Số lần đọc/download: 335 / 39
Cập nhật: 2020-11-21 22:22:32 +0700
Chương 10: Các Nữ Pháp Sư Nhật Bản
Đ
ầu tiên là về các nữ pháp sư Itako.
Chắc hẳn các bạn còn nhớ trong Shaman King, Anna và Asakura Kino được giới thiệu là các Itako, được hiểu là những vị nữ pháp sư có khả năng giao tiếp với thần linh và các linh hồn. Itako là những nữ pháp sư mù, vì thế Anna được coi là một trường hợp khá đặc biệt khi trở thành một Itako. Thông thường, các Itako thường bị mù bẩm sinh hoặc do gặp một tai nạn nào đó. Giống như trường hợp của bà Kino, những người này có rất ít sự lựa chọn, và việc trở thành một Itako giúp cho họ có một cuộc sống ổn định hơn.
Ngày nay, các Itako hoạt động chủ yếu ở Aomori và Iwate, phía Bắc đảo Honshu. Khác với nhiều loại hình pháp sư khác, các Itako thường tụ họp nhau lại trong các buổi lễ lớn. Theo thần thoại và truyền thuyết Nhật Bản, núi Osore (Osorezan) ở Aomori đánh dấu cửa ngõ của địa ngục. Do đó hàng năm, đến với núi Osore chúng ta có thể thấy các Itako quanh vùng tụ họp lại trong lễ hội mùa thu Itako Taisai từ ngày 20- 24 tháng 7 tại đền Bodai (Bodai- ji ), nơi tổ chức các sự kiện chính của khu vực. Trong suốt những lễ hội diễn ra hàng năm này, hàng nghìn khách viếng thăm sẽ có cơ hội gặp gỡ các Itako và thông qua họ để nói chuyện với thần linh hoặc người thân đã qua đời.
Các thiếu nữ trẻ muốn trở thành Itako phải trải qua một quá trình rèn luyện khắc nghiệt dưới sự hướng dẫn của một Itako nhiều kinh nghiệm. Chỉ sau lễ kamizukeshiki hay sự kết hôn với thần linh thì một người mới được coi là một Itako. Một Itako tập sự phải mặc kimono trắng trong suốt 100 ngày trước nghi lễ. Sự thanh khiết tuyệt đối được coi là bắt buộc để đạt được trạng thái tinh thần hoàn hảo nhất.
Trong thời gian này một Itako phải trải qua hàng loạt các nghi thức chuẩn bị, và họ phải học thuộc các bài thần chú. Suốt ba tuần trước khi buổi lễ diễn ra, các Itako tập sự phải ăn chay hoàn toàn. Khi bắt đầu làm lễ, một Itako thực tập được mặc như một cô dâu để đánh dấu lễ cưới với thần linh. Nghi lễ này được kéo dài trong tiếng trống và tiếng chuông nhằm giúp cho Itako đạt được sự tập trung cần thiết để đạt tới trạng thái xuất thần. Trong lúc đó thì các Itako lớn tuổi hơn sẽ ngồi quây xung quanh và tụng các bài kinh. Nghi lễ có thể kéo dài nhiều ngày không nghỉ cho đến khi Itako đạt được trạng thái xuất thần. Khi đó, các Itako lớn tuổi sẽ tiếp tục các nghi thức truyền thống để thừa nhận một Itako mới.
Thông thường, các Itako thực hiện hai loại nghi lễ chính. Trong các nghi lễ kamioroshi hay còn gọi là oshira asobi, các Itako sử dụng các hình nộm oshirasama kết hợp với các bài thần chú oshirasaimon để mời gọi các vị thần linh. Ngược lại, lễ kuchiyose hay hotokeoroshi được thực hiện trong đám tang và ngày giỗ. Sử dụng các dụng cụ như azusayumi, juzu (tràng hạt), kane (chuông) và shakujo, một Itako có thể giúp gia chủ liên lạc với linh hồn người đã chết (hotoke) qua một hình thức lên đồng.
Đầu tiên, muối và gạo được rắc ra xung quanh để thanh tẩy nơi làm lễ. Sau đó là kamiyose, nghi thức gọi tên các vị thần để mượn sức mạnh của họ mời các linh hồn đã sang thế giới bên kia quay lại. Lúc này, đôi khi ta cũng thấy một Itako gọi thần thổ địa nơi làm lễ để xin thần bảo vệ trước khi thực hiện hotokeoroshi. Và cuối cùng, sau khi Itako gợi lại quá khứ của người đã khuất dưới dạng một bài hát dài gọi là kudoki, và nói lên tâm sự của linh hồn này, nghi lễ kết thúc bằng kamiokuri, nghĩa là sự tiễn đưa các vị thần và linh hồn quay về. Những bài hát lúc này là các saimon về địa ngục.
Một điểm đáng chú ý là trong các nghi lễ của Itako đều sử dụng rất nhiều âm thanh tạo ra do chuông, trống và các bài hát. Đó là vì họ cho rằng chúng giúp tạo ra cảm giác một nghi lễ thần bí và giúp cho các Itako tập trung hơn khi làm lễ.
Thế giới của các pháp sư Nhật Bản vẫn còn rất nhiều những điều huyền bí ẩn giấu.