đủ. Đến ngày sinh nhật, ông ấy lại mang bánh kẹo đến cho tôi. Thỉnh thoảng ông ấy còn dẫn tôi đi nhà thổ nữa chứ. Ông ấy lại chả có hàng đàn ăn mày dưới trướng ấy, nhưng tôi là đứa ông ấy quý nhất. Công việc của ông ấy chả dễ dàng gì, bao nhiêu chuyện phải lo. Ông ấy đút lót cảnh sát, tìm chỗ tốt nhất để ăn xin, đảm bảo không có kẻ nào cướp mất những chỗ đó. Và khi có một Ông trùm giỏi che chở cho anh, không thằng nào dám cướp tiền của anh. Đấy là vấn đề nan giải nhất, cướp giật.”
Một người trên xe tải gầm gừ và huých cho lão ăn mày một phát. “Cứ rít lên như con mèo phải bỏng ấy. Chả ai thèm nghe lão khoác lác đâu.”
Lão ăn mày lặng thinh được mấy phút, hết chỉnh lớp băng quấn tay lại nghịch mấy cái bánh xe. Hai cái đầu ngái ngủ của hai người thợ may bắt đầu gục xuống, khiến lão phát hoảng. Nếu mấy người bạn kia ngủ quên mất, lão sẽ chỉ còn lại một mình giữa cái vòng xoáy đen ngòm của buổi đêm kinh hoàng này. Lão lại nói tiếp câu chuyện, hòng xua đuổi cơn buồn ngủ của họ.
“Với lại, làm Ông trùm ăn mày cũng phải sáng tạo lắm chứ đùa đâu. Nếu ăn mày nào cũng bị thương giống nhau, thiên hạ sẽ thấy nhàm ngay, nên cũng chả thương xót gì nữa. Người ta thích đa dạng cơ. Có vài loại thương tật phổ biến quá rồi, chả ăn nhằm nữa. Ví dụ nhá, không phải cứ móc mắt một đứa bé ra là ăn tiền ngay. Ăn mày mù nhan nhản khắp nơi. Nhưng mù, mà mất hẳn tròng mắt, mặt chỉ còn lại hai cái lỗ đáo, đã thế mũi còn bị xẻo nữa – giờ ai nhìn thấy chả xùy tiền. Bệnh tật cũng hữu dụng lắm nhá. Một cái bướu to đùng trên cổ hay mặt, chảy mủ vàng khè. Cứ gọi là ăn.”
“Lắm lúc, nhiều người bình thường cũng phải đi ăn xin nếu không tìm được công ăn việc làm, hay bị ốm đau. Nhưng loại đấy thì đừng hòng có cửa, ganh làm sao được với dân chuyên? Cứ nghĩ mà xem, nếu anh có một xu để bố thí, và nếu anh phải chọn giữa tôi và một gã ăn mày khác người ngợm lành lặn thì sao.”
Người đàn ông vừa huých lão ăn mày trước đó lại lên tiếng. “Câm mồm, đồ khỉ này, tao cảnh cáo mày đấy! Nếu không tao ném mày sang bên kia bây giờ! Đang lúc thế này, chúng tao không muốn nghe những chuyện dớ dẩn của mày! Sao mày không chọn những công việc lương thiện như bọn tao mà làm?”
“Anh làm nghề gì?” Ishvar lịch sự hỏi thăm để giúp anh ta hạ hỏa.
“Đồng nát. Gom và bán theo cân. Ngay nhà tôi đây, ốm đau khổ sở lắm, thế mà cũng có nghề riêng. Nhặt giấy vụn.”
“Tốt quá,” Ishvar nói. “Chúng tôi có một anh bạn làm nghề thu mua tóc đấy, nhưng anh ta mới chuyển sang làm Tuyên truyền viên kế hoạch hóa gia đình rồi.”
“Phải, thưa bác, ai cũng tốt,” lão ăn mày nói. “Nhưng thưa bác đồng nát, bác thử nói tôi nghe, không chân, không ngón tay, tôi biết làm gì đây?”
“Đừng có chống chế. Ở một cái thành phố to như thế này, đến thây ma cũng có việc mà làm ấy chứ. Nhưng phải muốn việc, và đi tìm một cách nghiêm túc kia. Lũ ăn mày các người gây bao nhiêu phiền toái trên phố xá, rồi đến lượt bọn cảnh sát lại sách nhiễu tất cả mọi người. Làm vạ lây cả những người làm ăn chân chỉ hạt bột như bọn tao đây.”
“Lạy bác, không có ăn mày, làm sao mọi người rửa sạch tội lỗi cho được?”
“Ai thèm quan tâm? Bọn tao còn đang lo tìm đâu ra nước mà tắm cho sạch đây!”
Cuộc cãi cọ càng lúc càng to tiếng, lão ăn mày rít lên choe chóe, rồi đến lượt anh chàng đồng nát thét sang sảng vào mặt lão. Các hành khách khác bắt đầu chia bè kéo cánh. Mấy gã say tỉnh giấc, há mồm chửi tất cả mọi người. “Đồ đần độn chó chết! Con lũ lừa điên! Bọn mất dái!”
Cuối cùng, cuộc chấn động khiến người tài xế phải đánh xe vào lề đường. “Ồn ào thế này bảo tôi lái xe thế quái nào được,” ông ta ca cẩm. “Đến tai nạn mất thôi.”
Đèn pha xe chiếu sáng một dải mép đường lổn nhổn đá cùng mấy bụi cỏ lô nhô. Một khoảng nín lặng bao trùm cả xe tải. Bóng tối hai bên đường sâu thăm thẳm, tịnh không hé lộ chút gì – bên ngoài lề đường hẹp kia, màn đêm có thể đang che giấu những núi đồi, những cánh đồng trống trải, một mảnh rừng rậm, hay những con ác thú quỷ quyệt lắm chứ.
Một gã cảnh sát bước qua luồng sáng đến nạt họ. “Nếu còn một tiếng ồn nào nữa, chúng mày sẽ bị đánh đòn và vứt ngay tại đây, trong rừng, thay vì được đưa đến ngôi nhà mới sạch sẽ đẹp đẽ của chúng mày.”
Chiếc xe tải nay đã im ắng lại tiếp tục chuyển bánh. Người ăn mày bắt đầu khóc ỉ i. “Ối bác ơi, tôi lại thấy sợ rồi.” Sau một lúc, ông lão gục xuống trong một giấc ngủ bần thần mệt mỏi.
Giờ hai người thợ may đã tỉnh hẳn. Ishvar băn khoăn không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ không đến chỗ làm vào sáng mai. “Hàng sẽ lại bị chậm mất. Lần thứ hai trong hai tháng nay. Cô Dina sẽ làm gì đây?”
“Tìm thợ may mới, và quên phứt bọn ta đi,” Om nói.
“Chứ còn sao nữa?”
Bình minh dần chuyển màn đêm thành màu xám, rồi hồng, khi xe tải và xe jeep rời đường cao tốc rẽ vào một con đường bụi bặm và đỗ lại bên ngoài một ngôi làng nhỏ. Cửa đuôi xe mở ra. Các hành khách được thả cho đi đáp lại tiếng gọi của tự nhiên. Với một số người, chuyến nghỉ chân đến quá muộn.
Lão ăn mày nghiêng một bên mông để Om ghé chiếc bệ vào đôn lão lên. Lão tự đẩy mình ra rìa xe và giơ bàn tay quấn băng vẫy hai tay cảnh sát. Bọn kia quay đi, bật lửa châm thuốc. Hai người thợ may bèn nhảy khỏi xe và đỡ lão xuống đất, cả hai đều ngạc nhiên vì người lão nhẹ bẫng.
Đàn ông đi bên mé này đường, đàn bà ngồi xổm mé bên kia; trẻ con chạy túa đi khắp nơi. Lũ trẻ con bé đói bụng, khóc nhặng lên. Bố mẹ chúng phải mớm cho con những chuối ủng, cam hỏng, và các thứ thức ăn thừa thẹo mót được từ tối hôm trước.
Gã Điều phối viên chạy đi cắt đặt việc trà nước. Người bán hàng nước ở làng dựng một cái bếp tạm gần xe tải, nhóm lửa đun một xoong đầy nước, sữa, đường, và lá trà. Ai nấy đều dán mắt vào anh ta vẻ thèm thuồng. Ánh nắng sớm xuyên qua các tàn cây, chiếu lấp loáng trên mặt chất lỏng. Chỉ sau vài phút, trà đã sôi và được rót vào những chiếc bát đất nung be bé.
Trong khi đó, tin tức về đám khách lạ nhanh chóng lan khắp ngôi làng nhỏ, dân làng bèn bu đông bu đỏ xung quanh để xem. Họ lấy nỗi khoan khoái trong cách các vị khách hớp từng ngụm trà làm niềm hãnh diện cho riêng mình. Ông trưởng làng chạy ra chào gã Điều phối viên và hỏi han mấy câu thân thiện thường thấy kiểu như các bác là ai, ở đâu, có việc gì, rồi ngỏ ý sẵn lòng giúp đỡ và chỉ dẫn.
Gã Điều phối viên bảo ông ta hãy đi mà lo việc của mình, rồi liệu đường mà lùa dân làng về nhà đi, nếu không cảnh sát sẽ ra giải tán. Tự ái trước cử chỉ cục cằn nọ, đám đông bỏ đi.
Trà đã uống hết, những chiếc bát đất được trả lại cho người chủ quán nước. Anh ta bắt đầu đập vỡ từng chiếc một theo lệ thường. Thấy thế, theo bản năng, các cư dân vỉa hè vội ào tới để can. “Ấy, khoan! Nếu anh không cần đến nữa, cứ để đấy chúng tôi dùng cho!”
Nhưng gã Điều phối viên cấm tiệt. “Ở chỗ các người sắp đến, các người sẽ được cung cấp mọi thứ cần thiết.” Họ được lệnh quay lại xe tải. Trong suốt giờ nghỉ, mặt trời đã lên quá ngọn cây. Hơi nóng buổi sáng nhanh chóng chiếm lĩnh không gian. Tiếng động cơ gầm rú khiến bầy chim sợ chết khiếp, xua chúng rời rặng cây như một đám mây náo loạn.
Đến cuối ngày, xe tải dừng lại tại một dự án tưới tiêu, đến đây, gã Điều phối viên cho cả chín mươi sáu con người xuống xe. Chủ dự án đếm đủ đầu người, rồi kí vào hóa đơn giao hàng. Khu công trường có bảo vệ riêng, còn xe jeep của cảnh sát ra về.
Đội trưởng đội bảo vệ ra lệnh cho chín sáu con người dốc hết túi quần túi áo, mở hành lý, bày mọi thứ lên mặt đất. Hai gã thuộc hạ của hắn đi dọc hàng người, giơ tay lần khắp áo quần để khám người và kiểm tra đống đồ đạc. Chuyện này lẽ ra chẳng mất thời gian mất, bởi phân nửa người trong số này đều là ăn mày khố rách áo ôm còn của nả thì chẳng có là bao. Song trong đó còn có cả đàn bà con gái nữa, nên phải mất một lúc lâu hai gã bảo vệ mới kết thúc công cuộc sờ soạng.
Chúng tịch thu tuốc nơ vít, muôi thìa, một cây gậy thép dài ba chục phân, dao, một cuộn dây đồng, kẹp, và một cây lược gò bằng xương với hàng răng bị cho là quá to và sắc. Một gã bảo vệ bẻ thử cây lược của Om. Nó gãy làm đôi. Cậu được phép giữ lại hai mảnh vỡ. “Chúng tôi chẳng mắc tội gì mà phải ở đây, hai bác cháu tôi,” cậu nói.
Gã bảo vệ đẩy cậu trở lại hàng. “Muốn kêu ca gì thì ra mà gặp đốc công.”
Những người ăn mặc rách rưới thảm hại quá được phát quần cụt và áo vét, hoặc váy lót và áo sơ mi. Lão ăn mày ngồi bệ gỗ được phát mỗi một chiếc vét, vì hiện thời chẳng có món đồ nào vừa với nửa dưới què cụt đang được quấn tạm trong mớ vải của lão. Ishvar và Om không được phát quần áo mới, cả anh chàng đồng nát và chị vợ nhặt giấy vụn cũng vậy. Hai vợ chồng nhà kia, vừa bị tịch thu nhiều thứ vật dụng sắc nhọn, lấy làm bất bình lắm, cho rằng như thế là bất công không thể chịu nổi. Nhưng hai bác cháu lại cảm thấy mấy món quần áo mới được may cẩu thả quá, và ưa những thứ mình đang mặc hơn.
Nhóm người được dẫn đến trước một dãy lán tôn, mười hai người một lán. Ai nấy xô nhau chạy đến cái lán gần nhất trong dãy lán giống nhau hền hệt và ra sức chen lấn, xô đẩy để vào bên trong. Toán bảo vệ chặn họ lại, rồi chia chỗ tùy ý. Trong mỗi lán có một chồng chiếu cuộn sẵn. Vài người trải ra và ngả lưng xuống, nhưng lại phải đứng dậy. Họ được lệnh cất gọn đồ đạc rồi ra tập trung trước mặt đốc công.
Tay đốc công, một gã tướng tá bặm trợn, khắp người mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chào mừng họ đến ngôi nhà mới. Gã dành ra vài phút để mô tả chương trình hào phóng mà chính phủ mới đề ra để cải thiện cuộc sống cho người nghèo và vô gia cư. “Vì vậy tôi hi vọng các anh chị em sẽ tận dụng được lợi ích của kế hoạch này. Hôm nay vẫn còn hai giờ công nữa, nhưng các anh chị em có thể nghỉ. Từ sáng mai, mọi người sẽ bắt đầu công việc mới.”
Có người hỏi lương là bao nhiêu, trả theo ngày hay theo tuần.
Gã đốc công quệt mồ hôi trên mặt, thở dài, và nói lại: “Anh không hiểu những gì tôi vừa nói à? Anh sẽ có thức ăn, nhà ở, quần áo. Lương đấy chứ gì nữa.”
Hai người thợ may nhích lên phía trước, những muốn trình bày về sự có mặt tình cờ trong dự án tưới tiêu này. Nhưng hai cán bộ đã tới trước mặt viên đốc công trước và dẫn ông ta đi họp. Ishvar quyết định không đuổi theo ông ta nữa. “Ta nên chờ đến sáng mai thì hơn,” ông nói nhỏ với Om. “Bây giờ ông ta đang rất bận, khéo ông ta nổi cáu mất. Nhưng rõ ràng cảnh sát đã bắt nhầm bác cháu ta. Đây là chỗ cho người thất nghiệp. Khi biết ta có nghề may, họ sẽ thả cho ta đi ngay.”
Một số người đánh liều nằm xuống bên trong lán. Những người khác trải chiếu bên ngoài. Bị nung dưới ánh mặt trời suốt một ngày dài, bốn bức tường tôn giam hãm hơi nóng khủng khiếp. Khoảng bóng râm hắt xuống từ tấm tôn dợn sóng mát mẻ hơn nhiều.
Khi trời nhập nhoạng, một hồi còi vang lên, công nhân nghỉ tay lục tục ra về. Ba mươi phút sau, còi lại kêu, họ kéo nhau tới khu bếp ăn của trại. Những người mới đến được gọi đi cùng. Họ xếp hàng trước bếp ăn để nhận phần của mình: súp đậu chay và bánh chapati, kèm một quả ớt xanh.
“Súp đậu này toàn nước thôi,” Om nói.
Gã cấp dưỡng nghe thấy, lập tức nổi cơn tự ái. “Mày tưởng chỗ này là chỗ nào, cung điện nhà bố mày phỏng?” “Đừng có lôi bố tôi ra,” Om sửng cồ.
“Thôi thôi, ta đi nào,” Ishvar vừa nói vừa kéo thằng cháu đi. “Ngày mai ta sẽ báo cho trưởng trại về nhầm lẫn của cảnh sát.”
Họ kết thúc việc ăn uống trong im lặng, tập trung vào những hiểm họa ẩn tàng trong thức ăn như bao người khác. Bánh chapati làm bằng thứ bột mì đầy sạn. Bữa ăn liên tục bị gián đoạn vì hết người này đến người kia nhổ ra những hạt sỏi nhỏ và những vật thể lạ khác. Những mảnh nhỏ hơn không được phát hiện kịp thời bị nghiền nát luôn cùng thức ăn.
“Lẽ ra họ phải có mặt từ một tiếng trước rồi,” Dina nói với Maneck khi bữa sáng đã xong xuôi.
Cô ấy lại kiếm chuyện với hai người thợ tội nghiệp rồi đây, cậu nghĩ bụng, đoạn gom mấy cuốn sách cậu cần cho giờ học trên lớp. “Chỉ là việc khoán thôi mà, có quan trọng đến thế không ạ?”
“Cháu thì biết gì về chuyện làm ăn? Đã có bố mẹ trả các loại phí và gửi tiền tiêu vặt hàng tháng cho cháu rồi mà. Cứ chờ đến lúc cháu phải tự kiếm tiền khắc biết.”
Buổi chiều, khi cậu đi học về, cô đang đi đi lại lại trước cửa. Ngay giây phút chiếc chìa khóa hơi cong vênh của cậu lạch xạch tra vào ổ, cô vặn nắm đấm mở luôn. “Cả ngày chả thấy tăm tích họ đâu,” cô than thở. “Dì không hiểu lần này họ sẽ viện lý do gì đây. Một cuộc mít tinh khác của thủ tướng chăng?”
Buổi chiều càng trôi về tối, giọng lưỡi mỉa mai của cô dần bị gạt bỏ bởi nỗi hoang mang. “Hóa đơn tiền điện sắp đến hạn rồi, cả tiền nước nữa. Thực phẩm cũng phải mua. Còn Ibrahim sẽ đến thu tiền nhà vào tuần sau. Cháu không biết lão ghê gớm thế nào đâu.”
Những mối lo mãi sôi sục như cơn đầy bụng sau bữa tối. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đến mai mà hai người thợ may vẫn không tới? Làm sao cô kịp tìm hai người khác thế chỗ? Mà vấn đề đâu phải chỉ ở chỗ lỡ hẹn lô váy này – một lần trì hoãn nữa sẽ khiến vị nữ hoàng tôn quý của Công ty xuất khẩu Au Revoir phật lòng ghê gớm. Lần này bà giám đốc ắt sẽ dán nhãn đen “không đáng tin” bên cạnh tên cô. Dina nghĩ bụng, có lẽ cô nên đến Thẩm mĩ viện Venus, nói chuyện với Zenobia, cậy nhờ cô bạn dùng đến chút ảnh hưởng của mình với bà Gupta.
“Chú Ishvar với Om không bao giờ vắng mặt vô cớ đâu,” Maneck nói. “Chắc có chuyện gì khẩn cấp đấy thôi.”
“Vớ vẩn. Có việc gì khẩn cấp đến nỗi họ không bỏ ra nổi dăm phút để ghé qua đây?”
“Hay họ phải đi xem một căn phòng cho thuê cũng nên. Dì đừng lo, có lẽ ngày mai họ sẽ đến.”
“Có lẽ? Có lẽ thì chưa đủ đâu. Dì đâu thể có lẽ sẽ giao hàng và có lẽ sẽ trả tiền nhà. Cháu, chả phải chịu trách nhiệm gì, có lẽ chẳng hiểu đâu.”
Cậu cảm thấy cô nổi cáu quá vô lý. “Nếu mai họ vẫn không đến, cháu sẽ đi hỏi xem có chuyện gì.”
“Đúng đấy,” cô tươi hẳn lên. “May mà cháu biết họ ở đâu.” Nỗi lo của cô dường như tan biến. Rồi cô nói: “Ta đến chỗ họ luôn đi. Sao phải mất cả đêm hoài công lo lắng?”
“Nhưng lúc nào dì cũng nói không muốn họ nghĩ dì đang tuyệt vọng. Nếu đang đêm hôm dì lại chạy đến, họ sẽ thấy không có họ, dì chẳng biết xoay xở ra sao.”
“Dì không tuyệt vọng,” cô cao giọng. “Đấy chỉ là một khó khăn nữa trong đời người, không hơn.” Nhưng cô vẫn quyết định chờ đến sáng hôm sau, đồng ý để cậu qua chỗ hai người thợ trước khi đi học. Cô chẳng còn bụng dạ nào để tiếp tục may tấm chăn ghép; những vuông vải và mảnh vụn chất đống trên ghế sô pha, giấu kín hoa văn màu sắc của mình.
Maneck chạy từ hiệu thuốc về, mặt mày hoảng hốt. Đến gần Hotel đồ chay Vishram, cậu hơi chậm bước lại để nhòm vào, những mong có thể Ishvar và Om đang ngồi uống trà sáng bên trong. Trống trơn. Cậu về tới căn hộ, vừa thở hào hển, vừa nhắc lại những gì ông bảo vệ kể cho Dina nghe.
“Kinh khủng quá! Ông ấy nghĩ họ bị nhầm là ăn mày, bị lôi lên xe cảnh sát. Có trời mới biết bây giờ họ đang ở đâu!”
“Hừm, dì hiểu rồi,” cô nói, trong bụng tự cân đong xem câu chuyện có bao nhiêu phần sự thật và giá trị. “Thế án tù dành cho họ kéo dài bao lâu? Một tuần, hay hai tuần?” Nếu hai gã khốn đó đang thử việc ở một chỗ khác, muốn trì hoãn kéo dài thời gian, thì cách này đúng là số một.
“Cháu không biết.” Đang lúc hoang mang, cậu không hề nhận thấy giọng mỉa mai trong câu hỏi của cô. “Có phải mỗi mình họ đâu! Tất cả mọi người trên phố, cả ăn xin ăn mày lẫn dân ngủ vạ vỉa hè đều bị cảnh sát bắt đi hết.”
“Đừng có làm dì buồn cười, chẳng có luật nào cho phép họ làm thế cả.”
“Đó là chính sách mới – kế hoạch cải tạo mĩ quan thành phố hay gì đó, trong Tình trạng khẩn cấp.”
“Tình trạng khẩn cấp nào? Dì phát ốm và phát chán cụm từ ngu xuẩn đấy rồi.” Vẫn chưa hết nghi ngờ, cô hít một hơi thật sâu và quyết định nói thẳng. “Maneck, nhìn dì đi. Nhìn thẳng vào mắt dì đây này.” Cô gí sát mặt mình vào mặt cậu. “Maneck, cháu không nói dối dì đấy chứ. Vì Ishvar và Om là bạn cháu, nên họ nhờ cháu nói thế phải không?”
“Cháu thề có bố mẹ cháu, thưa dì!” Cậu tách xa khỏi cô, bàng hoàng. Rồi lời buộc tội khiến cậu nổi giận. “Dì không cần phải tin cháu, dì muốn nghĩ gì thì tùy. Lần sau đừng nhờ cháu làm việc gì nữa.” Cậu rời khỏi phòng.
Cô bám theo. “Maneck.” Cậu lờ đi. “Maneck, dì xin lỗi. Cháu cũng biết chuyện may vá làm dì lo lắng tới mức nào đấy, nên dì nói mà không kịp nghĩ.”
Cậu im lặng không nói gì một lát rồi tha thứ cho cô. “Không sao đâu ạ.”
Thằng bé dễ thương quá, cô thầm nghĩ, chẳng giận ai lâu được. “Họ đã ngủ ngoài – gì ấy nhỉ, hiệu thuốc ấy được bao lâu rồi?”
“Từ ngày nhà họ bị phá. Dì không nhớ sao? Cái hôm dì không cho họ ngủ ngoài hành lang ấy?”
Cách cậu nói khiến cô nổi cáu. “Cháu thừa biết lý do tại sao dì phải từ chối. Nhưng nếu cháu liệu trước được, sao cháu không nói với dì? Trước khi một chuyện như thế này xảy ra?”
“Cứ cho là cháu đoán được đi nữa, thì có gì khác đâu? Liệu dì có cho họ ở đây không?”
Cô né tránh câu hỏi. “Dì vẫn thấy chuyện này khó tin lắm. Có khi ông bảo vệ đó nói dối để bao che cho họ. Trước mắt, dì đành phải sang xin anh trai dì tiền nhà vậy.”
Maneck cảm nhận rõ những gì cô đang cố co kéo, che đậy, điều hòa: lòng quan tâm, cảm giác tội lỗi, nỗi sợ hãi. “Ta có thể đến hỏi cảnh sát,” cậu gợi ý.
“Làm thế phỏng có ích gì? Cứ cho là họ đang giữ hai người thợ kia đi nữa, cháu nghĩ họ sẽ thả hai bác cháu ra chỉ bằng một lời nói của dì ư?”
“Ít ra chúng ta cũng biết họ đang ở đâu.”
“Chuyện dì lo lắng lúc này là lô váy kia kìa.”
“Cháu biết mà! Dì ích kỉ lắm, dì chẳng nghĩ đến ai khác ngoài chính bản thân dì cả! Dì không…”
“Sao cháu dám! Sao cháu dám nói năng với dì kiểu đấy!”
“Họ có thể đã chết, thưa dì!” Cậu lao vào phòng và đóng sầm cửa lại.
“Nếu cháu làm hỏng cửa nhà dì, dì sẽ viết thư mách bố mẹ cháu! Để đòi bồi thường, nhớ đấy!”
Cậu rũ tung giày và buông phịch người xuống giường. Lúc đó đã là chín rưỡi, cậu đã muộn giờ đến trường. Kệ cha nó – kệ cha cô ta. Cố tỏ ra tử tế thân thiện thế là đủ lắm rồi. Cậu nhảy khỏi giường và cởi chiếc áo sơ mi đang mặc ra, thay nó bằng một cái áo mặc nhà cũ lấy trong tủ. Cánh cửa lạch cạch bật khỏi tấm bản lề dưới. Cậu móc nó lại như cũ rồi đóng sập cửa vào.
Cậu quăng mình xuống đệm, ngón tay giận dữ miết lên những hoa văn khắc trên đầu giường bằng gỗ tếch. Chiếc giường này với chiếc kê trong phòng may là hai nửa của một chiếc giường đôi. Đó là giường của dì Dina và của chồng dì – ắt hẳn xưa kia họ đã ngủ bên nhau trên đó. Cách đây lâu lắm rồi. Khi cuộc đời của dì còn ngập trong hạnh phúc, căn hộ tràn đầy những âm thanh của tình yêu và tiếng cười. Cho đến khi nó biến thành câm lặng và tăm tối.
Cậu có thể nghe thấy tiếng cô đi đi lại lại trong căn phòng bên cạnh, có thể cảm nhận được nỗi bồn chồn của cô trong từng bước chân. Và chỉ mới chưa đầy một tuần trước thôi, công việc đã thuận buồm xuôi gió biết bao, sau khi cô bóp cao Amrutanjan cho Om. Mát xa cánh tay cậu ta đã khiến tâm trạng của cô tốt lên thấy rõ, cô còn bắt đầu ôn lại những chuyện xưa, về tấm lưng chồng mình, về cuộc sống của họ.
Tất cả những gì cô kể cho Maneck bỗng cùng dội về, chen vai thích cánh trong căn phòng của cậu: những buổi tối diệu kì đi nghe hòa nhạc, tay trong tay cùng Rustom rời khỏi phòng hòa nhạc, bước vào màn đêm đượm hương thơm, khi phố xá đã chìm vào bầu không khí tĩnh lặng – ừ, cô kể, hồi ấy thành phố vẫn còn đẹp lắm, vỉa hè sạch trơn, chưa đầy người vạ vật như bây giờ, và phải, hồi ấy, nhìn lên trời còn thấy rõ từng ngôi sao, khi cô cùng Rustom đi dạo dọc bờ biển, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào bất tận, hay trong Vườn Treo, giữa những tán cây lá xào xạc, bàn tính về đám cưới và cuộc sống sau này của mình, vẽ vời và dự tính biết bao điều, không hề hay biết về những kế hoạch mà số phận đã định sẵn cho mình.
Dì Dina nâng niu những kí ức ấy biết bao. Bố mẹ cũng y như vậy, hay nói chuyện về ngày xưa rồi nở nụ cười nửa vui nửa buồn khi họ lựa từng hình ảnh, từng khung cảnh trong dĩ vãng, săm soi nó bằng biết bao tình thương mến trước khi nó lại biến mất giữa lớp sương mù. Nhưng chẳng ai từng quên một chi tiết nào, không thực quên, dù đôi lúc họ cũng vờ như thế, khi cần. Kí ức trường tồn. Những kí ức buồn đau vẫn giữ nguyên vẻ u ám dù thời gian có trôi đi, nhưng những khoảnh khắc hạnh phúc không bao giờ tái hiện được nữa – niềm vui sẽ chẳng còn đầy đặn như xưa. Quá trình hồi tưởng lại ấp ủ một mối khổ đau kì dị của riêng nó. Tại sao lại ngang trái đến thế: sao thời gian lại nhào nặn cả nỗi buồn và niềm vui thành một nguồn đau thương?
Nếu đã như thế, biết nhớ phỏng có ích lợi gì? Nó chẳng giúp được gì. Rốt cuộc tất cả đều là vô vọng hết. Cứ nhìn bố mẹ, và Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp mà xem; hay cuộc đời dì Dina; hay kí túc xá và Avinash; rồi giờ đến cả chú Ishvar và Om đáng thương nữa. Chẳng một phân lượng hồi tưởng những ngày hạnh phúc nào, chẳng một phân lượng ai hoài hay nhớ tiếc nào có thể giúp thay đổi được chút gì đó trong tất cả những nỗi đau đớn và chịu đựng kia – tình yêu thương và lòng quan thiết và sự chăm sóc hay chia sẻ, rốt lại cũng hóa thành hư không, vô nghĩa.
Maneck khóc nấc lên, ngực cậu căng ra, gắng giữ yên lặng. Mọi chuyện đều đi đến kết cục thảm thương. Còn kí ức chỉ làm nó thêm tệ hại, thêm giằng xé và ám ảnh. Trừ phi. Trừ phi con người ta mất trí. Hoặc tự tử. Bộ nhớ bị xóa sạch. Không nhớ nữa, sẽ không đau nữa.
Dì Dina đáng thương, dì vẫn mang bên mình biết bao kỉ niệm quá khứ, dẫu cho dì vẫn tự lừa dối bản thân, rằng mình đang chìm đắm trong những khoảnh khắc hạnh phúc. Và nay lại đến chuyện may vá, tiền nhà, thực phẩm…
Cậu bỗng thấy hổ thẹn vì cơn cáu giận trước đó của mình. Cậu ra khỏi giường, mặc áo sơ-mi vào, chùi khô mắt, rồi vào phòng trong, nơi cô đang đi đi lại lại giữa nhà ngục đầy váy may dở của mình.
“Khi nào dì phải giao hàng?” Cậu hỏi cộc lốc.
“Ô, cháu đã ra rồi ư? Ngày kia. Mười hai giờ.” Cô mỉm cười một mình, cô đã nghĩ cậu sẽ giận dỗi một tiếng liền cơ; vậy mà cậu trở lại chỉ sau ba mươi phút. “Mắt cháu có nước kìa. Cháu bị cảm lạnh à?”
Cậu lắc đầu. “Cháu chỉ mệt thôi. Ngày kia – tức là trọn hai ngày. Còn nhiều thời gian đấy chứ.”
“Chỉ đúng với hai thợ may chuyên thôi. Chứ một mình dì thì không.”
“Cháu sẽ giúp dì.”
“Đừng làm dì buồn cười. Cháu mà may á? Còn dì, với đôi mắt này nữa. Dì còn chẳng nhìn rõ ngón tay mình để xỏ nhẫn cưới vào, đừng nói là xâu chỉ qua lỗ kim.”
“Cháu nói thật mà dì.”
“Nhưng có tới sáu mươi cái váy, sáu mươi. Chỉ còn phải lên gấu và khuy nữa thôi, quả vậy, nhưng vẫn là vô khối việc.” Cô nhặt một chiếc lên. “Cháu nhìn cái eo váy đây này, thấy nó dúm đều lại chưa. Đấy gọi là ‘chun.’ Bây giờ nó chỉ dài có” – cô căng thước – “sáu nhăm phân. Nhưng vì có chun, nên gấu váy sẽ là, xem nào, một trăm bốn mươi sáu phân, mà phải khâu tay. Sẽ mất rất nhiều…”
“Làm sao người ta biết được nếu dì may bằng máy?”
“Khác nhau như ngày với đêm ấy chứ. Rồi sau đó là đến tám cái khuy cho mỗi chiếc váy. Sáu cái phía trước, mỗi cổ tay một cái. Với người như dì phải cần một tiếng mới làm xong một chiếc. Tổng cộng là sáu mươi tiếng.”
“Từ giờ đến lúc giao hàng, chúng ta có bốn mươi tám tiếng.”
“Đúng, nếu ta không ăn hay ngủ hay đi vệ sinh.”
“Ít ra ta có thể thử. Dì có thể đem giao số váy ta đã làm xong, và lấy cớ là thợ may bị ốm hay gì đó.”
“Nếu cháu thực sự sẵn lòng giúp dì…”
“Cháu có.”
Cô bắt tay vào sửa soạn đồ nghề. “Cháu là một chàng trai rất tốt bụng, cháu có biết không? Bố mẹ cháu thật có phúc mới sinh được đứa con như cháu.” Bỗng cô đột ngột chuyển hướng. “Khoan đã, còn lớp học thì sao?”
“Hôm nay cháu không có tiết.”
“Hừm,” cô vừa nói giọng hồ nghi, vừa chọn chỉ. Họ mang đống váy ra phòng trước, ở đó có nhiều ánh sáng hơn. “Dì sẽ dạy cháu đơm khuy. Dễ hơn may gấu.”
“Gì cũng được. Cháu học nhanh lắm.”
“Rồi sẽ biết ngay thôi. Đầu tiên cháu đo và lấy phấn đánh dấu vị trí, theo đường thẳng. Đây là bước quan trọng nhất, nếu không mặt trước trông sẽ xiên xẹo. Ơn trời đây chỉ là váy vải pô-pơ-lin thường, không phải vải voan trơn nhẫy như tháng trước.” Cô hướng dẫn cậu làm từng bước, nhắc đi nhắc lại là đường chỉ chạy qua bốn lỗ khuy phải song song, không được cắt chéo nhau.
Cậu đơm chiếc khuy tiếp theo. “Ôi, giá mà dì có đôi mắt như thời trẻ,” cô thở dài, khi cậu đưa chỉ lên môi mút và xâu qua lỗ kim. Cậu mất mấy lần chọc kim lung tung rồi mới dò được lỗ khuy bị che khuất qua lần vải. Nhưng rốt cuộc cậu cũng làm xong khá nhanh, và thắt nút chỉ với bộ mặt đắc thắng.
Hai tiếng sau, hai dì cháu đã đơm xong mười sáu cái khuy và lên được ba cái gấu váy. “Thấy mất thời gian chưa?” Cô nói. “Mà giờ dì phải nghỉ để nấu cơm trưa đã.”
“Cháu không đói.”
“Hôm nay không đói, hôm nay không có tiết. Lạ nhỉ.” “Thật mà dì. Kệ bữa trưa đi, cháu không đói thật mà.”
“Thế còn dì thì sao? Cả ngày hôm qua lo lắng, dì có ăn được miếng nào đâu. Chí ít hôm nay dì cũng phải được hưởng chút đặc ân chứ?”
“Làm trước, hưởng sau,” cậu nhếch mép cười với chiếc khuy, mắt liếc ngang.
“Cháu đang đòi làm ông chủ của dì đấy hả?” Cô nạt lại, giọng lạnh lùng mỉa mai. “Nếu dì không được ăn, thì chẳng còn làm với hưởng gì sất. Chỉ còn mỗi dì bất tỉnh nhân sự trên đống kim chỉ thôi.”
“Thôi được, để cháu lo bữa trưa. Dì lên gấu váy tiếp đi.”
“Cháu sắp thành một bà nội trợ đảm đang rồi đấy. Định chuẩn bị món gì đây? Bánh mì phết bơ à? Hay bánh nướng với trà?”
“Bí mật. Cháu sẽ về ngay.”
Trước khi rời nhà, cậu xâu chỉ sẵn cho sáu cây kim, để cô khỏi phải tra tấn mắt trong cuộc chiến với sáu gã tí hon mặc giáp bạc kia nữa.
“Cháu phung phí tiền của làm gì,” Dina quở. “Bố mẹ cháu đã trả dì tiền ăn rồi còn gì.”
Maneck đổ túi alayti-palayti[41] mua ở tiệm A-1 ra tô và bê vào bàn. “Cháu mua bằng tiền tiêu vặt. Cháu muốn tiêu vào việc gì là tùy ý cháu chứ.”
Những mẩu gan và mề gà bập bềnh trong hỗn hợp sốt cay đặc sệt. Đầu cúi sát xuống tô, cô hít hà. “Ừm, vẫn mùi thơm hấp dẫn đấy, chả trách sao nó là một trong những món khoái khẩu nhất của Rustom. Chỉ có tiệm A-1 mới nấu theo kiểu sốt sền sệt thế này, các nơi khác toàn xào khô thôi.” Cô đưa thìa múc một chút, rồi nếm thử, và gật đầu. “Ngon tuyệt. Ta có thể cho thêm một chút nước vào, vẫn không ảnh hưởng gì đến mùi vị. Như thế sẽ có đủ thức ăn cho cả trưa và tối.”
“Được ạ. Còn cái này là dành riêng cho dì,” cậu đưa cho cô một chiếc túi.
Cô thò tay vào túi và lôi ra một túm cà rốt. “Cháu muốn dì nấu cái này lên cùng ăn ư?”
“Không phải cho chúng ta, dì ạ. Cho dì thôi, để ăn sống. Tốt cho mắt dì lắm đấy. Nhất là vì lúc này chúng đang phải làm việc rất nhiều.”
“Cảm ơn cháu, nhưng dì không muốn ăn đâu.”
“Dì mà không ăn cà rốt, thì cũng không được ăn alaytipalayti. Ít ra dì phải ăn một củ trong bữa trưa này.”
“Cháu điên chắc mà nghĩ dì sẽ ăn cà rốt sống? Ngay cả mẹ dì cũng không ép được dì.”
Trong khi cô bày bàn, cậu lấy ra một củ vừa vừa, cắt lá và đặt xuống cạnh đĩa của cô.
“Dì hi vọng nó là của cháu,” cô nói.
“Không ăn cà rốt, nghỉ alayti-palayti.” Cậu kiên quyết không đưa bát sang cho cô. “Cháu quy định luật. Vì lợi ích của dì.”
Cô cười phá ra, nhưng nhìn cậu ăn, nước miếng trong miệng cô bắt đầu tứa ra. Cô cầm đầu nhỏ của củ cà rốt lên như thể muốn dang tay phang thẳng vào đầu cậu, và cắn một miếng với vẻ căm hận. Cậu toét miệng cười và đẩy bát gan mề gà sang cho cô. “Bố cháu nói một con mắt của bố cháu phải khỏe bằng cả hai con mắt của nhiều người khác nhờ ông ăn cà rốt thường xuyên. Ông bảo, mỗi ngày chén một củ, chẳng bao giờ lo mù.”
Trong suốt bữa ăn, mỗi lần phải cắn một miếng, cô lại nhăn nhó khổ sở. “Ơn trời còn có món alayti-palayti ngon tuyệt này. Không có món sốt ăn kèm, cục xơ sống sít này sẽ làm tắc cổ dì mất.”
“Dì nói cháu nghe xem,” cậu nói khi cả hai đã ăn xong bữa. “Mắt dì đã khá hơn chưa?”
“Đủ tinh để nhìn rõ con quỷ trong lốt cháu.”
Công cuộc may vá tăng tốc sau bữa trưa, nhưng đến chiều muộn, mí mắt Dina cứ trĩu xuống. “Dì phải nghỉ uống trà đây. Được không, thưa cậu chủ?”
“Mười lăm phút thôi, nhớ nhé. Dì pha cho cháu một cốc nữa.”
Cô bỏ xuống bếp, vừa cười vừa lắc đầu.
Bảy giờ tối, tâm trí cô chuyển sang nhiệm vụ ăn tối. “Có bát alayti-palayti để sẵn trong bếp làm dì thấy đói bụng sớm hơn bình thường. Cháu thì sao? Ăn bây giờ, hay chờ đến tám giờ?”
“Dì thích ăn lúc nào cũng được,” cậu lúng búng, môi còn bận mím lại để giữ cây kim chưa xỏ. Cậu kéo một sợi chỉ dài khỏi lô.
“Trông cháu kìa! Mới lần đầu tập tọng khâu vá mà đã làm bộ như một gã thợ may dở hơi rồi! Bỏ cái kim xuống! Mau! Kẻo lại nuốt vào bụng bây giờ!”
Cậu bỏ cây kim xuống, ngượng nghịu. Cô đã nói trúng tim đen cậu – cậu đang cố bắt chước phong thái ngạo nghễ của Om: cậu ta thích dùng môi kẹp đủ thứ, nào ghim, kim, lưỡi lam, kéo, liều lĩnh mang những món đồ vật sắc nhọn đặt giữa những thớ thịt mềm yếu, vô phương tự vệ.
“Dì biết ăn nói sao với mẹ cháu nếu dì trả lại thằng con cô ấy kèm một cây kim mắc trong dạ dày?”
“Dì có bao giờ mắng Om lúc cậu ấy làm thế đâu.”
“Chuyện đấy khác. Cậu ta là dân chuyên, từ bé cậu ta đã lớn lên giữa các thợ may rồi mà.”
“Không phải đâu. Gia đình cậu ấy từng làm nghề da.”
“Cũng vậy thôi – họ đã thành thạo cách sử dụng các dụng cụ, để cắt và may. Với lại, thế nào dì cũng can cậu ta. Mồm cậu ta cũng có thể xước xát chảy máu y như cháu vậy.” Cô xuống bếp, còn cậu tiếp tục làm việc cho đến khi bữa tối đã được dọn ra bàn.
Ăn được nửa chừng, cô chợt nhớ ra những gì cậu vừa nói về hai người thợ. “Họ từng là thợ da à? Sao họ lại đổi nghề?”
“Họ dặn cháu đừng kể với ai. Chuyện đó liên quan đến đẳng cấp của họ, họ sợ bị đối xử tệ bạc.”
“Cháu kể cho dì không sao đâu. Dì chả tin vào mấy thứ tập tục ngu xuẩn đấy.”
Cậu bèn kể lại vắn tắt câu chuyện mà Ishvar và Om đã tâm sự rỉ rả từng chút một qua nhiều tuần, bên chén trà trong quán đồ chay Vishram, về ngôi làng của họ, về bọn địa chủ đã đối xử tàn tệ với người Chamaar trong suốt cuộc đời họ, những trận đòn roi, đánh đập, những luật lệ mà đẳng cấp tiện dân buộc phải tuân theo.
Cô ngừng ăn, tay mân mê chiếc nĩa. Cô chống khuỷu tay lên mặt bàn và tì cằm xuống nắm tay. Cậu lại kể tiếp, chiếc nĩa trượt khỏi tay cô, rơi leng keng bên cạnh đĩa. Cậu vội vã kết thúc câu chuyện khi nói đến vụ sát hại ông bà, bố mẹ và toàn bộ đám con cháu.
Dina nhặt chiếc nĩa lên. “Dì chưa từng biết… dì chưa từng nghĩ… những chuyện viết trên báo về mấy vụ bạo hành đẳng cấp cao, đẳng cấp thấp ấy, không ngờ lại gần với dì đến thế. Ngay trong căn hộ của dì. Lần đầu tiên dì thực sự biết rõ con người. Trời ơi, bất hạnh khủng khiếp, đáng sợ quá.” Cô lắc đầu, cơ hồ không thể tin nổi.
Cô cố ăn tiếp, nhưng lại phải thôi. “So với họ, cuộc đời của dì quả thật quá an nhàn và sung sướng. Giờ họ lại đang gặp thêm tai bay vạ gió nữa chứ. Dì chỉ mong họ bình an trở về. Người ta suốt ngày ca ngợi Thượng Đế vĩ đại, Thượng Đế công bằng, nhưng dì thật không dám chắc.”
“Thượng Đế chết rồi,” Maneck nói. “Một triết gia người Đức đã viết thế đấy.”
Dina sững sờ. “Dì tin người Đức có thể nói những câu kiểu đó,” cô nhíu mày. “Còn cháu, cháu có tin thế không?”
“Cũng đã có lúc cháu tin là thế. Nhưng giờ cháu lại nghĩ Thượng Đế là một thợ may chăn ghép khổng lồ. Với vô vàn mẫu hoa văn khác nhau. Và tấm chăn đã thành ra quá to và rối rắm, không thể thấy hết họa tiết, những mảnh hình vuông và hình thoi và hình tam giác không còn khớp với nhau nữa, tất thảy trở nên vô nghĩa. Vì thế Người đã bỏ mặc nó.”
“Lắm lúc cháu nói toàn những chuyện ngớ ngẩn, Maneck ạ,”
Trong khi cô dọn bàn, cậu mở cửa sổ bếp và gọi meo meo. Những mẩu bánh mì và alayti-palayti vụn bay qua cửa sổ. Cậu hi vọng thức ăn không quá cay đến nỗi lũ mèo không xơi được, đoạn quay lại phòng may và cầm một chiếc váy mới lên, miệng giục giã Dina nhanh chân nhanh tay lên. “Thằng bé này hóa rồ rồi. Ăn xong cũng phải cho dì vài phút nghỉ ngơi đã chứ. Dì già rồi, có phải con chó ranh như cháu đâu.”
“Dì có già đâu. Thật ra, dì còn trẻ lắm. Và đẹp nữa,” cậu liều mình đế thêm.
“Còn cháu, thưa cậu Mac, càng lúc càng dẻo lưỡi đấy,” cô nói, không giấu nổi niềm khoan khoái.
“Duy có một điều khiến cháu rất băn khoăn.”
“Điều gì?”
“Sao một người bề ngoài trông trẻ trung làm vậy mà lúc nào cũng ăn nói cấm cảu như bà già thế?”
“Cái thằng. Vừa nịnh dì được một câu, giờ đã nói móc dì rồi.” Cô cười to, đoạn gấp và ghim cố định gấu váy, rồi giơ chiếc váy lên để xem đường viền đã bằng chưa. Vừa chỉnh mép viền, cô vừa nói: “Bây giờ dì mới thấy quý mấy cái móng tay dài của hai bác cháu họ. Cháu chơi thân với họ quá nhỉ? Thế nên họ mới kể hết cho cháu nghe chuyện đời rồi chuyện ở quê chứ.”
Cậu ngước mắt lên rất nhanh, và nhún vai.
“Ngày nào họ cũng ngồi đây may vá, thế mà chẳng nói năng gì với dì cả. Tại sao thế?” Cậu lại nhún vai.
“Thôi ngay cái điệu nói chuyện bằng vai đấy đi. Ngài Thượng Đế may chăn của cháu đã khâu dính lưỡi cháu rồi à? Tại sao họ lại chỉ nói chuyện với cháu mà không thèm nói với dì?”
“Có lẽ họ sợ dì.”
“Sợ dì? Vớ vẩn. Có mà dì sợ họ mới đúng. Dì sợ họ sẽ tìm ra công ty xuất khẩu và loại dì ra. Hoặc họ sẽ kiếm được công việc tốt hơn. Lắm lúc dì còn ngại chẳng dám vạch lỗi của họ – phải chờ đến tối, khi họ về rồi, dì mới lôi đồ ra tự sửa. Vì cớ gì mà họ phải sợ dì cơ chứ?”
“Họ nghĩ dì sẽ kiếm được thợ may giỏi hơn và tống cổ họ đi.”
Cô im lặng ngẫm nghĩ một lúc. “Dì ước sao cháu nói cho dì biết sớm hơn. Thế nào dì cũng giải thích cho họ yên lòng.”
Cậu lại nhún vai. “Làm thế cũng chẳng thay đổi được gì đâu, dì ạ. Dì đã có thể cứu họ, chỉ cần dì cho họ một chỗ ngủ.”
Cô vứt toẹt cả đống váy xống cùng kim chỉ xuống. “Cháu suốt ngày nói thế! Cứ nói nữa đi, đừng quan tâm dì nghĩ thế nào! Nói đến khi nào dì mù mắt vì cắn rứt ấy!”
Maneck đâm trúng tay khi mũi kim trồi lên qua lỗ khuy. “Au!” Cậu mút ngón tay.
“Nói nữa đi, đồ vô cảm! Nói là lỗi tại dì, nói là chính dì bỏ mặc họ lang thang ngoài đường vì dì là kẻ không có trái tim đi!”
Cậu ước sao mình có thể chấm dứt những tổn thương mà lời nói của cậu đã gây ra. Cô loay hoay mãi với dải gấu váy, miệng húng hắng ho như thể trong họng đang mắc thứ gì đó. Nghe như một tràng ho hòng thu hút sự chú ý của cậu, cậu bèn rót cho cô một cốc nước.
Cô nói, sau khi đã uống xong: “Cháu nói đúng thật, về mấy củ cà rốt ấy. Dì đã thấy rõ hơn nhiều rồi.”
“Quả là kì tích!” Cậu giơ tay lên một cách rất kịch, khiến cô bật cười. “Nay Thánh Cà Rốt Chí Tôn đã hóa thân vào cháu, rồi tất cả các bác sĩ nhãn khoa sẽ thất nghiệp hết!” “Đừng có tưởng bở,” cô nói, đoạn uống cạn cốc nước. “Để dì nói cho cháu biết dì thấy rõ cái gì. Hồi dì mười hai tuổi, bố dì quyết định chuyển đến làm việc ở một vùng dịch bệnh. Mẹ dì lo lắm. Bà muốn dì thuyết phục ông đổi ý – cháu biết đấy, dì là cục cưng của ông mà. Rồi bố dì mất trong khi công tác ở đó. Và mẹ dì bảo nếu dì nghe lời bà, dì đã có thể cứu được ông.”
“Như thế là không công bằng.”
“Có và không. Cũng giống như những gì cháu vừa nói thôi.”
Cậu hiểu.
Dina đứng dậy, cầm con gà mái bằng thủy tinh đang đặt trên bàn may, và cất hết đê, kéo, kim vào cái lỗ sứ đục đằng đuôi của nó.
“Dì đi đâu đấy?”
“Cháu nghĩ dì đi đâu? Đi ăn cưới ư? Đã mười giờ rồi, dì đi ngủ đây.”
“Nhưng ta mới làm xong có mười sáu cái váy. Định mức của hôm nay là hai mươi hai cái.”
“Nghe ngài giám đốc nói kìa.”
“Kế hoạch của cháu là hôm nay làm hai hai chiếc, ngày mai ba mươi, ngày kia tám, như thế đến trưa là có đủ hàng để giao.”
“Khoan đã, thưa ngài. Thế còn chuyện đến trường, ngày mai và ngày kia – còn việc học hành nữa? Dì không cho là họ sẽ cấp bằng điện tử điện lạnh cho người biết đơm khuy đâu.”
“Lịch học trong hai ngày tới của cháu bị hủy hết rồi.”
“Phải rồi. Đến ngày kìa dì sẽ trúng xổ số giải độc đắc.”
“Thôi bỏ đi. Dì toàn nghi ngờ cháu thôi.” Cậu tiếp tục khâu, hắt hết nỗi niềm đau đớn, khổ sở vào những tiếng thở dài thườn thượt, kéo lê cây kim như thể nó mang theo cả một sợi xích sắt chứ chẳng phải sợi chỉ vậy. “Cũng chả sao, cháu sẽ làm tiếp, dì đi ngủ đi.”
“Đi ngủ để lỡ mất màn trình diễn đoạt giải Oscar của cháu à?”
Cậu đánh rơi một chiếc khuy, rên lên, rồi cúi gập hẳn xuống để tìm nó, ngón tay rờ rẫm tứ phía chẳng khác gì một ông cụ. “Đi đi dì, đi ngủ đi, đừng lo cho cháu,” cậu giơ tay lên, run run xua.
“Cháu từng nói cháu giỏi diễn lắm, nhưng dì đâu ngờ cháu lại giỏi đến mức này. Thôi được, ta làm thêm một cái váy nữa nhé.”
Buổi đấu giá đã mở, cậu đột ngột ngồi thẳng dậy. “Hôm nay ta cần làm thêm sáu chiếc nữa mới đủ định mức.”
“Quên cái định mức của cháu đi. Dì nói một.”
“Thế thì ít nhất phải ba.”
“Hai là giá chót của dì. Không có tranh cãi gì nữa đâu đấy. Nhưng trước hết dì phải xuống bếp lấy một thứ đã.”
Cô quay lại chỉ sau ít phút, ngón tay mỗi bên móc vào quai một chiếc tách bốc hơi nghi ngút, và đặt một tách xuống bên cạnh cậu. “Horlicks[42]. Để thêm năng lượng cho dì cháu mình.” Như để chứng minh, cô uống một hớp và ngồi hiên ngang trên ghế, vai ngả ra, khuôn mặt nở nụ cười rạng rỡ.
“Dì nói cứ như quảng cáo ấy,” cậu nói. “Còn chẳng cần người mẫu chuyên nghiệp làm gì nữa, trông dì đẹp thật đấy.”
“Đừng tưởng trò nịnh hót đấy sẽ giúp cháu được uống một cốc mỗi ngày. Dì không kham nổi đâu.”
Vừa xuýt xoa thổi và nhấp từng ngụm, họ vừa trêu đùa nhau cho đến khi làm xong hai chiếc váy nữa. Đến gần nửa đêm, đèn nhà Dina là ngọn duy nhất còn sáng tỏ trong cả dãy nhà. Cái muộn mằn của buổi đêm, phố xá tĩnh lặng bên ngoài cửa sổ, căn hộ nhỏ được gói kín trong bóng tối, tất thảy phủ một bầu không khí bí ẩn lên hoạt động trong sáng của họ.
“Thế là tròn mười tám cái rồi nhé,” cô nói, khi họ kết thúc công việc lúc quá nửa đêm. “Mấy ngón tay này không thể khâu thêm mũi nào nữa đâu. Giờ ta có thể đi ngủ được chưa, thưa cậu chủ?”
“Khi nào gập xong váy đã.”
“Vâng, thưa ngài Mac Kohlah.”
“Thôi dì, cháu ghét cái tên đấy lắm.”
Khi ai về phòng nấy, cô ôm chặt cậu, thì thầm: “Chúc ngủ ngon. Và cảm ơn cháu đã giúp dì.”
“Chúc dì ngủ ngon,” cậu nói, và sung sướng thả mình xuống giường.
Một tiếng trước bình minh, tiếng còi hú chấm dứt buổi đêm, giằng đám công nhân khỏi bầu ngực tăm tối, êm ái của nó. Từ các dãy lán tôn, mọi người nối đuôi nhau kéo ra khu ăn uống. Hai con chó hoang hít hửi những bàn chân lấm đầy bùn đất, chán rồi bèn lỉnh đi rình bếp ăn. Trà được mang ra cùng bánh chapati còn thừa từ tối hôm qua. Rồi còi lại hú vang, báo hiệu giờ làm việc.
Những người mới đến tập hợp riêng và được đốc công phân công nhiệm vụ. Có việc cho tất cả mọi người, trừ lão ăn mày ngồi bệ lăn. “Lão ở lại đây,” gã đốc công nói. “Tôi sẽ nghĩ việc cho lão sau.”
Om được xếp cùng một nhóm sáu người để đào con kênh mới. Nhiệm vụ của Ishvar là bốc sỏi mang đến chỗ trộn bê tông. Đốc công giao việc xong, đội quân gầy guộc tản ra chỗ của mình theo hướng dẫn của các giám thị. Hai người thợ may chờ đến khi mọi người đã đi hết.
“Có một chuyện nhầm lẫn, thưa ngài,” Ishvar vừa chắp tay tiến lại chỗ viên đốc công vừa nói.
“Tên gì?”
“Ishvar Darji và Omprakash Darji ạ.”
Viên đốc công đọc lại phần việc dành cho họ. “Chả nhầm gì cả.”
“Nhầm lẫn là ở chỗ chúng tôi lẽ ra không phải ở đây, chúng tôi…”
“Tất cả lũ lười biếng các người đều nghĩ là mình không phải ở đây. Chính phủ sẽ không khoan nhượng cho các người nữa. Các người sẽ làm việc. Đổi lại, các người được cho cơm để ăn, cho chỗ để ngủ.”
“Chúng tôi có công việc đấy chứ, chúng tôi là thợ may, và thầy cảnh sát bảo chúng tôi thưa chuyện với ngài…”
“Nhiệm vụ của tôi là cho các người công việc và chỗ ở. Các người cứ thử nói không xem, bảo vệ sẽ xách cổ các người đi.”
“Nhưng tại sao chúng tôi lại bị phạt? Chúng tôi đã gây tội gì?”
“Chú dùng sai từ rồi. Ở đây không phải là tội trạng và hình phạt, mà là vấn đề và giải pháp.” Gã hất hàm về phía hai người mặc đồng phục vải kaki đang đi tuần với cây gậy trên tay. “Ở đây chả có vấn đề gì sất, ai cũng vui vẻ làm việc. Giờ các người tự quyết đi.”
“Thôi được,” Ishvar nói. “Nhưng chúng tôi muốn nói chuyện với người phụ trách cao nhất.”
“Giám đốc dự án sẽ tới sau. Ông ấy còn bận tham gia khóa cầu nguyện buổi sáng.”
Viên đốc công đích thân hộ tống hai người thợ may đến công trường. Gã giao hai bác cháu cho giám thị của từng người kèm theo dặn dò phải giám sát họ thật chặt, kẻo họ lơi là công việc. Lão ăn mày ngồi trên bệ lăn theo họ. Đến cuối con đường, mặt đất gập ghềnh không cho phép bánh xe của lão lăn tiếp. Lão quay về, tay vẫy chào hai người thợ may, và hứa sẽ chờ họ trước cửa lán vào buổi tối.
Dải sườn đồi sống động hẳn với cả đoàn quân những hình hài rúm ró bé nhỏ. Thoạt nhìn, lũ trẻ dường như đã hóa đá dưới ánh nắng mặt trời; nhưng rồi tiếng búa gõ đã hé lộ chuyển động của bàn tay chúng. Đập đá, làm sỏi. Những túm cỏ chết điểm lấm tấm trên con dốc khô cằn. Bàn tay xanh mát của mưa vẫn chưa chạm đến vùng đất này. Thỉnh thoảng, một tảng đá cuội trượt đi và lăn xuống chân đồi. Phía xa xa, tiếng gầm gào của xe xúc đất, xe cần trục, và máy trộn xi măng vang dậy như một bức tường thành, còn vòng âm thanh đều đặn của những tay búa vỡ đá dăm khắc lên thành họa tiết trên đó. Từ trời cao, cây búa tạ của cái nóng giã xuống không chút thương tiếc.
Một người phụ nữ xúc đầy sỏi vào sọt của Ishvar và giúp ông đôn nó lên đầu. Cơn ráng sức khiến tay bà run run, bọng da nhăn nheo dưới cánh tay bà cũng rung lên theo. Ishvar oằn người dưới cái sọt nặng. Khi bà kia buông tay ra, ông cảm thấy cả khối nặng bắt đầu chao đảo. Ông tuyệt vọng bấu chặt lấy sườn sọt, nghiêng đầu theo hướng ngược lại, nhưng cái sọt đổ vẫn đổ xuống, giật mạnh cổ ông.
“Tôi chưa bao giờ làm công việc kiểu này,” ông phân bua, ngượng ngùng nhìn cơn mưa sỏi nặng trịch đang mổ rào rào xuống chân họ.
Không nói một lời, bà ta dựng cái sọt tì nghiêng nghiêng lên ống quyển và cúi xuống xúc sỏi đổ lại vào sọt. Bím tóc hoa râm gầy nhẳng nheo trượt qua vai, rơi xuống phía trước. Tóc này chắc Rajaram cũng chả thèm, Ishvar lơ đễnh nghĩ. Theo từng nhịp kéo cuốc, mớ vòng nhựa bà ta đeo va vào nhau, tạo thành những tiếng lách cách trầm đục. Tiếng vọng êm êm từ phía đám trẻ con vỡ sỏi. Ông nhìn cẳng tay bà ta bóng lưỡng mồ hôi, động tác cào tới lui mạnh mẽ. Chợt ông nhớ ra những người khác trong dây chuyền sỏi còn đang đứng chờ sau lưng mình. Ông quỳ xuống giúp bà ta, sốt sắng muốn chuộc lại lỗi lầm do sự vụng về của mình.
Ông khum tay lại vốc sỏi vào sọt.
“Đổ sỏi là việc của tôi, khiêng là việc của anh,” bà ta nói.
“Không sao, tôi có phiền gì đâu.”
“Anh không phiền, nhưng giám thị phiền.”
Ishvar dừng tay, và hỏi bà ta đã làm việc này lâu chưa.
“Từ hồi bé.”
“Công xá được không?”
“Đủ để khỏi chết đói.” Bà ta chỉ cho ông cách tấn đầu và vai để chịu được sức nặng, và họ nâng chiếc sọt lên. Ông lại chao đảo, nhưng rồi cũng giữ được chiếc sọt.
“Thấy chưa, học được cách giữ thăng bằng rồi thì cũng dễ thôi mà,” bà ta khích lệ, và chỉ cho ông ra chỗ mấy người đang trộn bê tông. Mất vài lần nghiêng ngả, loạng choạng, ông cũng tới được đích và đổ xong sỏi. Rồi lại xách sọt không quay về chỗ người phụ nữ kia để bà ta xúc tiếp. Cứ thế, cứ thế, và cứ thế.
Được vài chuyến, mồ hôi đã tuôn ròng ròng trên mặt ông; mặt đất quay cuồng; ông xin phép đi uống nước. Giám thị gạt đi. “Đến giờ uống nước khắc có người mang nước đến.”
Dưới ánh mắt trông chừng của tay giám thị, người phụ nữ chỉ dám liều mình xúc sỏi vào rổ chậm hết mức có thể. Ishvar rất biết ơn vài giây nghỉ ngơi bà ta cướp cho mình. Ông nhắm mắt lại và hít vài hơi thật sâu.
“Chất đầy đến miệng ấy!” Viên giám thị quát. “Người ta không trả công mụ để xúc lưng sọt thế đâu!” Bà ta gạt thêm vào sọt bốn cuốc đầy. Khi nâng sọt lên, bà ta hơi nghiêng nó đi một chút để trút bớt cân nặng.
Ishvar bước chuệnh bước choạng, cố chống lại cơn choáng váng khi buổi sáng dần nghiến ông nát vụn. Đầu ông trống rỗng không còn nghĩ được gì nữa. Vụ nổ phía bên kia công trường làm bung ra hàng đám mây bụi bao phủ khắp khu khai thác sỏi, đám đàn bà con gái kéo vạt sari lên che mũi. Ông có cảm tưởng giá không có tiếng búa gõ dẫn đường, hẳn ông đã lạc lối trong đám mù rồi. Cảm giác mù lòa vẫn tồn tại ngay cả khi bầu không khí đã trong lành trở lại. Bấu víu vào sợi dây âm thanh, ông vật vờ đi từ bãi sỏi đến bãi trộn bê tông và ngược lại.
Tưởng như phải đến cả thế kỉ sau, người đưa nước mới đến. Dàn búa vỡ đá bỗng im tiếng. Ishvar nghe thấy tiếng nuốt nước bọt của những cái lưỡi khát cháy trước cả khi nhìn thấy người đưa nước. Bì nước tròn căng lủng lẳng trên vai ông ta như một con vật lông nâu sẫm, sợi dây đeo bằng da siết sâu vào da ông. Bước loạng choạng dưới khối nước nặng trĩu, người đàn ông mù đi giữa đám công nhân. Ai khát phải vỗ vào tay ông ta để dừng ông lại. Ông cất tiếng hát nho nhỏ, một bài hát ông tự nghĩ ra:
Kìa ai đang khát cháy
Gọi tôi, tôi đến ngay Nhưng thử hỏi, ai người
Chữa được lành mắt tôi?
Ishvar khuỵu gối trước mặt người đưa nước, ghé miệng dưới đầu ống da và uống. Đoạn ông đưa chệch miệng đi, dòng nước mát lạnh tưới lên khuôn mặt sung sướng của ông. Gã giám thị thét: “Coi chừng, đừng phí phạm! Nước này chỉ để uống thôi đấy!” Ishvar vội đứng dậy và quay về với sọt sỏi.
Đến khi người đưa nước tới chỗ Om làm việc, bì nước đã nhẹ đi nhiều. Cả bước chân ông ta cũng vậy. Sáu công nhân đào mương được uống trước, rồi đến đám phụ nữ được phân công đi đổ đất. Con họ chơi đùa gần mương. Mấy người phụ nữ khum tay vốc nước cho con uống từ đó.
Om dấp ướt tay và vuốt ngược tóc lên. Cậu móc nửa chiếc lược ra và chải mải miết. “Ê, ngài minh tinh màn bạc!” Tay quản đốc hét. “Quay trở lại làm việc đi!”
Om cất cây lược đi, chuyển sự chú ý rời rã sang việc đào xới. Cậu khoan khoái tận hưởng những giây phút nhìn mấy người phụ nữ cúi xuống vét đất đá, ngực họ dồn về trước ngực áo. Sọt đất đội trên đầu, họ chỉnh trang lại sari và bước đi, dáng cao cao, vẻ nghiêm nghị, chân tay chuyển động mượt mà như nước chảy. Hệt như Shanti bên vòi nước, cậu thầm nghĩ, cái bình đồng cũng khiến hông cô ấy lắc lư như vậy.
Giờ nối giờ trôi qua, đám phụ nữ cũng không đủ sức giúp cậu quên đi nỗi thống khổ của công việc. Còng lưng dưới mương, cây cuốc chim nặng nề trên đôi tay đã quen với kéo cắt và kim chỉ, cậu oằn mình chiến đấu với lớp đất cứng đanh. Chỉ còn nỗi tự ái, sợ bị đám phụ nữ coi là hạng ẻo lả mới giữ cậu tiếp tục công việc. Những vết giộp mới manh nha nổi lên vài phút sau khi cậu bắt đầu làm giờ đã vỡ bục ra hết. Cậu hầu như không đứng thẳng được nữa, còn vai cậu nóng như lửa đốt.
Một đứa bé trong đám đang chơi cạnh mương bắt đầu khóc. Mẹ nó bỏ cái sọt xuống và chạy đến chỗ con. “Mụ lười biếng kia,” gã giám thị quát. “Quay lại làm việc mau!” “Nhưng con tôi đang khóc.” Chị ta bế đứa bé lên. Nước mắt vạch thành những đường lóng lánh trên đôi má lấm lem đất cát của nó.
“Trẻ con khóc là chuyện thường. Chúng nó khóc chán rồi thôi. Đừng có kiếm cớ.” Gã xông tới chỗ chị ta, làm như sắp giật nó khỏi tay chị. Chị nhẹ nhàng đặt nó xuống đống gạch vụn cho nó tự chơi.
Khi còi hú báo giờ ăn trưa, cả Om lẫn Ishvar đều đã quá rã rời để nhai món rau tổng hợp lõng bõng nước kia. Nhưng họ biết mình phải ăn, nếu còn muốn sống sót cho tới hết ngày. Họ nuốt vội nuốt vàng chỗ thức ăn và lánh vào khoảng bóng râm của mái lều tôn để nghỉ ngơi một chút.
Tiếng còi hú chấm dứt giờ nghỉ trưa. Chỉ vài phút sau khi trở lại công trường, họ bắt đầu khục khặc; đi liền sau đó là một tràng nôn mửa. Quá trình trút sạch mọi thứ trong bụng chỉ mất một phần của thời gian cần để lấp đầy nó. Hòng chống chọi lại cơn choáng váng, họ ngồi thụp xuống, không chịu nhúc nhích thêm nữa. Ở sát với mặt đất, họ có cảm giác an toàn.
Tay giám thị tát vào đầu họ mấy cái, túm cổ áo họ mà lôi, và nắm vai họ lắc lấy lắc để. Hai người thợ may rên lên xin tha. Viên đốc công được gọi tới.
“Lại có chuyện gì nữa thế? Các người quyết chí gây chuyện đấy phỏng?” Viên đốc công hỏi.
“Chúng tôi ốm rồi,” Ishvar nói. Để làm bằng, ông chỉ vào hai vũng nôn đang được một con quạ thăm dò. “Chúng tôi không quen với loại công việc này.”
“Rồi các người sẽ quen thôi.”
“Chúng tôi muốn gặp giám đốc.”
“Ông ấy không ở đây.” Viên đốc công luồn một tay xuống nách Ishvar và kéo lên. Ishvar lê dậy, người lắc lư lảo đảo, mồm miệng bê bết nước nôn, và ngã chúi về phía tay đốc công. Gã kia cuống quýt đẩy ông ra, sợ dây nước nôn vào mình. “Thôi được rồi, về đi. Ngủ một tí đi. Tôi sẽ gặp các người sau.”
Suốt khoảng thời gian còn lại của ngày hôm ấy, không ai làm phiền đến họ trong căn lán tôn. Đến chiều tối, họ nghe thấy tiếng mọi người lục tục kéo đến khu bếp ăn. Ishvar hỏi Om có muốn ăn không. “Có, cháu đói lắm,” cậu nói, hai bác cháu bèn ngồi dậy. Lại thấy choáng, họ đành nằm xuống. Họ không buồn cưỡng lại cơn váng vất mới này.
Một lát sau, lão ăn mày lăn bệ tới, mang theo thức ăn. Lão lăn rất chậm, cẩn thận để không làm sánh đổ đĩa thức ăn đang đặt chênh vênh trên cặp đùi cụt lủn. “Tôi trông thấy hai bác cháu bị ốm. Ăn đi, thế mới khỏe lại được. Nhưng nhai kĩ vào, đừng vội.”
Hai người thợ may cảm ơn lão đã mang thức ăn tới. Lão mãn nguyện nhìn họ xúc miếng đầu tiên, và từ chối không ăn chung. “Tôi ăn rồi.”
Ishvar uống cạn ca nước, lão ăn mày lật đật đẩy bệ để đi lấy thêm. “Ấy đừng, để tôi đi lấy cho,” Om nói. “Tôi khỏe rồi.”
Lão ăn mày không chịu, và mau chóng quay về cùng một ca nước đầy ắp. Lão hỏi họ có muốn ăn thêm bánh chapati không. “Tôi vừa làm thân với một người phục vụ bếp, nên muốn lấy bao nhiêu cũng được.”
“Thôi thôi, không cần đâu, chúng tôi no rồi, cảm ơn bác,” Ishvar nói, và hỏi lão tên gì.
“Mọi người gọi tôi là Sâu.”
“Sao lại thế?”
“Tôi bảo rồi mà. Hồi Ông trùm chưa cho tôi cái bệ, tôi toàn phải lết đi.”
“Nhưng giờ bác có cái bệ rồi còn gì. Tên thật của bác là gì?”
“Shankar.”
Lão ngồi nán lại với hai bác cháu thêm nửa tiếng nữa, nói chuyện gẫu, tả lại dự án tưới tiêu mà lão đã đi thăm thú suốt ngày qua. Rồi lão khuyên họ cố ngủ để có thể thức dậy khỏe khoắn, sẵn sàng cho công việc ngày mai. Vài phút sau, khi hai người thợ đã ngáy nhè nhẹ, lão đẩy bệ lăn rời đi, miệng nở nụ cười hạnh phúc.
Cân Bằng Mong Manh Cân Bằng Mong Manh - Rohinton Mistry Cân Bằng Mong Manh