Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Tác giả: Nikolai Nosov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1564 / 16
Cập nhật: 2017-06-11 10:54:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ừa về đến nhà tôi bắt tay vào việc ngay. Lòng quyết tâm khiến chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên. Tôi quyết làm những bài tập khó nhất trước, đúng như cô Olga Nikolaevna nói, rồi mới đến các bài dễ. Đúng hôm đó có bài về nhà môn số học. Tôi chẳng ngần ngừ chút nào, mở ngay vở bài tập, và đọc đề bài.
“Trong cửa hàng có tám cái cưa, và số rìu thì gấp ba số cưa. Một đội thợ mộc đã mua nửa số rìu và ba cái cưa giá tổng cộng 84 rúp. Số cưa và rìu còn lại bán cho một đội khác với giá 100 rúp. Hỏi giá một cái rìu và một cái cưa là bao nhiêu?”
Đầu tiên tôi chả hiểu gì cả nên đành phải đọc lại đề bài lần thứ hai, lần nữa, rồi thêm một lần nữa... Mãi rồi tôi cũng hiểu là người ra đề đã cố tình làm cho rắc rối để học sinh không thể giải được ngay. Ai lại viết “Trong cửa hàng có 8 cái cưa, số rìu gấp ba số cưa”. Thà cứ viết thẳng ra là 24 cái rìu còn hơn, bởi vì số cưa đã là 8 rồi thì tất nhiên ba lần 8 phải là 24. Thế mà cứ vòng vo mãi! Lại nữa “Một đội thợ mộc đã mua nửa số rìu cùng 3 cái cưa hết 84 rúp” – Sao không nói luôn họ đã mua 12 cái rìu cho dễ hiểu! Rõ ràng số rìu là 24 thì một nửa của 24 chẳng là 12 là gì. Tức là 12 cái rìu và 3 cưa giá 84 rúp. Rồi lại rắc rối tiếp, số rìu và cưa còn lại bán cho một đội khác với giá 100 rúp. Số rìu và cưa còn lại là bao nhiêu, sao chẳng nói thẳng bằng tiếng người đi cho xong là còn 12 cái. Tổng số rìu là 24, đã bán một nửa thì chẳng phải còn lại 12 cái là gì. Còn số cưa thì chỉ có mỗi 8 cái, đã nói ngay ở câu đầu tiên rồi, mà đội thứ nhất đã mua 3 cái, tức là đội thứ hai mua 5 cái chứ còn gì nữa. Thà cứ nói thẳng thế đi cho xong, đằng này cứ cố tình nói vòng nói vèo, làm học sinh lẫn lộn hết cả, sau đó chưa biết chừng lại còn đổ tại học sinh vì chậm hiểu nên không biết cách làm toán!
Tôi chép lại cái đề bài theo ý mình để có một đề toán dễ hiểu hơn, và tôi có cái đề bài như sau: “Trong cửa hàng có 8 cái cưa và 24 cái rìu. Một đội thợ mộc đã mua 12 rìu và 3 cưa hết 84 rúp, đội khác mua 12 rìu và 5 cưa hết 100 rúp. Hỏi một cái rìu và một cái cưa giá bao nhiêu”.
Chép lại đề bài rồi, tôi đọc lại nó và thấy giờ đây nó đã ngắn và rõ ràng hơn nhiều, nhưng tôi vẫn không hiểu phải làm thế nào để tìm ra đáp số. Những con số quay cuồng trong đầu tôi và không cho tôi nghĩ đến nơi đến chốn. Tôi quyết phải làm cho đề bài ngắn nữa, sao cho các con số trong đó ít hơn nữa, bởi vì số rìu và số cưa mà cửa hàng có là không quan trọng, bởi vì đằng nào thì người ta cũng đã bán hết sạch rồi. Tôi rút ngắn cái đề bài một lần nữa, và lần này thì tôi có:
“Một đội thợ mộc mua 12 rìu và 3 cưa hết 84 rúp. Đội khác mua 12 rìu và 5 cưa hết 100 rúp. Hỏi một rìu và một cưa giá bao nhiêu”.
Đầu bài ngắn lại đáng kể, và tôi thì bắt đầu nghĩ xem làm cách nào để rút ngắn nó tiếp. Chẳng quan trọng ai là người mua, bởi đằng nào thì giá rìu và giá cưa vẫn quan trọng hơn. Tôi nghĩ, nghĩ mãi và cuối cùng cái đề của tôi còn:
“12 rìu và 3 cưa giá 84 rúp
12 rìu và 5 cưa giá 100 rúp.
Vậy một rìu và một cưa giá bao nhiêu rúp?”
Không còn cách gì rút ngắn đề hơn nữa, tôi bắt đầu nghĩ cách giải nó. Tôi nghĩ, nếu 12 rìu và 3 cưa giá 84 rúp, tức là phải cộng số rìu và cưa lại rồi lấy 84 rúp chia cho tổng số đó. Tôi cộng 12 rìu với 3 cưa được 15, lấy 84 rúp chia cho 15 nhưng tôi chia cách nào thì cũng còn dư. Tôi hiểu là mình đã làm sai ở đâu đó, nên quay ra tìm cách khác. Tôi đem cộng 12 cái rìu với 5 cái cưa, được 17, rồi lấy 100 chia cho 17, nhưng vẫn dư. Tôi quyết định cộng tất cả số rìu lại với nhau, thêm vào con số đó 8 cái cưa nữa, rồi cộng chung số tiền lại và chia cho tổng số cả rìu lẫn cưa, nhưng vẫn không chia hết. Rồi tôi lấy riêng số rìu, chia tổng tiền cho số rìu vẫn không xong. Rồi tôi thử lại cộng rìu vào với nhau, còn cưa để riêng, lấy số tiền chia cho con số rìu... Tôi làm thử đủ mọi cách, nhưng chẳng ra làm sao cả, nên đành phải cầm vở đến nhà Vania Pakhomov.
- Cậu xem này, Vania, - tôi nói – 12 cái rìu và 3 cái cưa giá 84 rúp, 12 cái rìu và 5 cái cưa giá 100 rúp. Vậy giá một cái rìu và một cái cưa là bao nhiêu? Theo cậu bài toán này phải giải như thế nào?
- Thế cậu nghĩ thế nào? – nó hỏi.
- Tớ nghĩ phải cộng 12 cưa với 3 rìu, được 15 rồi lấy 84 chia cho 15.
- Khoan đã, nhưng tại sao cậu lại cộng số cưa với số rìu
- Thì tớ muốn biết tất cả là bao nhiêu, rồi lấy 84 chia cho tất cả số đó để ra giá của một cái.
- Cái gì? Cái rìu hay cái cưa?
- Thì cưa, - tôi nói, - hoặc là rìu
- Thế theo cậu thì hoá ra giá rìu và giá cưa là bằng nhau à?
- Thế chẳng lẽ không bằng nhau à?
- Tất nhiên là không bằng nhau. Bởi vì đầu bài có nói là giá của chúng bằng nhau đâu. Câu hỏi là giá một chiếc rìu là bao nhiêu, một chiếc cưa là bao nhiêu, riêng cơ mà. Có nghĩa là không cộng chung hai con số đó được.
- Nhưng mà, - tôi nói, - dù cộng hay không cộng đằng nào cũng chả giải được!
- Chính vì thế nên cậu không giải được.
- Thế phải làm thế nào? – Tôi hỏi.
- Cậu thử nghĩ xem.
- Tớ đã nghĩ cả hai tiếng đồng hồ rồi ấy chứ!
- Nào, bây giờ cậu hãy nhìn đầu bài nhé, - Vania nói. - Cậu thấy gì nào?
- Tớ thấy là 12 cái rìu và 3 cưa thì giá 84 rúp, còn 12 rìu với 5 cưa thì giá 100 rúp.
- Thế cậu có thấy là hai đội đó mua cùng một số cưa, còn số rìu thì chênh 2 cái không?
- Thấy, - tôi nói.
- Thế cậu có thấy là số tiền mà đội thứ hai phải trả cũng nhiều hơn không?
- Thấy rồi, - tôi nói. - Đội thứ nhất trả 84 rúp, đội thứ hai trả 100 rúp, 100 trừ đi 84 thì còn 16.
- Thế cậu có biết vì sao đội thứ hai phải trả nhiều hơn 16 rúp đó không?
- Chuyện đấy thì ai mà chẳng biết, là do họ mua nhiều hơn đội kia 2 cái cưa mà.
- Thế thì có nghĩa là 16 rúp đó là giá 2 cái cưa?
- Đúng rồi, 2 cái cưa.
- Vậy thì 1 cái cưa giá bao nhiêu?
- Lấy 16 chia cho 2, - tôi nói, - được 8.
- Đó, cậu đã tính được giá một cái cưa rồi đấy.
- Phù, trời ơi, hóa ra bài toán dễ thế! Thế thì tại sao tớ chẳng nghĩ ra ngay nhỉ?!
- Khoan đã, cậu đã tính được giá một cái rìu đâu.
- Ôi, chuyện vặt, - tôi nói. – 12 rìu và 3 cưa giá 84 rúp. 3 cưa giá 24 rúp. 84 trừ 24 còn 60, như thế 12 cái rìu giá 60 rúp. Vậy thì một cái rìu - lấy 60 chia cho 12, tức là 5 rúp.
o O o
Trở về nhà, tôi rất lấy làm buồn vì tôi đã không thể tự giải bài toán đó. Nhưng tôi đã quyết lần sau phải tự làm được bài. Dù phải ngồi nghĩ năm tiếng đồng hồ tôi cũng sẽ tự làm.
Hôm sau lại không có bài tập số học, và tôi rất lấy thế làm mừng, vì giải bài tập số học đối với tôi chẳng có gì là thú vị.
“Không sao, - tôi nghĩ, - chẳng gì thì mình cũng có một ngày để nghỉ ngơi, tránh được môn số học”.
Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Tôi vừa ngồi vào bàn học thì cái Lika em tôi nói:
- Anh Vichia ơi, chúng em có một bài số học, mà em không biết cách giải, anh giúp em nhé.
Tôi nhìn đầu bài và ngao ngán nghĩ: “Trời ơi, nếu tôi không giải được bài này là có chuyện đây! Còn gì là uy tín nữa”.
Tôi nói với nó:
- Giờ anh bận lắm, chưa có thì giờ. Chính anh cũng có khối bài tập phải làm. Em hãy đi chơi một chút đi, chừng hai tiếng vào, rồi khi em về thì anh sẽ giúp em.
Tôi nghĩ bụng: “Cứ để nó đi, trong khi đó mình sẽ suy nghĩ tìm cách giải, rồi mới giảng được cho nó”.
- Thôi được, em đến nhà bạn em chơi nhé, - Lika nói.
- Em đi đi, đi đi, - tôi nói, - Nhưng đừng về nhà sớm quá nhé. Em chơi hai hay ba tiếng cũng được. Nói chung là em muốn đi bao nhiêu thì đi.
Nó bỏ đi, còn tôi cầm vở bài tập của nó và bắt tay vào giải bài toán.
“Một em trai và một em gái vào rừng nhặt hạt dẻ. Hai em nhặt được 120 hạt. Em gái chỉ nhặt được một nửa số hạt của em trai. Hỏi mỗi em nhặt được bao nhiêu hạt?”
Tôi đọc đề bài, và thậm chí thấy buồn cười. “Ôi là bài tập! – Tôi nghĩ. – Có gì mà không hiểu nhỉ. Tất nhiên là phải lấy 120 chia cho 2, ra 60. Tức là đứa con gái nhặt được 60 hạt. Chỉ còn mỗi việc tính xem đứa con trai nhặt được bao nhiêu. Lấy 120 trừ đi 60, ra... 60. Có gì đó không đúng rồi! Hóa ra là chúng nó có số hạt bằng nhau, thế mà đầu bài thì lại bảo là đứa con gái chỉ nhặt được bằng một nửa của đứa con trai. À, tôi nghĩ. Tức là ta phải đem 60 chia cho 2, ra 30. Tức là đứa con trai nhặt được 60 hạt, còn đứa con gái bằng một nửa, tức là 30.
Tôi nhìn đáp số: Đứa con trai nhặt được 80 hạt, còn đứa con gái 40.
- Khoan đã! - Tại sao lại thế chứ? Tôi giải ra 60 và 30, thế mà đáp số lại là 40 và 80.
Tôi kiểm tra lại từ đầu - Tổng cộng chúng nó hái được 120 hạt dẻ. Nếu thằng bé hái được 60, còn đứa con gái 30, tức là tổng cộng có 90 thôi. Tức là tôi đã giải không đúng. Tôi làm lại bài toán một lần nữa. Lại một lần nữa tôi ra kết quả 30 và 60. Thế thì làm cách nào để ra đáp số là 40 và 80 nhỉ? Đúng là một cái vòng luẩn quẩn.
Tôi cứ suy nghĩ mãi. Đọc đi đọc lại đầu bài cả chục lần và không thể nào hiểu được bản chất của vấn đề ở đây là cái gì.
“Thế đấy, - Tôi nghĩ, - người ta ra cho học sinh lớp ba những đề toán khó đến nỗi học sinh lớp bốn không thể giải được! Thế thì chúng nó học hành thế nào nhỉ, thật tội”.
Rồi tôi lại suy nghĩ về đề toán. Tôi cảm thấy nếu không giải được thì thật là xấu hổ. Rồi thế nào nó cũng nói thế mà cũng đòi học lớp bốn, toán lớp ba còn chưa giải được. Tôi suy nghĩ căng hơn, nhưng cũng chẳng thấy sáng ra mấy. Cứ như bị ám vậy! Tôi ngồi xuôi tay, không biết phải làm gì. Trong đầu bài nói có tất cả 120 hạt dẻ, mà phải chia thế nào đó để đứa con trai có gấp đôi số hạt dẻ của đứa con gái. Giá mà có những con số khác thì có khi còn làm được cái gì đó, đằng này nhõn 120 và 2. Lấy 120 trừ đi 2, hay 120 nhân hai, đằng nào thì tôi cũng không thể tìm ra hai con số 40 và 80.
Vì tuyệt vọng quá tôi lấy bút chì vẽ vào quyển vở một cây dẻ, dưới gốc cây có 2 đứa trẻ, còn trên cây là 120 hạt dẻ. Việc cần phải làm là chia số hạt dẻ đó cho hai đứa, sao cho đứa này có gấp đôi số hạt của đứa còn lại. Vẽ xong cái cây, tôi lại tiếp tục nghĩ, có điều là những ý nghĩ của tôi cứ đi đằng nào ấy. Đầu tiên, tôi nghĩ tại sao thằng con trai lại có thể lấy được nhiều hạt dẻ hơn đứa con gái, rồi nghĩ ra rằng có lẽ vì nó là con trai, nên nó trèo lên cây, còn đứa con gái chỉ nhặt ở dưới gốc cây thôi, nên mới nhặt được ít hơn. Tôi bắt đầu hái hạt dẻ bằng cách tẩy dần số hạt và chia cho hai đứa bé, tức là vẽ lên trên đầu chúng nó. Rồi tôi nghĩ, có lẽ bọn trẻ con bỏ hạt dẻ vào túi. Thằng bé trai mặc áo khoác, tôi vẽ cho nó hai túi áo rõ to hai bên, còn đứa con gái mặc váy có tạp dề. Tôi vẽ trên cái tạp dề đó một cái túi. Đột nhiên tôi nghĩ, có lẽ vì thằng con trai có hai túi áo, cho nên nó mới nhặt được số hạt dẻ nhiều gấp đôi đứa con gái chỉ có một cái túi thôi. Thế là tôi ngồi và ngắm nghía cái hình vẽ: Thằng con trai có 2 túi, và đứa con gái có 1 túi. Đột nhiên những tia sáng kì lạ loé lên trong đầu tôi. Tôi vội vàng tẩy những hạt dẻ trên đầu bọn trẻ và vẽ nó vào các túi. Những cái túi tôi vẽ cho căng phồng, vì đầy hạt dẻ. Tất cả 120 hạt dẻ giờ đã nằm gọn trong ba cái túi: hai túi của thằng bé, và một túi của đứa con gái. Và một ý nghĩ đột ngột loé lên trong đầu tôi, như một tia chớp: “Phải chia 120 hạt dẻ đó thành ba phần! Đứa con gái nhận một phần, còn hai phần kia là của đứa con trai. Như thế đứa con trai có số hạt gấp đôi đứa con gái”!
Tôi lấy 120 chia 3, rất nhanh, là 40. Tức là phần của đứa con gái có 40 hạt dẻ. Còn thằng bé có 2 phần, tức là lấy 40 nhân 2, ra 80. Chính xác như trong đáp số. Tôi suýt nữa thì nhảy lên vì vui mừng, và lập tức chạy tới nhà Vania Pakhomov để kể cho nó nghe tôi đã tự mình nghĩ ra cách giải bài toán đó.
Chạy ra ngoài phố, tôi nhìn thấy thằng Siskin.
- Này, - tôi nói, - Kostia ơi, một đứa con gái và một đứa con trai cùng nhặt hạt dẻ trong rừng, nhặt được 120 hạt, đứa con trai lấy nhiều gấp đôi đứa con gái. Theo cậu phải làm thế nào?
- Bớp cho nó một nhát, - nó nói, - vào gáy ấy, cho chừa cái thói bắt nạt con gái đi!
- Không, không phải là chuyện đó! Phải chia số hạt dẻ thế nào để đứa con trai có nhiều gấp đôi đứa con gái cơ?
- Thì kệ chúng nó tự chia nhau vậy. Sao cậu cứ bám lấy tớ mãi thế! Bảo chúng nó phải chia đều!
- Không chia đều được, đây là đề toán mà.
- Còn đề toán nào nữa?
- Đề bài môn số học ấy.
- Phù, - Siskin nói. - Con lợn biển của tớ bị chết rồi, cái con tớ mới mua hôm kia ấy, thế mà cậu thì nói chuyện đề bài số học với tớ!
- Ôi, tớ xin lỗi vậy, - tôi nói. -Tớ không biết là cậu đang gặp hạn.
Tôi chạy tiếp. Đến nhà Vania.
- Cậu nghe này, - tôi nói. - Có một đề số học khó khủng khiếp: một đứa con trai và một đứa con gái cùng hái được 120 hạt dẻ, đứa con trai lấy phần nhiều gấp đôi đứa con gái. Phải chia số hạt dẻ làm ba phần. Tớ giải thế có đúng không?
- Đúng rồi, - Vania nói, - Đứa con gái lấy một phần, còn hai phần thì cho đứa con trai, như thế thì nó sẽ có nhiều gấp đôi đứa con gái.
- Tự tớ nghĩ ra cách giải đấy, - tôi nói. - Cậu hiểu không, người ta cố tình ra bài khó, tưởng học sinh chẳng giải được ấy chứ, thế mà tớ đã tự giải được đấy.
- Ừ, cậu giỏi lắm!
- Từ giờ trờ đi tớ sẽ tự mình làm bài tập toán.
- Cậu cố gắng nhé. Tự mình làm lấy bao giờ cũng tốt hơn mà, hiểu được nhiều hơn, - Vania nói.
Tôi chạy về nhà.
Đột nhiên, tôi trông thấy thằng Iura Kasatkin.
- Nghe này, Iura ơi, - tôi nói, - Một đứa con trai và một đứa con gái cùng nhặt hạt dẻ trong rừng....
- Thôi chuyện mấy cái hạt dẻ của cậu được rồi đấy! Tốt nhất cậu hãy giải thích tại sao không học bài mà lại chạy rông ngoài phố thế này.
- Tớ học bài đấy chứ, lời danh dự đấy!
- Thôi bỏ thề thốt đi! Cậu làm cả lớp tụt hậu! Cậu với cả Siskin bạn cậu nữa.
- Thề danh dự tớ học thật mà, còn thằng Siskin thì con lợn biển của nó vừa mới chết. Cậu đi đâu đấy?
- Tớ muốn đến nhà cậu xem cậu học hành thế nào, nhưng không gặp cậu ở nhà. giờ thì tớ thấy cậu làm bài tập thế nào rồi.
- Thật mà, thề danh dự mà, tớ đang giải bài tập, nhưng không được, nên tớ sang nhà thằng Vania chỉ một phút thôi để hỏi nó. Nào vào nhà tớ, rồi cậu sẽ thấy.
Vào nhà, tôi đưa cho nó xem bài toán về đứa con trai và đứa con gái nhặt hạt dẻ.
- Nhưng đây là toán lớp ba mà! - Iura nói.
- Thì tớ đang ôn lại các bài toán năm ngoái đấy chứ, - tôi nói. - Năm ngoái tớ học môn số học không được tốt lắm, nên bây giờ muốn ôn lại.
- Ừ cậu nghĩ được thế thì tốt lắm. Khi đã nắm vững bài cũ rồi thì cậu học các bài mới sẽ dễ hơn.
Iura về.
Chẳng mấy chốc thì cái Lika về đến nhà. Tôi lập tức giảng cho nó cách giải bài toán, có cả hình vẽ cái cây dẻ, đứa con trai mặc áo khoác có hai túi, và đứa con gái mặc tạp dề có một túi.
- Ôi, - Lika nói, - anh giảng dễ hiểu quá! Chứ tự em thì chắc em không làm nổi mất!
- Hừ, bài này cũng dễ thôi mà. Khi nào em cần hỏi thì cứ gọi anh nhé, anh sẽ giảng giải cho em ngay.
Tôi đã biến thành một người hoàn toàn khác như thế đấy. Trước kia tôi phải trông chờ ở sự giúp đỡ của người khác, thế mà hôm nay tôi đã có thể giúp người khác học tập. Và cái chính là học môn số học, môn mà chính tôi bị điểm hai!
Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường - Nikolai Nosov Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường