Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Chương 8
S
áng sớm, ngài bơi qua sông và trèo lên bờ bên kia. Ngài không nghĩ sẽ gặp ai ở đây.Ngài tìm thấy ngôi nhà, nhà kho mái lợp tôn, cột cờ không có cờ; ngài nghĩ rằng người Anh thường cuốn cờ vào lúc hoàng hôn và hát bài God save the King.Ngài cẩn thận vòng qua nhà kho, cánh cửa không khoá mở ra. Ngài bước vào bên trong, trong cái bóng tối trước đây đã cứu ngài, mấy tuần rồi nhỉ? Ngài không nhớ gì cả. Ngài chỉ nhớ là lúc đó còn lâu mới tới mùa mưa; nhưng bây giờ, mưa đã bắt đầu. Trong một tuần nữa, chỉ còn máy bay là bay qua được các dải núi.
Ngài lấy chân thăm dò nền đất: ngài đói quá ( từ hai ngày nay, ngài không có gì ăn).một hai trái chuối cũng đỡ khổ hơn là không có gì: nhưng không có,không có trái nào. Có lẽ vừa mới đến ngày bốc chuối lên tàu. Ngài đứng một lúc trên bục cửa cố gắng nhớ lại những gì cô bé đã nói: vần morse, cửa sổ phòng cô bé. Bên kia khoảng sân bụi bặm màu trắng nhợt nhạt, ánh mặt trời phản chiếu trên màn kim loại ngăn ruồi. Điều đó làm ngài sực nhớ tới chạn thức ăn trống trơn. Ngài bắt đầu lo lắng lắng nghe: không động tĩnh gì; ngày mới không được báo hiệu bằng tiếng mở cửa đầu tiên rít lên trên nền xi măng,tiếng móng vuốt chó cào nhà, tiếng gỏ cửa. Không nghe gì hết, không gì hết.
Mấy giờ rồi? Từ đêm tối đến khi có ánh sáng là bao lâu? Ngài không ý thức được: thời gian có tính đàn hồi, nó căng ra cho đến lúc bứt ra. Có lẽ còn khá sớm…có lẽ sáu…bảy giờ…Ngài chợt nhận ra ngài đã mong con bé biết bao nhiêu. Cô là người duy nhất có thể giúp ngài mà bản thân không bị nguy hiểm. Nếu ngài không thể vượt qua dải núi trong hai ba ngày tới, ngài sẽ sập bẫy…Tốt hơn là nên ra tự thú với cảnh sát. Vì làm sao ngài có thể sống sót trong mùa mưa nầy mà không có thức ăn hay nơi trú ẩn? Mọi sự có lẽ đã nhanh gọn hơn nếu họ nhận diện được ngài ở đồn cảnh sát: tránh được biết bao nhiêu phiền phức!... Đột nhiên, ngài nghe có tiếng động,như thể hy vọng đang rụt rè trở lại,một tiếng rên, một tiếng cào, đó là cái mà người ta gọi là bình minh…những âm vang của sự sống. Đói lả, ngài ngồi trên bục cửa chờ đợi.
Hy vọng đến dưới hình dạng một con chó đang lết băng qua sân, một con vật xấu xí kinh khủng, hai tai trĩu xuống, một chân què. Nó chầm chậm tiến tới, mấy rẻ xương sườn lộ ra như bộ xương trương bày ở viện bảo tàng Khoa học Tự nhiên. Rõ ràng là nó cũng chẳng có gì ăn từ lâu, và người ta đã bỏ rơi nó.
Khác với linh mục, con chó còn giữ được hy vọng: hy vọng là cái bản năng mà chỉ có lý trí mới thắng được. Loài vật không biết tuyệt vọng. Nhìn con vật bị thương tiến đến, ngài có ý nghĩ là màn trình diễn ngài đang chứng kiến lặp lại hàng ngày, có lẽ đã từ nhiều tuần nay: đó chỉ là màn trình diễn thường nhật,lúc sáng sớm, mà trong những vùng văn minh đó là tiếng chim hót. Con chó mệt nhọc trườn lên hiên và bắt đầu lấy chân cào cửa,mõm dán vào một khe hở;có thể nói nó đang hít chút khí thừa của những căn phòng bỏ trống. Đột nhiên nó mất kiên nhẫn và bắt đầu khóc, rồi vẫy đuôi như thể nó đã nghe cái gì đó động đậy ở bên trong. Sau cùng nó tru lên.
Bây giờ thì linh mục không còn chịu đựng được màn kịch; ngài hiểu màn kịch có ý nghĩa gì và ngài nghĩ tốt hơn là nên tự mình nhìn xem. Ngài băng qua sân và con chó khó nhọc ngoái đầu lại; giống như một con chó săn, nó sủa. Ngài không phải là người nó trông đợi; nó trông đợi những người quen; nó đợi cái thế giới quen thuộc của nó trở lại.
Ngài nhìn qua cửa sổ;có thể đây là phòng cô bé. Tất cả đã được dọn đi, chỉ trừ những vật hư hỏng hay vô dụng. Một thùng giấy vụn và một cái ghế gãy. Trên tường vôi trắng, còn một cái đinh ở đó có thể đã có treo một tấm gương hay một bức tranh.
Con chó lết dọc hành lang và sủa. Bản năng giống như nghĩa vụ, người ta có thể cho là nó trung thành. Ngài tránh con chó bằng cách đi vòng ra sân: nó không đủ sức quay lại để đi theo ngài.Ngài đẩy cửa: cửa không khoá. Một tấm da cá sấu xấu treo trên tường. Ngài nghe tiếng thở phía sau và quay lại: con chó đã đặt hai chân lên bục cửa, nhưng nó không sợ ngài nữa. Nó thấy ngài đã làm chủ.Nó nhọc nhằn tiến lên từng bước.
Linh mục mở cửa bên trái, có lẽ là phòng ngủ; trong góc vương vãi những chai thuốc cũ,trong một vài chai còn lại chút cặn màu sáng. Có thuốc nhức đầu,bao tử, thuốc uống trước và sau khi ăn. Nếu chỉ nhìn số chai thuốc, chắc ai đó bị bệnh nặng.Bên cạnh, một cái lược gãy và một nùi tóc rối, tóc màu hung đốm bạc và bụi bặm. Ngài nghĩ đây chắc là mẹ con bé.
Ngài đi qua một phòng khác, cửa sổ có lưới sắt nhìn ra sông. Đây có lẽ là phòng khách, vì còn để lại một bàn chơi cờ- cái bàn xếp giá chỉ vài bảng và người ta không nhọc công mang đi...Bà mẹ hấp hối sao? Ngài tự hỏi. Có lẽ họ bỏ mùa màng đi lên thành phố nào đó có bệnh viện. Ngài đi qua phòng khác: phòng nầy ngài đã thấy khi đứng bên ngoài, phòng con bé. Ngài buồn phiền lục lọi trong giỏ giấy, cảm tưởng như ngài đang sắp xếp phòng người quá cố, để vứt bỏ những kỷ niệm đau lòng.
Ngài đọc:” Từ đó, nguyên nhân cuộc chiến tranh độc lập Mỹ được người ta gọi là Trận chiến trà Boston.” Hình như đây là một phần bài luận văn được viết cẩn thận với nét chữ tròn,lớn.” Nhưng, nguyên nhân chính của xung đột ( viết sai chính tả, gạch đi, viết lại) là vấn đề buộc những người không có đại diện ở nghị viện phải đóng thuế có hợp pháp không.” Đây có lẽ là giấy nháp, có qua nhiều chữ viết chèn vào.Ngài nhặt một tờ khác trong đó có tên những Whigs và Tories. Ngài không hiểu gì cả. Một cái gì như một tấm khăn tay rơi xuống sân: một con diều hâu. Linh mục tiếp tục đọc:” Nếu năm người gặt hai mẫu lúa trong năm ngày, trong một ngày,hai người sẽ gặt được bao nhiêu diện tích?”. Một đường kẻ rõ ràng gạch dưới đề bài, rồi những bài tính,một lô một lốc những con số nhưng không cho một kết quả nào; tờ giấy bị vò nhàu, vứt vào sọt rác gợi nhớ đến cái nóng, sự mệt mỏi, sự nóng vội. Ngài hình dung con bé đang bỏ bài tập nầy không thương tiếc:ngài như thấy khuôn mặt cô bé,hai bím tóc đuôi gà. Ngài nhớ lại cách cô bé đã thề sẽ không bao giờ tha thứ cho ai hành hạ ngài…. Và ngài nhớ lại con gái của mình bên đống rác.
Ngài đóng cửa cẩn thận như thể không cho ai đó thoát ra. Ngài nghe tiếng con chó gầm gừ đâu đó,và ngài thấy nó trong bếp: nó nằm dáng hung dữ,nhe răng, nó đang giử một cục xương.khuôn mặt một người da đỏ xuất hiện sau lưới cửa sổ, như một thứ người ta treo để phơi khô…Nó đang đau đáu nhìn cục xương. Nó ngước nhìn lên khi linh mục bước vào bếp,rồi đột ngột biến mất như thể nó chưa bao giờ có ở đó. Linh mục cũng nhìn cục xương.
Cục xương còn nhiều thịt: một đám ruồi bay quanh mõm con chó và bây giờ khi tên da đỏ đã biến dạng, nó nhìn vị linh mục. Họ là những đối thủ.Linh mục bước tới và dùng chân đá nó hai lần:” Đi đi, đi đi!...Nhưng con vật không nhúc nhích, nó nằm dài, gầm gừ; chút sức kháng cự ít ỏi còn lại dồn cả lên hai mắt vàng khè. Những con mắt hận thù trên giường hấp hối. Linh mục cẩn thận tiến lại gần. Ngài sợ con chó sẽ lồng lên cắn, nhưng con vật khốn khổ nầy không làm gì được. Người ta như thấy trong mắt nó cái đói khát, hy vọng, hận thù.
Linh mục giang tay ra nắm lấy khúc xương và lũ ruồi bay lên.Con chó thôi gầm gừ,nằm chờ. “Nầy, nầy” linh mục nói giọng mơn trớn. Rồi ngài làm bộ bỏ đi,không quan tâm tới khúc xương: ngài đọc thầm một câu trong sách lễ,làm như không quan tâm.Rồi ngài đọt ngột quay lại. Con chó không rời mắt khỏi ngài. Nhìn cái màn kịch vụng về ngài đang diễn.
Giận dữ vì một con chó hoang dám dành chút thức ăn duy nhất có ở đây,ngài bắt đầu chửi nó với những câu nói thô tục ngài đã vô tình học được ở các quán giải khát. Trong tình huống khác, ngài sẽ ngạc nhiên thấy mình nói những câu đó thật dễ dàng như thế. Ngài bật cười: con người đứng đắn là thế đó! Dành khúc xương với con chó. Nghe tiếng ngài cười, con chó hoảng sợ, nó cụp tai lại.Nhưng linh mục không thấy thương xót chút nào: sự sống của con chó so sánh với sự sống của một con người sao được.Ngài quay lại kiếm cái gì để ném nó. Nhưng gian bếp trống trơn. Người ta chỉ để lại cục xương nầy thôi...có lẽ để cho con chó. Ngài hình dung cô bé đã chợt nhớ ra điều nầy trước khi ra đi với bà mẹ đau yếu và ông bố đần độn. Ngài nghĩ lúc nào con bé cũng chu đáo trong mọi việc. Ngài chỉ tìm được cái rổ kim loại để đựng rau.
Ngài đi về phía con chó và đánh một cú vào mõm nó. Không nhúc nhích,con chó cố gắng ngoạm cái rổ.Ngài đánh mạnh hơn và con chó cắn chặt cái rổ đến nỗi ngài phải cố giằng lại. Ngài đánh nó nhiều cái trước khi nhận ra rằng con chó phải cố gắng lắm mới nhúc nhích được; nó không thể tránh những cú đánh nhưng cũng không muốn bỏ rơi cục xương, nó chỉ biết chịu đựng. Hai con mắt vàng khè, sợ hãi, nghi ngại nhìn ngài.
Lúc đó linh mục thay đổi phương pháp: ngài dùng cái rổ làm cái rọ mõm để tránh đụng vào răng con chó rồi cúi xuống lượm cục xương. Con chó cố gắng lấy chân giữ lại nhưng rồi bỏ cuộc. Ngài bước lui một bước...Con chó tuyệt vọng đuổi theo ngài rồi nằm vật xuống đất.Linh mục đã thắng: ngài đã được cục xương. Con chó không buồn sủa.
Linh mục cắn một chút thịt sống và bắt đầu nhai: chưa bao giờ ngài lại thấy thức ăn thơm ngon đến thế và ngài thấy sung sướng, nhưng cũng có chút trắc ẩn. Ngài nghĩ:” Mình sẽ ăn đến đây và để cho con chó phần còn lại.” Trong đầu, ngài làm dấu trên cục xương và cắn miếng thứ hai. Cơn buồn nôn ngài đã chịu từ mấy giờ trước nhường chổ cho một cảm giác đói thật sự.Ngài tiếp tục ăn,con chó tiếp tục nhìn ngài. Con chó có vẻ như không giận ngài, bây giờ cuộc tranh giành đã chấm dứt; nó nằm đập đuôi xuống đất, hy vọng. Linh mục ăn đến chổ đánh dấu, nhưng bây giờ, cái đói trước đây không phải là đói thật; bây giờ mới thiệt sự đói đây. Nhu cầu con người lớn hơn nhu cầu con chó. Ngài sẽ để dành cho nó chổ khớp xương. Nhưng khi ăn đến đó, ngài ăn luôn chút thịt còn lại; dù sao thì con chó có răng, nó sẽ gặm xương. Ngài ném cho nó khúc xương và đi ra.
Ngài lại đi một vòng quanh các phòng trống. Một đôi giày rách, mấy chai thuốc, bài làm về cuộc chiến độc lập Mỹ...không có gì làm cho ngài hình dung được nguyên nhân khiến họ phải ra đi. Ngài bước ra hành lang và qua khoảng trống giữa hai tấm ván một cuốn sách nằm trong đống gạch. Từ một tháng nay, ngài không thấy cuốn sách nào. Trong khung cảnh thối rữa nầy, giữa mấy chân cột, hiện hữu lời hứa cho một cuộc sống tốt đẹp hơn: cuộc sống trong nhà riêng, máy thu thanh, kệ sách, giường ngủ mỗi tối và bàn ăn. Ngài quì xuống lượm cuốn sách lên; ngài chợt nhận ra rằng, sau cuộc tranh đấu dai dẳng nầy, khi ngài đã vượt qua núi, qua bên kia biên giới, ngài cũng còn hưởng thụ được cuộc sống.
Cuốn sách tiếng Anh, nhưng, sau những năm học trong chủng viện Mỹ, ngài có thể đọc sách tiếng Anh, tuy có đôi chút khó khăn. Và cho dù ngài không thể hiểu một chữ nào, thì đó cũng là một cuốn sách. Cuốn sách có tựa đề:” Kho tàng trong năm chữ: Biên niên thi ca Anh, và trên trang bìa có dán nhãn:” Phần thưởng cho...rồi đến tên Coral Fellows viết bằng tay...vì khả năng viết luận văn tiếng Anh tốt,lớp ba.” Cái nhãn trang trí bắng một huy hiệu kỳ bí ở đó có hình sư tử có cánh, lá sồi và một going chữ tiếng La tinh: Virtus laudate crescit, và một chữ ký có con dấu cao su: Henry Beckley, B.A. Giám đốc trường hàm thụ tư thục.
Linh mục ngồi trên bậc thềm.Im lặng khắp nơi; sự sống đã trốn khỏi trại chuối, gia đình đã biến mất, chỉ có mấy con diều hâu là chưa tuyệt vọng. Tên da đỏ hầu như chưa bao giờ hiện hữu.” Sau khi ăn, cũng nên đọc một chút” vị linh mục hài hước nghĩ. Ngài lật sách ra. Coral...con bé tên Coral. Ngài nhớ đến những cửa hàng ở Veracruz bán đầy san hô, thứ đá cứng màu hồng và dòn mà người ta thường hay mua cho trẻ con - tại sao thì không biết- khi chúng rước lễ lần đầu.
I come from haunts of cool and hern
I make a sudden sally
And sparkle out among the fern
To bicker down a valley.
Bài thơ tối nghĩa: nhiều chử giống như quốc tế ngữ. Thi ca Anh là thế sao,linh mục nhủ thầm.Kỳ lạ thật. Chút kiến thức về thơ ngài có, luôn có những vấn đề như hấp hối, ăn năn và hy vọng. Bài thơ kết thúc với chút triết lý:
For men may come and men may go
But I go on for ever.
Cái tầm thường và thiếu chính xác của cụm từ “for ever”làm ngài hơi chột dạ. Bài thơ như thế nầy không nên cho trẻ con đọc. Con quạ cẩn thận đi băng qua sân như một con ma bụi bặm: thỉnh thoảng nó bay là là sát đất và đậu lại cách đó hai mươi mét.Linh mục tiếp tục đọc:
Come back,come back, he cried in grief,
Across the stormy water:
And I’ll forgive your Highland chief,
My daughter, O my daughter!
Đoạn nầy xem ra cảm động hơn, dù cho cũng như bài trước, bài nầy không nên cho trẻ con đọc. Ngài cảm nhận một nỗi đau trong lời thơ của người xa lạ; ngồi đây, trong sự cô tịch nầy, ngài lẩm nhẩm: “Ôi con gái, con gái của ta!” như thể trong lời thơ chứa đựng tất cả sự ăn năn, nhớ nhung, tình yêu bất thành và đau khổ.
Một điều làm ngài thấy lạ: từ cái đêm ngột ngạt trong nhà tù, giữa những con người đó, ngài đã sống trong một vùng hoang mạc như thể ngài đã chết ở đó, đầu ông già tựa vào vai và bây giờ ngài lang thang trong cõi lâm bô, không tốt, không xấu...Sự sống đã rời đi, không phải chỉ ở trại chuối nầy. Khi mưa giông trút xuống, ngài chạy vào một căn nhà để nấp và ngài chắc chắn là sẽ không có ai ở đó.
Những căn chòi đột nhiên hiện ra, chao đảo trong ánh sáng của tia chớp, rồi biến mất trong bóng tối đầy tiếng sấm. Mưa chưa đến: mưa như những bức màn từ vịnh Campêche, tiến vào đất liền, quét qua toàn tỉnh. Giữa những tiếng sét, ngài nghe tiếng mưa ầm ào hướng về phía núi rất gần ngài.... Mưa chỉ cách đây chừng hai mươi, hai mươi lăm cây số.
Ngài vào chòi thứ nhất; cửa mở; trong ánh sáng lung linh của sấm chớp, ngài không thấy có bóng người, đúng như ngài dự đoán. Chỉ có một đống bắp, và cái gì đó màu xám đang động đậy...có lẽ là một con chuột. Ngài lao qua chòi bên cạnh, cũng như thế ( chỉ có bắp). Có thể nói con người đã tránh xa ngài, và ai đó đã quyết định rằng từ đây ngài sẽ phải đơn độc, tuyệt đối đơn độc. Trong khi ngài đứng đó, mưa đã tiến đến khu rừng thưa. Nó từ trong rừng tiến ra như một màn khói trắng dày đặc, rơi xuống rồi đi qua phía bên kia: giống như quân địch thả hơi độc một cách có hệ thống lên một vùng đất để không sinh linh nào có thể trốn thoát. Mưa lan rộng ra và kéo dài: địch thủ đã rút đồng hồ đếm giờ, vì nó biết, dù chỉ xê xích một giây, sức chịu đựng của lá phổi con người.Mái chòi chịu được nước một lúc, nhưng rồi nước cũng thấm qua... Các cành cây dùng làm mái kêu răng rắc dưới sức nặng của nó rồi rời ra; nước mưa rơi xuống trên chục chỗ và chảy thành dòng đen ngòm. Bỗng nhiên, mưa dứt và nước nhỏ giọt từ mái nhà.Mưa đi xa hơn cùng với tiếng sấm sét như thể để hộ tống. Trong vài phút, mưa sẽ đến dải núi: một vài trận dữ dội như thế nầy nữa và đường đèo sẽ không đi được.
Linh mục đã đi cả ngày và ngài rất mệt. Ngài kiếm nơi khô ráo để ngôi nghỉ. Nhờ ánh chớp,ngài thấy được khu đất trống: chung quanh ngài, chỉ có tiếng nước mưa tí tách làm xáo trôn sự yên tĩnh. Gần như là bình an, dù không hẳn thế. Để cảm thấy an bình, cần có sự hiện diện của người khác: sự cô độc của ngài hàm chứa sự đe doạ của những tai ương sắp đến. Không hiểu sao,ngài nhớ lại một ngày trời mưa trong chủng viện bên Mỹ: kính cửa sổ của thư viện mờ hơi nước do lò sưởi tạo ra, những giá sách cao ngất, và một người, một thanh niên từ Tuscon đến dùng tay vẽ những chữ cái lên mặt kính…đó là bình an. Bây giờ, ngài nhìn sự bình an từ bên ngoài, không thể tin được là một lúc nào đó ngài sẽ gặp lại sự bình an. Ngài được tạo dựng cho thế giới của ngài, thế giới nầy đây: những căn chòi trống tàn tạ, mưa băng ngang qua khoảng trống, và cái sợ lại nổi lên trong lòng ngài…vì sau cùng, ngài chợt nhận ra rằng không phải chỉ có mình ngài.
Bên ngoài, có ai đó động đậy. Tiếng bước chân rồi ngưng hẳn. Ngài ngồi yên chờ đợi; phía sau ngài, nước từ trên mái giọt xuống. Ngài nhớ đến tên tạp chủng đang truy đuổi quanh thành phố, chân trần và cố tìm một lý lẽ vững chắc cho sự phản bội của mình. Một khuôn mặt đang quan sát ngài qua khe hở của căn chòi. Ngài giật mình: khuôn mặt của một bà già, nhưng với người da đỏ, ta khó đoán…Có lẽ bà ta chưa đến hai muơi tuổi. Ngài đứng dậy bước ra; bà ta bắt đầu chạy,vụng về vì cái váy nặng nề giống như cái bao bố, hai lọn tóc bay trong gió. Hình như sự cô tịch chỉ được phá bỏ bởi những thị kiến khó tin nầy, bởi những sinh vật có thể nói là trở về từ thời đồ đá, khuôn mặt chợt hiện, chợt biến.
Ngài thấy một cơn tức giận trào lên: Ngài sẽ không cho phép khuôn mặt nầy mất dạng. Ngài đuổi theo người phụ nữ qua khu rừng thưa, lộ bì bõm trong những vũng nước; nhưng người đàn bà chạy nhanh hơn và đã tới bìa rừng trước ngài. Bà ta đi vào đó và ngài biết rằng có cố công tìm kiếm cũng vô ích. Ngài trở về căn lều gần nhất, không phải là cái mà ngài đã trú mưa, nhưng cái nầy cũng trống trơn. Điều gì đã xảy ra cho dân làng ở đây? Ngài không phải không biết là những khu nhà như thế nầy chỉ dùng tạm thời, người da đỏ canh tác trên một khu đất nhỏ, khi đất đã hết màu mỡ, họ chuyển đi nơi khác vì họ chưa biết luân canh; nhưng khi nào đổi chổ ở, họ cũng mang bắp theo.Nhưng lần nầy, hình như họ bị bạo lực hay bệnh tật gì đó xua đuổi. Ngài đã từng biết những cuộc chạy trốn như thế, khi có dịch bệnh, và cái kinh khủng là khi di chuyển như thế, họ mang mầm bệnh theo.; đôi lúc,họ rất sợ, nhưng nhẹ nhàng, kín đáo, sự di chuyển của họ không gây ồn ào. Linh mục quay lại nhìn ra khoảng trống và thấy người đàn bà da đỏ đang quay lại phía cái lều ngài đã trú mưa trước đây.Ngài gọi bà giọng quyền uy và tiếng gọi của ngài làm cho bà ta lại quay lại phía rừng…bước chân nặng nề và vụng về của bà làm cho ta nhớ đến bước đi của con chim bị gãy cánh…Lần nầy, ngài làm bộ như không đuổi theo nữa và trước khi đến bìa rừng, bà nhìn về phía ngài; ngài chầm chậm bước về căn lều lúc trước: nhìn lại, người đàn bà đang theo dõi ngài từ xa. Bà ta làm cho ngài nghĩ đến một con chim đang lo sợ. Ngài lại tiếp tục đi thẳng về phía căn lều…Nơi xa, chớp vẫn tiếp tục, nhưng tiếng sấm thì nghe rất xa. Mây quang dần và mặt trăng ló ra. Đột nhiên một tiếng la kỳ lạ vang lên và khi ngài quay lại, ngài thấy người đàn bà chạy về phía rừng. Bà vấp ngã, lại chạy.
Lúc đó,linh mục biết chắc chắn có gì đó quý báu trong căn lều, có lẽ họ giấu dưới đống bắp, và ngài bước vào,không quan tâm đến người đàn bà sẽ làm gì. Bây giờ,không còn sấm chớp, ngài không thấy gì cả. Ngài lần mò đi về phía đống bắp. Bên ngoài tiếng bước chân đến gần. Linh mục dùng tay lục lọi trong đống bắp- có thể ở đây có thức ăn- và tiếng lá khô sột soạt, tiếng nước mưa nhỏ xuống, tiếng bước chân trần tạo nên những âm thanh âm thầm. Đột nhiên, tay ngài chạm một khuôn mặt.
Loại bất ngờ như thế nầy không làm ngài sợ. Ít nhất thì cái ngài tìm được đây cũng là chút gì đó của con người: Tay ngài lần dọc theo phần thân: đây là một đứa bé đang nằm bất động. Trong khung cửa, nhờ ánh trăng, ngài thấy xuất hiện khuôn mặt người đàn bà: nét mặt co rúm vì lo âu, nhưng ngài không thấy rõ lắm.” Ta phải mang cái nầy ra ngoài, ngài nghĩ thầm, ngoài kia thấy rõ hơn.”
Đó là một đứa bé…chừng ba tuổi: cái đầu quấn khăn đen. Nó đang ngất đi…chưa chết.Linh mục nghe tiếng tim đập thật yếu. Ý nghĩ về dịch bệnh lại đến với ngài, cho đến khi rút tay ra, ngài thấy người đứa bé đầy máu, không phải mồ hôi. Kinh hoàng và ghê tởm xâm chiếm ngài. Ở đâu cũng bạo lực…sự hung dữ không bao giờ chấm dứt sao?
• Việc gì đã xảy ra ở đây?, ngài hỏi người đàn bà giọng cứng cỏi.
Có thể nói rằng, trong tỉnh nầy, con người chỉ có mổi một việc là giết nhau.
Quỳ cách ngài vài bước,người đàn bà chăm chú theo dõi mỗi động tác của ngài. Bà hiểu được chút ít tiếng Tây Ban Nha, bà trả lời: “Người Mỹ”. Đứa bé mặc áo khoác nâu,linh mục kéo áo lên: thân hình nó bị ba viên đạn xuyên qua. Sự sống rời xa nó từng phút một; thật ra,cũng không còn làm gì được, nhưng cũng phải cố.
-Lấy ít nước, ngài ra lệnh cho bà, nước, ngài lập lại.
Nhưng hình như bà ta không hiểu và cứ quỳ gối quan sát ngài. Khi ngài nắn bóp thân thể đứa bé, ngài thấy người đàn bà như thể một con vật đang sẵn sàng lao tới; có lẽ bà sẽ tấn công ngài nếu đứa bé rên la.
Ngài bắt đầu ôn tồn giải thích cho bà ( ngài không biết bà có hiểu gì không).
• Tôi cần chút nước. Để rửa. Đừng sợ. Tôi không hại nó đâu.”
Ngài cởi áo, xé thành giây để làm băng. Trái với luật vệ sinh, nhưng làm sao được? Ngài cũng có thể cầu nguyện, nhưng người ta không cầu nguyện để xin sự sống..sự sống nầy. Ngài lặp lại:
• Nước.”
Người đàn bà có vẻ hiểu. bà nhìn về hướng lỗ trũng còn đọng chút nước mưa: đó là nơi duy nhất có nước.” Ừ, đất cũng không dơ hơn thứ khác.” Ngài nhúng một miếng vải áo ngài vào đó và cúi xuống đứa bé. Ngài nghe tiếng người đàn bà bò tiến lại.Ngài cố gắng trấn an bà lần nữa:
• Đừng sợ, tôi là linh mục.
Bà ta hiểu từ “linh mục”: bà cúi xuống hôn bàn tay ngài đang nắm giây vải đẫm nước. Chính lúc môi bà chạm vào tay ngài, đứa bé nhăn mặt, mở mắt nhìn họ chăm chăm, thân hình bé nhỏ quằn đi vì đau đớn: họ thấy hai mắt nó đảo một vòng rồi đứng im, như viên bi trong trò chơi. Người đàn bà buông tay linh mục và chạy về phía vũng nước, hai tay bụm một chút nước.
• Bây giờ thì vô ích rồi, ngài nói với bà,trong tay còn cầm mấy mảnh vải. Người đàn bà buông tay ra, nước chảy xuống. Bà rên rỉ giọng khẩn cầu:” Cha”; ngài quì gối xuống và đọc kinh.
Ngài không tin lắm vào hiệu quả của kinh nguyện- Thánh Thể lại là chuyện khác: đặt Mình Thánh Chúa vào miệng một người hấp hối là đưa Chúa đến cho họ. Đó là một việc làm thật,cụ thể, còn kinh nguyện chỉ là một hành vi đạo đức,không hơn không kém. Làm sao Chúa có thể nghe lời cầu nguyện của một linh mục như ngài?Tội là chướng ngại vật của lời cầu xin; ngài cảm thấy lời cầu của mình như đọng lại trong mình, nặng nề như một thứ đồ ăn khó tiêu.
Khi ngài đã đọc kinh xong, ngài ôm thi thể đứa bé và mang vào lều- đem nó ra chỉ làm mất thời gian: giống như ta mang một cái ghế ra vườn rồi vội vàng mang vào vì cỏ ướt. Người đàn bà ngoan ngoãn theo ngài; xem ra bà cũng không muốn đụng vào thân xác đứa bé và chỉ nhìn linh mục đang đặt đứa bé vào giữa đống bắp. Ngài chậm rải ngồi xuống và nói:
• Phải đem nó đi chôn.
Bà hiểu và gật đầu.
• Chồng bà đâu?ngài hỏi. Ông ta có giúp bà được không?
Bà ta bắt đầu nói thật nhanh. Có lẽ đây là một thổ ngữ; ngài không hiểu gì, thỉnh thoảng có chêm. một vài tiếng Tây Ban Nha. Tiếng “ Người Mỹ” được lập đi lập lại…và ngài nhớ đến người mà cảnh sát đang truy lùng, tấm hình ghim cạnh hình ngài trên tường đồn cảnh sát. Ngài hỏi người đàn bà:
• Nó đã gây ra chuyện nầy à?
Người đàn bà lắc đầu.
Vậy,cái gì đã xảy ra? Kẻ trốn thoát đã ẩn mình trong những căn chòi nầy và cảnh sát đã bắn? Cũng có thể. Đột nhiên, ngài nghe bà nhắc đến kho chuối. Nhưng ở đó, ngài không thấy ai bị giết, không có dấu hiệu của bạo lực; hay ít ra sự im lặng và chạy trốn cũng là dấu chỉ. Ngài đã nghĩ là bà mẹ bệnh nặng, nhưng có lẽ câu chuyện còn tồi tệ hơn. Ngài hình dung tên Fellows đần độn đó lấy súng rồi vụng về nổ súng vào con người mà tài nghệ chính yếu là rút súng thật nhanh và bắn,kể cả khi súng còn ở trong túi quần. Cô bé tội nghiệp…Cô ta đã phải lo lắng nhiều lắm!..
Ngài xua những ý nghĩ đó ra khỏi đầu rồi nói tiếp:
• Bà có thuổng không?
Bà ta không hiểu từ nầy và ngài phải ra bộ như đang đào đất. Một tiếng sét vang lên, một cơn mưa thứ hai ập đến, quân địch hình như đã thấy có một vài người sống sót sau loạt đạn đầu tiên…những loạt tiếp theo đây sẽ tiêu diệt tất cả. Ngài nghe tiếng mưa ầm ào từ xa. Ngài nhận ra người đàn bà đã nói đến từ “ nhà thờ”, bà ta chỉ biết một vài từ. Ngài không biết bà ta muốn nói gì.Lúc đó, mưa lại rơi. Mưa ngăn cách ngài với cuộc đào thoát như một bức tường. Trời lại tối đen, chỉ còn chút ánh sáng từ các tia chớp.
Chống chọi lại những cơn mưa như thế nầy, mái lều nầy không chịu được.Lập tức, mái nhà dột khắp nơi. Mưa rơi trên lá khô của đống bắp có thằng bé nằm nghe như tiếng củi đang cháy. Linh mục bỗng run lên, ngài cảm thấy thật lạnh như khi bị sốt. Phải trốn đi trước khi không mưa làm tắc đường. Người đàn bà, lúc nầy ngài không thấy mặt lặp lại “ nhà thờ”cách khẩn thiết Ngài nghĩ là bà ta muốn con bà đuợc chôn gần nhà thờ hay đơn giản chỉ là mang nó đến một nhà thờ nào đó để nó được chạm chân Đấng Cứu Thế. Ngài có những ý nghĩ kỳ quái.
Ngài lợi dụng một tia chớp dài để giải thích bằng tay cho người đàn bà là điều bà muốn là không thể.
“Lính “ ngài nói.
Bà đáp lại:”Người Mỹ”. Tiếng nầy được lặp lại nhiều lần với những cung giọng khác nhau,khi thì là lời giải thích, khi là cảnh báo,khi là doạ nạt. Có thể bà ta nói là lính đang bận đuổi theo tên cướp,nhưng cho dù như thế, thì mưa cũng là một trở ngại. Họ ở cách biên giới hai mươi dặm và từ khi trời đổ mưa, những con đường mòn có thể đã không sử dụng được. Nhà thờ….Ngài không biết ngài sẽ tìm được nhà thờ ở đâu. Từ nhiều năm nay, ngài không thấy bóng dáng một thánh đường nào, và khó mà tin được là nếu đi bộ vài ngày, có thể có nhà thờ. Khi một tia chớp khác loé lên, ngài thấy người đàn bà nhẫn nhục nhìn ngài, im lìm như tượng đá.
Từ ba mươi giờ qua, họ chỉ ăn đường…những cục đường nâu to như đầu của một đứa trẻ. Ngài không thấy một người nào khác và cũng không nói lời nào. Nói làm gì,khi những từ có thể hiểu được chỉ là nhà thờ và người Mỹ? Người đàn bà bước đi theo ngài, xác đứa bé cột trên lưng. Bà ta hầu như không biết mệt. Sau khi đã đi một ngày một đêm,họ ra khỏi vùng đầm lầy và đến dưới chân một ngọn đồi: họ ngủ trong một hốc đá bên cạnh giòng sông,nơi có đất khô ráo, chung quanh là một bãi bùn.Người đàn bà ngồi xổm, đầu gối lên đến cằm, cúi xuống; bà không biểu lộ một cảm xúc gì; bà đã đặt xác đứa bé sau lưng như thể đó là vật quý giá sợ người ta đánh cắp. Họ đi theo ánh mặt trời cho đến khi bức tường màu đen của rặng núi xuất hiện.Họ có lẽ là những sinh linh duy nhất còn lại ở đây, trong một thế giới đang chết dần, mang theo với họ hình ảnh của cái chết.
Linh mục đôi khi tự hỏi mình có được an toàn không,nhưng vì không có dấu vết rõ rệt của ranh giới giữa tỉnh nầy với tỉnh kia,không có kiểm tra hộ chiếu hay trạm canh của thuế quan, tai ương hình như còn đè nặng trên ngài, nó đi bên cạnh ngài, nhấc đôi chân nặng nề của ngài. Ngài có cảm tưởng như mình đang đi lên: con đường mòn dốc đứng rồi đột nhiên xuống thấp và chìm vào trong bùn. Một nơi nào đó,con đường họ đi gấp khúc, sau ba giờ đi bộ, họ chỉ cách điểm khởi hành chừng ba trăm mét ở phía đối diện.
Chiều tối ngày thứ hai, họ lên đến một khoảng rộng mọc đầy cỏ thấp. Những cây thánh giá nghiêng ngã rọi bóng lên trời; có cái cao năm sáu mét, những cái khác chưa tới ba mét. Linh mục dừng bước,mắt nhìn chăm chăm: từ năm năm nay, đây là lần đầu tiên ngài thấy những dấu tích công giáo phơi bày ra nơi công cộng -nếu cho rằng cái cao nguyên hoang vắng nầy là nơi công cộng. Đây chắc chắn không phải là công trình của một linh mục nào đó; chỉ có thể là tác phẩm của người da đỏ và không thuộc thế giới của các giáo sĩ trong đó người ta chuẩn bị thánh lễ cẩn thận, hay những nghi thức phụng vụ phức tạp. Đây như là con đường tắt dẫn đến trung tâm sâu thẳm của mầu nhiệm đức tin…cho đến cái đêm tối đen lúc mồ mả mở ra và người chết đi lại. Có tiếng động phía sau,ngài quay lại.
Người đàn bà quỳ gối chầm chậm lết về hướng các cây Thánh giá; trên lưng, xác đứa con vẫn còn trong bọc. Khi bà đến được dưới chân cây thánh giá cao nhất, bà tháo đứa bé ra áp mặt rồi bụng nó vào cây gỗ. Bà làm dấu thánh,không phải như cách thông thường của người công giáo, nhưng phức tạp hơn gồm cả trên mũi, hai tai.Bà tin vào phép lạ? Và nếu bà mong muốn như thế, tại sao không ban cho bà một phép lạ? linh mục tự hỏi. Người ta nói: Đức tin có thể dời núi…và đây đích thực là đức tin, đức tin tuyệt đối vào chút nước miếng đã có thể chữa được người mù, vào tiếng gọi những người chết sống lại. Sao hôm đã mọc; rất thấp ở đường chân trời, gần như có thể với tới; một cơn gió nóng nhẹ thổi qua.Linh mục nhìn chăm đứa bé, hy vọng sẽ thấy nó cử động: và nếu như không có gì xảy ra,ngài nghĩ là Thiên Chúa đã bỏ qua một cơ hội. Người đàn bà ngồi đó,lấy từ trong bọc ra một tảng đường và bắt đầu ăn trong lúc xác đứa bé nằm yên bình dưới chân Thánh Giá. Rốt cục, taị sao lại mong chờ Chúa buộc một người vô tội phải kéo lê một cuộc sống dai dẳng?
“Đi thôi”,linh mục nói,nhưng người đàn bà bận ăn đường, không lưu tâm gì tới ngài.Mắt hướng lên trời, ngài thấy mây đã che khuất sao hôm. Đi thôi. Trên khu đất nầy,không có chổ nào để trú chân.
Người đàn bà vẫn bất động: khuôn mặt nhăn nhúm, mũi khoằm có vẻ không gì lay chuyển được. Có thể nói rằng, bà đã hoàn thành nhiệm vụ và bây giờ bà sẵn sàng để yên nghỉ muôn đời.Đột nhiên,linh mục run lên: cơn đau cả ngày hôm nay siết chặt chung quanh trán ngài bây giờ nhói vào trong đầu.Ngài nghĩ ” Phải tìm nơi qua đêm. Trước hết,con người phải có bổn phận đối với chính mình: Giáo hội đã dạy như thế”. Trời tối; bóng mấy cây thánh giá vươn lên trời như những cây xương rồng khô: linh mục đi ra rìa khu đất. Một lần duy nhất, trước khi khuất bóng người đàn bà, ngài ngoái lại nhìn người đàn bà đang gặm đường và ngài chợt nhớ đó là thứ thức ăn duy nhất họ có.
Con đường thật dốc, dốc đến nỗi ngài phải quay mặt lại và tụt lần xuống: hai bên trái phải, cây mọc nhô ra từ đá và xuống hai trăm thước nữa,nó lại đi lên.Linh mục bắt đầu đổ mồ hôi và cảm thấy rất khát: một cơn mưa trút xuống là cả một an ủi. Ngài đứng yên bất động, tựa lưng vào tảng đá- không có chổ trú mưa nào trước khi xuống đến đáy thung lũng. Ngài bắt đầu lạnh run và cái đau ngài cảm nhận trong đầu lúc trước nay không chỉ giới hạn ở đó- đó bây giờ có thể là bất cứ cái gì từ bên ngoài: một tiếng động, một ý nghĩ,một mùi vị. Các giác quan ngài hòa trộn với nhau. Có lúc,cái đau nầy giống như một tiếng nói cau có cố gắng thuyết phục ngài rằng ngài đã nhầm đường: ngài cố nhớ lại tấm bản đồ của hai tỉnh lân cận. Tỉnh mà ngài bỏ trốn đi có nhiều làng – trong vùng đất nóng ẩm,con người cũng sinh sôi nhanh như ruồi- nhưng ở tỉnh bên cạnh,phía Tây bắc, hình như trên bản đồ không ghi gì cả,một vùng trắng. “ Mầy đang ở trong vùng trắng”, cơn đau của ngài nói- Nhưng có con đường mòn,sự mệt mỏi của ngài chống chế.- Thôi,một con đường mòn có thể dẫn mầy đi quãng đường năm mươi dặm trước khi đến đâu đó, cơn đau của ngài trả lời: mầy biết là mầy không thể đi xa như thế.Mầy bị sa mạc giấy trắng bao quanh.
Một lần khác,cơn đau của ngài cũng đã có hình tượng: ngài có cảm tưởng như tên cướp Mỹ đang rình rập ngài: da nó là một tập hợp những chấm li ti như trên hình in trong báo. Có lẽ tên nầy đã theo dõi họ,ngài và người đàn bà, từ ban đầu và có ý định giết người đàn bà sau khi đã giết đứa con: những tên sát nhân thường có những phản xạ như thế. Nó phải hành động: những trận mưa là những tấm màn phía sau đó bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra.” Đáng ra mình không nên để bà ta ở lại một mình. Xin Chúa tha tội cho con. Con đã không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả; nhưng ngài có thể mong đợi gì từ một linh mục say?”. Rồi ngài tiếp tục bước, trèo lên dốc dẫn lên một đỉnh đồi. Những ý nghỉ xoay xoay tròn đầu: không phải chỉ là người đàn bà. Có lẽ ngài cũng phải chịu trách nhiệm về tên tướng cướp Mỹ: hình của họ đính song song trên tường đồn cảnh sát giống như hình hai anh em trong phòng trưng bày hình gia đình. Không nên để người anh em sa chước cám dổ.
Run lập cập,mướt mồ hôi và ướt vì mưa, ngài lại treo lên đỉnh đồi. Không còn ai: xác đứa bé không phải là một sinh linh, đó chỉ là một vật vô dụng bị vứt bỏ dưới chân những cây Thập Giá: bà mẹ đã đi về nhà. Bà đã làm những gì bà muốn. Sự ngạc nhiên làm ngài được trấn an, có thể nói như thế, làm ngài hết sốt trong khoảnh khắc rồi ngài lại lập tức rơi vào tình trạng như trước. Một tảng đường, tất cả những gì còn lại- nằm lăn lóc gần miệng đứa bé. Để chờ đợi phép lạ? hay là lương thực nuôi hồn? Một chút tủi hổ, linh mục cúi xuống lượm lấy. Xác đứa bé sẽ không la mắng ngài như con chó đã gầm gừ. Nhưng ngài là ai mà dám nghi ngờ phép lạ?Ngài do dự dưới cơn mưa như trút nước, nhưng rồi cũng cho cục đường vào miệng. Nếu Chúa muốn cho ai đó sống lại, ngài không cho họ ăn sao?
Khi ngài bắt đầu ăn, cơn sốt quay trở lại; miếng đường nghẹn trong cổ ngài; ngài lại khát kinh khủng. Quì sấp xuống,ngài cố gắng uống chút nước trong vũng; ngài còn mút cả cái lai quần ướt đẫm của mình. Xác đưa bé nằm dưới mưa giống như một bãi phân bò. Linh mục lại bước đi vào con đường dốc dẫn xuống thung lũng. Cảm nghĩ duy nhất bây giờ là sợ cô độc: khuôn mặt mơ hồ kia cũng đã từ bỏ ngài. Một mình,ngài băng qua khoảng trống trên bản đồ và từng phút, từng phút đi sâu vào cái miền hoang vắng.
Nếu đi về một hướng nào đó, ta có thể gặp thành phố; và nếu đi xa hơn, có thể đến bờ biển Thái Bình Dương, đường sắt dẫn đến Guatemala: ở đó,có đường, có xe hơi. Từ mười năm nay, ngài chưa thấy tàu lửa. Ngài hình dung cái đường màu đen trên bản đồ, chạy dọc theo bờ biển và trong tâm trí ngài hiện lên hình ảnh của năm mươi, một trăm xứ sở xa lạ. Trong vô định, ngài bước đi: ngài đã giỏi trốn tránh con người,nhưng thiên nhiên sẽ giết ngài.
Dù vậy,ngài vẫn bước đi...Trở lại ngôi làng bỏ hoang, gặp lại trong kho chuối con chó hoang thì ích gì? Chỉ việc bước nầy tiếp bước kia, tụt xuống dốc rồi leo lên. Mưa lùi xa, người ta chỉ còn thấy một bình nguyên bao la nhấp nhô, rừng, núi trên đó màn mưa xám xịt lướt qua. Ngài nhìn lại, nhưng quay ngoắt lại ngay: đó là hình ảnh quá hoàn chỉnh của tuyệt vọng.
Hình như đã vài giờ qua khi ngài hết phải leo lên: đêm xuống; trong rừng, những vật vô hình làm cành cây kêu lắc rắc, trong cỏ, những những đốm lửa nhỏ lao đi như tiếng diêm bắt lửa...có lẽ là rắn. Ngài không sợ: đó là dấu chỉ của sự sống và ngài cảm thấy sự sống rời đi khi ngài tiến đến. Không chỉ con người xa lánh ngài: ngay cả những con vật, ngay cả rắn cũng tránh xa ngài: rồi ngài sẽ hoàn toàn cô đơn, một mình với hơi thở của chính mình. Ngài bắt đầu đọc:” Ôi lạy Chúa,con yêu mến nhà Chúa biết bao”, và mùi lá cây mục ẩm, bóng tối làm ngài tin rằng ngài đang đi xuống một hầm mỏ và đi sâu xuống lòng đất để tự chôn mình. Ngài sẽ sớm đến được nấm mồ của mình.
Khi có người mang súng đến gần ngài, ngài không phản ứng. Người kia thận trọng tiến tới: người ta không trông đợi những cuộc gặp gỡ trong lòng đất. Người mới đến hỏi:
• Ông là ai? và lên đạn.
Lần đầu tiên từ mười năm nay, vì mệt mỏi và hình như cảm thấy sống cũng vô ích, linh mục xưng tên mình với người lạ.
• Ông là linh mục? người kia tỏ vẻ sửng sốt. Ông từ đâu đến?
Cơn sốt rời xa ngài vài giây, giúp ngài trở lại với thực tế.
• Xin ông đừng ngại, ngài nói. Tôi không dừng lại ở đây. Tôi không xin xỏ gì hết.
Ngài thu hết tàn lực và tiếp tục bước đi: một khuôn mặt đầy kinh ngạc nhìn ngài. « Sẽ không còn có con tin » ngài tự bảo lớn tiếng. Những bước chân đi theo ngài: sự cẩn thận buộc người ta phải theo người nguy hiểm cho đến khi ngài vượt qua biên giới mới đi về nhà.
Linh mục cố gắng nói to:
• Đừng lo. Tôi không dừng lại ở đây đâu.Tôi không xin các ông cái gì cả.”
Ngài nghe một giọng từ tốn, lo âu:
“ Cha…
• Tôi đi, đi thật xa.”
Ngài cố gắng chạy và bỗng nhiên ra khỏi rừng tới một triền dốc đầy cỏ. Dưới kia, có ánh sáng,có mấy căn nhà, và gần ngài, ở mé rừng,một ngôi nhà lớn quét vôi trắng….đồn lính? Ngài sắp gặp cảnh sát sao?
“ Nếu họ đã thấy con, con sẽ đầu thú, ngài nói. Con hứa là sẽ không còn ai phải đau khổ vì con.
• Cha…
Cơn nhức đầu hành hạ ngài; ngài lảo đảo và áp tay vào tường cho khỏi ngã. Mệt mỏi vô tận.
• Trại lính à? Ngài hỏi.
• Nhưng thưa cha, một giọng lo âu và ngạc nhiên nói…đây là nhà thờ của chúng con.
• Nhà thờ?
Linh mục lần bàn tay thiếu tin tưởng của mình trên tường, giống như người mù tìm cách nhận biết một căn nhà,nhưng quá mệt, ngài không phân biệt được gì. Như trở nên vô hình, người mang súng lúng túng nói:
• Thưa cha, thật vinh hạnh cho chúng con!chúng con sẽ kéo chuông… »
Nhưng vị linh mục ngã nhào xuống trên cỏ ướt, tựa đầu vào bức tường trắng và ngủ.
Những giấc mơ của ngài tràn ngập những âm thanh vui mừng.