Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Chương 2
K
achia, chỗ này chịu khó cúi xuống một tý không có đập đầu đấy, - Masa nói, khi hai cô sờ soạng theo các bậc thang đi xuống tầng nhà hầm.
Sực mùi bắp cải muối và các thứ rau, củ thối hỏng. Masa bật diêm và Kachia nhìn thấy phòng đệm hẹp để đầy các thùng gỗ lớn đựng bắp cải muối và các hòm gỗ đựng củ cải trắng, củ cải đỏ, khoai tây.
- Dự trữ cho mùa đông đấy. Thành phố dạo này đang đói lắm, - Masa đi ở phía trước giải thích. Kachia chỉ muốn nhìn Masa một chút thôi, nhưng que diêm đã tắt. Ngay lúc ấy cánh cửa nhẹ nhàng mở ra và Masa cùng với Kachia bước vào phòng ngoài của căn hộ nằm ở tầng nhà hầm của ngôi nhà gỗ hai tầng. Nói một cách chính xác hơn đây không phải là căn hộ mà là một loạt buồng kiểu chuồng chim được ngăn cách nhau bằng những tấm gỗ mỏng: từ phía lối vào ở bên trái - là bếp có che ri-đô thay cửa, thẳng lối vào - có hai lỗ cửa nữa cũng làm lối vào cũng được che bằng ri-đô. Trần nhà ở không bằng phẳng, tường nhà vì lâu ngày và vì chịu đựng cả cái sức nặng của tầng trên nên đã bị cong xuống, những chiếc cột gỗ tròn xẻ đôi nay cũng không còn sức chống đỡ. Nhưng cả cái mặt trần lồi lõm lẫn cái mặt tường càng lồi lõm hơn ấy đều được quét vôi trắng rất là cẩn thận và dưới ánh sáng của cây đèn đặt dưới chân các tượng thánh,, mặt tường ánh lên màu trắng bạc xen lẫn màu xanh lơ.
- Vali của cậu để vào đây, Kachia. - Masa xách chiếc vali của Kachia đi vào một cửa có che ri-đô. - Nào, ngồi xuống bên bàn mà nghỉ đi một tý. Mình sẽ mang nước chè ra ngay cho cậu và mời cậu món khoai tây luộc ăn với cá trích, rồi sau sẽ chuyện trò.
Masa hết chạy ra lại chạy vào. Chỉ đến lúc này Kachia mới nhìn rõ người bạn mới của cô. Có thể Masa lớn hơn Kachia chút ít, mà cũng có thể là cảm giác vậy thôi, vì ánh sáng lờ mờ làm cho cô gái có cái vẻ hơi nặng nề. Mặt tròn, mắt tròn và khá béo so với tuổi của mình, cô gái lại có vẻ nhanh nhẹn, tháo vát và chính xác trong các động tác của mình. Cô mặc bộ áo liền váy dài, rộng và mở ra ở phía gần gấu, đầu đội chiếc khăn vuông buộc giải ở đâu phía sau gáy. Cô đi đôi bốt có dây buộc đến tận gối.
Kachia đang đói, cô ăn khoai tây luộc với món cá trích và bắp cải muối một cách ngon lành, chiêu nước nấu cành bạch dương rất đặc mà cô chưa từng được uống bao giờ. Ở đây tất nhiên thì không thể có được thứ bánh nhân pho-mát nở phồng hay thứ xúp nấu với thịt lợn béo ngậy như ở chỗ bác gái Xtaxia. Ở bên ấy đời sống nhờ vào đôi tay tài nghệ của Naximôvích và bọn con gái ăn diện nhà giàu của thành phố Tômxcơ, nhiều khi theo sự thỏa thuận của đôi bên đã trả tiền công may bằng hiện vật: bột mì, hạt kê, thịt.
Masa ngồi xuống đối diện với Kachia, chăm chú nhìn cô rồi mỉm cười vẻ rất e dè, như trẻ con. «Cô nàng còn hoàn toàn là một cô bé», - Kachia nghĩ.
- Cậu bao nhiêu tuổi rồi, Masa? - Kachia không nhịn được, liền hỏi.
- Đến ngày thiên chúa giáng sinh này thì đầy hai mươi tuổi. Còn cậu?
- Mình hơn tuổi cậu nhiều. Mình hai mươi hai rồi.
- Thế mà nhiều! - Masa cười. - Chúng mình, sẽ cùng già một lúc với nhau. Thậm chí mình sẽ già trước cậu.
- Vì sao vậy?
- Vì mình là thợ xếp chữ. Những người làm nghề in chóng già, bụi chì làm tổn hại sức khỏe.
- Thế cậu đã biết hết về mình rồi đấy chứ, Masa?
- Biết. Còn về mình thì mình kể cho cậu nghe. Rồi sau đó mình sẽ nói thêm cả về cậu nữa. - Và Masa lại một lần nữa mỉm cười vẻ rụt rè, đưa đôi mắt rất thân ái ngước nhìn Kachia.
- Bọn mình ở đây có ba người: hai chị gái với thằng em. Chị mình tên là Đunhia, đi làm ca đêm ở nhà máy in, mình với chị ấy cùng đứng bên một bàn chữ. Thằng em mình là Xtêpan, nó hiện đang ở nhà. Nó mười sáu tuổi. Làm công việc khuân vác ở kho nhà mụ lái buôn Nhêkraxôva. Nó giống bố mình - khỏe kinh khủng. Nếu kéo co nó có thể kéo bay cả mình và Đunhia đi! Xtêpan! - cô gái cao giọng. - Ra đây nào, nói cho một tiếng «chào» chứ.
- Nghe thấy rồi, - một giọng bình tĩnh vang ra. Chiếc ri-đô ở cửa mé bên trái động đậy, và cậu em trai của Masa từ trong buồng đi ra, mắt nheo lại vì ánh sáng của cây đèn. Đấy là một thiếu niên cao, gầy, hơi xương xương, vai nhọn, cậu ta mặc chiếc áo cổ cài lệch sang bên cạnh, có thắt lưng, ống quần dắt vào ủng. Mái tóc hơi quăn như làn sóng, màu vàng sẫm được chải chuốt cẩn thận trên cái đầu tròn khá to. Vẻ mặt nghiêm nghị, thậm chí hơi quá nghiêm nghị nữa, không thể thoáng hiện một nụ cười. Còn đôi mắt thì giống hệt mắt của chị, rụt rè và hiền hậu. Chỉ có điều, trong đôi mắt ấy hình như có nhiều sự chăm chú và tò mò hơn mắt Masa.
- Lukianốp, - cậu thiếu niên tự giới thiệu, chìa tay về phía Kachia, rồi nói thêm giọng trầm hơn: - Xtêpan.
- Em ngồi xuống một tý nào, Xtêpan, - Masa nhìn em. Cậu em trai ngoan ngoãn thu mình ngồi xuống chiếc ghế dài, cùng ghế với khách. - Chị Kachia từ Pêtécbua đến đây, chị đến để giúp một đồng chí, nhưng em biết không, chị ấy lại vừa bị bọn cảnh sát nhận ra, - Masa nói, hạ thấp giọng, tưởng như ai đó có thể nghe được tiếng của cô trong cái gian buồng nằm sâu dưới đất tới hai ácsin này ấy. - Ngày mai chị và chị ấy sẽ về làng Lukianốpca. Còn để đề phòng mọi bất trắc thì em hãy nhớ: chị ấy là bạn của chị. Thế thôi. Chị ấy cũng như chúng ta, là người nhà quê. Còn như thế nào, cái gì, tại sao - thì có quan hệ đến ai? Em hiểu chưa, Xtêpan?
- Hiểu rồi, - Xtêpan hất mái tóc và đứng lên đi về phòng mình. Khi cậu thiếu niên đã đi khuất và buông ri-đô xuống, Kachia lo lắng nói với Masa.
- Nói với Xtêpan về mình như vậy có nên không? Dù sao thì càng ít người biết càng tốt, Masa ạ, - Kachia nhìn vào mắt người bạn gái thầm thì.
- Không thể nào khác được, - Masa lắc lắc cái đầu đội khăn. - Xtêpan phải biết mọi chuyện. Ông Naximôvích dặn là phải kể cho nó nghe hết mọi chuyện không giấu giếm một tý gì. Giữa nó và ông ấy có những công việc riêng với nhau, mà mình và Đunhia không được biết.
- Thôi, thế thì mình xin lỗi Masa nhé, - Kachia mừng rỡ và bỗng nhiên cô nhớ lại một chuyện đã lâu: cô và Ivan Akimốp cùng nhau chậm rãi đi trên bờ sông Nhêva. Gió mạnh, mặc dù đang nắng. Sóng xanh đánh mạnh vào đá hoa cương. Đầu của mùa xuân. Những búp non đã mở ra, nhưng chưa thành lá, cái giây phút hân hoan ấy của lá cây chưa đến. Không khí lúc thì lạnh, lúc lại êm dịu và ấm, nhưng sạch và trong vắt - không một hạt bụi, không một mùi hôi hám, lúc thì ngược lại, không khí ngột ngạt - nặng mùi đất úng nước, gợn gợn một thứ bụi li ti dính dính. Mùa xuân là mùa yêu đương, thời kỳ mở đầu cho sự sinh sôi nảy nở của cả đất đai và con người.
Họ nói chuyện liên tục, không lúc nào ngừng. Ivan nói lên những suy nghĩ của mình về cách mạng, về sức mạnh vô cùng to lớn của nó. Mỗi một người công nhân, Ivan nói, đều tiềm ẩn trong mình một nhà cách mạng. Hôm nay họ còn chưa giác ngộ, nhưng ngày mai, ngày mai... Ivan tìm từ để so sánh. Anh lưu ý cô nhìn những búp cây. «Em thấy không, chúng nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Hôm nay chúng còn chưa nở ra, vì chúng bị cái vỏ dính ở bên ngoài bao bọc, nhưng ngày mai chiếc lá xanh sẽ mừng rỡ bung ra và thiên nhiên sẽ thay đổi đến mức không thể nhận ra. Và sẽ chẳng có sức mạnh nào ngăn cản nổi sự vươn dậy ấy của thiên nhiên. Cách mạng cũng có những quy luật khắc nghiệt của nó».
«Phải rồi, anh Ivan, phải rồi, anh nói đúng, anh nói đúng. Đây chính là chúng, những chiếc lá đã bung ra từ những búp cây. Masa, Xtêpan. Bác Naximôvích liệu sẽ làm gì được nếu không có những con người như thế! Còn em sẽ ra sao nếu không có bác Naximôvích và bác gái Xtaxia? Có lẽ em đã trở thành miếng mồi ngon cho tên Prôskin rồi. Còn bây giờ em sẽ đấu tranh, và sẽ đấu tranh đến thế nào nữa ấy chứ», - Kachia thầm nói trong đầu. Sau những giây phút đau khổ mà cô vừa trải qua lúc đứng ở sân nhà ông Naximôvích, lúc này cô thấy phấn chấn và mạnh dạn hẳn lên.
- Masa, có lẽ mình đã làm cho cậu mất thì giờ nhỉ. Cậu tha lỗi nhé. - Kachia rướn người lên nắm lấy tay Masa để cảm ơn. Cô bỗng chạm phải một cái gì mềm mềm mà lại có vẻ như không phải da thịt con người.
Masa giơ tay lên, và chỉ lúc này Kachia mới nhìn thấy tay bạn mình đang được băng chặt. Làm sao mà lúc trước cô lại không nhận ra điều đó nhỉ? Đúng thế, nhưng cô lại nhận ra một điều khác: Masa lúc nào cũng cứ né né, một bên vai cô giấu đi, còn tay thì để ra phía sau. Kachia cứ tưởng đó là thói quen của cô gái muốn làm điệu một tý.
- Tay cậu làm sao thế? - Kachia hỏi và cảm thấy ngượng ngượng vì đã để cho Masa xách hộ mình chiếc vali từ đường phố vào.
- Đến ngày cưới thì sẽ khỏi! - Masa cười không được vui và nhấc ghế ngồi sát lại bên Kachia. - Lúc đầu thì có vẻ như chẳng có gì đáng kể. Bố mình mang về một con cá măng. Mình mới đem đánh vảy, và vô ý thọc ngón tay vào mồm nó, nó cắn luôn. Cứ tưởng là rồi sẽ khỏi! Mình cứ đi làm. Mà công việc của mình thì thiếu ngón tay là chẳng làm gì được. Mỗi một con chữ phải dùng ngón tay mà cầm rồi đặt vào dòng. Có lẽ vết sứt bị bẩn. Nó bắt đầu có mủ rồi sưng tấy lên. Mình đến bác sĩ - ông ấy cho thuốc rửa và thuốc đắp. Chẳng ăn thua gì cả. Càng ngày càng tệ hơn. Mình không thể nhặt chữ được nữa. Người ta cho nghỉ 10 ngày. Chính vì thế mà mình mới có điều kiện để về làng với cậu đấy.
- Thế có thể lại tệ hơn nữa không? Cậu sẽ không bị mất cánh tay đấy chứ? - Kachia lo lẳng.
- Không! Bố mình đã dạy cho cách chữa bằng các thứ lá rừng.
- Không ăn thua gì đâu, Masa ạ. Mình cảm thấy kỳ quặc đấy - một cô gái có chữ nghĩa, thế mà lại tin vào những thứ thuốc lang băm, - Kachia trách móc.
- Không, không, đấy không phải là thuốc lăng băm. Bố mình không phải là thầy lang. Đấy là những thứ lá của thiên nhiên. Một thứ lá gì đấy. Ngâm nó vào nước nóng là nó lại xanh lại như khi vừa mới ngắt ở trên cây xuống. Thứ lá ấy rịt vào là hút hết mủ ngay. Còn thứ nhựa rất sạch, nhựa cây bá hương, thứ lá làm cho vết thương lên da...
- Chỉ có điều, Masa ạ, cậu làm thế nào để cho nó đừng có tệ hơn thôi.
- Mình đã dùng thuốc ấy hôm nay là ngày thứ ba, và thấy dễ chịu hơn. Còn về phần cậu, Kachia ạ, cậu hãy nghe mình, - bỗng Masa chuyển sang nói về một chuyện hoàn toàn khác và giọng nhỏ hẳn đi, - ở đấy, ở Lukianốpca, cậu sẽ nhận là bạn mình, công nhân xếp chữ, để cho người ta khỏi hỏi: ở đâu đến, đến làm gì?.. Giấy chứng minh thư thực của cậu giấu đi? còn đây là thẻ ra vào nhà máy in. Nó là của bạn mình tên là Kachia Kanđrasina còn lại. Nó mới chết dạo hè vừa rồi vì bệnh lao phổi...
- Lúc ấy nó bao nhiêu tuổi?
- Sang tuổi hai mươi mốt. Nó bị bụi chì giết hại đấy. Năm mười bốn tuổi nó vào nhà máy in học nghề, và sau sáu năm - nó bị chết! Thế mà nó lại là một đứa xinh gái và hiểu biết nhiều! Mẹ nó bây giờ sống chỉ có mỗi một mình.
Kachia cúi đầu xuống, cô có cảm giác như nếu cô nhìn vào mặt Masa, lúc này đang rưng rưng nước mắt, thì chính cô cũng sẽ không thể cầm lòng. «Trời ơi, trong cái thế giới tàn nhẫn, vô nhân đạo này biết bao nhiêu con người đẹp đẽ đã chết đi chưa kịp được biết thế nào là một cuộc sống tử tế», - Kachia nghĩ, trong lòng sôi sục ý chí muốn trả thù cái thế giới mà lúc này đối với cô biểu hiện ở hình ảnh tên Prôskin với cái mặt phì phị đầy nhẫn tâm của hắn.
Kachia tay run run cầm lấy tấm thẻ của người con gái đã chết do Masa đưa cho cô, chốc sau cô nhẹ nhàng dở thẻ ra xem nhưng cô không sao có thể nhìn ra khuôn mặt người đã giúp cô. Mặt trong cũng như mặt ngoài của tấm thẻ đều bẩn bụi và giây đầy các màu mực in. Ảnh của cô cũng không thể nào nhìn ra được. Mực dầu của con dấu đóng vào đấy đã loang ra, lâu ngày tấm ảnh mờ đi, thậm chí đến bóng dáng của khuôn mặt cũng không thể nào khôi phục lại được. Nhưng việc tấm ảnh vẫn còn nguyên tại chỗ dù sao cũng rất hay, nhờ nó tấm thẻ thêm vẻ trang trọng. Đừng có trách móc nhé, bạn gái của tôi, đừng quá nghiêm khắc nhé. Đây không phải là sự xúc phạm đến bạn, đến vong linh bạn đâu, tất cả chỉ là vì bắt buộc phải làm. Vì hoàn cảnh của cuộc đấu tranh với kẻ thù, những kẻ đã không thương xót bạn, đã dập vùi cuộc đời non trẻ của bạn. Kachia mở cúc chiếc túi áo bí mật của mình, nhét chiếc thẻ của Kachia Kanđrasina vào đấy, rồi lặng đi suy nghĩ, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn Masa.
- Thôi, bây giờ thì đi ngủ, mình sẽ gọi dậy sớm, - Masa nói và kéo người bạn mới theo mình vào căn buồng nhỏ có che ri-đô.
Kachia nhanh chóng cởi y phục ngoài, nằm xuống, hai đầu gối co lên. Dù cố gắng thế nào cô cũng không sao ngủ ngay được. Cô nghĩ về đủ các thứ chuyện: về Masa, về cậu Xtêpan lặng lẽ, về Kachia Kanđrasina, về số phận của Akimốp, về Xibiri. Cô đã từng nghe bao nhiêu chuyện về vùng đất này. Bây giờ thì chẳng những cô sẽ được nhìn thấy nó mà sẽ còn đi bao nhiêu vécxta trên tuyến đường đến Iếccútxcơ. Hình như cũng trên con đường này những người tháng Chạp, Tsécnưsépxki và những con người ưu tú của Đảng cũng đã từng đi. Đi như những tên tù, nhiều người còn bị cùm chân khóa tay... Mà có thể cả cô nữa cũng cùng chung số phận ấy. Có đáng sợ không? Trong lòng có sự rạn nứt nào không? Không, không. Chẳng lẽ lại có thể có sự phân vân nào đó sao, khi những cuộc đời non trẻ đang bị hủy hoại, những tài năng đang lưu lạc, khi người ta muốn cướp đi của chúng ta những tài năng ấy, những tài năng sẽ làm vinh quang cho tổ quốc ta, khi cuộc chiến tranh đã khiến cho máu người chảy thành sông?
Kachia chắc chắn không thể nhớ ra là suy nghĩ của mình đã đứt quãng ở đâu. Cô tỉnh dậy là do tay Masa động vào cô.
- Kachia, dậy thôi. Không thể nào nhận ra mặt đất nữa - tất cả đã đổi mới hoàn toàn.
Kachia vùng dậy và việc đầu tiên là nhìn qua cửa sổ. Cô phải đứng kiễng chân, nghển cổ lên mới ngó được qua cái khe phía trên của cửa sổ - Xtêpan đã mở liếp che cửa ra, và thấy ở bên ngoài đầy tuyết, trắng ơi là trắng. Nhà cửa, hè phố, cầu, cây cối đều nằm trong tuyết. Trời chưa sáng, nhưng ngoài đường đã rõ mặt người, và tất cả cảnh tượng gây cho ta cảm giác như trong chuyện cổ tích vậy, tưởng như ông già tuyết với chiếc gậy thần kỳ của ông vừa mới qua đây.
Kachia nhanh chóng rửa mặt, chải đầu trước chiếc gương treo trên tường. Trong lúc ấy Masa đã chuẩn bị xong bữa ăn sáng - trên bàn, một liễn sành đựng khoai tây đã gọt sẵn, một đĩa vẫn là món cá trích và hành tươi, bánh mì đen và cháo kiều mạch. Ngồi bên bàn là Xtêpan. Cậu ta đầu vẫn chải cẩn thận và mặt vẫn nghiêm nghị như hôm qua. Cậu nhìn Kachia một thoáng rồi lại đưa mắt nhìn đi nơi khác. Cái khuôn mặt xương xương với cái mũi hơi khoằm khoằm của cậu trông rất khó hiểu. Chẳng biết rằng cậu ta có ưa cô hay không? Nhưng cô luôn luôn cảm thấy đôi mắt của cậu ta nhìn cô. Bất thình lình cô quay lại, thì đúng là cậu ta đang chăm chú nhìn cô. Kachia cảm thấy mất tự nhiên vì cái nhìn ấy, nhưng cô hiểu rằng cô có nét gì đó lôi cuốn sự chú ý của cậu thiếu niên.
- Thế còn bữa trưa thì sao, Masa, cậu cũng tự nấu lấy à? - Kachia vừa hỏi vừa xoa tay rồi ngồi vào bàn.
- Tùy lúc. Có hôm thì Đunhia, có lúc thì mình. - Masa đẩy bát nước nấu cành bạch dương ra gần mép bàn để Kachia khỏi phải với.
- Còn Xtêpan thì phải làm gì? - Kachia hỏi mà không dám cười.
- Em cũng có đủ việc để làm! - Xtêpan cao giọng. - Cưa gỗ này, bổ củi này, rồi xách nước, nhóm lò, đi xếp hàng mua bánh. Không hiểu vì sao cậu ta lại xấu hổ, đỏ mặt lên. Masa hỗ trợ em bằng cái nhìn âu yếm rất kín đáo.
- Những công việc ấy là mình với Đunhia không hề phải lo. Tất cả là do cậu ấy làm. Thế mà nó làm việc cũng chẳng kém gì bọn mình đâu. Chỉ có điều là nó không phải đi làm đêm thôi nhưng lại có công việc khác thay vào...
Masa không đi vào kể tỷ mỷ về cái «công việc khác» ấy vì Xtêpan bỗng nhìn cô một cách giận dữ khác thường, như muốn cô phải dừng lại ở đấy thôi.
- Thôi, chúc các chị đi được bình yên, còn em đã đến giờ rồi. Chị Masa, cho em gửi lời thăm tất cả nhé. - Xtêpan lật úp cái bát xuống rồi đứng dậy. Cậu ta kéo sụp mũ xuống trán, mặc chiếc áo lông cộc đến gối rồi đi ra.
- Này Xtêpan, đã mang theo bánh mì để ăn trưa chưa? - Masa gọi với theo cậu em trai. Nhưng cánh cửa đã đóng sập lại và cậu em không trả lời gì nữa. - Nó bao giờ cũng nhanh như lửa vậy! - Masa nói bằng một giọng ấm áp và, trải chiếc khăn vuông ra góc bàn, cô bắt đầu thu nhặt thức ăn để mang đi đường.
o O o
- Điều trước tiên là không được vội vàng, Kachia ạ, - Masa nói có vẻ rất chín chắn, khi họ ra khỏi cổng. - Đường xá không phải là gần gặn. Cứ đi từ từ, nhẹ nhàng, ít một. Đi bước một... Mẹ mình thường nói vậy.
Thành phố trở dậy một cách khó khăn, không hào hứng. Một chiếc xe ngựa đi qua. Bánh xe bị băng đóng, không chịu quay, cọ xát vào lòng đường rít lên ken két và tóe lửa. Những người đàn bà quảy xô đi qua. Ở chỗ giếng nước - tiếng va nhau của thùng sắt tây, tiếng nước sóng sánh vọt ra khỏi miệng giếng. Trước các quán bán bánh mì là những dãy người xếp hàng dài cong như hình cánh cung. Trên lưng mỗi người đều có số thứ tự viết bằng phấn khá to. Thành phố đang thiếu bánh mì. Người ta dậy gần như từ tối để đi xếp hàng mua bánh. Họ đứng lặng im, nhưng đã không còn vẻ khổ sở như dạo đầu, mà với một vẻ cau có.
Masa và Kachia như hai chị em. Masa đi ủng lông, mặc áo lông ngắn và quàng khăn. Và Kachia cũng vậy. Chiếc áo khoác và mũ cùng với giày cao cổ và chiếc vali của mình Kachia để lại ở nhà Masa. Quần áo của Kachia không hợp với thời tiết, mùa đông ở Xibiri không phải chuyện đùa. Muốn hay không muốn cũng buộc phải mặc nhờ quần áo của người khác - của Đunhia.
Thỏa thuận với nhau là đi từ từ, nhưng thực ra họ lại bước rất nhanh: gió rét thổi phía sau lưng thúc họ đi và cả ý muốn nhanh chóng ra khỏi thành phố, vào rừng cây phủ kín dưới băng tuyết. Họ đi im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình. Masa đang nghĩ xem làm thế nào để thu xếp chu đáo cho Kachia ở Lukianốpca. Nhà mà bố cô đang ở tuy rộng rãi, có những công trình phụ, nhưng đã mục nát gần hết, đã xiêu vẹo. Cả nhà sống ở đấy đã khổ sở quá rồi... Kachia dù là khách không đợi, nhưng dù sao cũng vẫn cứ là khách... Ở tận Pêtrôgrát về. Và rõ ràng là không phải thuộc loại thường dân. Không quen lắm với những điều kiện sống thiếu tiện nghi...
Còn Kachia thì nghĩ về Akimốp. Cô cứ nghĩ đi nghĩ lại mãi không hiểu chuyện gì có thể xảy ra với anh. Cô nhớ lại cuộc vây ráp ở bến tàu... Tên chỉ điểm bí mật từ Pêtrôgrát đến... Chắc là đối với chúng Akimốp quan trọng đấy... Bọn chúng không tiếc sức và phương tiện... Không có nhẽ bọn hiến binh lại biết được toàn bộ kế hoạch chạy trốn của Akimốp? Chỉ có mình cô và ba người nữa, đều là những người trung thành nhất và đã được thử thách nhất, biết việc ấy thôi kia mà.
Ra khỏi thành phố, gió lạnh càng thổi mạnh vào hai người. Gió gào rít, cuốn lên từng đám bụi tuyết, gió thổi bay những chiếc lá cuối cùng từ các bụi cây trên khoảng đất bằng. Hai cô gái giấu mặt vào trong cổ chiếc áo lông dựng lên, rồi lại bước đi nhanh hơn trước. Chỉ vừa vào đến rừng là gió lặng hẳn, thậm chí các đỉnh ngọn cây cũng đứng yên. Bức tường thành của cánh rừng rậm rạp đã ngăn cản bước đi của gió.
- Ồ, ở đây thì hoàn toàn khác rồi, - Masa cười, bẻ cổ áo lông xuống.
- Ở đây dễ chịu rồi. Thế mà, mình đã sợ quá. Đi ngoài gió thậm chí thở cũng khó nhọc, - Kachia nói và cởi bớt khăn quàng cổ, thả hai đầu khăn xuống trước ngực.
Họ chưa kịp hưởng cái không khí tĩnh mịch và yên ắng trong rừng thì bỗng nghe phía sau có tiếng vó ngựa nện trên mặt đất khô lạnh đang tiến đến mỗi lúc một gần hơn. Hay là chúng nó sắp đuổi kịp để bắt họ? Họ nhìn nhau, dừng lại, tránh sang lề đường. Ngay lúc đó từ chỗ ngoặt của con đường hai người cưỡi ngựa hiện ra. Masa cho rằng đó là hai tên lính được cử đi công cán đến một nơi nào đấy. Nhưng con mắt của Kachia nhìn loại người này có kinh nghiệm hơn. «Bọn cảnh sát», - cô xác định một cách chính xác. Cô muốn trao đổi một vài câu với Masa - nên trả lời như thế nào nếu như chúng hỏi. Nhưng Masa quay đi và tròn mắt nhìn hai tên cưỡi ngựa đang tiến đến. Chúng mặc áo capốt dài, mũ lông cáo, có đeo gươm ở thắt lưng, đi giày đinh ống. Mặt mũi chúng đỏ tía, như màu đồng trộn với thiếc. Hai tên cưỡi ngựa đã đuổi kịp hai cô gái, chúng dừng ngựa lại.
- Thế bọn này là ai và chúng đi đâu vậy? - một trong hai tên cảnh sát nhìn Kachia và Masa bằng con mắt xoi mói, rồi hỏi như hỏi về người nào ở đâu đâu ấy.
- Chúng tôi là công nhân nhà máy in. Đi về làng thăm bố mẹ, - Kachia trả lời.
- Vì sao phải về thăm?
- Tay tôi bị thương tật, còn bạn tôi thì xin phép được cùng đi với tôi. Tôi què thế này thì đi một mình sao được? - Masa hất đầu chỉ vào cánh tay mình đang quấn bằng mảnh dẻ lụa. Hai tên cảnh sát nhìn nhau, rồi lại nhìn hai cô gái.
- Có giấy tờ mang theo không? - tên cảnh sát nhếch đôi môi sạm nắng nung núc những thịt của y sang một bên.
- Sao lại không! Đây, - Kachia vội vàng thò tay vào trong chiếc áo lông và lấy ra tấm thẻ của người bạn đã quá cố của Masa. Masa cũng đưa tấm thẻ của mình.
Tên cảnh sát môi dày cầm hai mảnh các tông xoay đi xoay lại để xem, rồi thủng thẳng chuyển chúng cho tên đồng đội. Cứ nhìn cung cách của hắn có thể thấy được là hình như chữ nghĩa của hắn không có bao nhiêu để mà đọc cho ra mảnh giấy hắc búa như tấm thẻ ra vào của nhà máy in. Tên cảnh sát thứ hai, có bộ mặt ít nhiều niềm nở hơn và trẻ hơn, đưa mắt nhìn hai cô gái rồi lại nhìn vào các tấm ảnh.
- Gớm, ảnh của cô nhọ nhem hết cả, cô Kanđrasina ạ. Chả nhìn thấy mắt, thấy mặt đâu cả! Nghĩa là chẳng còn biết là đàn ông hay đàn bà, hay là con gái nữa, - tên cảnh sát vui vẻ nói.
- Công việc của chúng tôi có như thế, thưa ngài sĩ quan! Không có mực thì không in nổi báo, - Kachia nói, chỉ liếc nhìn tên cảnh sát để tránh khỏi bị lộ những nét không khớp nhau giữa khuôn mặt mình và khuôn mặt của cô gái đã chết. Tên cảnh sát được gọi là ngài sĩ quan thì thích quá. Y còn làm ra bộ trịnh trọng nữa.
- Rõ là thế rồi, - tên cảnh sát môi dày lên tiếng ra vẻ ta đây am hiểu mọi bí mật của nghề in ấn.
- Cầm lấy này, - tên cảnh sát trẻ gần như là ném trả hai tấm thẻ. Rồi y thúc đế giày đinh vào ngựa, phóng đi tiếp. Tên môi dày vội phóng theo.
- Hay là bọn chúng đi bắt bọn đào ngũ, còn với mình chúng chỉ tò mò mà hỏi vậy thôi, - Masa nói.
- Bọn đào ngũ nào? - Kachia không hiểu, vì đang nghĩ đến những chuyện hoàn toàn khác. Cô nhớ lại lời tiên đoán của ông Naximôvích về những cuộc vây lùng mới vì thấy tình trạng xao động trong thành phố, và cuộc giáp mặt này với những tên cảnh sát theo cô chính là biểu hiện của những cuộc vây lùng ấy: rõ ràng là chúng bị thúc ép tợn cho nên mới hỏi giấy cả những người gặp trên đường đi.
- Còn bọn đào ngũ nào nữa chứ? Những người trốn lính bình thường ấy, Kachia ạ. Chẳng ngày nào là ngày không bắt lính. Mấy chốc mà bọn thiếu niên và các ông già cũng đến lượt nốt. Bố mình sống tịt ở trong rừng taiga kể rằng: trong rừng bắt đầu xuất hiện nhiều nhà hầm bí mật. Họ trốn lính ở đấy!
- Ôi, cách mạng sắp sửa nổ ra rồi! Chế độ cũ không còn đứng nổi nữa, Masa ạ! - Kachia thốt lên vui sướng. Ý nghĩ về cách mạng bao giờ cũng đem lại cho cô niềm vui khó tả nổi, cảm giác về một hạnh phúc sắp đến, và cái giọng ngân vang của cô những lúc ấy thường reo lên với tất cả sức vang của nó. Lính đào ngũ trốn ở trong rừng taiga! Đó không phải là điều chứng minh rằng chế độ chuyên chế đã tiến sát đến cái vạch cuối cùng rồi sao! Điều này ở Pêtrôgrát Kachia chưa bao giờ nghe thấy: lính đào ngũ trốn ở trong rừng taiga!
- Kachia ơi, ước gì cách mạng nổi trống cảnh báo sớm sớm lên. Nhìn kìa, bọn cảnh sát đang phóng ngựa trở lại, - Masa lo lắng.
- Một thằng quay lại, còn một thằng đợi. Chúng nó đang định dở trò gì đây, - Kachia hồi hộp, cô lại quay về với ý nghĩ về dự đoán của Naximôvích hôm qua. - Hình như tấm thẻ của mình vẫn làm cho bọn hắn ngờ ngợ. Masa, mình sẽ nhận hết mọi chuyện về phần mình nhé...
Nhưng mọi chuyện ấy là những chuyện gì thì Kachia chưa kịp nói. Tên cảnh sát trẻ lấy hết sức hét to, vừa ghìm ngựa một cách khó khăn:
- Này, các cô nàng! Các nàng đi đâu đấy?
- Chúng tôi về Ôngốpca, thưa ngài sĩ quan, - Masa nói dối.
- Thế thì thế này... Nào, đứng lại, cái con giời đánh này, - tên cảnh sát giật giây cương một cách tàn nhẫn và nói. - Một chốc nữa sẽ có xe thư đi qua, các cô nói với tên coi xe bảo hắn chở giúp cho đến Xêmilugiơki. Bảo hắn là Karpukhin ra lệnh cho hắn... Không quên đấy chứ? Karpukhin nhé...
- Cám ơn... Xin cám ơn! - Masa hét với theo tên cảnh sát. Thế đấy! Đợi một đằng, thì quàng một nẻo. Lúc ban đầu luống cuống đến mức không tìm ra lời mà nói.
Khi bọn cảnh sát đã đi khuất, hai cô gái bèn dừng lại để suy nghĩ về sự việc vừa xảy ra.
- Không biết chúng nó định bày trò gì, Masa nhỉ? Trò gì nhỉ?
- Kachia ạ, chắc là chúng nó phải có âm mưu gì ở đây, nếu không chúng cần gì đến bọn mình.
Hai cô gái đứng dưới gốc cây linh sam, nhìn nhau, vung tay tỏ vẻ bất lực trước một câu đố đột ngột làm cho đầu óc rối mù lên.
- Có thể bọn chúng định bắt chúng mình chăng? Nhưng bọn chúng đang bận đi đâu, nên tiện có chiếc xe thư, chúng giao cho bọn này chở mình thẳng đến chỗ bọn chúng, đưa vào tận tay chúng.
- Có lý đấy, Masa ạ! Đúng là như thế đấy, - Kachia tán thành.
Hai cô gái im lặng, suy nghĩ căng thẳng. Có thể là như thế đấy, nhưng vẫn có cái gì đó chưa thật là lôgích! Bắt ư? Nhưng tại sao và vì lý do gì cơ chứ? Còn chiếc xe thư thì mình lo lắng là thừa. Chẳng qua vì quá nghi ngờ. Ừ, thế tại sao bọn chúng lại phải cho chở mình về Xêmilugiơki kia chứ? Sao không trở lại thành phố có đơn giản hơn không? Ở thành phố có nhà tù, có dự thẩm viên, công tố viên, có tòa án... Còn ở Xêmilugiơki thì chỉ có mỗi cái nhà giam của xã ọp ẹp, mà có khi nó đã sụp đổ trong chiến tranh rồi cũng nên.
- Masa này, chúng mình có quá sợ hãi không đấy? - Kachia bỗng nói một cách bình tĩnh, cái giọng bình tĩnh của cô đã làm cho cả hai trở về với những suy nghĩ tỉnh táo.
- Mà cũng có thể cái thằng dê xồm ấy hắn muốn chúng mình đến Xêmilugiơki để tiêu khiển chơi bời với hắn cũng nên? - Masa kêu lên.
- Mình cho rằng rất có thể là như vậy, - Kachia nói. - Nhưng dù sao thì vấn đề vẫn còn cứ phải đặt ra: chúng ta có nên xin lên ngồi nhờ xe không? - sau một chốc im lặng Kachia nói thêm.
- Được thế thì tốt quá! Từ Xêmilugiơki đến Lukianốpca chỉ một với tay là tới. Chứ mà đi bộ thì đôi chân nó cũng buồn đấy. Rồi mà lại khóc nữa ấy chứ, - Masa cười nói.
- Thế thì có thể mình xuống sớm hơn được không? - Kachia hỏi.
- Sao lại không nhỉ?
- Mình vẫn cứ nghĩ: có âm mưu gì ở đây không? - Kachia lại phân vân. Nhưng không còn thì giờ để nghĩ gì thêm nữa. Chiếc xe thư đã phóng đến quá gần, đã nghe tiếng ngựa phì phì, chiếc xe ngựa chạy lộc cộc trên quãng đường mấp mô trong rừng cây.
- Này, ông ơi, ông đỗ xe lại một tý nào. Anh Karpukhin ra lệnh cho ông phải chở bọn tôi đến Xêmilugiơki đấy! - Masa hét lên vẻ nghịch ngợm.
Ông già râu dài, ngồi ở phía trước cầm giây cương ghìm ngựa lại, hất nhẹ cái đầu trong chiếc mũ lông xù xù và nói:
- Nhưng ở đây còn có quan chức cao hơn nữa kia...
Nhìn vào trong lòng xe, các cô gái thấy một tên lính tay ôm súng nằm co quắp. Hắn đang ngủ say, hai hàm răng nghiến lại làm cho khuôn mặt hắn có một nét gì tàn ác ghê gớm.
- Luka, dịch vào. Karpukhin ra lệnh chở mấy đứa con gái này đấy, - ông già nói, và với một nụ cười nhạo báng kín đáo, ông quay lại nhìn tên lính qua vai.
Cái tên của Karpukhin tác động đến tên lính tựa như một quả đấm vào hàm. Hắn nghiến răng, ngồi bật dậy trên những chiếc bao tải đựng thư, mắt mở to vẻ sợ hãi.
- Ông bảo tôi đi đâu? - tên lính lúng búng.
- Bảo là dịch vào một tý. Mấy cô gái này muốn lên xe.
- Ừ, ừ, lên thì lên, - tên lính nói bằng giọng ngái ngủ, nhưng dù sao thì cái thân hình đang cuộn trong chiếc áo capốt dài và chiếc áo lông của hắn cũng nhích nhích về một góc.
Kachia và Masa không để phải đợi lâu. Hai cô ngồi ngay vào chiếc ghế ở cuối xe, sát vào nhau. Như thế vừa ấm lại vừa tiện.
Ông già lên tiếng quát ngựa, rồi quất cho chúng mấy roi.
- Thế cái ông tướng ấy đi qua đây lâu chưa? - ông già quay lại hỏi. Hình như ông lão ngồi ở trước xe mãi đã chán quá rồi, và ông muốn nói chuyện. Kachia cũng không bỏ lỡ dịp để hỏi thăm người đánh xe về việc này việc khác.
- Họ đi phải được đến hai vécxta rồi, - cô gái nói.
- Hơn ấy chứ, - Masa đính chính.
- Vì ngựa của họ là loại ngựa đực mà lỵ! - ông già nói vẻ thán phục.
- Thế họ đi đâu mà vội thế? Như đi cứu hỏa vậy. - Cặp mắt tò mò của Kachia bắt gặp phải cặp mắt cũng tò mò như vậy của ông già.
- Một chuyến xe bưu điện bị cướp gần làng Bônsôiê Đôrôkhôvô, vì thế họ lao tới đó.
- Có ai bị giết không?
- Giết thì không ai bị giết, nhưng người đánh xe và người đưa thư đã bị thương. Tất nhiên, tiền mất hết.
- Có nhiều tiền không ạ?
- Đó là khoản tiền cho vợ lính cả một xã. Còn chính xác là bao nhiêu, thì có trời mới biết được. Thế là vợ con cánh lính ta mắc cạn rồi đấy. Chẳng thế mà người ta nói: chỗ mỏng thường bị rách.
- Người ta sẽ cấp thôi! Vợ góa và con côi không chịu trách nhiệm về chuyện cướp ấy, - Masa nói.
- Đâu phải như vậy, cháu. Họ không cấp đâu!
- Họ không có quyền làm thế, - Kachia phẫn nộ.
- Cô gái ơi, quyền của cô thì các ông lớn đem mà chùi chân - người lính bỗng tỉnh dậy, nói.
- Cái cậu này hay thật, chúng tôi cứ tưởng rằng cậu ấy ngủ, thế mà cậu ấy cứ vểnh tai lên mà nghe: Luka, cậu hãy bảo các cô nàng là trước hết phải biết chịu đựng gian khổ đã.
Người lính hất mũ lên trên trán, co chân lại, nhưng không nói gì.
- Luka đã từng nếm trải gian nan vất vả! Đánh nhau với bọn Đức, bọn Áo, hai lần bị thương... Thế mà vẫn chưa được về nhà. Họ lại bắt đi hộ tống xe thư, vì sợ những người tù khổ sai.
Trong khi ông già giới thiệu với các cô gái người hộ tống xe thư là nhân vật như thế nào thì chính cái anh chàng lính ấy cũng nghe những lời của ông cụ với cái vẻ nghiêm trang đặc biệt. Đôi mắt anh ta lặng đi, nhìn chăm chăm vào một điểm vô hình, và trong đôi mắt ấy hằn lên nỗi đau đớn khủng khiếp.
- Quả có vậy, - anh ta nói, khi ông già ngừng kể. Tấm lòng của người Nga chúng ta, các cô ạ, nó như là một sợi dây gai: khi làm chỉ, người ta đập dập nó ra, khi tẩy tấm vải gai, người ta cũng lại đập nó, khi khâu thành bao rồi - cũng lại còn bị đập.
- Ừ, thế nhưng rồi đến một lúc nào đó sự đánh đập ấy sẽ kết thúc chứ, hay là không bao giờ cả, - Kachia hỏi để dò tâm trạng người lính.
Anh ta nheo nheo mắt, chăm chú nhìn cô gái rồi thở ra rền rĩ, đầu cúi xuống. Kachia hiểu ra rằng anh lính ngại tiếp tục câu chuyện cởi mở này, mà cũng có thể anh ta cho rằng những cô gái đang nói chuyện với anh, còn quá non nớt để có thể tham gia bàn về cuộc sống.
Nhưng ông già ngồi ở phía trước hơi quay người về phía khách đi nhờ xe chưa hề có ý muốn kết thúc câu chuyện. Đoạn đường ông cụ phải đi còn dài lắm, và ông cụ còn phải ngồi lặng thinh hàng bao nhiêu tiếng đồng hồ. Đối với ông, được nói chuyện khác nào như được uống nước chè với mật. Câu chuyện làm cho lòng người dịu lại, cuộc sống trở nên đẹp hơn...
- Sao lại không, cháu gái, rồi sẽ kết thúc chứ, thế nào rồi cũng kết thúc, cháu ạ! Cũng như khi ta nhắm mắt xuôi tay thì ta sẽ thấy dễ chịu ngay ấy. - Ông già cười ngất, và trong khóe mắt ông nước mắt ứa ra, chẩy dài xuống má, biến vào bộ râu.
- Gớm, ông vui tính nhỉ - Masa tỏ ra ghen tị. Tay cô bị lạnh cóng, cô cố tìm chỗ kín đáo để đặt tay vào. Đó là chỗ giáp sườn giữa cô và Kachia.
- Than vãn mà làm chi, cháu ơi, than thì cái khổ nó cũng không nén lại được cơ mà, - ông già lại cười vang, nhưng rồi sau một chốc im lặng, ông lại tiếp tục giọng nghiêm trang: - Cháu hiểu không, già cũng đã thử sống theo nhiều cách rồi. Già cũng đã từng ước ao được sống đầy đủ, từng ghen tị với những kẻ giàu sang, từng đi nhà thờ đều đặn - nhưng rồi số phận vẫn chẳng khá hơn... Mà nếu đã vậy thì cũng không việc gì phải buồn phiền nữa.
- Thế ông sống với ai, hay chỉ có một mình?- Kachia hỏi.
- Nhờ trời, già cũng không đến nỗi là đám đất trụi ở ngoài đồng. Già đã nuôi lớn bốn gái ba trai. Nguyên đám cháu cũng đã đủ chật ba chiếc ghế băng rồi.
- Tất cả còn sống đấy chứ ạ?
- Còn cả, chỉ trừ thằng Vaxili. Nó hy sinh trong chiến tranh.
- Và tất cả đều cùng ở với ông?
- Chúng nó mỗi đứa mỗi nơi như nấm sữa trên đồng cỏ. Con gái thì lấy chồng, con trai thì đi làm ở mỏ. Các cháu cũng lang bạt mỗi đứa mỗi nơi. Già chỉ ở với mỗi mình bà lão...
- Thế những con ngựa này là của ông à?
- Giá như chúng là của già thì già đâu đến nỗi phải thả lũ cháu đi ăn đi ở. Đấy là ngựa của ông chủ đấy. Ông ấy nhận cái việc chở thư này đã mười năm nay.
- Ông không sợ bị cướp hoặc bị giết hại ạ?
- Già không thuộc loại nhát gan đâu! Trước còn chả sợ, nữa là bây giờ có Luka còn ai dám động đến già nữa? Người ta chỉ giết những bọn nhà giàu thôi, cháu ạ, chỉ có bọn ấy mới có cái gì cho người ta lấy.
Trong khi Kachia nói chuyện với ông già đánh xe thì người lính vẫn nằm với cái vẻ mặt hung dữ như trước. Bỗng anh ta ngẩng đầu lên, tay chống khuỷu, nói:
- Ông lão chỉ nói láo! Bọn nhà giàu có bị giết cũng chỉ một vài đứa, còn bọn nhà nghèo thì người ta giết cả hàng nghìn đứa kia!
Và anh ta lại nằm xuống, mắt nhắm nghiền, răng nghiến lại.
- Đúng đấy! Luka, ở chỗ này thì cậu đã nhằm trúng đích đấy. Còn các cháu gái, các cháu là con cái nhà ai? Và đi đâu bây giờ vậy? Hay là đi giải buồn cho các ông tướng đấy? Gớm, cái ông Karpukhin ông ấy thích các cô gái lắm... Vợ lính ở các làng kêu rên vì ông ấy khiếp lắm. - Ông già nói rất nhanh, lại phát âm toàn tiếng «ô», nghe tựa như người nhai hạt dẻ.
- Chúng cháu cần cái ông Karpukhin nhà ông lắm đấy! Thế mà ông cũng nói được! Chúng cháu là người thành phố về nhà thăm bố mẹ. Chúng cháu là công nhân nhà máy in đấy. Những người in ra báo ấy mà. Ông biết không?
- Sao lại không, già đã từng hút thuốc bằng giấy báo rồi! Thế nhưng làm sao mà Karpukhin lại cho các cháu đi nhờ xe nhỉ? Ông ấy có bao giờ tự nhiên mà làm ơn cho ai đâu.
Lúc này anh lính lại vùng dậy:
- Này, ông lão, ông đừng có giễu cợt nữa! Ông nhìn thử xem các cô ấy là ai! Nào, các cô nói thử nghe trong báo người ta viết những gì? Nhân dân có còn phải đổ máu lâu nữa không? Chỉ còn mỗi bộ xương sườn giơ ra nữa mà thôi, mà có người lại còn gẫy hết cả xương sườn nữa kia...
Anh lính thở dốc, từ trong lồng ngực anh phát ra một tiếng gì rin rít, đôi mắt anh đầy vẻ đau đớn.
- Anh Luka cứ nằm xuống đi. Rồi chúng tôi sẽ nói chuyện cho mà nghe, - Kachia dịu dàng nói, bàn tay chạm nhẹ vào vai người lính.
Giọng nói ngọt ngào của Kachia đã có ngay tác dụng, người lính hạ khuỷu tay xuống, nằm yên, trong đôi mắt anh ta nỗi đau đớn dịu dần và niềm hy vọng được nhen nhóm.
- Cảm ơn cô gái, cảm ơn, - anh lính nói như thuộc lòng như anh ta vẫn nói trong quân y viện, và nằm duỗi thẳng ra.
Masa hích nhẹ khuỷu tay vào sườn Kachia ý muốn nói: nào bạn bắt đầu đi thôi, nhưng đừng có để phải xấu hổ đấy, mà cũng đừng để lộ tung tích mình ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc du lịch trên đất Xibiri, điều này lại còn tệ hại hơn.
Kachia cảm thấy hồi hộp quá. Bỗng nhiên người cô nóng ran. Bắt đầu thế nào bây giờ nhỉ? Phải nói bằng lời lẽ nào? Liệu Luka có hiểu được cô không, nếu như anh ta là người mù chữ, hoặc lại còn tệ hơn, nếu anh ta đã nhiễm phải nọc độc của bọn giả nhân giả nghĩa tuyên truyền rằng chúng ta chiến đấu vì «Đất mẹ - nước Nga»?
Lúc này Kachia bỗng nhớ tới lời dặn của anh cô hôm lần đầu tiên cô đến một quân y viện của Pêtrôgrát để làm công tác tuyên truyền: «Nói chuyện với những người lính phải cho đơn giản dễ hiểu, đừng cố tỏ ra mình thông thái, đừng nương nhẹ, cũng đừng có làm ra vẻ mình cũng bình dân đấy. Đó không phải phong cách của người bônsêvích. Em hãy nói một cách nghiêm túc, có nội dung. Và em nhớ rằng: người lính chỉ không đọc được nhiều sách như em, còn về cuộc sống thì anh ta am hiểu nhiều lắm, bởi vì bản thân anh ta đã chịu đựng nhiều, và chính em cũng có thể có điều học hỏi được ở anh ta».
- Anh người ở đâu, anh Luka? Vùng nào nhỉ? - Kachia hỏi.
- Chúng tôi người tỉnh Iếccútxcơ. Làng Khuđôêlanxcôiê Nhigiơnheuđinxki.
- Anh là công nhân hay nông dân?
- Là cả hai, cô ạ. Vừa là công nhân khai thác rừng để xây dựng đường sắt... Lại vừa có nhà cửa, có bò, ngựa và mảnh đất ở trong làng.
- Anh có gia đình chứ?
- Cũng như tất cả dân chính giáo. Tôi có một vợ, hai con, một mẹ già. Bố tôi bị ngọn thông đè chết.
- Trời ơi, thật là đau đớn! - Masa thở dài, còn ông già, vẫn cứ đang lăm le xen vào câu chuyện giữa Kachia và người lính, thì đưa bàn tay đeo găng lông chó lên làm dấu thánh.
- Anh Luka ạ, anh nói rất đúng về tâm hồn người Nga: người ta hành hạ nó như đập sợi dây gai chỉ có điều anh chưa nói hết ý mình. Liệu sự hành hạ ấy có ngày tận cùng không?
- Điều ấy thì rõ quá rồi. Sợi dây nào chẳng có đầu có cuối, - ông già không nhịn nổi đã xông bằng được vào câu chuyện.
- Ông ơi, ông nói thế là đúng đấy. Cả cái sự hành hạ ấy rồi cũng kết thúc thôi. Nhưng mình phải rất là mong nó kết thúc thì nó mới kết thúc kia. Nếu như mình cứ khoanh tay ngồi nhìn có mà đợi ba năm nữa cũng chẳng ăn thua gì. Anh Luka, anh có nghe ai nói về những người bônsêvích bao giờ chưa?
Luka im lặng. Ông già lẩm nhẩm hai ba lần cái từ là lạ ấy rồi cũng im. Thực ra ông muốn trả lời trước người lính biết chừng nào!
- Những người bônsêvích là đảng của công nhân. Là những người cách mạng...
Khuôn mặt gầy guộc của người lính bỗng hết vẻ căng thẳng, anh ta nhếch miệng cười để lộ ra những chiếc răng to tướng ám khói thuốc vàng khè, anh ta đã nhớ ra. Làm sao mà lại không nhớ ra được! Trong trung đoàn của anh ta đã từng có những người bônsêvích - một anh trung sĩ và ba người binh nhì. Họ tuyên truyền binh lính chống lại nhà vua, chống lại bọn chủ xưởng và địa chủ. Họ muốn rằng mọi người quay súng đánh lại bọn giàu có! Nhưng họ đã không gặp may. Tòa án binh của mặt trận đã kết án cả bốn người khổ sai chung thân.
- Đừng đánh nhau với kẻ mạnh, đừng kiện cáo với kẻ giàu, - ông già nói, như để kết luận câu chuyện mà người lính vừa kể.
- Và mãi mãi sẽ là nô lệ, - bắt chước y hệt cái giọng của ông già, Kachia nói nốt câu.
Ông lão đâm luống cuống còn Masa và Luka thì cười ồ.
- Giọng điệu ấy cũ rồi, ông ạ. Bây giờ khi mà ở nước Nga đã có rất nhiều người công nhân giác ngộ, họ đã có đảng của mình, họ đã nói khác rồi: nếu không muốn làm kẻ làm thuê thì hãy liên kết với những người đồng loại, hãy nắm lấy số phận vào trong tay mình. Nhưng muốn vậy phải có tinh thần dũng cảm, phải rất kiên quyết...
- Khối kẻ anh hùng như thế đã bị tống cổ đến cái đất Iếccútxcơ này rồi, nhìn lại thì nhiều anh đến cái xương cũng chẳng còn, - ông già nói, và trong giọng nói của ông lão có cái gì đó chạm đến tự ái của Kachia. Cô có cảm giác như ông già không hề có sự cảm thông mà rất ác ý. Cả Masa và Luka cũng đều nhận thấy điều ấy.
- Thế nhưng số những người chiến sĩ đấu tranh cho cuộc sống mới ấy có giảm đi không? Không đâu. Không một sự đàn áp nào có thể ngăn cản được bước đi của những con người một khi họ đã quyết định một cách có ý thức rằng sẽ xây dựng nước Nga thành một nước xã hội chủ nghĩa, không có vua, không có bọn chủ xưởng và bọn địa chủ.
- Thế thì ai sẽ là người cai quản nhân dân? - ông già vẫn chưa thôi.
- Nhân dân sẽ tự mình cai quản lấy mình. Chính vì thế mà những người bônsêvích mới kêu gọi những người lính, giai cấp công nhân và nông dân hãy kết thúc cuộc chiến tranh đổ máu, hãy quay súng lại đánh bọn giặc trong nước, ký hòa ước, nhà máy chuyển cho công nhân, đất đai - cho nông dân...
Masa và Luka cảm thấy Kachia đã bắt đầu đi quá xa, quên cả sự thận trọng. Masa cố cựa cậy mạnh những ngón tay của mình ở bên sườn sát với Kachia. Nhưng quá say mê câu chuyện Kachia không đoán ra là Masa làm hiệu cho mình về việc gì. Chỉ khi chợt quay nhìn Luka, Kachia mới giật mình. Anh lính một bên mắt thì nháy làm hiệu cho cô, còn bên mắt kia lại liếc nhìn ông già đánh xe với nhiều ngụ ý. Có quỷ mà biết được cái ông già râu dài hay nói và thích nói ác ấy là người thế quái nào! Trông bên ngoài và qua cử chỉ thì có vẻ là nông dân, là một kẻ đánh xe thuê, nhưng lão ta lại có quan hệ rất suồng sã với bọn cảnh sát đủ các loại rải rác khắp các làng mạc. Không may mà lão già lại hở ra cái gì với chính cái thằng Karpukhin ấy thì rồi chúng lại hành hạ những cô gái bằng những cuộc điều tra và xử án.
Chỉ vừa nghe Kachia nói, Luka đã hiểu ngay rằng cái cô gái có đôi mắt sắc này không phải là một công nhân nhà máy in bình thường, và cả cô kia nữa, cái cô đau tay ấy, cũng vậy. Luka nhớ lại bệnh viện quân y ở Riadan. Anh nằm ở đấy từ lần bị thương đầu tiên. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ các cô gái ở nhà máy in hoa vải bông Riadan lại đến thăm anh em thương binh. Các cô viết hộ thư cho các thương binh không biết chữ hoặc bị cụt tay, các cô tặng họ những món quà đơn sơ, các cô tìm mọi cách làm cho họ vui. Chỉ có điều một hôm Luka tìm thấy dưới gối mình một mảnh giấy có in lời kêu gọi anh em binh sĩ. Anh ta đọc lướt qua và lặng người đi: cuộc sống của anh em binh sĩ ngoài chiến trường có nhiều biến động. Cả Nga hoàng, cả tổng tư lệnh là bác nuôi của Nga hoàng, cả các sĩ quan, tức là tất cả mọi người đều bị lên án. Nhớ đến tòa án quân sự mặt trận ở trung đoàn mình, Luka vội vò nát mảnh giấy và không dám đưa cho ai xem. Mà cũng chẳng cần phải làm như vậy - mỗi người thương binh đều thấy dưới gối mình có một tờ truyền đơn. Nhưng cũng không phải tất cả đều làm như Luka. Một số người công khai bàn bạc về tờ truyền đơn, họ tranh luận với nhau. Nhưng mà ai không thấy, đến rừng cây còn có cây cao cây thấp, nữa là con người. Trong số những người từ mặt trận về cũng có cả những kẻ tâu nịnh. Thế là ban chỉ huy bổ đến quân y viện. Một số anh em binh sĩ bị chuyển thẳng từ quân y viện sang bệnh viện của tù nhân ở Mátxcơva, còn các cô gái thì Luka không thấy đến thăm anh em thương binh nữa. Và lúc đó mọi người mới hiểu ra rằng ai là người mang vào quân y viện và nhét xuống dưới gối của anh em thương binh những tờ truyền đơn mang chất nổ ấy, những tờ truyền đơn được in bằng thứ chữ mờ mờ trên những trang giấy xám. Và lúc này nhìn kỹ những cô bạn đường, lắng nghe câu chuyện của các cô, Luka đã nghĩ thầm từ lâu rằng: «Đúng, các cô này là có họ hàng với các cô gái ở Riadan... Ôi, các cô mà lại hở mồm hở miệng thì lại khổ đến thân... Mà sao các cô ấy lại mạo hiểm thế... Xem chừng các cô này cũng ghê gớm đấy, không phải loại nhát gan đâu, mà trời cung phú cho cái đầu óc thông minh đấy, nhất là cái cô hay nói này này». Nếu nói cho thực lòng thì Luka thầm cảm thấy tự hào vì những cô gái, nhưng nỗi lo ngại cho các cô cũng cháy bùng lên trong anh: phải bảo vệ... phải nhắc nhở... Sự nguy hiểm có thể chẳng phải ở đâu xa xôi. Đến làng Mikhailốpca, chỉ cách thành phố có mười lăm cây số, họ sẽ ngủ lại tại quán trọ, rất có thể cả cái thằng Karpukhin với tên liên lạc cau có của y cũng sẽ đến đấy. Rồi cái lão già râu dài này lại mang những chuyện ở trong xe này ra mà nói thì những cô gái này sẽ không thể trốn đâu cho thoát. Cái thằng Karpukhin sẽ không bỏ lỡ dịp có thể lập công với các quan trên, nhất là mấy ngày gần đây trong thành phố đang có sự lộn xộn. Bọn cảnh sát như phát cuồng lên, chúng nó sục sạo khắp các ngả đường phố, hỏi người này hỏi người kia, kiểm soát giấy tờ, chúng nó đang tìm kiếm một người nào đấy...
Luka thầm tự trách mình: mình thật chẳng ra làm sao, tự nhiên không kìm giữ được đem nói ra những lời gay gắt về chiến tranh, về cuộc sống. Các cô gái này đoán ngay ra mình là ai, chưa phải là ủng hộ họ, nhưng có thể ủng hộ họ, và thế là các cô bắt chuyện với Luka, thế là các cô nhảy ùm xuống nước mà không thăm dò xem có chỗ nào cạn không...
- Cô gái ơi, những chuyện ấy thì báo chí đã viết từ lâu rồi. Người ta bảo bây giờ đang lúc khó khăn, giá như thế này, giá như thế kia, thì cuộc sống sẽ sướng bằng tiên, - Luka nói, cố làm giảm bớt cái ấn tượng mà những lời của Kachia đã để lại. - Này, cô có biết không, cô kể cho chúng tôi nghe về tình hình ngoài mặt trận đi. Quân Đức có ép quân ta mạnh không? Hay lại rút về cầm cự cả?
Kachia hiểu ý của Luka, lúc này vẫn liếc mắt về phía ông lão đánh xe với nhiều ngụ ý. Cô gái bắt đầu kể lại nội dung những bài báo, dù là những bài không còn phải mới nữa. May quá, Masa đã cứu vãn tình thế; Cô nhớ lại những điều chị cô thường kể cho cô nghe. Đi làm đêm về vào các buổi sáng Đunhia thường kể lại nội dung những bức điện mà cô phải xếp chữ để đưa vào các tờ báo trong ngày.
Luka ngồi nghe, và càng nghe càng thấy rằng đúng các cô gái này là họ hàng với các cô gái ở Riadan. Cả ông già cũng ngồi nghe, nghe một cách chăm chú để nhớ lấy rồi về kể lại cho những người nông dân trong làng. Ông lão kể ra cũng có thích nói giễu, nhưng không phải là kẻ thích đi tâu nịnh, và nếu như đôi khi ông có làm thân với bọn cảnh sát chó má thì cũng chỉ với một mong muốn là xem thử ở chỗ các quan trên gió thổi về đâu, và tất cả những điều biết được ông sẽ dùng khi cần thiết vào những việc có lợi cho bà con làng xóm ở Xêmilugiơki thân yêu của ông. Cả Luka, cả Kachia lẫn Masa không ai biết được điều ấy và bây giờ họ cứ liếc nhìn ông với vẻ nghi ngại và nói với nhau toàn những chuyện lăng nhăng vớ vẩn. Lòng người ai biết thế nào. Ôi, giá như cuộc đời này nó đổi khác đi, thì có phải người ta sống sẽ dễ dàng và đơn giản hơn không!..
o O o
Nhà trọ ở Mikhailốpca vắng ngắt. Chiếc ấm xamôva đặt trên bàn. Lửa còn chưa tắt. Ở lỗ xả hơi trên nắp ấm vẫn thấy hơi phì ra. Gầm ấm vẫn thấy có tàn than lấp lánh. Chắc có người nào đó vừa dùng trà để sưởi cái tấm thân tàn tạ của mình.
- Các ngài sĩ quan vừa sưởi ấm bên chiếc xamôva này có phải không, bác Xilanti? - ông già đánh xe hỏi người chủ quán trọ, lúc ông ta cùng với các cô gái và Luka bước vào nhà.
- Các ông ấy có ngồi bên ấm xamôva, nhưng sưởi thì lại bằng thứ khác kia. Nhìn kia kìa, tu cái chai to như vậy mà cũng chẳng có sặc sụa gì. - Người chủ quán trọ, một gã thọt chân có chiếc mũi to, chỉ tay vào phía góc nhà. Trên chiếc ghế dài một chiếc chai không ánh lên màu thủy tinh xanh. - Karpukhin nhắn là sẽ đợi tất cả các vị ở nhà trọ của bà Vaxilixa Khơrêptôva đấy, - người chủ quán trọ nói thêm.
- Ái chà, đến tận đấy kia! Đến tận kho rượu lậu, - ông già đưa hai tay ra phía trước và quay lại phía các cô gái: - Cái thằng dê xồm ấy muốn hậu đãi các cô đấy. Chắc là nó muốn vui chơi tối nay đấy.
Hai cô gái đưa mắt nhìn nhau, và Masa vừa cười vừa nói:
- Giá mà chúng cháu được biết trước có phải hay không! Chúng cháu sẽ chẳng từ chối. Còn thế này thì không được rồi. Chúng cháu phải đến chỗ bà bác ở bên làng đây. Và ngủ đêm ở đấy.
- Ờ, thế mà lại hay đấy các cháu ạ, - ông già nói. - Không thể chờ đợi điều gì tốt lành ở cái thằng tướng cướp ấy đâu. Già đã đoán ngay ra là hắn ra lệnh chở các cháu đến Xêmilugiơki này làm gì rồi.
- Sẽ có người khác thay thôi! - Người chủ quán trọ vẫy tay và cười rung cả cái thân hình to lớn xương xẩu của ông ta. - Các bà vợ lính ở xóm ta vừa rồi đã cho hắn một trận nên thân. Họ bắt được hắn lúc hắn đang say rượu, đưa vào nhà tắm, họ lột quần ra lấy roi gai quất cho một trận... quất cho kỳ đến lúc hắn nôn mửa ra.
- Cái quân đốn mạt thì đem mà bắn đi cho xong! Cho hắn biết cứ trêu vào vợ lính thì sẽ ra sao, - anh lính nói.
- Những thằng như thế thì đến đạn cũng không trị nổi.
- Cái ngữ ấy, Luka ạ, thì chỉ có mà mang đến cho cái ông lang chữa ngựa cho ông ấy thiến nó đi. - Ông già nói giễu, rồi bật cười, tay vuốt vuốt bộ râu hơi bị ướt vì tuyết tan. - Ngày xưa ở làng chúng tôi có một trường hợp như thế đấy.
Kachia và Masa ngượng đỏ mặt, đầu cúi xuống, nhưng vẫn nghe hết câu chuyện.
Người chủ quán trọ chúc mọi người ăn ngon miệng rồi ông ta tập tễnh đi ra. Những người khách trọ cởi áo lông ra và đem những thức ăn mang theo bày ra trên mặt bàn được cọ sạch trắng. Hai cô gái bày ra bánh mì đen và cá trích, Luka thì - bánh mì khô, cá hồi và đường phiến, còn ông già - mỡ lợn, bánh calát bằng thứ bột xam xám.
Masa rót nước trong ấm xamôva ra cốc của quán trọ và đặt trước mặt mỗi người một cốc. Nhưng không có gì để quấy nước. Đã lâu lắm không có chè thật để uống và ở các làng người ta đã quên cả mùi của chè rồi. Thậm chí cả đến nấm cây bạch dương, cành liễu diệp, củ cà rốt khô dùng thay chè giá cũng đắt gấp ba và chúng được đưa từ các làng mạc ra thành phố và được coi như thứ nước uống loại một.
Hai cô gái, Luka và ông già luôn mồm mời nhau những thức ăn của mình. Nhưng thức ăn của mỗi người thì đều chỉ vừa vặn: một người ăn đủ thứ chia ra làm bốn thì không sao chia nổi. Chỉ có đường là hấp dẫn nhất. Luka lấy sống dao đập phiến đường ra thành nhiều mảnh nhỏ và đổ ra bàn đến một vốc. Mọi người nhấm nháp thức ăn ngon ngọt ấy rồi cảm ơn Luka. Ông già vừa than vãn vừa nhớ lại cái thời mà trong mỗi quán hàng đều có những lọ đường trắng tinh ngon lành, rồi ông chỉ trích tên vua nước Đức - một tên hung thần - đã phá hoại cuộc sống yên bình. Và sau khi uống cạn một cốc sành nước sôi, ông cụ đứng dậy ra sân, chăm những con ngựa.
Kachia lắng nghe - trong nhà có vẻ như chẳng có ai, chỉ có chiếc đồng hồ tích tắc trong buồng, tiếng quả lắc chạy rè rè, và bên cạnh bếp, trong chuồng gà tiếng những cô gà mái chuyện trò mê mải bằng thứ tiếng khó hiểu của mình. Masa đoán ra ý định của Kachia, nhìn thẳng vào mắt bạn, tỏ ý động viên và đồng tình.
- Anh Luka này, thế ở thành phố anh có ai quen không? - Kachia hỏi người lính. Anh ta cứ cuộn điếu thuốc lá.
- Cô em ơi, lính thì còn có ai mà quen với thuộc nữa? - Luka đứng dậy, châm điếu thuốc, phả đầy khói thuốc.
- Thế những ngày lễ anh đi đâu chơi?
- Chẳng đi đâu cả. Mà ngày lễ thì cả năm tôi chỉ có một ngày - ngày thiên chúa giáng sinh. Người ta bắt tôi đi theo xe thư liên tục, cô em ạ. Trước đây thì đi Bôgôrốtxcôie, ở phía tây, còn bây giờ thì lại đi về đây, về phía đông.
- Dù sao thì anh có thấy chán cái công việc này không, anh Luka?
- Ôi, cô em ơi, chán quá đi chứ lỵ. Chán không thể tả được ấy!
Masa hiểu Kachia định hướng câu chuyện về đâu, nên đã nói thẳng thừng:
- Anh Luka này, lúc nào anh được rảnh rang thì anh cứ lại chỗ chúng tôi. Tôi có chị gái, có em trai, có Kachia đây, lại có bạn bè nữa. Chúng tôi sống tuy chẳng được no đủ và cũng chẳng có nhà cao cửa rộng, tất nhiên rồi, nhưng sống cũng vui. Nhà chúng tôi ở phố Dơnamenxcaia, nhà số 39. Lối vào, tất nhiên, - Masa cười mủm mỉm, - không phải là cái cổng sang trọng có bậc tam cấp đâu, mà là cái lối ở bên cạnh, lối vào tầng nhà hầm ấy.
- Ừ, sao tôi lại không đến nhỉ? Thế nào tôi cũng đến! Tôi sẽ xin phép ông thượng sĩ, nhất định là ông ta sẽ đồng ý thôi. Ông ta có tính thương người. Ông ta cũng bị thương và bị những vết thương kín như tôi. Xin cảm ơn các cô. Các cô đã không khinh rẻ cái đồ súc sinh này. Lính tráng bây giờ có ai coi ra gì đâu. Người ta đã chán ngấy cái trò hét «u-ra» mãi rồi...
Luka rất lấy làm thỏa mãn vì được các cô gái mời, anh ta thậm chí đỏ cả mặt lên, và trông đẹp hẳn ra, anh ta đi đi lại lại ở phòng ngoài từ góc này sang góc kia.
- Thế anh có bạn bè trong quân đội không? - Kachia vừa tiếp tục hỏi chuyện, vừa đưa mắt nhìn Masa tỏ ý đồng tình.
- Biết nói thế nào với cô em được nhỉ, - không hiểu vì sao Luka lại cảm thấy khó trả lời câu hỏi của Kachia, và anh ta xịu hẳn đi. - Có vẻ như là có đấy, mà lại cũng có thể nói là không.
- Nhưng tại sao lại thế?
- Những người lính họ e ngại lẫn nhau. Nói tóm lại là họ theo dõi, để ý lẫn nhau. Có người cũng định cởi mở đấy, nhưng rồi lại nghĩ: thôi tốt nhất là mình cứ biết mình, không có nhỡ ra lại gặp phải cái thằng mật thám nó vờ vĩnh làm người mình thì khốn.
- À, thì ra thế đấy! - Kachia đã hiểu ra, - Chắc là ban chỉ huy không tin cậy các anh lắm.
- Mà cũng phải thông cảm với ban chỉ huy, cô em ạ. Đơn vị chúng tôi phải bảo vệ cả nhà bưu điện, phòng điện tín, điện báo, lại cả các nhà băng, các kho quân trang quân dụng. Cứ khâu nào mà có chuyện gì thì cả huyện huyên náo lên... Lúc đó thời biết làm sao? Ngăn cản được họ à?
- Điều đó thì đúng đấy, anh Luka ạ! Có điều anh việc gì mà phải đau đầu thay cho ban chỉ huy? - Kachia hỏi giọng có vẻ khiêu khích.
- Theo tôi ấy à, tôi cứ muốn cho tất cả cháy bùng lên! Tôi chán cái đời lính này đến tận cổ rồi. Chán đến đây này! - Luka lấy bàn tay cắt ngang cổ mình.
- Thế nhé, anh Luka, đến chúng tôi chơi nhé. Khoảng độ một tuần nữa chúng tôi sẽ trở lại thành phố. Anh nhớ địa chỉ của chúng tôi đấy, - Masa lại nhắc lại địa chỉ của mình, còn Luka thì cố sức tập trung tư tưởng để nhớ. Các ngón tay anh luôn luôn cử động, và anh nói một cách quả quyết:
- Thôi, bây giờ thì không thể nào quên được nữa rồi. Đến chết cũng không quên!
Hai cô gái và Luka lấy làm mãn nguyện vì đã thỏa thuận được với nhau về một việc, họ nhìn nhau mỉm cười, mắt sáng lên, nhưng lại hơi có vẻ ngượng nghịu - đôi khi những người đặt nhiều hy vọng và tình cảm ở tương lai thường có cái cảm giác như vậy.
- Tôi muốn hỏi anh, anh Luka: chúng tôi có nên đi tiếp với anh đến Xêmilugiơki hay là ở lại? Tôi thấy sợ cái lão Karpukhin ấy lắm. Có thể là ông già ông ấy ngại hắn cũng có lý do đấy chứ? - Masa nhìn thẳng vào mặt người lính.
- Cả tôi cũng cảm thấy sợ sợ thế nào ấy. Thật đấy anh Luka ạ! - Cả Kachia cũng nhìn thẳng vào người lính, chờ đợi lời khuyên bảo của anh ta, coi anh như một người lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc đời.
- Tôi lo cho các cô lắm đấy, các cô ạ, - Luka nói nhỏ gần như thì thầm, - thằng Karpukhin và cái thằng liên lạc của hắn - đâu phải người đáng mặt với các cô, tôi sợ rằng bọn chúng sẽ giở trò gì đó với các cô. Chẳng làm gì được chúng nó. Nhưng có điều các cô đi đâu bây giờ được?
- Chúng tôi đến nhà người cô. Ở xóm trại. Chúng tôi sẽ xuống xe ở quãng cầu ngoặt, anh có nhớ không. Nó ở cách Xêmilugiơki ba vécxta ấy mà, - Masa nói.
Luka đồng ý với ý định của hai cô gái, anh hứa nhất định sẽ không nói với Karpukhin.
Họ vừa kết thúc câu chuyện thì ông già bước vào.
- Ta đi thôi! Các chú ngựa của tôi đang dũi đất kia kìa, chúng nóng lòng lắm rồi đấy, - ông già nói đùa.
Chủ quán cũng bước vào. Masa và Kachia trả tiền nước và tiền sưởi lửa. Luka và ông già chỉ «cảm ơn». Nhà nước đã trả tiền cho họ. Trả tiền ăn cho ngựa và trả luôn cả tiền phục vụ cho những người đi theo xe thư.
Vừa ra khỏi làng, ông già bắt đầu kể những câu chuyện thường xảy ra dọc đường đi. Ông cụ biết nhiều vô kể! Những vụ ăn cướp, giết người, những cuộc chạy trốn... Nghe ông cụ kể, Kachia phải rùng mình vì những chi tiết khủng khiếp mà ông già thả sức đưa vào chuyện, cô gái nghe và nghĩ: «Như thế là thế nào nhỉ? Làm sao mà con người chịu nổi cuộc sống ấy? Luka nói đúng: tấm lòng của người Nga cũng như sợi dây gai. Người ta cứ đập nó, đập nó mãi... Phải có ngày kết thúc chứ... Không thể nào lại cứ kéo dài mãi sự khủng khiếp và tăm tối này...»
Kachia và Masa ngồi sát lại với nhau, kéo gấu áo lông ngắn để che đầu gối. Nhưng dù thế vẫn không ăn thua gì cả. Trời về tối càng lạnh thêm. Bầu trời ngả màu xanh. Mặt trời chiếu rọi qua cánh rừng đã phủ đầy tuyết. Kachia có cảm giác như ở một nơi nào đó phía xa vừa bùng lên một đám cháy và ánh lửa như những đốm máu của đám cháy ấy chiếu xuống con đường và những con người mà không thế thì cũng đẫm máu từ lâu rồi. «Thôi, cứ để mặc cho nó cháy to nữa lên, cháy sáng nữa lên, rồi có thể trên cái nơi đã cháy ra tro ấy sẽ có một cuộc sống khác hơn», - Kachia thoáng nghĩ. Nhưng đám cháy ở phía xa ấy bỗng tắt ngấm, cũng nhanh chóng và nhẹ nhàng như lúc nó bùng lên. Bắt đầu tối.
- Ông ơi, đến chỗ đoạn ngoặt rẽ vào xóm trại ông dừng xe lại nhé, - Luka nói.
Hai cô gái ra khỏi xe, chào Luka và cảm ơn ông già đánh xe.
- Ôi, các cô này dày dạn lắm. Karpukhin không thể phỉnh họ được đâu, - ông già nói, khi xe vừa đi cách Kachia và Masa một quãng.
o O o
Đi trong rừng, trên con đường rậm rạp vào lúc buổi tối vừa rờn rợn mà cũng lại vừa thích thú. Kachia lặng lẽ bước theo chân Masa, đôi lúc cô như quên hẳn điều đó: không biết rằng trước mặt mình là thực hay mơ, hay lại có thể là một sự tưởng tượng, mà ký ức vừa tìm thấy trong kho bí ẩn của quá khứ. Có những lần đi xem triển lãm hội họa ở Pêtrôgrát, cô đã được thấy những bức tranh: chỉ cần xem một lần là nhớ mãi. Và thỉnh thoảng chúng lại hiện về trong ký ức cô một cách dễ dàng, sinh động, sáng rõ, với tất cả các màu sắc khó lòng diễn đạt. Có thể đây cũng là một bức tranh mà ký ức vừa tìm lại được chăng?
Không, cô đang phải dùng đến sức lực đấy chứ: cô phải đưa chân, vung tay, lắng tai nghe ngóng, sự im ắng không chỉ đang tồn tại mà còn lôi cuốn toàn bộ con người mình, nó vây bọc mình bằng những bức tường vô hình mà chỉ có một cái có thể xuyên qua được: đó là tiếng ủng lông nghiến vào tuyết kêu kèn kẹt.
Bầu trời đã ánh lên những vì sao, vòm trời cong xuống trên cánh rừng im lặng, những chân trời rực rỡ như những tấm vải căng lều đã buông xuống cạnh rừng thưa óng ánh bạc. Trăng đã nhô lên khỏi ngọn đồi và cứ lên cao mãi, lóng lánh những ánh vui và nghịch ngợm. Kachia đưa mắt nhìn Masa và không nhận ra cô bạn. Từ đầu tới chân tuyết bám đầy trông cô giống như một cây thông nhỏ bỗng nhiên rời khỏi sườn đồi rồi bước đi theo dấu xe trượt tuyết, kéo theo cả người bạn gái. Đây là lần đầu tiên trong đời Kachia đi rừng vào buổi tối mùa đông, cô vô cùng ngạc nhiên trước vẻ huyền ảo của cảnh vật thiên nhiên.
Họ đi lâu hay chóng tới xóm trại, Kachia cũng không biết nữa. Chỉ biết hai ống chân đã bắt đầu rời rã, còn đôi ủng vừa nhẹ vừa ấm của Đunhia thì nay đã trở thành quá nặng, qua đó Kachia có thể suy ra là họ đi đã khá lâu.
- Thôi, bây giờ thì gần rồi, Kachia ạ. Bây giờ bọn mình đi qua đồi này là đến xóm - kia nó kia kìa, - Masa ngoái lại nói.
- Masa, cả người cậu trông như dát bạc lại óng ánh vàng. Đến những sợi lông mi cũng óng a óng ánh! - Kachia kêu lên.
- Còn cậu thì sao! Cứ như là nàng bạch tuyết ở trong truyện cổ tích ấy. Trời lạnh lắm, Kachia ạ!
- Thế ở đây có sói xám không đấy?
- Chẳng có thì không à?! Mà không phải loại chó sói trong truyện cổ tích đâu, chó sói thật sự ấy, chó sói có răng nanh hẳn hoi. Năm nào chúng cũng về bắt gia súc của xóm đấy.
- Mình sợ lắm, Masa ơi! - Kachia thật thà thú nhận.
- Trời rất thương người! Nhưng để đề phòng mọi sự bất trắc thì mình đã có nắm cỏ khô cắp nách và bao diêm trong tay đây rồi. Nó không đến chỗ nào có lửa, - Masa nói vẻ nghiêm trang, nhưng bình tĩnh, như nói về một việc gì đó bình thường nhất.
Và chỉ đến lúc này Kachia mới nhận thấy cái mà trước đây cô không để ý đến: Masa cắp dưới nách mình một nắm cỏ khô được cuốn chặt lại, cô đã lặng lẽ lấy cỏ ấy ở trong xe ngựa. Và đối với cô, bây giờ không có một thứ gì, kể cả cánh rừng tối om tuyết phủ, cả giải thung lũng bị tuyết sớm vùi sâu nhưng có dòng suối chưa đóng băng còn đang róc rách chảy giữa cảnh đông giá lạnh, cả sự im lặng bao trùm lên mặt đất, - không có một thứ gì có thể làm cho Kachia cảm thấy rõ rệt rằng mình đang ở đâu và chuyện gì đang xảy ra với cô như cái nắm cỏ khô, mà Masa đang cắp dưới nách, và câu nói của Masa: «những con chó sói thật sự ấy, chó sói có răng nanh hẳn hoi».
Đây là Xibiri... Cô đang ở Xibiri... Thật là kỳ lạ! Cô tự đến đây, tình nguyện đến... Nếu như năm năm về trước ai mà tiên đoán cho cô những điều này thì có lẽ cô sẽ bảo người đó là điên.
- Thôi, nghỉ đi một lát, Kachia... Cậu không quen đi bộ chắc là mệt đấy. Ở đây thì có gặp chó sói cũng chẳng sợ nữa rồi. Ngửi thấy không, mùi nhà cửa rồi đấy, - Masa nói và dừng lại ở đỉnh đồi. Kachia thở gấp, ngực cô phập phồng dưới chiếc áo lông dày, cô há miệng hít lấy hít để cái không khí giá lạnh.
- Quỷ thật, mình ở Pêtrôgrát quen đi tàu điện... Hơi một tý là đã mệt rồi, - Kachia nghiêm khắc nói về mình.
- Sẽ quen thôi, Kachia ạ, - Masa an ủi bạn và đưa một tay quàng vai ôm lấy Kachia. - Ở Xibiri thì đôi chân là công cụ cơ bản. Mẹ mình thường nói vậy. Thôi bây giờ ta đi chầm chậm thôi.
Masa đã tìm đường đi trên mặt tuyết trắng một cách thần tình và đã đưa bạn về đến nhà.
Con chó nhẩy xổ qua cổng, xổ lại cắn các cô gái. Masa quát: «Yên nào, Panma, người nhà cả mà!» - thế là con chó lại quấn quýt, chân đạp tuyết và kêu ư ử vẻ rất là ân hận, như xin lỗi.
- Nhìn kìa, nó nhớ đấy! Mình với Đunhia về đây hái nấm dạo mùa thu, - Masa giải thích.
Càng gần tới nhà Kachia càng cảm thấy nóng lòng muốn được tiếp xúc với những gì cô sẽ thấy: cuộc sống của những người nông dân, những thiếu thốn và cơ cực của họ, những ý đồ thầm kín của họ... Những người nông dân ở Xibiri... Ở đây không có đất đai của bọn địa chủ. Hoàn cảnh ở đây khác hẳn ở những huyện thuộc trung tâm của đế quốc Nga. Kackia đã từng đọc rất nhiều sách vở viết về vấn đề nông dân. Cô đã từng làm quen với các sách của các nhà kinh tế, nhà thống kê, với các công trình của Bécvi - Phlêrôpxki, Lênin, với đường lối của những người bônsêvích trong vấn đề nông dân. Nhưng tất cả những cái đó chỉ là lý thuyết, giờ đây cuộc sống đã xô đẩy cô đến chỗ tiếp xúc trực tiếp với sinh hoạt của người nông dân. Và trong lòng cô vô cùng hồi hộp, vì cô hiểu rằng đây là sự kiểm tra nghiêm khắc những quan điểm của cô.
Một thằng bé mặc áo lông của bố nó dài quét gót, đội mũ lông cao kéo xụp xuống tận mắt, ra cổng đón các cô gái. Vì tối quá, nó không nhận ra Masa, cho nên với cái giọng trong trẻo của nó, nó cất tiếng hỏi đầy vẻ hăm dọa:
- Ai đi ngoài ấy đấy?
- Em Kirin ơi, chị đây, chị Masa đây.
Thằng bé chạy vụt vào trong sân hét lên vui sướng:
- Mẹ ơi, chị Masa về mẹ ạ!
Chốc sau thằng bé lại chạy ra khỏi cổng, và theo sau nó là một người đàn bà trẻ dáng vóc cao lớn mặc áo lông ngắn có thắt dây lưng, chân đi ủng lông cổ ủng bẻ ra ngoài theo kiểu đàn ông, đầu đội khăn vuông buộc nút dưới cằm, tay đi găng.
- Ôi, Masa! cháu ở đâu ra thế này? - người đàn bà mừng rỡ nói. - Thế nghĩa là điềm báo rất thiêng: hôm nay con chim ác là cứ đứng phía sau nhà mà hót mãi, hót mãi. Thằng Kirin - cô với nó đang cưa gỗ làm củi mà - mới hỏi chim rằng: «Có khách hay có tin vui đấy?» Chim vỗ cánh, xòe đuôi rồi bay đi ra phía đường cái. Còn nó thì cứ nhất định rằng: «Mẹ ơi, biết đâu chim ác là lại chẳng đưa cha về cho nhà mình mẹ nhỉ?»
Người đàn bà trẻ ôm lấy Masa, nhìn kỹ Kachia trong bóng tối, đon đả nắm tay cô chào hỏi. Masa giới thiệu Kachia là bạn gái cùng làm với mình ở nhà máy in.
Họ bước vào căn nhà gỗ. Cậu bé chạy vào trước mọi người, vội vàng đi châm đèn.
- Không có dầu hỏa, Masa ạ, phải dùng đèn đĩa vậy.
- Cả ở thành phố cũng không có dầu hỏa đâu, cô ạ.
- Còn Kachia, em cởi áo ngoài ra. Rồi vào đây, vào phía trong tấm liếp này này, - người đàn bà mời. - Đây là buồng nhà cô đấy. - Người đàn bà vừa nói vừa cười. - Kirin, con chạy mau xuống dưới hầm, phía sau cầu thang trên nắp thùng gỗ có mấy cây nến đấy...
- Thôi cô Dina ạ, cô đừng bận tâm. Chúng cháu nhìn rõ lắm, - Masa định gàn người cô.
- Cháu ơi, sao lại thế được?! Cháu về đây cô mừng lắm. Gia đình cháu vẫn mạnh khỏe cả đấy chứ?
Khi thằng bé Kirin đốt cây nến to sụ được nặn bằng sáp trộn với mỡ lên, Kachia mới để ý nhìn ngắm căn nhà. Nó được ngăn ra làm đôi bằng tấm gỗ mỏng quét vôi. Nửa nhà ngoài là một bếp lò kiểu Nga, một bếp lò bằng sắt, một chiếc bàn, một cái giường kê trong góc. Nửa nhà trong Kachia thấy có một chiếc bàn tròn phủ khăn bằng vải ren, một chiếc giường thứ hai có giải đệm bông và một chiếc tủ nhỏ bằng gỗ mộc. Những khoảng tường giữa các cửa sổ treo đầy những tấm ảnh lồng trong khung đơn sơ có mặt kính. Ở các góc nhà có cắm những cành lá linh sam. Kachia thầm nghĩ: «sạch sẽ và dễ chịu», - và chỉ lúc này, nhờ ánh sáng của cây nến to sụ và vừa cháy vừa nổ lách rách, Kachia mới có dịp nhìn kỹ người cô của Masa. Bà có vóc người cao lớn, ngực nở nang, đôi mắt to với cái nhìn trầm tĩnh, mái tóc màu hạt dẻ rất dày được búi gọn phía sau gáy, con người bà đã để lại trong Kachia một ấn tượng mạnh mẽ. Trong người đàn bà ấy có một cái gì rất trần tục, rất phụ nữ. Bà ta nói năng chậm rãi, và giọng nói rất dễ nghe, khuôn mặt bà, với những nét rất mẫu mực, lúc nào cũng niềm nở, tươi cười, mà lại nghiêm trang. «Một người đàn bà vững vàng, và trong con người ấy không hề có chút bóng dáng nào của sự nhẫn nhục, mặc dù chắc là bà ta sống khá chật vật: tứ cố vô thân mà». - Kachia nghĩ, không rời mắt, hay đúng hơn, mê mải nhìn ngắm bà.
Dina là em gái của bố Masa. Cô gái đi lấy chổng rất sớm, và cô chọn người con trai nghèo nhất nhưng là người cô yêu quý nhất trong số những người tranh nhau đến dạm hỏi cô. Những năm đầu của cuộc sống vợ chồng, họ phải đi làm thuê làm mướn. Họ lao động cật lực. Cuối cùng họ cũng đã giành được tiền để mua con ngựa, rồi nhờ công sức của bà con hàng xóm đã nhặt nhạnh dựng được căn nhà gỗ, mua được con bê non, họ hết lòng và kiên trì chăm sóc nó, và đến cuối năm thứ ba thì họ đã có sữa của con bò nhà. Đấy là giờ phút mừng vui không sao quên được.
Khi ở Xibiri bắt đầu có phong trào nông dân bỏ các công xã nông nghiệp ra làm ăn riêng lẻ thì Kudơma Nôvôxelốp, chồng của Dina đã không thể cưỡng lại được cái ham muốn sống với một mảnh đất riêng, không phải chỉ ban ngày mới ở bên cạnh nó mà cả ban đêm nữa. May thay, lao động của hai vợ chồng họ dù sao cũng đã đem lại những thành quả: lúa mì đủ ăn từ năm nọ sang năm kia, trong chuồng gia súc có thêm cừu và lợn. Kudơma không có ước mơ trở thành giàu có, nhưng ông ta muốn được sống bằng vai bằng vế với mọi người, muốn ngoi lên «thành phần trung nông». Chỉ có làm ăn riêng lẻ mới nhanh chóng đạt được các mục đích từng được ấp ủ trong lòng.
Nhưng số phận đã nghĩ khác. Kudơma sống riêng lẻ như vậy chỉ được chưa đầy hai năm. Chiến tranh đã nổ ra. Ông ta bị gọi lính ngay từ lần tuyển quân đầu tiên. Sau đó là thời kỳ tập luyện ngắn ngủi ở đơn vị bộ binh, rồi ra trận, rồi đánh nhau và... chẳng có tin tức gì nữa cả. Ba năm đã trôi qua từ khi không có tin tức gì của Kudơma. Chỉ có một mình ông trời mới biết được sự việc gì đã xảy ra với con người ấy: hoặc là ông ta đã chết, hoặc đã bị bắt, hoặc bị thương tật trở thành con người xấu xí rồi ở lại nhà làm phúc không muốn trở về làm khổ cuộc đời người vợ đẹp của mình.
Masa đã kể cho Kachia biết mọi chuyện ấy ở nhà trọ tại Mikhailốpca, khi cô gái có ý định là hai chị em sẽ về ngủ nhờ tại nhà người cô ở xóm trại.
Bây giờ khi đã đến rồi, Kachia thấy rất muốn hỏi Dina về mọi chuyện, để biết nhiều hơn nữa về chị, và có được một ấn tượng đầy đủ về một cái xóm nhỏ bé bị lẫn đi trong rừng Xibiri. «Dù sao thì cũng rất hấp dẫn nếu được biết những con người ở đây sống ra sao, nghĩ ngợi gì. Có một đốm lửa nhỏ nào của hào khí cách mạng truyền được tới đây không? - Kachia thầm suy nghĩ.
Cùng với con trai, Dina đã nhanh chóng dọn các thức ăn ra bàn, đặt ấm nước sôi và mời hai cô gái ra ăn bữa tối. Chăm chú theo dõi những động tác uyển chuyển, tháo vát và rất đúng mực của Dina, Kachia thầm đoán tuổi của chị. «Có lẽ chị ấy độ khoảng hai mươi tám tuổi, nhiều nhất là đến ba mươi», - cô gái nghĩ. Khi Dina có việc gì đó phải ra ngoài hiên, Kachia bèn hỏi Masa để xem mình đoán có đúng không.
- Cô ấy hai mươi chín tuổi đấy, Kachia ạ. Còn thằng Kirin thì mười tuổi. Chú Kudơma theo mình nhớ thì có lẽ hơn thím Dina một tuổi, - Masa trả lời.
Cũng như mọi người đàn bà hiền hậu, biết lo xa, và hiếu khách, Dina đã để giành được đôi thứ dùng vào những lúc như thế này. Trên bàn thấy dọn ra các món: thịt chân giò nấu đông, dưa chuột và nấm muối, khoai tây rán, mứt quả phúc bồn tử, bánh mì nóng, mặc dù chỉ là bánh mì đen, nhưng nó thơm ngon đến mức át cả mùi thìa là trong món dưa chuột muối. Cái còn thiếu trong bữa ăn ấy là nước chè.
- Ở đây chúng tôi uống nước lá ngấy thay chè. Dù sao thì cũng vẫn không phải là nước trắng, - Dina nói, vẻ xin lỗi vì đãi khách quá đơn bạc.
- Cô Dina, sao cô lại nói thế ạ! Cô đã mang ra bao nhiêu thứ đãi chúng cháu rồi còn gì. Ở thành phố đã từ lâu quên những món ăn này rồi, - Kachia nói, trong lòng mỗi lúc càng thêm yêu mến người đàn bà trẻ này.
Thế rồi sau đó câu chuyện cứ tự nó mở ra, Kachia chẳng cần phải đặt câu hỏi nữa. Dina cảm thấy các cô gái ở thành phố này thật sự quan tâm đến đời sống của mình, nên chị đã sẵn sàng và hoàn toàn cởi mở khi kể về mình.
- Chúng tôi vẫn chưa cam chịu bó tay để chờ chết đói, chưa đâu! Nghe nói rằng ở ngoài thành phố đã khốn quẫn lắm rồi. Ở nông thôn chúng tôi thì dù sao mọi cái cũng là do mình làm ra cả. Đấy, nào khoai tây, nào bắp cải, nào các thứ rau, nào nấm. Thậm chí cả quả việt quất cũng hái được khá nhiều. Nhưng có cái này thì thiếu tợn - quần áo. Riêng phần tôi thì trước đây còn có đôi thứ, thiếu tí cũng chịu được. Còn thằng cháu kia thì nó mỗi ngày mỗi lớn. Nó cần nào quần, nào ủng, nào áo lông, nào mũ. Nhưng lấy đâu ra? Anh Kudơma thì bản thân anh ấy đã chẳng có gì rồi, mà có gì để lại chăng nữa thì cũng đã chữa lại cho em nó mặc từ lâu rồi. Thế mà nó lại là đứa hiếu động, nghịch ngợm, quần áo chóng rách quá. - Dina đưa mắt âu yếm nhìn đứa con trai nhỏ đang ngồi im sau bàn. Thằng bé cúi nhìn xuống đất, mặt đỏ lên, tay dứt dứt mớ tóc vàng nhạt của mình. Dina nói tiếp: - Thế nhưng nó cũng lại là một người giúp đỡ tôi đắc lực lắm đấy! Nó làm đủ mọi việc. Việc ngoài đồng, việc ở nhà, việc vườn tược. Không có em nó thì tôi cũng gay go đấy! Lắm lúc cũng thấy là mình bắt nó làm việc quá sức, nó có mười tuổi mà bắt làm như người lớn thì còn gì mà lại chả quá sức, nhưng biết làm thế nào kia chứ? Nhà tôi tuy thế nhưng vẫn là ba miệng ăn...
Chỉ đến lúc này Kachia mới để ý đến cái bếp lò. Trên mặt bếp lò có ai vừa cựa quậy, động vào chiếc rèm che làm nó rung rinh. Dina nhận ra cái nhìn dò hỏi của Kachia, chị liền giải thích:
- Bà mẹ chồng cùng ở với tôi. Bà cụ chưa già lắm, nhưng ốm đau, phải có người trông nom săn sóc nữa kia đấy.
- Thế em nó có đi học không? - Kachia hỏi.
- Ôi, hỏi đến chuyện ấy làm gì! Cái điều ấy đã từ lâu vẫn day dứt tôi không biết đâu mà kể. Cho đến nay nó vẫn chưa đi học, ở xóm trại này không có trường, còn gửi nó vào học trường trong làng thì cũng không có điều kiện. Phải cho nó ăn mặc tử tế, lại phải trả tiền nhà tiền cửa nếu cho nó ở nhờ nhà người khác. Mà đến việc ăn uống cũng không đơn giản. Ở nhà mình thì khi no, khi đói cũng chẳng sao. Còn ở nhà người ta thì lại phải thứ này thứ khác. Và cái điều cơ bản nhất là: cô làm sao mà sống thiếu nó được? Ngay đến cưa củi cũng không có ai để kéo cưa. Mà vẫn biết rằng thằng bé cần phải được học chữ, nhưng học bằng cách nào? Bản thân tôi cũng được ba năm cắp sách đến trường, không phải là đã hay chữ gì cho lắm, nhưng dù sao thì cũng đã có thể tính toán được và biết viết, và khi cần thiết cũng có thể giúp đỡ cả người khác nữa...
- Mẹ em cũng đã mua cho em quyển học vần, em đã thuộc hết các chữ cái rồi đấy, - Kirin rụt rè khoe, rồi lại đỏ mặt lên và cúi nhìn xuống đất.
- Thế là giỏi đấy! Bây giờ thì em phải tập ghép những chữ cái ấy thành các từ, - Kachia nói và âu yếm vuốt vuốt mái tóc mềm mại của đứa bé.
- Tôi cũng đã thử mãi rồi! Nhưng thì giờ đâu kia chứ. Lắm hôm em nó mệt quá, nó phải cố lê bước đến giường rồi nằm vật ra ngủ như chết...
«Ôi, cuộc sống của Dina thật không đơn giản, thật vất vả quá chừng!» - nhìn vào đôi mắt mở to của Dina, Kachia nghĩ với một niềm cảm thông sâu sắc.
Bỗng bên ngoài cửa sổ có tiếng chó sủa, tiếng sủa có vẻ hung hăng và dữ tợn.
- Chắc có ai ở ngoài ấy đấy, - Dina nói, hơi có vẻ lo lắng, và chị định đứng dậy.
- Mẹ cứ để con chạy ra xem cho, - Kirin đứng phắt dậy, mặc xong chiếc áo lông và chụp mũ lên đầu.
- Thế nó không sợ à? - Kachia nhìn Masa có vẻ ngạc nhiên, hỏi.
- Nó có biết sợ là gì! - Dina kêu lên, trong giọng nói đượm vẻ hãnh diện.
- Nhưng dù sao thì lúc này cũng là đêm hôm tối tăm cô ạ, - Masa nói và đứng dậy. Cũng như Kachia, Masa đang bị một ý nghĩ ám ảnh: không biết có phải Karpukhin đã nẩy ra ý định đi tìm họ ở cái xóm trại này không? Luka thì dứt khoát là không phản bội họ rồi; anh ta đã hứa một cách chắc chắn, nhưng còn cái ông già hay chế nhạo ấy, ông ta có khi không chỉ kể cho thằng sĩ quan nghe mọi chuyện mà lại còn nói khích nó: anh là một người lính mà lại chịu để cho bọn con gái chuồn mất...
Tiếng bánh xe trượt tuyết và tiếng thằng Kirin liến thoắng quát con Panma vọng vào qua cửa sổ đã được giắt kỹ bằng những nắm sợi lanh và bị băng phủ lên một lóp mỏng.
- Cháu cứ ngồi yên, Masa, - Dina ấn cô cháu gái xuống chỗ cũ rồi đi đến bên cửa sổ, cố gắng nhìn kỹ vào đêm tối xem có thấy gì không. - Thôi, kệ, ai đến đây mà không phải qua chúng ta, - chị ta khoát tay và trở lại bên bàn.
Kirin chạy vào thở hổn hển, vẻ lo sợ kêu lên:
- Mẹ ơi, bác Evơlampi Erơmilôvích đến hỏi mẹ việc gì ấy!..
Dina đứng dậy, quay mặt ra phía cửa đang hé mở, nhìn qua cửa, ra phía hàng hiên và bỗng nhiên nét mặt chị trở nên căng thẳng, đanh lại.
Một người đàn ông thấp lùn bước vào, người ấy đi đôi ủng lông rất diện (những đường thêu đỏ ngoằn ngoèo nổi bật trên nền cổ ủng trắng) mặc chiếc áo lông ngắn cổ bẻ, đội chiếc mũ lông cao màu đen. Người ấy bỏ mũ ra, đưa cánh tay đang cặp chiếc găng ở nách lên để làm dấu, mắt nhìn thẳng vào bức tranh thánh ở góc nhà.
- Chào cô chủ! - Giọng người đàn ông có vẻ chậm rãi, nhưng rè rè, khàn khàn, như bị cảm lạnh hoặc bị khản giọng vì hò hét quá nhiều.
- Mời anh vào, anh Evơlampi Erơmilôvích. Xin mời anh, - Dina hơi nghiêng mình chào khách và nói giọng run run.
- Không, tôi không vào đâu, cô Dina ạ, tôi không vào mà. Tôi có chút việc phải đến cô, - người đàn ông nói bằng một giọng gần như âu yếm, nhưng có cái vẻ hơi bí hiểm, làm cho người nghe không biết điều lành hay điều dữ đang đợi mình.
- Vâng, thế thì ít ra anh cũng ngồi xuống một tý, anh Evơlampi Erơmilôvích. - Và Dina đẩy chiếc ghế đến bên người khách.
- Mà tôi cũng chẳng ngồi đâu, cô Dina ạ. Công việc gấp lắm rồi.
- Thôi, nếu vậy thì anh nói đi, anh Evơlampi Erơmilôvích, - Dina buồn rầu nói.
- Mà có thể chính cô đã biết rồi cũng nên, - người đàn ông nói với vẻ càng quả quyết hơn.
- Lúa kiều mạch ạ? - Dina thở dài.
- Đúng, chính nó đấy Dina ạ, lúa kiều mạch ấy và nhanh nhanh đi kiếm nó cho tôi. Tự cô biết đấy: tôi phải mang nó dâng cho vua cha, cho đất nước. Họ không đợi được đâu.
- Vâng, thế nhưng tôi lấy đâu ra lúa kiều mạch ngay bây giờ để đưa cho anh cơ chứ, anh Evơlampi Erơmilôvích? Nó còn ở ngoài đồng kia, đang chất đống ở ngoài ấy, Phải mang nó về đây, sấy khô đi, rồi đập, rồi quạt,..
- Cho vào trong bao rồi mang đến nhà tôi, - người đàn ông nói thêm, tay chụp chiếc mũ đen lên đầu xụp xuống tận mắt rồi kết thúc với thái độ đe dọa: - Cô phải lo liệu cho nhanh nhanh lên đấy, cô Dina ạ. Đừng có đưa tôi vào vòng tội lỗi.
Hắn đi ra, không thèm ngoái lại, tiếng cửa đập đánh sầm một cái làm cho cả tấm kính trong khung cửa sổ đã bị đóng băng cũng phải rung.
- Cô Dina ơi, ai đấy hả cô? - Kachia hỏi, đưa đôi mắt ngạc nhiên nhìn Masa.
- Ông chủ đấy.
- Chủ của cái gì?
- Nói thật sự thì hắn ta là chủ cả cái xóm trại này đấy.
- Tại sao hắn lại được quyền như vậy, hả cô Dina? Xóm ta có bao nhiêu nóc nhà cả thảy?
- Hắn ta giàu có, Kachia ạ. Và vì giàu có nên hắn là ông chủ.
- Xóm này có từ lâu chưa ạ? - Kachia tò mò hỏi.
- Năm 1912 nhà tôi bỏ làng ra đây. Tôi không bao giờ có thể tha thứ cho mình vì cái tội đã nghe lời dỗ dành của anh ấy. Từ ngày đầu tiên gia đình đã phải chịu bao nhiêu cay đắng, đến bây giờ nghĩ lại vẫn rợn người...
- Cô Dina, cô kể cho cháu nghe đi, mọi chuyện đã xảy ra như thế nào? - Kachia đổi tư thế ngồi cho đỡ mỏi. Ngay từ lúc câu chuyện của Dina vừa bắt đầu Kachia đã hiểu ra rằng xóm trại là kết quả chính sách cải cách ruộng đất của Xtôlưpin. Hàng nghìn bà con nông dân bị bọn quan chức Nga hoàng và bọn dân chủ lập hiến và bọn xã hội cách mạng lôi cuốn vào con đường dẫn đến một sự khánh kiệt mới và đau khổ ghê gớm, ngược lại với những hứa hẹn của bọn kia là sẽ cho họ quyền sống độc lập và giàu sang.
Khi Kachia được người anh cho biết về việc chính sách của chính phủ Nga hoàng nhằm chia rẽ nông dân và tạo ra tầng lớp phú nông bằng cách nhử họ ra lập các xóm trại và làm ăn riêng lẻ bị phê phán kịch liệt, thì cô còn đang là một cô nữ sinh trung học trẻ người non dạ. Sau đó cô đã hàng trăm lần đọc thấy trong các báo chí của đảng bônsêvích và các truyền đơn do các ban chấp hành bí mật của đảng thảo ra có viết về vấn đề này. Song, trong tưởng tượng của cô, vấn đề ruộng đất chỉ là vấn đề cấp thiết đối với những huyện ở trung tâm nước Nga, nơi có bọn địa chủ chiếm hữu đất đai và nơi đất canh tác quá hạn chế. Và đây, thật là quá sự tưởng tượng của cô, ở Xibiri này, người nông dân cũng phải chịu đựng những tai họa y như những tai họa mà các đồng chí bônsêvích đã nói đến ở nước Nga...
- Mọi chuyện bắt đầu từ những cuộc hội họp, Kachia ạ, - Dina kể. - Mỗi người đang sống yên lành, êm ấm thì bỗng nhiên tất cả xáo động dữ dội. Những ông lớn không biết chức vụ gì từ trên huyện xuống, từ thành phố về, họ hứa hẹn sẽ đem lại cho nông dân một cuộc sống giàu sang, tươi đẹp, nếu như họ chịu rời khỏi làng xóm ra lập những ấp, trại riêng. Chồng tôi mới ăn phải bả của họ, hi vọng sẽ được giàu sang... Lúc ấy anh Kudơma đang còn trẻ, còn cả tin, lại vừa được trở thành ông chủ gia đình, sau khi bố mất.
Tất cả tính ra được mười bốn gia đình. Của đáng tội, đất đai chia nhau thì khá nhanh. Việc trước tiên phải làm là chuyển nhà chuyển cửa... Ấy, khi mà cái túp nhà gỗ nó đứng nguyên một chỗ thì cứ tưởng rằng ta vẫn đang sống dưới mái nhà và sẽ cứ còn sống ở đấy mãi tới hàng thế kỷ. Thế mà vừa động đến nó thì nó sụp ngay xuống. Cột kèo thì mục cả, các góc nhà thì mối xông. Ở nơi mới lại phải mua gỗ, dựng lại nhà. Mà để làm các công việc ấy thì phải có thì giờ và tiền. Rồi đến các công trình phụ: kho để lúa, chuồng gia súc, nhà tắm thì lại càng gay hơn. Đành là cứ tạm mọi thứ phơi mưa phơi nắng vậy. Đêm đêm tôi với anh Kudơma chẳng ngủ nghê gì cả, người mệt lử, lo sao vá víu dần để có chỗ chui ra chui vào...
Đất ở đây kể ra thì nhiều đấy. Phần đất nhà này được chia khá rộng. Từ đầu này đến đầu kia có đến hơn hai vécxta. Chỉ có điều đất canh tác thì vừa bằng cái lòng bàn tay. Còn lại chỗ thì là đầm lầy, chỗ là rừng cây. Mùa xuân đến, đã đến lúc phải gieo hạt rồi. Thế mà chả biết gieo vào đâu. Thế là tôi và anh Kudơma một lần nữa lại phải lao vào một công việc quá sức mình: ban ngày thì đào gốc, ban đêm thì đốt cây và gốc cây... Đất mới nên vụ lúa đầu tiên thu hoạch khá... Và cứ thế cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng không đến nỗi. Nhưng rồi bỗng chiến tranh ập tới. Evơlampi Erơmilôvích thì trước đây sống cũng đã sung túc rồi, đến khi xóm ấy còn lại rặt một lũ đàn bà thôi thì ông ta bắt đầu cai quản tất cả. Ngay trong năm đầu sau khi chiến tranh xảy ra hắn ta đã chiếm hết toàn bộ những đất đai mà các nhà đã phát hoang được. Và hắn ta đem gieo lúa kiều mạch lên những mảnh đất ấy. Rồi từ năm ấy trở đi hắn bắt gia đình tôi phải gieo kiều mạch...
- Thế hắn làm thế nào mà bắt được hả cô? - Kachia hỏi.
- Hắn làm việc đó rất đơn giản thôi! Không ai có thể chỉ sống bằng kiều mạch không thôi: con người chứ có phải ngựa đâu. Thế là hắn đem lúa mì đen hạt đổi cho chúng tôi lấy kiều mạch đã chế biến xong xuôi. Sức lực đã kiệt hết nhưng cũng chẳng còn biết đi đâu cho được. Đến bây giờ thì hắn đã bắt nộp một số lượng theo hắn quy định. Thế mà cả mùa thu bọn tôi đã phải làm trên cánh đồng kiều mạch của hắn rồi đấy. Làm cho hắn một tuần, thì làm cho mình chỉ một ngày thôi... May mà hắn còn không gây gổ, không quát tháo ầm ĩ. Chắc là hắn thấy trong nhà đang có người lạ.
Trong lúc người mẹ đang kể lể về cuộc đời mình thì Kirin đã tụt khỏi ghế bò qua gậm bàn rút lên ngủ với bà ở trên mặt lò sưởi. Sau một ngày làm lụng mệt mỏi thằng bé buồn ngủ. Nó tất nhiên là cũng muốn được nghe các chị kể về cuộc sống ở thành phố, nhưng mẹ nó lại bắt đầu ngồi kể lể về mình, mà như vậy thì còn lâu mới hết. Nó đã biết tính mẹ nó rồi, bà hay thích than thân trách phận.
Kachia còn bám mãi lấy Dina để hỏi tỉ mỉ về mọi chuyện đi sâu vào những chi tiết có tính chất pháp lý và kinh tế trong các hoạt động kinh doanh của tên chủ xóm trại. «Một tên địa chủ, cho vay nặng lãi, tên bóc lột, áp bức» - Kachia nghĩ về hắn qua câu chuyện của Dina.
Sau Kirin, thì Masa cũng buồn ngủ ríu mắt lại. Không thể đợi cho đến khi câu chuyện giữa Kachia và Dina kết thúc, cô lên giường nằm trước, cô thu gọn mình vào gần vách giành hai phần ba chiếc giường cho bạn, và cô ngủ ngay một cách ngon lành.
Còn Kachia thì thậm chí không nghĩ gì đến chuyện ngủ nghê. Nhìn vào khuôn mặt đáng yêu và tin người của Dina, cô gái đã tìm đến chỗ cơ bản nhất của vấn đề: vậy thì Dina nhìn thấy lối thoát khỏi cuộc sống khổ sở, nhục nhã này là ở đâu? Và chị có sẵn sàng góp phần sức lực nhỏ bé nào đó của mình vào để làm cho cuộc sống này thay đổi không!..
- Giá mà có được một Xtêpan Radin[14], Kachia ạ! Chỉ cần ông ta lãnh đạo những người gan dạ nhất, - Dina nói liền một hơi cái điều mong mỏi thầm kín nhất của chị bằng một giọng rất nhỏ và tin cậy.
- Một người anh hùng thì có làm gì được? - Kachia khôn khéo gợi chuyện để cho Dina nói hết ra những suy nghĩ của mình.
- Ôi, ước gì có một người đứng ra tập hợp! - Dina bỗng thốt ra với một vẻ ước ao thật sự, và im lặng một lúc, chị nói thêm: - Cứ nguyên bọn đàn bà đã không thể đếm xuể rồi. Mà bọn đàn ông thì cũng cay cực có kém gì. Nhưng mà chỉ có điều kiếm đâu cho ra được một ông Xtêpan Radin kia chứ?! Nhân dân mình bị đè nén quá mức rồi, không những họ chẳng được đứng thẳng lên, mà ngay cả ngóc cái đầu lên cũng không được nốt...
Dina thở dài, đôi vai chị vốn đã rất xuôi giờ đây buông thõng xuống tựa hồ như chị vừa bị ai nện vào hai chiếc xương đòn. Và trong giây phút ấy, Kachia bỗng cảm thấy rằng dù cho có nguy hiểm đến đâu, dù cho ngày mai mọi chuyện có biến đổi phức tạp đến thế nào đi nữa, cô cũng không thể chia tay với Dina mà không nói cho chị ấy rõ rằng ở nước Nga đã có những điều kiện chín muồi để làm một cuộc cách mạng xã hội, và kể cho chị nghe về những lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng, khác hẳn với Xtêpan Radin, họ sẽ đưa sự nghiệp giải phóng người lao động đến thắng lợi cuối cùng.
Thông minh và nhậy cảm, Dina nín thở ngồi nghe những lời của Kachia. Từ lâu chị cũng đã cảm thấy rằng không thể nào ở nước Nga lại không có được những con người nhìn thấy tình cảnh nhân dân mình khổ sở mà không đặt câu hỏi rằng: vậy thì lối thoát là ở đâu? Làm cách nào đưa cái đất nước khổng lồ này ra khỏi vực thẳm mà nó đang chìm dưới đáy? Và giờ đây Dina cảm thấy sung sướng vì dự đoán của mình đã không nhầm, và những con người, mà với họ số phận của nhân dân là trên hết, đã sẵn sàng ở chỗ đứng của mình. Dina hiểu ra cả một điều khác nữa: mặc dù Kachia là bạn cùng ở nhà máy in với Masa và có lẽ hai đứa đã chơi thân với nhau nhiều năm rồi, nhưng về mặt học thức, về mặt hiểu biết có lẽ Kachia hơn Masa phải gấp mấy lần.
Thỏi nến đã cháy hết và đã tắt ngấm từ lâu. Kachia và Dina ngồi thầm trong bóng tối. Ánh trăng bạc lọt qua khe cửa sổ còn chưa bị đóng băng, chiếu vào nhà. Trong bếp lò bằng sắt lửa cháy bùng bùng, hai bên vỏ sắt của nó đỏ hồng lên trong đêm tối, qua khe cửa lò hắt ra ánh lửa. Gió rít ở bên ngoài cửa sổ, trong gió tuyết những chiếc kèo nhà nghiến vào nhau kêu kèn kẹt, từng vốc tuyết đập bồm bộp vào tường nhà.
Lúc Kachia và Dina đi nằm thì đã quá nửa đêm từ lâu. Dina nằm ở giường phòng ngoài, còn Kachia thì sẽ sàng nằm xuống bên cạnh Masa, cố gắng để không làm bạn thức giấc. Sau một buổi chuyện trò như vậy không dễ gì ngủ được. Dina ôn lại trong óc tất cả những điều Kachia vừa kể cho chị nghe. Có nhiều cái làm cho chị phải ngạc nhiên. Lần đầu tiên chị được biết có một đảng của giai cấp công nhân đang hoạt động bí mật, biết về những tội ác của cái chính phủ đã ném nhân dân vào vực thẳm chiến tranh đẫm máu, về sự phản bội của họ hàng nhà vua, về tên Grigôri Raxpuchin chuyên ăn cắp và lừa lọc, thực chất hiện nay y là người cai quản cái nước Nga vĩ đại này, về cuộc cách mạng của công nhân và nông dân, mà những người hiểu biết hiện nay khẳng định rằng cuộc cách mạng ấy là không thể nào tránh khỏi, như tuyết phải rơi vào mùa đông hay mưa phải đổ xuống khi mùa xuân tới...
Để giữ giấc ngủ cho bạn, Kachia không dám trở mình, cứ nằm nghiêng mãi một bên. «Cách mạng đang đến rồi, đang đến rồi đấy... Nếu như ở mãi tận trong rừng rậm của Xibiri, người phụ nữ nông dân cũng mơ ước có một Xtêpan Radin thì còn đòi hỏi gì hơn nữa? Cuộc cách mạng này là kết quả những khổ cực của những người dân nghèo khổ nhất, nó sẽ là sự nghiệp của chính bàn tay họ», - Kachia nghĩ, vừa muốn gạt bỏ những suy nghĩ ấy đi để khỏi mất ngủ, lại vừa bị lôi cuốn vào cái dòng xoáy điên cuồng của chúng.
Nhưng rồi cô cũng ngủ thiếp đi. Và ngủ say được chừng hai ba tiếng, không bị cơn mộng mị nào ám ảnh. Nhưng cô bỗng giật mình thức dậy với một cảm giác lo lắng. Trong giấc ngủ cô mơ màng thấy như có tiếng ai khóc, nhưng cố kìm lại để khỏi thành tiếng nức nở. Kachia mở mắt ra. Cô nhìn thấy trần nhà trăng trắng nhờ ánh trăng lạnh lẽo chiếu qua khe cửa. Masa nằm bên cạnh vẫn thở đều. Ngay lúc ấy Kachia bỗng nghe thấy tiếng sụt sịt nghẹn lại. Tiếng sụt sịt ấy vọng lại từ phía sau tấm vách ngăn. Kachia định vùng dậy chạy ra xem sao nhưng tiếng cô Dina đã khiến cô dừng lại. Bằng một giọng thì thầm tha thiết, mà vẫn vang âm cả căn nhà, Dina vừa sụt sịt khóc vừa nói:
- Tôi không lấy lão ấy đâu, không lấy đâu mà! Khổ quá, sao lão ta cứ tuần nào cũng hành hạ tôi thế này?! Tôi có phải là đứa góa bụa đâu! Tôi là vợ lính!.. Anh Kudơma đang còn sống mà! Tôi cảm biết như vậy - anh ấy còn sống! Và tôi sẽ không ra khỏi túp lều của tôi nửa bước, từ nay cho đến khi chiến tranh kết thúc, cho đến khi mà những người lính trở về gia đình mình...
- Cô Dina ạ, cô sẽ hủy hoại cái sắc đẹp của mình, - một giọng đàn bà lạ cắt ngang những lời than vãn của Dina.
- Bà Praxkôvia ơi, thôi bà đi đi, bà cứ để mặc kệ tôi, bà đi đi! - Dina van vỉ.
Cánh cửa kẹt mở rồi đóng lại, tiếng nói chuyển ra ngoài phòng đệm và không còn nghe thấy nữa. Trong nhà trở nên im ắng.
Kachia lo lắng ngẩng đầu khỏi gối. Cô cảm thấy xấu hổ là mình đã tình cờ nghe thấy những lời trao đổi ngắn ngủi nhưng vô cùng căng thẳng và chắc là rất đau đớn đối với Dina ấy. Cô có cảm giác như mình đã nhòm trộm vào cuộc đời tư của một người đàn bà khác. Cô cảm thấy ghê tởm mình, và xấu hổ không biết đâu mà kể. Nhưng hai má cô nóng rực không chỉ vì xấu hổ mà còn vì cô cảm thấy đau lòng và xót xa cho số phận của người đàn bà ấy, tim cô thắt lại vi thương xót Dina. «Trời ơi, chị thật là một người khổ hạnh! Nỗi khổ của người đàn bà góa bụa, nỗi bất hạnh của người phụ nữ nông dân đơn thương độc mã hành hạ chị vẫn còn chưa đủ, cả đến sắc đẹp của chị - cái sắc đẹp trời cho ấy - cả đến nó cũng quay lại làm hại chị nữa mới khổ chứ», - Kachia bồi hồi nghĩ.
Phải một lúc lâu sau Kachia mới bình tĩnh lại được. Suy đi nghĩ lại mãi về sự việc xảy ra trong đêm, cô gái tự thấy mình hoàn toàn không có lỗi trước Dina. Biết làm sao được, cô đã thức giấc không đúng lúc và đã không đoán trước để bịt tai lại không nghe câu chuyện của Dina... Cuối cùng thì cảm giác xấu hổ đã tan biến đi, nhưng còn niềm thương xót, còn nỗi đau thì vẫn không tan và tim cô như ứa máu, từ lúc ấy Dina đối với cô trở nên gần gũi và thân yêu, như người chị gái, và Kachia có cảm giác như cô đã sống với con người ấy từ lâu lắm, lâu lắm rồi trên cái mảnh đất thân yêu và khắc nghiệt này.
Trong lúc ấy thì trời dần sáng. Dina đã từ ngoài hiên, mà cũng có thể từ ngoài đường vào nhà và đang loay hoay cạnh bếp lò. Chị đi lại trong nhà một cách nhẹ nhàng, thậm chí chị đặt củi vào lò cũng không gây ra một tiếng động nào. Nhưng rồi thằng Kirin trở dậy. Mẹ nó đã mấy lần suỵt nó. Nhưng làm sao mà bắt nó nhẹ nhàng cho được. Thằng bé phải đổ nước vào các chậu gang để chuẩn bị cho bò uống, giã lá củ cải cho lợn ăn... Làm sao mà khi kề chiếc xô vào miệng chậu gang lại không phát ra tiếng động được...
Kachia trở dậy. Masa chợt tỉnh giấc và vội vàng mặc quần áo chỉnh tề. Họ lấy chiếc chậu rửa tay treo phía trên chiếc chậu giặt gần cửa để rửa mặt.
Dina xách chiếc xô định đi vắt sữa. Nhưng Masa đã giật lấy để đi thay. Mặc dù cô bây giờ đã là người thành phố và một bên tay cô đang bị đau, nhưng dù sao cô vẫn cảm thấy mình không nên quên những công việc của người nông dân.
Bữa ăn sáng của họ thật là phong phú: khoai tây nấu có rắc thìa là, nấm muối, sữa, củ cải hầm - thơm, ngọt, đựng trong chiếc bình tráng men, suốt đêm ninh trong lò.
Lại một lần nữa chủ nhà đã vì khách mà không tiếc gì cây nến. Chị lại cắt đôi cây nến ra để đặt ở hai chỗ: một - trên bàn thờ tượng thánh, một nữa - ở phòng ngoài. Khi trời đã sáng rõ, Masa nói rằng các cô đã đến lúc phải lên đường.
Dina tiễn hai người ra đến tận thung lũng. Lúc chia tay chị hôn Masa, còn Kachia thì chị ôm ghì chặt vào người. Đôi môi mọng và đẹp của Dina run run, nét mặt nghiêm nghị của chị trông thật buồn, đôi mắt xám to tròn của chị vừa dịu hiền vừa rầu rĩ.