Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-11-05 19:15:22 +0700
Chương 10
C
uộc hội nghị do tướng Xa-rít-sép, chỉ huy trưởng binh đoàn chiến xa thứ 19, sắp bế mạc. Chiều xuống và ánh mặt trời tà chiếu qua gian phòng.
Những sĩ quan ngồi đối diện với cửa sổ chớp chớp mắt hay lấy sổ tay hoặc cặp đựng bản đồ che nắng.
Hội nghị ngoài ban chỉ huy binh đoàn, có các tiểu đoàn trưởng và các đại đội trưởng tham dự; ngày hôm sau họ phải cho chiến xa ra khỏi nơi đóng quân mùa đông làm một cuộc hành trình dài bốn trăm cây số qua thảo nguyên Mông-cổ.
Hội nghị được triệu tập chính là để chuẩn bị cho cuộc hành quân này. Không còn điểm gì quan trọng cần phải nói: hành trình đã được vạch rõ cũng như các địa điểm dừng hay nghỉ chân; người ta đã tính những dự trữ xăng và nước, quy định trật tự hành quân của các tiểu đoàn và đại đội - Các sĩ quan cũng đã nghiên cứu và ghi vào sổ tay tất cả các thứ chi tiết khác người ta không thể không nhìn thấy trước với một sự chính xác toán học trước khi làm một cuộc hành quân qua sa mạc với hàng trăm chiến xa, xe vận tải và hai nghìn người, số quân của một binh đoàn chiến xa.
Tất cả dù được dự kiến trước, từ chuyện máy móc hư hỏng đến chuyện cảm nắng. Xa-rít-sép chỉ còn cần nói vài lời nữa, nhưng chính là những lời quan trọng nhất về những đặc điểm của chuyến đi xa này.
Xa-rít-xép ngừng một hồi lâu và chăm chú nhìn những sĩ quan ngồi trước mặt mình. Ông biết những người của mình từ đã lâu, nhưng ông không thể, ở cương vị chỉ huy binh đoàn nhìn họ với con mắt như hôm qua. Hôm qua, ông còn chuẩn bị họ cho một cuộc chiến tranh có khả năng xảy ra, có thể gần như không tránh được, nhưng dù sao cũng thuộc vào một tương lai chưa rõ rệt. Nhưng lúc này đã nhận được lệnh lên đường, ông nhìn thấy trong các sĩ quan, những người sẽ cùng đi chiến đấu với ông. Những nhận xét ghi trong lý lịch - mà ông thuộc lòng, vì nó tóm tắt trong vài chữ do chính ông đánh giá cán bộ của ông - vài ngày nữa sẽ chịu đựng sự thử thách duy nhất quyết định, thử thách của chiến đấu.
Những cán bộ này ông nhận thấy «có tính chủ động, có nghị lực» nhưng lại «thiếu tư thế» hoặc ông đã ghi «có tính kỷ luật, chấp hành tốt nhưng ít tính chủ động» trong chiến đấu sẽ ra sao?
Ông cũng còn nhớ những nhận xét khác đúng đắn nhưng nghiêm khắc, không phải vì chính bản thân ông nghiêm khắc, mà vì chiến tranh có những đòi hỏi nghiêm khắc.
Cái «thiếu tư thế» này biết đâu chẳng làm mất một mạng người? Trung úy «ít tính chủ động» kia sẽ xoay xở làm sao nếu anh ta phải thay thế đại đội trưởng? Tính chủ động mà cán bộ này hay cán bộ kia tỏ ra không sẵn có trong những cuộc diễn tập chiến thuật, liệu trên chiến trường có nảy ra không? Cái thiếu tư thế mà bao nhiêu lần khiển trách cũng không loại trừ được, liệu rồi đây nguy cơ của cái chết có thể làm mất đi được không? Cũng có thể, Xa-rít-sép biết rất rõ điều đó do kinh nghiệm của chính bản thân ông.
Ông nhìn những sĩ quan dưới quyền mình và nghĩ đến những điều mà số đông trong bọn họ không thể nhớ lại được; chiến tranh, Đại chiến cùng như Nội chiến, trong một chiếc hầm bị phá hủy, dưới lửa đại bác, trong tuyết, tay cầm kéo để cắt dây thép gai, trên một thửa ruộng cày dưới đạn bên xác một con ngựa chết; và lại dưới đạn trên lưng ngựa trong một cuộc tiến công; hay một cuộc họp với bốn sĩ quan khác chỉ huy đại đội, đầu nghiêng trên bản đồ, đêm trước một trận đánh mà sau đó phải để lại chiến trường nửa quân số một trung đoàn và ba người trong năm sĩ quan lúc đó đang họp với nhau. Trận đánh đó là một trong những trận cuối cùng tiến công Vrăn-ghen - Từ đó đến nay ông thôi không còn tham dự vào cuộc chiến tranh nào khác, và có nghĩa là đã mười chín năm rồi.
Điều đó lần đầu tiên làm ông nghĩ không phải đến những sĩ quan của ông mà đến bản thân mình - Thật ra một quãng lớn đời ông trôi qua trong hòa bình, vì năm nay ông suýt soát năm mươi tuổi.
Hồi còn trẻ, trong thời kỳ Nội chiến, ông đã chỉ huy một đại đội kỵ binh, nhưng từ lâu ông đã bỏ ngựa để sang chiến xa và sau đó theo học ở trường đại học Phơ-run-dê.
Lẽ dĩ nhiên là ông không thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức lý luận, nhưng dù sao, không chiến đấu đã mười chín năm nay, chiến tranh cũng sẽ thử thách ông như bất cứ một sĩ quan nào của ông. Vì binh đoàn sắp sửa chiến đấu; và điều đó, ông tin chắc tuyệt đối lừ lúc nhận được lệnh hành quân và những tin tức về tình hình ở Khan-khin Gon từ tay một trung tá đến vào ngay buổi sáng hôm nay bằng máy bay từ ban tham mưu của tập đoàn quân. Binh đoàn, thật ra theo mệnh lệnh nhận được, lúc này phải tập trung vào một địa điểm khá xa khu vực chiến sự, nhưng đối với Xa-rít-sép điều đó cũng không thay đổi gì, cũng như thông cáo của ban tham mưu, nói rằng sau khi bị những tồn thất lớn trong những trận đánh tháng năm, quân Nhật đã rút lui ở biên giới và những ngày vừa rồi chỉ còn có những trận không chiến thôi. Xa-rít-sép chờ đợi một ngày này hay ngày khác quân Nhật sẽ bắt đầu tất cả lại, lần này với những lực lượng khổng lồ. Không những ông chờ đợi, ông gần như ao ước việc đó. Từ đã lâu, ông thường khao khát được tự tay mình cho bọn Nhật một bài học về biết bao nhiêu những hành động khiêu khích của chúng trong những năm vừa qua, chỉ riêng việc đó cũng đủ làm nóng mắt, nhất là đối với một quân nhân công tác tại Viễn Đông. Tình hình chung làm cho thời cơ đó có thể xảy ra và đến gần, và cuộc hành quân của binh đoàn ngày hôm sau củng cố thêm trong ông ý niệm rằng ông không phải là người duy nhất nghĩ đến điều đó.
Nhưng mệnh lệnh lại nói: «Bốn ngày tập hành quân để kiểm tra tình trạng vũ khí và việc chuẩn bị của các chiến sĩ» - Không thể giải thích những chữ đó như một sự giấu diếm. Việc quân muốn tổ chức được tốt đòi hỏi phải giữ bí mật về cái gì chưa phải là một mệnh lệnh để tập trung tất cả sự chú ý vào những mệnh lệnh đã nhận được và cần phải chấp hành.
Tất cả mọi người trong binh đoàn đều biết rằng có chuyện gì xảy ra trong khu vực Khan-khin Gon, một đại đội công binh đã được phái đến đó, một trung tá trong ban tham mưu tập đoàn quân đã đem công văn đến bằng chuyến máy bay đặc biệt. Nhưng Xa-rít-sép nghĩ rằng nếu các sĩ quan hiểu rõ tình hình, họ không nên bộc lộ ra trong những câu chuyện phiếm về những trận đánh sắp tới về số lượng những đơn vị tham gia, mà phải làm sao cho cuộc hành quân này trở thành một cuộc luyện tập gương mẫu, kết quả rực rỡ, không có một tí sơ xuất nào.
Đó là ý chính ông muốn nhấn mạnh trước họ, lúc cuối buổi họp.
- Tôi yêu cầu các đồng chí đừng nên quên rằng cuộc hành quân này diễn ra trong những điều kiện của thời bình, ông nhấn mạnh chữ thời bình - nhưng lại gợi đến rất gần một tình trạng chiến tranh - Một kết luận đề ra là: cần nói càng ít càng hay đến chiến tranh và chuẩn bị càng nhiều càng hay để đối phó với nó. Có ai muốn hỏi gì nữa không?
- Xin đồng chí cho phép...
- Tôi sẵn sàng nghe, Xn-rít-sép nói với thiếu tá Cu-li-bin, vừa đứng dậy.
- Thưa đồng chí chỉ huy trưởng binh đoàn, đồng chí có thể cho chúng tôi biết trên có nhận được tin tức gì về đại đội công binh phái đến khu vực chiến sự không?
Mọi người nhìn nhau và một tiếng rì rầm rào rào chung quanh bàn, vì câu hỏi của Cu-li-bin vừa rồi là một điều mà tất cả đều đang thắc mắc. Biết rằng người ta có thể hỏi mình câu đó, Xa-rít-sép đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, nhưng ông cũng vô tình ngừng lại trong một giây.
- Chưa có gì rõ ràng cả. Khi nào có những tin tức đích xác tôi sẽ thông báo cho tất cả binh đoàn biết. Còn ai hỏi gì nữa không?
Xem vẻ mặt các sĩ quan, Xa-rít-sép biết rằng câu trả lời của mình không làm họ hài lòng. Vả lại, ông cũng đã biết trước như thế. Không ai hỏi gì nữa.
- Các đồng chí có thể về được - ông trao đổi một cái nhìn với chính ủy binh đoàn Goóc-đi-ép-xki và nói thêm - Đại úy Cli-mô-vít ở lại có việc - Cli-mô-vít tự hỏi «Thế là thế nào?» Anh dời chỗ, đứng tựa vào tường để lấy lối cho các sĩ quan đang đi ra khỏi phòng - Tất cả trong đại đội mình đều có vẻ trật tự, đơn vị mình cũng không đến nỗi chuẩn bị cho cuộc hành quân kém các đơn vị khác».
Anh cũng có thể nói là đại đội anh còn chuẩn bị khá hơn các đại đội khác, nhưng anh vốn quen đánh giá mọi hành động của mình một cách khiêm tốn.
- Đồng chí ngồi gần vào đây hơn một chút nữa - Xa-rít-sép nói, khi trong buồng chỉ còn có ông, chính ủy và Cli-mô-vít.
Cli-mô-vít kéo một chiếc ghế lại gần và ngồi xuống. Chính ủy ngồi truớc mặt anh, đã bỏ kính và lấy góc mùi-soa lau.
Sau khi ngồi cứng nhắc trên chiếc ghế dựa trong suốt buổi họp, lúc này Xa-rít-sép ngồi thoải mái trong một chiếc ghế bành bằng mây, bên cạnh bàn làm việc - Một khuỷu tay chống vào bàn, ông châm một điếu thuốc - Chắc không phải là một chuyện công tác. Xa-rít-sép bắt đầu:
- Tôi muốn nói với đồng chí ở cương vị một ủy viên trong ban chấp hành đảng bộ hơn là ở cương vị đại đội trưởng.
Chuông điện thoại reo lên. Xa-rít-sép đứng dậy, và không bằng lòng vẻ cứ đứng thế nghe trong mấy giây.
- Đồng ý, nói là tôi sẽ đến.
Ông bỏ ống nói xuống và không ngồi lại, ông nói với Cli-mô-vít lúc này cũng đã đứng dậy với một giọng khác hẳn giọng lúc bắt đầu câu chuyện:
- Trung đội trưởng nào trong đại đội có thể thay anh tốt nhất khi hành quân, nếu anh vắng mặt?
Xa-rít-sép nhìn Cli-mô-vít và hài lòng nhận thấy không một thớ thịt chuyển động trên mặt người đại úy.
«Tư thế tốt, ông nghĩ, mình không lầm về anh ta»
- Thượng úy Lắc-ti-u-cốp - Cli-mô-vít trả lời gần như ngay tức khắc.
- Sớm mai, khi đại đội ra khỏi làng, anh tạm thời trao quyền chỉ huy cho Lắc-ti-u-cốp - Xa-rít-sép nói - và anh trở về nhận nhiệm vụ đặc biệt. Ngay chiều hôm đó, anh sẽ đuổi kịp binh đoàn. Anh sẽ có một chiếc xe và sẽ nhận chỉ thị của đồng chí chính ủy binh đoàn.
Rồi ông quay về phía chính ủy:
- Tôi phải đi, người ta đợi tôi để nói chuyện điện thoại với một trạm cách rất xa.
Ông cầm mũ kê-pi và đội hơi giống kiểu kỵ binh, lệch tí chút sang một bên. Rồi đến gần Cli-mô-vít, ông nói, trở lại giọng nói lúc ban đầu.
- Không phải một nhiệm vụ dễ dàng đâu. Chỉ vì điều kiện công tác nên tôi cũng như đồng chí chính ủy mới không tham gia được và bắt buộc phải trao tất cả trách nhiệm cho đồng chí.
Ông đưa bàn tay rộng và sù sì cho Cli-mô-vít.
Cli-mô-vít nhìn theo một lúc lâu hình dáng lực lưỡng và gân guốc của Xa-rít-sép - Anh mến người chỉ huy binh đoàn này công bình, khe khắt, độ thương trong phạm vi cần thiết của một quân nhân; anh cảm thấy ông có tấm lòng tốt của một đồng chí. Cả khuôn mặt đặc biệt Nga của ông, cũng làm anh có cảm tình - Nếu không mặc quân phục, người ta có thể cho ông là một chủ tịch nông trường, không trẻ lắm nhưng còn tráng kiện. Những nếp hằn sâu chạy trên cổ ông, như là ở nhiều những nông dân khác, cặp mắt trong trẻo hình như bị mặt trời ngoài đồng ruộng làm cho phai mầu, đôi ria mép mầu râu ngô uốn lên theo kiểu Sa-pa-i-ép(1).
Nhìn Cli-mô-vít, chính ủy hiểu rằng anh ta trìu mến người chỉ huy binh đoàn của mình bao nhiêu. Lại một lần nữa anh bụng bảo dạ, đối với anh, vừa chân ướt chân ráo đến binh đoàn, thật là khó khăn để trở thành một chính ủy xứng đáng với người cán bộ chỉ huy này. Anh mời Cli-mô-vít ngồi.
- Đồng chí Cli-mô-vít - Chính ủy nói. khuỷu tay chống trên bàn, vẫn tiếp tục lau kính bằng một góc mùi-soa và vừa chăm chú nhìn Cli-mô-vít. Cặp mắt không kính, hình như bớt nghiêm khắc hơn thường ngày - tôi phải nói với đồng chí rằng đồng chí phải làm một việc hết sức phiền mà chúng ta chưa quen làm - Chính vì thế mà trước hết tôi sẽ nói với đồng chí về tình hình đã xảy ra như thế nào.
Và không giấu diếm, anh kể rõ cho Cli-mô-vít biết vì sao, do sự nghiêm trọng của tình thế, đại đội công binh đã tham chiến như bộ binh, tinh thần anh dũng trong các đợt tiến công và những tổn thất của nó, theo như những số liệu nhận được, đã làm giảm số quân đại đội xuống chỉ còn một phần ba, so với trước. Người ta đã biết tin là trong số bị thương có thượng úy Cu-rốt-skin, chỉ huy đại đội, và trong số bị hy sinh, có chính trị viên Rút-xa-cốp.
Tin này làm Cli-mô-vít hết sức ngạc nhiên. Những lời nói cuối cùng của Xa-rít-sép làm anh nghĩ đến một điều gì khác hẳn. Anh cũng biết rõ là đại đội được phái đến khu vực chiến sự, nhưng anh không biết là nó đã chiến đấu và mất hai phần ba số quân. Nhất là anh không thể biết rằng Rút-xa-cốp, mới cách đây mấy hôm, khi chia tay, còn hối hả nắm chặt lấy tay anh với câu nói quen thuộc «Thôi, từ biệt» đã chết. Chỉ còn lai căn phòng trống rỗng của anh ta, với liếp gỗ ngăn trên đó một trong hai người thường vẫn gõ xem có thể vào được không.
________________________________________ (1) Một danh tướng của Hồng quân thời nội chiến.
Đáng buồn thay, căn phòng lại không trống rỗng, còn có vợ Rút-xa-cốp, On-ga Vla-di-mia-rốp-na với ba đứa trẻ,
Và anh hiểu điều mà người ta yêu cầu anh. Để báo cho On-ga Vla-đi-mia-rốp-na biết tin chồng chị bị hy sinh, nên ngày mai anh phải ở lại và đuổi theo binh đoàn vào buổi tối.
- Chúng tôi chưa có danh sách chính thức về những người bị hy sinh, hay những chi tiết về tình hình thương binh - chính ủy tiếp tục - Chúng tôi chỉ được biết tin về hai sĩ quan đó. Trong những điều kiện như vậy, chúng tôi không thể cho binh đoàn biết rõ về những tổn thất, nhất là trước ngày khởi hành. Nhưng chắc là chúng ta đi một thời gian dài, và vợ Rút-xa-cốp có thể nhận được tin trong khi chúng ta vắng mặt. Đó là điều mà chúng ta nên tránh. Trước hết, chính chúng ta phải báo cho chị biết tin đó và sau nữa phải làm cho chị biết rằng chúng ta sẽ chăm sóc chị, chúng ta nghĩ đến số phận của chị, và nhất là của mấy đứa nhỏ. Trong khi anh đi vắng, tôi hy vọng rằng vợ anh...
Ngồi nghe chính ủy nói Cli-mô-vít bề ngoài có vẻ chú ý, và còn gật đầu như một cái máy nữa, nhưng trong thâm tâm anh nghĩ rằng tất cả điều đó thật ra rất hợp lý; chiến đấu đã bắt đầu, tổn thất là điều không thể tránh được - Vậy mà, sớm mai, trong vài giờ nữa, lại chính là anh và không phải ai khác, sẽ phải mở cửa và nói: «On-ga Vla-đi-mia-rốp-na, một tai họa lớn đã xảy ra, anh ấy đã bị hy sinh».
Chính ủy kết luận:
- Lẽ dĩ nhiên chừng nào ban chỉ huy binh đoàn chưa có tất cả những chi tiết và chưa công bố những tổn thất, không nên nói cho mọi người khác biết.
- Thưa đồng chí chính ủy tôi đã hiểu - Cli-mô-vít vừa nói. vừa đứng dậy - Đồng chí cho phép tôi về chuẩn bị?
Chính ủy cũng thấy không cần thiết phải kéo dài câu chuyện nặng nề này. Anh đứng dậy, bắt tay Cli-mô-vít và để Cli-mô-vít đi.
Khỉ Cli-mô-vít đã ra rồi, chính ủy còn đi đi lại lại dăm phút trong phòng làm việc, bước chân dài và đều. Anh còn nhiều việc phải làm trước khi đi, phải làm, và phải làm ngay - Nhưng trước khi trở lại giữa đám sĩ quan của anh, chính ủy muốn lấy lại bình tĩnh trong tâm hồn, để không ai đoán biết được sử xúc động của anh.
Chính ủy Goóc-đi-ép-xki thuộc loại người nghiêm khắc đối với mình. Nhiều lúc anh có cảm giác là mình không biết giấu sự xúc động, còn tỏ ra luống cuống, trong lúc kỳ thật nét mật anh vẫn giữ vẻ chăm chú bình tĩnh.
Trong suốt ngày hôm ấy, và nhất là từ lúc nói chuyện với Cli-mô-vít, một nỗi lo ám ảnh anh: chiến tranh đến gần kề mà anh thì chưa được chuẩn bị để đối phó với nó. Sự nghiêm khắc quá mức đối với bản thân làm anh tự phóng đại nhiều thứ về điều này, mặc dù những lo ngại của anh không phải hoàn toàn không có cơ sở.
Còn tương đối trẻ - anh vừa mới ba mươi - lần đầu tiên trong đời, từ tám tháng nay, anh được điều động sang làm chính ủy trong quân đội. Từ trước đến nay, trong sáu năm trời, anh vẫn đảm nhiệm việc giảng dạy duy vật lịch sử và duy vật biện chứng trong môi trường quân sự. Quen với việc mang quân phục ở cương vị một giáo sư, anh không bao giờ nghĩ rằng tương lai của mình có thể khác. Nhưng mùa thu vừa rồi, sau những việc xảy ra ở hồ Hát-xan, anh được bộ phận chỉ đạo chính trị trong quân đội triệu tập cùng với những cán bộ khác, và phái sang làm chính ủy một đơn vị đóng bên Viễn Đông. Vì tự ái cũng có, vì ý thức trách nhiệm cũng có, anh đã bắt đầu bằng việc không luyến tiếc cái quá khứ quen thuộc và bình yên ấy, rồi anh hoàn toàn quên nó đi. Những trách nhiệm của một chính ủy làm anh thích thú, mặc dù nó tỏ ra mỗi lúc một khó có thể làm trọn một cách thận trọng. Nhiều lần ngay cả lúc anh biết rằng mình đã có một quyết định đúng đắn anh vẫn thấy hình như mình chưa làm được cho quyết định đó hoàn toàn ăn sâu vào ý thức những người dưới quyền chỉ huy của anh, đi thẳng vào trái tim họ.
Anh còn có một khó khăn nữa là chỉ đến khi sang Viễn Đông anh mới thật sự làm quen với chiến xa. Anh đã biết điều khiển một chiến xa và mặc dù phải đeo kính anh cũng bắn đại bác và đại liên «tương đối khá», nhưng trong thâm tâm anh vẫn nghĩ thầm rằng điểm «tương đối khá» đó chưa đủ đối với một chính ủy.
Những khó khăn của anh không phải chỉ có thế. Goóc-đi-ép-xki biết rằng anh không thể nào ao ước có một thủ trưởng bính đoàn khá hơn Xa-rít-sép; ông ta chỉ huy binh đoàn rất cừ và đã lâu năm. Hơn nữa do kinh nghiệm, rất hiểu rõ giá trị của công tác chính trị trong quân đội, ông không bao giờ làm giảm tầm quan trọng của nó và, ngay từ buổi đầu, ông đã giúp đỡ người chính ủy trẻ tuổi với sự tế nhị pha lẫn nóng nảy, nó là đặc tính của ông. Hết sức quan tâm đến uy tín của Goóc-đi-ép-xki, ông cắt đứt ngay lập tức, một đôi lời châm biếm quá trớn của các chiến sĩ xe tăng về «ông giáo» và tự đặt cho mình nhiệm vụ, phải tỏ rõ cho mọi người biết ông không tự quyết định một vấn đề quan trọng gì mà không có chính ủy. Nói tóm lại, ông giúp đỡ Goóc-đi-ép-xki để trở nên một người ngang hàng với mình. Nhưng chính thái độ ấy lại càng làm tăng thêm khó khăn, phóng nó to thêm ra, vì lòng tự ái và sự nghiêm khắc của Goóc-đi-ép-xki trong việc tự đánh giá những khuyết điểm của mình, bản thân anh cũng có một ý niệm cao về tư cách và đạo đức của một chính ủy. Những người trong binh đoàn cũng chóng nhận thấy sự kiên quyết và nghị lực của Goóc-đi-ép-xki và mặc dù anh thiếu kinh nghiệm, họ cũng dần dần biết tôn trọng anh. Anh cũng biết rằng còn xa lắm họ mới có đối với anh, lòng tận tụy thầm lặng, lòng ngưỡng mộ, sự kính trọng có tính chất cha con như đối với Xa-rít-sép. Danh từ «ba-ti-a» - bố già - như người ta vẫn thân mật gọi Xa-rít-sép trong binh đoàn, biểu lộ điều đó một cách rõ ràng nhất.
Goóc-đi-ép-xki biết rõ rằng người ta sẽ không bao giờ dùng danh từ đó đối với anh: anh còn quá trẻ đối với điều đó và không trải qua những năm Nội chiến, hay không có tính đôn hậu hơi nóng này của Xa-rít-sép, mà chỉ riêng nó cũng đủ để người ta có thể gọi ông ta bằng danh từ ấy rồi. Nhưng dù sao, anh cũng kiên quyết trở nên một người ngang hàng với Xa-rít- sép, một cán bộ mà ngoài lòng tôn trọng ra, anh còn yêu mến một cách thành thật.
Vì anh không có những nét quyến rũ như bản thân Xa-rít-sép, cũng không có những chiến công, hay tài năng quân sự của ông ta, anh phải ngang hàng với ông bằng những đức tính khác: liêm khiết, cương nghị, công minh, thấu hiểu nghiệp vụ quân sự và sau hết, dũng cảm trong chiến đấu.
Lúc về mở cửa, Xa-rít-sép nhìn thấy hình dáng cao lênh khênh của Goóc-đi-ép-xki đứng hơi khom khom; có một mình, anh đã quên không giữ đúng tư thế quân sự mà thường thường anh cố gắng tôn trọng, và cứ đi đi lại lại, vẻ đăm chiêu, tay chắp sau lưng như khi anh còn làm giáo sư. Goóc-đi-ép-xki quay mặt về phía Xa-rít-sép và nhìn vẻ lo âu trên nét mặt gày guộc của anh, ông đoán được Goóc-đi-ép-xki nghĩ gì, nhưng ông nói với anh về chuyện hoàn toàn khác.
- Tôi vừa nói chuyện với U-lan Ba-to - ông nói vừa đi sát về phía cửa sổ, tiếng động cơ chiến xa nổ ầm ì ở đằng sau - Tôi hỏi họ là người ta có tiếp tục tải gạch bằng xe vận tải từ xa như thế đến bao giờ. Họ trả lời: người ta sẽ xây một xưởng gạch nhỏ ở đây vào mùa thu. Nếu được như thế, chúng ta sẽ xây dựng vào mùa đông một vườn trẻ thật đẹp, và nhân tiện một nhà gửi trẻ. Có thể xây dựng cả một nhà hộ sinh nhỏ, ta sẽ có đủ mọi thứ cần thiết - ông nới thêm, giọng kém chắc chắn hơn.
Goóc-đi-ép-xki không nhịn được cười. Xa-rít-sép và vợ, Ma-ri-a J-nha-chi-ép-na, không có con, và lòng mến trẻ của hai người thật không có bờ bến. Là một người lính tốt, Xa-rít-sép tỏ ra độ lượng với những chuyện yêu đương lặt vặt của những sĩ quan trẻ tuổi chưa vợ, hay giả đò như không nhìn thấy một số vụ ly dị nào đó miễn là chưa có con cái với nhau. Nhưng thật là vô phúc cho những sĩ quan có vợ và đã làm bố «lại tự cho phép một tí chút lệch lạc», như Xa-rít-sép thường nói. Những trường hợp ấy ông tỏ ra rất hắc đối với những vụ xích mích trong gia đình, ông thường khiển trách làm người ta sợ ông như sợ lửa. Lũ trẻ cảm thấy ông yêu chúng, lợi dụng các thứ ngày hội thiếu nhi, mà lần nào Xa-rít-sép cũng có mặt, để làm các thứ trò quái quỷ mà theo Goóc-đi-ép-xki hình như quá trớn, vì chỉ còn thiểu chút nữa là chúng «nhẩy cừu» với Xa-rít-sép.
Một nhận xét mặc dù rất tế nhị của Goóc-đi-ép-xki về vấn đề này đã làm nổ ra một câu chuyện duy nhất không được dễ chịu giữa anh và Xa-rít-sép.
- Xin anh đừng lo cho uy tín của tôi - ông trả lời lạnh lùng vừa vuốt cong ria mép lên một cách phẫn nộ - không phải chỗ này là chỗ tôi sẽ mất nó.
Lúc này nghe ông nói về nhà hộ sinh, Goóc-đi-ép-xki mỉm cười nhớ lại câu chuyện không lấy gì làm thú vị lắm đã qua và nhận xét rằng xây riêng một dãy phòng cho nhà hộ sinh thì kể cũng hơi quá.
- Phải, thật ra, tôi cũng có nói quá đi một chút về điểm này. Nhưng mà sao lại không? Ta làm một cái cho chúng ta và cho cả người Mông-cổ nữa. Họ chỉ có mỗi một cái mà lại ở cách đây rất xa. Vậy thì tại sao anh cười?
- Anh dự kiến một hệ số sinh đẻ cao phải không? - Goóc-đi-ép-xki hỏi.
Xa-rít-sép cũng mỉm cười, và lại đi về phía gần cửa sổ, từ phía bên kia cửa vọng lên tiếng ầm ầm của chiến xa dưới phố, và quay về phía Goóc-đi-ép-xki, ông nói, giọng buồn buồn:
- Tội nghiệp cho Rút-xa-cốp!
Ngày hôm sau đến rất mau với Cli-mô-vít. Anh có quá nhiều việc phải làm trước khi đi đến nỗi không có thời giờ về nhà ăn cơm chiều, và suốt đêm không chợp mắt. Anh cho chiến xa đi ra trong thảo nguyên và, khi trở về nhà, để chiếc áo da và mũ ở gian ngoài trước phòng anh và phòng Rút-xa-cốp, anh lấy ở trong một chiếc tủ áo nhỏ một chiếc bàn chải đánh giày, chải bụi trên đôi bốt và rón đầu ngón chân đi vào phòng mình.
Li-u-ba đang ngủ, đầu gục trong đôi bàn tay, trên bàn còn bộ đồ trà - chị ngẩng đầu và mỉm cười, vẻ có lỗi.
- Em ngủ thiếp đi mất. Em đợi anh lâu quá và rồi em ngủ thiếp đi.
- Đáng nhẽ em phải ngủ thật sự mới đúng - Cli-mô-vít nói - Anh đã gửi cho em mấy chữ báo rằng chỉ đến sớm anh mới về cơ mà.
- Nhưng nếu anh chỉ tạt về qua có năm phút? - Li-u-ba nói - Nếu em ngủ, sẽ chẳng có nước trà, chẳng có gì hết.
Chị mở nắp dỏ lấy chiếc ấm bằng men xanh và rót nước. Trước sự mời mọc thầm lặng đó, Cli-mô-vít ngồi vào bàn và khoan khoái uống mấy ngụm nước trà đặc.
- Đêm hơi lạnh, anh mặc áo da mà chỉ vừa vặn ấm.
- Em, khi em nghe thấy xe tăng mở máy, em nghĩ bụng có lẽ anh chẳng kịp cả tạt về từ biệt em.
- Anh tưởng chưa bao giờ giữa chúng ta lại xẩy ra chuyện như thế.
- Đúng, nhưng lúc này chúng ta gần như ở thời kỳ chiến tranh.
- Phải «gần như» thôi, nhưng nếu chiến tranh là chiến tranh, thì gia đình vẫn cứ là gia đình.
- Anh... ở lại à? - Li-u-ba hỏi giọng lo lắng, vì chị biết Cli-mô-vít sẽ rất đau khổ nếu không được đi cùng với binh đoàn. Bản thân chị cũng không muốn anh ở lại.
- Không, tối nay anh sẽ đuổi theo binh đoàn. Anh ở lại chỉ vì có một việc phải làm.
Li-u-ba như thường lệ, không hỏi chồng, chị muốn đợi để tự anh nói ra thì hơn. Nhưng Cli-mô-vít không nói gì, vẫn tiếp tục uống trà.
- Anh đi vắng có lâu không?
- Anh không biết. Cuộc hành quân trên dự định bốn ngày
- Rồi sau thế nào?
- Anh không biết gì cả.
- Có lẽ đến mùa thu chắc?
- Tất cả đều có thể.
Cli-mô-vít với tay lấy chiếc ấm và rót vào cốc mình một lần thứ hai. Anh nghĩ rằng, nếu chiến tranh thật sự nổ ra, tốt hơn hết là phải biết các gia đình tản cư theo hướng nào và cách thức giải quyết ra sao mọi vấn đề, chuyên chở, giấy má, hành lý và vô số những vấn đề khác, đã ngừa trước và bất ngờ - Nhưng nói với vợ về chuyện ấy bây giờ, lúc binh đoàn vừa rời khỏi làng, có nghĩa là càng làm cho chị tin chắc rằng đơn vị đi ra mặt trận.
Anh cố ý nói lảng sang chuyện khác:
- Đến mùa thu ta có thể gửi Mai-a vào nhà gửi trẻ, để em có thể làm việc được. Nhà gửi trẻ ở đây cũng khá.
- Và em còn khá hơn - Li-u-ba mỉm cười.
- Thế nào? - Cli-mô-vít hỏi, không hiểu.
- Khá hơn vườn trẻ. Con còn nhỏ, em muốn đợi một năm nữa mới làm việc. Lẽ dĩ nhiên, chừng nào mà chưa thật sự cần thiết.
- Sự cần thiết chẳng có dính líu gì vào đây cả - Cli-mô-vít trả lời, bực mình - Anh chẳng hề nghĩ rằng người ta sẽ bớt lương anh đi. Anh chỉ nghĩ đơn giản là em có thể chán. Tốt hơn hết là em cũng có một đời sống của em.
- Làm sao còn có thể chán được? Đời sống của em là con - chị nói thêm, mắt đưa chỉ về phía tấm rèm che chiếc giường nhỏ - Có lẽ em nghĩ không đúng - chị lại nói, giọng hơi buồn - nhưng lúc này, em không muốn gì khác, em không nghĩ đến một cuộc sống khác. Nếu em muốn một điều gì khác...
Chị thoảng nở một nụ cười khi nghĩ đến đứa con thứ hai mà cả hai vợ chồng đều ao ước, nhưng lòng e thẹn của chị át đi khiến nụ cười biến mất trên khuôn mặt.
- Anh cũng không thúc giục gì chuyện đó, anh chỉ nghĩ là em hơi buồn một chút - Cli-mô-vít nhắc lại, nhưng Li-u-ba cắt ngay:
- Em biết anh muốn nói gì rồi - chị vừa nói vừa nghiêng đầu về phía chiếc máy chữ, để trên một ngăn gỗ đóng vào tường - Ngày nào em cũng đánh máy một cái gì, không cần phải ra khỏi nhà.
Và đúng như thế thật, chị bao giờ cũng có một việc gì làm cho câu lạc bộ, cho báo tường, và người ta lại vừa mạng từ thư viện đến cho chị bốn trăm thẻ để ghi.
- Em nghĩ rằng rồi cả đến Mai-a chẳng bao lâu nữa cũng biết đánh máy chữ - chị vừa nói vừa cười, nhưng đột nhiên chị nhìn thấy vẻ phiền muộn của chồng:
- Anh làm sao thế?
Cli-mô-vít vừa nghĩ thầm rằng thời gian anh định dành cho gia đình đã trôi qua. Trong phòng bên, anh vừa nghe thấy tiếng trẻ khóc và một giọng phụ nữ; anh cần phải làm tròn nhiệm vụ vì nó mà anh có mặt ở đây. Không trả lời Li-u-ba, anh đứng dậy và bước đến rồi ngừng lại một lát, trước chiếc giường tí xíu của Mai-a ở đầu phòng. Anh nhìn con ngủ với mối xúc động kỳ lạ mà những người lớn đôi lúc cảm thấy khi biết rằng mình có thể không trở về họ nhìn một sinh mệnh nhỏ bé, chưa đủ sức hiểu biết mà nghĩ cho đến cùng lại chính là để bảo vệ nó nên họ phải ra đi.
Rồi anh trở lại gần bàn, ngồi đối diện với Li-u-ba, gạt cốc nước sang một bên và, bình tĩnh khẽ kể cho chị nghe câu chuyện giữa anh và chính ủy mà anh thấy cần phải cho chị biết: đại đội công binh đi chiến đấu, có nhiều người bị thương và Rút-xa-cốp bị hy sinh.
Li-u-ba im lặng một hồi lâu. không nói một câu - Cả hai người cùng nghĩ đến một việc là lắng tai nghe tiếng trẻ thơ và tiếng chân dội lên từ bên kia liếp.
- Em phải giúp anh - cuối cùng Cli-mô-vít nói.
Li-u-ba trả lời, đơn giản:
- Vâng, nhưng làm thế nào?
- Anh ở lại để báo tin cho chị ấy biết, nhưng rồi anh, anh sẽ đi, còn em, em sẽ ở lại cùng với On-ga và em không được rời chị ấy.
- Em hiểu rồi.
- Chừng nào chị ấy chưa nguôi.
- Chẳng bao giờ chị ấy có thể nguôi được. Cuộc đời đối với chị ấy thế là hết. - Li-u-ba nói và chị nghĩ rằng sự thật quả đúng như vậy - On-ga Vla-đi-mia-rốp-na đã hơn bốn mươi, mẹ của ba đứa con nhỏ, và bao giờ chị cũng vẫn chỉ yêu có Rút-xa-cốp, trẻ hơn chị năm tuổi.
Cli-mô-vít không dùng chữ «nguôi» theo nghĩa Li-u-ba hiểu. Anh muốn nói On-ga sẽ khóc nức nở và có thể ngất đi nữa. Anh cũng biết rõ rằng On-ga Vla-đi-mia-rốp-na không thể nguôi và không thể quên Rút-xa-cốp một cách chóng vánh được, nhưng nghe câu Li-u-ba nói: «Cuộc đời đối với chị ấy thế là hết», anh thấy tim se lại. Ngoài cái chết mà anh sẽ báo tin cho chị, anh còn phải mang cái chết đến cho người đàn bà đáng thương ấy nữa.
Anh ngập ngừng nói với vợ:
- Có lẽ báo tin cho chị ta ở đây thì tiện hơn.
Li-u-ba nhún vai - Thật ra, nơi này hay nơi khác để báo một tin như thế thế cũng vậy thôi, có quan trọng gì?
Cli-mô-vít nói:
- Vì lũ trẻ, tốt hơn hết là đừng nói chuyện đó trước mặt chúng.
- Bao giờ thì anh định... làm việc đó - Li-u-ba nói, không nhận thấy nước mắt đang chảy trên mặt.
Chị nói những tiếng sau cùng này như người ta thận trọng mang trong tay vật gì mỏng manh dễ vỡ. Làm việc đó, có nghĩa là đi ra gian ngoài, đến trước của phòng On-ga Vla-đi-mia-rốp-ra, mở cửa ra, mời chị sang chơi một lát, trở về với chị trong căn phòng này để Cli-mô-vít nói cho chị biết tin chồng chị đã chết.
- Ngay bây giờ - Cli-mô-vít nói, giọng hết sức miễn cưỡng, vẻ mặt lạnh lùng và bình tĩnh của những khi súc động mạnh - Em đi sang đi.
Li-u-ba im lặng đi ra và làm đúng tất cả mọi điều chị đã tưởng tượng một lát trước: chị đi qua gian ngoài, mở cửa, nghe thấy tiếng On-ga và đi vào nhà.
Hai đứa lớn không có mặt ở đấy: «Chúng đi học» Li-u-ba nghĩ bụng. Con Ta-ni-a, lên năm vừa mới ngủ nhè xong, đang chơi búp-bê trong góc buồng On-ga đang là quần áo đàn ông, Li-u-ba nhận ra một chiếc trong loại những sơ-mi bằng vải bông mà tất cả mọi sĩ quan đều được phát mùa đông
On-ga quay đầu lại và đặt bàn là lên miếng sắt kê - Chị vận một chiếc áo mặc trong nhà bằng vải bông, khuôn mặt đẹp, tròn trĩnh, già trước tuổi, hơi ửng đỏ vì hơi nóng của bàn là.
- Em Li-u-bu, cái gì thế? - Chị nhìn thấy những ngấn nước mắt Li-u-ba quên chưa lau - Có chuyện không may à?
- Chuyện không may? - Li-u-ba nhắc lại và mấy tiếng đó làm chị rùng mình. Sao chị ta lại có thể biết được? Li-u-ba hiểu ngay rằng On-ga nói về mình, vì chị nhìn thấy những ngấn nước mắt. Li-u-ba lau mặt.
- Không, không, On-ga ạ, em đến mời chị sang bên chúng em chơi một lát.
On-ga để bàn là ở giữa bàn, nói với con gái là mình sẽ trở về ngay, rồi cởi tạp-dề và theo chân Li-u-ba.
Đến trước cửa phòng mình, Li-u-ba ngừng lại để On-ga vào trước - «Chị vào đi, vào đi» và Li-u-ba thấy hình như On-ga cần thiết phải vào trước, như là đáng lẽ vào nhà mình. On-ga đang theo sau linh cữu chồng và không ai có thể đi trước chị.
On-ga bước một vài bước vào trong phòng - Li-u-ba khép cửa lại và đưa mắt nhìn chồng - Anh vẫn giữ nguyên bộ mặt như sững sờ, không một giọt nước mắt, môi không run rẩy nhưng tất cả những nét trên một anh phản ánh quá rõ rệt điều bất hạnh khiến On-ga vội đi về phía anh, nắm tay anh và hỏi, giọng hốt hoảng:
- Cái gì thế, có chuyện gì xẩy ra cho hai người thế? - On-ga Vla-đi-mia-rốp-na - Cli-mô-vít nói, mặt tái nhợt hẳn đi, hai tay bỗng nắm chặt lấy tay chị.
Phải nói cho chị biết chuyện ấy, Li-u-ba nhắm nghiền mắt lại, như người ta làm khi người ta mơ thấy mình rơi tõm trong một vực sâu không đáy và đồng thời người ta thấy sợ đang mơ lại bỗng nhiên ngừng lại. Và cứ mắt nhắm nghiền như thế, chị nghe tiếng chồng nói:
- Chị On-ga Vla-đi-mia-rốp-na, anh Ni-cô-la đã hy sinh vẻ vang ngoài mặt trận.
Li-u-ba mở choàng mắt ra. Vợ Rút-xa-cốp nhìn Cli-mô-vít trên môi chị nở một nụ cười ngớ ngẩn nom rất kỳ dị, nụ cười của một người không hiểu gì hết, và ngất đi không nói một lời. Tin đột ngột quá, và chị sẽ ngã lăn trên sàn nhà nếu Cli-mô-vít không giữ lấy tay chị.
Hai người đặt chị nằm trên một chiếc trường kỷ nhỏ thường vẫn phải kê thêm một chiếc ghế nữa khi có khách ngủ lại. Có một tối Rút-xa-cốp giận vợ cũng đã ngủ trên chiếc kỷ này - Cli-mô-vít kéo một chiếc ghế lại và Li-u-ba nhấc chân On-ga để lên ghế.
Chị nói:
- Anh mang cho em ít nước.
Cli-mô-vít đãng trí, đưa cho Li-u-ba một cốc nước còn ấm rót ở trong bình ra.
- Nước lạnh cơ mà.
Cli-mô-vít ra phòng ngoài, múc trong gầu nước lạnh một bình nhỏ và trở vào. Li-u-ba lấy nước lạnh rấp ướt trán và hai bên thái dương On-ga Vla-đi-mia-rốp-na.
- Có phải gọi thầy thuốc không em? Có lẽ phải dùng am-mô-ni-ác? Làm thế nào bây giờ? - Cli-mô-vít đứng sau hỏi vợ.
Ngồi trên kỷ, bên cạnh On-ga vẫn nằm im không đụng đậy, chị tiếp tục rấp nước lên trán và thái dương On-ga. Cli-mô-vít nghĩ bụng lúc này Li-u-ba còn thạo hơn anh nhiều, chị biết việc gì cần làm và việc gì không cần.
Li-u-ba quay về phía anh nói:
- Anh hãy tạm lánh đi một lát. Chúng em sẽ thu xếp với nhau...
- Được - anh nói giọng ngoan ngoãn - Anh đi ra xem xe cộ thế nào. Anh phải lên đường bây giờ...
- Anh đi đi - Li-u-ba nhắc lại. - Đi xem xe cộ thế nào đi.
Anh đi về phía cửa, nhưng đột nhiên cảm thấy Li-u-ba nhìn mình ở sau lưng - Quay vội đầu lại, anh nhìn thấy cặp mắt chị không có thì giờ giấu anh - Cặp mắt đó cầu khẩn anh đừng chết như Rút-xa-cốp, đừng để chị đơn chiếc như On-ga.
- Em đề nghị anh đi đi - Li-u-ba nói hối hả, biết rằng mình không thể giấu được chồng nét mặt của mình và cũng chẳng tìm cách giấu nữa. Chị chỉ ao ước có một điều, anh đi càng nhanh càng hay, anh đừng nhìn thấy mặt chị nữa.
Cli-mô-vít ra khỏi nhà - Trời vẫn nóng như mọi lần trong phố bụi. Những người Mông Cổ dẫn súc vật vượt qua một ngã tư và một chiếc xe vận tải, chở những hòm đạn, đứng lại đợi, máy nổ không.
«Rồi chúng mình, chẳng bao lâu nữa. chúng mình chắc cũng sẽ tham chiến» Cli-mô-vít nghĩ thầm, óc vẫn không quên được đôi mắt của vợ.