Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Hạ Giá - Băng Tâm
B
à giúp việc cho gia đình chúng tôi phải về quê ở An Huy để cưới vợ cho con. Trước khi về, bà nói với tôi:
— Bà giáo à, lần này tôi về có lẽ không lên được nữa đâu. Giúp việc ở nhà ta đây, tôi cảm thấy thoải mái, nhàn nhã lắm, thật tiếc là tôi lại phải về. Tôi có con cháu gái hôm qua mới tới thăm tôi. Cháu vừa tốt nghiệp cấp hai thì mẹ cháu mất. Bố cháu đi bước nữa nhưng mẹ ghẻ cháu không thương nó, mọi việc từ việc nhà đến việc ngoài đồng một mình cháu phải quán xuyến hết. Tôi nghe cháu kể mà thương dứt ruột nên mới nhờ người cùng quê đưa cháu lên đây, muốn xin với bà cho cháu thế chân tôi. Cháu biết làm đủ việc, lại có văn hóa, hơn đứt tôi đấy bà giáo ạ.
Nói xong bà kéo từ phía sau lưng ra một cô gái chừng đôi mươi, da dẻ vàng vọt, quần áo xuềnh xoàng nhưng tên rất hay là Ngọc Phượng. Bà giúi cô một cái:
— Mau đến chào bà giáo đi. Bà là chủ của cháu đó!
Ngọc Phượng ngượng ngừng cúi xuống vái tôi một cái thật dài.
Hồi ấy tôi chưa về hưu, con gái tôi là Tiểu Trân vừa tốt nghiệp đại học, cũng đang dạy cấp hai. Trong nhà, việc lớn việc nhỏ cũng nhiều. Tôi rất mừng là có Tiểu Ngọc đến giúp việc.
Tiểu Ngọc tuy gầy yếu nhưng rất nhanh nhẹn tháo vát. Giúp việc chưa được một tháng mà cả nhà tôi đều thích cháu. Cũng do đã lâu không được hưởng sự êm ấm trong gia đình nên khi tới sống trong một gia đình giản dị hòa hợp như nhà chúng toi, cô bé dường như tìm lại được tình cảm đầm ấm. Con gái tôi đem quần áo của mình chia cho cô bé, bốn mùa đủ thay đổi. Hai đứa thân nhau như chị em gái. Tối nào Tiểu Trân cũng dạy Toán và Anh văn cho cô bé, động viên cô sau này đi học thêm trung cấp chuyên nghiệp.
Hai năm trôi qua. Bỗng một hôm, Tiểu Ngọc lúng túng thưa chuyện với tôi rằng có một người cùng quê giới thiệu cô làm chân bán hàng cho một tiệm ăn, tiền công mỗi tháng vài trăm, chưa kể tiền thưởng. Cô rơm rớm nước mắt nói:
— Con thật sự không muốn xa gia đình ta, nhưng nếu con muốn học tiếp thì phải để dành được một khoản tiền...
Lúc này tôi đã nghỉ hưu, thấy có thể lo liệu việc nhà được nên tôi và Tiểu Trân đều nói ngay:
— Chúng tôi thông cảm với em và cũng mừng thay cho em. Em cứ yên tâm mà đi, có rảnh thì đến thăm chúng tôi.
Thế rồi, như về thăm gia đình, chủ nhật nào Tiểu Ngọc cũng tới. Trong hai năm ở nhà chúng toi, cô đã đỏ da thắm thịt hơn nhiều, lúc này lại mặc váy liền áo màu sắc tươi tắn nên càng xinh đẹp. Chúng tôi đều cười mà bảo suýt nữa chúng tôi không nhận ra cô.
Lần nào về, Tiểu Ngọc cũng mang ít hoa quả, nhất là món nấm đậu phụ mới làm thì cô hay mang đến. Cô nói:
— Con xem sách thấy nói người già xương cốt lỏng lẻo, tốt nhất nên ăn những thứ có chứa chất canxi. Ngoài sữa và trứng gà ra tốt nhất là những thứ chế từ đỗ. Bà và chị có đi mua thức ăn cũng khó mà gặp lúc có đậu phụ mới làm.
Tôi định từ chối không nhận thì cô gái nháy mắt với Tiểu Trân, cười nói:
— Lương con bây giờ cao hơn cả bà và chị, chút quà này có đáng là bao!
Chúng tôi đành chiều theo cô.
Một hôm, cô gái còn mang đến cho chúng tôi một cái đài hình chữ nhật màu trắng điểm xanh. Cô đặt trên bàn làm việc của tôi bảo:
- Cái đài này mua chưa tới một phần mười tiền công của con. Sáng dậy bà nghe mục Trích yếu tin tức và điểm báo chẳng hơn đứt đi mua báo hay sao? Dạo trước mỗi lần phải tới bưu biện đặt báo này báo nọ cho bà, con cảm thấy lãng phí hết sức! Thực ra những tin cần đưa lên báo thì đâu cũng như nhau cả thôi.
Tôi vừa ngắm nghía chiếc đài xinh xắn vừa cười nói:
— Trên báo không phải toàn là tin mà còn nhiều mục cần đọc khác nữa. Vả chăng bảo đọc xong xếp vào một chỗ, lâu lâu bán cho hàng đồng nát cũng chẳng thu lại được một ít tiền là gì?
Ngọc Phượng ngắt lời tôi nói:
— Bà không biết đó thôi, đồng nát thì được mấy đồng? Bây giờ người ta ai cũng nói mọi thứ lên giá hàng ngày, chỉ có hai thứ rẻ đi, một là đồng nát, hai là trí thức... — Nói đến đây, chợt cô im bặt.
Tim tôi chợt thót lại, tự nhủ:
— Trí thức rẻ như đồng nát, điều này ta cũng biết từ lâu!
PHẠM TÚ CHÂU dịch