Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 8
Tổ phái viên của Ban Nông nghiệp Trung ương có nhiệm vụ theo dõi phong trào Hợp tác nông nghiệp của hai tỉnh Phước Vĩnh và Phú Thịnh sau khi chuyển đổi từ Hợp tác xã bậc thấp lên bậc cao, báo cáo kịp thời cho Ban bí thư Trung ương nắm được để chỉ đạo. Tổ có ba người. Ông Ẩn, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó Ban nông nghiệp Trung ương làm tổ trưởng. Hai tổ viên là ông Sắc và ông Bao, đều là chuyên viên cao cấp của Ban Nông nghiệp. Tổ phái viên được tỉnh ủy Phước Vĩnh bố trí ở trong dãy nhà cấp bốn năm gian, ba gian làm phòng ngủ, một gian làm phòng họp và một gian làm phòng ăn. Dãy nhà này chỉ dành riêng cho khách, biệt lập với khu làm việc của cơ quan tỉnh ủy chừng trăm mét, vì thế ngoài Đình là người hay lui tới chuyện trò còn những người khác trong cơ quan tỉnh ủy, kể cả ông Kim trừ khi có công việc còn thì ít ai qua lại. Hai tháng nay tổ phái viên đi lên làm việc trên Phú Thịnh. Hôm nay nghe tin họ về, Đình định qua chơi. Vừa ra khỏi phòng mình được vài bước, Đình thấy bà Thường đang đi về hướng phòng làm việc của ông Kim. Đình nghĩ mình cần có chuyện để làm quà cho tổ phái viên nên gọi bà Thường:
- Chị Thường, dừng lại tôi hỏi cái này.
- Có việc gì thế chú Đình? – Bà Thường dừng lại hỏi.
- Tôi định qua chỗ chị nhưng tiện gặp chị đây nên hỏi luôn. Tôi nghe nói chị vừa xuống Hồng Vân về có phải không?
- Vâng. Có chuyện gì không?
- Hình như ở Hồng Vân đang có chuyện trả đất đai lại cho nông dân tự canh tác có đúng thế không chị?
- Chú nghe ai nói?
- Chuyện tày đình như vậy làm sao mà bưng bít được con mắt và lỗ tai thiên hạ.
- Nghe vậy sao chú không về tận Hồng Vân xem thực hư ra sao mà đi hỏi tôi?
- Chị, anh Kim và ông Côn đã xuống đó rồi, tôi còn xuống làm gì nữa.
Bà Thường nhìn thẳng vào mặt Đình:
- Anh theo dõi chúng tôi từ khi nào thế?
- Tôi có phải gián điệp hay mật thám gì mà chị bảo tôi theo dõi chị. Tôi biết chị và anh Kim, ông Côn xuống Hồng Vân để kiểm tra tình hình nên muốn hỏi chị có thật ở đó người ta lấy đất của Hợp tác chia cho xã viên hay không thôi.
- Thôi được rồi. Chú muốn biết thì tôi xin nói để chú rõ. Không có chuyện lấy đất của Hợp tác xã chia cho xã viên ở Hồng Vân mà chỉ có chuyện cho xã viên mượn đất để làm vụ xen canh. Sau khi thu hoạch xong thì trả đất lại cho Hợp tác xã. Chú đã rõ chưa nào?
- Thế việc trả ao lại cho các hộ thả cá để đem ra bán ở thị trường chợ đen thì sao?
- Hàng trăm cái ao trong vườn của các gia đình xã viên Hợp tác xã không sao quản lí được nên bỏ hoang cho bèo mọc. Thấy tiếc của, bà con đề nghị Hợp tác khoán cho người ta nuôi. Hàng năm trả xong các khoản cho Hợp tác, còn lại bà con bán cho người làng người nước chứ chẳng có chợ đen chợ đỏ nào cả. Chú còn gì thắc mắc nữa tôi nói nốt cho mà nghe.
- Nếu quả đúng như vậy thì Hồng Vân sai to rồi.
- Theo chú sai ở chỗ nào?
- Ruộng đất, kể cả ao cá là quyền sở hữu của tập thể. Hợp tác xã có trách nhiệm quản lí và sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước. Mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ của xã viên phải gắn liền với nghĩa vụ và quyền lợi của tập thể. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Làm trái những điều trên đồng nghĩa với việc đi ngược lại đường lối chủ trương tập thể hóa của Đảng.
Bà Thường cười mỉa:
- Thế thì lần này lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa và xã Hồng Vân chắc chết vì tội đi ngược lại đường lối chủ trương tập thể hóa của Đảng rồi.
- Tôi nói hoàn toàn đứng đắn đấy chứ không phải nói đùa đâu. Hồng Vân làm như vậy là sai to rồi chị ạ.
- Tôi cũng biết chú xưa nay có nói đùa với ai bao giờ đâu. Nhưng tôi xin hỏi chú nếu họ làm như vậy mà người dân được no hơn, giàu hơn thì sao?
- Không có chuyện no hơn, giàu hơn khi con người ta làm ăn riêng lẻ. Nếu vậy Đảng ta đã không đưa ra chủ trương đường lối tập thể hóa làm gì.
- Tôi thì tôi thấy họ chẳng sai chút nào. Ruộng đất ao chuôm vẫn của tập thể. Đội sản xuất, Ban quản trị vẫn tồn tại. Có khác chăng là trước đây đất chỉ làm hai vụ, còn ba bốn tháng đất bỏ không, xã viên không có nghề phụ nên ngồi chơi xơi nước chứ chẳng có việc gì làm. Ao chuôm bỏ không cho rắn rết ở và nuôi bèo hoang. Bây giờ người ta không cho đất nghỉ, ngô sắn vụ xen canh đầy bồ. Ao chuôm được dọn tinh tươm và sinh lợi. Chú bảo người ta sai ở chỗ nào. Làm cho dân no ấm lại mang tội thì ai người ta làm làm gì.
- Nhưng đưa nhân dân ta đi lên ấm no hạnh phúc bằng con đường nào? Đảng ta đã xác định đó là con đường tập thể hóa. Hiện tại chúng ta đang đi đoạn đầu tiên trên con đường quá độ tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Đây là đoạn đường đầy gian nan. Hơn nữa miền Bắc nước ta đang ở trong tình trạng có chiến tranh với đế quốc Mỹ. Vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa nuôi mình vừa nuôi bộ đội ở chiến trường, vì thế khó khăn là tất yếu. Nhưng chỉ vì những khó khăn nhất thời đó mà đi chệch con đường Xã hội Chủ nghĩa là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Việc làm của Hồng Vân có thể khiến các Hợp tác xã khác cũng đang nhăm nhe muốn phá bỏ lối làm ăn tập thể. Từ chỗ cho mượn đất đến trả lại ruộng đất, trâu bò cho nông dân không phải là xa đâu chị ạ.
- Chú Đình này, hôm nào chú sắp xếp công việc rồi cùng tôi đi xuống Hồng Vân xem ở đó có ai mất lập trường, có ai đi ngược lại chủ trương của Đảng không nhé – Nói xong bà Thường bỏ đi. Đình đứng chưng hửng một lúc rồi đi về phía khu nhà ở của các phái viên.
- Các anh khỏe cả chứ? – Vừa bước vào phòng khách, Đình hỏi với thái độ niềm nở.
- Chúng tôi khỏe cả – Ông Ẩn đáp lại lời hỏi thăm của Đình – Anh thế nào?
- Tôi thì lúc nào cũng như lúc nào. Tình hình ở trên Phú Thịnh có gì lạ không anh?
- Có lắm chuyện nhức đầu lắm.
- Chắc lại chuyện đúng sai của việc đưa Hợp tác xã lên quy mô có phải không? Chuyện rõ như ban ngày mà sao nhiều anh cứ đòi xét đi xét lại mới lạ chứ. Ở tỉnh tôi cũng vậy. Nhận thức vấn đề này mỗi người mỗi cách.
- Nhận thức chuyện gì mà mỗi người một cách? – Ông Bao đưa cho Đình chén nước rồi hỏi.
- Chung quy vẫn là chuyện đưa Hợp tác xã lên quy mô đúng hay sai. Lần trước trong cuộc họp với các bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện để bàn việc lãnh đạo sản xuất vụ chiêm, ông Kim đã nói thẳng quan điểm của mình trước cuộc họp, tôi đã phê bình ông ấy phát ngôn thiếu thận trọng rồi. Thế mà lần này ông Kim đi xa hơn là đưa quan điểm của mình vào trong tài liệu giáo dục chính trị cho đảng viên thì nguy hiểm vô cùng. Tôi thấy ông này giống như nhân vật gì đó của Liên Xô thời kỳ nội chiến mà tôi đã đọc. Rất nhiệt tình cách mạng nhưng mang nặng tính thô bạo và bảo thủ của nông dân.
- Nhân vật Sa-pa-ép của nhà văn Phuốc-ma-nốp – Ông Ẩn nhắc.
- Anh nhớ cả tên tác giả thì giỏi thật – Đình cười nịnh – Đúng là ông Kim rất giống nhân vật Sa-pa-ép của Liên Xô. Nhiệt tình cách mạng thì không chê vào đâu được nhưng bảo thủ và độc đoán cũng khủng khiếp. Nguyên do cũng là do thiếu học, mù chữ, đi làm thuê cho địa chủ từ năm mười ba, mười bốn tuổi rồi giác ngộ đi theo cách mạng. Mới học bổ túc đến lớp ba, lớp bốn mà đã được đề bạt lên giữ những chức vụ cao, việc thiếu hụt kiến thức là điều tất nhiên.
Ông Ẩn tỏ vẻ phật ý:
- Tùy từng trường hợp thôi. Tôi cũng tham gia cách mạng khi trình độ văn hóa cũng chỉ mới học hết lớp ba bổ túc.
- Ấy chết. Tôi nói vô tình thôi chứ không nhằm ám chỉ anh.
- Tôi cũng không nghĩ anh nói là nhằm ám chỉ tôi. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã nói lên lực lượng tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân chủ yếu là những người nông dân nghèo. Mà đã nghèo thì thiếu học là điều dễ hiểu.
- Có việc này không biết các anh đã nắm được chưa? Hôm kia làm việc với ông Kim, ông ấy có kể cho tôi nghe chuyện ở Hợp tác xã Hồng Vân thuộc huyện Vĩnh Hòa xuất hiện một kiểu làm ăn mới. Đó là để cho hộ xã viên sử dụng ao nhà mình để nuôi cá rồi nộp một ít sản phẩm cho Hợp tác, còn bao nhiêu mình được hưởng. Cá của xã viên được đưa ra bán tự do ở các chợ.
Ẩn giật mình:
- Có đúng như vậy không?
- Chưa hết đâu anh ạ. Chuyện này mới tày trời. Hợp tác chia ruộng cho các hộ để làm vụ ngô canh. Xã viên chỉ trả công cày bừa, phân giống, công tưới cho Hợp tác, còn bao nhiêu được hưởng tất.
- Anh nói chính xác chứ? – Ông Ẩn hỏi.
- Từ miệng ông Kim nói ra chắc là đúng.
- Thái độ anh Kim đối với việc này thế nào?
- Ông Kim tỏ ra hoan hỉ và ủng hộ việc làm này. Còn bảo tôi đưa vào tài liệu sinh hoạt đảng viên để làm dẫn chứng cho tư tưởng mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất.
Ông Ẩn chau mày:
- Sao anh Kim lại làm cái việc vô nguyên tắc như vậy nhỉ? Từ quan điểm dẫn đến hành động là một chặng đường rất ngắn. Thế này thì nguy hiểm quá. Anh ở trong Ban thường vụ nên mạnh dạn góp ý kiến với lối lãnh đạo tùy tiện của anh Kim. Đừng để sự việc đi xa hơn rồi hối không kịp.
Bao từ nãy đến giờ chăm chú nghe cuộc trao đổi qua lại giữa ông Ẩn và Đình. Đến khi thấy thái độ của ông Ẩn phản ứng mạnh mẽ với việc này liền hùa theo:
- Thế thì loạn thật. Hỏng. Hỏng. Chẳng còn coi ai ra gì. Có khi anh Ẩn phải về Hà Nội báo cáo việc này cho Ban bí thư biết để kịp thời chấn chỉnh.
- Từ từ đã. Có thể đây là trường hợp cá biệt. Ta chỉ yêu cầu tỉnh ủy chấn chỉnh lại là được chứ không cần làm to chuyện.
Bao tỏ vẻ hăng hái:
- Theo tôi việc này phải làm khẩn trương lên chứ nếu để nó lan rộng là coi như Hợp tác xã tan rã.
- Để tôi trao đổi với anh Kim xem sao rồi tính.
Có tiếng còi báo động máy bay vang lên. Mọi người chạy ra hầm. Lát sau, tiếng máy bay phản lực, tiếng súng cao xạ hòa với tiếng bom nổ tạo nên một không khí hỗn độn.
2
Bước vào phòng làm việc ông Kim, bà Thường hỏi với giọng bực bội:
- Có gì mà chú bảo chú Đô cho gọi tôi sang?
- Tôi cho mời chị sang chứ có phải gọi chị sang đâu.
- Vẽ chuyện. Mời hay gọi cũng thế cả.
- Đang có chuyện gì làm chị bực mình phải không?
- Bực cái lão Đình quá thể – Bà Thường nói hắt ra – Tôi đang định sang chú thì tay ấy gọi lại hỏi có phải ở Hồng Vân người ta lấy ruộng đất của Hợp tác xã chia cho xã viên không. Tôi kể cho hắn nghe chuyện ở Hồng Vân. Nghe xong hắn bảo lãnh đạo Vĩnh Hòa và Hồng Vân sai to, rồi hắn thuyết một lô một lốc nào là đường lối tập thể hóa, nào là quá độ đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Nghe mà lộn ruột.
Ông Kim cười:
- Thiếu gì những anh giống như con vẹt học nói tiếng người hả chị. Sự thiển cận, máy móc, giáo điều đôi khi phải trả cái giá bằng máu. Và trong thực tế chúng ta cũng đã nhận được những bài học đau xót rồi chị ạ. Thôi, chị nghĩ đến những chuyện vặt ấy làm gì. Còn bao nhiêu việc cần nghĩ, cần làm hơn. Chị đã tĩnh tâm lại chưa để bàn công việc nào.
Bà Thường thở dài:
- Chú còn khổ nhiều với những kẻ như tay Đình.
- Tôi chỉ sợ tổ chức không tin mình, nhân dân không tin mình. Ngoài ra tôi chẳng sợ gì hết. Tôi cho mời chị qua để hỏi chị có sắp xếp đi xuống Hồng Vân vài hôm được không?
Bà Thường đưa tay với cái điếu cày, hỏi:
- Có việc gì mà chú cử tôi xuống Hồng Vân?
- Tình hình Hợp tác xã trong tỉnh ta như thế nào chắc chị biết rồi đấy. Nếu không mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất thì tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ diễn ra triền miên không khi nào dứt được đâu chị ạ. Mấy hôm nay tôi dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ xem nên bắt đầu thay đổi từ đâu.
- Chú định gỡ khâu nào trước?
- Trước mắt có hai việc có thể làm được là tìm một vài phương pháp khoán hợp lí, khoa học, kích thích được niềm hăng say lao động của nông dân, việc khác là hóa giá một số nông cụ bán lại cho xã viên chứ không để cho Hợp tác xã quản lí hết. Làm được hai việc ấy là đã tháo gỡ được một phần bế tắc rồi. Việc này tôi chỉ trao đổi với chị và tay Côn thôi chứ không muốn trao đổi trong tập thể thường vụ vì nói ra thế nào tay Đình cũng phản đối rồi đem ra rêu rao với mấy ông phái viên thêm phiền phức.
- Ý kiến của chú Côn thế nào?
- Tay Côn còn phân vân chuyện hóa giá nông cụ bán cho xã viên.
- Chú Côn phân vân là đúng. Việc tìm phương pháp khoán thì được nhưng việc hóa giá nông cụ để bán cho xã viên thì tôi khuyên chú hẵng từ từ đã. Đây là vấn đề có liên quan đến đường lối tập thể hóa cho nên phải hết sức thận trọng.
- Cấp trên ở xa không nắm được hiện tình của nông dân nên không thay đổi chẳng nói làm gì. Còn chúng ta đã nhận ra những nhược điểm của cơ chế đối với Hợp tác xã quy mô mà không dám mạnh dạn thay đổi thì đến bao giờ nông dân mới thoát cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai hả chị?
- Tôi biết cái tâm của chú đối với bà con nông dân nhưng không vì sốt ruột mà hành động không cân nhắc. Tôi nghĩ bây giờ chú như người đang ngồi trước bàn cờ. Chỉ cần đi nhỡ một nước là coi như chẳng còn gì.
Ông Kim ngồi yên lặng một lúc bỗng nói bật ra:
- Làm chui như thằng Hồng Vân thì sao hả chị? Cứ làm chui vài Hợp tác xã xem binh tình ra sao để rút kinh nghiệm rồi sẽ có chủ trương cụ thể.
- Hợp tác xã Hồng Vân làm chui cuối cùng chú và tôi đều biết. Còn chú tưởng chú làm chui thì không ai biết hay sao.
- Nhụt hết ý chí chiến đấu rồi – Nói xong ông Kim vớ lấy cái điếu cày đứng lên bước ra hiên ngồi xổm xuống rít thuốc lào.
Bà Thường lắc đầu nhìn theo. Bà không biết ông Kim nói mình nhụt hết ý chí chiến đấu hay nói bà và ông Côn. Bà bỗng thấy thương ông Kim vô hạn.
3
Cứ chiều đến là từng đàn cò đi kiếm ăn ở các ao đầm trong vùng kéo nhau về tụ tập trên các ngọn cây cổ thụ trong khuôn viên cơ quan tỉnh ủy. Tiếng cò mẹ quèng quẹc, tiếng lũ cò con líu ríu choen choét tạo nên mớ âm thanh hỗn tạp với bao cung bậc xốn xang. Đối với ông Kim, đến mùa lũ cò kéo về cư trú và sinh con đẻ cái trên các ngọn cây, ông thấy như mình được ai đó ban tặng cho ông niềm vui khôn tả. Cả cuộc đời thơ ấu nhọc nhằn của ông lầm lũi làm bạn với cò. Thân phận ông, mấy anh em ông và bố mẹ ông cũng chẳng khác gì thân phận của những con cò lặn lội trên đồng ruộng từ mùa đông cho chí mùa hè nhặt nhạnh kiếm miếng ăn. Có lẽ vì vậy mà cứ mùa cò kéo nhau về làm tổ người ông bỗng thấy thư thái. Ngoại trừ những ngày đi vắng, còn lại dù bận đến đâu, ông cũng ra đứng ngắm lũ cò con một lúc mới trở về phòng làm việc. Riêng vào các buổi cuối chiều, khi đàn có lũ lượt kéo nhau về tổ là ông bỏ mọi công việc để ra ngắm nhìn cho đến khi hoàng hôn buông xuống mới thôi. Chiều nay khi ông Kim đang say sưa nhìn lên ngọn cây để cảm nhận niềm vui sum họp sau một ngày lặn lội kiếm ăn của lũ cò mẹ về với con mình, ông không để ý ông Sắc đến đứng sau lưng mình từ bao giờ. Đến khi ông Sắc đặng hắng lên tiếng, ông Kim mới quay lại.
- Anh nhìn gì say sưa đến nỗi tôi đến đứng sau lưng anh lâu rồi mà anh không hay biết gì?
- Tôi đang nhìn đàn cò về tổ anh ạ. Bố mẹ con cái líu ríu bên nhau nhìn cảm động lắm.
- Trong các giống chim ăn trên đồng, loài cò là loài chim gắn bó với người nông dân hơn cả. Mỗi khi nhìn thấy đàn cò là tôi nhớ đến quê hương đến quặn lòng.
- Tôi cũng vậy. Đàn cò bao giờ cũng gợi cho tôi nhớ đến những ngày tháng lam lũ của bố mẹ tôi.
- Năm nào đàn cò cũng kéo nhau về đây cư trú à?
- Vâng. Chúng tụ tập về đây từ tháng ba âm lịch cho đến tháng chín, tháng mười kiếm ăn và sinh con đẻ cái, sau đó kéo nhau đi đâu chẳng ai biết cho đến năm sau lại tiếp tục quay về. Những ngày đầu vắng đàn cò buồn không thể tả anh ạ. Bâng khuâng hẫng hụt mất cả tuần mới hết nhớ.
- Tâm hồn anh nhạy cảm như một nhà thơ.
- Tôi không làm được thơ nhưng tôi rất thích thơ, nhất là thơ Tố Hữu. Anh vào phòng tôi uống nước.
- Đi dạo loanh quanh thích hơn. Các anh được ở trong một khu vực quá tuyệt vời.
- Nơi đây vốn là Tòa Công sứ của Pháp trước Cách mạng Tháng Tám.
- Những cây cổ thụ này chắc có từ thời thuộc Pháp phải không?
- Vâng. Người Pháp ngoài đầu óc thực dân ra, họ có cái nhìn thật xa. Anh biết là gì không? Đó là trồng cây. Từ thủ đô Hà Nội cho đến các thị xã trên miền Bắc nước ta hiện nay phần lớn là cây trồng dưới thời thuộc Pháp. Mà cái hay của họ còn ở chỗ biết chọn những cây có bộ rễ chắc và lá xanh quanh năm. Anh nhìn trong khu này mà xem. Những cây lim, cây sưa, cây sấu, cây xà cừ và một số cây nữa có độ tuổi gần một trăm năm nay mà vẫn xanh mơn mởn thế kia. Bốn mùa trên các con đường này ngày nào cũng chỉ có lá rụng lác đác chứ không rụng ào ạt như các giống cây khác. Tôi thấy riêng chuyện này phải học người Pháp.
Ông Sắc cười:
- Anh nói vậy không sợ phê bình mất lập trường vì ca ngợi kẻ đã cai trị dân mình à?
- Tôi ấy à. Tôi nghĩ thấy cái gì hay là nên học.
Hai người vừa đi thong dong vừa nói chuyện.
- Tôi có nhận xét không biết có đúng không. Hình như anh muốn xa lánh mấy anh em phái viên chúng tôi thì phải? – Ông Sắc hỏi.
- Anh thấy đấy, tôi có khi nào rỗi rãi đâu. Những khi cần trao đổi việc gì tôi mới qua chứ chẳng có thì giờ để ngồi trà dư tửu hậu với các anh được.
- Tôi nghĩ anh nói chưa thật lòng.
- Vì sao anh bảo tôi chưa thật lòng?
- Câu hỏi của anh thật khó giải thích. Tôi chỉ có cảm giác vậy thôi. Có thể anh thấy chúng tôi đang là vật trở ngại cho một số công việc gì đó của anh chẳng hạn.
- Tính tôi khi đã quyết làm một việc gì đó thì chẳng có gì ngăn cản được tôi cả.
- Kể cả việc làm sai.
- Sai thì tôi không bao giờ làm.
Ông Sắc đắn đo giây lát rồi hỏi:
- Hình như anh đang có ý định làm một việc gì đó đối với tình hình Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiện nay có phải không?
- Anh đoán vậy hay nghe ai phản ánh?
- Tôi đoán vậy.
Ông Kim cười:
- Khi nãy anh bảo tôi chưa thật lòng, bây giờ lại đến lượt anh.
Cả hai người cùng cười.
- Đầu kia có chiếc ghế đá, ta đến đấy ngồi nói chuyện đời cho vui. Anh đồng ý chứ?
Ông Sắc gật đầu. Hai người đi đến ngồi vào chiếc ghế đúc bằng xi măng thấp lè tè kiểu rất cổ, kê dưới một gốc cây lim cổ thụ.
- Chiếc ghế đá này có từ thời nào mà kiểu cũ quá nhỉ? – Ông Sắc hỏi.
- Tôi cũng chưa khi nào tìm hiểu, nhưng chắc là lâu lắm rồi. Đầu năm 1959, tôi được Trung ương điều từ quân đội về làm bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh, tôi đã nhìn thấy những chiếc ghế đá này rồi. Có thể nó có từ thời đây còn là tòa công sứ mà cũng có thể mới được đúc trong thời kỳ Phước Vĩnh bị Pháp chiếm đóng.
- Ở Hà Nội tôi thấy một số vườn hoa cũng có kiểu ghế như thế này.
- Khi nãy tôi hỏi anh có phải anh nghe ai phản ánh tôi đang có ý định làm một việc gì đó đối với các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mà chưa thấy anh trả lời? – Ông Kim gợi lại câu hỏi vừa rồi.
- Đúng là không có ai phản ánh cả. Chỉ thỉnh thoảng anh Đình qua ngồi uống nước chè rồi nói chuyện với nhau tôi mới biết.
- Cũng là một cách phản ánh kiểu mới.
- Tôi có cảm giác giữa anh và anh Đình có một cái gì đó bằng mặt mà không bằng lòng có phải thế không?
- Nhận xét một ủy viên thường vụ trước mặt người khác là việc không hay, nhưng tôi xin nói thẳng với anh, tay Đình là một tay cơ hội. Không hiểu anh thế nào chứ tôi cực ghét những kẻ cơ hội. Bất kỳ một tổ chức nào mà có những tay như vậy chui vào là cực kỳ nguy hiểm.
Ông Sắc tán đồng:
- Đúng như vậy. Nhiều Đảng Cộng sản và Công nhân trên thế giới chao đảo vì để cho những kẻ cơ hội chui vào trong tổ chức của mình. Anh đừng cho tôi tò mò. Hình như các anh đang dùng Hợp tác xã Hồng Vân của huyện Vĩnh Hòa để tìm phương thức khoán mới trong nông nghiệp có phải thế không?
- Lại phản ánh của tay Đình chứ gì?
- Bỏ qua chuyện ấy đi. Tôi muốn biết ý định của các anh.
Ông Kim ngẫm nghĩ giây lát rồi bảo:
- Đánh giá tình hình các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở Phước Vĩnh giữa các anh với chúng tôi có khác nhau, vì thế có nói chắc anh cũng không hiểu hết được.
- Không phải ai trong ba phái viên chúng tôi cũng đánh giá như nhau. Về phần tôi, việc đánh giá có điểm không giống các anh, nhưng cũng có nhiều điểm gần với các anh.
- Ví dụ?
- Các anh cho rằng sự trì trệ của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là do khoán…
Ông Kim ngắt lời:
- Tôi không đánh giá nguyên nhân hoàn toàn là do khoán.
- Không cho là nguyên nhân do khoán, sao các anh tập trung vào việc tìm cách thay đổi phương thức khoán?
- Có những việc nhìn thấy đấy nhưng không sửa được, nói một cách khác là chưa dám sửa. Riêng những nhược điểm bộc lộ trong khoán có thể sửa được nên chúng tôi đang nghiên cứu tìm ra các lối khoán thích hợp để khắc phục những nhược điểm của lối khoán hiện tại, nhằm đẩy mạnh tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới.
- Anh và tôi đều xuất thân từ thành phần nông dân nên biết rõ cái cây lên quặt quẹo và có lá vàng đều do cái gốc. Giống dù tốt đến mấy mà gieo trồng không đúng cách, đúng thời vụ, không được chăm bón đàng hoàng thì cây khó mà lên xanh tốt được. Tình hình Hợp tác xã của chúng ta hiện nay cũng tương tự như vậy.
Ông Kim vỗ đùi khen:
- Hay! Hay! Những điều anh nói hoàn toàn đúng với suy nghĩ của tôi lâu nay. Hợp tác xã quy mô là hạt giống tốt, nhưng đất đai chưa được cày bừa kỹ đã gieo giống. Lại gieo không đúng thời vụ thì nó quặt quẹo là phải.
- Không phải ai cũng nghĩ như anh với tôi đâu. Ngay trong ba anh em phái viên của chúng tôi, sau khi đi khảo sát một số Hợp tác xã nông nghiệp của hai tỉnh Phước Vĩnh và Phú Thịnh về ngồi họp cũng đánh giá khác nhau. Hình như anh định cử chị Thường xuống Hồng Vân để chỉ đạo khoán có phải không?
- Tôi định cử chị Thường và tay Hoàng, phó ban tuyên huấn tỉnh ủy. Sao anh biết?
- Anh Đình báo cáo với anh Ẩn.
Ông Kim kêu lên:
- Đúng là nuôi ong tay áo.
- Rất có thể trong những ngày tới chúng tôi sẽ xuống Vĩnh Hòa để kiểm tra việc trả lại ao cho xã viên và chia đất cho hộ xã viên sản xuất vụ ngô xen canh. Có khi anh cho hoãn việc cử người xuống Vĩnh Hòa đã. Chờ mọi việc lắng xuống rồi các anh làm gì thì làm.
- Các anh định khi nào xuống Vĩnh Hòa?
- Chưa nghe anh Ẩn nói gì. Nhưng có lẽ chỉ trong vài ngày tới thôi. Vì anh Ẩn tỏ ra rất sốt ruột.
- Khi nào đi, anh báo trước cho tôi biết có được không?
- Để làm gì?
- Tôi sẽ xuống đấy để trực tiếp nghe các anh kết luận như thế nào việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân.
- Có nên không?
- Nên chứ. Mấy cậu lãnh đạo ở huyện Vĩnh Hòa cũng như xã Hồng Vân đều là những người có tâm huyết với việc thay đổi cách làm ăn của Hợp tác xã. Nhưng họ ít khi được tiếp xúc với lãnh đạo cấp Trung ương nên có thể mấy cậu ấy lúng túng khi bị chất vấn những câu hỏi hóc búa. Nếu để họ hoang mang là hỏng hết việc. Mặt khác, tôi cũng muốn chỉ cho các anh thấy Hợp tác xã Hồng Vân sai đúng ở chỗ nào.
- Tôi cũng nói tính tình của anh Ẩn, anh Bao để anh biết mà ứng xử. Anh Ẩn là người tốt, hết lòng với công việc. Lòng dạ anh ấy cũng không hiểm sâu. Nhưng nhược điểm lớn nhất của anh Ẩn là quá tôn thờ nguyên tắc, đôi khi chính xác từng chi tiết, gần như một cái máy. Cái gì anh ấy đã nghĩ rồi thì thay đổi rất khó. Còn anh Bao là một nhà lí luận suông, một trí thức sách vở, ít hiểu biết về thực tế. Học mấy năm lí luận ở trường lớp hẳn hoi nhưng không tiêu hóa nổi nên mỗi lần tuôn ra là có vô vàn từ ngữ của triết học, kinh tế chính trị học lổm ngổm cứ như cua bò, có khi ngớ ngẩn, nghe chối tai không chịu được.
Ông Kim cười:
- Còn anh nữa. Sao không giới thiệu về mình.
Ông Sắc nói giọng trầm lắng:
- Trong tôi có anh và tôi tin trong anh cũng có tôi. Việc gì phải giới thiệu.
- Đường còn dài. Không biết có giống nhau được mãi hay không.
4
Như thường lệ sau bữa cơm chiều là ông Kim, bà Thường và bà Lê ngồi quanh bàn uống nước nói đủ thứ chuyện, từ chuyện máy bay Mỹ ném bom vào dân thường cho đến hàng hóa khan hiếm.
Bà Thường hỏi:
- Chủ nhật tới cô có về thăm các cháu ở chỗ sơ tán không?
- Có chị ạ. Em vừa đong được mấy chục cân gạo phải đưa về cho các cháu nộp cho nhà bếp.
- Ăn cơm nhà bếp ở khu sơ tán chắc chẳng có gì. Tôi còn mấy lạng phiếu thịt cô cầm lấy, hôm nào đi ghé qua cửa hàng thực phẩm mua đem xuống làm cho chúng nó ăn một bữa.
Ông Kim bảo:
- Mọi người chịu được thì chúng nó chịu được. Không việc gì phải ưu tiên chúng nó hơn người khác. Đừng để chúng nó có ý nghĩ con bí thư tỉnh ủy là phải được hơn người, rồi dần dần sẽ coi thường người khác.
- Chú nghiêm khắc với chúng nó quá.
- Em cũng thường bảo anh ấy như vậy nhưng anh ấy bảo phải rèn luyện chúng ngay từ bé thì khi lớn lên chúng mới thành người có ích cho xã hội. Cứ làm như con cái nhà người khác lớn lên thành ăn cướp cả.
- Nếu không cho chúng nó sống cuộc sống của những người lao động, không chóng thì chày chúng nó sẽ hỏng. Đấy, chị xem tấm gương con anh Thống đấy. Dựa vào cái thế bố là thứ trưởng, chống lại lệnh gọi nhập ngũ. Khi Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố cho người xuống bắt lên định đưa ra toà án binh để xử thì anh ấy ngang nhiên can thiệp, đành phải thả ra. Rút cuộc cậu con trai anh ấy trở thành tên du thủ du thực, không tháng nào là không bị công an mời vào bốt, lại phải cạy cục đi xin.
- Tôi thấy mấy cháu con nhà cô chú chúng nó ngoan lắm. Cho ăn gì thì ăn, mặc gì thì mặc. Cháu Dương sắp thi vào đại học đến nơi rồi mà vẫn mặc cái quần xanh mẹ may cho bằng vải bao bột mì nhuộm xanh đến trường một cách tự nhiên. Tôi thấy yêu chúng nó lắm.
Ông Kim thở dài:
- Nhiều khi nhìn thấy lũ trẻ thiếu thốn cũng thương chị ạ. À, có chuyện này, hôm nay cô Chi vừa gọi điện kể chuyện cho tôi nghe về tình hình Hợp tác xã Gia Đạo chị ạ. Tức không chịu nổi.
Bà Thường thấy lạ hỏi:
- Sao thế?
- Hôm vừa rồi tôi bảo cô Chi về Gia Đạo bàn xem có tổ chức làm vụ xen canh để chống cái đói giáp hạt được không nhưng mấy tay trong Ban quản trị không chịu làm với lí do chuyển canh từ vụ chiêm qua vụ mùa thời gian ngắn, không trồng được cây gì cho thu hoạch kịp. Cô Chi đề nghị cứ chia đất tạm thời cho bà con tự lo giống trồng khoai tây hoặc khoai lang. Thời gian ngắn có đào củ ăn non còn hơn là ngồi ôm bụng chịu đói thì chúng nó lại lấy lí do lấy đất tập thể giao cho cá thể là vi phạm chủ trương, chúng nó không dám làm. Cô Chi cũng không thể dùng mệnh lệnh để ép buộc chúng nó được, chị nghĩ có tức không. Lần trước tôi đã trị cho chúng nó một trận ở ngoài ruộng rồi mà vẫn còn láo. Mấy thằng này không trị không xong với chúng nó.
Ông Kim vớ lấy điếu cày. Bà Thường giật lấy:
- Để tôi hút xong đã rồi chú hút. Cứ có chuyện gì là rít thuốc lào vô tội vạ, có ngày sặc khói tắc thở thì đừng có kêu.
Ông Kim ngồi yên một lúc, bỗng nhớ ra câu chuyện ông Sắc nói với ông chiều nay, ông bảo bà Thường:
- Có chuyện này tôi nói với chị luôn kẻo lát nữa lại quên.
- Chuyện gì thế?
- Chiều nay anh Sắc gặp tôi và báo cho biết tổ phái viên sắp xuống Hồng Vân để kiểm tra việc Hợp tác cho dân thầu cá ở ao nhà mình và chia đất cho xã viên làm vụ xen canh.
- Ai báo mà các ông ấy biết?
- Tay Đình.
- Sao chú Đình lại làm thế nhỉ?
- Chị gặp hắn mà hỏi chứ tôi chịu. Có lẽ sáng mai chị xuống Vĩnh Hòa ngay để báo cho tay Bằng và tay Mích biết để chuẩn bị đối phó. Còn khi nào tổ phái viên xuống thì chị và tôi sẽ xuống đó hỗ trợ chúng nó. Phải bằng mọi cách bảo vệ cho được cách làm ăn của Hồng Vân chị ạ. Để cho các ông ấy dập tắt nó là khó vực dậy lắm. Tôi định nếu tổ chức cho thằng Hồng Vân và Đằng Xá làm ăn thành công, tỉnh ủy sẽ ra Nghị quyết về đổi mới phương pháp làm ăn trong các Hợp tác xã nông nghiệp.
Bà Thường ngăn:
- Chú làm thì cứ lặng lẽ mà làm. Còn việc ra Nghị quyết bằng văn bản thì chú nên tính toán cho kỹ. Không khéo là mang hoạ vào thân đấy.
- Tôi có phản Đảng đâu mà sợ mang họa vào thân.
- Không phản Đảng, nhưng thế nào chú cũng bị quy là đi ngược lại đường lối của Đảng. Phải hết sức thận trọng khi nói và làm về một vấn đề gì đó trái với suy nghĩ của số đông. Tôi đã từng chứng kiến một số đồng chí có nhiều công lao cống hiến cho Đảng, nhưng chỉ vì khăng khăng giữ lập trường cá nhân của mình mà đi đến chỗ thân bại danh liệt.
Bà Lê góp lời:
- Chị Thường nói đúng đấy anh ạ. Anh thương nông dân thì cứ việc lặng lẽ mà làm. Đến một lúc nào đó việc làm của anh được chứng minh là đúng thì để cho cấp trên ra Nghị quyết chứ anh đừng có nhúng tay vào.
- Cầu an. Cầu an. Toàn những người cầu an – Nói xong ông Kim bỏ đi ra ngoài.