Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 9
N
guyễn Sinh Sắc về tới Thành Nội, bàng hoàng trước cảnh vợ đã từ trần, đứa con út đang hấp hối trên tay bé Côn.
Ông buông thõng hai tay, mắt mở to trống rỗng khi đôi mắt thơ ngây của bé Xin như hai dấu chấm đen ánh lên lần cuối cùng rồi lặn vào vĩnh viễn.
Chôn cất đứa con út xong, ông cử Sắc đưa hai con trai trở về Nghệ. Trên đường về, tâm trạng ông chẳng khác nào một danh tướng thất trận. Ông sẽ nói gì, nói thế nào khi về gặp lại người mẹ vợ cao cả đã hai lần bán ruộng gom tiền cho ông đi thi, vào kinh đô học; người đã nén tình cảm để con gái đầu lòng đi nuôi chồng ăn học. Nay trở về: vợ, đứa con út nằm lại vĩnh viễn bên bờ sông Hương…Suốt dọc đường thiên lý, hàng tháng trời, ông gặp lại những kỷ niệm của vợ chồng ông cùng đi vào lần trước. Và hình ảnh vợ quảy gánh trẩy kinh giúp chồng ăn học như dãy núi dài theo bước chân ông về thấu quê nhà.
Được tin cha con ông cử nhân Nguyễn Sinh sắc đã về, bà con họ hàng, làng xóm lũ lượt đến chia buồn.
Cụ đồ lưng đã bắt đầu còng xuống, ôm chầm ấy hai đứa cháu ngoại mồ côi mẹ, nhìn chàng rể về một mình, cụ kêu khóc như xé trời, thủng đất! Cô An thấy vắng chị chạy vào buồng ôm mặt nức nở. Thanh không thấy mẹ về, nằm lăn ra đất, ngất xỉu. Bà Thuyết và mấy người nữa bế vội cháu Thanh vào nhà. Tiếng khóc trùm lên lũy tre làng. Bàn thờ bà Hoàng Thị Loan kê ở gian giữa của ngôi nhà cũ. Ông cử Sắc kính cẩn đặt lên bàn thờ tấm bài vị của vợ mà ông mang từ Huế.về. Mọi người thân lần lượt vào thắp hương và lễ vái…
Phan Bội Châu và Vương Thúc Quý phúng viếng một đôi câu đối bằng vóc trắng, mang dòng chữ.
Hai chục năm đầu gối tay kề (39), nghĩa vợ tình chồng gương sáng mãi;
Mấy bạn hiền bút nghiên khuya sớm, sân Trình cửa Khổng(40) bảng vàng tươi.
Trong dịp này quan Đào Tấn cũng cho lính hầu từ thành Vinh (41) mang lễ lên làng Chùa phúng viếng bà vợ ông cử Sắc.
Lập xong bàn thờ và làm lễ phát tang vợ cho bên nội bên ngoại xong, Nguyễn Sinh Sắc tính việc trở lại kinh đô Huế dự thi Hội, khoa Tân Sửu (1901), lòng ông đầy trở trăn: Ông vào kinh đô thi Hội khoa Ất Mùi (1895) tốn kém nhiều, mẹ vợ phải bán ruộng. Nhưng khoa thi ấy ông không đỗ ông lại đưa vợ và hai con trai vào Huế. Mẹ vợ lại bán ruộng lần nữa mới có đủ tiền cho ông trẩy kinh với bao hy vọng chàng rể trở về có “ân tứ vinh quy” bõ cái công nuôi chàng rể sách đèn.
Nào ngờ, vợ ông từ trần giữa lúc khoa thi sắp mở! Ông lại phải “gà trống nuôi con” về làng dựa vào mẹ vợ đã chồn lưng mỏi gối.
Mẹ vợ lại phải ẵm cháu ngoại thay con gái, và bán ruộng lần thứ ba, để có đủ tiền thuê xe phu trạm cho chàng rể kịp vào kinh đô ứng thí. Ông Sắc lên đường vừa chân ướt chân ráo đã có người đến nhà cụ đồ An thủ thỉ:
– Cụ không có con trai. Con gái cụ đã qua đời, chàng rể thì trẻ chưa qua già chưa đến ắt còn phải tính chuyện bà kế, bà thiếp chứ. Vậy mà cụ không để ruộng làm của “lập tự”, làm ruộng giỗ lại đem bán cho chàng rể đi học, đi thi những ba lần? Khoa thi này ông cử Sắc có chiếm được bảng vàng, vinh quy bái tổ thì họ Nguyễn làng Sen được tiếng thơm chứ cụ và họ Hoàng làng Chùa này được cái chi hả cụ?
Cụ đồ An cười. Giọng cụ trở nên bồi hồi:
– Cha tôi một đời đèn sách, bốn lần thi Hương cả bốn lần đều chỉ đỗ bốn cái tú tài. Dân làng gọi là cụ “tú đụp” Kẻ Sía. Tôi cũng được năm ba chữ cha dạy cho, lúc lấy chồng thì lại giúp chồng đèn sách, hai lần thi Hương ông nhà tôi cũng chỉ là “tú kép”. Nay được chàng rể đang có chí cần công khổ học như cha tôi, như chồng tôi lẽ nào tôi không hết lòng? Cha tôi thường dạy: Ruộng không đẻ ra chữ được mà chữ sẽ đẻ ra ruộng. Có ruộng cả ao liền để lại cho con mà con dốt nát thì nó sẽ nướng vào canh bạc là trắng tay. Tôi bán ruộng cho chàng rể có chữ lẽ nào người có chữ lại ăn ở vô nghĩa, bạc tình?
Cụ đồ An – Nguyễn Thị Kép đã sáu tư sáu lăm tuổi. Răng cụ còn nguyên. Tóc chưa có mấy sợi bạc. Nhưng, cái chết của người con gái đầu lòng đã làm biến đổi hình hài của cụ. Nhất là hai con mắt khóc nhiều quá, màng kéo lên như làn khói mỏng. Đêm nào cụ cũng phải ôm chặt lấy cháu Côn như đang được ôm con gái thuở còn bé. Để bà khuây khỏa phần nào, Côn vòi bà kể chuyện cổ tích hoặc kể lại cho bà nghe việc Côn xem sân rồng, cung điện, ngai vàng… Đặc biệt là Côn được nhìn thấy mặt vua Thành Thái mà mắt Côn không hề có làm sao cả. Rồi Côn sực nhớ hình ảnh ông già mù, Côn hỏi bà:
– Ông Xẩm đi hát dạo ở đâu xa mà từ hôm cháu về nỏ gặp ông ấy, hả bà?
– Ông ấy chết đã hai năm rồi, cháu ạ.
Côn thở dài:
– Ông Xẩm mắt mù, nhưng chuyện chi ông ấy cũng biết. Vắng ông Xẩm, làng ta cũng giảm phần vui, bà nhể.
– Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, ông Xẩm đã nhắc nhớ tên từng người trong làng mình. Ông ấy cứ nói cảm ơn, cảm ơn cha mẹ cháu có tới mấy lần.
Bỗng từ bên hàng xóm có những tiếng gào khóc, than vãn. Côn hỏi bà:
– Nhà ai có người chết mà họ khóc giữa giờ này, hở bà?
– Người ta khóc chồng, khóc con bị bắt đi phu làm đường Cửa Rào – Trấn Ninh đó cháu ạ.
Côn ôm chặt lưng bà. Tiếng khóc bên hàng xóm xói vào lòng, Côn không tài nào ngủ được. Côn thủ thỉ:
– Cháu đi từ kinh đô Huế về, trên đường, người làm phu mở đường đông như kiến ấy bà ạ. Cháu thấy người Tây họ cưỡi ngựa, có cả lính người Nam đi theo. Ông Tây có cái roi gân bò dài quất xuống đầu, xuống lưng những người gầy gò áo quần rách mướp, không giơ nổi cái cuốc!
– Cái kiếp dân mình khổ hết đường vậy đó, cháu ơi! – Cụ đồ An vuốt nhẹ tóc cháu, giọng xúc động – Mười người đi phu chỉ thấy về lại được ba, bốn.
Cụ dằn từng tiếng:
Ông quan áp trước
Cậu lính áp sau
Roi quất vùi đầu
Thân phu đài coi rẻ
Áo mặc còn giẻ
Nón đội còn mê
Mãn hạn trở về
Ba phần còn một…
Lặng đi một lúc, cụ đồ đặt ngổn tay lên mi mắt cháu nhẹ nhàng nói:
– Khuya lắm rồi, ngủ đi cháu, kẻo mai cháu lại ngủ gật trong lớp học, thầy Quý sẽ phạt đấy.
– Bà ơi! – Côn nói, vẻ thận trọng. – Dạo ni cháu thấy chú giải San (Phan Bội Châu vừa đậu giải nguyên) thường dẫn nhiều bạn đến chơi nhà thầy Vương Thúc Quý. Cháu thấy các ông bạn lạ ấy cũng nhắc đến tên cha cháu. Cháu nhớ được tên của mấy ông như: Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Tôn Gia Nhuận, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân… Hình như.. các ông bàn chuyện đánh Tây, bà ạ.
– Ấy! Phải kín miệng cháu ơi! Việc hệ trọng của những người tai mắt, cháu đừng có bép xép mà sinh họa lớn, nghe cháu!
Côn nằm im một lát, lại hỏi:
– Người tai mắt là người nào, hở bà?
– Người tai mắt là người có nhiều chữ, có chí lớn, lo nghĩ những công việc ích nước lợi dân, khác hẳn với những người thường. Chẳng hạn, các ông nghè, ông cử mà cháu vừa nói tên đó…
– Vậy cha cháu có được gọi là người tai mắt không bà?
thầy Vương Thúc Quý. Cháu thấy các ông bạn lạ ấy cũng nhắc đến tên cha cháu. Cháu nhớ được tên của mấy ông như: Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Tôn Gia Nhuận, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân… Hình như.. các ông bàn chuyện đánh Tây, bà ạ.
– Ấy! Phải kín miệng cháu ơi! Việc hệ trọng của những người tai mắt, cháu đừng có bép xép mà sinh họa lớn, nghe cháu!
Côn nằm im một lát, lại hỏi:
– Người tai mắt là người nào, hở bà?
– Người tai mắt là người có nhiều chữ, có chí lớn, lo nghĩ những công việc ích nước lợi dân, khác hẳn với những người thường. Chẳng hạn, các ông nghè, ông cử mà cháu vừa nói tên đó…
– Vậy cha cháu có được gọi là người tai mắt không bà?
– Phải. Cha cháu là người tai mắt.
– Cha cháu đi vô kinh thi Hội đến nay… lâu rồi mà nỏ có tin chi về, bà nhể.
– Đừng nhắc mà cha cháu sốt ruột, dễ bị vấp ngã trong lúc đi lại, cháu ạ. – Cụ đồ lại giục: – Ngủ đi cháu!
Côn nhắm mắt. Hương sen từ ngoài ao làng thoang thoảng quanh buồng ngủ. Trong phút chập chờn Côn thấy loáng thoáng búp sen xanh ẩn hiện trong đầm sen bát ngát giữa đồng quê. Bên tai Côn, tiếng chim đêm hè văng vẳng. Và có cả giọng ca của ông Xẩm tưởng hồi trong giấc mơ:
Nước Nam ta sao lại có Tây?
Thần dân quyết đánh, vua rày không nghe…
o0o
Nghe tiếng chim khách, từ trong lớp học Côn nhìn ra vườn. Những ngọn cây cúi xuống nhô lên, vật và vật vờ. Từng chiếc lá vàng chao rơi lấp loáng. Cả đám học trò đang cặm cụi tập làm câu đối bỗng giật mình nhìn ra vườn vì tiếng thốt bất ngờ của Côn:
– Ồ… ồ… Những trái tim… những trái tim vàng bay!
Thầy đồ ngồi bên án thư nhìn Côn, nghiêm giọng:
– Trò Côn đứng dậy!
Côn khoanh tay trước ngực đứng nghiêm. Gió ngoài vườn luồn qua cửa sổ, lật nhẹ tà áo dài của Côn lên phía trước, cái khăn vành rế ôm choàng quanh đầu, trông dáng hình Côn như búp nấm. Hai con mắt Côn long lanh nhìn thầy. Giọng thầy đồ vẫn nghiêm:
– Đang trong giờ làm văn tập, tại san trò dám nói nhảm?
– Thưa thầy, con thấy những lá vàng rụng xuống như những trái tim bay lượn ạ.
Thầy đồ đưa mắt ra vườn, mỉm cười. Ông hỏi Côn:
– Trò đã làm xong câu đối chưa?
– Thưa thầy, con làm xong rồi ạ.
– Trò đọc to lên! Cả lớp chao mắt về Côn, chỉ có Nguyễn Sinh Khiêm là nhìn xuống trang sách trước mặt, nhưng tai vẫn ghé về phía Côn. Côn đọc rõ từng tiếng:
Chung Sơn vượng khí thành kiên cố,
Trắc Lĩnh đa vân thị lão niên. (42)
Hơn hai chục cặp mắt học trò đều lộ vẻ ngạc nhiên, khâm phục Nguyễn Sinh Côn. Thầy đồ đứng dậy, chống hai bàn tay xuống án thư, suy tưởng. Đôi mắt nhìn về phía Nguyễn Sinh Côn, ông hỏi:
– Có trò mô đã làm xong nữa không?
Cả lớp ngồi im lặng. Thầy đồ giọng ấm áp.
– Trò Côn ngồi xuống kẻo mỏi chân. Các trò ơi! Thầy dạy học từ ngày thầy mới có dúm tóc bằng quả thị, nay đã có những sợi bạc, nhiều người học trò đỗ đạt cao hơn thầy, đã làm tới quan huyện, quan phủ… Nhưng, thầy chưa hề ngạc nhiên với một học trò nào có thiên tư như trò Nguyễn Sinh Côn! Thầy biết cái lẽ: Khen người trẻ tuổi đang ở trước mặt mình là có hại. Nhưng với trò Côn thì thầy lại tự cho phép mình làm trái với cái điều ấy. Bởi lẽ, cái thần sáng của trò Côn rất khác thường. Vốn chữ của trò Côn chưa có nhiều, nhưng cái tỏa sáng trong trí lự lại vượt ra khỏi lứa tuổi ấy. Như các trò đã rõ, thầy ra đầu đề bài tập làm câu đối: vế trên có “Chung Sơn” vế dưới có “Trắc Lĩnh”. Chỉ có vậy mà Côn đã tạo nên một bức tranh hùng vĩ trong hai vế câu đối mà ta tưởng là của một thi nhân chân cảm (43). – thầy đồ chùng giọng – quả là “thi trung hữu hoạ”. (44)
Chợt ông sửng sốt nhìn ra phía đường làng. Học trò nhìn theo thầy: một tốp lính và có cả tiếng nhạc ngựa đang phi về làng. Cả lớp học lắng xuống. Tiếng nhạc ngựa xa dần, vào sâu trong xóm. Thầy đồ nhắc nhở:
– Các trò chú ý. Nghe ta giảng tiếp…
Tiếng giảng bài của thầy đồ đều đều giữa ban trưa thoang thoảng hương. Từ nhà bên đã rộn lên những tiếng nói, tiếng cười hể hả… Một ông lão chống gậy trúc đi từ ngoài ngõ vào. Thầy trò rời khỏi án thư, đi ra cửa. Các học trò nhìn theo dáng đi khoan thai của ông lão và thầy học của mình. Ông lão giọng trang nghiêm:
– Xin kính báo với thầy: quê ta đã có hồng phúc. Ông Nguyễn Sinh Sắc đã đậu Hội thí, Phó bảng.
– Quan Phó bảng! – Thầy đồ mắt nhìn đằm thắm, nói giọng xúc động: – Quan cử Sắc của chúng ta đã… Đất quê ta đã có Phó bảng phát khoa!
– Quan trên đã sức giấy về… Cả huyện sẽ đón quan “vinh quy bái tổ”.
Thầy đồ nói với học trò:
– Hôm nay thầy cho các trò nghỉ sớm…
Đám học trò tay xách ống bút, tay cắp cặp sách tỏa ra các ngõ đường làng. Hai anh em Côn lâng lâng nhìn những lá vàng bay xoay xoay trong nắng xế chiều.
Côn chạy lên trước anh Khiêm. Côn ôm cả sách, cả ống bút chạy ùa thẳng vào nhà tìm bà, báo tin mừng. Không thấy bà ở trong nhà trên, Côn xuống nhà ngang, sang nhà thờ mẹ, vẫn không thấy bà. Côn đứng thừ ra trước bài vị thờ mẹ, hai hàng nước mắt trườn chầm chậm trên má.
Cụ đồ An từ ngoài ao sen đi vào thấy cháu đàng thẫn thờ bên bàn thờ mẹ, cụ nén xúc động dừng bước bên gốc cây thị. Côn rời khỏi bàn thờ mẹ, thấy bà, liền lau nước mắt bằng ống tay áo, chạy ra với bà. Từ ngoài ngõ, ông tiên chỉ của làng dẫn đầu một đoàn người, bưng theo cơi trầu, chai rượu. Cụ đồ hơi bối rối chưa biết có chuyện gì. Mọi người chào cụ rối rít. Cụ mời họ vào nhà. ông tiên chỉ đặt trầu rượu lên án thư, giọng ông hơi trầm:
– Thưa cụ chúng tôi được hội đồng lý hương ủy thác tới đây kính báo với cụ và thân quyến việc quan Nguyễn Sinh Sắc đã đem vinh hiển về cho nhà, vinh hoa cho làng xóm, quan là người đầu tiên ở đất này chiếm được bảng Hội thí…
Cụ đồ nước mắt lưng tròng, hai bàn tay nhăn nheo bấu chặt lấy thành tràng kỷ mà chân vẫn không hết run. Cụ hỏi, lưỡi hơi líu lại:
– Thưa… thưa quý cụ… xin quý cụ dạy biểu cho mệ con, bà cháu nhà tôi phải làm chi bây giờ?
– Quan Phó bảng sẽ vinh quy về bên quê nội. Mọi việc đều có hội đồng hương lý lo liệu. Cụ cứ bình tâm.
Cả buổi chiều, nhà cụ đồ người ra vào nhộn nhịp như ngày Tết. Mâm cơm đã dọn ra từ lúc gà mới lên chuồng mà vẫn đậy lồng bàn, chẳng khác gì cái ngày vợ chồng ông Nguyễn Sinh Sắc đưa cả con cái lên đường vào kinh đô Huế ăn học.
Đêm tĩnh mạc. Tiếng mõ rao lõm lồi trong làn gió tây nam: Chiềng làng… chiềng xã… cốc cốc cốc… thượng hạ khắp nơi … cốc cốc cốc… nghe rõ từng lời… cốc cốc cốc… mà làm cho đúng… cốc cốc cốc… Quan trên hoả tốc… cốc cốc cốc… sức xuống dân ta… cốc cốc cốc… chọn đất dựng nhà… cốc cốc cốc.. đắp đàng, trải chiếu… cốc cốc cốc… Nào cáng, nào lọng… cốc cốc cốc… Nào trống, nào chiêng… cốc cốc cốc… xuống tận tỉnh đường cốc cốc cốc… rước quan Phó bảng… cốc cốc cốc… là Nguyễn Sinh Huy… cốc cốc cốc… bái tổ vinh quy…cốc cốc cốc… Chiềng làng… chiềng xã.. cốc cốc cốc…
Cụ đồ cô An, chị Thanh, anh Khiêm, bé Côn nghe tiếng ông mõ rao đều nao nao trong lòng. Niềm vui, nỗi buồn chen lấn nhau trong tâm hồn từng người. Không khí trong nhà lặng lẽ chẳng có vẻ gì là nhà của một ông “tân khoa Hội thí” sắp vinh quy.
Đêm sang canh. Tiếng lá rơi nghiêng xuống mái nhà phát ra một âm thanh mỏng thiếc. Cụ đồ nghe tiếng con cháu thở đều đều trong giường. Cụ rón rén bưng cây đèn đi sang bàn thờ người con gái xấu số, Hoàng Thị Loan. Cụ gục đầu bên bàn thờ con, không để tiếng khóc bật to, toàn thân cụ rung lên, cái bàn thờ cũng rung theo. Nước mắt đổ ra nhiều mà nỗi đau đớn vẫn không vơi. Cụ ngước lên, nhìn bài vị và thầm trò chuyện như có mặt con:
– Loan ơi! Từ chốn kinh đô xa xôi con có về thấu nhà lúc ni không con? Hay linh hồn con còn vảng vất bên chồng con trên đường vinh quy. – Cụ lại nức nở: – Con ơi! Mười sáu tuổi con đã phải dành tiền chéo áo, đụm gạo chéo khăn để nuôi chồng đèn sách. Giừ chồng con được thành đạt thì con đã khuất núi! – Cụ đồ lại gục xuống bàn thờ: – Loan ơi! Con rời chồng giữa cái tuổi “trẻ chưa qua, già chưa tới”! Chồng con không thể đứng vây để “gà trống nuôi con” được. Chồng con ắt phải có đôi có lứa với một người khác, người đó sẽ cư xử ra răng (ra sao) với các con của con?
Tiếng gà gáy đầu cất lên mở cửa chân trời. Cụ đồ chợt nhớ là đêm đã tàn. Cụ bưng cây đèn, rời bàn thờ con gái trở về buồng. Cụ dừng lại bên giường cháu Khiêm. Cụ giắt chặt chiếu đắp che kín gió cho cháu ngủ ngon. Bước đến bên giường cô An, cụ sững sờ nhìn vòng tay của con gái kê dưới đầu cháu Thanh. Nước mắt lại giàn giụa xuống má, cụ lẩm bẩm:
– Giá con An nhà mình chưa nhận trầu ăn hỏi… Giá mà mình có một đứa con gái nữa… Mẹ mất thì bú vú dì. Dì thay chị làm mẹ các cháu thì còn chi bằng!
Cụ thắp hương vái vái trước bàn thờ chồng: “Ông ơi! Con rể, người học trò của ông đã đạt được cái điều ông từng mơ ước… Chắc ông đang mỉm cười nơi chín suối!”.
Cụ ghé lưng nằm xuống giường, ôm chặt lấy bé Côn.
o0o
Sương sớm rung theo tiếng trống làng. Cả một vùng quê dậy lên cái âm thanh náo nhiệt: Trống đại, trống dờn, trống thủ cổ, chiêng, chũm choẹ, đàn bát âm.
Trên con đường quan, nắng trải mịn vàng. Dẫn đầu đoàn rước là người làng Sen, làng Chùa. Tiếp theo là người các làng trong xã Chung Cự rồi các làng thuộc tổng Lâm Thịnh và các tổng khác của huyện Nam Đàn.
Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Côn xứng xính trong bộ áo dài đứng ở hàng đầu đoàn học trò. Hội đồng lý hương của mỗi xã đứng theo đơn vị xã mình. Một ông lão chít khăn mỏ rìu đỏ, ngang lưng thắt đai vàng, tay cầm ống vọi đồng nâng lên miệng, gọi dài giọng:
– Hàng… ngũ… đã… chỉnh… tề… nghe… ba… hồi… trống… tiền… trước… hậu…sau… tuần… tự… mà… bước…
Trống lệnh nổi lên. Cờ ngũ hành giương cao phía trước. Cả đoàn người rùng rùng chuyển bước giữa đồng quê tháng mười, tiến về thành phố Vinh.
Tại thành Vinh đã diễn ra một cuộc nghênh tiếp và tiễn đưa vị tân khoa Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Quan bố chánh vẻ mặt ủ dột đi đằng sau quan tổng đốc Đào Tấn, nói vẻ xúc xiểm:
– Thưa cụ Thượng, ngài là một đại quan đứng đầu một Bộ của triều đình, đương kim tổng đốc, việc gì phải đi tiễn ra tận cửa Tiền một ông tân khoa vinh quy?
Quan Đào Tấn cười mỉm:
– Tôi không làm nghi lễ theo phẩm hàm (thứ bậc trong hàng quan lại). Tôi đón tiếp, tiễn đưa một trí giả có học vị hơn tôi…
Quan tổng đốc Đào Tấn vượt lên khỏi quan bố chánh. ông sóng bước với quan Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Qua cửa thành, hai hàng lính bồng súng chào. Hai người lính cáng bước đến. Quan Đào Tấn chìa tay mời:
– Kính mời quan tân khoa lên cáng hồi hương. Đám rước quan vinh quy cũng đã đợi đón tại địa phận cửa thành Tây.
Quan Phó bảng chắp tay vái:
– Đa tạ cụ Thượng và quý quan. Xin cụ Thượng cho phép kẻ hàn nho (học trò nghèo) này được giữ trọn nếp nhà. Đường đất từ đây về tới quê nhà chẳng còn xa nữa. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của cụ Thượng: “Thiên hạ chi sự thành ư đại độ chi chí sĩ, nhi bại ư hàn lậu chi tiểu nhân”. (45)
Quan Đào Tấn trở vào tỉnh đường, tốp lính vệ mang cáng không đi theo quan Phó bảng. Đoàn người đi rước quan Phó bảng vinh quy đã đợi ở ngã ba Cầu Rầm. Nhìn một bể người đông đảo, võng lọng, cờ quạt, trống kèn, quan Phó bảng lặng người, hai mắt chớp chớp, lắc đầu…
Viên lục sự huyện Nam Đàn thay mặt cho các hương chức và dân chúng trong miền, thưa với quan Phó bảng:
– Thưa quan tân khoa! Khi nhận được trát (giấy truyền lệnh) của quan trên sức về, từ quan trên đến thứ dân trong huyện đều vui mừng cho Nam Đàn, cho Chung Cự, cho Kim Liên, đất văn vật đã hun đúc thêm một bậc Phó bảng phát khoa. Ai nấy đều nô nức xin được đi rước quan vinh quy. Chẳng hay trong cuộc đón rước ni có điều chi không phải thì xin quan lớn nguyện lượng mà đại xá cho…
Quan Phó bảng đứng giữa đám đông, nói:
– Tôi thật không ngờ cái việc đỗ đạt của tôi đã gây ra sự mất công, mất việc của bao nhiêu người.
– Thưa quan Phó bảng, – lý trưởng xã Chung Cự trình bày – việc đón rước các vị quan tân khoa vinh quy là theo luật lệ của nhà vua xuống chiếu cho dân phải thi hành. Vậy kính quan trên lên võng để vinh quy bái tổ ạ.
– Tôi học được dăm ba chữ thánh hiền, nhờ phúc tổ chiếm được một chút khoa bảng. Tôi chưa làm được một việc chi có ích cho dân mà đã gây ra sự phiền nhiễu dân tình. Vả lại, từ nhỏ tôi ăn học, tôi lớn lên ở trong nhà bố mẹ vợ, nay tôi sẽ về đó, chứ về làng Sen tôi mô có nhà cửa ở đó?
– Thưa quan Phó bảng, quan đem vinh dự về cho làng xã. Nhân dân ai cũng được thơm lây. Cho nên dân làng Sen theo sự bày biện của hội đồng hương lý đã dựng nhà đón quan về quê nội để đúng với thể thức Vinh quy. Thực tình dân làng Hoàng Trù cũng định làm nhà to đón quan về bên đó.
Quan Phó bảng chau mày khi nghe việc quê nội, quê ngoại của mình đều muốn đua nhau làm nhà đón mình “vinh quy”. Ông nói giọng trầm trầm:
– Thưa tất cả bà con, thưa các thầy hào lý! Việc bà con dân làng thuận làm nhà cho tôi bên nội cũng như bên ngoại, thực tình tôi rất khó xử. Tôi không dám nghĩ một điều chí khác về tấm lòng vàng của dân làng. Nhưng nghĩ về mình thấy việc thi đỗ đại khoa của tôi chưa đem lại một chút lợi ích chi cho dân làng cả. Biết mô lúc tôi ra ngồi ghế quan trường tôi lại trở thành cái nạn cho dân: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” mà.
Cả khối người cười rộ và ào lên như sóng:”Không đâu, quan Phó bảng Sắc của chúng tôi sẽ là ông quan vì dân, thương dân…” Họ công kênh hai cậu con trai quan Phó bảng Sắc lên vai. Quan Phó bảng nhìn hai con mặt đỏ gay thẹn thùng. Ông nói với dân mà cũng là lời tự răn mình:
– Tôi luôn nhớ và làm theo bằng được cái điều: Thực kỳ thực bất hủy kỳ khí, ấm kỳ thụ giả bất chiết kỳ chi. Nghĩa là: ăn cơm xong đừng đập bát, ngồi mát dưới bóng cây chớ bẻ cành.
Cả khối người lại reo lên cùng tiếng trống tiếng chiêng. Quan Phó bảng Sắc chắp hai tay giơ cao qua đầu nói:
– Xin bà con để tôi cùng đi bộ về kẻo mất ngày mất buổi.
Các ông lý hương vẫn nài nỉ quan Phó bảng lên võng. Nhưng ông vừa đi vừa khuyên họ miễn cho ông phải nằm để người khác khiêng.
Quá trưa, đám rước quan Phó bảng vinh quy về tới con đường rẽ vào làng Sen. Nhân dân làng Sen và các làng bên đã đứng thành hai hàng dài. Đường trải kín chiếu hoa. Quan Phó bảng nhìn con đường về làng, hỏi ông tiên chỉ tay cầm bó hương nghi ngút và cái biển có bốn chữ “Phó bảng phát khoa”:
– Thưa cụ tiên chỉ, làng đón tôi về “vinh quy bái tổ” sao còn “rào” đường lại?
Ông tiên chỉ và mọi người đều dồn mắt xuống con đường làng rực rỡ chiếu hoa. Giọng ông tiên chỉ hơi run:
– Thưa thưa… thưa quan lớn…
– Ấy chết! – ông Sắc đỡ lời. – Tôi vẫn là dân của làng Sen chứ có khác chi mô.
Ông tiên chỉ bình tĩnh lại:
– Thưa quan Phó bảng, dân làng muốn được bày tỏ lòng cung kính lúc quan về vinh quy ạ.
– Câu nói đầu lưỡi của dân ta là: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Dù tôi đỗ đạt cao tới đâu, làm đến chức tước to lớn mấy, tôi vẫn là con người bình thường, người dân. Dân là gốc. Gốc rễ của tôi là đứa bé mồ côi cha mẹ, đi chân đất, ngồi lưng trâu, nay tôi nên người có chữ, “chữ là mắt” thì càng phải biết dạo lý, sống có đạo lý. Đạo lý là gốc. Chính kỳ bổn nhi vạn vật lý. Nghĩa là: Cái gốc đúng thì vạn sự được yên ổn.
Những chiếc chiếu trải được cuốn lại. Ông Sắc sải bước trên con đường làng khấp khểnh hố chân trâu. Ông đứng sựng, mắt đăm đăm nhìn ngôi nhà mới dựng, cô đơn giữa một khoảnh đất rộng quá tầm ước đoán của ông. Bà con đứng đầy sân, đầy vườn. Hai người bạn thân – cử Quý, giải San – và người anh – Nguyễn Sinh Thuyết – xúm xít bên ông. Những người bạn danh nho này đều nhận thấy ông Phó bảng Sắc không vui, đang có điều gì áy náy trong lòng.
Ông giải San hỏi:
-Chắc quan bác đang có điều chi đó không vui?
– Tôi thấy ngượng về sự đón rước ồn ào này và làng đã dựng cho tôi nhà quá lớn, vườn quá rộng.
– Cái nhà ngang để đun bếp là dỡ ở bên tôi đưa về đó chú ạ. – ông Thuyết nói.
Viên lý trưởng vẻ cung kính thưa:
– Bẩm quan Phó bảng, thể theo nguyện vọng của dân chúng và ý kiến chung của hội đồng lý hương thì cấp một mẫu bảy sào đất công điền để làm ruộng lộc điền, và bốn sào mười bốn thước làm vườn, dựng nhà năm gian để gia đình quan có chỗ trú nắng mưa. Lẽ ra dân làng phải xây nhà ngói rước quan về ở mới thỏa, vì lần đầu tiên trong lịch sử xã Chung Cự này, quan là người chiếm được bảng vàng Hội thí.
Một vị khác trong hội đồng lý hương thưa tiếp:
– Thưa quan tân khoa, dân làng còn mong muốn được bổ theo đầu người trong xã, góp tiền lại mở hội ăn mừng ba ngày, có hát trò nhà tơ, hát tuồng và hát chèo trong suất ba đêm liền…
Bà con đứng ở sân và tận ngoài đường đều hưởng ứng: “Phải mở hội ăn mừng… ăn mừng thật to mới thỏa dạ cái dịp vui hiếm có ni ạ”.
Vẻ mặt ông Sắc càng buồn buồn. Đôi lông mày nét mực tàu chuyển động lấp láy, giọng ông xúc động:
– Tôi rất cảm kích trước sự đối đãi hậu hĩ của dân làng, của hội đồng hương lý. Nhưng, tôi rất đau lòng, vì ruộng đất làng ta chia cho đầu người thì mỗi người chỉ được một mảnh đủ cho chó nằm thòi đuôi. Nhưng số ruộng đó hầu hết lại ở trong tay một số ít người. Nay lại dành cho một mình tôi những một mẫu bảy sào ruộng cày, bốn sào mười bốn thước đất vườn. Ồ! Chẳng hóa ra việc đỗ đại khoa của tôi chưa thấy cái vinh dự cho dân làng là đâu mà lại là cướp ruộng, tức là cướp bát cơm của dân rồi! Bà con nghĩ coi, giữa ngày mùa ni mà nhiều nhà không có một hạt thóc để nhổ râu! Cho nên, tôi xin hoàn lại ba sào vườn, bảy sào ruộng. Tôi nhận một mẫu ruộng, nhưng dân làng cho tôi được quyền bán một phần nửa lấy tiền gộp lại với số tiền mà dân làng đã góp để ăn mừng; tất cả món tiền này đem chia cho những nhà nghèo nhất trong làng với mức nhà được ít là sáu tiền, nhà được nhiều là một quan. – Ông hạ thấp giọng: – Thiết tưởng, người đáng được ăn mừng nhất của cái ngày này là thầy Hoàng Xuân Đường, là Hoàng Thị Loan. Than ôi! Cả hai người ân nhân của tôi đều đã khuất!
Cả làng, những cặp mắt ướt nhìn về quan Phó bảng Sắc. Ông cử Quý xua tan cái không khí nặng nề bằng cách cho hai người chức sắc treo lên bức văn trướng bằng lụa và ông cất giọng đọc.
Tiếng tri âm trong bài văn trướng cứ lắng sâu, lắng sâu tận đáy tâm hồn quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Còn Nguyễn Sinh Côn lại ghi sâu vào lòng mình về những điều cha nói với dân làng trong buổi “vinh quy”.
————-
Chú thích:
(38)Một loại quang bằng mây đan, chuyên để xách hũ, liễn, nồi đất…
(39) Vợ chồng cụ Nguyễn Sinh Sắc ở với nhau được gần hai mươi năm
(40) Ý nói những người học chữ nho
(41) Đào Tấn lại được triều đình cử ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai, từ 1898 đến 1902
(42) Núi Chung khí vượng nên kiên cố
Non lĩnh nhiều mây hóa lâu năm
(43) Nhà thơ có cảm xúc chân thực
(44) Như có bức vẽ trong thơ
(45) Việc trong thiên hạ thành được là do ở người độ lượng lớn lao mà hỏng bởi ở đứa tiểu nhân bỉ lậu. Cụ Sắc mượn câu này trong sách “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, ca ngợi Đào Tấn, khinh tên Bố chánh Nghệ An.