Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Chương 9
V
iệc ông Quang bị cách chức, truy tố về tội cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, nổ ra như một tiếng sét bất ngờ, kéo theo sau đó hàng loạt những sấm chớp, mưa gió ào ào ập đến. Trong thời gian chờ ngày ra tòa trả lời về những sai phạm của mình, ông được tại ngoại, nhưng hàng ngày đều phải vào cơ quan để làm kiểm điểm và trả lời những câu hỏi điều tra của công an. Các kết luận của thanh tra đều khá rõ ràng, với đầy đủ chứng cứ. Nếu những lời giải thích của ông Quang về các sai phạm của mình mà không đủ sức thuyết phục, thì thật khó mong ông sẽ thoát được cảnh tù tội.
Hằng chỉ biết chuyện gì đã xảy ra với ba mình vào buổi sáng các báo bắt đầu đăng những thông tin đầu tiên về vụ án. Lúc cô đến trường thì mọi việc đều êm ả, nhưng gần cuối giờ ra chơi, gặp Hằng ở hành lang, Minh đi lướt qua cô và nói thật nhanh:
- Thầy mới đọc báo sáng nay, xin chia buồn cùng em.
Nét mặt và giọng nói của Minh đều lạnh tanh. Mặc dù chính anh cũng hết sức bàng hoàng trước cái tin mình vừa được đọc trong mấy tờ báo ở phòng giáo viên. Anh như không tin ở mắt mình. Ba của Hằng bị cách chức, truy tố? Sao lại có thể như vậy? Nga, cô giáo dạy môn Sinh, cũng đến hỏi Minh, lúc anh đang ngồi thẫn thờ trước tờ báo:
- Hình như ông Quang này là ba của con Hằng lớp anh chủ nhiệm phải không?
Minh lẳng lặng gật đầu. Nga chỉ nhìn anh một cái nhìn đầy ý nghĩa, rồi bỏ đi nơi khác.
Hằng ngơ ngác khi nghe Minh nói. Cô chẳng hiểu gì cả. Rồi sực tỉnh, cô bước vội theo Minh:
- Thầy, thầy vừa nói gì vậy?
Minh sửng sốt nhìn Hằng:
- Em chưa biết gì hết à?
Hằng nhẹ gật đầu, mắt nhìn lại Minh đăm đăm, chờ đợi.
Minh thận trọng nói:
- Không biết là có chính xác hay không, nhưng các báo vừa đưa tin là ba của em đã bị cách chức...
Suýt chút nữa thì Minh đã đưa tay ra đỡ Hằng, vì thấy người cô chợt lảo đảo như muốn ngã. Nhưng Hằng đã gượng đứng được. Mặt tái xanh, cô chậm chạp bước đến đứng tựa lưng vào bệ lan can ximăng, hai mắt vẫn cứ nhìn Minh. Minh thở dài, liếc quanh rồi nói thật nhỏ:
- Anh rất tiếc không làm gì được cho em. Em gắng giữ gìn sức khỏe, đừng buồn phiền quá.
Minh bỏ đi rồi, Hằng vẫn đứng im tại chỗ một lúc lâu, cho đến khi tiếng trống báo vào học lại vang lên, cô mới hơi định thần được. Ba bị cách chức? Tại sao? Chắc phải vì một tội nặng lắm? Ba của mình! Tội gì vậy? Cô bất lực đưa mắt ngó về phòng giáo viên. Trong đó có những tờ báo. Nhưng cô không đủ can đảm đi đến đó, không đủ can đảm cầm lấy chúng.
Vừa bước vào lớp, Hằng hiểu ngay là mọi người đều đã hay biết về chuyện của ba mình. Cả lớp im phăng phắc. Hơn bốn mươi cặp mắt cùng nhìn thẳng vào cô. Những ánh mắt tò mò, những ánh mắt xót xa, và cả những ánh mắt hả hê. Nào, cô Hằng lớp trưởng, con gái của một ông giám đốc tội lỗi, từ nay cô không còn hơn gì chúng tôi nữa nhé! Tưởng gì! Hóa ra gia đình cô có tốt lành gì đâu!
Hạ chồm người qua nắm chặt lấy tay Hằng, lúc cô vừa ngồi xuống, thầm thì:
- Bình tĩnh đi Hằng. Tụi tao lúc nào cũng là bạn mày.
Hai tờ giấy của Hân và Hoa cũng được vội vã chuyền xuống, với mấy chữ nguệch ngoạc: “Đừng mất tinh thần Hằng ơi!”. “Can đảm lên Hằng. Chút nữa tao dẫn đi ăn chè!”
Những giọt nước mắt bắt đầu rơi xuống. Hằng gục mặt vào hai vòng tay, lặng lẽ khóc. Cho mẹ, cho ba, và cho cả mình.
Thầy Phát dạy môn Anh văn, đứng trên bục giảng, nhìn Hằng bằng cặp mắt thương xót. Nên cho em ấy về? Hay cho lên nghỉ ở phòng y tế để em ấy tạm qua được cú sốc này? Tội nghiệp Hằng! Nếu bậc cha mẹ nào cũng biết nghĩ đến con cái, có lẽ cuộc sống này sẽ bớt hẳn đi những điều xấu xa.
Thầy Phát bước xuống, đi đến đặt nhẹ một tay lên vai Hằng:
- Hằng, em nên về nhà nghỉ. Thầy sẽ cho Hạ về với em.
Thầy Phát nhìn Hạ, gật đầu. Cô se sẽ thu xếp cặp vở cùa mình, rồi của bạn. Hằng đi theo bạn như một cái máy. Lúc ấy, ở khu vực cuối lớp chợt vang lẽn một tiếng cười thật khẽ, nhưng mọi người đều nghe. Rồi tiếng Ngôn thì thầm với Trinh ở dãy bàn bên cạnh:
- Tội nghiệp lớp trưởng của mình quá hén Trinh!
Trinh chắc lưỡi:
- Ừ, tội nghiệp thiệt đó! Thấy thương quá à!
Gần như cả lớp cùng quắc mắt nhìn về phía Ngôn và Trinh. Mặt Ngôn vẫn câng câng như không. Sau buổi đi chơi đêm Noel, Ngôn đã nhiều lần tìm đến nhà Hằng để rủ đi chơi. Nhưng cô đều từ chối. Vì buồn, muốn thay đổi không khí, Hằng có đi chơi với Trinh đôi lần, thường là đi nghe nhạc, dạo phố, nhưng rồi dần dần Hằng thấy không còn hứng thú gì trong giao thiệp với Trinh. Đúng là nhóm “Bốn Mùa” không thể là bạn của Hằng. Họ thuộc về một thế giới khác, hoàn toàn xa lạ. Thái độ “coi khinh” ấy của Hằng đã làm cho bọn Ngôn, Trinh càng ghét cô hơn trước. Ghét ra mặt. Sự đau đớn của Hằng ngày hôm nay chỉ càng làm cho chúng thấy thích thú.
Đi sau Hạ, bước qua mỗi lớp, Hằng cảm nhận rất rõ tất cả mọi người đang nhìn theo mình. Những ánh mắt dồn lên người cô, nặng trĩu, làm cô bước đi không muốn nổi. Ngay cả chú Năm bảo vệ cũng nhìn cô bằng ánh mắt khác thường, thậm chí ông chẳng cần nhìn tấm giấy cho phép ra về giữa buổi mà Hạ đưa ra.
Dắt xe đạp ra khỏi cổng, Hạ bỗng sực nghĩ ra một điều. Cô nói với bạn:
- Hôm Tết, mày đi thăm bác gái không gặp. Hay bây giờ tao đưa mày đến đó nha?
Hằng lắc đầu:
- Giờ này má tao đi làm rồi. Đến cơ quan phiền lắm. Thôi, để tối tao đi.
Hạ biết bây giờ chở bạn về nhà, bạn chỉ thêm buồn. Hai đứa dẫn nhau đi ăn kem Bạch Đằng rồi lang thang dạo phố lựa giày dép, xong kéo nhau qua đường Phan Bội Châu bên hông chợ Sài Gòn ngồi xì xụp ăn bún mắm. Mặt Hằng cứ ngẩn ngơ đến tội nghiệp. Sao ba của cô lại có thể bị như vậy? Có thể ba buồn mẹ mà sinh ra chuyện bồ bịch, hay có thể tính ba quá thoải mái trong sinh hoạt, nhưng ba làm việc tốt lắm kia mà! Mọi người trong công ty đều tỏ ra thương quý ba lắm kia mà... Hay vì quá tốt mà ba đã bị người ta lừa gạt, hãm hại? Có thể như vậy không?
Một đứa bé ôm chồng báo bán dạo đi ngang qua, ghé mời vài người mua báo. Vì kinh nghiệm nghề nghiệp, nó không để mắt đến hai cô nữ sinh mặc áo dài trắng. Hằng đã đủ tỉnh táo. Cô cần biết người ta đã viết gì vê ba cô. Ngoắc thằng bé lại. Hằng mua một tờ Tuổi Trẻ. Ngay trên trang nhất, cô đã đọc được mẩu tin:
TIÊU CỰC LỚN Ở CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU X
GIÁM ĐỐC BỊ CÁCH CHỨC VÀ TRUY TỐ.
(T.T.) Kết luận của đoàn thanh tra sau hơn một tháng làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu X đã cho thấy các đơn tố cáo của nhiều cán bộ nhân viên tại đây về những tiêu cực của một số cán bộ chủ chốt của công ty là hoàn toàn chính xác. Cuộc đấu tranh khởi đầu từ các đoàn viên thanh niên trong công ty (mà bảy người đã vì vậy mà bị tinh giản biên chế), sau đã được sự hưởng ứng của nhiều cán bộ nhân viên khác. Ước tính các vụ việc tiêu cực ở đây đã gây thất thoát cho công quỹ hàng tỷ đồng.
Giám đốc Nguyễn Mạnh Quang đã bị cách chức và đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Một phó giám đốc, kế toán trưởng trưởng phòng kế hoạch, trưởng phòng kinh doanh... cũng bị những kỷ luật tương tự.
Viện kiểm sát thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Mời bạn đọc đón xem số báo sau, nhóm phóng viên Chính trị - Xã hội sẽ tường thuật đầy đủ về vụ tiêu cực này...
Dù không còn bị bất ngờ nữa, Hằng vẫn như không tin ở mắt mình. Mẩu tin quá đầy đủ, rõ ràng. Không thể có một sự hiểu lầm nào ở đây. Hằng đọc báo Tuổi Trẻkhá thường. Nhóm phóng viên Chính trị - Xã hội của tờ báo này rất có uy tín. Bằng ngòi bút, họ đã làm cho nhiều tay tiêu cực có thần thế phải chịu mất chức, vào tù. Họ đã chấp nhận lao vào vụ nào thì thường không bao giờ thua cuộc.
Hạ đỡ lấy tờ báo trên tay Hằng. Cô cũng hết sức bàng hoàng sau khi dọc. Khi nãy, trong giờ ra chơi, cô cũng chỉ được nghe loáng thoáng bạn bè đồn nhau ba của Hằng đã bị cách chức. Không ngờ tình hình nghiêm trọng đến như vậy. Tội nghiệp Hằng quá, bị thêm cú này, làm sao nó chịu nổi? Có cách nào giúp nó được bây giờ?
Không thể không về nhà, Hạ rủ Hằng theo cô về ăn cơm và nghỉ trưa, nhưng Hằng buồn bã lắc đầu. Chắc chắn cả nhà Hạ đều đã biết tin. Cũng như cả thành phố này vậy. Cô còn dám nhìn ai, nói chuyện với ai? Cô chỉ muốn được chui ngay vào phòng, khóa cửa lại, leo lên giường nằm, trùm kín mền. Và... chết.
*
* *
Vậy mà, về nhà, Hằng lại không dám lên phòng, cô nằm dài trên chiếc ghế xalông trong phòng khách. Không hiểu từ đâu mà chị Năm cũng đã biết tin. Thấy Hằng từ chối không ăn cơm, chị cứ lính quýnh bên cô, săn sóc cô từng ly nước chanh, cái khăn lau mặt, làm cô không khỏi xúc động. Người giúp việc trung thành này, cũng là người kề cận duy nhất còn lại bên Hằng, cuối cùng mai này chắc cũng sẽ chia tay với cô. Rồi tất cả sẽ bỏ ta đi. Tất cả.
Khoảng hơn một giờ thì ông Quang về. Mặt sạm đen, thiểu não. Ông buông người ngồi xuống chiếc ghế dối diện với Hằng, nhìn con bằng đôi mắt vô hồn. Hai cha con cứ ngồi lặng lẽ nhìn nhau thật lâu. Căn phòng yên tĩnh đến mức có thể nghe được tiếng tích tắc đều đều của chiếc đông hồ trên tường.
Người lên tiếng đầu tiên là Hằng, giọng khản đặc:
- Ba... Sao ba lại như vậy?
Ông Quang vẫn im lặng. Một lúc lâu sau, ông mới trả lời:
- Ai ở hoàn cảnh, địa vị của ba, cũng phải sai lầm như vậy hết. Ba không có lỗi...
Hằng nhìn thẳng vào mắt ba:
- Ba đừng nói vậy, con không tin! Không phải ai cũng như vậy.
- Tại con ở ngoài cuộc nên con không biết. - Ông Quang nhếch mép. - Trong cơ chế như hiện nay, muốn làm việc được, không thể không lươn lẹo, tìm đủ cách để luồn lách vượt qua những quy định, phép tắc trói buộc.
- Nhưng nếu đó là vì mục đích đem lại những ích lợi cho cơ quan, cho xã hội. Còn đằng này...
Ông Quang thở dài:
- Bộ con nghĩ có mục đích tốt rồi là đương nhiên đạt kết quả tốt hay sao? Có biết bao ông giám đốc ở đất nước này đã và đang làm ăn thua lỗ, thâm hụt công quỹ. Không lẽ tất cả những người đó đều tiêu cực à?
Hằng bướng bỉnh:
- Ít nhất họ cũng có một tiêu cực đầu tiên, là đã dám nhận một nhiệm vụ mà mình không đủ sức làm.
Không khí giữa hai cha con trở lại y như những ngày nào. Nhưng lần này, người đuối lý không phải là Hằng.
- Con muốn nói ba là người ngu dốt, phải không?
- Xin lỗi ba... Ý con không muốn nói như vậy... Lúc nhỏ, ba vẫn thường dạy con rằng, có lỗi thì hãy nhận lỗi.
Cái nhìn của Hằng khiến ông Quang không thể chịu dựng nổi:
- Thôi, được rồi. Con đừng nhìn ba như vậy. Đời người, ai cũng có lúc phải lỗi lầm. Có lẽ vì ba quá tin người. Cũng có phần vì ba muốn dành dụm chút ít, mà chủ quan nghĩ rằng mọi chuyện đều trong phạm vi có thể chấp nhận được, không vượt quá những gì mình đã đóng góp cho cuộc sống này.
Hằng vẫn nhìn ba đăm đăm. Ông Quang nói tiếp, giọng đều đều:
- Đời ba, gần đây có nhiều chuyện thật không hay, nhưng rồi ba lại nghĩ, phải cố gắng để lo cho con, cho ngày mai của con. Má con đã như vậy! Sau này, ba về hưu, không thể để con vào đời với đôi bàn tay trắng được.
Đó là lý do đích thật hay sao? Không, Hằng không tin. Nếu vì thương cô, ba cô không thể sống như mấy lúc gần đây, lối sống của một người buông thả, không trách nhiệm. Chi phí hằng ngày của ba cô vừa qua chắc chắn không nhỏ. Và cũng chắc chắn phần lớn không phải dành cho cô. Hằng vẫn nhìn ba bằng đôi mắt phán xét. Sao đến giờ này mà ba vẫn nói dối với mình? Ba nghĩ rằng mình sẽ thông cảm khi ba nói lên điều đó à? Vì mình mà ba sai lầm, tiêu cực? Không, ba đã nói dối mình. Rõ ràng.
Hằng thấy miệng đắng ngắt. Không còn gì để nói với ba nữa. Cô gắng gượng đứng lên, người như không còn chút hơi sức.
- Con đi đâu vậy?
- Con mệt quá!
Ông Quang ngập ngừng:
- Hằng... Cho ba nói với con điều này.
Hằng đứng lại, vẻ dửng dưng.
- Ba muốn con đừng buồn nhiều, vẫn cố gắng học hành tốt. Sai lầm của ba, ba sẽ tự trả giá đầy đủ.
Hằng nhắm mắt lại rồi lẳng lặng quay lưng bỏ đi lên lầu. Còn con, con không phải trả giá gì về sai lầm của ba à?
Nhóm 4H không bỏ Hằng. Ba giờ chiều, Hằng đang nằm rũ rượi trong phòng thì Hoa đến, ngoài chiếc cặp da đồ sộ quen thuộc, còn vác theo một cái ba-lô chật căng, ngang nhiên cười hì hì tuyên bố:
- Tao ở đây luôn với mày. Tao đã xin ba má tao rồi. Hai người O.K. hết. Đáng lẽ tao dắt theo con Kiki luôn để có bảo vệ, nhưng tao lại thấy tội nghiệp con Miu nhà mày, thành ra phải để nó ở nhà, tiếc thiệt!
Hoa ồn ào bước tới mở tung các cửa sổ, kéo toang màn cửa. Ánh sáng hối hả ùa vào, soi rõ cảnh bừa bãi trong phòng. Sự buồn chán làm Hằng chẳng thiết gì việc dọn dẹp nơi ở của mình. Hoa nhăn mặt, chống nạnh ra lệnh:
- Thứ đồ con gái bầy hầy! Vậy mà cũng đòi làm lớp trưởng. A-lê-hấp, làm ơn đi tắm rửa giùm tui. Đã buồn mà còn ở dơ thì mau sinh bệnh lắm! Việc thứ hai cần làm ngay là xuống báo cơm chiều cho tao. Nấu nhiều nhiều một chút. Tao ăn một lon đó! Rồi có thể nhỏ Hân tới nữa.
Hằng cười buồn bước vào phòng tắm. Lúc trở ra, cô thấy Hoa đã thay quần áo, chơi nguyên một chiếc tà lỏn jean Thái và một cái áo thun rộng hết cỡ, cột tóc lên, và vừa dọn dẹp trong phòng vừa hát um sùm trời đất. Hoa nháy mắt với Hằng:
- Mày nghe tao ca hay chưa nhỏ? Ai ở với tao là bảo đảm có hạnh phúc mà! Thầy bói nói rồi.
Thương bạn quá, nàng đi lại ôm Hoa hun một cái. Con nhỏ vùng vẫy, cười sằng sặc.
- Nhột quá, chết tao mày ơi! Buông tao ra đi đồ quỷ!
Quả nhiên, đến chiều thì Hân tới. Cô đem cho Hằng cả chục tút kẹo cao su. Ba đứa ngồi ăn cơm với nhau, đã mời chị Năm nhưng chị nhất định không cùng ăn. Một lát sau, lại có Hạ, rồi Long nữa. Nhờ tình bạn ấm áp, Hằng thấy đỡ hơn một chút. Nhưng cô biết mọi sự giúp đỡ đều có hạn. Bạn bè cô không thể nào ở đây mãi. Và cho dù được như vậy, cũng không ai có thể lấp đầy sự mất mát, mất sạch, trong cô. Không một ai.
Ngồi chơi một lúc, Hạ nói:
- Đi thăm bác gái đi Hằng. Để tao lấy xe con Hoa chở mày đi.
Hằng lắc đầu:
- Thôi, tụi bây cứ ở đây chơi. Tao đi một mình được rồi.
Dì Bích đón Hằng cũng với ánh-mắt-thương-hại-không-thể-chịu-nổi, nhưng đồng thời lại có vẻ gì đó thật lúng túng, thiếu tự nhiên. Dì lính quýnh kéo Hằng vào phòng khách:
- Cháu ngồi đây chơi chút, để dì lên phòng gọi má cháu.
Đã bước chân lên cầu thang, dì còn dặn:
- Ngồi đó nghe cháu!
Hằng ngồi lại, vừa buồn vừa hơi ngạc nhiên về thái độ của dì Bích. Sao dì lại không cho mình lên phòng gặp mẹ? Vì chỗ mẹ ở quá lôi thôi, hay vì một lý do nào khác?
Cô không có thì giờ để suy nghĩ lâu. Vì gần như ngay tức thì mẹ cô đã xuất hiện ở đầu cầu thang và bước vội xuống. Hằng đứng dậy, chờ mẹ. Bà Quang đi thật nhanh đến, định ôm lấy Hằng, nhưng chợt khựng lại, run rẩy đứng nhìn con. Hằng nghẹn ngào nhìn lại mẹ. Mẹ vẫn rất xinh đẹp, đến mức có phần khó hiểu sau những chuyện như thế đã xảy ra. Mẹ lại đang ăn mặc khá đẹp, như sắp phải đi đâu. Nhưng Hằng vẫn thấy thương mẹ quá, nhớ mẹ quá!
Toàn thân bà Quang run lên bần bật. Bà giương đôi mắt mờ lệ nhìn con, chờ đợi thái độ của nó. Nó đã tha thứ cho bà chưa? Tội nghiệp con bé, đứa con duy nhất của bà, mấy tháng nay nó đã phải sống như thế nào? Rồi bây giờ lại đến một sự đổ vỡ khác. Nó đi tìm mình chắc vì không chịu nổi cú sốc do ba nó gây ra. Mà làm sao nó chịu nổi được? Mình phải làm sao đây? Về lại căn nhà ấy để săn sóc cho nó? Còn mặt mũi nào? Nhưng tình mẹ của mình đâu mà mình lại tự ái như vậy? Phải về với nó thôi, không thể bỏ nó một mình được. Rồi còn... Đăng? Con bé đâu có chấp nhận Đăng. Mình đã trốn Đăng được gần ba tháng, vậy mà cuối cùng mình đành chịu thua lý lẽ của con tim. Đăng yêu mình quá thiết tha. Mình chạy trốn đâu rồi Đăng cũng tìm ra. “Chúng mình không còn bao năm để sống, để hưởng hạnh phúc trong cuộc đời này. Sao em cứ từ chối anh, từ chối hạnh phúc của mình? Chúng ta đã trả giá, sao chúng ta lại không dám đến với nhau nữa?” Mình đã quỵ ngã. Và bây giờ Đăng đang ở trên phòng. Mình và Đăng đang định đi ăn tối. Lâu lắm rồi hai đứa chưa được đi với nhau. Đăng đòi xuống gặp Hằng, nhưng mình không cho. Đăng nói trước sau gì thì rồi Hằng cũng phải chấp nhận Đăng, ít nhất cũng với tư cách là người chồng sau của mẹ nó. Nhưng mình quá biết tính con Hằng. Từ nhỏ, nó đã là đứa cương quyết, dứt khoát. Nó muốn làm gì là phải làm cho bằng được. Cái gì của nó là không ai được đụng tới. Nó đã ghét ai là không thèm nhìn mặt...
Hằng xô tới ôm chầm lấy mẹ:
- Mẹ ơi! Con khổ quá!
Hai mẹ con ôm nhau khóc mùi. Bà Quang vừa khóc vừa vuốt ve mái tóc của con. Ôi, con gái cưng của mẹ! Không, dù sao đi nữa, mẹ cũng phải về với con.
Bà Quang dìu Hằng ngồi xuống ghế:
- Con đã không hay biết gì, phải không?
- Dạ phải.
- Ông ấy là vậy. Một con người luôn luôn bí ẩn và khó hiểu, dù ngoài mặt thường là rất hồn nhiên, xởi lởi. Cuộc sống đã dạy cho ông ấy một kiểu sống ngụy trá tinh vi đến mức chính ông ấy cũng không biết mình thật sự là người như thế nào, thật hay giả, tốt hay xấu. Mọi sai lầm của ông ấy đều có thể biện minh được, và luôn được nhiều người cùng chia sẻ gánh vác, còn mọi cái tốt của ông ấy thì bao giờ cũng được đánh bóng hơn mức của chính nó. Rốt cuộc, ông luôn yên tâm là một con người hoàn hảo, và chính điều đó đã đưa ông tới vực thẳm.
Bà Hải Đường lại hỏi:
- Con đã gặp ba chưa?
- Dạ rồi.
Bà nắm tay con:
- Con ráng an ủi ba. Đừng để ba lo buồn quá! Hãy ở bên cạnh ba, trong những lúc này.
Ráng an ủi ba? Còn con? Sao không ai nghĩ đến con sẽ như thế nào hết vậy? Nếu mẹ biết câu chuyện giữa ba và con trưa nay... Có lẽ ba nói dối con chỉ vì ba còn có con. Nhưng khi người ta mong sẽ giữ được một cái gì đó bằng lời nói dối, thì sự mất mát, khi xa, còn nặng nề hơn. Hãy ở bên cạnh ba, trong những lúc này?
Hằng ngước mắt nhìn mẹ:
- Còn mẹ?
Bà HảiĐường lắc đầu:
- Mẹ không thể làm gì được nữa. Con hiểu cho mẹ, tất cả đều tan vỡ rồi!
Nước mắt Hằng chợt ngừng chảy. Vâng, tất cả đều tan vỡ rồi. Không ai còn có thể làm gì được nữa. Mẹ nói đúng. Mình tới đây rốt cuộc cũng chẳng ích lợi gì. Mẹ đã có đời của mẹ, ba sẽ lãnh phần của ba. Còn mình? Hằng ạ, có lẽ cũng đã đến lúc mày nên chấp nhận bản án dành cho mày. Bao nhiêu năm qua, mày sống như vậy cũng đáng được gọi là sung sướng lắm rồi.
Nét mặt của Hằng có một vẻ gì đó khiến bà Quang thấy lo sợ.
- Hằng! Nhưng mẹ sẽ vẫn là mẹ của con, nếu được con cho phép. Mẹ con mình sẽ vẫn thường xuyên gặp nhau. Mẹ sẽ về và xin ba con cho mẹ được về nhà lại một thời gian để lo cho con, trong những ngày sắp tới.
Hằng nhè nhẹ rút tay ra khỏi tay mẹ. Chỉ một thời gian thôi à? Để làm gì? Sẽ thay đổi được gì?
Mặt Hằng lạnh như băng:
- Thôi, con nghĩ điều đó không cần thiết. Con vẫn tự lo được.
Và cô đứng dậy:
- Con chỉ đến đây để thăm mẹ.
Bà Quang cũng đứng dậy, nhìn con đăm đăm:
- Con tha thứ cho mẹ?
Hằng cũng nhìn mẹ. Đôi mắt cô sâu thẳm:
- Con đến đây là mẹ hiểu rồi. Thôi xin phép mẹ, con về.
Bà Quang nấc lên một tiếng, định bước tới ôm con. Nhưng Hằng đã quay người, bỏ đi ra cửa. Được vài bước, cô chợt đau khổ nghĩ không chừng đây là lần cuối mình được gặp mẹ. Cái điều kinh khủng ấy khiến cô không thể không dừng bước, quay nhìn mẹ một lần nữa. Bà Quang cũng đứng chết lặng nhìn con. Đứa con gái cưng, đứa con gái bé bỏng, ngây thơ của bà... đâu rồi? Giờ trước mắt bà, chỉ là một cô gái đã trưởng thành, với một tính cách mạnh mẽ, quyết liệt.
Bước ra khỏi cửa, Hằng chợt nhìn thấy chiếc Honda Cub 70 quen thuộc dựng cạnh gốc cây sứ mà lúc vào, vì bối rối, cô đã không nhận ra. Đó chính là chiếc xe của Đăng. Thảo nào bà Bích lúng túng như vậy, và đã không dám cho cô lên phòng. Thảo nào mà mẹ nói rằng mẹ không thể làm gì được nữa. Thôi được, mẹ hãy hưởng hạnh phúc muộn màng của mẹ. Đừng lo cho con nữa.
Đường phố vẫn tấp nập người, xe qua lại. Không một ai buồn để ý đến Hằng. Cô đi bộ lững thững về nhà, vừa đi vừa nhai kẹo đều đều. Đáng đời cho mày chưa Hằng? Không có ai lo cho mày nữa đâu. Không ai hết, nghe chưa? Bây giờ thí dụ như mình nhào đại vô đầu chiếc xe kia thì sao nhỉ? Chắc đau lắm. Mà coi mình thấy ghê nữa. Tụi bạn mình chắc chẳng đứa nào dám nhìn, nhứt là con Hân, chắc nó xỉu quá. Còn Minh, có dám nhìn mình không? Có nhỏ cho mình một giọt nước mắt nào không? Hay sẽ làm cho mình một bài thơ cuối cùng, loại thơ không dùng để đăng báo, rồi... thôi.
Hằng bỗng thấy nhớ Minh quay quắt. Mới hơn tám giờ. Có thể anh đang có ở nhà. Cô thèm đươc gặp anh, thèm nghe giọng nói của anh, dù chỉ trong vài phút, vài giây. Cần lắm. Chỉ còn anh thôi, người thân thiết nhất của cô giờ này để cô có thể ngã vào vòng tay. Một mình anh. Cuốn sổ nhỏ luôn có trong túi áo Hằng có ghi số điện thoại khu nhà tập thể của Minh. Anh cho số, nhưng cứ dặn đi dặn lại: “Vì là điện thoại dùng chung, chỉ trong trường hợp cấp bách lắm em hãy gọi. Anh không thích làm phiền người ta.” Thật ra, Minh ngại một điều khác. Điện thoại đặt tại phòng của chị Sáu, một người về hưu sớm, có căn hộ ngay sát cổng ra vào, giờ nhận làm một dạng thường trực kiêm những việc đời sống của khu tập thể, kể cả việc buôn bán đủ thứ lặt vặt từ cục nước đá lẻ cho đến gói thuốc lá, chai bia, kem đánh răng Thái Lan và dao cạo râu Trung Quốc... Khu nhà chỉ có khoảng mười mấy hộ, nhưng cũng phát sinh đủ loại nhu cầu cần phục vụ tại chỗ. Chị Sáu là một người tốt bụng, nhưng rất ồn ào, tọc mạch, lắm chuyện. Mỗi lần có ai nhận được điện thoại chị ra đứng trước cửa nhà mình, hét gọi với tần số cao nhất. Giọng một cô gái trẻ thường gọi điện thoại cho Minh sẽ là đầu đề lớn trong câu chuyện bất tận của chị với những bà hàng xóm rách việc.
Hằng ghé vào một điểm điện thoại công cộng. Ngần ngừ mãi cô mới quay số. Có tiếng chuông reo. Tiếng thứ hai. Tiếng thứ ba. Tiếng thứ tư. Rồi tiếng nhấc máy. Một giọng đàn bà gắt gỏng vang lên:
- Alô! Tôi nghe đây!
Hằng im lặng. Cô chợt cảm thấy sợ hãi. Làm sao bây giờ?
Giọng nói đầu dây bên kia càng ồn ào hơn:
- Alô! Tôi nghe đây! Ai đấy?
Thu hết can đảm, Hằng rụt rè hỏi:
- Thưa bà, có phải khu tập thể Phòng giáo dục quận Hai không ạ?
- Đúng rồi! Chị cần gặp ai?
- Dạ, xin cho tôi được gặp thầy Minh ạ.
- Chị là ai nào?
Suýt chút nữa Hằng đã buột miệng nói mình là học trò của thầy Minh, nhưng cô dừng lại kịp. Sự chần chừ của cô càng làm người đàn bà bên kia đầu dây khó chịu hơn:
- Sao? Chị là ai? Cần gặp ông Minh có việc gì?
Không hiểu vì lý do gì mà hầu như tất cả những nguời trực điện thoại đều luôn muốn biết người gọi điện thoại đến là ai, tên gì, có mục đích gì, trong khi nhiệm vụ đơn giản của họ chỉ là chuyển đường dây điện thoại đến người nhận.
Hằng nói bừa qua máy:
- Tôi là Xuân, ở trường. Có việc gấp cần gặp thầy Minh.
Xuân là tên cô hiệu phó. Nhưng người đàn bà vẫn không buông tha cho Hằng:
- Chị ở Ban giám hiệu à?
Một sự tò mò kì lạ. Hằng gật đầu, nhưng sực nhớ ra mình đang điện thoại, cô vội vã nói:
- Vâng.
Giọng nói bên kia đầu dây nghe đã dịu đi
- Chờ nhé!
Tiếng ống nói thô bạo đặt xuống mặt bàn. Im lặng một chút. Rồi tiếng hét vang lên đâu đó xa xa, nhưng vẫn nghe rõ mồn một:
- Anh Minh ơi! Xuống mà nghe điện thoại của cô Xuân này!
Hằng nhăn mặt. Thật là một con người khủng khiếp. Rồi cô mừng rỡ khi nghe tiếng ống điện thoại được nhấc lên. Lại nhăn mặt.
- Chờ tí chị nhé! Tôi gọi rồi...
Tiếng ống điện thoại đặt xuống. Tiếng bước chân xa dần. Một lúc lâu. Như kéo dài vô tận. Rồi tiếng nhấc máy. Giọng của Minh vang lên đều đều, mệt mỏi:
- Tôi, Minh đây!
Hằng chỉ thốt được có hai tiếng:
- Anh Minh!
Giọng Minh vẫn đều đều:
- Chị Xuân đó hả? Có việc gì không chị?
Hằng nhắm mắt lại, nghe nhói đau ngực. Ngay cả giọng nói của mình, anh ấy vẫn không nhận ra! Cô gượng nói:
- Hằng đây anh.
- Sao?... Có việc gì vậy?
Nghe cách nói của Minh, Hằng hiểu người đàn bà ấy vẫn còn đứng quanh quẩn đâu đó. Cố nói thật nhanh:
- Em đang buồn quá. Rất cần được gặp anh. Một chút thôi, ở đâu cũng được.
Im lặng ở bên kia đầu dây.
Từ sáng đến giờ, Minh đã suy nghĩ nhiều. Ông Quang vậy là coi như tiêu rồi. Dù cho có bị tù treo, loại bản án thường dành cho cán bộ cỡ ông, thì cũng có nghĩa sự nghiệp mấy mươi năm của ông đã chấm dứt, mà tương lai cũng chẳng còn gì. Mất chức, mất Đảng, ra dân, cho dù có thu được một mớ tiền của dưỡng già thì cũng coi như con người đã bỏ đi. Bởi khi toàn bộ cuộc sống của một người dựa hết trên quyền lực, thì khi quyền lực mất, anh ta chỉ còn là một con số không vô nghĩa.
Ông Quang tiêu, thì Minh không còn động lực để có thể chấp nhận những sự trả giá phiền toái nếu dứt bỏ vợ con, mong tìm đường sống với Hằng. Một việc mà giờ đây đã trở thành bỏ mồi bắt bóng. Một cô vợ trẻ đẹp không bao giờ là mục tiêu của Minh. Nếu muốn như vậy, anh đã chẳng bao giờ đeo đuổi theo Cúc.
Suốt buổi chiều, ở nhà, Minh cứ ngồi thừ người nơi chiếc bàn làm việc. Cúc đi qua đi lại, nói khích:
- Coi bộ nhà thơ hôm nay tịt ngòi rồi, phải không? Ông làm thơ không ra thì làm ơn đi giặt quần áo giùm tôi, để dồn đống nhiều quá rồi kìa.
Đó là loại việc nhà mà Minh được phân công. Anh rất bất mãn, nhưng không thể không nhận. Nhà chỉ có hai vợ chồng, đều phải đi làm, việc nhà không chia ra thì không làm xuể. Ở khu tập thể này, còn có những ông chồng phải đi chợ, nấu cơm và làm đủ thứ việc nội trợ khác, trở thành những tấm gương để Minh hằng ngày cứ bị vợ chì chiết bắt noi theo. Những công việc nhà, vô danh mà bất tận, nuốt hết thời gian ngắn ngủi của cuộc sống, và như dòng nước, liên miên bào hết mọi năng lực sáng tạo và thậm chí cả ý chí tiến thủ của từng con người, biến họ trở nên tủn mủn, cùi đày, tầm thường dần trong tù ngục gia đình.
Mặc kệ cho Cúc nói, Minh cứ ngồi nghĩ lan man. Chắc là mình phải chấm dứt với Hằng thôi. Kéo dài rồi cũng chẳng có ích lợi gì. Đúng rồi. Phải chấm dứt với Hằng thôi...
Hằng có cảm giác như Minh đã biến mất khỏi bên kia đầu dây. Sự im lặng kéo dài, làm cô sốt ruột:
- Anh Minh...
Lúc ấy Minh mới lên tiếng, giọng khô khốc:
- Tôi nghe rồi.
Đến với Hằng à? Để làm gì nữa? Tốt nhất là nên rút lui ngay. Hay hãy để cho cô ấy tự hiểu? Dẫu sao cũng không nên quá cạn tàu ráo máng. Mọi giải pháp đều nên có một con đường dự phòng. Biết chừng đâu ông Quang thoát được tất cả? Nên thận trọng nhé Minh.
Hằng có cảm giác như đang nghe một người xa lạ nói với mình.
- Tôi rất tiếc. Hiện giờ tôi đang kẹt quá, khách khứa đầy nhà, không thể đi đâu được. Sáng mai gặp, mình sẽ nói chuyện nhiều. Vậy thôi nhé.
Hằng nhắm mắt lại khi nghe tiếng gác máy bên kia đầu dây. Hai giọt lệ ứa ra từ hai khóe mắt của cô. Tôi rất tiếc... Và vậy thôi nhé. Tình yêu của anh là tôi rất tiếc và vậy thôi nhé. Vâng, em hiểu. Em chỉ là một con nhỏ ngu ngốc. Sáng mắt chưa em? Thật đáng đời!
Hằng lảo đảo bước ra đường. Mình đi đâu bây giờ? Sao mình lại có thể tin ông ta và yêu ông ta? Ờ, bây giờ mày bắt đầu tiếc sao Hằng? Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói rất tiếc. Có đúng vậy không? Nhưng mà trên đời này làm quái gì có cái gọi là tình yêu. Chỉ là một trò đùa ác độc. Tôi rất tiếc. Vậy thôi nhé. Sáng mai gặp. Ha ha! Làm gì còn buổi sáng mai nữa? Tôi sẽ chết trong đêm nay. Đúng vậy. Không còn lý do gì để mình sống cả. Chết đi cho rồi! Nhưng bằng cách nào bây giờ? Đâm đầu vào xe? Mình không dám. Về nhà, uống thuốc ngủ? Tụi con Hoa ở đầy nhà. Chắc tụi nó đang trông mình. Tội nghiệp, mấy đứa bạn mình dễ thương quá! Xin lỗi tụi bây. Tao không thể chịu đựng nổi. Tha thứ cho tao. Nhóm 4H từ nay chỉ còn có ba. Buồn quá!
Thật bất ngờ, tiếng xe đạp thắng gấp bên Hằng:
- Giờ này còn lang thang đi đâu vậy cô Hằng?
Hằng giật mình quay sang. Một gương mặt đàn ông quen quen đang cười chào, thân thiện. Chiếc áo thanh niên xung phong...
- Quên tôi rồi à?
Hằng đã nhớ ra:
- Anh Đoàn Hùng?
- Đúng rồi. Hằng đi đâu đây?
Hằng chỉ im lặng. Hùng ái ngại nhìn cô. Anh đã đạp xe theo Hằng suốt một đoạn đường mà cô không hay. Sau đêm đọc thơ ở Đầm Sen, Hùng vẫn con nhớ về hai cô học trò của Minh. Nhất là Hằng. Không hiểu sao anh bỗng thấy Hằng có một nét gì đó thật giống Châu. Từ ngày Châu mất, đến nay đã bảy năm rồi, anh vẫn không thể để ý đến một người con gái nào khác. Vậy mà vừa chỉ mới gặp Hằng là anh đã bàng hoàng,
Anh em trong giới viết văn làm thơ trẻ, thường sớm có thói hay ganh ghét nhau. Thời gian phung phí quá nhiều trong những cuộc trà dư tửu hậu đã khiến nhiều câu chuyện riêng tư được truyền tụng nhanh, rộng, với nhiều ác ý. Một vài cuộc mà Hùng được tham gia trong những lần vô thành phố sau đó - anh lại được nhiều người thương vì tính khiêm tốn, không thích tranh cãi, quanh năm ở rừng chẳng đụng chạm gì đến ai - cho anh biết “Minh đã dụ được một em học sinh của nó”, “con nhỏ đó là con của giám đốc công ty xuất nhập khẩu X”, “tao biết rồi, cha Nguyễn Mạnh Quang. Tay đó chịu chơi lắm! Kì tụi tao đến đó đi thực tế, chả đãi nhậu mệt nghỉ”, “thằng đó là thằng cơ hội cực kì. Hồi đó, nó lấy vợ cũng là để ở lại thành phố, bây giờ ông già vợ nó chết rồi, chắc nó đang âm mưu thay vợ giữa dòng quá!”...
Quả thật, Minh rất ít được cảm tình của anh em trong giới. Mọi chuyện quan hệ của anh đều có gì đó giả tạo, hời hợt, và đậm lạt còn tùy mối quan hệ đó có ích lợi như thế nào cho anh. Anh còn là một kẻ tự cao, luôn cho rằng thơ của mình hay hơn của mọi bạn bè.
Nhưng mỗi lần về, Hùng vẫn đi tìm Minh ở trường, lúc tan học. Rủ đi uống cà phê hay qua Hội Văn nghệ uống bia hơi, nói chuyện chơi. Chỉ là để mong được nhìn thấy Hằng. Con người ta sao thật là kì. Cái gì đã mất sao cứ phải đi tìm mãi. Chỉ mong được nhìn thấy Hằng một chút thôi, mà nghĩ là đang được nhìn Châu. Có người định nghĩa, tình yêu chỉ là một thói quen lớn. Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi, cũng chỉ là vì lệ thuộc thói quen. Vì quen gặp nhau mà xa nhau mới thấy nhớ.
Hùng chỉ dám ngắm nhìn Hằng từ xa. Có một lần, Hằng đi qua sát bên anh trong khi anh đang đứng ngoài cổng trường chờ Minh ra, nhưng cô không hề để ý đến anh, hồn nhiên trò chuyện với bạn bè. Và cũng có một lần Hùng thấy Hằng bước lên một chiếc xe hơi đời mới thật đẹp. Người đàn ông ngồi ở băng sau dáng bệ vệ, sang trọng, có lẽ là ba cô.
Chính vì đã biết khá nhiều về Hằng nên sáng nay, lúc đọc báo, Hùng đã nghĩ đến Hằng rất nhiều. Anh đang dẫn đội văn nghệ ở nông trường về dự thi Hội diễn mùa Xuân của thành phố tổ chức. Chiều nay, cả nhóm tập xong, Hùng kéo trọn đám đi ăn rồi cho giải tán. Xong, Hùng tà tà đạp xe về nhà. Nửa đường, anh chợt nhìn thấy Hằng đang đi bộ một mình trên lề phố, nhưng rõ ràng cô đang ở trong tình trạng chẳng nhìn thấy ai cả. Nét mặt Hằng rất lạ. Không lộ vẻ buồn bã, đau khổ. Một nét mặt đông cứng, không cảm xúc, như của một người mộng du. Cô đi giữa đám đông mà cứ như đang đi giữa sa mạc. Đều đều, thong thả, mắt nhìn thẳng về phía trước, một nơi vô định nào đó.
Hùng rất hiểu trạng thái mà Hằng đang trải qua. Anh đã từng đi lang thang như thế suốt một ngày trong cánh rừng biên giới sau khi nghe tin Châu hi sinh, lòng cứ không tin chuyện ấy là có thật. Anh đã nghĩ đến cái chết, đến việc xin chuyển qua bộ đội để trả thù cho Châu, cùng chết theo Châu. Rồi bao nhiêu kỷ niệm tràn về. Châu của anh đã không còn nữa. Không còn nữa những dự tính và ước mơ của hai đứa. Anh sẽ không bao giờ còn được gặp Châu, được nghe Châu cười, Châu nói - Không bao giờ nữa... Lần đầu tiên trong đời từ khi khôn lớn, anh ngồi khóc một mình. Đến tối mịt, đồng đội mới tìm thấy anh đang ngồi chết lặng bên bờ một con suối khô. Đêm dó, anh nằm mà hai mắt cứ mở trừng trừng cho đến sáng.
Như đôi mắt đang mở to kia của Hằng. Đã hơn tám giờ tối. Cô ấy đã đi như thế này từ bao giờ? Và sẽ đi cho đến bao giờ? Anh là con trai, nên dù sao nỗi buồn chết người ấy cũng không quật ngã nổi anh, nhưng còn cô ấy, liệu cô ấy có chịu đựng nổi không? Cô ấy có sẽ làm một chuyện gì dại dột không? Hùng đã biết chuyện con gái của một cán bộ đã tự tử chết khi ba cô bị đưa ra tòa về một tội không ai có thể ngờ. Cô gái mới mười bảy tuổi, bình thường vẫn sống rất hồn nhiên, trong sáng, học giỏi và được bạn bè thương mến. Cô đã không chịu đựng nổi cái sự thật khủng khiếp ấy. Còn Hằng? Và Minh nữa. Tại sao trong những lúc như thế này, anh ấy lại không có mặt bên Hằng?
Hùng thận trọng tìm lời nói với Hằng. Phải thật tự nhiên, bình thường. Phải tìm đủ cách để đưa cô ấy thoát khỏi tình trạng này.
- Nếu Hằng không chê chiếc xe đạp cà tàng này thì tôi xin được phép đưa Hằng về.
Hằng mấp máy môi:
- Em chưa muốn về.
- Vậy thì mời Hằng đi uống nước. Tôi có chuyện này, từ lâu muốn nói với Hằng mà chưa có dịp. Hôm nay, xin Hằng cho tôi được nói.
- Để làm gì? Anh nói để làm gì?
Vẻ ngớ ngẩn của Hằng làm Hùng càng thấy lo lắng hơn. Chuyện đã xảy ra chắc phải rất nghiêm trọng. Hùng đáp bừa:
- Chuyện rất quan trọng, có liên quan đến Hằng. Đi đi mà! Một chút thôi Hằng. Còn sớm mà!
Hằng cứ nhìn sững Hùng. Một lúc sau, cô mới bước lên xe:
- Thì đi.
*
* *
Ở một quán nước vắng, Hùng đã kể cho Hằng nghe về Châu, về mối tình của anh, những dự tính của hai người, rồi cái chết tự nhiên ập đến, để lại một nỗi đau đến giờ, sau bảy năm, vẫn còn âm ỉ trong anh. Đây là lần đầu tiên Hùng tâm sự hết nỗi lòng của mình với một người con gái khác, từ sau ngày Châu mất. Lúc đầu, anh chỉ muốn kể để cho Hằng hiểu là còn rất nhiều niềm đau lớn khác quanh Hằng, mà chuyện của anh chỉ là một ví dụ nhỏ. Nhưng dần dần, như được khơi gợi trúng mạch nước ngầm từ lâu bị nén chặt, câu chuyện cứ chảy ra, miên man. Hùng nghe dường như không phải anh mà là một ai khác đang kể cho anh nghe về câu chuyện của chính anh và Châu, một ai khác như từ lâu đã thầm sống trong anh, hiểu biết tất cả và ghi nhớ tất cả. Kỷ niệm với Châu sống lại trong từng lời kể, tươi rói như vừa mới xảy ra hôm qua.
Hằng tỉnh lại dần trước câu chuyện xúc động của Hùng, và dần dần thấy vừa bị cuốn hút theo nó, vừa hết sức ngạc nhiên. Tại sao anh ấy, mới gặp lại cô chỉ sau một lần quen biết chẳng thân thiết gì, lại có thể tâm sự với mình dễ dàng như vậy về một chuyện thật riêng tư thường chỉ dành cho những ai thân tình nhất? Hóa ra anh ấy đã từng đau khổ đến như vậy. Nhưng anh ấy kể cho mình nghe để làm gì?
Hùng kết thúc câu chuyện:
- Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi, hàng tỉ công việc mỗi ngày đã lôi tôi trở về với cuộc sống.
Hằng tò mò nhìn Hùng. Anh thẳng thắn nhìn lại cô bằng một đôi mắt bằng hữu, trìu mến. Minh không bao giờ nhìn cô như vậy. Ánh mắt Minh luôn hừng hực một nỗi đam mê bão táp.
- Sao anh lại kể tất cả những chuyện ấy với em?
Hùng chuyển sang xưng “anh” với Hằng thật tự nhiên:
- Bởi vì anh biết em đang có chuyện rất buồn. Chung quanh ta, hằng ngày có biết bao chuyện rất buồn, buồn chết được.
Hằng thở dài. Bỗng nhiên cô cũng muốn trải lòng ra với Hùng. Sau câu chuyện của anh, cô cảm thấy dường như đã quen anh từ lâu lắm rồi.
- Vâng. Anh biết không, em đang muốn được chết cho rồi. Buồn quá!
- Vì chuyện ba em?
- Đủ thứ chuyện cả. Đời em bây giờ chẳng còn gì đáng sống nữa.
Hùng ái ngại nhìn Hằng. Trong đủ thứ chuyện ấy, chắc có Minh? Tại sao giữa phút này, anh ấy lại không có mặt bên Hằng? Chỉ riêng điều ấy cũng đủ quá buồn.
- Hằng đừng nói vậy. Cuộc sống đẹp lắm Hằng à. Nhất là nếu mình sống có ích cho ai đó.
- Hiện giờ thì em chẳng có ích cho ai cả! Anh muốn em sống à? Sống để làm gì? Em không dám đến trường nữa. Em không còn ba, không còn mẹ, không còn...
Hằng gục đầu xuống hai tay. Hùng ngồi thẳng người, tựa lưng vào ghế, bồi hồi. Cô ấy mới mười chín, hai mươi tuổi mà đã tuyệt vọng như vậy... Phải chăng chỉ vì những thần tượng của cô ấy bỗng cùng lúc đổ vỡ?
Hùng chợt nhớ đến Ba Dũng, người chính trị viên đại đội thanh niên xung phong đầu tiên của anh, những ngày cuối tháng bảy năm 1975. Lúc thành phố được giải phóng, Hùng đang là một sinh viên văn khoa. Anh gia nhập lực lượng tự vệ của sinh viên học sinh thành phố rồi tình nguyện qua thanh niên xung phong, khi ba đại đội đầu tiên được thành lập. Hào quang của những người chiến thắng, vẻ đẹp đầy sức thuyết phục của lý tưởng cách mạng, lối sống mới bình đẳng và chan hòa, giản dị..., tất cả đã làm anh có một cái nhìn mê đắm về những người chỉ huy trẻ vừa xuất hiện từ chiến khu hoặc nhà tù. Nhờ văn hay chữ tốt, anh được giao làm văn thư đại đội. Và Ba Dũng đã nói chuyện rất nhiều với anh, trong những đêm hai anh em ngồi uống trà tâm sự ở Lê Minh Xuân...
Hùng đều giọng kể cho Hằng nghe về Ba Dũng:
- Hồi anh mới đi thanh niên xung phong, ở đại đội ba, có anh chính trị viên đại đội tên Ba Dũng rất dễ thương và sống rất tốt. Anh rất nể phục anh ấy. Thế nhưng bài học đầu tiên mà anh ấy dạy riêng anh lại là: đừng bao giờ tôn sùng, thần tượng hóa bất cứ người nào, nếu không sẽ rất dễ mất niềm tin tưởng vào cuộc sống, khi thần tượng ấy sụp đổ. Em biết Ba Dũng bây giờ làm gì không?
Không đợi Hằng trả lời, Hùng nói ngay:
- Giữ xe đạp ở quận Mười. Trước đó, khi còn là tổng đội phó một đơn vị, anh ấy bị kỷ luật nặng chỉ vì dùng giấy giới thiệu của đơn vị mua một số cây nước đá với giá bao cấp của thời đó, để bán ra ngoài lấy tiền lo sinh kế gia đình. Một cái “chết” thật đáng buồn! Mà ba đơn vị đầu tiên đó có khuông làm sao ấy. Người thì bị “chết” vì vụ đổi tiền, kẻ thì dính vụ đánh tư sản, người khác bị chuyện quan hệ tình cảm, kẻ cuối cùng thì gần đây nhất lại tiêu đời vì tội lợi dụng quyền thế... Tất cả đều sụp đổ, chẳng còn ai. Nếu coi họ là thần tượng, chắc anh đã không sống vững đến bây giờ.
Dừng lại một chút, Hùng tiếp:
- Anh kể chuyện đó chỉ vì muốn nhắc lại cho em nghe lời khuyên của Ba Dũng. Trong đời đừng thần tượng hóa ai cả. Hãy chỉ tin vào mình và ráng sống cho tốt.
Một ý nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu Hùng. Anh chạm nhẹ lên vai Hằng. Cô nhìn anh, mắt vẫn còn long lanh lệ.
- Bây giờ anh đề nghị thế này: Em cứ bỏ học, đi lên Đắc Nông chơi với anh. Vô làm thanh niên xung phong cũng được, mà ở chơi làm khách đặc biệt cũng xong. Chừng nào chán thì về, anh không giữ. Ở đó, em sẽ được đi lang thang trong rừng tìm hoa lan nè, tắm sông tắm suối nè, đi săn đêm với anh nè...
Hùng ngừng lại, nhìn Hằng bằng cặp mắt tươi vui và đột nhiên hỏi:
- Em biết con nhím không?
- Biết.
- Vậy đố em trong mình nó cái gì là quý nhất?
Hằng ngẫm nghĩ rồi chịu thua. Con nhím thấy mà ghê, có gì quý! Họa chăng nó được bộ lông đầy gai nhọn mà các cô bắt chước uốn thành kiểu tóc “xù lông nhím”. Hùng thích chí phán:
- Đội A đã bí lù câu hỏi này. Trong cơ thể con nhím có cái bao tử là quý nhất. Nhưng phải là bao tử mùa khô. Lúc ấy, con nhím đi lục lọi đào bới tìm ăn những rễ cây có vị thuốc. Bao tử nhím phơi khô ngâm rượu uống là bố đủ thứ. Người có bịnh uống vô sẽ hết bịnh, mà người không có bịnh uống vô bảo đảm sẽ muốn bịnh.
Một nụ cười nở ra trên gương mặt phiền muộn của Hằng. Hùng liếc mắt nhìn thấy. Anh hỏi tiếp:
- Còn con nai, em biết cái gì của nó quý nhất không?
- Cặp sừng non, phải không anh? Người ta gọi là... gì đó?
- Nhung. Đó là của con nai đực. Nhung chỉ nên dùng cho những ông bà già sắp hết xí quách. Còn trai trẻ mà dùng thì có nguy cơ bị lên tăng-xông, đứt gân máu. Và con nai cái, cái gì của nó quý nhất?
Hằng lại lắc đầu, chịu thua.
- Cái khâu đuôi. Đuôi con nai cái là bổ dưỡng đệ nhất hạng. Đặc biệt dành cho các bà bầu!
Hằng lại phải phì cười trước vẻ mặt và kiểu nói chuyện tiếu lâm của Hùng, thật khác hẳn với khi nãy, lúc anh kể chuyện buồn của đời anh cho cô nghe. Sao lạ vậy nhỉ? Sao bỗng dưng anh lại trở nên huyên thiên nói hươu nói vượn đủ thứ chuyện như vậy? Và rồi, nhìn anh, bất chợt Hằng sững người hiểu ra nguyên nhân: Anh đang muốn làm cô vui. Sao vậy? Sao anh ấy tốt với mình vậy? Mình có là nghĩa lý gì với anh ấy đâu? Hằng thấy đau ở một góc sâu kín nhất trong con tim. Minh đã nói mình là tất cả ý nghĩa của đời Minh, nhưng rốt cuộc là như vậy đó!
Hùng không để Hằng có thời gian suy nghĩ nhiều. Anh hào hứng rủ:
- Đi không Hằng? Đã lắm!
- Anh xúi em bỏ học?
- Ừ. Nếu em thấy buồn quá, không thể học nổi nữa. Thì muốn chết làm gì? Đi chơi đi. Mai mốt về học lại. Nhằm gì. Thử sống một cuộc đời khác đi. Lên đó, em có thể dạy học cho anh em bên trường lao động công nông. Tội nghiệp, họ đều là những người nghèo khổ, vì hoàn cảnh này nọ mà phải sa chân, lầm lỡ. Nhiều người còn mù chữ, và đa số văn hóa rất thấp. Nói chung, em có thể giúp anh bất cứ việc gì mà em thích.
- Anh là... thủ trưởng?
Hùng nháy mắt:
- Chút chút thôi.
- Vậy sao anh làm thơ được?
- Chút chút thôi. Thơ anh dở ẹt à. Làm cho đỡ buồn vậy mà.
Thật khác hẳn Minh - Hằng buồn rầu nghĩ. Sẽ không bao giờ Minh nói như thế về thơ của mình. Tác phẩm của anh là luôn luôn hay nhất. “Anh vừa làm được bài thơ này, hay lắm.”; “Chưa bao giờ anh đắc ý như bài này.”; “Bài này mà đăng lên là mọi người sẽ biết”... Một sự hào hứng và đắc ý sau từng bài thơ mới làm ra. Thoạt đầu, Hằng thấy cũng ngồ ngộ, hay hay. Thế giới của những nhà thơ! Nhưng rồi, cô thấy Minh có gì đó hơi bất thường. Như thể anh chỉ sống được với những lời khen. Những bài thơ đầu tiên Minh tặng, có làm cho Hằng xúc động. Nhưng dần dần, sự đơn điệu của chúng đã làm cô bớt hứng thú khi đọc. Cũng chỉ là ba chữ “anh yêu em” được diễn tả bằng một số mỹ từ quanh đi quẩn lại. “Anh yêu em”, và cuối cùng là “Tôi rất tiếc”.
Hằng nhìn Hùng, và thấy rõ vẻ chân thành trong mắt anh. Bỏ hết, đi bụi đời với dân thanh niên xung phong? Sao lại không nên nhỉ? Đời mình có còn gì nữa? Cần gì nữa? Cứ đi cho vui. Vẫn chịu không nổi nữa, thì lúc ấy sẽ...
Hùng nghiêm trang nói tiếp:
- Nếu Hằng còn ngại gì về anh, thì anh xin trân trọng tự giới thiệu anh chính là người đàng hoàng nhất trong số những tên lộn xộn. Em có thể tin anh mà không bao giờ phải hối hận.
Nói xong, anh nháy mắt với Hằng, nét mặt có gì đó rất dễ thương. Hằng cười, và nhìn lại anh bằng đôi mắt sâu thăm thẳm:
- Em sẽ đi với anh.
Chính trong lúc ấy, Hùng nhìn thấy Hằng giống Châu hơn bao giờ hết. Nhưng điều đó, suốt đời anh sẽ giữ kín trong lòng.